Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 30 tháng 8, 2016

THƯ NGỎ







THƯ NGỎ

            Vừa rồi tôi có chia sẻ bài của ông VĂN NHƯ CƯƠNG trên Facebook, thật ra cũng để tôi có dịp trình bầy lại một chuyện mà có lẽ tôi biết rõ hơn ông Cương.
                                                                                *
            Đầu đuôi là thế này. Mùa hè năm 1964, tôi vừa học xong Đại học ở Liên Xô về , thì một cán bộ lãnh đạo cấp cao (xin phép được tạm giấu tên) lúc mang xe ra đón tôi ở ga Hàng Cỏ (bấy giở chưa được đi máy bay) nói với tôi : "Cậu về đúng lúc. Vừa xuất hiện một thiên tài toán học vì anh ta giải được bài toán mà cả thế giới băn khoăn mấy ngàn năm nay chưa giải được. Bài toán về CẦU PHƯƠNG HÌNH TRÒN (la quadrature du cercle)! Thằng cha này sẽ nổi tiếng hơn cả Einstein…” Tôi hỏi ai, thì ông bảo, rồi sẽ nói.
                                                                           *
            Về đến nhà, tôi lấy xe đạp, xuống ông ngay. Ông cho biết đã có đầy đủ tư liệu về nhà toán học "vĩ đại" kia, và để thế giới đừng coi thường trí thông minh của người Việt, cậu (vì ông biết tôi lúc rảnh và có đề tài thích thú hay viết văn và cũng đã có một số tác phẩm được Nhà xuất bản Văn học in) tìm hiểu kỹ thằng cha này và viết về hắn. Sách của cậu sẽ được dịch ra hàng chục thứ tiếng...và cậu sẽ nổi tiếng toàn thế giới." Khi tôi hỏi "Nhà toán học mới xuất hiện ấy tên là gì ?" Ông cán bộ cao cấp kia đáp : "TRÍ UẨN".
            Tôi thầm nghĩ, tưởng ai chứ Trí Uẩn thì tôi biết khá rõ.
                                                                      *

            Lúc ấy anh ta làm việc ở Bộ Văn hóa và trước khi sang học Liên Xô tôi có quen. Tôi cũng có nghe đồn anh ta rất thông minh. Cái trò chơi xếp hình EVERETO ngày xưa đã làm bọn trẻ ranh chúng tôi phục đến mức nào. Hồi ấy tôi chưa biết trò chơi này là phát kiến cách đây mấy ngàn năm, hình như người ta tìm thấy trong khi nghiên cứu các Kim Tự Tháp ở Ai-Cập hồi đầu thế kỷ, Trí Uẩn chỉ "thuổng", thay đổi mẫu mã đi một chút rồi lòe mọi người. Thật ra kẻ "lòe" đúng ra là hiệu sách X. (chuyên kinh doanh sách và trò chơi thiếu nhi) đã bỏ tiền ra quảng bá... Còn Uẩn chỉ dễ dãi bỏ qua và cũng nhận được khoản  tiền kha khá của họ.
           Nhà tôi lại ở gần nhà anh ta, cùng trên phố PHÙNG HƯNG...
                                                               *

          Chiều hôm ấy, tôi lững thững đi bộ đến nhà anh ta. Trí Uẩn vẫn như xưa, ăn mặc xuềnh xoàng : quần đùi và may-ô đều “cháo lòng”, người gầy còm như thể thiếu ăn, với nụ cười khiêm tốn, có phần như e thẹn. Tôi biết hai vợ chồng anh ta rất nghèo, bữa cơm thường chỉ có một món là rau muống luộc.
            Tôi chỉ hỏi thăm qua loa về sức khỏe và gia đình anh. không nhắc gì đến công trình toán học mà ông cán bộ thân với tôi nói đến. Tuy nhiên, tôi cảm thấy hoài nghi về chuyện ấy.
                                                                          *

            Do bận nhiều công việc, phải một tuần sau tôi mới được gặp lại ông cán bộ kia, mặc dù hai anh em rất thân nhau. Hôm ấy ông đích thân đến nhà tôi, mừng rỡ báo tin, cuốn sách đã đang được in ở Nhà In Tiến Bộ, và mấy tay học chuyên về kỹ thuật offset ở CHDC Đức đọc bản thảo  xong, phục quá đã nhận trực tiếp thực hiện. Chỉ vài hôm nữa sẽ in xong. Ông kể chuyện là đã báo cáo chuyện này với Thủ tướng lúc ấy là Phạm Văn Đồng, thì Thủ tướng bảo đã đưa ra Ủy Ban Khoa học Nhà nước, nhưng bị họ nghi ngờ. Tuy nhiên ông Đồng cho phép công bố rộng rãi để các nhà khoa học khác cho ý kiến thêm xem thế nào.
            Vài hôm sau, ông cán bộ cao cấp thân với tôi đến nhà, đưa tôi một cuốn sách vừa ra lò. Ông nói thêm, đây là bản in thử, để cậu đọc trước. (ông biết tôi hồi học Trường Bưởi đã nổi tiếng là "Thần đồng Toán" và giáo sư cùng bạn bè đã trỏ cái trán rô và gáy rô của tôi, goi đấy là "bosse mathémathique"...) Tên sách hình như là "CẦU PHƯƠNG HÌNH TRÒN".
                                                                           *

          Sau khi ông về, tôi lật  sách ra xem, thấy in rất đẹp, khổ 18 x 24, giấy loại thượng hạng, và do tôi cũng đã từng làm ngành in sau khi chuyển ngành, nên biết chất lượng ấn loát, phải nói là hết sức công phu.
            Tuy nhiên, lật trang lót rồi trang đầu, tôi thấy mấy câu mà tôi nhận ra sự hợm hĩnh vô lối của tác giả. Đại khái, sau trang lót là một trang để trắng hoàn toàn, trên chỉ có dòng chữ "Kính dâng Đảng Lao động Việt Nam, nhờ sự giáo dục của Đảng mà tôi có được công trình vĩ đại này..." Tôi thầm nghĩ, thằng cha Trí Uẩn này đúng là hâm. Chưa chi hắn đã tự nhận là "vĩ đại". Nhưng thôi, những khối óc lớn đôi khi cũng ... Trang tiếp theo cũng trắng hoàn toàn, chỉ có ba dòng, đại khái là Kính dâng Các Mac, Engel, Lênin, ba bậc thầy vĩ đại của giai cấp cần lao toàn thế giới. vì chính nhờ đọc các tác phẩm của ba vị mà tôi có được công trình khoa học vĩ đại này..." (lại “vĩ đại” !). Rồi trang sau cũng "Kính dâng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhờ Người tôi mới có được phát minh vĩ đại này..."
            Đến nay đã hơn nửa thế kỷ nên tôi nhớ không chính xác từng chữ... Bởi bấy giờ là năm 1964 mà năm nay đã là 2015 : hơn nửa thế kỷ đã trôi qua... Và tôi cũng nghĩ, không phải Uẩn "nghĩ ra" mà chỉ là dễ dãi chấp  nhận đề xuất của cơ quan biên tập...
                                                                          *
             Ngay tối hôm ấy tôi ngồi vào bàn đọc thử xem cái "phát minh vĩ đại" kia ra sao. Nếu Uẩn phát hiện ra được con số Pi tuyệt đối chính xác thì quả cũng đáng phục thât. Khốn nỗi đọc lập luận và chứng minh của anh ta, tôi đột nhiên phát hiện một lỗ hổng lớn, không thể tha thứ. Đấy là anh ta chưa chứng minh mà đã dám kết luận hai hình trong ấy bằng nhau ! Một sai sót quá thô thiển và bất cứ ai cũng có thể thấy, chỉ cần có trình độ Toán (trước hết là Hình học) sơ đẳng.
          
          Hốt hoảng, mặc dù đã khuya, tôi cũng dắt xe đạp ra, đến nhà ông cán bộ cao cấp kia. Tôi đánh thức ông dạy và khi ông hỏi đã đọc chưa và thấy sao, tôi trả lời ngay là đọc rồi và nhận thấy, có một "võ đoán" phi toán học. Điều võ đoán này quá thô thiển... Ông chưa tin là có thể có chuyện ấy. Tôi bèn hỏi, nhà có cháu nào học từ lớp sáu trở lên không ? Ông bảo có. Tôi bèn đề nghị ông đánh thức cháu dậy, vì chỗ sai này của Uẩn chỉ học sinh lớp Sáu cũng thấy ra được, tất nhiên phải là học sinh từ khá trở lên. Ông bèn dắt tôi vào phòng ngủ của cháu. Cháu dậy bước ra, chào chú. Nhân có tấm bảng đen to trên tường, tôi vẽ hình và nêu kết luận của Uẩn. Cháu nói ngay : “Nhưng chú chứng minh đi chứ, cháu chưa tin hai hình ấy bằng nhau.”
            Ông cán bộ cao cấp kia, cũng có học và hiểu ra ngay "vấn đề". Ông hoảng hồn, không kịp cảm ơn tôi, chỉ nói : "Hú vía ! May cậu phát hiện kịp. Mình phải xuống Nhà in Tiến bộ ngay bây giờ để họ cất hết các bản đã in vào kho và niêm phong lại". Vừa nói ông vừa vội vã mặc quần áo rồi hấp tấp xuống thang gác...!
                                                                                    * 
            Sau này tôi không còn thấy bản nào của cuốn sách kia nữa. Đã định giữ lại bản in thử để “làm kỷ niệm”, nhưng rồi lại thôi, nghĩ chẳng để làm gì, vả lại nếu lọt vào tay ai thì phiền. Tôi thầm nghĩ, chắc ông đã ra lệnh cho Nhà In Tiến Bộ hủy toàn bộ, không giữ lại bản nào. Mà đúng thế, sau này tôi cũng không nhìn thấy ở đâu cái bản in ấy...
                                                                                    *
            Nhớ lại chuyện xa xưa, nhưng tôi cũng thấy đấy lại thêm một thí dụ về cách suy nghĩ gỉản đơn của nhiều cán bộ lãnh đạo Cộng Sản. Về mặt này, tôi biết rất nhiều chuyện. Tạm kể một chuyện hình như tôi đã từng kể…Đấy là chuyện xảy ra năm 1954-1955.
Khi chuẩn bị tiếp quản một nửa đất nước, và sẵn trong lòng quá phấn khởi, Trung Ương Đảng Lao động nhận định và Chính phủ thực hiện, ra quyết định, là giải tỏa tất cả các nơi giam giữ tội phạm. Nhà tù "Nhà Tiền" giao cho Nhà in Tiến bộ, nhà tù Hỏa lò giao cho Cục Điện ảnh (có thể lưu giữ phim nhựa không sợ cháy), vì "uy tín của Đảng lên cao (năm ấy là 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ và Ký hiệp nghị đình chiến Genève...) sẽ không còn ai "xấu", do đấy cũng không có tội phạm nữa. Mấy tên gián điệp của Pháp gài lại ta đã thấy và sắp bắt rồi... Không cần đến chỗ giam giữ nữa, vì sẽ làm gì còn ai “xấu” để bị tù ?... Nhưng thật không ngờ : chỉ vài tháng sau phạm nhân ùn ùn được đưa về mà không có nơi chứa. Nhà Tiền thì Nhà In Tiến bộ chở máy móc đến và đã bắt đầu làm việc. May còn Hỏa lò, Cục Điện ảnh đang có chuyện lình xình nội bộ nên chưa "tiếp nhận"... còn có thể giữ lại được...
                                               *

            Và tôi cũng thấy nhiều cán bộ lãnh đạo ta, do trình độ học vấn chưa đến nơi đến chốn, coi thường cán bộ khoa học nói riêng và trí thức nói chung, đánh giá họ rất không đúng và cũng không hiểu tâm trạng họ...nhất là không “lắng nghe” họ, nên đã phạm không ít sai lầm thô thiển...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét