Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 9 tháng 3, 2015

NGU KHÁC DẠI, KHÁC BỊP

NGU KHÁC DẠI Ở CHỖ NÀO ?

Tôi có ông anh họ từng trải và thích suy nghĩ. Ông có vốn sống tuyệt vời. Tham gia Đảng, hoạt động rồi bị tù, giam ở nhà tù của Pháp ở Sơn La. Lúc ấy ông còn trẻ, sức khỏe rất tốt, lại có trí thức. Trước khi bị giam, ông đã từng làm việc ở công sở Pháp nên rất am hiểu và thán phục văn hóa Pháp. Đã từng ở trọ cùng với nhạc sĩ Đặng Thế Phong (tác giả GIỌT MƯA THU)… và quen biết nhiều nhà văn nhà báo, đọc rất nhiều văn chương Pháp nên ông am hiểu cả về văn học nghệ thuật. Rồi năm 1945 Nhật đảo chính Pháp, ông được Đảng Ủy nhà tù bố trí “vượt ngục” ra ngoài để chuẩn bị Tổng Khởi nghĩa. Sau này ông có viết cuốn hồi ký lấy tên là “Vượt Sông Mã” kể về cuộc “vượt ngục” này. Cuốn sách được in và phát hành rộng rãi, nhưng rất tiếc là một số đoạn tôi cho là hay nhất thì trước khi in bị Nhà xuất bản cắt vì “không có lợi” (viết đến đây tôi chợt nhớ câu ví dân gian được nghe thuở nhỏ: “Lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn !”). Ông anh tôi rất tiếc nhưng không cãi được, chỉ bảo tôi “Ta có hai cơ quan bậy nhất là Tổ chức và Tuyên giáo !)… Sau “khởi nghĩa” thắng lợi, ông được “Ông Cụ” cử làm Giám đốc Liêm Phóng Bắc Bộ… Về sau, do chuyện tình ái gì đấy, và cũng do “mê” văn hóa Pháp nên bị thất sủng, về làm văn phòng ở một Bộ, may lại là Bộ Văn Hóa…
Tôi rất quý vốn sống cực kỳ phong phú của ông. Ông cũng thích tôi và hai anh em hễ gặp nhau là dính vào nhau, đi bên nhau trò chuyện, quên cả về nhà. Anh thường xuyên bị chị trách, tôi thì bị vợ đón bằng cái nhăn mặt “Cơm canh nguội hết cả rồi.” Một trong những đề tài hai anh em hay bàn là “nghĩa của các từ”. Thí dụ “tương đối” nghĩa là sao ? Tốt thì bảo tốt, xấu thì bảo xấu, đằng này lại cứ “tương đối” ! Hoặc khác nhau giữa “dốt” và “ngu” ở chỗ nào ? Tôi còn nhớ và rất “chịu” cách định nghĩa của anh : “dốt” là ít kiến thức, còn ngu là “không phân biệt được tốt và xấu, có lợi hay có hại. Dốt thì chịu khó học và đọc sách sẽ bớt dốt còn ngu thì chịu. Ngu là trong máu, học mấy cũng thừa. Có khi càng học càng ngu ấy chứ…”
Thì nay Tổng Lú lại cài người thân nhất và tin cẩn nhất vào đứng đầu hai cái cơ quan mà ông anh họ tôi cho là “bậy nhất” ấy ! Làm nhiều trí thức kêu oai oái. Và đất nước ta cứ lộn tùng phèo.
Tôi có cậu em họ, cách đây vài năm, viết một cuốn hồi ký đem đến tặng tôi và khoe lời nhận xét của Đinh Thế Huynh in trên trang đầu , tất nhiên là khen (nêu không cậu ta đã chẳng khoe ông anh). Cậu ta vênh mặt : “Huynh học cùng với em ở Khoa Văn Tổng hợp”. Tôi cười : “Mình không quen nhưng có nghe nói về thằng cha.” Cậu em họ tôi hỏi : “Người ta nói thế nào, hả anh ?” Tôi đáp : “Chú chịu khó đến các Hội Văn học Nghệ thuật và tỏ ra dễ dãi, sẽ nghe được người ta đánh giá hắn thế nào !” Cậu ta cười : “Ôi mấy ông văn nghệ sĩ ấy thì có khen ai bao giờ !”
Sáng nay đọc báo thấy tin “Tổng” ta sang Mỹ, lại không được tiếp ở Phòng tiếp khách của Tổng thống”… Chưa biết tin đích xác hay không. Nhưng nếu đúng thì “có lý”. Vì ông ta đã từng nói : “Mình có làm sao thì người ta mới trọng vọng thế chứ !”.
Vậy “ngu” hay “dốt” ? Dốt thì chắc chắn không rồi. Đọc thiên kinh vạn quyển, từ TÂY DU KÝ…đến BIỆN CHỨNG PHÁP của Hegel… Vậy thì chỉ còn “ngu”. Nhưng tôi không tin. Bởi ông Đào Duy Tùng trước khi nghỉ đã chọn trong lớp trẻ có học một người vừa ngoan vừa viết văn gẫy gọn, có lý có lẽ để trao quyền thì hẳn là “không ngu” . Vì chỉ anh chàng này mới viết được một bài lên án “đa nguyên” sắc bén đến như thế. Tạm thời nhấc lên chức Phó Tổng biên tập và Trung ương ủy viên dự khuyết rồi sẽ lên dần. Nếu một ngày nào đấy, cậu ta đứng đầu Đảng và Nhà nước ta thì phúc cho dân !



NGU HAY BỊP ?
Hôm trước tôi đã trình bầy ngu hay dốt khác nhau ở chỗ nào, hôm nay xin nói tiếp về NGU VÀ BỊP. Đây là vấn đê tinh tế cho nên xin dẫn Maxim Gorki (Alexei Maximovich Peshkov (1868 –1936), văn hào xô-viết, vốn được mệnh danh là nhà văn vĩ đại của giai cấp vô sản. Trong kịch bản “Ego Bulưtsôp” (Егор Вулычов и другие) do Vụ Sân khấu đã xuất bản, bản dịch của Vũ Đình Phòng, có một lớp (đoạn) đề cập đến vấn đề ấy.
Nhân vật chính là Bulưtsôp, một thương gia giầu có, về già mắc một bệnh, đã cầu cứu nhiều chuyên gia y học nổi tiếng ở Châu Âu, tốn vô số tiền mà không khỏi. Thế rồi người ta mách ông một người “có thể” chữa được. Bác “thầy” này có biệt tài là chỉ thổi một tiếng kèn thì bệnh nào cũng khỏi. Ông không tin nhưng gia đình năn nỉ ông cứ “thử” xem sao, biết đâu đấy, vì nghe nói bác ta đã chữa khỏi rất nhiều người mắc những chứng bệnh mà các giáo sư bác sĩ đều bó tay. Nể vợ con, ông đành bằng lòng “thử” và người ta mời bác “chữa bệnh bằng cách thổi kèn” kia đến.
Khi bác ta đến, mang theo chiếc kèn to tướng, ông cho vào phòng, đuổi hết mọi người ra, rồi đóng cửa lại. Ông hỏi : “Bác hãy trả lời câu tôi hỏi, tôi sẽ biếu bác 5 rúp. Bác ngu hay bác bịp đấy ?” Bác “thổi kèn nhăn nhó : “Thưa Ngài, tôi không thể trả lời câu Ngài hỏi.” 
 “Thế nếu tôi tăng tiền thưởng lên 10 rúp ?” – “Thưa Ngài, cũng không ạ.” 

          Tuy trả lời thế nhưng bác ta rất tiếc, 10 rúp chứ có ít đâu ? Vì mỗi lần chữa bệnh, bác chỉ được nhận có 50 xu (50 копеки), thế mà ông nhà giầu này bảo sẽ thưởng những 10 rúp, nghĩa là gấp 20 lần tiền công chữa bệnh cho người khác. 
          Bác ta lí nhí : “Dạ, tôi không thể trả lời câu ấy được.” – “Thế nếu tôi tăng tiền thưởng lên 20 rúp ?” – “Cũng không ạ.” – “Năm mươi rúp ?” 
         Bác ta tiếc đứt ruột nhưng vẫn cố gắng: “Cũng không ạ.” – “Thế nếu 100 rúp ?” 
         Bác ta thầm nghĩ “Chà, gấp 200 lần chữa bệnh” Và lòng tiếc của khiến bác ta không thể cưỡng. Bác nhăn nhó : “Thưa, bịp ạ !”
      Ông thương gia giầu có cười phá lên, vì đúng như ông dự đoán. Ông rút ví thưởng bác ta đủ 100 rúp và thả cho bác ta về.

                                                               *
      Cũng xin nói thêm là trích đoạn trên fôi chọn để “trả bài” cuối học kỳ 1 năm thứ ba Trường Đại học Nghệ thuật Sân khấu (ГИТИС) và phân vai bác chữa bệnh kia cho cậu lớp trưởng Коля КУЗНЕЦОВ. Cậu ta thể hiện dáng nhăn nhó của bác “chữa bệnh bằng thổi kèn” kia rất đạt và trích đoạn được giáo sư chủ nhiệm khóa khen nức nở, cho điểm 5 !

         Thế là các bạn đã rõ : NGU hay BỊP khác nhau ở chỗ nào rồi.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét