MỚI NGHE LỎM Số 02 (Ngày 27-5-2015)
- Chào Cụ ! Đi được mấy vòng rồi ?- Ba. Mà “vòng rộng” kia đấy.
- Thế là tạm đủ. Ta làm tiếp câu chuyện hôm qua, được không ?
- Rất được ấy chứ..
- Hôm qua vể, tôi cứ suy nghĩ mãi về đọan Cụ chép vào sổ tay lời cụ Phan Chu Trinh. Rồi tôi bỗng hiểu chỗ yếu của dân mình là ở đâu. Trước hết là ở cái thói ghét người lạ, đúng ra là người địa phương khác. Trai làng nào thấy trai làng bên cạnh tán tỉnh gái làng mình là tổ chức đánh “cho chết”. Cái gì “của mình” cũng phải là nhất. Hôm trước tôi đã rất buồn cười và cũng rất đau lòng, xấu hổ nữa, về giọng của cái ông nào đấy bảo người Việt là tổ tiên của người Hán, thì gần đây có người phát hiện một cuốn sách của tác giả Hàn cũng chứng minh người Hàn Quốc là tổ tiên của người Hán và văn minh Hán bắt nguồn, sao chép từ văn minh cổ của Hàn. Đúng là quái đản.
- Thối thế mà không biết nhục. Tổ tiên là cái gì kia chứ ? Tổ tiên của cả loài người là con khỉ !
- Còn nếu truy lên xa nữa thì tổ tiên của loài khỉ lại là con vi khuẩn a-míp !.. Cụ với tôi là hậu duệ của con a-míp ! Chao ôi, cái thói bắc tổ tiên lên ban thờ do đâu ấy, Cụ nhỉ ?
- Do lòng biết ơn. Không có tổ tiên, đâu có mình ? Từ nhỏ chúng ta đã học “Công cha như núi Thái Sơn, Công mẹ như nước trong nguồn chảy ra !"
- Lại chuyện cái núi ấy. Có cái ông gàn hâm còn chứng minh gốc dân ta ở tận núi Thái Sơn bên Tàu. Rồi bị đánh đuổi mới chạy xuống phía Nam… Thối ơi là thối. Nếu có chứng cứ khoa học thì được, nhưng để “ta” oai hơn thì thối quá… Chữ oai cùng với chữ oải một vần. Sao có thứ người thích oai đến thế nhỉ ?
- Kiểu bắc tổ tiên lên mà thờ, rồi tranh chấp thằng này có tổ tiên là bố của tổ tiên thằng kia, giống như cái thói thích chê bất cứ thứ gì không giống mình là bệnh đấy, bệnh do thiểu năng trí tuệ. Tuổi con nít mà như thế còn tha thứ được, chứ lớn tồng ngồng mà vẫn giữ cái thói ấy thì “bao giờ mới khôn ra được” ?
- Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đã từng đau đớn nói :
“Dân hai nhăm triệu bao người lớn ?
Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con… “
Nguyên tắc sống của khá đông dân ta là “không khen ai bao giờ, mà chỉ chê” ! Không có gì đáng chê cũng phải nặn óc tìm ra bằng được cái mặt có thể “chê được” của người khác để hạ nó xuống dưới tầm, để mình vươn lên… Ôi, nghĩ đến đây mà buồn cho cái dân trí Việt !
- Loại người thích tìm ra cách “chê” người khác. Không chê được người ta ngu dốt thì chê bất kể thứ gì đấy : Cao chê ngổng, thấp chê lùn. Béo chê béo trục béo tròn, Gầy chê xương sống xương sườn lòi ra… Thấy “Tây” thì chê : “tóc thì vàng như rơm, người thì lông lá như đười ươi, ăn thì dùng đinh ba chọc-chọc…” Chẳng là họ dùng phuốc-sét mà ! Với Tây thì thế, với Nga thì quân ta, tức là đám sinh viên cùng thời với tôi học ở Liên Xô, ăn bánh mì của họ, uống sữa tươi của họ, nhận học bổng của họ để mua hàng gửi về cho vợ con ở nhà, ấy thế mà toàn chê và nói xấu họ, gọi bạn bè Nga là “Nga Ngố”…cho bọn sinh viên Nga là “ngốc nghếch”… Nhưng học thì thua người ta biết bao nhiêu. Hãy cứ “ngố” như họ đi !
- Vì sao Cụ có biết không ? Chê là sướng miệng nhất ! Chứ còn “khen” thì cảm thấy mình mất giá. Hồi tôi học ở Liên Xô, làm được bài nào điểm cao, bọn sinh viên các nước xúm đến chúc mừng, có đứa con gái còn ôm hôn… chân thành chia vui. Trong khi ấy mấy cậu dân ta cùng học thì lạnh lùng miễn cưỡng bắt tay, nhạt nhẽo nói : “Chúc mừng” rồi quay đi ngay, ra chỗ khác nói với nhau : “Thằng ấy được điểm cao chỉ là ngẫu nhiên ấy mà” hoặc “Thằng ấy được thầy ưu ái, chứ bài ấy có đáng giá gì đâu !” “Chỉ là chó ngoáp phải ruồi”, vân vân và vân vân… Trong khi gọi bọn Nga là “Nga ngố” nhưng không thấy “chân mình thì lấm bê bê..” Cụ biết không, hồi ấy cứ cửa hàng tự động nào ở gần ký túc xá sinh viên Việt là mất cắp nhiều quá, cuối cùng đành phải bán theo kiểu “tư bản”, nghĩa là bắt khách, dù không phải sinh viên Việt Nam, phải tính tiền tại quầy rồi ra thủ quỹ trả, lấy biên lai về đưa mới được nhận hàng. Xấu hổ nhất là cái vụ Hiệu Sách bán sách các nước Xã hội chủ nghĩa trên Đại lộ Gorki (*bây giờ đổi tên thành Đại lộ Tverskaya).
- Vụ ấy thế nào, Cụ chưa kể tôi nghe.
- Chuyện quá lâu rồi. Hôm ấy tôi dẫn anh Lê Vinh Quốc đến để anh mua sách vì ở đấy sách tiếng Việt được trừ phần trăm nên giá rất rẻ. Bộ “CHIẾN TRANH VÀ HOÀ BÌNH” dịch của Tolstoy, giá chỉ bằng một phần mười giá bán ở Hiệu sách Nhân dân tại Hà Nội. Mọi lần tôi đến thì cứ lấy sách rồi “tự giác” trả tiền ở phía ngoài. Hôm ấy dẫn anh Quốc đến thì ngạc nhiên thay, các ngăn sách Đức, Hung, Ba Lan… vẫn bán theo cách “tự giác”, riêng quầy sách tiếng Việt thì đã chuyển sang cách bình thường, nghĩa là bỏ chế độ “tự giác” từ lúc nào. Khi anh Quốc và tôi chọn và lấy sách xong, định bê ra chỗ trả tiền, thì cô trưởng quầy ngăn lại, nói : "Các đồng chí phải để sách ở đây, ra thủ quỹ trả tiền rồi mang biên lai đến mới được lấy sách”. Anh Quốc rất ngạc nhiên, nhìn tôi ý hỏi sao lại thế. Trong lúc nghe cô trưởng quầy giải thích, thì ông Giám đốc Hiệu sách đi kiểm tra gần đấy, thấy có gì không ổn, bèn bước đến hỏi. Cô bán sách cho biết từ hai hôm nay, Ban phụ trách cửa hàng quyết định riêng quầy sách tiếng Việt bỏ chế độ tự giác vì mất sách nhiều quá. Ông này nói : “Không được ! Như thế là phân biệt, sẽ nảy sinh vấn đề chính trị. Vẫn phải giữ chế độ bán tự giác, cả ở ngăn sách tiếng Việt Nam, cho dù mất bao nhiêu cũng đành chịu vậy…” Nhưng anh Quốc xấu hổ, lặng lẽ đặt số sách đã chọn lên mặt quầy rồi kéo tôi ra, thôi không mua gì nữa !.. Dọc đường, anh lùi lũi đi, hai anh em không ai nói với ai câu nào cho đến địa điểm Học Viện, thuộc Viện Hàn lâm Quân sự Liên Xô, nơi anh Quốc học. Tôi đoán anh đang suy nghĩ rất lung và rất buồn, tại sao dân mình lại “xấu” đến thế ? Miệng nói “yêu nước” nhưng trên thực tế toàn bôi nhọ danh dự của Tổ Quốc ! Toàn làm Tổ quốc xấu mặt !
- Những thí dụ kiểu như thế mà kể ra thì cả tháng chưa hết. Ta sang đề tài khác, được không, Cụ ?
- Được. nhưng tôi chỉ xin nói một điều cuối cùng rồi ta chấm dứt cái đề tài “đáng buồn” ấy. Được không, Cụ ?
- Cụ nói đi.
- Từ lối “chê” đến chỗ “căm thù” hình như không xa. Một lần cậu bạn cùng học Đại học Sân khấu ở Liên Xô đi công tác sang Hà Nội, gọi điện cho tôi bảo tôi bố trí một buổi dẫn cậu ta tham quan Hà Nội. Tôi dẫn cậu ta và lúc chia tay, cậu ta nói một câu làm tôi hết sức bất ngờ : “Ra Pháp nó làm cho chúng mày bao nhiêu thứ đáng giá. Thế mà chúng mày đuổi nó đi. Đúng là chúng mày ngu. Dân Nga chúng tao thèm được Pháp nó sang đô hộ vài chục năm cho dân chúng tao văn minh lên đôi chút mà không được. Mày thì lại đuổi chúng đi. Ngu ! Thậm ngu !” Tôi chỉ định đưa chuyện ấy ra kể riêng cho Cụ nghe thôi. Thằng bạn ấy tên là Tô-li-a (gọi tắt của Anatoli) họ là KUZNETSOV…được cả lớp bầu làm lớp trưởng vì lớn tuổi nhất, khóa Đạo diễn Sân khấu 1960-1964.
- Chà, vẫn chỉ là bệnh “ghét ai khác ta” tai hại, và “thích chê”. cuối cùng chẳng học được của người ta là mấy. Bệnh thích sĩ diện hão, dìm thiên hạ xuống dưới tầm con mắt ! Chỉ có ta là nhất ! Khốn khổ ! Ai có tài thì bị đố kỵ đủ đường… Nhiều nhân tài đành chọn cách “tránh ra nước ngoài”… Tôi tính mình không ra nước ngoài sống được thì tránh bằng cách sống hơi lặng lẽ một chút…
- Nói ra mà đau lòng !
- Biết dân ta có thói ấy, nên tôi chọn cách sống “khôn”, đừng để ai thấy mình nổi hơn họ. Còn nếu lỡ họ có chê bai này nọ thì tạm chịu đựng, hoặc coi như không nghe thấy. Tôi nghiệm thấy, tuy thế cuối cùng tôi vẫn có được một số người quý, số ấy ít thôi, nhưng tôi cho thế đã đủ để tôi yên tâm giữ cách sống và làm việc của mình. Và khoe với Cụ, mấy người ấy quý tôi đến mức người bên ngoài lấy làm lạ…
- Chê nhiều quá đâm đánh giá lệch lạc mọi thứ … và không “học” được thứ gì hết !
- Đúng thế. Hôm tôi viết bài kể kỷ niệm của tôi về ông Tô Hoài, có bạn đọc xong kết luận khiến tôi rất bất ngờ, vì lâu nay tôi tưởng lầm bạn ấy tỉnh táo. Ai ngờ bạn ấy cũng bị cái cách “đánh giá kiểu đám đông” chi phối, và viết ra những điều “nịnh” họ, và nịnh rất khéo. Nhận định của bạn ấy về bài của tôi như thế này : “Anh Phòng miêu tả chính xác lối khôn vặt của lão Tô Hoài”. Mà thật ra tôi lại nghĩ ngược lại. Do bị sức ép của nhiều thứ, muốn giữ cho mình vẫn là mình, đành phải “nhịn” thôi. Hoặc nói theo kiểu cụ Khổng, là phải “khôn”. Và cái thái độ “khôn” ấy, tức là “khôn” để giữ được mình khỏi bị mất bản chất, để khỏi bùi tai trước những lời xui dại, rồi chạy theo hư danh hoặc tiền tài, là cần thiết… để khỏi “đánh mất mình”, hoặc dùng từ của Các Mác thì là để khỏi bị “tha hóa”. Bởi tha hóa chính là mình không còn là mình nữa mà là thứ bị động với lời khen chê bên ngoài, lời khích bác của những đứa chuyên xui dại.
- Chà, tôi chưa đọc cái bài ấy của Cụ. Phải đọc mới được. Nhưng Cụ giải thích cho tôi hiểu thế nào gọi là xui dại ?
- Thí dụ, bảo thằng kia xấu, đừng chơi với nó, trong khi thằng ấy vừa giỏi vừa tốt. Nếu biết tránh bị xui dại thì vẫn chơi với nó bình thường và học hỏi ở nó những điều mình thua kém nó. Cái thứ “xui dại” nguy hiểm nhất và cũng tai hại nhất là những danh từ to tát…
- Thí dụ ?
- Đám độc tài hay toàn trị rất giỏi sử dụng hai vũ khí là súng ống và bộ máy tuyên truyền. Và cái thứ xui dại nguy hiểm nhất là dùng các loại danh từ kêu như chuông…
- Cụ thử lấy thí dụ ?
- Trước tiên là hai chữ “hy sinh”. Mỗi lần đi ngang qua trước cổng đền Ngọc Sơn tôi lại vừa xót xa vừa phì cười trước cái câu “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh “ Vì tôi biết rất nhiều thanh niên tự vệ thành Hà Nôi hăng hái lúc ấy, đã hy sinh, và không hề biết vợ con, gia đình họ sau “giải phóng” 1954 bị đàn áp tồi tệ và dã man đến thế nào.
- Cụ thế la trường hợp bà Năm ở Đồng Bẩm !
- Bi kịch do cái danh từ “hy sinh” ! Chà ! Thêm chữ “Quyết tử” nghe thì kêu hơn chuông, khối anh bị hai chữ kêu như chuông ấy xui dại, đã đổ máu vô ích, chỉ để một lũ bất tài và tàn bạo lên nắm quyền, rồi đè đầu cưỡi cổ, bắt nạt thân nhân họ sau khi họ đã “hy sinh” cho “Tổ quốc quyết sinh” !
- Chà. Tuyên truyền thật ra cũng chỉ là một dạng quảng cáo, nhưng nguy hiểm hơn, vì quảng cáo đánh lừa khách hàng khiến họ mất tiền vô ích, còn tuyên truyền thì đánh lừa các khối óc. Tôi thân với nhà văn Bửu Tiến. Trong cái Đại hội HNV lần thứ mấy tôi không nhớ, họp ở Viện Bảo tàng HCM thì phải, ông Tiến viết một bản tham luận tự phỉ nhổ là mình đã ngu, đã “đánh” nhóm Nhân Văn- Giai phẩm, những người hiểu biết và chân chính hơn ông nhiều. Nói theo cách của Cụ và tôi thì ông Bửu Tiến hiểu ra và rất ân hận “đã nghe xui dại”. Tuy bài tham luận bị Ban Tổ chức không cho đọc trước Đại hội, tôi đã tưởng mất, ấy thế mà sau đấy tôi đọc thấy nó được công bố “nguyên si” trong một bản tin của báo chí nước ngoài. Tôi biết là “nguyên xi” vì khi thảo bản nháp bài tham luận ấy, ông Bửu Tiến có đọc tôi nghe và hỏi ý kiến tôi…Chà, cho nên tôi sợ nhất là những ai ăn to nói lớn, dùng toàn những chữ kêu như chuông, nghe rất hay nhưng vô nghĩa hoặc có nghĩa ngược lại. Thí dụ LÝ TƯỞNG, có người giải nghĩa “đùa” đấy là “thứ người ta TƯỞNG LÀ CÓ LÝ !
- Thông minh, và chính xác ! Chà TƯỞNG LÀ CÓ LÝ ! Đúng thế...
- Còn bao nhiêu ‘danh từ” bịp bợm khác nữa ! Khiến đám đông vốn không có trình độ phân tích, lại quen thói a-dua, theo đuôi, dễ bị lầm, rồi tin một cách mù quáng. có thể kể ra vô vàn : ĐỘC LẬP, TỰ DO, DÂN CHỦ, LÀM CHỦ TẬP THỂ (nghĩa là không ai làm chủ cả, tất cả đều là nô lệ) PHỤC VỤ, ANH HÙNG, CĂM THÙ (“Vực nào sâu bằng chí căm thù !”)… Giới trí thức vốn mang bầu nhiệt huyết, muốn cải thiện cuộc sống của đồng bào, nhưng ngây thơ và cả tin nên dễ bị lừa nhất… Điển hình là các ông Nguyễn Khắc Viện, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, cả ông Huỳnh Tấn Phát… Nhưng đau nhất là những người chỉ vì ngây thơ đã “nối dáo cho giặc” góp sáng tạo vào để tăng hiệu quả của thứ tuyên truyền bịp bợm kia, đến lúc gần chết mới hiểu ra là mình bị “xui dại” rồi còn “xui dại” người khác. Một trong những trường hợp tiêu biểu là Nguyễn Khải, rồi Tô Hải (nhạc sĩ)… Thậm chí cả Tố Hữu, lúc cuối đời, sau khi bị thất sủng, đã thú thật với Phùng Quán “cháu dại, cậu cũng dại…” (dại hai lần, lần thứ nhất mình dại, lần tiếp theo là xui dại người khác). Nhưng thôi, câu chuyện này còn dài, đã gần mười một giờ rồi, tôi phải về, mà Cụ cũng phải về, đúng không nào ? Cả hai chúng mình đã nghỉ hưu, ngày rộng tháng dài, còn khối thời gian bàn sự đời…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét