Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2018

Khổng giáo

'








KHỔNG GIÁO


         1. Đạo Khổng không phải một tôn giáo, không có thần quyền. Đã có thời người ta tính biến nó thành tôn giáo, lập đền thờ, kê ra các vị “thánh”, theo trật tự giống như hệ thần thánh của một tôn giáo, nhưng cuối cùng vẫn không thành. Việc làm trên thật ra theo quy luật chung : muốn một triết học trở thành tôn giáo (như có người đã nói rất chính xác: “Tôn giáo là triết học đại chúng hoá (dành cho người không chuyên”) nhưng cuối cùng vẫn không thành. Đạo Khổng vẫn giữ nguyên là một “con đường”. Đó là “con đường” của Khổng Tử, là cái đạo của người quân tử. Nhưng “quân tử” là gì ?

         2. Khổng tử quan niệm “Thiên” là “lẽ tự nhiên. Ngài nói Tình mẫu tử là thiên tính. Ngài cho rằng “đúng nghĩa là hợp với thiên tính (lẽ Trời). Tuy nhiên Ngài cho rằng cái “lẽ Trời” đó đã định hình và không nên thay đổi. Người xưa đã dựa theo lẽ trời đề ra trật tự , thể hiện trong “Lễ”. Tuân theo Vua là Lễ, chống lại Vua là trái Lễ. Vì vậy trong Thiên Vi Chính (bài 20), Ngài khen Văn Vương (vồn là người có tài, có đức, được lòng dân và nhiều chư hầu theo, muốn giúp ông diệt vua Trụ tàn bạo, dâm loạn, nhưng ông không nghe theo họ, vẫn trung với vua Trụ ) là “được hai phần ba thiên hạ theo mình mà vẫn thần phục nhà Ân. Đức của nhà Chu (ý nói Văn Vương) như vậy có thể nói là cực cao”.

         3. Người ta  thường gắn hai tên Khổng Tử và Mạnh Tử, thật ra hai người  rất khác nhau. Nhiều khái niệm bị coi là của Khổng tử, thật ra là của Mạnh Tử, thí dụ Tam cương Ngũ thường, hoặc câu Dân vi quý, Xã tắc thứ chi, Quân vi khinh...

         4. Đạo Khổng không bàn đến đến quỷ thần, đến thế giới “bên kia” cho nên không  “địch” được với các tôn giáo, không đáp ứng được thứ mà ngày nay người ta gọi là “nhu cầu tâm linh” của quảng đại quần chúng vô học. Chẳng thế, nho thần đời Trần là Lê Quát đã đau lòng soạn bài văn bia ở chùa Chiệu Phúc, Bái thôn, lộ Bắc Giang như sau (theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, bản kỷ, quyển VI):
         Nhà Phật lấy hoạ phúc để cảm động lòng người , sao mà được người  ta tin theo sâu bền đến  thế ! Trên từ vương công, dưới đến  dân  thường , hễ bố thí vào việc nhà Phật, dù đến  hết tiền của cũng không sẻn tiếc. Vì ngày nay gửi gắm vào tháp chùa thì trong lòng sung sướng như nắm được khỏan ước để lấy sự báo ứng ngày  sau. Cho nên, trong tự kinh thành, ngoài đến  châu phủ, cho đến  thôn cùng ngõ hẻm, không  phải ra lệnh mà tuân theo, không bắt phải thề mà giữ đúng. Chỗ nào có người  ở, tất có chùa Phật, bỏ đi rồi lại dựng lên, nát đi rồi lại sửa lại, lâu đài chuông trống chiếm đến  nửa phần so với dân cư. Đạo Phật thịnh rất dễ, mà được rất mực tôn sùng. Ta thuở trẻ đọc sách, khảo xét xưa nay, cũng biết rõ ít nhiều về đạo của thánh nhân, dùng để giáo hoá người  ta mà rốt cuộc chưa có thể được tin theo ở một hướng. Từng dạo xem núi sông,dấu chân đi hàng nửa thiên hạ, mà tìm nhà học và văn miếu thì chưa từng thấy có đâu. Do đấy ta rất lấy làm xấu hổ với tín đồ nhà Phật. Bèn viết ra đây để tỏ lòng ta”.


        
KINH DỊCH
 Bát Quái là 8 con số đầu theo hệ Nhị Phân

Tại sao mình đọc bao nhiêu bài nghiên cứu về Kinh Dịch chưa thấy ai nói đến 8 quẻ chính là 8 con số đầu tiên của hệ đếm nhị phân, từ 0 đến 7 ? Điều này, triết gia kiêm nhà toán học Đức Leinniz (1646-1716) đã phát hiện. Nếu ta thay mỗi hào (nét) bằng một con số, rồi áp dụng cách đếm nhị phân, thí dụ thay haò đứt bằng số 0, hào liền là số 1,  thì 8 quẻ trong Bát quái (quái có nghĩa là “quẻ) chỉ là 8 chữ số, từ 0 đến  7,
 Mình không  phải nhà nghiên cứu sâu nhưng cũng thử hình dung quá trình hình thành Bát quái như sau.
         Thời đó (và cả ngày nay) con người rất muốn biết trước một điều gì đó để chuẩn bị ứng phó (nhu cầu tiên đoán, nhất là đoán thời tiết, là thứ rất cần trong nông nghiệp). Đầu tiên sự bói mới chỉ đơn giản theo hai “khả năng” : Có và Không,
(Khởi đầu của tư duy trừu tượng là phân biệt ra hai. Theo Trần Đức Thảo, là giữa “cái này và cái kia”. Tư duy trừu tượng phát triển tiếp và người  ta bắt đầu  phân biệt giữa “có và không”. Lịch sử nhân loại cho thấy những ký hiệu đầu tiên của con người (về số học, phục vụ cho việc trao đổi sản phẩm, là “có hay không “, và ký hiệu của “có” thường  là một chấm đặc hoặc một vạch, còn ký hiệu của “không” là một khuyên hoặc một vạch đứt (ý nói là “rỗng”). Tiếp đó người ta phân biệt giữa “có nhiều và có ít”, thế là xuất hiện hành động đếm. Hệ thống đếm đầu tiên chỉ dùng hai ký hiệu có và không : chấm và vòng tròn rỗng, hoặc vạch và vạch đứt.
Ta có thể tóm tắt như sau:
 Bước 1: được ký hiệu là ---,  không được ký hiệu là - -
 Bước 2: có, nhưng chỉ có một, được ký hiệu ---
              Còn hai   - -
                                 ----       
                      ba       ----
                                ----
                   bốn         -  -
                                -  -
                                ---
                   năm là ----
                                -  -
                                ----, vân vân                                      

Khi xuất hiện hoạt động bói toán (con người  ta rất muốn biết trước tương lai), lúc đầu chỉ là trong hai khả năng, sẽ là khả năng nào? Năm nay sẽ được mùa hay mất mùa, liệu trời có sắp mưa hay không, người đang bệnh nặng kia liệu có qua khỏi được không hay sẽ phải chết ? vv. Các nhà bói toán sử dụng hai ký hiệu “có” và “không”tương đương với hai con số hiện đại là 1 và 0. Kết hợp vào đó là tư duy triết học phát triển, trên con đường tìm nguyên nhân của vạn vật, các triết gia nhận ra rằng trời đất đều có hai mặt đối lập nhau : con người có Nam-Nữ, thiên nhiên có Trời-Đất, rồi Cao-Thấp... (Nhiều nhà nghiên cứu thời nay tìm ra nguồn gốc hai chữ Am-Dương, là do yana [đàn bà, mẹ] và giàng [trời] ).
         Khi bắt đầu có nhu cầu đếm (hoặc 1 và 0) “---“ là 1, “- -“ là 0. Nhưng tư duy số học phát triển, người ta muốn đếm. Và như tôi đã nói ở trên, cách đếm đầu tiên là theo hệ nhị phân.



Một thời gian sau đó, trong nhu cầu tăng khả năng đếm, các nhà toán học mở rộng được cách đếm. Cách đếm đầu tiên, đồng thời cũng đơn giản nhất là theo nhị phân. Khi đó từ O (nét đứt - - ) và 1 (nét liền   ___    ) sẽ mở rộng ra thành :
                  0 : (- -)  (- -)   (- -)
                  1 : (- -)  (- -)   (     )      
2 : (- -)  (     )   (- -)
                  3 : (- -)  (     )   (     )
                  4 : (     )  (- -)  (- -)
                  5 : (     )  (- -)  (     )
                  6 : (     )  (    )   (- -)
         7 : (    )  (    )  (    )
Nghĩa là 8 con số, từ 0 đến 7, Điều này tạo cho cả các nhà bói toán nâng số khả năng từ 1 lên 8. Nói cách khác dễ hiểu hơn thì nếu trước đây chỉ có hai quẻ “Am-Dương” (hai khả năng) thì ngày nay đã có 8 quẻ, được đặt tên như sau: Khôn, Chấn, Khảm, Đoài, Cấn, Ly, Tốn, Kiền. Tạm xếp tho tương ứng như sau:
                  Khôn     Chấn    Khảm    Đoài     Cấn      Ly      Tốn     Kiền        
                  0           1            2          3          4            5           6           7
                      - -         - -          - -        - -       ---          ---        ---        ---
                      - -         - -          ---       ---       - -           - -        ---        ---
                      - -         ---         - -        ---       - -           ---       - -         ---
         Mỗi quẻ được quy vào một yếu tố thiên nhiên (bởi mục đích chính của khoa bói toàn thời gian đầu là nhằm « đoán thời tiết, thứ cần thiết nhất của người làm nông nghiệp): Khôn là đất (đồng thời là nữ, là hiền lành, nhu thuận), Chấn là sấm sét, tượng trưng cho sự hung dữ, cho tai hoạ). Khảm là nước, tượng trưng cho sự hiểm trở. Đoài là đầm, thể hiện sự vui vẻ. Cấn là núi, thể hiện sự vững chãi, yên ổn. Ly là lửa. Tốn là gió. Kiền (hoặc Càn) là Trời, đối lập với Khôn, tượng trưng cho nam giới, hoặc nam tính (Do đó mới có hai chữ Can-Khôn đi với nhau, có nghĩa Trời-Đất). Sau này,thấy 8 quẻ không đủ, người  ta bèn chồng hai quẻ lên nhau, thành 64 quẻ. Hệ thống 8 quẻ gọi là Tiên thiên Bát quái, hệ thống 64 quẻ gọi là Hậu thiên Bát quái. Trong hai quẻ đó, quẻ dưới được gọi là nội quái, quẻ trên gọi là ngoại quái. Người đời sau thần bí hoá các ký hiệu trên và mỗi người giải thích theo một cách.
Rất có thể thuật bói bằng mai rùa rất phổ biến vào thời cổ (Theo sử, đời nhà Thương chưa có Bát quái, chỉ mới biết cách bói bằng mai rùa, gọi là “bốc”), và các nhà bói toán đã vạch ra tám con số trên lên mai rùa thành hình tròn. Khi có người phát hiện ra, không hiểu nội dung ban đầu, cho rằng do Phục Hi, một nhân vật huyền thoại, tạo ra, và gọi nó là Hà đồ, Lạc thư (Hà xuất Đồ, Lạc xuất Thư, Thánh nhân tắc chi). Về điều này, Âu Dương Tu, một văn hào đời Bắc Tống, trong tác phẩm Dịch Đồng Tử vấn, đã vạch ra chỗ mâu thuẫn trong việc giải thích nguồn gốc của Bát quái.  Ông nói : “đoạn trên bảo Bát quái do Trời sai con Long Mã ở sông Hà đội lên mà giao cho Phục Hi, đoạn dưới lại nói bát quái là do người làm: Phục Hi xem các hiện tượng trên trời dưới đất mà vạch ra, bức Đồ hiện lên trên sông Hà không can dự gì tới, vậy biết tin thuyết nào ?
         Hơn nữa thật ra Hà đồ và Lạc thư  hồi mới xuất hiện hình thù ra sao không ai biết. Nghe nói hai thứ đó đã thất lạc từ trước khi Khổng Tử ra đời hơn 100 năm. Hình vẽ mà chúng ta hiện thấy in trong các sách chính là do Khổng An Quốc, hạu duệ của Đức Khổng) một học giả và đại thần của vua Hán Vũ Đế (140-86 trước Công Nguyên) vẽ ra, và hơn một ngàn năm sau mới được công bố trên sách.
         Hình Lạc thư của Khổng An Quốc được miêu tả như  sau: “đầu đội 9, đuôi 1, hai chân trước 2 và 4, hai chân sau 6 và 8, giữa lưng 5” cụ thể như sau :










Nếu cộng các số theo các chiều ta được
               
                                                                                         



        Nhưng đó chính là “Ma Phương” (Carré Magique) của người  phương Tây đã tìm ra từ thời cổ, họ thấy rất lạ, bèn dùng nó làm bùa. Vậy có mối liên quan nào giữa phát hiện của phương Tây và của Khổng An Quốc ? Chỉ biết một điều là phát hiện của Khổng An Quốc  đã làm nhiều người phẫn nộ, về tội làm cho Kinh Dịch mất ý nghĩa “triết học sâu xa” và chỉ còn là một hình “toán học” ! Thậm chí có người  lớn tiếng mắng Khổng An Quốc là “bóp méo” và “hạ thấp” cụ tổ 12 đời của mình (Bởi nhiều người vẫn đinh ninh rằng tác giả Kinh Dịch là Khổng Tử !). Trong khi đó, nhiều nhà Lý luận khác, nhất là gần đây lại cho rằng Khổng An Quốc đã chứng minh Bát Quái là “khoa học”.
         Theo Dư Vinh Lương (do Phùng Hữu Lan dẫn trong Trung Quốc Triét học Sử) thì cho rằng Bát quái chỉ có thể xuất hiện trong đời Ân, từ cuối nhà Thương đến đầu nhà Chu (thế kỷ 12 trước Công Nguyên), và Bát quái tạo ra chỉ để bói. 
         Đại ý của Dư Vinh Lương, và sau này một số người  khác (thí dụ Phùng Hữu Lan) như sau. “Tại sao gọi là Kinh Dịch ? Dịch là thay đổi. Nhưng Kinh Dịch chỉ có nghĩa đó từ khi nó trở thành một tác phẩm triết học cuối thời Xuân Thu, còn hồi đầu nhà Chu, nó chỉ là một sách bói. Trước kia người ta bói bằng cỏ thi rất phức tạp, nhưng từ khi bói bằng Bát quái, dễ dàng hơn nhiều. “Dịch” chính là từ chữ “Dị” nghĩa lad “dễ”. Trong sách này, khi bốc thăm, mỗi quẻ ứng với một câu đoán, dưới mỗi hào cũng vậy. Viên Thái bốc (quan bói của Vua) bói được quẻ nào, hào nào thì cứ theo lời đoán trong sách mà suy luận. Do đó có tên là Chu Dịch, nghĩa là « cách bói đời nhà Chu ».
         Nhận xét này càng thấy Kinh Dịch không thể là của Khổng Tử, một người rất không tin vào ma quỷ, vào bói toán. Thuyết ngày nay được nhiều người công nhận, cho rằng Kinh Dịch (đúng hơn là những lời đoán cho mỗi quẻ) là do bốn tác giả: Phục Hi, Văn Vương, Chu công và Khổng tử, và các thầy bói khi bói đều khấn cả bốn vị đó.
         Một chứng cứ rõ ràng, tác giả Kinh Dịch không phải Khổng tử, bởi Ngài không  viết gì. Tất cả chỉ do học trò của Ngài kể lại mà thành sách mà thôi. Luận Ngữ chính là những lời của Không Tử, sau khi  Ngài chết, được các học trò của Ngài nhớ lại và tập hợp mà thành. Và trong khi “nhớ lại” tránh sao được những “nhớ sai”. Nhưng dù sao Luận ngữ cũng còn gần với tư tưởng của Khổng Tử và đáng tin cậy hơn cả, nếu không  nói là duy nhất. Còn các kinh khác bảo là của Ngài, rất khó tin được. Trong Kinh Dịch, quan trọng nhất là mười lời đoán đời thứ nhất, gọi là Thập dực hay Thập truyện (“Truyện” xưa có nghĩa là phần giải thích “Kinh”). Vậy mà trong Luận Ngữ, Ngài không  hề giảng Kich Dịch cho học trò, mà chỉ giảng về thi, thư, lễ, nhạc. Ngay Mạnh Tử, Tuân Tử cũng không  hề nói thầy của họ viết , mà chỉ nói Ngài viết kinh Xuân Thu mà thôi. Đấy là chưa kể hai chưc “Thập dực” mãi đến  đời Hán mới bắt đầu xuất hiện.
         (Tôi đã có lần được dự một lớp học về Kinh Dịch của cụ Cao xuân Huy, người  được coi là nhà nghiên cứu Kinh Dịch tỷ mỷ và có uy tín nhất nước ta. Cụ Huy có một nhận xét, là tất cả những “lời giải” quái và hào đều không nói gì cụ thể, mà chỉ là những nhận xét về quy luật trời đất, về đạo làm người chung chung, không bao giờ cụ thể, ai muốn hiểu thế nào cũng được.)
         Thí dụ quẻ Càn, lời giải thích viết: Thiên hành kiện, quan tử dĩ tự cường bất tức (tạm dịch: “Trời (Đất) vận động rất mạnh, người quân tử  cũng theo lẽ Trời (Đất) mà tự hành động, không lúc nào ngơi nghỉ”). Có rất nhiều lời giải thích chẳng ai hiểu gì, khiến mỗi người hiểu theo một cách, thí dụ “Phệ hạp thực dã, bí vô sắc dã”. Nhà triết học phương Tây Legge J. (The Texts of Confucianism- The Yi King. Oford 1899) cho rất nhiều “truyện” (lời giải thích) chỉ là jeu desprit và chẳng có nghĩa gì hết.





*


* * *

Đến đây mình bắt đầu cảm thấy bản chất của mình là gì ?
Mình nghiện hiểu biết, nghiện khám phá. Viết văn của mình chỉ là để thể hiện một “khám phá”.
Trường hợp “Lại một mùa sen”. Nhân đọc sự tích cô Son, nhất là đề cương kịch bản của Nguyễn Bính, mình thấy cách suy nghĩ đó đơn giản quá. “Vấn đề” của Cô Son đâu phải đang yêu anh Khoá Hồng thì bị Vua bắt vào cung ? Mình linh cảm thấy vấn đề sâu hơn. Cô Son khao khát cuộc sống trong Hoàng Cung. Tuy nhận lời lấy Khoá Hồng, nhưng cô vẫn “tiêng tiếc” thế nào ấy. Một cơ hội ngẫu nhiên xuất hiện: Vua thích cô. Cô liền nhận lời. Nhưng vào đến Hoàng cung, cô mới hiểu ra sự thật. Và cô đã phải trả giá đắt cho sự ngộ nhận của mình. Và thế là một ý đồ nảy sinh trong óc, mình cầm bút viết... Phải chăng để đưa ra một cách “giải bài toán” khác với cách giải thông  thường ?
Trường hợp thứ hai là “Hoàng Tử có đôi tai bò”. Mình đã đọc từ nhỏ câu chuyện cổ Hy Lạp về vua David có đôi tai lừa. Thích thú của mình là về sự không  thể giấu mãi được một điều có thật. Cuối cùng anh thợ cắt tóc đã phát hiện ra. Motíp đó ám ảnh mình rất lâu. Và đến  một hôm, mình nảy ý định viết về đề tài “một con người cố bưng bít sự thật”. Và sự bưng bít đó gây ra bao nhiêu chuyện hài hước và bi thảm...Hồi ấy mình chỉ định viết chơi cho thoả thích.
Chỗ này cần mở một ngoặc đơn. Thuở còn học trường Trung học Phổ thông, mình rất say mê giải toán. Và vớ được cuốn Dix Milles Problèmes de Geométrie, mình liền lao ngay vào giải. Có ngày  mình giải tới 100 bài. Có gì đâu, đọc xong đầu bài, mình vẽ phác ra giấy, rồi loay hoay nghĩ. Hễ nghĩ được cách giải là mình ngừng lại, sang bài khác., k mất thời giờ làm bài giải đầy đủ, như bài nộp thầy giáo. Trong số 100 bài mình làm hôm đó, thật ra chỉ độ dăm bài phải suy nghĩ, còn hơn chín mươi bài khác chỉ vẽ ra giấy là mình đã thấy ngay cách giải, liền bỏ luôn, sang bài tiếp theo. Vậy là từ thuở nhỏ mình đã say sưa thích giải ca “câu đố” hay “nát óc”. Phải chăng đó là cách giải trí thú nhất của mình ?
Về chuyện kịch bản “Hoàng tử...” có điều đáng nói như sau. Viết xong minmhf đọc chơi cho Văn Biển nghe. Biển khoái quá, nhận luôn, bảo “vở quá hay!”. Anh ta nói :
- Mình sắp vào Lâm Đồng, nắm Đoàn kịch của tỉnh. Bí thư Tỉnh uỷ rât quý mình và sẵn sàng “giao phó” đoàn kịch tỉnh cho mình. Cho nên mình đang cần kịch bản. Kịch bản của ông vượt cả sự mong đợi của mình.
Mình cười, đưa luôn anh ta vở kịch. Vài tháng sau, Biển ra Hà Nội, đến  nhà mình, trả lại kịch bản, nói:
- Mình không ngờ người ta lại không thấy được cái hay trong kịch của ông. Hôm đó mình đọc cho Hội đồng Nghệ thuật của Sở nghe. Nghe xong, tất cả  ngơ ngác. Rồi X. buông ra một câu: “Anh Phòng đi dạy người ta viết kịch, mà anh lại viết dớ dẩn đến  mức này ư?” Mình buồn quá, và thất vọng nữa chứ. Vậy là kịch của ông, người  ta không  hiểu. Đành trả lại ông, xem nếu có dịp nào khác mình sẽ mượn lại và giới thiệu...
Mình không  nói gì, chỉ cười, rồi cất kịch bản vào ngăn kéo, và nghĩ rằng kịch của mình sẽ không ai dựng. Một hôm ai nói với nhạc sĩ Đỗ Nhuận, và ông ta tìm mình, mượn một bản về đọc.
- Tớ đang cần kịch bản để viết opera,- ông nói.
Vài hôm sau, Đỗ Nhuận đến, đưa lại mình kịch bản, nói:
- Tuyệt ! Cậu chịu khó viết lại thành librretto, tớ sẽ viết một vở opera lý thú., hết sức “dân tộc”.
Đỗ Nhuận đi rồi, mình đọc lại, xem thứ xoay cách nào để thành Librretto opera. Nhưng khó quá. Vốn tính lười biếng, mình thôi, lại cất kịch bản vào ngăn kéo như cũ. Đến một hôm sau đó chừng hai năm, một hôm Minh Châu, bạn cũ và lúc đó làm Trưởng Phòng Nghệ thuật Nhà hát Chèo đến chơi, hỏi mình:
- Hồi nay ông viết được cái gì thú vị cho Nhà hát với. Bọn mình đang rất thiếu kịch bản.
- Mình viết chơi một vở, chẳng biết các ông có thích không !
- Thế à ? Vậy thì ta làm thế này nhé. Bọn mình đang mời các tác giả đến  đọc đê tìm. Vậy Nhà hát mời ông đến đọc chơi, theo kiểu sinh hoạt văn học ấy mà, rồi sau đấy ta tính.
Hai hôm sau, đúng hẹn, Nhà hát cho ô tô đến  đón mình. Ngồi nghe hôm ấy có Phó Giám đốc và toàn Hội đồng Nghệ thuật Nhà hát Chèo. Mình đọc xong, cả phòng họp im lặng, không ai nói gì. Một sự im lặng “đáng ngại”. Vị Phó Giám đốc thúc giục mọi người phát biểu, nhưng không  ai nói gì. Một người nói :
- Chúng tôi mới nghe lần đầu nên chưa thể có ý kiến. Phải thú thật rằng kich bản của anh Vũ Đìng Phòng rất lạ, và chúng tôi thấy cần phải suy nghĩ chín châưn đã.
Vị Phó Giám đốc nói:
- Vâng, đúng thế. Xin cảm ơn tác giả Vũ Đình Phòng đã bớt chút thời giờ đến  đọc cho anh em chúng tôi nghe tác phẩm. Xin tác giả cho chúng tôi trao đổi với nhau thêm rồi sẽ xin trả lời.
- Không sao, hôm nay tôi mang kịch bản đến đọc chơi, chưa phải đã định giới thiệu với Nhà hát. Chỉ là theo tinh thần của anh Minh Châu, là một buổi “sinh hoạt văn học”, có vậy thôi. Xin cảm ơn các đồng chí đã chịu khó nghe.        
_ Vâng, chúng tôi xin thay mặt Nhà hát cảm ơn anh Vũ Đình Phòng. Bây giờ mời anh sang phòng khách ăn với chúng tôi một bữa cơm đơn giản rồi chúng tôi sẽ chở xe anh về nhà.
Trong bữa ăn, mọi người chỉ toàn nói chuyện không  dính gì đến  vở kịch, mình hiểu ngay rằng họ không  thích vở và rất ngại đụng đến  nó.
Sáng sớm hôm sau. ình còn đang nằm trên giường thì có tiếng gõ cửa. Minh Châu và Bùi Đắc Sừ bước vào.
- Xin lỗi,- Minh Châu nói.- Bọn mình phải đến  sớm, kẻo ông đi mất.
Bùi Đắc Sừ nói ngay:
- Kịch bản của anh gây ấn tượng cho chúng em rất mạnh.. Đêm qua em với anh Châu bàn tán về vở của anh đến  gần hai giờ sáng. Và sáng nay em dậy sớm, đèo anh Châu lên đây gặp anh. Xin nói ngay rằng anh Châu với em rất thích vở. Em sẽ đề nghị được dựng.
Minh Châu đỡ lời:
- Hiện ông Trần Bảng đang đi Paris, chưa có người quyết định, cho nên mình chưa thể nói gì chính thức  với ông được...





âu hoá

         Mỗi bước tiến lên của lịch sử đều phải trả giá. Khi loài vượn đứng lên đi hai chân, do xương chậu chưa thích ứng được với tư thế thẳng đứng, con cái chết rất nhiều trong lúc sinh đẻ, khiến tỷ lệ con cái so với con đực tụt xuống khủng khiếp.
         Mác có lần đã nói, chế độ thuộc địa của Anh ở An Độ, một mặt tàn bạo vô cùng, nhưng đồng thời đã làm cho xã hội An Độ tiến lên được 3 thế kỷ.
        
*
Một lần, tôi đang đi trong sân thư viện thì gặp Vương Trí Nhàn. Nhàn giữ tôi lại:
         - Anh Phòng ! Tôi muốn hỏi anh một câu: Có phải Cách mạng tháng Tám là một bước tiến theo hướng Au hoá không ?
         - Đúng thế. Nhưng căn cứ vào đâu mà cậu suy nghĩ như vậy ?
- Vì tôi thấy có nhiều biểu hiện lắm, ngay một điều là các bài hát thời cách mạng tháng Tám đều mang hơi hướng nhạc Pháp. Rõ nhất là bài Tiến quân ca ... Và biết bao biểu hiện khác nữa...
*
         Quả vậy, hồi Cách mạng tháng Tám, không khí Hà Nội rất “Tây”. Lúc đó tôi sống ở Hà Nội, khu phố tôi ở có nhiều phong trào rất tiến bộ. Mọi người không xưng hô theo kiểu “chú bác cô dì” mà quyết định dùng thống nhất “anh chị”. Tôi gặp một cụ già, vừa nói “Thưa cụ, cháu...” cụ nói luôn : “Gọi là anh, xưng tôi !”. Đúng với điều tôi ao ước từ nhỏ, khi thấy cách xưng hô ở quê nhà cản trở rất nhiều mối quan hệ bình đẳng giữa con người với nhau. Trong nữ giới nổi lên phong trào mặc "juýp". Sách báo giới thiệu rất nhiều về triết học phương Tây và những chính khách phương Tây, nhưng cần nói thêm, đa số theo hướng... "Đồng Minh", đề cao Hoa Kỳ, một số sách báo phê phán Stalin- con người thép. Chính tình hình này được Đảng Cộng sản khai thác, bằng cách để yên kiểu nhập nhằng như thế, khiến nhiều người lầm tưởng Việt Minh sẽ đi theo Hoa Kỳ, thậm chí được Hoa Kỳ ủng hộ. Ngay Trần Trọng Kim còn nói : Nếu Việt Minh được Hoa Kỳ ủng hộ và lại được dân chúng đi theo thì chúng ta nên nhường chính quyền cho họ (theo Bùi Diễm, cháu gọi ông bằng chú rể). Bản thân mình cũng hiểu sai, nghĩ rằng Cụ Hồ lãnh đạo đất nước theo con đường dân chủ. (Sau này, nhiều tư liệu chứng minh cụ Hồ đã đề xuất mối quan hệ với Mỹ, nhưng bây giờ thì mình hiểu đó chỉ là "sách lược" mang tính tình thế.)  Điều này dần dần mình mới thấy được rõ.
*
         Về Cụ Hồ
         Lần đầu tiên mình nhìn thấy Cụ là hôm Cụ đến thăm trường Phan Chu Trinh (một trường được nghe đồn là của Đảng lập ra), ngay bên cạnh nhà mình trên phố Hàng Đẫy (số nhà 44, bây giờ là phố Nguyễn Thái Học). Mình đứng trên gác hai nhìn sang. Tuy nhiên hôm đó Cụ không gây ấn tượng gì cho mình. Lần thứ hai là gần sắp tác chiến, mình được chọn vào đoàn đại biểu thiếu nhi Hà Nội (khỏng ba chục tên) lên gặp "Bác". Khi bọn mình đến Bắc Bộ Phủ, Cụ đã đứng trên thềm đón, niềm nở :
         - Các cháu vào cả đây !
         Tất cả vào theo. Trong nhà đã kê một chiếc bàn rất dài. Cụ bảo chúng mình ngồi, chia cho mỗi đứa một cái kẹo và hỏi thăm này nọ. Rồi cụ bảo :
         - Nhân tiện các cháu đến, Bác giới thiệu với các cháu các chú bộ trưởng !
         Và cụ gọi các ông Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Lê Văn Hiến... ra:
         - Đây là chú Văn, chú Tô, chú Hiến...
         Bỗng tôi phẫn nộ, thầm nghĩ : “Thôi được, cụ thì mình gọi là “Bác” cũng tạm chấp nhận được, nhưng tại sao bắt mình phải gọi những người khác là “chú” ? Tại sao không là “anh” hoặc "ông" ?” Và từ đấy mình bắt đầu lờ mờ thấy thất vọng ở cuộc Cách mạng tháng Tám: người ta định quay lại tục lệ lạc hậu cổ xưa hay sao ?
         Sau này, khi viết "Người Công dân số Một", mình được phép gặp một số cán bộ lãnh đạo cao cấp (Chu Văn Tấn, Lê Quảng Ba, Phạm Văn Đồng, Hà Huy Giáp...) để hỏi thêm về tác phong của Cụ. Rồi anh Chu Đình Xương, người sống bên cạnh Cụ trong suốt thời kỳ Cách mạng Tháng Tám với tư cách bảo vệ, thư ký riêng, rồi Giám đốc Công An Bắc Bộ) cũng kể lại nhiều chuyện về Cụ.
         Anh Lưu Trọng Lư cũng kể về ấn tượng đầu tiên của anh đối với Cụ. Trong thời kỳ Cách mạng tháng Tám và Kháng chiến chống Pháp, anh chưa được nhìn thấy Cụ. Năm 1957, khi làm Vụ Phó Vụ Nghệ thuật phụ trách khối Văn công, một lần anh dẫn một tốp diễn viên ca múa lên "phục vụ Bác" tại Phủ Chủ Tịch. Lên đến nơi, trong lúc các diễn viên vào phòng thay quần áo và hoá trang, anh đi lững thững ngoài hành lang, tay đút túi quần, điếu thuốc trên môi.
*
         Lê Duẩn về sau nhiễm bệnh “tự cho mình là vĩ nhân” (thật ra cũng một phần do cấp dưới nịnh hót ghê quá cốt để kiếm lợi riêng), nhưng có mấy điều tôi thấy ông ta tiến bộ.
         Một lần khi đọc xong tập đầu tuyển tập “Ba Giai Tú Suất” ông nhăn mặt nói : “Toàn những chuyện đả kích “thâm” nhưng tủn mủn cho thoả ấm ức cá nhân, kiểu người nông dân sản xuất nhỏ (nhân đây nhớ lại việc Lỗ Tấn đả kích kiểu “chiến thắng về mặt tinh thần” của nông dân nhỏ Trung Hoa trong kiệt tác “A.Q. chính truyện” mà rất nhiều người không nhận ra, kể cả Nam Cao, khi Nam Cao lại hiểu A.Q. là một thứ “bây”, và ông đã viết “Chí Phèo” để chứng minh xã hội Việt Nam cũng “lạc hậu” bị bọn địa chủ áp bức và phải đối phó bằng cách “bây” như thế !
         Gần đây, hôm sinh nhật Hồ Bá Thuần (em cọc chèo với Phan Ngọc và là bạn thuở nhỏ của tôi) Phan Ngọc hứng chí lên ca ngợi “sĩ tử” miền Trung (thầy đồ Nghệ) cũng đả quan lại “thâm” như thế: các quan bị chửi mà không bít, hoặc biết mà không làm gì được ! Từ hôm đó tôi thấy Ngọc ra cũng “cổ lỗ” như rất nhiều người khác.
         Lan man, lại nói thêm về Lê Duẩn có cách nghĩ tiến bộ về mặt văn hoá. Năm 1966, một lần ra nghỉ ở Bãi Cháy, nghe nói ông Lưu Trọng Lư cũng đang nghỉ ở đó, Lê Duẩn cho người mời ông Lư đến “đàm đạo”, và ông Lư rủ tôi đi cùng. Lê Duẩn kéo ông Lư và tôi đi dạo ngoài bãi biển. Lê Duẩn thổ lộ một số suy nghĩ về văn học nghệ thuật, trong đó có vấn đề hình tượng người phụ nữ. Duẩn cho rằng trong thực tế, có cả nhiều phụ nữ “xấu”, nhưng ông ta cho rằng không nên đưa phụ nữ “xấu” (với ý xấu tính) lên  sân khấu. Một lát sau, câu chuyện lan sang nhân vật Thuý Kiều. Lê Duẩn phàn nàn giới lý luận phê bình văn học của ta quá đề cao Truyện Kiều (trích một số câu của Hoài Thanh, nhưng không vạch rõ tên Hoài Thanh). Lúc ra về, ông Lư bảo tôi, anh Ba có lý đấy. Ngay bản thân mình, trong lúc đề cao Truyện Kiều đôi khi cũng đã cảm thấy hình như Truyện Kiều không đáng được đề cao đến như vậy. Truyện Kiều chỉ có giá trị về mặt nâng cao tiếng Việt, chứ về giá trị tư tưởng thì hầu như không có gì. Mình bị ảnh hưởng của Hoài Thanh (giống như Khái Hưng, Thế Lữ, Tú Mỡ... chịu ảnh hưởng của Nhất Linh), quá thương cảm một người con gái có tài có sắc, đâm nhiều lúc mất độc lập suy nghĩ.
         Nhân đây, lại nói về di sản văn nghệ “truyền thống”. Hôm đó Cụ Hồ đưa đoàn Cấp cao của Liên Xô, do Koxưghin dẫn đầu ra thăm Qunảg Ninh (hồi đó người ta cho Quảng Ninh là “nước Việt Nam thu nhỏ” và là miền đất của giai cấp công nhân tiền tiến nhất). Bấy giờ mình là đạo diễn và cố vấn về văn học nghệ thuật của tỉnh. Hôm đó Cụ cho gọi Trưởng ty Văn hoá lên hỏi về cách phục vụ Đoàn Liên Xô, Trưởng ty kéo mình cùng đi.
         Cụ hỏi :
         - Tối nay có gì cho các đồng chí Liên Xô xem không ?
         - Thưa Bác,- Trưởng ty đáp.- Chúng tôi bố trí diễn một vở Chèo truyền thống.
         Cụ cau mặt (thật ra cụ Hồ rất hay gắt, về chuyện này tôi sẽ có dịp nói đến), nói ngay :
         - Chèo chèo chống chống cái gì ? Bắt khách người ta xem cái thứ vớ vẩn ấy cho mệt đầu óc hay sao ? Các đồng chí ấy cần nghỉ ngơi, sau cả một ngày làm việc. Không có ca nhạc mới à ?
         - Thưa Bác có ạ,- Trưởng ty đáp.- Có đoàn ca múa của Tỉnh.
         - Thế thì cho các đồng chí ấy xem ca nhạc mới. Múa nữa, nhưng đừng dân gian.
         Trở lại Lê Duẩn. Khi lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam hồi Kháng chiến chống Pháp, Lê Duẩn đưa ra chủ trương cho cán bộ miền Bắc vào Nam công tác được phép lấy vợ “hai”. Theo tôi, đó là một chủ trương tiến bộ.
         Lại nói lan man. Chế độ một vợ một chồng chủ yếu là do đạo Thiên chúa đề xuất. Ngay Khổng Mạnh xưa kia, Khổng tử không hề nói đến chung thuỷ vợ chồng, mà chỉ Mạnh Tử (và cũng chỉ nói vợ phải thuỷ chung với chồng, chứ không nói chồng phải thuỷ chung với vợ).

*

         Hồi Kháng chiến chống Pháp, Tạ Quang Bửu viết và cho in cuốn “Nguyên tử và Vũ trụ tuyến”, một tác phẩm rất bổ ích cho trí thức ta trong chiến khu Việt Bắc, giúp họ chút ít thông tin về hoạt động nghiên cứu khoa học đang diễn ra trên thế giới. Sau này Tạ Quang Bửu kể lại, khi cuốn sách mới ra, một lần Trường Chinh mời ông đến gặp, đưa cho một lá thư nhưng giấu đi chữ ký của người viết. Tạ Quang Bửu đọc và hoảng hốt nhận ra trong thư toàn những lời phê phán độc ác: “một cuốn sách duy tâm, phản động, vân vân và vân vân, cần phải phê phán mạnh mẽ tác giả”. Thật ra người viết lá thư “tố cáo” đó là của... Hoàng Minh Chính ! Qua đó đủ thấy nếu ông này mà lên lãnh đạo thì không biết trí thức ta còn khốn khổ đến đâu ? Hẳn là khốn khổ hơn nhiều so với dưới sự lãnh đạo của Tố Hữu.

*
         Tố Hữu diệt hết cán bộ văn học nghệ thuật mà mình không “trị” được, và gài vào các chức vị chủ chốt (được ông ta giao nhiệm vụ “lính gác trên mặt trận văn nghệ”, xin chú ý “lính gác” chứ không phải “chiến sĩ” như lời cụ Hồ) toàn tay chân, trong đó có Hoàng Trinh, một kẻ dốt nát, có lần giảng về văn học phương Tây: “Pháp có hai nhà thơ lớn: Paul và Eluard !”
         Một hôm, tình cờ gặp tôi giữa đường, Hồ Tôn Trinh gọi lại, bảo: “Mình có một việc muốn nhờ cậu. Lúc nào cậu đến Viện gặp mình được ?”. Tôi bảo sáng mai. Sáng hôm sau tôi đến. Hồ Tôn Trinh khen ngợi tôi là viết những bài giới thiệu tác giả in ở đầu sách của một loạt bản dịch rất hay. Rồi anh ta nói:
         - Mà cậu lại giỏi về sân khấu nước ngoài. Vì vậy mình nhờ cậu một việc. Nhà Xuất bản Văn học đặt mình viết lời giới thiệu cho cuốn “Ngôi nhà Búp bê” của Ibsen. Mình bận quá, cậu viết thay được không? Nếu cậu nhận lời, mình sẽ nói với nhà xuất bản. Nhưng cậu không phải trực tiếp với họ, viết xong cậu đưa mình, mình sẽ đưa họ hộ.

         Tôi nhận lời. It hôm sau, viết xong, tôi mang đến đưa Hồ Tôn Trinh. Y đọc xong khen ngợi hết lời rồi cất vào ngăn kéo (y tiếp tôi ở bàn giấy của y chứ không phải phòng khách). Sau đó y làm ra vẻ ràu rĩ, nói :
         - Có một chuyện này hơi phiền, cậu phải thông cảm mới được. Nhà xuất bản không chịu để cậu viết, mà nhất định yêu cầu mình. Cậu thừa biết mình cần gì thêm một cái tên. Mình nhiều tên trong sách lắm rồi. Nhưng đây là yêu cầu của nhà xuất bản, và bài viết là của cậu. Vậy cậu bằng lòng thế này nhé. Mình sẽ đưa bàì này cho họ, nhưng ký hai tên, mình và cậu. Tiền nhuận bút thì cậu hưởng hoàn toàn. Thế nhé.
         Vốn ứng đối chậm, lại có tính nể nang, tôi suy nghĩ một lúc không biết trả lời ra sao, đành im lặng về. Ra đến ngoài đường, tôi nghĩ tức quá, không phải vì cái tên hay đồng tiền mà vì tôi rất khinh Hồ Tôn Trinh, và rất không muốn đứng tên chung với y. Tôi đạp xe quay lại, nói:
         - Nếu vậy, tôi xin lại anh bài viết. Tôi không cần in.
         Trinh vồn vã :
         - Sao lại thế? Mình đọc rồi, bài cậu viết rất công phu và rất đạt, không in thì phí quá. Vả lại cậu cũng bao nhiều tên rồi, cần gì một lần nhỏ này. Vả lại chính mình cũng không muốn, nhưng nhà xuát bản họ cứ nhất định như thế.
         - Vậy để anh viết. Còn bài kia anh cho tôi xin lại.
         Trinh nhất định không chịu trả, trấn an thêm một chập nữa. Tôi biết có nói nữa cũng vô ích, bài viết đã nằm trong ngăn kéo bàn giấy của y. Vả lại tôi đã bị ăn chặn bao nhiêu lần và còn tàn bạo hơn thế này, lần này ăn thua gì một bài viết có độ vài chục trang ! Về đến 51 Trần Hưng Đạo, tôi gặp Trần Bảng ngoài sân. Trần Bảng hỏi, sao mặt tôi ưu tư thế kia? Tôi thuật lại câu chuyện vừa rồi. Trần Bảng phẫn nộ:
         - Thằng cha ấy vừa ngu dốt vừa ăn bẩn. Cậu phải đến đấy ngay đòi bài viết về.
         Nhưng tôi thầm nghĩ : “Quên chuyện ấy đi”.
         Nhiều năm sau, một lần thấy cuốn sách ở nhà Phan Cự Đệ, tôi lơ đãng lật ra xem, nhớ lại “vụ” cách đây hai chục năm. Phan Cự Đệ lúc bấy giờ mới nói:
         - Thì ra ông viết chung với Hoàng Trinh. Vậy mà mấy chục năm nay tôi đinh ninh bài giới thiệu Ibsen ấy là của ông ta.
         Khi nghe tôi kể lại câu chuyện, Đệ cười:
         - Hoàng Trinh chuyên có cái thói ấy. Cuốn Phương Tây, Văn học, Cuộc đời chỉ là tập hợp bài của bọn sinh viên văn học nước ngoài viết, ông ta tập hợp lại và thêm thắt, nhưng toàn thêm những ý dở hơi. Và ông biết không, có thằng chơi sỏ Hoàng Trinh, viết láo vào đấy, nhưng y không biết vẫn cứ chép y nguyên và cho in ra...
         Đại loại kiểu cán bộ tuyên huấn dưới thời Tố Hữu là như thế.

*
         Về Hoàng Minh Chính, còn có nhiều chuyện nhỏ khác. Xin kể về một nhận định của Bửu Tiến. Bửu Tiến sau vụ án “xét lại” rất khâm phục Hoàng Minh Chính. Hôm đó Hoàng Minh Chính được tạm tha, cho về nhà, Bửu Tiến đến nhà ông ta ở sau Thư viện Khoa học đón, cùng với một số bạn bè khác của ông ta. Lúc về, Bửu Tiến gặp tôi, bảo:
         - Hoàng Minh Chính loạn óc rồi. Hôm nay, khi về đến nhà, thấy nhiều người ra đón, anh ta đứng ưỡn người nói giọng lãnh tụ: “Tôi, Hoàng Minh Chính xin cảm ơn đồng bào, gia đình và bè bạn, đã ủng hộ chân lý của tôi !” Từ nay mình hết muốn tiếp xúc với anh ta nữa. Một kẻ vênh váo, tự cho mình là “vĩ nhân”, là “anh hùng” ! Mình hy vọng hôm nay là do anh ta già quá đâm “thần kinh”, nếu thế được thì còn đỡ.

*

         Nhân chuyện cái giá phải trả cho sự tiến lên, tôi cho rằng điều “nhận ra” này của loài người cần phải được ứng dụng để giảm xuống mức tối thiểu cái “giá” phải trả đó. Cần phải cho mọi người thấy Độc Lập, Tự Do của chúng ta đã phải trả bằng một cái giá không nhỏ...