Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 7 tháng 9, 2015

KỶ NIỆM NHỎ (1)



KỶ NIỆM NHỎ

…   Khoảng năm 1986, khi lãnh dạo vừa mới đưa ra “đổi mới” bãi bỏ bao cấp và “cấm chợ ngăn sông”, thực hiện “kinh tế thị trường”, tôi còn ngây ngô, chưa biết thế là sao...
       Rồi vài hôm sau, tôi đang đạp xe trên phố Nguyễn Công Trứ, thì nhìn thấy ông bạn VŨ HOÀNG ĐỊCH (em ruột nhà thơ Vũ Hoàng Chương) lúc ấy là Viện trưởng Viện Triết học, cũng đang đạp xe nhưng ngược chiều với tôi. Nhìn thấy tôi, anh vội đỗ lại, dắt xe vào hè : 
      - Này, mình cần nói ngay với cậu một câu. Ngồi xuống đây
      Anh ngồi vào chiếc ghé dài của hàng nước chè trên hè phố. Tôi ngồi xuống theo, ngạc nhiên, không biêt chuyện gì mà nét mặt anh có vẻ quan trọng thế. 
       Anh nói luôn : 
-     Mình phải giải thích kinh tế thị trường là gì để vợ chồng cậu biết và liệu đối phó. Kinh tế thị trường là chợ giời...  - Thấy  tôi ngơ ngác, chưa hiểu, anh nói tiếp : - Là sẽ có hàng thật có hàng giả, có ăn mày có kẻ cắp…Cậu nói với cô Thúy để cô ấy hiểu và liệu mà sống. Mà cảnh giác ! Cậu trả tiền nhé. Mình đang vội đi có việc… 
        Rồi anh đứng dạy lấy xe, vội vã đạp đi tiếp… Tôi trả tiền bà chủ hàng nước rồi cũng ra lấy xe. 
                                                                           *
       Sau này, tìm hiểu tôi mới thấy kinh tế thị trường đúng là cần thiết, nhưng cũng nảy sinh lắm “tiêu cực”. Như thế thì thi hành nó làm gì ? Thấy cần hiểu rõ thêm, tôi bỏ bao công sức ra đọc sách vờ tài liệu, cuối cùng mới vỡ lẽ. 
       Thì ra muốn thực hiện kinh tế thị trường thì phải kèm theo luật pháp nghiêm minh, trong khi ờ ta làm gì có luật pháp ?… Kinh tế thị trường như tay ga, còn luật pháp như cái phanh. Xe chỉ có tay ga mà không có phanh thì đâm loạn xạ là lẽ tất nhiên. 
                                                                          *          
        Ta cũng nói “pháp quyền” đấy, nhưng là nói cho vui thôi. Anh A, hoặc anh B, anh C... bảo thằng ấy có tội thì nó là có tội, bảo nó không có tội thì nó là không có tội. Đấy là “chuyên chính”, thứ không cần đến luật pháp. 
         Ông tổ Lênin đã chẳng định nghĩa “chuyên chính vô sản” là gì đấy thôi : “Về mặt khoa học, khái niệm chuyên chính có nghĩa là một chính quyền dựa trực tiếp vào vũ lực, không bị hạn chế bởi bất cứ luật lệ nào, không bị gò bó bởi bất cứ nguyên tắc nào… »[i] Người ta ban bố điều luật này điều luật nọ chỉ để cho vui, thế thôi. Như thế, ở ta là thứ « kinh tế thị trường loạn xạ, không có luật pháp kiềm chế… » và sẽ « có hàng thật có hàng giả, có ăn mày có kẻ cắp… » như anh bạn tôi hôm ấy đã cảnh báo là tất nhiên. Vì không có "tay phanh" nên hàng giả và kẻ cắp ngày càng xuất hiện nhiều... đến mức đa số là hàng giả và nửa chợ là kẻ cắp...
.

                                        Về NGUYỄN HỮU ĐANG

          Năm  ấy, khoảng 1942-1943 thì phải, Đáp Cầu quê tôi lập Chi hội TRUYỀN BÁ QUỐC NGỮ, hình như là Chi Hội đầu tiên, ngay sau khi Hội ra mắt tại Hà Nội. Bác tôi, NGÔ THẾ PHÚC (anh ruột mẹ tôi, sau là Đại biểu Quốc hội Khóa I, khóa đầu tiên) đứng ra thành lập. Cha tôi vốn là giáo viên, rất nhiệt tình, tích cực tham gia dạy những lớp học cho người mù chữ, và tổ chức, vận động người khác cùng đi dạy, thường vào buổi tối. Hoạt động của Chi hội ở quê tôi hoạy động rất đa dạng, tổ chức nhiều sinh hoạt vui chơi hỗ trợ và quảng bá cho phong trào, thí dụ lập ra Ban Khánh Tiết, lâu lâu lại tổ chức biểu diễn để gây thanh thế.
                                                                          *
           Tôi có giọng hát khỏe, vang nên thường được huy động tham gia. 
          Tôi còn nhớ tiết mục hát đồng ca các bải ca yêu nước của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước lúc ấy rất được hâm mộ như « ẢI CHI LĂNG », « BẠCH ĐẰNG GIANG »… , và nhiều hành khúc viết cho thanh thiếu niên của nhạc sĩ Hoàng Quý… Tôi còn nhớ Ban Khánh tiết của Chi hội TBQN khéo léo điều đình ở làng nào trong vùng (xưa vốn có tên là đất Kinh Bắc) mượn được con ngựa gỗ "thờ" rất to, sơn son thếp vàng, xưa nay vẫn được thờ giữa đình, chở về, đem bầy giữa sân khấu làm khung cảnh cho những tiêt mục đồng ca... 
        Tôi có giọng vang và to nhất, được giao đảm nhiệm vai trò lĩnh xướng, mặc áo bào, đội khăn vàng, ngồi trên lưng con ngựa gỗ sơn son thếp vàng to tướng, tay giơ cao thanh kiếm tuốt trần, lấy hết sức gào : « Chi Lăng ! Chí Lắng ! Tiếng ai hò reo vang trời ! Chi Lăng ! Chí Lắng ! Bóng ai tranh hùng  muôn đời… » Thế là cả đội đồng ca 12 đứa, mặc quần áo lính thời cổ, đội nón chóp có tua trên đỉnh, chân quấn xà-cạp, đứng cầm ngọn dáo nhọn hoắt, chia ra tua tủa hai bên, mỗi bên 6 tên…hát bắt theo : « Trời âm u, gió tung, rú lên, rít lên ào ào… Rừng thông rên xiết dưới làn bão… »
                                                                          *
        Chính nhờ những hoạt động ấy mà tôi bắt đầu say mê âm nhạc, tự tập nhạc lý, rồi năn nỉ thưa với cha tôi để Người mua cho tôi một cây đàn « băng-giô »…
                                                                          *
        Ông Đang  lúc ấy là Tổng Thư ký Hội TBQN, rất hay từ Hà Nội sang Đáp Cầu quê tôi kiểm tra, thu thập kinh nghiệm để phổ biến cho các chi hội ở những địa phương khác. Cha tôi cho biết « i tờ dấu móc cả hai, i ngắn có chấm tờ dài có ngang… rồi  O tròn như qur trứng gà, Ô thì đội mũ, Ơ là thêm râu» và nhiều câu vè dễ thuộc khác chính là do ông  Đang đặt ra. 
        Mỗi lần sang Đáp Cầu, ông đều đến nhà tôi đầu tiên. Tôi gọi ông là « bác » theo lối thông thường tôi vẫn gọi các bạn cha tôi, không tính tuổi tác. Nhưng ông Đang bảo : « Gọi là « chú » thôi. Chú kém tuổi cậu cháu nhiều… » 
                                                                         *
        Cuối năm 1945 tôi ra Hà Nội, học trường Chu Văn An, thỉnh thoảng cũng gặp « chú Đang » và nghe loáng thoáng bây giờ chú ấy làm to lắm… Vì rất hay sang Đáp Cầu quê tôi, ông Đang gặp gỡ và quen biết khá nhiều người, trước hết là những người tích cực tham gia hoạt động của Chi Hội Truyền  bá Quốc Ngữ, nhưng ông thân với cha tôi nhất. 
                                                                        *  
         Tôi có ông Bác, gọi bà nội tôi là cô ruột, sau 30-4-1975, tôi vào Sài  Gòn có đến thăm ông. Ông tên là Ngô Thế Trùy. Ông kể chuyện ông đã suýt bị Việt Minh xử tử như thế nào năm 1945. Vì bấy giờ, ông sống ở Thái Nguyên và là người giầu nhất thị xã. Khi Việt minh nổi lên, ông bị tống giam, vì bị quy là « tư sản mại bản, buôn bán thóc gạo với Pháp với Nhật…" Nhưng rồi đột nhiên, trước ngày ra trường bắn, ông bỗng được thả. Thế là hai ông bà cùng con cái cuống quít thu vén, chỉ kịp nhét mấy bộ áo quần để thay đổi vào bị cói, bỏ nhà cao cửa rộng, chạy bán sống bán chết về  quê. 
       Năm sau ông đang tản cư thì lại bò vùng tự do, theo mấy người, « dinh tê » vào Thành Hà Nội. Rồi năm 1954, sau Hiệp định Đình chiến Genève, ông bà lại khăn gói "chạy" di cư vào Sài Gòn… Tóm lại là sau cái lần « hút chết » kia ông « quyết chí cao chạy xa bay ». Ông kể tôi nghe chuyện vì sao ông được thả khỏi trại tử tù Thái Nguyên… 
        "Theo bác biết, người « cứu » bác thì ra chính là ông Đang, bạn của cậu cháu. Chẳng là trong Quốc Dân Đại hội ở Tân Trào, ông Đang được cử vào Chính phủ Lâm Thời. Lúc xong Hội nghị, trên đường về xuôi, ông Đang ghé vào Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Thái Nguyên, tất nhiên được đón tiếp rất long trọng. Bí thư Việt Minh tỉnh báo cáo với « Ủy viên Hội đồng chính phủ Lâm thời » về công tác của tình, trong có mục « Diệt Gian ». Khi xem danh sách những tội nhân sắp bị xử tử, ông Đang thấy có tên Ngô Thế Trùy. Không biết đấy là ai, nhưng thấy họ « Ngô Thế » là họ rất phổ biến ở Đáp Cầu, cùng với họ "Vũ Đình", hai tộc họ lớn nhất, ông đoán là người Đáp Cầu. Hỏi ra thì đúng là người gốc Đáp Cầu thật. Khi ông ấy hỏi tội gì thì Bí thư Tỉnh trả lời là «tên này nhiều tội lắm : tư sản mại bản, giầu có nhất tỉnh này, buôn bán thóc gạo với Nhật này, còn vô số tội khác… » Ông Đang nói : « Nếu không có tội chính trị mà chỉ là tội kinh tế thì không đáng bắn… » Thế là ngay sau đấy Tỉnh bộ Việt Minh ra lệnh thả bác… ». Bác Trùy nói thêm : « Bác đội ơn ông Đang nhiều lắm, nhưng không biết trả  ơn cách nào… »
            Khi tôi kể ông Đang cũng đang bị tù thì ông bác tôi im lặng. Ông không hỏi gì thêm mà chỉ im lặng. Có vẻ ông đang suy nghĩ gì đấy… Nhân kể về ông Trùy, tôi muốn nói thêm đôi điều.
                                                                             *
          
         Bác là người thân trong gia đình tôi. Chẳng là do hai cụ thân sinh bác mất sớm nên từ nhỏ bác đã được bà nội tôi nuôi, dạy và gây dựng. Vì thế bác rất thân với cha tôi. Lúc tôi về nhà bố mẹ, báo tin sắp vào Sài Gòn, bố mẹ có căn dặn gì không, thì cha tôi chỉ muốn một điều : "Con cố tìm Bác Trùy và nói với Bác một câu  thôi, là “Cha cháu rất nhớ bác ”. 
         Tôi đến Sài Gòn hôm trước thì hôm sau tìm đến nhà bác. Mở cửa, vừa nhìn thấy tôi bác đã quàng tay ôm ghì lấy tôi, rồi nghẹn ngào nói trong nước mắt : “Ôi, Bác nhớ cậu cháu lắm !”

         Sau đấy hai bác giữ tôi ở lại một ngày đêm để “tâm sự”, coi tôi hoàn toàn như con đẻ, đứa con đi vắng bao năm bây giờ trở về. 

                                                                                *

        Bác gái kể : “Hồi  mới vào đây, hai bác một xu dính túi cũng không có. Bác trai chưa có công ăn việc làm ổn định, cứ suốt ngày đi lang thang các phố, xem ai có việc gì thuê thì nhận làm. Cuộc sống khốn khổ lắm. Cái hôm giỗ Cụ, bác tính ngho mấy, túng mấy cũng phải có mâm cơm cúng. Vét hết thì chỉ còn tờ hai chục, vẫn để dành phòng khi có gì bất trắc xảy ra. Bác mang ra chợ Bến Thành, tính mua con gà nhỏ. Mặc cả đồng ý mười hai đồng, bác đưa tờ hai chục, ai ngờ bà bán  gà nhìn lầm tưởng tờ hai trăm, trả lại một trăm tám mươi tám đồng. Người bác run lên.  Cầm tiền trả lại xong, bác vội vã chạy đi, như chạy trốn, chỉ sợ bà bán gà nhớ ra... Bác vừa chạy vừa khấn, cầu hương hồn ông bà tha thứ và phù hộ… Chuyện này về sau mỗi lần nhớ lại, bác ân hận lắm, nhưng nghĩ chắc chắn bà bán gà ở chợ Bến Thành hôm ấy, không thể túng như bc. Bà ta buôn bán, mỗi ngày phải kiếm hàng trăm... mà mình thì ngày giỗ cha mẹ không thể không có gì đặt lên ban thờ...Đã có lần bác ra dò la xem có thấy bà bán gà hôm trước  không, nhưng không nhận ra được ai vào với ai...

                                                                              * 

            Trong số chuyện Bác trai kể, có một câu chuyện xảy ra trong gia đình hai bác, rất lạ, khiến tôi nhớ mãi. Chẳng là hai bác có anh con trai gần út, to khỏe, chơi thể thao và học hành đều giỏi, được tuyển đi học lái  máy bay ở Hoa Kỳ. Nhưng khi chính thể Cộng Hòa sụp đổ, anh mới học xong năm đầu. Còn phải học thêm một năm bên ấy nữa.  Đúng lúc ấy, C.I.A. đang rất cần tuyển thêm người bản địa để cài cắm thêm ở đây thời gian “hậu chiến”. Họ thương lượng với anh nhưng anh từ chối. Họ cố thuyết phục, nhưng anh ấy vẫn nhất quyết : "Không !"

         Thế rồi một hôm hai bác nhận được thông báo của Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Sài Gòn, cho biết con trai bác ăn cắp bị bắt quả tang, xấu hổ quá, đã tự tử  Kèm theo đấy l Thư tuyệt mệnh của anh. Thư viết (tôi được bác cho xem, nhưng lâu quá rồi, không nhớ  từng chữ), đại khái :  Thưa cha mẹ ! Tôi ăn cắp chiếc máy ảnh của bạn học, bị phát giác nên rất xấu hổ, kng muốn  sống nữa. Tôi quyết định tự tử. Mong cha mẹ tha thứ. Ký tên.” 

           Hai bác đọc xong, thấy rõ ràng  thư giả vì nét chữ rất lạ, thêm nữa anh con trai không bao giờ gọi hai thân sinh bằng “cha mẹ và xưng “tôi  như thế. Bác trai kể nỗi nghi ngờ cho một người bạn là nhà báo. Thế là số báo sáng hôm sau đưa câu chuyện lên trang đầu với hàng chữ tít rất to chạy hết chiều ngang trang báo : “TÒA LÃNH SỰ HOA KỲ LÀM TRÒ BỈ ỔI”... Báo bán chạy như tôm tươi và ngay trong ngày hôm ấy liên tục phải in thêm bản

         Hôm sau, tất cả báo chí Gài-gòn  đều đưa tin với những tít còn dữ dội hơn : “MỘT TỘI ÁC MỚI CỦA HOA KỲ.” v.v... Câu chuyện lan nhanh như vũ bão khắp thành phố, người ta bàn tán công khai, chưởi bới Tòa lãnh sự Hoa Kỳ... Cuối cùng Tòa Lãnh sự phải gửi thư xin  lỗi, và hứa đưa thi hài nạn nhân về trao cho gia đình. Ít hôm sau, hai bác nhận được một kiện hàng lớn bằng tôn, bên trong là bộ quan tài bằng pha lê, nhìn  thấy rõ khuôn mặt khôi ngô, bình thản của cậu con trai, chỉ như đang ngủ. 
         Bác Trùy đưa cho tôi xem toàn bộ hồ sơ vụ việc mà Bác chất đầy tủ sách, giữ lại làm kỷ niệm : các thư trao đổi giữa gia đình và Tòa Lãnh sự Hoa Kỳ, những số báo có đăng bài xung quanh vụ scandal, cả toàn bộ những tấm ảnh chụp, trước hết là chụp chiếc quan tài bằng pha lê từ nhiều góc nhìn... Tôi đọc tất cả, xem kỹ các tấm ảnh chụp, và còn nhớ một tấm nh chp biển hiệu hng sản xuất loại quan tài đặc biệt này, bằng đồng, có hàng chữ : “Sản phẩm số ... của Hãng... bảo đảm trong vòng hai trăm năm thi hài bên trong không bị biến dạng.” Hai trăm năm ! Kỹ thuật của họ quả là đáng nể.
           Tôi có hỏi : “Bác giữ quan tài anh ấy ở chỗ nào, cháu muốn xem được không ạ ?”
          Bác Trùy cười buồn : “Giữ làm gì, cháu ? Bác đem ra nghĩa trang chôn rồi. Hôm đám tang, rất nhiều nhà báo và dân chúng đến dự. Họ chụp rất nhiều ảnh.”
                                                                                                            HÀ NỘI 9/2015
                                                                                                                  V.  Đ. P.


[i] Theo ANATOLI TILLE trong cuốn “Liên Xô - nhà nước phong kiến trá hình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét