Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2016

KỶ NIỆM VỀ HÒAI THANH


Kỷ niệm 

VỀ HOÀI THANH  
                                                                                                       
            Năm 1957, tôi dược điều động về công tác tại Vụ Nghệ Thuật, Bộ VĂN  HÓA.
          Cầm tờ Quyết định trong tay, tôi hết sức vui mừng. Chưa biết sẽ được phân công làm gì, nhưng chắc chắn tôi sẽ được làm việc với giới văn nghệ sĩ . Nhưng điều khiến tôi hy vọng hơn cả là sẽ được gần gụi và học hỏi những nhà văn và nghệ sĩ mà từ lâu tôi đã ngưỡng mộ. 
    Vụ trưởng lúc ấy là Hoài Thanh, mà cuốn THI NHÂN VIỆT NAM của ông tôi học gần như thuộc lòng từ thời học trường Bưởi, và đã phục sát đất những lời nhận xét vừa tinh tế, chính xác vừa hóm hỉnh của ông. Khi rời khỏi Hà Nội năm 1946 không mang theo, lên đến Việt Bắc, tôi cứ ân hận mãi. Thế rồi một lần tình cờ nhìn thấy cuốn sách ở nhà một người quen, không xin được, tôi đã bỏ hẳn ra một tuần lễ chép lại toàn bộ ! Về đến đơn vị, tôi đem ra khoe và giới thiệu với đồng đội. Rất nhiều cán bộ, chiến sĩ của Đại đoàn 308 và cả một số học sinh mấy trường trung học ở Việt Bắc đã mượn cuốn sách của tôi để chép lại từng đoạn bình luận của tác giả kèm theo những bài thơ mà họ thích. Bản chép tay này tôi giữ cho đến năm 1954, khi về tiếp quản Hà Nội, mua được bản in tại một hiệu sách cũ, tôi mới quăng bản chép tay ấy đi. Bây giờ nghĩ lại thật dại dột.
Vụ phó bấy giờ là Lưu Trọng Lư, tác giả bài Tiếng Thu, bài thơ mà thuở thiếu niên tôi đã từng cho là những vần thơ hay nhất trên đời. Phải nói rằng, lúc đầu tôi mới thích âm điệu và những từ gợi cảm của nó, về sau, chính cuốn Thi nhân Việt Nam đã giúp tôi hiểu thêm, đồng thời biết thêm một số bài thơ tuyệt tác nữa của ông. Sau này, cuộc sống đã ban cho tôi điều may mắn bậc nhất trên đời của tôi là hai chúng tôi đã trở thành đôi bạn tâm tình, bất kể tuổi tác chênh lệch khá xa.
 Vụ phó thứ hai là Lưu Hữu Phước, tác giả những ca khúc kích động lòng yêu nước mà ở tuổi thiếu niên tôi suốt ngày hát. Chính vì muốn học hát những ca khúc tuyệt vời đó mà tôi đã kiên nhẫn học âm nhạc và chơi cây đàn măng-đô-lin đầu tiên. Trước cách mạng tháng Tám, tôi đã thuộc lòng hầu hết các ca khúc của ông, thậm chí đã tham gia ban đồng ca thiếu niên biểu diễn trên sân khấu Khai Trí Tiến Đức và Nhà hát Tây những bài Ai Chi Lăng, Bạch Đằng Giang, Hồn Tử Sĩ, Thiếu niên Việt Nam, Thiếu Nữ Việt Nam, vv.
*
 Đến Vụ Nghệ thuật, tôi được phân về bộ phận Nghiên cứu Sân khấu, chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Lưu Trọng Lư. Tôi không quan hệ nhiều lắm với Hoài Thanh, và thật ra cũng không biết rõ cách phân công trong ban lãnh đạo Vụ như thế nào. Tuy nhiên tôi cảm thấy cả Lưu Trọng Lư và Lưu Hữu Phước đều rất kính trọng ông. Đối với tôi, Hoài Thanh có vẻ như xa cách. Lúc đó ông cùng gia đình ở ngay trong khu tập thể của cơ quan tại 23 Ngô Thời Nhiệm. Ngôi nhà này bấy giờ rất rộng, Qua chiếc cổng nhỏ, vào một giẫy nhà hai tầng và một sân lớn, có cổng thông ra một cái ngõ để ra phố. Khu nhà bên trong này về sau thuộc Nhà hát Tuổi trẻ, và cái ngõ trở thành lối vào cửa trước của Nhà hát. Hồi ngôi nhà còn là trú sở của Vụ Nghệ thuật, sân trong dùng để đỗ ô tô, và ngõ là lối để ô tô vào Xung quanh sân là khu dành cho gia đình cán bộ. 
Lúc ấy cơ quan vẫn còn giữ chế độ ở tập thể, ăn tập thể, sinh hoạt với nhau như trong một gia đình. Trong khu tập thể có gia đình Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, Lưu Hữu Phước, Lê Trang (bấy giờ cũng là vụ phó), Bửu Tiến, và một số cán bộ khác. Bọn cán bộ nhân viên chúng tôi lúc đó khoảng vài chục người, tất cả đều còn trẻ, hầu hết chưa có gia đình, ăn trong nhà ăn tập thể, ngủ trong phòng ngủ tập thể. Giải trí lúc đó không có gì, cho nên ngoài giờ làm việc chúng tôi ra sân trò chuyện cả về công việc lẫn mọi thứ chuyện công tư khác. Sau bữa ăn, chúng tôi ngồi lại với nhau trò chuyện rất lâu. Buổi tối và ngày Chủ Nhật cũng vậy.
Mấyi ông Lưu Trọng Lư, Lưu Hữu Phước, Bửu Tiến rất hay đến tham gia câu chuyện, riêng Hoài Thanh thì rất ít khi. Nếu có đến, ông chỉ nghe là chính. Tôi cảm thấy tính ông thận trọng, dường như lúc nào cũng đang đuổi theo một suy nghĩ nào đó. Bình thường trông ông có vẻ nghiêm, kiểu nghiêm của một nhà giáo, mỗi khi nói ra câu gì là đều đã suy nghĩ chín về nó. Thời gian đầu mới về cơ quan tôi rất sợ ông, nhưng sau vài lần tiếp xúc tôi nhận thấy ông không “nghiêm” như tôi tưởng, mà rất “tình đời”, rộng lượng với cấp dưới, và có lẽ với tất cả mọi người khác nữa.
                                                                   *
Mối quan hệ giữa tôi và Hoài Thanh chủ yếu là quan hệ giữa cán bộ và thủ trưởng. Tôi chỉ được gặp ông những hôm ông gọi tôi lên giao công tác, và lúc làm xong việc tôi báo cáo. Tuy nhiên, trong những dịp ấy, Hoài Thanh đôi khi mở rộng câu chuyện, hỏi chuyện riêng tư của tôi và trả lời những câu tôi hỏi, đồng thời khuyên bảo tôi một điều nào đó. Ông luôn có thái độ bình đẳng với cấp dưới, quan tâm đến tâm tư nguyện vọng từng người. Không bao giờ tôi thấy ông nói bằng thứ giọng “lên lớp” của nhiều cán bộ lãnh đạo khác tôi đã tiếp xúc trong thời gian phục vụ trong quân đội hay trong các cơ quan khác.
Một lần thấy tôi bộc lộ niềm băn khoăn là mở đầu một bài viết rất khó, ông nói đại ý như sau: 
Có lẽ đối với người viết nào cũng vậy, khó nhất là dòng đầu tiên. Kể một câu chuyện hay trình bầy một vấn đề, giây phút đầu tiên là khó nhất. Nên bắt đầu từ chỗ nào của câu truyện, từ ý nào ? Nhà văn Nhất Linh có kể kinh nghiệm của ông ta, là khi ngồi vào bàn, trước trang giấy trắng bong, trong lòng ông thường chưa có một ý gì. Khi đặt bút, ông ta viết ngay một câu chung chung, hầu như vô nghĩa, thí dụ “Trời xe lạnh, Lan choàng thêm tấm khăn lên đầu...” và thế là óc tưởng tượng được khởi động, cỗ xe cứ thế chạy, các ý tự chúng xuất hiện, và ông ta chỉ việc lái nó đi theo hướng ông ta muốn ...”
- Cách ấy có lẽ hay đấy, phải không, thưa anh ?
- Đấy là một cách, nhưng tôi không tin Nhất Linh chuyên sử dụng cách đó. Bởi nhiều tiểu thuyết của ông, rõ ràng là đã có dụng ý hẳn hoi ngay từ dòng đầu tiên.

- Vậy ông ta nói không đúng, ít nhất thì cũng không đúng với tất cả các tác phẩm của ông ta ?
Hoài Thanh cười:
- Đừng vội bảo ông ta nói không đúng sự thật. Tôi nghiệm thấy sáng tạo và lý luận là hai công việc khác hẳn nhau. Một đằng là thực hành, một đằng là lý thuyết. Nhiều nhà văn cỡ lớn khi nói lý thuyết, hoặc đúc kết kinh nghiệm bản thân đã phạm phải nhiều ngộ nhận. Họ tưởng họ theo một phương pháp nghệ thuật nào đó, thật ra sáng tác của họ lại theo một phương pháp khác. Cũng như có người đinh ninh mình rất duy vật, nhưng người bên ngoài lại thấy họ rất duy tâm... Mà nghệ sĩ lại là những người hay tự đánh giá sai về bản thân họ nhất, nhưng có lẽ chính vì vậy mà họ sáng tạo được. Tôi còn nghiệm thêm thấy một điều, là những nhà lý thuyết giỏi, phê bình sắc sảo,  thường lại sáng tạo rất tồi.
- Tại sao vậy, thưa anh ?

- Có lẽ vì óc phê phán của họ phát triển quá cao, đâm ra viết cái gì họ cũng tự phê phán họ trước. Họ quen thận trọng từng câu từng chữ, từng ý tưởng, đến mức không còn khả năng “tự buông thả”, phó mặc cho cảm xúc hồn nhiên, thứ không thể thiếu trong tư duy sáng tạo.
Tôi phản đối :
- Nhưng vẫn có nhiều người vừa sáng tác giỏi, vừa viết phê bình hay.

- Đúng thế. Nhưng lý luận và phê bình cũng lại là hai thứ khác nhau. Những người phê bình hay là những người sành về thưởng thức. Họ chính là nghệ sĩ, và tác phẩm của họ là những sáng tạo. Nhưng thôi, những vấn đề ấy hết sức tinh tế, khó có thể tách biệt nhau ra như vạch đường biên giới giữa hai quốc gia được.

Hoài Thanh dừng lại một chút, rồi nói tiếp:
- Trở lại vấn đề lúc nãy. Cùng trong Tự lực Văn đoàn, nhưng cách KHÁI HƯNG làm lại rất khác cách làm của NHẤT LINH. Khái Hưng bao giờ cũng bố cục sẵn thành một cốt chuyện hoàn chỉnh rồi mới đặt bút. Tất nhiên trong quá trình viết, ý định ban đầu có thể thay đổi, nhưng có lẽ không bao giờ ông ta đặt bút viết mà trong óc chưa có một cốt truyện hoàn chỉnh. Trong khi đó, Nhất Linh khi bắt đầu viết một tác phẩm thường chỉ mới có một cảm giác mơ hồ về nó. Hơi giống cách làm của Vũ Trọng Phụng, viết xong một đoạn mới nghĩ cách phát triển cho đoạn tiếp theo. Nhưng Vũ Trọng Phụng là một thiên tài, ông ta có một sức tưởng tượng vô song.

- Thưa anh, vậy là có hai kiểu nhà văn trái ngược nhau...

- Nhưng họ lại có rất nhiều nét chung, nhất là trong phương pháp làm việc, như tôi vừa nói.

- Vậy theo anh thì giải quyết cái khó khi viết dòng đầu tiên bằng cách nào?

- Đối với người nghệ sĩ thì mọi kinh nghiệm phải tự mình tìm ra. Như thế mới là “sáng tao”, kinh nghiệm của người khác có lẽ chỉ giúp ta tránh những dại dột, chứ không tạo thành kinh nghiệm cho ta được.
Thấy tôi im lặng buồn bã, ông động viên:
- Riêng tôi thì nghiệm thấy một điều. Hồi mới viết, tôi cũng gặp đúng khó khăn như cậu, nhưng khó khăn đó cứ giảm dần. Dòng đầu tiên tuy vẫn khó, nhưng không đến nỗi khó như xưa kia, khi còn non nớt nữa.

- Vậy anh đã làm thế nào ?

- Tôi biến việc viết thành như một thứ công việc hàng ngày. Khi đó, ngồi vào bàn, đặt thếp giấy trắng lên mặt bàn, cầm cây bút, và viết luôn dòng đầu tiên, ít khi phải loay hoay gì nhiều lắm.

- Công việc hàng ngày ? Cụ thể là thế nào ạ ?- Tôi hỏi.
- Ngày nào tôi cũng ngồi vào bàn viết, không nhiều thì ít. Cả những hôm người không được khoẻ, kể cả mồng một Tết... Khi đó viết thành một thói quen. Tôi cứ trải lên trang giấy mọi ý nghĩ của mình. Đối với tôi sửa chữa quan trọng hơn viết. Những hôm ý đã hiện lên rõ, lòng đã đủ hào hứng thì câu văn viết ra đã gần như hoàn chỉnh, chỉ phải sửa chữa rất ít. Còn nhiều hôm, ý trong đầu tản mạn, lờ mờ thì sau phải sửa nhiều, có khi phải bỏ đi hàng trang, thậm chí cả một câu truyện, một bài thuyết trình. Nhưng không sao, vẫn cứ phải viết, hàng ngày, không bỏ ngày nào.

- Hiện nay anh vẫn áp dụng cách đó ?
Hoài Thanh lại cười :
- Chỉ gần đây tôi mới khôi phục lại thói quen thuở trẻ tôi vừa kể với cậu. Mấy năm qua, do có nhiều công việc quan trọng hơn, tôi đã sao lãng việc viết. Tôi đang hy vọng rồi đây tôi có thể trở lại nghề : dạy học và viết nghiên cứu văn học. Nhưng tôi nghĩ nếu cậu thật sự muốn “viết” thì cố rèn cho được thói quen kia, và kiên trì gìn giữ..
Rất tiếc là tôi đã không thực hiện được lời khuyên này. Nghề đạo diễn sân khấu đã chiếm lĩnh hầu như toàn bộ thời gian. Công việc viết văn tôi chỉ có thể làm vào những thời gian rảnh rỗi giữa hai đợt dàn dựng tiết mục.
                                                      *
Một lần, dịch xong một truyện ngắn của nhà văn Liên Xô Antonov, tôi đưa ông Lưu Trọng Lư  đọc. Thế nào ông Lư lại đưa Hoài Thanh. Và một buổi tổí, tôi ngồi trong phòng riêng đang làm việc thì Hoài Thanh vào. Đó là lần đầu tiên ông xuống phòng tôi. Bước vào, ông chìa ngay bản dịch, nói :
- Cậu dịch được đấy. Câu truyện hay. Tác giả viết rất giỏi. Qua bản dịch này, tôi thấy mến cậu hơn. Không phải vì cậu dịch hay mà vì cậu đã chọn truyện ngắn này. Tôi thấy cậu thích những khám phá về tâm lý, và cậu yêu câu chuyện này thật sự. Cậu thích đồng cảm với con người, không nhìn con người theo cách hời hợt, bề ngoài... Cậu có được một thứ rất đáng quý đối với người viết, là thế thái nhân tình. Nếu chịu khó, cậu có thể thành một cây bút văn xuôi sâu sắc và nhân hậu đấy.
Tôi thấy trong người lạnh đi vì sung sướng, nhưng không dám để lộ ra, chỉ nói :
- Em sẽ cố gắng... Nhưng còn bản dịch, anh thấy thế nào ạ ?

- Cậu dịch tương đối thoát, nhưng vẫn còn quá câu nệ câu chữ của nguyên tác. Đó là tật chung của những học sinh chăm chỉ, giỏi môn ngoại ngữ ở nhà trường. Theo tôi, dịch là truyền đạt hình ảnh và ý tưởng, chứ không phải nghĩa của từng chữ, từng câu. Nhưng nhân đây, vì thấy cậu thích viết, nên tôi khuyên cậu một câu. Cậu đừng nên biến thành một “dịch giả”. Chỉ khi đọc thấy tác phẩm nào của nước ngoài mà cậu thích lăm lắm, hãy dịch, và cố giữ tỷ lệ dịch và viết không vượt quá...
Thấy ông trầm ngâm, tôi sốt ruột nhắc:
- Quá bao nhiêu phần trăm ạ, thưa anh ?

- Quá một phần...- ông cân nhắc - tư, à không, một phần mười. Mà nếu hoàn toàn không dịch được thì tốt.

- Tại sao vậy, thưa anh ?
Hoài Thanh cười :
- Tôi vẫn cứ băn khoăn, không dám chắc mình nghĩ thế này có đúng không. Người sáng tạo phải là người tự tin, tự tin ghê gớm lắm, thậm chí tự tin đến mức dám coi thường mọi lời khen chê. Trừ phi người khen chê đó là người thật sự tri âm. Và phải không phục nhà văn nào đến mức tuyệt đối. Tất nhiên khi còn non nớt, chúng ta dễ quá phục một cây bút nào đó, đến mức cứ viết thứ gì ra là như thể bắt chước văn ông ta. Khi đó anh chưa phải nhà văn. Anh chỉ thật sự là nhà văn khi anh không cần ai dắt tay nữa. Vậy mà khi dịch, chúng ta dễ bị lệ thuộc vào tác giả nguyên tác, dần dần chúng ta mất đi lòng tự tin, khả năng tư duy độc lập cần thiết cho sáng tạo. Trong số những người dịch nhưng vẫn là nhà văn, tôi thấy có Nguyễn Văn Vĩnh với những bộ BA NGƯỜI NGỰ LÂM PHÁO THỦ, NHỮNG KẺ KHỐN NẠN, và một loạt bản dịch khác nữa, Ngoài ra là ông Nhượng Tống với bản dịch MÁI TÂY, Ngô Tất Tố với bản dịch HOÀNG LÊ NHẤT THỐNG CHÍ...  Nhưng họ vốn là nhà văn có bản lĩnh. Còn cậu, viết chưa chắc tay, chưa có đủ lòng tự tin, chưa có thói quen tư duy độc lập, khoan hãy dịch, mà viết đi đã.
Rất tiếc lời khuyên thứ hai này tôi cũng không thực hiện được, và do nhiều lúc cần kiếm tiền để nuôi gia đình, tôi đã dịch và trở thành một “dịch giả” lúc nào không biết. Tuy nhiên, tôi đã cố khắc phục những tác hại của nghề dịch mà Hoài Thanh đã cảnh giác tôi. 
                                             *
Đầu năm 1959, sau một buổi nghe tôi báo cáo công việc, đột nhiên Hoài Thanh hỏi tôi:
- Nghe nói cậu đang có chuyện gì buồn phải không ?
Tôi đang ngơ ngác thì ông cười nói luôn, cặp mắt nheo lại rất thân tình, khiến tôi cảm thấy ông không còn là thủ trưởng nữa mà là người anh, người cha:
- Tôi nghe loáng thoáng là cậu đang thất tình ?
Tôi cười, quả có chuyện ấy. Thật ra chuyện chẳng có gì mấy. Sau một thời gian tìm hiểu với một nữ diễn viên của Đoàn Kịch nói, hai chúng tôi thấy không hợp nhau, nên đã chia tay nhau.
Hoài Thanh cười độ lượng, nói:
- Năm ngoái hình như cậu chưa nghỉ phép nhỉ ? Kỳ này cho cậu nghỉ hai phép liền. Tôi khuyên cậu nên dùng những ngày nghỉ phép đi chơi một chuyến. Tôi sẽ bảo Phòng hành chính cấp Công lệnh và Giấy giới thiệu để cậu đi đường thuận lợi. Vì thật ra, văn nghệ sĩ rất cần “ngao du” để hiểu sâu thêm cuộc sống. Cậu có hướng đi đâu chưa ?

- Thưa anh, chưa ạ.

- Vậy tôi mách cậu một hướng đi. Cậu chưa vào miền Trung bao giờ phải không  nhỉ?

- Hồi kháng chiến, ở bộ đội, em có lần đóng quân ở Thanh Hoá...

- Nhưng chưa vào đến Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh, đúng không nào?

- Vâng,

- Vậy lần này, tôi khuyên cậu ngao du một chuyến vào đó. Thú nhất là làm thế này. Cậu đến  Sầm Sơn, rồi cứ men theo ven biển mà đi cho đến Cửa Tùng, thích chỗ nào thì dừng lại. Bãi tắm nào đẹp thì xuống bơi, làng chài nào lý thú thì ở lại vài ngày, ra biển với họ, nếm thử kiểu sống trên thuyền của dân chài. Xong lại đi tiếp. Cứ ven biển mà đi. Hình như hồi ở 308 cậu làm trinh sát phải không ?

- Vâng ạ.

- Vậy thì càng hay. Cậu nên đem theo xe đạp cho cơ động. Chỗ nào không đạp xe được thì vác. Năm nay cậu bao nhiêu tuổi nhỉ?

- Thưa anh, tháng Mười một vừa rồi em tròn 25.

- Cái tuổi tuyệt vời ! Nên tranh thủ lúc tuổi còn trẻ, sức còn khoẻ, lại chưa vướng víu gì. Hãy đi cho thật nhiều vào. Chứ đến lúc như tôi thì đi đâu cũng kích dích lắm.
                                                *
Tôi theo đúng lời ông khuyên. Tôi đáp xe lửa đến Thanh Hoá, đạp xe ra Sầm Sơn, rồi bắt đầu lần theo bờ biển, mỗi nơi dừng lại một buổi hoặc hai. Riêng những bãi biển đẹp như Cửa Lò, Cửa Hội tôi dừng lại hẳn bốn năm ngày. Gần hai tháng sau, tôi đến bãi biển Cửa Tùng. Bấy giờ việc ra đó chưa có quy chế nghiêm ngặt như sau này. Trong chuyến đi tôi đã được nếm mùi say sóng, hưởng những bữa ăn cá trừ cơm, được tham dự và do đấy, thấy cuộc sống thật sự của người dân làng chài.
  Đấy là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất tôi được đi một chuyến “ngao du” thú vị đến như thế, và tôi hết sức biết ơn Hoài Thanh. Đến mỗi nơi, tôi đều gửi thư về Vụ báo cáo để giữ liên lạc. 
                                             *
Đầu tháng Tư đến Cửa Tùng, tôi ghé vào Uỷ ban Vĩnh Linh thì nhận được điện gọi tôi cấp tốc về cơ quan. Tôi vội lên xe ca về Hà Nội. Sau đấy một tháng, tôi lên đường sang Liên Xô công tác.
 Đầu năm 1960, hết đợt công tác, tôi về Hà Nội thì Vụ Nghệ thuật đã tách ra làm hai: Vụ Sân khấu và Vụ Âm nhạc Múa. Hoài Thanh đã sang cơ quan khác. Bản thân tôi thì sau đấy sang tiếp Liên Xô, theo học khoa đạo diễn trường Đại học Sân khấu ở Moskva, bước hẳn vào nghề đạo diễn sân khấu. Từ đó chỉ thỉnh thoảng tôi mới được gặp Hoài Thanh, nhưng không có dịp nào được trò chuyện nhiều với ông nữa.
1998

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét