Bao giờ anh đi ?
Kịch hai phần
NHÂN VẬT
VŨ - nam sinh viên Y năm cuối cùng, 25 tuổi
HẢI - nữ sinh viên Sư phạm, 20 tuổi
HƯNG - bố
Hải, bác sĩ chủ nhiệm Khoa Nội
DUYỆT- bố Vũ, bác sĩ chủ nhiệm Khoa
Tâm thần
LIÊN - mẹ Hải
PHƯỢNG - mẹ Vũ
VIỆN TRƯỞNG
BÍCH VÂN - nữ ca sĩ
Một
số y bác sĩ, bệnh nhân và bạn bè Hải trong
ngày sinh nhật
Câu chuyện xảy ra thời nay, tại Hà Nội
P H Ầ N T H
Ứ N H Ấ T
Cảnh Một
Nhà riêng bác sĩ
Hưng. Sáng Chủ nhật, ông đang ngồi làm việc. Tiếng chuông ngoài
cổng. Liên, vợ ông, từ trong nhà đi nhanh qua sân khấu ra ngoài. Lát sau bà vào
cùng với Viện trưởng.
LIÊN. Mời anh ngồi chơi ạ. (Với chồng). Anh có khách.
HƯNG (không ngẩng đầu). Xin lỗi, đợi cho
một phút.
VIỆN TRƯỞNG. Chủ nhật mà anh
cũng chịu khó ngồi cặm cụi thế này à ?
HƯNG (đứng dạy, niềm nở). Anh đến chơi. (Cài tờ bìa vào trang sách đang đọc, gấp sách lại). Tổng kết
xong rồi ạ ?
VIỆN
TRƯỞNG. Xong rồi. Khoa tâm thần hồi này làm ăn khá thật. Tổng kết
sáu tháng mà anh Duyệt tổ chức vui như ngày hội. Kéo được cả khách trên Bộ,
khách của nhiều cơ quan đoàn thể trong thành phố đến.
LIÊN (bưng khay nước trà vào). Anh có thấy con cháu Hải nhà em trong ấy không ạ ?
VIỆN
TRƯỞNG. Có. Chắc cháu ở lại xem phần văn nghệ. Chà, lâu tôi
không gặp, hôm nay thấy cháu lớn bồng lên, thành thiếu nữ thực sự rồi. Xinh đẹp
nữa chứ. Cháu Hải rực rỡ nhất hội trường sáng nay đấy.
LIÊN. Mời anh
sơi nước đi ạ. (Ra.)
VIỆN
TRƯỞNG. Các chủ nhiệm khoa đều có mặt, vắng mỗi mình anh.
HƯNG. Tôi ngại chỗ đông
người lắm.
VIỆN TRƯỞNG. Anh tưởng tôi không ngại ?
HƯNG (cười). Nhưng anh là Viện
trưởng, anh phải đến.
VIỆN
TRƯỞNG. Anh cũng cần phải đến không kém gì tôi. Tôi chỉ là cán bộ
quản lý, anh mới thật sự đại diện cho chuyên môn. Anh là bác sĩ có uy tín
chuyên môn cao nhất. Anh không đến, chắc anh Duyệt giận lắm đấy.
HƯNG. Đành để anh ấy giận chứ biết làm sao ?
VIỆN
TRƯỞNG. Anh nên dễ tính một chút. Phương pháp điều trị mới của
anh Duyệt đạt nhiều kết quả lớn đấy chứ. Tất nhiên anh ấy có phóng đại lên đôi
chút, nhưng cũng chẳng hại gì. Ta đừng nên khắt khe quá.
HƯNG. Anh nói đúng. Sáng mai tôi ghé qua bên Tâm thần xin lỗi
anh ấy vậy.
VIỆN
TRƯỞNG. Anh nên đến nhà riêng anh ấy thì hơn, mà tốt nhất là ngay
chiều nay.
HƯNG. Tôi lại đang vội đọc cho xong cuốn sách mượn của giáo sư
Chung. Nhưng thôi, cũng được.
VIỆN
TRƯỞNG. Cùng là bác sĩ trong một viện, chẳng nên gây chuyện hiểu
lầm làm gì. Anh với anh Duyệt lại quen biết
nhau đã lâu. Rồi cũng giữ quan hệ thế nào để các cháu còn chơi bời với nhau nữa
chứ. Lúc nãy tôi thấy cháu Hải nhà anh đi với thằng cháu Vũ con anh Duyệt,
trông đẹp đôi quá. (Đứng dậy.) Anh nhớ
chiều nay đến gặp anh ấy nhé.
hưng (cười). Anh yên tâm.
VIỆN
TRƯỞNG (nhìn ra ngoài). Vừa nhắc
đến thì hai cháu đã về rồi kìa.
Hải và Vũ dắt tay nhau cười vang chạy vào.
HẢI. Cháu chào bác ạ.
VŨ. Cháu chào hai bác
ạ.
VIỆN
TRƯỞNG. Chào hai cháu. Thế nào, phần văn nghệ khá chứ?
HẢI. Thưa bác, cực kỳ
ạ
VIỆN TRƯỞNG (cười, nháy Hưng). Anh
thấy chưa?
LIÊN (trong nhà ra). Cháu Vũ đấy à ?
VŨ. Cháu chào bác ạ.
HẢI Ba với mẹ hôm nay
không đến xem, thật là thiệt. (Với Viện trưởng.) Cả bác
nữa, sao bác không ở lại xem ạ ? Bác Duyệt mời một lúc được những năm ca sĩ,
toàn loại trứ danh. (Quay sang Vũ.) Anh công
nhận không ? (Với mẹ.) Mẹ ạ, chắc hôm
dự giải ở Hung-ga-ri, chị Bích Vân hát cũng chỉ như hôm nay thôi.
VIỆN
TRƯỞNG (vui vẻ). Tôi về
nhé, anh Hưng. Chào chị, chào hai cháu.
Liên và Hưng đi theo tiễn. Liên đứng lại ở ngưỡng cửa, để chồng cùng khách
ra ngoài.
HẢI. Mẹ chưa nghe chị
Bích Vân hát lần nào nhỉ ?
LIÊN (trìu mến nhìn con). Mẹ nghe
rồi, cả trên đài, cả trong Ti-Vi.
HẢI (với Vũ). Hôm nào chị
Bích Vân biểu diễn ở Nhà hát Lớn, anh xin chị ấy giấy mời. Em phải lôi mẹ em đi
cho bằng được mới nghe.
VŨ (nhìn thấy chiếc dương
cầm ở góc phòng). Hai bác mới mua đàn đấy ạ ? Hay quá.
LIÊN. Đàn nhà vẫn có
đấy, cháu ạ.
VŨ (ngạc nhiên). Sao hôm
nay cháu mới thấy ạ?
HẢI. Mẹ em cho thuê,
mới lấy về hôm qua.
VŨ (càng ngạc nhiên hơn). Bác cho thuê đàn ạ?
LIÊN (cười). Cái đàn ngày trước vẫn kê trong buồng, chẳng ngó ngàng gì
đến. Bỗng cách đây hai năm, Cục chuyên gia hỏi thuê cho một bà giáo viên sang
công tác ở trường Đại học Ngoại ngữ. Chẳng biết ai mách mà họ biết bác có đàn
bỏ không.
HẢI (cười vui vẻ). Hôm qua họ trả, đâm thành đàn tốt ! Ngày trước mốc meo,
dây sai, đánh lên nghe đến buồn cười, bây giờ được họ sửa sang, lên dây lại
chính xác nhé. (Ngồi
vào đàn, nhấn vài phím.) Tiếc quá, sao mẹ không cho con học
đàn ? Bây giờ thì muộn quá rồi.
LIÊN (mỉm cười, hơi thoáng chút buồn). Mình nhà làm ăn, thời giờ đâu mà đàn với địch ? Trừ phi định
thành nhạc sĩ chuyên nghiệp không kể. Hay con gái mẹ thích làm nhạc sĩ ?
HẢI. Không
đời nào ! Nhưng nhà có đàn mà bỏ không, phí quá. Nếu không ai thuê thì lại đến
mốc meo mất thôi.
VŨ. Ngày
xưa chắc bác có chơi đàn ạ?
LIÊN. Có, nhưng rồi (mỉm cười) bận đánh nồi đánh xoong, quên cả đánh đàn.
HƯNG (bước vào, vui vẻ). Vũ có mang tập hồ sơ bệnh án đến không đấy ?
VŨ (vội vã). Thưa bác, có đây ạ. (Mở cặp, lấy tập hồ sơ ra đưa Hưng.)
LIÊN. Con
vào nhà rửa mặt mũi chân tay cho mát mẻ. Mẹ đi chợ. Cháu Vũ ngồi làm việc với
bác trai nhé. (Xách
làn ra.)
VŨ. Thưa bác, vâng ạ.
Hải chạy vào nhà.
Hưng ngồi vào bàn đọc tài liệu.
HƯNg. Cháu ngồi xuống đây. (Xem.) Tốt
lắm. Rất tốt ấy chứ. (Đặt
tài liệu xuống.) Thấy cháu học hành tấn tới, bác rất
mừng. Tâm lý những ai yêu nghề đều muốn có học trò để truyền lại những kinh
nghiệm, suy nghĩ. Bác tiếc không có con trai. Mà sinh viên bây giờ lười biếng
quá. Họ chỉ cần đủ điểm để lên lớp rồi thôi. Cháu không giống họ. Đúng. Phải
trở thành một thầy thuốc giỏi. Trước đây thì bác không dám quả quyết như vậy,
nhưng bây giờ thời thế đã khác.
VŨ. Thưa
bác, đã khác thật chưa ạ ?
HƯNG (cười). Vũ ạ, chỉ cần không có chiến tranh thì rồi mọi sự sẽ
đâu vào đấy. Cho nên cái buổi trưa hôm 30 tháng Tư năm 75, khi nghe trên đài
báo tin quân ta đã cắm lá cờ giải phóng lên nóc Dinh Độc lập, bác mừng vô cùng
tận. Bác nhìn thấy rằng nước ta bắt đầu bước sang một giai đoạn phát triển mới,
lại cần đến các nhà chuyên môn giỏi, các cán bộ khoa học có tài. Mà đúng thế,
mấy năm nay bác đã bắt đầu được tạo điều kiện để làm việc, tuy chưa đủ đâu,
nhưng cũng đã hơn hẳn ngày trước, hồi còn đang chiến tranh. Ngay bố cháu, thành
tích vừa rồi ở khoa tâm thần tuy chưa có giá trị gì mấy về khoa học, nhưng cũng
đã được trân trọng.
Tiếng
chuông điện thoại.
(Nhấc ống nghe.)
Tôi nghe đây. Vâng,
bác sĩ Hưng đây. Vâng. (Đặt máy xuống, đứng dạy.) Có ca cấp cứu, bác phải đi. (Khoác áo.) Họ mắc
điện thoại cho mình để khi cần thì gọi cho nhanh chứ có phải tại yêu mình đâu,
nhưng cuối cùng mình lại có máy dùng !
Tiếng
phanh xe, tiếng còi ô-tô.
(Xách va li dụng cụ ra.) Cháu cứ ngồi chơi. Bác đi chắc không lâu đâu. (Ra nhanh.)
Tiếng ô-tô chạy xa dần. Hải trong nhà ra, đã thay quần áo trong nhà.
HẢI. Ba em đi rồi ạ ?
VŨ. Ba em đúng là một ông thầy tuyệt vời.
HẢI (mỉm cười). Thì ra anh hay đến đây vì mê ba em.
VŨ. Mê em chứ ! Nhưng anh may mắn là người mình yêu lại có
một ông bố tuyệt vời. Ba em nói rất đúng. Học cho giỏi một nghề chuyên môn thì
mới có thể sống tự lập, không cần dựa dẫm vào ai, mới chủ động trong cuộc đời
được.
HẢI. Hẳn nào sáng nay, trong lúc nghe ca nhạc, anh vẫn cắm cúi
vào cuốn “Giải phẫu bệnh”. Em bảo cất đi không chịu nghe.
VŨ. Từ lúc em nhắc, anh có
đọc nữa đâu ?
HẢI. Đừng có gì qua
mắt được em. Em biết hết. Mắt anh nhìn lên sân khấu, nhưng tai có nghe gì đâu.
Bụng vẫn còn nhẩm bài. Thỉnh thoảng chắc quên, lại giở sách ra liếc trộm một
cái. Từ nay thì đừng hòng rủ em đi xem cái gì nữa.
VŨ (cười). Anh xin
lỗi. Lần sau anh không dám làm như thế
nữa. (Kéo Hải lại gần định hôn.)
HẢI. Đừng, anh ! Để
lúc khác ! Lúc này em đang muốn hỏi anh một câu. Hôm nay đi dự tổng kết ở Khoa
tâm thần về, anh có suy nghĩ gì không ?
VŨ. Anh chưa biết Hải định hỏi suy nghĩ về cái gì? Về mấy bài
hát của Bích Vân ấy à ?
HẢI. Không ! Về phương
pháp chữa bệnh của bố anh ấy. (Sau một chút.) Em nhớ,
hồi còn nhỏ, ba em đưa em vào viện chơi. Hôm ấy, lần đầu tiên em được nhìn thấy
những người điên. Đêm về, em không ngủ được. Đến lúc chợp được mắt, em mơ thấy
bị đưa vào nhà thương điên. Người ta trói em lại, khiêng em đi. Em cố giãy giụa
nhưng không được. Em sợ quá hét lên và choàng tỉnh dậy. Mẹ em hốt hoảng ôm lấy
em hỏi có chuyện gì. Từ đấy, mỗi khi có việc phải vào Viện, lúc đi ngang bên
ngoài khu tâm thần, em không dám nhìn vào, nhưng vẫn nghe thấy tiếng gào thét,
tiếng cười điên dại, cả tiếng khóc nức nở nữa. Có đêm ở bệnh viện về, em sực
nghĩ, mình sẽ không lấy chồng, sợ không may lỡ đẻ ra một đứa con mắc cái bệnh
khủng khiếp ấy. Nhưng hôm nay, vào đến nơi, em kinh ngạc vô cùng. Sao nơi đây
lại có thể thay đổi đến thế. Thay vào hàng rào, chấn song là những toà nhà quét
vôi màu xanh nhạt, sạch sẽ đến tinh khiết. Lúc bác Duyệt chỉ cho em những bệnh
nhân điên, người nào cũng quần áo chỉnh tề, tóc tai gọn ghẽ, em bỗng nghĩ, nếu
bây giờ mình mắc bệnh này thì cũng không đáng sợ nữa. Và sau này, nếu lỡ không
may có đứa con mắc bệnh ấy, cũng đã sẵn có cách chữa rồi.
VŨ (cười). Phương
pháp này không chữa khỏi được đâu, chỉ làm nhẹ đi cuộc sống của họ trong thời
gian bị cách ly mà thôi.
HẢI. Nhẹ đi được bao nhiêu ấy chứ. Bố anh phải là người giàu
lòng yêu thương lắm mới làm được như vậy, chứ như ba em, chỉ cắm cúi vào chuyên
môn, chẳng nhìn thấy ai khác. Ba em không quan tâm đến ai, không yêu ai.
VŨ (cười rộ lên đắc thắng). Câu này
thì em sai đứt đuôi. Anh biết chắc, ít nhất thầy Hưng cũng yêu hai người.
HẢI. Anh bảo yêu em và
yêu mẹ em chứ gì ? Em thì không biết, chứ mẹ em thì rõ ràng ba em không yêu.
VŨ. Chà, tranh luận chuyện này khó đấy. Vậy em cho thế nào
gọi là yêu ?
HẢI. Thế theo anh thì thế nào ?
VŨ (cười). Về chuyện
này thì em khoan cho một tuần để anh vào
Thư viện quốc gia giở sách ra nghiên cứu đã.
HẢI (sôi nổi). Yêu
nghĩa là thấy người ta khổ mình khổ hơn, thấy người ta đau mình đau hơn, thấy
người ta vui mình vui hơn.
VŨ. Trừu tượng quá. Mà còn sai nữa chứ. Thấy người ta khổ
mình lại khổ hơn thì không được. Phải
nghĩ cách làm người ta đỡ khổ chứ. (Cười.) Thấy
người ta ốm mình lại ốm hơn thì không được. Phải có cách chữa cho người ta khỏi
ốm. Muốn thế, phải học cho thật giỏi.
HẢI. Hệt
giọng ba em !
VŨ. Quan niệm của ba em mới chính xác.
Nhưng sao chúng mình lại cãi nhau thế này nhỉ ? Cuộc đời đẹp thế kia cơ mà. (Trỏ ra ngoài hiên.) Nắng tuyệt chưa kìa ! ôi, em làm sao thế ?
HẢI (vẫn trong dòng suy nghĩ). Trước kia chưa bao giờ em so sánh bác Duyệt với ba em.
Nhưng hôm nay ở chỗ bác về, em bỗng thấy mọi thứ ở đây sao tủn mủn thế. Sao ba
em lạnh lùng, khô khan thế. Anh biết không, cụ rất ghét có khách. Anh nhìn mấy
cái ghế này, chỉ toàn ghế đẩu. Cụ sợ ghế có tựa, khách sẽ ngồi lâu.
VŨ. Thù
tạc là thứ mất thời giờ và vô ích nhất. Anh cũng rất sợ. Nhiều ông bạn quá rỗi
rãi, chẳng có chuyện gì cũng làm mình mất không mấy tiếng đồng hồ, có khi cả
một buổi ấy chứ.
HẢI. Nhưng nếu sống mà chỉ biết có công
việc thôi thì cuộc sống còn có nghĩa gì nữa ? ôi, nghe anh nói em bắt đầu thấy
lo. Anh mà giống như ba em thì cuộc đời em không còn ra cái gì.
VŨ. Lo thì đừng yêu anh nữa.
HẢI. Anh nói thế à ? Nếu vậy thì... (trỏ ra cửa.) Xin mời !
VŨ (vội vã). Hải ! Anh mới nói đùa một câu mà em đã tự ái thế à ?
HẢI. Anh
có thể là nói đùa, nhưng em thì nói thật.
Giữa lúc đó có tiếng
phanh xe ô-tô bên ngoài. Hưng đi nhanh vào.
HƯNG (cởi áo ngoài, khoác lên mắc, vui vẻ). Các vị đến buồn cười. Có thế mà cũng bắt bác đến. Một cái
“sốc” rất bình thường. (Ngồi xuống.)
Vũ, cháu ngồi xuống
đây. Ta tiếp tục câu chuyện bỏ dở lúc nãy. Bác đã gặp bố cháu rồi. Buổi tổng
kết sáng nay thành công lắm. Bây giờ thầy trò mình thử phân tích cái bệnh án
này xem nào. (Xoa
tay vui vẻ.)
HẢI. Thưa
ba, anh Vũ có việc bận phải về ạ.
HƯNG (nhìn Vũ). Cháu bận à ?
VŨ (miễn cưỡng). Thưa bác, vâng. Cháu xin phép bác ạ. (Từ từ đi ra.)
HƯNG (ngơ ngác nhìn cả hai người). Có chuyện gì phải không ?
HẢI. Thưa ba, không ạ. (Định đi vào nhà
trong.)
HƯNG. Đúng là trẻ con ! Hải, đứng lại ba nói chuyện này.
Hải đứng lại.
Con gái ba có
thích thứ gì ở Liên Xô không ?
HẢI. Ba sắp đi công
tác ạ ?
HƯNG. Nhưng con đừng nói với ai vội. Một cuộc họp về y tế các
nước xã hội chủ nghĩa. Con thích ba mua cho thứ gì nào ?
HẢI (lạnh lùng). Con
không thích thứ gì cả.
HƯNG (chăm chú nhìn con gái). ô hay, con giận thằng Vũ sao lại giận lây sang ba ? Có
chuyện gì giữa hai đứa đấy ?
HẢI. Không ạ. (Bỗng đến thấy ân hận, chạy ôm chầm lấy ba.) Ba ơi, ba nói thật đi, ba có yêu con
không ?
HƯNG. Sao
bỗng nhiên con hỏi câu lạ thế ?
HẢI. Thế còn mẹ, ba có yêu mẹ không ?
HƯNG. Yêu chứ. Nhưng sao hôm nay tự nhiên
con hỏi toàn những câu dớ dẩn thế ?
HẢI. Không, ba không yêu mẹ. Ba hãy nói
thật đi.
HƯNG (sau một chút). Ba mẹ sống với
nhau lâu quá rồi, nhiều lúc chính ba cũng không hiểu, giữa ba mẹ bây giờ là thứ
gì. Nghĩa vụ chăng, hay cũng kèm theo cả một chút tình yêu.
HẢI. Nếu vậy thì... (ôm mặt.) Khủng khiếp quá !
HƯNG. Không, ba nói đùa đấy. Ba yêu mẹ chứ.
(Hốt hoảng.) Con tôi làm sao thế này ? (Ôm chặt con vào lòng, lo
lắng.)
Hải như vẫn đang thổn
thức trong vòng tay của cha.
Cảnh Hai
Vườn hoa trước mặt
Khoa tâm thần. Nữ y sĩ đang ngồi ở bàn làm việc kê ngoài hiên. Duyệt đứng xem
biểu đồ treo trên tường.
DUYỆT. Chiếu tháng này dệt tăng 387 phần
trăm. Tốt quá ! Gần gấp bốn lần tháng trước.
NỮ Y
SĨ. Chủ nhiệm khoa đưa bác bệnh nhân ở Thái Bình lên là rất chính xác. Dân
chuyên dệt chiếu mà lại. Nhưng thưa chủ nhiệm khoa, bác ấy đang đòi về đấy
ạ.
DUYỆT.
Cô cố giữ bác ta ở lại cho đến khi ta tìm được người thay thế. Chiếu là thứ sản
phẩm nhiều sức thuyết phục lắm đấy.
NỮ Y
SĨ. Em nói mấy lần, nhưng bác ta chưa chịu.
DUYỆT.
Sao cô không viện cớ bệnh chưa ổn định ?
NỮ Y
SĨ. Có chứ ạ. Nhưng bác ta không tin. Bác ta bảo, Viện không cho về bác ta
cũng cứ về.
DUYỆT.
Thôi được, tôi sẽ có cách. (Nhìn ra.)
Thằng con tôi đến có
việc gì không biết. Nó đèo ai thế kia ?
Tiếng
xe máy đỗ. Vũ và Bích Vân vào.
(Chạy ra đón, niềm nở.) Chào
nghệ sĩ ! Trước tiên phải chúc mừng chị vừa được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.
BÍCH
VÂN. Cảm ơn bác. (Quay sang Nữ y sĩ.) Chào chị. (Quay sang Duyệt.) Thưa bác, cháu mới đi phục vụ trên biên giới về, nhớ Khoa
ta quá, tranh thủ đến nhà, nhờ anh Vũ đèo xe máy đến đây. Bác vẫn khoẻ chứ ạ ?
DUYỆT
(cười). Cảm ơn nghệ sĩ, tôi vẫn làng nhàng, gầy nhưng không ốm
đau gì. Nghệ sĩ có thời gian không?
BÍCH
VÂN.
Không có nhiều, nhưng
cháu cũng muốn được phục vụ bệnh nhân của bác một vài bài hát.
DUYỆT.
Tốt quá. (Với
Nữ y sĩ.) Cô vào gọi loa mời bệnh nhân tập trung
ở hội trường, nhanh lên.
BÍCH
VÂN.
Thưa bác, cháu nghĩ
vào hội trường làm gì ạ ? Mời bệnh nhân ra đây, được không ạ ? Mới hai tuần cháu không đến mà quang cảnh
ở đây đã thay đổi quá. Vườn hoa đẹp tuyệt vời, bác ạ.
DUYỆT.
ý kiến nghệ sĩ rất hay. (Với Nữ y sĩ.) Vậy ta
làm ở đây.
Nữ y sĩ chạy ra ngoài và liền sau đấy tiếng loa vang lên: “Mời toàn thể bệnh nhân ra vườn hoa nghe nữ ca sĩ Bích Vân hát!”
Mời nghệ sĩ ngồi xuống
đây. Cả con nữa. Báo cáo với nghệ sĩ, Khoa chúng tôi mới tổ chức thêm được một
tổ làm búp bê. Các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Trung ương rất nhiệt tình, đã đến
dạy cho sáu buổi, lại còn ủng hộ một số vật liệu nữa chứ. Bệnh nhân nhiều người
rất khéo tay. Lát nữa xin tặng nghệ sĩ một con làm kỷ niệm.
BÍCH VÂN. Cháu cảm ơn bác. Thế là đáng mừng. Việc làm của bác nhân
đạo quá, ai mà chẳng muốn đóng góp công sức vào.
Bệnh nhân lục tục kéo vào. Họ mặc quần áo sạch sẽ, chải đầu gọn gàng, giống
như những cô cậu học sinh ngoan ngoãn. Tuy vậy vẫn còn lộ ra một chút “tâm thần” trong họ. Người hơi bốc, kẻ hơi lì xì.. .Nói chung họ chậm chạp, rất chậm chạp...
BỆNH NHÂN
1 (nữ, trạc 24 tuổi. cười nói hồ hởi, nhưng giọng liến thoắng, gợi người ta liên tưởng đến những cái máy được lên dây cót). Chào chị Bích Vân. Chị chép cho em một bài hát nào mới
nhé.
BÍCH VÂN. Chị thích
bài gì ?
BỆNH NHÂN
1. Bài gì cũng được. Hay chị cứ chép luôn cái bài chị hát hôm tổng kết ấy. (Hát luôn.) “Không có bao giờ đẹp như hôm nay...” Rồi thế nào ấy, chị
nhỉ ?
DUYỆT. Cô Oanh
là cán bộ trung cấp chăn nuôi ở Quảng Yên. Danh ca của Khoa chúng tôi đấy.
BỆNH
NHÂN 1 (cười tự hào). Bác cứ nói thế.
DUYỆT. Thế nào,
hết buồn rồi chứ ?
BỆNH NHÂN
1 (vui vẻ). Hết rồi, bác ạ.
Vui lắm rồi.
BỆNH NHÂN
2 (bước đến, đấy là một thanh niên rất trẻ, chỉ khoảng 18-19 tuổi). Chị là văn nghệ
sĩ ạ? May quá, em đang cần gặp một nhà văn. Chị viết báo phải không ạ ? Em sẽ
kể chị nghe tất cả tội của bọn chúng nó ở Liên hiệp Xí nghiệp chỗ em. Em nắm
được đầy đủ số liệu, chúng nó ăn cắp bao nhiêu, rồi chúng nó trù giập những
người nào.
DUYỆT. Chị Bích Vân là nghệ
sĩ, không phải nhà báo.
BỆNH NHÂN 2. Tiếc quá nhỉ. Em đang mong gặp một nhà báo. Phải đưa
tội của chúng nó lên báo mới được.
DUYỆT
(vỗ vai bệnh nhân 2,
thân mật). Cậu hãy lo chuyện chữa bệnh thôi. Bực
tức là có hại cho sức khoẻ lắm đấy. (Nhìn thấy một bệnh nhân đã ngoài ba
mươi, đang đi đến.) Nhà giáo mấy hôm nay ngủ tốt chứ ?
BỆNH
NHÂN 3. Tôi ngủ được. Hôm qua chỉ phải uống có một viên thôi.
DUYỆT (thân mật vỗ vai bệnh
nhân 3). Nhưng sao nhà giáo quan tâm đến nhiều
vấn đề quốc gia đại sự thế? (Với Bích Vân.) Dám mò từ Hà Tĩnh ra Hà Nội, tìm cách chui rào, lọt vào
Hội trường Ba Đình giữa lúc Quốc Hội đang họp. May mà bảo vệ người ta không bắn
cho đấy, mà chỉ giữ lại rồi đưa vào viện chúng tôi.
BỆNH
NHÂN 3. Tôi nghĩ mình là người dân,
khi có ý kiến thì cứ trình bầy lên để Quốc Hội tham khảo.
DUYỆT.
Nhưng lần sau thì vào cổng chính đàng hoàng nhé. Với lại cũng đừng chủ quan,
đánh giá mình cao quá. Tốt nhất là trách nhiệm mình đến đâu ta làm đến đấy và
làm cho tốt. Nghĩ những chuyện lớn quá làm gì. (Lại quay sang Bích Vân.) Nhà giáo đây định phát biểu về toàn những vấn đề đại sự
cả: văn hoá, giáo dục, quân sự, kinh tế, chính trị, cả ngoại giao nữa kia đấy.
(Cười
vui vẻ.)
Bệnh
nhân 3 cũng cười, vẻ nhịn nhục.
(Thấy bệnh nhân đã ra đủ, bước lên nói.) Xin giới thiệu nữ Nghệ sĩ Ưu tú Bích Vân, mà nhiều bạn đã
được thưởng thức tài nghệ của chị trong dịp tổng kết công tác Khoa ta tháng
trước. Nghệ sĩ vừa đi phục vụ chiến sĩ và đồng bào trên biên giới phía Bắc về,
đã nhiệt tình đến thăm chúng ta và tự nguyện biểu diễn vài tiết mục giúp vào
việc điều trị của các bạn. (Quay sang Bích Vân.) Thay
mặt các bệnh nhân, tôi xin tỏ lòng biết ơn nghệ sĩ.
BÍCH
VÂN.
Thưa bác, có gì đâu
ạ. (Với
tất cả.) Việc giúp
các bác, các anh các chị chóng khỏi bệnh, sớm trở về với gia đình, với công tác
là nghĩa vụ của tất cả mọi người. Tôi chẳng có gì, chỉ xin đem tiếng hát đóng
góp. Xin bắt đầu bằng “Bài ca Xây dựng”. (Bắt đầu hát.)
Tiếng hát lôi cuốn.
Mọi người xúc động chăm chú lắng nghe.
Bỗng nhiên Nữ y sì từ
bên ngoài chạy vào, hớt hải kéo Duyệt ra một góc thì thầm. Mọi người thấy vậy
xôn xao. Bích Vân cũng ngừng hát. Duyệt vội gạt Nữ y sĩ ra, trấn tĩnh mọi
người.
DUYỆT. Có chuyện gì đâu ? Mời nghệ sĩ tiếp
tục.
Bích Vân hiểu ý, tiếp
tục hát. Mọi người đang xôn xao dần dần
trở lại bình thường, tiếp tục nghe hát. Tiếng hát dứt. Tiếng vỗ tay lẹt đẹt.
Ta dừng lại ở đây. Cũng phải giữ gìn sức khoẻ cho nghệ sĩ
chứ, phải không các bạn ? Hôm nay chị Bích Vân hát với tất cả trái tim nên tốn
sức rất nhiều, có vẻ đã mệt. Ta không nên để chị hát thêm nữa. (Với Bích Vân.) Xin cảm ơn nghệ sĩ và rất mong còn nhiều dịp được đón
tiếp nghệ sĩ. (Với
bệnh nhân.) Còn các bạn, đề nghị ai về chỗ nấy, ta
tiếp tục lịch điều trị. Các tổ sản xuất lại hoạt động bình thường.
Các
bệnh nhân ra.
(Đợi bệnh nhân ra hết, quay sang Nữ y
sĩ.) Cô nhớ rút kinh nghiệm. Dù việc nguy
cấp đến đâu, cũng không được lộ thái độ mất bình tĩnh trước mặt bệnh nhân. Phải
nhớ rằng bệnh nhân tâm thần rất dễ bị kích động. Nào, bây giờ thì nói đi. Có
chuyện gì vậy?
BÍCH
VÂN. Thưa bác, chúng cháu có cần đi nơi khác không ạ ?
DUYỆT.
Không. Trái lại, chúng tôi còn muốn chị có mặt đây ấy chứ. Chúng tôi muốn các
nhà văn, các nghệ sĩ biết rõ mọi công việc của chúng tôi để thông cảm với chúng
tôi hơn nữa. (Với
Nữ y sĩ.) Thế nào, cô nói đi. Người nhà cả, cô
không ngại gì hết.
NỮ Y
SĨ. Em vừa lên văn phòng, thấy đề trên bảng, nhắc sáng mai 8 giờ, các khoa
cử người lao động xã hội chủ nghĩa đến chỗ vườn ươm táo của khoa tâm thần lấy
năm mét khối đất đổ vào chỗ sẽ xây hội trường của Viện. Em lạ quá, bèn chạy vào
phòng hành chính thì người ta đưa cho em
cái công văn này. (Đưa
tờ giấy.)
DUYỆT (đọc chăm chú). Họ muốn cản trở chúng mình đây. (Với Bích Vân.) Chẳng là chúng tôi đang trồng một vườn táo vừa làm nơi
bệnh nhân lao động điều trị, vừa thu hoạch cải thiện đời sống cho anh em.
BÍCH
VÂN (ngạc
nhiên). Đấy là việc làm đáng khuyến khích, tại sao lại có người muốn cản ạ ?
NỮ Y SĨ. Người ta
tị ! Gần đây Khoa chúng tôi nổi quá. Nào trồng vườn hoa, nào tổ chức văn nghệ,
chiếu phim, may quần áo trẻ con, dệt chiếu, làm búp bê, bây giờ lại trồng thêm
một vườn táo nữa ! Thói đời là thế. Đơn vị nào, cá nhân nào nhoi lên là xung
quanh tìm mọi cách níu xuống.
BÍCH VÂN. Chị nói đúng. Trong nghệ thuật chúng em cũng thế.
Nhiều khi chị em bảo nhau: “Đừng có làm hay, tụi làm dở chúng nó xúm vào đánh
cho thì chết” .
DUYỆT.
Tại các nghệ sĩ chưa có kinh nghiệm đấy thôi. Bản chất con người là không ưa
thấy ai tài giỏi hơn mình, tôi cũng vậy mà chị cũng vậy, chỉ có khác là chị và
tôi không vì thế mà cản chân người khác. Cho nên ta có tài đến mấy đi nữa cũng
cứ nhún mình, để xung quanh không cảm thấy mình hơn họ. Gặp ai cũng tâng bốc họ
lên là họ sẽ yêu chị ngay ấy mà.
BÍCH
VÂN. Bác
nói đúng quá, cháu cũng phải rút kinh nghiệm mới được.
DUYỆT (với Nữ y sĩ). Tôi đã dặn cô rồi, chưa làm đã oang oang lên là nguy hiểm
lắm.
VŨ. Nghĩa là bố chịu để họ phá vườn táo ạ ?
DUYỆT. Đời nào ! Có điều ta
phải nghĩ cách, chứ không được nóng vội.
VŨ. Bố định dùng cách nào ạ ?
DUYỆT (không trả lời, nhấc ống điện thoại). A-lô. cho
tôi gặp đồng chí Thư ký Công đoàn Viện. Đồng chí Nhâm đấy ạ ? Tôi là Duyệt đây.
Tôi vừa nhận được thông báo của anh về việc sáng mai các khoa cử người đến lấy
đất. Nhưng sao các anh cho biết muộn thế ?.. Vô lý ! Đến tối hậu thư cũng còn
phải báo trước hai mươi tư tiếng đồng hồ nữa là, đây các anh cho có mười tám
tiếng. Hơn nữa tối hậu thư là giữa kẻ thù, còn đây là giữa đồng chí. (Nghe.) Đề nghị các anh hoãn lại cho. Không được ạ? Nếu vậy tôi
sẽ kháng cáo lên cấp trên. Tối nay tôi sẽ đến nhà riêng đồng chí Giám đốc Sở Y
tế... Sao ? Để các đồng chí trao đổi lại ạ ? Vâng, thế thì tốt. Nếu chỉ cần năm
mét khối đất thì riêng khoa tôi làm cũng đủ, không việc gì phải huy động các
khoa khác. Vâng, cảm ơn anh. Vâng. (Cười.) Như thế hay quá rồi còn gì ! (Lại cười.) Vâng. (Đặt máy xuống.)
BÍCH VÂN (thán phục). Bác giỏi quá !
DUYỆT (cười vui vẻ). Một anh bạn tôi bảo: “Với cấp trên phải doạ, hiền chỉ có
bị bắt nạt”. Anh ta nói rất đúng. Nịnh và doạ là hai cách đối xử với cấp trên
có hiệu quả nhất.
BÍCH VÂN. Cháu thì lại
không nỡ doạ ai bao giờ.
DUYỆT. Nghệ sĩ phải tập thôi,
nếu muốn công việc đạt kết quả. Mỗi người đều có chỗ yếu riêng, ta phải đánh
vào đúng chỗ yếu ấy. (Cười.) Nghệ sĩ biết không, tất cả những gì nghệ sĩ
thấy ở đây là do chúng tôi bỏ công sức đến các nơi vận động đấy chứ. Nếu chỉ
trông trên Viện rót xuống thì chẳng có được cái gì. Viện chúng tôi nghèo rớt
mồng tơi ấy mà. (Với con trai.) Phải
trải qua bao nhiêu thất bại, bố mới rút ra được vài kinh nghiệm đấy, con ạ.
VŨ. Nếu làm việc gì cũng phải
nghĩ mưu kế như vậy thì con thấy mệt quá, còn thời giờ đâu mà đọc sách, nghiên
cứu này nọ ạ ?
DUYỆT. ở ta lúc này chưa cần
đến trình độ chuyên môn cao lắm đâu. Con phải thực tế mới được. Cuộc sống vô cùng phức tạp. (Với Nữ y sĩ.) Còn gì nữa không ?
NỮ Y SĨ. Thưa Chủ nhiệm khoa,
còn một thông báo nữa ghi trên bảng.
DUYỆT. Thông báo gì ?
NỮ Y SĨ. Sáng mai bác sĩ Hưng
đi họp ở Liên Xô ạ.
DUYỆT. Thế à ? Con thấy chưa
? Họ cũng khôn lắm đấy chứ ! Giữ kín cho đến phút cuối cùng. Nhưng thôi, chuyện
ấy chẳng có gì là lạ.
NỮ Y SĨ. Em thấy rất vô lý.
Bác sĩ Hưng mới đi năm ngoái, năm nay lại đi.
DUYỆT (cười). ông ấy là chuyên gia “cỡ lớn” mà. Kể ra lần này cử người
khác đi thì phải, để tạo điều kiện cho anh em khác cũng được tiếp xúc, học hỏi
thêm.
VŨ. Con tưởng cử đi dự những hội nghị quốc
tế, cần chọn người có trình độ chuyên môn cao thì mới có tác dụng tốt chứ ạ ?
DUYỆT. Nói thế cũng đúng,
nhưng bố đi rồi bố biết. Những loại xê-mi-na như thế này, các nước họ cũng chỉ cử bác sĩ cỡ trung bình. Nhưng
thôi, chuyện này quan trọng gì đâu ? Ai đi mà chẳng được.
Nữ y sĩ. Em thấy Ban lãnh đạo Viện ưu đãi bác Hưng quá đáng.
Phong giáo sư cũng bác sĩ Hưng, đi nước ngoài cũng bác sĩ Hưng.
DUYỆT. Đấy là từ khi ông Viện
trưởng này về, chứ ngày trước thì không như thế này đâu.
NỮ Y SĨ. Còn ông Viện trưởng
cũ thì bác sĩ Hưng lao đao ấy chứ. Nghe bảo hội nghị cơ quan, hội nghị công
đoàn nào, ông Hưng cũng bị đưa ra phê phán khủng khiếp. (Cười.) Nghe nói trong một hội nghị công nhân viên chức, một y
tá phát biểu, bác sĩ chủ nhiệm khoa coi chúng tôi như đồ vật chứ không phải con
người. Ông ấy coi chúng tôi không hơn gì cái panh-xơ, dùng xong là thôi, ốm đau
cũng không được một lời thăm hỏi.
VŨ . Phê bình thế không đúng.
Cái chính là công việc. Tình cảm là phụ. Có được thì tốt, không có cũng không
sao. Với lại bác Hưng rất bận.
NỮ Y SĨ. Bận đến
mấy mà anh em trong khoa ốm, không hỏi thăm lấy một câu được hay sao?
BÍCH VÂN. Đúng thế. Có khi
một câu nói ân cần còn giá trị hơn là cho người ta tiền nghìn bạc vạn.
VŨ . Đấy là Bích Vân làm nghệ thuật. Nghệ thuật là tình cảm.
Còn ở đây là khoa học.
DUYỆT (bỗng khó chịu). Nhà khoa học cũng vẫn là con người, vẫn phải có sự quan
tâm lẫn nhau. Nhưng cái chính không phải ở chỗ ấy, mà bác sĩ Hưng tự cho là ông
ta giỏi hơn người khác và có quyền coi thường mọi người xung quanh. Cái gì thì
người ta còn chịu được chứ kiêu căng, khinh người thì không ai tha thứ nổi.
VŨ. Con tưởng bác Hưng có
kiêu căng gì đâu ạ ? Nói chuyện với ai, bác ấy cũng niềm nở, tận tình. Con chưa
thấy bác Hưng cắt ngang lời ai bao giờ.
NỮ Y SĨ. Đấy là với các anh,
còn với nhân viên thì ông ấy không thèm chào. Ai hỏi câu nào, trả lời đúng câu
ấy, vậy thôi. Dùng chữ “kiêu” chưa đủ. Phải gọi là “khinh người” là “hợm hĩnh” !
VŨ. Tính bác Hưng như thế thôi. Bác ấy vụng
về chứ không phải kiêu căng. Ai cần thì hỏi, bác ấy sẽ trả lời tận tình, thậm
chí khám cho ngay.
DUYỆT (không ghìm được). Thôi, không bàn chuyện ấy nữa. Mà cũng muộn rồi. Con đưa
chị Bích Vân về giúp bố đi. (Với Bích Vân.) Xin lỗi đã để nghệ sĩ nghe chuyện không vui. (Cười.) Nhưng như tôi đã nói với nghệ sĩ rồi đấy, tôi không muốn
giấu giếm gì hết. Càng thêm một dịp để các văn nghệ sĩ hiểu thêm nội tình của
chúng tôi. Hôm nào rảnh, lại xin mời nghệ sĩ ghé vào Khoa với anh em bệnh nhân.
Bất cứ lúc nào nghệ sĩ đến cũng là niềm vui cho chúng tôi.
BÍCH VÂN. Cháu muốn đến đây luôn ấy chứ. Mỗi lần gặp bác, cháu học
thêm được bao nhiêu điều. Xin phép bác ạ. Chào chị.
DUYỆT (chìa tay thân tình). Cảm ơn nghệ sĩ. Một lần nữa chúc mừng chị được phong
tặng danh hiệu cao quý.
Bích Vân nhận cái bắt tay của Duyệt rồi ra nhanh cùng Vũ.
(Quay sang Nữ y sĩ.) Có thằng Vũ ở đây, cô nên ăn nói cẩn thận. Nó tính khí
sốc nổi lắm, tranh luận với nó làm gì ? Tôi về nhé. Có tin gì, chịu khó đến nhà
cho tôi biết. à, lấy thuốc ho cho cháu chưa ? Lấy thêm sinh tố B1, C cho cháu
uống để tăng sức đề kháng.
NỮ Y SĨ. Em lấy rồi ạ.
Duyệt ra khuất.
(Nhìn theo,) Giá ai cũng thông cảm như chủ nhiệm khoa của mình nhỉ !
Cảnh Ba
Nhà bác sĩ Hưng. Kỷ niệm sinh nhật Hải. Buổi tối đầu mùa hè. Cuộc vui được
tổ chức ngoài vườn, ngay trước hiên nhà. Một cây trắc bách diệp được chăng dây
ngũ sắc, cành lá đỡ 18 ngọn nến đang cháy.
Bạn bè Hải đang từng đôi trong một điệu nhảy nhẹ nhàng duyên dáng.
Hải trong bộ quần áo lộng lẫy đang bầy bánh kẹo lên mấy chiếc bàn nhỏ đặt
rải rác trong vườn.
Liên cũng đang bầy bánh kẹo giúp con.
LIÊN. Con mời các bạn uống nước, ăn bánh đi.
HẢI (rất khẽ). Anh Vũ vẫn chưa đến, mẹ ạ.
LIÊN. Hay nó vẫn còn giận về
chuyện hôm trước ?
HẢI. Chúng con đã thông cảm với nhau ngay hôm sau. Từ đấy, hai
đứa gặp nhau mấy lần rồi. (Sau một chút.) Con có
cảm giác hôm nay anh ấy sẽ không đến.
LIÊN. Tại sao ?
HẢI. Con không biết. Nhưng nếu đến thì anh ấy đã đến rồi.
LIÊN. Biết đâu nó vướng chuyện gì đột xuất. Con mời các bạn vào
đi kẻo muộn.
HẢI (dang rộng hai tay, nói to vui vẻ). Xin mời tất cả !
Tiếng nhạc ngừng. Các
đôi rời tay nhau, chạy ùa vào xung quanh những chiếc bàn.
Họ bưng những đĩa
bánh kẹo ra mời nhau.
NAM 1 (hét to). Người bạn thân nhất của khổ chủ phải phát biểu lời đầu
tiên! Vũ đâu ? Vũ ơi, Vũ !
NỮ 1
(nhìn quanh). Anh Vũ chưa đến.
HẢI.
Lúc này Hải chưa có ai là bạn thân nhất ! Hay nói cho đúng hơn thì tất cả các
bạn ở đây đều là bạn thân nhất của Hải.
NAM
2. Có nghĩa tôi cũng là bạn thân nhất của khổ chủ ? Vậy tôi xin phát biểu
lời chúc mừng đầu tiên.
NỮ 2.
Không được ! Đợi anh Vũ !
NAM
2. Vũ không phải là người không thể thay thế được. Và nói chung trên cõi
đời này, không ai là người không thể thay thế. Anh-xtanh chết đi, nền vật lý
vẫn không ngừng phát triển. Tại sao cứ nhất thiết phải là Vũ ?
TẤT
CẢ. Chính xác ! Rất đúng ! Vậy bạn Tuấn phát biểu đi.
NAM 2
(đứng
lên một chỗ cao, giơ tay trịnh trọng). Hôm nay,
người bạn gái xinh đẹp tuyệt vời của chúng ta tròn mười tám tuổi !
TẤT
CẢ. (reo
hò). Hoan hô ! Hoan hô !
NAM 2. Từ ngày hôm nay, bạn Thanh Hải được xã hội coi là người
lớn, được quyền bầu cử đại biểu vào các cơ quan cao nhất của nhà nước.
TẤT Cả. Được đấy ! Nói nữa di ! Khá lắm !
NAM 2 (xua tay cho mọi người
yên lặng). Nghe đã ! Bạn Thanh Hải cũng được
quyền đàng hoàng bước vào Uy ban Nhân dân đăng ký kết hôn với bất cứ chàng trai
tài ba nào có diễm phúc được bạn Thanh Hải lựa chọn.
TẤT CẢ. Vũ đâu ? Bạn nào đi tìm Vũ đi !
nam 2 (xua tay). Im ! Có cho mình nói nốt không nào ?
TẤT CẢ. Thôi đi ! Nhạt lắm ! Nhạt thếch ! Oi
lắm rồi ! Xuống đi !
NAM 2
(cười). Biết rút lui đúng lúc chính là người khôn ngoan. (Ngửa cổ nốc cạn cốc
rượu, giơ tay chào rồi nhẩy vào đám đông.)
NAM 3 (nhảy lên một vị trí
cao khác, hét to).
Lời chúc mừng thứ hai
! (Đợi
mọi người quay lại.) Xin các bạn nâng cốc !
TẤT
CẢ. Chúc mừng cái gì ? Im, để cậu ta nói !
NAM 3. Lần này thì xin cả bạn
Thanh Hải cũng nâng cốc !
HẢI (vui vẻ). Sẵn sàng
! (Nâng cao cốc.)
TẤT CẢ. Trò gì mới thế ?
Có vẻ thú vị đấy ! Để yên xem !
NAM 3. Đề nghị tất cả chúng
ta , cả chủ lẫn khách cạn cốc chúc mừng ...
TẤT CẢ. Chúc mừng cái gì ? Ơ
kìa, sao đang nói lại ngừng thế ? Không ngại gì hết, cứ nói đi !
NAM 3. Chúc mừng “Không khí
Mới”.
TẤT CẢ. Nghĩa là cái gì ? Nói
cụ thể hơn ! Không khí Mới là cái gì ? Im, để cậu ta nói !
NAM 3. Vâng, tôi xin nói rõ.
Mấy năm nay không khí mới đã xuất hiện và bắt đầu phát triển. Vị trí độc tôn
của một loạt khuôn mẫu đã bị nghiêng ngả.
TẤT CẢ. Vẫn chưa rõ ! Cụ thể
hơn ! Lấy thí dụ đi, khuôn mẫu nào chẳng hạn ?
NAM 3. Thí dụ ư ? Trong việc
chọn cách ăn mặc chẳng hạn. Trước đây áo dài là độc tôn ...
NỮ 3. Không phải, áo dài vẫn
đẹp nhất.
NAM 3. Xin hỏi, vậy tại sao
bạn không mặc áo dài ?
NỮ 3 (cười) Tại sao à ? Mặc áo dài,
người phải thon thả. Tôi mà mặc có ma nào tiêu nổi ?
Tất cả cười ồ.
NAM 3. ấy đấy ! Giá ngày
xưa thì những cuộc vui quan trọng như thế này, bạn bắt buộc phải mặc áo dài.
Nhưng ngày nay, do “không khí mới”, áo dài mất địa vị độc tôn, địa vị “bắt ức
ai cũng phải mặc” , bạn đã mặc bộ kia. Và xin nói, bộ bạn hiện đang mặc ... (mỉm cười) rất thích hợp với dáng người của bạn khiến bạn trở nên,
không phải chỉ “coi được” mà còn rất đẹp nữa kia.
TẤT CẢ. Yêu cầu người đẹp
đứng lên cho bạn bè thấy mặt nào !
NAM 4 (giơ cao tay, hét). Tôi xin có ý kiến !
TẤT
CẢ. Yêu cầu một nữ đi ! Sao mới chỉ thấy toàn nam thế ? Đúng rồi, một nữ !
Hồng Nga ! ánh Tuyết, Thái Phượng !.. Và các bạn nữ khác nữa, đâu hết cả rồi ?
NỮ 3
(bước
lên). Tôi xin lộ một bí mật ...
TIẾNG REO HÒ.
- Ly kỳ đấy ! Hay lắm !
- Bí mật Ngôi đền cổ ? Hay bí mật con số 8 ? Nói mau lên!
- Im, để nghe !
NỮ 3.
Bác Liên, mẹ Thanh Hải, xưa đã từng là nghệ sĩ dương cầm tài ba. Đã lâu bác
không đàn ...
HẢI (ngạc nhiên nhìn mẹ). Thật thế không, mẹ ? Sao con không biết gì cả ?
Liên chỉ mỉm cười
nhìn con, không trả lời.
NỮ 3. Tôi đề nghị chúng ta đồng thanh xin
bác cho nghe một bản nào đấy.
TIẾNG
REO HÒ. Đúng đấy ! ý kiến rất hay ! Đề nghị bác ! Con trai vào nhà đẩy đàn
ra hiên đi ! Mau lên, các bạn !
Tất cả chạy vào nhà,
họ đẩy chiếc đàn piano ra hiên.
LIÊN (ngồi vào đàn). Các cháu yêu cầu thì bác phải chấp hành. Các cháu
là tuổi trẻ. Bác nghĩ, tuổi trẻ đã yêu cầu thì không ai có quyền từ chối. Nhưng
trước khi đàn, bác chỉ xin nói rằng, đã mười bốn năm nay bác không đàn, cho nên
các ngón tay đã cứng lại. Hơn nữa, bác không biết những bản mới, chỉ xin đàn
một bản đã xưa.
Tiếng xì xào.
NAM 4 (khẽ). Suỵt, im để nghe !
Liên bắt đầu đàn. Có thể là một dạ khúc của Chopin. Lúc đầu rõ ràng bà lúng
túng. Những âm thanh rời rạc. Nhưng rồi tiếng nhạc lưu loát và dần dần điêu
luyện. Bà đàn với tất cả tấm lòng tha thiết. Tiếng đàn dứt, mọi người lặng lẽ
chìm vào thế giới của những thanh âm như còn vang lại. Họ quên cả vỗ tay.
Nam 4 (thốt lên). Hay quá !
Bỗng đột nhiên, có lẽ vì quá xúc động, Liên gục đầu xuống đàn, khóc nức nở.
Mọi người hoảng hốt vội chạy cả lên
hiên, vây quanh bà.
NỮ 2 (lo lắng). Thưa, bác làm sao thế ạ ?
LIÊN (ngẩng đầu lên, khẽ lau
nước mắt, mỉm cười trìu mến nhìn đám trẻ). Các cháu tha lỗi. Bản nhạc gợi lại cho bác những kỷ niệm
cũ, những kỷ niệm có thể nói là tuyệt đẹp của tuổi thanh xuân, tuổi của các
cháu bây giờ. (Sau một chút.) Bác cảm
ơn các cháu đã có những lời chúc mừng quý báu với em Hải. Các cháu còn trẻ...
Tuổi trẻ là thứ quý giá nhất trên đời. Không tiền bạc nào, không danh vọng nào
có thể so sánh được với tuổi của các cháu.
Giọng bà đột nhiên trở nên đặc biệt chân thành, tha thiết.Tất cả như nín
thở lắng nghe.
Các cháu hãy sử
dụng tuổi trẻ của các cháu cách nào đẹp nhất. Bác hơi mệt, xin phép vào nghỉ. (Mệt mỏi cố đứng lên.)
Hải và Nữ 3 vôii chạy lại dìu bà vào nhà.
NAM 3. Mẹ Hải cần được
yên tĩnh. Mà cũng muộn rồi. Ta về thôi.
TẤT CẢ (thì thầm). Phải đấy ! Ta về thôi !
Hải ra, dáng đăm chiêu.
Bọn mình
về, Hải nhé !
HẢI (rất khẽ). Cảm
ơn các bạn ...
Mọi người lặng lẽ đi ra. Hải tiễn
họ, hôn từng bạn gái, bắt tay từng bạn trai. Khi tất cả đã ra khuất, cô đứng
lại, đăm chiêu bên cây trắc bách diệp, thổi tắt từng ngọn nến. Sau đấy, ngồi
xuống một chiếc ghế, ôm mặt buồn bã.
Liên trong nhà ra, thấy thế, nhẹ bước đến gần con.
LIÊN (trìu mến). Con làm
sao thế, con gái yêu của mẹ ?
HẢI (bỗng ôm chầm lấy mẹ). Thế là anh Vũ không đến.
LIÊN. Chắc nó bận gì đấy
thôi. (Sau một chút, lo lắng.) Sao đến giờ này vẫn chưa thấy ba về nhỉ ? Máy bay đến lâu
rồi chứ ! Hay xe cộ làm sao ?
HẢI. Sao mẹ không đi
đón ba ?
LIÊN (mỉm cười, hơi buồn). Bác Viện trưởng đi là đủ rồi.
Vừa lúc ấy có tiếng còi ô-tô ngoài cổng. ánh đèn pha chiếu vào trong vườn,
tạo thành một vệt sáng. Liên và Hải cùng chạy ra đón. Hưng xách va li và Viện
trưởng ôm một hộp các tông bước vào. Theo sau là Liên và Hải xách những túi,
bọc.
Liên đặt tạm mọi thứ lên hiên, rồi ra đỡ cho Viện trưởng.
LIÊN. Mời anh ngồi tạm.
VIỆN TRƯỞNG (nhìn quanh). Có gì mà vui thế này?
LIÊN. Thưa anh, hôm nay
sinh nhật cháu Hải ạ.
VIỆN TRƯỞNG. Bác không biết nên không chuẩn bị quà, đành chúc mừng suông thế này
vậy. (Chìa tay.) Tròn mười mấy ?
HẢI. Cháu cảm ơn bác. Thưa bác, mười tám ạ !
VIỆN TRƯỞNG. Tuổi đẹp nhất đấy !
HƯNG (lấy trong hộp giấy ra con búp bê rất to, đưa con gái). Đáng lẽ
ba về kịp, nếu không có mấy ông mang
hàng trái quy định, khiến thời gian làm thủ tục hải quan bị kéo dài quá đáng. Con
vào nói với mẹ cho ba xin một ấm trà.
HẢI. Vâng ạ. (Vào nhà.)
HƯNG (với Viện trưởng). Các vị
buôn bán khiếp quá, đâm việc đi công tác nước ngoài mất cả ý nghĩa. Anh ngồi
xuống đã.
VIỆN TRƯỞNG. Anh mới đi về, cần nghỉ ngơi, và cũng phải hàn huyên với
chị và cháu nữa. Nhưng có một việc này, tôi phải nói với anh ngay.
LIÊN (bưng khay trà ra). Mời anh sơi nước ạ. (Rót trà ra tách xong, quay
vào trong nhà.)
HƯNG Việc
gì thế ạ ?
VIỆN TRƯỞNG. Tối mai có cuộc họp, anh cần có
mặt.
HƯNG. Tôi vừa đi về, anh cho nghỉ một ngày
chứ ? Vả lại theo tôi thì các hội nghị không
bao giờ giải quyết được vấn đề gì về khoa học hết. Mà tôi thì anh biết
đấy, chỉ quan tâm đến những vấn đề chuyên môn.
VIỆN
TRƯỞNG Nhưng
cuộc họp này liên quan đến anh.
HƯNG Sao
lại thế được ?
VIỆN TRƯỞNG Bộ
yêu cầu triệu tập cuộc họp Hội đồng Khoa học Viện và họ cử người xuống dự, để
nghe anh Duyệt báo cáo kết quả của việc áp dụng phương pháp mới trong điều trị
bệnh tâm thần.
HƯNG (cười). Thế thì tôi lại càng
không nên đến. Tôi không muốn đụng với anh ấy.
VIỆN
TRƯỞNG.
Anh vẫn chưa thấy
cuộc họp này có quan hệ đến anh sao ?
HƯNG. Tôi chưa hiểu anh định nói gì.
VIỆN
TRƯỞNG Cuộc
họp này sẽ quyết định có đưa anh Duyệt vào danh sách những người được xét phong
danh hiệu giáo sư hay không .
HƯNG (sửng sốt). Phong anh Duyệt giáo sư ? (Sau một chút, mỉm
cười mỉa mai.) Mà cũng mừng cho anh ấy thôi.
VIỆN
TRƯỞNG Nếu
anh Duyệt vào thì anh sẽ phải bật ra.
HƯNG (cau mặt). Tại sao ?
VIỆN TRƯỞNG. Vì đợt này, Bộ cho tiêu chuẩn Viện ta
chỉ được một người.
HƯNG. Phong danh hiệu cán bộ khoa học mà
cũng quy định chỉ tiêu à ?
VIỆN
TRƯỞNG
. Về chuyện này thì
một phần cũng tại tôi. Hôm trước tôi chót đề nghị với Bộ xin một người. Gần
đây, tôi có đề nghị hai suất, nhưng không biết có được không , bởi các vị tổ
chức ngại thay đổi lắm.
HƯNG. Chà...rắc
rối nhỉ ! Kìa, mời anh sơi nước đi. (Im lặng.)
Anh Duyệt có nhiều thanh tích với Viện ta thật. Nếu đề bạt anh ấy làm Viện phó,
phụ trách tổ chức thì được, còn phong giáo sư...Tôi e không lợi. Mọi người
trong viện thừa biết trình độ chuyên môn của anh ấy đến đâu.
VIỆN
TRƯỞNG.
Anh bảo mọi người là
những ai ? Hầu hết chỉ thấy thành tích của anh ấy vĩ đại quá: Đời thuở nào đã
thấy người điên không đập phá nữa, lại còn dệt được chiếu, làm được búp bê bán
ở cửa hàng lưu niệm, may được quần áo... Họ đâu biết anh ấy tiêm thuốc an thần
liều cao cho bệnh nhân. Họ đâu biết trên thế giới người ta đã áp dụng âm nhạc vào chữa bệnh từ
hàng trăm năm nay rồi và đang áp dụng những phương pháp hữu hiệu hơn rất nhiều,
bằng cách đi vào hướng sinh hoá, hướng tác động vào mật mã di truyền ? Trong
khi ấy, những công trình về tim của anh chỉ giới chuyên môn mới hiểu và đánh
giá cao, chứ dư luận rộng rãi đâu có biết đến? Anh lại chỉ cặm cụi làm,
không biết khuếch trương.
HƯNG. Chà...Thôi,
cũng được. Tôi biết có nơi người ta còn đề nghị phong giáo sư cả người chuyên môn không bằng anh Duyệt nữa
kia. à, suýt quên. (Giở
cặp lấy cuốn sách.) Biếu anh cuốn sách, tôi tình cờ thấy được ở quầy sách của
Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô tại Maxcơva.
VIỆN
TRƯỞNG (đỡ cuốn sách, xem qua). Đúng vấn đề tôi đang nghiên cứu. Ôi, toàn tài liệu quý
cả. Cảm ơn anh quá. (Đứng
dạy.) Vậy mai anh đến nhé. Bẩy giờ tối, ở Hội trường
của Viện.
HƯNG Tôi không
đến đâu.
VIỆN TRƯỞNG
Không được!
Giá anh chưa về thì không sao, đằng này anh về rồi mà không đến là lại sinh chuyện đấy. Với lại tôi nói
thế thôi, chứ ta cũng phải đấu tranh chứ. Lương tâm con người và trách nhiệm đối với lớp trẻ không
cho phép chúng ta rút lui. Bởi lớp trẻ sẽ nghĩ gì, nếu như danh hiệu giáo sư
lọt khỏi tay anh và rơi vào tay anh Duyệt ? Liệu chúng có còn say mê đi vào
khoa học nữa hay không ? Mà cũng có thể chúng ta bi quan quá chăng ? Đã chắc gì
anh Duyệt được nhiều phiếu hơn anh. Thôi, tôi về đây. Anh chịu khó chuẩn bị bản
tham luận cho thật chu đáo vào.
HƯNG Tôi
không muốn tranh chấp với bất cứ ai. Chỉ cần lương tâm mình thanh thản là đủ,
còn người khác biết cho thì tốt, không biết cũng đành chịu.
VIỆN
TRƯỞNG Anh
nên bỏ cái thói tự ái vụn vặt ấy đi. Hãy nghĩ đến lớp trẻ, đến đám sinh viên
đang nhìn vào anh. Nhưng thôi, tôi nói thế cũng đã đủ. Anh cứ suy nghĩ và tự
quyết định. (Nhìn
vào phía trong nhà.)
Chị chắc đang bận.
Anh chào chị giúp tôi nhé. (Ra nhanh.)
Tiếng
ô-tô chạy xa dần.
LIÊN (chạy ra). Khách về rồi ạ ? Anh vào tắm rửa rồi đi nghỉ kẻo mệt quá.
HƯNG Đêm
nay anh phải làm việc. (Định vào
nhà.)
LIÊN (khẽ). Mai đừng đi họp,
anh ạ.
HƯNG. Không
được.
liên. Xưa
nay không bao giờ em can thiệp vào công việc của anh. Nhưng lần này anh đừng
đi. Anh với anh Duyệt quen biết nhau đã mấy chục năm nay. Anh ấy đối xử với vợ
chồng mình rất tốt. Nếu buộc phải đến thì anh cũng đừng phát biểu gì hết.
HƯNG. Sao lại thế ? Trách nhiệm người làm
khoa học không cho phép mình làm ngơ
trước hiện tượng lang băm như thế này.
LIÊN (dai dẳng). Anh chỉ giỏi chuyên môn, chứ ăn nói thì vụng lắm. Tốt
nhất là anh đừng phát biểu gì hết.
HƯNG (gắt). Đây là việc của
anh ! (Đi nhanh vào nhà.)
Liên lo lắng nhìn theo.
(Gọi to.) Hải ơi ! Con ra dọn sơ qua rồi còn đi ngủ. Mẹ thì rã rời
chân tay, phải đi nằm thôi. (Ra.)
Hải vào thu dọn. Bỗng có tiếng gõ rất khẽ ngoài cổng. Hải ra mở. Vũ bước
vào.
HẢI. Sao bây giờ anh
mới đến ?
VŨ (rất khẽ). Anh đến từ đầu, nhưng đứng ngoài.
HẢI (ngạc nhiên). Sao lại thế ?
VŨ (vẫn rất khẽ). Anh không
muốn ai biết anh đến đây.
HẢI. Tại sao ?
VŨ (sau một chút). Mẹ anh cấm anh không
được đến nhà này nữa. (Im lặng.) À, quà
sinh nhật của Hải đây. (Đưa gói quà.)
HẢI (đỡ gói quà). Cảm ơn
anh.
VŨ. Hải nghĩ ngợi gì thế ?
HẢI. Giữa ba em và bố anh sắp nổ ra một trận đụng độ dữ dội,
anh có biết không ?
VŨ. Biết. Mẹ anh cấm anh đến đây cũng chính là do việc ấy.
Sáng nay anh nói hớ một câu... Nhưng Hải đừng lo. Cái gì rồi cũng sẽ qua đi.
Vấn đề là ở bản thân chúng mình.
HẢI. Nhưng chính anh,
bác gái mới nói một câu, anh đã không dám đến dự kỷ niệm sinh nhật em rồi.
VŨ (gượng cười). Tạm thời
giữ gìn một chút. Bao giờ cần phải quyết liệt hãy hay. Nhưng thôi, ta không nói
chuyện ấy nữa. Hôm nay là ngày vui của em kia mà ! Chúc mừng em một lần nữa. (Ôm vai người yêu và hôn nhẹ vào má.) Anh về
nhé.
Đúng lúc ấy Liên bước ra hiên. Vũ
vội lùi vào sau bóng cây.
LIÊN. Con làm gì ngoài ấy mà lâu thế ? Dọn sơ thôi, mai dọn
nốt. Khuya rồi. (Quay vào nhà.)
VŨ (trong bóng tối bước ra). Anh về. (Chạy nhanh ra khuất.)
Hải nhìn theo. Cô đóng cổng rồi vào nhà. Đi ngang qua cây trắc bách diệp,
cô đứng dừng lại tư lự. Nngồi xuống chiếc ghế gần đấy, ôm đầu.
Cảnh Tư
Ngoài sân trước cửa Hội trường của Viện, nơi đang diễn ra cuộc họp. Những
bậc dẫn lên nền hội trường khá cao. Cửa hội trường đóng kín, chỉ có ánh đèn bên
trong hắt ra qua các ô kính cửa sổ.
Sân có nhiều cây cao và vài chiếc ghế đá kiểu ghế dài công viên.
Cơn mưa đang đến gần. Mỗi ánh chớp loé làm
người ta nhìn thấy những đám mây đen cuồn cuộn hung dữ.
Hải ngồi trên một ghế đá đợi cha. Hai tay cô ôm hai chiếc áo mưa.
Đột nhiên gió thổi mạnh. Những ngọn cây nghiêng ngả. Vũ chạy vào, hai tay
mang hai cái ô.
HẢI (mừng rỡ, gọi to). Anh Vũ !
VŨ.
Hải đấy à ? Chắc cũng đi đón bác ? Cơn dông đài báo hôm qua bây giờ mới đến
đấy. (Trỏ
những đám mây đen.) Hải nhìn kìa: dữ tợn chưa ? (Sau một chút.) Hải đang nghĩ gì thế ?
HẢI. Một ý nghĩ kỳ quái ám ảnh em suốt từ
tối hôm qua đến giờ.
VŨ. ý nghĩ gì ?
hải. Bạn bè chúc mừng em bước sang
tuổi người lớn. Chẳng biết làm người lớn
có thú vị gì không, chỉ biết ngày đầu tiên đã phải chịu bao nhiêu nỗi khổ tâm.
Đâm em thấy tiếc thời làm trẻ con. Tiếc không
chịu được.
VŨ (mỉm cười). Mười tám năm liền làm trẻ con chưa chán hay sao ?
HẢI. Làm trẻ con không phải suy nghĩ gì
hết. Người lớn bảo gì ta làm nấy. Xong việc tha hồ chơi đùa thoải mái. Bảo học,
ta ngồi vào bàn. Bảo quét nhà, ta cầm lấy cái chổi. Bảo cho đi chơi, thế là ta
nhởn.
VŨ.
Nhưng nếu bài không thuộc, nhà không sạch lại bị đòn ?
HẢI. Chính
thế lại hay. Khi bị phạt cũng có ức một chút, nhưng sau đấy là xong.
VŨ.
Anh lại nghĩ khác. Anh rất thèm được làm người lớn, được tự mình quyết định
cuộc đời mình. Sướng hưởng, khổ chịu, không ai nói ra nói vào gì hết.
HẢI. Anh
đã là người lớn rồi còn gì !
VŨ.
Nhưng còn đi học thì vẫn còn phụ thuộc. Phải bao giờ tự sống lấy được cơ.
Im
lặng.
HẢI (đột nhiên). Đàn ông các anh sướng thật.
VŨ. Thế đàn bà
thì khổ à ? Chưa chắc. Có cái khổ này nhưng lại có cái sướng khác.
HẢI. Như
mẹ em thì chẳng có gì sướng.
Trời bắt đầu mưa.
Khởi đầu là những tiếng lộp bộp. Vũ kéo Hải chạy lên hiên Hội trường. Họ đứng
hai bên một chiếc cột, nhìn ra trời mưa.
VŨ. Hải vừa bảo bác Liên làm sao ?
HẢI. Ba mẹ em không hợp tính nhau. Từ ngày
biết nhận xét, em chưa thấy hai cụ bộc lộ tình cảm âu yếm nhau bao giờ.
VŨ (cười). Làm sao em biết được ?
HẢI. Những chuyện ấy con gái chúng em tinh
lắm. (Sau một chút.) Hôm qua em lại biết thêm được một điều. Mẹ em đàn
pianô rất tuyệt, ấy thế mà mười bốn năm nay mẹ em không đụng đến cây đàn.
VŨ. Bác giai khô khan đến thế kia à ?
Nhưng như thế thì bác giai cũng khổ không kém.
HẢI. Ba em là đàn ông, có những say mê
khác.
VŨ. Bác gái vẫn đi làm đấy chứ !
HẢI. Nhưng niềm vui lớn nhất của phụ nữ vẫn
là trong gia đình. (Sau một chút.) Lúc nãy anh bảo, ba em cũng khổ không
kém. Ai yêu thì mới khổ. Mà ba em thì... em có cảm giác ba em không yêu mẹ em.
VŨ. Chẳng lẽ lại như thế được ?
HẢI (đột
nhiên). Mấy giờ rồi, anh ?
VŨ.
Buổi phát thanh cuối cùng đã xong từ nãy. Phải hơn mười một giờ rồi.
HẢI. Các cụ họp gì mà lâu thế nhỉ ? Cái
danh hiệu “giáo sư” có gì ghê gớm đến thế không biết ?
VŨ. Không ghê gớm nhưng quan trọng. Vì nó
thể hiện sự đánh giá của xã hội đối với một con
người, về mặt nghề nghiệp.
HẢI. Con người ta hay quá coi trọng những
chuyện phù phiếm. Anh biết không ? Hồi bà nội em còn sống, một lần cụ bảo “Tao
thấy anh chị nhà cao cửa rộng, nhưng vợ chồng cứ như mặt trăng mặt trời. Chẳng
bù với cái bác chữa xe đạp ở đầu phố. Mỗi một túp lều xiêu vẹo, quần áo thì
suốt ngày lấm lem dầu mỡ, nhưng lần nào đi ngang qua mẹ cũng thấy vợ chồng đú
đởn với nhau. Mẹ nghĩ bác sĩ bác siếc mà làm cái gì ?
VŨ (cười
ngất). Cụ nói có phần đúng đấy.
HẢI. Đúng quá đi ấy chứ. Vợ chồng vui vẻ
thì ăn cháo cũng sướng.
Im
lặng.
VŨ. Chuyện
phong này phong nọ không phải chỉ đụng đến một vài người, mà ảnh hưởng lớn hơn
rất nhiều: Nhà nước khuyến khích kiểu sống nào ? Nhà nước quý chất xám đến đâu
?
HẢI. Dù sao vẫn là chuyện phù phiếm. (Đột
nhiên.) ôi, mưa rào !
Mưa đổ xuống như
trút. Họ nép vào phía trong cho khỏi hắt.
Tan họp rồi kìa. Giữa lúc đang mưa to.
Cửa Hội trường mở
rộng. Người bước ra đầu tiên là Hưng. ông cắm đầu bước nhanh, miệng nở một nụ
cười thảm hại.
(Chạy lại.) Ba ! (Đưa áo mưa.) Ba mặc vào
đã.
HƯNG (mặc áo, không nhìn con gái). Đêm
nay ba ngủ trong bệnh viện.
HẢI (lo
lắng). Ba nên về nhà.
HƯNG (sau một chút ngập ngừng, kiên
quyết). Con để ba vào Viện cho yên tĩnh. Con chịu khó về một mình vậy. (Ra
nhanh theo hướng bệnh viện.)
Hải sững sờ nhìn
theo. Cô đã đoán được phần nào kết quả cuộc họp.
Bây giờ người thứ hai
bước ra là Viện trưởng. Duyệt đi bên cạnh, cố nén nỗi vui. Vũ chạy lại.
DUYỆT. May quá ! Bố đang không biết làm cách
nào về được đây. (Đỡ chiếc ô con đưa.) Dù sao ta cũng đợi cho ngớt đôi
chút đã, tội gì ! (Với Viện trưởng.) Tôi không ngờ anh Hưng lại ghét bỏ tôi đến
thế.
VIỆN
TRƯỞNG.
Không phải đâu. Tính
anh Hưng thẳng thắn, suy nghĩ thế nào là nói ra hết, không biết lựa.
DUYỆT.
Nhưng tôi có lỗi gì đâu mà anh ấy nỡ đánh đập như thế ?
VIỆN TRƯỞNG. Anh quan niệm “đánh đập” là không đúng.
DUYỆT.
Hình như anh không tán thành kết quả cuộc bỏ phiếu hôm nay ?
VIỆN
TRƯỞNG.
Quyết định của tập
thể tôi phải tôn trọng, nhưng thú thật, riêng tôi chưa thoải mái. Thôi, chào
anh, tôi về trước. (Chạy ra nhanh.)
Duyệt nhìn theo dáng
đăm chiêu. Các đại biểu lục tục ra hiên.
ĐẠI BIỂU 1. Chúc mừng tân giáo sư.
DUYỆT.
Đã chắc gì đâu ? Còn xem quyết định của Bộ nữa chứ.
ĐẠI
BIỂU 2. Bộ cũng phải tôn trọng cơ sở. Cho nên quyết
định là Viện, là ta. Cậu yên tâm, có thể ăn mừng được rồi.
DUYỆT. Với lại ông Hưng nói đúng.
Tôi chỉ là ăn may, vớ được một phương pháp tốt của người khác, mình chỉ việc áp
dụng.
ĐẠI BIỂU 2. Nói thế thì vô
cùng. Thành công nào trên đời này chẳng ít nhiều có phần ăn may ở trong ? Thái
độ cậu Hưng quả là cố chấp.
ĐẠI BIỂU 1. Cố chấp quá đi ấy
chứ. Mọi khi mình vẫn nghĩ về cậu ta khác, hôm nay mình bị bất ngờ hoàn toàn.
Này, mình hỏi thật, giữa cậu với hắn ta có hiềm khích gì cá nhân không đấy ?
DUYỆT. Hoàn toàn không có.
ĐẠI BIỂU 2. Mình thì không
bất ngờ lắm, vì mình đã chứng kiến mấy trường hợp tay Hưng cố tình hạ thấp
thành tích của người khác rồi.
ĐẠI BIỂU 3 (chen vào). Mấy
trường hợp ấy tôi có biết. Nhưng tôi cho không phải ông Hưng cố tình, mà chỉ do
cách suy nghĩ của ông ấy thôi. ông Hưng có đặc điểm là mọi thứ ông ấy đều lấy
thước đo chuyên môn để đánh giá. Thành tích lớn đến mấy đi nữa nhưng nếu không
do kiến thức nghề nghiệp mà chỉ do ăn may hoặc do khôn khéo thì ông ấy vẫn
không công nhận.
ĐẠI BIỂU 2. Dễ hắn không ăn
may đấy hẳn? Nếu không có điều kiện được
học hành, liệu hắn có giỏi như bây giờ không ? Hay lọt lòng mẹ hắn đã giỏi sẵn
rồi ?
ĐẠI BIỂU 1. Với lại chữa bệnh
đâu phải chỉ cần trình độ chuyên môn ? “Lương y kiêm từ mẫu” kia mà !
ĐẠI BIỂU 2. Ngay năm chữ
“Lương y kiêm từ mẫu” hắn cũng lái sang cách hiểu của hắn, nghĩa là chẩn đoán
và điều trị chính xác, có thế thôi.
Tất cả cười ồ.
ĐẠI BIỂU 1. Vì cách
hiểu ấy có lợi cho ông ta mà lại. Bài phát biểu của ông ta hôm nay bộc lộ hết
con người ông ta. Thì ra ông ta khinh tất cả chúng mình.
ĐẠI BIỂU 2. Nhưng hôm nay hắn
đã được một bài học, để từ nay bớt cái thói tự cao tự đại đi.
ĐẠI BIỂU 3. Chao ơi, thì ra
các anh muốn dạy cho anh Hưng một bài học ! Các anh coi danh hiệu “giáo sư” là
cái bánh Trung thu, đứa trẻ nào ngoan ngoãn, lễ phép thì cho, đứa nào không
chịu chắp tay cúi đầu thì đuổi đi. Anh Hưng không hàng ngày la cà, bù khú, bia
bọt với các anh, không tâng bốc các anh cho nên các anh vu cho anh ấy là “tự
cao tự đại”. Các anh coi rẻ chất xám đến như thế mà còn dám tự xưng là trí thức
được ! Tôi xấu hổ cho các anh đấy ! (Bỏ đi.)
ĐẠI BIỂU 2 (nhìn theo, cười lớn). Thằng cha
ấy mới đúng là bệnh nhân tâm thần.
ĐẠI BIỂU 4 (bước đến). Anh
Duyệt ạ, tôi công nhận thành tích của anh lớn thật, nhưng cũng nên đánh giá
đúng mức thôi.
DUYỆT (cười vui vẻ). Tôi
cũng chỉ xin tập thể đánh giá đúng mức, đâu dám đòi cao hơn.
ĐẠI BIỂU 4. Dù sao, cuộc họp
hôm nay cũng khiến tôi bất ngờ về nhiều điều.
ĐẠI BIỂU 2. Thì thế ! (Cười
dàn hoà.) Cuộc đời thú vị ở chỗ luôn luôn có chuyện bất ngờ, khiến ta phải
xem lại cách suy nghĩ quen thuộc của bản thân. Nhưng thôi, ta về chứ ? Mưa ngớt
rồi. Nhanh không lại một trận nữa ập xuống bây giờ. (Chạy ra.)
Mọi người cũng ra theo. Còn lại hai bố con Duyệt.
DUYỆT. Ta cũng về chứ, con ?
(Giương ô.)
VŨ (cũng giương ô). Vâng ạ.
DUYỆT. Đói quá ! Không biết
mẹ có chuẩn bị gì cho hai bố con mình ăn không đấy.
Họ đi. Bỗng đột nhiên Vũ đứng dừng
lại.
Con làm
sao thế ?
VŨ. Hình như có tiếng chân
ai.
Họ cùng đứng lại lắng nghe. Không thấy gì, họ lại đi. Đợi họ đi khuất, Hải
từ trong bóng tối chạy ra, ôm một thân cây, khóc tấm tức.
P H Ầ N T H
Ứ H A I
Cảnh Năm
Đêm khuya. Vũ nằm
trên giường, trằn trọc. Các ấn tượng ban tối quá mạnh. Anh bật đèn đầu giường,
vớ cuốn truyện đọc. Chỉ lát sau, anh để rơi cuốn sách xuống bụng, ngủ thiếp đi.
Hưng hiện lên, trong
luồng ánh sáng của đèn giọi.
HƯNG (vẫn cái cười thiểu não lúc ban
tối). Phải chăng cuộc sống là như thế ? Cái đúng cuối cùng vẫn bị cái sai
quật ngã ? Cả cuộc đời tôi chăm chỉ, cần cù, và mãi gần đây mới được đánh giá
đôi chút, thì bây giờ lại bị cái lười biếng, cái dốt nát quật trở lại ?
DUYỆT
(hiện lên trong một vòng sáng khác). Nhưng có bao giờ anh tự hỏi anh
chăm chỉ cần cù để làm gì không ? Phải chăng để được thoả mãn lòng kiêu căng,
để được cảm thấy anh ở trên mọi người ?
HƯNG.
Tôi không muốn ở trên ai cả. Tôi chỉ muốn đã chọn lĩnh vực nào thì phải cố hiểu
biết tối đa trong lĩnh vực ấy. Mà như thế có gì là xấu ? Ai chăm chỉ cần cù
phải được cảm thấy mình có giá trị hơn những kẻ lười biếng ! Đấy là phần thưởng
hợp lý cho những người say mê tìm tòi sáng tạo. Trong khi kẻ khác dạo phố,
chuyện phiếm với bè bạn, đá bóng hay xem phim, thì họ ngồi cặm cụi trong thư
viện vắng lặng và buồn tẻ. Họ hy sinh bao nhiêu thú vui trong cuộc đời thì cũng
phải cho họ được hưởng một cái gì đấy đền bù lại chứ ? ít nhất cũng là niềm
kiêu hãnh về trình độ hiểu biết của bản thân mình, niềm kiêu hãnh đã khám phá
ra được một bí ẩn trong cơ chế gây bệnh và tìm ra được phương pháp chiến thắng
nó.
DUYỆT.
Nhưng kiêu căng, tự coi mình hơn người
khác thì không được.
HƯNG (cười chua chát). Các người
khôn thật. Các người muốn kẻ khác vất vả tự nâng cao trình độ để phục vụ tốt
cho các người, nhưng lại không cho họ được quyền tự hào về trình độ của bản
thân họ.
DUYỆT.
Tự hào thì được, nhưng kiêu căng thì không !
HƯNG (cười lớn). Đấy chỉ là hai cách
gọi của cùng một hiện tượng. Khi khen thì dùng chữ tự hào, khi chê thì gán cho
hai chữ kiêu căng.
DUYỆT.
Không phải thế !
HƯNG.
Chứ còn gì nữa ? Khi các người bí một vấn đề chuyên môn, phải tìm đến tôi để
hỏi, thì các người khen tôi, cho tôi được tự hào. Nhưng khi các người không cần
đến tôi nữa thì các người chụp cho tôi cái mũ kiêu căng.
DUYỆT.
Tự hào vẫn còn là con người. Còn kiêu căng thì không còn là con người nữa.
HƯNG (cười lớn). Chà, con người ! Thế nào
là con người ? Con người là có một bộ óc và một cánh tay phát triển. Con người
là có lý trí, có nghị lực, có tri thức. Con người là lòng ham hiểu biết không
bao giờ ngừng.
DUYỆT. Không đúng. Chỉ là con
người khi anh còn một trái tim đập trong lồng ngực, khi anh thông cảm được với
những đau khổ của người khác, khi anh biết tha thứ những lỗi lầm của họ, là khi
anh còn biết xúc động, biết thương xót.
HƯNG (lại cười, lần này lớn hơn). Thông cảm, tha thứ,
xúc động, thương xót ! Toàn những từ đẹp những vô cùng mơ hồ. Anh quên rằng
chúng ta đang sống trong thời đại khoa học. Chúng ta chỉ được quyền công nhận
những gì cụ thể: van tim có hẹp hay không, khối u trong đại tràng là lành hay
ác, số lượng hồng cầu trong máu là bao nhiêu ? Tôi là nhà khoa học. Tôi không phải
nhà thơ, không phải nghệ sĩ, càng không
phải nhà lý luận.
DUYỆT. Những việc anh vừa kể,
máy móc làm tốt hơn con người. Hiện đã có những máy tính chẩn đoán bệnh chính
xác hơn cả thầy thuốc.
HƯNG. Hơn thầy thuốc tồi !
Thôi được, vậy anh hãy chứng minh tôi không phải con người ở chỗ nào ?
DUYỆT. Tôi đã nói rồi.
HƯNG.
Xin anh cho cụ thể hơn.
DUYỆT.
Chưa nói đến cách anh nhìn nhận nhân viên của anh trong khoa, tôi hãy nói đến
cách cư xử của anh đối với bè bạn, thậm chí đối với những người thân nhất của anh.
Với vợ anh chẳng hạn...
Vũ
nhỏm dạy lắng nghe.
HƯNG (ngắt lời). Tôi đề nghị anh không nhắc đến chuyện
ấy. Việc riêng của tôi... và anh cũng chưa hiểu rõ.
DUYỆT.
Lẽ ra tôi không nên nhắc đến, nhưng anh cho tôi nói một câu thôi. Vì tôi quý anh
đã đành, nhưng tôi cũng quý chị Liên không kém. Anh chỉ nhìn thấy anh cho chị
Liên cái gì, chứ không thấy anh nhận được những gì ở chị ấy. Anh chỉ thấy chị
Liên cần đến anh, không thấy anh cũng rất cần đến chị ấy.
HƯNG . Tôi chưa hiểu anh định nói gì .
DUYỆT.
Anh tự cho anh có tài. Anh ban ân huệ cho mọi người, nhưng anh không thấy cũng
đang nhận ân huệ của mọi người xung quanh.
HƯNG (lại cười lớn). Tôi biết từ lâu
anh vẫn ghen với uy tín chuyên môn của tôi.
DUYỆT.
Trước đây thì có thế thật. Nhưng gần đây tôi thương hại anh.
HƯNG (mỉm cười). Từ tối hôm qua ?
DUYỆT.
Không. Chuyện phong danh hiệu tôi coi chỉ là chuyện phù phiếm.
HƯNG. Không phù phiếm đâu. Bởi người có danh
hiệu sẽ được nhà nước tạo điều kiện để làm việc. Chưa kể còn có thể được hưởng
nhiều ưu đãi khác. Riêng đối với anh thì cái danh hiệu ấy đặc biệt cần thiết,
để xoá đi nỗi tự ti, xoá đi cảm giác kém cỏi so với tôi.
DUYỆT.
Anh muốn nghĩ thế nào thì tuỳ. Nhưng sự thật là tập thể đã công nhận tôi chứ
không phải anh.
HƯNG. Tôi không công nhận cái tập thể này.
DUYỆT.
Chính sai lầm của anh là ở chỗ ấy. Mỗi con người đều nằm trong một tập thể nhất
định. Chính cái tập thể ấy quyết định cuộc đời chúng ta.
HƯNG. Tôi làm việc cho xã hội, đâu phải cho
riêng cái Hội đồng khoa học của các anh ?
DUYỆT.
Cơ sở không đề xuất thì trên căn cứ vào đâu mà phong này phong nọ ? Các chuyên
gia ở Bungari, ở Liên Xô, ở Pháp, ở Cộng hoà Dân chủ Đức có quý anh đến mấy,
cũng không can thiệp nổi nếu tập thể ở cơ sở đã phủ nhận anh.
HƯNG. Chẳng
lẽ lại như thế ?
DUYỆT.
Anh quen nhìn điều kiện làm việc của trí thức các nước. Họ là những nước công
nghiệp hiện đại. Họ có một hiến pháp lâu đời. Dân của họ quen sống và làm việc
theo pháp luật. Còn ở ta, mỗi người được quyền tự đặt ra một luật lệ riêng, căn
cứ vào thích thú riêng. Anh được lòng họ thì chuyện gì cũng thành nhỏ. Họ mà
ghét anh thì chuyện nhỏ cũng thành to.
HƯNG. Chúng ta là nước xã hội chủ nghĩa kia
mà?
DUYỆT
(cười lớn đắc thắng). Xã hội chủ nghĩa kiểu nông nghiệp thôn xóm.
Đấy chính là thực tế cuộc sống ở đây hôm nay. Anh thoát ly cái thực tế ấy nên
bị nó giáng cho một đòn khá đau rồi đấy. Nếu không chịu tỉnh ngộ, anh sẽ còn
nếm nhiều đòn nữa, đau hơn thế này nhiều.
HƯNG (ngơ ngác). Nhưng tại sao người
ta ghét tôi nhỉ ? Tôi có làm gì hại ai đâu ?
DUYỆT
(cười lớn hơn). Quả là anh ngây thơ thật. Anh chẳng hiểu gì cuộc đời
hết. Anh không ủng hộ ai, không khen ai, tức là anh làm hại họ chứ còn gì ? Uy
tín chuyên môn của anh cao. Mọi người đều nhìn xem anh đánh giá công trình,
thành tích của họ thế nào. Đấy là chưa kể hội nghị nào anh cũng đưa ra chuyện
một số y bác sĩ dùng phương tiện thuốc men của Bệnh viện để mắc ngoặc riêng tư,
kiếm chác này nọ...
HƯNG. Tôi bảo vệ những nguyên tắc tối thiểu
của một cơ sở điều trị.
DUYỆT.
Lúc nãy tôi bảo anh không còn là con người chính ở chỗ này đấy. Anh không chịu
thông cảm với những khó khăn của đồng sự. Cuộc sống bây giờ hết sức khó khăn.
không chạy chọt, xoay xở thì làm sao sống nổi ?
HƯNG. Tôi thà sống nghèo chứ không thể chấp
nhận như thế.
DUYỆT.
Tuỳ anh ! Nhưng xuất phát từ lòng quý mến anh, tôi báo trước. Anh còn giữ kiểu
sống như thế này thì đến các đợt sau, anh cũng sẽ chẳng hy vọng gì đâu. Dần dần
người ta sẽ làm cho tiếng nói của anh không còn giá trị gì nữa. Các học trò anh
sẽ lần lượt bỏ anh. Lúc ấy anh có hối cũng không kịp.
HƯNG. Thì ngay tối hôm qua, một số trước kia
là học trò của tôi, đã bỏ phiếu chống tôi. Nhưng anh Duyệt ạ, tôi công nhận
người ta không bỏ phiếu cho tôi mà bỏ cho anh là có lý của họ. Nhưng tôi không
tin có cái lý nào tồn tại được mãi. Xã hội ta dứt khoát phải tiến lên theo con
đường công nghiệp hoá, đô thị hoá. Thế hệ mai sau sẽ biết trọng chất xám hơn
nhiều. Mà ngay bây giờ đây, tuy tôi bị phủ nhận về mặt nhà nước, nhưng tôi tin
chắc rằng rất nhiều người chân chính vẫn rất quý tôi. Thậm chí những người tối
nay bỏ phiếu chống tôi nhưng trong đáy lòng vẫn quý tôi và tán thành phương
châm sống của tôi. Chứng cứ là họ vẫn dạy con cái chăm học, cần cù, để chiếm
lĩnh những đỉnh cao khoa học. Bởi họ thừa biết nhân loại sẽ đi lên, những thời
kỳ đi xuống chỉ là tạm thời. Còn anh, cho dù anh có được phong là viện sĩ của
một trăm viện hàn lâm đi nữa, báo chí có tâng bốc anh đến đâu đi nữa, trong
thâm tâm anh vẫn cảm thấy anh kém cỏi trước mặt tôi, không phải chỉ về chuyên
môn đâu, mà cả về cái mà lúc nãy anh đã nói đến ấy, về mặt là một con người !
Và tôi nói cho anh biết...
Vũ bật nhỏm dạy định
lắng nghe, nhưng cuốn sách trên bụng rơi xuống đất làm anh tỉnh hẳn ngủ.
Bóng Hưng và Duyệt
biến mất.
VŨ.
Tiếc quá... đúng đến đoạn thú vị nhất !..
Anh nhặt cuốn sách
rơi, rồi chạy ra mở cửa sổ. Bên ngoài trời rạng sáng. Tiếng nhạc thể dục buổi
sáng trong loa vang lên. Vũ giơ tay giơ chân theo động tác bài thể dục.
Cảnh Sáu
Trở
lại nhà Hưng
Hai mẹ con Liên và
Hải đang ngồi khâu vá.
HẢI.
Mẹ ơi, giữa ba mẹ có chuyện gì phải không ạ ?
LIÊN. Sao
con lại hỏi thế ?
HẢI. Con thấy ba mẹ đối xử với nhau không
được bình thường. Mãi đến hôm kỷ niệm sinh nhật, con mới biết mẹ đàn piano rất
giỏi. Tại sao mẹ không đàn nữa ? Mẹ bảo đã mười bốn năm nay. Phải chăng cách
đây mười bốn năm đã có chuyện gì xảy ra ?
LIÊN. Không có chuyện gì hết. Chỉ đơn giản
là lúc ấy con đang nhỏ, mẹ bận bịu quá, thôi không chơi đàn nữa.
HẢI. Mẹ
chưa nói thật với con. Bây giờ con đã lớn, con cần biết mọi điều để rút kinh
nghiệm.
LIÊN (mỉm
cười buồn bã). Chắc gì những kinh nghiệm của thế hệ đi trước đã giúp ích
được nhiều cho thế hệ các con hôm nay ? (Lảng chuyện.) Mấy hôm nay con
có gặp Vũ không ?
HẢI. Mẹ
đừng nhắc đến anh ấy nữa.
LIÊN. Tại
sao ?
hải. Anh ấy nhu nhược quá, không dám tự
mình quyết đoán một điều gì. Mà thôi, con đã bảo không nhắc đến anh ấy kia mà.
Mẹ kể chuyện mẹ đi. Đã xảy ra chuyện gì giữa ba và mẹ ?
Liên
im lặng.
Sao mẹ
không muốn cho con có em ?
LIÊN (mỉm cười). Con có em thì tình cảm của mẹ lại phải
chia sẻ ra.
HẢI.
Không phải tại vì thế. Mẹ hãy nói thật đi.
LIÊN (đứng dạy). Để lúc khác. Mẹ
xuống đặt cơm. Ba sắp về rồi.
HẢI (giữ mẹ lại). Hãy còn sớm. Mẹ
trả lời con đi đã.
Bỗng nhiên Liên ngồi
xuống, ôm mặt khóc thổn thức.
(Hốt hoảng.) Mẹ làm sao thế ạ ?
LIÊN (sau
một chút). Sớm muppnj rồi con cũng phải biết. Mẹ chẳng thể giấu con được
mãi. (Đau xót.) Na mẹ đã không sinh hoạt vợ chồng mười bốn năm nay rồi.
HẢI
(sửng sốt đến cực độ). Ba mẹ ly thân đã mười bốn năm nay ? Mười bốn năm nay
mẹ không được hưởng niềm vui của người vợ ? Đúng là đã xảy ra chuyện gì rồi
thật. Chuyện gì thế, hả mẹ ? Mà tại ba hay tại mẹ ?
LIÊN.
Tại mẹ.
HẢI.
Hay là mẹ đã …
LIÊN.
Không.
HẢI.
Mà dù mẹ có ngoại tình đi nữa thì ba cũng không có quyền. Không tha thứ được
thì li dị quáh đi, chứ sao lại hành hạ nhau như thế ? Nhưng tại sao mẹ lại vẫn
cam chịu nhỉ ? Con không hiểu nổi đấy.
LIÊN.
Gần đây mẹ đã thoáng nghĩ, đành phải li dị nhau thôi.
HẢI
(giận dữ). Sao lại mới gần đây ? Lẽ ra phải li dị ngay từ ngày ấy kia
chứ ?
LIÊN (mỉm
cười buồn bã). Nếu thế thì con chẳng được yên ổn mà học hành vui chơi mười
mấy năm qua.
HẢI (ôm
mẹ thương xót). Mẹ chịu đựng là vì con ?
LIÊN. Thật ra cũng không hẳn vì
con. Bởi vì dù li dị, đã lấy người khác, mẹ cũng không đời nào chịu để con mẹ
phải khổ.
HẢI. Hay vì mẹ sợ dư luận ?
Vì hai bên nội ngoại không đồng ý ?
LIÊN. Cũng không phải.
HẢI. Vậy thì vì lý do gì ạ ?
LIÊN (sau một chút).
Vì mẹ rất thương ba con. Nói đúng hơn, mẹ rất kính phục ba con. Mỗi lần đến
bệnh viện, thấy mọi người ca ngợi và thán phục ba, mẹ lại thấy tự hào. Và mẹ
nghĩ, đối với một tài năng, một phẩm chất đạo đức như vậy, dù mẹ có hiến dâng
cả cuộc đời, có chịu bao nhiêu nỗi tủi cực cũng là xứng đáng.
HẢI. Nhưng ba con không đáng
được mẹ hy sinh như thế.
LIÊN. Con chưa hiểu nhiều về
ba đâu. Con không thể hình dung được ngày trẻ ba như thế nào đâu. Mẹ nhớ rất rõ
lần đầu tiên mẹ gặp ba. Lúc ấy mẹ còn trẻ, đẹp, học cao, chơi đàn khá. Bao nhiêu
bác tài cao học rộng theo đuổi. Trong khi mẹ chưa quyết định chọn ai thì ba con
xuất hiện. Ngay sau buổi đầu tiên tiếp xúc, mẹ đã quyết định không một chút do
dự : đây chính là người chồng mà mình mơ ước.
HẢI. Lúc ấy ba đẹp trai lắm phải không ạ ?
LIÊN. Không phải chỉ đẹp. Ba thông minh, tài hoa. Hồi trẻ ba đàn
vi-ô-lông rất khá. Sinh hoạt lại giản dị, lành mạnh, đứng đắn. Và cái chính là
gì, con có biết không ? Tính ba thật thà, vụng dại. Mà mẹ thì rất sợ những ai
láu lỉnh, khôn ngoan.
HẢI.
Nhưng dù sao mẹ chịu đựng như thế cũng là quá đáng. Mười bốn năm trời ! Con
không tưởng tượng ra được đấy. Mười bốn năm ! Nghĩa là từ khi mẹ hai mươi nhăm
tuổi cho đến nay. Những năm tươi đẹp nhất trong cuộc đời một người phụ nữ. Thế
hệ chúng con thì không đời nào chịu như thế.
Tiếng chuông ngoài
cổng.
LIÊN (giật
mình). Ba về !
HẢI.
Mới bốn giờ. Ba chưa về đâu. Hay là … (Sửa sang vội đầu tóc, ra mở
cổng.)
Viện trưởng bước vào.
Bác ạ !
VIỆN TRƯỞNG. Mẹ cháu có nhà không ?
HẢI. Thưa bác, có ạ.
LIÊN (chạy ra đón). Mời
anh vào chơi ạ. Tưởng nhà em ở trong Viện ? (Bỗng hốt hoảng.) Hay nhà em
làm sao ạ ?
VIỆN TRƯỞNG. Không. Anh Hưng vẫn đang làm việc
bình thường. (Ngồi xuống ghế.) Nhưng tôi muốn gặp riêng chị trao đổi. Anh
Hưng đang trong tâm trạng hết sức hoang mang. Tôi được biết đêm qua anh ấy
không ngủ…
LIÊN. Thế nghĩa là ba đêm
liền. Đêm hôm mới về, nhà em cũng thức làm việc đến ba giờ sáng. Đêm trước đấy,
ngồi trên máy bay chắc cũng chẳng ngủ được. Nhưng tại sao Hội đồng lại có thể
quyết định sai lầm đến thế được ạ ? Tại sao anh không dùng quyền Chủ Tịch bác
đi ? Em tưởng anh vẫn quý nhà em lắm kia mà ?
VIỆN TRƯỞNG. Đúng, tôi quý cách sống và đánh
giá rất vao tài năng chuyên môn cũng như trách nhiệm nghề nghiệp của anh Hưng.
Nhưng tôi có nguyên tắc là không bao giờ chống lại tập thể. Giá như anh nhà
đừng làm mất lòng anh em thì tôi mới có chỗ bênh anh ấy được.
LIÊN (cau
mặt). Vậy là anh nói quý nhưng thật ra anh không quý gì nhà em hết.
VIỆN TRƯỞNG. Tôi không thể
làm trái nguyên tắc sống của bản thân tôi. Đã nhiều lần tôi bảo anh nhà chị,
người ta thì mồm miệng đỡ chân tay, anh thì mồm miệng phá chân tay. Nhưng anh
ấy không chịu nghe.
LIÊN. Dù sao
anh xử sự thế cũng là vô trách nhiệm. Em còn nhớ, tối hôm ấy, chính anh còn
khuyên nhà em đấu tranh.
VIỆN TRƯỞNG. Hôm nay tôi đến
đây không định để thanh minh mà chỉ để báo cho chị biết tâm trạng hiện nay của
anh nhà. Mong chị giúp đỡ anh ây vượt qua được.
LIÊN. Dù sao
cũng cảm ơn anh về việc này.
VIỆN TRƯỞNG. Tôi rất đau
lòng là đã không làm được gì hơn. Xin
chào chị. (Ra nhanh.)
Liên tiễn khách ra
rồi đóng cổng lại, quay vào.
LIÊN.
Con không được nói gì nặng lời với ba đấy.
HẢI.
Con hiểu ! Nhưng mẹ phải kể nốt câu chuyện ban nãy đi đã. Mẹ không ngoại tình,
vậy mẹ đã phạm lỗi gì khiến ba giận mẹ đến thế ?
LIÊN.
Để lúc khác. Bây giờ mẹ phải chuẩn bị cơm nước. Ba sắp về rồi.
HẢI. Cơm
nước xong cả rồi. Nếu mẹ không kể …
LIÊN (miễn
cưỡng ngồi xuống). Thôi được, mẹ kể. (Sau một chút.) Sau khi mẹ lấy
ba, trong số những người trước kia theo đuổi mẹ, có một bác vẫn còn thầm yêu mẹ
tha thiết. Trong suốt mấy năm liền, bác ấy vẫn thỉnh thoảng đến thăm mẹ. Bác ấy
rất ý tứ. Bao giờ cũng đến vào những lúc ba con ở nhà. Nhưng một hôm, bác ấy
đến vào lúc ba con đi vắng. Lúc đầu mẹ hơi ngạc nhiên. Nhưng bác ấy bảo đến để
chia tay. Bác ấy sắo vào chiến trường miền Nam công tác lâu dài. Bác ấy lại
nói, dù thỉnh thoảng có đi công tác ra Hà Nội, cúngẽ không tìm cách gặp lại mẹ
nữa. Nghe bác ấy nói thế, tuy không yêu bác ấy nhưng mẹ cũng thấy cảm động. Bác
ấy còn bảo, đây là lần cuối cùng bác ấy gặp mẹ. Bác ấy đề nghị mẹ đàn một bản
nhạc nào đấy. Mẹ đã chiều bác ấy, đàn đúng cái bản mẹ đã đàn cái bản con và các
bạn con đã nghe hôm kỷ niệm sinh nhật con vừa rồi. Bài ấy mẹ thích nhất và mỗi
lần buồn, mẹ lại lấy ra đàn nó. Nghe xong, bác ấy đứng dạy, cảm ơn mẹ rồi từ từ
bước ra cửa. Bỗng đột nhiên bác ấy quay người lại, ôm ghì lấy mẹ và hôn. Mẹ
không nỡ đẩy bác ấy ra. Đúng lúc ấy thì ba con đẩy cửa bước vào… (Ôm mặt uất
ức.)
HẢI.
Từ ngày ấy mẹ có gặp lại bác ấy không ?
LIÊN
(rất khẽ). Bác ấy đã hy sinh sau đấy bẩy tháng, tại đồng bằng sông Cửu Long.
HẢI.
Chỉ có mỗi thế thôi mà ba nỡ đối xử với mẹ như vậy !
LIÊN.
Sau đấy ba không hề trách cứ gì cả, vẫn đối xử dịu dàng, vẫn chăm sóc con, chỉ
có không gần mẹ thêm nữa.
HẢI.
Sao mẹ không giảng giải cho ba hiểu, rằng quan hệ giữa mẹ và bác ấy chỉ có thế
?
LIÊN.
Mẹ cũng đã định nói, nhưng lần nào ba cũng gạt đi, không chịu nghe.
HẢI
(giận dữ). Ba cố chấp quá !
LIÊN
(nhìn ra ngoài). Tan tầm rồi. (Đứng dậy.)
HẢI.Mẹ
li dị đi !
LIÊN.
Nhưng bây giờ ba đang trong tình trạng này thì mẹ lại không nỡ.
HẢI.
Ba chỉ bối rối ít hôm thôi. Nhưng mẹ phải li dị. Không tội gì kéo dài thêm nữa.
LIÊN (mỉm
cười buồn bã). Với lại mẹ cũng già rồi.
HẢI.
Đã già thế nào ? Mẹ chưa đầy bốn mươi. Cuộc đời mẹ còn dài lắm.
LIÊN.
Mà biết đâu, trong sai lầm của ba hôm nay có phần lỗi tại mẹ. (Bỗng nhiên
hốt hoảng.) Sao ba vẫn chưa về nhỉ ? Hay con đạp xe…
HẢI. Mẹ
cứ như thế thì còn bị cha bắt nạt. Mẹ vẫn còn yêu ba lắm. Sẽ không li dị nổi
đâu.
Có tiếng lạch cạch
ngoài cổng.
Đấy, mới thế mà mẹ đã luống cuống rồi.
Hưng bước vào, cố làm
bộ vui vẻ nhưng vẫn không giấu được nỗi bối rối và mỏi mệt.
LIÊN. Anh về muộn thế ?
HƯNG (ngập ngừng). Anh… (Lảng.) Có cho anh ăn cơm
không nào ? Anh đói lắm rồi.
HẢI. Chỉ mỗi tý danh hiệu mà ba cũng băn khoăn đến thế kia ạ
?
LIÊN. Hải !
HƯNG (nhìn con). Ba băn khoăn không phải vì chuyện ấy
mà là do bỗng nhiên ba nhận ra được rằng ba đã có lỗi với nhiều người quá.
LIÊN. Anh không có lỗi với ai hết. Mỗi
người mỗi tính. Người ta quý thì tốt mà người ta không quý thì thôi. Việc gì
anh phải băn khoăn nhiều ?
HẢI. Nhưng ba biét ba có lỗi với ai nhiều nhất không ?
LIÊN. Hải !
Hưng nhìn con, chưa
hiểu.
HẢI.
Người mà ba có lỗi nhiều nhất chính là mẹ kia kìa.
LIÊN.
Hải ! Con không được nói thế.
HẢI
(vẫn không buông tha). Ba nhìn thử mẹ xem ! Đã lâu ba không nhìn mẹ chứ
gì ? Mới ba mươi chín tuổi mà đã hom hem cằn cỗi như bà cụ ! Tại đâu ? Tại ba
hết cả. Con không thể tưởng tượng ba có thể nhẫn tam đến như thế đối với mẹ !
LIÊN.
Con không được nói thế ! Lỗi cũng tại mẹ nữa.
HẢI.
Mẹ không có lỗi gì hết. Một cái hôn duy nhất để vĩnh biệt, để giúp bác ấy cắt
đứt mối tình. Cử chỉ ấy không phải tội lỗi, mà là cử chỉ cao thượng. Ba không
còn chút lòng thương người nữa gay sao ? Ba coi danh dự, phẩm giá của ba to đến
như thê hay sao ? Ba không xin lỗi mẹ ngay bây giờ thì con sẽ bỏ nhà này mà đi
ngay lập tức. Con sẽ tự tay viết đơn li dị cho hai bố mẹ và sẽ đòi bằng được
toà án phải giải quyết. Và từ nay con sẽ không bao giờ nhìn mặt ba nữa.
LIÊN (quát).
Hải ! Con không được nói thế. Để ba nghỉ ngơi còn ăn cơm. Ba đói lắm rồi.
HẢI
(vẫn không buông). Mẹ để mặc con ! Thế nào? Ba có chịu xin lỗi mẹ không nào ?
Hưng từ từ ngảng đầu lên
nhìn vợ. Ông bước đến gần vợ.
HƯNG
(sửng sốt và đau xót). Ôi. tóc em bắt đầu có sợi bạc từ bao giờ thế này
? (Bỗng mắt ông nhoà lệ. Ông nâng bàn tay vợ lên thương xót.) Tha thứ
cho anh ! Liên, em hãy tha thứ cho anh.
LIÊN
(xấu hổ, gỡ nhẹ tay chồng ra). Anh không có lỗi gì hết. Anh hiểu ra cho em như
thế là tốt lắm rồi vào rửa tay rồi ăn cơm, đi anh !
HƯNG.
Không, con nó nói đúng. Lỗi của anh lớn biết chừng nào. Bây giờ anh mới hiểu
ra. Liên, em có tha thứ cho anh không ? (Ôm nhẹ vai vợ.)
LIÊN
(giấu niềm sung sướng). Ô hay ! Em đã bảo anh không co lỗi kia mà. (Gỡ
chồng ra.)
HƯNG.
Con nói đúng. Tội lớn nhất của bố là đây đây. Liên, tha thứ cho anh. Anh đã để
em buồn tủi suốt ngần ấy năm trời. Tại sao anh có thể như thế được nhỉ ? Lòng
tự ái nhỏ nhen ư ? Tính cố chấp đã ăn vào máu thịt anh từ bao giờ. Vì cố chấp,
anh không chịu bỏ qua bât cứ sơ suất nào của người khác. Thật ra em không có
lỗi gì hết. Nhiều lúc anh cũng đã nhận ra như thế, nhưng rồi anh lại chặc lưỡi
: công việc cuốn hút và anh không muốn nghĩ đến bất cứ thứ gì khác. Liên, hôm
nay anh đã hiểu ra. Anh sẽ sống như mọi người khác.
LIÊN (mỉm
cười). Anh không sống như thế được đâu. Vả lại em cũng không muốn anh thay
đổi gì hết. Mỗi người mỗi tính, nhưng em thích cái tính ấy của anh. (Rât khẽ.)
Em yêu anh chính vì cái tính ấy đấy… Mà có lẽ chính vì thế em chỉ có thể yêu
một mình anh thôi.
HƯNG.
Từ nay anh sẽ bớt dành thời giờ cho chuyên môn, sẽ dễ tính hơn với mọi người,
sẽ lười đi để đỡ khắt khe với người khác.
LIÊN
(bật cười). Anh không lười được đâu !
HƯNG.
Chăm mới khó chứ lười thì dễ ợt.
LIÊN.
Nhưng với anh thì lại không dễ chút nào. Đấy rồi anh xem. Hải, con vào dọn cơm
với mẹ đi. Mẹ cũng đói lắm rồi. (Chạy ra.)
HẢI
(nhìn theo). Lúc nãy, trông mẹ xấu hổ, con thấy mẹ trẻ lại được vài chục
tuổi.
HƯNG.
Và bố cũng sẽ trẻ lại đấy ! Cảm ơn con, cảm ơn con !
Tiếng Liên ở nhà
trong vọng ra: “Ô
hay! Hai bố con có định ăn cơm không đấy ?”
Anh vào ngay đây !
Ông vào đến cửa bếp
thì chuông điện thoại reo.
(Quay ra, nhấc máy.) Chào chị ! Không, cháu không
có ở đây. (Nghe một lúc.) Tôi không nghe thấy cháu nói gì. Vâng. (Đặt
máy.)
LIÊN
(ra). Ai gọi thế ạ ?
HƯNG.
Chị Duyệt. Thằng Vũ đi đâu từ sáng đến giờ chưa thấy về. Chị ấy hỏi xem nó có
đến nhà mình không.
LIÊN.
Chắc đi đâu với bạn bè thôi. Anh đang nghĩ gì thế ?
HƯNG.
Anh cảm thấy hình như thằng bé cũng hoang mang. Thậm chí hoang mang còn hơn cả
anh nữa. Tội nghiệp ! Mình thì cuộc đời coi như đã bỏ đi rồi, nhưng đám trẻ,
chúng mới bước vào đời… (Gục đầu đau đớn.)
LIÊN.
Anh đừng nghĩ ngợi gì nữa. Đấy là việc nhà họ, liên quan gì đến mình đâu ? Vào
ăn cơm đã, anh. (Kéo chồng vào nhà trong.)
Cảnh Bẩy
Nhà
Duyệt
Sáng Chủ Nhật. Phượng
ngồi trong ghế nệm đang đọc thư.
Đọc xong đặt thư
xuống, thẫn thờ.
DUYỆT. Thư ai đấy ?
PHƯỢNG (đưa lá thư). Anh đọc đi.
DUYỆT
(cầm thư nhìn qua). Thư thằng Vũ à? Nó đang ở đâu ? (Đọc.)
TIẾNG
VŨ.
“Thưa mẹ kính mến.
Con bỏ nhà đi như thế này là có lỗi với bố mẹ. Nhưng con không thể làm khác
được. Từ sau hôm bố tranh chức giáo sư với bác Hưng, con thấy mọi người nhìn
con với cặp mắt khiến con đau lòng. Nhất là mấy bạn sinh viên thì tỏ vẻ khinh
bỉ con ra mặt, làm như bác Hưng bị gạt ra ngoài là do lỗi của con ấy. Con cảm
thấy không thể ở lại đây nữa. Con sẽ bỏ thành phố này đến một nơi nào thật xa,
kiếm một việc lao động để sống chính đáng và lương thiện. Con chúc bố mẹ khoẻ
mạnh. Hãy tha thứ cho con…”
DUYỆT.
Nó chẳng hiểu gì hết. Nó không biết chính anh Hưng đã đến gặp tôi xin lỗi.
PHƯỢNG.
Anh đi mà tranh luận với nó.
DUYỆT.
Với lại nó chỉ doạ xằng thế thôi, chứ đi thế nào nổi ? Ai cho nó đi ? Hộ
khẩu nó vẫn còn ở trong cái nhà này.
PHƯỢNG.
Nó cần gì hộ khẩu ?
DUYỆT.
Chưa kể với kiểu suy nghĩ như của nó thì chẳng thể ở đâu được lâu đâu.
PHƯỢNG. Anh bảo kiểu suy nghĩ thế nào ?
DUYỆT.
ảo tưởng ! Anh Hưng đã tỉnh ra rồi mà nó thì chưa chịu tỉnh. Không, mình phải
tìm nó về, phải giảng cho nó hiểu.
PHƯỢNG.
Đấy là chuyện giữa anh với nó. Nếu nó không về thì nó đi đâu tôi sẽ đến đấy ở
với nó.
DUYỆT.
Mình phải bắt nó về nhà.
PHƯỢNG.
Không ai bắt được nó.
DUYỆT.
Sao lại thế ? Mình là bố, la mẹ nó kia mà ?
PHƯỢNG.
Là bố là mẹ khi con cái bé bỏng, còn phải dựa vào mình. Bây giờ nó đã lớn, đã
sắp thành bác sĩ, nó có quyền của nó. Nhưng thôi, tôi không tranh luận với anh.
Tôi chỉ biét nó ở đâu, tôi sẽ đến đấy ở với nó. Có thế thôi. Anh cần danh
tiếng, anh cần giầu sang, anh cần làm ông này ông nọ. Mặc anh. Tôi chỉ cần có
nó. Tôi thà bỏ chồng chứ không bỏ con tôi được. (Định vào nhà trong.)
Cánh cửa mở. Vũ bước
vào.
VŨ.
Chào bố mẹ !
Nghe tiếng con,
Phượng quay ra, chạy đến bên con.
PHƯỢNG.
Ôi, con tôi ! Vào nhà đi, con !
DUYỆT.
Tôi đã bảo mình rồi mà. Thế nào con nó cũng về…
VŨ.
Trước khi đi xa, con muốn gặp bố.
PHƯỢNG.
Con đi đâu, mẹ sẽ đi với con.
VŨ.
Đến nơi con sẽ viết thư báo để mẹ đến. Bay giờ mẹ để con nói vài lời với bố.
PHƯỢNG.
Thì hãy vào và ngồi xuống đã rồi nói gì thì nói.
VŨ.
Mẹ để mặc con. (Quay sang bố.) Sau câu chuyện hôm nay, bố có thể yêu con hơn mà
cũng có thể căm ghét con. Nhưng con có bổn phận phải nói hết những điều làm con
băn khoăn.
DUYỆT.
Tốt lắm. Bố cũng rất mong như thế.
VŨ.
Điều con băn khoăn nhất là mấy nămn nay bố thay đổi nhiều quá. Ngày trước bố có
như thế này đâu ? Bây giờ bố tranh thủ cướp lấy quyền lợi và danh vọng càng
nhiều càng tốt, giẫm đạp lên mọi thứ chân chính, như để trả thù những thua
thiệt bố phải chịu xưa kia.
DUYỆT.
Bây giờ người ta không thể chỉ sống bằng tinh thần như ngày xưa được nữa.
VŨ.
Con đồng ý là không thể sống bằng tinh thần, nhưng không thể vì thế mà có thể
làm mọi chuyện bất kể chính đáng hay không.
DUYỆT
(cười vang). Con tôi mới ngây thơ làm sao ! Ngày nay còn ai sống chính đáng
nữa ? Người ta giành giật nhau mọi thứ. Kể cả những người xưa nay hiền lành
nhất, bây giờ cũng phải dối trá, phải ăn cắp, ít nhất cũng ăn cắp tám giờ vàng
ngọc của nhà nước.
VŨ. Con không tin tất cả mọi người đều
hư hỏng cả. Thí dụ như bác Hưng…
PHƯỢNG (không nhịn được). Bác Hưng
thì có công trạng gì mà con ca ngợi đến thế ? Nếu vậy thì dọn sang mà ở với bác
ấy !
DUYỆT. Mình để yên tôi nói chuyện với con. (Quay
sang Vũ.) Bố chỉ cần biết việc của bố cũng đủ mệt rồi. Nhân nói đến bác
Hưng, con chưa biết nhiều về bác ấy đâu. Sống ở đời, mỗi người chọn lấy một
cách sống có lợi nhất với họ, và phải chịu mọi hậu quả của cách sống ấy. Bác
Hưng ỷ vào những lợi thế của bác ấy, không cần gì đến mọi người xung quanh. Mà
xã hội ta hôm nay mọi thứ đều từ cơ sở. Bác ấy không thuyết phục được tập thể ở
cơ sở thì bác ấy phải gánh chịu. Bác ấy không thể trách ai, mà chỉ có thể tự trách
bản thân.
VŨ.
Vậy sai lầm của bác Hưng là đã không thấy được vai trò của cơ sở, ý bố là như
thế phải không ạ ?
DUYỆT.
Đúng thế. Nói cách khác là bác ấy không thực tế. Bác ấy sống trong một xã hội
tưởng tượng. Chính bố, trước đây cũng mắc đúng cái sai lầm của bác ấy. Nhưng
bây giờ bố đã hiểu ra.
VŨ.
Và bố đã thay đổi ?
DUYỆT.
Vậy là con đã hiểu ra vấn đề rồi chứ gì ? (Đắc thắng.) Sống ở đời phải
thực tế mới được ! Bố phải mất bao nhiêu thời gian mới vỡ lẽ ra được như thế.
VŨ (đau
đớn). Ôi, cái thực tế ấy tàn bạo quá!
DUYỆT.
Biết làm sao được ? Nếu thực tế, con sẽ thấy ở nước ta, khoa học là một thứ xa
xỉ phẩm, vừa đắt giá vừa vô dụng.
VŨ.
Và theo bố, con không nên đọc sách chuyên môn nữa ?
DUYỆT. Hoàn toàn không đọc thì không nên,
nhưng nên bớt thời giờ đọc sách để gặp gỡ mọi người.
VŨ. Để la cà khắp mọi nơi ?
DUYỆT. Đúng thế. Tóm lại là nên lười đi một
chút. Chỉ cần một trình độ tối thiểu để làm việc là đủ. Đừng giỏi quá chỉ tổ
làm mọi người ghen ghét…
VŨ (đột nhiên). Không ! Có thể cái thực
tế ở xã hội ta hiện nay là như thế, nhưng con không tin là xã hội cứ như thế
này mãi…
DUYỆT. Có thay đổi chứ, nhưng không nhanh
như con tưởng, và như bác Hưng tưởng.
VŨ. Con không chịu đầu hàng cái thực tế
ấy.
DUYỆT. Thì con sẽ vấp ngã, và chẳng ai thương
con đâu !
VŨ. Lớp trẻ chúng con không chịu đầu hàng
cái thực tế khủng khiếp ấy. Chúng con không muốn biến thành những kẻ chán
chường, không còn tin vào thứ gì nữa. (Sau một chút.) Con biết bố rất
thương yêu con, bố làm mọi việc là vì con, vì tương lai của con, nhưng con
không thể tán thành những việc làm gần đây của bố. Con đề nghị bố chủ động
khước từ cái danh hiệu mà bố không xứng đáng ấy đi. Nếu bố không chấp nhận đề
nghị ấy của con, con đành mang tội bất hiếu và sẽ không bao giờ trở lại cái nhà
này nữa. Con xin chào bố mẹ, (Định ra.)
PHƯỢNG. Kìa, anh nói gì đi, để nó quay lại !
DUYỆT. Thằng điên !
Vũ đã ra khỏi nhà.
PHƯỢNG (hét lên). Vũ ! Đợi mẹ đã ! (Chạy
theo con.)
DUYỆT (đứng phắt dậy). Một lũ điên !
Đi hết cả đi ! Còn lại một mình, tôi càng rảnh chân. (Đi đi lại lại, giận
dữ, rồi ngồi phịch xuống ghế, ôm đầu.)
Tiếng gõ cửa.Duyệt
vẫn không nhúc nhích.Tiếng gõ mạnh hơn. Duyệt vẫn không đứng dậy.
Nữ y sĩ đẩy cửa bước
vào.
NỮ Y SĨ. Báo cáo Chủ nhiệm khoa, đêm qua hai
bệnh nhân đã bỏ trốn. Cả cái bác dệt chiếu ở Thái Bình ấy.
DUYỆT. Mặc họ !
NỮ Y SĨ. Thưa Chủ nhiệm Khoa, em phải làm gì bây giờ ạ ? Có cần
báo cáo Ban Giám đốc Viện không ạ ? Hay chỉ cần báo công an hay thông báo với
địa phương để họ bắt đưa về thôi ạ ?
DUYỆT. Cô muốn làm gì thì làm. Tôi đang ốm. Tôi cần nghỉ. (Từ
từ bước vào nhà trong.)
NỮ Y SĨ. Thôi được. Chủ nhiệm Khoa cứ nghỉ đi ạ. Em sẽ nghĩ
cách. (Ra nhanh.)
Cảnh Tám
Nhà bác sĩ Hưng. Buổi tối. Đám trẻ, bạn Hải, đang vui
chơi.
NAM 4. Chúng ta
vừa tranh luận thế nào là con người. Con người vừa là thần thánh, vừa là xúc
vật. Nói đúng hơn, con người không phải thứ này cũng không phải thứ kia. Và nói
cho thật chính xác thì, con người ở trên đường ranh giới giữa thần thánh và thú
vật, chệch sang bên này anh là thú vật, chệch sang bên kia anh là ông Thánh…
NAM 1. Được là ông Thánh thì còn gì bằng nữa ?
NAM 2. Nếu cậu là ông Thánh, sẽ không cô nào dám lấy cậu hết.
Cho nên thà làm thú vật tớ còn thú hơn.
NAM 3. Là ông Thánh hay thú vật thì có gì quan trọng ? Tớ vẫn
là tớ, có khác gì đâu ?
NỮ 1. Đúng thế. Thần thánh hay thú vật chỉ là tên gọi, không
thay đổi được bản chất con người.
NỮ 2. Quan trọng lắm chứ ! Nếu người ta gọi cậu là ông Thánh,
cậu sẽ được lên Thiên đường. Còn nếu người ta gọi cậu là thú vật thì cậu sẽ bị
xích vào gốc cây và nằm trong cũi. Đừng dại mà coi thường cái tên gọi nhé !
NAM 1. Đúng thế. Cái tên gọi là vô cùng quan trọng đấy. Chẳng
thế ngày xưa, người ta dâng lên ông vua hàng chục chữ để làm tên gọi. Và ngày
nay, nếu cậu được phong danh hiệu gì là cậu được hưởng mọi thứ kèm với cái danh
hiệu ấy. Mà danh hiệu là gì ? Là tên gọi chứ còn gì nữa !
NỮ 1. Bắt đầu nói nhảm rồi đấy, ông bạn ơi.
NỮ 3. Triết lý xuông mãi chán lắm rồi. Ta chơi cái trò gì hay hay
chứ nhỉ ? Bạn nào vào trong nhà bê máy quay đĩa ra đây.
NAM 4. Quay đĩa thì yếu quá. Bác sĩ Hưng mà không có được cái
ba con bẩy nhỉ ?
Ttát cả cùng cười.
Vậy mình
vào lấy nhé ?
NAM 2. Đợi chủ nhà về đã.
NỮ 1. Nó dặn cứ thoải mái kia mà.
NAM 4. Thanh Hải đi đâu mà lâu thế nhỉ ? Bận gì mà mời bạn bè
đến chơi cũng không ở nhà tiếp được ?
NỮ 3. Nó chẳng bảo việc đột xuất là gì ? Ta cứ bê máy quay đĩa
ra. Không phải đợi. (Chạy vào nhà.)
NAM 3. Để mình bê ra cho. (Chạy vào theo.)
NAM 1. Thanh Hải không nói đi đâu à ?
NỮ 1. Không.
NAM 2. Việc lành hay việc dữ không biết ?
NỮ 1. Nhưng nét mặt nó có vẻ không vui.
Nam
3 bê máy quay đĩa ra. Nữ 3 đi theo sau, ôm hộp đĩa nhạc.
NAM 2. Lúc nãy cậu bảo con người không phải là thần thánh …
NAM 3. Mà cũng không phải súc vật.
NAM 2. Nhưng như thế thì…
NỮ 3. Thôi đi, mấy nhà triết lý dở hơi.
Nghe nhạc đi cho khỏi hoài phí tuổi xuân. Có những đĩa gì nào ? (Xem các
đĩa.) Sô-panh, được không ?
NỮ 1. Không có thứ gì nhộn nhạo hơn hay sao
?
Tiếng
lạo xạo rồi tiếng nhạc. Một bản van-xơ của Sô-panh. Họ mới nhau nhẩy. Các đôi
quay trong tiếng nhạc vui tươi.
NAM 2. Nhưng mình vẫn còn băn khoăn. Con
người không phải súc vật, vậy chỗ khác nhau là ở đâu ?
NỮ 3. Có thôi cái thứ triết
lý vô bổ ấy đi không nào ? Nhẩy thôi ! Và nghe nhạc !
NAM 2 (nhẩy với Nữ 3). Ba mẹ Thanh Hải đi nghỉ mát đến bao
giờ mới về nhỉ ?
NỮ 1. Còn lâu, phải cuối tháng kia. Nghe
nói bác sĩ Hưng đã chụ năm nay không nghỉ phép, lần này gộp cả vào để đi một chuyến.
NAM 2. Và Thanh Hải có mỗi một mình trong
cái nhà thênh thang này ư ?
NỮ 2. Nhưng hỏi để làm gì ? Định đánh lẻ chứ
gì ? Đúng lúc đấy, nó đang rục trặc với anh Vũ. Tranh thủ ngay đi !
Tiếng
gõ ngoài cánh cổng. Tất cả dừng lại, nhìn ra.
NỮ 3. Chủ nhân đã về !
Vũ
bước vào, dáng đăm chiêu. Anh ngạc nhiên nhìn mọi người.
(Reo lên.) Anh Vũ !
VŨ. Mình cần gặp Hải …
NỮ 3. Hải không có nhà, anh ạ.
VŨ. Bạn ấy đi đâu ?
NỮ 3. Lúc chúng tôi đến thì Thanh Hải đã đi
rồi.
NỮ 1. Anh Vũ vào đây đã. Thanh Hải bảo chỉ
đi một lát rồi về ngay.
VŨ (từ từ bước vào). Các bạn cứ tự
nhiên, mặc tôi. (Với Nam 2.) Hải không nói đi việc gì à ?
NAM 2. Không, anh ạ.
Đột
nhiên, có tiếng gõ vào cánh cổng. Tất cả nhìn ra.
Im ! (Ra mở cổng.) Hai bác đã
về ạ ?
Hai
vợ chồng bác sĩ Hưng bước vào, tay xách nách mang. Đám trẻ nhao nhao chào “Hai bác đã về ạ ?”
rồi chạy ra đỡ các gói đồ đem đặt lên thềm.
LIÊN. Các cháu đến chơi với em Hải đấy à ?
Hải đâu ?
NỮ 3. Thưa bác, Thanh Hải đi một lát, sắp về
rồi ạ.
LIÊN (nhìn thấy Vũ). Kìa, cháu ! Nó
có bảo đi đâu không, cháu ?
VŨ. Thưa bác, cháu không biết ạ. Cháu
cũng chỉ vừa mới đến.
LIÊN. Các cháu cứ vui chơi tự nhiên. Mặc
hai bác. (Cùng chồng vào nhà.)
NỮ 3. Sao Hải nó bảo hai cụ cuối tháng mới về kia mà ?
NỮ 2. Chắc ở nhà nghỉ ăn uống quá tồi chứ gì
?
NỮ 3. Ta rút thôi. Ba mẹ Hải mới đi xa về,
cần được nghỉ ngơi yên tĩnh.
NỮ 1. Phải đợi nó đã chứ ! Cái con ranh này,
đi đâu mà lâu thế không biết ! (Quay sang Vũ.) Anh mà cũng không biết nó
đi đâu ạ?
VŨ. Sáng nay Hải đến tìm mình, nhắn lại
là tối đến nhà gặp Hải có việc cần. Có lẽ tại mình đến hơi muộn, Hải lại đi tìm
mình cũng nên.
NỮ 1. Ta cũng nên về thôi. Đợi nó thì biết
đến bao giờ. Anh Vũ ở lại, chúng tôi về nhé !
Tất
cả hướng vảo phía trong, chào hai vợ chồng bác sĩ Hưng, rồi chào Vũ.
LIÊN (chạy ra). Các cháu không đợi
em Hải à ?
NỮ 3. Thưa bác, muộn rồi. Và hai bác mới về
cần nghỉ ngơi. Hôm khác chúng cháu sẽ lại đến thăm hai bác.
LIÊN. Các cháu về ! Thỉnh thoảng đến chơi với em nhé !
Đám trẻ kéo nhau ra.
(Quay sang Vũ.) Cháu đợi Hải chứ ? Có vào nhà
không ?
VŨ. Thưa bác cháu ngồi ngoài này cho
thoáng ạ.
Đám trẻ đã ra hết. Liên
đóng cổng rồi vào nhà. Vũ còn lại một mình, ngồi xuống một chiếc ghế, tư lự. Có
tiếng gõ cổng. Vũ ra mở. Hải và Phượng bước vào.
(Sửng sốt và lúng túng.) Mẹ !
HẢI (đưa mắt nhìn bào nhà). Ôi, ba
mẹ cháu đã về rồi kìa ! Sao sớm thế nhỉ ? (Với Phượng.) Bác ngồi chơi
với anh Vũ, cháu phải vào nhà xem có chuyện gì mà ba mẹ cháu vội về thế … (Chạy
vào nhà.)
VŨ. Sao mẹ biết con ở đây ạ ?
PHƯỢNG. Con định bỏ nhà đi thật đấy à ? Mà
con định đi đâu ?
VŨ. Lúc viết lá thư cho bố, con định bỏ
đi hẳn. Nhưng rồi nghĩ lại, con thấy không việc gì phải tiêu cực thế. (Sau
một chút.) Hôm qua, sau khi con đi rồi, mẹ thấy bố thế nào ạ ? Có căm ghét
con lắm không ạ ?
PHƯỢNG. Có mỗi đứa con lại cam ghét thì còn
sống với ai ? Thật ra bố làm mọi thứ ấy cũng chỉ vì hai mẹ con mình thôi. Sáng
nay bố dậy rất sớm, hý hoáy viết. Lúc bố đi ra ngoài, mẹ lén đọc thử thì ra thư
đề nghị Hội đồng xem lại và phong danh hiệu Giáo sư cho bác Hưng trước.
VŨ. Thật ạ, mẹ ? Nghĩa là bố đã tỉnh ngộ
?
PHƯỢNG. Ngay một lúc thế nào được ? Cũng
phải dần dần thôi. Hôm nay bố viết được lá thư ấy đã là tốt lắm rồi. à, con nói
thế nghĩa là con sẽ không đi nữa ?
VŨ. Con đã đăng ký tham gia Đoàn Khảo sát
tình hình dịch bệnh vùng Tây Nguyên rồi.
PHƯỢNG. Đi lâu không ?
VŨ. Hai năm, mẹ ạ.
PHƯỢNG. Lâu thế kia à ? (Sau một chút.) Nhưng thôi, cũng
được.
VŨ. Mẹ ạ…
PHƯỢNG. Gì, con ?
VŨ. Hôm qua con nói bố thế có quá đáng không ạ ?
PHƯỢNG. Con nói là đúng và cần phải nói. Có điều vào đến trong ấy,
nhớ viết thư về động viên bố. Từ hôm qua đến giờ mẹ cũng thấy thương bố. Cuộc
sống lúc này khắc nghiệt quá, con người ta nhiều khi chỉ vì thương vợ thương
con mà phải đầu hàng thực tế. Mẹ nghĩ lại, cũng có phần lỗi tại mẹ. Lẽ ra mẹ
phải thông cảm và an ủi bố, nhưng mẹ đã không làm thế, mà trái lại, còn đòi hỏi
ở bố quá nhiều. May mà con không tán thành cách sống ấy. Con không thích dùng
mánh khoé, mưu mẹo cả trong chuyện sự nghiệp lẫn chuyện tình cảm…
VŨ (ngạc nhiên nhìn mẹ). Mẹ lấy bố không được hoàn toàn
thoải mái ạ ?
PHƯỢNG (sau một chút). Bố theo đuổi mẹ suốy mấy năm
liền. Thậm chí lúc mẹ có người yêu rồi, bố vẫn không buông. Mãi đến năm ấy, cái
bác mẹ yêu bỗng bỏ mẹ cưới con gái một quan chức rất to, rất có thế lực, mặc dù
không yêu gì chị ta . Mẹ đau đớn quá, không cả thiết sống nữa. Mẹ bèn quyết
định lấy chồng để quên đi mọi thứ. Mọi thủ tục cưới hỏi tiến hành rất nhanh,
chỉ trong một tuần. Sai lầm ấy mẹ đã phải trả giá. Bố biết mẹ không yêu nên lúc
nào cũng loay hoay tìm cách kiếm tý danh vị, lợi lộc, hy vọng tăng thêm được
giá trị trong con mắt mẹ. Kể cũng tội nghiêp. Mẹ nhìn thấy nhưng mặc kệ. Mà mẹ
cũng có sướng gì đâu ? Luôn cảm thấy cô đơn. May còn có con để mẹ dốc hết tình
cảm vào…
VŨ (sau một chút). Con thì không đời nào lấy
ai khi chưa thấy người ta thực lòng yêu mình.
PHƯỢNG. Phải thế, con ạ. Như vợ chồng bác Hưng ấy. Tính bác
trai khô khan là thế mà bác Liên vẫn yêu quý hết mực. Mỗi lần đến Viện, nghe
thấy ai nhắc đến tên bác trai là mắt bác gái sáng rực lên.
Liên, Hưng và Hải từ trong nhà ra.
LIÊN (mừng rỡ). Chị Phượng ! Chị đến từ bao giờ mà mãi
vừa rồi cháu Vũ mới nói tôi biết.
PHƯỢNG. Sao anh chị về sớm thế ạ ?
LIÊN (vui vẻ). Nhà tôi khó tính khó nết lắm. Phong cảnh
Vịnh Hạ Long đẹp như thế mà không chịu ở.
HƯNG. Chính em đòi về đấy chứ !
LIÊN. Nhưng nghỉ mát mà suốt ngày cằn nhằn, ân hận không đem
theo sách để đọc, thì ở lại làm gì nưã ?
PHƯỢNG. Nhà nghỉ không có sách đọc ạ ?
HƯNG. Có, nhưng chỉ toàn sách chính trị với sách giải trí
thôi, chị ạ.
LIÊN. Hôm đi, tôi đã nhắc mang theo mấy cuốn sách chuyên môn
nhưng nhà tôi cứ khăng khăng từ nay không đọc sách chuyên môn nữa.
HƯNG (cười). Cũng định thế, nhưng không nổi. Thành
bệnh mất rồi, chị Phượng ạ. Một ngày không kiếm được ít kiến thức chuyên môn
vào bụng thì không còn thấy phong cảnh nào là đẹp nữa.
Tất cả cùng cười.
LIÊN. Mời chị vào nhà, nếm mấy quả đào Bãi Cháy. Nghe bảo năm
nay nhiều sâu lắm nên đào hiếm.
Liên, Phượng và Hưng vào nhà. Còn lại Hải và Vũ.
HẢI. Anh có giận em không ?
VŨ. Giận chuyện gì ? Chuyện em rủ mẹ anh đến đây gặp anh ấy
à ? Không giận mà còn cảm ơn ấy chứ.
HẢI. Không. Về chuyện em chê ba em cơ. Nhưng đến bây giờ thì
em nhìn ra được rồi. Anh nói đúng, ba em quả là một con người tuyệt vời. à, mà
bao giờ anh đi ?
VŨ. Nhưng Hải biết anh đi đâu chưa đã ?
HẢI. Biết rồi. Em không đợi được đâu. Hai ngày không gặp nhau
còn bứu rứt nữa là hai năm ! Em phải kiếm bồ khác thôi.
VŨ. Liệu hồn ! Anh giết cả đôi. Em nhớ dao rừng Tây Nguyên
sắc nổi tiếng đấy nhé.
HẢI. Eo ơi ! Sợ quá ! Nhưng nếu vào đấy, anh lại mê một cô gái
Ba Na thì cũng phải đánh điện ra ngay để em còn liệu nhé !
VŨ. Cô gái Ba Na của anh đây ! (Ôm Hải hôn thắm thiết.)
Hai vợ chồng Hưng tiễn khách ra đến cửa, thấy thế vội dừng lại, nhìn nhau
mỉm cười.
HẾT
1980
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét