Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2015

VẤN ĐỀ PHƯƠNG ĐÔNG PHƯƠNG TÂY




 VẤN ĐỀ PHƯƠNG ĐÔNG PHƯƠNG TÂY
             
            Từ thuở nhỏ, sống ở quê, đặc biệt sống trong gia đình ông bà nội, tôi đã luôn nghe thấy những cuộc tranh cãi sôi nổi về khác nhau giữa Phương Đông và Phương Tây. Thật ra bấy giờ người ta gọi là “giữa châu Âu và châu Á”, thậm chí có người gọi là giữa Tây và Ta ! Mỗi người nhìn theo một khía cạnh. Tôi thử xăp sếp lại đôi chút cho có mạch lạc xem sao. 
                                                                                     *
            Ý kiến khác nhau đầu tiên là “Châu Âu nghĩ kiểu Đàn ông, Châu Á nghĩ kiểu Đàn bà” Lập luận của đám này là đàn ông muốn đơn giản hóa các tục lệ, thí dụ cúng giỗ, kiêng khem đủ kiểu…vv.

            Nhận định khác nhau thứ hai là “Âu tiến bộ, Á lạc hậu” .

           Rồi mấy năm sau, quân đội Nhật sang chiếm đóng, tài liệu, tranh ảnh tuyên truyền, quảng cáo cho cuộc vận động ĐẠI ĐÔNG Á và ca ngợi nền văn hóa Xứ Phù Tang, coi như mẫu mực, được phát không, tràn lan trên các đường phố quê tôi. Khi ấy, người ta ca ngợi đàn bà Nhật đã xinh đẹp, hiền dịu, lại chiều chồng... Bấy giờ câu tôi hay nghe thấy người lớn bàn tán lại là : "Lý tưởng nhất là “Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật”…
                                                                             *
            Năm 1939, lúc tôi về quê sống với gia đình ông bà nội để bắt đầu đi học, thì quê tôi – Đáp Cầu-  đã phát triển rất lớn, gần như một thành phố. Tuy thế mọi người, kể cả lớp trẻ, cũng vẫn dùng chữ “làng”, mặc dù nhà nước bảo hộ Pháp gọi Đáp Cầu là “Thành phố" (Ville de Đapcau). 
                                                                             * 
           Tôi về quê năm trước thì năm sau cha mẹ tôi được ông bà nội cho một ngôi nhà hai tầng mặt đường “trên phố”. Vì “làng” tôi lúc ấy đã gần như tách ra thành hai khu vực khá riêng biệt : “làng” và “phố” : khu vực “làng” vẫn có lũy tre rậm rạp, những mái nhà tranh tồi tàn hai bên những ngõ xóm chằng chịt, bùn lầy nước đọng, trong khi khu vực “phố” thì gồm những đường phố trải nhựa rộng rãi, sạch sẽ, hai bên có vỉa hè lát gạch và những ngôi nhà “kiểu Tây”, làm cửa hiệu buôn bán, hoặc để ở. 
         Phố, nơi cha mẹ tôi sống cùng con cái, tên ta gọi là “Phố Chính”, tên Tây là “Rue Principale”. Tôi đã có bao nhiêu kỷ niệm thời thơ ấu tại số nhà mà tôi nhớ mãi, vì được ghi trên bì các thư từ, báo chí đặt mua dài hạn, gửi đến cho cha tôi : No 43 Rue Principale – DAPCAU… Đúng thế, cái địa chỉ bằng tiếng Pháp ấy, mỗi lần nhắc đến lại gợi cho tôi bao nhiêu kỷ niệm êm đềm thời thơ ấu. 43 Rue Principale – DAPCAU, 43 Rue Principale – DAPCAU... Đấy cũng là địa chỉ tôi ghi trên phong bì khi gửi thư về nhà mỗi lần đi đâu xa.
                                                                                          *
           Vào thời điểm ấy (thập niên 30 và đầu thập niên 40) phong trào Âu hóa đang phát triển nhanh chóng. Đầu tiên người ta "bắt chước" bề ngoài : cách ăn mặc... trước khi học theo chiều sâu. Tại quê tôi xuất hiện Rạp Ciné (chiếu bóng), sân quần vợt, trên sông Cầu thì môn thể thao bơi thuyền (perissoires, canoé) vv. và vv... Nam giới thôi không nhuộm răng đen, búi tó, mặc áo dài... mà cắt tóc ngắn, mặc âu phục... Đàn bà thì phải một thời gian sau mới thôi không nhuộm răng (ai đã nhuộm rồi thì cạo trắng), mặc áo dài kiểu "Le Mur" và về sau cũng mặc quần "sooc", đi giầy "Bata", đánh quần vợt như đàn ông... Đám trẻ truyền tay nhau những tiểu thuyết sướt mướt (được hâm mộ nhất là của Lê Văn Trương). Đấy là thời đã xuất hiện TỰ LỰC VĂN ĐOÀN, và nhà xuất bản ĐỜI NAY của họ cho ra liên tiếp những tiểu thuyết lãng mạn "kiểu Tây" của Nhất Linh, Khái Hưng... dành cho độc giả tân tiến... 
         Tôi nhớ tờ báo được hâm mộ nhất thời ấy của tầng lớp trí thức Tây học (lúc đầu còn ít, nhưng tăng rất nhanh) là PHONG HÓA, rồi NGÀY NAY; của tâng lớp "bình dân", ít học là  TIỂU THUYẾT THỨ BẨY của Nhà TÂN DÂN... đặc biệt là số Tết của nó, người ta đặt mua trước hàng thàng trời... Các cách ăn mặc, đến sinh hoạt... đều "nửa Tây nửa Ta". Tình trạng lố lăng này được VŨ TRỌNG PHỤNG miêu tả kể trong những phóng sự tuyệt vời của ông : "Kỹ nghệ lấy Tây", "Lục xì", "Xuân Tóc đỏ", "Giông Tố"... (Tôi còn nghe nói ông Phụng khi xây dựng nhân vật Nghị Hách cho cuốn "Giông tố", đã lấy nguyên mẫu từ ông trẻ tôi, em ruột bà nội tôi, cũng là một điền chủ giầu có, sở hữu một đồn điền rất lớn, đã "chạy" được chân Đại biểu trong Viện Dân biểu Bắc Kỳ, và được mọi người gọi là "ông Nghị". Giống như Nghị Hách trong "Giông tố", ông Nghị Phồn (ông trẻ tôi, tên đầy đủ là Ngô Thế Phồn) cũng có bà vợ là chủ một tiệm vàng loại to nhất Thành phố Hải Phòng.). Vào thời ấy, văn nghệ sĩ đi lại ở quê tôi rất đông. Ngoài Vũ Trọng Phụng, còn cả Ngô Tất Tố (cũng quê Kinh Bắc), Khái Hưng... (Chùa Long Giáng, nơi diễn ra câu chuyện "Hốn bướm mơ tiên" chỉ cách quê tôi vài km. Tiêu Sơn, còn gọi là Núi Tiêu, bản doanh của đám cựu thần nhà Lê chống lại Nhà Tây Sơn trong "Tiêu Sơn Tráng  sĩ", cũng cách quê tôi chỉ vài km... Ông Trần Dư (Khái Hưng) và nhà báo Ngọc Giao cây bút của TIỂU THUYẾT THỨ BẨY, quen cha tôi và thường hay đến nhà cha tôi chơi.   
         Lớp nam nữ trẻ bình dân và ít học rất hâm mộ và học đòi nước ngoài. Họ thích hát những bài hát theo nhạc Trung Hoa (Hà nhật quan tái lai...) hay Nhật (Đêm Trung Hoa China no yoru) và những bài hát rẻ tiền, lai căng khác.
                                                                          *
            Từ trước khi tôi về sống ở quê nhiều năm, những gia đình có khả năng đã đua nhau cho con sang Hà Nội học Quốc Ngữ và "tiếng Tây". Dần dần xuất hiện ở quê tôi cả một lớp trí thức trẻ Tây học. Một số về sau trở thành những trí thức thật sự.

                                                                               *

           Gia đình tôi hình như chính, hoặc gần như chính, là nơi giao thoa giữa hai nền văn hóa Âu và Á, kể từ Ông Nội tôi trở đi. 
          Ông nội đang học chữ nho thì Cụ Cố cho bỏ học chữ  Nho, sang Hà Nội học Quốc Ngữ và chữ Pháp. Ông vào học Trường Thông Ngôn (Ecole Des Interprètes), sau đấy ra làm cho một sở "Tây" (của người Pháp). Trong khi ấy, và cho đến cuối đời, Người chuyên mặc áo dài, đội khăn xếp. Làm “cho Tây” được hơn chục năm thì ông nội tôi xin thôi việc, về quê sinh sống. 
          Sau này có lần tôi hỏi, đang làm ở đấy lương cao, tại sao ông lại xin thôi việc thì ông nội tôi cười, nhe hai hàm răng đen nhánh : “Ông bị thằng Chef Bureau (Chánh văn phòng) đá đít, thế là ông ức, không thèm làm nữa.” Tôi hỏi, nó làm gì ông mà ông bảo “đá dít”?. Ông tôi cười kể lại câu chuyện, thì ra là “đá đít” thật. Chẳng là bấy giờ ông làm ở Sở Tây, nhưng trọ ở Hàng Bồ. Hôm ấy ông chót ngủ quên. Nhìn đồng hồ thấy đã trễ, ông vội mặc quần áo ba chân bốn cẳng chạy đến Sở. Vì chưa kịp ăn sáng, ông ghé vào hàng bánh mì, mua vội một chiếc kẹp chả, thủ vào bọc. Đến Sở thì may thay vừa đúng giờ, chưa bị trễ. Ông giấu chiếc bánh mì vào hộc bàn, thinh thoảng nhìn không thấy ai, lấy ra cắn vội một miếng rồi lại giấu vào hộc. Ai ngờ thằng Tây làm Chef Bureau nhìn thấy. Hắn oai vệ bước đến, lôi chiếc bánh mì ăn dở giấu trong hộc bàn ra. Hắn ném vào mặt ông, mắng : “Salaud !!” Rồi kéo ông đứng lên, hắn đá vào mông ông, quát thêm lần nữa: ”Cochon!”. Thế là ông tức, viết luôn đơn xin thôi việc. Và hôm sau khăn gói về quê… 
                                                                               *  
         Tuy tức với thằng Chef Bureau, nhưng ông tôi vẫn ca ngợi "văn minh của "dân Tây" và mỗi lần có việc sang Hà Nội, hay cho tôi đi theo và tôi thấy ông nội tôi rất thích uống rượu vang và ăn các món Pháp, thường là ở Khách sạn METROPOLE. Và ông nội tôi vẫn cho cha tôi, lả con trưởng của Người, ra Hà Nội học. Cha tôi thi đỗ vào Trường Sư Phạm (Ecole Normale). Trường này được Nhà nước Bảo hộ vừa lập ra do nâng cấp trường Thông Ngôn, lúc này không cần thiết nữa, để làm nơi đào tạo đội ngũ giáo viên chính quy, đủ trình độ, nhằm bổ sung cho mạng lưới giảng dạy theo hệ thống Giáo dục mới (gọi là hệ thống Pháp-Việt) của Nhà nước Bảo Hộ vừa đề ra. 
       Trường Tiểu học Đáp Cầu, vì gần Hà Nội và cũng là “đô thị” lớn nên may mắn được xếp vào số những trường đầu tiên áp dụng hệ thống mới ấy, và được bổ sung một loạt giáo viên đào tạo có bài bản, đã tốt nghiệp Trường Sư Phạm Đông Dương. 
                                                                                       *
         Năm ấy cha tôi vừa Tổt nghiệp, lẽ ra được ưu tiên về quê hương dạy học, nhưng cha tôi thoái thác mà xin đi dạy ở mãi tận Cảng Hải Phòng, thành phố cách xa quê, nhưng lại được hưởng quy chế dân sự Pháp. Tôi là đứa con duy nhất mẹ tôi sinh ra không tại quê mà tại đấy nên mới có tên là “Phòng”). 
                                                                                        *       
         Sau này, tôi hỏi cha tôi, có điều kiện thuận tiện như thế, sao Người không về dạy học ở quê hương cho gần ông bà nội, thì cha tôi trả lời vì cha tôi quen không khí dân chủ và quy củ "kiểu Tây" của Trường Sư phạm nên không muốn về nơi cuộc sống còn cổ hủ, giữ nhiều tục lệ cũ kỹ và không theo quy củ nào hết ở Đáp Cầu...
                                                                                        *
          Trở lại chủ đề chính hôm nay. 
        Sau đấy cha tôi cũng lại cho anh tôi (con trưởng) tốt nghiệp Tiểu học, ra Hà Nội, thi vào Trường Bảo hộ (Lycée Du Protectorat, tục gọi là Trường Bưởi, vì đóng trên địa bản làng Bười). Tiếp đấy, năm 1945, sau khi học xong bậc Tiểu học ở quê, tôi là  đứa con trai thứ hai, cũng lại được cha tôi cho sang Hà Nội, thi vào Trường ấy (lúc này là sau Cách  mạng, đã được đổi tên thành Trường Trung học Chu Văn An). Ngay chú ruột tôi trước đấy cũng được ông nội cho sang học Trường Thăng Long… Ngoài ra, rất nhiều chú bác, anh  chị em họ…tôi cũng sang học Hà Nội và sau khi về quê, rất hay tụ họp trò chuyện. Tôi nhận thấy họ nói chuyện thường chen tiếng Pháp, thậm chí nhiều khi nói cả câu bằng tiếng Pháp. 
        Tử thế hệ cha tôi trở về sau, họ hàng tôi, nam giới không một ai nhuộm răng đen và mặc áo dài nữa… mà chỉ mặc âu phục…
                                                                                         *
       Ngay trong mấy em ruột ông bà nội tôi cũng nhiều người đã có thời gian học ở Hà Nội, nên thông thạo tiếng Pháp, và trong chuyện trò, thường chen tiếng Pháp. Vào thời bấy giờ (thập niên 1930- 1940), kiều dân Pháp sống ở quê tôi rất đông, là doanh nhân, chủ nhà máy hoặc quân nhân (Đáp Cầu và một phần Thị Cầu, gọi chung là THỊ-ĐÁP CẦU, lúc ấy là một trong bốn địa điểm quân sự - hình như gọi là "đạo Quan binh", có cả pháo binh, kỵ binh- chủ chốt ở Bắc Kỳ của nhà nước Bảo hộ Pháp.) Quốc lộ I (lúc ấy gọi là "Đường Thuộc địa" số Một) trải nhựa và dường hỏa xa Hà Nội – Đồng Đăng cùng chiếc cầu sắt bắc qua Sông Cầu đã biến quê tôi thành một trung tâm công nghiệp, thương mại và quân sự quan trọng không chỉ của "Xứ Bắc Kỳ" mà cả của toàn xứ Đông Pháp (tên gọi tắt của "Đông Dương thuộc Pháp"). Cảng Đápcau lúc nào cũng náo nhiệt, có hàng trăm tầu thuyền các loại, có cả tầu to, chạy bằng động cơ hơi nước, phun khói phì phì...
                                                                                         *       
       Tôi lúc ấy mới 7- 8 tuổi, luôn hếch mắt, dỏng tai nghe mấy người lớn tranh cái ầm ĩ và một trong những đề tài tranh cãi là sự khác nhau giữa Âu và Á… Bản thân tôi cũng rất quan tâm tìm lời giải dáp cho câu hỏi ấy. Sau này, lớn lên, tôi dành nhiều thời gian tìm hiểu nó. Âu và Á khác nhau chỗ nào và tại sao khác nhau ? Càng tìm hiểu tôi càng thấy rối rắm.
                                                                                      *
       Rồi người ta không gọị là giữa Châu Á và Châu Âu nữa mà là giữa Phương Đông và Phương Tây. Hai nền văn hóa ấy khác nhau chỗ nào ?
                                                                                        *
       Nhà nghiên cứu Cao Xuân Huy thì bảo : Tư duy Phương Đông theo phương thức “chủ toàn” trong khi Phương  Tây theo phương thức “chủ biệt" (Cao Xuân Huy.  TƯ TƯỞNG PHƯƠNG ĐÔNG. NXB Văn Học, Hà Nội, 1995). Còn bài của PGS,TS. Phạm Công Nhất (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) đăng trên TẠP CHÍ CỘNG SẢN thì cho rằng Phương Đông thiên về trực giác, gọi chung là  duy cảm” trong khi Phương Tây thiên về  duy lý”… Tôi đọc đi đọc lại cả phần lý giải của hai tác giả, nhưng vẫn  cảm thấy mù mờ thế nào ấy. "Chủ toàn" phải chăng là lấy "cộng đồng" (dòng họ, làng, Huyện, Tỉnh...Nước...) làm "đơn vị, trong khi chủ biệt có nghĩa lấy từng con người làm đơn vị ?
        Trong khi ấy, tôi rất tán thành câu của một ông chú mà tôi nghe được trong lúc theo dõi người lớn tranh cãi : “Cái khác lớn nhất là châu Au đi trước châu Á hàng trăm năm." Xưa kia người châu Âu cũng tư duy theo “trực giác”, cũng “duy cảm” như người châu Á hiện nay. Ông chú tôi còn nói thêm : “Nhờ Châu Âu đã trải qua một bước ngoặt ghê gớm là Đại Cách mạng Pháp 1789, nói đúng hơn là trước đấy mấy thế kỷ họ đã trải qua các phong trào đòi quyền sống cho từng con người, trước hết và mạnh nhất là hai Phong trào Phục Hưng và Khai Sáng… nên họ phân biệt con người không theo "đẳng cấp" mà theo tinh thần của Bản "Tuyên ngôn Dân quyền và Nhân quyền". cả phân biệt đúng sai, họ cũng không theo tục lệ mà theo luật pháp. Nói cách khác, họ đã trưởng thành chứ không "trẻ con" như người Phương Đông chúng ta. Đúng như nhà thơ nổi tiếng Tản Đà than thở : "Dân hai mươi triệu bao người lớn ? Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con" !

                                                                           *        
         Và tôi cũng rất tán thành nhận xét của ông Nguễn Khắc Viện. Ông kể rằng thời gian sắp sang Pháp du học ông đã nghĩ : “Chúng ta cần học ở họ hai thứ, là DÂN CHỦ và KHOA HỌC !” Đúng thế, dân chủ và khoa học !
                                                                                     *
         Mà trước hết, lẽ ra trước tiên là “phải học” họ, theo lời kêu gọi của Phan Chu Trinh : “CHỈ CÓ HỌC” để nâng cao dân trí (mới thành "người lớn"), sau đấy mới có thể tính đến ”chấn dân khí” để  rồi cuối cùng là”hậu dân sinh” (nâng cao đời sống).
         Rất tiếc là Phan Tây Hồ qua đời sớm, và những người đi sau ông, do chịu nếp suy nghĩ châu Á, đã cố tình đề cao bản năng bầy đàn, hạ thấp vai trò từng cá nhân, bỏ qua những lời kêu gọi chí tình, thống thiết và chính xác của ông, lập nên một chế độ “chuyên chế” kiểu "vua quan", và "cổ hủ" kiểu Phương Đông lạc hậu. Họ chỉ nêu “dân chủ” và “khoa học” ngoài miệng, thực ra là “chuyên chế” và kỳ thị khoa học…đề cao "dân tộc", thực chất là kỳ thị những ai khác mình, cụ thể là mọi thứ gì của Phương Tây, khiến dân chúng không thấy mặt đáng quý của nền văn hóa và văn minh Phương Tây.
         Tôi đã chịu khó đọc rất nhiều về hai trào lưu Nhân văn (Humanism) và Khai sáng (Enlightenment) mà ông chú tôi nói đến. Càng đọc càng thấy cái gọi là “văn hóa châu Á” của chúng ta muốn tiến lên, muốn thật sự "giải phóng" con người, rất cần trải qua hai trào lưu như thế, nhất là trào lưu KHAI SÁNG, để thoát ra khỏi cách suy nghĩ kiểu cổ hủ (mà tôi gọi chung là kiểu “bầy đàn" hay kiểu "nô lệ”) đang kìm hãm chúng ta. Đấy là kiểu suy nghĩ đã tồn tại hàng ngàn năm ở Phương Đông, chỉ biết phục tùng kẻ ở trên, tuân thủ mọi thứ gì "đầu đàn ra lệnh". Cứ "các cụ" nói sao thì ta làm đúng như thế. Cho nên có câu "trước bầy, sau theo"...Không ai dám nghĩ đến cái gì mới, đến ước vọng của bản thân mình, là thứ cần được độc lập, tự do mới có thể phát huy sáng tạo, tìm ra "cái mới". 
         Do cách nghĩ tạm gọi là "Châu Á" hoặc "Phương Đông" ấy sau còn bị chủ nghĩa Mác-Lê bằng mọi cách níu lại dể "vô hiệu hóa sáng tạo của từng con người", bằng cách đề cao "tập thể", vu cho những ai muốn tìm cái mới, muốn thoát ra khỏi cách nghĩ bầy đàn là "cá nhân chủ nghĩa" rồi tàn bạo trừng trị ! Chính vì thế nên xã hội chúng ta cứ dậm chân tại chỗ mãi, không tiến lên được.
                                                                                   *
         Nghĩ như thế, cho nên tôi hết sức tâm đắc câu của văn hào Nga TSEKHOV trong THƯ GỬI EM TRAI : “Trong con người mỗi chúng ta đều thấm đẫm chất nô lệ. Cần nặn nó ra cho bằng hết, nặn từng giọt, từng giọt !..” (Chà ! TỪNG GIỌT, TỪNG GIỌT !)... để không còn chút "nô lệ tính" nào trong thân thể và trí óc mỗi chúng ta. Chỉ khi ấy chúng ta mới đủ hào hứng bay bổng để sáng tạo. (Xin nói thêm, em trai ông là họa sĩ, cũng tức là nghệ sĩ )                                                                                                                                                          *
         Chính xác lắm thay : "phải nặn ra cho bằng hết chất nô lệ thấm đẫm trong con người mỗi chúng ta, phải nặn từng giọt, từng giọt..."

                                                                                                                              9/2015. VĐP

1 nhận xét: