Hoa chanh nở
trái mùa
Kịch huyền thoại hai phần
NHÂN VẬT
Luyến - Nữ du kích, 24 tuổi.
Quảng - Bí danh là Việt Quang, trung đoàn
trưởng, Vệ quốc quân, 28 tuổi.
Mẹ Luyến - Ngoài
50 tuổi
Tâm - Nữ bí
thư Đảng bộ xã, 28 tuổi.
Xã đội trưởng - Sau
thành chủ tịch xã, 28 tuổi
An-be
Bảo - Thiếu tá quân đội Pháp, con trai cựu tuần phủ tỉnh Quảng Yên.
Quản Miện - Thiếu uý
nguỵ, 40 tuổi.
Lệ Thuỷ -
Vợ chưa cưới của An-be Bảo.
Dân chúng, bộ đội, binh lính nguỵ và khách khứa trong bữa
tiệc.
Chuyện xảy ra trong cuộc kháng chiến
chống Pháp tại tỉnh Quảng Yên cũ (giữa thế kỷ XX).
Khai từ
Trên
sân khấu hiện lên một rừng chanh, tốt nhất là được hoạ sĩ tạo hình theo lối
cách điệu : Những thân cành già cỗi, sum suê, nặng trĩu những quả chanh to
mọng. Rừng chanh mang một vẻ vừa trang nghiêm vừa huyền bí.
Nhạc
nổi lên trầm hùng đồng thời gợi cảm giác bát ngát, mênh mang.
Tiếng
ngâm thơ (trên nền
nhạc).
Quê hương tôi trải
dài trên biên khu Đông Bắc
Núi tiếp núi, đỉnh
ngập trong mây
Rừng nối rừng, âm u
rậm rạp
Nơi đây mỗi tảng đá
ngọn cây
Đều tích tụ bao buồn-
vui- hờn- tủi
Quê tôi có một rừng
chanh già cỗi
Năm nào cũng chĩu
chít quả to thơm mọng
"Rừng chanh
thiêng"
Như dân trong vùng
thường gọi
Người ta thêu dệt bao
nhiêu huyền thoại...
Những huyền thoại mỗi
ngày một nhiều thêm
Và sẽ còn kéo dài
thêm mãi mãi.
Một trong những huyền
thoại ấy
Kể về nỗi oan của một
người con gái
Mà thiên nhiên, núi
rừng cây cỏ
Đã góp phần giải tỏa
cho nàng…
P H Ầ N T H Ứ N H Ấ T
Cảnh một
Rừng chanh cách điệu từ từ mờ đi, nhường chỗ cho phòng
khách tên sĩ quan đồn trưởng kiêm chỉ huy phân khu Quảng Yên. Phân khu này
thuộc hệ thống quân sự của quân đội Pháp tại Bắc Kì.
Đồn bố trí trên một ngọn đồi khá cao. Nhìn rõ ngoài cữa
sổ những hàng rào dây thép gai và những nóc lô cốt bên dưới. Xa xa là đường
viền gãy góc của dãy núi Yên Tử ngập trong mây.
Trong phòng, một bộ xa-lông mặt đá kiểu cổ, vết tích còn
sót lại của một gia đình quan lại dưới thời triều Nguyễn.
An-be Bảo vóc người cân đối, cao, rất đẹp trai, ăn mặc rất trau chuốt trong bộ quân
phục sĩ quan thẳng nếp, đeo lon thiếu tá quân đội Pháp. Hắn đứng khoanh tay
nhìn ra ngoài cửa sổ ngắm phong cảnh.
Quản Miện bước vào, thấp, vạm vỡ, mặt đen sạm sần sùi, trong bộ quân phục nhàu nát,
rằn ri, khác hẳn tên thiếu tá kia. Quản Miện cầm chai rượu và mấy chiếc cốc.
QUẢN MIỆN. Thưa
Thiếu tá, tôi kiếm mãi mới được chai cô-nhắc này để tiếp Ngài, vị khách quí của
phân khu Quảng Yên chúng tôi. (Rót rượu ra cốc.) Xin mời Ngài!
AN-BE BẢO. Cảm ơn ông Thiếu uý! (Trỏ ra ngoài cửa sổ.) Đường viền dãy núi Yên Tử mới hùng vĩ làm sao ! Tôi ngắm
mãi không chán mắt.
QUẢN MIỆN (cười).
Nhưng nếu phải ở lại đây thì chỉ vài tuần ngài Thiếu tá sẽ ngán ngẩm. Các ngài
quen sống ở thành phố lớn, ra nơi biên cương hoang vu này, ai cũng khen phong
cảnh đẹp, nhưng thiếu các tiện nghi, thiếu phố xá sầm uất, chẳng bao lâu các
ngài sẽ nhớ thành thị và thấy phong cảnh
ở đây chẳng đẹp đẽ gì nữa. Kìa, xin mời Ngài Thiếu tá.
AN-BE BẢO (trầm ngâm nâng cốc nhấp
một ngụm.) Tôi không
giống họ. Suốt một năm qua, từ khi ở Pháp về, phải ngồi bàn giấy ở cơ quan tham
mưu của tướng Cô-nhi tại Hà Nội, tôi đã ngán lắm rồi. Xin mãi mới được tướng
quân cho ra khu Đông Bắc này làm trợ lí cho đại tá Lơ-gơ-răng . (Đặt cốc xuống.) Tôi sinh ra không phải để ngồi
trong những phòng khách diêm dúa. Tôi là người của núi rừng. Lên 8 tuổi tôi đã
phi ngựa như bay. Đến 12 tuổi, khi hai tay vừa đủ sức nâng khẩu súng hai nòng
lên khỏi mặt đất, tôi đã tập bắn súng. Và năm 14 tuổi, Thiếu uý có thể ngờ được
không, tôi được cha tôi cho tham dự một cuộc vây bắt thổ phỉ buôn thuốc phiên
lậu qua biên giới. Cái lần đầu tiên tham gia trận mạc ấy, tôi đã tự tay bắn ngã
một con ngựa thồ hàng, bắn vỡ sọ một thằng Sán Dìu và làm bị thương một thằng Mán
Tiền.
QUẢN MIỆN (thán phục.)
Thật thế ư, thưa Ngài Thiếu tá ? Thì ra thủơ nhỏ Ngài đã từng sống ở vùng này?
AN-BE BẢO (cười, trỏ ra ngoài cửa sổ, xuống phía chân đồi.) Nhà tôi ngày trước ở dưới chân đồi
kia, cách chỗ chúng ta đứng không đầy ba trăm mét.
QUẢN MIỆN (sửng sốt.)
Tôi không ngờ đấy!
AN-BE BẢO. Ông Thiếu uý nhìn thấy đống gạch ngói đổ nát dưới kia
không? Dinh cơ của cha tôi ngày xưa đấy. (Trầm ngâm.) Mọi thứ tan tành cả, còn sót lại
chỉ vài mảnh tường đổ.
QUẢN MIỆN (hét lên mừng rỡ).
Trời ơi, cậu Bảo ! Bây giờ thì tôi nhận ra rồi. Thiếu tá chính là cậu Bảo, con
trưởng quan lớn Tuần phủ Quảng Yên ngày trước ! (Chạy đến ôm An-be
Bảo, trào nước mắt.)
Hẳn nào từ lúc Cậu đến đây, tôi cứ ngờ ngợ. Hình như tôi đã gặp ông thiếu tá
này ở đâu rồi. Bây giờ mới rõ. Cậu rất giống tấm ảnh Quan lớn treo trong phòng
tiếp khách của Người ngày xưa.
AN-BE BẢO. Ông Thiếu uý có nhìn thấy tấm ảnh ấy ?
QUẢN MIỆN. Vâng. Chẳng là sau khi quan lớn Tuần phủ gửi cậu vào Huế,
thì quan lớn mới lấy tôi vào hầu hạ. Tôi đã hầu hạ cụ lớn cho đến khi... (Ngừng bặt.)
AN-BE BẢO (nhếch mép cười chua chát). Cho đến khi cha tôi bị toà án Việt
Minh xử bắn dưới ngã tư kia chứ gì ?
QUẢN MIỆN. Bẩm Thiếu tá, đúng thế. Tội nghiệp quan lớn quá ! Mà
chúng có xét xử gì đâu? Mỗi một thằng đứng ra đọc lệnh của Uỷ ban Khởi nghĩa
huyện Đông Triều và thế là chúng nó bắn quan lớn ngay.
AN-BE BẢO (không muốn nghe).
Tôi đã được mẹ tôi kể lại đầy đủ chuyện ấy rồi.
QUẢN MIỆN. Bẩm Thiếu tá, bà lớn với các cô các cậu sống ở Hà Nội vẫn
bình yên chứ ạ?
AN-BE BẢO. Cảm ơn Thiếu uý, mẹ tôi không được khoẻ lắm.
QUẢN MIỆN. Cái thằng khốn nạn ấy, là tôi nói thằng huyện đội trưởng
Việt Minh đã tuyên án tử hình quan lớn ấy, tôi tiếc không được băm vằm nó ra
cho hả giận.
AN-BE BẢO. Thiếu uý chỉ cho tôi, tôi sẽ bắt nó phải đền tội.
QUẢN MIỆN. Nó chết rồi, thưa Ngài thiếu tá. Chứ nếu nó còn sống thì
đời nào tôi chịu để nó yên.
AN-BE BẢO (quay lại nhìn thẳng vào mắt Quản Miện). Nó chết trong trường hợp nào ?
QUẢN MIỆN. Thằng khốn nạn chỉ huy một đại đội Việt Minh liều lĩnh
tấn công vào thị xã Quảng Yên và bị tử trận cách đây đã hai năm rồi.
AN-BE BẢO (uống cạn cốc rượu, trầm ngâm.) Như thế cũng được. Dù sao tôi vẫn tiếc không được tự tay
bóp cổ nó. Nhưng thiếu úy biết đích xác nó chết rồi chứ ?
QUẢN MIỆN. Giấy báo tử của chúng đã gửi về đến tận gia đình nó.
AN-BE BẢO. Nó có gia đình ở đây ?
QUẢN MIỆN. Bẩm Thiếu tá, nó gốc ở Cẩm Phả nhưng lại lấy vợ ở đây.
Có một chi tiết nhỏ chứng tỏ số kiếp nó cũng chẳng ra cái gì. Chẳng là đám cưới
nó được tổ chức vào cái ngày quân đội Pháp tấn công chiếm tỉnh Quảng Yên năm
bốn mươi bảy. Thằng khốn nạn ấy chưa kịp động phòng với cô dâu thì đã phải bỏ
chạy với cơ quan Việt Minh huyện ra khỏi đất này. Thành thử tuy mang tiếng đã
cưới vợ, nhưng cho đến khi chết nó vẫn chưa thực sự được làm chồng.
Cả hai người cười thích thú. Bổng một tiếng
nổ rất lớn từ dưới phố vọng lên.
(Quản
Miện giật mình, ngừng cười chạy ra cửa sổ nhìn xuống.) Cái gì thế nhỉ? Trình thiếu tá, tôi xin phép chạy xuống
phố xem có chuyện gì. Lại đứa nào say rượu làm nổ lựu đạn.
AN-BE BẢO. Không phải lựu đạn. Nghe như tiếng bom hay mìn. Du kích
Việt Minh chăng?
QUẢN MIỆN. Bẩm Thiếu tá, chắc không phải. Vì từ lâu vùng này khá
yên ổn. Tôi xin phép Thiếu tá! (Chạy ra.)
Còn lại một mình, An-be Bảo rót thêm cốc rượu
lặng lẽ nhấp từng ngụm nhỏ.
Một tên lính dõng chạy vào, đưa mắt như tìm
ai.
AN-BE BẢO. Đứng lại, ta hỏi.
Anh biết chuyện gì vừa xảy ra dưới phố không?
LÍNH DÕNG. Bẩm Thiếu tá, du kích Việt Minh quăng lựu đạn làm ngài
Đại uý đồn trưởng bị tử nạn.
AN-BE BẢO (sửng sốt, đặt cốc rượu xuống). Đại uý Coóc-bô đã chết?
LÍNH DÕNG. Bẩm Thiếu tá, đúng thế.
AN-BE BẢO. Ngoài Đại uý, còn ai bị nạn nữa không ?
LÍNH DÕNG. Bẩm, còn một sĩ quan và hai hạ sĩ quan nữa thiệt mạng.
Năm người khác bị thương nặng.
AN-BE BẢO (cau mặt).
Những vụ như thế này có hay xảy ra không ?
LÍNH DÕNG. Bẩm Thiếu tá, vụ lớn như thế này thì hiếm, nhưng chuyện
lặt vặt như rải truyền đơn, hoặc một hai chiến binh đi chơi khuya ở nơi hẻo
lánh bị sát hại thì vài ngày lại xảy ra một vụ.
AN-BE BẢO. Sao ta đọc báo cáo của Đại uý Coóc-bô gửi về quân khu
không thấy nói đến?
LÍNH DÕNG. Bẩm, chuyện ấy thì con không biết được ạ. (Chạy ra.)
Liền sau ấy Quản Miện chạy vào.
QUẢN MIỆN. Bẩm Thiếu tá, ngài Đại uý Coóc-bô...
AN-BE BẢO (ngắt lời).
Tôi đã biết. Ông Thiếu uý đã có biện pháp nào đối phó chưa? Bắt được hung thủ
rồi chứ ?
QUẢN MIỆN. Thưa Thiếu tá, tuy chưa bắt được hung thủ, nhưng anh em
binh sĩ lúc đó có mặt dưới phố đã nhanh tay chạy đến giữ lại được 14 kẻ tình
nghi. Tôi đã ra lệnh giải hết lên đồn để xét hỏi từng đứa, tìm xem trong đó đứa
nào là hung thủ.
AN-BE BẢO. Không cần xét hỏi. Đem bắn tất cả 14 đứa ấy. Bắn ngay
chiều nay, trong lễ mai táng ông Đại uý đồn trưởng và các sĩ quan tử nạn.
QUẢN MIỆN. Thưa Thiếu tá, ngài ra lệnh như thế ạ ?
AN-BE BẢO. Ông Thiếu uý không tán thành chăng ?
QUẢN MIỆN. Trái lại thì có, thưa Thiếu tá. Tôi rất mừng thấy ngài
Thiếu tá cứng rắn như vậy. Quan cố đồn trưởng, Đại uý Coóc-bô, hôm nay bị nạn
cũng vì đã không có thái độ cứng rắn cần thiết mỗi khi xảy ra những vụ khủng bố
của du kích Việt Minh. Ôi, giá mà Thiếu tá về được đây chỉ huy anh em chúng
tôi!
AN-BE BẢO. Tôi cũng đang nghĩ đến khả năng ấy. Phân khu Quảng Yên
hiện nay đang khuyết người chỉ huy.
QUẢN MIỆN. Đúng thế. Chà… Vậy là Ngài cho bắn tất cả 14 đứa ấy?
AN-BE BẢO. Sao thiếu uý hỏi đi hỏi lại như vậy?
QUẢN MIỆN. Thưa, vì tôi mừng quá, chỉ sợ mình nghe lầm. Hay lắm!
Bọn chúng đáng đem bắn tất. Nhất là trong số đó có một đứa đáng bị bắn từ lâu
rồi.
AN-BE BẢO. Đứa nào vậy? Ông Thiếu uý có thù riêng với nó chăng?
QUẢN MIỆN. À, bẩm Thiếu tá, nó chính là vợ cái thằng khốn nạn đã
tuyên án tử hình quan lớn Tuần phủ thân sinh ra Ngài đấy.
AN-BE BẢO. Cái thằng Huyện đội trưởng Việt Minh ngày ấy ? Vợ nó còn
sống à ? Rất tốt ! Vậy trước khi đưa nó ra bắn với 13 đứa kia, ông thiếu uý
giải nó lên đây cho tôi nhìn mặt. Biết đâu tôi chẳng nghĩ ra được một cách hành
hạ đặc biệt cho xứng đáng với tội ác mà thằng chồng nó đã gây ra đối với gia
đình tôi. (Nhìn ra.) Kia rồi ! Họ đang giải bọn chúng lên đồn. Ông Thiếu uý
ra dẫn con vợ thằng khốn nạn ấy vào đây cho tôi. Rồi ông đi lo tổ chức mai táng
cho Ngài Đại uý Coóc-bô và các sĩ quan thiệt mạng vì tình bằng hữu Việt-Pháp.
Quản Miện ra. An-be Bảo đứng dậy, đi đi lại lại suy nghĩ. Hắn rút một điếu
thuốc châm lửa hút. Được vài hơi hắn quăng điếu thuốc xuống sàn, lấy bàn chân
di mạnh vẻ giận dữ, sau đó bước nhanh đến bàn giấy kê ở góc phòng, ngồi xuống
viết lia lịa.
Quản Miện giải một cô gái bị trói. Cô gái trạc 23 - 24 tuổi, khá đẹp, vẻ
mặt bình thản, không hề có vẻ sợ hãi.
QUẢN MIỆN. Bẩm Thiếu tá, tù nhân đã có mặt.
AN-BE BẢO (vẫn mải viết nhanh,
không ngẩng đầu lên). Ông để nó đấy cho tôi rồi đi lo công việc.
QUẢN MIỆN. Xin tuân lệnh Ngài Thiếu tá! (Ra.)
AN-BE BẢO (viết xong, đặt bút ngẩng đầu lên nhìn cô gái, sửng sốt). Hình như
cô Luyến phải không ? Đúng cô Luyến rồi ! (Đứng phắt dậy bước đến gần cô gái, nhìn thẳng vào mắt cô.) Chính cô
là vợ cái thằng đã giết cha tôi sao ?
LUYẾN (bình thản). Anh
ấy đã chết rồi.
An-be Bảo lúng túng.
Việc kẻ phạm tội lại là cô bạn thân thiết thủa nhỏ khiến hắn ngỡ ngàng.
AN-BE BẢO. Chính cô... chính cô đã quăng bom giết ông đại uý người
Pháp chỉ huy phân khu chúng tôi ?
LUYẾN (vẫn nhỏ nhẹ). Không phải tôi.
AN-BE BẢO. Nhưng cô có tham dự vào tội ác ấy ?
LUYẾN. Tôi không dính dáng và cũng không
biết gì về chuyện ấy.
AN-BE BẢO. Vậy tại sao người ta bắt cô giải lên đây?
LUYẾN. Tôi không biết. Có lẽ chỉ vì tôi tình
cờ có mặt tại khu vực ấy.
Im lặng.
AN-BE BẢO. Chà, tôi không ngờ được gặp lại cô Luyến đấy ! Bao nhiêu
kỷ niệm thuở nhỏ như trỗi cả dậy ! Cô còn nhớ hồi nhỏ hai chúng mình thân nhau
đến mức nào không ? (Mơ
màng.) Hồi ấy thấy
tôi học kém, cha tôi đã nhờ thầy giáo, cha của cô, kèm thêm vào thứ Năm và Chủ
nhật. Bao nhiêu lần tôi mải chơi, bỏ học, cô đã bao che cho tôi để tôi khỏi bị
đòn. Luyến còn nhớ không? Hồi đó cô mới mười bốn mười lăm tuổi chứ gì? Tôi rất
mến cô và tính đợi vài năm cô đủ tuổi sẽ nói với ba má đem trầu cau sang ông bà
giáo xin cho cô về làm vợ tôi kia đấy! (Nhìn Luyến say đắm.) Thế mà sau mấy năm xa cách,
gặp lại nhau chúng mình lại ở trong một tình thế oái oăm thế này! (Mỉm cười trìu mến.) Suýt nữa tôi ra lệnh bắn cô đấy.
Nhưng thôi, được biết cô còn sống và vẫn ở lại đây là tôi mừng rồi.
LUYẾN (rất nhỏ).
Tôi đã có chồng rồi.
AN-BE BẢO. Tôi biết. Nhưng hắn đã chết. Vừa rồi, tình cờ tôi còn
được biết cả về đám cưới của cô nữa chứ! (Vui vẻ.) Một đám cưới không thành. Cho nên chưa thể nói cô đã có
chồng. (Bước
đến gần, cởi trói cho Luyến.)
Bây giờ tôi tha cho cô. Vì tình bạn thuở nhỏ! Nhưng tôi cũng đòi ở cô một điều
đáp lại. Cô phải đứng ra ngoài cuộc chiến tranh tàn bạo này. Việc chém giết
không thích hợp với cô chút nào đâu, cô đồng ý chứ ? Thôi, hãy tạm thế đã. Ta
còn nhiều dịp gặp lại nhau. Tôi có bao nhiêu điều cần bàn với cô. Mà cô nắm cái
gì trong tay thế kia ?
Luyến không trả lời.
Mở
bàn tay cho tôi xem nào? (Cười vui vẻ.) Thì ra đến bây giờ cô vẫn còn tin vào cái lời đồn đại
hoang đường ấy à? "Rừng Chanh Thiêng". Cô tưởng hễ nắm trong tay một
chiếc lá như thế, cô sẽ thoát được mọi hiểm nguy đấy hẳn? Không đâu, cô Luyến ạ
! Chúng tôi mà bắt được quả tang cô mưu đồ việc gì chống lại quân đội Việt-Pháp
thì dù cô có nắm vài trăm, vài ngàn cái lá chanh ấy trong tay, đạn của chúng
tôi vẫn cứ bắn vỡ tan cái sọ xinh xắn kia. Thậm chí ngay cả tình bạn thân thiết
thuở nhỏ giữa chúng ta, tôi cũng quăng nó vào sọt rác và sẽ đích thân hô lính
nhả đạn. Cô hãy nhớ cho kĩ. Nhưng nói thế thôi chứ tôi tin rằng cô đã thừa
hiểu. (Gọi
to.) Ông Thiếu uý !
QUẢN MIỆN (chạy vào.) Trình Thiếu tá?
AN-BE BẢO. Ông thả cô gái này ra.
QUẢN MIỆN (sủng sốt). Nhưng nó chính là...
AN-BE BẢO (ngắt lời).
Tội chồng không thể bắt vợ chịu thay. Vả lại thằng khốn nạn kia đã đền tội cách
đây hai năm rồi, chính ông đã nói thế, đúng không nào ?
QUẢN MIỆN. Bẩm Thiếu tá, không phải nó chỉ là vợ Huyện đội trưởng Việt Minh, mà chính bản thân
nó cũng...
AN-BE BẢO (hơi khó chịu). Ông hãy thi hành mệnh lệnh của tôi.
(Sau
một chút.) Cô ấy đã
hứa với tôi là không tham gia vào chiến tranh nữa. (Cười.) Mà thế là đúng. Chém giết là việc
của đàn ông chúng ta. Còn cô ấy là phụ nữ. Việc của họ là đem niềm an ủi đến
cho cái thế gian đầy đau khổ này.
QUẢN MIỆN. Thiếu tá đừng tin ở những lời hứa.
AN-BE BẢO (khó chịu thật sự). Tôi đã quyết định rồi !
QUẢN MIỆN (vội vã). Nếu Ngài Thiếu tá đã cân nhắc kỹ...
AN-BE BẢO. Đúng thế. Ông hãy thả cô ấy về. Cô ấy đã là người của
chúng ta từ hôm nay. Từ giờ phút này.
QUẢN MIỆN. Thưa, còn số tình nghi kia ạ ?
AN-BE BẢO. Vẫn thế, không có gì thay đổi.
QUẢN MIỆN (quay đầu ra ngoài, gọi to). Ê, lính !
LÍNH DÕNG (chạy vào). Trình Thiếu uý ?
QUẢN MIỆN. Dẫn cô này ra cổng rồi thả, cho về nhà.
LÍNH DÕNG (lập nghiêm). Tuân lệnh! (Ra cùng Luyến.)
AN-BE BẢO. Ông Thiếu uý ! Cái rừng chanh bên kia sông vẫn được người
dân ở đây kính nể lắm sao ?
QUẢN MIỆN. Bẩm Thiếu tá, quả thật cái rừng ấy cũng thiêng thật. Năm
ngoái hai tên dõng vào vặt quả rồi nói năng bậy bạ thế nào mà về đến nhà lên
cơn sốt đùng đùng. Trong lúc mê sảng cứ luôn miệng van lạy thần thánh tha tội .
AN-BE BẢO (cười vang). Rồi hôm sau uống vài viên hạ sốt thì
khỏi chứ gì ?
QUẢN MIỆN. Bẩm Ngài, không phải thế. Hai đứa mê sảng suốt một ngày
một đêm rồi lăn ra chết cả hai.
AN-BE BẢO (cười rũ rượi). Tôi không ngờ ông là sĩ quan mà còn
hồ đồ thế. Nếu như có thần thánh ma quỷ thì tôi và ông đã bị họ vật chết từ lâu
rồi. Vì tôi với ông đã giết oan bao nhiêu người ! Phải thế không nào ?
QUẢN MIỆN (dáng vẫn còn sợ hãi). Dù sao Ngài Thiếu tá cũng đừng nên đụng đến cái rừng
chanh ấy. Vì cũng phải thế nào, dân ở đây người ta mới tin chứ. Từ cụ già đến
trẻ con, ai cũng thành kính gọi đấy là "Rừng Chanh Thiêng".
AN-BE BẢO (lại cười vang).
Chỉ lưỡi lê, khẩu súng, quả lựu đạn mới thật sự linh thiêng. Còn mọi thứ khác
đều là chuyện bày đặt do đầu óc hoang tưởng của trẻ con hết.
QUẢN MIỆN. Ngài Thiếu tá không tin có những sức mạnh huyền bí ?
AN-BE BẢO (vui vẻ, vỗ vai Quản Miện, thân mật). Ông hãy nhớ kĩ lời tôi nói. Chỉ kẻ
yếu hèn mới tin vào những điều "huyền bí" ấy. Còn ông với tôi là
những kẻ mạnh ! (Xốc
lại quần áo.) Thôi,
ta ra xem công việc mai táng cho Đại uý Coóc-bô tiến hành đến đâu rồi. (Kéo Quản Miện cùng ra.)
Cảnh hai
Một
góc của rừng chanh. Đêm khuya. Trăn trên cao rọi xuống khiến những thân và cành
lá có một vẻ huyền ảo. Nhạc day dứt. Bổng tiếng một băng trung liên nổ rất gần.
Khi tiếng súng im, vẻ tĩnh mịch như càng tăng thêm. Một đám mây che khuất mặt
trăng khiến khu rừng tối sầm lại. Sau đấy một lát, khu rừng lại bừng sáng.
Một
bóng người xuất hiện, lom khom luồn qua những khóm cây già cỗi. Đấy là một cô
gái. Chính là Luyến. Cô lách lên tiền trường.
LUYẾN (nhìn quanh).
May quá, đồng chí ấy chưa đến. Mà còn sớm. Trăng đầu tháng chưa lên đến đỉnh
đầu. (Ngồi
xuống, lấy lược ra chải làn tóc bị rối bù lúc cô lách qua các cành cây.) Mùi hoa chanh thơm quá ! (Chải xong, cô ngắm
nghía các cành chanh.)
Hồn thiêng các vị nữ tướng thuở xưa vẫn đang lẩn quất đâu đây. (Chắp tay.) Các vị hãy ban cho con lòng dũng
cảm, hãy ban cho con sức chịu đựng để vượt qua những vất vả gian lao trong cuộc
chiến đấu với quân ngoại xâm hung hãn kia. (Hái một chiếc lá chanh nhét vào ngực.) Sao lần này đi liên lạc mình thấy
hồi hộp thế? Hình như có mối hiểm nguy nào đang rình đón. Cái lá chanh thiêng
này sẽ giúp mình trấn tĩnh trở lại.
Có tiếng sột soạt làm
Luyến bất động lắng nghe.
Hình như
tiếng người? (Sau
một chút.) Không phải.
Lại có tiếng sột soạt.
Luyến vội nấp vào sau một gốc chanh. Một bóng
người hiện ra, cúi rạp xuống mặt đất, chân bước rón rén rồi khẽ bắt chước tiếng
tắc kè "Tắc kè ! Tắc kè !" Luyến cũng đáp lại ám hiệu: "Tắc kè !
Tắc kè !"
(Bước ra khỏi gốc cây.)
Em đây ! Chào
đồng chí ! (Bỗng
cô sững lại như không tin ở mắt mình.)
Trời ơi, Có phải anh đấy không ? Hay em hoa mắt thế này ?
Người cán bộ liên lạc ấy chính là Quảng,
chồng Luyến.
QUẢNG (mỉm cười, trìu mến nhìn vợ). Luyến ! Anh đây mà! (Kéo cô gái vào lòng.) Em vẫn thế, chẳng khác gì hết !
LUYẾN (vẫn chưa tin vào hạnh
phúc đến bất ngờ như thế này). Nhưng sao anh lại đến đây ? Đồng chí
liên lạc của huyện đâu rồi ?
QUẢNG (cười). Anh thay đồng chí ấy một lần không
được hay sao ? Thư từ công văn của Huyện gửi Xã đây. Còn tài liệu của Xã gửi
Huyện đâu ?
LUYẾN (đưa chồng một gói nhỏ). Ôi, em không thể ngờ lại được gặp anh ! (Gục đầu vào vai
chồng, khóc tấm tức.)
QUẢNG (vuốt tóc vợ). Kìa, em !
LUYẾN. Tại
em sung sướng quá ! Ôi, sao lại có thể như thế này được nhỉ ? Em hạnh phúc quá,
anh ơi.
Một băng đại liên nổ
gần đó. Quảng vội kéo vợ núp sau gốc chanh.
Không có gì
đáng ngại đâu, anh ạ. Ở đây tuyệt đối an toàn. Nào, anh ra chỗ sáng để em ngắm,
xem chồng em có thay đổi gì không ? (Dắt chồng ra chỗ có ánh trăng.) Anh gầy đi nhiều quá. Hình như da hơi xanh thì phải.
QUẢNG (mỉm cười trìu mến). Tại ánh trăng đấy.
LUYẾN. Không ! Da anh như da người sốt rét ấy. Anh có bị sốt
rét không ?
QUẢNG. Sống trong rừng rậm âm u, ít ánh nắng mặt trời nên da
hơi tái đi thế thôi. Còn em, hình như cao lên một chút thì phải. Và hơi gầy đi
nên lại càng cao.
LUYẾN (rất nhỏ).
Vợ chồng mình xa nhau đã gần năm năm trời. Cũng từ ngày ấy, quê hương ta bao
nhiêu chuyện đổi thay. Rừng chanh này ngày xưa tươi tốt là thế, hai đứa mình
chơi trốn tìm ở đây, ít khi tìm được ra nhau. Ấy thế mà bây giờ, chúng bắn vào
bao nhiêu ô-buy, làm gãy bao nhiêu cành, rụng bao nhiêu lá...
QUẢNG. Mẹ có biết anh còn sống không ?
LUYẾN. Không. Chị Tâm bảo không được để ai biết. Mọi người đều
đinh ninh anh đã hy sinh. Không ai nghi ngờ gì hết.
QUẢNG. Cả mẹ cũng không nghi ngờ ?
LUYẾN. Em có cảm giác như mẹ chưa tin hẳn vào cái giấy báo tử
giả ấy, nhưng mẹ không nói gì. Bên ngoài mẹ vẫn làm ra vẻ như tin. Rằm, mồng
một nào mẹ cũng lên chùa thắp hương, khấn cho anh.
QUẢNG (xúc động, lảng chuyện). Hoa chanh thơm quá. Chiến tranh khốc liệt mà vẫn ra
hoa thế này. Mà mấy năm nay ai có thời giờ đâu mà chăm sóc ?
LUYẾN (mỉm cười).
Thế mới gọi là chanh thần, mới là "Rừng Chanh Thiêng".
QUẢNG. Buồn cười, ở trên Việt Bắc anh kể cho mấy đồng chí nghe
về sự tích rừng chanh quê mình. Chuyện ngày xưa chỉ là bãi đất trống ven sông.
Đến một hôm đám nữ binh của vua Quang Trung thất trận, chạy về đến đây, mệt
quá, nằm vật xuống nghỉ. Bỗng nhiên một rừng chanh mọc lên, trong chốc lát đã
cành lá sum suê, cành nào cũng trĩu những quả to, mọng nước. Rồi chuyện đám nữ
binh ấy vừa nuốt xong mấy múi chanh, bỗng bao mệt mỏi tan biến, bao thương tích
liền da trở lại, áo quần rách bươm cũng liền lại như mới. Họ lấy lại được niềm
phấn chấn, xốc vũ khí đứng dậy, quay trở lại chiến trường, đánh tan cả một đội
quân lớn của giặc Mãn Thanh. Anh kể xong ai cũng thích thú. Một đồng chí ở báo
"Cứu quốc" còn bảo sau này sẽ viết một cuốn sách về cuộc kháng chiến
chống Pháp, và để cho câu chuyện xảy ra trên cái nền của rừng chanh quê mình.
LUYẾN (đột nhiên).
Bao giờ mới hết chiến tranh, hả anh?
QUẢNG (nhìn vợ, thương xót). Sức ta đang mạnh lên, sức giặc đang
yếu dần. Chẳng còn bao lâu nữa đâu, em ạ.
LUYẾN (gục đầu vào vai chồng, nói rất khẽ). Liệu em còn sống được đến ngày ấy
không, anh ?
QUẢNG. Sao
em lại nghĩ thế ?
LUYẾN (ôm cổ chồng âu yếm). Anh nói đúng. Em phải vượt qua, và nhất định vượt qua
được. Ôi, ông chồng yêu quí của em ơi! Có anh bên cạnh em cảm thấy vững chãi vô
cùng. Những người được công tác bên anh sung sướng biết bao. Họ có một cái trụ
vững chãi để dựa, có một tấm gương về cách suy nghĩ rộng lớn để noi theo. Trong
khi chính em là vợ anh thì lại không được hưởng tất cả những thứ ấy. Nhưng
thôi, hôm nay được gặp anh thế này là vượt quá mọi mong ước của em rồi. Ôi, sao
hôm nay khu rừng lại đẹp thế. Mùi hoa chanh thơm ngát làm sao. Cả vầng trăng
kia nữa...
QUẢNG (ôm ghì lấy vợ thương
xót). Nhiều lúc nghĩ
đến em, anh xót xa lắm chứ. Sống trong vùng địch hậu, lọt sâu trong vòng vây
của giặc thế này chắc chắn phải cơ cực lắm! Nhiều chuyện đau thương lắm phải
không em ?
LUYẾN. Cái Phả nó chết rồi, anh ạ.
QUẢNG. Biết
làm sao được.
LUYẾN. Hôm ấy nó với em bố trí quăng mìn vào giữa bàn rượu
thằng Tây đồn trưởng. Ba đứa chết, năm đứa bị thương. Thắng Đại uý Tây cũng
chết. Nhưng không may cả em và cái Phả đều bị chúng bắt. Em thì được thả còn nó
thì bị bắn cùng với 12 đồng chí khác nữa. À, anh còn nhớ thằng Bảo không ?
QUẢNG. Thằng
Bảo tên Tây là An-be, con lão Tuần phủ tỉnh Quảng Yên bị ta xử tử hồi mới cướp
chính quyền chứ gì ? Anh nghe tin nó đóng lon thiếu tá và về làm chỉ huy phân
khu quê mình. Nó hung bạo lắm đấy, em phải cẩn thận.
LUYẾN. Hôm ấy chính nó ra lệnh thả em. Sau đấy thì nó giết cái
Phả cùng 12 đồng chí khác. Có phải vì em mà những người ấy chịu thiệt mạng,
không anh ?
QUẢNG. Sao
em lại cho là tại em ?
LUYẾN. Lúc thả em, nó nói, vì tình bạn thuở nhỏ.
QUẢNG. Ừ,
thuở nhỏ hình như em thân với nó lắm. Nhưng bây giờ em có còn coi nó là bạn
không ?
LUYẾN. Đời
nào ? Hồi nhỏ em chưa biết. Nhưng sau thấy nó độc ác với mọi người, em đã ghê
tởm nó rồi. Hồi nó đi theo tên sĩ quan Nhật rồi lại nghe nói nó được đưa sang
Pháp, em đã tưởng nó không về nữa. Từ khi về phân khu này, nó gây bao tội ác,
em còn đang xin được giết nó nữa là.
QUẢNG. Nếu
vậy thì em không có lỗi gì hết.
Im
lặng.
LUYẾN. Cuộc
sống căng thẳng quá, nhiều lúc em tưởng sẽ không chịu đựng nổi.
QUẢNG (thương xót). Em hãy tạm quên tất cả những chuyện
ấy đi.
LUYẾN. Quên sao được và quên là tội lỗi.
QUẢNG. Nhưng
không thể cứ suốt ngày suốt đêm căng thẳng như thế. Phải biết quên đi lúc nào
có thể quên.
LUYẾN. Lúc nào chẳng hạn ?
QUẢNG. Thí
dụ như lúc này, khi hai vợ chồng mình đang ở bên nhau.
LUYẾN (mỉm cười chua chát). Anh với em đã thật sự là vợ chồng đâu ? Chủ hôn vừa
tuyên bố lý do xong thì Huyện đã cho liên lạc về giục anh đi gấp. Thế là từ đấy
chú rể biệt tăm, hôm nay mới gặp lại cô dâu.
QUẢNG. Thì
đêm nay ta tiến hành tiếp đám cưới. Cấp trên cử anh về công tác vùng này cũng
nhắc anh tìm gặp em, vì biết đám cưới hai chúng mình còn dang dở.
LUYẾN (buồn rầu). Một đám cưới kéo dài gần năm năm trời.
QUẢNG (ôm vợ thương xót).
Phần nghi thức đã xong, bây giờ đến phần cô dâu chú rể trong phòng riêng.
LUYẾN (khẽ đẩy chồng ra).
Mà không được.
QUẢNG (ngạc nhiên nhìn vợ). Tại sao?
LUYẾN. Lỡ em có thai thì sao? Anh vẫn còn phải giữ bí mật kia
mà?
QUẢNG. Ừ nhỉ! (Buông vợ, cười hồn nhiên.) Nghĩa là đám cưới vẫn chưa thể kết
thúc đêm nay.
LUYẾN (thương chồng, ôm nhẹ vai anh). Đối với em, đám cưới kết thúc lâu
rồi. Em đã là vợ anh từ ngày hôm ấy. (Lảng chuyện.) Anh còn được ở đây đến hôm nào ?
QUẢNG. Mai
anh phải trở ra Việt bắc rồi.
LUYẾN (hoảng hốt).
Sao lại thế ? (Sau
một chút.) Nghĩa là
phải lâu lắm em mới được gặp lại anh ?
QUẢNG. Em
quên rằng đất nước đang chiến tranh và anh là người lính.
LUYẾN. Thôi được, nếu vậy thì...
QUẢNG. Em bảo thì sao ?
LUYẾN (thì thào). Ta kết thúc đám cưới ngay trong đêm nay đi. Em muốn rồi
đây nếu có phải hi sinh, em cũng đã là gái có chồng. Em có chết cũng không
phải...
QUẢNG (bịt miệng vợ lại).
Em không được nghĩ thế.
LUYẾN. Với lại em rất thèm có một đứa con của anh. Một thằng
con trai giống hệt như anh, cũng thông minh, dũng cảm, cũng chân thật, kiên
cường như
anh. Có nó em sẽ đỡ nhớ anh.
QUẢNG. Một mình em đã vất vả quá rồi, lại thêm đứa con...
LUYẾN. Em chịu đựng được.
QUẢNG. Không có anh, em sẽ phải đẻ giấu, nuôi giấu...
LUYẾN. Em chịu đựng được hết, miễn là có một đứa con trai mang
hình ảnh của anh, mang tâm hồn của anh. Không, anh hãy cho em một đứa con trai
đi.
QUẢNG. Nhỡ nó
là con gái ?
LUYẾN. Không, nó
sẽ là con trai. (Quỳ xuống, chắp tay.) Hỡi các
vị nữ tướng thuở xưa, nay đã thành thánh thần của khu rừng chanh này. Xin các
vị hãy ban cho vợ chồng con một đứa con trai! (Ngồi dậy.) Nhất định các vị sẽ thương tình và chấp nhận lời thỉnh
cầu của em.
QUẢNG. Nhưng...
LUYẾN. Không
nhưng gì hết. Khó khăn mấy em cũng vượt qua được, miễn là có một đứa con của
anh bên cạnh.
QUẢNG (thương xót). Tội nghiệp vợ tôi. (Ôm ghì lấy cô gái.)
Trăng lặn, cả khu
rừng chanh chìm vào bóng tối. Một điệu nhạc tha thiết từ đâu vẳng tới.
Cảnh ba
Quán nước ngoài phố chợ Quảng Yên. Quản Miện ngồi cùng
mấy lính Dõng. Bàn gần đấy có hai bác lái buôn. Bà chủ quán béo tốt, đội mũ vải
trắng kiểu đầu bếp các ô-ten, đang chạy lăng xăng. Một cô bé gầy còm làm công
việc bưng bê.
Buổi chiều mùa hạ.
QUẢN MIỆN. Bà chủ !
Cho thêm thức nhắm ra đây. Không có sò huyết, tôm hùm à? Vùng biển mà lại thiếu
tôm, sò thì không nghe được.
CHỦ QUẢN. Ông Quản
quên rằng biển động một tuần nay rồi ạ ?
QUẢN MIỆN. Ờ nhỉ !
Vậy thì mực khô nướng ! Và còn gì nữa ? Dê chạo. Có gì ngon nhất thì đem cả ra
đây ! (Gọi một tên lính Dõng đi bên ngoài.) Thằng
kia, vào đây. Hay mày sợ bom của bọn Việt Minh như hồi đầu năm? Lính tráng mà
hèn thế ? Bây giờ thì tao thách! Có các vàng Việt Minh cũng không dám giở trò
như thế nữa.
LÍNH DÕNG. Bẩm Thiếu
uý, ông không thấy truyền đơn của bọn Việt Minh rải ở chợ sáng nay ạ ?
QUẢN MIỆN. Truyền
đơn thì nước non gì ? Cứ
cho chúng nó rải. Từ ngày Thiếu tá An-be về chỉ huy phân khu ta đến giờ, Việt
Minh sợ một phép, không còn dám ho he gì nữa ngoài việc rải mấy mảnh giấy lộn.
HẠ SĨ. Đúng thế ! Ho he là vài chục mạng ăn đạn, không cần xét
hỏi gì hết. Du kích không kinh sao được.
QUẢN MIỆN. Ơ hay, bà chủ ? Thức nhắm đâu ? Bắt chúng tôi uống rượu
với mỗi lạc rang thế này à ?
CHỦ QUÁN. Xong rồi đây ạ. Ông Quản đợi một chút nữa thôi.
QUẢN MIỆN. Cho thức gì ngon nhất và đắt nhất ấy. Hôm nay tôi khao
quân.
CHỦ QUÁN. Hôm nay ông Quản hào phóng gớm. Mọi lần vào quán ông chỉ
uống rượu với lạc rang thôi.
HẠ SĨ. Ông Thiếu uý mới được tăng lương.
LÍNH DÕNG. Lên lương thì phải tiệc linh đình kia. Chứ xem chừng hôm
nay ông Thiếu uý mừng chuyện khác.
CHỦ QUÁN. Chuyện gì đấy, ông Quản? Hay bà Quản sinh con gái? Tám
thằng toàn con trai, như giặc trong nhà, nay được mụn con gái cũng đáng khao
lắm chứ !
QUẢN MIỆN. Không phải bà Quản nhà tôi.
HẠ SĨ. Bà chủ quán không biết Thiếu uý có vợ bé à?
Tất cả cười vang.
QUẢN MIỆN. Không phải vợ bé. Vậy tôi đố bà chủ và các chú, tôi ăn
mừng chuyện gì nào ?
LĨNH DÕNG. Nhưng có phải chuyện đẻ con không ?
QUẢN MIỆN. Có chuyện đẻ con thật, nhưng ai đẻ ? Vợ tao đẻ thì không
ăn mừng làm gì. Với lại nó cũng đẻ được hai tháng rồi. Vợ bé thì không phải.
Vậy đứa nào đẻ mà tao khao các chú? Thật ra nó chưa đẻ nhưng rồi sẽ đẻ.
CHỦ QUÁN. Ông Quản hôm nay nói năng đến là buồn cười. Chẳng ai còn
hiểu ông nói gì nữa. Tôi bảo các chú, ta chịu tất đi, thử xem ông Quản nói thế
nào?
TẤT CẢ. Phải
đấy. Anh em chúng tôi chịu tất.
QUẢN MIỆN. Chưa có cái gì ngầy ngậy vào mồm để trôi rượu thì cái
lưỡi chưa thể nói được.
CHỦ QUÁN (hét to).
Cái Tẹo đâu ? Vào bếp xem xong món gì rồi thì bưng ra đây. Mau chân lên.
QUẢN MIỆN. Tao mừng vì tài của quan Thiếu tá chỉ huy phân khu Quảng
Yên chúng ta, tức là ngài An- be !
CHỦ QUÁN. Sao ông Quản bảo ai đẻ kia mà?
HẠ SĨ. Hay là Ngài Thiếu tá đẻ ? Nếu vậy thì ngài tài thật đấy.
Tất cả cười vang. Tẹo mang thức nhắm ra.
QUẢN MIỆN (xé một miếng mực nướng bỏ vào miệng). Chúng mày ngu lắm ! Mà tao cũng ngu ! Bao lâu nay vẫn
chưa thấy hết tài của Ngài Thiếu tá. Đây mới đích thực là một đại anh tài. Ngài
đã làm được việc mà quan ba chỉ huy phân khu Quảng Yên ngày trước có đến trăm
năm cũng không làm nổi. Từ ngày thiếu tá về đây chỉ huy, hoạt động du kích Việt
Minh trong vùng chìm hẳn xuống, vì chúng vừa thò ra trò gì là bị ngài dập tắt
ngay. Dập một cách quyết liệt. Nhưng đến cái việc ngài làm vừa rồi thì tao chịu
thua hoàn toàn.
CHỦ QUÁN. Tưởng ông Quản khao quân về chuyện ai đẻ kia mà ?
HẠ SĨ. Bà cứ từ từ. Ông thiếu uý của chúng tôi thích đi loanh
quanh như thế đấy. Nhưng rồi sớm muộn cũng đi đến đúng được cái đích ông định
đến.
QUẢN MIỆN. Kìa, chúng bay uống đi chứ ? Rượu khá đấy, còn mực thì
quả là xứng danh.
LÍNH DÕNG.
Chúng con đang nóng lòng muốn nghe chuyện Thiếu uý.
QUẢN MIỆN. Tao nói đến đâu rồi nhỉ ?
HẠ SĨ. Ông nói đến đoạn ngài Thiếu tá An-be làm được việc gì mà
khiến ông Thiếu uý phục sát đất ấy.
QUẢN MIỆN. Ờ phải rồi. Vậy chúng bay biết việc gì không ? Ngài đã
làm cho một con du kích kiên định nhất, can trường nhất, một con cộng sản ba
đời có chửa với ngài! Sao ? Chúng mày mù cả hay sao mà không nhìn thấy. Quả
thật là nó có nén bụng, có thả vạt áo ra ngoài che. Nhưng giấu sao được mắt
tao.
CHỦ QUÁN. Cái Luyến nó chửa thật ạ, ông Quản ?
QUẢN MIỆN. Chứ còn gì nữa ? Bà mà cũng không nhận ra à ? (Với cấp dưới.) Tao kể chúng mày nghe. Chính nó là thủ phạm vụ sát hại
quan ba Coóc-bô hồi đầu năm. Chính tao bắt quả tang nó với 13 đứa khác, chúng
mày còn nhớ chứ ? Nhưng
ngài An-be ra lệnh thả nó ra, chỉ bắn 13 đứa kia. Lúc đầu tao rất ức, con bé
lợi hại nhất, con du kích Việt Minh nguy hiểm nhất mà lại đem thả là nghĩa làm
sao? Nhưng lệnh cấp trên tao đành thi hành. Đến bây giờ mới vỡ lẽ. Ngài Thiếu
tá không cần giết mà thu phục. Ngài tha nó để quyến rũ, để đưa nó vào tròng, biến
nó thành nhân tình của ngài. Và thế là một con du kích Việt Minh ngoại hạng trở
thành nhân tình của một sĩ quan quân đội quốc gia ! Giỏi ! Chao ơi là giỏi !
CHỦ QUÁN. Thế ra cái Luyến có chửa với ông đồn trưởng An-be ?
QUẢN MIỆN. Nếu không thì bà chủ quán bảo nó có chửa với ai ? Chồng
thì chết rồi. Dân trong làng nó, rồi cả ngoài thị xã, còn ai là thanh niên trai
tráng nữa đâu? Toàn ông già bà cả với con nít. Hơn nữa, bà bảo nếu có sót lại
thằng nào thì cũng không dám đi lại với nó. Chỉ có ngài Thiếu tá An-be tài ba,
giỏi giang, đẹp trai, biết ăn chơi mới chinh phục nổi thôi. Giỏi! Thiếu tá của
chúng ta cực giỏi! Giỏi và thâm nữa chứ! Nào, chúng bay, uống đi! Uống để chúc
mừng ngài Thiếu tá An-be ! Uống để ăn mừng con du kích lợi hại nhất bị ngài
chinh phục! Chiến công này của ngài đúng là có một không hai. Uống đi, chúng
bay ! (Ngửa cổ nốc cạn chén rượu).
HẠ SĨ. Cái cô ấy mà Thiếu uý bảo là du kích Việt Minh chính
cống, can trường nhất thì tôi không chịu. Tôi chỉ thấy nó đẹp. Mà nghề đời con
gái đẹp chẳng làm nên trò trống gì.
QUẢN MIỆN. Mày lầm to. Không ai biết rõ con bé ấy hơn tao. Chính tay
tao đã đi bắt thằng bố nó, bấy giờ là ông giáo dạy ở trường tiểu học Quảng Yên.
Sau này lão ta bị tù ở Côn Đảo rồi chết ngoài ấy. Xứ uỷ viên của Đảng Cộng sản
Đông Dương chứ có ít đâu. Chồng nó thì hồi bọn nó mới cướp chính quyền làm
huyện đội trưởng, sau nay làm đại đội trưởng Vệ quốc đoàn và bị chết trong trận
chúng tập kích đồn Quảng Yên. (Cười lớn.) ấy thế mà con gái một xứ uỷ viên Đảng Cộng sản, vợ một
huyện đội trưởng Việt Minh trở thành nhân tình của một sĩ quan quân đội Pháp,
con trưởng một Tuần phủ khét tiếng tàn bạo. Giỏi! Quả là giỏi ! Nào, chúng mày
uống đi chứ ? Tao khao kia mà ! Giỏi ! Chịu ngài An-be thật ! (Lại uống cạn cốc rượu
thứ hai.)
Bọn chúng đã say, ôm nhau ngả nghiêng hát ồm
ồm.
TẤT CẢ (hát).
Đời thằng lính ắc-ê:
Một hai !
Chẳng
biết lúc nào sống hay chết
Một
viên đạn chì là xong tất
Cho
nên cứ nốc nốc cho say !
*
Thân phận thằng lính
có ra gì ?
Muốn
còn hi vọng về với vợ
Bên
nào mạnh ta theo tắp lự
Vừa
có rượu uống, nốc cho say !
*
Cấp trên bảo gì ta rắp
theo
Chĩa
súng nẻo nào ta cứ chĩa
Chẳng
phải nghĩ suy gì cho mệt
Đằng
nào cũng chết,nốc cho say !
QUẢN MIỆN (lè nhè).
Nào, tính tiền, bà chủ.
CHỦ QUÁN. Các ông xong rồi ạ ? (Nhìn mâm, lẩm nhẩm tính.) Thưa ông Quản, cả rượu lẫn thức nhắm là hai trăm bảy
mươi tám. Tính tròn là hai trăm bảy mươi.
QUẢN MIỆN (trợn mắt).
Ra chúng tôi ăn vàng cả đấy hẳn? Vài con mực mốc với đĩa thịt dê bạc nhạc. Rượu
thì nhạt thếch lại chua như dấm. Tưởng bà tính bảy tám chục là quá lắm rồi.
Nhưng thôi, hôm nay tôi trả mụ hẳn một trăm! (Vứt ra hai tờ năm chục.)
CHỦ QUÁN. Ông Quản cho thêm, chứ thế này thì thiệt nhà hàng quá.
QUẢN MIỆN (quát).
Mụ định theo Việt Minh đấy hả ? Định ăn cướp của quân đội quốc gia đấy hẳn ? Đã
thế thì... (Nhét
hai tờ giấy bạc vào túi.)
Chúng bay, trói mụ chủ quán này dẫn lên đồn cho Ngài Thiếu tá phân xử.
CHỦ QUÁN (hốt hoảng). Ngài Thiếu uý tha cho. (Vái lia lịa.) Dạ, bẩm tôi đâu dám đòi gì các quan
đâu ạ ?
QUẢN MIỆN (cười ha hả).
Có thế chứ ! Nhưng thôi, tôi cũng không để bà thiệt ! Bận này còn bận khác. (Vứt ra một tờ năm
chục.) Về, chúng bay
! Chào bà chủ quán nhé !
Bọn lính tráng theo Quản Miện ra.
CHỦ QUÁN. Đúng là ma quỉ sống lẫn với người.
KHÁCH BUÔN. Bà chủ quán nói đúng mà chưa hẳn đã đúng. Thời thế bây
giờ biết ai là ma quỉ, ai là tiên phật ? Nhưng thời thế nhố nhăng cũng lại có
cái hay. Chúng tôi sống được là nhờ vào cái nhố nhăng ấy đấy. (Cười vang.) Mỗi chuyến hàng từ vùng tề ra vùng
tự do lãi bạc triệu. Chứ nếu pháp luật rạch ròi thì có làm trầy vẩy, chắc gì
kiếm nổi trăm bạc. Nào, có chai tắc kè nào bà đem ra đây cho chúng tôi lấy sức
đêm nay vượt vành đai.
CHỦ QUÁN. Nhưng các ông trả tiền hẳn hoi chứ ? Buôn bán lúc này sợ
lắm.
KHÁCH BUÔN. Bà yên tâm. Chúng tôi là dân buôn. Mà luật buôn
bán là tiền trao cháo múc. (Vứt ra một tập giấy bạc.) Bà cầm
lấy.
Đèn tắt. Chuyển
cảnh.
Cảnh bốn
Sân nhà Luyến. Một ngôi nhà lợp mái cọ, hiên rất rộng.
Mấy gốc cau. Bên phải cổng ra ngõ, bên trái lối ra vườn rau.
Mẹ Luyến đang xúc
thóc phơi ngoài sân vào chiếc thúng to rồi khệ nệ bưng lên.
Luyến về, thấy thế, vội chạy lại đỡ.
LUYẾN. Mẹ để
đấy con làm cho.
Mẹ Luyến không
đáp, lạnh lùng bê thúng vào trong nhà.
(Khổ tâm nhìn theo, cố lấy giọng vui vẻ.) Mẹ ạ, bà
Sợi nhắn mời mẹ sang ăn cỗ. Hôm nay ngày kị ông Phát.
MẸ LUYẾN (trong nhà ra, tay cầm cuốc). Bây giờ tôi chẳng dám vác mặt đến nhà ai đâu.
LUYẾN (mỉm cười, chạy lại giữ cán cuốc). Mẹ nghỉ đi, đám khoai ấy để con
rỡ cho.
MẸ LUYẾN (dằng cuốc lại). Tôi không dám. (Ra khuất về phía bên trái.)
Luyến thẩn thờ
nhìn theo, dáng băn khoăn.
Tâm, bí thư xã
bước vào.
LUYẾN (chạy ra đón). Chị Tâm! em đang mong chị quá. Em hỏi chị ngay câu này
nhé ? Không thể nói thật với mẹ em được à?
TÂM. Im! (Chạy ra, nhìn về phía sau nhà.)
LUYẾN. Mẹ em ra đồng rồi. Chị ngồi xuống
đây.
TÂM. Không. Tuyệt đối không ! Không được
lộ ra với bất cứ ai !
LUYẾN. Mẹ em mà
cũng không đáng tin ư ?
TÂM. Không
phải chuyện đáng tin hay không đáng tin. Mà ở chỗ tai vách mạch rừng. Bà biết
nhưng có ai đi đi theo bà từng bước chân để chặn miệng bà đâu ? Mà chuyện này
lộ ra thì chuyện anh Quảng còn sống làm sao không lộ ? Bọn địch chưa nghi ngờ
gì hết. Nhỡ lộ ra thì từ chuyện ấy chúng sẽ đoán ra được nhiều chuyện khác, và
kế hoạch tác chiến của quân ta sẽ mất đi yếu tố bất ngờ.
LUYẾN. Em thì
chịu đựng được. Ai nói thế nào, ai nói gì, em cũng chịu đựng hết. Nhưng em
thương mẹ em.
TÂM. Biết làm
sao được? Thế nào gọi là chiến tranh. Cứ phải giữ. Sai một li đi một dặm đấy,
em ạ. Ngay chuyện anh Quảng về gặp em hôm trước, ngoài chị ra, không ai biết,
kể cả các đồng chí lãnh đạo trong xã.
Bà nông dân cắp
thúng đi ngang bên ngoài, nói vọng vào: "Lính đồn đi về phía này
đấy".
LUYẾN (kéo Tâm đứng dậy). Chị ra hầm bí mật đi. (Cùng ra với Tâm.)
Tiếng chó sủa
ran. Hai lính Dõng chạy vào, sục sạo rồi ra khuất phía sau nhà. An-be Bảo bước vào.
Luyến từ phía trong ra.
AN-BE BẢO (giận dữ.)
Có phải cô có thai không ? Với thằng nào đấy, hả ?
LUYẾN. Đấy là chuyện riêng của tôi, ông không có quyền hỏi.
AN-BE BẢO (hét lên).
Tôi có quyền ! Tính mệnh cô và cả gia đình cô nằm trong tay tôi. Tôi có quyền
hỏi cô cũng như hỏi bất cứ ai sống trong vùng đất này.
LUYẾN (mỉm cười mỉa mai).
Nếu vậy thì tôi xin trả lời. Người ta bảo chính là ông Thiếu tá đấy.
AN-BE BẢO (gầm lên). Tôi không đùa với cô ! Nếu cô không trả lời thành
thật, tôi sẽ sai lính bắt cô và cái án hồi đầu năm còn để lại, ngày mai tôi sẽ
ra lệnh cho thi hành.
LUYẾN. Ông
muốn làm gì tôi chẳng được. Trong tay ông bao nhiêu lính tráng và súng ống. Còn
tôi không một tấc sắt trong tay.
AN-BE BẢO (cơn nóng giận như bị một gáo nước lạnh dội
xuống). Luyến đừng
nói thế. Vừa rồi tôi hơi nóng, nhưng em phải hiểu tại sao tôi lại uất giận em
đến thế chứ. Tôi đang đặt bao nhiêu hi vọng vào em. Nhưng tại sao em lại làm
như thế?
Luyến cúi đầu không trả lời
Em không
biết rằng tôi đã giành cho em một số phận sung sướng hay sao? Em không thấy tôi
yêu quí em đến mức nào ư? Không, nhất định em phải thấy. Cho nên tôi đoán rằng
chuyện em có thai chỉ là một lỡ lầm trong chốc lát. Hoặc cũng có thể em bị đứa
nào cưỡng bức. Đứa nào vậy? Em hãy chỉ nó cho tôi, tôi sẽ bắt thằng khốn kiếp
ấy phải đền tội.
Luyến vẫn im lặng.
Hay không
phải thế mà em yêu thương nó thật lòng ?
LUYẾN. Chồng
em mới mất chưa được bao lâu, em làm sao có thể đã yêu ai khác được ?
AN-BE BẢO. Nghĩa là em bị cưỡng bức ? Em hãy nói đi, đứa nào ? Đã có
tôi, em không sợ gì hết. (Tha thiết.)
Nói thật đi cho tôi biết. Giống như hồi nhỏ, em đã thổ lộ với tôi bao nhiêu
chuyện vui buồn, hờn tủi. Em nói đi, đứa nào ?
LUYẾN (rất khẽ).
Em sẽ nói nhưng không phải bây giờ.
AN-BE BẢO. Vậy bao giờ ? Bao giờ em mới nói cho tôi biết ?
LUYẾN. Ông đừng căn vặn em nữa. Em đã bảo em sẽ nói kia mà, vào
một dịp gần đây thôi.
AN-BE BẢO. Không ! Cô phải nói ngay bây giờ!
LUYẾN (cau mặt).
Ông lại định dùng sức mạnh ?
AN-BE BẢO. Thôi được. (Nén giận.) Em chưa muốn nói thì thôi vậy. Nhưng em nên biết tôi
rất nóng lòng muốn biết đấy. Em nói ra càng sớm càng tốt. (Sau một chút.) Luyến ạ, tôi tiếc từ hôm gặp lại
em, chưa có dịp nào nói để em hiểu tôi hơn. Tôi không tầm thường như các sĩ
quan khác đâu, họ vẫn phải dưới quyền một ai đó. Còn tôi, mơ ước của tôi là tha
hồ vùng vẫy ngang dọc, không thèm biết đến có ai trên đầu mình. Luyến biết
không, tôi sẽ độc quyền thống lĩnh cả cái dải núi rừng mênh mông và hiểm trở
kéo dài từ đây đến biên giới Trung Hoa. Em cho mơ ước của tôi là viễn vông ư ?
Không đâu. Bọn Việt Minh sẽ chẳng chống chọi được lâu với đại bác, phi cơ, xe
tăng của Pháp. Nhưng sau khi dẹp xong Việt Minh rồi, người Pháp cũng chỉ đủ sức
cai trị mấy thành phố lớn, mấy tỉnh đồng bằng. Còn những vùng đất hiểm trở như
thế này, họ sẽ phải để cho những người như tôi. Khi ấy tôi sẽ làm chúa tể ở
đây. Mọi quan lang, quan châu sẽ phải thần phục tôi, nộp cống cho tôi. Mọi
quyền lợi ở đây, từ việc buôn thuốc phiện lậu qua biên giới đến tổ chức những
đám cướp biển đều rơi vào tay tôi.
LUYẾN (mỉm cười khinh bỉ). Mộng ước của ông chỉ có thế thôi à
?
AN-BE BẢO. Em nói thế nghĩa là sao ?
LUYẾN. Em tưởng mộng ước của ông phải thế nào kia chứ ?
AN-BE BẢO (vẫn
chưa hiểu). Làm chúa
tể cả một vùng đất mênh mông như thế này mà em cho là nhỏ ư ? Hay em muốn tôi
cai trị cả xứ Bắc Kì ? Ngay cả việc ấy cũng chưa phải đã vượt quá khả năng và
tài ba của tôi đâu.
LUYẾN. Làm chúa tể cả xứ Bắc Kì đi nữa chưa phải thứ gì lớn !
AN-BE BẢO (nổi giận). Cô khinh tôi hẳn ? Thằng Quảng của cô
chỉ là huyện đội trưởng mỗi cái huyện cỏn con này, so thế nào được với tôi ?
LUYẾN. Đừng
nhắc đến người vắng mặt. Tiếc rằng anh ấy không còn. Nhưng ngay khi còn sống,
anh ấy cũng có một mộng ước lớn hơn, cao đẹp hơn của ông nhiều.
AN-BE BẢO (uất giận đến mức không chịu nổi). Cô dám coi tôi không bằng cái thằng khố rách áo ôm ấy
sao ? (Rút
súng.) Tôi phải giết
cô !
LUYẾN (cười mỉa mai). Ông lại đem súng ra doạ rồi !
AN-BE BẢO (bất lực hạ tay xuống, nhét súng vào bao). Tôi nói trước, cô chỉ có hai con
đường, một là lấy tôi, hai là phải chết. (Bỗng chuyển sang giọng tha thiết.) Nếu em bằng lòng lấy tôi, tôi sẽ bỏ qua mọi chuyện cũ.
Tôi sẽ nhận đứa con trong bụng em là con tôi. Tôi sẽ săn sóc nó, nuôi dưỡng,
dạy dỗ nó nên người. Sau này, khi làm chúa tể khắp cái vùng đất mênh mông này,
tôi sẽ chia mọi quyền hành, mọi của cải của tôi với em. Nhưng nếu em khước từ,
tôi sẽ giết em ! Nếu em không thuộc về tôi, tôi sẽ không cho em thuộc về bất cứ
ai khác. Em hãy suy nghĩ cho kĩ và trả lời tôi trong một ngày gần đây. Còn bây
giờ tôi hãy tạm để em yên ! (Ra nhanh.)
Mấy
tên lính Dõng thấy vậy cũng từ các vị trí canh phòng bước đi theo cấp trên.
Luyến ngồi xuống, ôm đầu tư lự. Lát sau Tâm
bước vào, bước đến, đặt nhẹ bàn tay lên vai Luyến.
TÂM
(khẽ). Chị nghe thấy hết cả rồi.
LUYẾN (ngẩng đầu lên, ôm người nữ bí thư, gục đầu lên vai chị). Quân kẻ cướp ! Nó không khác gì lão Tuần phủ bố nó ngày
trước. Mà còn tàn bạo hơn, nguy hiểm hơn.
TÂM.
Chị không ngờ nó yêu em đến thế.
LUYẾN. Khổ cho em chưa ? Em linh cảm sẽ phải chết về tay nó
mất. (Lấy
trong ngực ra chiếc lá chanh.)
Xin các vị thần thánh phù hộ cho con, đừng bắt con phải chết vào tay con chó
dại ấy. Các vị hãy ban cho con sự tỉnh táo và sức chịu đựng. (Chợt nhớ ra, quay về
phía Tâm.) Em còn tin
như thế này có phải khuyết điểm không, chị ?
TÂM.
Cuộc sống lúc này khắc nghiệt quá. Bất cứ thứ gì giúp chúng ta vượt qua được,
chúng ta cũng phải sử dụng. Nếu em thấy những chiếc lá chanh hái ở trong khu
rừng kia giúp em thêm vững vàng thì chị nghĩ chẳng nên ngăn cản em. Chị không
tin vào thần thánh, ma quỉ, nhưng chị tin rằng thiên nhiên ủng hộ mọi thứ gì
hợp với lương tri. Ngọn núi kia, khu rừng nọ, thậm chí từng tảng đá ngọn cây,
dòng sông, biển cả, đều có tri giác và không phải hoàn toàn dửng dưng với mọi
thứ của con người. Nhưng thôi, ta đi vào công việc. Luyến ạ, hôm nay chị hẹn
gặp em vì có tình hình mới. Trên lệnh cho chúng ta chuẩn bị chiến trường để bộ
đội chính qui về giải phóng vùng này.
LUYẾN. Ôi, mừng quá, chị nhỉ !
TÂM
(cười). Nhưng muốn bảo đảm thắng lợi, chúng
ta phải làm công tác thật tốt.
LUYẾN. Chúng ta sẽ làm thật tốt.
TÂM.
Khoan, nghe chị nói đã. Lúc trước, chị định giao em công việc rèn tập với trung
đội dân quân để hôm này tham gia chiến đấu với bộ đội. Nhưng vừa rồi, ngồi dưới
hầm bí mật, nghe được câu chuyện em với thằng An-be, chị nảy ý định giao em
công việc tình báo và địch vận...
LUYẾN (giật mình).
Nghĩa là em phải lên đồn, phải tiếp xúc với con quỉ điên dại ấy ?
TÂM.
Đúng thế.
LUYẾN. Không ! Chị tha cho em. Em ghê tởm nó lắm rồi. Em đang
tính tìm cách gì để không phải nhìn thấy mặt nó nữa.
TÂM.
Tuỳ em thôi, nhưng công việc ấy không ai làm thuận lợi bằng em.
LUYẾN. Em không ngại gian khổ hi sinh, nhưng em sợ khi nghe
những câu nói điên cuồng của nó, em không ghìm được sẽ làm hỏng việc.
TÂM.
Em mới chỉ nhìn thấy mặt điên cuồng tàn bạo của nó, em chưa tự hỏi tại sao nó lại
yêu em đến thế. Phải chăng trong tình cảm ấy, có lòng tôn trọng, quí mến em
thật sự. Chị cảm thấy nó rất cần đến em và chị tin rằng nếu em kiên nhẫn và
rộng lượng, em có thể tự bảo vệ được mình. Thôi, nhưng em hiểu nó hơn chị
nhiều. Em cứ suy nghĩ thêm, sáng mai ta gặp nhau... (Đứng dậy.)
LUYẾN. Chị ngồi lại đã. Thôi được, em nhận. Nhưng chị tìm cách
báo tin cho anh Quảng biết để anh ấy khỏi hiểu lầm. Và nếu liên lạc được, chị
bảo anh ấy biết anh ấy sắp có con để anh ấy mừng.
TÂM.
Em yên tâm. Còn bà (trỏ
vào nhà) chị sẽ có
cách để bà khỏi dằn vặt em. Thôi, chị đi. (Ra nhanh.)
Cảnh năm
Trở
lại phòng khách trên đồn Pháp. Một chiếc bàn dài phủ khăn trắng muốt. Đồ đạc bị
đẩy vào các góc.
Trong
số khách dự tiệc có cả đại tá Pháp Lơ-gơ-răng,Tư lệnh quân khu Đông Bắc, Lệ
Thuỷ, vợ chưa cưới của An-be Bảo, Bùi Thạnh, anh của Lệ Thuỷ, một số sĩ quan và
quan chức dân sự, trong đó có cả một số khách người dân tộc: Voòng A-Sáng, thủ
hiến xứ Nùng, Liang Cheng, đặc vụ người Hoa... Khi bật đèn sáng, bữa tiệc đang
ồn ào, náo nhiệt.
ĐẠI TÁ LƠ-GƠ-RĂNG (nâng cao cốc rượu). Thưa quý bà, thưa quý ông ! Từ nẫy đến giờ chúng ta đã
nhiều lần nâng cốc chúc mừng ông bạn thân An-be của tôi được phong chức trung
tá. Tôi xin lỗi trước, nếu như trong những điều tôi nói ra có tác dụng của chất
men mà tôi đã nốc vào người quá nhiều, nhưng tôi nghĩ, dự bữa tiệc hôm nay,
không phải những người cấp trên hay cấp dưới của ông An-be mà là những người
bạn của ông. Đặc biệt có cô Lệ Thuỷ kiều diễm, người bạn đời tương lai của ông,
và ông Bùi Thạnh, tham tá sở đốc lí Hà Nội, tôi muốn thổ lộ một nỗi băn khoăn:
Bây giờ đã là trung tá, tại sao ông Anbe không chịu nhận chức tư lệnh quân khu
mà vẫn khăng khăng làm chỉ huy cái phân khu nhỏ bé này ? Phải chăng thị xã hẻo
lánh này có gì đặc biệt khiến ông An-be không thể xa rời?
BÙI THẠNH (cười).
Ngài đại tá không biết rằng con gái Quảng Yên cũng như quốc lộ 18 từ Đông Triều
đến Uông Bí kia nổi tiếng đẹp nhất xứ Bắc Kì, nếu không nói là đẹp nhất xứ Đông
Dương ? Cho nên khi nghe thấy anh bạn An-be không chịu rời mảnh đất xa xôi này,
tôi đâm lo cho số phận em gái tôi, cô Lệ Thuỷ, mặc dù ông An-be đã đính hôn
chính thức với em gái tôi.
LỆ THUỶ (cười vang.)
Anh Thạnh yên tâm ! Em không hẹp hòi như thế đâu. An-be càng chinh phục được
nhiều cô gái đẹp, em càng vinh dự. Em chỉ yêu cầu anh ấy đừng để ảnh hưởng đến
con đường công danh mà thôi.
ĐẠI TÁ LƠ-GƠ-RĂNG. Cô Lệ Thuỷ đúng là một phụ nữ tân
tiến. Xin quý bà quý ông cạn cốc rượu chúc sức khoẻ những phụ nữ tân tiến ở
Pháp và ở Đông Dương.
Mọi người cười vang, nâng cốc, uống cạn hưởng
ứng.
LỆ THUỶ (đặt cốc xuống).
An-be, có phải con gái Quảng Yên đẹp lắm không, anh?
AN-BE BẢO. Anh sinh trưởng ở đây nhưng hôm nay mới nghe nói đến
chuyện ấy đấy. Nhưng Lệ Thủy, em yên tâm. Trên khắp trái đất này anh chưa gặp
người con gái nào đẹp hơn em, và anh tin sẽ không gặp.
LỆ THUỶ. Cảm ơn An-be của em.
VOÒNG A-SÁNG. Còn điều băn khoăn của đại tá thì tôi
suy nghĩ thế này. Ông bạn An-be của tôi vốn ưa mạo hiểm. Sinh trưởng nơi địa
hình hiểm trở, giữa núi rừng hoang dã, ông An-be thích hợp với lưng con ngựa
bất kham hơn tấm nệm êm ái trong xe hơi. Việc ông xin bằng được với tướng
Cô-nhi cho ông ra mảnh đất nghiệt ngã này đã chứng minh điều tôi nhận xét là
chính xác, và cũng làm chúng ta thấy rõ sở trường và hứng thú của ông.
LIANG CHENG (cười vang).
Đúng thế! Tiếc tôi không có thẩm quyền của Hoàng Đế Bảo Đại, nếu thế tôi sẽ tổ
chức cả vùng núi rừng mênh mông hiểm trở này, từ con sông Bạch Đằng đến biên
giới Trung Hoa thành một xứ tự trị và giao cho ông An-be cai quản. Chỉ ông
An-be mới đủ tài trí để thuần phục các loại cướp, loại phỉ ở vùng này. Vì chắc
các ngài chưa biết, ông An-be phi ngựa không kém gì người Nùng, bắn nỏ không
kém gì người Mán, sử dụng dao quắm không kém gì người Sán Dìu, leo núi không
kém gì người Mèo, người Thanh Y.
ĐẠI TÁ LƠ-GƠ-RĂNG. Ôi, bây giờ thì tôi đã hiểu ! Tôi đã
hiểu ! Bữa tiệc của chúng ta xem ra đã quá dài, chúng ta không nên lạm chiếm
thêm thời gian quý báu của cô Lệ Thuỷ, vì từ lúc đến đây, cô chưa được trò
chuyện riêng với ông An-be, vị hôn phu của cô. Mà sáng mai cô lại phải về Hà
Nội rồi.
LỆ THUỶ. Các ngài không lo. Anh tôi, ông Bùi Thạnh sẽ gọi điện về
Hà Nội xin phép ngài đốc lí cho lui thêm một ngày nữa.
BÙI THẠNH (vội vã).
Không được đâu, em ạ. Tối mai anh có phận sự phải dự buổi chiêu đãi phái bộ Hoa
Kỳ sang thăm Đông Dương.
LỆ THUỶ (buột miệng).
Tiếc quá nhỉ ! Đến đây mà chưa được đi chơi ngắm phong cảnh vùng biên khu, chưa
được gặp một cô gái đẹp vùng Đông Bắc thì uổng quá.
MỘT SĨ QUAN. Thưa cô, họ không đẹp như lời đồn đại
đâu. Nhất là so thế nào được với phụ nữ Hà Thành hoa lệ! Nổi tiếng nhất vẫn là
người đẹp đất Thăng Long!
ĐẠI TÁ LƠ-GƠ-RĂNG. Thế nào, thưa quý bà quý ông? Ta cáo từ chứ ?
Mọi người đứng dậy, ra khỏi bàn, chào nhau
nồng nhiệt.
VOÒNG A- SÁNG (với Liang Cheng).
Ông ghé vào chỗ tôi ta đi săn gấu vài hôm chứ?
LIANG CHENG. Rất tiếc là tôi phải về Móng Cái
ngay.
Họ kéo ra. Lệ Thuỷ và An-be Bảo đứng cạnh cữa
chào và cảm ơn từng người. Đến người khách cuối cùng, An-be Bảo ra theo.
Tiếng xe hơi nổ máy, chạy xa dần, An-be Bảo
quay vào.
BÙI THẠNH. “Moa” muốn đi dạo dưới phố, liệu có ngại ăn đạn Việt
Minh không đấy ?
AN-BE BẢO (cười). Tôi sẽ bố trí một sĩ quan và một đội
hộ tống đi bảo vệ anh. (Kéo Bùi Thạnh cùng ra.)
Còn lại một mình Lệ Thuỷ: Cô ngồi xuống ghế,
mở ví ra trang điểm lại, miệng khẽ hát một bài dân ca Pháp. Lát sau An-be Bảo
vào, khóa trái cửa phong khách rồi đến bên Lệ Thuỷ, ôm ghì lấy người yêu, vừa
ôm vừa thô bạo định cởi khuy áo cô.
LỆ THUỶ. Từ
từ đã, anh!
AN-BE BẢO (điên cuồng).
Thèm quá rồi! Suốt từ sáng tới giờ mới được một mình với em đây!
Lệ Thuỷ gở ra, chạy thoát. An-be đuổi theo
quanh bàn tiệc.
LỆ THUỶ. Im!
Để em lấy thư của ba gửi cho anh đã. (Lấy thư từ trong ví ra đưa qua bàn cho An-be
Bảo.)
AN-NE BẢO (vứt lá thư lên bàn). Thư để sau ! (Bất ngờ đi vòng túm được Lệ Thuỷ, hôn ngấu nghiến.)
LỆ THUỶ (hôn xong, đẩy An-be ra, lấy khăn thấm lại môi). Anh khủng
khiếp thật đấy. Trông bề ngoài tưởng lịch lãm, ai ngờ… Thú thật đi, anh đã
chiếm đoạt bao nhiêu cô gái ở đây rồi ? Mấy
chục ? Có đến một trăm chưa ?
AN-BE BẢO. Xin thề ! Em là người đầu tiên.
LỆ THUỶ (cười vang).
"Đầu tiên" Anh tưởng em không hiểu gì về giới quân nhân các anh đấy
hẳn? Nhất là loại sĩ quan như anh: Trẻ, bảnh trai, táo tợn. Các anh coi việc
ngủ với một cô gái không quan trọng gì hơn uống một cốc rượu vang. Trò chơi để
giải sầu ấy mà.
AN-BE BẢO. Anh hoàn toàn không phải như thế.
LỆ THUỶ. Anh còn khủng khíếp hơn họ nữa ấy chứ ! It nhất họ đối
vợ chưa cưới họ cũng còn làm ra vẻ giữ gìn. Đăng này anh chẳng cần gì hết, chưa
chi đã vồ lấy em như con hổ đói ấy. Im, anh ngồi đọc thư của ba đi đã. Có nhiều
tin vui lắm đấy.
Thấy Lệ Thuỷ thủ thế ở bên kia bàn, An-be Bảo
đành bóc phong bì, lấy thư ra đọc.
AN-BE BẢO. Ba mới tậu thêm được một vi-la ở Hàng Đẫy nữa à?
LỆ THUỶ. Ba
tậu cho vợ chồng mình đấy. Biệt thự ba tầng, tám phòng sang trọng, xung quanh
là vườn hoa, ga-ra ô tô. À, ba có kể đã lo xong chỗ làm cho anh chưa ?
AN-BE BẢO (gấp thư lại).
Có. Nhưng anh không thích công việc bàn giấy. Đeo lon gì đi nữa mà ngồi chết dí
ở bàn giấy thì có hơn gì ông tham, ông phán? Kiểu sống ấy để nhường cho những
kẻ vừa ốm yếu vừa nhát gan như anh Thạnh chẳng hạn.
LỆ THUỶ (cười).
Cuộc đời công chức vô vị thật đấy, nhưng yên ổn.
AN-BE BẢO. Yên ổn để làm gì? Để mốc meo lên à?
Vừa lúc Lệ Thuỷ sơ hở, An-be vồ được cô. Hai
người giằng nhau, cuối cùng Lệ Thuỷ thoát được, chạy ra đứng sau chiếc ghế.
LỆ THUỶ (cười vang).
Anh khiếp thật đấy. Im, nghe em nói đã. Lúc nãy trong bữa tiệc, nghe bạn bè anh
nói, em thấy họ tả chồng chưa cưới của em giống như nhân vật tướng cướp
găng-xtơ Hoa Kì. Từ lúc ấy em mới để ý thấy anh có nét gì khác với mọi thanh
niên khác mà trước đây em chưa nhận ra. Một nét gì đó rất đàn ông ! Cặp mắt anh
sắc, lạnh. Còn cái cằm, cái trán có cái gì đó rất phũ phàng, làm em bỗng thấy
sợ. Nhưng nói thế thôi chứ anh yên tâm. Em yêu anh chính vì những thứ ấy đấy.
Em rất ghét những cậu con trai mà ẻo lả như con gái. Im, để em nói hết đã. Thôi
được, anh ở lại đây cũng được. Kì này em sẽ thu xếp ra ở đây với anh lâu lâu.
Anh sẽ dạy em cưỡi ngựa, bắn súng. Cưới xong, em sẽ ra ở hẳn. Nhưng cái vi-la ở
Hàng Đẫy ta cứ giữ để thỉnh thoảng về Hà Nội chơi có chỗ trú chân.
AN-BE BẢO. Anh không cho em ra ngoài này.
LỆ THUỶ. Tại sao?
AN-BE BẢO. Anh không đời nào cho em ra ở đây.
LỆ THUỶ (ngạc nhiên).
Thế mỗi người một nơi à?
AN-BE BẢO. Chứ sao nữa!
LỆ THUỶ. Nhưng tại sao?
AN-BE BẢO. Vì anh phạt em! Em vẫn cứ lẩn tránh anh! (Tóm được Lệ Thuỷ,
định đè cô ra đi-văng thì có tiếng gõ cửa. An-be Bảo đành buông Lệ Thuỷ, miễn
cưỡng ra mở cửa.)
Chuyện gì đấy? Nói nhanh lên!
QUẢN MIỆN (rụt rè bước vào). Bẩm,
ngài Trung tá tha lỗi, xin lỗi bà !
LỆ THUỶ. Ông
cứ tự nhiên. (Lui
vào một góc.)
AN-BE BẢO (bực tức). Nói đi !
QUẢN MIỆN. Bẩm Trung tá, tôi phát hiện được một thằng cán bộ Việt
Minh nằm tại nhà cô Luyến.
AN-BE BẢO. Vậy bắt ngay và giam lại, tôi sẽ tra hỏi nó sau ! (Quay vào.)
QUẢN MIỆN. Bẩm Trung tá...
AN-BE BẢO (quay lại, khó chịu). Còn gì nữa ?
QUẢN MIỆN. Bẩm, chúng tôi đã sơ ý để nó trốn thoát.
AN-BE BẢO. Nghĩa là không bắt được ? Thế thì ông lên đây quấy rầy
tôi để làm gì?
QUẢN MIỆN (sợ hãi).
Bẩm Trung tá tha tội.
(Định
ra.)
AN-BE BẢO (chợt hiểu ra tầm quan trọng của vấn đề). Ông Miện, đứng lại đã ! Ông vừa nói thằng cán bộ Việt
Minh ấy trú ở nhà cô Luyến?
QUẢN MIỆN (mừng rỡ).
Bẩm, đúng thế ạ.
AN-BE BẢO. Nhưng có đúng là cán bộ Việt Minh không ?
QUẢN MIỆN. Bẩm Trung tá, tôi đã gài một tên chỉ điểm theo dõi nhà cô
ấy từ mấy tháng nay. Chính tên chỉ điểm đã báo. Chỉ tiếc lúc chúng tôi xuống
vây bắt thì hắn nhanh chân chạy thoát.
AN-BE BẢO (càu nhàu)
Làm với ăn !
QUẢN MIỆN. Bẩm Trung tá, cái thằng cán bộ ấy chính là thằng chồng
cô Luyến.
AN-BE BẢO (kinh ngạc). Ông nói sao ? Chính cái thằng Huyện đội trưởng Việt
Minh ngày ấy ? Nhưng ông bảo nó chết rồi kia mà ?
QUẢN MIỆN. Bẩm Trung ta, trước đây tôi vẫn đinh ninh như thế. Nhưng
từ khi vợ nó có thai, tôi bắt đầu nghi ngờ. Vì vậy tôi mới gài chỉ điểm theo
dõi ở nhà cô ấy.
AN-BE BẢO (giận dữ).
Ông nghi ngờ sao không nói với tôi ? Ông Miện ! Tôi thấy ông làm nhiều việc mà
không hề báo cáo với tôi. Ông có còn coi tôi là chỉ huy cái phân khu này không
đấy? Ngay việc đặt chỉ điểm, rồi việc vây bắt, ông cũng không hề xin ý kiến
tôi. Ông tự tiện quá đấy. Rồi chuyện ông nghi thằng Quảng còn sống, ông cũng
phải nói ra cho tôi biết chứ? Ông định mưu đồ chuyện gì vậy ?
Nghe tiếng quát tháo mỗi lúc một to. Lệ Thuỷ
hoảng hốt chạy ra can.
LỆ THUỶ. An-be,
anh bình tĩnh đã !
AN-BE BẢO. Lệ Thuỷ, mặc anh. Em sang phòng bên đi, mau lên ! (Đợi Lệ Thuỷ ra khuất.) Một việc tầy đình như thế mà ông tự
tiện làm lấy, coi như không có tôi. Ông có biết tôi thường đối xử với kẻ dưới
nào dám tự quyền vượt qua mặt tôi không ?
QUẢN MIỆN. Bẩm Trung tá, tôi chưa bao giờ dám tự tiện làm việc gì,
chưa bao giờ dám không thi hành mệnh lệnh của Ngài.
AN-BE BẢO. Có đấy, như việc phá huỷ cái rừng chanh khốn khiếp kia
chẳng hạn ! Tôi ra lệnh cho ông từ sáu tháng nay rồi.
QUẢN MIỆN. Bẩm Trung tá, tôi đã dẫn lính xuống mấy lần, nhưng không
đứa nào dám đụng đến những gốc cây ấy. Chúng nó sợ.
AN-BE BẢO. Lính sợ thì bắt dân đẵn.
QUẢNG MIỆN. Bẩm Trung tá, dân thì lại càng không chịu. Họ bảo có
giết họ thì giết chứ không đời nào họ chịu chém dao vào những cây chanh ấy.
AN-BE BẢO. Tôi không biết. Nhưng hôm nay tôi hạ lệnh lần cuối cùng.
Trong vòng một tuần, cái rừng chanh khốn kiếp ấy phải không tồn tại nữa. Ông
muốn làm cách nào thì làm. Tưới xăng đốt, hoặc nổ mìn. Vì còn cái khu rừng
chanh ấy thì dân ở đây còn chưa chịu thuần phục quân đội Pháp-Việt. Còn chuyện
con Luyến. Chiều nay ông hãy dẫn hai trung đội xuống vây cái xóm ấy, và sục sạo
từng nhà, từng góc vườn. Tôi hạ lệnh nội trong ngày hôm nay phải bắt cho được
cái thằng khốn nạn ấy, giải lên đây để tôi tự tay bóp cổ nó. Bắt cả con Luyến
nữa. Riêng con ấy, ông cho bắt và giải lên đây cho tôi ngay bây giờ. Thôi, ông
đi thi hành mệnh lệnh của tôi. (Định quay vào.)
QUẢN MIỆN (rụt rè).
Bẩm...
AN-BE BẢO (cau mặt).
Lại còn gì nữa ?
QUẢN MIỆN. Bẩm Trung tá, cô Luyến hiện đã ở đây.
AN-BE BẢO. Nghĩa là ông đã bắt nó lên đồn ? Tốt lắm. Giải nó vào
đây!
Quản Miện ra rồi vào cùng với Luyến bị trói.
AN-BE BẢO (quát).
Thằng Quảng đâu ? Nó về đây từ bao giờ ?
LUYẾN (ngơ ngác). Ông hỏi gì mà lạ vậy ?
AN-BE BẢO. Đừng giả ngô giả ngọng nữa ! Chúng tôi biết hết cả rồi.
LUYẾN. Chồng tôi chết đã hai năm nay rồi còn gì.
AN-BE BẢO. Vậy thằng cán bộ nằm ở nhà cô mấy hôm nay là đứa nào ?
LUYẾN. Ông cậu tôi dưới Cát Hải lên chơi.
QUẢN MIỆN. Nếu là cậu sao phải lén lén lút lút ?
AN-BE BẢO. Ông Thiếu uý ! Ông không được nói khi tôi chưa cho phép.
QUẢN MIỆN. Bẩm Trung tá tha tội.
LUYẾN. Tôi đã trả lời ông Trung úy rồi. Cậu tôi ở nhà tôi đàng
hoàng, không hề lén lút.
AN-BE BẢO. Có thật cậu không ?
LUYẾN. Nếu Trung tá không tin...
QUẢN MIỆN (không ghìm được.)
Không phải "cậu" mà là "chồng" !
AN-BE BẢO (quắc mắt nhìn Miện). Ông Miện ! Ông muốn tôi đuổi ông ra khỏi đây không ? (Quay sang Luyến.) Cô hãy thề là cô không nói dối.
LUYẾN. Tôi thề cách nào để ông tin đây ?
AN-BE BẢO. Trong người cô chắc chắn có một cái lá chanh hái ở khu
rừng kia. Hãy thề trên chiếc lá chanh ấy.
LUYẾN (lấy trong ngực ra chiếc lá chanh). Tôi xin thề trước các vị thánh
thần, người ở nhà tôi mấy hôm nay không phải là chồng tôi.
AN-BE BẢO. Thôi được, tôi tin cô.
QUẢN MIỆN. Có thể đấy không phải là thằng Quảng, có thể là cậu hoặc
người khác, nhưng cái thai trong bụng của cô ấy dứt khoát là của thằng Quảng.
Xin Trung tá hãy bắt cô ấy thề lại, rằng thằng Quảng đã chết thật rồi.
LUYẾN. Ông Quản ! Ông định bắt tôi thề mấy trăm lần nữa ? Ông
đừng tưởng chỉ vì sợ mang tiếng xấu mà tôi không dám vạch mặt ông ra đâu. Ông
lầm to rồi. (Quay
sang An-be Bảo.) Ông
Trung tá, em đã hứa sẽ nói thật với ông kẻ nào. Bây giờ là dịp để em nói, vì có
cả mặt ông lẫn nó. Chính là nó, cái thằng đã làm nhục em. Nó khoẻ như con trâu
điên và em đã không cưỡng nổi. (Khóc nức nở.)
QUẢN MIỆN (tái mặt, hoảng hốt).
Bẩm Trung tá ! Ngài đừng nghe nó !
LUYẾN. Đồ đê mạt ! Đã có lúc mày đổ cho Trung tá, bây giờ mày
lại đổ cho chồng tao... Trong khi chính mày... chính mày đã... (Nghẹn không nói được
nữa.)
AN-BE BẢO (giận đến cực độ, quắc mắt với Miện, đập bàn thét). Đúng không, ông Miện ?
Miện vừa sợ, vừa ức, nghẹn không nói được,
chỉ lúng túng ấp úng.
Bước ra
khỏi đây ngay cho khuất mắt tao !
QUẢN MIỆN (run rẩy).
Bẩm Trung tá... (Nghẹn
lại.)
AN-BE BẢO (quát).
Cút !
Quản Miện sợ quá định quay lưng bước ra thì
một tiếng súng nổ. Hắn nhận được viên đạn từ khẩu súng trong tay An-be Bảo vào
trúng lưng. Hắn ngã quỵ xuống đất, quằn quại rồi tắt thở. Luyến kinh hoàng ôm
mặt. Lệ Thuỷ ở phòng bên nghe thấy tiếng súng, chạy vội sang.
LỆ THUỶ. Chuyện
gì thế, An-be ? (An-be
Bảo không trả lời, lặng lẽ nhét súng vào bao.)
AN-BE BẢO (gắt).
Lính đâu ?
LÍNH DÕNG (chạy vào, nhìn thấy xác Quản Miện, há hốc miệng sợ hãi). Bẩm Trung tá...
AN-BE BẢO (rất mệt mỏi, ngồi xuống ghế). Đem nó đi chôn, nó là người của
Việt Minh.
Lính vác xác Quản Miện ra. An-be Bảo ôm chặt
đầu. Hắn cảm thấy do hơi men, vừa rồi đã xử sự thiếu suy nghĩ.
LỆ THUỶ (chạy lại). An-be! Anh làm sao thế ?
AN-BE BẢO (vẫn không ngẩng đầu lên, rất khẽ). Em sang phòng bên đi, mặc anh.
LỆ THUỶ. Nhưng anh không làm sao chứ ?
AN-BE BẢO. Anh không sao đâu, em sang bên kia đi.
LỆ THUỶ (nhìn Luyến). Cô gái này là ai ? Du kích
Việt Minh à ?
AN-BE BẢO. Đã bảo sang phòng bên kia mà !
LỆ THUỶ. Chà, một cô gái đất Quảng Yên. Cô ấy đẹp đấy chứ. Chị là du
kích Việt Minh phải không ?
AN-BE BẢO (quát).
Thuỷ ! Em có nghe anh nói không đấy ? Sang phòng bên kia.
LỆ THUỶ. Để em ngắm một cô gái đất Quảng Yên đã nào. Hơi tiếc chị
đang có thai nên người không được gọn. Chứ lúc thường, dáng người kia, nét mặt
này, chắc chắn phải đẹp lắm đấy.
AN-BE BẢO (đứng phắt dậy).
Đi, sang phòng bên kia !
Đúng lúc ấy, còi ô tô bên ngoài. Bùi Thạnh
xách cặp đi nhanh vào.
BÙI THẠNH (huyên thuyên).
Một thị xã nhỏ xíu, một cái chợ lèo tèo thế này mà “toa” sống được thì “moa”
chịu đấy. “Moa” thì có các vàng kèm theo một nàng tiên cũng xin chịu. (Nhìn thấy khung cảnh.) Ôi, cái gì thế này? “Toa” đang hỏi
cung tù binh à ?
LỆ THUỶ. Anh thấy cô nữ du kích này đẹp không ? Mắt to, mũi dọc
dừa, cặp môi rất vừa, không dầy không mỏng. Nếu con gái đất Quảng Yên đều như
cô này cả thì đúng là mảnh đất hết sức hấp dẫn. Hẳn nào An-be không muốn về Hà
Nội !
AN-BE BẢO (gọi).
Lính đâu?
LÍNH DÕNG (chạy vào).
Bẩm Trung tá ?
AN-BE BẢO. Nhốt con du kích này vào nhà giam ! Canh gác cẩn thận,
nghe không ?
LÍNH DÕNG. Bẩm vâng.(Ra cùng Luyến.)
BÙI THẠNH (cười nhìn theo).
Đẹp và gan góc nữa chứ. Thuỷ có để ý thấy cặp mắt cô ta không ? Đẹp nhưng dữ.
Dùng chữ "dữ" không đúng mà là "lạnh". Cũng không phải. Rất
khó gọi thế nào cho chính xác. Tiếc không có máy, An-be ạ, moa chụp một “pô”
thì tuyệt. Trông như nhân vật Sơn Nữ trong cuốn truyện "Đường Rừng"
của Lan Khai ấy. Em có thấy thế không, Thuỷ ?
AN-BE BẢO (lạnh lùng). Phòng nghỉ của anh bên kia, xin mời
anh.
BÙI THẠNH (chợt hiểu).
Moa đang mệt, cũng cần nghỉ một chút thật. (Cười.) Việt Minh tài thật, tuyên truyền được những cô gái đẹp
đến thế. Thuỷ, còn em, nghỉ ở đâu ?
LỆ THUỶ. Bên kia, anh ạ. (Trỏ.)
BÙI THẠNH (nhấc cặp da).
Mà hình như “toa” đang bận nên cũng chưa nói được gì với Thuỷ nhỉ ? (Cười, ra khuất.)
LỆ THUỶ (sau một chút). An-be ! Ở đây cuộc sống lúc nào cũng căng thẳng thế này
à ? Lúc nãy nhìn anh em khiếp quá! Trông anh dữ tợn như sư tử đói ấy. Tên sĩ
quan kia làm gì mà anh giết hắn ? Chỉ một phát mà hắn chết ngay. Vì em nghe
thấy một tiếng súng thôi mà. Kìa, anh mệt quá phải không ?
AN-BE BẢO. Em vào phòng trước đi, lát nữa anh sẽ vào. Lúc này anh
cần yên tĩnh một chút. Em hiểu cho anh.
Lệ Thuỷ giận dỗi đi sang phòng bên. An-be Bảo
vẫn gục đầu ngồi một mình. Lát sau, tên lính Dõng lúc nãy chạy vào, lúng túng.
LÍNH DÕNG. Bẩm Trung tá...
AN-BE BẢO (ngẩng đầu lên, rất mệt mỏi). Cái gì?
LÍNH DÕNG. Bẩm Trung tá, con tù nhân lúc nãy đang đau bụng quằn
quại.
AN-BE BẢO. Mặc xác nó. (Lại gục đầu xuống.)
LÍNH DÕNG. Bẩm, có lẽ nó giở dạ ạ.
AN-BE BẢO (ngẩng đầu).
Nghĩa là sao?
LÍNH DÕNG. Bẩm,
nghĩa là nó đau đẻ ạ.
AN-BE BẢO (ngạc nhiên).
Thật không? (Đột
nhiên chợt hiểu, đứng phắt dậy, vội vã.) Bảo đứa nào đi mời y sĩ, nhanh! Còn mày vào cởi trói
cho cô ấy rồi cáng lên đây.
Lính Dõng chạy ra.
(Chạy đến cửa phòng Lệ
Thuỷ.) Lệ Thuỷ ! Lệ Thuỷ ! Em mặc quần áo
vào rồi đem đồ đạc ra ngoài này. Mau lên ! Nhường phòng cho cô gái lúc nãy, cô
ấy đang đau đẻ. (Sốt
ruột.) Nhanh lên, em
! Ô hay, sao chậm thế ? (Chạy đến nắm lấy tay Lệ Thuỷ kéo xềnh xệch ra ngoài.) Sao anh bảo mà em vẫn cứ bướng thế nhỉ ?
LỆ THUỶ (nhìn An-be Bảo). Anh làm sao thế, An-be ? Anh điên
rồi hay sao ? (Gọi
to.) Anh Thạnh ! Anh Thạnh ! Ra đây em
bảo.
Bùi Thạnh từ trong phòng đi ra đã thay quần
áo ngủ.
An-be bắt
em nhường phòng cho con bé du kích lúc nãy, bảo nó đang đau đẻ. Thế là thế nào,
anh ? Anh thấy có kỳ quặc, vô lí không ?
Lính khiêng cáng vào, trên cáng Luyến đang
nằm quằn quại.
AN-BE BẢO. Đặt lên giường trong phòng kia! (Trỏ.) Rồi đi giục ông y sĩ.
Lính khiêng cáng vào phòng rồi đi ra. Y sĩ
đến.
Ông đỡ đẻ
cho cô gái nằm trong kia. Có thể cô ấy đẻ non. (Kéo y sĩ vào phòng.)
LỆ THUỶ. Về Hà Nội
thôi, anh Thạnh ạ. Em sẽ không bao giờ trở lại cái vùng đất khủng khiếp này
nữa. Nhưng có kịp đến nhà trước lúc trời tối không, anh ?
BÙI THẠNH. Thừa
sức. Em hãy tin vào tay lái của anh. Có
điều An-be sẽ...
LỆ THUỶ. Mặc anh ấy ! Anh vào chuẩn bị đi ! (Khi Bùi Thạnh đã vào
khuất, cô nói theo.)
Nếu An-be muốn lấy em, anh ấy phải về Hà Nội xin lỗi em đàng hoàng. Vừa rồi anh
ấy đã cư xử với em quá thô lỗ.
Thạnh đã thay quần áo, xách ba lô đi ra.
Ta đi thôi
!
Họ ra khuất, tiếng ô tô nổ máy rồi xa dần,
sân khấu trống.
TIẾNG LUYẾN (trong phòng vọng ra). Ông
ra ngay ! Ra ngoài kia ! Mau lên !
An-be Bảo bước nhanh trong phòng ra. Định ra
sân nhưng bổng đứng dừng lại, lắng nghe. Trong phòng vọng ra tiếng khóc của trẻ
sơ sinh: Oe... oe...Tiếng
khóc như báo hiệu một điềm gì bi thảm.
P H Ầ N T H Ứ
H A I
Cảnh sáu
Phòng
riêng của An-be Bảo trên đồn, nay biến thành phòng riêng của Luyến. Một chiếc
giường trải nệm trắng muốt, một chiếc nôi trẻ con.
Trên bàn: Phích nước nóng, chén, luyến đang pha sữa cho
con. Tiếng trẻ khóc thét.
LUYẾN. Cậu cả làm gì mà háu đói thế ? (Đem sữa lại cho con,
tiếng khóc im.) Đa tạ các vị nữ thánh ở rừng chanh
thiêng đã ban cho con đúng thứ mà con mong ước nhất. Ôi, chẳng phải cái trán
của bố nó là gì ? Cái miệng nữa. Đôi mắt. Cái tai. Và cái cằm này nữa chứ!
Không ai có thể bảo nó là con người khác. (Thơm con.) Con trai của mẹ. Từ ngày con ra
đời, mẹ đâm hư ! Con biết mẹ hư thế nào không ? Mẹ không thấy nhớ bố con nữa.
Mẹ đã quên hẳn bố con rồi. Có lúc mẹ tưởng như hoàn toàn không cần bố con nữa.
Hư quá phải không con? Mẹ vô ơn quá, phải không con ? Mải mê với của báu này đến
nỗi quên bẵng người đã ban nó cho mẹ. Bởi vì con chính là tặng phẩm của bố ban
cho mẹ, đúng không nào ?
HẠ SĨ (bước vào). Thưa bà gọi tôi ạ ?
LUYẾN (như sực tỉnh).
À, phải rồi. Nhờ anh chuyển giúp cái bàn này vào góc bên kia cho tôi. (Khẽ.) Bên ngoài không có ai chứ ?
HẠ SĨ (cũng khẽ). Không. (Mắt liếc ra ngoài
sân, tay trao Luyến một mảnh giấy nhỏ.)
LUYẾN (vẫn ôm con, giở tờ
giấy đọc rất nhanh rồi vo viên bỏ vào miệng nuốt). Tốt lắm. Anh vận động được thêm ai nữa không ?
HẠ SĨ (khẽ). Ông thượng sĩ coi kho đạn dược. Ông ta hứa khi nào bộ đội
nổ súng là ông ta cho đốt kho vũ khí.
LUYẾN. Còn
trung sĩ Phí đã xin được chuyển sang lô côt số 7 chưa ?
HẠ SĨ. Chưa, nhưng chắc chắn sẽ được.
LUYẾN. Phải làm thế nào để khi bộ đội ta bắt đầu tấn công, cái
lô-cốt lợi hại nhất ấy phải đầu hàng trước tiên và quay súng nã vào bên trong
đồn để hỗ trợ với bộ đội. Chìa khóa két đâu ?
HẠ SĨ. Tôi đánh rồi. (Đưa Luyến.)
LUYẾN (đặt con vào nôi). Anh ra canh cho tôi.
Hạ sĩ ra. Luyến tra chìa khoá vào ổ két. Loay
hoay mãi vẫn không sao mở được. Bỗng nghe tiếng hạ sĩ nói to bên ngoài: “Bẩm
Trung tá đã về ạ? "Luyến vội vã rút chìa khoá ra, chạy lại bên nôi, đẩy
nhẹ và hát ru.
An-be Bảo đi nhanh vào. Luyến thấy vậy, vội
chạy lại đỡ chiếc cặp cho hắn, đặt lên bàn, An-be Bảo ngồi xuống ghế xa- lông
mặt đá, lặng lẽ nhắm mắt, nghĩ ngợi.
Ông mệt lắm
phải không ? Em pha cốc nước chanh ông uống nhé? (Ra bàn pha nước.)
An-be Bảo mở mắt, nhìn xung quanh. Bỗng hắn
đứng phắt dậy bước đến gần chiếc két. Hắn đã phát hiện thấy mất dấu.
Lúc nãy em
làm rơi cái đầu vú cao su vào gậm, em phải gọi hạ si Trung vào nhích cái két ra
mới lấy được đấy.
An-be Bảo không nói gì, lấy chìa khoá ra mở
két, kiểm tra các thứ bên trong. Không thấy suy suyển, bèn đóng lại, quay khoá
hai vòng rồi ra ngồi như cũ. Lặng lẽ uống từng ngụm nhỏ cốc nước.
Cần cho
thêm gì không ? Chanh ? Rum ? Đường ?
An-be Bảo không trả
lời, chỉ lẳng lẽ lắc đầu.
Ông mệt quá
đấy mà. Uống xong về phòng nằm nghỉ đi.
AN-BE BẢO (đột nhiên nhìn vào mắt Luyến, đứng phắt dậy, nghiến răng
nói). Cô vẫn căm thù tôi lắm phải không ?
LUYẾN (giật mình, nhưng trấn tĩnh được ngay, cũng nhìn thẳng vào
mắt An-be Bảo mỉm cười.) Đúng thế ! Vậy ông định làm gì tôi
nào ?
AN-BE BẢO. Tôi phải giết cô !
LUYẾN. Ông tưởng tôi sợ chết đấy hẳn ?
AN-BE BẢO (rút súng, chĩa vào Luyến, gầm lên). Cô là du kích và
bây giờ cô vẫn là du kích ! Cô tìm cách lấy tài liệu bố phòng của tôi. Cô khai
thật đi !
LUYẾN. Đúng,
tôi là du kích và tôi được cử vào đây điều tra. Ông vừa lòng rồi chứ ?
AN-BE BẢO (quát).
Chúng nó giao cho cô việc gì ?
LUYẾN (mỉa mai).
Tôi đã nói rồi, không nhắc lại nữa. Mà ông bỏ cái thói quát tháo ấy đi ! Nếu
không, tôi sẽ không trả lời bất cứ câu nào ông hỏi nữa. (Quay ra tiếp tục
nựng con.)
AN-BE BẢO
(hét). Cô phải trả lời ! Tôi sẽ bắt cô
phải trả lời !
Luyến im lặng, làm như không nghe thấy gì.
(Hét to hơn.) Nói đi ! Chúng nó
giao cho cô điều tra tình hình phòng thủ của phân khu này, đúng không ?
Luyến vẫn im lặng.
Được! Tôi
sẽ có cách bắt cô phải nói. (Gọi to.) Có đứa nào ngoài ấy không?
Hạ sĩ chạy vào.
Gọi thằng
lực sĩ Khổn, bảo nó đem dụng cụ tra tấn lên đây, cả máy quay điện nữa.
HẠ SĨ. Xin
tuân lệnh, thưa Trung tá. (Chạy ra.)
AN-BE BẢO (giận dữ đi đi lại lại). Được, tôi có cách buộc cô phải mở miệng.
LỰC SĨ KHỔN (bước vào, mang theo dụng cụ tra tấn). Bẩm Trung tá, lực sĩ Khổn có mặt.
AN-BE BẢO. Trói con này lại, rồi sửa soạn tra điện.
Lực sĩ Khổn trói Luyến vào chân giường, nối
dây điện vào hai bàn chân Luyến.
Khai ra!
Chỉ huy du kích của chúng mày tên là gì? Lực lượng có bao nhiêu đứa? Nói mau!
Luyến im lặng.
(Với Khổn.) Quay !
Khổn bắt đầu quay máy phát điện. Luyến nhăn
mặt đau đớn, nhưng vẫn cố chịu đựng, gần xỉu đi.
Thôi ! Nghỉ
chút đã !
Bỗng đứa bé khóc thét lên.
Quăng thằng
bé ra ngoài sân !
LUYẾN. Cấm
không được đụng đến thằng bé !
Tên lực sĩ Khổn dừng lại, đưa mắt nhìn cấp
trên như dò hỏi.
Ông mà đụng
đến đứa bé, thì còn sống ngày nào tôi sẽ không nhìn mặt ông ngày ấy.
AN-BE BẢO. Tao cần gì nhìn mặt ? Khổn ! Tao bảo thế nào ?
Khổn nhấc đứa bé lên, định đem ra sân.
Khoan đã! (Với Luyến.) Thế nào, mày chịu khai ra không ?
Đứa nào chỉ huy du kích ở xã này ?
Luyến khinh bỉ không trả lời.
(Với Khổn.) Quăng thằng bé đi ! Mà thôi, không cần ! Trả nó vào
giường ! Con này gớm thật ! Để đấy cho tao ! Mày hãy tạm ra ngoài kia !
Khốn chạy ra ngoài sân. An-be đi đi lại lại.
Cảm thấy bất lực, hắn đành từ từ bước đến cởi trói cho Luyến.
Vậy em
không phải du kích chứ gì ? Em hãy nói đi, rằng em không còn là du kích nữa !
Hãy nói đi và tôi tin lời em !
LUYẾN (thì thào). Ông muốn nghĩ về tôi như thế nào,
tuỳ ông.
AN-BE BẢO. Lúc nãy tôi nóng nảy, em bỏ quá đi cho. Nhưng tại sao em
cứ làm khổ tôi thế nhỉ ? Luyến, chẳng lẽ em quên hết tình bạn thân thiết của
chúng ta ngày xưa rồi sao ? Còn tôi, tôi không thể quên được. Tôi không nỡ giết
em. Nhưng ít nhất em cũng phải hiểu cho như thế và đừng làm điều gì chống lại
tôi chứ ? Em không yêu tôi. Thôi được, tình yêu cũng cần có thời gian. Nhưng em
không thể thương xót tôi hay sao ? Hay thương tôi như thương một kẻ bất hạnh em
gặp trên đường. Tôi nhớ hồi nhỏ em thường giúp đỡ những người bất hạnh.
LUYẾN. Nhưng ông thì có gì đáng thương ? Sức khoẻ, tiền bạc,
quyền hành ông đều có thừa thãi.
AN-BE BẢO. Luyến lầm rồi. Chính tôi mới là kẻ đáng thương nhất.
Không ai cô đơn như tôi. Tôi cô độc như một con chó hoang. Xung quanh tôi chỉ
toàn kẻ thù. Đứa nào cũng chỉ rình lúc tôi sơ hở hay yếu thế để xé xác tôi, băm
vằm tôi. Từ lão đại tá Lơ-gơ-răng Tư lệnh quân khu đến tên lính dõng hèn mạt
nhất trong cái phân khu này. Ngay đến mẹ tôi, các em tôi, cũng căm ghét tôi,
chỉ mong tôi chết đi. Tôi chỉ còn hi vọng ở em. Nếu em cũng quay lưng lại thì
tôi sống trên đời này cực khổ quá.
LUYẾN (mỉm cười mệt mỏi).
Nhưng ông là người hùng. Mà đã là người hùng thì phải chịu cô đơn thôi.
AN-BE BẢO. Không phải thế. Tôi cô đơn bởi vì tôi chỉ gặp toàn những
kẻ khiến tôi nếu không căm ghét thì cũng khinh bỉ. Em là người đầu tiên làm tôi
tôn trọng và quí mến. Đúng ra em là người thứ hai. Nhưng người kia đã chết. Bây
giờ em là người duy nhất.
LUYẾN (ngạc nhiên).
Cô ấy là ai ? Ở đâu ?
AN-BE BẢO. Không phải một cô gái.
LUYẾN. Vậy là ai ? Cái người mà ông tôn trọng và quí yêu ấy ?
AN-BE BẢO. Cha tôi.
LUYẾN (sửng sốt).
Ông Tuần phủ ?
AN-BE BẢO. Em chưa biết nhiều về cha tôi đâu. Cha tôi còn là người
dìu dắt tôi, là người thực sự thương yêu tôi, lo lắng cho tương lai của tôi.
(Giọng
nói bỗng trở nên mơ màng, xúc động.)
Luyến biết không chính cha tôi là người đã dạy cho tôi điều quan trọng nhất, đó
là bắt kẻ dưới phải thuần phục. Ngay từ khi còn nhỏ, người đã giao cho tôi
trừng trị những kẻ nào dám không tuân lệnh người. Tôi còn nhớ lần đầu cầm cây
roi dài bằng song, tôi hơi sờ sợ. Bổng tôi nghe thấy cha tôi quát: "Con
của ta không thể là thằng hèn! Tên kia chỉ là kẻ tôi tớ, con cứ quất thẳng tay
! " Và thế là tôi nhắm mắt dang tay vụt tới tấp. Lúc tôi mở mắt ra, thấy
lưng tên đầy tớ đầy những lằn roi chi chít, đẫm máu. Cha tôi rất nghiêm, không
kẻ nào dám nhờn. Lí trưởng, chánh tổng hống hách ở đâu, nhưng đứng trước cha
tôi cũng xanh xám mặt mày, tay chân run lẩy bẩy, nói lắp bắp không ra lời. Cha
tôi mới đúng là người có bản lĩnh chúa tể. Khi nghe tin cha tôi mất, tôi choáng
váng như bị ai đánh một đòn chí mạng lên đỉnh đầu vậy.
LUYẾN (ghê tởm).
Có nghĩa ông Tuần phủ là người đầu tiên...
AN-BE BẢO. Bây giờ tôi trưởng thành rồi, không cần ai dìu dắt nữa.
Tôi cần một người vợ mà tôi thật sự yêu mến và tôn trọng. Những năm qua tôi đã
tiếp xúc với nhiều phụ nữ, trong số đó không ít cô xinh đẹp, gia đình cao sang.
Nhưng tất cả đều làm tôi khinh bỉ. Em là người duy nhất làm được cho tôi kính
nể. (Giọng
trở nên tha thiết.)
Luyến! Em đừng làm cho tôi phải giết em. Tôi tin rằng em sẽ không thể gặp người
đàn ông nào quí em hơn tôi, kể cả thằng Quảng...
LUYẾN. Im ngay ! Không được nhắc đến anh ấy !
AN-BE BẢO. Thôi được, tôi không nhắc đến nữa, với lại nó cũng chết
rồi.
LÍNH DÕNG (chạy vào).
Bẩm Trung tá, ngài Đại tá tư lệnh quân khu cần nói chuyện trực tiếp với Ngài.
Xin mời Trung tá xuống buồng điện thoại. Đại tá đang đợi ngài ở đầu kia.
AN-BE BẢO (xách cặp ra).
Tôi đi một lát thôi. (Ra nhanh.)
Lính dõng ra theo, Luyến còn lại một mình.
Đứa bé khóc. Cô bồng nó lên ru.
HẠ SĨ (lẻn vào). Bên ngoài đang không có ai. Chị mở
ngay đi. Chị Tâm bảo rất cần đến cái bản sơ đồ ấy. Tôi gác ngoài này cho. (Bỗng nhìn Luyến.) Chị làm sao thế kia?
LUYẾN. Tự nhiên tôi thấy choáng váng. Nhưng không sao. (Cô đứng dậy, nhưng
lại suýt ngã, hạ sĩ vội chạy lại đỡ.)
Nếu sau đây tôi có làm sao anh cứu lấy cháu, đem về cho bà ngoại nó nuôi hộ
tôi. Và nói với chị Tâm là tôi...
HẠ SĨ. Chị nằm xuống nghỉ đã. Hay vừa rồi chúng nó tra tấn chị?
Chị yên tâm, tôi sẽ nói với chị Tâm đầy đủ.
Bỗng có tiếng chân người bên ngoài.
(Nói to.) Bà làm sao thế này ? Để tôi tìm
ngài Trung tá... (Định
chạy ra thì vấp phải An-be Bảo đang bước vào.)
AN-BE BẢO. Mày vào đây làm gì, Trung?
HẠ SĨ (reo lên).
May quá, Ngài Trung tá đây rồi. Bà bị cảm hay sao ấy ạ. Tôi đang định đi tìm
Ngài.
AN-BE BẢO (nhìn nghi ngờ).
Bước ra ngoài ngay ! Tao cấm mày từ nay không được bước chân vào căn phòng này.
(Đợi
hạ sĩ ra ngoài khuất.)
Bây giờ thì mọi thứ đã rõ ràng. Mày đánh lừa tao, Luyến ! Thằng chồng mày chưa
chết! Tao vừa được tin nó dẫn trung đoàn 267 của Việt Minh về vùng này.
LUYẾN (cố giấu niềm sung sướng). Vô lí !
AN-BE BẢO (cười độc ác).
Còn vô lí gì nữa ? Mày thừa biết chồng mày còn sống và làm trung đoàn trưởng
Việt Minh. Tin nó chết chỉ là tin giả và chúng tao đã mắc lừa.
LUYẾN. Không! Không thể có chuyện ấy được !
AN-BE BẢO. Nó đổi tên thành Việt Quang và được đưa sang học một khoá
huấn luyện đặc biệt bên kia biên giới để trở về làm trung đoàn trưởng.
LUYẾN. Tôi
không quen ai là Việt Quang cả.
AN-BE BẢO. Thực ra
tên tù binh mà chúng tao bắt được chỉ khai trung đoàn trưởng của nó tên là Việt
Quang, nhưng tao đoán ra ngay. Là thằng Quảng chứ còn gì nữa. Đã lấy bí danh mà
còn tiếc cái tên cũ cho nên Quảng vẫn chỉ thành Việt Quang. Sao mà ngu đến thế
! Nhất là tên tù binh kia lại khai rằng trung đoàn trưởng của nó nghe đâu quê
vùng Quảng Yên. Ha ha ha ! Vậy là thằng chồng mày còn sống !
LUYẾN. Câm ngay
! Ông có bỏ ngay cái giọng ấy đi không nào ?
AN-BE BẢO. Ha ha ! Mày lại đòi tao phải lịch sự với mày nữa kia à?
Tao chưa đem mày ra tùng xẻo là còn may cho mày đấy.
LUYẾN. Cấm ông xưng hô với tôi như thế !
AN-BE BẢO (nhìn Luyến, giọng giễu cợt). Vậy phải xưng hô như thế nào ? Gọi
là em chăng ? (Cười
lớn.) Phải rồi, em
Luyến ! Em đẹp lắm ! Lúc này em càng đẹp hơn, lúc em giận dữ ấy. Thằng Quảng
còn sống và đã kéo quân về đây. Nhất định là nó sẽ chạm trán với con của kẻ mà
nó đã sát hại. Và trong hai chúng tôi, phen này phải có một đứa sống, một đứa
chết. (Cười
độc ác.) Ha-ha ! Mới
nghe nói đến chồng là mắt em tôi đã sáng lên rồi. Nhưng không sao. Em về với nó
hay sẽ lấy tôi là chuyện về sau. Cũng sẽ được giải quyết trong nay mai thôi.
Hãy biết lúc này em đang trong tay tôi. Đứa con kia không phải là con thằng
Quảng vì tôi đã nhận nó làm con nuôi rồi.
Hắn ngừng nói, ngoẹo đầu nhìn Luyến giễu cợt.
Giọng hắn sôi nỗi, say sưa như người điên lúc lên cơn.
Bây giờ tôi
mới hiểu, thái độ em lâu nay bướng bỉnh bởi vì thằng Quảng vẫn còn sống. Nhưng
chỉ nay mai thôi, thằng Quảng sẽ chết. Em sẽ là vợ tôi, nhất định như thế. Khi
đấy em sẽ thấy thằng Quảng không đáng xách dép cho tôi. (Cười hô hố.) Còn bây giờ, trong khi chờ đợi cuộc
chạm trán nảy lửa giữa hai địch thủ, ta hãy bàn việc tổ chức ăn mừng đầy tháng
cho đứa trẻ này đã. Vì chỉ còn ba ngày nữa thôi, ngày 27 phải không nào? Vì
chính ngày 27 tháng trước em về đây sống với tôi.
LUYẾN (chưa hiểu). Ăn mừng đầy tháng ?
AN-BE BẢO. Có gì mà em ngạc nhiên ? Tôi đã chuẩn bị đầy đủ từ một
tuần nay rồi. (Lấy
trong cặp ra một bộ quần áo người lớn và trẻ em.) Em sẽ là bà hoàng trong chiếc áo dài thêu kim tuyến này.
Còn con chúng ta sẽ là một hoàng tử. Tôi còn chuẩn bị quà thôi nôi cho nó nữa
chứ. (Lấy
ra một chiếc lục lạc.) Bằng bạc thật đấy, em nhé. Nghĩa là
ngày kia, ta sẽ mời khách Hà Nội, khách Hải Phòng, khách Quảng Yên đến dự.
Luyến vẫn im lặng.
Còn một
việc nữa tôi cũng không quên đâu. Sáng mai tôi sẽ cho lính đem vàng hương ra
ngoài rừng chanh thiêng, xin các thánh thần một cành chanh to về cắm trong bữa
tiệc ấy để lấy phước cho con. Em vui lòng chứ, vì em rất tin vào các vị thần
thánh ấy kia mà ? Còn bây giờ tôi phải xuống các đồn bốt trong phân khu do tôi
chỉ huy để lo việc chuẩn bị đón tiếp cuộc tấn công của chồng em cùng cái trung
đoàn khét tiếng thiện chiến của nó. (Cười vui vẻ.) Cần phải giành cho các vị ấy vài bất ngờ nho nhỏ để
chúng đừng tưởng lầm các sĩ quan và binh lính của quân đội quốc gia chỉ biết
doạ xằng! (Vui
vẻ đi ra. Đến cửa dừng lại nói tiếp.)
Tôi sẽ bắt sống thằng Việt Quang, đem nó ra hành hình giữa ngã tư phố chợ Quảng
Yên, đúng cái chỗ nó đã ám hại cha tôi sáu năm về trước. (Ra nhanh.)
Còn lại một mình Luyến. Tin đột ngột vừa rồi
về Quảng làm cô bối rối, vừa mừng vừa lo. Cô cảm thấy như không biết làm gì
trước làm gì sau. Cô chạy ra cữa sổ nhìn xuống rồi lại quay vào. Tiếng xe của
An-be nổ máy lao đi.
HẠ SĨ (chạy vào). Nó đi rồi. Ta bắt đầu ngay kẻo
muộn. Chìa khoá lúc nãy đâu rồi, để tôi cố mở xem sao.
LUYẾN (đem chìa khoá đến, cố mở). Chìa khóa đánh tồi quá ! Anh thử mở xem sao.
Hạ sĩ loay hoay mãi không mở được.
Đành phá
vậy.
HẠ SĨ. Làm
thế nó về sẽ biết ngay.
LUYẾN. Nó có giết, tôi cũng đành chịu. Không còn cách nào khác.
Họ nạy, cánh cửa két mở ra. Luyến lục tìm tài
liệu.
(Vừa lục vừa nói) anh báo với chị Tâm là chúng đã biết
kế hoạch của ta rồi. Phải chủ động đánh ngay. Đêm nay thì tốt, nếu không thì
đêm mai là cùng. Để chúng không kịp thay đổi kế hoạch bố phòng. Đây rồi! (Đọc nhanh.) Đúng rồi, kế hoạch phòng ngự của
tất cả các đồn, bốt trong phân khu này. (Đưa hạ sĩ.) Anh đi ngay đi.
Cảnh bảy
Trong
rừng chanh. Đêm khuya. Những bóng người ôm súng lom khom đi vào. Bóng họ thấp
thoáng sau những cành lá.
TRUNG ĐỘI TRƯỞNG (khẽ). Truyền xuống, đứng lại nghỉ. Địa điểm tập kết đây rồi.
(Ngồi
xuống, sửa lại ba lô, súng đạn.)
Tiếng truyền nhau "Dừng lại. Địa điểm
tập kết đây rồi." lan thành nhưng tiếng thì thào nhỏ xa dần rồi mất hút.
Họ ngồi xuống.
CHIẾN SĨ 1. Nhóc Phan! Hồi hộp
lắm phải không?
CHIẾN SĨ 2. Tim em đập thình thịch đây này.
CHIẾN SĨ 3. Trận đánh đầu tiên trong đời, ai chẳng hồi hộp. Ngày
trước, mình còn xoàng hơn cậu ấy chứ, sắp đến giờ nổ súng, vẫn còn run, mấy lần
định báo cáo đại đội trưởng xin... rút lui.
CHIẾN SĨ 2 (cười khúc khích).
Thật thế không anh ?
CHIẾN SĨ 3. Chứ còn gì nữa. Nhưng bây giờ thì đi ra trận tớ thấy
chẳng khác gì hồi nhỏ vác giỏ ra đồng bắt cua.
CHIẾN SĨ 1. Nói khoác. Dầy dạn mấy, nhưng vào trận, thằng nào bình
thản được? Một bên là cái sống, một bên là cái chết chứ đâu phải bắt được cua
nhiều hay ít.
TRUNG ĐỘI TRƯỞNG. Tranh thủ nghỉ ngơi chút ít đi, để
lấy sức.
Một bóng người lom khom đi đến. Tiếng phụ nữ.
NGƯỜI MỚI ĐẾN (gọi khẽ).
Đồng chí Quang ! Đồng chí Quang có đây không ?
TRUNG ĐỘI TRƯỞNG. Quang nào hả chị ?
TÂM
(bởi
người mới đến chính là Tâm, bí thư xã).
Đồng chí Việt Quang, trung đoàn trưởng ấy mà. Nghe bảo đồng chí ấy đi với mũi
chủ công.
TRUNG ĐỘI TRƯỞNG. Chúng tôi là mũi chủ công đây. Việc cần lắm không, chị ?
Tôi cử người đi tìm ban chỉ huy trung đoàn cho.
TÂM.
Việc rất cần. Đồng chí cho ai đi tìm giúp tôi.
TIẾNG NGƯỜI (gần đấy) Ai hỏi anh Việt Quang đấy ? Anh ấy ở
bên này.
QUẢNG (lom khom đi đến). Ai hỏi tôi thế ?
TÂM. Anh
Quang đấy ạ ? Tôi là Tâm đây.
QUẢNG. Chị Tâm
đấy ạ? Hay quá! Có tin gì mới không ?
TÂM. Tin hết
sức quan trọng nên tôi phải đích thân ra tìm anh để báo cáo. Chúng bí mật điều
hai đại đội Âu-Phi từ quân khu Đông Bắc đến hỗ trợ, mới chiều nay, di chuyển
bằng xe tải bịt kín. Một chúng bố trí ở rặng ổi cuối xóm nhà thờ. Một ở bãi
trống bờ sông Bạch Đằng.
QUẢNG. Chà, tin
quan trọng đấy. Thằng
An-be Bảo nguy hiểm thật. May chị báo cáo kịp thời không hai đại đội kia bất
ngờ xông ra thì ta khó mà đối phó kịp. Cảm ơn chị quá. À, còn gì nữa không, chị
?
TÂM.
Còn chuyện nữa, nhưng không gấp, để sau trận đánh này cũng được.
QUẢNG. Vậy
tôi đi nhé. Tin của chị quan trọng quá đấy, đỡ cho chúng tôi bao nhiêu thương
vong. Tôi biết ơn chị vô cùng, chị Tâm ạ. À, nói thêm, tập sơ đồ phong ngự đồn
bốt trong phân khu của chị đưa tốt quá. Thôi, tôi đi. Hẹn sau trận đánh. (Ra nhanh.)
TRUNG ĐỘI TRƯỞNG . Ban chỉ huy trung đoàn chúng tôi nói
chính xác đấy, đồng chí Tâm ạ. Chị biết không, hồi cuối năm ngoái, chúng tôi bị
một vố đau quá, chỉ tại mấy tướng quân báo điều tra không sát. Cả một hệ thống
giao thông hào bên ngoài hàng rào dây thép gai của chúng, mình không biết gì
hết. Lúc quân ta tấn công, chúng chỉ chống đỡ đại khái, còn rút hết ra hệ thồng
giao thông bên ngoài. Quân ta lọt vào trong, còn đang ngơ ngác sao không thấy
địch đâu, thì bỗng nghe thấy súng các cỡ nhả đạn khắp xung quanh. Thì ra bây
giờ chúng mới đánh từ bên ngoài vào có chết người không ? Cuối cùng cũng thắng
thôi, nhưng phải trả bằng giá quá đắt. Tiểu đoàn tôi coi như mất đứt hai đại
đội. Có cậu uất quá, đã hét lên, phải bắn mấy thằng quân báo ấy đi. Cho nên chị
nắm chắc tình hình địch cho đến phút cuối cùng vừa rồi là cực kì quan trọng
đấy, đỡ cho bộ đội bao nhiêu xương máu.
CHIẾN SĨ 1. Nhưng vừa rồi chị định nói gì nữa với anh Việt Quang kia
mà ? Sao không nói luôn đi ? Kinh nghiệm chúng tôi, thời chiến việc gì cần làm
là làm tắp lự, điều gì cần nói là nói luôn, không chờ đợi gì hết.
TÂM
(cười) Chẳng lẽ trong trận đánh này cả tôi lẫn đồng chí Quang đều hi
sinh cả hay sao ?
CHIẾN SĨ 1. Chỉ cần một trong hai người làm sao là điều định nói sẽ
không bao giờ nói ra đựơc nữa.
TÂM.
Với lại chuyện không quan trọng. Tôi chỉ định báo tin gia đình cho anh Quang
biết thôi. Chào các đồng chí nhé. Chúc các đồng chí thắng lợi to ! (Ra nhanh.)
CHIẾN SĨ 2. Lúc này chuyện gia đình quả là không quan trọng thật.
CHIẾN SĨ 1. Mình lại có kinh nghiệm, chính chuyện gia đình mới thật
sự quan trọng. Chỉ một tin nhỏ của gia đình cũng làm anh phấn chấn hẳn lên.
CHIẾN SĨ 2. Mà cũng có thể làm anh rã rời chân
tay.
CHIẾN SĨ 3. À, tôi biết chuyện gia đình mà chị cán bộ xã kia định nói
với anh Quang rồi. Chuyện về vợ anh ấy.
CHIẾN SĨ 2. Vợ ban chỉ huy trung đoàn làm sao ?
CHIẾN SĨ 3. Lấy thằng trung tá chỉ huy phân khu này.
TRUNG ĐỘI TRƯỞNG. Cậu lầm đấy. Tớ biết rõ chị vợ anh
Quang là một nữ du kích hết sức kiên cường.
CHIẾN SĨ 3. Hôm qua, lúc lên tiểu đoàn, tôi nghe được một đồng chí
cán bộ xã kể, trước đây chị ấy rất tốt nhưng gần đây bị sa ngã.
TRUNG ĐỘI TRƯỞNG. Chẳng lẽ nhanh thế à? Tớ không tin.
CHIẾN SĨ 1. Vợ tớ mà như thế, tớ đâm chết cả hai đứa rồi đem trôi
sông. Ngoại tình đã hư lại còn lấy thằng giặc.
TRUNG ĐỘI TRƯỞNG. Ngộ nhỡ chị ấy bị chúng ép buộc thì
sao ?
CHIẾN SĨ 1. Đã là người tốt thì dù có phải chết...
CHIẾN SĨ 2. Thời chiến, đừng vội xét đoán một con người. Theo em thì
hoàn cảnh nhiều lúc éo le và mỗi chuyện bên trong đều có nhiều uẩn khúc.
TRUNG ĐỘI TRƯỞNG. Thôi nghỉ đi một lát. Sắp đến giờ
xuất kích rồi.
Họ im lặng một lát.
CHIẾN SĨ 2. Mùi lá chanh thơm quá!
CHIẾN SĨ 1. Mình nghe nói là ở rìa thị xã Quảng Yên có một rừng
chanh đặc biệt, rất thiêng, không biết có phải khu rừng này không ?
TRUNG ĐỘI TRƯỞNG. Chính nó đấy. Dân vùng này sùng kính
lắm, gọi là rừng chanh thiêng. Mỗi khi có việc đi đâu, họ hay hái một chiếc lá
chanh ở đây mang theo trong người để lấy may. Nếu đêm khuya phải đi qua nơi
vắng vẻ, chỉ cần giắt một chiếc lá chanh ở khu rừng này làm bùa hộ mệnh là
không sợ gì hết.
CHIẾN SĨ 2. Thế thì em cũng hái một chiếc bỏ vào túi lấy may. (Hái một chiếc lá nhét
vào túi ngực.)
TẤT CẢ. Phải
đấy.
Họ mỗi người hái một lá nhét vào túi ngực như
chiến sĩ 2.
Bỗng nhiên một chiếc bộc phá nổ choáng tai,
một ánh chớp loé lên soi rõ mặt mọi người.
TRUNG ĐỘI TRƯỞNG (xốc súng, vùng đứng
lên, hét). Toàn trung
đội, tiến!
Tất cả bật dậy, các nòng súng chĩa lên tua
tủa. Họ lao đi vun vút,giữa bóng đêm, hết lớp này đến lớp khác, trong tiếng
súng các nổ vang động liên tục. Những đường đạn bay như pháo hoa. Sân khấu sáng
rực như ban ngày. Trận đánh bắt đầu.
Cảnh tám
Gần
sáng, nhưng vẫn còn là đêm tối. Tuy nhiên súng nổ, lửa cháy khắp xung quanh tạo
nên nhưng luồng sáng chập chờn trên đỉnh đồi, nơi đóng sở chỉ huy của quân
địch.
Đỉnh
đồi là bãi phẳng, xung quanh là các ngôi nhà: Phòng điện đài, sở chỉ huy phân
khu, nhà giam. Vòng ngoài cùng, nhô lên các nóc lô cốt.
Súng
nổ vang rền. Cuộc giao chiến tiếp diễn dữ dội. Thỉng thoảng một vài bóng người
chạy ngang qua sân khấu, tay cầm súng, lưng khom để tránh mảnh đạn.
Vọng
ra tiếng An-be Bảo thét trong phòng điện thoại.
TIẾNG AN-BE BẢO (cố hét để át tiếng súng ầm ầm xung quanh). A-lô ! Nếu không có thêm quân tiếp
viện, tôi không thể chống cự nổi với chúng. Hai đại đội ở xóm nhà thờ và ngoài
bãi sông đều bị chúng phát hiện và diệt ngay trong giờ đầu tiên của trận đánh.
Sao ? Sáng mai à ? Nếu sáng mai quân tiếp viện mới đến thì chỉ có thể nhặt xác
chúng tôi mà thôi. Vâng, tất cả các lô-cốt ngoại vi đều đã bị mất. Bọn chúng
bắt đầu lọt vào trung tâm chỉ huy. Nếu viện binh không đến ngay thì đây là lần
cuối cùng tôi tiếp chuyện Đại tá. Xin vĩnh biệt. Ngài hãy tin rằng hồn oan của
tôi sẽ còn ám ảnh Ngài cho đến khi chính Ngài cũng bị tử trận như tôi.
Hắn quăng máy, chạy ra sân, đứng quan sát một
lát rồi chạy đi. Một quả đại bác rơi, nổ làm hắn vội nằm rạp xuống, sau đó chạy
theo hướng khác. Hắn vừa chạy khuất thì hạ sĩ Trung vào, chạy đến cữa nàh giam,
nhìn quanh không thấy ai, bèn gõ cửa, gọi khẽ.
HẠ SĨ. Chị
Luyến ! Chị Luyến ! Tránh ra cho tôi phá cửa. (Lấy báng súng đập vỡ
cánh cửa, chạy vào.)
Để tôi bế cháu cho. Mau lên.
LUYẾN (bế con bước ra, áo quần rách tả tơi, mặt mũi thâm tím). Anh mặc tôi !
Họ định chạy đi nhưng không kịp, An-be Bảo đã
quay lại.
AN-BE BẢO (quát).
Thằng Trung ! (Chĩa
súng.) Mày phản bội
từ bao giờ vậy? Mày đồng loã với con quỉ cái ! (Hạ sĩ định chạy đến
cướp súng thì bị hắn bắn ngay.)
HẠ SĨ (trúng đạn, ôm ngực loạng choạng). Mày sẽ phải đền tội ! (Gục xuống tắt thở.)
AN-BE BẢO (quay sang Luyến). Còn
mày ? Được, tao sẽ giải thoát cho cả mày nữa.
Luyến vội quay lưng bế con chạy vào phòng
giam, nhưng An-be Bảo chạy theo, lôi cô ra. Trên tay Luyến không còn đứa trẻ
nữa.
(Giọng cay đắng, uất
ức.) Đúng, tao sẽ giải thoát cho mày ! (Lôi xềnh xệch Luyến
đến trước chân cột cờ giữa sân đồn, trói cô vào đấy.) Tao biết sẽ không sống thoát, nhưng
tao cũng không cho mày được về với nó. Tao phải trừng trị mày cho xứng với tội
của mày. Mày sẽ phải chết như một con chó thui, một cái chết đau đớn nhất. (Lấy thùng xăng tưới
lên người Luyến.) Tao
yêu quí mày, tao chỉ cho mày con đường sung sướng, nhưng mày lại lừa dối tao để
bây giờ chuốc lấy cái chết trong tay tao. Tao sẽ đốt cho từng mảnh thịt trên
người mày cháy bỏng. Tiếc rằng tao chưa nghĩ ra cách nào hành hạ mày đau đớn
hơn. Còn tao, tao sẽ chết, mà như thế là đúng. Tao ngu muội. Bao nhiêu lần bắt
quả tang mày ăn cắp bí mật quân sự, bao nhiêu lần thấy rõ mày chứa chấp Việt
Minh, mày ám hại các sĩ quan trung thành của tao, vậy mà tao đều nhắm mắt bỏ
qua, hi vọng mày thay đổi. Tao đã lầm và bây giờ tao phải trả giá cái sai lầm
ngu muội ấy. (Châm
lửa. Cả người Luyến cháy bùng lên như bó đuốc.) Ha ha ha ! (Cười điên dại.)
Luyến cố gắng chịu đựng. Toàn thân cô quằn
quại trong ngọn lửa. Cô lả đi, sắp chết.
Bỗng An-be Bảo đột nhiên hốt hoảng. Hắn chạy
vào nhà, lấy tấm chăn bông ra dập đám cháy. Bản thân quần áo hắn cũng bén lửa
nhiều chỗ.
Bên dưới sườn đồi đã bắt đầu vang lên những
tiếng hô "Xung phong!".
An-be Bảo đặt Luyến xuống đất, lấy chân dập
nốt những đốm lửa cháy trên quần áo cô gái.
Luyến !
Luyến ! Em còn sống chứ ? Em chưa chết phải không ? Hãy tha thứ cho tôi ! Tôi
yêu em, thế mà tôi lại giết em ! Nhưng tại sao em không đáp lại tình yêu của
tôi mà lại làm hại tôi ? (Thấy mắt cô gái hơi hé mở.) Em nói đi, tôi phải làm thế nào để
em sống lại bây giờ ?
Luyến mấp máy môi.
Một quả
chanh ? Ngoài rừng thiêng ? Chỉ cần như thế sẽ làm em sống lại được ư ? Tôi sẽ
chạy ra đấy ngay bây giờ, sẽ đem về cho em không phải một quả mà một chục, một
trăm quả để em lành lặn, lại xinh đẹp như xưa. (Chạy vụt đi.)
Tiếng bộ đội hô "Xung phong" đã gần
và một tốp bộ đôi xuất hiện.
CHIẾN SĨ 1. Sở chỉ huy của chúng đây rồi !
TRUNG ĐỘI TRƯỞNG. Bắt sống thằng trung tá chỉ huy phân
khu. Phải bắt nó kì được ! Chặn các hướng, không cho nó thoát !
Họ tản ra các phía. Chiến sĩ 2 nhìn thấy
Luyến.
CHIẾN SĨ 2. Ai thế này? (Cúi xuống nhìn.) Một phụ nữ! Nhưng sao cháy đen thế
này ? Chắc bị chúng đốt !
CHIẾN SĨ 3 (chạy lại).
Chết rồi à? Có lẽ chưa. (Cúi xuống.)
Chị ấy nói cái gì thế này. Bằng, cậu lại đây thử nghe xem. (Cố nghe.) Chị Tâm à ? Tâm nào ? (Không thấy trả lời.) Tắt thở rồi! (Bỏ mũ.) Chắc thủ phạm vụ này là thằng đồn
trưởng An-be đây. Nghe bảo nó độc ác lắm. Nhưng chị này là ai mà bị nó giết một
cách tàn bạo thế này ?
TRUNG ĐỘI TRƯỞNG (chạy lại).
Chắc nó bắt lên đồn cưỡng hiếp nhưng cô ấy không chịu.
CHIẾN SĨ 2. Cũng có thể là du kích, vào để điều tra và bị nó phát
hiện ra.
Nhiều người kéo đến, trong số đó có một cán
bộ xã và du kích.
DU KÍCH 1. Cô Luyến ! Sao bị giết tàn bạo thế này?
CHIẾN SĨ 3 (chạy đến).
Báo cáo trung đội trưởng, chúng tôi không tìm thấy thằng đồn trưởng đâu cả.
TRUNG ĐÔI TRƯỞNG. Chẳng lẽ nó chạy thoát ?
DU KÍCH 2. Thoát sao nổi ? Chắc nó chết trong đám loạn quân.
CHIẾN SĨ 2. Đồng chí vừa bảo người phụ nữ này tên là Luyến? Là du
kích ạ ?
CÁN BỘ XÃ. Cô ấy là
vợ thằng đồn trưởng.
CHIẾN SĨ 3. Vợ thằng Trung tá An-be ? Nhưng sao nó lại đốt vợ nó thế
này ?
CHIẾN SĨ 2. Hôm qua anh bảo vợ anh Việt Quang lấy thằng đồn trưởng
Quảng Yên. Hay chính là chị này đấy?
DU KÍCH 1. Đúng chị ấy ! Tội nghiệp, lấy nó để rồi bị nó giết, chết
thê thảm thế này.
CHIẾN SĨ 2. Lúc chúng tôi đến, chị ấy còn nói được.
CÁN BỘ XÃ. Cô ấy nói gì ?
CHIẾN SĨ 2. Rất khó nghe. Tôi chỉ nghe được hai chữ "Chị
Tâm"... còn thì chịu. Sau đấy chị ấy tắt thở luôn.
CÁN BỘ XÃ. Tâm là tên đồng chí bí thư xã chúng tôi. Rất tiếc chị ấy
đã hi sinh trong đợt xung kích đầu tiên của đại đội mũi nhọn. Nhưng cô Luyến
nói chị Tâm là có ý gì không biết.
DU KÍCH 1. Chắc xin tha thứ. Vì trước khi lấy thằng đồn trưởng, cô
ấy là du kích kiên cường, chị Tâm rất quý.
TRUNG ĐÔI TRƯỞNG. Chị Tâm hi sinh rồi à ? Mới lúc tối,
chị ấy còn đến chỗ trung đội chúng tôi. Nếu đây chính là vợ anh Việt Quang thì
tôi phải đi tìm anh ấy báo tin để cho anh ấy biết. (Định chạy đi).
CÁN BỘ XÃ. Anh Quang bị thương nặng, được cáng về tuyến sau rồi.
Không biết có cứu được không ?
CHIẾN SĨ 2. Tội nghiệp quá nhỉ ! Chỉ một chút lầm lạc mà dẫn đến cái
chết đau đớn thế này.
CHIẾN SĨ 3. Thế là đáng ! Còn tội nghiệp gì nữa ?
Chiến sĩ 2 phủ chăn lên xác Luyến. Bổng có
tiếng trẻ khóc.
(Lắng nghe.) Hình như trong cái nhà kia. (Chạy vào nhà giam, bế
đứa trẻ ra.) Sao có
đứa trẻ ở đây ?
DU KÍCH 2. Con chị Luyến rồi. May nằm trong ấy chứ không cũng bị
thằng đồn trưởng giết với mẹ nó rồi. Để tôi đem về trả cho bà cụ mẹ cô Luyến.
TRUNG ĐÔI TRƯỞNG. Các đồng chí ! Ta thu dọn chiến
trường nhanh lên rồi rút, kẻo sáng ra máy bay địch kéo đến bây giờ. À, nhưng
soát lại một lần nữa xem có thấy thằng đồn trưởng đâu không.
TẤT CẢ. Đúng
thế.
CÁN BỘ XÃ. Còn chúng tôi đem cô Luyến về xã chôn cất và đem đứa bé
trả cho bà ngoại nó.
Họ tản đi trong lúc
những đám khói vẫn bốc lên nghi ngút.
Vĩ thanh
Ba
năm sau, mảnh đất này đã được tự do. Hoà bình cũng đã trở lại trên toàn miền
Bắc.
Nhà
mẹ Luyến. Vẫn cái sân rộng, vẫn hiên nhà mái lợp cọ. Vẫn mấy cây cau ngoài
vườn. Chỉ khác là có thêm chiếc võng mắc ngoài hiên và nếu trước đây thỉnh
thoảng vẳng lại tiếng súng thì bây giờ là tiếng đồng ca ở lớp mẫu giáo gần đấy.
Mẹ
Luyến đang đưa võng, ru đứa cháu ngủ. Sáng mùa hè nóng nực.
MẸ LUYẾN (vừa quạt cho cháu vừa
nói). Tội nghiệp cháu tôi, đã sớm mồ côi mồ
cút lại còn bệnh tật thế này. Chẳng lẽ bà đã phạm phải tội gì mà trời phật thần
thánh trừng trị cháu thế này?
Chủ tịch xã bước vào. Ông chính là người cán
bộ xã trong cảnh trước. Cùng đi có một người khách đã có tuổi.
CHỦ TỊCH XÃ. Chào bà! Tôi tìm được ông thày đây,
giỏi chữa bệnh trẻ nhỏ lắm.
MẸ LUYẾN (vội vã).
Quý hoá quá! Mời thày và ông chủ tịch vào nhà sơi nước.
CHỦ TỊCH XÃ. Trời nóng bức thế này ta ngồi ngoài
hiên cho mát. Mời thày ngồi.
Họ ngồi xuống chõng tre. Mẹ Luyến đem nước ra
mời.
MẸ LUYẾN. Cháu nhà tôi đây. Lên ba rồi mà chẳng nói chẳng cười gì
được.(Trỏ
võng.)
THÀY LANG. Bà đã chữa chạy gì cho cháu chưa ?
MẸ LUYẾN. Thôi thì chẳng thiếu thứ gì. Hễ ai mách ở đâu có thày
giỏi là xa đến mấy tôi cũng bế cháu đến. Nhưng ông chủ tịch biết đấy, vẫn không
kết quả gì. Câm vẫn hoàn câm. (Bế đứa cháu ra đặt lên chõng.) Nhờ thày xem cho. Biết đâu lần này
cháu gặp thày, khỏi được bệnh thì phúc đức nhà tôi quá.
THÀY LANG (xem mạch).
Lạ nhỉ, mạch tốt, khí tốt, họng lưỡi bình thường, tại sao mà không nói được ?
Lẽ ra tuổi này phải là tuổi nói suốt ngày ấy chứ. Thỏ thẻ như trẻ lên ba kia
mà. (Cười.) Hay lại như đức thánh Gióng ngày
xưa, phải đến lúc sứ giả nhà Vua đến, mới bật lên tiếng nói? Thôi được, tôi
cũng thử cắt một thang thông khí cho cháu uống thử. Nếu hợp, bệnh cháu chuyển
thì rồi sẽ liệu. Còn nếu không chuyển chút nào thì tôi cũng đành chịu. (Mở tay nải, lấy ra
các gói, các lọ, bốc thành một thang thuốc.)
Suốt bốn chục năm theo đòi cụ Lãn Ông, tôi chưa gặp mà cũng chưa từng nghe thấy
trường hợp nào như thế này.
Một cô gái chạy vào.
CÔ GÁI. Bác
chủ tịch đây rồi! Bác ngồi đây mà cháu tìm khắp các chốn !
MẸ LUYẾN. Cô Hải ngồi uống nước đã.
HẢI. Chết,
cháu mải việc quên chưa chào bà, chào cụ đây. Ôi, bà lại mới mời được cụ lang ạ
?
THÀY LANG. Không dám, chào cô. (Đưa gói thuốc cho mẹ Luyến) Bà sắc ngay cho cháu nó uống thử.
MẸ LUYẾN (đỡ gói thuốc).
Vâng. (Đem
xuống bếp.)
CHỦ TỊCH XÃ (quay sang Hải).
Họp thế nào ?
HẢI. Bác
bí thư huyện bảo cho xã ta thêm hai tấn đạm nữa để bón cho rừng chanh.
CHỦ TỊCH XÃ (thở dài).
Đồng chí ấy tưởng ta
không bón đấy hẳn? Mấy vạn gánh mùn móc từ dưới sông Chanh lên đắp từng gốc còn
gì. Nhưng thôi, huyện cho càng tốt, càng có thêm đạm cho lúa.
HẢI. Thưa
bác, cháu tưởng cứ bón cả vào cho chanh. Biết đâu đấy. Làng ta xưa nay sống nhờ
vào cái rừng chanh ấy. Thế mà suốt ba năm rồi không có lấy một quả nào. Thậm
chí không cả ra hoa.
CHỦ TỊCH XÃ. Chanh không ra hoa đâu phải vì thiếu chăm bón ?
HẢI. Thế
bác bảo vì cái gì ạ ?
CHỦ TỊCH XÃ (cười).
Chịu. Khéo kỳ này phải lên Hà Nội triệu ông kỹ sư nào giỏi ở Viện trồng trọt về
nghiên cứu xem tại đâu.
THÀY LANG (đang thu dọn thuốc men cất vào tay nải). Ông chủ tịch bảo sao ? Cây chanh ba năm liền không ra
hoa ?
CHỦ TỊCH XÃ. Không phải một cây mà là cả một rừng chanh. Chẳng là quê
chúng tôi có một rừng chanh rất đặc biệt, năm nào cũng rất sai, quả nào cũng
to, mọng nước và thơm nức. Không đâu có giống chanh lạ thế. Xưa nay quê tôi,
dân vẫn sống bằng cái rừng chanh ấy. Vậy mà chẳng hiểu tại sao bẵng đi ba năm
liền, cấm thấy ra một cái hoa.
THÀY LANG. Lạ nhỉ ? Hay ở đây có chuyện gì đụng chạm đến thổ địa
chăng ? Rừng chanh thì ba năm không ra hoa, đứa trẻ thì ba tuổi vẫn chưa biết
nói biết cười. (Thấy
mẹ Luyến vào.) Bà cho
cháu nó uống thử xem sao chứ kiểu này tôi sợ thuốc của tôi sẽ chẳng có kết quả
gì đâu.
HẢI. Thưa
bác, cháu trộm nghĩ...
CHỦ TỊCH XÃ (cười).
Cô lại bảo rừng chanh không ra hoa vì hồn oan cô Luyến chứ gì ? Đoàn viên thanh
niên mà mê tín thế à ? Với lại cô Luyến thì có gì mà oan ? Giá cô ấy không lấy
thằng đồn trưởng thì nào ai nói gì cô ấy. Bỏ du kích, lên đồn sống với thằng
đồn trưởng, đẻ con với nó, vậy mà khi chết, làng vẫn tổ chức mai táng chu đáo,
có hương có hoa đàng hoàng. Con cô ấy vẫn được hưởng chế độ trợ cấp của xã, kém
gì con người khác đâu. Nhân đây, có bà sinh ra cô ấy, bà thấy có chỗ nào chưa
công bằng không ?
MẸ LUYẾN. Tôi có trách gì các bác đâu ? Chỉ có điều, nhiều đêm tôi
không ngủ được, càng nghĩ đến nó càng thương. Tại sao nó đâm hư đốn như thế
không biết. Càng nghĩ càng thêm khó hiểu. Có lúc tôi nghĩ khéo tại tôi. Nó đã
dại dột chót có thai, lẽ ra tôi là mẹ, tôi phải an ủi, phải cảm thông, tha thứ
và giúp đỡ nó. Ngày ấy còn mồ ma chị Tâm, chị ấy cũng có giải thích cho tôi
hiểu và thôi đừng giận nó nữa. Nhưng tôi không chịu nghe. Bây giờ ân hận thì
chẳng còn được nữa. Chính tôi đã đẩy nó đến chỗ phải lên sống với cái thằng độc
ác ấy để rồi bị nó giết tàn bạo đến thế. (Lau nước mắt.)
HẢI. Trong
cái chết của cô Luyến vẫn còn nhiều uẩn khúc. Thưa bác chủ tịch, cháu xin nói
thật. Cháu vẫn cho rằng cô Luyến lấy thằng đồn trưởng để điều tra tình hình
địch. Khốn nỗi công việc ấy chỉ có mỗi cô Tâm biết, không may cô Tâm lại hi
sinh đúng vào cái đêm ta diệt đồn.
CHỦ TỊCH XÃ. Nghĩa là cô bảo chi bộ lúc ấy mà chị Tâm là bí thư đã
giao cho cô Luyến nhiệm vụ lấy thằng An-be? Không, không đời nào ta dùng cái
cách tàn nhẫn ấy. Với lại nếu có như thế thì chúng tôi phải biết chứ ?
HẢI.
Cháu nghe nói lúc cô Tâm bị thương nặng, sắp chết, cô ấy có nói mấy chữ:
"Đồng chí Luyến thật ra đã... " nhưng chưa kịp nói hết câu thì đã tắt
thở. Mấy chữ ấy chính là để thanh minh cho cô Luyến.
MẸ LUYẾN (sung sướng).
Thật ư? Chị Tâm có nói như thế thật ư ?
HẢI. Bác
Hoà, bác Sửu có mặt bên cạnh cô Tâm lúc ấy đã kể lại đúng như thế, bà ạ.
MẸ LUYẾN (lau nước mắt).
Ôi, nếu như thế thì con gái tôi oan uổng thật rồi.
CHỦ TỊCH XÃ. Kể ra chỉ căn cứ
vào mấy chữ ấy chưa thể xác định ý nghĩ chị Tâm lúc bấy giờ. Có thể hiểu như
cách cô Hải và bà, nhưng cũng có thể hiểu câu đồng chí Tâm định nói chỉ nhằm
bộc lộ nỗi thương xót. Cô Luyến trước kia là đồng chí tốt, thậm chí rất tốt là
đàng khác. Chỉ về sau do yếu đuối, không tự kiềm chế được nên đã sa ngã. Tuy
không làm gì hại ai, nhưng đã bỏ mất lý tưởng.
HẢI. Có
nghĩa theo ý bác, dân xã đối với cô Luyến như thế là công bằng rồi ?
CHỦ TỊCH XÃ. Không phải một mình tôi mà các đồng chí trong Đảng uỷ, Uỷ
ban đều nghĩ thế.
HẢI. Nếu
vậy, tại sao rừng chanh ba năm không ra hoa ? Tại sao thằng bé con cô Luyến ba
năm không nói không cười ?
THÀY LANG. Tôi thấy trong chuyện này có bàn tay của ma quỷ, thần
thánh gì đấy, ông chủ tịch ạ.
HẢI. Cháu
không tin vào ma quỷ thần thánh, nhưng cháu tin vào cái rừng chanh kia, cái
rừng chanh đã đột nhiên mọc lên giữa bãi trống, chữa lành vết thương cho các nữ
binh vua Quang Trung, cái rừng đã dẫn lối đưa đường cho thằng đồn trưởng An-be
độc ác ấy mò vào rồi quật chết nó. Bác không thấy đấy ư, hôm sau dân làng thấy
xác nó trong rừng chanh, khắp người đẫm máu và lằn những vết quất của cành cây.
Cây cỏ đâu phải vô tri vô giác ? Chúng nó có lương tri hơn cả con người ấy chứ.
Vì cây cỏ là thiên nhiên, và cũng như núi đồi, biển cả, cây cỏ bao giờ cũng
sáng suốt, công bình.
THÀY LANG. Mà có lẽ cô ấy nói đúng đấy, ông chủ tịch ạ. (Đứng lên.) Nếu đúng bệnh thì uống xong thang
thứ nhất độ vài tiếng, cháu sẽ ho lên được. Khi ấy tôi mới cắt tiếp. Thôi, tôi
về đã. Ông chủ tịch ngồi chơi nhé.
CHỦ TỊCH XÃ. Tôi cũng về đây ! (Đứng lên.) Hôm nay có khách trên tỉnh hẹn xuống, tôi phải đi lo
đón tiếp. À, vẫn chưa thấy anh Quảng về thăm bà nhỉ?
MẸ LUYẾN. Anh ấy vừa viết thư bảo nay mai thế nào cũng về chơi với
tôi vài ngày. Mới hoà bình, công việc bề bộn quá mà. Nhưng thú thật, tôi lại
mong anh ấy đừng về. Gặp anh ấy, tôi lại thêm xấu hổ. Làm mẹ không biết dạy con
để nó có lỗi với anh ấy.
Chủ tịch xã và thày lang ra.
HẢI. Cháu
cho rằng nếu xã không xác minh cho đúng việc cô Luyến thì có bón hàng trăm tấn
đạm, rừng chanh kia vẫn không thể ra hoa. Có cho thằng bé uống hàng ngàn thang
thuốc, nó vẫn không thể nói, thẻ cười.
Bỗng nhiên đứa bé ho.
MẸ LUYẾN (mừng rỡ). Vậy là thuốc công hiệu rồi. Cháu
tôi vừa ho, cô nghe thấy không ? Tôi phải chạy đi đuổi theo ông thày, báo ông
ấy biết là thuốc đã có công hiệu, để ông ấy cắt tiếp cho cháu tôi mới được. (Định đi.)
HẢI. Khoan
đã, bà ! Lạ quá, cháu thấy không phải nó ho mà là nó gọi: "Bố !.
MẸ LYẾN (buồn bã). Nói đã nói thành tiếng thế nào được
? Ông thày bảo uống xong thang đầu, chỉ cần nó ho lên được là quý rồi. Mừng quá
! (Định
chạy đi thì có tiếng còi xe hơi bên ngoài.)
Chắc xe cán bộ trên tỉnh xuống.
Vừa lúc đó Quảng mặc quân phục trung tá vui
vẻ chạy vào.
QUẢNG. Mẹ
định đi đâu thế kia ?
MẸ LUYẾN. Ôi, anh Quảng đấy ư ? (Rưng rưng nước mắt.) Tôi tưởng anh lại bận không về được
như lần trước.
QUẢNG. Đúng,
con bận quá, mẹ ạ. Nhưng lần này thì con quyết tâm, thế nào cũng phải ra thăm
mộ nhà con, thắp nén hương. Mẹ trông con cho ai thế kia ? Con cô này ạ ? (Nhìn Hải.)
MẸ LUYẾN (tủi hổ).
Con của cái Luyến đấy ?
QUẢNG. Luyến
có con ạ ? Sao con không nghe ai nói nhỉ ?
MẸ LUYẾN (đau xót). Nói ra thật xấu hổ với anh. Cái năm
thằng Bảo, con lão Tuần phủ Quảng Yên về đây làm đồn trưởng, gọi là thằng
An-be, nó quyến rũ hay doạ dẫm thế nào chẳng biết mà con Luyến có thai vói nó
rồi lên đồn sống với nó.
QUẢNG. Con
có nghe nói Luyến lấy thằng Bảo nhưng chuyện cô ấy có con thì con không hề
biết. Nhưng lạ nhỉ ! Mẹ có chắc đấy là con thằng Bảo không ạ ?
MẸ LUYẾN. Chẳng con nó mà khi đẻ nó lại đón lên đồn chăm sóc.
QUẢNG (đăm chiêu). Chà ! Thế cháu sinh năm nào ạ?
MẸ LUYẾN. Đúng năm các anh về diệt đồn ấy. Lúc đấy thằng bé vừa đầy
tháng. Giờ là được gần ba năm.
QUẢNG (reo lên vui vẻ). Ôi, thế thì là con
của con chứ không phải của thằng Bảo đâu, mẹ ạ. (Bế đứa trẻ lên hôn
hít.) Ra tôi có con
mà không biết. Nhưng sao con tôi nắm chặt bàn tay như định thụi bố thế này? Hay
vẫn giận bố bỏ rơi suốt mấy năm phải không ?
MẸ LUYẾN. Nó vẫn thế từ khi tôi đem nó về nuôi đấy.
QUẢNG. Mở
bàn tay ra, con ! (Khẽ
mở. Bàn tay đứa trẻ xoè rộng.)
Con nắm cái gì thế này ? À, một bông hoa chanh ! Ra con tôi vẫn nắm một bông
hoa chanh. (Đưa
bông hoa lên mũi ngửi.)
Thơm quá ! Hoa chanh ở rừng chanh quê mình có mùi thơm đặc biệt thật ! (Đưa Hải.) Cô ngửi xem này.
HẢI (đỡ bông hoa, tái mặt). Sao lại có bông hoa chanh trong bàn
tay đứa bé được ? Mà lại tươi roi rói như mới hái trong vườn. Vô lí ! Ba năm
nay... (Nghẹn
không nói được.)
QUẢNG. Tươi
đâu, héo rồi đấy chứ.
HẢI. Không
phải, hoa rất tươi ! Bà ạ, nghĩa là lúc nãy thằng bé nói chứ không phải ho. Nó
gọi bố. Nó cười kìa !
MẸ LUYẾN. Tôi... tôi vẫn chẳng hiểu thế nào hết.
Chủ tịch xã cùng dân làng chạy vào.
CHỦ TỊCH XÃ (reo lên).
Anh Quảng ! Nghe tiếng còi ô-tô tôi vội đến ngay! Trông anh mạnh khoẻ, hồng hào
quá !
Mọi người niềm nở hân hoan chào đón Quảng.
MỘT NGƯỜI DÂN (chạy đến, hét to).
Ôi, bà con ơi ! Rừng chanh nở hoa rồi! Anh Quảng ! Lạ chưa, anh vừa về thì rừng
chanh nở hoa. Quái thật, sao lại thế được nhỉ ? Giữa tháng sáu mà hoa chanh lại
nở ! Mà nở rất nhanh, chỉ trong một loáng khắp rừng trắng xoá hoa chanh, toả
hương ngào ngạt. Nhiều đến nổi tưởng như gộp cả số hoa chanh trong ba mùa trước
cùng xoè một lúc.
MẸ LUYẾN (cúì xuống, trào nước
mắt). Ôi, vậy ra
là... Ôi, tội nghiệp con gái tôi. Nỗi oan của nó đến hôm nay mới được giải !
Hỡi rừng chanh thiêng ! Các vị đã thấu hiểu nỗi lòng thầm kín mà con gái tôi
đến lúc chết vẫn không nói ra được với ai.
Mọi người im lặng xúc động.
CHỦ TỊCH XÃ (trầm ngâm).
Mà có lẽ cô Hải nói đúng. Chỉ cỏ cây mới thấu hiểu hết nỗi lòng mỗi chúng ta.
Giấu được con người chứ sao giấu được cỏ cây, hoa lá, núi đồi, biển cả. Không
chỉ rừng chanh kia đâu, mà khắp cả thiên nhiên vĩnh cửu, bao giờ cũng thật sự
công bằng.
HẢI (hét to). Bây giờ thì đã rõ cả rồi. Cô Luyến
đích thực là một anh hùng, cũng như các nữ tướng của vua Quang Trung ngày xưa.
Hồn thiêng của cô cùng với hồn thiêng của các vị sẽ mãi mãi bay lượn nơi đây,
che chở cho quê hương ta đến muôn đời...
Mọi người hân hoan nhìn ra. Rừng chanh thiêng
đang tiếp tục nở hoa, những bông hoa trắng, to dần phủ kín các cành lá.
1965
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét