Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2016

CHUYẾN ĐI L.X. CUỐI CÙNG





KỶ NIỆM VỀ 

CHUYẾN ĐI LIÊN XÔ CUỐI CÙNG


              Từ khi học xong Đại học ở Liên Xô về nước năm 1964, phần vì tôi thông thạo tiếng Nga và còn nói tàm tạm được vài ngôn ngữ khác, phần vì tôi khá thông thuộc phong tục, tập quán nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia XHCN Đông Âu, tôi bỗng nhiên trở thành người rất hay được lãnh đạo Bộ Văn hóa và Hội (Sân khấu hoặc Nhà văn) chọn để yêu cầu một chuyến công du hoặc nhập vào một đoàn nào đấy đi công cán nước ngoài, nhất là Liên Xô ! Do đấy, gần như năm nào tôi cũng có dịp đi qua đất nước này, hoặc chỉ là tạm dừng chân để chờ sang một nước khác, hoặc ở lại làm việc luôn tại đây. Có năm tôi quay lại đất nước xô-viết hai ba lần.
            Nhờ thế, và cũng do tôi có nhiều bạn bè và quen biết người Nga để gặp gỡ trò chuyện và dò hỏi nên tôi có cảm giác chủ quan là có điều kiện nhìn “tận mắt”, thấy khá rõ và cụ thể hơn nhiều người khác, sự chuyển biến của đất nước kỳ lạ này trong mấy thập niên cuối cùng trước khi nó sụp đổ hoàn toàn…Và những ấn tượng mạnh nhất và cũng tương phản nhất chính là từ hai chuyến đi : đầu tiên và cuối cùng.

                                                1
            Chuyến đi đầu tiên

diễn ra mùa hè năm 1959, khi Liên Xô vừa mới “tan băng”

             Tình trạng “đóng băng” trước đấy vừa bị Đại Hội ĐCSLX lần thứ XX giáng cho một đòn dữ dội ! Và tan thành nước ! Hiện tượng ấy dược gọi bằng cái tên rất hình ảnh là “sự tan băng”.

            Đất nước bao la này từ lúc ấy, giống như một chàng trai lâu nay bị giam giữ, cấm đoán đủ đường, nay được “thả rông”, hít thở bầu không khí tự do, được tự mình chọn lựa và quyết định hướng đi … và mọi hành vi… : Khôn (xử lý đúng) thì sống, mống (xử lý ngu xuẩn, dại dột) thì chết ! Gặp khó khăn không có ai để nhờ cậy, bế tắc không có ai để trợ giúp… thậm chí thất bại không có ai để than thở ! Mình làm mình chịu…
            Và thời gian đầu chàng đã làm được rất, rất nhiều điều tốt lành. Lượng hàng hóa bầy trên các ngăn ở các cửa hàng tăng dữ dội. Người dân đi lại trên các đường phố không còn vẻ đăm chiêu mà vui tươi hồ hởi. Các nhà khoa học nghệ sĩ được thả ra cùng với vô số tù nhân chính trị say mê và hào hứng lao vào nghiên cứu, sáng tác… Hàng lọat công trình khoa học và nghệ thuật giá trị ra đời. Đấy là thời kỳ của Gagarin, nhà du hành vũ trụ đầu tiên ra khỏi bầu trời cùng con chó Laika…Cũng là thời kỳ của các bộ phim gây tiếng vang chưa từng thấy trên khắp thế giới : Khi đàn sếu bay qua, Người thứ bốn mốt, Sông Đông êm đềm, Số phận một con người, vân vân và vân vân…Một loạt nghệ sĩ tài ba xuất hiện, một loạt nhà hát cách tân xuất hiện… tạo nên một không khí sôi động trong các lĩnh vực sân khấu, điện ảnh, vũ kịch, nhạc kịch…
                                                                                 *         
          Đấy có lẽ là thời kỳ đẹp nhất, huy hoàng nhất trong hơn 70 năm tồn tại của chàng “mu-gích” Xô-viết. Sau này mỗi lần nhắc đến quãng thời gian này, dân chúng nước Nga thường gọi đấy là “thời kỳ hoàng kim” ! Chuyến sang Liên Xô đầu tiên của tôi trúng vào thời gian ấy nên đã để lại trong ký ức tôi biết bao ấn tượng tốt đẹp. Những ai đã sống tại đất nước xô-viết trong thời gian ấy (ngay trước và trong thời gian diễn ra đại hội ĐCSLX lần thứ XX và mấy năm liền sau đấy) thường giữ lại những ấn tượng tốt đẹp nhất về đất nước bao la, nửa Âu nửa Á này. Khốn nhưng “chàng trai kia” lại chỉ “tỉnh táo” được mấy năm. Rồi, chừng như kiệt sức (hay do được giáo dục quá kỹ lưỡng ?) đã quay lại kiểu sống của cha ông, hủ lậu, ngược với thế giới văn minh, chàng bắt đầu lóa mắt trước một số thành công ban đầu do chính mình tạo nên, đâm vênh vang, khinh thường mọi thứ… và xã hội Liên Xô bắt đầu nát dần. Quá trình “xuống dốc” này bắt đầu diễn ra trùng với thời gian tôi học năm cuối cùng tại Trường Đại học Nghệ thuật Sân khấu ở Moskva, khiến lúc ấy tôi đã linh cảm thấy “hoàng kim” sắp tối lại. Và nó suy sụp, hoàn toàn rệu rã đúng vào lúc tôi sang đây lần cuối (năm 1990)…Đau đớn thay là khi tôi thấy những ấn tượng đẹp kia cứ mất dần theo năm tháng.
                             
                                                                                 ***
           Còn nhớ, trong một chuyến đi vào năm 1980, khi thời kỳ “hoàng kim” đã tắt hẳn và đất nước xô-viết bắt đầu bước sang thời kỳ gọi là “trì trệ“ (thực chất là “đen tối”)… Nhân hai em tôi cũng đang ở Moskva, Vũ Đình Bình đang học lớp bồi dưỡng nâng cao của Viện Ngôn ngữ Puskin, và Vũ Đình Vị, em út tôi, đang theo học Đại học Tổng hợp Lomonossov,  ba anh em chúng tôi quyết định nhất định phải có một buổi gặp gỡ, cùng ăn uống và chụp ảnh chung với nhau, thực hiện đúng điều mong ước của cha tôi. Người nói với tôi lúc tôi đến chào để hôm sau lên đường : “Bố ao ước có một tấm ảnh chụp chung ba anh em ở bên ấy” !
        Tôi và Bình đã hẹn trước và khi tôi đang bước chân trên Quàng Trường Đỏ  thì đã thấy cậu em đứng chờ bên cổng chinh vào Cửa hàng Bách hóa Tổng hợp GUM. Hai anh em cùng xuống hệ thống xe điện ngầm (METRO) để đến ga “Universitet” (ga Metro gần Trường Đại học Tổng hợp Lomonossov). Đến nơi, vừa ra khỏi đường hầm đã thấy Vị đứng đón ở cổng vào. Thế là ba anh em dắt tay nhau cùng đi và trò chuyện. Câu chuyện rôm rả ngay từ đầu. Hai cậu em tôi thi nhau kể tội nước Nga  : nào hàng hóa khan hiếm, các quầy thực phẩm trơ trụi, thịt thì mười một giờ đã hết, kể cả bạc nhạc…giới trẻ, nam thì rượu chè, gây gổ…, nữ  thì bán dâm…Tôi nghe rồi đột nhiên hỏi : “Thế hai em thấy nước Nga không còn gì đáng yêu à ?
        Hai chú em đứng lại, quay sang nhìn tôi, chưa hiểu ông anh nói thế nghĩa là sao.
       Lát sau, em Bình chợt hiểu, đáp : “Anh Phòng nói đúng. Nga có nhiều thứ đáng yêu chứ, và không thể mất đi ngay một lúc được. Trước hết là phong cảnh thiên nhiên nước Nga tuyệt vời…
       Mà đúng thế, hôm ấy đúng giữa mùa “thu vàng”, ba anh em chúng tôi đang nhẹ bước trên con đường dẫn đến cổng trường Đại học, giữa những hàng cây thông và bạch dương thân thẳng tắp phủ kín “đồi Lênin” (Ленинские Горы). Khắp xung quanh, lá cây vàng rộm, thỉnh thoảng điểm xuyết vài chiếc lá đỏ. Lá vàng và đỏ rụng phủ kín các lối đi và lạo xạo dưới chân ba chúng tôi…trong cái mảnh đất nơi được coi là đẹp nhất Thủ đô Moskva. Vùng đồi Lênin nằm trên cao, trông xuống là dòng sông Moskva xanh biếc uốn lượn.
       Nơi đây, trên vùng “đồi Lênin" này) hồi đang là sinh viên, những sáng chủ nhật, tôi hay rủ Cao Việt Bách (học viên Trường Nhạc), hoặc Tạ Bôn (sinh viên Khoa violon, Nhạc Viện Tsaikovsky) dạo chơi, thường dem theo thức ăn nhẹ và nước uống, rồi chọn chỗ nào phẳng. nhiều bóng cây, trải tấm vải ni-lông lên bãi có xanh mướt, nằm dài ra, ngắm bầu trời xanh biếc. Bầu trời ấy giống như lúc này đây, giữa mùa thu “vàng”, không trung trong vắt...

                                                                             *
            Em Vị đứng lại nhìn xung quanh rồi cũng buông một câu :  “Anh Bình nói đúng, Em bỏ sung thêm cả khí hậu nước Nga nữa, cũng hết ý : Xuân ra xuân, Hạ ra hạ, Thu ra thu, Đông ra đông. Mùa nào cũng tuyệt vời, mỗi mùa đẹp một kiểu…Nhưng đẹp nhất vẫn là mùa thu, như hôm nay chẳng hạn…” Bình nói thêm : “Nói gộp cả lại, phải nói là thiên nhiên nước Nga…Chả thế, sau này em nghe nói nhà văn đoạt giải Nobel Alexandr Soljenitsin, bị lưu đầy, phải sống lưu vong nước ngoài Tây mấy chục năm, mà về già, cũng xin được nhập lại quốc tịch xô-viết (tức là nước Nga) để những năm cuối đời được đắm mình trong cái thiên nhiên không đâu bằng của quê hương  …”
           Bình nói thêm : “Em thấy đáng yêu cả tính cách người Nga nữa. Họ giầu tình cảm, chất phác, chân thành, hầu như không giả dối bao giờ…”
          Thế là cả ba anh em chúng tôi quay ngoắt 180 độ, lại đua nhau kể những ưu điểm của nước Nga và dân Nga…
     
                                                                             ***
            Đã gần bốn mươi năm trôi qua, mà kỷ niệm hôm ấy đến nay tôi chưa quên, chính vì nếu công bằng mà nói, thiên nhiên, khí hậu và người Nga quả là đáng yêu…Tất nhiên mấy ưu điểm ấy, nhất là điểm cuối cùng (tính cách người dân) ngày nay nghe đâu đã không còn “đáng yêu” nhiều như xưa nữa, như cái thời tôi và các bạn trong khối “Hoài niệm Liên Xô” vẫn giữ trong ký ức của một thời trẻ trung… đang lùi xa dần…
            Cũng trong dịp đi công tác năm ấy, tôi nhớ lúc đến thăm nhà văn Nga TKATSOV (Ткачев) người am hiểu văn học nước ta, đã viết nhiều bài bình luận về văn học Việt Nam đương đại và dịch sang tiếng Nga nhiều tác phẩm, trong ấy có “Bỉ Vỏ” của Nguyên Hồng, “Vượt Côn đảo” của Phùng Quán, vv và vv… tôi hết sức bất ngờ nghe thấy ông nhận xét về tình hình chính trị Liên Xô lúc bấy giờ.
           Tkatsov cho rằng khi lật đổ Khrushov năm 1964, người có năng lực nhất trong BCH Trung ương ĐCSLX là Kossưghin, nhưng không hiểu tại sao ông này lại thoái thác và đề cử Brejnev vào chân Tổng Bí thư ! Một kẻ vừa ngu vừa hiếu danh, mê huân chương và thèm nổi tiếng. Để sửa sang và dịch ra tiếng nước ngoài bộ Hồi ký “Đất Mới” của lão. lão ta mời những nhà văn và dịch giả hàng đầu tham gia và trả họ thù lao cao ngất ngưởng, tất nhiên là dùng tiền nhà nước,  của công quỹ, cũng tức là tiền thuế của dân. Đúng là một trò cười lố bịch…
            Tôi hỏi : “Sao Kossưghin không khuyên can bạn ?” Tkatsov cười, cái cười  vừa chân thật vừa đáng yêu : “Chịu ! Cậu đi mà hỏi họ !” Rồi hai anh chị “thết” tôi bữa ăn sáng, gồm bánh mì ngọt và cốc nước chè  đường… Hoàn  toàn thiếu vắng protein…khác hẳn mọi lần,  cách đây ba bốn chục năm anh chị thết tôi bữa điểm tâm nào cũng quá sang : mỗi người ba quả trứng ôp-lết, bơ, pho-mát… thừa thãi.
                                                 
                                                                             ***
          Trở lại chuyến đi cuối cùng…chuyến  đi mà khi kết thúc, tôi vừa chân ướt chân ráo về đến nhà, bật TiVi lên thì được nghe và thấy ngay những tin tức động trời về cuộc “giẫy chết” của một đất nước từng đã để lại trong tôi biết bao ấn tượng kỳ diệu và bao kỷ niệm khó quên… Hôm nay tôi thử nhớ lại cái chuyến đi cũng lại “khó quên” ấy : chuyến cuối cùng !
         
                                                                               ***
         Năm 1990, bất chấp tôi đã nghỉ hưu (chưa đến 60 tuổi nhưng được hưởng ưu đãi nhờ những năm tại ngũ), ông Tổng Thư ký HNV (lúc ấy hình như Vũ Tú Nam – một người tôi hết sức yêu mến và tôi đã lấy làm lạ khi trước đấy ít năm, đã thuyết phục Ban Chấp hành Hội kết nạp tôi vào làm hội viên.) Còn nhớ, khi nhận được thông báo của Văn phòng HNV gửi đến nhà riêng của tôi, báo tin Ban Chấp hành đã “nhất trí” quyết định kết nạp tôi làm hội viên, tôi hết sức ngạc nhiên, vì tôi không hề viết đơn xin vào Hội. Hai cô gái, bạn con tôi và cùng làm việc ở một công ty nước ngoài với con tôi đang có mặt lúc ấy, ngạc nhiên : “Ôi, chúng cháu đinh ninh bác là Hội viên HNV từ lâu rồi chứ ? Vì bác in sách nhiều thế kia mà…” Rồi năm sau , Ban Chấp hành (cũng do VTN đề xuất chăng ?) lại tặng tôi giải thưởng về “dịch văn học”…
        Tôi còn nhớ cả hôm trao giải thưởng. Vốn ngại và cũng không quen nói giữa đông người ít quen biết, tôi từ chối nhưng không được, đành lên bục nói gọn lỏn độc một câu : “Cảm ơn Ban Chấp hành Hội đã trao cho tôi phần thưởng vinh dự này… Xin hết !” rồi hấp tấp rời khỏi bục như chạy trốn, khiến nhiều người ngồi dự hình như có vẻ khó chịu vì thấy tôi nói quá ít, họ cho như thế là coi thường họ, có lẽ thế… Họ có biết đâu tôi nổi tiếng là “nhút nhát” và được gọi là “gián ống” từ khi còn rất nhỏ… Và cái tật ấy không chịu thuyên giảm bất chấp tôi đã cố gắng xông xáo…
              Nói lan man về kỷ niệm xa xưa mãi, xin quay lại câu chuyện chính.
              
                                                                              ***
              Thế là bất chấp tôi đã nghỉ hưu, ông Tổng thư ký vẫn đề nghị tôi đi thêm  một chuyến công tác cho Hội. Chẳng là HNV ta với HNV Liên Xô đã cam kết, định kỳ cứ hai (hoặc mấy ?) năm một lần cử một đoàn đại biểu của Hội này sang đất nước Hội kia để tham quan, gặp gỡ đồng nghiệp và trao đổi kinh nghiệm… Lần này Hội “ủy” cho tôi “dẫn” đoàn đại biểu ấy đi. Vì tình hình kinh tế tài chính Liên Xô đang lúc khó khăn nên “bạn” (thong qua Đại sứ quán ở Hà Nội) cho biết năm nay chỉ có thể tiếp hai đại biểu. Do đấy, “Đoàn” chỉ có trần hai mống, tôi và một nhà văn trẻ (tôi xin lỗi bạn ấy vì mấy chục năm không gặp lại nên đã chót quên mất tên).
           Sau đấy, có thêm dịch giả Mộng Quỳnh (người đã giới thiệu nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng của Nga, trong ấy có tác phẩm của Paustovski) đến Hội, xin Hội giúp đỡ bằng cách đề nghị Đại Sứ quán Liên Xô tại Việt Nam mua thêm một vé “khứ” cho anh vì anh cần sang Liên Xô chữa bệnh tâm thần kinh, không cần vé “hồi” vì anh sẽ ở lại đấy điều trị một thời gian có thể khá dài. Anh xuất trình Thư của Hội Từ thiện Liên Xô (Hội Từ Thiện chỉ mới xuất hiện dưới triều Gorbatsov) đống ý nhận điều trị cho anh tại một cơ sở y tế thuộc Hội, sau khi nhận được đơn của anh kèm theo bệnh án.
           Thế là lúc ra sân bay, “đoàn” gồm ba người…
      
                                                                            ***
          Còn nhớ, khi biết tin tôi sắp đi Liên Xô, anh Hoàng Minh Chính đến gặp tôi, đề nghị tôi sang đến nơi thì cố tìm gặp anh Lê Vinh Quốc, kể anh Quốc biết tình hình đấu tranh trong nước. (Anh Quốc từng là cấp chỉ huy của tôi hồi tôi còn tại ngũ, sau đấy gặp lại tôi ở Moskva- thời gian tôi học Đại học, đã nối lại mối quan hệ tình cảm cũ.) Ngoài ra chị Trưởng phòng tài vụ của Hội Sân khấu dẫn ông anh ruột chị, một Đại tá đã nghỉ hưu, đến nhà gặp tôi đề nghị một việc, là sang đấy thì tìm cách chuyển cho con trai anh, hiện đang bị Công An Liên Xô tạm giam, một chiếc áo ấm vì sắp đến Mùa Đông, thời tiết nước Nga rất lạnh, e cháu trong trại giam, mặc không đủ ấm…
         (Chỗ này cũng xin nói thêm, anh Đại tá này trước đấy gần nửa thế kỷ – cuối 1944, đầu 1945- là một chàng trai trẻ măng, đầy nhiệt huyết, đã “kết nghĩa” kiểu “Vườn Đào” với hai bạn cùng chí hướng, thề quyết dấn thân cho sự nghiệp cứu nước, đã thế người này vui vẻ lấy em gái người kia để kết chặt thêm tình thân, rồi thề sẽ cùng “thoát ly”, lên đường..)

          Thấy tôi sắp sang xứ sở "bạch dương" nhiều người khác  cũng "nhờ" này nọ, tôi đều từ chối, riêng hai yêu cầu vừa rồi, tôi đều không thể, vì anh Hoàng Minh Chính là người có chút quan hệ họ hàng, đồng thời quen cũ. Thêm nữa, trong cuộc gặp mặt hôm ấy do anh Chu Đình Xương, anh họ tôi, dẫn đến, mặc dù tôi biết sơ qua tình hình của anh Quốc.

                                                                        *
         Cụ thể tôi biết là trước tình hình quá rối ren trong tầng lớp lãnh đạo Liên Xô và cả trong nội bộ “phe XHCN”, và do tuổi đã cao, anh Quốc đã quyết định từ bỏ con đường “chính trị” (trước kia anh là Chính ủy Đại đoàn 308, đại đoàn đầu tiên của quân đội ta, được Cụ Hồ tặng danh hiệu “ĐẠI ĐOÀN QUÂN TIÊN PHONG”, sau đấy anh làm Phó chính ủy Quân Khu Ba).
        Anh Quốc “tránh” đi bằng cách xin chuyển đến một nơi xa lắc : thành phố Tashkent thuộc nước cộng hòa Uzbekistan, cách Moskva mấy ngàn km, viện cớ Moskva lạnh quá đối với anh. Tashkent, may thay, lại cũng có một Phân viện của Viện Hàn Lâm Quân sự Liên Xô, nơi anh đã được chính thức cử làm giảng viên bộ môn “Các học thuyết quân sự Phương Đông” … Tôi còn nghe tin sau khi đến Tashkent anh đã lấy “vợ hai”, có nghĩa anh đã nhất quyết không quay về Việt Nam, nơi vợ chính thức và các con anh đang sống. Chị “vợ hai” anh mới lấy này, tuy quốc tịch Liên  Xô nhưng gốc Triều Tiên, có nghĩa cũng mang dòng máu và phong tục Á Đông, khiến anh tin là dễ đồng cảm…
    
                                                                            *
         Còn đề nghị thứ hai, tôi cũng không “nỡ” từ chối, vì trong ba người “kết nghĩa Vườn Đào” kia có anh HÀ MINH TUÂN, bạn học cùng lớp với anh cả tôi và rất thân với gia đình tôi, tôi cũng rất quý… Nắm 1946, tôi lại ở gần nhà anh, phố hàng Đẫy (sau đổi thành Phố PHAN CHU TRINH, và bây giờ là phố NGUYỄN THÁI HỌC).
         Lúc nào có điều kiện tôi xin kể tỷ mỷ hơn về hiện tượng “kết nghĩa Vườn Đào” lý thú này trong các học sinh Trung học TRƯỜNG BƯỞI (Lycée du Protectorat), đại đa số vốn là thành viên của “HỘI CHUỐI” và “ĐOÀN RỒNG” (hai tổ chức tự phát nhằm thu hút những thanh thiếu niên có nhiệt huyết, mục tiêu là rèn luyện khả năng chịu đựng gian khổ và giúp nhau tăng thêm tinh thần yêu nước…) Hai tổ chức tự phát này, sau được nhà văn Hà Minh Tuân kể lại khá tỷ mỷ trong tác phẩm “VÀO ĐỜI”, tác phẩm về sau bị lên án thô bào (riêng tôi nghĩ là oan uổng), cấm lưu hành và anh Tuân bị kỷ luật, mất chức Giám đốc Nhà xuất bản Văn học. Sau đấy anh hoang mang tột độ, chán đời, suốt ngày la cà các quán rượu. Anh uống rượu để “quên” đi mọi thứ và cuối cùng chết trong một cuộc nốc rượu quá đà…
   
                                                                              *
         Trong chuyến đi Liên Xô lần cuối cùng này, tôi tìm gặp chị vợ đã li hôn của anh Hà Minh Tuân. Lúc ấy chị được giao phụ trách Nhà Ăn của Đại sứ quán ta ở Moskva. Và chị đã khuyên tôi “Chú gặp ông Quốc làm gì cho thêm lắm chuyện…” và tôi đã nghe lời chị…
       Còn chuyện cháu chị Trưởng phòng Tài vụ của Hội NSSK thì chị Tuân cho biết, chị đã tìm hiểu kỹ chuyện ấy. Đầu đuôi như sau : mồng hai Tết Nguến Đán vừa rồi, cậu bạn ở cùng phòng trong Ốp với cháu, xuống tầng dưới ăn Tết với đám bạn dưới ấy, ai ngờ bị số bạn ấy quăng xuống đất (từ tầng chín) và chết ngay. Công an Liên Xô đã thẩm vấn nhưng chưa tìm ra mạnh mối và họ đang tiếp tục điều tra. Trước  mắt họ tạm giữ cháu, chỉ để bảo vệ, vì rất có thể thủ phạm vụ giết bạn cùng phòng với cháu sẽ giết thêm cháu để “bịt nhân chứng”, có nghĩa không phải cháu bị giam mà chỉ là công an đề phòng cháu có thể bị thủ tiêu. Chỉ có thế thôi : tạm giữ để bảo vệ chứ không phải giam… Và chị nhận chiếc áo ấm cha mẹ cháu gửi, hứa sẽ chuyển cho cháu… Tôi giao áo và coi như đã làm tròn nhiệm vụ.
      
                                                                                 *


          Lúc máy bay hạ cánh xuống sân bay Sheremetevo, chúng tôi đã thấy xe hơi của Hội Nhà Văn Liên Xô đợi sẵn. Ba người chúng tôi ngồi vào xe để về trụ sở HNV trên phố Arabat. Đến nơi, chúng tôi thấy không khí vắng lặng lạ lùng. Có mỗi bà Chánh Văn phòng HNV LX tiếp chúng tôi. Bà cho biết gần đây chính phủ quy định rất chặt chẽ từng khoản chi tiêu, cho nên Hội NV LX rất eo hẹp về tiền nong, không thể tiến hành nghi thức tiếp đón các đồng chí như mọi năm. Năm nay, cuộc tiếp xúc để trao đổi kinh nghiệm, kèm theo chiêu đãi của Hội với các đồng chí sẽ chỉ tiến hành một lần duy nhất, sau khi các đồng chí hoàn thành công việc, trước khi các đồng chí rời khỏi Liên bang Xô-viết. Hội cũng không có khả năng cử người đưa các đồng chí đi đâu, xem gì. Cho nên các đồng chí cứ tự động làm mọi việc các đồng chí thấy cần thiết, xem tiết mục nào các đồng chí quan tâm, chỉ nhớ lấy hóa đơn và giữ lại vé để đem về đây cho chúng tôi thanh toán. Hôm nay các đồng chí nhận tạm mỗi đồng chí một khoản tiền nhỏ tạm ứng để các đồng chí đi lại và mua các vé vào cửa …Riêng một đồng chí cần đến Hội Từ thiện, chúng tôi sẽ làm giấy giới thiệu và chở đồng chí ấy đến đấy… Bà Chánh Văn phòng nói tiếp, về kế hoạch đi thăm một nước cộng hòa và tham quan một nông trường, như đã ký kết giữa hai Hội, năm nay chúng tôi cũng không có điều kiện thực hiện, nhưng các đồng chí có thể đi một nước công hòa gàn gận và tự lo phương tiện đi...
                                                                              *
         Chà ! Cuộc đón tiếp ban đầu và lời bà Chánh văn phòng làm hai chúng tôi ngao ngán Cuộc đón tiếp quá sơ sài, nhưng tôi thầm nghĩ, có khi thế lại tốt vì hai chúng tôi được tha hồ tự do tìm hiểu những gì chúng tôi muốn tìm hiểu…không bị bó buộc vào "kế hoạch, "chương trình", khuôn khổ nào.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét