Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2015

CHUYẾN ĐI CUỐI CÙNG ĐẾN LX




CHUYẾN ĐI LIÊN XÔ CUỐI CÙNG

              Từ khi học xong Đại học ở Liên Xô về nước, không hiểu tại sao tôi bỗng trở thành người chuyên được lãnh đạo Bộ Văn hóa và Hội (Sân khấu hoặc Nhà văn) chọn để yêu cầu theo giúp một đoàn nào đấy đi công cán nước ngoài, nhất là Liên Xô ! Do đấy, gần như năm nào tôi cũng có dịp đi qua đất nước này, hoặc chỉ là tạm dừng chân để chờ sang một nước khác, hoặc ở lại làm việc luôn tại đây. Có năm tôi quay lại đất nước xô-viết hai lần. Nhờ thế, và cũng do tôi có nhiều bạn bè và quen biết người Nga để gặp gỡ trò chuyện và thăm hỏi nên tôi có cảm giác chủ quan là có điều kiện nhìn thấy “tận mắt”, khá rõ và cụ thể hơn nhiều người khác, sự chuyển biến của đất nước kỳ lạ này trong mấy thập niên cuối cùng trước khi nó tan rã…
              Và những ấn tượng mạnh nhất và cũng tương phản nhất là từ hai chuyến đi : đầu tiên và cuối cùng. Lần đầu là năm 1959, khi Liên Xô vừa mới “tan băng” ! Giống như một chàng trai xưa nay bị giam giữ, cấm đoán đủ đường, nay được “thả rông”, hít thở bầu không khí tự do, được tự mình chọn lựa và quyết định hướng đi … và mọi hành vi… : Khôn (xử lý đúng) thì sống, mống (xử lý ngu xuẩn, dại dột) thì chết ! Khó khăn không có ai để nhờ cậy, bế tắc không có ai để trợ giúp… thậm chí thất bại không có ai để than thở ! Mình làm mình chịu. Và thời gian đầu chàng đã làm được rất nhiều điều tốt lành. Đấy là thời kỳ, có lẽ đẹp nhất, huy hoàng nhất trong gần 70 năm tồn tại của chàng mu-gích Xô-viết. Sau này mỗi lần nhắc đến quãng thời gian này, dân chúng nước Nga thường gọi đấy là “thời kỳ hoàng kim” ! Chuyến sang Liên Xô đầu tiên của tôi trúng vào thời gian ấy (1959-1960).
            Những ai đã sống trong thời gian ấy (cũng là giữa hai đại hội ĐCSLX lần thứ XIX và XX) thường giữ lại những ấn tượng tốt đẹp nhất về đất nước bao la, nửa Âu nửa Á này. Khốn nhưng “chàng trai kia” lại chỉ “tỉnh táo” được mấy năm. Rồi, chừng như kiệt sức (hay do được giáo dục quá kỹ lưỡng ?) đã quay lại kiểu sống của cha ông, hủ lậu, ngược với thế giới văn minh, chàng bắt đầu lóa mắt trước một số thành công ban đầu do chính mình tạo nên, đâm vênh vang, khinh thường mọi thứ… và xã hội Liên Xô bắt đầu nát dần. Quá trình “xuống dốc” này diễn ra trùng với thời gian tôi học Đại học ở Moskva. Và nó suy sụp, hoàn toàn rệu rã đúng vào lúc tôi sang đây lần cuối (năm 1990)… Kết thúc đợt công tác này, tôi vừa chân ướt chân ráo về đến nhà, bật TiVi lên thì được nghe và thấy ngay những tin tức động trời về cuộc “giẫy chết” của một đất nước từng đã để lại trong tôi biết bao ấn tượng kỳ diệu và bao kỷ niệm khó quên… Hôm nay tôi thử nhớ lại cái chuyến đi cũng lại “khó quên” ấy.
*
              Năm 1990, bất chấp tôi đã nghỉ hưu (chưa đến 60 tuổi nhưng được hưởng ưu đãi nhờ những năm tại ngũ), ông Tổng Thư ký HNV (lúc ấy hình như Vũ Tú Nam – một người tôi hết sức yêu mến và tôi đã lấy làm lạ khi trước đấy ít năm, đã thuyết phục Ban Chấp hành Hội kết nạp tôi vào làm hội viên.) Còn nhớ, khi nhận được thông báo của Văn phòng HNV gửi đến nhà riêng của tôi, báo tin Ban Chấp hành đã “nhất trí” quyết định kết nạp tôi làm hội viên, tôi hết sức ngạc nhiên, vì tôi không hề viết đơn xin vào Hội. Hai cô gái, bạn con tôi và cùng làm việc ở một công ty nước ngoài với con tôi đang có mặt lúc ấy, ngạc nhiên : “Ôi, chúng cháu đinh ninh bác là Hội viên HNV từ lâu rồi chứ ? Vì bác in sách nhiều thế kia mà…” Rồi năm sau , Ban Chấp hành (cũng do VTN đề xuất chăng ?) lại tặng tôi giải thưởng về “dịch văn học”… Tôi còn nhớ cả hôm trao giải thưởng. Vốn ngại và cũng không quen nói giữa đông người ít quen biết, tôi từ chối nhưng không được, đành lên bục nói gọn lỏn độc một câu : “Cảm ơn Ban Chấp hành Hội đã trao cho tôi phần thưởng vinh dự này… Xin hết !” rồi hấp tấp rời khỏi bục như chạy trốn, khiến nhiều người ngồi dự hình như có vẻ khó chịu vì thấy tôi nói quá ít, họ cho như thế là coi thường họ, có lẽ thế… Họ có biết đâu tôi nổi tiếng là “nhút nhát” và được gọi là “gián ống” từ khi còn rất nhỏ… Và cái tật ấy không chịu giảm bất chấp tôi cố gắng xông xáo…
              Nói lan man về kỷ niệm xa xưa mãi, xin quay lại câu chuyện chính.
              Thế là bất chấp tôi đã nghỉ hưu, ông Tổng thư ký vẫn đề nghị tôi đi một chuyến công tác cho Hội. Chẳng là HNV ta với HNV Liên Xô đã cam kết, định kỳ cứ hai (hoặc mấy ?) năm một lần cử một đoàn đại biểu của Hội này sang đất nước Hội kia để tham quan, gặp gỡ đồng nghiệp và trao đổi kinh nghiệm… Lần này Hội “ủy” cho tôi “dẫn” đoàn đại biểu ấy đi. Vì tình hình kinh tế tài chính Liên Xô đang lúc khó khăn nên “bạn” cho biết năm nay chỉ có thể tiếp hai đại biểu. Do đấy, “Đoàn” chỉ có trần hai mống, tôi và một nhà văn trẻ (tôi xin lỗi bạn ấy vì mấy chục năm không gặp lại nên đã chót quên mất tên). Sau đấy, lại thêm dịch giả Mộng Quỳnh (người đã giới thiệu nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng của Nga, trong ấy có tác phẩm của Paustovski) đến Hội, xin Hội giúp đỡ bằng cách đề nghị Đại Sứ quán Liên Xô tại Việt Nam mua thêm một vé “khứ” cho anh vì anh cần sang Liên Xô chữa bệnh tâm thần kinh, không cần vé “hồi” vì anh sẽ ở lại đấy điều trị một thời gian có thể khá dài. Anh xuất trình Thư của Hội Từ thiện Liên Xô (Hội Từ Thiện chỉ mới xuất hiện dưới triều Gorbatsov) đống ý nhận điều trị cho anh tại một cơ sở y tế thuộc Hội, sau khi nhận được đơn của anh kèm theo bệnh án. Thế là lúc đi, “đoàn” gồm ba người…
              Còn nhớ, khi biết tin tôi sắp đi Liên Xô, anh Hoàng Minh Chính đến gặp tôi, đề nghị tôi sang đến nơi thì cố tìm gặp anh Lê Vinh Quốc, kể anh Quốc biết tình hình đấu tranh trong nước. (Anh Quốc từng là cấp chỉ huy của tôi hồi tôi còn tại ngũ, sau đấy gặp lại tôi ở Moskva- thời gian tôi học Đại học, đã nối lại mối quan hệ tình cảm cũ.) Ngoài ra chị Trưởng phòng tài vụ của Hội Sân khấu dẫn ông anh ruột chị, một Đại tá đã nghỉ hưu, đến nhà gặp tôi đề nghị một việc, là sang đấy thì tìm cách chuyển cho con trai anh, hiện đang bị Công An Liên Xô tạm giam, một chiếc áo ấm vì sắp đến Mùa Đông, thời tiết nước Nga rất lạnh, e cháu trong trại giam, mặc không đủ ấm…
         (Chỗ này cũng xin nói thêm, anh Đại tá này trước đấy gần nửa thế kỷ – cuối 1944, đầu 1945- là một chàng trai trẻ măng, đầy nhiệt huyết, đã “kết nghĩa” kiểu “Vườn Đào” với hai bạn cùng chí hướng, thề quyết dấn thân cho sự nghiệp cứu nước, đã thế người này vui vẻ lấy em gái người kia để kết chặt thêm tình thân, rồi thề sẽ cùng “thoát ly”, lên đường..)
          Thấy tôi sắp sang đất nước "bạch dương" nhiều người khác  cũng "nhờ" này nọ, tôi đều từ chối, riêng hai yêu cầu vừa rồi, tôi đều không thể, vì anh Hoàng Minh Chính là người có chút quan hệ họ hàng, đồng thời quen cũ. Thêm nữa, trong cuộc gặp mặt hôm ấy do anh Chu Đình Xương, anh họ tôi, dẫn đến, mặc dù tôi biết sơ qua tình hình của anh Quốc.
         Cụ thể tôi biết là trước tình hình quá rối ren trong tầng lớp lãnh đạo Liên Xô và cả trong nội bộ “phe XHCN”, và do tuổi đã cao, anh Quốc đã quyết định từ bỏ con đường “chính trị” (trước kia anh là Chính ủy Đại đoàn 308, đại đoàn đầu tiên của quân đội ta, được Bác Hồ tặng danh hiệu “Đại đoàn Quân Tiên Phong”, sau đấy anh làm Phó chính ủy Quân Khu Ba). Anh Quốc “tránh” đi bằng cách xin chuyển đến một nơi xa lắc : thành phố Tashkent thuộc nước cộng hòa Uzbekistan, cách Moskva mấy ngàn km, viện cớ Moskva lạnh quá đối với anh. Tashkent, may thay, lại cũng có một Phân viện của Viện Hàn Lâm Quân sự Liên Xô, nơi anh đã được chính thức cử làm giảng viên bộ môn “Các học thuyết quân sự Phương Đông” … Tôi còn nghe tin sau khi đến Tashkent anh đã lấy “vợ hai”, có nghĩa anh đã nhất quyết không quay về Việt Nam, nơi vợ chính thức và các con anh đang sống. Chị “vợ hai” anh mới lấy này, tuy quốc tịch Liên  Xô nhưng gốc Triều Tiên, có nghĩa cũng mang dòng máu và phong tục Á Đông, khiến anh tin là dễ đồng cảm…
          Còn đề nghị thứ hai, tôi cũng không “nỡ” từ chối, vì trong ba người “kết nghĩa Vườn Đào” kia có anh Hà Minh Tuân, bạn học cùng lớp với anh cả tôi và rất thân với gia đình tôi, tôi cũng rất quý… Lúc nào có điều kiện tôi xin kể tỷ mỷ hơn về hiện tượng “kết nghĩa Vườn Đào” lý thú này trong các học sinh Trung học Trường Bưởi (Lycée du Protectorat), đại đa số vốn là thành viên của “HỘI CHUỐI” và “ĐOÀN RỒNG” (hai tổ chức tự phát nhằm thu hút những thanh thiếu niên có nhiệt huyết, mục tiêu là rèn luyện gian khổ và giúp nhau tăng thêm tinh thần yêu nước…) Hai tổ chức tự phát này, sau được nhà văn Hà Minh Tuân kể lại khá tỷ mỷ trong tác phẩm “Vào Đời”, tác phẩm về sau bị cấm lưu hành và anh Tuân bị kỷ luật, mất chức Giám đốc Nhà xuất bản Văn học. Sau đấy anh hoang mang tột độ, chán đời, suốt ngày la cà các quán rượu. Anh uống rượu để “quên” đi mọi thứ và cuối cùng chết trong một cuộc nốc rượu quá đà…
         Trong chuyến đi Liên Xô lần cuối cùng, tôi tìm gặp chị vợ đã li hôn của anh Hà Minh Tuân. Lúc ấy chị được giao phụ trách Nhà Ăn của Đại sứ quán ta ở Moskva. Và chị đã khuyên tôi “Chú gặp ông Quốc làm gì cho thêm lắm chuyện…” và tôi đã nghe lời chị…
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét