Những lá thư
từ biên giới
Kịch hai phần
NHÂN VẬT
Trên
biên giới
:
TẤN – chiến sĩ, 22 tuổi
CHIẾN
SĨ I }
CHIẾN
SĨ 2 } – trạc tuổi Tấn
CHIẾN
SĨ 3 }
ĐẠI
ĐỘI TRƯỞNG
Tại Hà Nội :
QUYÊN – nữ công nhân, 20 tuổi
BỐ
QUYÊN – công nhân,
55 tuổi
MẬU – em Quyên, 18 tuổi
SONG – Phó tiến sĩ, 28 tuổi
CHỊ
CỦA SONG
VĨNH – bạn Tấn
Câu
chuyện xảy ra vào những năm 1983-1984, trong thời kỳ chiến tranh biên giới với
Trung Quốc.
P H Ầ N T H
Ứ N H Ấ T
Cảnh mở đầu
Nhà sàn của đồng bào dân tộc ít người. Giữa nhà, một bếp lửa tắt ngấm. Cửa
sổ rất rộng, trông ra phong cảnh vùng biên giới phía Bắc: núi non trùng điệp.
Góc nhà sàn: những chiếc chiếu cá nhân cuộn lại và những ba-lô bộ đội xếp gọn
gàng: một tiểu đội bộ đội trú nhờ ở đây.
Buổi trưa, bên ngoài nắng gắt.
Có tiếng ồn ào phía ngoài. Hai chiến sĩ, áo quần xốc xếch, mặt mũi đỏ gay,
dìu một chiến sĩ thứ ba lên nhà sàn, chính là Tấn.
CHIẾN SĨ I. Giải chiếu ra!
Mau lên! Tìm làm cái gì? Con nhà lính thì đồ đạc thằng nào chẳng giống thằng
nào !
Chiến sĩ 2 trải chiếu ra. Họ đặt Tấn nằm xuống.
CHIẾN SĨ 2. Cậu đoảng thì có ! Bài mục chống say nắng mới học tuần
trước đã quên rồi à? Người bị say nắng không được để đầu cao. (Lấy quạt quạt cho Tấn.)
CHIẾN SĨ I (lấy khăn lau mồ hôi trán). Nắng
gì mà khiếp thế không biết. Cái đất biên giới này dễ sợ thật. (Nhìn Tấn.)
May quá ! Nó tỉnh rồi. Thế là yên trí. Lúc nãy tao hoảng quá. Đang tập, tao
thấy tự nhiên người nó rũ ra, mặt tái mét. Tao vội chạy đến, chưa kịp hỏi thì
nó đã lăn quay ra rồi. Hai mắt trợn trừng lên thế này này.
CHIẾN SĨ 2. Say nắng là chuyện hết sức bình thường. Có các cậu dân
thị xã, hơi một tí đã có quạt máy vù vù, chứ còn dân đồng chiêm chúng tớ thì có
vụ gặt đông xuân nào không có vài người say nắng. Có năm có người chết nữa ấy
chứ. Nhưng thôi, nó tỉnh rồi, ta ra thao trường thôi.
CHIẾN SĨ 1. Khoan ! Xả hơi một tí đã !
CHIẾN SĨ 2. Muốn ăn kỷ luật hả ? Muốn nằm khoèo trong doanh trại một
Chủ nhật nữa hả ? Mỗi tuần có độc một ngày láng cháng ra chợ ngắm mấy cô gái
dân tộc.
CHIẾN SĨ 1 (miễn cưỡng đứng lên, xốc
lại áo quần). Mày nói đúng. Tao còn cái đồng hồ tàng, Chủ nhật này
cũng cho “bay” nốt. Làm một bữa thỏa thích để sau đợt huấn luyện có phải lên
chốt cũng không hận.
Họ nhìn lại Tấn một lần nữa rồi ra khuất.
Họ vừa ra khỏi nhà thì Tấn nhỏm ngay dậy. Anh chạy ra chỗ cửa số, ghé nhìn
theo. Thấy các bạn đã đi xa, anh phá lên cười, chắp hai tay, hướng ra phía ấy
vái lia lịa.
TẤN. Xin hai ông bạn quý tha tội. Và cũng xin tiểu đội
trưởng thông cảm. Tấn này đã phải dùng cái mẹo nhỏ này chỉ vì thèm viết thư về
nhà quá. Chủ nhật vừa rồi, sáng tổng vệ sinh, chiều giúp nhà bếp, tối làm nội
vụ, chẳng còn lúc nào. Đợi đến Chủ nhật sau thì lâu quá, mà cũng đã chắc gì có
thời giờ rảnh để ngoáy. Thật ra Tấn này cũng chưa dám viết thư thẳng cho cô
nàng mà chỉ dám viết chéo qua thằng bạn cùng xóm. (Lấy giấy bút ra.) Với
lại bài mục gì chứ “yếu lĩnh xạ kích” thì Tấn này thuộc như cháo. Hai lần kiểm
tra đều đạt điểm mười. Cho nên có bỏ buổi tập hôm nay thiết tưởng cũng có thể
châm chước.
Tấn bắt đầu viết. Trong lúc anh viết, tiếng anh vọng lên.
TIẾNG TẤN. “Biên giới ngày 28 tháng Bẩy năm 1983. Vĩnh thân ! Thế
là tao vào lính vừa chẵn một tháng hai mươi hai ngày. Mới chưa đủ hai tháng mà
sao tao thấy nó lâu thế…”
Ánh sáng mờ dần.
Cảnh Một
Nhà Quyên ở Hà Nội, giản dị, kiểu của một gia đình lao động bình thường.
Góc nhà một chiếc máy khâu cũ kỹ.
Mậu, em trai Quyên, đang đánh véc-ni
lên chiếc tủ li vừa mới đóng xong, đặt ở giữa nhà. Dưới nền nhà bằng xi-măng,
các dụng cụ làm mộc để bừa bãi. Vĩnh ngồi trên ghế tựa gần đấy, cầm lá thư của
Tấn đang đọc cho Mậu nghe.
TIẾNG TẤN (vang lên)…. “Cái
thiếu thốn nhất đối với tao bây giờ là tình cảm gia đình, bè bạn. Cho nên tao
rất mong thư ở nhà. Chỉ cần vài dòng ngắn ngủi của mày, của thằng bạn nào ở nhà
máy, hoặc của cô Quyên, chú Mậu, là đủ làm tao sung sướng lắm rồi…
MẬU. Anh chịu khó viết thư cho anh ấy, kẻo anh ấy mong.
VĨNH. Anh sẽ viết. Nhưng chú nghe tiếp đã. “Mày nhớ nhắc cô
Quyên viết thư cho tao nhé. Khốn nỗi người ở nhà có mấy lúc nghĩ đến kẻ đi xa !
Còn tao thì có đêm nào không mơ thấy Hà Nội. Phong cảnh ở đây chán ngắt. Độc
một mầu xanh. Ăn thì đói, mặc thì rách. Đời thằng công nhân đã khổ, đời thằng
lính còn khổ hơn nhiều…”
MẬU. Thế thì đi nghĩa vụ làm gì ? Em nghe bảo anh Tấn xung phong đi. Dại
quá, đang ở nhà yên ổn …
VĨNH. Im, nghe tiếp đã.
Bỗng có tiếng nhạc sập sình
ở đầu ngõ vọng vào.
(Ngừng đọc, lắng nghe.) Lão Phất mới tậu được một dàn mới hả ? Chà, trong khi
thằng Tấn trên biên giới cực khổ như thế thì ở đây có những kẻ sống còn sướng
hơn cả đế vương ! Đời chúa bất công !
MẬU. Mình không có mà người ta có, được
nghe nhờ thế này cũng tốt chán.
VĨNH. Sao tao ghét cái nhạc sập sình này
đến thế?
MẬU (tay cầm giẻ thấm véc-ni, vừa ngắm
nghía cái tủ li
đang đánh giở, vừa uốn éo theo tiếng nhạc). Đít-cô đấy, ông anh ạ.
VĨNH (khó chịu). Tao về đây. Tao để lại lá thư này,
chị Quyên mày về thì đưa chị mày xem. Bảo chị mày lúc nào tranh thủ viết cho
thằng Tấn mấy chữ kẻo nó mong.
MẬU (cầm lá thư đặt lên chiếc bàn nhỏ kê
giữa nhà). Vâng ạ. (Lại cúi xuống tiếp
tục đánh véc-ni lên chiếc tủ li mới đóng, chân vẫn hơi uốn éo theo tiếng nhạc.)
Vĩnh ra đến cửa thì
gặp bố Quyên dắt xe đạp vào nhà. Đấy là một người đứng tuổi, tóc hoa râm, vạm
vỡ, dáng vẻ chất phác.
BỐ QUYÊN. Anh Vĩnh đấy à? Ngồi chơi đã.
Vĩnh. Bác ạ! Cháu ngồi với chú Mậu lâu
rồi. Cháu phải về thôi ạ. (Ra.)
BỐ QUYÊN (nói với theo). Thỉnh thoảng sang chơi nhé! (Vào nhà.) Chị chưa về à?
MẬU (vẫn vừa làm vừa uốn éo
theo tiếng nhạc). Chưa ạ. Còn
liên hoan nữa kia mà, bố. Nghe đâu có cả nhẩy nữa, bố ạ. Chắc phải khuya chị
Quyên mới về được.
Cất xe đạp xong, bố Quyên mệt mỏi ngồi xuống ghế đẩu, rót nước uống. Bỗng
có tiếng xe máy đến gần.
MẬU (chạy ra nhìn). Chị
Quyên, bố ạ. Có anh nào đèo chị về.
Tiếng máy tắt. Quyên mặc rất diện, chạy vào, vẻ mặt tươi tỉnh.
QUYÊN (hồ hởi). Bố ạ!
Vừa lúc ấy Song cũng
vào theo. Anh ăn mặc sang trọng, thắt cà-vạt và đeo kính cận.
SONG (lễ phép cúi chào). Lạy bác ạ !
BỐ QUYÊN. Không dám. Anh đến chơi.
QUYÊN. Bố ạ, đây là anh Song, kỹ sư, phó tiến sĩ, mới về công
tác ở nhà máy chúng con đấy ạ. Anh Song, mời anh ngồi chơi với bố em. (Chạy vào nhà trong.)
SONG (trỏ Mậu). Em cô
Quyên đấy phải không ? Trông giống quá !
BỐ QUYÊN. Em nó tên là Mậu. Anh sơi nước đi.
SONG. Tối nay cháu uống nhiều nước chè quá rồi. (Với Mậu.) Tủ em đóng đấy à ? Đẹp quá. Chị Quyên kể với anh là em
khéo tay lắm. (Ngắm nghía tủ.) Đẹp
thật !
Quyên trong nhà ra, đã thay sang bộ quần áo mặc nhà, giản dị.
(Quay sang
Quyên.) Hà Nội bây giờ văn minh gớm. Cũng tuýt, cũng đít-cô, chẳng kém gì
bên kia.
MẬU. Thưa anh, bên nào ạ ?
QUYÊN. Bên Hung. Anh Song vừa tốt nghiệp kỹ sư bên Hung về
đấy, Mậu ạ.
SONG (lấy bao thuốc lá, bóc,
rút ra một điếu mời). Cháu không hút nhưng hôm nay có bao thuốc ngon người
ta cho. Mời bác ạ.
BỐ QUYÊN (cầm điếu thuốc). Cảm ơn
anh.
SONG (chìa bao thuốc mời Mậu). Chú Mạnh, mời chú !
MẬU (đỡ điếu thuốc, cười lành hiền). Em tên là Mậu !
SONG (cười ngượng). À, phải rồi. Chú Mậu.
MẬU (ngắm nghía điếu thuốc). Thuốc Hung, hả anh ?
SONG (cười). Anh về gần ba tháng rồi, còn đâu thuốc Hung nữa ? Đây
là thuốc lá Đức, bố anh mới đi công tác ở Cộng hòa Dân chủ Đức về.
BỐ QUYÊN. Học giỏi sướng thế đấy. Thằng Mậu
nhà tôi thì có đến hết đời cũng chưa biết nước ngoài là cái gì. Nó lười học
lắm, anh ạ. Mỗi cái bằng lớp Bẩy mà cũng “tượt”. Thế là đành rẽ ngang. Bố công
nhân, con vẫn hoàn công nhân, chẳng hơn được bố tí nào.
SONG. Bác ạ, cô Quyên tối nay nổi nhất cả
cuộc liên hoan. Các cô kỹ sư, sinh viên thực tập, rồi công nhân… đều thua cô
Quyên nhà bác hết. Nhưng thôi, muộn rồi. Cháu đèo cô Quyên về, nhân tiện ghé
vào thăm bác và chú Mậu cho biết nhà thôi.
BỐ QUYÊN. Anh ngồi chơi đã.
SONG. Nếu không sợ bố mẹ mắng thì cháu xin
hầu chuyện bác suốt đêm ấy chứ ạ. Ngồi đây, cháu thấy dễ chịu quá. Cô Quyên có
một gia đình đầm ấm thật. Bác thì giản dị. Chú Mạnh thì lành hiền…
QUYÊN (cười). Mậu chứ.
SONG (cũng cười theo). Phải rồi, chú Mậu. Tính tôi hay
quên thế đấy, nhất là các tên người. Thôi, cháu xin phép bác ạ.
BỐ QUYÊN. Vâng, anh về.
SONG. Biết nhà rồi, cháu sẽ xin đến thăm
bác luôn ạ. Chào chú Mậu nhé ! Phải rồi, Mậu. Không biết tại sao anh cứ nhầm là
Mạnh ! (Cười
lành hiền, ra.)
Quyên ra theo tiễn.
BỐ QUYÊN (thở dài). Nhà người ta có
phúc thế ! (Với con trai.) Tao không được ông bà cho học đã
đành, chứ còn mày, bố tạo mọi điều kiện cho mà học, sách vở, giấy bút, đắt đến
mấy cũng sắm cho, không tiếc, ấy thế mà rồi chữ thầy giả lại thầy cả.
MẬU. Con bảo bố rồi. Đầu con rắn lắm, học không vào đâu.
BỐ QUYÊN. Mày lười thì có.
MẬU. Ông Phất ngoài đầu ngõ kia kìa, có Đại học đại hiếc gì
đâu mà vẫn sướng như thế !
BỐ QUYÊN. Tao không thèm so với lão ấy.
MẬU. Bố bảo ông ấy làm sao ? Không ăn cắp ăn nẩy của ai, chỉ
buôn bán, có gì là xấu nào ?
BỐ QUYÊN. Buôn hàng ăn cắp của nhà nước thì cũng là ăn cắp.
MẬU. Khư khư ôm cái đạo đức suông như bố thì cả đời chỉ làm
đầy tớ cho người ta thôi.
BỐ QUYÊN (quát). Tao đẻ
mày ra mà mày nói như thế à ? (Tát con.) Đồ bất
hiếu !
Mậu ôm mặt khóc thút thít. Quyên đã quay vào từ bao giờ.
(Quay sang con gái.) Đấy, chị vào mà dạy nó. Tôi chịu rồi. (Ngồi vào một góc nhà.)
QUYÊN (đến bên em). Sao lúc nào em cũng cay cú thế nhỉ ?
MẬU. Nghèo nhục lắm, chị không thấy à ?
QUYÊN. Việc gì mà nhục ?
MẬU. Thấy mình nghèo, ai cũng khinh được. Chị không biết chứ,
bây giờ em chẳng dám đi đến đâu. Trong túi không có bao đầu lọc thì không dám
gặp đứa nào. (Đột nhiên.) Suýt quên ! (Mặc áo.)
QUYÊN. Đi đâu? Khuya rồi. Dọn đồ đạc rồi đi ngủ !
MẬU. Ông Phất bảo sang ông ấy nhờ việc gì.
BỐ QUYÊN (bật dậy, hét). Tránh
xa cái lão ấy ra !
Nhưng Mậu đã chạy đi rồi. Không khí im lặng nặng nề.
Cái áo lúc nãy
con mặc hợp quá. Mượn đứa nào đấy ?
QUYÊN. Cái Ngọc, bố ạ. Bố thấy con mặc hợp ạ ?
BỐ QUYÊN. Bao nhiêu một cái như thế ?
QUYÊN. Nó mua tám ngàn rưởi đấy, bố ạ.
BỐ QUYÊN. Đắt thế kia à ? Nhưng cũng đáng của. Mặc vào trông
người đẹp hẳn ra. Hay con mua một cái ? Kỳ này bố lĩnh thưởng cả quý cũng phải
được gần bẩy ngàn. Xem trong nhà còn cái gì có thể bán thì bán đi để thêm hai
ngàn nữa.
QUYÊN. Bố nghĩ lẩn thẩn. Còn bao nhiêu khoản đang trông chờ
vào cái món tiền thưởng của bố đấy. Bố đi ngủ đi. (Sau một chút.) Buồn cười, cái anh Song cứ bám con suốt cả tối nay,
không chịu nhường ai nhẩy với con cả. Mà con có biết nhẩy nhót gì đâu. Điệu nào
anh ấy cũng phải dạy mà con nhẩy vẫn cứ chệch.
BỐ QUYÊN (thăm dò). Nó có
vẻ đứng đắn đấy nhỉ ?
QUYÊN. Con nhà gia giáo lắm. Chuyên môn giỏi. Mới về nhưng làm
ăn nghiêm túc, Giám đốc quý lắm.
BỐ QUYÊN. Thế thì được đấy, con ạ.
QUYÊN (ngơ ngác). Bố bảo
được cái gì kia ạ ?
BỐ QUYÊN. Bố thấy nó có vẻ mến con…
QUYÊN (cười phá lên). À,
không ! Quan hệ bè bạn thế thôi. Anh ấy phải lấy loại có bằng cấp, con nhà giầu
kia. Bản thân là kỹ sư, phó tiến sĩ, học nước ngoài về, bố lại cán bộ to, chứ
đâu phải xoàng ạ ?
BỐ QUYÊN. Nhưng nếu nó thích con…
QUYÊN. Thì con cũng không nhận. Con không thích lấy ai cách
biệt gia đình nhà mình quá.
BỐ QUYÊN (thở dài). Lúc
nãy em Mậu nó nói đúng. Không gì nhục bằng nghèo. Ngày xưa các cụ bảo “an bần
lạc đạo” chứ ngày nay đụng cái gì cũng phải có tiền. Bần bách là cái nhục, cái
tội, con ạ.
QUYÊN (cười vang). Bố
muốn con lấy anh nào lắm tiền chứ gì? Bố nghĩ quẩn rồi. Nhà mình đã đến nỗi nào
đâu ? Với lại con đang nhận việc làm thêm, bố không lo.
BỐ QUYÊN. Nhưng nếu anh Song này đứng đắn thì cũng chẳng tội gì
mình lẩn tránh. Bố để ý thấy…
QUYÊN (bắt đầu khó chịu). Bố đi
ngủ đi.
Bố Quyên từ từ đi vào buồng trong. Còn lại một mình, Quyên trầm ngâm suy
nghĩ. Rồi bỗng thấy lá thư của Tấn, bèn lấy ra đọc.
TIẾNG TẤN “… Có đêm nằm, tao chợt nghĩ : Nơi đây cách Hà Nội đường
chim bay chỉ hơn trăm cây số, ấy thế mà cuộc sống khác đi đến thế. Vĩnh ạ, bọn
tao ở đây suy nghĩ đơn giản lắm : người ta cho gì ăn nấy, bảo tập gì tập nấy.
Còn ngủ thì bạ chỗ nào cũng ngả lưng được…”
Bỗng Mậu chạy vào, vẻ hồi hộp.
(Vội giấu lá thư.) Ông Phát bảo gì thế ?
MẬU. Có gì quan trọng đâu. (Sau một chút.) Chị cầm lấy chỗ tiền này, may cái áo như của chị Ngọc
mà mặc.
QUYÊN. Tiền ở đâu mà lắm thế này ?
MẬU (tránh cặp mắt của chị). Ông
Phất nhờ em đóng cái giường gỗ lát. Ông ấy đưa tiền trước để mua gỗ.
QUYÊN. Thế thì phải mua cho ông ấy chứ.
MÂỤ. Chị cứ tiêu đi. Chị mặc cái áo ấy trông nổi lắm.
QUYÊN (cười). Nhưng
chị mặc mốt không hợp đâu. Với lại em cẩn thận đấy. Người ta đưa tiền để mua gỗ,
tiêu phí tiêu phạm rồi không lấy gì đền họ được đâu.
MẬU. Em đưa thì chị cứ cầm lấy đã nào.
QUYÊN. Thôi được, chị giữ hộ. Để em khỏi tiêu phí.
MẬU. Chị cứ may đi. Thiếu bao nhiêu em sẽ
đưa thêm. Em nói thật, thời nay con gái đẹp đến mấy, đảm đến mấy, con trai
không nhìn thấy có cái xe “MIFA”, chí ít thì cũng cái xe Hải Hà xuất khẩu thì
cũng ngại. Chị ăn mặc xoàng xĩnh quá được đâu.
QUYÊN (cảm động). Đi ngủ đi. Nằm với bố ấy. Chui vào
khẽ chứ, đừng làm bố thức giấc.
Mậu vào buồng. Quyên
khép cửa rồi lấy lá thư của Tấn ra đọc
tiếp.
TIẾNG TẤN. “… Vĩnh ạ, Tao rất thèm biết mọi tin
tức ở Hà Nội. Nhà Hát Lớn có vở kịch nào mới, rồi trong xóm mình tình hình sinh
hoạt các gia đình thế nào ? Phân xưởng mày có gì lý thú không ? Nói tóm lại,
mọi chuyện ở quê hương tao đều muốn biết. Mày nhắc cô Quyên, chú Mậu viết thư
cho tao…”
Quyên đặt lá thư
xuống, lấy giấy bút ra viết.
TIẾNG QUYÊN. “Hà Nội, 15 tháng Mười, 1983. Anh
Tấn thân mến. Anh không viết thư cho Quyên mà chỉ viết cho anh Vĩnh, thế là tội
to lắm đấy. Nhưng thông cảm với người chiến sĩ nơi tiền tuyến, không có thời
gian, nên Quyên lấy giấy bút viết cho anh, kể chuyện hậu phương…”
Cảnh Hai
Trên “chốt”. Một
cái lán “bán âm bán dương”, nền được khoét sâu vào lòng đất, mái
đắp đất dầy. Giữa mái và mặt đất có những lỗ vuông dùng làm lỗ châu mai và làm
nơi quan sát. Giao thông hào toả ra các phía, nối với những lán khác.
Buổi sáng. Ba chiến
sĩ - Tấn và hai đồng đội chúng ta đã thấy ở Cảnh mở đầu - đang nằm. Họ đi cảnh
giới ban đêm mới về, đang sắp ngủ. Tấn thức ngồi đọc thư.
CHIẾN SĨ I. Đọc to lên cho nghe với. Chúng tao
chưa ngủ được đâu.
CHIẾN SĨ 2. Phải đấy, đọc to lên ! Rồi tớ sẽ đọc
thư bà xã cho các cậu nghe.
Tấn đọc và tiếng
Quyên vang lên.
TIẾNG QUYÊN. “…Hà Nội đã vào thu. Những cây bàng
đầu ngõ đang rụng dần những chiếc lá đỏ rực. Anh Tấn còn nhớ không, cũng khoảng
thời gian này năm ngoái, anh Tấn còn ở nhà, mấy đứa chúng mình kéo lên Công
viên Thủ Lệ, mải chơi quên cả giờ về, ăn bánh chưng trừ bữa. ấy thế mà bây giờ
anh Tấn đã ở tận đâu xa lắc. Trong thư anh Tấn viết rằng người ở nhà có mấy khi
nghĩ đến kẻ đi xa. Nghĩ chứ ! Nghĩ nhiều ấy chứ…”
CHIẾN SĨ 1 (ngắt lời). Ái chà ! Thư cho bồ có khác. Tình
tứ gớm !
TẤN. Bồ bịch gì đâu ? Chỉ là
bạn cùng xóm.
CHIẾN SĨ 2. Thật “bạn” không ?
TẤN (cười). Thật !
CHIẾN SĨ 1. Tớ không tin ! Bạn bè gì mà thư viết cho nhau toàn nhớ
với thương như thế ?
CHIẾN SĨ 2. Yên ! Để cậu Tấn đọc tiếp.
CHIẾN SĨ 1. Gượm ! Tớ hỏi một câu đã. Cô hàng xóm ấy có xinh không ?
TẤN (cười). Cô ấy
có những nét mình rất ưa.
CHIẾN SĨ 1. Vậy đợi gì mà không “cưa” đi ?
TẤN. Mình quen cô ấy từ khi còn nhỏ. Hai nhà cùng chung ngõ. Thật ra đã có
thời mình mê cô ấy. Bấy giờ mình đang học lớp Tám.
CHIẾN SĨ 2. Mười ba hay mười bốn tuổi ?
TẤN (vẫn cười). Mười bốn.
CHIẾN SĨ 1. Hư quá ! Mười bốn đã yêu rồi.
CHIẾN SĨ 2. Tớ còn yêu từ năm mười hai cơ.
CHIẾN SĨ 1. Thì ra chỉ có tao là đứng đắn nhất !
Hăm mốt cái xuân xanh rồi mà vẫn chưa biết yêu là gì. Nhưng thôi được, để thằng
Tấn kể trước. Trên chốt này không có sách báo văn nghệ gì, mà câu chuyện của
mày mới mở đầu đã hấp dẫn rồi. Năm mười bốn tuổi, mới học lớp Tám, chàng đã gặp
một cô gái và yêu nàng say đắm. Kể tiếp !
TẤN (cười). Hôm ấy đi học về, đến đầu ngõ, mình nhìn thấy một tốp
con gái, trong có cô Quyên này…
CHIẾN SĨ 2. Ra cô nàng tên là Quyên !
TẤN (cười, đọc tiếp) Cô ấy nổi bật lên trong đám. Mình ở
gần nhà cô ấy, ngày nào cũng gặp nhau, vậy mà mãi hôm ấy mình mới phát hiện ra
là cô ấy rất đẹp…
CHIẾN SĨ 2. Khoan ! Đẹp thế nào phải tả cụ thể
chứ.
TẤN (vẫn cười). Mặt tròn, trắng trẻo. Đặc biệt nhất
là cái miệng cười. Cặp môi đỏ mọng. Và trong khi ngực các đứa khác cùng tuổi
còn lép kẹp thì cô ấy đã có một bộ ngực nhô lên đầy hứa hẹn…
CHIẾN SĨ 1… Và chứa đựng đầy những bí mật kỳ
diệu nữa chứ, đúng không nào ? Thôi được, kể tiếp !
TẤN. Chiều hôm ấy, lúc cô ấy sang mượn
thằng em mình cuốn Toán lớp Sáu, mình bỗng luống cuống. Cô ấy hỏi mà mình ấp
úng mãi không trả lời được.
CHIẾN SĨ 2. Tình tiết hay đấy. Rồi thế nào nữa ?
TẤN. Mình thầm yêu cô ấy khéo đến hai năm
trời. Yêu mê mệt. Mỗi ngày không nhìn thấy cô ấy vài lượt không chịu nổi. Nhưng
lại nhát, chỉ dám nhìn trộm sau lưng. Thú nhất là buổi tối, mình đứng ngoài ngõ
tối, nhìn vào trong nhà cô ấy đèn sáng, tha hồ ngắm thoả thích. Mình còn nhớ
một lần hai đứa đứng trong ngõ, một xe ba gác đi qua, cô ấy tránh, chạm vai vào
mình, mà mình thấy sung sướng đến run cả người.
CHIẾN SĨ 1. Rồi tại sao lại thôi ?
TẤN. Hai năm sau mẹ cô ấy mất. Nhà neo
đơn, cô ấy phải nghỉ học xin vào làm ở nhà máy. Mình cũng đã lớn, tình cảm bồng
bột không còn nữa. Nhưng hai đứa vẫn thân. Trước khi đi nghĩa vụ, ngày nào cũng
gặp nhau. Hai đứa mình hợp tính, chuyện gì cũng đem ra bàn bạc được. Đến bây
giờ, chính mình cũng chưa hiểu giữa mình với cô ấy là tình cảm gì nữa. Tình yêu
hay chỉ là tình bạn ?
CHIẾN SĨ 2. Rõ !
CHIẾN SĨ 1. Rõ thế nào ?
CHIẾN SĨ 2. Thuở bé mình cũng thầm yêu một cô
bạn cùng học lớp Sáu. Giống như cậu Tấn, mình mê đến nỗi cứ nhìn thấy cô ta là
người mình nóng bừng lên. Nhưng lên đến lớp Bẩy thì thôi.
CHIẾN SĨ 1. Và bây giờ ?
CHIẾN SĨ 2. Cô ấy đã có chồng, hai con rồi.
CHIẾN SĨ 1 (vớ đàn gẩy, hát). “Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng.
Trời ơi, người ấy có buồn không ?”…
CHIẾN SĨ 2. Cậu làm thơ đấy à ?
CHIẾN SĨ 1. Không phải của mình, mà của một nhà
thơ giấu mặt, lấy biệt hiệu là T. T. Kh. Suốt hơn nửa thế kỷ mọi người xôn xao
bàn tán, đoán mò, gán cho hết người này đến người kia, cuối cùng mãi gần đây bà
nữ thi sĩ mới để lộ ra chính bà là T. T. Kh. Và những vần thơ đầy chất lãng mạn
của bà ấy chỉ là do tưởng tượng chứ bà ấy không hề nói về một mối tình cụ thể
nào hết.
CHIẾN SĨ 2. Chà, chuyện ly kỳ đấy nhỉ. Nhưng
thôi, ta đang thưởng thức câu chuyện tình của thằng Tấn…
TẤN. Để mình hỏi cậu một câu đã, thế bây
giờ có lúc nào cậu thấy tiếc không ?
CHIẾN SĨ 2. Không. (Sau một chút.) Thật ra thỉnh thoảng gặp cô ấy trên
đường làng, mình cũng muốn đứng lại nói dăm ba câu chuyện, nhưng nghĩ, lỡ ai
nhìn thấy, rỗi hơi đem nói với chồng cô ấy, lại sinh rắc rối. Đấy là chưa kể
chuyện đến tai bà xã nhà mình cũng lại không hay ho gì. Nhưng xin nói với hai
cậu, cô ta vẫn duyên lắm nhé. Thậm chí còn duyên hơn ngày nhỏ. Và mỗi khi gặp
mình, vẫn còn thèn thẹn thế nào ấy.
TẤN. Chà, chuyện tình duyên đâu phải đơn
giản.
CHIẾN SĨ 2. Cho nên theo mình, cái cô hàng xóm
viết thư cho cậu ấy, nếu cậu thấy mến cô ta thật sự thì hãy giữ chặt lấy, đừng
dại dột để lọt vào tay thằng khác.
CHIẾN SĨ 1. Đúng rồi. “Cưa” luôn đi.
TẤN (thở dài). Đang ở lính thế này yêu đương cái
gì. Ngay lúc đi nghĩa vụ về, vẫn phải sống dựa vào gia đình thì cũng chưa lấy
vợ ngay được. Phải mất vài năm tích luỹ, ít nhất cũng có được cái giường cái tủ
đã chứ.
CHIẾN SĨ 2. Đợi đến lúc ấy thì cái cô hàng xóm
kia con đàn cháu đống rồi.
TẤN (buồn rầu). Đành vậy chứ biết làm sao ? Thời
nay con gái thấy mình nghèo, yêu đến mấy nó cũng ngại.
CHIẾN SĨ 2. Mày nói có lý. Không biết chừng
trong lúc mày đọc thư cô ấy cho bọn tao nghe, đã có một thằng lắm tiền đeo bám
cô ta rồi.
CHIẾN SĨ 1. Tiền là Tiên là Phật, là sức bật của
tuổi trẻ, là sức khoẻ của ông già… Nhưng thôi, chuyện của mày đang hay, kể tiếp
đi.
TẤN (hết hứng). Để lúc khác. Này, các cậu có muốn
hạ vài thằng địch không ?
CHIẾN SĨ 2. Kỷ luật là không được gây chuyện
trước kia mà ! Thôi, đọc thư tiếp đi.
TẤN. Tớ vừa nghĩ ra được một mẹo dử cho
chúng nó bắn trước.
CHIẾN SĨ 1 (chồm dậy). Thế thì làm đi !
CHIẾN SĨ 2. Lại lên nóc hầm, nhẩy chồm chồm như
tổ Bẩy hôm trước chứ gì ? Muốn nhận kỷ luật hả ?
TẤN. Không. Cách này mới toanh, không thể
bị kỷ luật được. Các cậu nhìn đây. (Lấy cây gậy, quấn giẻ thành bù nhìn rồi mặc
áo quần, đội mũ tử tế vào.)
CHIẾN SĨ 1. Giỏi. Ta thực hiện đi.
TẤN. Chưa, một thằng ít quá. Quấn thêm
một hai thằng bù nhìn nữa.
Họ làm xong ba bù
nhìn, nối thêm cây gậy cho dài, đưa lên mái hầm. Quả nhiên một tràng trọng liên
nổ ở phía xa. Đạn bắn vào mái hầm làm đất đá rơi ra lả tả.
CHIẾN SĨ 1 (reo lên). Rõ ràng chúng mày bắn trước nhé.
Bây giờ chúng ông được quyền rồi. (Chĩa nòng súng vào lỗ châu mai nhả đạn. Tiếng nổ nghe choáng tai.)
TẤN. Thôi, đủ rồi. Làm quá là phiền đấy.
CHIẾN SĨ 2. Mấy thằng trúng đạn ?
CHIẾN SĨ 1 (nhìn qua lỗ quan trắc). Bốn thằng ngã. Không biết có thằng
nào chết không. Ta nghỉ một lát rồi làm tiếp lần nữa. Mẹo thằng Tấn hay đấy.
TẤN. Bây giờ phải ngủ.
Họ thu bù nhìn xuống.
CHIẾN SĨ 1. Bọn Tẫu bắn dở quá. Tưởng mất toi ba
cái mũ, ai ngờ còn nguyên cả ba.
CHIẾN SĨ 2. Một cái trúng đạn của chúng nó đây
này.
CHIẾN SĨ 1 (xem). Ừ nhỉ. Nhưng vẫn tồi.
TẤN (hét). Ngủ !
Họ vừa nằm xuống thì
Đại đội trưởng theo giao thông hào chạy vào.
ĐẠI ĐỘI TRƯỞNG. Cậu nào đầu têu đấy ?
TẤN. Báo cáo Đại đội trưởng, chính chúng
nó nổ súng trước.
ĐẠI ĐỘI TRƯỞNG. Thôi đi ! Các cậu tưởng tôi không
biết hẳn ? Lần sau còn làm thế nữa, tôi không tha đâu
Tiếng gọi bên ngoài :
“Các
tổ lấy cơm !” Chiến sĩ 2 định chạy đi.
TẤN. Nhân tiện, mời Đại đội trưởng ăn với
chúng tôi.
ĐẠI ĐỘI TRƯỞNG. Đồng ý.
TẤN. Lấy thêm một suất cho Đại đội trưởng.
CHIẾN SĨ 2. Rõ. (Chạy ra khuất.)
ĐẠI ĐỘI TRƯỞNG (ngồi xuống). Hôm qua mình đi ngang qua, thấy các
cậu kể chuyện gì mà cười ầm cả lên. Tiếu lâm hả ?
CHIẾN SĨ 1. Báo cáo Đại đội trưởng, tiếu lâm
hiện đại đấy ạ.
Chiến sĩ 2 đem cơm
về. Cả bốn người cùng ăn.
CHIẾN SĨ 1. Đại đội trưởng chưa nghe ạ ?
ĐẠI ĐỘI TRƯỞNG. Chưa. Cậu kể đi. (Nhìn cơm.) Lại canh đỗ tương ! Ngày chưa đi bộ
đội, món tớ thích nhất là canh đỗ tương. Nhưng bây giờ món tớ căm thù nhất cũng
lại là canh đỗ tương. Nào, kể đi.
CHIẾN SĨ 1. Chuyện chỉ có thế này. Một ông bố vợ
ở quê lên thăm con gái và chàng rể ở Hà Nội. Nhưng ở chưa được một tuần lễ, cụ
nhớ con lợn con gà, đòi về. Đêm hôm ấy cụ nằm gian ngoài nghe thấy ở gian trong
hai vợ chồng thầm thì. Cô vợ nói, “Bố đòi sáng mai về đấy. Anh còn đạn thì cho
cụ một băng”. Anh chồng đáp : “Làm gì còn ?” Cô vợ bèn bảo : “Không còn đạn thì
cho cụ vài xỉa vậy !” Nghe thấy thế, cụ sợ quá, vội vớ cái làn đựng quần áo,
khẽ mở cửa, chuồn thẳng. Dọc đường gặp người quen, cụ run rẩy kể lại câu
chuyện. Người kia phá lên cười. “Chúng nó dùng tiếng lóng đấy. Chẳng là muốn
đưa cụ ít tiền đi đường. Đạn là tiền. Băng là một trăm ngàn, còn xỉa là một
chục ngàn. Con gái cụ nói thế là ý bảo chồng, không có một trăm ngàn thì đưa tạm
cụ vài chục ngàn vậy.”
Đại đội trưởng cười
sặc sụa. Ba chiến sĩ cũng cười theo.
ĐẠI ĐỘI TRƯỞNG. Tiếng lóng mà đến thế thì tớ cũng
không tài nào đoán nổi. (Lại phá lên cười.)
“Anh còn đạn cho cụ vài băng” ! Chịu thật ! (Lại cười rũ rượi.)
CHIẾN SĨ 3 (chạy vào). Báo cáo Đại đội trưởng, có điện
thoại của Tiểu đoàn gọi.
Đại đội trưởng cùng
chiến sĩ 3 chạy nhanh ra ngoài, theo lối giao thông hào.
TẤN. Bây giờ thì đi ngủ.
CHIẾN SĨ 1. Nghe nốt lá thư đã. Đang đến đoạn hấp
dẫn.
TẤN. Đi đâu mà vội. Trên đỉnh núi này còn
khối thời gian.
CHIẾN SĨ 2. Tớ mệt lắm rồi.
Họ
vừa nằm xuống thì Đại đội trưởng lại đến.
ĐẠI ĐỘI TRƯỞNG. Đã ngủ rồi à ?
CHIẾN SĨ 2 (nhỏm dậy). Có chuyện gì thế, thưa Đại đội
trưởng ?
ĐẠI ĐỘI TRƯỞNG. Đánh thức hai cậu kia dạy, tôi hỏi.
Chiến
sĩ 2 lay hai đồng đội. Họ ngồi dậy, ngơ ngác.
Đêm qua các cậu gác ở trạm cảnh giới số 2 phải không ?
TẤN. Báo cáo, đúng thế.
ĐẠI ĐỘI TRƯỞNG. Và các cậu đã bắt sống được cả sáu
thằng biệt kích ?
TẤN. Báo cáo Đại đội trưởng, năm thằng thôi.
ĐẠI ĐỘI TRƯỞNG. À, phải rồi, một thằng chết. (Đột nhiên ôm chầm cả
ba chiến sĩ.) Giỏi ! Mới vào lính chưa được nửa
năm, lên điểm tựa mới hơn một tháng vậy mà đã lập chiến công lớn ! Giỏi ! (Bỗng đẩy cả ba chiến sĩ ra.) Nhưng cũng phải kỷ luật các cậu thật nặng. Cả ba cậu !
Ba người ngơ ngác và
sợ hãi nhìn nhau.
Sao không giải tù binh về đây ? Chí ít cũng phải báo cáo
cấp chỉ huy trực tiếp là tôi chứ. Đâm ra lúc nãy trên Trung đoàn gọi điện hỏi,
tôi cứ ngớ người ra.
TẤN. Báo cáo, chúng tôi khuyết điểm không
mang đủ dây trói. Đang lúng túng thì phát hiện có đội tuần tra của Trung đoàn
đi gần đấy. Họ có đủ còng số tám nên chúng tôi giao cho họ, nhờ dẫn tù binh đi
hộ.
CHIẾN SĨ 1. Còn tội không báo cáo ngay thì là
của đồng chí Tấn tổ trưởng.
TẤN. Tôi nghĩ bắt được biệt kích thì có gì
đâu.
ĐẠI ĐỘI TRƯỞNG. Thôi được ! Bây giờ các cậu cử một
người lên gặp Ban chỉ huy Trung đoàn, báo cáo tỷ mỷ về việc này.
TẤN. Tôi xin cử đồng chí Thịnh. Đồng chí
ấy giỏi nói năng và cũng nắm vững chuyện bắt sống tù binh đêm qua.
Đại đội trưởng và
Chiến sĩ 1 ra theo lối giao thông hào.
Chiến sĩ 2 đặt mình
là ngáy luôn. Riêng Tấn vẫn thao thức. Anh ngồi dậy, lấy lá thư ra đọc.
TIẾNG QUYÊN. “…Anh đi mới được nửa năm, ấy thế mà
trong xóm chúng mình đã xảy ra bao nhiêu chuyện. Vài người giầu lên rất nhanh.
Đặc biệt là ông Phất. Lên nhà hai tầng, sắm Ti Vi mầu, tậu Cúp. Cô con gái diện
ngất trời. Khách khứa ra vào tấp nập, toàn loại sang trọng. Thỉnh thoảng còn có
khách đi ô tô con đến, phải đậu xe ngoài đường cái vì không chạy vào ngõ được.
Chị Tấm hồi này hay đau ốm, không đi chợ được, túng bấn lắm, phải bán cả đến
chiếc phản vẫn kê gần cửa ấy. Nhưng điều đáng buồn nhất là lũ trẻ choai choai
hồi này hư hỏng quá. Thằng Thiệu con ông Bản vừa bị bắt về tội ăn cắp. Còn
thằng Măng mới xin vào làm nhà máy chưa được hai tháng đã bị đuổi việc vì dính
vào vụ ăn trộm dây đồng. Ngay đến thằng Mậu nhà này em cũng lo lắm. Hồi này lúc
nào mở miệng là thở ra giọng cay cú chuyện tiền nong…”
CHIẾN SĨ 2 (bỗng nhỏm dậy, vớ khẩu tiểu liên). Gì thế ?
TẤN. Có gì đâu ?
CHIẾN SĨ 2 (lại nằm xuống). Không ngủ được à ?
TẤN. Không hiểu tại sao ấy.
CHIẾN SĨ 2. Này, liệu có được thưởng không nhỉ ?
TẤN (lơ đãng). Thưởng gì ?
CHIẾN SĨ 2. Huân chương hay huy chương gì đấy.
TẤN (không nhịn được cười). Bắt mấy thằng biệt kích mà cậu làm
như tóm được bộ chỉ huy của Tướng Đờ Cát không bằng. Thôi, ngủ đi.
CHIẾN SĨ 2. Thời ấy nó khác chứ. Bấy giờ mỗi
người đều là một anh hùng. Còn bây giờ, cứ nguyên nhận cái khổ cực trên đỉnh
núi khô cằn này cũng đáng tặng huân chương rồi. Đằng này lại còn bắt sống được
biệt kích…
TẤN. Thôi đi, ông tướng. Thèm huân
chương lắm à ?
CHIẾN SĨ 2. Thì cậu tính, trong lúc chúng mình ăn toàn canh đỗ
tương thì ở nhà chúng nó đi buôn, xây nhà xây cửa. Đến lúc chúng mình hết hạn
trở về, vẫn cái nhà rách với đàn con cái vàng vọt vì thiếu ăn, thì cũng phải có
cái huân chương đeo ở ngực để an ủi chứ.
TẤN. Ngủ đi ! Thèm gì so sánh với những đứa bán linh hồn cho
quỷ !
Chiến sĩ 2 nằm xuống, và lại như lúc nãy, đặt mình là anh ngủ luôn, ngáy ầm
ĩ. Tấn nhỏm dậy, lục ba-lô lấy giấy bút ra viết thư.
TIẾNG TẤN. “…Biên giới ngày 20 tháng Mười Một 1983. Quyên thân
mến. Đọc thư Quyên, mình cảm thấy như vẫn đang ngồi trong nhà mình, với mẹ mình
bên cạnh. Tưởng như chỉ lát nữa thôi, mình bước ra cửa và lại gặp đủ những hàng
xóm quen biết. Thư Quyên làm cho mình không còn cảm thấy cô đơn nữa. Mình hiểu
ra rằng mình chiến đấu không phải chỉ để bảo vệ cái mỏm núi khô cằn này, mà để
bảo vệ cuộc sống lao động của Thủ đô Hà Nội cũng như mọi miền của Tổ Quốc thân
yêu…”
Cảnh ba
Trở lại nhà Quyên tại Hà
Nội. Quyên đang đọc thư của Tấn.
TIẾNG TẤN. “…Cuộc sống ở đây, ăn thì thiếu, ở thì lam lũ, mà cái
khoản nước lại vô cùng hiếm hoi. Nhưng dù vất vả đến mấy, mình thấy hình như
không vất vả bằng ở Hà Nội. Còn gì gay go bằng trong khi mình sống lương thiện
thì nghèo đói, hàng ngày lại cứ phải nhìn thấy những kẻ sống phè phỡn bằng
những đồng tiền không chính đáng. Hà Nội là thành phố lớn, có quá nhiều những
người vớ bở hoặc khôn ngoan xảo quyệt. Chạy được một tiêu chuẩn đi nước ngoài,
trót lọt được một áp phe lớn, một vụ tham ô của nhà nước là kiếm bằng hàng chục
năm lao động trung thực. Nhưng mình tin rằng Quyên luôn giữ được tỉnh táo,
trong bất kỳ trường hợp nào cũng không bị mất phương hướng…”
BỐ QUYÊN (vào). Thư
của ai đấy, con ?
QUYÊN. Của anh Tấn đấy, bố ạ.
BỐ QUYÊN. Nó vẫn viết thư cho con đấy à ?
QUYÊN. Đóng trên điểm tựa vất vả thật đấy, bố ạ.
BỐ QUYÊN. Cái thằng ấy ngoan và tốt đấy, nhưng thời thế này mà
sống như nó thì dại dột quá.
QUYÊN. Bố bảo anh Tấn dại dột thế nào ạ ?
BỐ QUYÊN. Hồi thi lớp Mười, nó đỗ cao, được đặc cách vào Đại học
thế mà nó lại bỏ, rẽ ngang xin đi học nghề thợ nguội ở nhà máy cơ khí. Có ai
ngu đần như thế bao giờ ? Thằng Mậu nói đúng, xóm này không có đất học con ạ.
Chẳng đứa nào học hành đến nơi đến chốn. Toàn nửa chừng thì rẽ ngang cả.
MẬU (chạy vào). Hôm
nay nhà có khách mà sao chẳng sửa soạn gì thế này ạ ?
QUYÊN. Khách khứa gì đâu ?
MẬU. Ô hay, em tưởng hôm nay anh Song dẫn chị anh ấy đến
chơi nhà mình ?
QUYÊN. Chị ấy đến thì đã sao ?
MẬU. Chị nói lạ. Nhà người ta giầu có, lại học thức cao. Nhà
mình phải tiếp đãi thế nào chứ. Chị nhìn thử cái bàn kia xem. Mà sao chị không
thay cái áo khác đi ?
QUYÊN (cười). Mình có thế nào tiếp thế nấy.
MẬU. Không được ! Làm thế người ta khinh cho.
BỐ QUYÊN. Em nó nói đúng đấy. Bố cứ định thay cái mặt bàn mà bận
quá, chẳng có lúc nào làm. Trải tạm miếng vải nhựa lên vậy. (Trải miếng vải nhựa lên mặt bàn.)
MẬU. Em sang anh Vĩnh mượn bộ ấm chén. (Định chạy đi.)
QUYÊN. Đừng !
Nhưng Mậu đã chạy đi rồi.
Cái thằng đến là
…
BỐ QUYÊN (cười), Tính
nó thế. Con cứ mặc. Với lại nó nói đúng đấy. Sao con không thay cái áo khác đi
?
QUYÊN. Cái áo này là lịch sự rồi, bố ạ.
Mậu đem bộ ấm chén vào, bầy lên bàn,
móc trong túi ra bao thuốc Du Lịch đặt lên chiếc
đĩa.
Anh
Song có hút thuốc đâu !
MẬU. Thế ạ ? Nhưng đã gọi là tiếp khách
thì phải có ấm chè, có bao thuốc lá. Anh Song không hút thì bố hút.
BỐ QUYÊN. Thuốc này nhẹ lắm, bố cũng không hút
đâu.
MẬU. Không ai hút thì để em. Không sợ
thừa đâu. (Lấy
trong túi ra bao chè hương.)
QUYÊN (khó chịu). Em phí tiền làm gì kia chứ.
MẬU (mở phích ra xem thử). Nguội quá. Chị vào đun lại đi. (Ấn vào tay Quyên.)
Quyên miễn cưỡng đem
phích vào bếp.
(Nhìn lại một lượt.) Đấy, có phải cũng tàm tạm không nào. Bây giờ xong rồi,
con đi đằng này bố ạ.
BỐ QUYÊN. Ở nhà tiếp khách chứ.
MẬU (cười thật thà). Con không biết cách nói chuyện với
anh Song. (Chạy
ra nhanh.)
QUYÊN (đem phích nước lên). Nó lại đi rồi ạ ?
BỐ QUYÊN (thở dài). Mẹ mất sớm, bố không biết cách dạy,
thành thử lớn xác rồi mà vẫn ngốc nghếch, chẳng biết ăn nói đi đứng cho đàng
hoàng chững chạc. Nó mà được gần anh Song thì rồi cũng học được nhiều. Chứ cứ
để lêu lổng với bọn trẻ con trong xóm này thì bao giờ mới khôn ngoan lên được ?
(Lắng nghe.) Hình như khách đến.
Tiếng xe máy nổ gần
rồi tắt. Song và chị anh bước vào. Song ăn vận khá sang trọng : một bộ côm-lê
bằng vải len quý. Chị anh ta khá diện, tính tình xởi lởi hơi quá mức. Sự xuất
hiện của họ trong cái gia đình lao động giản dị này tạo nên một sự tương phản
rõ rệt.
CHỊ SONG (vẫn còn ở ngoài cửa). Bộ Giao thông làm cái gì mà không
chịu sửa sang đường xá gì hết. Xe cộ nẩy lên chồm chồm. Em cầm tay lái giỏi
đấy, chứ mấy lần chị đã tưởng đổ xe. Sống chui rúc thế này mà cũng chịu được
nhỉ ? (Bước
vào nhà, cười vui vẻ.) Chào bác ạ. Chào cô Quyên.
SONG (bước vào theo). Chào bác ạ. Chào Quyên. Cháu xin
giới thiệu với Bác và em Quyên, chị ruột cháu hôm nay đến thăm bác và các em.
QUYÊN (lễ phép). Chào chị ạ. Chào anh Song.
SONG. Chú Mậu không có nhà ạ ?
BỐ QUYÊN. Em nó bận đi đằng kia. Mời chị ngồi
chơi. Kìa, anh Song, mời anh ngồi.
CHỊ SONG (xởi lởi). Bác mặc cháu ạ.
Quyên rót nước.
Thưa bác, bác có cô con gái quý hoá quá. Cậu Song nhà
cháu ca ngợi em Quyên hết lời : nào thuỳ mị, xinh đẹp, thon thả, nào tươi tắn,
công tác tích cực, luôn được bầu là lao động tiên tiến của Nhà máy. Thôi thì
không thiếu điều gì. Cậu ấy khen ghê quá làm bố mẹ cháu phải sốt ruột, bảo cháu
đến thăm bác và thử xem cô Quyên xinh đẹp đến mức nào, thuỳ mị đến độ nào.
Quyên ạ, chị phải giục bao nhiêu lần, cậu Song mới chịu đưa chị đến thăm bác và
các em đấy.
QUYÊN (mỉm cười). Bây giờ thì chị đã thấy là em hoàn
toàn không như anh Song tả rồi chứ ạ ?
CHỊ SONG. Sao em nói lạ thế ? Cậu Song nhà chị
tả rất đúng. Về công tác thì chị không biết, nhưng các điểm khác thì chẳng sai
chút nào. Em xinh lắm, nhan sắc của em toàn diện lắm, vừa trang nhã, vừa quí
phái. Ngay chị là phụ nữ mà mới gặp em chị đã yêu ngay rồi.
Song thấy ngượng, bấm
chị.
(Gạt tay em ra.) Chị nói không đúng à ? Người ta bây
giờ có câu “Nhất da nhì dáng, thứ ba đến nết”. Em được cả ba thứ. Nước da của
em trắng hồng, dáng thì thon thả, còn nét thì… Ôi, cái mũi, cặp môi, đôi mắt,
trời ơi, em đẹp lắm, Quyên ạ.
Quyên ngượng quá,
quay mặt đi.
Đấy là em chưa biết cách ăn mặc, trang điểm. Em dáng cao,
mặc đồ Âu vào thì tuyệt. Tóc em dài, đẹp nhưng để thế này phí quá. Nên uốn đi,
em ạ. Nhưng chị bảo, em đừng vào những hiệu vớ vẩn. Chị sẽ dẫn em đến một chỗ
này, họ làm rất tốt, cũng không đắt hơn nơi khác là mấy. Khách ở đấy lúc nào
cũng đông nghịt. Nhưng em đừng ngại. Chị quen mà.
SONG. Chị đúng là lẩn thẩn. Uốn làm gì ?
Chính cứ để tự nhiên, dài như thế này là hay nhất.
QUYÊN (cười). Anh Song lạc hậu rồi. Em cũng thích uốn chứ, chỉ có
điều đã để tóc dài thế này rồi, cắt đi cũng tiếc nên còn chần chừ đấy thôi.
CHỊ SONG. Thật ra chị công nhận để tóc dài
đẹp, nhưng mốt thời nay… (Quay sang Bố Quyên.)
Thưa bác, bác là công nhân phải không ạ ?
BỐ QUYÊN. Vâng.
CHỊ SONG (suýt soa). Quý hoá quá đấy. Chế độ ta là của
giai cấp công nhân lãnh đạo đấy, bác ạ. Em Quyên, thành phần gia đình công nhân
là diễm phúc đấy. Sau này có đề bạt, tăng lương hay cử đi nước ngoài mà có
thành phần công nhân thế nào cũng được ưu tiên. À, thưa bác, bác công tác ở Nhà
máy nào ạ ?
BỐ QUYÊN. Nhà máy Nguyễn Văn Cừ, chị ạ.
CHỊ SONG. Nguyễn Văn Cừ ạ ? Thế thì cháu có
chị bạn thân, chồng chị ấy là Giám đốc Nhà máy. Cháu sẽ nói với chị ấy, giới
thiệu bác với anh ấy, bác sẽ được nâng đỡ. Làm ở đâu mà có quen riêng với lãnh
đạo cũng được dễ dàng nhiều thứ, bác ạ.
BỐ QUYÊN. Có phải anh Sỹ không ạ ?
CHỊ SONG. Không phải đâu, bác ạ. Chồng chị bạn
thân của cháu tên là Nghiêm cơ ạ.
Bố Quyên. Thế thì không phải Nhà máy tôi làm
rồi.
Chị Song (ngạc nhiên thật sự). Sao lại thế được nhỉ ? Chị bạn thân
cháu bảo chồng chị ấy làm Giám đốc Nhà máy Nguyễn Văn Cừ mà lại.
BỐ QUYÊN. Thế thì chị nhớ lầm rồi. Có phải
Nguyễn Văn Cừ không hay Nhà máy khác ?
CHỊ SONG. Vậy thì cháu phải hỏi lại mới được.
Nhưng nếu anh chồng chị ấy làm Giám đốc không phải ở Nhà máy của bác thì chắc
chắn cũng quen ông ấy. Bác vừa nói tên ông ấy là gì nhỉ ?
BỐ QUYÊN. Sỹ. Trần Văn Sỹ.
CHỊ SONG. Cháu sẽ bảo chồng chị bạn cháu nói
với anh Sỹ ấy rằng bác là người nhà.
BỐ QUYÊN. Cảm ơn chị. (Cười.) Nhưng tôi cũng chẳng có việc gì cần
nhờ vả đến Giám đốc.
CHỊ SONG. Thưa bác, quen biết riêng vẫn cứ hơn
chứ ạ. Nhân tiện đây cháu cũng xin nói, chẳng phải để khoe khoang đâu, chỉ cốt
để bác biết, khi nào bác cần thì cháu có thể giúp bác được. Bố cháu là Thứ
trưởng, còn nhà cháu là Viện trưởng. Sau này cô Quyên muốn đi học nước ngoài là
nhà cháu có thể thu xếp được ngay. Cậu Song ạ, cậu xem thử nên gợi ý cho cô
Quyên đi học cái gì và ở nước nào. Sang Tiệp hay sang Cộng hoà Dân chủ Đức
sướng hơn sang Liên Xô, em ạ. À, phải rồi, sắp có đợt tuyển người đi học nghề
bốn năm ở Bun. Bun cũng rất hay : lương cao mà hàng hoá lại dễ mua. Sau bốn
năm, con gái như cô Quyên, không rượu chè thuốc sái gì, nhất định để dành được
nhiều tiền, khi về cũng có một cái vốn kha khá mà làm ăn…
QUYÊN (mỉm cười). Em làm công nhân ở nhà máy hoa quả này cũng tốt lắm
rồi, chị ạ. Mời chị sơi nước đi đã. Anh Song nữa.
CHỊ SONG. Em mặc chị. Em dở hơi lắm. Bao nhiêu
người thèm đi nước ngoài mà không được đấy.
SONG (sốt ruột và cũng ngượng thay cho bà
chị). Thưa bác, hai
chị em cháu hôm nay đến thăm sức khoẻ bác và hai em. Bây giờ chúng cháu xin
phép… (Đứng
dậy.)
CHỊ SONG. Ơ hay, ngồi thêm chút nữa đã nào.
Chị đã kịp nói chuyện gì với em Quyên đâu. Mà sao cậu bảo tối nay không bận
việc gì kia mà ?
SONG. Em vừa sực nhớ ra là có một cái hẹn.
CHỊ SONG. Hẹn với ai ?
SONG. Với lại chị em mình ngồi chơi thế cũng đủ rồi. Cái chính
là đến thăm bác với các em.
CHỊ SONG. Thôi được, cậu bận thì xin phép bác về cũng được. Nhưng
để chị nói nốt câu này với em Quyên đã. Quyên ạ, tính chị hay nói thật. Đến đây
chị thấy gia đình ta đúng là một gia đình lao động chân chính. Nhà tranh lụp
xụp, đồ đạc chẳng có gì quý giá. Mỗi cái tủ li còn có đôi chút giá trị.
QUYÊN (mỉm cười). Tủ của
người ta đấy ạ. Thằng Mậu nhà em đóng thuê đấy chị ạ.
CHỊ SONG. Lại thế nữa kia đấy. Nghĩa là nhà ta chẳng có đồ đạc gì
đáng kể. Bác thì là công nhân thường. Em cũng vậy. Chú em của em lại là thợ mộc
tư. Đúng không nào ?
SONG. Chị nói cái gì thế ?
CHỊ SONG. Yên để chị nói nốt đã. Quyên ạ, trong khi ấy thì gia
đình Song lại toàn trí thức và cán bộ cao cả. Nhưng thời nay chứ có phải thời
xưa đâu mà cần môn đăng hộ đối. Cái chính là em và Song thôi, chứ gia đình có
quan trọng gì. Lâu lâu hai vợ chồng về thăm bác là đủ, có phải không em ?
SONG (khó chịu). Chị
nói lăng nhăng gì thế? Mà sao đem chuyện
môn đăng hộ đối ra đây ? Chị cổ lỗ quá rồi đấy.
QUYÊN. Với lại anh Song với em đã có gì đâu ạ ?
CHỊ SONG. Chị hiểu. Nhưng chị biết Song rất quý em. Đúng là giữa
hai em chưa có chuyện gì. Chị chỉ nhân tiện nói đến quan điểm luyến ái mà thôi.
Thời nay khác thời xưa, có vậy thôi, chứ có phải chị bảo gia đình Song và gia
đình em là không môn đăng hộ đối đâu. Thế mà chưa chi chú Song đã bảo chị cổ
lỗ…
SONG (bực tức ngắt lời). Nhưng
chị nhắc đến những thứ ấy làm gì ? Thôi, ta xin phép bác và cô Quyên về đi.
CHỊ SONG. Tính khí cậu đến là kỳ quái. Cậu bảo chị nhắc đến
chuyện môn đăng hộ đối làm gì à ? Là để bảo rằng thời nay không cần môn đăng hộ
đối nữa. Bác làm chứng cho, có phải cháu nói như thế không ạ. Giá như chị bảo
cậu và cô Quyên là không môn đăng hộ đối, không thể lấy nhau được thì chị mới
sai và cậu mới phản đối chị được chứ…
SONG (giận dữ). Thôi ! (Quay sang bố Quyên.) Cháu xin phép bác và cô Quyên, chị em cháu về. (Định ra.)
CHỊ SONG. Gượm đã. Cậu tính nóng như lửa. Quyên ạ, em có thấy hôm
nay tính khí cậu Song nhà chị vô lý chưa ? Chị vừa mới đụng đến mấy chữ môn
đăng hộ đối…
SONG (quát). Chị có
im đi không nào ?
CHỊ SONG. Tính nết cậu em chị xưa nay có nóng nẩy như thế bao giờ
đâu ? Chắc hôm nay ở Nhà máy gặp chuyện gì khó chịu nên dễ nổi nóng. Chứ chị có
nói gì sai đâu nhỉ ? Chỉ có chuyện môn đăng hộ đối…
SONG (không chịu nổi nữa, quát). Về !
Chị có chịu về không ? Xin lỗi bác và cô Quyên. (Đẩy bà chị ra.)
CHỊ SONG (cố cưỡng lại). Để chị
nói nốt một câu thôi. Cậu em chị xưa nay tính hoà nhã, vậy mà hôm nay cáu kỉnh
thế này chỉ là đột xuất, chứ bình thường…
QUYÊN (mỉm cười). Em
biết chứ ạ. Anh chị em trong nhà máy ai cùng khen anh Song vừa giỏi chuyên môn
vừa tốt bụng và hoà nhã, khiêm tốn.
CHỊ SONG. Đúng thế đấy. Cho nên bác và cô Quyên bỏ qua cho nếu
cậu em cháu thái độ…
BỐ QUYÊN. Chúng tôi rất mến anh Song.
CHỊ SONG. Mà bác thấy đấy, cháu chỉ nói mỗi chuyện là không cần
môn đăng hộ đối…
Song đã đẩy được bà chị ra ngoài cửa. Tiếng xe máy rồ lên rồi xa dần. Hai
bố con Quyên cười rũ ra.
BỐ QUYÊN. Tính chị ấy cám để trên vung ấy mà. Người như thế chính
lại dễ đối xử. Bố sợ nhất là loại người mồm thơn thớt, nhưng lòng dạ hiểm độc.
QUYÊN. Bố nói đúng. Nhà máy con cũng có một anh tính hệt như
chị ấy, hễ mở miệng ra là liến thoắng, không sao ngừng được nữa… Con cũng tán
thành chị ấy bụng dạ chẳng có gì. Với lại mỗi người mỗi tính, bố ạ.
BỐ QUYÊN. Người nhà giầu họ hay có tính huênh hoang.
QUYÊN. May anh Song không có cái tính ấy.
Mà chị anh ấy làm như chuyện con và anh Song đã suôn sẻ cả rồi, chỉ còn đợi
ngày cưới nữa thôi.
BỐ QUYÊN. Hôm nay gặp lại anh ấy, bố mừng thấy
anh ấy giỏi giang, học cao mà tính tình giản dị. Thuốc lá cũng không hút. Bố
xem, thanh niên bây giờ mà được như anh ấy là hiếm đấy. Bố thấy nếu anh ấy đặt
vấn đề, con chẳng cần đắn đo gì nhiều nữa.
QUYÊN. Con chưa thấy có chút tình cảm gì
đặc biệt với anh ấy.
BỐ QUYÊN. Bố chỉ nói thế thôi, chứ tất nhiên
đấy là việc của con. Con muốn thế nào bố cũng bằng lòng. Nhận lời cũng được mà
không nhận lời cũng không sao. Bố tin con đủ hiểu biết để quyết định xử sự cách
nào hợp ý con nhất.
Mậu về, định chạy
thẳng vào nhà trong.
(Quát.)
Mậu ! Đứng lại đây tao hỏi !
Mậu miễn cưỡng đứng
lại.
Mày giấu cái gì trong túi áo thế kia ?
MẬU (lấy tay che miệng túi). Có gì đâu ạ !
Bố Quyên đến gần,
nhấc tay con trai ra, lôi trong túi áo cậu ta một bọc giấy. Ông mở, tiền rơi lả
tả xuống đất.
BỐ QUYÊN. Tiền gì thế này ?
MẬU. Thằng bạn con nhờ mua hộ nó cái xe
đạp.
BỐ QUYÊN. Mày thì biết gì về xe đạp mà có đứa
nhờ mày mua hộ ? Khai thật ra không tao bóp cổ chết bây giờ. Tiền gì, nói mau !
Hay mày ăn cắp của ai ?
MẬU. Con không ăn cắp.
BỐ QUYÊN. Mày không khai thật thì tao giết.
Tao không doạ xằng đâu. Nói giết là tao giết. Tao thà không có con chứ không
chịu có đứa con ăn cắp. (Giơ dao bầu.)
QUYÊN. Bố đừng làm em nó sợ.
BỐ QUYÊN. Vậy thì khai ra ! Có khai không ?
MẬU. Con đã nói rồi. Con không ăn cắp.
BỐ QUYÊN. Vậy tiền ở đâu ra ?
Mậu im lặng.
Có nói không ?
Vĩnh chạy vào, thấy
cảnh tượng ấy, sững người lại.
VĨNH. Thưa bác, có chuyện gì thế ạ ? (Cúi xuống nhặt tiền rơi vãi.) Sao tiền lại tung toé thế này ạ ?
MẬU. Tiền của em đấy. Bố em nghi em ăn
cắp. (Khóc
nức nở.) Con thề với
bố con không ăn cắp. (Chạy vào nhà trong.)
BỐ QUYÊN (đỡ số tiền
trong tay Vĩnh). Con
với cái ! Không ăn cắp thì cũng làm gì bậy bạ. Phen này thì tù sớm. Anh ngồi
chơi nhé, để tôi vào cho thằng này một trận.
QUYÊN. Con van bố. Bố để con điều tra xem
em nó lấy tiền ở đâu. Con đoán nó nhận đóng cái tủ cho ông Phất, nhưng vì bố
cấm nó quan hệ với ông ấy nên nó không dám nói thật. Bố yên tâm, con sẽ có cách
biết được tiền ấy nó lấy ở đâu.
BỐ QUYÊN (thở dài). Anh Vĩnh ngồi chơi với em nó nhé.
Tôi vào ngả lưng một cái. Sao bỗng nhiên tôi thấy mỏi mệt thế này nhỉ ? (Vào buồng.)
VĨNH. Sáng mai tôi lên chỗ thằng Tấn đây,
cô Quyên ạ. Cô định gửi gì cho nó thì viết đi, rồi đem sang đưa tôi.
QUYÊN (hốt hoảng). Anh Tấn làm sao ạ ?
VĨNH. Nó bị thương trận vừa rồi. Nghe bảo
nặng lắm. Đơn vị cho xe về đón người nhà lên. Bà mẹ nó đang ốm nên tôi phải đi
thay. Sáng mai cô đến nhà máy đưa đơn này xin phép nghỉ hộ tôi nhé. Phiền quá.
Đúng lúc toàn nhà máy đang gấp rút hoàn thành kế hoạch năm. Nhưng không có ai
lên với nó cũng không được. (Định đi.) Viết xong đem sang đưa tôi nhé.
QUYÊN (đột nhiên). Anh Vĩnh này…
Vĩnh đứng lại.
Hay để em đi thay cho anh ?
VĨNH (mừng rỡ). Thế thì còn gì bằng. Thằng Tấn mà
nhìn thấy cô là vết thương liền da ngay, không cần chạy chữa gì nữa.
QUYÊN (cười). Em cũng đang cần gặp anh Tấn để hỏi
ý kiến về một việc.
VĨNH. Cô đi hộ thì tôi đỡ phải nghỉ. Xong
đợt sản xuất nước rút này, nhất định tôi sẽ lên… À, nhưng bác có…
QUYÊN. Bố em sẽ không cản gì đâu.
VĨNH. Nếu cô đã quyết định thế thì sang
bên nhà tôi gặp đồng chí ở đơn vị một cái. (Ra cùng Quyên.)
Bố Quyên lôi Mậu
trong nhà ra.
MẬU. Con lạy bố. Con đã nói rồi. Con không
ăn cắp. Đây là tiền của ông Phất…
BỐ QUYÊN. Ông ấy sai mày làm cái gì mà trả mày
lắm tiền thế ?
MẬU. Ông ấy nhờ con mua hộ ông ấy gỗ lát
rồi đóng cho ông ấy cái tủ áo ba buồng.
BỐ QUYÊN. Thế tại sao lúc nãy mày bảo đứa bạn
nào nhờ mày mua hộ xe đạp ? Thằng này nói quanh, không tin được. (Cầm dao doạ.) Khai thật ra không tao giết.
MẬU (nức nở). Bố có giết con cũng đành chịu. Sự thật
là như thế. Ông ấy đưa tiền nhờ con…
BỐ QUYÊN. Mày nói láo.
MẬU. Không tin bố cứ hỏi ông ấy. Nếu con ăn cắp mà bố phát
hiện ra thì bố giết con, con không dám oán.
Bố Quyên đau đớn quăng dao xuống đất, rồi ra ghế ngồi phịch xuống, ôm đầu.
Mậu lén cầm gói tiền, rón rén đi vào nhà trong.
Lát sau Quyên về, vẻ xúc động.
QUYÊN. Bố ơi, anh Tấn bị thương nặng lắm. Đơn vị cho xe về đón
người nhà lên thăm. Bác Chữ mệt không đi được. Bác nhờ con đi hộ. Con xin phép
bố.
BỐ QUYÊN. Con đi thế có tiện không ? Gia đình anh Song vừa mới
đến đây… Con thử nghĩ kỹ xem.
QUYÊN. Hàng xóm láng giềng. Anh Tấn bị thương nặng, không ai
đi được. Con không thể từ chối, bố ạ.
BỐ QUYÊN (rất mệt mỏi). Tuỳ
cô. Cô thấy thế nào là phải thì cứ tự làm. Lúc này bố không còn biết thế nào
nữa. (Đau đớn.) Giá còn mẹ thì những lúc như thế này thế nào mẹ cũng
biết cách xử sự cho đúng. Ngay chuyện thằng Mậu… Bố thấy nó đang tuột khỏi tay
bố. Nó đang lao xuống dốc mà bố không có cách nào ngăn nó lại.
Quyên đứng im. Đột nhiên cô thấy thương bố vô hạn.
QUYÊN (bước đến gần bố). Thôi,
con không đi nữa vậy. Để con sang từ chối với bác Chữ. (Định ra.)
BỐ QUYÊN. Không được ! Con phải đi. Tình nghĩa xóm giềng, tắt lửa
tối đèn có nhau…. Bác Chữ không đi được, nhờ con, con đi là đúng. Phải đi, con
ạ.
Quyên chạy vào nhà trong. Còn lại ông bố. Bỗng ông nấc lên, hai vai rung
mạnh. Ông khóc.
HẾT PHẦN THỨ NHẤT
P H Ầ
N T H Ứ H A I
Cảnh
bốn
Bệnh viện quân y tiền phương, đóng trong một khu rừng thơ mộng. Dưới bóng
cây, vài chiếc ghế dài giản dị, do nhân viên tự đóng lấy dành cho bệnh nhân đi
dạo nghỉ chân.
Buổi chiều cuối thu. Mặt trời chưa lặn hẳn, vầng trăng đã lơ lửng bên trên
đỉnh núi. Lá vàng rụng đầy mặt đất.
Quyên và Tấn vào. Tấn mặc quần áo bệnh viện. Anh đã bình phục. Quyên đi bên
cạnh.
TẤN. ở đây suốt ngày nghe tiếng chim hót.
QUYÊN. Phong cảnh đẹp như trong tranh ấy.
Có sống cả đời ở đây cũng không chán.
TẤN (cười). Quyên thử sống ở đây liền một tháng xem. Lại không
ngán đến tận cổ ấy ư.
QUYÊN. Quyên ở đây mười một ngày rồi mà đã thấy chán đâu. Ngồi
xuống nghỉ đi anh. (Ngồi xuống ghế dài.)
TẤN (ngồi xuống bên cạnh). Với lại cảnh ở đây đã ăn thua gì
với trên điểm tựa của bọn tôi.
QUYÊN. Đẹp lắm hả, anh ?
TẤN. Đẹp kiểu khác. Ở đây đẹp hiền hoà,
còn trên ấy đẹp dữ dội. Vô vàn những mỏm núi nối tiếp nhau. Mặt trời trên ấy
cũng nghiệt ngã. Còn trăng thì…
QUYÊN (mỉm cười). Thì đanh ác, chắc thế ?
TẤN (cũng cười). Không đến nỗi thế…
QUYÊN. Vậy trăng trên ấy thì sao ?
TẤN. Thì sao à ? Chà, khó nói quá. Trăng
trên ấy lạnh lẽo, cô đơn… và tủi phận thế nào ấy.
QUYÊN (phá lên cười). Thế thì không phải trăng rồi mà là
người nhìn trăng.
TẤN (cười). Có lẽ thế. (Im lặng.) Cuộc sống đến là lạ…
QUYÊN. Lạ sao ?
TẤN. Cái gì rồi cũng quen. Cảnh đẹp ngắm
mãi rồi không còn thấy nó đẹp nữa. Cuộc sống gian khổ rồi không còn làm người
ta thấy gian khổ nữa. Nói thế cũng chưa đúng hẳn, mà khi đã quen thuộc một thứ
gì, người ta không còn quan tâm đến nó nữa.
QUYÊN. Nghĩa là sao ?
TẤN. Một cậu bạn tôi viết thư về nhà, đọc
cho tôi nghe, tôi nhớ có một câu tôi rất tâm đắc. “Hồi còn ở nhà, con quen
thuộc với mọi thứ, đến mức không thấy gì hết. Lên trên này, con mới biết con có
bố, có mẹ, có em gái.”
QUYÊN (cau mặt nhìn Tấn). Anh tâm đắc ở chỗ nào ?
TẤN. Thì ra khi xa nhà mới biết hết giá
trị của cuộc sống ở nhà, xa người thân mới biết có người thân bên cạnh là sung
sướng. Hình như chỉ khi mất thứ gì, người ta mới biết hết giá trị thứ ấy. Bây
giờ tôi mới hiểu được ý nghĩa của chữ “thiếu”. Sống trên này tôi thấy một nỗi
thiếu khủng khiếp : thiếu mẹ tôi, thiếu cậu Vĩnh, thiếu Quyên và chú Mậu, thiếu
những người trong xóm thường ngày vẫn gặp.
Quyên thoáng xúc
động.
QUYÊN (nói lảng). Chim gì hót nghe rất lạ, y hệt
tiếng cười ấy : khích-khích, khích-khích. Gọi là chim gì, hả anh ?
TẤN (cười). Tôi không biết.
Bỗng có tiếng gọi to
bên ngoài :”Tấn
ơi ! Tấn ơi !” Liền sau đấy hai chiến sĩ trẻ chạy vào.
CHIẾN SĨ 1. Ôi chao
! Ông bạn ra tận đây. Bọn mình tìm cậu hết hơi. Chào chị !
TẤN. Xin giới thiệu với hai bạn, đây là
cô Quyên, hàng xóm của mình ở Hà Nội.
CẢ HAI CHIẾN SĨ. Chào chị.
TẤN. Còn đây là hai chiến sĩ cùng đại đội
với tôi, Hiếu và Thịnh. Nhưng hai cậu tìm mình có việc gì thế ?
CHIẾN SĨ 1. Tuy hôm nay mới gặp, nhưng chúng tôi
đã biết khá nhiều về chị.
CHIẾN SĨ 2. Và cũng xin đính chính ngay. Anh
Hiếu và tôi không còn là chiến sĩ mà đã là hạ sĩ. Đồng thời cũng báo tin luôn,
anh Tấn của chị đã là trung sĩ, vừa có quyết định gửi về Đại đội hôm qua. Đại
đội đã tổ chức công bố, rất tiếc là anh Tấn không có mặt. Đây là phần thưởng
của anh ấy trong Đại hội Mừng công. (Lấy trong ba-lô ra một bọc to.) Khăn mặt này, xà-phòng đánh răng
với bàn chải này. Rồi cả một hộp bánh quy kem Hải Châu, bút máy Ba Đình, và còn
cái này nữa. (Lôi
ra một chiếc hộp nhỏ,
lấy ra một bông hoa to có đính dải băng đỏ, đeo lên ngực cho Tấn.) Còn vài thứ thức ăn bồi dưỡng nữa
nhưng dọc đường hai chúng tôi sợ hỏng nên đành mạn phép tiêu thụ hộ.
TẤN (cười). Thức ăn gì vậy ?
CHIẾN SĨ 1. Giò lụa, chả quế và nem Sài Gòn.
CHIẾN SĨ 2. Cậu quên. Còn cả một tảng bánh mì
gối với pa-tê, xúc-xích nữa chứ.
CHIẾN SĨ 1. Đúng như thế. Chị Quyên ạ, hai chúng
tôi đã may mắn được tham gia cái trận đánh quái gở cùng với ông bạn hàng xóm
của chị đây. Trông ngoài tưởng lờ mờ, thật ra lại là một đại anh hùng…
TẤN (cười). Cậu chàng này chuyên bốc phét đấy, cô Quyên ạ. Đừng
nghe cậu ta. Mọi điều cậu ta phát ra đều phải trừ hao độ chín phần mười. Cứ mở
miệng là cậu ta nói toàn những từ kêu oang oang cả. Nào vĩ đại, nào phi thường,
nào cực kỳ, nào hết ý. Thật ra chỉ là một trận đánh rất bình thường.
QUYÊN (trách). Anh hứa kể cho Quyên nghe cái trận
đánh ấy mà vẫn chưa kể. Mai Quyên đã phải về rồi.
CHIẾN SĨ 1. Mai chị đã về ? Vội vã thế ? Chị nên
ở lại thêm ít ngày nữa. Nơi đây mới là cuộc sống thật sự. Còn Hà Nội ấy ư ? Chỉ
là cuộc tranh cướp Ti Vi, tủ lạnh, xe máy, là đua nhau ăn chơi đàng điếm, là
diệt nhau vì cái ghế, vì đồng lương…
CHIẾN SĨ 2. Im ngay. Không được vơ đũa cả nắm.
Không phải ở Hà Nội ai cũng như thế.
CHIẾN SĨ 1. Thôi được. Vậy là mai chị về. Vậy thì nội trong ngày
hôm nay cậu Tấn phải kể chị Quyên nghe về cái trận đánh quái gở của ba chúng
mình hôm ấy. Cái trận đánh khiến hai chúng tớ được thăng lên hạ sĩ, còn kẻ chủ
mưu là cậu thì cái lon trung sĩ. Với lại cậu phải kể để chị Quyên về Hà Nội còn
báo cáo lại cho hàng xóm láng giềng nghe với chứ. Đúng không nào ?
CHIẾN SĨ 2. Hắn không kể đâu. Tính hắn thế. Vậy tôi xin kể cho đại
biểu của Thủ đô nghe. Đại khái là thế này. Hôm ấy bọn chúng đem quân sang lấn
chiếm. Ta đánh lại, chúng vội vã tháo chạy. Thế là quân ta truy kích. Tổ chúng
tôi đây, gồm cậu bạn chị và hai chúng tôi, do mải truy kích, vượt qua cầu, lọt
vào khu vực của địch lúc nào không biết. Chỗ này thật ra là đất của mình bị
chúng lấn chiếm. Sang đến nơi, ba chúng tôi bị đại quân của chúng bao vây.
TẤN. Đại quân cái gì. Chỉ khoảng một tiểu đoàn.
CHIẾN SĨ 1. Một tiểu đoàn, gần năm trăm đứa không đủ gay à ? Trong
khi bọn tôi trần ba mống, đạn thì hết…
CHIẾN SĨ 2. Yên. Để tớ báo cáo tiếp. Ba thằng chúng tôi bị cả một
tiểu đoàn gần năm trăm đứa bao vây. Đã thế, muốn chạy thoát về bên mình thì
phải qua một con suối khá sâu, chỉ có mỗi cái cầu nhỏ bằng gỗ bắc ngang qua, mà
lại bị chúng đứng gác hai đầu cầu. Thế là ông bạn hàng xóm của chị vỗ trán đánh
“bốp” một cái, nghĩ ngay ra một cái mẹo tuyệt trần gian. Gia Cát Lượng sống lại
cũng khó nghĩ ra nổi.
TẤN (cười). Thôi
đi ! Ba hoa nó vừa vừa thôi.
QUYÊN (sốt ruột). Mẹo
của anh Tấn thế nào ạ?
CHIẾN SĨ 1. Lúc bấy giờ trời đã tối đen. Cậu Tấn ôm một tảng đá to
nhảy đại lên cầu rồi quẳng tảng đá xuống nước đánh ùm một cái, để địch tưởng
cậu ấy nhẩy xuống suối, đồng thời cậu ấy lăn ngay xuống gầm cầu bấu chặt vào
một thanh gỗ, ép người vào đấy. À, mà cậu làm thế nào tài thế, đến bây giờ
chính mình cũng chưa hiểu cậu làm cách nào mà không rơi xuống nước đấy ?
TẤN. Mình bấu chặt tấm gỗ ngang dưới gậm cầu.
CHIẾN SĨ 1. Chị hình dung được không ? Cậu Tấn làm nhanh đến nỗi
mấy thằng lính gác ở đầu cầu tưởng quân ta nhảy xuống suối, gọi nhau ầm lên.
Bọn chúng kéo đến, dọi đèn xuống suối tìm, đồng thời nã súng, cả tiểu liên,
trung liên, làm nước bắn lên tung toé, và gọi nhau í ới. Đồng thời mấy chục
thằng chạy sang bờ bên phía ta đón đường, để nếu quân ta không trúng đạn, lên
bờ được thì tóm luôn. Lúc ấy cậu Tấn mới leo dưới gầm cầu lên, giật tiểu liên
của thằng đứng gần nhất, hất nó xuống nước, rồi lia vào đám quân địch lố nhố
trên cầu và trên bờ suối, đồng thời vẫy tay gọi hai đứa chúng tôi. Bọn địch
nhốn nháo chưa hiểu thế là sao. Hai chúng tôi bèn thừa cơ địch đang hỗn loạn,
mỗi thằng giật ngay một khẩu tiểu liên, vừa chiến đấu vừa rút sang đầu cầu bên
kia rồi băng về căn cứ. Tóm lại, cái mẹo ấy là đánh lừa địch, rồi cướp súng
địch diệt địch, đồng thời phá vòng vây. Chị thấy cái mẹo ấy có thần tình không.
Kết quả là ba chúng tôi đều về đến căn cứ an toàn, và địch mất khoảng hơn chục
tên vừa chết vừa bị thương.
TẤN (cười). Trận
đánh chỉ có thế thôi, cô Quyên ạ. Người tường thuật có hơi phóng đại đôi chút,
nhưng cơ bản thì đúng là như thế.
CHIẾN SĨ 1. Cũng cần nói thêm là chính trong trận ấy, cậu bạn hàng
xóm của chị bị dính mấy viên đạn, may mà không ngoẻo. Và mới phải khiêng đến
viện quân y này.
CHIẾN SĨ 2. Và mới được chị lên thăm nom.
CHIẾN SĨ 1. Thôi, ta chẳng nên quấy rầy anh Tấn và chị Quyên thêm
nữa. Mà cũng phải về đơn vị thôi. Chị Quyên ạ, chúng tôi đã gặp bác sĩ, như vậy
là vết thương của cậu Tấn gần lành hẳn. Sức khoẻ đã gần như bình thường. Chúng
tôi làm xong nhiệm vụ, sẽ về báo cáo với đơn vị. Mai chị đã về Hà Nội. Chúc chị
đi đường bình an và xin gửi lời hỏi thăm nhân dân Thủ đô anh hùng.
CHIẾN SĨ 2 (với Tấn). Bọn mình về nhé.
Cả hai cùng chạy ra.
QUYÊN (nhìn theo). Hai bạn anh vui
tính thật đấy. Vui thế này thì anh không thể ra khỏi bộ đội được đâu.
TẤN. Hết hạn là dứt khoát về. Tôi không
có thớ làm sĩ quan chuyên nghiệp. Với lại làm anh thợ tiện giỏi tay nghề là
sướng nhất. Cô Quyên đồng ý không ?
QUYÊN (mỉm cười nhìn Tấn trìu mến). Đồng ý.
TẤN. Cứ đứng cạnh cỗ máy tiện là tôi thấy
thanh thản nhất, nhất là hằng ngày, hết giờ làm việc, cởi bộ bảo hộ, rửa chân
tay, mặc bộ thường phục vào, đội mũ, bước ra cổng là lúc tôi thấy hạnh phúc
nhất trên đời.
QUYÊN. Hạnh phúc nhất ?
TẤN. Đúng thế. Theo tôi, hạnh phúc nhất là
khi thấy mình đã làm tròn nghĩa vụ lao động trong ngày và thời gian còn lại
được tha hồ sử dụng cách nào mình thú nhất. Hạnh phúc là khi thấy mình không
mắc nợ ai, không phải lừa dối ai, quỵ luỵ ai, không phải làm ác cho ai.
QUYÊN (đột nhiên). Anh Tấn này…
TẤN. Cô Quyên bảo gì ?
QUYÊN. Anh Tấn là bạn thân của Quyên, đúng
không nào ?
TẤN. Cô Quyên hỏi thế để làm gì ?
QUYÊN. Nhưng có đúng anh Tấn là bạn thân
của Quyên không ?
TẤN (nhìn Quyên, chưa hiểu Quyên hỏi thế để
làm gì). Đúng là như thế.
QUYÊN. Và ta có thể nói với nhau mọi điều ?
TẤN (càng ngơ ngác). Tất
nhiên rồi.
QUYÊN. Vậy Quyên hỏi anh Tấn một câu này nhé?
Tấn chưa trả lời, chỉ chăm chú nhìn Quyên chờ đợi.
(Mỉm cười.) Quyên phải lấy chồng thôi. Lớn tuổi rồi.
TẤN. Đã lớn gì mấy đâu ?
QUYÊN. Con gái có thì.
TẤN. Ừ nhỉ. Vậy Quyên tính sao ?
QUYÊN. Và Quyên muốn hỏi ý kiến anh Tấn.
TẤN. Tôi thì có ý kiến gì được ?
QUYÊN. Quyên phải quyết định sớm còn vì một nguyên nhân nữa.
Đang có một anh đặt vấn đề với Quyên. Trì hoãn mãi không được nữa rồi. Cần phải
có câu trả lời dứt khoát : đồng ý hay không.
TẤN. Anh ấy làm gì ?
QUYÊN. Kỹ sư, phó tiến sĩ, mới tốt nghiệp ở nước ngoài. Bố lại
là cán bộ cao cấp, thứ trưởng.
TẤN. Anh ấy là người tốt ?
QUYÊN. Có vẻ thế. Hiền lành, đứng đắn. Quyên chưa thấy anh ấy
có điểm gì để có thể chê anh ấy được.
TẤN. Thế thì Quyên còn ngập ngừng gì nữa ?
QUYÊN. Vì Quyên chưa thấy… Hình như trong chuyện tình cảm, còn
cần một thứ gì khác, gọi là gì được nhỉ ? Tạm gọi là sự đồng cảm vậy. Anh Tấn
có nghĩ như thế không ? Quyên chưa thấy anh Song ấy có điểm nào đáng chê trách.
Nhưng sao Quyên vẫn thấy anh ấy xa lạ và khác biệt Quyên nhiều quá.
TẤN (suy nghĩ). Bác
đang muốn có chàng rể học thức. Đây lại là phó tiến sĩ, học nước ngoài về. Nếu
Quyên nhận lời với anh ấy hẳn bác mừng lắm.
QUYÊN. Đúng thế.
TẤN (tự ái). Vậy mà
Quyên còn hỏi ý kiến tôi? Xin trả lời ngay : Quyên hãy nhận lời với anh ấy ngay
đi. Một đám cực kỳ rồi đấy !
QUYÊN. Anh nói cái giọng gì lạ thế ?
TẤN. Không à ? Còn đám nào hơn thế nữa ? Tôi thì chẳng ra
cái gì đã đành. Một thằng mới hết cấp ba đã bỏ học, đi học nghề và làm thợ. Bây
giờ lại đang làm nghĩa vụ quân sự. Chưa biết sống chết ra sao, liệu có sống đến
ngày hết hạn nghĩa vụ không ?
QUYÊN. Sao anh Tấn lại nói thế ?
TẤN. Trong khi người đặt vấn đề với Quyên lại là kỹ sư, phó
tiến sĩ, học nước ngoài về, bố là Thứ trưởng. Tương lai tiền đồ xán lạn… Lại
hiền lành, đứng đắn. Bác nhà ta lại đồng ý…
QUYÊN (mỉm cười). Thế mà
Quyên vẫn còn ngần ngại đấy.
TẤN. Còn ngần ngại gì nữa ? Tôi thì chẳng ra gì đã đành, mà
so với những đám khác, ngay cả ông kỹ sư ở Cơ khí Trần Hưng Đạo, rồi ông hoạ sĩ
ở Công ty Mỹ nghệ, cả ông bác sĩ ở Việt - Đức, tất cả đều thua đám này hết.
QUYÊN (vẫn nhìn Tấn chăm chú và
trìu mến). Ấy thế, nhưng chỉ cần anh Tấn nói một câu, Quyên sẽ từ
chối ngay ông phó tiến sĩ này cũng như mấy ông bác sĩ, kỹ sư, hoạ sĩ anh Tấn
vừa kể ra ấy.
TẤN (sau một chút, bỗng hoảng sợ). Tôi lấy Quyên thế nào được ? Tôi chỉ là thằng công
nhân quèn. Và bây giờ thì là thằng lính. Sống chết chưa biết thế nào. Mà nếu có
sống sót để trở về thì chỉ có hai bàn tay trắng. Lấy gì mà bảo đảm được cho
cuộc sống của Quyên ?
QUYÊN (đột nhiên tự ái). Câu trả lời đã rõ ràng. (Đứng dạy.) Muộn rồi. Ta về đi.
TẤN (bối rối). Quyên
nghe tôi nói đã.
QUYÊN (lạnh lùng). Anh
Tấn nói thế Quyên đã hiểu rồi. Chẳng còn gì để nói thêm nữa. Quyên cần về sửa
soạn đồ lề để mai lên đường. Các anh ấy bảo xe sẽ chạy từ sớm đấy.
TẤN (hốt hoảng). Quyên
nghe tôi nói nốt đã !
QUYÊN (lạnh lùng). Câu
Quyên hỏi, anh Tấn đã trả lời rõ ràng và đầy đủ. Thế là xong. Anh muốn ngồi lại
cũng được. Quyên xin về trước (Đi.)
TẤN (chạy theo, năn nỉ). Tôi còn muốn nói thêm với cô Quyên
vài điều.
QUYÊN (đứng lại). Đừng nói gì cả. Từ nay và mãi mãi
về sau. (Bỗng
xúc động, định nói gì nhưng lại thôi.)
Thư của anh Tấn, Quyên sẽ chuyển chu đáo cho từng người.
TẤN (đau khổ). Quyên hiểu cho. Không phải tôi
không yêu Quyên, nhưng Quyên đẹp, Quyên hiểu biết, Quyên phải được hưởng hạnh
phúc… Mà tôi thì…
QUYÊN (ngắt lời). Anh đừng nói nữa. Quyên rất hiểu.
Chào anh. (Chạy
vụt đi.)
Tấn còn lại một mình,
ngơ ngác. Anh không ngờ sự việc lại diễn ra như thế. Thậm chí anh vẫn chưa hiểu
chuyện gì đã xảy ra. Anh mệt mỏi, từ từ ngồi xuống ghế dài, ôm đầu. Hai chiến
sĩ lúc nãy bước vào.
CHIẾN SĨ 1. Cậu làm sao thế ? Lại đau hả ?
CHIẾN SĨ 2. Mà cô bạn hàng xóm đâu rồi ?
TẤN (không ngẩng đầu lên). Chưa đi kia à ?
CHIẾN SĨ 1. Bệnh viện bảo mai có xe lên chốt và nói bọn mình ở lại
đêm nay, mai theo xe.
CHIẾN SĨ 2. Cậu ta đang cưa một cô y tá thì có. Nó bốc phét khiếp
quá, làm cô nàng phục lăn. Lại còn xuyên tạc nữa chứ, khiến cô y tá coi nó là
anh hùng còn cậu với mình chỉ là đồ bỏ đi. Mà cái cô y tá ấy so với cô bạn hàng
xóm của cậu thì không đáng một xu. À, mà Tấn ạ, mình không ngờ cô bạn cậu là
người Hà Nội đấy. Tớ cứ nghĩ con gái Thủ đô là phải ăn diện ghê gớm kia, đằng
này cô bạn cậu áo quần giản dị, không chút son phấn nào hết.
CHIẾN SĨ 2. Mà cô ấy đâu rồi ? Vui vẻ cả chứ ?
CHIẾN SĨ 1. Câu hỏi quá thừa. Cô nàng lên tận đây thăm anh bạn
chúng mình, tức là mê lắm rồi. Cậu diễm phúc đấy, Tấn ạ.
TẤN (đột nhiên). Mai tớ
về với các cậu.
CHIẾN SĨ 1. Nhưng đã khoẻ hẳn đâu ? Với lại, tớ nói thật, ở đây chế
độ ăn uống rất tốt, cậu nên ở lại, bao giờ người ta đuổi hãy về. Chứ ở đại đội
bữa nào cũng chỉ canh đỗ tương, ngán đến cổ vẫn phải nuốt. Quí báu gì ?
TẤN. Tớ khoẻ rồi.
CHIẾN SĨ 2. Mà bệnh viện có cho không chứ ?
TẤN. Cho ! Mình vào gặp ông bác sĩ. (Chạy vụt ra.)
CHIẾN SĨ 1 (nhìn theo, ngạc nhiên). Này,
thằng Tấn có chuyện gì thì phải. Trông nó như thằng mất hồn ấy.
CHIẾN SĨ 2 (cười phá lên, vui vẻ). Mất
hồn quá đi ấy chứ. Mấy hôm nay, ngày nào cũng được bồ chăm sóc. Mai bồ về rồi,
làm gì không hoang mang. Với lại, kể ra nó quyết định về đơn vị là đúng. Tớ mới
đi có ba ngày mà đã thấy nhớ chúng nó rồi. Ở trên đỉnh núi thì thèm xuống,
nhưng chỉ vài hôm là chán ngay. Sự đời oái oăm thật !
CHIẾN SĨ 1. Không. Đúng thằng Tấn có chuyện gì rồi. Ta vào gặp nó,
bắt nó phải khai thật xem sao. (Kéo chiến sĩ 2 cùng đi nhanh ra.)
Cảnh năm
Hà Nội. Nhà Quyên. Buổi sáng. Quyên đang đạp máy khâu.
Mậu vác một tấm gỗ vào.
MẬU. Em mua được tấm gỗ lát rẻ quá. Em sẽ đóng một cái
giường hộp thật đẹp để chị làm giường cưới.
QUYÊN (cười). Còn lâu.
MẬU. Ô hay, em tưởng hôm nay chị với anh Song đi đăng ký ?
QUYÊN. Đăng ký là một chuyện, còn cưới lại là chuyện khác.
MẬU. Em tưởng định ngày cưới rồi mới đi đăng ký ?
Quyên không trả lời, vẫn tiếp tục đạp máy khâu.
Sáng nay ra Uỷ
ban đăng ký thì chị cũng phải ăn mặc cho tươm tất chứ. Mà chị nghỉ đi.
QUYÊN (vừa làm vừa trả lời). Chị
máy nốt đường này, còn trả hàng cho người ta.
MẬU. Em thấy chị coi thường chuyện lấy chồng quá. Cả đời chỉ
có một lần. Em hứa sẽ đóng cái giường thật đẹp tặng hai anh chị, coi như đồ
mừng của em. Chân sâu róm đấy chị nhé. Lát này quý lắm. Chị chưa biết đấy, nhà
anh Song sang lắm, chị cũng phải có cái gì đóng góp chứ chẳng lẽ chân tay không
về nhà chồng à ?
QUYÊN. Thôi đi. Toàn nói chuyện vớ vẩn.
MẬU (vẫn không buông tha). Chị chưa đến nhà anh Song chứ gì ? Em đến rồi. Để em
kể chị nghe nhé. Hôm chị sai em lên ấy. Em cứ đứng loay hoay mãi ngoài cổng
sắt, chẳng biết gọi thế nào để có người ra mở cửa. Mãi sau có một bác đi ngang
qua, nhắc : “Sao không bấm chuông ?” Em bấm chuông rồi, đợi mãi mới thấy ông
bảo vệ ra mở cái ô tròn khoét trên cánh cửa sắt, ló mỗi đôi mắt ra sẵng giọng
hỏi “Gì thế ?” Em bảo là cần gặp anh Song. Ông ta không nói gì, đóng cái ô tròn
lại. Lát sau anh Song ra…
QUYÊN (cười). Anh Song thì niềm nở chứ ?
MẬU. Anh Song thì kể làm gì. Nhưng những
người khác trong nhà anh ấy thì nhìn em cứ như em là thằng ăn cắp ấy.
QUYÊN (cười). Tại em để đầu tóc thế kia mà lại.
MẬU. Anh Song giầu thế, sau này chị chẳng
phải vất vả. Đã đi làm nhà máy, về nhà lại còn máy thuê. Nhưng em nói thật. Sau
này chị đến đấy ở, em cũng chẳng lên chơi đâu.
QUYÊN. Anh Song đã xin được phòng ở khu tập
thể nhà máy rồi. Cưới xong là anh chị về đấy ở chứ không ở chung với bố mẹ anh
ấy đâu.
MẬU. Nếu thế thì em sẽ đến luôn ấy chứ. (Nhìn
ra.) Kìa, chị anh Song. Thôi, em đi đây.
QUYÊN (hoảng hốt). Ở nhà tiếp khách với chị.
MẬU (nhăn mặt). Em chịu thôi. (Chạy vào nhà trong.)
Chị của Song vào. ăn
mặc diện, nhưng quần có một vết bùn.
QUYÊN (ra đón). Chị ạ.
CHỊ SONG. Chị biết lát nữa hai em đi đăng ký.
Chị tranh thủ gặp em một chút. (Nhìn quần.) Lấm hết cả rồi.
QUYÊN. Chị ngã ạ ?
CHỊ SONG. Trẻ con ngõ này hư quá. Có vũng nước
bẩn, chúng cố tình dẫm vào làm bắn cả bùn lên quần chị.
QUYÊN. Để em lấy khăn gột tạm. (Vào buồng trong.)
CHỊ SONG (nói to hơn để Quyên nghe thấy). Đã hết đâu. Thấy bùn bắn lên quần
chị, chúng nó còn thích chí cười ầm cả lên mới láo chứ.
Quyên đem khăn ướt
vào.
(Đỡ chiếc khăn.) Cảm ơn em. (Cúi xuống gột vết bẩn.) Trẻ con ở đây hư quá, em nhỉ ?
QUYÊN. Thật ra các em ngoan lắm đấy, chị ạ.
Chỉ có điều không được ý tứ lắm. Trẻ con mà, chúng đã biết thế nào là lịch sự
đâu.
CHỊ SONG. Em nói thế nào ấy chứ ? Ngoan mà lại
cố tình dẫm mạnh vào vũng nước làm bắn bùn lên quần áo người ta, sau lại còn
thích chí. Nhưng thôi, lan man mãi, có chuyện chính thì lại không nói. Thế này,
em Quyên ạ. Chị đến để xin lỗi em.
QUYÊN. Chị làm gì mà phải xin lỗi ạ ?
CHỊ SONG. Có đấy. Lỗi to là đằng khác. Em đã
quên rồi à ? Lần trước đến đây, chị đã vui miệng đem nói những câu không nên
nói. Thật ra trong lòng chị rất quý em. Ngay hôm ấy, về đến nhà, cậu Song phê
bình chị kịch liệt. Chị đã nhận lỗi với nó, hôm nay chị đến nhận lỗi với em.
QUYÊN. Hôm ấy chị có nói gì sai đâu ạ ?
CHỊ SONG. Sai thì không sai, nhưng không nên nói.
QUYÊN. Nhưng em có để ý thấy gì đâu.
CHỊ SONG. Nếu vậy thì tốt. Nhưng thật em không để bụng chứ ?
QUYÊN. Thưa chị, không ạ.
CHỊ SONG. Vậy là em thông cảm với chị. Vì điều chị nói có gì sai
đâu ? Chị chỉ định nói rằng thời nay chuyện môn đăng hộ đối không có ý nghĩa gì
hết. Đâu phải như thời xưa. Thời xưa, con trai đỗ đạt cao như cậu Song nhà chị
thì chí ít cũng phải lấy vợ con nhà khá giả. Thời nay cậu Song yêu em là công
nhân, con nhà lao động lại là đáng quý, đáng khuyến khích, phải không, em ? Em
hiểu cho chị thế là tốt, vì chị nói mấy chữ môn đăng hộ đối là nhằm mục đích
tán thành sự lựa chọn của cậu Song nhà chị chứ có ý gì khác đâu ?
QUYÊN (đã hơi khó chịu). Đúng
thế. Em cũng không nghĩ gì đâu.
CHỊ SONG. Khuyết điểm của chị không phải là nói đến mấy chữ môn
đăng hộ đối, mà ở chỗ cứ lặp đi lặp lại mãi mấy chữ ấy, môn đăng hộ đối, rồi
lại môn đăng, hộ đối, hết môn đăng lại hộ đối…
QUYÊN (mỉm cười). Chị
nhắc hàng trăm lần cũng được, có sao đâu ạ.
CHỊ SONG. Em nghĩ thế à ? Vậy thì tốt quá. Chứ cậu Song nhà chị
thì cứ mắng chị mãi về cái tội nhắc đi nhắc lại môn đăng với hộ đối. Thật ra
lúc đầu khi cậu Song nhà chị phê bình, chị chưa chịu, nhắc đến môn đăng hộ đối
thì có sao đâu ? Nhưng rồi mẹ chị giảng giải chị mới hiểu ra. Mẹ chị bảo, “Con chẳng tế nhị chút nào cả. Người nhà nghèo bao
giờ cũng có một chút mặc cảm”. Mẹ chị
nói đúng. Và nói như thế thì chị hiểu ngay, chứ như cậu Song nhà chị nói thì
chị không hiểu nổi. Gia đình em nghèo thật, nhưng nhà ta là gia đình lao động,
thất học, đâu phải lỗi tại em hoặc tại bác, mà là do hoàn cảnh. Sống trong cái
ngõ này, người lớn thì đầu tắt mặt tối lo kiếm ăn, trẻ con thì lêu lổng, vậy mà
em vẫn giữ được cử chỉ lịch sự, áo quần sạch sẽ, thú thật chị phục đấy.
QUYÊN (bắt đầu khó chịu). Trông
thế thôi, chứ bà con trong xóm này đều là người tốt cả đấy, chị ạ.
CHỊ SONG. Chuyện ấy chị lại chưa đồng ý với em. Nhưng thôi, cậu
Song nhà chị sắp đến rồi. Thấy chị ở đây nó lại cằn nhằn. Nó bắt chị phải hứa
không đến đây một mình. Thế này em nhé. Nếu thật chị đòi môn đăng hộ đối thì
đời nào chị lại tán thành cậu ấy lấy em. ấy chết, chị lan man mãi, lỡ cậu ấy
đến thì cậu ấy giết chị mất. (Định ra.) À, chị
nói thêm điều này nữa. (Chợt nhìn ra.) Chết chị rồi ! Cậu Song ! Chị trốn đâu bây giờ ? (Luống cuống.)
QUYÊN. Chị yên tâm. Em sẽ có cách nói để anh ấy không kêu ca gì
chị.
Tiếng xe máy đến gần rồi tắt. Song vào.
SONG (nhìn thấy chị, cau mặt). Chị
đến đây làm gì ?
QUYÊN. Chị đến nhờ em mua hộ đôi quai guốc Sài Gòn đấy mà.
CHỊ SONG (cười nhận lỗi). Đúng
thế. Chị đến có mỗi việc ấy thôi. Bây giờ xong việc, chị về. (Quay sang Quyên.) Em giúp chị nhé. Chọn mầu lạnh ấy, xanh lam hoặc xanh
lục đều được. Chào em. (Ra nhanh.)
SONG (khó chịu nhìn theo). Chị
anh đến lâu chưa ?
QUYÊN. Mới thôi, anh ạ.
SONG. Chị ấy bụng dạ không có gì, chỉ phải cái tội thích nói,
nhiều khi nói cả những điều không nên nói. Thật ra chị ấy quý em lắm đấy.
QUYÊN. Em cũng mến chị. Em chỉ sợ những người thâm hiểm thôi,
chứ người như chị anh, em lại thấy mến. Nghĩ gì trong bụng là nói ngay ra.
SONG. Em nghĩ rộng như thế, anh mừng lắm. Ngay trong nhà, anh
cũng quý chị ấy nhất. Nhiều lúc giận chị ấy mà rồi lại không giận được. Thôi,
em sửa soạn rồi ta đi.
QUYÊN (ngoan ngoãn). Vâng ạ. (Vào nhà trong.)
SONG. Lát nữa, đăng ký xong, anh dẫn em đến
xem căn phòng nhà máy phân cho anh. Chỉ hơn chục mét vuông, nhưng ở đầu dẫy
tầng hai nên rất thoáng.
QUYÊN (trong nhà ra, đã mặc gọn gàng, giản dị
mà vẫn đẹp). Anh nhìn
thấy tấm gỗ lát kia không ? Thằng Mậu nó vừa mua để đóng tặng mình cái giường
cưới đấy.
SONG. Tốt ! Anh sẽ thanh toán chu đáo với
cậu ấy.
QUYÊN. Nó không nhận đâu.
SONG. Không được. Vài nghìn bạc đối với anh
không là cái gì nhưng với cậu ấy thì phải cặm cụi vất vả bao nhiêu ngày mới
kiếm được.
QUYÊN. Nó khái tính lắm đấy. Nếu đưa, anh
phải kiếm cớ gì khác chứ đừng bảo trả tiền mua gỗ. Mà có lẽ, đợi khi nào thấy
nó thích thứ gì, anh mua tặng nó thì hơn.
SONG. Thế cũng được. Nhưng anh tưởng đã là
anh em trong nhà thì việc gì phải giữ kẽ như thế.
QUYÊN (hơi bực). Đấy không phải chuyện giữ kẽ. Tính
thằng Mậu tình cảm lắm đấy. Ngay với em nó cũng chỉ cho chứ có nhận của em thứ
gì bao giờ đâu.
SONG. Nghèo mà nhiều tự trọng quá chỉ có
khổ thôi. Với lại anh đã là người trong nhà rồi còn gì.
QUYÊN (khó chịu). Chưa đâu.
SONG. Chỉ lát nữa thôi, đăng ký xong, anh
đã là anh rể của cậu ấy rồi.
QUYÊN. Ngay cả khi cưới xong, anh vẫn chỉ là
khách của cái nhà này thôi.
SONG. Em nói gì anh không hiểu.
QUYÊN. Anh là trí thức, còn những người
trong gia đình này là người lao động.
SONG. Sao em cứ thích gây sự thế nhỉ ?
Chúng mình yêu nhau và đã quyết định chung sống với nhau, anh đề nghị chỉ nên
nhìn vào những chỗ giống nhau, còn những thứ khác nhau thì hãy quên đi.
QUYÊN. Nghĩa là anh quyết định thế nào là
em phải chấp nhận y nguyên như thế ?
SONG. Không phải. Nhưng em có công nhận
anh hiểu biết hơn em không nào ?
QUYÊN (nhịn nhục). Thôi được. Thế cũng được.
SONG. Tự nhiên hai đứa cãi nhau chỉ về một
chuyện không đâu. Lại đúng vào ngày hôm nay. Nhưng cũng lỗi tại anh. Lẽ ra việc
đối xử với gia đình em phải để em quyết định. Anh xin lỗi. Anh hứa sẽ không ép
em điều gì. Kìa, em vẫn còn giận anh đấy à ?
QUYÊN (đang trang điểm bỗng dừng lại). Anh Song ạ. Em nói thật. Đừng lấy
em. Tính nết em cứng cỏi lắm, anh sẽ không chịu nổi đâu.
SONG (cười dàn hoà). Chịu được. Anh tin là anh
chịu được. Vì sao, em có biết không ? Lần nào tranh cãi với em xong, anh cũng
thấy em đúng và anh sai.
QUYÊN. Anh cũng không hợp với gia đình em đâu.
SONG. Điều này thì em nhầm hoàn toàn. Anh rất yêu bố, yêu chú
Mậu. Mỗi lần đến chơi, anh đều thấy rất dễ chịu. Ngay ngồi ăn cơm với bố và chú
Mậu anh cũng thấy thoải mái hơn ăn ở nhà anh.
QUYÊN. Hay ở nhà cô Ngọc Hương nữa chứ ?
SONG (cười vang). Ôi, thì
ra vợ chưa cứơi của tôi ghen. Thế mà từ nãy đến giờ anh không nhận ra, cứ nghĩ
tại sao hôm nay em lại khó chịu với anh như thế. Nhưng giữa anh và Ngọc Hương
có gì đâu ? Mà sao em biết chuyện Ngọc Hương nhỉ ? Ai nói với em ? Em nói đúng.
ăn cơm với gia đình Ngọc Hương anh rất không thoải mái. Bà mẹ cô ấy kiểu cách
lắm, khách sáo nữa chứ.
QUYÊN. Em nghe nói cô ấy đẹp lắm kia mà ?
SONG. Đẹp theo kiểu hàng mỹ nghệ. Cô ấy giống như hoa lụa,
trong khi em mới là hoa tươi, hoa thật. Nhưng thôi, nhắc đến cô ấy làm gì ? Anh
có yêu cô ấy đâu ? Mà thôi, ta đi kẻo muộn. Không có ai trông nhà à ? Có cần
khoá lại không ?
QUYÊN. Khép lại là đủ. Bố em cũng sắp về bây giờ.
Họ khép cửa rồi đi ra. Sân khấu trống một lát. Sau đấy Vĩnh vào, tay cầm
chiếc phong bì.
VĨNH (gọi to). Cô
Quyên ơi, có thư cậu Tấn đây này. (Không thấy ai trả
lời.) Quyên ơi ! Mậu ơi !
BỐ QUYÊN (dắt xe đạp vào). Anh
Vĩnh đấy à? Anh vào uống nước. Thằng Mậu lại đi đâu không biết. Còn em Quyên
thì ra Uỷ ban Quận đăng ký.
VĨNH. Đăng ký gì ạ ?
BỐ QUYÊN (cười). Còn
đăng ký gì nữa ? Nó tìm hiểu anh Song này mấy tháng rồi còn gì.
VĨNH. Vậy mà cháu chẳng biết gì hết. Với cháu mà cô ấy cũng
kín như bưng. Thế bao giờ cưới ạ ?
BỐ QUYÊN. Đầu tháng sau thì phải.
VĨNH. Bác mà không biết cụ thể ạ ?
BỐ QUYÊN. Việc của nó, tôi để quyền nó.
VĨNH (lẩm bẩm một mình). Hẳn
nào…
BỐ QUYÊN. Anh bảo gì ?
VĨNH. Không ạ. Xin phép bác, cháu về ạ. Lát nữa cô Quyên về,
bác bảo là có thư của… À, mà thôi, cũng chẳng cần đâu ạ. Cháu xin phép bác ạ. (Ra.)
BỐ QUYÊN. Ừ, anh về.
Vĩnh lại quay vào, vẻ hốt hoảng.
VĨNH. Bác ạ, công an đến khám nhà ông Phất. Họ đi đông lắm,
có cả chó béc-giê.
Tiếng chân chạy bên ngoài. Tiếng gọi nhau í-ới.
BỐ QUYÊN. Thế à ? (Ra cửa ngó.) Mà
đúng thế thật. (Quay sang Vĩnh, lo lắng hỏi.) Anh có
thấy thằng Mậu nhà tôi đâu không ?
VĨNH. Không
ạ. (Sau
một chút.) Không biết
có chuyện gì, bác nhỉ ?
Bố Quyên. Công an có bao giờ lại nhầm. Nhưng
thằng Mậu nhà tôi đi đâu không biết ? Con với cái ! Đến khổ ! (Quay vào nhà.) Cứ bảo lão ta quen công an nhiều.
Quen mấy thì quen, chứ đã dính vào chuyện làm ăn bất chính thì sớm muộn cũng bị
phát giác ra hết.
VĨNH (sau một chút). Nhà ông ấy, công an, cán bộ thuế
qua lại thường xuyên, chơi bời, ăn uống, lại còn nhận họ nhận hàng. Có anh còn
nhận làm con nuôi nữa chứ. Ai cũng tưởng vững như bàn thạch rồi. Phen này mấy
thằng cha ăn tiền rồi bao che cho lão ta sẽ bị kỷ luật hết cho mà xem. Phải thế
thì dân mới còn tin tưởng chứ, bác nhỉ ?
Vĩnh đứng dạy, chạy
ra nhìn rồi lại chạy vào.
Họ bắt, giải đi, bác ạ. Còng tay đưa lên xe. Không biết
buôn bán cái gì ? Thấy mấy anh công an mang những gói gì ra xe ấy, bác ạ.
BỐ QUYÊN. Thằng Mậu nhà tôi đi đâu không biết.
VĨNH (chợt nhớ). Lúc nãy bác bảo cô Quyên lên Uỷ ban
Quận đăng ký ạ ?
BỐ QUYÊN. Anh hỏi thế nghĩa là sao ?
VĨNH. Không ạ. (Bỗng đứng phắt dậy
như vừa quyết định điều gì.) Cháu phải đi đằng này bác ạ. (Ra
nhanh.)
BỐ QUYÊN (nói với theo). Anh thấy thằng Mậu thì bảo nó về
nhà ngay cho tôi.
Tiếng Vĩnh vọng lại
“Vâng ạ”. Bố Quyên mệt mỏi ngồi xuống ghế. Từ từ rót nước uống.
Cảnh
sáu
Biên giới. Điểm tựa.
Gió Đông Bác thổi mạnh. Đại đội trưởng ngồi bên chiếc bàn nhỏ, trên đặt điện
thoại. Tấn đứng trước mặt. Cả hai đều mặc áo bông, đội mũ bông.
ĐẠI ĐỘI TRƯỞNG. Bài báo đâu ?
TẤN. Báo cáo…
ĐẠI ĐỘI TRƯỞNG. Sao cậu không viết ?
TẤN. Báo cáo đại đội trưởng… (Ngừng bặt.)
ĐẠI ĐỘI TRƯỞNG. Người ta gọi điện đến giục tôi đến
lần thứ ba rồi. Mà không phải tôi nhận lời viết. Cậu ! Chính cậu chứ không phải
tôi, cậu đã hứa với ông Chủ nhiệm Tuyên huấn Sư đoàn viết cái bài báo ấy.
TẤN. Báo cáo Đại đội trưởng, đã mấy lần
tôi cầm bút định viết mà không sao viết được.
ĐẠI ĐỘI TRƯỞNG. Người ta không cần cậu viết hay !
Người ta chỉ cần cậu kể lại những việc cậu đã làm. Nếu cho thêm được ý nghĩ của
cậu thì càng tốt. Không cho vào được thì thôi. Cậu nên biết rằng các ông nhà
báo là những đầu bếp rất giỏi. Chỉ cần cậu đem thịt đến, các ông ấy sẽ thêm mắm
muối, hạt tiêu, dấm ớt, giềng tỏi vào nữa, thế là trong nháy mắt, miếng thịt
bạc nhạc của cậu đã thành một đĩa thức ăn tuyệt vời.
TẤN. Báo cáo Đại đội trưởng, tôi không
thể viết được.
ĐẠI ĐỘI TRƯỞNG. Tốt nghiệp cấp Ba mà nói như thế là
không được ! Tôi ra lệnh : trong ngày hôm nay cậu phải đặt cái bài báo ấy lên
chiếc bàn này cho tôi. Không được dài thì ngắn. Hạn cuối cùng là không giờ ngày
18 tháng 1 năm 1983. Khi lên họp trên Sư, tôi sẽ trao tận tay bài báo ấy cho
ông Chủ nhiệm Tuyên huấn Sư đoàn. Rõ chưa ?
TẤN (khẽ). Rõ, thưa Đại đội trưởng. (Cúi đầu, ủ rũ đi ra.)
ĐẠI ĐỘI TRƯỞNG (đột nhiên). Đồng chí Tấn !
Tấn đứng lại.
Cậu làm sao thế ?
Tấn không trả lời.
Ốm à ?
TẤN (đột nhiên ngẩng đầu lên). Báo cáo Đại đội trưởng! Xin được
phép hỏi một câu.
ĐẠI ĐỘI TRƯỞNG (chăm chú nhìn người chiến sĩ). Cậu cứ hỏi.
TẤN. Chúng ta chiến đấu thế này để làm gì
?
ĐẠI ĐỘI TRƯỞNG. Sao lại để làm gì ? Hay cậu định bỏ
ngỏ cái biên giới này cho kẻ nào muốn tràn vào cũng được ? Hay cậu định vứt bỏ
cái nền độc lập mà chúng ta đã phải đổ máu trong suốt nửa thế kỷ mới dành được
?
TẤN. Nhưng đấy là việc chung của tất cả
mọi người dân. Tại sao lại chỉ một dúm chúng ta gánh chịu ?
ĐẠI ĐỘI TRƯỞNG (phá lên cười vui vẻ). Thì ra không phải cậu ốm ! Nhưng
cậu vừa gặp chuyện gì làm trí não của cậu đảo lộn. Chuyện gì đấy ? Thư nhà gửi
lên báo tin gì không vui chăng ? Uỷ ban phường ức hiếp ? Công an hạch xách ?
Hay bị oan ức gì ? Hay thiếu ăn ? Sang năm 84 rồi mà gạo tháng 12 năm 83 vẫn
chưa được một hạt ? Đúng, có chuyện gì ở nhà rồi, phải thế không ? (Không thấy Tấn trả
lời.) Chuyện hậu
phương thì vô vàn điều rối rắm. Cứ nghĩ lo về những chuyện tiêu cực ở hậu
phương thì ta còn gì hào hứng mà công tác nữa.
TẤN. Nhưng không thể ngoài tiền tuyến thì
toàn anh hùng, còn ở hậu phương thì toàn… (Im bặt.)
ĐẠI ĐỘI TRƯỞNG. Cậu bảo toàn gì ? (Lại cười lớn.) Ngay tiền tuyến cũng không phải tất
cả đều là anh hùng !
TẤN. Như tôi chẳng hạn, tôi cố gắng sống
và chiến đấu cho xứng đáng là một người lính. Cũng như trước kia, còn ở nhà,
tôi cố gắng để làm một người thợ tốt.
ĐẠI ĐỘI TRƯỞNG (vui vẻ). Thêm một bằng chứng là ở hậu phương
cũng không phải chỉ toàn kẻ xấu. Nhưng mình thấy cậu đang bị kích động. Chuyện
gì vậy ? Mình đoán nhé ? Vợ cậu ở nhà phản bội, đi với một thằng cha lắm tiền.
Đúng không nào ? Việc quái gì mà tức. Mỗi người đều được quyền quyết định cuộc
đời bản thân người ấy. Duy có điều sớm muộn họ đều phải trả giá.
TẤN. Thưa Đại đội trưởng, liệu họ có phải
trả giá thật không ?
ĐẠI ĐỘI TRƯỞNG. Chắc chắn là có. Chỉ có điều nhìn
bên ngoài nhiều khi ta khó thấy được sự trả giá của họ. (Sau một chút, chuyển
sang giọng trầm ngâm.) Điều đau lòng là hiện nay đất nước
mình đang phải trải qua một thời kỳ lịch sử quá khắc nghiệt. Con người ta nghèo
quá nên đồng tiền trở nên có giá trị vượt quá mức thông thường. Nhiều người
không tin vào bất cứ giá trị tinh thần nào nữa. Họ sẵn sàng ăn cắp, lừa đảo mà
không cảm thấy lương tâm cắn dứt… (Quay sang nhìn Tấn.) Nhưng cậu yên tâm. Tình trạng này
không thể kéo dài được lâu. Vợ cậu cũng bị cuốn vào cái hoàn cảnh ấy. Đừng oán
trách cô ấy, mà cũng đừng buồn bã làm gì.
TẤN. Tôi chưa có vợ.
ĐẠI ĐỘI TRƯỞNG. Thế à ? Mà phải rồi, cậu mới chỉ hai
mốt hai hai là cùng. Đúng không nào ? Chưa có vợ là rất may, rất-rất may đấy.
TẤN. Nghĩa là thủ trưởng bảo lính không
nên lấy vợ?
ĐẠI ĐỘI TRƯỞNG. Ôi thôi, đồng chí Trung sĩ ơi, ta mà
bàn chuyện này thì đến Chủ nhật chưa chắc đã xong.
Tiếng chuông điện
thoại.
(Nhấc ống nghe.) Báo cáo, tôi đây ! Đề nghị nói to. (Gắt.) Không nghe thấy gì cả. Gió Bắc mạnh
quá, hung dữ quá. Không nghe thấy gì hết. Sao ?.. Rõ. Bây giờ thì nghe thấy rồi
! Rõ ! Tổ quan trắc của đại đội chúng tôi cũng báo cáo về đúng như thế. Bên
chúng đang sơ tán nhân dân và kho tàng. Nghĩa là chúng chuẩn bị bắn pháo sang
ta ? Rõ ! Bắn trả ? Rõ ! (Quay sang
Tấn.) Cậu nghe thấy rồi chứ ?
TẤN (mừng rỡ). Hay quá ! Nghĩa là tôi có một việc
còn quan trọng hơn cái bài báo khốn kiếp kia. Xin Đại đội trưởng phân công
ngay.
ĐẠI ĐỘI TRƯỞNG (cười). Không đâu. Cậu vẫn phải hoàn thành cái bài báo ấy.
Chúng chưa bắn ngay đâu. Cậu yên tâm ngồi viết cái thứ cậu gọi là khốn kiếp ấy.
Ngồi tại đây mà ngoáy. Tôi xuống các tiểu đội. (Ra nhanh.)
Tấn gác khẩu A.K. lên
thành hầm, ngồi xuống lấy giấy bút ra viết. Tiếng gió bên ngoài vẫn gào thét
mỗi lúc một dữ dằn hơn.
TIẾNG TẤN. “… Biên giới ngày 5 tháng 1 năm 1984.
Quyên thân mến, Lại một lần nữa tôi nói dối cấp trên vì quá thèm viết thư cho
Quyên. Lần trước, tôi giả vờ say nắng để nghỉ tập. Lần này, thời giờ để viết bài
báo trên giao, về cái trận đánh Quyên đã nghe ấy, tôi lại dùng để viết lá thư
này, và viết thẳng cho Quyên chứ không chéo qua ai khác nữa. Quyên ạ, hôm ở
bệnh viện, sau khi Quyên đi rồi, tôi đau đớn vô cùng. Từ buổi ấy, không đêm nào
tôi ngủ được, cố phân tích tại sao tôi lại nói với Quyên những lời lẽ như thế.
Tự ái với ông phó tiến sĩ ư ? Hay sợ trách nhiệm đối với cuộc đời Quyên ? Do
nhỏ nhen hay do hèn nhát thì chưa rõ, nhưng một điều đã rõ ràng, tôi đã để hạnh
phúc lọt khỏi tay… “
Đèn mờ dần.
Cảnh
bẩy
Vườn hoa nhỏ ở ngã tư
trong phố. Quyên và Song vào.
QUYÊN. Uỷ ban Quận kia rồi. Nghỉ một lát đã.
SONG. Ừ, phải rồi. Anh cũng đang khát nước.
Ta vào cái quán kia đi.
QUYÊN (lạnh lùng). Anh sang thôi. Em đợi ở đây.
SONG. Sao lại thế ?
QUYÊN. Em nói rồi. Đi với em thì anh ăn
uống ở nhà trước. Em không thích ngồi quán.
SONG. Thôi được. Anh không uống nữa.
Song dựng xe máy. Hai
người ngồi xuống chiếc ghế dài bằng xi măng trong vườn hoa.
Quên anh chưa báo em biết. Chị anh đã chuẩn bị cho em một
món quà cưới rất thích hợp. Em biết cái gì không ? Một chiếc Pơ-giô mới cứng.
QUYÊN. Em không nhận đâu.
SONG. Sao lại thế ?
QUYÊN. Mà em nói trước. Em sẽ không nhận
bất cứ của cải gì của gia đình anh đâu. Anh kiếm được bao nhiêu, em kiếm được
bao nhiêu, ta tiêu ngần ấy. Ngay đến đám cưới, hai gia đình cũng tổ chức ăn
riêng.
SONG (rỗi). Em yên tâm. Anh đã chuẩn bị được dăm chỉ rồi. Mẹ cho
thêm một cây. Anh sẽ đưa cả cho bố.
QUYÊN. Không.
SONG. Em lại thế rồi.
QUYÊN. Em cấm anh đưa bố dù một xu. Mà anh
có đưa, em cũng không tin bố đã nhận.
SONG (miễn cưỡng). Thôi, cũng được. Tuỳ em.
Bỗng Vĩnh hớt hải
phóng xe đạp đến.
VĨNH. Xin lỗi. Anh có phải anh Song không
ạ?
QUYÊN. Ơ kìa, anh Vĩnh. Em tưởng anh biết
anh Song rồi. (Quay
sang Song.) Đây là
anh Vĩnh, hàng xóm của em. (Với Vĩnh.)
Có chuyện gì đấy ạ ?
VĨNH. Tôi sang chơi bên nhà, thấy người
của nhà máy anh Song đến tìm anh ấy. Bảo ông Giám đốc nhà máy yêu cầu tìm anh
Song, về gặp ông ấy có việc gì hết sức cần kíp. Bác nhà bảo anh Song đi với cô
Quyên đến Uỷ ban Quận. Bác nhờ tôi đi tìm anh Song để báo tin kia cho anh biết.
SONG (lẩm bẩm). Quái lạ. Việc gì mà cần kíp đến thế
được nhỉ ? (Với
Vĩnh.) Người ta không
nói việc gì ạ ?
VĨNH. Không. Chỉ nói ông Giám đốc cần gặp
anh Song gấp, có việc tối quan trọng.
SONG. Phiền quá nhỉ ! Tôi lại đang…
QUYÊN. Việc chúng mình chậm vài ngày cũng
không sao, anh ạ.
SONG. Chà, rắc rối quá nhỉ !
QUYÊN. Anh cứ đến nhà máy xem có chuyện gì
đã.
VĨNH. À, suýt quên. Ông Giám đốc dặn là ông
ấy chờ anh ở phòng làm việc của ông ấy.
SONG. Quyên thông cảm vậy nhé.
QUYÊN. Anh yên tâm. Chậm vài ngày có sao
đâu.
SONG. Chọn mãi mới được hôm nay rảnh rỗi,
lại vào đúng ngày chẵn.
QUYÊN (cười). Ngày chẵn thì thiếu gì. Ngày kia lại chẵn rồi.
SONG (đau khổ). Quyên thông cảm nhé. Chào anh… À,
anh tên gì tôi quên bẵng mất, anh tha lỗi.
VĨNH (cười). Tôi có nói ra anh cũng lại quên ngay ấy mà. Không sao
đâu. Anh cứ đến nhà máy đi kẻo ông Giám đốc chờ.
SONG. Thế thì xin lỗi anh vậy. Chào anh.
Thế còn Quyên…
QUYÊN. Anh Vĩnh sẽ đèo em về. Anh cứ đi
đi.
SONG. À, phải rồi, anh Vĩnh. Chào anh Vĩnh nhé. (Lên xe máy phóng đi.)
Tiếng xe nổ xa dần.
VĨNH (cười phá lên). Đúng
là ông phó tiến sĩ !
QUYÊN (khó chịu). Anh
làm như thế để làm gì ?
VĨNH. Cô tiếc à ? Nếu vậy tôi sẽ đuổi theo, gọi cậu ấy quay
lại đây với cô. Thế nào ? Có gọi cậu ấy không ?
QUYÊN (rất mỏi mệt). Không
cần.
VĨNH. Với lại có chậm hai ngày cô cũng không lo cậu ta thay
đổi ý định đâu. Cô yên tâm. Tôi làm cách này chỉ cốt để cô suy nghĩ thêm cho
thật chín đã. Lấy chồng là chuyện cả đời, không thể hấp tấp được.
QUYÊN. Em suy nghĩ kỹ lắm rồi.
VĨNH. Thật à ? Nếu vậy tôi xin lỗi. Để tôi phóng đến nhà máy
gặp anh ấy nói rõ…
QUYÊN. Anh định nói thế nào với anh ấy ?
VĨNH. Tôi nhận là tôi chỉ đùa.
QUYÊN. Đùa !
VĨNH. Chứ còn gì nữa ? Anh ta giết tôi à ? Hay kiện tôi ra
toà ?
QUYÊN (không nhịn được cười). Chịu
anh thật !
VĨNH. Cô Quyên ạ, nghe tôi nói đã. Tôi nghiệm thấy những cặp
vợ chồng hợp nhau trông hình thức bên ngoài cứ hao hao giống nhau, tựa như anh
chị em ruột ấy. Đằng này, tôi thấy cô với cái anh phó tiến sĩ kia chẳng có nét
nào giống nhau cả. Không hiểu hợp nhau điểm nào ?
QUYÊN. Đấy không phải việc của anh !
VĨNH. Đã đành việc của cô. À, cô Quyên ạ…Thằng Tấn ấy mà…
QUYÊN. Không. Em không muốn nghe anh nói gì nữa đâu. Em về
đây.
VĨNH. Để tôi đèo cô.
QUYÊN. Không cần. Chẳng biết ở nhà có chuyện gì không mà em
thấy ruột gan bồn chồn thế nào ấy. Thôi được, anh đèo em về nhé.
Hai người ra.
Cảnh tám
Trở lại nhà Quyên. Bố Quyên vẫn đang ngồi ở bàn nước dáng tư lự. Mậu chạy
về.
MẬU. Ông Phất bị bắt rồi, bố ạ. Cả anh con lớn nữa.
BỐ QUYÊN. Lão ấy phạm tội gì ?
MẬU. Buôn bán thuốc phiện, bố ạ.
BỐ QUYÊN (sửng sốt). Sao
mày biết ?
Mậu im lặng. Cậu ân hận đã chót nói ra.
Hay mày có dính
vào vụ ấy ?
MẬU (hốt hoảng). Không
ạ. Con nghe người ta sầm sì.
BỐ QUYÊN (dịu giọng). Con
phải nói thật bố còn liệu. Bố tham gia công tác ở phường, bên công an người ta
cũng nể. Nhưng con phải nói hết thì bố mới biết đường mà xin với các anh ấy. (Lại xẵng.) Với lại mày không nói thì lão ấy cũng khai ra, để nhẹ
bớt tội mà.
MẬU (đột nhiên ôm mặt khóc
nức nở). Lão khốn nạn !
BỐ QUYÊN. Thôi, đúng rồi. Lão ấy thuê mày làm gì ? Hẳn nào tao
thấy mày có lắm tiền.
Mậu không trả lời, vẫn khóc nức nở.
(Vớ con dao.) Nói không ?
QUYÊN (đã về từ lúc nào, đứng lắng nghe). Bố
! Để con bảo em cho. (Với
Mậu.) Ông Phất bảo em
làm gì ?
MẬU (nức nở). Đem thuốc phiện cho một người trên
hàng Buồm.
BỐ QUYÊN (lại không ghìm được, quát). Sao mày dám liều lĩnh thế, hả ? Tao
phải giết mày. Tao không có thứ con như mày ! (Giơ dao.)
Quyên giữ chặt tay
bác, giằng lấy con dao.
QUYÊN. Bố bình tĩnh đã. (Quay sang Mậu.) Em chuyển cho ông ấy mấy lần ?
MẬU (vẫn mếu máo). Hai ạ.
BỐ QUYÊN (lại quát). Hai thế nào ? Cái nghề này đã dính
vào là không sao dừng lại được !
MẬU (vẫn thút thít). Đúng có hai lần thôi ạ.
BỐ QUYÊN. Mày nói dối !
QUYÊN. Bố từ từ đã. Bố đừng làm em con sợ.
Em nói đi, sao chỉ có hai lần ?
MẬU. Vì lão lừa em, đồ khốn nạn ! Ngay
lần đầu, khi em đưa hàng, người nhận bảo cân thiếu, trừ gần hết tiền công, em
ức quá nên bảo với lão thôi không làm nữa. Nhưng hôm vừa rồi, thấy có tấm gỗ
lát đẹp quá mà giá lại rẻ, em muốn đóng tặng chị cái giường coi như quà cưới,
nên định nhận làm thêm một lần thứ hai nữa rồi thôi. Lần này em giao hẹn, nếu
cân thiếu em không chịu trách nhiệm. Lão đồng ý, nhưng vẫn lừa em. Lẽ ra năm
ngàn mốt, nhưng lão trừ đi chỉ còn hai ngàn tám. Tấm gỗ lát ba ngàn, em phải
vay anh Vĩnh hai trăm nữa mới đủ mua. Từ hôm ấy, em cạch không làm cho lão nữa.
Chị tính, việc nguy hiểm chết người mà tiền lão trả quá bèo bọt.
BỐ QUYÊN. Sao mày không nói với bố ?
MẬU. Lão bảo nếu con lộ ra với bất cứ ai,
kể cả người trong gia đình, lão cũng thuê côn đồ giết con cho phi tang.
BỐ QUYÊN. Vậy là mày cũng có tội. Mày phải ra
thú với công an đi.
MẬU. Con sợ lắm. Với lại lão cũng bị bắt
rồi.
BỐ QUYÊN. Nhưng có tội thì phải thú. Cả cái
đứa trên hàng Buồm cũng phải bị xử trí. Mày có biết thuốc phiện là thứ làm bao
nhiêu người thân tàn ma dại không?
Mậu im lặng.
(Quát.)
Mậu ! Mày có chịu ra thú tội với công an không ? Mày không ra thì tao ra.
MẬU. Con lạy bố.
QUYÊN. Bố để con khuyên giải em sau.
BỐ QUYÊN (đau đớn). Tao biết ăn nói ra sao với xí
nghiệp, với xóm giềng đây. Con với cái ! Mày giết bố mày không bằng !
QUYÊN. Em vào rửa mặt đi đã.
MẬU (đột nhiên). Em đi thú tội với công an đây.
QUYÊN. Gượm đã ! (Quay vào nhà rồi ra
ngay, tay cầm một bọc nhỏ.) Tiền của em cho để chị may áo và mua sắm, chị vẫn giữ
cho em đấy. Em nộp luôn cho các anh ấy. Xem còn thiếu bao nhiêu, chị sang vay
chị Ngọc rồi chị sẽ làm thêm giờ để lấy tiền trả chị ấy. (Đưa em gói tiền.)
Mậu
ngập ngừng rồi cầm gói tiền chạy đi. Bố Quyên ngồi phịch xuống ghế, ôm đầu.
Bố đi nghỉ đi ạ.
BỐ QUYÊN (ngẩng đầu nhìn con). Xong việc rồi chứ?
QUYÊN (sau một chút). Chưa, bố ạ.
BỐ QUYÊN (sửng sốt). Uỷ ban không làm
việc à ? Hay tại sao ?
QUYÊN (rất khẽ). Con
hoãn việc đăng ký lại, bố ạ.
BỐ QUYÊN. Con nghe ai nói gì về anh Song à?
QUYÊN. Không ạ. Nhưng càng ngày con càng thấy tính nết con và
anh ấy sao mà khác nhau đến thế.
BỐ QUYÊN (trầm ngâm). Người
học thức cao thường sống khác những người bình thường như nhà mình. Vậy bây giờ
con định thế nào ?
QUYÊN (rất khẽ). Bố ạ …
BỐ QUYÊN. Gì, con ?
QUYÊN. Con xin phép bố cho con từ chối anh ấy.
BỐ QUYÊN (choáng váng). Con suy
nghĩ kỹ chưa ? (Sau một chút.) Mà thế
cũng được.
QUYÊN. Hay thôi. Con nhận lời lấy anh ấy để bố được vui lòng…
BỐ QUYÊN. Là bố nghĩ cho con thôi. Bố muốn các cháu ngoại của bố
sau này được sung sướng. Chứ riêng bố thì, con lấy đám nào hoàn cảnh giống như
nhà mình, bố sướng hơn. (Mỉm cười.) Con có lấy anh Song, vợ chồng mời bố đến ở cùng, bố cũng
không đến đâu. Nếu cần trát lại cái tường, dọi lại hòn ngói thì bố đến làm giúp
vài buổi thôi. Bố không biết cách nói chuyện với người học cao. (Sau một chút.) Bố nói thật, có đêm bố nằm nghĩ, thấy gả con cho anh
Song cũng gần như bán con đi ấy.
QUYÊN. Bố ơi, con sẽ không lấy chồng.
BỐ QUYÊN (giọng buồn). Không
lấy thế nào được ?
QUYÊN. Con sẽ ở với bố mãi mãi.
BỐ QUYÊN (cười). Nhưng
bố có sống được mãi đâu ?
QUYÊN. Con ở với thằng Mậu, trông con cho nó.
BỐ QUYÊN (đột nhiên). Sao mãi chưa thấy thằng Mậu về ?
Không biết có chuyện gì ? Bố chạy sang bên Công an xem thử. À, có thư của anh
Tấn gửi cho con đấy. (Ra.)
Quyên cầm lá thư, bóc ra, đọc.
TIẾNG TẤN. “…Nếu như được trả lời câu Quyên hỏi hôm trước ấy thì
chắc chắn bây giờ tôi sẽ trả lời : “Hãy lấy tôi đi. Tôi hứa sẽ yêu Quyên trọn
đời. Tôi sẽ không bao giờ làm Quyên phải đau khổ, phải tủi phận…Tôi biết có
nhiều cậu tài giỏi hơn tôi, đẹp trai hơn tôi, thành đạt hơn tôi, nhưng tôi cam
đoan, không cậu nào hợp với Quyên hơn tôi, yêu Quyên hơn tôi, quan tâm đến hạnh
phúc của Quyên và có trách nhiệm đối với cuộc đời Quyên hơn tôi… Quyên hãy tin
là như thế…”
Quyên mỉm cười sung sướng. Sau đấy, đặt thư xuống, suy nghĩ. Rồi lấy giấy
bút ra viết.
TIẾNG QUYÊN. “… Quyên tin chứ. Vì thế Quyên đã từ chối với ông phó
tiến sĩ, con trai thứ trưởng kia ! Vì vậy anh Tấn yên tâm công tác. Quyên sẽ
chờ anh. Bất cứ hoàn cảnh nào em cũng chờ anh…”
Cô đứng lên, mở toang cánh cửa sổ. ánh nắng bên ngoài ùa vào, soi rõ khuôn
mặt cô rạng rỡ.
HẾT
1984
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét