Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

ĐÙA VUI CỦA VĂN HÀO PHÁP A. FRANCE





ĐÙA VUI CỦA VĂN HÀO PHÁP ANATOLE FRANCE

          Văn hào Pháp Anatole FRANCE (tên thật là François Anatole THIBAUL1844-1924) có cách viết hóm hỉnh chúng ta đều biết. Riêng tôi rất tâm đắc các tác phẩm của ông, đặc biệt là một tác phẩm .. Tác phẩm ấy in sâu vào óc tôi khiến không thể quên được, một cuốn sách cực kỳ lý thú và thông minh…tôi e ít người Việt ta biết đến nó.
          Đấy là cuốn L’ÎLE DES PINGOUINS.
          Vẫn cái giọng hóm hỉnh, ông miêu tả “tóm tắt” lịch sử nhân loại thông qua một câu chuyện đầy chất tưởng tượng, với văn phong dí dỏm, nhưng lại chứa đựng biết bao suy nghĩ của ông về con người và nhân loại nói chung.
          Câu chuyện “đầy chất hoang đường” này xảy ra tại Bắc Cực, trong cộng đồng của loài chim cánh cụt gọi là pingouins (I) . Bao đời nay, loài chim “cánh cụt” này vẫn sống yên ổn trên Bắc Cực băng giá. Đột nhiên một hôm một chiếc thuyền bị đắm dạt vào gần bờ. Đám pingouins bèn đưa người bị nạn lên bờ, cứu chữa. Nhờ thế ông ta thoát chết.
          Nhưng ông ta là một thày tu !
          Và khi bắt đầu bình phục, ông ta thấy ngay loài chim biển cánh cụt này sống quá thiếu văn hóa. Ông bắt đầu dạy dỗ chúng. Đầu tiên là giảng cho chúng hiểu cứ “tồng ngồng” như thế là xấu và ông dạy chúng khâu quần áo che những chỗ kín để khỏi “lõa lồ”. Từ giây phút ấy, cộng đồng pingouins nảy sinh đủ thứ rắc rối, từ ghen tuông đến tham lam, rồi chia bè chia cánh, phân ra con này làm vua làm quan, con kia làm dân… dẫn đến tù tội…Hàng ngàn hàng vạn rắc rối khác cứ tiếp tục nảy sinh, khiến cuộc sống ngày xưa thanh bình chất phác là thế bây giờ biến đâu mất tăm…Những biến đổi ấy bắt nguồn từ “giáo huấn” của lão thầy tu khiến xã hội pingouin không còn yên ổn, thanh bình, vui tươi nữa, mà đâm chém nhau, chiến tranh giữa “nhóm” này với nhóm kia… liên tục xảy ra !
Lúc đầu lão thầy tu dạy chúng biết “tìm hiểu” nhau, yêu nhau, lập gia đình… nhưng rồi các gia đình lục đục… Tư hữu ngày xưa làm gì có thì bây giờ trở thành “không thể thiếu”… Chúng đua nhau làm giầu, ghen ăn tức ở, cướp bóc, lừa lọc nhau…Mọi rắc rối, mọi thói tật (tham lam, ích kỷ, ghen ghét, thù hằn, chém giết nhau… ) thì ra đều bắt nguồn từ khi có áo quần, tức là từ khi được “dạy dỗ” văn hóa, văn minh !
          Lại nhớ đến nhà dân tộc học nổi tiếng thế giới LEVI-STRAUSS (II), ông cho rằng qui định “cấm loạn luân” (quan hệ tình dục giữa những người cùng máu mủ, trước hết là giữa cha và con gái, mẹ và con trai…sau đấy giữa những người cùng “máu mủ”…) ra đời là đánh dấu bước chuyển của loài người từ trạng thái “mọi rợ” (sauvage) sang văn hóa (nature sang culture)…
Chú thích________________
I. Một giống chim miền biển, sống trên Bắc Cực. Từ điển Pháp-Việt của Lê Khả Kế không dịch mà chuyển âm : “chim panhgoanh”
  II. Ông đồng thời là người sáng lâp “cấu trúc luận” (structuralisme) với tham vọng nghiên cứu các môn khoa học xã hội theo các phương pháp của khoa học tự nhiên, trước hết là của toán học. Cũng nói thêm rằng ý đồ ấy được các nhà khoa học xô-viết đặc biệt hâm mộ và bỏ ra vô vàn công sức để quảng bá và ứng dụng nó. Một anh bạn thân của tôi, chắc do hiếu kỳ, đi sâu vào, lập tức được Viện Ngôn ngữ Nga PUSHKIN mời sang Moskva làm cộng tác viên của Viện để anh ấy soạn cuốn học tiếng Nga cho người Việt  theo hướng áp dụng cấu trúc luận trong ngôn ngữ học… Cuối cùng, ý đồ “đồng hóa khoa học xã hội với khoa học tự nhiên : văn chương và toán học chẳng hạn, (thí dụ biến bộ CHIẾN TRANH VÀ HÒA BÌNH của Lev TOLSTOI thành một dãy số với các dấu cộng trừ nhân chia, số mũ, vv…) đã tỏ ra bế tắc, mặc dù đến nay vẫn có người còn loay hoay đi tìm…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét