Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 19 tháng 3, 2015

HẬN THÙ - TẠI SAO ?



"THÙ HẬN" DO ĐÂU ?
      Tôi chợt nhớ trong số tin tức được báo chí Pháp đưa ra trong những số báo chào mừng lễ kỷ niệm 200 năm Đại Cách mạng Pháp (1789-1989) có một số bài nói về một buổi chiêu đãi rất đặc biệt. Đấy là buổi chiêu đãi “xóa bỏ hận thù” được Ban Tổ chức Nhà nước Pháp triệu tập trong dịp kỷ niệm trọng đại ấy. Nó “độc đáo” ở chỗ số khách được mời đến dự buổi chiêu đãi ấy những hậu duệ của các nhân vật đối địch nhau một sống một mái trong thời gian diễn ra cuộc Cách mạng vĩ đại và đẫm máu ấy.
          

        Trong số khách được mời ấy có những hậu duệ của nhà cách mạng kiên quyết nhất, không tham gia phe phái nào và được tất cả mọi người đương thời ngưỡng mộ, đặt tên cho ông là Ami Du Peuple (Bạn Dân), Jean-Paul MARAT. Được mời cả những hậu duệ của kẻ đã ám sát Marat, cô gái quý tộc tên là Charlotte CORDAY, khi cô ta lọt được vào buồng tắm của con người cách mạng kiên quyết nhất ấy, đã đâm ông vào giữa tim khiến ông chết ngay. Được mời đến dự tiệc cả những hậu duệ của đao phủ đã chặt đầu Vua LOUIS XVI cùng Hoàng hậu Marie ANTOINETTE, lẫn những hậu duệ của chính vị Vua và của bà Hoàng hậu ấy... Không ai nhắc lại mối thù xưa và đòi “trả món nợ máu” ngày trước. Những người mà ông cha của họ là thù địch của nhau, giết nhau, hôm nay cùng ngồi bên nhau dự tiệc, chạm ly rượu sâm-banh với nhau, trò chuyện thân ái và vui vẻ chúc nhau sức khỏe và hạnh phúc...
                                                                      *
             Lục lại và đọc lần nữa những tin tức ấy trên báo chí Pháp bấy giờ, tôi bỗng chợt nghĩ, tại sao rất nhiều người trong chúng ta, nếu không nói là tất cả, cứ ôm mãi mối thù ? Đã gần một thế kỷ trôi qua mà họ không sao giải tỏa và hòa hợp với nhau được ? TẠI SAO ? Tôi luôn tự hỏi, và có lúc tôi đã nghĩ, rất có thể “óc thù hận” nằm trong bản chất của người Việt chúng ta ?
          Trong lúc đang còn hồ nghi như thế thì tôi sực nhớ đến đoạn văn của nhà cách mạng Phan Chu Trinh phê phán người bạn thân, cũng là đồng chí của ông, và đã từng cùng nhau bí mật sang Nhật.. nhà chí sĩ Phan Bội Châu. Tôi bèn lục lại và chép ra đây đoạn văn ấy trong tác phẩm “Pháp Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam” của Phan Chu Trinh, trong ấy có nhận xét về sai lầm của bạn (Phan Sào Nam) như sau :




Phan Bội Châu là người rất có chí khí, có nghị lực, nhẫn nhục, dám làm; có điều tin vào thì không chịu bỏ, dẫu có sấm sét cũng không đổi. Nay sỹ phu khắp nước chưa ai có thể ví với ông ấy. Tiếc thay học thuật không rành, thời thế không rõ, thích dùng quyền thuật, tự dối mình dối người, ngoan cố không đổi. Lớn lời không ai bì, hãm quốc dân vào đất chết, cam chịu tiếng ác mà không tự biết. Tuy nhiên ông ấy vừa hiêu hiêu tự cho là người yêu quốc dân, từ nay về sau ông ấy càng hăng hái nói ra...
Chủ nghĩa phục thù cực đoan mà Phan Bội Châu chủ trương thật là hết sức sai lầm, chỉ hãm quốc dân vào chỗ chết, không hợp thời thế, không sát với lý luận... Bởi vì ông ấy là người đại biểu cho thói quen trên lịch sử ngàn năm của dân tộc nước Nam. Không biết chân tướng của người nước Nam, xem ông ấy thì biết được. Dân nước Nam rất giàu tính bài ngoại, thì bài ngoại của ông ấy đến chỗ cực đoan. Người nước Nam rất thích dựa người ngoài, ông ấy lại ỷ ngoại đến chỗ cực đoan. Dân Nam rất thiếu tính tự lập, ông ấy lại càng hơn nữa. Tính chất, trình độ của ông ấy đều cùng hợp với tính chất, trình độ của quốc dân. Cho nên nhân chỗ hơn chỗ kém của quốc dân mà lợi dụng; đó là điều mà thầy thuốc gọi là thuật tắc nhân tắc dụng.
Cho nên điều mà ông ấy lo, là quốc dân oán nước Pháp không sâu. Những sách ông ấy viết ra, không bàn thời thế, không nói lợi hại, dựa vào chỗ không mà biên soạn, tự dối mình, dối người. Nói tóm lại, đều là kêu gọi lòng thù ghét của quốc dân mà thôi. Đợi đến khi lòng thù ghét đã sâu, phản loạn nổi lên bốn phía, ông ấy mới nhân đó mà vào, để thỏa cái lòng phá hoại. Không phải là không biết cách mệnh không thể làm, nhưng lợi dụng cái ngu của dân - tức tính bài ngoại, không làm thì không chịu. Không phải là không biết Nhật Bản chẳng làm gì được, nhưng lợi dụng cái yếu của dân - tức tính ỷ ngoại, không làm thì không chịu. Mà quốc dân sở dĩ mù quáng nghe theo chạy theo, đến chết chưa tỉnh, ấy là vì tính chất gần nhau, cho nên thâm nhập khá sâu....Đó là ý kiến và thủ đoạn của Phan Bội Châu mà thôi. Cho nên người không biết ông ấy thì bảo đó là người hết sức ngu lầm, chứ không biết ông ấy lợi dụng cái ngu của quốc dân để khoe trí mình, lợi dụng chỗ kém của quốc dân để làm rõ cái hay của mình. Than ôi! Không biết cái ngu cái kém mà làm thì cũng có thể thứ cho. Biết cái ngu, cái kém, cái không địch lại mà cứ muốn lợi dụng để thực hành chí mình thì ta không biết ông ấy đã cư xử theo cách nào.
(Đoạn gạch chân là do tôi gạch để các bạn chú ý.)
          Theo ý Phan Chu Trinh thì cái xấu (mà ông gọi là “cái ngu”) thứ nhất của dân ta là “tính bài ngoại”, và bạn ông, Phan Bội Châu, đã kêu gọi “lòng thù ghét của quốc dân”. Còn cái “ngu” thứ hai là ỷ lại vào sự cứu giúp của nước ngoài.
 
 Nếu cụ Phan Chu Trinh nhận định đúng thì thói "hay thù ghét” là một trong mấy tính ngu của dân ta. Chẳng trách suốt lịch sử cách mạng nước ta, người ta luôn kích động “căm thù”. Từ 1930, Xô-viết Nghệ Tĩnh đề ra khẩu hiệu : Trí Phú Điạ Hào, đào tận  gốc, trốc tận rễ ! Nghe đã thấy lạnh người rồi. Một loạt hồi ký về CCRĐ thuật lại cách “trả thù” địa chủ, cường hào thật man rợ và độc ác. Người ta chết rồi, nhưng cũng vẫn lấy chân đạp đầu người ta xuống cho bõ ghét rồi mới xúc đất vùi lên. Các bạn thử nhớ lại những câu hát : “Quyết phen này trả mối thù chung...” (lời ca khúc DIỆT PHÁT XÍT cua Nguyễn Đình Thi, “Giết, giết tơi bời, ta tô cho thắm Ba Vì ơi” (lời một ca khúc về Sông Đà của nhạc sĩ nào, tôi không nhớ...) rồi “Vực nào sâu bằng chí căm thù..” (hành khúc HÒ KÉO PHÁO của Hoàng Vân), vân vân và vân vân... Có thể kể ra hàng vạn, thậm chí hàng triệu lời kêu gọi : “căm thù”, “trả thù”, “hờn căm” ... trong các tác phẩm văn học thơ ca và âm nhạc của chúng ta suốt gần một thế kỷ qua. Và không phải chỉ gần đây mà trước kia cũng đã từng thế, không hề kém chút nào : Vua Gia Long xử tử anh em, con cháu mấy vua Tây Sơn chưa đủ, còn xiềng xương sọ của họ giam vào ngục... Ôi, sao con người độc ác với nhau đến thế. Nỗi căm thù sao mà ghê gớm và dai dẳng thế... Phải chăng đấy là do ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa ? Tôi cho rằng có phần như thế, nhưng bản thân dân ta đã thế từ trước rồi. Truyện dân gian TẤM CÁM, có ảnh hưởng văn hóa Hán đâu mà ta thấy để trả thù, Tấm đã đem thi thể Cám “làm thành mắm” đem biếu bà dì ghẻ[i]...Bà ăn đến gần hết mới thấy đu lâu con gái bà trong ấy. Sự trả thù của Tấm khủng khiếp không. Còn gần đây thì một anh bạn thân của tôi, hôm tôi đến thăm vào sau đợt ném bom miền Bắc của Không quân Hoa Kỳ năm 1972, thấy một dòng chữ sơn rất to ngay trên cánh cửa ngoài của anh ấy : “Mối thù giặc Mỹ đời đời kiếp kiếp không bao giờ quên !” Có nghĩa không còn đường nào dành cho hòa giải, hòa hợp !
          Thôi, cứ cho thái độ độc ác, thù hằn dai dẳng kia là chuyện đã qua, nhưng hình như không phải. Mới gần đây tôi đọc trên báo, thấy có nhiều vụ trả thù độc ác đến mức không tưởng tượng nổi..
          Thế nghĩa là sao, thưa các bạn ? Nói dân tộc chúng ta giầu lòng yêu thương, hay nên nói dân tộc chúng ta giầu lòng thù hận ? Vế trên đúng hay vế dưới, thưa các bạn ?




CHÚ THÍCH :
[i] Truyện cổ tích này đã bị nhiều học sinh kêu là man rợ quá và nhiều phụ huynh đã đề nghị loại bỏ khỏi chương trình học văn của các em.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét