Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 2 tháng 12, 2014

KỊCH BẢN



Đêm kịch đùa

TẬP KỊCH NGẮN






















 





MỤC LỤC


1. Màn Giáo đầu
2.Thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ
3. Chưa đỗ Ông Nghè...
4. Ai ở bẩn nhất ?
5. Nàng Công chúa thích nghe chuyện cổ tích
6. Nhà toán học đãng trí
7. Nhà hiền triết Thổ Nhĩ Kỳ
8. Sự giếu cợt
9. Nếu như có chiếc máy đo tình yêu
10. Tình yêu hiện đại




















1. Màn Giáo đầu

Sắp đến giờ biểu diễn. Giáp đang loay hoay sửa lại một chi tiết trang trí thì Ất chạy vào.
ẤT. Chào Chủ nhiệm Câu lạc bộ !
GIÁP. Về bao giờ đấy ?
ẤT. Chiều nay. Nghe tin các cậu có chương trình văn nghệ mới hả ? Tiết mục gì thế ?
GIÁP. “Đêm kịch đùa”.
ẤT. Vở gì mà tên lạ thế ?
GIÁP. Không phải vở, mà là một chùm kịch ngắn.
ẤT. Kịch đùa ?
GIÁP. Đúng thế.
ẤT. Ái chà ! Cuốn “Những người thích đùa” bán chạy như tôm tươi, thế là các cậu có ngay “Đêm kịch đùa” ! Đánh trúng thị hiếu công chúng thế này thì ăn to đấy. (Sau một chút.) Nhưng tớ nghiệm thấy dân mình không quen đùa.
GIÁP. Vô lý. Chính dân mình rất thích đùa. Nhiều truyện, cứ nghĩ đến đã không nhịn được cười. Hẳn cậu còn nhớ truyện “Lạy Cụ Đề ạ !”, rồi truyện “Ấy đấy, bác lại cứ đùa !” Và còn bao nhiêu truyện cười khác nữa.
ẤT. Truyện “Lạy Cụ Đề ạ !” mình biết rồi. Còn truyện kia sao mình không biết nhỉ ? Cậu kể sơ qua cho mình nghe đi.
GIÁP. Một thằng cha keo kiệt nhưng sĩ diện. Một hôm có bạn từ xa đến thăm, vừa mệt vừa đói. Thằng cha keo kiệt nghĩ cách trốn bữa cơm thết bạn. Hắn bèn thân mật vỗ vai bạn, bảo : “Tôi tuy nghèo thật nhưng bạn đến chơi không bao giờ để bạn đói. Không có tiền tôi cũng bán cái gì đi để thết đãi bạn. Vậy bây giờ bác nói thật đi. Bác chưa ăn chứ gì ?” Thấy vậy, anh bạn nói thật là mình đang đói. Thằng cha keo kiệt nghe xong bèn nhăn mặt lên giọng trách : “Khổ lắm ! Tôi thì thật, bác lại đùa ! Bác ăn rồi hay chưa, bác cứ nói thật đi.” Người bạn lần nữa nói rằng mình chưa ăn. Nhưng lão keo kiệt vẫn một mực : “Khổ lắm, bác lại vẫn đùa ! Bác chưa chịu nói thật !” Hai bên đôi co như thế mãi, một bên bảo mình chưa ăn, một bên cứ nhất định trách bạn nói đùa. Cuối cùng, người bạn đành phải bảo mình ăn rồi, mặc dù bụng đói cào đói cấu. Đến lúc ấy, lão keo kiệt mới chịu công nhận bạn nói thật : “Ấy đấy, bác cứ nói thật thế có hơn không nào ? Đúng bác đã ăn rồi chứ gì ? Chứ nếu bác chưa ăn thì tôi bảo cháu nó bắt con gà sống thiến gần hai kí, và chỉ loáng một cái là ta đã ngồi nhắm rượu với nhau được rồi !”
ẤT (cười chảy cả nước mắt nước mũi). Chịu ! Chịu các cụ ta  thật. Cậu nói đúng. Tớ chưa bao giờ được nghe một câu chuyện hài hước, à "chuyện đùa" hay đến thế. Bắt bạn phải nói dối ! Bạn nói thật thì khăng khăng rằng bạn nói đùa, đến nỗi cuối cùng bạn phải nói dối, và liền bắt ngay lấy rồi khen bạn đã nói thật ! Ôi chao ơi, sao có câu chuyện thâm thuý đến thế ! Ai dám bảo dân tộc ta thiếu tư duy triết học ? Triết học đấy chứ đâu ? (Đột nhiên.) À nhưng những câu chuyện ấy mà cậu bảo để đùa hả ? Không đâu ! Nghe cậu kể xong, tớ muốn khóc ấy chứ. Mà tên câu chuyện là gì ấy nhỉ ?
GIÁP. “Ấy đấy, bác lại cứ đùa !”
ẤT. Cả câu chuyện ấy và những câu chuyện hài hước khác, anh bạn ạ, không phải để đùa đâu, mà để "đả" đấy ! Không phải đờ-ua-đua-huyền-đùa mà là đờ-a-đa-hỏi-đả. Người đặt chúng ra là những kẻ ác khẩu. Thấy người ta sai không nói toạc ra cho người ta sửa, mà lại đặt chuyện hài hước để cười nhạo ! Vợ nấu cơm khê không mắng thẳng lại cười hềnh hệch : “Chà, cơm hôm nay em nấu thơm phức !” Vợ tớ mà nghe thấy cái giọng ấy thì …
GIÁP. Thì sao ?
ẤT. Thì cả nồi cơm lẫn xoong canh ra nằm ngoài sân cho biết tay !
GIÁP (cười). Ra tớ có phước thật !
ẤT. Vợ cậu chịu được cái giọng chua chát ấy à?
GIÁP. Sao lại “chua chát” ? Mà phải chăng vấn đề là ở cái giọng ? Cũng một câu ấy, nói giọng chua chát hiệu quả khác, nói giọng đùa vui lại hiệu quả khác. Tớ đã từng nói với vợ cái câu ấy, nhưng vợ tớ lại cười. Tại tớ dùng cái giọng …
ẤT. Giọng thế nào ?
GIÁP (mỉm cười). Giọng đùa yêu !
ẤT. Không phải ! Thái độ người nghe mới là chính. Vợ cậu cười vì vợ cậu dễ tính. Còn vợ tớ thì không như thế chút nào. Có anh chịu được đùa cợt của người khác, có anh không chịu được. Tớ nghiệm thấy có thằng cha hoàn toàn không quen nghe nói đùa. Hơi tý là tự ái. Tớ sợ nhất loại người này. Nghe ai nói gì họ cũng vận vào cho bản thân và nghĩ ngay là người ta xỏ xiên mình. Tiết mục “Đêm kịch đùa” này của các cậu mà gặp phải loại khán giả ấy thì gay ! Màn chưa mở, anh ta đã nghĩ trong bụng : “Để xem tiết mục này định ám chỉ cái gì, nhằm đả ai đây ?” Nếu cái người cậu định đùa ấy anh ta đang căm thì anh ta sẽ ca ngợi tiết mục của các cậu hết lời, còn nếu ngược lại thì các cậu chết với anh ta !
GIÁP. Ra cái câu của một nhà văn nước ngoài đúng thật.
ẤT. Câu thế nào ?
GIÁP. “Mọi tội ác trên thế gian này hình như đều do những kẻ không có cảm giác hài hước gây ra.”
ẤT (reo lên). Tuyệt ! Câu nhận định hay tuyệt trần gian ! (Nhắc lại.) "Mọi tội ác trên thế gian này hình như đều do những kẻ không có cảm giác hài hước gây ra"… Tuyệt ! (Sau một chút.) Nhưng tớ vẫn lo cho các cậu, vì bản thân tớ đã vấp nhiều vố rất đau. Mình chỉ đùa vui, ai ngờ đụng đến ông bạn. Ở nhiều nước ngoài, người ta đưa hẳn những vĩ nhân, bác học, nghệ sĩ tên tuổi, kể cả những nhà lãnh đạo lên đùa trên báo chí, mà đùa khá ác, nhưng người bị đưa ra đùa có tự ái đâu ? Ấy thế mà ở ta, mới hơi hơi một tí đã …
GIÁP. Ở ta chưa quen thì chúng mình sẽ làm người ta quen ! Ngày xưa các cụ hóm thế, sao bây giờ chúng mình lại quá nghiêm chỉnh vậy ? Cậu nhớ trong lịch sử văn học ta, có nhiều trường hợp chỉ nhờ câu đùa thông minh mà gỡ được tội cho người bị oan đấy ư ?
ẤT. Chính thế. Một câu phê bình ý nhị, kiểu như đùa vui rõ ràng hiệu nghiệm hơn đao to búa lớn nhiều.
GIÁP. Chứ còn gì nữa ?
ẤT. À, mà tác giả những vở kịch đùa này là ai thế ?
GIÁP (sau một chút). Tớ.
ẤT. Cậu ? Chà… Táo gan đấy !
GIÁP (giật mình, nhìn đồng hồ, hốt hoảng). Chết, quá mất hai phút rồi. (Hét to.) Các cậu ơi ! Bắt đầu thôi ! (Với Ất.) Xuống kia ngồi xem cho thoải mái. Mau lên !
ẤT. Nhưng cậu phải chú ý, đừng…
GIÁP (đẩy bạn ra). Nói gì để lát nữa ! (Với khán giả.) Vở kịch đùa thứ nhất : “Thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ”. (Thấy bạn vẫn đứng đấy, bèn đẩy đi rồi ra theo.)
Màn mở.





2. Thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ.

NHÂN VẬT :
. Nhân viên bưu điện
SỬU. Cán bộ Viện Kiểm Sát

Phòng làm việc của bộ phận mắc điện thoại tại Bưu điện một thị xã vào thời nay.[1]
(với khán giả). Người ta có câu “Thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ” sao mà chí lý đến thế ! Ai làm nghề gì đều ăn vào cái nghề ấy cả. Đúng ra, câu tục ngữ kia còn có thể kéo dài thêm nhiều nữa : thợ mộc ăn đanh, thợ nguội ăn sắt, thợ sửa đài ăn bóng đèn điện tử, ăn tụ, ăn trở… Nhưng mà thôi, nếu cứ kéo dài cái bản kê này thì khéo quý vị phải ngồi đây đến Chủ nhật sau, chưa chắc tôi đã kể hết. Anh bán vé xe điện, xe buýt ăn đã đành, cái anh nhân viên coi ba-ri-e cho tầu hoả chạy ngang qua đường phố cũng ăn được mới lạ. Nhưng nói vậy thôi, chứ muốn ăn được cũng phải có tài, đâu phải ai muốn cũng ăn được đâu ! Ngồi trên đống của mà vợ con vẫn nhếch nhác, vẫn chỉ sống đóng khung trong đồng lương, có thêm thắt được gì đâu ? Vợ ra chợ mua mớ rau cũng mà cả hàng tiếng đồng hồ, cò kè thêm bớt từng xu. Nói thật với quý vị, cũng chẳng phải khiêm tốn làm gì, tôi là người có tài ! Trước tiên là tài nói. Tôi mà cất tiếng lên, quay lưỡi vài vòng là việc gì cũng xong. Cái tài này đâu phải do cha mẹ sinh ra đã có ngay, mà là do tôi. Quý vị biết không ? Tôi phải nghiên cứu công phu lắm đấy. Tôi nghiên cứu tỷ mỷ tâm lý từng loại người. Tất cả chánh phó Giám đốc, các trưởng phòng, các cán bộ, công nhân viên, ai thích cái gì, không thích cái gì. Nói chung thì ai cũng ưa nịnh. Đàn bà con gái thì ưa nói ngọt. Nhưng chưa phải chỉ cần biết thế đã đủ đâu. Cũng là nói ngọt, nhưng mỗi chị, mỗi cô lại thích một kiểu nói ngọt. Vô phúc anh nào nghiên cứu không chính xác thì công việc không thành mà có ngày còn bỏ mạng nữa. Nhưng thôi, nói lan man mãi, quý vị nào cần kinh nghiệm, tôi xin mời đến nhà riêng của tôi ở ngõ 3 phố Ga. Tôi sẽ xin không giấu nghề như mấy ông bà làm nghề buôn thần bán thánh. Ấy chết, mà tôi chưa tự giới thiệu tên tuổi đấy nhỉ. Tên tôi là Trần Tý, làm chân nhận lắp máy điện thoại cho các cơ quan trong thị xã. Và tất nhiên đời nào tôi chịu làm xuông. Đã đành cơ quan nào đặt máy, khi chúng tôi đến xem xét, nghiên cứu qua bao nhiêu đận rồi mới bố trí thợ đến nối đường dây và lắp máy, thì mỗi đận như thế, đều có chiêu đãi chu đáo. Nhưng như thế tôi mới chỉ được sơi tại chỗ, bản thân tuy được bát phở, bát vằn thắn, cốc bia, cốc cà-phê sữa với vài điếu đầu lọc thật, nhưng chẳng mang được gì về nhà cho bà xã với mấy đứa nhóc. Quý vị tính, người có lương tâm, thương vợ thương con, ai nỡ thế ? Tôi có cách riêng. Cách nào tôi sẽ kể. À, mà kia rồi ! Lại có một cơ quan nào đến, chắc cũng xin đặt máy. Chẳng gì bằng nhỡn tiền, quý vị xem sẽ thấy cái cách của tôi, và sẽ thấy tôi có tài thật sự, chẳng phải nói ngoa. (Nhìn ra.) Mẽ này có vẻ dân hợp tác chứ không phải cơ quan nhà nước. Bây giờ nhiều hợp tác xã làm ăn khấm khá cũng đòi lắp máy điện thoại cho oai. Loại này thường giầu có. Vài ngàn đối với họ chẳng nghĩa lý gì.
Sửu vào.
Chào đồng chí ! Đồng chí cần gì ạ ?
SỬU. Chào đồng chí. Tôi đến xin đặt máy điện thoại cho cơ quan.
. Mời đồng chí ngồi. (Rót nước.) Mời đồng chí sơi nước.
SỬU. Cảm ơn. (Ngồi xuống. Chìa bao thuốc). Mời đồng chí !
. Cảm ơn, tôi không hút. Chao ôi, trời nóng quá thể. Sáng nay nghe đài, hình như cao nhất từ 38 đến 39 độ thì phải.
SỬU. Vâng. Đúng thế.
. Đồng chí cần đặt máy điện thoại cho cơ quan ạ ? Đồng chí cứ làm đủ thủ tục giấy tờ. Nếu đủ tiêu chuẩn, chúng tôi sẽ đến nghiên cứu.
SỬU. Thưa, có lâu không ạ ?
. Kể ra thì… Tôi nói thật nhé. Bây giờ việc đặt máy mới hết sức hạn chế. Nguyên vật liệu thiếu quá. Chúng tôi chỉ giải quyết  trường hợp nào hết sức cần thiết.
SỬU. Cơ quan tôi hết sức cần có máy để làm việc.
. Tôi biết. Nếu không cần sao đồng chí lại đến đây ? Nhưng sự đời nó phức tạp lắm. Có việc rất cần mà lại không được giải quyết. Có việc không cần gì hết lại được giải quyết tắp lự. Trên đời, mọi sự đều tương đối, dồng chí ạ. Bảo cần thì nó là cần, mà bảo không cần thì nó lại không cần.
SỬU. Tôi hiểu.
. Nói vậy thôi, chứ nếu đồng chí cần, tôi sẽ giúp. Có điều bây giờ việc gì cũng phải có đi có lại.
SỬU. Vâng. Tôi hiểu,
. Để đồng chí khỏi mất thời giờ, nhất là hôm nay thời tiết nóng nực thế này, 38, 39 độ đâu có ít. Tôi xin không rào trước đón sau gì hết mà đi thẳng vào việc cho chóng vánh. Đồng chí đồng ý không ạ ?
SỬU. Đồng chí nói rất đúng. Chúng tôi cũng chỉ muốn được việc.
. Hay lắm. Tôi cũng đoán thế. Vậy tôi cứ nói toạc ra. Đặt máy có hai cách. Cách đàng hoàng thì rất lâu, có khi phải hàng năm…
SỬU. Ấy chết, chúng tôi đang cần ngay.
. Đồng chí bình tĩnh nghe tôi nói đã. Phải hàng năm ! Lấy  ví dụ. Thư viện Nhân dân của thị xã xin lắp máy từ tháng Sáu 1980, mà đến nay là 1982 rồi mà đã được đâu ? Xem chừng còn phải chờ ít ra là đến kế hoạch năm năm kỳ sau.
SỬU. Ôi, thế thì gay quá nhỉ !
. Gay chứ. Đồng chí tưởng đơn giản hẳn ? Thế nhưng đồng chí cứ bình tĩnh. Cũng còn cách thứ hai…
SỬU. Cách không đàng hoàng ?
. Kể ra cũng không phải không đàng hoàng. Mà lại rất nhanh. Thí dụ nhé ? Hợp tác xã nhựa tái sinh ở ngoài bến ca-nô, từ hôm có công văn đến hôm lắp xong máy, chỉ mất có tám ngày. Đồng chí nghe rõ chứ ? Đúng tám ngày, không hơn không kém.
SỬU. Tuyệt quá ! Thật ra cơ quan chúng tôi cũng không cần  nhanh đến thế.
. Nhưng nhanh vẫn hơn, đồng chí tán thành không ? Đồng chí đỡ phải vất vả đi lại liên hệ này nọ. Trời lại nóng nực như thế này. 38-39 độ chứ có ít đâu. Mà chúng tôi cũng đỡ cực. Nói thật với đồng chí, chúng tôi có muốn kéo dài đâu ?
SỬU. Đúng thế. (Sau một chút.) Vâng, tất nhiên càng nhanh càng tốt. Càng sớm có máy dùng. Công tác của chúng tôi hay phải liên hệ này nọ. Có máy điện thoại, anh em đỡ phải đạp xe. Nhiều khi đến nơi lại không gặp…
. Vậy là đồng chí công nhận. Chính vì thấy đồng chí hiểu ra như thế nên tôi mới mách đồng chí cách nào có máy ngay.
SỬU. Chắc phải tốn tiền ?
. Thì đồng chí tính, làm gì bây giờ mà chẳng phải tốn ? Thế nhưng cũng lại xin nói ngay để đồng chí yên tâm. Không mấy đâu. Thậm chí không tốn bằng cách thứ nhất.
SỬU. Cách đàng hoàng ?
. Tôi đã nói với đồng chí rồi, cách thứ hai này không phải không đàng hoàng.
SỬU. Tôi chưa hiểu. Tại sao Thư viện Thị xã không làm theo cách thứ hai ?
. Có gì là lạ. Vì không ai mách cho họ.
SỬU. Sao đồng chí không mách ?
. Đồng chí hỏi vì sao à ? Phải tuỳ mặt mà nói chứ. Với đồng chí chẳng hạn. Mới thoạt nhìn, tôi thấy ngay đồng chí là người hiểu biết. Còn cái chị Chủ nhiệm Thư viện Thị xã thì mới gặp tôi đã biết là không thể nói chuyện với chị ta được.
SỬU. Chị ấy làm sao ?
. Máy móc. Hơi một tí là viện ra nguyên tắc, cái gì cũng sợ. Đồng chí tính chị ta nói thế này nghe có thấy ngu không nhé. "Tiền hàng triệu nhưng có chứng từ thanh toán hợp pháp cũng vẫn chi, nhưng một xu mà không có chứng từ hợp pháp thì dứt khoát tôi  không chi". Chính cái lối máy móc này mà lãng phí cho nhà nước không biết bao nhiêu mà kể. Chị ta kể chuyện với tôi như thế này. Hôm nhận cờ thi đua của Tỉnh, được thưởng 500 đồng, chị ta bèn tổ chức ăn liên hoan. Cơ quan Thư viện toàn phụ nữ, chị em bàn mua thức ăn ngoài chợ về nấu lấy, vừa rẻ vừa ngon, được cả chất lượng lẫn số lượng. Nhưng chị ta nhất định không chịu, cứ khăng khăng đòi đặt ngoài Cửa hàng ăn của Mậu dịch cho có chứng từ, hoá đơn thanh toán. Cuối cùng bữa ăn chẳng ra làm sao. Thì đồng chí tính, năm trăm đồng mà cả chủ lẫn khách hơn chục người ăn ở Cửa hàng Mậu dịch thì ra cái gì ? Đồng chí thấy chị ta hâm không nào ? Mà tôi hỏi thật đồng chí nhé : đồng chí thường ăn ở quốc doanh hay tư nhân ? Thí dụ ăn phở chẳng hạn ?
SỬU (cười). Tôi ăn ngoài. Phở Mậu dịch vừa đắt vừa dở.
TÝ. Ấy đấy ! Thế thì tôi có thể nói chuyện với đồng chí được rồi.
SỬU. Cách thứ hai thì đồng chí ước tính tốn độ bao nhiêu ?
. Cũng chẳng bao nhiêu. Và tôi đã nói rồi, chắc chắn không tốn hơn cách thứ nhất.
SỬU. Thế thì chúng tôi đồng ý cách thứ hai. Nhưng có đủ chứng từ để thanh toán với tài vụ cấp trên chứ ?
. Tất nhiên. Tôi đã nói cách thứ hai này không phải không đàng hoàng. Đồng chí yên tâm.
SỬU. Nhưng tôi vẫn chưa hiểu, tại sao cách thứ hai này lại không tốn hơn cách thứ nhất ?
. Thế tại sao phở tư nhân lại rẻ và ngon hơn phở Mậu dịch ? Cũng nguyên nhân như vậy thôi.
SỬU. Tôi hiểu. Có phải tại thế này không ? Mỗi lần các đồng chí đến xem xét, nghiên cứu thực địa, chúng tôi đều phải tiếp đãi lịch sự ?
. Mà không phải chỉ đôi ba lần, mà hàng chục lượt.
SỬU. Sao phải hàng chục lượt ?
. Chúng tôi mà vẽ ra thì hàng trăm lượt vẫn chưa xong ấy chứ. (Cười khúc khích.) Các đồng chí sẽ thành cái quán. Mỗi khi chúng tôi thèm tách cà-phê, điếu thuốc, lại vẽ ra một lý do để đến thăm. Mà không phải chúng tôi chỉ đến vài ba người, mà sẽ kéo hàng chục, lôi cả anh em ở các bộ phận khác. Lần để tính toán cái này, lần để xem lại cái kia. Hôm định làm thì quên cái này. Định đào thì quên cái kia. Cứ thế vân vân và vân vân…
SỬU. Chà !..
. Tôi nói thật nhé. Hiện đang có mấy cơ quan đang xin lắp máy, tôi thì không, nhưng anh em chỗ tôi cứ thỉnh thoảng lại kiếm cớ đến để vòi chén nước, điếu thuốc.
SỬU (cười rũ ra). Và họ sẽ vẫn không bao giờ có máy ? (Vỗ đùi.) Giỏi ! Các đồng chí giỏi thật ! Nhưng thôi, bây giờ ta bàn cụ thể luôn. Xin đồng chí cho biết con số tổng quát.
. Khoan đã. Ta thông với nhau về cách thức đã.
SỬU. Tôi thông rồi.
. Nhưng đồng chí có đầy đủ giấy tờ đấy chứ ? Cơ quan đồng chí có tiêu chuẩn đặt máy chứ ?
SỬU. Vâng. (Đưa giấy tờ.) Đồng chí xem thiếu giấy gì thì chúng tôi sẽ chạy thêm.
. Mà cách thứ hai này cũng chẳng cần giấy tờ gì nhiều cho phiền toái.
SỬU. Vậy đồng chí cho biết cần bỗi dưỡng anh em bao nhiêu ?
. Bộ phận chúng tôi bốn người. Làm cật lực cũng phải mất hai ngày. Xin đồng chí bồi dưỡng cho tám trăm.
SỬU. Có thế thôi à ?
. Đấy là tiền bồi dưỡng, còn phí tổn dây dợ, máy móc thì có thể trả bằng séc cho cơ quan.
SỬU. Đã đành. Thứ tôi cần hỏi là tiền bồi dưỡng cho anh em ấy chứ. Tám trăm thì quá rẻ. Chỉ bằng công thợ mộc hiện nay.
(cảm thấy lỡ lời, đã không đòi nhiều hơn). À, mà trụ sở các đồng chí ở đâu nhỉ ?
SỬU. Ngõ 23 phố Lê Lợi.
. Chà, thế thì phải qua Trạm Cầu Cọ rồi. Ông trưởng trạm Cầu Cọ này cũng mệt đấy.
SỬU. Không sao. Vậy cần bồi dưỡng ông Trưởng trạm này bao nhiêu ?
. Cũng phải bốn năm trăm.
SỬU. Vậy tổng cộng khoảng một ngàn.
. Đấy là họ nể tôi, chứ bình thường giá ấy lão ta không chịu đâu. Không được là bao mà lỡ ra thì khốn. Mất chức như chơi, có khi còn vào tù ấy chứ. Với lại, đồng chí tính, vài trăm bây giờ ra chợ thì mua được cái gì ?
SỬU. Tôi hiểu. Thế bao giờ các đồng chí bắt đầu ?
. Các đồng chí chồng đủ tiền xong là chúng tôi làm ngay. Bây giờ đồng chí ký hợp đồng nhé. Hợp đồng chỉ tính tám trăm tiền dây, máy và công theo quy định, trả bằng séc. Còn số chín trăm rưởi bồi dưỡng như đã thoả thuận thì đồng chí cho tiền mặt. Chúng tôi sẽ có chứng từ viết tay để các đồng chí dễ thanh toán với cơ quan.
SỬU. Kể ra cũng không cần lắm. Miễn là được việc.
. Tôi hiểu. (Lấy hợp đồng ra viết.) Tên cơ quan của đồng chí là gì ?
SỬU. Viện Kiểm sát Tỉnh.
(giật mình). Đồng chí không đùa đấy chứ ?
SỬU. Ai dám đùa với luật pháp bao giờ ?
(đánh rơi bút xuống). Thì ra lão tử vi nói đúng. Tháng này mình có hạn lớn. Đồng chí có cần còng tay không ạ ?
SỬU. Không cần.
. Tôi phải theo đồng chí đến trại giam ngay hay được rẽ qua nhà lấy quần áo ?
SỬU. Đến trại giam ngay !
. Rõ !
Tý cúi đầu đi ra. Sửu theo sau.



3. Chưa đỗ ông Nghè...

NHÂN VẬT :
TÙNG, BÁCH, CÔNG - ba nhân viên trong cùng một cơ quan

Tùng đang châm điếu thuốc lá trên sân cơ quan.
Bách đi đến.
          Bách. Chúc mừng cậu !
            Tùng. Mình có gì mà cậu chức mừng ?
            Bách. Ơ, thế cậu chưa biết gì thật à ? Cậu được đề bạt !
            Tùng. Đề bạt ? Đề bạt làm cái gì ?
            Bách. Làm Trưởng Phòng.
            Tùng. Láo ! Cậu nói láo ! Chuyện ấy thì láo toét rồi.
            Bách. Ngiêm chỉnh một trăm phần trăm.
            Tùng. Thôi đi, ông lỡm tôi để rồi các ông cười cho khỏe phối. Tôi biết tỏng cái trò ấy của các Ngài rồi.
            Bách. Tớ xin thề, tớ nói hoàn toàn nghiêm chỉnh và chính xác !
             Tùng (cười vang). Thề thốt bây giờ thì có giá trị gì ? Có họa cá trê chui ống. Cậu biết, có thằng cha gọi thế kỷ hai mươi là thế kỷ gì không ? Thế kỷ nuốt lời hứa, phản lời thề ! Chỉ những thằng ngu mới đi tin vào lời thề ở cái thế kỷ này.
            Bách (bật cười theo). Chà, nghe cậu nói cũng có lý đấy nhỉ ! Ấy thế mà vẫn có những đứa coi trọng lời thề đấy.
            Tùng. Chẳng có đứa nào hết, mà nếu có thì là đứa ngu.
            Bách. Ngu hay không thì chưa biết. Nhưng có. Thằng cháu con bà chị mình chẳng hạn. Một hôm bà chị hỏi con trai : "Sao lây nay không thấy cái Thủy đến nhà mình nhỉ ? Hay con với nó lại giận nhau, hả ?" Thằng cháu nói : "Cắt rồi !" Bà chị mình ngạc nhiên : "Sao lại cắt ? Nó ngoan và xinh thế kia mà ?" "Vì nó bắt con phải thề cả đời sẽ không yêu ai khác ngoài cô ấy". Bà chị mình phá lên cười : "Nhưng con không chịu chứ gì ? Đúng là trẻ con ! Anh nào khi yêu chẳng thề như thế". Thằng cháu đáp : "Nhưng con đã thề thì không bao giờ con làm trái lời thề." "Hay con đã nhằm một đứa nào khác rồi ?" "Không. Nhưng cuộc đời dài lắm, làm sao con biết được sau này có gặp ai khác hay không ? Vậy mà cô ấy bắt con thề cả đời không yêu ai ngoài cô ấy !"
            Tùng. Thằng cháu cậu đúng là cám để trên vung !
Cả hai cùng cười sặc sụa.
Mà cả cô bé kia có lẽ cũng hâm, bắt cháu cậu thề câu ấy ! Nhưng không bàn chuyện ấy nữa, mà vào câu chuyện hôm nay. Căn cứ vào đâu cậu bảo mình được đề bạt làm trưởng phòng ?
            Bách. Cậu bảo không tin, sao bây giờ lại hỏi ?
            Tùng. Cái tin nghe có vẻ vô lý. Nhưng biết đâu ? Tớ nói thật, nói riêng với cậu thôi nhé. Ông Thịnh chỉ được cái thành tích chống Mỹ thôi, chứ trình độ sao bằng tớ được ? Ông ấy làm trưởng phòng mà chẳng chủ động được cái gì hết, toàn bị động, cả với trên lẫn với dưới. Cậu công nhận không nào ? Thế nếu tớ làm trưởng phòng thì ông Thịnh lên Phó Giám đốc chắc ?
            Bách. Tưởng chuyện ông ấy xin nghỉ hưu cậu biết rồi ?
Tùng. Tớ có nghe, nhưng nghĩ ông ấy sĩ diện thì nói thế thôi, chứ đời nào. Đã đến tuổi đâu ?
Bách. Mẹ ông ấy ở quê mới mất để lại cả một dinh cơ lớn. Với lại cũng hom hem lắm rồi. Bao nhiêu thứ bệnh : dạ dầy, thần kinh tọa, đại tràng mạn tính, lại thêm cái thần kinh suy nhược nữa. Đề bạt cậu lên thay là đúng quá rồi.
Tùng. Thì đúng thế, nhưng tớ vẫn hồ nghi thế nào ấy.
Bách. Dám dánh cuộc không ? Một chầu thịt chó ở Nhật Tân.
Tùng (cười). Chẳng cần đánh cuộc ! Còn nếu đúng là tớ lên chức Trưởng phòng kinh doanh thì chỉ một chuyến đi Hồng Kông là thỏa sức thết cậu mấy bữa thịt chó mà chẳng được. Nhưng cậu nghe ai nói ?
Bách. Thì chính mình nhìn thấy tờ quyết định. Lúc nhìn thấy tên cậu mình cũng bị bất ngờ. Sau mình nghĩ, có lý do nào đấy mà mình chưa biết đấy thôi.
Tùng. Cậu nói nghe như thật, nhưng tớ không tin. Hì-hì ! Tin cậu có ngày bỏ cả thóc giống ra mà ăn.
Bách. Đồ đa nghi ! (Bực tức bỏ đi.)
Tùng. Thôi được, tớ tin.
Bách. Vậy nhận sự chúc mừng chứ?
Tùng (cười). Nhận.
Họ bắt chặt tay nhau.
Cảm ơn cậu.
            Bách. Cậu đã thoáng có ý định cải tiến công tác phòng ta chưa ?
            Tùng. Mới phang phác những nét lớn thôi. Trước tiên là phải phân rõ chức trách. Trưởng phòng làm việc với nhân viên phải vào những giờ nhất định. Cái lối ù xịa, bất cứ lúc nào cũng đẩy cửa bước vào gặp Trưởng phòng là không được. Xuề xòa kiểu ông Thịnh là mình không tán thành. Gia đình chủ nghĩa chỉ hỏng việc. Giờ làm việc là không được đọc báo, nói chuyện riêng. Đi về phải chính xác, chậm một phút cũng cắt lương...
            Bách (cụt hứng). Đúng là phải như thế, nhưng cũng dần dần thôi.
            Tùng. Không dần dần gì hết. Ngay hai chữ "dần dần" mình đã thấy không "công nghiệp" chút nào rồi.
            Bách (thở dài). Nhưng làm "độp" một cái mình e...
            Tùng. Phải kiên quyết cả trong những chuyện chi tiết. Ngay vấn đề xưng hô. Cậu với mình là bạn thân, nhưng bây giờ mình đã là trưởng phòng, cậu có bổn phận giữ uy tín cho mình. Không nên suồng sã "mình mình tớ tớ".
            Bách (sửng sốt nhìn bạn, nhưng lại nhẫn nhục). Vâng, thưa đồng chí trưởng phòng, tôi xin nghiêm chỉnh chấp hành mọi mệnh lệnh của đồng chí.
            Tùng. Cậu tự ái với mình đấy à ?
            Bách. Thưa đồng chí trưởng phòng, tôi đâu dám thế.
            Tùng. Mình nói thật. Cậu tự ái với cấp trên chỉ có hại cho cậu thôi. Nguyên tắc làm việc theo kiểu công nghiệp là thủ trưởng toàn quyền, thủ phó chỉ là người giúp việc, chỉ được ký khi có sự ủy quyền của thủ trưởng.
            Bách. Thưa đồng chí Trưởng phòng, đồng chí làm thế là rất đúng.
            Tùng. Còn việc này, nhỏ thôi nhưng cũng cần làm ngay. Về cái bàn ấy mà. Hiện cậu đang dùng cái bàn mới. Cái bàn ấy là dành cho trưởng phòng, nhưng ông Thịnh xuề xòa nên đã nhường cho cậu. Bây giờ cậu trả lại tôi. Cậu dùng cái bàn của ông Thịnh bây giờ. Cái bàn ấy cũ kỹ, ọp ẹp, không xứng đáng với cấp trưởng phòng.
            Bách. Tuân lệnh. Tôi xin vào thực hiện mệnh lệnh của đồng chí ngay. (Định đi.)
            Tùng (ngăn lại). Nhân tiện đồng chí làm luôn cả việc...
Đúng lúc ấy Công đi đến
            Công (vui vẻ). Có gì vui không, chúng mày ?
            Tùng (nhăn mặt). Đồng chí nên ăn nói lịch sự một chút. Đang giờ hành chính mà "mày tao chi tớ" ! Ngay ngoài giờ, cách xưng hô như thế cũng là thiếu văn hóa đấy.
            Công. Ôi, Tùng ! Hôm nay mày làm sao thế ? Bỗng nhiên giở giọng !
            Tùng (ghé vào tai Bách). Chưa ai biết tin mới. Đồng chí nói cho cậu ta biết đi !
            Bách. Xin báo một tin : chúng ta sắp có trưởng phòng mới.
            Công. Thì có gì là lạ ?
            Bách. Đồng chí Tùng đây bây giờ là thủ trưởng của phòng ta.
            Công (cười rũ ra). Thì ra thế ! Hẳn nào mày giở giọng, Tùng ! Nhưng mày lầm rồi. Tùng dưới cửa hàng Tôn Đức Thắng cơ. Mày tưởng là mày hẳn ?
            Bách. Vô lý ! Chính mình được xem quyết định.Chữ đánh máy rõ ràng : Trần Thanh Tùng mà lại !
            Công. Thì sao ? Ông Tùng kia cũng Trần Thanh. Trùng tên, trùng họ, trùng cả chữ đệm. Hẳn nào bỗng nhiên mày vênh vênh váo váo : nào lịch sự, nào thiếu văn hóa ! (Cười ngặt nghẹo.) Tao đến chết cười về mày mất thôi, Tùng ! Thôi, ông Thịnh sai tao với mày khiêng thùng bia vào để tiếp khách. Nào, đi ! (Kéo Tùng đi.)
            Bách (còn lại một mình). Hú vía ! Tưởng bố mày lên chức thì thật chết. (Gọi to.) Tùng ơi ! Thế là tao thua, tao chịu bữa thịt chó Nhật Tân. Chủ Nhật này nhé ?



4. Ai ở bẩn nhất ?

NHÂN VẬT :
DIỄN VIÊN
KHÁN GIẢ

Sân khấu trống. Diễn viên bước ra.
DIỄN VIÊN. Trong khi chờ tiết mục tiếp theo, tôi xin kể phục vụ quý vị một câu chuyện nhỏ, về người ở bẩn nhất nước Việt chúng ta. Tôi không dám nói nhất thế giới vì nghe đâu châu Phi và Nam Á mới là những khu vực đoạt giải quán quân về mặt này. Tuy nhiên tôi chưa tin hai khu vực ấy còn có người nào ở bẩn hơn người mà tôi sắp kể. Nhưng cũng phải nói thêm, ông ta chính là một trong những người bạn tôi yêu nhất.
Chẳng là hồi ấy tôi là diễn viên. Trong đoàn sân khấu chúng tôi có một ông hoạ sĩ. Hình như trong giới hoạ sĩ tỷ lệ số người ở bẩn cao hơn trong các giới nghề nghiệp khác thì phải. Vì mấy anh hoạ sĩ tôi quen, anh nào cũng ở bẩn đến chết khiếp lên được. Tất nhiên tôi chẳng dám căn cứ vào một vài hiện tượng mà quy kết cho cả một giới nghệ sĩ, nhưng dù sao...
Ông hoạ sĩ bạn tôi chuyên làm đạo cụ cho các tiết mục sân khấu. Tính tình thì lành như bụt, có khi còn hơn bụt nữa. Chỉ có điều đã gần đến tuổi "ngũ thập tri thiên mệnh" mà ông vẫn chưa có ai sửa túi nâng khăn. Vì ông mải mê nghề nghiệp quên cả lấy vợ hay chăng ? Mà có thể cũng chính vì thế mà ông ở bẩn chăng ? Phòng ở của ông trong khu tập thể không khác cái ổ chuột là mấy. Quý vị có dịp đặt chân vào thì phải chết khiếp : sàn nhà ngập rác, trên trần mạng nhện chăng thoải mái, dưới đất ngổn ngang chai lọ, cái lành cái vỡ, hộp mầu, mẩu giấy, miếng gỗ, giẻ rách... Toàn những thứ ông tích trữ để trong khi làm đạo cụ biết đâu dùng đến. Đến đây phải nói ngay rằng ông bạn tôi làm đạo cụ vào loại “siêu”. Nhiều đoàn văn công ở Trung Ương, mỗi khi cần những thứ phức tạp quá đều phải nhờ đến ông. Ai nhìn những quả táo, quả cam, quả đu đủ ông chế tác, khó có thể phân biệt với quả thật bầy bán trong chợ Đồng Xuân. Ngoài tài mỹ thuật, ông còn rất khéo tay. Những con cá ông làm có thể vẩy đuôi. Trẻ con mấy phố xung quanh được hưởng nhiều thứ đồ chơi ngộ nghĩnh do ông chế tác và đem cho chúng. Ông rất hiền và đặc biệt yêu trẻ nhỏ. Thôi, tôi lại sắp lạc đề mất rồi...
Xin quay lại chuyện ở bẩn của ông. Đúng thế, ông không tắm bao giờ. Áo quần từ khi may đến lúc sờn rách vứt đi, không bao giờ được ông nhúng vào nước chứ chưa nói được chạm vào miếng xà phòng. Buổi tối, trước khi đi ngủ, ông gạt những thứ đồ đồng nát bừa bộn trên giường sang một góc, chỉ chừa ra một khoảng nhỏ vừa đủ để ông nằm co chân. Tuy bên trên, ai đã chăng cho ông cái màn, nhưng không bao giờ ông buông, nên màn chất đầy bụi, vàng khè. Hễ ai phê bình thì ông chỉ cười lành hiền, bảo : "Bận quá !" Mà quả ông bận thật. Không phải vì đoàn giao cho ông quá nhiều việc mà vì lúc nào ông cũng loay hoay nghiên cứu một thứ gì đấy.
Cuộc sống ở bẩn của ông cứ lặng lẽ trôi qua cho đến khi xảy ra  một sự kiện lớn có nguy cơ biến đổi hoàn toàn nếp sống quen thuộc của ông.
Chẳng là thế này. Trên bổ sung về cho ban lãnh đạo đoàn sân khấu chúng tôi một phụ nữ đứng tuổi, làm phó trưởng đoàn, chuyên trách về sinh hoạt. Trong khi đưa mọi thứ vào nề nếp, như cải tiến bếp ăn và nhà ăn, thường kỳ tiến hành tổng vệ sinh… chị chú ý đến cuộc sống của ông hoạ sĩ. Chị hết sức quý ông về tài năng, óc sáng tạo, lòng yêu nghề, và khi thấy ông đã lớn tuổi mà vẫn đơn độc, chị quyết định giúp kiếm vợ cho ông. Chị hỏi ý kiến đương sự thì được trả lời hờ hững : "Được thôi, nhưng tôi không tin trên đời có cô nào chịu nổi cách sống luộm thuộm của tôi !” - “Chịu khó tìm, ắt phải có !” Chị Phó đoàn khẳng định. - “Nhưng tôi không có thời giờ tìm hiểu đâu ". Vốn nhiệt tình, chị phó đoàn bèn cất công sục sạo, cuối cùng tìm được một đám. Tuổi không còn trẻ, sắc cũng không  "nghiêng nước nghiêng thành", nhưng phúc hậu, đảm đang. Tìm được rồi, chị bắt đầu cuộc vận động, thuyết phục nhà gái. Sau khi "cô dâu" nhận lời, gia đình nhà gái chấp thuận, đến một động tác cuối cùng không thể không có : đấy là chú rể phải đến trình diện để nhà gái biết mặt. Vì dù dễ tính và tin lời chị phó đoàn đến đâu đi nữa, chẳng lẽ đến lúc cưới, cô dâu và cha mẹ cô gái mới biết mặt chàng rể ? Nhưng đến đây thì vấp phải một trở ngại : không thể đến nhà gái với bộ mặt hàng chục năm không rửa, râu tóc tua tủa, trong bộ quần áo màu nước dưa với cái cổ áo đen kịt mồ hôi ! Thế nhưng mới nghe đến chuyện tắm, ông hoạ sĩ của chúng tôi đã hoảng hồn. Chị Phó đoàn kiên nhẫn trấn an ông ta, nói chị sẽ lo mọi thứ…
Thế là chị cất công đi mua vải, đích thân đem số đo đến thợ may, mong có một bộ cánh tươm tất xứng đáng cho chú rể mặc trong buổi trình diện. Đến hôm cuối cùng, trước khi ông hoạ sĩ đến nhà gái làm cái thủ tục không thể thoái thác ấy, chị Phó đoàn bắt ông cắt bộ tóc bù rối, trùm kín gáy rồi tự tay chuẩn bị sẵn buồng tắm, xà phòng,  nước nóng, khăn tắm, gương lược, quần áo sạch vắt sẵn. Kiểm tra một lượt xong, thấy không còn thiếu thứ gì, chị bảo ông hoạ sĩ vào tắm. Không còn thể từ chối được, và cũng nể chị Phó đoàn quá, ông đành vào. Sự kiện "ông họa sĩ đạo cụ tắm" được mong chờ đến nỗi gần như cả đoàn chúng tôi đứng hết bên ngoài hồi hộp chờ xem một sự kiện kinh thiên động địa đang diễn ra. Tiếng nước chảy. Bọn chúng tôi nhìn nhau cười thích thú. Lát sau, cánh cửa phòng tắm mở ra. Không còn nhận ra ông hoạ sĩ của chúng tôi lúc trước nữa. Bảnh bao, sạch sẽ, đầu tóc chải gọn gàng… Bọn chúng tôi vỗ tay reo hò như sấm. Ông hoạ sĩ, mặt rầu rĩ, đợi tiếng vỗ tay ngớt, quay sang nói với chị Phó đoàn, giọng kiên quyết và dứt khoát : “Lấy vợ mà lại phải tắm, thì dứt khoát tôi không lấy đâu !”
Từ hôm ấy cái câu : “Lấy vợ mà lại phải tắm, thì tôi dứt khoát không lấy đâu !” trở thành câu giễu cợt cửa miệng của chúng tôi mỗi khi thấy ai đó bị có người giục đi tắm.
KHÁN GIẢ (phản đối). Tôi thấy đây chỉ là trường hợp hãn hữu, và ngẫu nhiên rơi vào một hoạ sĩ. Không thể căn cứ vào đấy mà đánh giá cả giới nghệ sĩ tạo hình. Mà nhân đây, tôi xin kể về một người ở bẩn không kém nhân vật vừa rồi, thậm chí còn hơn, và không thuộc giới họa sĩ. Được không ạ ?
CHỦ NHIỆM. Xin mời !
KHÁN GIẢ. Anh này học năm thứ 3 Đại học, vậy mà từ khi nhập trường chưa ai thấy anh ta tắm, thậm chí chưa hề giặt áo quần lần nào. Một hôm, bạn bè cùng khóa quyết định bắt anh ta phải tắm và phải giặt. Họ cũng chuẩn bị đầy đủ như chị Phó đoàn trong câu chuyện trên, chỉ khác là trước khi đẩy anh ta vào buồng tắm, họ dội nước cho ướt áo quần anh ta đang mặc rồi mới đóng cửa, để anh ta không thể không tắm và thay quần áo. Mọi người đứng bên ngoài chờ đợi, giống như câu chuyện lúc nãy, có điều khác là họ không nghe thấy tiếng nước chảy. Chắc anh ta dội nước và kỳ cọ rất khẽ. Lát sau, cửa mở, anh ta bước ra, và lạ chưa ? Vẫn trong bộ áo quần đen kịt bẩn thỉu y nguyên như lúc bước vào buồng tắm. Thì ra anh ta đứng lì trong ấy đợi quần áo tạm khô mới đi ra. Thà chịu ướt một lúc chứ nhất định không chịu đầu hàng ! Có nghĩa ông hoạ sĩ kia chưa phải đã là người ở bẩn nhất !
CHỦ NHIỆM. Xin hỏi, anh ta là sinh viên trường nào vậy ?
KHÁN GIẢ (cười). Trường Mỹ thuật…

  

5. Nàng Công chúa
thích nghe truyện cổ tích

NHÂN VẬT :
CÔNG CHÚA, 12 tuổi
CHÀNG TRAI, 19 tuổi
VUA
NHŨ MẪU
QUAN HẦU

Cung điện nhà Vua. Công chúa xinh xắn và thơ ngây, chừng 12 tuổi, nằm thiêm thiếp trên giường. Nhũ mẫu ngồi quạt bên cạnh.
Vua vào.
NHŨ MẪU (quỳ xuống). Kính chúc Thánh thượng vạn tuế !
VUA. Miễn lễ ! Bệnh tình con ta có thuyên giảm được chút nào không ?
NHŨ MẪU. Tâu Thánh thượng, bệnh tình Công chúa ngày càng trầm trọng. Chiều hôm qua, tiện nữ van nài mãi, Công chúa mới chịu húp một thìa cháo phượng nấu với nấm hương Tây Tạng. Nhưng từ sáng đến giờ Nàng không chịu ăn uống gì thêm.
VUA. Ngươi đi mời quan Ngự Y đến bắt mạch xem sao !
NHŨ MẪU. Quan Ngự Y đến chẳng ích gì. Chí có người nào…
VUA. Vẫn biết thế. Dù sao con ta dùng một thang an thần cũng có thể dễ chịu hơn đôi chút. Vả lại ta còn cách nào khác nữa đâu ?
NHŨ MẪU. Thánh thượng cho phép tiện nữ được tâu trình…
VUA. Ngươi cứ nói.
NHŨ MẪU. Thánh thượng quá nuông chiều Công chúa !
VUA. Ta biết. Nhưng Hoàng Hậu qua đời để lại cho ta mỗi một mụn con. Ta không nỡ từ chối nó điều gì.
NHŨ MẪU. Chính vì thế mà Nàng đòi hỏi nhiều điều vô lý. Năm lên mười, Công chúa đòi bằng được có con yểng biêt nói năm thứ tiếng. Chắc Thánh thượng còn nhớ, do không được thoả nguyện, Nàng đã tuyệt thực suốt một tháng trời, chỉ uống nước sâm, người gầy rạc đi bao nhiêu, may chưa mệnh hệ nào đấy.
VUA. Ta nhớ chứ. Ngày ấy may mà Sứ thần Tây Tạng giúp ta kiếm được con yểng ấy. Ôi, giá như bây giờ có ai giúp được ta ? Chẳng lẽ trên khắp dải non sông bao la này không ai có thể kể một câu chuyện cổ tích không bao giờ hết ?
NHŨ MẪU. Làm gì có câu chuyện kể không bao giờ hết ? Tiện nữ trộm nghĩ, trong vũ trụ mênh mang này, có thứ gì là không đến lúc phải kết thúc ? Truyện cổ tích nào cũng không thoát khỏi cái quy luật ấy. Đòi hỏi của Công chúa quá vô lý ! Tiện nữ trộm nghĩ, Thánh thượng cần nghiêm khắc hơn với Công chúa, không để cho Nàng thỉnh thoảng lại có những đòi hỏi oái oăm như thế được.
VUA (thở dài). Ta biết thế là đúng nhưng vẫn không nỡ.
NHŨ MẪU. Tiện nữ trộm nghĩ, Thánh thượng hãy nói thẳng với Công chúa rằng đòi hỏi của Nàng không bao giờ có thể thoả mãn được. Công chúa sẽ buồn rầu ít lâu, nhưng rồi cũng sẽ quên đi.
VUA. Ta cũng đã nghĩ thế, nhưng để xong cái lần này và cũng phải dần dần thôi. (Thở dài.) Đối với việc quốc gia đại sự, ta thường kiên quyết, nhưng đây là con gái ta, khi Hoàng hậu hấp hối đã giao phó lại cho ta, và ta đã hứa với Hoàng hậu…
NHŨ MẪU. Nhưng không thể cứ nương nhẹ Công chúa như thế này mãi được !
VUA. Vả ta vẫn nghĩ, biết đâu có một người có thể kể được một câu truyện cổ tích không bao giờ hết, chỉ là ta chưa tìm ra thôi. Vì trong cuộc đời ta, ta đã từng thấy nhiều điều mà chính bản thân ta không ngờ lại có thể có. Cứ thỉnh thoảng, trong giang sơn của ta lại xuất hiện một người tài giỏi không ngờ. Họ làm được những việc khó khăn hơn nhiều so với việc kể một truyện cổ tích, dù là cổ tích không có kết thúc. Cho đến hôm nay, ta vẫn chưa hết hy vọng. Có điều ta lo, con ta không sống được cho đến ngày xuất hiện người tài giỏi kia.
NHŨ MẪU. Xin Thánh thượng nhớ rằng tính mệnh Công chúa…
VUA (thở dài). Thôi được, sáng mai ta sẽ triệu tập sứ thần các nước lân bang nhờ họ giúp đỡ xem sao. (Sau một chút.) Sao con ta lại mê nghe truyện cổ tích đến thế nhỉ ?
Một vị quan bước vào.
QUAN HẦU. Muôn tâu Thánh thượng, có một người đến Hoàng cung xin được kể chuyện cổ tích hầu Công chúa.
VUA. Nhưng hắn có biết, khi nào truyện cổ tích của hắn đến lúc kết thúc thì đầu hắn cũng sẽ rời khỏi cổ không ?          
QUAN HẦU. Tâu Thánh thượng, cậu ta biết ạ.
VUA. Nếu vậy, ngươi cho hắn vào.
Quan hầu ra.
Không biết sao, ta có cảm giác người đến lần này sẽ kể được một truyện cổ tích không có kết thúc, đáp ứng đúng đòi hỏi của con gái ta...
NHŨ MẪU. Tâu Thánh thượng, tiện nữ không tin. Tiện nữ cho đây chỉ là một kẻ hám cái chức Thượng thư mà Thánh thượng đã hứa ban cho ai có tài kể được một truyện cổ tích không bao giờ hết. Chẳng cần tài kinh bang tế thế gì, chỉ cần kể một truyện cổ tích, là được nhận hai vạn hộc lương thực mỗi năm và bao nhiêu bổng lộc khác để ban phát cho họ hàng thân thuộc. Điều ấy cám dỗ bất kỳ một người nào, nhất là những kẻ sợ phải đi lính hoặc nghèo quá, đang bị họ hàng khinh rẻ…
VUA. Ta không nghĩ thế. Tài kể truyện cũng là một cái tài quan trọng. Mà nghĩ ra được một truyện cổ tích kể không bao giờ hết thì xưa nay ta chưa nghe ai nói có người làm được.
NHŨ MẪU. Tâu Thánh thượng, đúng là khó và tiện nữ không tin có ai làm được. Tiện nữ còn lo, lần này mà người kể chuyện không nghĩ ra được một truyện cổ tích như thế thì e đến lúc truyện kết thúc, Công chúa không chỉ ngã vật ra vì thất vọng mà có thể sẽ không sống nổi. Cho nên...
VUA (thở dài). Biết làm sao được. Ta cũng lo lắm chứ.
Quan hầu dẫn vào một chàng trai trẻ khôi ngô, tuấn tú.
CHÀNG TRAI (mỉm cười). Kính chào Đức Vua ! Kính chào bà !
VUA. Ta miễn lễ ! (Với Quan hầu.) Ngươi đem ghế lại đây cho quý khách !
CHÀNG TRAI. Thưa Đức Vua, tôi là người làm ruộng, dòng dõi chỉ là dân thường …
NHŨ MẪU. Và cậu đến đây tìm giầu sang để thoát khỏi cảnh nghèo khổ ?
CHÀNG TRAI (vẫn mỉm cười). Thưa bà, không ! Chỉ đơn giản tôi nghe nói con gái Vua sinh ốm đau chỉ vì quá thèm nghe truyện cổ tích, mà tôi thì thường đặt truyện để kể cho con trẻ trong vùng.
NHŨ MẪU. Nhưng Công chúa cần nghe một truyện cổ tích kể không bao giờ hết !
VUA. Ngươi để ta nói. Nhìn mặt mũi công tử, ta không tin công tử là dân thường. Bộ quần áo nông phu kia chẳng qua chỉ để che mắt. Nhưng thôi, việc ăn mặc là quyền công tử. Ta chỉ cần ở công tử một thứ, đấy là một truyện cổ tích không có kết thúc.
CHÀNG TRAI (mỉm cười). Thưa Đức Vua, tôi có thể đặt ra một truyện như thế.
VUA. Ta phải nói trước. Nếu không đúng như thế thì khi truyện kết thúc, đầu công tử cũng sẽ rời khỏi cổ. Trong khi cậu kể, đao phủ túc trực sẵn ở sau tấm rèm kia.
CHÀNG TRAI. Thưa Đức Vua, điều ấy tôi đã biết.
VUA. Và công tử đừng trách ta tàn nhẫn. Con ta rất mê nghe truyện cổ tích. Khi nghe, con ta hớn hở, mặt mày rạng rỡ. Nhưng cũng chính vì mê quá, nó rất sợ đến lúc truyện chấm dứt. Lần nào cũng vậy, khi câu truyện chấm dứt là con ta ngã lăn ra, khóc nức nở, tiếc niềm vui vừa được hưởng đã bị cướp mất. Ta đã ra lệnh cấm không ai được kể cho con ta nghe bất cứ truyện cổ tích nào có kết thúc. Nhưng nhiều kẻ hám chức thượng thư cứ đến kể liều, làm phiền ta, nên ta phải đặt hình phạt thật nặng để ngăn chặn.
CHÀNG TRAI. Thưa Đức Vua, Ngài đã chặt đầu bao nhiêu người rồi ?
VUA (buồn rầu). Thật ra, ta chưa nỡ, mới chỉ giam họ lại.
CHÀNG TRAI. Và số người hiện đang bị giam ?
NHŨ MẪU. Đã gần một ngàn ! Cậu thấy đấy. Cậu định vào để tăng con số ấy lên chăng ?
VUA. Nhưng cứ phải giam họ như thế ta đã mỏi mệt lắm rồi. Cho nên từ nay ta kiên quyết cho chặt đầu những kẻ nào phạm tội.
NHŨ MẪU. Và nếu không kể được một truyện cổ tích như thế, công tử sẽ là người đầu tiên ! Cho nên cậu hãy suy nghĩ cho kỹ.
CHÀNG TRAI (lại mỉm cười). Tôi sẽ không bị chặt đầu đâu !
VUA. Ta rất mong như thế !
CHÀNG TRAI. Xin Đức Vua cho bắt đầu.
NHŨ MẪU. Tâu Thánh thượng …
VUA. Ngươi đánh thức con ta dậy.
NHŨ MẪU (miễn cưỡng). Công chúa ! Có người đến kể truyện cổ tích cho Công chúa nghe !
CÔNG CHÚA (nhỏm dậy, mừng rỡ). Chào Cụ!
CHÀNG TRAI. Tôi chưa đầy hai mươi tuổi, thưa Công chúa !
CÔNG CHÚA. Ta chỉ thấy những cụ già kể chuyện cổ tích.
CHÀNG TRAI. Các cụ già chỉ lặp lại chuyện cũ. Người trẻ luôn sáng tạo chuyện mới.
CÔNG CHÚA. Đúng rồi. Vậy ngươi hãy kể đi. Mau lên.
VUA (với Quan hầu). Ngươi hãy đem cái ghế tựa có nệm lông ngỗng ấy. Và sai thị nữ bưng vào cho công tử một vò rượu Bồ đào, một ấm trà Vạn bảo…
CHÀNG TRAI. Tôi không uống rượu, chỉ xin Đức Vua một ấm chè xanh. Các truyện của tôi thường được kể trong ổ rơm ấm áp, bên bếp lửa vào những đêm Đông rét mướt, hoặc trên bãi cỏ xanh vào những buổi sáng mùa Xuân mát mẻ. Ở đây không thể kiếm được những thứ ấy, chỉ xin một chiếc ghế đẩu giản dị.
Quan hầu ra, đem vào một chiếc ghế đẩu.
(Ngồi xuống ghế.) Tôi xin bắt đầu. (Thả hồn vào thế giới tưởng tượng.) Ngày xửa ngày xưa, cách đây đã lâu lắm rồi, ở một nước kia có một con sông rộng, dòng nước trong xanh êm đềm chảy. Hai bên bờ là những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Ven sông có một cụ già thuyền chài sống với một đứa cháu trai chăm chỉ, ngoan ngoãn. Hàng ngày cụ thả lưới xuống dòng sông và kéo lên những mẻ lưới đầy ắp cá…
CÔNG CHÚA (ngồi bật dậy). Hay quá ! Câu chuyện này hay quá !
CHÀNG TRAI (mỉm cười). Cách đấy không xa là một kinh thành sầm uất, phố xá lúc nào cũng tấp nập người qua lại. Vua trị vì ở đấy nổi tiếng là nhân từ và giầu có. Dân chúng nước này cần cù, chăm chỉ và nộp thuế đều đặn. Nhà vua đem số thóc thu được trả lương cho các quan rất hậu hĩ nhưng vẫn thừa ra khá nhiều. (Im lặng.)
CÔNG CHÚA (hoảng hốt). Truyện hết rồi sao ?
CHÀNG TRAI (nhìn Công chúa, mỉm cười). Truyện cổ tích này không bao giờ hết.
CÔNG CHÚA. Vậy chàng kể tiếp đi. Mau lên ! Ta sốt ruột lắm rồi. Ôi, sao có truyện cổ tích hay như thế này !
CHÀNG TRAI. Tôi kể đến đâu rồi nhỉ ?
CÔNG CHÚA. Đến chỗ nhà vua trả lương cho các quan rất hậu hĩ nhưng vẫn còn thừa ra rất nhiều.
CHÀNG TRAI. À, phải rồi. Năm nào trả lương xong cho các quan cũng vẫn còn thừa ra vài vạn hộc thóc. Sau mười năm con số thóc thừa đã lên đến hàng chục vạn hộc.
CÔNG CHÚA (vớ chiếc bánh để ở gần, ăn ngấu nghiến). Ta xin lỗi ! Ngươi cứ kể tiếp đi. Mặc kệ ta !
NHŨ MẪU. Hay quá ! Công chúa thấy đói rồi.
CÔNG CHÚA. Im ! Không ai được nói gì hết. Ngươi kể tiếp đi.
CHÀNG TRAI (mỉm cười). Thóc dư thừa nhiều quá, các kho đụn đều chật ních. Vua đành đem gửi nhà dân.
VUA. Và dân chúng đem số thóc ấy ra ăn hết chứ gì ?
CHÀNG TRAI. Không đâu. Dân nước ấy không biết ăn cắp là gì.
VUA. Tại sao vậy ?
CHÀNG TRAI. Ăn cắp là do túng thiếu. Mà túng thiếu là do lười biếng. Ở nước ấy mọi người đều chăm chỉ, không ai túng thiếu, vì thế không ai ăn cắp của ai.
VUA. Chẳng lẽ có nước nào như vậy ?
CÔNG CHÚA. Xin Phụ hoàng đừng hỏi nữa để nghe chàng kể. Chàng kể tiếp đi !
CHÀNG TRAI. Tôi kể đến chỗ nào rồi nhỉ ?
CÔNG CHÚA (nhìn Vua vẻ trách móc). Chỉ tại Phụ hoàng ! (Với chàng trai.) Đến chỗ Vua đem thóc gửi nhà dân.
CHÀNG TRAI. À, phải rồi. Do các kho đụn đã chật ních, Vua phải đem thóc gửi các nhà dân. Nhưng rồi kho của các nhà dân cũng  chật ních. Vua bèn quyết định xây một cái kho cực lớn. Cái kho hình hộp vuông, mỗi chiều hai mươi trượng.
VUA (ngước mắt lên trời, ước lượng chiều cao của cái kho). Chà, nếu vậy thì cái kho lớn lắm, lớn hơn cả đại sảnh của ta !
CHÀNG TRAI (mỉm cười). Thế là toàn thể thợ xây trong nước được triệu đến kinh đô. Hàng chục ngàn người làm việc ngày đêm trong suốt hai năm ròng mới xong. Cái kho đứng sừng sững giữa kinh đô trở thành một biểu tượng cho no ấm và hạnh phúc. Toàn bộ thóc dư thừa của nhà vua đổ vào chỉ chiếm một phần mười chiều cao của cái kho khổng lồ  ấy. Nhưng rồi, vì mọi người đều chăm chỉ làm lụng, đều no đủ dư thừa và không ai ăn cắp, nên mực thóc trong kho cứ dâng lên mãi. Cuối năm ấy, mực thóc đã dâng lên đến mười trượng, nghĩa là một nửa chiều cao của kho.
VUA (bảo quan hầu). Ngươi thử tính xem ước khoảng bao nhiêu hộc ?
CÔNG CHÚA (giận dữ). Con bảo, Phụ hoàng có nghe không nào ? Chàng kể tiếp đi. Ôi, chưa bao giờ ta được nghe một truyện cổ tích hay đến như thế này.
CHÀNG TRAI (mỉm cười). Tôi kể đến đâu rồi nhỉ ?
CÔNG CHÚA (lại giận dữ lườm Vua). Lỗi tại Phụ hoàng đấy ! (Với chàng trai.) Chàng kể đến chỗ năm ấy mực thóc trong kho đã lên đến mười trượng.
CHÀNG TRAI (mỉm cười, chậm rãi). Cách chân tường kho không xa, có một cái hang nhỏ. Một con chuột nhắt sống trong cái hang ấy. Nó bé xíu nhưng rất tinh anh. Nó có một cái đuôi dài và đôi mắt vô cùng linh lợi. Ở nước ấy, mọi người đều chăm chỉ và trung thực nên họ rất ghét loài chuột. Họ dùng đủ mọi cách để diệt chúng. Hễ phát hiện có một con chuột là toàn dân tổ chức vây bắt và diệt cho được bằng đủ mọi cách : bẫy, đánh bả… Thậm chí có khi họ vui lòng đốt cả một toà nhà để diệt một con chuột núp trong ấy.
VUA. Ta cũng khổ về nạn chuột cắn nát thóc lúa mùa màng của dân.
CÔNG CHÚA (quát). Im ! (Với chàng trai.) Chàng kể tiếp đi. Chuyện cổ tích của chàng hay quá, phải đem in thành sách mới được !
CHÀNG TRAI. Tuy vậy vẫn còn vài con chuột nhắt náu kín trong những hang rất sâu, chỉ ban đêm mới bò ra. Con chuột nhắt của chúng ta là một trong những con chuột hiếm hoi ấy. Nó rất sợ ai nhìn thấy, nên chỉ thò đầu ra khỏi hang vào đêm khuya, khi cả kinh thành đã ngủ say. Nó đi mò mẫm, sục sạo kiếm ăn. Từ khi nhà Vua xây xong cái kho, nó nhìn cái kho khổng lồ, thèm thuồng...
CÔNG CHÚA. Truyện của chàng hay quá !
VUA. Con nghe đã. Công tử kể tiếp đi.
CHÀNG TRAI (mỉm cười). Tôi kể đến chỗ nào rồi nhỉ ? À, phải rồi, đến chỗ con chuột nhìn cái kho thèm thuồng. Nó bò vòng quanh không biết bao nhiêu lượt, cố tìm một khe hở nào đấy. Cuối cùng, sau bao nhiêu vòng, nó phát hiện ra một kẽ nứt rất nhỏ dưới chân bức tường phía Đông, chắc một bác thợ xây nào lơ đễnh, đã không trát kín khoảng giữa hai phiến đá. Kẽ hở rất nhỏ và bị đất cát lấp kín, khó ai nhìn thấy. Nhưng con chuột lanh lợi kia phát hiện ra. Nó bèn bới thành một lỗ hổng vừa đủ thân hình nhỏ bé của nó chui lọt.
CÔNG CHÚA. Con chuột khôn ngoan thật !
CHÀNG TRAI. Thế là từ hôm ấy, nó bắt đầu cái hành động xấu xa là ăn trộm. Nó chui vào, càm một hạt, chui ra, chạy về cất trong hang, rồi lại chạy đi, chui vào, càm một hạt. chui ra, chạy về cất trong hang. Rồi lại chạy đi, chui vào, càm một hạt. chui ra, chạy về cất trong hang.
CÔNG CHÚA.Con chuột khiếp thật ! Thật đáng ghét.
VUA. Con nói đúng. Ta cũng ghét nhất là loài chuột. Sao có cái giống vật đáng ghét đến thế ! Trong Cung điện của ta, chúng nhiều đến nỗi bao nhiêu quần áo quý của ta đều bị chúng cắn rách.
CÔNG CHÚA. Quần áo của con cũng thế. Cái loài chuột sao mà đáng ghét đến thế. À quên, chàng kể tiếp đi ! Câu chuyện hay quá chừng !
CHÀNG TRAI. Tôi kể đến đâu rồi nhỉ ?
CÔNG CHÚA. Đến chỗ con chuột nhắt bắt đầu càm thóc.
CHÀNG TRAI. Sau đấy, nó chui ra, chạy về cất trong hang. Rồi lại chạy đi, chui vào, càm một hạt. chui ra, chạy về cất trong hang.
VUA. Điều ấy công tử đã kể rồi. Sau thế nào nữa ?
CÔNG CHÚA (với Vua.) Phụ hoàng để yên chàng kể ! Quả thật đoạn này hơi dài, nhưng truyện cổ tích nào cũng có những đoạn như thế. Xin chàng cứ kể tiếp đi ! Con chuột lại chui vào, càm hạt nữa, rồi thế nào ?
CHÀNG TRAI….Rồi chui ra, chạy về cất trong hang. Rồi nó lại chạy đi, chui vào, càm một hạt thóc, chui ra, chạy về cất trong hang. Rồi nó lại chạy đi, chui vào, càm một hạt thóc, chui ra, chạy về cất trong hang. Rồi nó lại chạy đi, chui vào, càm một hạt thóc, chui ra, chạy về cất trong hang. Rồi nó lại chạy đi, chui vào, càm một hạt thóc. chui ra, chạy về cất trong hang. Rồi nó lại chạy đi, chui vào, càm một hạt thóc, chui ra, chạy về cất trong hang…
CÔNG CHÚA. Đoạn này hơi dài, chàng chỉ cần kể tóm tắt để sang đoạn sau cũng được.
CHÀNG TRAI. Xin Công chúa kiên nhẫn nghe, để tôi có thể kể đầy đủ mọi chi tiết. Vả lại lúc nãy Công chúa nói đúng, chuyện cổ tích nào cũng có những đoạn kéo dài, không được hấp dẫn lắm.
VUA (dịu dàng). Phải rồi, con chịu khó nghe qua đoạn này. Công tử cứ kể tiếp đi.
CHÀNG TRAI. Rồi nó lại chạy đi, chui vào, càm một hạt thóc, chui ra, chạy về cất trong hang. Rồi nó lại chạy đi, chui vào, càm một hạt thóc, chui ra, chạy về cất trong hang.
CÔNG CHÚA. Thôi được, đoạn này chàng kể thế là đủ hiểu. Cứ cho là con chuột đã càm hết thóc ở cái kho ấy. Rồi sao nữa ?
CHÀNG TRAI. Xin Công chúa bình tĩnh. Từ nãy tôi kể thì nó mới càm được chừng một chục hạt thóc, đã hết thế nào được ? Xin Công chúa chịu khó nghe. Rồi cũng đến lúc nó phải càm hết chứ.
CÔNG CHÚA (thở dài). Thôi cũng được. Chàng kể tiếp đi vậy, nhưng kể nhanh hơn một chút, được không ?
CHÀNG TRAI. Rồi nó lại chạy đi, chui vào, càm một hạt thóc, chui ra, chạy về cất trong hang…
CÔNG CHÚA. Khoan đã ! Thế đến bao giờ con chuột mới càm hết thóc trong kho ?
CHÀNG TRAI (mỉm cười). Phải lâu lắm, thưa Công chúa. Vì cái kho lớn đến thế kia mà ?
CÔNG CHÚA (bắt đầu nổi giận). Nghĩa là nhà ngươi bắt ta nghe nhà ngươi lặp đi lặp lại cái câu con chuột chạy đi, càm hạt thóc rồi chạy về đến tận bao giờ ?
CHÀNG TRAI (dịu dàng). Tôi chưa biết, nhưng có điều chắc chán là từ nay đến Tết Đoan ngọ, tôi chưa thể kể hết được đoạn con chuột càm thóc ở kho.
CÔNG CHÚA (hét lên giận dữ). Ngươi đánh lừa ta !
VUA. Con hãy bình tĩnh…
CÔNG CHÚA. Thôi được, ta cho phép ngươi kết thúc truyện này và kể cho ta truyện khác.
CHÀNG TRAI (vẫn mỉm cười). Tôi mà kết thúc thì sẽ bị chặt đầu, còn kể truyện khác thế nào được ?
VUA. Công tử nói đúng. Con hãy kiên nhẫn nghe nốt câu truyện này…
CÔNG CHÚA. Không ! Con không muốn nghe nữa.
VUA (cười vang). Nhưng đấy mới là câu truyện kể không bao giờ hết ! (Vui vẻ gọi to.) Quan hầu đâu ? Lấy mũ áo thượng thư ra đây, mặc vào cho chàng trai thông minh tuyệt vời này. Chàng đã kể được một câu chuyện không bao giờ hết. Và cái chính, chàng đã chữa được cho con gái ta căn bệnh cực kỳ nguy hiểm : đòi những thứ không bao giờ có thể có.
CÔNG CHÚA. Khoan đã ! Tâu Phụ hoàng…
VUA. Con còn đòi gì nữa ? Chàng trai này đã đem đến cho con đúng thứ con đòi hỏi !
CÔNG CHÚA (khóc). Con đã biết lỗi. Từ nay con hứa sẽ không bao giờ đòi những thứ oái oăm như trước đây nữa. Chỉ có điều, con không thể chịu được khi truyện dang dở thế này. Xin Phụ hoàng ra lệnh cho chàng kết thúc truyện này đi và hứa không trị tội.
VUA (vui vẻ). Kết thúc sao được ? Chuyện về nạn ăn cắp ăn trộm kiểu như thế này thì làm sao chấm dứt được ?
CHÀNG TRAI (mỉm cười). Thưa Đức Vua, truyện của tôi có thể kết thúc được.
VUA (sửng sốt). Thật ư ? Kết thúc cách nào, công tử nói ta nghe !
CHÀNG TRAI (vẫn mỉm cười, hóm hỉnh). Dễ thôi, thưa Đức Vua ! Chỉ là thế này : một bác nông phu ở túp lều gần đấy, phát hiện ra nguyên nhân sự mất mát trong kho thóc nhà Vua, bèn làm một cái bẫy nhỏ…
VUA (ngắt lời, kinh ngạc). Rồi đặt trên lối đi của con chuột ! (Phá lên cười vui vẻ.) Chao ôi ! Cái kết thúc mới giản dị làm sao và đồng thời cũng thông minh làm sao ! Giỏi ! Giỏi ! Một cái bẫy ! Có vậy mà ta không nghĩ ra ! Chà, bây giờ thì ta biết nên phong chàng trai này làm thượng thư bộ nào rồi. Quan hầu đâu ? Đem mũ áo đại quan ra đây để ta đích thân mặc cho chàng trai thông minh có một không hai này ! Mau lên ! Và loan báo trăm họ biết, để mọi người mừng cho ta, đã tìm được một thượng thư hoàn toàn xứng đáng !
Tiếng reo hò bên ngoài.



6. NHÀ TOÁN HỌC
ĐÃNG TRÍ

Kịch vui một hồi

NHÂN VẬT
                        Người giúp việc
            Ông giáo sư

Người giúp việc bước ra giữa sân khấu.

Người giúp việc (nói với khán giả). Mỗi người có một cái mê, và lắm cái mê đến kỳ quái. Cạnh nhà tôi có một ông mê cờ, mê đến nỗi quên cả lấy vợ. Mãi đến tứ tuần mới sực nhớ  cái nhiệm vụ quan trọng nhất trên đời ấy của bất cứ người đàn ông nào. May thay ông Trời thương tình lại ban cho một cô trẻ măng, tuổi mới đôi mươi, má lúm đồng tiền, da trắng như trứng gà bóc, tính nết lại nhí nhảnh vui tươi. Được cô vợ kháu như thế tưởng còn thiết gì đến tướng sĩ tượng, xe pháo mã nữa ? Nhưng không ! Mới cưới xong hôm trước, hôm sau ông đã lại bầy bàn cờ ra mời bạn đến. Mà khốn khổ, hễ cứ ngồi vào bàn cờ là ông hàng xóm của tôi không còn biết trời đất gì nữa. Hết ván này đến ván khác, thâu đêm suốt sáng. Các quý vị có thấy ông ta dại không nào ? Tôi mà vớ được cô vợ hiếm có ấy thì suốt ngày ôm cô nàng mà thơm cho nó sướng đời. Nhưng ông hàng xóm của tôi thì dại hết chỗ nói. Không hiểu mấy miếng gỗ đen xì sực nức mồ hôi ấy có ma lực gì khiến ông ta mê mẩn đến như thế ? hấy chồng mới cưới bỏ mặc vợ nằm chỏng chơ một mình, cô em tức quá !
Một hôm nhịn không nổi, cô chạy đến, hất tất cả quân cờ ra ngoài sân rồi đuổi ông khách về, sau đấy đem bàn cờ ra chẻ làm củi. Tưởng thế là yên, ai ngờ chỉ được đúng ba ngày. Ngày thứ tư ông chồng vẫn chứng nào tật ấy. Bây giờ không rủ bạn đến nhà được nữa, thì ông sang nhà bạn. Thế là đâu lại hoàn đấy mà còn tệ hại hơn. Ngày trước tuy chồng mê cờ nhưng còn ở nhà, bây giờ thì không cả thấy mặt nữa. Ông chồng đi làm về, chỉ kịp móc cái túi tài liệu lên chiếc đanh trên tường là đã vội vã chạy sang nhà bạn chơi cờ. Cơm chín, cô vợ phải sang gọi năm lần bẩy lượt mới chịu về ăn.
Nhiều hôm gặp buổi xúi, thua cay, mải gỡ, không thiết cả ăn nữa, thấy vợ sang, đuổi vợ về quầy quậy. Đêm khuya mới mò về, len lén xuống trạn vục cơm nguội ra sơi. Cô vợ giận tím ruột tím gan nhưng không biết làm thế nào. Và bây giờ, đêm nào cũng thế, tôi lại được hưởng một lớp kịch sân khấu truyền thanh thú vị.
Đang thiu thiu ngủ, tôi bỗng nghe thấy cửa nhà bên cạnh có tiếng gõ rất khẽ cạch-cạch-cạch ! Ông hàng xóm của tôi vốn rất có ý, không muốn làm phiền nhà bên cạnh nên gõ chỉ vừa đủ để cô vợ trẻ nghe thấy. Rõ ràng cô nghe thấy, nhưng tảng lờ. Tiếng gõ cửa lần thứ hai to hơn một chút cạch-cạch-cạch !  Vẫn không thấy ai ra mở, ông chồng đành lên tiếng năn nỉ rất khẽ "E-e-em...!" Cái tiếng "em" này rất khó tả, phải có máy ghi âm loại hảo hạng may ra mới ghi lại và phát ra cho quý vị thấy được tính chất của nó : vừa năn nỉ vừa nhận lỗi, vừa dịu dàng vừa tha thiết, yêu thương. Chữ "em" kéo dài, phần sau cao lên một chút : "E-e-em !.." Gọi lần thứ nhất không thấy gì, ông lặp lại lần thứ hai, cao hơn chừng một bán âm, đồng thời cũng năn nỉ, nhận lỗi và tha thiết hơn. Vẫn không thấy gì, ông lặp lại lần thứ ba, lần này chữ "em" vẫn kéo dài nhưng thêm vẻ có phần trách móc. Cô vợ vẫn lặng thinh. Cô quyết định phạt ông chồng một lần này cho chừa. Đến đây, ý chừng hiểu được ý đồ của cô vợ trẻ, ông hàng xóm tôi không cần giữ ý với nhà bên cạnh nữa, nâng cao thêm lời gọi, và giọng đã hơi gắt : "Mở cửa cho anh ! Sao em lại thế ?" Chừng thấy không nên làm mất giấc ngủ của hàng xóm và để người ngoài biết nội tình gia đình mình, cô vợ đành nhượng bộ. Tôi nghe thấy tiếng guốc đi rất nhẹ, tiếng kéo chốt, rồi tiếng mở cửa, tiếp đó là một đoạn đối thoại khẽ thôi nhưng rất căng : "Sao không ngủ bên ấy luôn thể ?" - "Còn sớm mà." - "Nhìn đồng hồ xem mấy giờ rồi ?" - Ây chết, gần một giờ sáng rồi kia à ?"
Sau đấy tiếng lục cục một lát rồi lặng lẽ hoàn toàn. Tối hôm nào lớp kịch ấy cũng diễn ra vào khoảng từ một giờ đêm đến hai giờ sáng, hầu như không chừa ngày nào, bất kể Thứ bẩy Chủ Nhật. Và sẽ còn lặp lại, có lẽ thế, cho đến khi một trong hai người đi Văn Điển ! Vì tuy không nói ra, nhưng đối với ông hàng xóm của tôi thì bỏ vợ còn được chứ bỏ cờ thì không đời nào !
Ông chủ tôi thì lại mê đi săn. Hễ vớ được ngày nghỉ là xách khẩu súng với bộ đồ nghề, phóng mô-tô đi, khi Hoà Bình, khi Vĩnh Phú, khi Thái Nguyên. Được cái may, ông chủ tôi không có ai là nạn nhân của cái tật mê đi săn ấy. Ông không có vợ, trước đây thì có, nhưng ly dị nhau lâu rồi, không biết có phải vì bà vợ không chịu nổi cái tật mê đi săn của chồng hay không, tôi chưa điều tra được.
Ông chủ tôi mê đi săn đến mức quái đản. Cấm ngày nghỉ nào chịu ở nhà. Thậm chí Tết cũng chỉ ở nhà sáng mồng một, buổi trưa là xách khẩu hai nòng, ngồi lên mô-tô xuất hành lên Hoà Bình săn vịt trời. Quý vị chưa nhìn thấy bộ đồ nghề của ông chủ tôi đấy. Không thiếu thứ gì. Hai khẩu súng, một để săn thú lớn, một để bắn chim và săn thú nhỏ, với đầy đủ các dụng cụ làm đạn, thông nòng, rồi những thứ gì gì nữa đựng đầy cả một cái tủ lớn. Mũ săn, kính các loại, ống nhòm, dây dợ các cỡ, túi xắc và túi lưới đủ kiểu dáng, thứ để đựng thỏ, thứ để đựng nhím, vịt trời, gà gô, vân vân và vân vân. Mà ông chủ tôi bắn khá lắm nhé. Lần nào đi cũng phải mang về được dăm bẩy chục ký thịt các loại, có lần tới non một tạ.
Nhưng ông lại có thêm một cái "kỳ" khác. Săn được nhiều nhưng bản thân thì không ăn được mấy, chỉ thích cho bạn bè. Bộ đồ nấu của ông cũng tuyệt vời nữa. Ông hay đi công tác nước ngoài, mỗi lần lại mang về một loạt dụng cụ đi săn và dụng cụ nấu ăn. Thôi thì đủ : Lò quay, chảo rán không dính, nồi hầm các kích cỡ, máy xay thịt, và đủ các loại gia vị : gừng, tỏi, ớt, mù-tạc, giềng, rau thơm, ca-ri...Trong nhà không thiếu thứ gì. Mỗi lần đi săn về là mời bạn đến đánh chén, nói đúng hơn là mời bạn đến để ngắm bạn ăn và nghe bạn ca ngợi tài săn bắn và tài nấu ăn của mình.
Mới sáng nay, ông chủ tôi ở Quảng Yên về, mang theo gần ba chục con vịt trời béo với gần một chục con thỏ rừng, lại kèm thêm mộtcon dím nữa. Ngần ấy thứ, giá đem ra chợ bán rẻ cũng được vài ngàn đồng. Nhưng ông chủ tôi không làm thế, mà chỉ đem cho. Từ sáng đến giờ tôi phải đi một lượt các bè bạn của ông,mỏi nhừ cả chân. Còn ba con vịt này đem đến ông Hãn nữa là xong. Nhà ông ấy kia kìa. Ông Hãn này cũng là một con người lạ. Tiến sĩ khoa học, giáo sư, ấy thế mà cũng lại có một cái mê, đấy là mê đọc sách, đến nỗi cũng quên cả vợ con. Cô vợ đi theo trai,vừa mới li dị tháng trước xong. Tưởng ông phải buồn lắm, ấy thế không ! Từ hôm ra tòa li dị vợ về đến nay, ông ta lúc nào cũng vui như Tết : chẳng là  không còn ai kè kè bên cạnh suốt ngày ca cẩm về chuyện  đọc sách, đến bữa ăn cũng vừa nhai vừa lật trang sách. Bây giờ ông thoải mái đọc suốt ngày. Không hiểu sách có nam châm bên trong hay sao mà hút người ta đến thế ?
Một người như thế thì lấy vịt làm gì ? Khéo lại đem cho hàng xóm mất thôi, nếu không thì cũng để thối ra ấy chứ. Đời nào chịu gấp sách lại, ngồi đun nước làm lông ? Vả lại do đọc sách nhiều, ông giáo sư Hãn này hâm lắm. Mình phải bịp ông ta để lấy một con mới được. Mất công cuốc bộ suốt từ sáng đến giờ chẳng lẽ lại không được quyền lấy chút công. Mấy đứa trẻ với bà xã nhà tôi đã l;âu rồi không có chất đạm vào người. Mà nói lén với quý vị, ông chủ tôi cho quà khắp bè bạn thân cũng như sơ, vậy mà cái thằng đầy tớ suốt ngày hầu hạ thì ông quên bẵng đi mất. Chặc ! Ta hãy cứ lén giấu một con vịt xem ông toán học kia có phát hiện ra không. Nếu không thì ta đem thẳng về cho bà xã với lũ trẻ. (Nhìn quanh tìm chỗ rồi giấu vào một bụi cây rậm.)
Hiện lên nhà Giáo sư Hãn. Giáo sư đeo kính cận rất dầy, ăn mặc giản dị, ngồi bàn cặm cụi viết.
Người giúp việc. Chào Giáo sư ạ !
Hãn (vẫn không ngẩng đầu). Ai đấy ? (Ngẩng đầu lên nhìn.) À, anh Tý ! Có việc gì thế ?
Người giúp việc. Ông chủ cháu có thư cho Giáo sư đây ạ. (Đưa phong bì.)
Hãn (mở thư ra đọc). Tay này tài thật ! (Đọc xong xếp lại. Cười ha hả.) Tài thật ! Thế quà đâu ?
Người giúp việc (đưa hai con vịt). Thưa Giáo sư đây ạ.
Hãn. Anh làm ơn bảo ông Sơn tôi cảm ơn nhé. Vừa may có cô em gái với mấy dứa cháu ở Hải Phòng lên chơi, đang chưa biết lấy tiền đâu đãi khách đây.
Người giúp việc. Cháu xin chào Giáo sư ạ. (Ra.)
Hãn lại cúi xuống tiếp tục làm việc.
(Ra đến ngoài,lấy con vịt trong bụi cây ra.) Biết ngay mà. Bố mày có để ý gì đâu ? Chiều nay thì bà xã với lủ trẻ được một bữa bún vịt với tiết canh đây ! Chà, con này béo thật. Vịt trời ăn toàn thóc với sâu bọ nên mới béo thế này. Vịt nhà nuôi ngoài đồng bằng làm sao được ?
Bỗng Giáo sư Hãn nhớn nhơ nhớn nhác từ trong nhà chạy ra.
            Hãn (giật giọng). À, may quá ! Này, anh bạn !
            Người giúp việc (vội quẳng con vịt vào bụi). Thưa Giáo sư, có chuyện gì thế ạ ?
            Hãn. Anh bạn vào đây tôi hỏi cái này. (Vào nhà.)
            Người giúp việc (với khán giả). Khéo không trôi rồi !
            Hãn. Anh bạn vừa đưa tôi hai con vịt ?
            Người giúp việc. Vâng, thưa Giáo sư, hai con.
            Hãn. Nhưng tôi đọc lại lá thư thì thư lại nói ba con.
            Người giúp việc. Vâng, ba con !
            Hãn. Như thế nghĩa là sao ?
            Người giúp việc. Thưa Giáo sư, Giáo sư nói rất đúng ạ.
            Hãn. Trong thư viết ba con !
            Người giúp việc. Vâng, thưa Giáo sư, ba con.
            Hãn. Nhưng như thế nghĩa là sao ?
            Người giúp việc. Thưa Giáo sư,Giáo sư nói rất đúng ạ.
            Hãn. Trong thư viết là ba con.
            Người giúp việc. Vâng thưa Giáo sư, ba con.
            Hãn. Nhưng anh bạn đưa tôi có hai con.
            Người giúp việc. Vâng, thưa Giáo sư hai con.
            Hãn. Trong thư viết là ba con.
            Người giúp việc. Vâng, Giáo sư nói đúng, ba con.
            Hãn. Nhưng anh bạn đưa tôi hai con.
            Người giúp việc. Vâng thưa Giáo sơ, đúng là hai con.
            Hãn. Và trong thư viết là ba con.
            Người giúp việc. Vâng, thưa Giáo sư, đúng là ba con.
            Hãn. Thế có đúng là anh bạn đưa tôi hai con không ?
            Người giúp việc. Thưa Giáo sư, đúng là hai con ạ.
            Hãn. Mà trong thư viết là ba con.
            Người giúp việc. Vâng, thưa Giáo sư đúng là ban con.
            Hãn. Nhưng đây lại chỉ có hai con.
            Người giúp việc. Vâng đúng thế, hai con.
            Hãn (mệt mỏi). Nói thế nào để anh bạn hiểu được đây ? (Chợt nghĩ ra.) Thế này nhé : trong thư ông Sơn viết là cho tôi ba con...
            Người giúp việc. Vâng, đúng thế ạ, ba con.
            Hãn. Nhưng anh bạn đưa tôi có hai con.
            Người giúp việc. Vâng, thưa Giáo sư hai con.
            Hãn. Anh bạn có thấy không giống nhau chứ ?
            Người giúp việc (hơi bối rối, nhưng tìm ngay ra lối thoát). Giáo sư bảo sao ạ ?
            Hãn. Một đằng là ba con.
            Người giúp việc (đã bình tĩnh lại được). Vâng, ba con.
            Hãn. Một đằng là hai con.
            Người giúp việc. Vâng đúng thế ạ, hai con.
            Hãn. Thế nghĩa là sao ?
            Người giúp việc (lại hơi lúng túng, nhưng nghĩ ra ngay lối thoát). Giáo sư bảo sao ạ ?
            Hãn (chìa lá thư). Trong này là ba con.
            Người giúp việc. Vâng, ba con.
            Hãn (trỏ đôi vịt). Nhưng đây là hai con.
            Người giúp việc. Vâng, hai con.
            Hãn (ngồi phịch xuống ghế, ôm đầu). Nói cách nào cho anh ta hiểu được đây ? Thôi được rồi, nghĩ ra rồi. (Với Người giúp việc.) Lẽ ra anh bạn phải đưa tôi ba con.
            Người giúp việc. Vâng thưa Giáo sư, ba con.
            Hãn. Nhưng anh bạn đưa tôi có hai con.
            Người giúp việc. Vâng, thưa Giáo sư, hai con.
            Hãn. Anh không thấy chỗ khác nhau à ?
            Người giúp việc. Thưa Giáo sư thấy gì ạ ?
            Hãn. Anh đưa tôi có hai con.
            Người giúp việc. Vâng, thưa Giáo sư hai con.
            Hãn. Nhưng thư viết ba con.
            Người giúp việc. Vâng, thưa Giáo sư, ba con.
            Hãn (ôm đầu tuyệt vọng). Vẫn trở lại cái vòng luẩn quẩn ban nãy. Chịu ! Không làm sao để anh ta hiểu được. Có những bài toán tưởng chừng đơn giản thì lại cực kỳ khó giải. Có những sự thật hết sức rõ ràng nhưng lại hết sức khó chứng minh. (Đột nhiên như lóe sáng.) À, anh nghe tôi hỏi đây : anh đưa tôi mấy con ?
            Người giúp việc (thoáng bối rối, nhưng nghĩ ra được ngay cách ứng đối). Thưa, hai con ạ.
            Hãn (mừng rỡ). Lẽ ra anh phải đưa tôi ba con.
            Người giúp việc. Thưa Giáo sư nói đúng, ba con.
            Hãn. Nhưng anh chỉ đưa tôi có hai con.
            Người giúp việc. Vâng, thưa Giáo sư, hai con.
            Hãn. Anh bạn không thấy chỗ khác nhau à ?
            Người giúp việc. Thưa Giáo sư, khác nhau thế nào ạ ?
            Hãn. Một đằng ba con.
            Người giúp việc. Vâng, thưa Giáo sư, ba con.
            Hãn. Một đằng hai con.
            Người giúp việc. Vâng, thưa Giáo sư, hai con.
            Hãn (ôm đầu). Chịu ! Dùng cách nào cũng vẫn quay trở lại bài toán ban đầu. Chẳng lẽ một bài toán đơn giản thế mà mình không giải được ? Thôi, đành vậy. Anh về đi. Bảo tôi gửi lời cảm ơn ông Sơn. (Lại ngồi vào bàn, tiếp tục làm việc.)
            Người giúp việc. Chào Giáo sư ạ. (Ra đến ngoài, vui vẻ.) Suýt nữa tưởng không thoát. (Định cúi xuống lấy con vịt giấu trong bụi.)
Giáo sư Hãn chạy ra.
            Hãn. May quá, anh bạn vẫn còn ở đây. Tôi nghĩ ra được cách chứng minh bài toán của chúng ta rồi.
            Người giúp việc. Thưa Giáo sư, bài toán nào ạ ?
            Hãn. Bài toán con vịt ấy. Anh bạn hãy nghe đây nhé. Ông Sơn biếu tôi ba con.
            Người giúp việc. Vâng thưa Giáo sư, ba con.
            Hãn. Nhưng anh bạn đưa tôi có hai con.
            Người giúp việc. Vâng, thưa Giáo sư, hai con.
            Hãn. Vậy còn một con nữa đâu ?
            Người giúp việc (choáng người). Một con nữa ạ ?.. Dạ... Dạ... Một con nữa...đây ạ. (Lấy trong bụi cây ra con vịt.) Dạ, thưa Giáo sư, cháu nghe đồn Giáo sư giỏi toán lắm, nên nhân tiện thử tài Giáo sư đấy thôi ạ. Dạ, thưa Giáo sư, bây giờ thì cháu đã thấy Giáo sư tài năng hiếm có, cấp trên phong chức Giáo sư cho là rất xứng đáng, hết sức xứng đáng ạ ! (Cười vui vẻ để lấp nỗi xấu hổ.) Vâng, chính thế. Hết sức, hết sức, hết hết sức xứng đáng đấy ạ !


           

7. NHÀ HIỀN TRIẾT
THỔ NHĨ KỲ
Kịch ngắn một hồi

Nhân vật :
                        NHÀ HIỀN TRIẾT
            NGƯ­ỜI PHỤ NỮ
                        NGƯ­ỜI ĐÀN ÔNG

Nhà Hiền Triết quấn khăn xếp kiểu Ba Tư­, mặc áo choàng mầu vàng thêu kim tuyến sặc sỡ, ngồi khoanh chân kiểu vòng tròn trên chiếc thảm hoa.

            Hiền triết. Thư­a quý vị, tôi là ng­ười Thổ Nhĩ Kỳ. Tên tôi hơi dài và khó nhớ. Kể ra quý vị chẳng cần biết làm gì cho mệt óc, nhưng theo đúng phép lịch sự, tôi vẫn phải xư­ng danh. Vậy tên tôi là Mô-ha-met Un-di Si-pun-rô-di Ze-ri La-ba-met Al-sun-hi. Thực ra vẫn chư­a đủ đâu. Đúng ra, còn phải thêm Sụ-bi Nat Je-ra-hụ-va Li-da-rụ-pa-di mới thật đầy đủ. Tên tôi dài đến nỗi chính bản thân tôi, khi phải viết đơn từ gửi Quan Thống đốc hoặc Sở cảnh sát cũng thường bỏ sót vài chữ. Vì vậy tôi phải có cuốn sổ, mỗi khi cần khai đầy đủ họ tên, tôi lật ra để chép cho khỏi thiếu chữ nào. Còn dân chúng thì đơn giản hơn. Họ gọi tôi là Hiền triết Pha-đi.
            Hiền triết ở xứ tôi là một cái nghề, giống nh­ư nghề thợ mộc, hầu bàn, hay gái nhảy vậy. Có điều làm cái nghề này vô cùng khó. Cả n­ước Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có mười sáu ngư­ời làm đư­ợc, trong số đó tôi là ngư­ời danh tiếng nhất. Tên tuổi tôi vang dậy khắp cả vùng Trung-Cận Đông. Thường xuyên tôi phải tiếp khách hàng từ các nư­ớc Xiri, Libăng, Pakistan, Irắc, Iran, Gioocđani... đến nhờ giúp đỡ. Thỉnh thoảng còn có khách từ nhiều nư­ớc châu Âu như­ Pháp, Italia, Bỉ... nữa. Mới hôm qua, một bà tỷ phú từ Hoa Kỳ sang. Bà ta hỏi tôi cách xử lý một chuyện rắc rối trong đời t­ư của bà ta. Chẳng là bà goá chồng, năm nay đã 81 tuổi, nh­ưng vẫn còn đỏm dáng lắm. Một anh chàng hoạ sĩ trẻ măng chư­a đầy 19 tuổi đến xin cầu hôn. Bà tỷ phú hỏi tôi xem có nên nhận lời anh ta không, vì anh ta chỉ đáng tuổi chắt của bà ta. Tôi đã góp với bà tỷ phú những lời khuyên bảo rất khôn ngoan, khiến bà ta sư­ớng quá rút luôn tập ngân phiếu ký tặng tôi tấm séc trị giá hai trăm ngàn đô-la !
Tóm lại, nghề của tôi là nghề bán nư­ớc bọt lấy tiền. Nghe nói "bán n­ước bọt" quý vị có thể lầm với những ng­ười làm nghề chỉ trỏ, thậm chí với nhà giáo. Thật ra gọi nhà giáo là ng­ười bán nư­ớc bọt không đúng lắm, phải gọi họ là ng­ười bán cháo phổi mới đúng. Nghề chỉ trỏ gần với nghề làm hiền triết của tôi hơn, về mặt ph­ương pháp hành nghề. Như­ng nghề tôi mang tính trí thức và rõ ràng gần với nghề gõ đầu trẻ, chỉ khác nhau là các nhà giáo nói chung nghèo, trong khi các hiền triết chúng tôi thì tiền gửi nhà băng nhiều vô kể. Thằng cha hiền triết vụng nhất ở thành phố Idơmin trên bờ biển Egiê làm ăn kém cỏi nhất mà cũng đã có trên một triệu đô la trong tài khoản gửi  ngân hàng ở Thuỵ Sĩ. Riêng tôi thì tiền gửi ở rất nhiều nhà băng : nhà băng Thuỵ Sĩ một triệu bẩy trăm ngàn đô, nhà băng Luân Đôn, chín trăm ngàn, nhà băng New York một triệu hai, còn các nhà băng Pháp, Bỉ, Đức ch­ưa kể, mỗi nơi vài trăm ngàn đô. Thậm chí tôi có cả tiền gửi ở nhà băng Tokyo bên Nhật. Nói hơi lan man, nhưng tôi nghĩ cũng cần thiết, để quý vị hình dung đ­ược cái nghề hiền triết ở đất nư­ớc chúng tôi.
            Làm nghề này rất nhàn. Chỉ việc phán. Nh­ưng cũng vô cùng khó. Lỡ phán sai một cái là chết. Nghề tôi hơi giống nghề thầy bói ở các n­ước phư­ơng Đông như­ Trung Quốc, Mã Lai, Đài Loan, hoặc như­ nghề đoán số mệnh ở các nư­ớc Âu-Mỹ. Nh­ng nghề của tôi an toàn hơn nhiều, vì nói cho đơn giản, chỉ là nghề góp ý kiến. Bí quyết của tôi, xin tiết lộ luôn với quý vị, cứ góp ý chung chung là an toàn nhất. Thằng cha đồng nghiệp của tôi ở thành phố Idơmin có lần suýt chết đấy, chỉ vì hắn góp ý kiến quá cụ thể. Cái bí quyết nhà nghề này tôi học lỏm đ­ược của một nhà hiền triết nổi tiếng thế giới hồi đầu thế kỷ. "Càng nói chung chung càng đư­ợc ngư­ời nghe cảm phục, mà lại an toàn. Không bao giờ sợ sai, mà không đụng chạm đến ng­ười nào cụ thể". Chính nhờ học lỏm đư­ợc cái mẹo ấy mà tôi giầu khủng khiếp như­ bây giờ. Chứ xuất thân tôi chỉ là dân nghèo. Bố tôi xư­a làm nghề đẩy xe và bao nhiêu tiền kiếm đư­ợc cụ đổi thành rư­ợu hết. Cuối cùng cụ qua đời trong một trận đau gan. Mẹ tôi bán hàng rong và do lao lực, cũng qua đời từ khi tôi chư­a đầy 13 tuổi. Tôi xin vào làm chân quét dọn cho vị hiền triết vĩ đại kia. Lúc đầu tôi phục Cụ sát đất. Một chữ bẻ làm đôi tôi cũng không biết, trong khi Cụ thì tài giỏi thế ! Lúc ấy Thổ Nhĩ Kỳ còn có Vua. Đức Vua và Hoàng hậu th­ường xuyên đến hỏi ý kiến Cụ và cúi rạp đầu tr­ước sự uyên bác của Cụ. Như­ng vì là thằng hầu, luôn quét dọn bên cạnh, tôi mới phát hiện ra rằng vị hiền triết danh tiếng lẫy lừng khắp thế giới kia thì ra chẳng hề đọc sách bao giờ. Vốn liếng học thức của Cụ bấy giờ chỉ hơn đ­ược mỗi mình tôi, như­ng đổi lại, Cụ khôn ngoan không ai bằng, láu lỉnh hết chỗ nói. Thế là sau khi Cụ chết… Ôi, mà đám tang của cụ linh đình đến nỗi nếu tôi kể chi tiết khéo hết đêm nay chư­a xong. Tôi bèn lén ăn cắp bộ cánh hiền triết của Cụ, dọn về Antalua, một thị trấn nhỏ xíu bên bờ Địa Trung Hải, d­ưới chân dẫy núi Taorut. Tôi sắm thêm cái cháp, vài cuốn sách nát và bắt đầu tập tọng hành nghề. Ai ngờ chỉ trong vòng hai năm, tôi đánh bạt đ­ược các bạn đồng nghiệp trong thị trấn, trở nên giầu có. Thế là tôi quyết định chuyển về thủ đô Istambul, thành phố đông đúc nhất của Thổ Nhĩ Kỳ này.
           
Tiếng chuông nhà thờ Hồi giáo
Đã 12 giờ tr­ưa, bắt đầu buổi tiếp khách. Mỗi ngày tôi chỉ làm việc hai tiếng, từ 12 giờ tr­ưa đến 2 giờ chiều. Thật ra công việc này có làm đến hai chục tiếng liền cũng không mệt, nh­ưng làm ít mới càng giá trị, phải không, th­ưa quý vị ? Viên th­ư ký của tôi đã mở cửa và bắt đầu cho khách vào.

Một phụ nữ trạc 40 tuổi đi nhanh vào.

            Ng­ười phụ nữ (sụp xuống lạy). Kính chúc đức Hiền triết tối sáng suốt, bầy tôi tối trung thành của Thánh Mohamat, sống lâu muôn tuổi để ban những lời khuyên bảo khôn ngoan nhất cho các tín đồ sùng tín nhất của đạo Hồi ta !
            Hiền triết. Con có điều gì băn khoăn trong trái tim đau khổ kia, hãy trình bầy ta rõ. Ta sẽ vâng mệnh đức Thượng đế Allah và Thánh Tiên tri Mohamat, truyền đạt đến con những lời vàng ý ngọc của các Ngài.
            Ngư­ời phụ nữ. Kính th­ưa đức Hiền triết tối sáng suốt, tối nhân từ, tên con là Mahat Ali Suntabama, con của Siret Suntabama, cúi lạy Ngài, cầu xin Ngài gỡ cho con nỗi băn khoăn đang cắt ruột cắt gan con ra hàng trăm khúc...
            Hiền triết (dịu dàng). Con cứ nói ta nghe.
            Ng­ười phụ nữ (ôm ngực tuyệt vọng). Th­ưa Ngài, đứa con trai độc nhất của con vừa phạm một tội ác tầy đình. Nó đã giết chết ngư­ời bạn buôn chung với nó ở giữa sa mạc vắng vẻ, vùi xác người xấu số kia xuống cát sâu nóng bỏng, rồi đoạt lấy toàn bộ số hàng hoá chất trên lư­ng mư­ời sáu con lạc đà lực lưỡng. Hành vi tội ác của nó chỉ mình con biết. Vậy con có nên tố giác không ? Nếu tố giác thì con trai con sẽ bị treo cổ, và con sẽ phải chịu một tuổi già cô đơn, nghèo khó. Nhưng nếu không tố giác thì con có tội với Thượng đế Alla và đấng tiên tri Mohamat, và sau này chết, con sẽ không được lên Thiên đường mà phải xuống hỏa ngục. Con cầu xin Ngài Đại hiền triết tối uyên bác, tối nhân từ, hãy thương đứa đàn bà tội nghiệp này mà ban cho một lời khuyên sáng suốt nhất, khôn ngoan nhất để con cất đi được gánh nặng đau khổ đang đè lên trái tim con.
            Hiền triết (dịu dàng). Hỡi người con ngoan đạo và đau khổ của đức Alla và Tiên tri Mohamat linh thiêng. Ta biết lòng con đang rối bời. Ta biết bao đêm nay giấc ngủ xa lánh con. Ta biết bao ngày này, không món cao lương mỹ vị nào làm dịu được lưỡi con đang cay đắng. Hoàn cảnh của con vô cùng khó xử. Nhưng ta tin rằng Đức Alla và Thánh tiên tri Mohamat linh thiêng và nhân từ sẽ truyền cho con một cách xử lý thích hợp nhất. Ngay việc con đến đây thổ lộ với ta và cầu xin ta khuyên giải đã là sự khởi đầu tốt.
            Người đàn bà (cúi đầu kính cẩn). Thưa Đại hiền triết tối sáng suốt, tối nhân từ. Con đang kính cẩn và tin cậy chờ ở Ngài một lời khuyên giúp con cất đi được gánh nặng đang hành hạ con bao ngày nay, từ khi con trai con thú thật tội ác của nó. Thưa Ngài Đại hiền triết tối sáng suốt, tối nhân từ, con cầu xin Ngài hãy cho con biết con phải làm thế nào ? Tố giác con trai con hay không tố giác ?
            Hiền triết. Ta chỉ dạy cho con phương châm. Trí óc của con với sự giúp đỡ của Đấng Alla và Đấng Mohamat sẽ tìm ra được cách xử sự thông minh nhất, vừa làm nhẹ bớt lương tâm vừa đỡ phải chịu tuổi già quá khó khăn.
            Người đàn bà. Thưa Đại hiền triết tối sáng suốt, tối nhân từ, Ngài vẫn chưa cho con biết con phải làm gì ? Tố giác con trai con hay không tố giác ?
            Hiền triết. Ta rất hiểu lòng con. Con sợ xuống địa ngục ? Đấy là suy nghĩ đúng đắn của bất cứ một tín đồ ngoan đạo nào của đạo Hồi ta. Nhưng con đừng vì nỗi sợ ấy mà làm điều gì vội vã, hấp tấp. Con sợ một tuổi già cô đơn và nghèo khó. Đấy cũng là một suy nghĩ đúng đắn của bất kỳ một con người nào có ý thức khi nghĩ đến những năm tháng trước khi từ giã cõi đời. Nhưng con cũng đừng vì nỗi sợ ấy mà quyết định điều gì vội vã hấp tấp để về sau phải ân hận. Đấy là toàn bộ lời khuyên của ta, xuất phát từ lòng thương yêu, thông cảm với con và ta tin rằng con sẽ suy nghĩ kỹ về những lời khuyên ấy. Ta tin rằng với tấm lòng đầy thiện ý của con, sáng sớm mai, lúc những tia nắng đầu tiên của vầng Thái Dương dọi xuống đất nước tươi đẹp này, con sẽ đủ sáng suốt để hiểu được lời khuyên của ta và tỉnh táo tìm ra cách xử lý đúng đắn nhất.
            Người đàn bà (như bừng tỉnh). Ôi, nghe Ngài nói, con đã bắt đầu mường tượng ra con phải làm gì rồi. Đúng, phải bình tĩnh và tỉnh táo, không được vội vã, hấp tấp... Ôi, lời khuyên của Đại ghiền triết mới chính xác và quý báu làm sao ! Con tin tưởng chắc chắn rằng sáng mai, khi Mặt trời ló ra ở chân trời đằng Đông, những lời vàng ngọc của Ngài sẽ thấm vào trí óc con và con sẽ tìm được cách xử sự hợp lý nhất. Đa tạ, muôn vàn đa tạ Ngài, thưa Đại hiền triết tối thông tuệ, tối sáng suốt. (Cúi rạp đầu, đập trán xuống đất, rồi ngẩng lên đứng dậy, đặt một túi nặng tiền lên bàn, trước mặt Nhà hiền triết.) Con đa tạ Ngài, muôn vạn lần đa tạ. Ngài đã giúp con được một điều tối quan trọng, đã cất đi cho con được nỗi đau vò xé tâm can con suốt bao ngày qua. Đa tạ Ngài. Ngài quả là sáng suốt nhân từ, đúng như mọi người đồn. (Cúi lạy lần nữa rồi ra nhanh.)
            Nhà hiền triết (đợi người đàn bà ra khuất, mở túi tiền ra xem). Chỗ này phải đến năm chục ngàn, trị giá trên mười ngàn đô-la Mỹ đây. (Cất túi tiền vào ngăn bàn, nói to ra ngoài.) Cho vào tiếp !
Một người đàn ông quần áo xốc xếch, vẻ mặt ngơ ngác và hung bạo bước nhanh vào.
Ta thấy con không được bình tĩnh. Hãy uống một cốc nước rót trong cái bình bằng bạc kia, rồi hãy kể nỗi băn khoăn đang vò xé lòng con.
            Người đàn ông (nói nhanh và hổn hển). Kính thưa Đức đại hiền triết tối kính, tối minh, tối nhân, tối hậu ! Nỗi giận của con lúc này không gì có thể làm dịu nổi, nếu con chưa tìm được cách giải nó bằng hành động, cụ thể là bằng cánh tay (Giơ nắm đấm.) rắn chắc này.
            Nhà hiền triết. Thôi được ! Vậy con hãy cố điềm tĩnh trình bầy sự việc của con cho ta nghe.
            Người đàn ông. Thưa Ngài đại hiền triết tối kính, tối minh, tối nhân tối hậu ! Con đang gặp một nỗi đau lớn nhất kể từ khi con lọt lòng mẹ và có lẽ cũng là nỗi đau lớn nhất một người có thể gặp được kể từ khi đấng Thượng đế Alla sáng tạo nên vũ trụ và muôn loài. Thậm chí kể từ khi khối hỗn mang chưa đọng lại thành núi non, sông ngòi, biển cả ấy chứ !
            Nhà hiền triết. Không có nỗi đau nào lớn bằng nỗi đau đớn của Đấng Tiên tri Mohamat khi bị những kẻ xấu xa mưu hại. Người đã pghair chạy trốn đến vùng Mêđin hoang vu, giữa sa mạc cháy bỏng. Và cũng không có nỗi đau nào bằng nỗi đau xót của Người khi thấy chúng sinh đắm chìm trong vòng u tối.
            Người đàn ông. Không. Ngay cả những nỗi đau ấy cũng không thể bằng nỗi đau của con ngày hôm nay.
            Nhà hiền triết. Ta biết con đang rất đau đớn. Nỗi đau nhiều khi làm con người ta mụ mẫm, không còn thấy gì nữa và cho rằng nỗi đau của mình chưa bao giờ và chưa ai từng có.
            Người đàn ông. Con biết Ngài rất thông minh và thấu hiểu mọi thứ, nhưng nỗi đau của con thì Ngài không thể hiểu nổi nó lớn đến mức nào đâu. Thưa Ngài Đại hiền triết... (Uất quá nghẹn không nói được nữa.)
            Nhà hiền triết. Con thấy chưa ? Ta biết lòng con đang uất ức. Vậy con nghe ta, ra uống một cốc nước lạnh trong cái bình bằng bạc kia rồi bình tĩnh kể đầu đuôi nỗi đau cho ta nghe.
            Người đàn ông. Không ! Cốc nước không làm dịu được nỗi đau của con. Không thứ gì làm dịu được nó !
            Nhà hiền triết. Cũng được. Vậy con nói ta nghe. Điềm tĩnh mà nói. Nỗi đau của con thế nào ?
            Người đàn ông. Thưa Ngài đại hiền triết tối kính, tối minh,..
            Nhà hiền triết (sốt ruột)... tối nhân, tối từ. Ta đã nghe rồi. Vậy con hãy kể ta nghe về nỗi đau của con đi.
            Người đàn ông. Kính thưa Ngài đại...
            Nhà hiền triết. ...hiền triết. Ta nghe rồi và đang đợi con kể đây.
            Người đàn ông. Sa-mi đã... (Nghẹn lại.)
            Nhà hiền triết. Con hãy bình tĩnh, thong thả mà nói. Sa-mi đã làm sao ?
            Người đàn ông. Đã... đã... ngủ với Sô-met.
            Nhà hiền triết. Thì có gì là lạ ? Họ ngủ với nhau thì có sao đâu ?
            Người đàn ông. Hai đứa ngủ với nhau, nhưng... (Lại nghẹn.)
            Nhà hiền triết. Thì cũng có gì là lạ. Họ ngủ với nhau thì có gì là lạ ?
            Người đàn ông. Hai đứa ngủ với nhau, nhưng... (Lại nghẹn.)
            Nhà hiền triết (dịu dàng). Con hãy nghe lời ta, ra uống một cốc nước...
            Người đàn ông (quát). Không ! Con đã bảo là "không" kia mà !
            Nhà hiền triết. Nhưng con không bình tĩnh kể thì làm sao ta hiểu và giúp con được ?
            Người đàn ông. Ngài nói đúng. Vậy con xin bình tĩnh. Thưa Ngài đại hiền triết tối kính...
            Nhà hiền triết (ngắt lời). ...tối minh, tối nhân, tối từ ! Ta nghe rồi. Vậy con hãy kể đi, cố gắng điềm tĩnh mà kể. Và kể nhanh lên, bởi còn rất nhiều người chờ ngoài kia để vào gặp ta, và người nào cũng có những nỗi băn khoăn đau đớn chờ ta khuyên giải...
            Người đàn ông. Nhưng không ai có nỗi đau như con. Vâng con xin kể. Mà con đã kể đấy thôi. Sa-mi đã ngủ với Mô-pet...
            Nhà hiền triết. Ta nghe rồi. Nhưng họ ngủ với nhau thì có gì là lạ ? Phải chăng họ là một đàn ông một đàn bà ?
            Người đàn ông. Chứ còn gì nữa ? Nếu cả hai cùng là đàn ông thì có chuyện gì đâu ?
            Nhà hiền triết. Thôi được, con nói tiếp đi !
            Người đàn ông. Họ ngủ với nhau trên giường.
            Nhà hiền triết. Ta thấy đầu óc con không được tỉnh táo. Chẳng ngủ trên giường thì ngủ ở đâu ? Ta nghĩ, con cũng thường ngủ trên giường. Ta cũng vậy. Thôi được, Sa-mi và Lô-pet ngủ với nhau trên giường. Rồi sao nữa ?
            Người đàn ông. Thưa Ngài đại hiền triết tối...
            Nhà hiền triết (sốt ruột). Không cần nhắc lại nữa. Thế là đủ. Con nói tiếp đi.
            Người đàn ông. Vậy con phải làm gì ?
            Nhà hiền triết. Ta thấy rõ đầu óc con không tỉnh táo. Ta khuyên con về nhà, ngủ một giấc, rồi sẽ đến gặp ta sau.
            Người đàn ông. Con không ngủ được !
            Nhà hiền triết. Vậy là con bị mất ngủ. Ta khuyên con tìm một thầy thuốc trị bệnh tâm thần. Ta không biết gì về bệnh tật, nhất là bệnh mất ngủ, nên không giúp gì được con. Ngay ta cũng nhiều đêm mất ngủ mà không có cách gì chữa. Dại lương y Si-pô-ma-đi khuyên ta đếm. Ta đếm đến bốn ngàn bẩy trăm tám mươi sáu mà mắt vẫn trơ trơ ra. Ngài lương y lại cho ta một liều ra-xi pha với mật ong, nhưng ta dùng cũng không thấy hiệu nghiệm gì. Cho nên về chuyện mất ngủ, con nên tìm đến một thầy thuốc.
            Người đàn ông. Tôi không cần ngủ ! Tôi cần hành động !
            Nhà hiền triết. Vậy con cứ việc hành động.
            Người đàn ông. Con phải giết một đứa !
            Nhà hiền triết (mệt mỏi). Thì đi mà giết.
            Người đàn ông. Nhưng giết đứa nào ? Sa-mi hay Lô-pét ?
            Nhà hiền triết. Ta chưa khuyên ai giết người bao giờ ! Đấy là việc của con. Ôi, ta tiếp con đã quá lâu ! Con hãy nhường chỗ cho người khác. Hàng chục người đang chờ ngoài kia...
            Người đàn ông (ngắt lời). Mặc họ ! Con mới là người đau  nhất ! Trên đời không có nỗi đau nào bằng nỗi đau bị vợ cắm sừng !
            Nhà hiền triết. Bây giờ ta mới hiểu. Ra Sa-mi là vợ của con ?
            Người đàn ông (trợn mắt). Chứ còn gì nữa ? Khắp thành phố này ai không biết cô ấy là vợ của con ?
            Nhà hiền triết. Còn Lô-pét là nhân tình của cô ấy ?
            Người đàn ông. Chứ còn gì nữa ? Nếu không thì sao hai đứa lại ngủ với nhau ?
            Nhà hiền triết. Ra thế ! Ta rất hiểu nỗi đau của con lúc này. Nhưng con nên biết rằng nỗi đau ấy không có gì đặc biệt lắm đâu. Ngay các Vua chúa, vĩ nhân, các tướng tá oai hùng, các bác học thông minh, các văn sĩ, thi sĩ tài ba, danh tiếng vang dội khắp năm châu, cũng có mấy ai thoát khỏi tình trạng bị vợ cắm sừng đâu ? Ngay bản thân ta, một đại hiền triết, đọc sách nhiều hơn bất cứ ai đã từng sống, đang sống và sẽ sống trên thế gian đầy tội lỗi này, chính ngay bản thân ta lấy vợ bẩy lần thì cả bẩy lần đều bị cắm sừng.
            Người đàn ông. Nhưng Lô-pét lại là bạn rất thân của con !
            Nhà hiền triết. Nếu thế, nỗi đau của con lại càng không đáng gì. Ta là một đại hiền triết, mà con có biết bẩy lần bị vợ cắm sừng thì cả bẩy đều ngoại tình với những ai không ? Toàn loại hạ lưu cả. Thề có đấng Alla chứng giám, cô vợ cuối cùng của ta, cô trẻ trung nhất, xinh đẹp nhất, đã phản bội ta với thằng nào không ? Với thằng sửa chữa yên lạc đà ở đầu phố. Thằng cha dốt nát, làm con tính cộng không xong lại chỉ bằng một nửa tuổi ta thôi, chỉ được cái mắt nó xanh hơn mắt ta và lại biết đá bóng mà thôi.
            Người đàn ông. Không ! Con phải làm một việc gì đấy, con phải hành động một cách nào đấy để rửa nỗi nhục này !
            Nhà hiền triết. Ta hiểu. Ta khuyên con hãy thận trọng suy nghĩ,hãy bình tĩnh, đừng vội vã hấp tấp. Và nếu con thực hiện được như thế, đấng Thượng đế Alla và đấng tiên tri Mohamat sẽ phù hộ cho con tìm ra một giải pháp khôn ngoan nhất. Hãy đạt niềm tin vào hai Ngài và hãy tuân theo sự mách bảo của trí óc con. Trong khi chưa tìm ra được cách hành động nào đúng đắn nhất,con hãy đọc kinh Koran, đọc hàng ngày, và lời lẽ linh thiêng sẽ giúp con mau tìm ra giải pháp. Thôi, con hãy về, đọc kinh và sáng sớm mai,khi những tia nắng đầu tiên của vầng Thái Dương dọi xuống mặt đất, con sẽ đủ tỉnh táo để tiếp nhận ý nguyện của Thượng Đế và đấng Tiên tri và sẽ tìm ra cách hành động sáng suốt và đúng đắn nhất. Ta chúc con đạt được ý nguyện và lấy lại được sự yên tĩnh tâm hồn và khỏi được chứng mất ngủ. Chào con !
Người đàn ông. Không ! Ngài toàn nói chung chung ! Đừng vội vã, hấp tấp, chăm đọc kinh Koran, cầu nguyện đấng Alla và đấng Mohamet. Không, con đã làm tất cả những thứ ấy rồi nhưng vẫn mất ngủ. Con cần Ngài nói cụ thể. Con phải hành động thế nào ? Phải giết đứa nào ? Giết Sa-mi ư ? Nhưng con quá yêu nàng, không cónangf con cũng không sống nổi. Giết Lô-pet ư ? Nhưng đấy là bạn thân nhất của con trên đời. Con cần Ngài nói cụ thể : con nên giết đứa nào ? Vợ hay bạn ?
            Nhà hiền triết. Ta đã nói rồi. Lúc này đầu óc con không được tỉnh táo nên con chưa hiểu đấy thôi. Hãy ngủ một đêm, rồi sáng sớm mai...
            Người đàn ông. Không ! Con không chờ được đến sáng mai. Con phải hành động ngay. Ngài phải trả lời cụ thể : con phải giết đứa nào ? Vợ hay bạn ! Hay giết cả hai ?
            Nhà hiền triết. Ta đã nói rồi. Con phải chờ đến sáng mai, chỉ lúc mặt trời mới ló ra khỏi chân trời đằng Đông,con mới đủ sáng suốt...
            Người đàn ông. Con đã bảo con không thể chờ đến sáng mai  được ! Con phải hành động ngay bây giờ ! Và Ngài phải trả lời cụ thể ngay bây giờ.
            Nhà hiền triết. Ta đã trả lời con rồi. Còn con có nghe theo hay không tùy con. Mà ta tiếp con lâu quá rồi. Con nên nghĩ đến bao nhiêu người đợi ngoài kia đang cần lời khuyên của ta...
            Người đàn ông. Ngài vẫn chứ trả lời câu con hỏi !
            Nhà hiền triết. Ta đã trả lời rồi. Sáng mai, khi mặt trời ló rạng...
            Người đàn ông (hét lên giậ dữ). Đấy không phải câu trả lời !
            Nhà hiền triết. Ôi, lạy đức Alla ! Chưabao giờ tôi gặp một kẻ thô lỗ nhường này. Thôi được ! Vậy con hỏi ta điều gì ?
            Người đàn ông. Con phải giết ai ? Vợ hay bạn ?
            Nhà hiền triết. Điều ấy thì ta không thể trả lời được. Là một tín đồ chân chính của đạo Hồi, ta chưa khuyên ai giết người bao giờ.
            Người đàn ông (quỳ xuống năn nỉ). Lạy Đức Hiền triết tối kính tối minh, tối nhân tối hậu, Ngài hãy thương kẻ khốn khổ này và ra tay giúp con. Con không thể nhìn hai đứa quấn quít với nhau ngay trước mặt con. Con phải giết một đứa. Ngài hãy bảo con phải giết đứa nào ? Giết vợ ư ? Nhưng con yêu nó vô cùng, không còn nó trên đời thì con cũng chẳng thiết sống nữa. Giết bạn ư ? Giết đứa bạn thân nhất ư ? Cũng không được ! Hay con tự giết mình ? Hay chỉ còn mỗi cách ấy ? Ngài nói đi. Con phải làm thế nào ? Giết vợ, giết bạn hay giết chính bản thân mình ?
            Nhà hiền triết. Lúc này con đang nóng nẩy, và khi nóng nẩy con không thể suy nghĩ được điều gì. Hãy bình tĩnh chờ cho đến sáng mai, trí óc con tỉnh táo, tinh thần con bình tĩnh, con sẽ nghĩ ra câu trả lời đúng đắn nhất.
            Người đàn ông (quát lên giận dữ). Ngài vẫn chỉ nói chung chung. Hãy nói cụ thể đi ! Tôi phải giết ai? Vợ, bạn, hay bản thân ? (Túm áo nhà hiền triết.) Nói ! Có nói không ?
            Nhà hiền triết (hốt hoảng). Cứu ta với ! Có ai ngoài ấy không ? Có kẻ định hành hung ta !
            Người đàn ông (rút dao). Có nói không thì bảo ? Không hả ? À, bây giờ thì ta đã rõ phải giết kẻ nào rồi ! (Đâm nhà hiền triết.)
            Nhà hiền triết (ôm ngực). Đúng ! Con làm thế này là đúng. Là đúng nhất. Ta cảm ơn con ! (Thều thào.) Con đã... đúng... hoàn toàn đúng ! (Tắt thở.)



8. SỰ GIỄU CỢT
Kịch ngăn hoang đường

NHÂN VẬT :
CHÀNG TRAI - công nhân trẻ, 21 tuổi
BẠN - 28 tuổi
NGƯỜI TRONG GƯƠNG - giống hệt chàng trai
CÔ GÁI - 19 tuổi

Phòng tập thể của một nhà máy. Chàng trai đứng nhìn anh bạn đang hì hục bơm xe đạp để chuẩn bị về thăm gia đình.
Bạn chàng trai. Tối Thứ bẩy mà cậu cũng lại định ngồi nghiên cứu cái cuốn :Kỹ thuật cắt gọt kim loại" ấy hả ?
Chàng trai. Không, tối nay tôi đi chơi. (Mỉm cười.) Đã hẹn với một cô bạn rồi.
Bạn. Chà, ghê nhỉ ! Mà thế là đúng. Chứ ai lại mới tý tuổi đầu mà đã như ông cụ non rồi. Mai Chủ Nhật, được nghỉ cả ngày nữa đấy, nên rủ cô bạn đi chơi đâu một cái.
Chàng trai (cười). Mới quen thôi. À, anh cho tôi mượn cái sơ-mi đuôi tôm kẻ xọc của anh, được không ?
Bạn (cười). Áo mồi của mình đấy, mà cậu mặc lại còn vừa và đẹp hơn mình mặc nhiều. Treo trên mắc ấy, câu cứ tự động lấy mà dùng. Chứ đi với bạn gái ai lại đáng cái bộ bảo hộ lao động thì còn ra làm sao nữa ! Quần có chưa ?
Chàng trai (cười). Có rồi. À (ngập ngừng) Anh có tiền cho tôi vay tạm vài ngàn.
Bạn. Có. (Móc ví trong túi ra, lấy tiền đưa.) Cứ cầm cả lấy. Chúc tối nay vui vẻ nhé ! (Dắt xe ra khuất.)
Chàng trai (nói với theo). Cho tôi gửi lời thăm chị và các cháu.
Tiếng vọng từ bên ngoài "Cảm ơn."
Còn lại một mình trong phòng, chàng trai bắt đầu mặc quần áo, miệng khẽ huýt một điệu nhạc nào đấy. Mặc xong, anh đứng trước gương ở tủ gương chải đầu, sửa lại cho áo quần ngay ngắn.
Chợt anh thấy như có một người vẻ mặt rất quen đứng trong gương nhìn anh nhếch mép cười giễu cợt. Anh quay lại phía sau, không thấy có ai. Anh ngạc nhiên nhìn vào gương.
Người trong gương (nhếch mép cười). Diện quá nhỉ !
Chàng trai (sửng sốt). Anh là ai ?
Người trong gương. Cậu không nhận ra mình à ?
Chàng trai. Không. Lúc đầu tôi tưởng anh chỉ là cái bóng của tôi. Thì ra không phải.
Người trong gương. Đúng đấy, mình chính là cái bóng của cậu. (Bước trong gương ra.) Nhưng là cái bóng méo mó. Mình là sự tự nghi hoặc, là sự tự giễu cợt của chính bản thân cậu. Mình có là để nhắc cậu đừng làm gì lố bịch. Mình chính là cậu.
Chàng trai (chưa hiểu). Sao anh lại là tôi được ?
Người trong gương. Cậu chưa hiểu à ? Nhưng sao cậu khách sáo thế ? Anh anh tôi tôi ! Mình chính là cậu ! Nói cho đúng hơn, mình là cái tôi thứ hai của cậu. Cậu lộ ra bên ngoài, còn mình lẩn bên trong. Người ta chỉ nhìn thấy cậu, thực ra còn có cả mình nữa. Chúng ta là bạn đồng hành, là anh em sinh đôi, cho nên cậu khách sáo với mình làm gì ?
Chàng trai. Nhưng tôi mới gặp anh lần đầu.
Người trong gương. Đúng thế. Nhưng tiếng nói của mình thì cậu đã nghe thấy nhiều lần rồi. Mình đã lên tiếng ngăn cậu nhiều lần, mỗi khi cậu định làm một thứ gì lố bịch, khiến cậu có nguy cơ thành trò cười cho thiên hạ. Mình lên tiếng mỗi khi cậu có ảo tưởng về giá trị của bản thân cậu...
Chàng trai (cau mặt suy nghĩ, đột nhiên hiểu ra). À, chính anh đã thì thầm vào tai tôi cái hôm tôi thiết kế một cái động cơ vĩnh cửu. Lần ấy, anh đã ngăn tôi lại... Bây giờ thì tôi nhận ra rồi. Anh đã nhắc tôi đừng có những ảo tưởng hão huyền.
Người trong gương (vui vẻ). Đúng đấy. Cái lần ấy mình không lên tiếng ngăn cậu lại mà để yên cậu đưa ra thì đúng là cậu đã thành trò cười cho thiên hạ. "Động cơ vĩnh cửu !" Một ảo tưởng đã từng làm nhiều người mắc. Làm gì có "động cơ vĩnh cửu" kia chứ ! Cứ thỉnh thoảng cậu lại có ảo tưởng về giá trị của bản thân cậu, và mỗi khi như thế mình lại lên tiếng ngăn cậu lại.
Chàng trai. Nhưng trước đây anh chỉ lên tiếng thầm vào tai tôi, lần này anh lại bước ra và thành người bằng xương bằng thịt...
Người trong gương. Thì vẫn là một thôi. Lần này mình phải hiện ra vì cậu sắp có một ảo tưởng lớn, cực kỳ nguy hiểm.
Chàng trai. Ảo tưởng gì ? Tôi chưa hiểu.
Người trong gương. Cậu đang có ảo tưởng về giá trị của cậu ! Để đẹp lòng cô gái, cậu đã khoác lên người cậu cái bộ quần áo mà cậu tưởng sẽ làm cậu đẹp trai hơn, đáng yêu hơn. Chà, để có cái quần diện này, cậu đã bỏ ra toàn bộ số  tiền thưởng một quý. Rồi cái áo sơ-mi đuôi tôm kia cậu tưởng hợp với người của cậu lắm hả ? (Cười nhạo báng.) Cậu lầm rồi ! Cậu mặc bộ cánh này trông càng lộ những nhược điểm của thân hình cậu. Lại cả thắt cà-vạt nữa !
Chàng trai giật cái cà-vạt ra khỏi cổ.
Cậu định dùng bộ cánh này để che lấp cái dáng cục mịch của một thằng thợ chứ gì ? Để cô bạn nghĩ cậu là một trí thức chứ gi ? (Cười chế giễu.) Ôi, sao mà cậu ngây thơ dại dột làm vậy ? Mặc gì thì mặc, cậu vẫn lồ lộ là một thằng lao động. Mà cậu biết không, kiểu quần ống loe như thế này bây giờ ai còn mặc ? Mốt đã thay đổi rồi. Mà cắt chẳng hợp với dáng người cậu tý nào.
            Chàng trai (đứng vào sau chiếc bàn để che lấp cái quần). Nhưng ông thợ may này ở Hàng Trống là ngườimay cắt giỏi nhất Hà Nội đấy. Ông ấy bảo cắt kiểu này rất hợp với dáng người của mình. Hôm may xong, ông ấy bắt mình mặc thử rồi ngắm mình mãi, đầu cứ gật gù : "Ít khi tôi cắt được cái quần đẹp thế này, rất hợp với dáng người của cậu !"
            Người trong gương (cười phá lên). Ôi, cậu ngây thơ hết chỗ nói ! Ông thợ nào chẳng bảo khách thế ? Chẳng lẽ ông ta lại bảo cậu mặc cái quần này chẳng hợp chút nào hay sao ? Mình nghĩ thà cậu cứ mặc bộ bảo hộ lao động trông lại hợp hơn.
            Chàng trai. Không đúng, ông thợ này có vẻ thành thật lắm.
            Người trong gương (nhăn mặt). Cậu có cái tật hay tin người, cứ tưởng mọi người đều nói thật hết. Vì xưa nay cậu chỉ sống trong gia đình, trong xí nghiệp. Cậu chưa ra chợ giời bao giờ chứ gì ? Mười câu họ nói thì chín câu là giả dối, là bịp bợm. À, mà ai xui dại cậu cắt tóc cái kiểu kia thế hả ? Trông như thằng ma-cà-bông ấy ! Giá cậu cứ cắt kiểu như cũ có phải trông dễ chịu hơn không ?
            Chàng trai. Thế sao hôm mình cắt tóc về, anh Hiếu, bí thư Đoàn Nhà máy bảo, cậu cắt kiểu này trông bảnh trai hẳn lên !
            Người trong gương (nhăn mặt). Bao giờ cậu mới bỏ được cái tính cả tin nhỉ ? Người ta khen thì có mất gì đâu mà lại được lòng nhau. Chê mới khó chứ khen thì dễ ợt. Anh may cái áo này đẹp quá, chị hát cái bài kia hay quá, vân vân và vân vân...
Chàng trai (khó chịu). Mình sống cách nào mặc mình !
Người trong gương. "Mặc" thế nào được ? Cậu quên mình chính là cậu à ? Mình phải có trách nhiệm. Mình không thể để cái cô Liên, cô Bạch Liên ấy cười cậu, tất nhiên cười thầm trong bụng được.
Chàng trai. Không đời nào Liên nghĩ như thế. Bạch Liên là một cô gái rất tốt bụng, không đời nào lại có những ý nghĩ độc ác như vậy !
Người trong gương. Cậu tưởng như thế à ? (Cười vang.) Ôi, người anh em sinh đôi của tôi ơi ! Cậu mê cô ấy nên lóa mắt, nhìn thấy cái gì ở cô ấy cũng đáng yêu.
Chàng trai. Mình quý nhất ở Liên cái tính thẳng thắn, chân thành.
Người trong gương. Và cậu tưởng cô ấy yêu cậu ?
Chàng trai. Cô ấy không nói ra nhưng mình biết là cô ấy rát quý mình.
Người trong gương. Cậu còn cho rằng cô ấy yêu cậu nữa, đúng không nào ? Lầm to rồi đấy, người anh em sinh đôi của tôi ơi ! Cậu tưởng cô ấy để yên cho cậu nắm tay tức là cô ấy yêu cậu ? Chưa đâu ! Con gái bây giờ tự nhiên, để con trai nắm tay là chuyện bình thường.
Chàng trai. Liên không phải loại con gái tự nhiên kiểu như thế. Liên rất ý tứ. Mấy lần mình đã chạm thử vào tay cô ấy mà cô ấy nhẹ nhàng rút tay lại ngay. Mãi đến Thứ bẩy vừa rồi, mình liều nắm bàn tay cô ấy thì không thấy cô ấy rút tay ra mà để yên một lúc lâu.
Người trong gương (lại cười phá lên). Nhưng cuối cùng vẫn rút tay lại chứ gì ? Cô ta để yên cho cậu nắm trong mấy phút ?
Chàng trai. Phải đến bốn năm phút.
Người trong gương (lại cười vang). Có bốn năm phút mà cậu đã cho là cô ấy yêu cậu à ? Để cậu nắm tay, cho dù mười hai mươi phút đi nữa thì cũng có mất gì đâu. Cậu không biết tâm lý con gái, rất thích khi được con trai theo đuổi. Cho nên cứ thả, càng nhiều anh theo đuổi càng tốt, càng được chiều, càng được nịnh... có mất gì đâu ?
Chàng trai. Liên không thuộc loại ấy !
Người trong gương. Căn cứ vào đâu mà cậu kết luận như thế ? Đúng là ngây thơ. Nhưng cũng dễ hiểu thôi. Ai lần đầu bước vào tình yêu thì cũng thế thôi. Cậu tưởng đã nắm tay được cô ấy mấy phút là đã được cô ấy yêu rồi ! Chưa đâu !
Chàng trai. Không chỉ nắm tay. Bởi sau đấy mình ôm nhẹ vai cô ấy và cô ấy đã ngả đầu lên vai mình.
Người trong gương. Ngả đầu lên vai cậu ? Thì đã sao ? Để cậu mời cô ta vào nhà hàng và gọi những món đắt tiền cho cô ấy ăn chứ gì ? Cậu chưa hiểu gì về tâm lý con gái, về thế nào là tình yêu thực sự cả ! Cầm được tay, kéo được cô ấy ngả đầu lên vai mình đã tưởng là chinh phục được cô ấy rồi ! Còn lâu, anh bạn ạ ! Ôi, tội nghiệp anh bạn tôi, si tình đến thế ! (Nhấc cuốn sổ trên bàn, lật ra xem.) Lại còn làm thơ nữa này. (Lấy giọng giễu cợt đọc.)
"Tiễn em về nhà xong,
Anh đi trên đường vắng
Gió trên đầu mát rượi
Nhạc văng vẳng đâu đây
Đời ơi, sao đẹp thế
Vui thay kiếp làm người !"
Chà, đúng giọng một anh si tình ! Lại đây nữa :
...Có những đêm chợt tỉnh
Bỗng anh thấy mất em
Một nỗi đau nhói buốt
Xuyên qua giữa trái tim...
Si tình một trăm phần trăm !
            Chàng trai (giằng lấy cuốn sổ, quăng xuống đất). Mặc tôi !
Người trong gương. Bài thơ hay thế, sao lại vứt đi ? Ôi, mình nhìn cậu và không thể nhịn được cười. Cạu trở nên lố bịch vô cùng tận. Giá mình không vạch ra cho cậu thấy sự thật, và cậu vẫn diện cái quần đắt tiền nhưng cổ lỗ sĩ này với bộ mặt khờ khạo tình trường kia đến gặp cô ta thì tối hôm nay về nhà, cô Liên ấy sẽ được một mẻ cười vỡ bụng, và ngày mai, gặp bạn bè, cô ấy sẽ kể lại về cậu để cả đám cười rú lên thích thú. Rồi câu chuyện trồng cây si của cậu sẽ lan truyền khắp thành phố và biến thành đề tài được đưa ra kể kèm theo đủ các chi tiết mắm muối và các kiểu bình luận trong những cuộc nhậu. Chao ơi, cái đầu Phạm Ngọc Phúc này !
Chàng trai vò rối mái tóc
Cái quần mốt này !
Chàng trai lại vò nhầu chiếc quần.
Cái áo đuôi tôm kẻ xọc này nữa !
Chàng trai ngồi phịch xuống ghế, đầu gục.
Ha-ha-ha ! (Cười đắc thắng.) Thôi, hỡi người anh em sinh đôi của tôi ơi ! Hãy quay về vị trí của cậu thôi. Dù cậu có là công nhân bậc bẩy, là chiến sĩ thi đua, là bí thư chi doàn của phân xưởng thì cũng vẫn là anh thợ. Làm sao có thể mơ một cô sinh viên đẹp như mộng. Những hạng ấy đâu dành cho cậu. Thấy cậu mê họ thì họ đùa giỡn, gợi cho cậu hy vọng để họ lợi dụng, khai thác cho thỏa lòng thèm khát uy quyền của họ. Đến khi chán, họ sẽ khai thác một thằng cha dại gái khác... Một nhà thơ nào đã viết :
"Ai bảo em là giai nhân
Cho lòng anh đau khổ
Ai bảo em ngồi bên cửa sổ,
Cho vướng nợ thi nhân ?"
Nhưng cậu không phải thi nhân và cũng không chuốc khổ làm gì. Ta hãy lượng sức mình, người anh em sinh đôi thân mến của tôi ạ. Và cũng đừng làm con thiêu thân dẫn xác vào ngọn lửa đang cháy ! Ha-ha-ha !
Chàng trai tuyệt vọng hoàn toàn. Anh ôm đầu, toàn thân rũ ra như cái giẻ rách. Người trong gương đi đi lại lại đắc thắng.
Bỗng có tiếng gõ cửa.
Người trong gương giật mình nhìn ra, trong khi chàng trai như không còn nghe thấy gì nữa.
Tiếng gõ cửa lặp lại. Rồi lần thứ ba rất to và dồn dập.
            Tiếng phụ nữ bên ngoài (gọi rất to.) Anh Linh ! Anh Linh ! (Đợi một lát, không thấy có tiếng trả lời, bèn đẩy cửa chạy vào. Đấy chính là Cô gái.) Anh Linh ! Anh Linh ! (Nhìn thấy chàng trai.) Sao anh không đến ? Em chờ mãi, sốt cả ruột, vội chạy đến đây. (Bước đến gần.) Đúng thật, em đoán không sai. Anh làm sao thế này ? AnhLinh, anh làm sao thế  ?
Trong lúc Cô gái nói, Người trong gương lủi ra một góc rồi biến mất vào trong gương.
Anh ốm à ? (Sờ trán.) Đúng rồi ! Đầu anh nóng như lửa đây này ! Anh thấy trong người thế nào ?
            Chàng trai (không nhúc nhích.) Cô đi đi !
            Cô gái. Ô hay ! Anh làm sao thế ? Có chuyện gì vậy ? Sao lại đuổi em đi ?
            Chàng trai. Đùa giỡn tôi thế đủ rồi !
            Cô gái. Anh Linh, anh nói gì lạ thế ? Sao lại bảo em đùa giỡn ?
            Chàng trai (xua tay mệt mỏi). Cô hãy đi đi và buông tha cho tôi.
            Cô gái. Anh mê sảng rồi ? (Lại sờ trán chàng trai.) Sốt cao đây này ! Anh để thuốc hạ nhiệt ở đâu ?
            Chàng trai. Đi đi và để yên cho tôi. Và đừng bao giờ đến đây nữa !
            Cô gái. Ô hay ! (Chợt hiểu.) Thì ra anh có cô nào khác rồi ! Thế thì anh cứ nói thẳng, việc gì phải đóng kịch thế này ? Thôi được, em đi. (Ôm mặt khóc nức nở.) Thật không ngờ ! (Quay ra định đi.)
            Chàng trai (như chợt tỉnh, gọi to). Cô Liên ! Đứng lại đã !
            Cô gái. Anh đuổi em kia mà ?
            Chàng trai. Nhưng trước khi cô rời khỏi chỗ này, cô hãy trả lời tôi một câu. Hãy nói thật cho tôi một lần : "Cô có yêu tôi không ?"
            Cô gái. Anh còn hỏi để làm gì nữa ? (Lại quay ra định đi.)
            Chàng trai (năn nỉ). Cô trả lời tôi đã, thật lòng cô có yêu tôi một chút nào không ?
            Cô gái. Chao ôi, tôi đối xử với anh ấy như thế mà anh ấy còn hỏi tôi như vậy ! Thôi, nhưng như thế cũng được. (Ôm mặt nức nở, chạy ra.)
            Chàng trai (như sực tỉnh, chạy ra kéo cô gái vào). Tha lỗi cho anh, Liên ! Tha lỗi cho anh !
            Cô gái. Nhưng tại sao anh lại có ý nghĩ nghi ngờ em như thế ?
            Chàng trai. Nhưng thật Liên yêu anh chứ ?
            Cô gái. Điều ấy tưởng anh đã rõ từ lâu rồi ? Nhưng vừa rồi anh nghe ai nói gì phải không ? (Nhìn quanh.) Anh vừa tiếp ai đấy ? (Nhấc quyển sổ tay lên.) Ai ? Ai vừa đến đây thế ?
            Chàng trai. Anh mới gặp hắn là lần đầu ?
            Cô gái. Anh ta đã nói với anh những gì ? Anh ta là ai mà độc ác làm vậy ?
            Chàng trai. Hắn xưng tên là gì ấy nhỉ ? À phải rồi, hắn bảo hắn là cái bóng của anh, là cái bóng méo mó, là sự tự giễu cợt của bản thân anh ! (Đột nhiên giận dữ nhìn quanh.) Hắn đâu rồi ? Quân độc ác ! Hắn mà còn đến đây lần nữa, anh sẽ giết hắn !
            Cô gái (ôm ghì người yêu). Anh nói gì em không hiểu. Nhưng anh ta là ai cũng mặc. Miễn là đừng bao giờ anh nghe anh ta.
Chàng trai. Tất nhiên rồi !
Cô gái. Vậy bây giờ anh có rủ em đi chơi nữa không ?
Chàng trai. Có chứ. Hãy còn sớm, ta lên Hồ Tây chơi. (Đứng dậy, sửa sang lại quần áo, nhưng đột nhiên sững người lại.)
Cô gái (lo lắng). Sao thế ? Hay vẫn còn giận em điều gì ?
            Chàng trai (vội vã). Không ! (Cười âu yếm.) Không giận em tí gì hết. Chỉ có điều... anh vẫn đang nghĩ về hắn !
            Cô gái (lo lắng). Thế có định đi chơi nữa không ?
            Chàng trai (sực tỉnh). Có chứ ! Có chứ ! Tất nhiên rồi ! Cả tuần qua anh mong chóng đến lúc này, bây giờ lại không đi thế nào được ? (Cười.) Mà có khi vì mong quá mà đâm nghĩ quẩn. Ta đi thôi ! Đi, em !

Họ hớn hở cùng ra.




9. Nếu như có chiếc máy
đo tình yêu
KỊCH NGẮN VIỄN TƯỞNG

NHÂN VẬT :
CHÀNG TRAI, 25 tuổi
CÔ GÁI, 19 tuổi
BÁC HỌC, 38 tuổi

Phòng làm việc của nhà bác học. Cửa ra vào. Một bộ bàn ghế giản dị. Một tấm màn gió che gian bên trong.
Tiếng gõ cửa.
Một người đàn ông đứng tuổi vén màn, bước trong buồng ra. Đấy chính là nhà bác học. Ông mặc áo bơ-lu mầu ghi, đeo kính cận số rất cao nên trông đôi mắt như lồi hẳn ra. Râu tóc ông rát rậm, chứng tỏ ông mải làm việc quá say mê, không nghĩ gì đến áo quần râu tóc. Ông ra mở cửa.
Một chàng trai bước vào: trẻ, đẹp trai, ăn mặc rất diện và kiểu cách, tạo nên một sự tương phản với hình dạng chủ nhân ngôi nhà.
CHÀNG TRAI. Anh Sâm ! Em hỏi thăm mãi mới tìm được đến đây. Sao anh kín tiếng thế ? Nghe bảo anh trốn mọi người để nghiên cứu một cái máy gì phải không  ạ ?
BÁC HỌC (mỉm cười). Có việc gì thế ?        
CHÀNG TRAI. Anh rất bận, em biết. Nhưng em chỉ xin anh một ít phút thôi. Được không ạ ?
BÁC HỌC (cười). Cậu gặp may. Vừa đúng hôm nay mình hoàn thành xong một việc, quyết định nghỉ vài ngày. Sáng nay mình đã nhận được bằng sáng chế cho cái máy của mình do Uỷ ban Khoa học Nhà nước cấp. Chỉ nay mai tin này sẽ được công bố trên các phương tiện truyền thông, và chắc sẽ được Đài Phát thanh truyền ra khắp thế giới.
CHÀNG TRAI. Tuyệt vời ! (Ôm chặt Bác học.) Em xin chân thành chúc mừng anh. Máy gì thế ạ ? Nhưng thôi, lúc khác em sẽ nghe anh kể. Còn bây giờ em đang vội, rất vội.
BÁC HỌC. Cậu có bạn chờ ngoài kia chứ gì ?
CHÀNG TRAI (thán phục). Xin bái phục anh ! Tài đoán tâm lý của anh thì chúng em đứa nào cũng phục sát đất từ lâu rồi. Mà anh thử đoán tiếp xem nào. Đố anh bạn trai hay bạn gái ? Và nói chung có những đặc điểm gì ?
BÁC HỌC. Một cô gái.
CHÀNG TRAI. Chính xác !
BÁC HỌC. Trẻ, đẹp. Không đẹp lắm đâu nhưng có duyên, rất có duyên và rất dễ mến.
CHÀNG TRAI. Lại chính xác ! Nhưng tại sao anh đoán cô ấy không đẹp lắm ?
BÁC HỌC (mỉm cười). Nếu đẹp lắm cậu đã chẳng đến tìm mình.
CHÀNG TRAI. Thì ra anh đã đoán được em đến tìm anh về chuyện gì rồi.
BÁC HỌC. Cậu đến hỏi ý kiến mình xem có nên lấy cô ấy không. Nếu lấy thì có hạnh phúc hay không.
CHÀNG TRAI. Tài đoán tâm lý của anh đến thế thì cực kỳ. Em sợ anh đấy ! Vậy em dẫn cô ấy vào nhé ? Anh quan sát và trò chuyện. Sáng mai em sẽ đến đây một mình để nghe nhận xét của anh. Được không ạ ? (Định chạy ra.)
BÁC HỌC. Khoan đã !
CHÀNG TRAI. Còn gì nữa ạ ?
BÁC HỌC. Cậu đến vừa đúng lúc. Cậu biết thứ máy mình vừa sáng chế ra là máy gì không ? Máy đo tình yêu !
CHÀNG TRAI (sửng sốt). Máy đo tình yêu ?
BÁC HỌC. Chính thế. Một kiểu máy tính điện tử có bộ nhớ rất lớn và có phần mềm xử lý rất tinh vi. Nó đã đọc hàng vạn cuốn sách bàn về tình yêu, đã thu vào bộ nhớ một khối lượng khổng lồ những ý kiến về tình yêu và hạnh phúc của hàng vạn nhà văn, nghệ sĩ, triết gia, chính khách, và cả những người đại diện cho đủ các tầng lớp trong xã hội.
CHÀNG TRAI (reo lên). Nghĩa là em gặp may, may cực lớn ! Vậy em ra đưa cô ấy vào đây để anh đo nhé ? (Chạy ra rồi vào cùng cô gái.)
CÔ GÁI (không đẹp lắm nhưng trông rất phúc hậu và có duyên). Em chào anh ạ !
CHÀNG TRAI. Đây là anh Sâm, tiến sĩ tâm lý học đồng thời tiến sĩ vật lý điện tử, một bác học cỡ lớn, đã có nhiều sáng chế được thế giới công nhận. Còn đây là Thuỷ, bạn em.
BÁC HỌC. Rất vui được gặp cô. Mời cô Thuỷ ngồi chơi.
CHÀNG TRAI. Thuỷ ạ, hôm nay anh chỉ định đưa em đến đây để làm quen với một người anh quý như anh ruột. Nhưng đến nơi thì anh được biết anh Sâm vừa sáng chế ra một cái máy đặc biệt, vừa được Uỷ ban Khoa học Nhà nước cấp bằng sáng chế. Và một điều đặc biệt nữa là cái máy này lại rất quý đối với hai chúng mình.
CÔ GÁI. Thưa anh, gọi là máy gì ạ ?
CHÀNG TRAI. Chắc em không thể ngờ được. Mà chính anh lúc nãy nghe thấy cũng sửng sốt. Một cái máy vô cùng đặc biệt mà cũng vô cùng cần thiết. Máy-đo-tình-yêu !
CÔ GÁI. Tình yêu mà có thể đo bằng máy được ạ ?
BÁC HỌC. Thật ra đấy là một thứ máy tính nhưng được chế tạo theo cách đặc biệt. Qua thử nghiệm, các chuyên gia đã thấy độ chính xác của nó lên đến hơn 80 phần trăm.
CÔ GÁI. Nghĩa là vẫn chưa hoàn toàn chính xác?
CHÀNG TRAI. Nhưng như thế có thể coi là chính xác được rồi.
CÔ GÁI (phá lên cười). Ngộ nghĩnh thật ! Nhưng tại sao anh lại nảy ý nghĩ nghiên cứu chế tạo một chiếc máy để đo tình yêu ạ ?
BÁC HỌC (cười). Hết sức tình cờ. Chỉ là do hôm đi xem kịch ở Nhà hát Lớn, tôi nghe thấy một nhân vật nói : “Tiếc rằng tôi không phải nhà phát minh. Nếu thế, các bạn có biết tôi sẽ chế ra một thứ máy gì không ? Máy để chiếu qua những ai đang yêu, đo xem mức độ tình yêu, rồi mới cho hoặc không cho họ lấy nhau.”
CÔ GÁI (lại cười). Vở kịch ấy em cũng có xem và có nhớ cái câu ấy. Ai ngờ bây giờ lại có cái máy đúng như thế. Vậy thì anh chiếu luôn cho hai đứa chúng em đi, xem mức độ tình yêu của anh Nghĩa đối với em đến đâu…
CHÀNG TRAI… Và cả mức độ tình yêu của em đối với anh nữa chứ !
CÔ GÁI. Đúng thế. (Đột nhiên.) Nhưng em không đo đâu !
CHÀNG TRAI. Tại sao ? Hay em sợ máy không chính xác ?
CÔ GÁI. Không phải thế.
CHÀNG TRAI. Vậy tại sao ?
CÔ GÁI (sau một chút). Trong đời sống tình cảm không phải cứ biết hết mọi thứ đã là tốt.
CHÀNG TRAI. Nghĩa là phải tự dối mình à ?
CÔ GÁI. Không phải tự dối mình mà là coi như không biết.
CHÀNG TRAI. Thì có khác gì nhau ?
BÁC HỌC. Cô Thuỷ nói có lý đấy. Bởi có những người không chịu đi kiểm tra sức khoẻ, vì sợ lỡ phát hiện ra một bệnh hiểm nghèo nào đấy thì hoang mang mà rốt cuộc vẫn có chữa khỏi được đâu. Cho nên phải để người đo tự nguyện. Không nên bắt ép.
CHÀNG TRAI. Em vẫn nghĩ dù sao hai chúng em cũng nên biết sự thật để tránh những quyết định sai lầm. Cho nên, Thuỷ ạ, anh đề nghị…
CÔ GÁI. Thôi được. Đo cũng được. Không rồi anh lại nói này nói nọ. (Với nhà Bác học.) Nhưng em xin anh một điều. Anh phải cho em biết đầy đủ và chính xác kết quả, không được giấu em, bất kể kết quả ấy như thế nào.
CHÀNG TRAI. Em đi từ cực đoan này sang cực đoan khác. Lúc thì bảo không cần biết sự thật, lúc thì bảo cần phải biết.
CÔ GÁI. Em thấy không cần thiết phải biết, cho nên cũng không cần đo. Còn nếu đã đo thì phải cho em biết kết quả, không được giấu em. Anh Sâm, anh đồng ý như vậy không ạ ?
BÁC HỌC. Tất nhiên là đồng ý. Vậy ta đo nhé. Trong khi tôi chuẩn bị máy thì cô và cậu trả lời những câu hỏi trắc nghiệm in sẵn trong này. (Đưa cô gái và chàng trai mỗi người một tờ giấy.)
Trong khi hai người ngồi vào bàn hý hoáy viết thì nhà bác học kéo tấm màn gió, để lộ ra một cỗ máy lớn, giữa là một mặt tròn như mặt đồng hồ. Mặt tròn này chia  hai nửa đều nhau, nửa xanh bên trái đề chữ “Nam”, nửa đỏ bên phải đề chữ “Nữ”. Một chiếc kim to lúc lắc giữa hai bên rồi dừng lại ở chính giữa, nơi đề số “0”.
Viết xong, cô gái và chàng trai, mỗi người đưa tờ giấy của mình cho nhà bác học.
BÁC HỌC. Hai người nhìn vào đây. Cái kim này chỉ tương quan trong tình cảm của hai người. Nếu chỉ vào số “O” có nghĩa tình cảm cân bằng ở cả hai phía. Nêu kim chỉ lệch sang bên đỏ, có nghĩa tình cảm của cô gái chân thành và thắm thiết hơn. Sang bên xanh tức là tình cảm của cậu trai mạnh hơn. Bây giờ tôi hỏi hai người lần nữa : cả hai tự nguyện đo chứ ?
CHÀNG TRAI (mạnh mẽ). Vâng ạ.
CÔ GÁI (hơi ngập ngừng nhưng rồi đáp, giọng miễn cưỡng). Vâng ạ.
Bác học luồn hai tờ giấy vào một cái khe nhỏ ở máy, rồi bấm một nút điện. Đèn báo sáng đỏ. Máy bắt đầu vận hành, kêu ro-ro. Chiếc kim chao đảo, hết sang trái, lại sang phải, rồi lại lệch sang trái, rồi sang phải… trong một lúc khá lâu. Cuối cùng máy ngừng chạy. Đèn báo hiệu đỏ tắt, đèn xanh bật lên. Chiếc kim cũng đã dừng lại, mũi kim chỉ lệch hẳn sang bên đỏ.
            CÔ GÁI (đứng bật dậy, nhìn thẳng vào mắt chàng trai, giận dữ). Thế là đã rõ. Anh có yêu gì tôi đâu ! (Với Bác học.) Cảm ơn anh đã giúp em thấy được sự thật ! Anh ta không yêu gì em cả, vậy mà em cứ mù quáng dành trọn tình cảm cho anh ấy. Thật ra đã đôi lúc em cảm thấy như thế, nhưng em cứ tự dối lòng mình, không dám dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật. Nhưng hôm nay mọi thứ đã rõ ràng. Cảm ơn anh, cảm ơn anh vô cùng ! Suýt nữa em huỷ hoại cả cuộc đời của em. Vì đi lấy một người không yêu mình.
            CHÀNG TRAI (hét lên). Không phải ! Anh Sâm, anh nói với Thuỷ hộ em đi là em yêu cô ấy ! Yêu vô cùng tận !..
            CÔ GÁI. Hôm khác em sẽ đến thăm sức khoẻ anh và cảm ơn anh nhiều nữa ! (Ôm mặt đau đớn chạy vụt ra ngoài.)
            CHÀNG TRAI (hét to). Thuỷ ! (Định chạy đuổi theo.)
            BÁC HỌC (giữ chàng trai lại). Chú chạy theo bây giờ vô ích.
            CHÀNG TRAI (ôm đầu, gieo mình xuống ghế nệm, vò đầu bứt tai). Anh giết em rồi ! Thiếu Thuỷ làm sao em sống nổi ? Máy của anh sai rồi. Tại sao em lại yêu Thuỷ không bằng Thuỷ yêu em ? Vô lý ! Nhất định máy của anh không chính xác ! Em bắt đến anh đấy ! Anh phải trả Thuỷ lại cho em đi. Vì tất cả chỉ tại cái máy của anh không chính xác !
            BÁC HỌC (mỉm cười). Chính cái kết quả vừa rồi lại càng chứng tỏ máy hết sức chính xác.
            CHÀNG TRAI (bật đứng lên). Chính xác sao được ?
            BÁC HỌC. Vì kết quả hoàn toàn phù hợp với dự đoán của tôi.
            CHÀNG TRAI. Sao anh có thể dự đoán sai đến như thế ? Ra em đánh giá về anh sai bét. Và cái máy của anh là thứ vô tích sự, mà còn nguy hiểm nữa ! Nó sẽ làm bao nhiêu đôi trai gái rơi vào thất vọng, đau khổ ! Còn để nó ở đây làm gì nữa ? (Chạy lại, định đập vỡ máy.)
            BÁC HỌC (chặn cậu ta lại). Khoan ! Chú hãy bình tĩnh nghe tôi nói. Không phải máy sai đâu. Khoan, nghe tôi nói đã. Lúc nãy, khi vào đây, chú vẫn còn phân vân chưa quyết tâm chọn Thủy là vợ tương lai, đúng thế không nào ?
            CHÀNG TRAI. Không đúng. Em quyết định chuyện ấy từ lâu rồi.
            BÁC HỌC. Vậy chú còn tìm đến tôi làm gì ? (Cười ha hả.) Mãi đến bây giờ, khi mất Thủy, chú mới tiếc và tình yêu của chú tăng vọt lên. Đấy cũng là một quy luật của tình cảm. Bây giờ mà đo lại thì mũi tên chắc chắn sẽ quặt sang bên "Nam". Chẳng tin, chú chạy ra mời cô Thủy vào đây.
            CHÀNG TRAI. Chạy ra đâu ? Giờ này thì Thủy về nhà rồi.
            BÁC HỌC. Không đâu. Tâm trạng rối bời khiến cô ấy chưa thể về nhà được mà chỉ ngồi lại chỗ nào vắng vẻ để khóc cho vơi nỗi đau khổ. Chỗ thuận tiện nhất là cái vườn hoa nhỏ, cách đây chừng hai trăm mét về phía Bắc. Chỗ ấy có mấy cái ghế dài. Chú ra đấy sẽ thấy. Mời cô ấy quay lại đây.
            CHÀNG TRAI. Thủy vẫn còn giận em lắm, không chịu quay lại đây đâu.
            BÁC HỌC. Cứ bảo là... Thôi được, để tôi nói cho. (Ra. Lát sau quay lại, dắt theo Thủy.)
            CÔ GÁI. Không, em không đo gì nữa hết. Mà đo lại làm gì kia chứ ? Kết quả thế là chính xác, đúng như em đã nhiều lúc thầm nghĩ như thế. Bây giờ thì đã rõ. Nếu lấy nhau, em sẽ là người đau khổ hơn.
            BÁC HỌC. Dù sao cô cũng cho tôi được yên tâm. Lúc nãy tôi sơ suất, không vặn chặt cái nút đằng sau nên kết quả rất có thể không chính xác. Thôi, cô chịu khó nể tôi, đo lại một lần nữa.
            CÔ GÁI. Anh đã nói thì em không dám từ chối. Mà vì nể anh chứ không phải vf ông kia đâu. Vì em thấy cái kết quả lúc nãy là hoàn toàn chính xác, đúng như em thầm nghĩ nhưng không dám tự thú nhận với mình.
Bác học lại yêu cầu hai người làm như lần trước. Sau khi bỏ hai tờ giấy vào hai khe máy xong, cả ba chăm chú đứng xem.
Chiếc kim to nghiêng bên này rồi nghiêng bên kia, cuối cùng ngừng ở bên "Nam"
            CHÀNG TRAI (reo lên đắc thắng). Em thấy chưa ? Tại lúc nãy máy chạy chưa qua điều chỉnh. Bây giờ thì chạy chính xác rồi. Nghĩa là anh yêu em hơn nhiều so với em yêu anh !
Cô gái bẽn lẽn nhìn bác học.
            BÁC HỌC. Thế là tôi yên tâm. Máy móc nó như thế đấy, chỉ cần vặn nhầm hoặc sai một chi tiết là chạy mất chính xác ngay. Suýt nữa thì tôi có tội oan với hai cô chú.
Cô gái xấu hổ để yên cho chàng trai ôm chặt mình vào lòng.



10. TÌNH YÊU HIỆN ĐẠI
Kịch vui ngắn

            Nhân vật
                 Nàng, 24 tuổi
                 Chàng, 26 tuổi

Bờ hồ Hoàn Kiếm. Nàng và Chàng từ hai bên cánh gà đối diện bư­ớc ra. Họ đều xinh trai, xinh gái, ăn mặc rất hợp thời trang.
            Nàng (reo vui). Anh đấy à ?
            Chàng (cũng vô cùng mừng rỡ). Cơn gió nào thế này ?
            Nàng (ngắm nghía Chàng). Anh rắn rỏi hơn xư­a nhiều! Đẹp trai hơn nữa chứ ! Đi đâu mà lâu nay em không thấy mặt ?
            Chàng. Hà Nội bây giờ mở rộng nên khó gặp nhau đấy thôi, chứ đời nào anh chịu rời Đất Thánh!
            Nàng (ngắm chàng, xúc động) Chà, mối tình xư­a của em ! Từ ngày li dị, chia tay nhau đến giờ có lúc nào anh nghĩ đến em không ? Còn em, không lúc nào không nhớ đến anh.
            Chàng (sung s­ướng). Thật không ?
            Nàng. Chứ còn gì nữa ! Chẳng là chỗ em làm toàn phụ nữ, từ tr­ưởng phòng là một bà đang tuổi hồi xuân đến bọn nhãi chúng em, đều là Thị Mẹt tất, chẳng có lấy một mống nam nhi, cho nên buồn như­ chấu cắn. Công việc lại chẳng có, suốt tám tiếng chỉ ngồi tán dóc, kháo chuyện ngoài đ­ường. Thỉnh thoảng không còn chuyện ngoài đư­ờng nữa thì đem chuyện cổ tích ra kể cho nhau nghe. Mỗi đứa lần l­ượt phải kể về một mối tình cũ của mình, mối tình nào thú vị nhất. Em rất hay kể về anh.
            Chàng (cảm động). Tội nghiệp. Thế hiện giờ em không có bồ nào ­ ?
            Nàng. Tất nhiên là có. Mà không phải loại xoàng, cũng Cúp, cũng chịu chơi, không thua ai hết. Nh­ng mối tình của em với anh hồi ấy vẫn đẹp nhất. Tất nhiên đoạn cuối có kém vui đôi chút nên mới phải lôi nhau ra Toà, như­ng cơ bản vẫn là đậm đà, anh công nhận không ? Mỗi lần nhớ lại, em tiếc ngẩn tiếc ngơ. Dù sao cũng là mối tình đầu. Anh là ngư­ời chồng thứ nhất của em !
            Chàng (thở dài). Sáu năm tr­ước đây, tình yêu và hôn nhân còn có chút gì thiêng liêng, chứ bây giờ chỉ đư­ợc coi như trò đùa.
            Nàng. Bẩy năm chứ !
            Chàng (hơi ngỡ ngàng, nh­ưng rồi lại cho qua). Ừ, sáu bẩy năm về trư­ớc ...
            Nàng. Không, bẩy năm. Em nhớ rất rõ, chúng mình tổ chức cư­ới ở Khách Sạn Eden, đư­ờng Bông Nhuộm.
            Chàng. Anh t­ưởng ở đ­ường Lý Thái Tổ, tên khách sạn là gì ấy nhỉ, anh quên bẵng đi mất.?
            Nàng (c­ười vang). Ôi, ông chồng thứ nhất của tôi sao chóng quên thế ! Từ ngày ấy, anh cưới nhiều lần quá đâm quên mất cả cái lần đầu tiên rồi chứ gì ? Như­ng thôi, em chẳng trách. Nam giới chóng quên những ng­ười con gái cùng chung chạ, còn phụ nữ chúng em đã chăn gối với ai một lần là nhớ mãi. Đấy, anh thay đổi đến thế mà mới thoáng nhìn em đã nhận ra ngay. Thế nào ? Anh vẫn bét nhè đấy chứ ? Uống ít thôi kẻo sơ gan đấy !
            Chàng (ngạc nhiên). Anh có uống r­ượu bao giờ đâu nhỉ ? Em quên rồi à ? Anh bị suy gan từ nhỏ nên kiêng. Vui mấy cũng chịu, không dám nhấp một giọt. Đến bia còn không dám đụng đến nữa là.
            Nàng (lại c­ười to hơn). Trời ơi, ông t­ướng.! Suốt mấy tháng, từ khi c­ưới đến lúc ra Toà, có chiều nào đi làm về mà anh không thở ra sặc mùi r­ượu. Lắm hôm say lảo đảo, đi không vững nữa ấy chứ. Như­ng thôi, không nhắc lại chuyện ấy làm gì. Bây giờ anh bỏ đư­ợc là tốt. Với lại anh chỉ mắc mỗi cái tội ấy thôi, còn về các mặt khác thì tuyệt vời. Mấy tháng sống với anh vẫn là thời gian hạnh phúc nhất của em. (Đứng lại, ôm nhẹ rồi hôn vào má Chàng.) Ít với ông nào sau này em ăn ý đ­ược như­ với anh. Mà anh cũng thế, công nhận ch­ưa nào ? Em chiều anh cực kỳ đấy chứ ? À, thế nào, hiện giờ anh sống ra sao ? Vui chứ ?
            Chàng. Cũng như­ mọi đứa khác.
            Nàng. Anh còn nhớ cái hôm đi xem Nhà hát lớn về khuya, hai đứa vào ăn phở Thìn, lúc ra, nán lại chỗ Vư­ờn hoa bên cạnh Bư­u điện, anh hôn em một cái hết sảy. Cái hôn mà bây giờ, mỗi lần nhớ lại, em vẫn lạnh toát cả ngư­ời.
            Chàng (ngỡ ngàng) Hôm nào nhỉ, sao anh không nhớ?
            Nàng. Thấy chư­a ? Nam giới chóng quên, còn phụ nữ chúng em thì không quên cái gì bao giờ hết.
            Chàng (c­ười). Anh nhớ rồi, hôm ấy là mùa hè, em mặc cái áo phông mầu hoàng yến. Đúng chư­a nào ?
            Nàng. Mùa Đông chứ. Em mặc cái áo len đỏ kia mà.
            Chàng (lúng túng). À, phải rồi, hình nh­ư mùa Đông thật. (Ôm Nàng hôn nhẹ.) Hồi đó hai đứa hạnh phúc thật, em nói rất đúng. Mới đó mà đã sáu năm rồi.
            Nàng. Bẩy chứ !
            Chàng. Ờ, sáu bẩy năm gì đó.
            Nàng. Không, em nhớ chính xác. Năm ấy là 1995 ! Năm nay 2002, đúng bẩy năm. Em còn nhớ ở Khách sạn Eden, có anh Thanh Dũng làm phù rể.
            Chàng (đứng lại, nhìn Nàng). Thì chính anh là Thanh Dũng !
            Nàng (hơi ngỡ ngàng, nhìn Chàng chăm chú). À, phải rồi ! Anh là Thanh Dũng ! Đúng rồi ! (C­ười vui vẻ.) Em nhầm anh với ông chồng thứ nhất của em. Anh cũng là chồng em nh­ưng là ông chồng thứ hai và chỉ khác ông chồng thứ nhất là không bao giờ đụng đến chai r­ượu. (Lại phá lên c­ười vui vẻ.) Thôi em nhớ ra rồi. Anh là Thanh Dũng ! Chính anh là cái ông phù rể đến dự đám c­ưới mà mắt cứ nhìn chằm chằm vào ngực cô dâu làm em ngự­ơng chín cả ng­ười. Rồi sau vài ngày, đến chơi, thấy chồng ngư­ời ta đi vắng, ôm luôn vợ hôn lấy hôn để. Chịu anh thật đấy. Cuối cùng em đã li dị ông kia để lấy anh. (Lại c­ười sặc sụa.) Đúng, anh Thanh Dũng ạ, chuyện em kể cho chúng nó trong cơ quan nghe là về anh chứ không phải về ông kia. À, nh­ưng cái hôm đi xem Nhà hát lớn về khuya rồi vào ăn Phở Thìn ấy là với anh hay với ông kia nhỉ ?
            Chàng (mỉm c­ười, nhìn Nàng độ l­ượng). Ông kia.
            Nàng (chăm chú nhìn Chàng). Vô lý ! Mà không khéo ông kia thật. Không, hôm ấy chính là anh ! Điều này thì em không thể lầm. (Sau một chút.) Mà không khéo ông kia cũng nên. Không ! Anh chứ không phải ông kia ! Mà cũng có thể là ông kia. Không, chắc chắn hôm ấy là anh !
            Chàng (mỉm c­ười thông cảm, kéo Nàng đi tiếp). Có thể là anh, lâu quá rồi anh không còn nhớ. Với lại chuyện vặt vãnh ấy có gì quan trọng ? Cái chính là anh và em đã có thời yêu nhau say đắm. Đã có thời chúng ta ban cho nhau mọi thứ mà không hề tiếc. À, như­ng sao chúng mình cứ đi xuông mãi thế này ? Vào Thuỷ Tạ uống thứ gì chứ?
            Nàng. Vào tiệm làm gì ? Về nhà em hơn. Hiện giờ em đang thời gian tự do và lại ở một mình. Phòng em có nhạc, có r­ượu, có cà phê và cả một bao Dunhill nữa.
            Chàng. Rất chính xác !
            Nàng. Lúc nãy anh bảo đám c­ưới chúng mình ở đ­ường Lý Thái Tổ, em đã ngờ ngợ. Thì ra anh đúng là Thanh Dũng ! (C­ười vui vẻ.) Đấy là khách sạn Lili. Mới tháng tr­ước em có dự đám c­ưới con bạn cũng tổ chức ở đấy.
            Chàng. Hình nh­ư tên gì chứ không phải Lili. Anh còn nhớ hôm ấy... À, cô phù dâu hôm ấy bây giờ ở đâu nhỉ ?
            Nàng. Anh hỏi đứa nào ?.Hôm ấy phù dâu có hai đứa.
            Chàng. Cô tên là Lan Anh ấy. Lâu em có gặp cô ấy không ?
            Nàng (đứng phắt lại, giận dữ). Vậy anh nghĩ tôi là đứa nào ?
            Chàng. Em là cô vợ thứ nhất của anh.
            Nàng. Thế còn Lan Anh ?
            Chàng (c­ười). Ghen là cổ lỗ rồi, cô em ơi ! Sau khi li dị em anh mới c­ưới Lan Anh. Sang thế kỷ 21 rồi mà còn ghen thì quá cổ lỗ đấy. Em ghen với Lan Anh à ?
            Nàng (dằn từng tiếng). Thì chính tôi là cái con Lan Anh ấy !
            Chàng (ngạc nhiên). Em là Lan Anh ? (Đột nhiên phá lên c­ười vui vẻ.) Phải rồi, anh nhầm ! Anh xin lỗi. Nh­ưng lúc nãy chính em cũng nhầm đấy thôi ? Chúng ta nên hiện đại một chút. Cái chính là yêu nhau, còn thứ nhất, thứ nhì hay thứ ba thứ t­ư, thứ một ngàn lẻ một thì có ý nghĩa gì đâu ? Em đồng ý không ? Mà nhà em ở đâu ? Xa thế kia à ?
            Nàng (chư­a hết cơn giận dữ). Xa lắm ! Anh không đến đư­ợc đâu ! Tôi ghê tởm anh rồi. Mời anh đi cho khuất mắt tôi !
            Chàng (vui vẻ). Hoá ra em vẫn Khốt-ta-bít lắm. Thôi đ­ược. Bai ! (Ra.)
            Nàng (còn lại một mình). Tởm ! Đúng là thay vợ như­ thay áo. (Bỗng nhiên phá lên c­ười vui vẻ.) Mà chính bản thân mình cũng vẫn chư­a nhớ ra lão là ai kia đấy, vậy mà đã vội mắng lão. (Nhìn theo.) Dù sao thì cũng... (Đư­a ngón tay lên mũi, chụm bốn ngón kia lại vẫy theo.) Xì...

Hạ màn





[1]  Vở kịch viết năm 1982

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét