Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2016

HAI ÔNG GIÀ- VỀ GORKI







NGHE LỎM HAI ÔNG GIÀ  
về GORKI

            - Hôm qua tôi bỗng nhiên bắt gặp trên mạng một cuốn sách hết sức lý thú, đáp ứng đúng điều tôi đang băn khoăn, hình như cũng là vấn đề Cụ băn khoăn…


            - Và cuốn sách ấy đã giải đáp cho cái điều hai lão “khọm” chúng mình băn khoăn ấy ? Chà, hay đấy !  Tên cuốn ấy là gì ?


            - Tên rất đặc biệt : “Liệu có ông Gorki hay không”, nguyên văn tiếng Nga là “Был ли Горький ?” còn có thể dịch là “Có cái nỗi cay đắng ấy hay không ?” Vì hẳn Cụ biết rồi đấy, gorki tiếng Nga có nghĩa “cay đắng” hay “chua chát”. Cái tên ấy ông ta tự chọn và dùng làm bút danh… Tên sách “Был ли Горький ?” cũng có thể dịch là “Phải chăng đã có một nỗi cay đắng ?…Tôi mừng quá, bèn đọc luôn, thì thấy nhiều chuyện rất lạ và làm tôi sáng tỏ. Cụ cũng đọc được tiếng Nga thì thử đọc một cái, sẽ biết thêm nhiều điều lý thú. Tiếc rằng tôi quên mất đường link, nhưng tôi nghĩ cụ gõ GORKI MAXIM trong GOOGLE có thể ra đấy. Chà, một cuốn sách tuyệt vời. Tôi cam đoan Cụ mà tìm được và đọc thì sách cuốn hút đến mức không thể rời ra được. Tôi có download một số đoạn quan trọng. Cụ muốn ngó qua thì quá bộ đến tôi.


            - Để tôi cố tìm trên Internet đã. Nếu không thấy thì mới phải phiền đến Cụ.


            - Ra bây giờ tôi mới hiểu tại sao ông nhà văn tuyệt đỉnh ấy đang sống yên ổn và viết ở Italia thành công và được hâm mộ đến như thế, mà lại bằng lòng trở về Nga và sau đấy lại ủng hộ STALIN và chế độ độc tài đẫm máu của hắn ta đến mức khó hiểu. Thì ra ông già bị nhầm, Cụ ạ ! Dần dần khi Gorki bắt đầu hơi hiểu ra thì bị an ninh mật của Stalin thủ tiêu ngay bằng một liều thuốc độc.


            - Gorki chết vì bị đầu độc ?


            - Sau này, khi Stalin đã chết, Khrusov lên thay, nghe loáng thoàng thấy những hành xử tàn ác của vị tiền nhiệm “vĩ đại” bèn thử cho điều tra. Thì bộc lộ ra rất nhiều tội ác của ông ta, và một nhân viên an ninh mật khai đã được lệnh đầu độc hai cha con nhà văn hào và đã thực hiện.

            - Cả ông con nữa ? Chà ! Quá bất ngờ đối với tôi đấy, Cụ ạ.


            - Cụ ngờ được không, ông con trai thật ra là người được cơ quan an ninh tuyển mộ, được giao nhiệm vụ sang Italia sống bên cạnh bố để vừa bám sát điều tra, vừa lái ông cụ đi theo hướng lãnh tụ Stalin đề ra. Nhưng toàn bộ cuốn sách được viết bởi một nhà nghiên cứu có lương tâm đồng thời có trình độ nhận xét rất tinh tế. Thì ra Gorki không như chúng ta hiểu.


            - Không phải nhà văn vĩ đại  ?


            - Ông ấy vĩ đại thì đúng, nhưng cuốn sách truy ra được nguyên nhân tại sao Gorki bị Stalin thôi miên và một thời gian dài đã cúc cung ca ngợi lão ta đến thế.


            - Tại sao ?


            - Gorki đúng là một nhà văn thiên tài. Chỉ có điều ông ấy nhận định sai lầm một số điểm…


            - Thí dụ ?


                        - Chà, vấn đề vô cùng phức tạp. Chẳng thế cuốn sách lại có tên là “Có cái nỗi cay đắng ấy không ?” Qua cuốn sách tôi mới hiểu thêm nhiều điều về con người Gorki và hiểu được tại sao tầng lớp trí thức lại nhiều người, tương tự như Gorki, đã bị cái lý thuyết nguy hiểm kia cuốn hút, đã tin tưởng đi theo để cuối cùng, đến khi nhìn ra thì liền  bị giam vào trại tập trung, rồi chết trong công trường xây dựng đường xe điện ngầm ở Moskva ! 


                        - Hoặc trên công trường xây dựng kênh Vonga- Don !


                        - Đúng thế. Để xây dựng những "công trình thế kỷ” ấy Stalin ra lệnh sử dụng tù nhân, kể cả tù chính trị, và hàng chục vạn người đã chết vì vất vả, đói khát trên ấy. Trong số ấy có nhiều nhà văn, nghệ sĩ, nhà khoa học…


\                       - Đúng thế. Và cuốn sách này nói về một trí thức Nga, tiêu biểu cho tầng lớp “thầy giáo làng” Nga.

                        - “Thầy giáo làng” ?


                        - Đúng thế. Chẳng là vào thời ấy, tức là những năm bản lề của thế kỷ 19 và 20, không khí nước Nga ảm đạm khủng khiếp. Cuộc sống của con người, trước hết là công chức và cả trí thức, bế tắc, nhạt nhẽo, vô vị đến phát sợ. Chắc Cụ đã đọc Sêkhov, thấy những con người bế tắc đến mức nào rồi ? Các nhân vật trong tác phẩm của Gorki cũng nhạt nhẽo, vô vị như thế. Họ chán chường, kéo lê cuộc sống một cách uể oải. Gorki phản ánh và phê phán kiểu sống ấy, và ông ta đã băn khoăn : “Sống giống như mọi người thì vô vị, mà sống khác đi thì thật khó”. Ông ta bỏ sang Italia sống và viết. Ông ta viết thành công đến mức mấy lần được đưa vào danh sách xem xét giải Nobel Văn chương. Thế rồi ông ta gặp chủ nghĩa Mác, thấy ra giá trị tuyệt vời của cái chủ nghĩa ấy. Xây dựng Một thiên đường mà lại không có Thượng Đế (Chúa) ! Và một xã hội sẽ tạo nên những con người lý tưởng : lành mạnh, dũng cảm, thương yêu nhau, ai cũng có trách nhiệm đối với người khác và với toàn xã hội. Stalin biết tâm trạng ấy và nhân đang cần một “lá cờ” cho phong trào văn học nghệ thuật xô-viết bèn tiến hành một chộc vận động quy mô lôi kéo Gorki về nước. Thằng con trai, đã là người của cơ quan an ninh, sang gặp bố và khéo léo thúc đẩy quá trình ấy. Để thực hiện mưu đồ thuyết phục nhà văn, Stalin ra lệnh hàng vạn nhà máy, nông trường và vô số nhà hoạt động nổi tiếng phải viết hàng chục vạn lá thư tỏ niềm thán phục và khẩn khoản mời ông về với Tổ quốc,với đồng bào. Rồi tất cả các thành phố đều được lệnh “phải có một phố loại lớn nhất đổi tên là "phố mang tên Maxim Gorki". Thế là Gorki cảm động, quyết định về. Ông xúc động trước tình cảm tha thiết của đồng báo trong nước, nhưng còn một nguyên nhân nữa khiến ông quyết định “về” là ông tin rằng tiếp cận tận mắt thực tế “xây dựng con người mới” ở Nga, ông sẽ thu thập dược nhiều chất liệu quý, sẽ có thực tế “hiển hiện ngay trước mắt” để viết về quá trình xây dựng một nước Nga mới, công bằng, bác ái, mọi người thương yêu lẫn nhau, cái quá trình mà ông biết hết sức khó khăn, nhưng cũng hết sức phong phú. Gorki tính nếu về nước, ông sẽ viết về họ, về sự chuyển biến tuyệt diệu, tất nhiên cuộc chuyển biến ấy hết sức gian nan nhưng tuyệt đối cần thiết, nếu muốn xây dựng một nước Nga “mới” thì cần phải có những “con người mới” ấy. Ông cảm động vô cùng khi được đón tiếp hết sức long trọng và nồng nhiệt tại ga xe lửa đầu tiên trên đất xô-viết… Ông vốn nhiễm tâm lý phổ biến của đại đa số dân thường nước Nga : thán phục những ai đúng là “kẻ mạnh”, hoặc ta tạm dịch là “dũng mãnh” hoặc “ngươi hùng”, và ông thấy Stalin đúng là con người như thế : dám làm mọi thứ để “cải tạo đất nước và con người Nga”.


                        - Cũng vì cái  tâm lý phổ biến ấy của dân thường Nga mà ngày nay họ sùng bái Putin. Bởi ông ta đúng là “người hùng”. Chà, tôi cũng võ vẽ tiếng Nga nên cũng hiểu nghĩa cái từ "cilnii" kia. Bởi Putin đúng là con người hùng lý tưởng. Làm chính trị giỏi, chỉ huy quân đội giỏi, lại giỏi cả các môn thể thao, nghệ thuật, kể cả múa hát… Cụ đã xem ông ta tham dự cuộc thi “TÀI NĂNG TRẺ ” trên sân khấu, trước Hội đồng Giám khảo và hàng chục máy quay phim chưa ? Tôi thì thấy đấy là trò hề nhưng dân Nga chất phác lại tin sái cổ. Họ tin Putin xứng đáng là “người hùng thời nay”. Một mình dám đương đầu với cả thế giới Phương Tây đang bao vây và đố kỵ nước Nga…

                        - Cụ nói đúng. Dân Nga phục và mê hắn ta đến mức sùng bái. Vì Putin chính là “người hùng” trong mơ ước của dân thường nước Nga. Thêm vào đấy là hệ thống truyền hình do Putin điều khiển và giám sát chặt chẽ. Nhưng xin Cụ cho phép ta quay lại câu chuyện chính. Vào thời điểm ấy triết gia Nietzsche bắt đầu nổi danh và trong lý thuyết ông này cũng lại có câu đại ý nói, nếu cứ để tự nhiên thì con người vốn bạc nhược sẽ chỉ bạc nhược, cho nên mỗi người phải tự rèn hoặc “bị rèn”, và rèn một cách quyết liệt, mới có cơ thành sắt thép, thành con người xứng đáng, đúng nghĩa là “Con Người” chữ hoa. Cho nên mấy chục năm đầu sống trong nước, Gorki chăm chỉ đến các trại giam tù nhân để tham quan và chứng kiến những trại cải tạo mà ông cho là những "lò rèn" nghiệt ngã nhưng hết sức cần thiết, biến “phế phẩm” thành sản phẩm mẫu mực. Khi nghe thấy tù nhân, cả các trẻ vị thành niên, do phạm pháp bị giam, gào lên từ phía sau trại giam : “Ông cứu chúng cháu với !” hoặc “Ông nhà văn vĩ đại ! Cứu chúng tôi với”… Gorki rất thương nhưng nghĩ, đây là “lò rèn”, phải dùng cách này và chỉ dùng cách này mới biến được những kẻ kém phẩm chất thành những con người chân chính, biến phế phẩm thành sản phẩm mẫu mực… Gorki tán thành và lên tiếng bênh vực các biện pháp cực kỳ tàn bạo của Stalin và tin rằng Stalin làm thế là đúng, là cần thiết, để cải tạo tận gốc con người Nga và xã hội Nga thành những con người mới, có thế mới xây dựng được một xã hội mới lý tưởng… Nhiều nhà văn, bạn cũ của ông đang bị giam oan uổng, viết thư năn nỉ ông bênh vực, nhưng Gorki không làm gì để giảm nhẹ số phận của họ. Nhiều người trách Gorki quá hèn, là chỉ nhìn bề ngoài mà không biết suy nghĩ bên trong của ông. 


                        - Xin phép Cụ, ta rẽ ngang một cái. Tôi thì còn biết ơn Gorki ở một việc. Nghe nói khi Stalin đề ra việc phong “danh hiệu” cho văn nghệ sĩ, Gorki thấy "thối" nhưng không bác bỏ được, ông đành chỉ đề nghị riêng giới nhà văn thì xin miễn. Stalin mới đầu không hiểu, hỏi tại sao, thì Gorki trả lời, các nghsixc khác thì  có thđược đánh giá qua những thành tt]ụ hđã đạt được, nhưng với nhà văn thì không thể. Nhà văn có đặc điểm là khó ai biết trước được giá trị đích thực của họ. Một nhà văn trẻ, bình thường đột nhiên cho ra một tác phẩm thiên tài chẳng hạn. Nếu chỉ căn cứ vào thành tích trong quá khứ thì không đủ. Nhờ thế đám nhà văn chúng tôi thoát được các danh hiệu “nhân dân” hoặc “ưu tú” dớ dẩn và bịp bợm kia ! Tôi xin lỗi đã lạc dòng, xin Cụ tiếp tục câu chuyện tuyệt vời về Gorki đi.


                        - Phải đến mãi sau, Gorki mới dần dần nhận ra đôi chút và khi ấy, thằng con báo cáo cơ quan an ninh, thế là nó bị thủ tiêu để bịt đầu mối, và năm sau thì đến lượt ông bố …


            - Chà ! Câu chuyện đáng suy nghĩ, về nguyên nhân tại sao nhiều người tốt vẫn bị cái chủ nghĩa ấy quyến rũ.


            - Thôi, cũng muộn rồi. Câu chuyện dở dang, mai gặp nhau ta trò chuyện phiếm tiếp, Cụ nhé ?














Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét