Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 19 tháng 3, 2015

HẬN THÙ - TẠI SAO ?



"THÙ HẬN" DO ĐÂU ?
      Tôi chợt nhớ trong số tin tức được báo chí Pháp đưa ra trong những số báo chào mừng lễ kỷ niệm 200 năm Đại Cách mạng Pháp (1789-1989) có một số bài nói về một buổi chiêu đãi rất đặc biệt. Đấy là buổi chiêu đãi “xóa bỏ hận thù” được Ban Tổ chức Nhà nước Pháp triệu tập trong dịp kỷ niệm trọng đại ấy. Nó “độc đáo” ở chỗ số khách được mời đến dự buổi chiêu đãi ấy những hậu duệ của các nhân vật đối địch nhau một sống một mái trong thời gian diễn ra cuộc Cách mạng vĩ đại và đẫm máu ấy.
          

        Trong số khách được mời ấy có những hậu duệ của nhà cách mạng kiên quyết nhất, không tham gia phe phái nào và được tất cả mọi người đương thời ngưỡng mộ, đặt tên cho ông là Ami Du Peuple (Bạn Dân), Jean-Paul MARAT. Được mời cả những hậu duệ của kẻ đã ám sát Marat, cô gái quý tộc tên là Charlotte CORDAY, khi cô ta lọt được vào buồng tắm của con người cách mạng kiên quyết nhất ấy, đã đâm ông vào giữa tim khiến ông chết ngay. Được mời đến dự tiệc cả những hậu duệ của đao phủ đã chặt đầu Vua LOUIS XVI cùng Hoàng hậu Marie ANTOINETTE, lẫn những hậu duệ của chính vị Vua và của bà Hoàng hậu ấy... Không ai nhắc lại mối thù xưa và đòi “trả món nợ máu” ngày trước. Những người mà ông cha của họ là thù địch của nhau, giết nhau, hôm nay cùng ngồi bên nhau dự tiệc, chạm ly rượu sâm-banh với nhau, trò chuyện thân ái và vui vẻ chúc nhau sức khỏe và hạnh phúc...
                                                                      *
             Lục lại và đọc lần nữa những tin tức ấy trên báo chí Pháp bấy giờ, tôi bỗng chợt nghĩ, tại sao rất nhiều người trong chúng ta, nếu không nói là tất cả, cứ ôm mãi mối thù ? Đã gần một thế kỷ trôi qua mà họ không sao giải tỏa và hòa hợp với nhau được ? TẠI SAO ? Tôi luôn tự hỏi, và có lúc tôi đã nghĩ, rất có thể “óc thù hận” nằm trong bản chất của người Việt chúng ta ?
          Trong lúc đang còn hồ nghi như thế thì tôi sực nhớ đến đoạn văn của nhà cách mạng Phan Chu Trinh phê phán người bạn thân, cũng là đồng chí của ông, và đã từng cùng nhau bí mật sang Nhật.. nhà chí sĩ Phan Bội Châu. Tôi bèn lục lại và chép ra đây đoạn văn ấy trong tác phẩm “Pháp Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam” của Phan Chu Trinh, trong ấy có nhận xét về sai lầm của bạn (Phan Sào Nam) như sau :




Phan Bội Châu là người rất có chí khí, có nghị lực, nhẫn nhục, dám làm; có điều tin vào thì không chịu bỏ, dẫu có sấm sét cũng không đổi. Nay sỹ phu khắp nước chưa ai có thể ví với ông ấy. Tiếc thay học thuật không rành, thời thế không rõ, thích dùng quyền thuật, tự dối mình dối người, ngoan cố không đổi. Lớn lời không ai bì, hãm quốc dân vào đất chết, cam chịu tiếng ác mà không tự biết. Tuy nhiên ông ấy vừa hiêu hiêu tự cho là người yêu quốc dân, từ nay về sau ông ấy càng hăng hái nói ra...
Chủ nghĩa phục thù cực đoan mà Phan Bội Châu chủ trương thật là hết sức sai lầm, chỉ hãm quốc dân vào chỗ chết, không hợp thời thế, không sát với lý luận... Bởi vì ông ấy là người đại biểu cho thói quen trên lịch sử ngàn năm của dân tộc nước Nam. Không biết chân tướng của người nước Nam, xem ông ấy thì biết được. Dân nước Nam rất giàu tính bài ngoại, thì bài ngoại của ông ấy đến chỗ cực đoan. Người nước Nam rất thích dựa người ngoài, ông ấy lại ỷ ngoại đến chỗ cực đoan. Dân Nam rất thiếu tính tự lập, ông ấy lại càng hơn nữa. Tính chất, trình độ của ông ấy đều cùng hợp với tính chất, trình độ của quốc dân. Cho nên nhân chỗ hơn chỗ kém của quốc dân mà lợi dụng; đó là điều mà thầy thuốc gọi là thuật tắc nhân tắc dụng.
Cho nên điều mà ông ấy lo, là quốc dân oán nước Pháp không sâu. Những sách ông ấy viết ra, không bàn thời thế, không nói lợi hại, dựa vào chỗ không mà biên soạn, tự dối mình, dối người. Nói tóm lại, đều là kêu gọi lòng thù ghét của quốc dân mà thôi. Đợi đến khi lòng thù ghét đã sâu, phản loạn nổi lên bốn phía, ông ấy mới nhân đó mà vào, để thỏa cái lòng phá hoại. Không phải là không biết cách mệnh không thể làm, nhưng lợi dụng cái ngu của dân - tức tính bài ngoại, không làm thì không chịu. Không phải là không biết Nhật Bản chẳng làm gì được, nhưng lợi dụng cái yếu của dân - tức tính ỷ ngoại, không làm thì không chịu. Mà quốc dân sở dĩ mù quáng nghe theo chạy theo, đến chết chưa tỉnh, ấy là vì tính chất gần nhau, cho nên thâm nhập khá sâu....Đó là ý kiến và thủ đoạn của Phan Bội Châu mà thôi. Cho nên người không biết ông ấy thì bảo đó là người hết sức ngu lầm, chứ không biết ông ấy lợi dụng cái ngu của quốc dân để khoe trí mình, lợi dụng chỗ kém của quốc dân để làm rõ cái hay của mình. Than ôi! Không biết cái ngu cái kém mà làm thì cũng có thể thứ cho. Biết cái ngu, cái kém, cái không địch lại mà cứ muốn lợi dụng để thực hành chí mình thì ta không biết ông ấy đã cư xử theo cách nào.
(Đoạn gạch chân là do tôi gạch để các bạn chú ý.)
          Theo ý Phan Chu Trinh thì cái xấu (mà ông gọi là “cái ngu”) thứ nhất của dân ta là “tính bài ngoại”, và bạn ông, Phan Bội Châu, đã kêu gọi “lòng thù ghét của quốc dân”. Còn cái “ngu” thứ hai là ỷ lại vào sự cứu giúp của nước ngoài.
 
 Nếu cụ Phan Chu Trinh nhận định đúng thì thói "hay thù ghét” là một trong mấy tính ngu của dân ta. Chẳng trách suốt lịch sử cách mạng nước ta, người ta luôn kích động “căm thù”. Từ 1930, Xô-viết Nghệ Tĩnh đề ra khẩu hiệu : Trí Phú Điạ Hào, đào tận  gốc, trốc tận rễ ! Nghe đã thấy lạnh người rồi. Một loạt hồi ký về CCRĐ thuật lại cách “trả thù” địa chủ, cường hào thật man rợ và độc ác. Người ta chết rồi, nhưng cũng vẫn lấy chân đạp đầu người ta xuống cho bõ ghét rồi mới xúc đất vùi lên. Các bạn thử nhớ lại những câu hát : “Quyết phen này trả mối thù chung...” (lời ca khúc DIỆT PHÁT XÍT cua Nguyễn Đình Thi, “Giết, giết tơi bời, ta tô cho thắm Ba Vì ơi” (lời một ca khúc về Sông Đà của nhạc sĩ nào, tôi không nhớ...) rồi “Vực nào sâu bằng chí căm thù..” (hành khúc HÒ KÉO PHÁO của Hoàng Vân), vân vân và vân vân... Có thể kể ra hàng vạn, thậm chí hàng triệu lời kêu gọi : “căm thù”, “trả thù”, “hờn căm” ... trong các tác phẩm văn học thơ ca và âm nhạc của chúng ta suốt gần một thế kỷ qua. Và không phải chỉ gần đây mà trước kia cũng đã từng thế, không hề kém chút nào : Vua Gia Long xử tử anh em, con cháu mấy vua Tây Sơn chưa đủ, còn xiềng xương sọ của họ giam vào ngục... Ôi, sao con người độc ác với nhau đến thế. Nỗi căm thù sao mà ghê gớm và dai dẳng thế... Phải chăng đấy là do ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa ? Tôi cho rằng có phần như thế, nhưng bản thân dân ta đã thế từ trước rồi. Truyện dân gian TẤM CÁM, có ảnh hưởng văn hóa Hán đâu mà ta thấy để trả thù, Tấm đã đem thi thể Cám “làm thành mắm” đem biếu bà dì ghẻ[i]...Bà ăn đến gần hết mới thấy đu lâu con gái bà trong ấy. Sự trả thù của Tấm khủng khiếp không. Còn gần đây thì một anh bạn thân của tôi, hôm tôi đến thăm vào sau đợt ném bom miền Bắc của Không quân Hoa Kỳ năm 1972, thấy một dòng chữ sơn rất to ngay trên cánh cửa ngoài của anh ấy : “Mối thù giặc Mỹ đời đời kiếp kiếp không bao giờ quên !” Có nghĩa không còn đường nào dành cho hòa giải, hòa hợp !
          Thôi, cứ cho thái độ độc ác, thù hằn dai dẳng kia là chuyện đã qua, nhưng hình như không phải. Mới gần đây tôi đọc trên báo, thấy có nhiều vụ trả thù độc ác đến mức không tưởng tượng nổi..
          Thế nghĩa là sao, thưa các bạn ? Nói dân tộc chúng ta giầu lòng yêu thương, hay nên nói dân tộc chúng ta giầu lòng thù hận ? Vế trên đúng hay vế dưới, thưa các bạn ?




CHÚ THÍCH :
[i] Truyện cổ tích này đã bị nhiều học sinh kêu là man rợ quá và nhiều phụ huynh đã đề nghị loại bỏ khỏi chương trình học văn của các em.

Thứ Hai, 9 tháng 3, 2015

NGU KHÁC DẠI, KHÁC BỊP

NGU KHÁC DẠI Ở CHỖ NÀO ?

Tôi có ông anh họ từng trải và thích suy nghĩ. Ông có vốn sống tuyệt vời. Tham gia Đảng, hoạt động rồi bị tù, giam ở nhà tù của Pháp ở Sơn La. Lúc ấy ông còn trẻ, sức khỏe rất tốt, lại có trí thức. Trước khi bị giam, ông đã từng làm việc ở công sở Pháp nên rất am hiểu và thán phục văn hóa Pháp. Đã từng ở trọ cùng với nhạc sĩ Đặng Thế Phong (tác giả GIỌT MƯA THU)… và quen biết nhiều nhà văn nhà báo, đọc rất nhiều văn chương Pháp nên ông am hiểu cả về văn học nghệ thuật. Rồi năm 1945 Nhật đảo chính Pháp, ông được Đảng Ủy nhà tù bố trí “vượt ngục” ra ngoài để chuẩn bị Tổng Khởi nghĩa. Sau này ông có viết cuốn hồi ký lấy tên là “Vượt Sông Mã” kể về cuộc “vượt ngục” này. Cuốn sách được in và phát hành rộng rãi, nhưng rất tiếc là một số đoạn tôi cho là hay nhất thì trước khi in bị Nhà xuất bản cắt vì “không có lợi” (viết đến đây tôi chợt nhớ câu ví dân gian được nghe thuở nhỏ: “Lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn !”). Ông anh tôi rất tiếc nhưng không cãi được, chỉ bảo tôi “Ta có hai cơ quan bậy nhất là Tổ chức và Tuyên giáo !)… Sau “khởi nghĩa” thắng lợi, ông được “Ông Cụ” cử làm Giám đốc Liêm Phóng Bắc Bộ… Về sau, do chuyện tình ái gì đấy, và cũng do “mê” văn hóa Pháp nên bị thất sủng, về làm văn phòng ở một Bộ, may lại là Bộ Văn Hóa…
Tôi rất quý vốn sống cực kỳ phong phú của ông. Ông cũng thích tôi và hai anh em hễ gặp nhau là dính vào nhau, đi bên nhau trò chuyện, quên cả về nhà. Anh thường xuyên bị chị trách, tôi thì bị vợ đón bằng cái nhăn mặt “Cơm canh nguội hết cả rồi.” Một trong những đề tài hai anh em hay bàn là “nghĩa của các từ”. Thí dụ “tương đối” nghĩa là sao ? Tốt thì bảo tốt, xấu thì bảo xấu, đằng này lại cứ “tương đối” ! Hoặc khác nhau giữa “dốt” và “ngu” ở chỗ nào ? Tôi còn nhớ và rất “chịu” cách định nghĩa của anh : “dốt” là ít kiến thức, còn ngu là “không phân biệt được tốt và xấu, có lợi hay có hại. Dốt thì chịu khó học và đọc sách sẽ bớt dốt còn ngu thì chịu. Ngu là trong máu, học mấy cũng thừa. Có khi càng học càng ngu ấy chứ…”
Thì nay Tổng Lú lại cài người thân nhất và tin cẩn nhất vào đứng đầu hai cái cơ quan mà ông anh họ tôi cho là “bậy nhất” ấy ! Làm nhiều trí thức kêu oai oái. Và đất nước ta cứ lộn tùng phèo.
Tôi có cậu em họ, cách đây vài năm, viết một cuốn hồi ký đem đến tặng tôi và khoe lời nhận xét của Đinh Thế Huynh in trên trang đầu , tất nhiên là khen (nêu không cậu ta đã chẳng khoe ông anh). Cậu ta vênh mặt : “Huynh học cùng với em ở Khoa Văn Tổng hợp”. Tôi cười : “Mình không quen nhưng có nghe nói về thằng cha.” Cậu em họ tôi hỏi : “Người ta nói thế nào, hả anh ?” Tôi đáp : “Chú chịu khó đến các Hội Văn học Nghệ thuật và tỏ ra dễ dãi, sẽ nghe được người ta đánh giá hắn thế nào !” Cậu ta cười : “Ôi mấy ông văn nghệ sĩ ấy thì có khen ai bao giờ !”
Sáng nay đọc báo thấy tin “Tổng” ta sang Mỹ, lại không được tiếp ở Phòng tiếp khách của Tổng thống”… Chưa biết tin đích xác hay không. Nhưng nếu đúng thì “có lý”. Vì ông ta đã từng nói : “Mình có làm sao thì người ta mới trọng vọng thế chứ !”.
Vậy “ngu” hay “dốt” ? Dốt thì chắc chắn không rồi. Đọc thiên kinh vạn quyển, từ TÂY DU KÝ…đến BIỆN CHỨNG PHÁP của Hegel… Vậy thì chỉ còn “ngu”. Nhưng tôi không tin. Bởi ông Đào Duy Tùng trước khi nghỉ đã chọn trong lớp trẻ có học một người vừa ngoan vừa viết văn gẫy gọn, có lý có lẽ để trao quyền thì hẳn là “không ngu” . Vì chỉ anh chàng này mới viết được một bài lên án “đa nguyên” sắc bén đến như thế. Tạm thời nhấc lên chức Phó Tổng biên tập và Trung ương ủy viên dự khuyết rồi sẽ lên dần. Nếu một ngày nào đấy, cậu ta đứng đầu Đảng và Nhà nước ta thì phúc cho dân !



NGU HAY BỊP ?
Hôm trước tôi đã trình bầy ngu hay dốt khác nhau ở chỗ nào, hôm nay xin nói tiếp về NGU VÀ BỊP. Đây là vấn đê tinh tế cho nên xin dẫn Maxim Gorki (Alexei Maximovich Peshkov (1868 –1936), văn hào xô-viết, vốn được mệnh danh là nhà văn vĩ đại của giai cấp vô sản. Trong kịch bản “Ego Bulưtsôp” (Егор Вулычов и другие) do Vụ Sân khấu đã xuất bản, bản dịch của Vũ Đình Phòng, có một lớp (đoạn) đề cập đến vấn đề ấy.
Nhân vật chính là Bulưtsôp, một thương gia giầu có, về già mắc một bệnh, đã cầu cứu nhiều chuyên gia y học nổi tiếng ở Châu Âu, tốn vô số tiền mà không khỏi. Thế rồi người ta mách ông một người “có thể” chữa được. Bác “thầy” này có biệt tài là chỉ thổi một tiếng kèn thì bệnh nào cũng khỏi. Ông không tin nhưng gia đình năn nỉ ông cứ “thử” xem sao, biết đâu đấy, vì nghe nói bác ta đã chữa khỏi rất nhiều người mắc những chứng bệnh mà các giáo sư bác sĩ đều bó tay. Nể vợ con, ông đành bằng lòng “thử” và người ta mời bác “chữa bệnh bằng cách thổi kèn” kia đến.
Khi bác ta đến, mang theo chiếc kèn to tướng, ông cho vào phòng, đuổi hết mọi người ra, rồi đóng cửa lại. Ông hỏi : “Bác hãy trả lời câu tôi hỏi, tôi sẽ biếu bác 5 rúp. Bác ngu hay bác bịp đấy ?” Bác “thổi kèn nhăn nhó : “Thưa Ngài, tôi không thể trả lời câu Ngài hỏi.” 
 “Thế nếu tôi tăng tiền thưởng lên 10 rúp ?” – “Thưa Ngài, cũng không ạ.” 

          Tuy trả lời thế nhưng bác ta rất tiếc, 10 rúp chứ có ít đâu ? Vì mỗi lần chữa bệnh, bác chỉ được nhận có 50 xu (50 копеки), thế mà ông nhà giầu này bảo sẽ thưởng những 10 rúp, nghĩa là gấp 20 lần tiền công chữa bệnh cho người khác. 
          Bác ta lí nhí : “Dạ, tôi không thể trả lời câu ấy được.” – “Thế nếu tôi tăng tiền thưởng lên 20 rúp ?” – “Cũng không ạ.” – “Năm mươi rúp ?” 
         Bác ta tiếc đứt ruột nhưng vẫn cố gắng: “Cũng không ạ.” – “Thế nếu 100 rúp ?” 
         Bác ta thầm nghĩ “Chà, gấp 200 lần chữa bệnh” Và lòng tiếc của khiến bác ta không thể cưỡng. Bác nhăn nhó : “Thưa, bịp ạ !”
      Ông thương gia giầu có cười phá lên, vì đúng như ông dự đoán. Ông rút ví thưởng bác ta đủ 100 rúp và thả cho bác ta về.

                                                               *
      Cũng xin nói thêm là trích đoạn trên fôi chọn để “trả bài” cuối học kỳ 1 năm thứ ba Trường Đại học Nghệ thuật Sân khấu (ГИТИС) và phân vai bác chữa bệnh kia cho cậu lớp trưởng Коля КУЗНЕЦОВ. Cậu ta thể hiện dáng nhăn nhó của bác “chữa bệnh bằng thổi kèn” kia rất đạt và trích đoạn được giáo sư chủ nhiệm khóa khen nức nở, cho điểm 5 !

         Thế là các bạn đã rõ : NGU hay BỊP khác nhau ở chỗ nào rồi.
 

VỀ CHUYỆN "TÂM LINH"




NÓI LẠI...VỀ CHUYỆN TÂM LINH

            Hôm trước (9/4/2014) tôi chuyển tiếp lên trang facebook của tôi bài NGOẠI CẢM LÀ NGỤY KHOA HỌC (Phỏng vấn Đỗ Kiên Cường) và nói là tôi rất tâm đắc bài này thì ngay hôm sau tôi nhận được bình luận của bạn VŨ KIM nguyên văn như sau : “Tay Cường này tư duy duy vật máy móc, không hiểu gì về tâm linh, ngoại cảm. Nó chưa chứng kiến nên nó không biết rằng áp vong và ngoại cảm đem lại những thông tin kỳ diệu, những điều không thể bác bỏ được.”. Tôi thấy cần nói thêm về đề tài “cực kỳ tế nhị” này đôi lời, hoàn toàn không để tranh luận mà chỉ gợi thêm vài điều mắt tôi thấy và tai tôi nghe... 
          Chuyện thì nhiều, chỉ xin kể vài chuyện và chia những chuyện này ra hai loại : BÁC BỎ và ỦNG HỘ

                                       1. BÁC BỎ :

1)           Câu chuyện thứ nhất. Khoảng năm 1988, khi tôi cùng gia đình sống ở Nhà A1- Khu Lắp ghép Trung Tự , một hôm anh Văn Vượng (nổi tiếng với vai người nhạc sĩ mù trong phim “Hà Nội Trong Mắt Ai” của Trần Văn Thủy) đến nhà tôi, năn nỉ tôi “giải thich” cho anh một chuyện “rất lạ”. Vượng nói thêm đại ý : “Anh là người  hiểu biết rộng và em biết anh cũng thích khám phá mọi thứ. Anh phải đi với em và cho ý kiến...” Rồi anh Vượng kể là có cậu học trò âm nhạc, đang học violon, và gần đây cậu ta gặp một chuyện rất lạ. Nhà cậu ta có một phòng, nghe nói trước kia đã có cô gái thắt cổ chết trong ấy. Gần đây cậu ta thấy có hiện tượng lạ, là lúc ở chỗ khác thì lên dây đàn rất chính xác, nhưng hễ vào phòng ấy kéo đàn thì lại dây lại “phô” (nghĩa là âm không còn chính xác). Thế nghĩa là sao ?” Tôi từ chối, nói là những trường hợp “lạ” như thế tôi từng nghe đồn rất nhiều và đã đến tận nơi kiểm tra, thì thấy đều là tưởng tượng... Nhưng Vượng cố năn nỉ. “Nhưng lần này em cầu van anh. Nhà cậu ta cũng gần nhà anh, ngay ở Hàng Bột.” Nể quá tôi đành thay quần áo, đi cùng Vượng. Đến Hàng Bột, rẽ vào một ngõ, đến nhà, Vượng gõ cửa, thì một người đàn ông ra mở, thấy tôi, chào : “Ôi, thầy Phòng ! Mời thầy vào chơi”. Tôi nhận ra anh ta từng là học viên một lớp về nghệ thuật biểu diễn sân khấu tôi có đến giảng mấy lần. Vào đến nhà, tôi kể chuyện Vượng nói và ngỏ ý muốn gặp “đương sự”. Chủ nhà cho biết, đấy là con trai ông ta và tỏ ý rất tiếc là “cháu hiện không có nhà, nếu thầy và chú Vượng có thể ngồi chơi chờ được thì tốt, vì em đoán cháu không đi đâu lâu”. Tôi ngồi trò chuyện với chủ nhà và chờ. Quả nhiên lát sau cậu bé (trạc 16-17 tuổi) về. Vượng trình bầy và bảo cậu bé thử. Cậu ta lấy đàn, lên dây rồi vừa kéo vừa bước vào cái căn phòng “ma” kia, Lát sau, cậu ta nói : “Lạ thật, sao hôm nay cháu thấy dây cháu lên thế nào vẫn thế, không phô đi tí nào... Ông và thầy Vượng đành hôm khác đến đây vậy. Hôm nay “không ứng”. Cháu không hiểu tại sao ...”
2)           Câu chuyện thứ hai. Vào thập niên 1990, số trinh sát viên Đại doàn 308 chúng tôi đều đặn tụ họp theo tổ chức “Ban Liên lạc Cựu chiến binh Trinh sát Sư đoàn 308”. Một lần tôi thấy có thêm một phụ nữ đứng tuổi và được giới thiệu là con gái anh Sừ, cũng là trinh sát viên trong Đội Trinh sát 308 chúng tôi nhưng đã hy sinh đầu năm 1954, trong trận đánh ngăn chặn quân tiếp viện Pháp từ Lào sang tăng cường cho cứ điểm Điện Biên Phủ. Chị ta (tôi quên mất tên) nói : “Bố cháu xưa cùng chiến đấu trong một đơn vị với các bác, cháu là con gái, xin các bác coi cháu như con và cháu cũng xin được gọi các bác là bố. Bố con hy sinh năm 1954 và con biết có mấy bố ở đây đã chôn cất bố con. Đã nhiều đêm bố con hiện về, khóc lóc van nài con đưa hài cốt bố con về mai táng ở quê, chứ ở trên ấy toàn rừng núi hoang vu buồn lắm... Trước thì chỉ thỉnh thoảng, nhưng gần đây thì đêm nào bố con cũng hiện về. Con đã thuê thầy cúng lễ, tốn rất nhiều tiền nhưng bố con vẫn cứ hiện về khóc lóc năn nỉ... khiến con không đành lòng, đành lên van lạy các bố giúp con tìm hài cốt bố con để đưa về nghĩa trang liệt sĩ ở quê...” Trong số trinh sát viên hôm ấy trực tiếp chôn anh Sừ, hiện còn sống có anh Nguyễn Hữu Đễ, hiện là Trung tá về hưu cùng “tổ tam tam” với tôi và anh Nguyễn Văn Quỳ (Đại tá Nghỉ hưu)... Do biết như thế, nên chị con gái anh Sừ cứ bám chặt và van lạy ba chúng tôi. Cả ba chúng tôi thoái thác, viện lý do già yếu... Từ đấy lần họp Cựu trinh sát 308 nào, chị ta cũng đến và lại tiếp tục năn nỉ, thậm chí khóc lóc van lạy : “Mấy bố thương con...” Do anh em tuổi cao cứ “đi” dần nên ban liên lạc cũng thưa dần các cuộc họp. Đầu thập niên 2000, một hôm nhân có việc lên Vĩnh Yên, tôi ghé thăm anh Đễ, người đồng đội thân nhất của tôi ở Đội Trinh sát 308. Hàn huyên một lát, anh Đễ nói : “Ông có nhớ cái chị con gái cậu Sừ không ?” Rồi anh kể một câu chuyện mà anh nói là chỉ kể cho riêng tôi vì anh đã hứa với hai mẹ con chị ta là không kể ra với ai.  Chuyện anh Đễ kể “riêng cho tôi, bạn thân nhất khi phục vụ trong quân đội” tóm tắt như sau. Chị con gái anh Sừ mấy lần lên van lạy anh Đễ giúp. Cuối cùng nể quá, biết không thể thoái thác, anh buộc phải giúp. Chị ta thu xếp chuyến đi hết sức chu đáo, lều bạt để đêm nằm nghỉ, ba bữa ăn rất thịnh soạn, cả xe ô-tô đưa đi và đặc biệt chị ta mời một nhà “ngoại cảm” (lúc ấy nổi tiếng, nhưng lâu rồi, tôi đã quên tên) cùng đi để tìm giúp, và chị ta cung phụng ông ta cực kỳ hậu hĩnh... Địa điểm thuộc đất Lào nên phải xin giấy tờ khá phức tạp, nhưng rồi chị ta tháo vát và khéo chạy nên qua được hết. Nơi ấy, sau nửa thế kỷ (1954-2002) cảnh vật thay đổi quá nhiều. Dòng suối cũ chúng tôi chôn thi hài cậu Sừ bên bờ nay không còn chảy theo dòng như xưa. Anh Đễ phải dò rất lâu mới tìm ra dòng cũ. Chưa kể rừng núi ngày ấy hoang vu là thế, nay đã lác đác có người làm nhà để ở... Sau khi tìm và thử đào mấy ngày không kết quả, một buổi tối đứa con trai chị ta (tức cháu ngoại anh Sừ) đến lều anh Đễ nói, đại ý “Thầy cho biết không hy vọng tìm thấy hài cốt của ông cháu, nên thầy ngỏ ý, để mẹ cháu đỡ dằn vặt, đành phải đánh tráo bằng một “bộ” (ý nói bộ hì cốt) khác.” Anh Đễ hỏi “bộ” lấy ở đâu thì cháu trả lời : “Thầy đã mang sẵn trong xắc. Thầy bảo chuyện này chỉ nói riêng với cháu, nhưng cháu nghĩ cần hỏi ý kiến ông. Cháu biết đấy là chuyện dối trá nhưng mục đích chỉ là để giải quyết tư tưởng cho mẹ cháu, kẻo hôm nào mẹ cháu cũng bào “đêm qua ông ngoại hiện về, khóc và thúc mẹ cháu đem hài cốt ông về nghĩa trang làng ta. Lần nào thức dậy mẹ cháu cũng khóc như mưa như gió...” Anh Đễ đã trả lời : “Ông hiểu, nhưng đụng đến linh hồn người đã khuất là thứ linh thiêng thì ông không thể bằng lòng kiểu dối trá như thế. Còn nếu cháu thấy cần thiết thì cháu cứ tự quyết định. Ông không cản và cũng sẽ không lộ ra với ai.” Kể xong, anh Đễ cho tôi biết sau đấy anh cũng không rõ đứa cháu kia xử sự cách nào, và anh có linh cảm là cháu đã nghe theo lời khuyên của ông thầy để mẹ cháu được thanh thản...Câu chuyện là như thế, tuy ông Đễ chỉ kể riêng cho một mình tôi vì là bạn chí thiết khi ở quân đội, nhưng nếu bạn nào muốn xác minh có thể liên lạc trực tiếp với anh Đễ theo số điện thoại (0211)3843154 hoặc đến gặp trực tiếp. Gia đình anh Nguyễn Hữu Đễ cho đến gần đây (2010) vẫn ở trên đỉnh quả đồi của Thành phố Vĩnh Yên (có thể hỏi Cụ Nguyễn Hữu Đễ, sinh năm 1930, hiện (hoặc đã có thời gian) làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Thị Xã Vĩnh Yên (nay đã lên thành phố), con dâu anh hồi ấy là bác sĩ dinh dưỡng, làm việc ở Sở Y tế thành phố. Đấy là địa chỉ và số điện thoại cũ (trước năm 2012), vì vài ba năm trở lại đây, tôi không dịp nào liên lạc với anh. Anh Đễ sống ở Vĩnh Yên đã nhiều năm nên hầu như hỏi “Cụ Đễ” tôi tin là nhiều người biết. Nếu cần thêm nữa, có thể qua anh Nguyễn Văn Quỳ (đại tá nghỉ hưu) ở ngay Hà Nội (số điện thoại 38646337) hoặc qua một trong số “cựu trinh sát viên 308 thời kỳ 1949-1954”).
3)           Chuyện thứ ba. Xung quanh chuyện “tâm linh” này, tôi có thể kể thêm rất nhiều. Tuy nhiên tôi thấy phải kể một chuyện để tạm kết thúc. Khoảng năm 1980, tôi mổ dạ dày xong, sức khỏe rất yếu, bác sĩ khuyên nên chịu khó bồi dưỡng và có thể thì uống them bia. Nhân gần nhà tôi (ở Trung Tự) lại có quầy bia Chùa Bộc nổi tiếng lúc ấy, tôi bèn chiều chiều ra đấy uống một “vại” rồi lững thững về nhà ăn cơm chiều. Tính tôi không thích la cà nên tôi chọn một bàn trống ở một góc khuất. Mấy hôm sau, một ông cũng trạc tuổi tôi đến xin ngồi cùng. Hai chúng tôi cùng ngồi uống nhưng hầu như không ai nói gì. Một hôm, nghe thấy phía bên ngoài rất đông khách đang sôi nổi truyền nhau chuyện tìm mộ, thầy này giỏi, tìm không bao giờ sai. Họ tranh luận ầm ĩ. Đột nhiên ông bạn ngồi cùng bàn hỏi tôi : “Anh có tin không ?” Tôi đáp hờ hững : “Tôi không biết có nên tin hay không.” Ông bạn bèn nói luôn : “Nhân đây tôi xin kể với anh. Tôi từng là bộ đội hồi chống Pháp, sau Genève chuyển ngành sang Bộ Ngoại giao và từng làm Đại biện, rồi Tùy viên Văn hóa ở trên một chục nước. Thuở nhỏ tôi rất băn khoăn chuyện thiêng với chẳng thiêng và do bản tính tinh nghịch, rất nhiều lần tôi đã thử ban đêm ra chỗ mộ mới chôn, hoặc đền miếu nghe đồn rất thiêng, “bậy” ra đấy xem thử có bị “phạt” gì không, thì thấy không sao cả. Sau đấy tôi nhiều lần thử, cả khi phục vụ trong quân đội, trải qua nhiều chiến trận, chôn nhiều đồng đôi, tôi cứ chờ xem có thấy “hiện tượng nào “lạ” không, thấy không có gì cả. Nhất là trận Lọc Nước, chiến dịch Hoàng Hoa Thám (Đường Số 18), không biết anh có tham gia khộng, quân ta chết rất nhiều, hàng chục xác lủng lẳng trên dây thép gai, không cả kịp chôn. Sau đấy có dịp đi qua, tôi hy vọng thấy hiện tượng gì lạ, nhưng không hề thấy gì ngoài mùi thịt thối nồng nặc. Ngay cả khi công tác ở nước ngoài, dân họ cũng có nhiều người mê tín như ở ta, nhất là mấy bà, hễ thấy đồn có hiện tượng “lạ” tôi đều tò mò, cất công đến xem, nhưng chẳng lần nào thấy gì hết. Gần đây tôi quyết định không mất thời giờ, công sức vào những trò tìm kiếm ấy nữa và kết luận “toàn chuyện tưởng tượng”. Hai chúng tôi bàn nhau, tán thành nhận định của nhau. Một lúc, do không chú ý tôi nói hơi to, ông bạn nhắc : “Khẽ chứ. Đám ngồi ngoài kia nghe thấy họ dám đánh mình chết đấy. Nghề đời người “tin” rất ghét “người không tin ! Giống như trong bàn nhậu, người say rất ghét những thằng nào không say ấy.” Cuộc trò chuyện hôm ấy tôi cứ nhớ mãi, rất tiếc không hỏi ông bạn “ngẫu nhiên” ấy tên là gì để tiếp tục liên lạc. Nhưng nghĩ cũng chẳng để làm gì...
4)           Tạm kết luận. Đến nay thì tôi đã có kinh nghiệm. Chuyện “tin” và “không tin” là bình thường. Nhưng khi tranh cãi đến đề tài ấy dễ sửng cồ lên với nhau. Thậm chí với những người thân thiết và tưởng chừng hiểu nhau và tôn trọng nhau. Thí dụ tôi với ông thông gia (cũng từng là quân nhân, thậm chí là trí thức -Đại tá, bác sĩ quân y) chỉ do đụng đến “vấn đề tế nhị” ấy, mà một lần đã to tiếng với nhau, may con trai cả của ông ấy có mặt ở đấy dàn hòa cho hai chúng tôi. Và hai chúng tôi cười xòa, chuyển sang đề tài khác để tiếp tục trò chuyện !
*
                                  ỦNG HỘ :

Xin nhắc lại, tôi nêu vấn đề ra không phải để tranh luận, chỉ là để các bạn tham khảo và suy nghĩ thêm. Tuy nhiên cũng cần phải nói, tôi chứng kiến nhiều trường hợp cái gọi là sự “tin” ấy đã “giúp ích” được nhiều người. Xin tạm đưa ra mấy thí dụ :

Chuyện thứ nhất

Quê tôi có một bà, mấy lần giở dạ, đứa bé sinh ra đều bị ngạt và không nuôi được. Sau lúc ấy bà kể lại là đúng lúc bà dặn đẻ thì có một người đàn bà bé xíu, nón thúng quai thao đứng ở cửa, chìa hai tay ra đón, thế là đứa bé bị ngạt và chết. Người đàn bà nón thúng quai thao ấy bồng đứa bé chạy biến đâu mất tăm… Dân quê tôi gọi đấy chính là “Mẹ Ranh Càn Sát”… Bà ta có mang mấy lần, nhưng cuối cùng vẫn chưa được đứa con nào. Tất cả đều bị “mẹ Ranh Càn Sát” ẵm đi mất… Năm ấy, ông em bà đi lính ở Pháp về (Thế chiến I), thấy thế bèn nghĩ ra một cách. Bà chị lại có thai, và lúc sắp giở dạ, ông đem cả đống roi dâu (nghe đồn là ma rất sợ cành dâu) đã chuẩn bị trước, dựng khắp bốn bức tường xung quanh giường bà chị, rồi dán các thứ bùa cả trên hai cánh cửa lẫn đồ đạc trong nhà, chờ. Đúng lúc bà chị hoảng hốt hét lên : “Nó kia kìa ! Mẹ Ranh Càn sát ấy !” thì ông em cầm luôn một bó roi dâu chạy ra cửa, theo hướng trỏ của bà chị, rồi miệng quát, tay quật tứ tung, vọt ra khỏi nhà, lát sau quay vào, đem theo một cái giẻ đang cháy, khói nghi ngút : “Em bắt được con ma rồi ! Nó đây này !” Bà chị bỗng thở phảo nhẹ nhõm và đứa bé được sinh ra trót lọt...
Chuyện thứ hai
Hồi ấy tôi đạo diễn kịch bản “Nơi cuộc đời ẩn náu” của nhà văn xô-viết Victor ROZOV cho Đoàn Kịch nói Hà Nội. Kịch được ông viết ra vào thập niên 1970, lúc xã hội Liên Xô đang rối bời, mọi mặt sa sút đến thảm hại, và phong trào mê tín dị đoan phát triển như nấm sau mùa mưa. Kịch miêu tả những chuyện “chỉ trong nhà biết với nhau” của gia đình một quan chức cấp cao. Ông bố từng là Đại sứ Liên Xô ở nhiều nước, và say mê sưu tầm đồ cổ, đặc biệt là đồ cổ các dân tộc châu Phi. Cô con gái đã có chồng nhưng bị chồng ngoại tình, rất đau khổ. Một hôm ông bố vào phòng bầy các đồ cổ thu thập được, bắt gặp con gái đang xì xụp khấn trước một pho ngẫu tượng châu Phi. Ông quát : “Con một cấp ủy Đảng mà mê tín thế à ?” Cô con gái nói : “Con có nhiều nỗi đau khổ, không biết thổ lộ cùng ai. Bố thì mải tiếp các đoàn khách nước ngoài, mẹ thì mải trang điểm làm đẹp… Con thấy chỉ có ở đây, con mới có thể thổ lộ nỗi lòng đau khổ được. Con không biết cái ông thần kia là ai và quyền phép đến đâu. Nhưng con cần một ai đấy để thổ lộ cho nhẹ bớt nỗi lòng…” Qua đoạn kịch này, tôi thấy rõ nhu cầu tạm gọi là “tâm linh” của những người cảm thấy mình bất hạnh.
Ngay nhà văn Mỹ Sheldon, người được tặng giải tác giả Mỹ được dịch ra nhiều tiếng nước ngoài nhất, trong tác phẩm cuối cùng, mang tính gần như hồi ký, có kể chuyện là sau khi vợ ông bị mất đứa con, cả hai vợ chồng đau đớn tột cùng, cuối cùng ông tìm thấy sự giải tỏa khi sử dụng những đĩa ghi bài giảng giáo lý của giáo phải X. đang rất có uy tín ở Mỹ… Khi đọc và dịch cuốn “Phía bên kia của Tôi” ấy, lúc đầu tôi rất ngạc nhiên vì đấy là một giáo phái bị nhiều người vạch ra là “bịp bơm” ! Nhưng tác giả Sheldon thì lại nói, những bài thuyết giáo của giáo phái ấy đã làm hai vợ chồng ông dịu đi nỗi đau…
Gần ngay bên cạnh tôi là ông em rể. Sau khi em gái tôi mất, cậu ta rất đau khổ và đâm thành “mê tín” ! Là một cử nhân tốt nghiệp Đại học Tổng hợp và làm giáo viên cấp Ba mà bây giờ mời đồng cốt, đi áp vong…đủ thứ… rồi kể tôi nghe rất nhiều chuyện tôi không thể tin. Nhưng tôi không phản đối mà hiểu, cậu ta quá yêu em gái tôi và khi vợ mất, cậu ta chỉ còn cách dùng “tâm linh” để nhẹ bớt nỗi đau khổ, thương nhớ…
Và xin kể một câu chuyện tạm coi là cuối cùng. Hồi mẹ tôi còn sống, một hôm mẹ tôi bảo vợ tôi, một cán bộ y tế trung cấp, đến chùa Quan Hoa (bên Hồ Thiền Quang) tiêm thuốc cho “bà sư”. Bà là người làng tôi, xưa lấy chồng là một ông Thông Phán, nhưng ông này chơi bời quá, bà chán đời bèn trốn nhà đi tu. Chuyện cách đây mấy chục năm và nay bà đã lên đến chức “Sư Cụ”. Bà rất hiền và rất mộ đạo Phật… Bà là một minh chứng cho tác dụng an ủi của tôn giáo, nhất là đạo Phật…
Ngay nhà văn Nga Anton TCHEKHOV, trong lời khuyên các nhà văn trẻ cũng có nói “Điều quan trọng nhất là phải lao động và có niềm tin” (труд и вера)… Theo tôi hiểu “niềm tin ở đây có nghĩa tin Chúa !
Cho nên thiết nghĩ, nhu cầu “tin” cũng hết sức quan trọng. Hiện nay nhiều người đi Chùa, khấn trước tượng Phật chỉ để chửi cho bõ tức (cũng là một thứ tác dụng tâm linh) những tên quan chức đểu cáng, làm hại chồng con họ. Nếu không “trút nỗi uất giận” trước Phật thì trút đi đâu ? Cho nhẹ bớt nỗi lòng căm giận ?

                                                                                                 11-2014. V.Đ.PHÒNG



THAM KHẢO THÊM :



NGUỒN GỐC CỦA MÊ TÍN
          Nhân đọc bài “Ai ăn lộc thánh” của Phan Tất Đức (thạc sĩ ngành quản lý) đăng trên VN Express ngày Chủ Nhật 1-3-2015, tôi muốn thổ lộ những suy nghĩ riêng tư của tôi về nguyên nhân “hiện tượng” mê tín. Bởi theo tôi nghĩ, đấy là một hiện tượng.
         Cũng như rất nhiều bạn khác, tôi sinh ra trong một môi trường đầy mê tín và ngay từ nhỏ đã thấy vô số những trò vô lý, tức cười… rất “trẻ con” ấy, xung quanh chuyện mê tín.
         Một số người đánh đồng giữa “mê tín” và “tín ngưỡng” và gọi chung hai thứ ấy là “nhu cầu tâm linh”, một khái niệm đối với tôi, cho đến hôm nay, mặc dù đã ngoài 80 tuổi và suốt đời chịu khó đọc sách rồi suy ngẫm, vẫn chưa hiểu nổi.
         Thế nào là “tâm linh” ? Một tạp chí Pháp có tên là ESPRIT chuyên nói về những hiện tượng “siêu nhiên”. Và phải chăng “mê tín” và “tín ngưỡng” dịch sang ngôn ngữ Pháp là những thứ liên quan đến “esprit” hay “spirituel” ? Con người, đại đa số đều có một số điều “mê tín”. Không chỉ các dân tộc Phương Đông chúng ta mà cả các dân tộc Phương Tây cũng có nhiều thứ “mê tín” , thí dụ họ rất kiêng con số 13 ! Nhiều tòa nhà cao tầng hiện đại, bỏ qua tầng thứ 13, và nhiều chung cư cũng như khách sạn khi đánh số căn hộ hoặc phòng, cũng nhẩy qua con số “sui sẻo” ấy vì sợ nhiều người coi đấy là con số “nguy hiểm”.
                                                                             *
         Thế rồi đến một hôm, đọc cuốn LỊCH SỬ VĂN MINH TRUNG HOA của nhà nghiên cứu lịch sử, triết học… nổi tiếng thế giới DURANT, có đoạn ông này giải thích hiện tượng dân Trung oa biến triaaets gia HHHHoa biến triết gia vĩ đại Lão Tử thành một vị Thánh rồi thờ cúng, tổ chức lễ hội, tôn vinh ông, thậm chí biến ông thành Thái thượng Lão Quân để cúng bái… Để trích dẫn nguyên văn lời giải thích của Durant, tôi bèn lục lọi và may thay đã thấy. Xin trích nguyên văn đoạn ấy như sau (theo bản dịch của NGUYỄN HiẾN LÊ).
«Tôn giáo đơn sơ và gần như duy lý ấy (Đạo Khổng) không làm cho đại chúng thỏa mãn. Vì rất ít phần tượng trưng, không đáp ứng được những hy vọng, mơ mộng của con người, không chấp nhận sự tin dị đoan mà chính những dị đoan làm cho đời sống hàng ngày cuồng nhiệt hơn. Vì ở Trung Hoa cũng như ở các nước khác, dân chúng thích dùng cái nên thơ của sự linh dị mà tô điểm thêm cho đời sống bình phàm bằng một thế giới quỉ thần, thiện hay ác, lởn vởn xung quanh họ, và họ muốn dùng những câu thần chú hoặc những lời cầu khẩn để các quỷ thần ấy không hại được họ, hoặc phù hộ cho họ nữa. Họ nhờ thầy bói dùng mai rùa hay cỏ thi đoán tương lai cho họ theo Kinh Dịch ; họ muốn những nhà phong thủy để mả hoặc để hướng nhà cho ; họ thuê bọn phù thủy cầu mưa hay nắng cho… Đặc biệt là người Hoa Nam có óc thần bí, không ưa tính cách lạnh lùng, duy lý của Khổng Giáo và muốn có một tôn giáo tặng họ niềm an ủi là được hưởng đời sống vĩnh cửu. Cho nên vài nhà thần học bình dân mượn ngay những học thuyết hơi mơ hồ của Lão Tử rồi lần lần tạo nên một tôn giáo. Lão Tử và Trang Tử cho đạo là một quy tắc sống, một phương tiện để cho thế giới được thái bình, chứ không bao giờ coi nó là một đấng thần linh, lại càng không cho rằng nhờ theo nó mà xuống hố rồi vẫn còn được sống trên một cõi nào khác. Nhưng tới thế kỷ II, có một số người bảo được Lão Tử truyền cho một thứ thuốc bất tử, và sửa đổi (đề ra một cách lý giải sai lệch) học thuyết của Lão Tử. Thứ thuốc ấy được nhiều người ham lắm và tương truyền nhiều ông Vua lạm dụng mà chết. Khoảng năm 148 sau T.L., một thầy tu thần bí bán một thứ bùa rất giản dị mà trị được bách bệnh lấy năm hộc lúa. Có thể rằng thứ bùa đó trị được bệnh cho vài người, còn những kẻ không hết bệnh thì ông ta đổ tại thiếu đức tin, nên bùa không công hiệu. Thế là thiên hạ ùn ùn theo tôn giáo mới, dựng đền, quyên rất nhiều tiền tặng các thầy tu [hay thầy phù thủy ?] đó, đem lòng tin dị đoan của họ ra thờ tôn giáo mới.  Lão Tử thành một vị thần (Thái Thượng Lão Quân), bảo ông ở trong bụng mẹ tám mươi năm mới ra đời, cho nên mớí sinh ra, ông đã già, tóc đã bạc, minh triết ngay rồi. Trong một ngàn năm, Đạo Giáo thu hút được hàng triệu tín đồ, thuyết phục được nhiều ông vua và kiên nhẫn dành ảnh hưởng với Khổng Giáo, ngăn cản triều đình thu thuế để tiêu vào việc nước. Sau nó phải thua, không phải vì đạo Khổng hợp lí, mà vì một tôn giáo mới mạnh hơn, an ủi được hạng bình dân hơn, tức đạo Phật… »
                Phải chăng đoạn trích trên có nghĩa DURANT cho rằng nguồn gốc của “mê tín” là nhu cầu vui chơi ? Mà hình như nhu cầu ấy ở nữ giới mạnh hơn ở nam giới, nhất là lớp trẻ, tràn trề sức sống và dễ “a dua”. Tôi tạm gọi là “nhu cầu thích đàn đúm”. 
               Nhân đây tôi lại nhớ một trường hợp xảy ra với tôi. Vào khoảng năm 1948, hôm ấy tôi có việc phải đến Ủy Ban Huyện Đông Triều. Lúc đang đạp xe trên đường số 18, tôi gặp một đám con gái trẻ… Nhìn thấy tôi, một cô trêu : “Anh bộ đội ơi, có thích ôm con gái không thì xuống xe đi, ôm em ấy ! Em cho đấy !” Thấy trò chơi có vẻ vui, một cô khác hét lên : “Em yêu anh lắm, anh bộ đội đẹp trai ơi. Xuống xe đi, rồi ôm em nào !” Thấy trò thú vị, cả đám, chừng gần hai chục cô gái trẻ 15- 20 tuổi cười ầm lên rồi nhao nhao, tranh nhau hét : “Yêu em nào, em xinh hơn nó. Nào, anh bộ đội, xuống đây, ta ôm nhau, vú em to lắm… Em cho anh tha hồ bóp đấy” Rồi cả đám nhao nhao, vừa cười rộ vừa la hét, mỗi lúc một táo tơn, thậm chí tục tĩu hơn… Tôi hết hồn, vội phóng xe đạp thật nhanh, có cô còn níu xe, khiến tôi phải gỡ mạnh hoặc lao xe nhanh hơn… Lúc đến Đông Triều, tôi vào nhà ông Chủ tịch. Đang uống nước thì thấy tiếng chào : “Cháu chào chú ạ !” Tôi nhin ra, thấy một cô gái, chính là trong đám trêu tôi lúc trước. Ông Chủ tịch giới thiệu : “Cháu chào chú đấy !” Cô gái nhận ra tôi, mặt đột nhiên đỏ nhừ, xấu hổ cúi đầu chạy nhanh vào nhà trong…
           Cũng cần nói thêm, là hiện tượng đùa giỡn ấy còn có sức lây lan rất nhanh, và biến thành một thứ “triệu chứng bệnh lý” y học gọi là “hysteria” ! Nhưng đấy là chuyện khác. Nhưng nhu cầu “tâm linh” ấy phải chăng là một thứ “giải trí” hoặc “giải tỏa những căng thẳng trong cuộc sống” ? Và con người ta có nhu cầu “tin” vào một sức mạnh siêu nhiên” nào đấy. Bởi có nhiều lúc con người ta thấy bất lực, cần cầu cứu một sức mạnh siêu nhiên nào đấy. 
           Tôi lại nhớ một chuyện khác. Hồi tôi dịch rồi đạo diễn cho Đoàn Kịch Hà Nội vào khoảng thập niên 1990 kich bản xô-viết “Nơi cuộc đời ẩn náu”, có một đoạn như sau. Nhân vật chính là một cô gái trẻ. Cô có chồng nhưng vẫn sống cùng cha mẹ. Cha cô là một cán bộ ngoại giao, từng làm đại sứ ở nhiều nước, và ông đem về nhiều thứ của nước ngoài mà ông bầy trong một phòng, gần như một viện bảo tàng nhỏ : những mặt nạ châu Mý La tinh, tượng thần thánh dân gian châu Phi… Một hôm tình cờ ông bước vào và thấy con gái đang quỳ, chắp tay khấn vái trước một pho “ngẫn tượng” châu Phi. Ông nổi nóng : “Bố là đảng viên Cộng Sản mà con lại mê tín thế à ?” Cô gái, lúc ấy biết chồng ngoại tình với một bạn gái của cô, đang trong tâm trạng đau khổ, bèn đáp : “Thế bây giờ con muốn than thở thì than thở với ai ? Bố thì suốt ngày đi vắng. mẹ thì suốt ngày đánh bài với bè bạn… Con chỉ có một cách là thổ lộ nỗi lòng để vơi bớt nỗi đau khổ với pho tượng này thôi, chứ con có cần biết ông ta là ông thần hay ông thánh nào đâu ?
             Nhìn vào hiện tượng dân kéo đến các đền Bà Chúa Kho, Thánh Gióng… thì chúng ta thấy họ có hai nhu cầu : một là vui chơi và hai là thổ lộ mong ước thầm kín (thí dụ mong thần thánh vật chết cái “lão” thủ trưởng khốn nạn, chuyên ép nhân viên nữ phải ngủ với hắn…) chẳng hạn…
            Ấy đấy, nguồn gốc của mê tín phải chăng là ở đấy… và nếu như thế thì đúng là “nhu cầu” không phải tâm linh mà nhu cầu tinh thần, con người ta đang cần một niềm an ủi, một nơi thổ lộ những mong ước thầm kín… mà họ không thể nói ra công khai ?