Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

VẠCH MẶT KIM ĐỊNH




NHÂN NHÀ SỬ HỌC T.C. ĐẠI TRƯỜNG MỚI QUA ĐỜI, MỜI CÁC BẠN ĐỌC "THAM KHẢO" BÀI CỦA ÔNG ĐÁNH GIÁ THUYẾT "VIỆT NHO" VÀ TÁC GIẢ CỦA NÓ : KIM ĐỊNH

... Phần lớn chú ý đến vấn đề Hùng Vương là của những người gốc Bắc như một hồi cố về quê hương, trong khung cảnh an bình tương đối ở thành phố – lại cũng là nơi chốn xa cách với quá khứ để gợi ước mơ. Và do đó, vấn đề Hùng Vương ở miền Nam đã rẽ sang hướng suy tư trừu tượng, không phải sử học nhưng lại có dáng sử học, kết hợp với tình tự quê hương dân tộc thành một niềm hãnh diện tự kiêu có dáng dấp tôn giáo của người xướng suất ra nó: ông Lương Kim Ðịnh, linh mục, giáo sư Triết thuộc Ðại học Văn khoa Sài Gòn.
Theo ông, những gì mà sách vở ghi lại đến nay về tương quan văn hoá Việt Nam - Trung Quốc đều phải đảo ngược lại hết. Chính người Việt đã là tộc người căn bản trong việc hình thành phần tư tưởng cốt lõi của Nho giáo – mà ông thường dùng chữ “Hán Nho” để chỉ thị – chứ không phải người Hán, “người Tàu”. Cho nên đúng ra phải gọi là “Việt Nho” mới phải.
Lí luận của ông dẫn đến những giải thích về cổ sử Việt - Trung theo một phương pháp mà ông gọi là dùng đến “huyền sử”. Theo ông, “huyền sử khác với lịch sử ở chỗ có dùng huyền thoại nhưng lại đáng tên sử vì được giải thích dưới ánh sáng của định chế, phong tục, cổ tục... nghĩa là những yếu tố có tính chất lịch sử.” Phương pháp này hợp với khoa học và là “yếu tố cần thiết trong việc đi tìm nguồn gốc nước ta” chỉ vì “bỏ huyền thoại thì chúng ta hầu không còn gì để làm tiêu điểm dò đường: sử liệu chỉ mới có từ Tống, một ít Ðường, rất ít Hán, trên nữa thì chỉ có Kinh Thư, lấy gạn cũng chỉ được đến nhà Thương.” [2] Tuy đề ra “phương pháp” trên nhưng ông cũng theo thời mới mà suy đoán mở rộng, bằng vào các sách vở viết về lịch sử Trung Quốc, về khảo cổ học Trung Quốc, đặc biệt là quyển của H. J. Wiens, Han Chinese Expansion in South China, 1967. Lấy cổ thư Trung Hoa (mà ông cho là của Việt) phối hợp với nghiên cứu của các tác giả phương Tây hợp ý, ông phân ra “Bốn chặng huyền sử nước Nam”:
1. Chặng đầu tiên là “Việt Điểu” vì là giai đoạn xuất hiện vật tổ Ðiểu: Hồng Bàng. Nơi xuất hiện là Thục Sơn (khoảng Tứ Xuyên ngày nay, các đất Ba, Thục ngày xưa), nước của Toại Nhân, Phục Hi, Thần Nông. Toại Nhân được cho là “xuống Nam thuỳ”, đó là dấu vết của Thục An Dương Vương xuống đất cổ Việt ngày nay. Thần Nông thì xuống Ngũ Lĩnh, mở đầu chặng huyền sử thứ hai của Việt tộc. Ðây là phần ông khai triển sâu vào trong quá khứ của một vài từ lẻ loi trong truyện Hồng Bàng thị ở Lĩnh Nam chích quái.
2. Giai đoạn “Việt Hùng” xảy ra ở hai châu Kinh, Dương – nên mới có ông Kinh Dương Vương, kéo dài đến chuyện đẻ trứng chia con và ông con trưởng Hùng Vương làm dấu ấn cho thời đại đó.
3. Trong phần giới thiệu tóm gọn khởi đầu thì ông gọi giai đoạn này là “Việt Ngô”, phần cuối của ba đoạn “huyền sử nước ta” cộng với giai đoạn “bán sử Nam Việt nữa” thành “bốn chặng huyền sử nước Nam.” Ở phần khai triển thì ông gọi giai đoạn ba này là “Việt Chiết Giang”. Ðây là chuyện của Việt Câu Tiễn thường nói trong sách vở. Theo ông, đây là khối mạnh nhất trong thời Chiến Quốc, và với sự thất bại của họ, “Việt tộc đã mất dịp nắm lại chủ quyền trên toàn lãnh thổ chịu ảnh hưởng chữ Nho của mình” (Chúng tôi nhấn mạnh).
4. Nam Việt của Triệu Ðà, theo ông “là hình ảnh cuối cùng của một nước Việt thuộc huyền bí xa xưa” và ta “có thể coi Triệu Ðà như là một cố gắng dẻo dai lập lại nước Văn Lang xưa”.
Chúng ta sẽ không nói trong chi tiết về những lí luận lan man, dây cà ra dây muống [3] để chống đỡ cho luận thuyết của ông. Chúng tôi chỉ nhắc lại những luận cứ “nghiêm túc” đã khiến người nghe được thuyết phục đến bây giờ, cả trong lẫn ngoài nước, dù với một vài thay đổi. Ông đã dựa trên nghiên cứu của H. J. Wiens về các tộc người khác Hán ở Nam Trung Hoa (điều này thì cũng thấy ở nhiều tác giả khác, kể cả Mã Ðoan Lâm của thế kỉ XIII trong Văn hiến thông khảo). Ông cũng dựa vào các nghiên cứu khảo cổ học, mượn cả những phát hiện mới nhất lúc bấy giờ như ở Non Nok Tha, Hang Thần... mà W. G. Solheim II quảng diễn, nhất là của tác giả Trung Hoa hiện đại thì càng tốt, để chứng minh rằng văn hoá vùng Ðông Nam Á rất cổ xưa, rằng vùng Tứ Xuyên (Ba Thục cũ) của tộc Man (“Môn, Mân, Việt, Mường, Thái...” mà trong đó Việt nổi bật, theo ông), đã phát triển xưa hơn vùng Hoàng Hà của tộc Hán, từ đó ảnh hưởng đến văn minh Hán. “Việt vào nước Tàu trước”, “chính người Bách Việt là chủ xướng Nho giáo” là hai “đề quyết động trời” như ông đã công nhận về sau, để ông viết nên quyển Việt lí tố nguyên. Và thế là ông cho mình có toàn quyền sử dụng để trích dẫn những cổ thư lâu nay vẫn được coi là của Trung Quốc: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Dịch... kể cả suy diễn từ những thứ chỉ có tên như Lạc thư (“cũng gọi là Hồng Phạm”), Quy lịch... Nhưng tất cả những nối kết về dân, nước Việt hiện tại với thời xa xưa ở “Thục Sơn” đó lại bằng vào quyển Lĩnh Nam chích quái (LNCQ) truyền kì của thế kỉ XIV, trong đó có ông Thần Nông liên hệ danh xưng với Xi Vưu, Viêm Ðế của dân Viêm Việt, chống đánh với ông Hoàng Ðế của lưu vực Hoàng Hà. Không nệ việc chính tác giả quyển sách đã tự đặt tên là “quái”, ông tha hồ tin tưởng coi đó là sự thật lịch sử, là Kinh: Kinh Hùng của dân Việt.
Như thế là theo với thời đại, Kim Ðịnh cho là đã củng cố luận thuyết của mình bằng các chứng dẫn từ các công trình nghiên cứu khoa học. Và phương tiện để thời nay đi sâu vào quá khứ thì không gì hơn là khảo cổ học. Tuy nhiên ông lại có hiểu biết quá nông cạn về môn này. Ngay khi ông đã qua Mĩ hơn mười năm sau, với chuyện trống đồng nhiều gấp bội, ông vẫn lẫn lộn tên một địa phương và tên đặt-để cho một nền văn hoá khảo cổ: “... quen gọi trống Ðông Sơn vì tìm ra được nhiều nhất ở làng Ðông Sơn tỉnh Thanh Hoá”! [4] Chính những loại khuyết điểm từ căn bản này đã làm sụp đổ mọi luận chứng, dù tác giả viết đến thiên kinh vạn quyển, có lôi bằng cớ chữ nghĩa uyên áo để trình bày ý tưởng của mình, chúng vẫn khó thuyết phục mọi người. Không hề gì, ông chỉ muốn mượn tiếng của các công trình khoa học để triển khai phương pháp “huyền sử” phục vụ cho luận thuyết của ông mà thôi.
Phương pháp “huyền sử’ đó không lấy gì làm mới, và căn bản cũng không có điều gì sai sót. Sử viết của triều đình vua chúa không nói đến sinh hoạt của dân chúng, xã hội bên dưới; với một vùng đất chưa có sử viết, thì người ta căn cứ vào sự làm chứng, có khi nghe ngóng của người nơi khác để có hiểu biết về tộc người, sinh hoạt nơi đó. Có điều, muốn trở thành tài liệu tìm hiểu quá khứ thì người ta vẫn phải chú trọng đến tính cách thời gian của tài liệu, biện biệt sắp xếp theo sự tuần tự xuất hiện của chúng để ghép vào với nhau, không nên lấy, ví dụ quyển LNCQ của thế kỉ XIV coi là có giá trị chứng cớ cho 4000 năm trước đó, ở một vùng cách nơi nó xuất hiện cả ngàn dặm! Chi li hơn, không biết rằng Lê Quý Ðôn đã thấy truyện Việt Tỉnh trong LNCQ là của người thời Tống Nguyên, nên Kim Ðịnh cứ tán rộng về Việt Tỉnh Cương với vua Ân, theo ông, có mặt trên vùng Chiết Giang, đánh nhau với Thánh Gióng. Ông lại dựa vào một sai sót của người bình chú LNCQ đời nay là ông Lê Hữu Mục để tán rộng về “bốn vĩ tích” của Lạc Long Quân. [5] Cho nên, về khảo cổ học, ông không cần biết đến cách phân loại kiểu thức vật dụng để tính thời gian tương đối của các lớp đất, hay cách tính tuổi tuyệt đối (tuy vẫn là tương đối một chừng mực) bằng phương pháp phóng xạ. Và khi sử dụng đến chúng thì đem ghép bừa bãi để chứng minh cho luận cứ của mình. Ông không cần điều đó vì đã đưa vào chữ “huyền sử” nên cho rằng mình có quyền đem tục ngữ, câu hát trẻ con, lí số thầy tướng... vào để chứng minh cho khám phá của ông là “Việt vào nước Tàu trước”, rằng Hán Nho vốn có căn bản là Việt Nho, nếu không nói thẳng là đã tước đoạt của Việt Nho.
                                                                     *
Ðã nói, chúng ta phải quan tâm đến luận thuyết của ông chỉ vì có một số người nghe theo ông, lâu dài. Trước 1975 trong nước, ông là giáo sư đại học và khi nói tràn lan, bị vặn hỏi bí lối, ông phân trần rằng mình chỉ nêu giả thuyết để làm việc, có thể sai trong tiểu tiết, không dám dạy thẳng trong trường “lâu lâu nói chơi cho vui”... nhưng lại cũng khoe rằng đã có “nhiều sinh viên cao học làm bài theo đề tài... những quy luật của huyền sử (nhấn mạnh của ông)” dựa theo các sách của ông và những điều ông đã “thuyết trình với sinh viên trong ba năm qua” (1970-1973). [6] Sự hấp dẫn trong “lí thuyết” của ông có nguyên nhân từ bên ngoài xã hội nên ảnh hưởng còn thấy gần đây trong, ngoài nước – ngoài nước thì công khai đưa lên gần thành một tôn giáo, còn trong nước thì kín đáo giấu giếm theo thói quen không chịu kể xuất xứ ý tưởng vay mượn, hay bắt chước theo mà đồng thời lại bài bác đích danh Kim Ðịnh để chứng tỏ phát hiện độc lập của tác giả. Sự vô lí trong các luận cứ, cách thế “muốn nói gì thì nói” mà vẫn được người ta nghe theo, chứng tỏ một trình độ suy luận thấp của người thu nhận đã đành nhưng cũng cho thấy ông đã đánh đúng vào một tâm lí chung của thời đại: tinh thần dân tộc quá khích.
Có thể nói lí thuyết Kim Ðịnh bắt nguồn từ ý tưởng bốc đồng huênh hoang của nhà chính trị trong thời gian mất nước vào tay người Pháp, cụ thể là của triết gia chính trị Lí Ðông A / Nguyễn Ngọc (Hữu?) Thanh, Thư kí trưởng Đảng Ðại Việt Duy dân. [7] Mất nước, người ta tưởng tượng ra một nước Việt Nam thời độc lập huy hoàng, to rộng: Ông Ðảng trưởng Ðại Việt Quốc dân Ðảng Trương Tử Anh, người Phú Yên, đã để đảng viên tuyên thệ trước một bản đồ Ðông Nam Á có tên là Ðại Việt. [8] Lí Ðông A mơ ước đến một Ðại Bách Việt / Hồng Việt, một Ðại Nam Hải... chỉ vì quá khứ huy hoàng của một thời “văn hoá Môn” (mượn của nhà nghiên cứu phương Tây), “văn hoá Viêm Việt” (mượn trong cổ thư phương Ðông) rực rỡ của dân Việt, một chi nhánh khởi phát của nhân loại từ Pamir toả xuống, thấy dấu vết ở Bắc Trung Hoa (Thái Sơn), Dương Tử, Ngũ Hồ (có Hồ Ðộng Ðình), Ngũ Lĩnh, Phong Châu, ra các hải đảo phía đông nam, qua Ấn - Miến phía tây nam. Các đồ đệ của ông đi vào miền Nam sau 1954, lúc đầu cũng có ảnh hưởng ở hậu trường Ðệ nhất Cộng hoà, nhưng thời thế đổi khác, thực tế quyền bính lấn át mơ mộng chính trị, nên Duy dân Chủ nghĩa chỉ còn lại mơ hồ với chữ “nhân chủ” trong lí thuyết nhân vị của ông Ngô Ðình Nhu.

                                                                       *
Lãnh tụ lập thuyết lúc còn trẻ, chết sớm không đủ khả năng triển khai sâu rộng, do đó còn dành việc cho người sau, không cần phải là đảng viên. Ông Kim Ðịnh có kiến thức Ðông Tây (bằng cấp Tây), căn cứ sách vở hiện đại nhiều và có vẻ sâu, với chức vị Giáo sư Ðại học, ông có đủ uy thế để khai thác những ý kiến mở đường đến những lập luận có bằng cớ cao xa hơn. Người trước chỉ nói đến Việt có mặt ở Thái Sơn, đỉnh cao (cụ thể) của tộc Hán, văn minh Hán, người trước chỉ nói đến Viêm Việt, “văn hoá Môn”, hoả tự... thì ông nay có thể liên hệ “Lạc [chữ Hán] bộ chuy là Môn tức tổ tiên xa nhất của ta”, đã chỉ rõ rằng “Việt vào nước Tàu trước” vì khu vực Thục Sơn của Viêm Việt (có Viêm Ðế / Xi Vưu) được “chứng minh” bằng khảo cổ học là xưa hơn khu vực Hoàng Hà, do đó Việt Nho có trước Hán Nho; các lối khoa đẩu tự, điểu tự trước Tần là của Việt vì biểu hiện cho Rồng, Tiên (khoa đẩu / nòng nọc quăn queo là rồng, tiên bay là từ chim!)... Ông học triết nhiều nên cũng có khả năng đào sâu chuyện tam tài, ngũ hành mà nêu tính “nhân chủ” xướng suất từ Lí Ðông A, trong tinh tuý văn minh Việt, theo ông. Ông lập thuyết lại cũng gặp “thời”, thời của triết Ðông nổi dậy ở miền Nam theo với tinh thần dân tộc, duy văn hoá của giai đoạn chống thực dân.

                                                                           *
Thời giải thực sau Thế chiến thứ Hai đã gây mặc cảm cho các nhà tư tưởng châu Âu và sự tự tín của người phương Ðông. Khuynh hướng bảo thủ ít nhiều gì cũng thắng thế dù cả đối với những người theo chủ thuyết hướng về tương lai như người cộng sản. Người cộng sản Việt Nam, dưới sự khuôn nắn của tình hình thực tế, đã dung hoà được sự mâu thuẫn này trong cách thế bắt chước chủ thuyết Mao. Ở miền Nam thì với tình hình chiến tranh lan tràn, sự đổ vỡ xã hội càng lớn rộng, khuynh hướng bảo thủ, “trở về nguồn” càng có đà tăng tiến, có khi trong hỗn loạn như bất cứ sự kiện nào xảy ra giữa vòng biến loạn. Biểu tình bảo vệ truyền thống với các hội đoàn đảng phái nhắm các mục đích khác nhau. Tập san Sử Ðịa, tạp chí chuyên ngành duy nhất của miền Nam, do tư nhân bảo trợ, điều hành bởi nhóm cựu sinh viên Ðại học Sư phạm Sài Gòn, tập san đó trong những năm đầu thập niên 70, đã có thêm mục “Hiếu hỉ”, thăm viếng tuyên dương những bậc già lão có công với văn hoá, công việc giống như của một hội Trọng xỉ vào thời đã xa lắc xa lơ nào.
                                                                         *
[2008: Khuynh hướng bảo thủ “TRỞ VỀ NGUỒN” không phải chỉ dữ dội như trong các cuộc biểu tình, với lời kêu gọi tìm về dân tộc, ẩn nấp trong ý thức độc tôn giới tính nam của các lời nhạo báng “phụ nữ Liên Ðái” mà còn xuất hiện cả ở những dạng hình “dễ thương” như loại trên này. Và cũng ngọt ngào như trong lời ca: “Về đây nghe em, về đây mặc áo the, đi guốc mộc...” để đẩy tới dạng mơ mộng ngờ nghệch: “Này người yêu, người yêu em hỡi: Bên kia sông (?) là ánh mặt trời”! Ánh mặt trời đó sẽ đến, để người du ca thấy ra hình dạng thật của nó mà ngậm ngùi xếp đàn, trở về nhà lo cho thân xác.]

                                                                       *
Ðại học Văn khoa Sài Gòn có giảng khoá triết Ðông của Giáo sư Nguyễn Ðăng Thục, với những lập luận mù mờ khó hiểu nhưng đầy nhiệt tình của người nói lôi thêm nhiệt tình của người nghe, trong đó có sự a dua thông thái, tình hình như thế đã dọn chỗ cho Giáo sư Kim Ðịnh thu hút sinh viên. Ông đang giảng triết, mà là triết Việt, Việt Nho, đúng là một khám phá gây niềm hãnh diện cho người Việt.
        Triết của ông đặt nền tảng trên “huyền sử” mà ông, vốn là một linh mục, đã quen với lối giảng giải huyền thoại của Cựu ước cho tín đồ, nay chỉ cần chuyển phương pháp vào đối tượng mới, quyển LNCQ, để từ đó bung ra. Ông linh mục Kim Ðịnh với Kinh Cựu ước thật dễ dàng chuyển sang ông triết gia huyền sử Việt với Kinh Hùng LNCQ. Ta cứ thấy ông nhắc mãi đến câu “Ðạo mất trước, nước mất sau” chứng tỏ mối liên hệ của phần tư tưởng cũ, mới trong người ông. Môn sử Việt lúc bấy giờ cũng đang phát triển ở trường Văn khoa này với các chứng chỉ riêng biệt cho cấp bằng cử nhân Sử, không như thời chúng tôi học vào đầu thập niên 60. Tuy nhiên, phần cổ sử theo sát những khám phá từ văn bản, khảo cổ nhọc nhằn không làm thoả mãn được khuynh hướng dễ tính của con người.
          Kim Ðịnh đã đem lại đáp ứng đó trong tình trạng khoa học nhập nhằng dâng cao với lí luận huênh hoang tuôn tràn ngoài xã hội.
                                                                            *
         Khảo cổ học miền Bắc có ưu thế hơn về địa vực, về sự ủng hộ của chính quyền với thâm ý chính trị thúc đẩy, đã hấp dẫn miền Nam qua một số sách hiếm hoi đi vào (thường thì bằng con đường Pháp, Phnom Penh), nên càng hấp dẫn hơn. Sách giáo khoa cạnh tranh trên thị trường của giáo sư soạn cho kì thi tuyển tú tài 1975 đã có phần nói về các giai đoạn Phùng Nguyên, Ðồng Ðậu, Gò Mun, Ðông Sơn như một hiểu biết có cầu chứng về cổ sử Việt Nam qua con đường khảo cổ học. Vài năm trước đó, đã có một nhóm người thành lập diễn thuyết về trống đồng, Hùng Vương với các tên diễn giả lắp thêm họ Lạc vào họ khai sinh của mình. Họ không đủ uy tín để đi xa hơn ông giáo sư đại học Kim Ðịnh. Cho nên, dù là nói bừa bãi, lối giải thích:
Mị Châu rất có thể là do đọc trại tiếng ‘mễ’ nghĩa là gạo (gốc chữ Việt)...”, hay “... có lẽ ngày giỗ tổ Hùng Vương mồng 10 tháng 3 hiểu được là Tam Miêu và Bách Việt. Tam Miêu là tháng 3, còn Bách Việt là mồng 10. Mười là số chẵn có thể thay số chẵn trăm...” [9]
cũng đã mở đường cho các “khám phá” khác sau này về cổ sử Việt dựa theo cách lí luận bắt quàng ngữ nghĩa, ngữ âm tương tự đó của ông. Kim Ðịnh vốn cũng bắt nguồn tư tưởng từ một chính trị gia như đã nói, nên ông có một quần chúng đảng phái tán thưởng theo, rồi cũng sẽ quy tụ vào ông khi cả hai đều bật khỏi gốc rễ ra hải ngoại.

3)
...
Các biến động mới cùng sự thất bại không thú nhận của việc nối kết thành quả khảo cổ học với thời Hùng Vương khiến cho vấn đề lại buông thả cho cảm tính, cho những khẩu hiệu phục vụ chính trị cấp thời của sử học...
        
Tâm nguyện kéo dài quá khứ và sự cạn kiệt tài liệu đi theo với khủng hoảng “đổi mới” lúng túng khiến ta thấy vấn đề Hùng Vương chuyển sang hình thức giả khoa học mà ta gọi là “sự mê tín trống đồng”, vốn cũng chỉ là sự phát triển tín điều cũ của ngôn từ mới trong đó, lạ lùng thay, bóng dáng ông Kim Ðịnh huênh hoang lại ảnh hưởng đến một vài học giả phía Bắc và lớp người trẻ tuổi hơn. Người mở đầu cho các tác giả Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam bắt chước Kim Ðịnh có lẽ là ông Nguyễn Khánh Toàn, Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Thời kì sau chiến tranh Trung - Việt 1979, ông cho đăng trên một số Khảo cổ học 1980, rằng trong một quyển sách (có dáng võ hiệp) tên Vô đỉnh nguyên vương của Kim Dụng (không phải Kim Dung), tác giả Trung Quốc đó công nhận người Tàu đã lấy Lạc thư của Việt làm của mình.
[2008: Người bên ngoài có thể lấy làm lạ rằng tại sao một luận cứ với bằng chứng khinh thường thiên hạ như thế này lại xảy ra ở một cơ quan nghiên cứu chuyên ngành mang tính quốc tế không thể bỡn cợt được. Ðó là do họ không quen với tính chất gọi là “dân chủ tập trung” áp dụng cho tinh thần nghiên cứu để phục vụ chế độ.
Sách vở của Việt Nam Cộng hoà không “ghê gớm” như người ta hồi tưởng nuối tiếc nhưng thật ra cũng dồi dào đa dạng, và cả “rối loạn” nữa nhưng cái chết của chế độ lại mang đến cho nó một sự hấp dẫn riêng, nhất là trong bao nhiêu năm, học giả miền Bắc chỉ biết có chủ nghĩa Mác - Lê và sử dụng nó theo kiểu tóm gọn: “Trái với chủ nghĩa Mác - Lênin” để bài bác những ý kiến khác, như đã thường xuyên hiện diện trên tờ Giải phóng trên vùng đất của “tàn dư Mĩ nguỵ.” Cho nên sự hấp dẫn của Kim Ðịnh cũng còn thấy hơi hám ở những chức sắc khác của ngành khảo cổ học vào thời kì Ðổi mới. Có điều không chắc người ta đã thấy ra hậu quả trầm trọng cho tình hình nghiên cứu chung. Chuyên viên nói bừa cũng được coi là lời nghiêm túc, miễn là cứ nhân danh lí tưởng cao cả. Nghĩa là người ta đã để đánh đồng các công trình tìm tòi qua những chuẩn mực nghiêm túc của khoa học với với các suy luận lăng nhăng của tay ngang. Sự hiểu biết về sử Việt vốn đã bị ràng buộc vào các chuyện kể, các lời bàn-sử để có người tưởng hễ “biết được chữ là viết được sử”, thế mà các chuyên viên đã không làm bức tường ngăn chặn cho khu vực chuyên môn yếu ớt của mình, không giữ được sự trọng nể cho chuyên môn, lại mở đường cho các kẻ hóng chuyện, chộp được bất cứ câu, chữ “dữ dằn” nào là tung ra hù doạ luận thuyết rối mù – trong trường hợp của ngành khảo cổ học này là sự phát triển của những luận thuyết hậu-Kim Ðịnh, vượt-Kim Ðịnh, có các ông mở lối, chấp nhận ngang hàng. Nguyên tắc “hồn ai nấy giữ” không được tuân thủ để cho hồn ma đồng bóng Ngài/Ðấng lấn lướt xác thân con người ăn uống bình thường, len lách đi quá phạm vi “quần chúng” vốn đã dành tự do cho họ ở thế giới bên kia.]

                                                                                *
Trong quyển CƠ SỞ VĂN HÓA VIỆ NAM (bản 1998), ông TTẦN NGỌC THÊM, “Chủ tịch Hội đồng Ngữ học và Việt Nam học cho Khối Ðại học Ngoại ngữ của Bộ Giáo dục và Ðào tạo và chủ trì xây dựng chương trình môn Cơ sở văn hoá Việt Nam từ 1990” (theo lời tự giới thiệu), đã phân biệt sự đối kháng của văn minh du mục (Tây Âu và Trung Hoa) với văn minh nông nghiệp Ðông Nam Á (phía bắc đến tận sông Dương Tử) “một trong những cái nôi hình thành loài người”, trong đó “Việt Nam là nơi hội tụ ở mức độ đầy đủ nhất đặc trưng của văn hoá khu vực”, còn lưu lại ông Thần Nông và câu chuyện Hồng Bàng Thị ở LNCQ. “Văn hoá nhận thức” (của Việt Nam) cũng là lí thuyết Âm dương (có cặp đôi Tiên Rồng, vuông tròn...), Ngũ hành, Hà đồ Lạc thư với các giảng giải lí số 3, 5, 9, “nhất điểu nhì xà tam ngư tứ tượng”... đổi xoay quanh với ông Kim Ðịnh. [10] Gần nhất là một tác giả trẻ, tuy có gộp thêm các truyện Trương Chi Mị Nương, Thạch Sanh... trong tập luận thuyết của mình nhưng vẫn mang đầy dẫy dấu vết Kim Ðịnh khi căn cứ trên quyển LNCQ để biện luận về một “xã hội Văn Lang thời các vua Hùng có một nền văn minh đạt đến đỉnh cao của nền văn minh nhân loại thời cổ đại với một lãnh thổ rộng lớn, bắc giáp Ðộng Ðình Hồ, tây giáp Ba Thục, nam giáp Hồ Tôn, đông giáp Ðông Hải”, có chứng minh bằng các đồ hoạ về Âm dương Ngũ hành, Hà đồ Lạc thư, Dịch, lí số... cùng với ca dao tục ngữ, văn chương kim cổ. [11]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét