Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 17 tháng 11, 2015

NGHĨ VÊ "LỊCH SỬ"


                                               NGHĨ VỀ LỊCH SỬ



Thấy gần đây nhiều người quan tâm đến việc dạy môn LỊCH SỬ tại các trường phổ thông, tôi xin giới thiệu một số nhận xét của nhà văn Pháp Henry de MONTHERLANT (1895-1972, năm 1960 được bầu vào Viện Hàn Lâm Pháp – (Academie Francaise) in trong tác phẩm cuối đời của ông “TOUS FEUX ETEINTS” mục bàn về Lịch Sử (Histoire), trong ấy ông trích lời của nhiều cây bút nổi tiếng, để các bạn tham khảo.

                        *
BERNARD SHAW (nhà viết kịch Anh 1856-1950)
“…Lịch sử là dối trá (History ís lie)
CHAMFORT (nhà văn Pháp thế kỷ 18, nổi tiếng về sự minh triết)
 “…Nếu một nhà viết lịch sử cỡ như TACITE (CT : nhà nghiên cứu lịch sử nổi tiếng và có uy tín lớn ở châu Âu) khi viết lịch sử những vị vua ưu tú nhất của chúng ta mà trích ra một cách chính xác những hành vi tàn bạo, lợi dụng chức quyền, hầu hết những thứ ấy vẫn được giấu kín trong bóng tối sâu thẳm nhất, tôi e hiếm có triều đại nào lại không làm chúng ta ghê tởm giống như chúng ta ghê tởm triều đại Tibere” (…Si un historien tel que Tacite eut écrit l’histoire de nos meilleurs rois en faisant un relevé exact de tous les actes tyranniques, de tous les abus d’autorités, don’t la plupart sont ensevelis dans l’ obscurité la plus profonde, il y a peu de règnes qui ne nous inspirassent la même horreur que celui de Tibère…)
                        *
CHATEAUBRIAND  (nhà văn Pháp, Công tước François-René CHATEAUBRIAND 1768 - 1848) đã nói với phu nhân Recamier năm 1834 :
Ôi, chúng ta thấy ở khắp mọi chỗ chỉ toàn dối trá, sai lạc, ảo tưởng. Có cái gì chính xác nào ? Thí dụ, trong lịch sử là những sự kiện (sự việc có thật), đúng thế, những sự kiện… và cả những sự kiện chính yếu, nhưng không phải các nhân vật. Những nhân vật này, đại đa số trường hợp. được người chép sử miêu tả theo yêu ghét của ông ta. Và nếu người chép sử ấy có tài thì hình ảnh nhân vật lịch sử kia gây ấn tượng bền vững không sao xóa đi được, và sau này mọi người cứ mường tượng nhân vật ấy theo cách người chép sử kia miêu tả… Như Tacite chẳng hạn. Nếu không có ngòi bút của ông ta, chúng ta sẽ không bao giờ có nhân vật Tibère như ta thấy miêu tả trong sách sử. Ông ta (Tibere) rất có thề là con người trung thực nhất, đạo đức nhất trên đời. Nhân vật ấy có thể là một nhân vật cần viết lại, nhưng không được, vì hình tượng ông ta đã bị ngòi bút Tacite bôi xấu thậm tệ, chúng ta không có cách nào khôi phục lại được sự thật nữa…
PHU NHÂN RECAMIER : Và Neron (bạo chúa nổi tiếng trong sách sử) rất có thể là vị vua đáng yêu ?
CHATEAUBRIAND : Rất có thể tôi nghĩ sai, nhưng tôi không tin ở thứ gì hết. Tôi có cái tính ấy từ rất sớm.  Về mặt này, tôi phải thú thật với phu nhân là cái chuyện chính quyền quyết định phá nghĩa trang ở Saint-Denis, tôi không hề khó chịu khi nghĩ rằng các nhân vật lẫy lừng chôn ở đấy đã từng tồn tại… Chà, tôi không biết thế nào nữa…
            *
Và nhà văn MONTHERLANT kết luận : “Lịch sử chỉ là sự trình bầy theo ý riêng của người viết sử.”
Xin bàn thêm : Còn người Pháp thì có câu đối thoại có phần hài hước : Hỏi : “QUI FAIT L’ HISTOIRE ? (Ai làm nên lịch sử ?)” Trả lời “LES HISTORIENS ! (Các nhà sử học)”
                        *
THIỂN NGHĨ. Tôi đã chứng kiến nhiều sự tích của mấy thầy đồ ‘ được các chức sắc trong các làng. Sáng tác rồi viết trên vách nhiều đền thờ, nội dung rất lạ. Thí dụ ở Huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình, khi thấy nhiều “sự tích” rất khó tin, tôi nghĩ là người viết ra chúng đã dựa theo truyền thuyết hoặc lời đồn trong dân gian mà phóng tác một cách vô trách nhiệm, thí dụ họ viết rằng Hai Bà Trưng là dòng dõi Lữ Hậu (Vợ Hán Cao Tổ), vv…Một nhà nghiên cứu lịch sử đang còn sống và dạy tại một Trường Đại học uy tín mà tôi rất kính phục và tin cậy đã chứng minh các sự tích trong VIỆT ĐIỆN U LINH và LĨNH NAM TRÍCH QUÁI (hai bộ sách được Lê Quý Đôn, Lê Văn Hưu… khai thác để viết mấy bộ sử nước ta) đều chỉ là bịa hoặc tưởng tượng ra sau khi đọc nhiều sách sử Trung Hoa. Cho nên ngay truyện “Hồng Bàng thị truyện” trong hai bộ sách trên cũng chỉ là “tưởng tượng sau khi đọc sách sử và tiểu thuyết hư cấu của Trung Hoa…” cho nên rất có thể là huyền hoặc”. 

Vậy mà có “đại gia” dựng lên cả tấm bia lớn, kê danh sách 18 vua Hùng để… “câu khách”, chắc thế…