Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 11 tháng 2, 2016

TẦNG LỚP "THẦY GIÁO LÀNG"



         Trong lúc đi bộ đồng thời thể dục nhẹ trong Công viên Võ Thị Sáu gần nhà, nơi có rất nhiều người cao tuổi  đã nghỉ hưu. Chẳng thế chúng tôi thường gọi đùa là CÂU LẠC BỘ HƯU TRÍ VÕ THỊ SÁU. Trong lúc đi bộ tôi luôn bắt gặp những cuộc trò chuyện hấp dẫn của mấy ông già bàn tán chuyện đời. 
        Và khi thấy đề tài được đề cập có vẻ lý thú, sẵn máy ghi âm, tôi bấm ghi luôn. Về nhà nghe lại và nếu thấy hay thì ghi ra giấy và lưu lại, thậm chí có thể công bố cho bè bạn cùng nghe. Sau đây là một trong những đoạn ghi âm ấy. 
        Và tôi thêm tiêu đề cho dễ theo dõi


       TẦNG LỚP THẦY GIÁO LÀNG” 

 - Chào Cụ ! Này, theo Cụ thì do đâu mà sinh ra cái Tín ngưỡng Mác-Lê ấy nhỉ ?
  - Chà, câu hỏi này đã bao nhiêu lần tôi đặt ra, rồi tìm cách trả lời, mà đến nay vẫn cứ tắc tị. Theo tôi thì chỉ do óc tưởng tượng bệnh hoạn của con người thôi.
  - Thì các “tín ngưỡng” đều do óc tưởng tượng ra hết. Có điều đến thế kỷ hai mươi, tưởng trí óc con người đã hiểu biết hơn mà sao vẫn sinh ra một cái tín ngưỡng phi lý và độc hại như thế nhỉ ? Đấy là điều khó hiểu.
  - Cụ quên rằng “tín ngưỡng Mác” ra đời từ thế kỷ 19, cái thế kỷ gọi là "xã hội tư bản man rợ" nông dân kéo ra thành thị sống khốn khổ. Tầng lớp trí thức và khoa học lúc ấy còn rất bối rối và liên tục tranh cãi... Chính trong cái thế kỷ ấy, đã xuất hiện vô số “ảo tưởng” và chú nghĩa Mác là một trong những ảo tưởng ấy, và “hấp dẫn” nhất ! Nhân đây tôi kể Cụ nghe một cuộc đối thoại mà tôi biết ơn nó vô cùng và nhờ nó mà tôi giải thích được nhiều hiện tượng điên rồ vừa qua của con người…
   - Không chỉ vừa qua mà cả hiện nay…
   - Đúng thế. Nhưng Cụ có sẵn sàng nghe không đã, vì tôi hay nói dai, nói dài ?
   - Sắn sàng quá đi ấy chứ.
   - Tôi nói Cụ biết, từ nhỏ tôi đã thích nghe chuyện người già. Ngay thời còn cắp sách đến trường, tôi cũng ít khi trò chuyện với đám bạn học, thấy chúng “trẻ con” quá. Tôi chỉ thích hóng chuyện mấy ông già, và càng nghe tôi càng thấy học được nhiều điều bổ ích. Đặc biệt là ông nội tôi. Rồi đến mấy ông già khác. Không hiểu sao ông nội tôi lại rất thích thằng cháu mà cả nhà đặt tên cho là “Mán Rừng”…
   - “Mán Rừng” là sao ?
   Cụ tóc bạc cười, nhe hàm răng giả :
   - Đầu đuôi là thế này. Tôi sống với cha tôi ở thượng du, Cụ là nhà giáo mà. Mãi đến năm lên sáu, phải đi học tôi mới được cho về quê dưới xuôi, cái gì cũng lạ. Đến cái chảo cũng không biết gọi nó là cái gì. Cả nhà gọi tôi là “MÁN RỪNG”, có người gọi tôi là “Thằng Ngẩn Ngơ”, rồi "Thằng đần"… Ôi thôi, nhiều biệt danh lắm, nhưng “Mán Rừng” là nhiều người dùng nhất…
    - Cụ lại sa đà vào hồi ức rồi..
    - Tuổi già lẩm cẩm, cứ hay nhớ lại dĩ vãng.
    - Nhưng cũng chỉ là bệnh của đám “khọm” chúng mình thôi. Xin quay lại chuyện ta đang bàn : tại sao lại có thứ “tín ngưỡng” gọi tọac ra là cái “đạo”, quái đản này ? Được không, Cụ ?
    - Được chứ. Chẳng là thuở nhỏ tôi hay hóng chuyện người già. Và may thay mấy ông già trong gia đình tôi lại không chỉ gạt đi một cách đơn giản : “Hỏi vớ vẩn, lớn lên khắc biết…” Mà mấy Cụ ở nhà tôi lại chịu khó nghĩ cách trả lời cái thẳng oắt “Mán Rừng” này. Ông nội tôi không những trả lời mọi câu thằng cháu hỏi mà có vẻ còn thích trò chuyện với nó, đi đâu cũng hay rủ tôi. Kể cả lên quê ngoại của Cụ ở Mật Ninh, Sen Hồ… cách Đáp Cầu quê tôi khá xa. Hai ông cháu cuốc bộ đi hơn chục cây số mới đến nơi. Dọc đường trò chuyện… Ngoài “giải đáp” cho thằng cháu điều này điều nọ, ông nội tôi còn bộc lộ tâm sự và suy nghĩ riêng của Cụ. Nhờ thích nghe mấy ông già trò chuyện mà tôi vỡ lẽ ra nhiều điều… Và số tôi sau này lại may mắn cực kỳ ở chỗ từ khi ra đời, đi thoát ly, cũng được mấy anh lớn tuổi quý mến và thích thổ lộ với mình nhiều chuyện riêng tư, nhiều điều tâm sự… Hồi ở lính thì các anh Lê Vinh Quốc, Trần Nguyên Độ… kể cả ông Vương Thừa Vũ… Chuyển ngành ra thì được tiếp xúc với các anh văn nghệ sĩ lớn tuổi như Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Xuân Diệu…rồi cấp lãnh đạo thì có các ông Chu Đình Xương, Hà Huy Giáp, Trần Độ… chính bản thân tôi cũng không hiểu các anh ấy “mến” tôi ở chỗ nào, mến và “tin cậy” nữa chứ. Và trong những câu chuyện mấy anh ấy kể có rất nhiều điều làm mình “hiểu ra”, thế là tôi bị đám cùng tuổi chê là “già trước tuổi”, còn Đảng Ủy thì phê là “thiếu ý thức quần chúng”…
    - Lúc nẫy Cụ nói về một cuộc đối thoại làm Cụ tỉnh ra nhiều điều cơ mà ?
    - Ôi, tôi cứ hay sa đà vào lắm chuyện không ăn nhập gì. Nhưng phải thú thật với Cụ là hình như cuộc đời tôi lắm sự kiện lý thú không sao quên đươc. Thôi được, xin quay lại câu chuyện đối thoại giữa tôi và một trong số thủ trưởng. Một hôm, nhân hỏi về cha tôi, biết tôi là “con nhà giáo”, ông thủ trưởng ấy hỏi tôi : “Tớ đố cậu tầng lớp nào lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám ?” Tôi đáp : “Giai cấp công nhân ạ.” 
     – “Ta làm đếch gì có "giai cấp" công nhân ? Mấy thằng cha thợ cơ khí ở Nhà máy Trường Thi, kể cả ngoài Khu Mỏ Hồng Quảng đều chỉ là nông dân, ra thành phố làm kiếm ít tiền, chứ vẫn gắn bó với gia đình ở nông thôn, thực chất vẫn là nông dân, cách suy nghĩ vẫn là kiểu suy nghĩ nông dân. Và cũng có mấy đâu, đếm trên đầu ngón tay. Sao gọi là “giai cấp công nhân” được ?” – “Hay nông dân ạ ?” – “Cậu học Duy vật Biện chứng rồi mà còn nói nông dân lãnh đạo Cách mạng ?” – “Chẳng lẽ lại là giới trí thức ạ ?” – “Cũng đếch phải. Nhưng cậu nói cũng gần đúng rồi đấy. Có điều ở đây là trí thức nhỏ, hầu hết xuất thân nông dân, rồi được học hành đôi chút, tớ gọi chung là "tầng lớp thầy giáo làng"…” – “Hương sư ạ ?” – “Đúng, nhưng tớ gộp chung vào cái tầng lớp này cả các giáo viên tiểu học ở nông thôn. Cái tầng lớp thầy giáo làng này bao gồm những người có động cơ trong sáng và đạo đức mẫu mực. Trình độ văn hóa của họ không cao, không thể so sánh với đám trí thức thành thị, mà chỉ dừng lại ở mức số học, chưa đụng đến đại số, và chưa thể nói đến tích phân vi phân… Do đấy họ dễ mắc khuyết điểm nông nổi, vội vã, chủ quan… Nhưng nhờ có động cơ trong sáng và đạo đức mẫu mực nên họ sớm nhận ra sai lầm và đều sửa chữa kịp thời… Ai trên đời chẳng có tật này tật nọ, cậu công nhận không ? Nhưng cái tầng lớp thầy giáo làng này hết sức đáng quý. Không có nó, không thể có Cách mạng Tháng Tám !"…Ông thủ trưởng của tôi hôm ấy nói với ý khen, bởi ông rất kính trọng và yêu quý các thầy giáo…
     - Thầy giáo làng ?
     - Đúng thế. Ông thích trò chuyện với tôi có khi một phần cũng vì thấy cha tôi làm nghề “gõ đầu trẻ”. Nhưng câu nhận định của ông chui vào óc tôi lại có kết quả khác. Tôi chú ý đến nhận định của ông về nhược điểm trong trình độ tri thức và khoa học của những người lãnh đạo cách mạng hồi ấy : kiển thức khoa học của họ rất hạn chế !
                                *
     - Ông ấy gọi họ là “TÂNG LỚP THẦY GIÁO LÀNG” ? Chà, ý kiến ông thủ trưởng của Cụ hình như chính xác đấy.
     - Phải nói thêm rằng ông thủ trưởng mà tôi vừa kể ra với Cụ thuộc loại cốt cán của Đảng Cộng sản kia đấy, là một trong những người có công nhất trong Khởi nghĩa 45, đã từng bị tù ở Sơn La, rồi được cáp ủy giao nhiệm vụ vượt ngục ra lãnh đạo công cuộc vận động "cướp Chính quyền". Khi thành công, ông được cử làm Trưởng Ty Công an (bây giờ gọi là “SỞ CÔNG AN”) một tỉnh lớn, rồi thăng lên đến chức Chủ tịch một tỉnh khác. Nghe đồn, chẳng biết có đúng không, là rồi chỉ vì một lần nóng mắt, lỡ nói một câu gì đấy làm mất lòng thằng cha thợ may ngoài phố, thằng này lại có họ hàng ở Thường Vụ (bây giờ gọi là Bộ Chính trị), nên ông bị Ban Tổ chức cách tuột, về làm nhân viên tèng, rồi dần dần mới thăng lên đến chức thủ trưởng cái Vụ Sân khấu bé xíu bọn tôi. May mà sau đấy ít lâu ông Trường Chinh bắt gặp, nhận ra, bèn hỏi đầu đuôi, rồi nhấc ông lên chức Thứ Trưởng…
     - Thứ trưởng ? Bộ gì ?
     - Văn Hóa.
     - Chà, nhân vật lý thú đấy…
     - Đúng thế. Rât lý thú. Ông thủ trưởng này của tôi rất am hiểu cuộc sống, đặc biệt là rất từng trải về chính trị…
                                     *
     - Chà… “Tầng lớp THẦY GIÁO LÀNG”… ! Chính xác. Càng nghĩ càng thấy ông thủ trưởng ấy của Cụ nhìn thấu ưu và khuyết của các nhà cách mạng hồi 1945. Đúng là Cách mạng Tháng Tám do tầng lớp THẦY GIÁO LÀNG lãnh đạo thật. Họ sống ở nông thôn, am hiểu tâm lý nông dân và được nông dân tín nhiệm nên vận động nông dân rất hiệu quả… Kiểu như Cụ Hồ, rồi mấy ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng…
    - Cả LÊ-NIN nữa chứ ?
    - Lê-nin mà thuộc tầng lớp Thầy Giáo Làng ?
    - Thuộc lớp trí thức nhỏ, ta có thể gộp vào và gọi chung là tầng lớp “Thầy Giáo Làng”.
    - Sao lại thế được ? Ông ấy đã từng sống ở nhiều nước Phương Tây, đặc biệt là Lơn-đơn, thủ đô nước Anh và cũng là Trung tâm của nền Văn Minh Phương Tây thời bấy giờ...
    - Thì Cụ Hồ cũng sống ở Pháp, ở Anh, ở Mỹ đấy thôi. Nhưng “máu” vẫn là máu “thầy giáo làng”. Mà cái tầng lớp này rất dễ thán phục cái "đạo Mác-xít", cái đạo hứa hẹn con đường dẫn đến một Thiên đường. Nếu đạo Kitô hứa nó ở trên trời, chỉ sau khi chết tín đồ mới được lên đấy, thì “đạo” Mác hứa cái Thiên đường ấy ở ngay trên trái đất và chúng ta không phải đợi cho sau khi chết mới được hưởng mà hưởng nó ngay trong lúc chúng ta còn sống. … “Ta mơ trần gian, lúc san bằng hết biên thùy, chỉ còn loài người, chỉ còn tình thương trùm lên thế giới…” Một câu hát, không nhớ của nhạc sĩ nào.
     - Hình như Phạm Duy thì phải.
     - Cái tay bỏ vào Thành rồi vào Sài Gòn ấy à ?
     - Hình như của tay ấy. Tôi nhớ mang máng.
     - (Thở dài) Chà ! Thiên với chẳng Đường ! Đúng là lý thuyết viển vông ! Bởi loài người mãi mãi sẽ chỉ là một “khu vườn không hoàn hảo”, nguyên văn tiếng Pháp là “Un jardin imparfait”. Theo tôi nhớ thì đấy là nhận định của Nhà văn Pháp vĩ đại MONTAIGNE. Đúng là lão Mác đưa ra một thứ hết sức viển vông, giống như …
     - Mác vốn là người mơ mộng, và cái mơ ước quá đẹp nhưng viển vông ấy đánh trúng tâm lý đám trí thức nhỏ, từ “thầy giáo làng” đến nông dân thất học. Họ vốn căm ghét người giầu học dốt nhưng lắm tiền… Họ ôm mộng xây dựng một xã hội “ai cũng như ai”, không ai giầu hoặc nghèo hơn ai, ai cũng có nhiều tiền như ai. Và thích gì làm nấy. Rồi do hiểu biết hạn hẹp, lại thấy các “thầy giáo làng” cũng nghĩ như thế nên càng tin, cuối cùng ngộ nhận. Họ không biết rằng chính đám “con buôn đáng khinh bỉ” ấy, do được tiếp thu tinh thần tự do cá nhân, đi theo những trí thức tiến bộ lúc ấy, đã khởi đầu cho các trào lưu Văn hóa Phục Hưng rồi Khai Sáng, dẫn đến Đại Cách mạng Pháp năm 1789, cuộc Cách mạng đã thông qua Nghi quyết vĩ đại “Về DÂN QUYỀN VÀ NHÂN QUYỀN” mở đường cho cuộc Cách mạng Khoa học Kỹ thuật mà chúng ta được thừa hưởng thành quả hôm nay.
       - Chà. Cụ nói “có vẻ” có lý, nhưng Cụ Hồ, cả Lê-nin mà Cụ bảo trình độ “thầy giáo làng” thì khó chấp nhận…
      - Cả Mao nữa. Tôi nhớ trong cái Đại hội Đảng CSTQ trước khi thông qua nghị quyết tai hại “ĐẠI NHẨY VỌT” làm hàng triệu nông dân chết đói, Mao có nói, đại ý : “Tôi sống ở nông thôn, rất hiểu cuộc sống và tâm lý nông dân. Họ nghèo lắm, cơm không có mà ăn, áo quần không có mà mặc. Đảng chỉ cần làm cho họ ăn no, mặc ấm là bảo gì họ cũng nghe…"
     - Mao còn ví “tri thức” không giá trị bằng cục phân. Cục phân còn bón ruộng được…
     - Tri thức của Bill GATES không bằng cục phân ? Chà, chí lý, chí lý ! Đúng là kiểu nghĩ của “nông dân là quân chủ lực…” Ôi, nhưng… câu chuyện xem ra còn dài và tôi còn muốn hỏi ý kiến Cụ về nhiều điều khác nữa. Ta để mai, nếu gặp nhau ở đây lại bàn tiếp. Được không, Cụ ?
     - Được chứ. Tôi cũng phải về kẻo bà lão chờ cơm không thấy lại nhăn nhó…


                         “THẦY GIÁO LÀNG” (tiếp theo)

    Hôm sau...
  
    - Chào Cụ !
    - Chào Cụ ! Ta làm tiếp cái câu chuyện hôm qua chứ, được không, Cụ ?
    - Được quá đi ấy chứ.
    - Đêm qua tôi không ngủ được, cứ bị ám ảnh bởi cái ý “tầng lớp thầy giáo làng” của Cụ. Càng nghĩ càng thấy cái ông thủ trưởng kia của Cụ nhận định chính xác. Đúng là tầng lớp “thầy giáo làng” Nhưng cũng xin hỏi, tại sao Cụ dám bảo Lê-nin thuộc tầng lớp “thầy giáo làng” ấy ?
     - Ông ta hồi còn ở trong nước đã tham gia tổ chức Dân Túy là tổ chức của lớp trí thức nhỏ, nông thôn, đấu tranh cho nông dân…
     - Tầng lớp “thầy giáo làng” ?
     - Đúng thế. Khi lưu vong ra nước ngoài, ông ta đến Lơn-đơn, nghiên cứu sâu thêm lý thuyết của Mác. Càng ngâm cứu càng phục và trở thành tín đồ của đạo Mác. Tuy nhiên ông còn bối rối một điều là ông Mác bảo, mỗi quốc gia muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội cần phải trải qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa, để tiếp nhận khoa học kỹ thuật tiền tiến của nó, chứ không thể “đi thẳng” được. May thay, đến năm ấy, Mác đột nhiên thay đổi nhận định, thể hiện trong thư trao đổi với bà Vera ZASULICH, và đưa ra nhận định mới, là một số nước phương Đông, trước hết là nước Nga, có thể đi thẳng lên CNXH, không cần qua cái giai đoạn “tư bản” kia, vì xã hội Phương Đông đã quen với lối tổ chức xã hội kiểu cộng đồng. Châu Á nói chung đều thế …Họ đã quen sống trong xã hội cộng đồng
    - Chắc ông ta đọc tiếng Pháp, thấy dịch “làng xã” ở cái xứ An-nam là commune… nên hiểu ra như thế ? Từ commune đến communisme rõ ràng là không xa !
    - Có thể. Nhưng Cụ để tôi nói tiếp đã. Được cái ý ấy của “Thánh”, Lê-nin mừng quá. Bèn khởi thảo ngay chương trình cụ thể. Mác chỉ là người đề xuất cái ước mơ viển vông kia, nhưng Lê-nin mới là người cụ thể hóa nó bằng chương trình hành động, thí dụ phải có một Đảng lãnh đạo gồm những người ưu tú, kiên cường và trung thành, đoàn kết, thống nhất, rồi phải thực hiện võ trang cướp chính quyền, và thứ ba là phải thực hiện Chuyên chính vv và vv… Nhưng Lê-nin vẫn còn cẩn thận, muốn Liên Xô không phải “đứng một mình” mà chỉ là một “mắt xích”, nhưng là mắt xích khởi đầu để kích thích và giúp đỡ các quốc gia “tư bản” khác tiến hành cách mạng vô sản, rồi sau đấy nước Nga XHCN sẽ nhận được sự giúp đỡ của vô sản quốc tế, những người anh em đã qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa, tất cả hỗ trợ nhau cùng tiến lên. Ông ta bèn lập ra cái Quốc Tế Ba và cử người bí mật đi các nước tuyên truyền, vận động. Lúc bấy giờ, tức là sau Thế chiến I, phong trào công nhân phát triển khá mạnh ở nhiều nước, đặc biệt là Đức. Khốn nỗi sau đấy họ thất bại và Lê-nin buộc phải ký hòa ước Brest-Litov, tạm hoãn kế hoạch “xuất cảng cách mạng” kia, chuyển sang xây dựng trong nước. Nhận thấy thiếu khâu “khoa học kỹ thuật phát triển cao” ông đề ra kế hoạch “điện khí hóa” toàn nước Nga. Đồng thời vẫn chỉnh đốn Đệ tam Quốc tế… để tạo điều kiện cho phong trào vô sản các nước phát triển.
     - Tôi có được đọc một vài tác phẩm của Lê-nin xung quanh chủ trương này, thí dụ NHÀ NƯỚC VÀ CÁCH MẠNG, CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ ? LUÌ MỘT BƯỚC ĐỂ TIẾN HAI BƯỚC… Nhất là tác phẩm “LUẬN CƯƠNG THÁNG TƯ”.
     - Chính cái luận cương ấy đã khiến Nguyễn Tất Thành…
     - Tức là Ông Hồ ?
     - Đúng. Sau khi đọc nó xong, cậu trai trẻ TẤT THÀNH, mừng tưởng như phát điên và quyết định gia nhập Quốc tế 3…
     - Cụ nói đúng. Khi tôi đọc kịch bản “KỂ CHUYỆN BÁC HỒ” (sau “bị” đổi tên thành “Người Công dân số Một”) cho ông Hà Huy Giáp, Bí thư đảng đoàn Bộ Văn hóa nghe để duyệt, ông Hà đã góp ý là nhất định phải thêm một lớp vào kịch bản, cụ thể là lớp Bác đọc Luận cương Tháng Tư của Lê-nin vì nó quyết định Bác đi theo Quốc Tế Ba. Hôm ấy Bác mừng quá và thấy sáng rõ con đường phải đi…
    - Chà. Cho nên gọi chủ nghĩa Mác-Lê là có lý. Người đề ra mong ước là Mác, còn người vạch ra con đường để thực hiện cái mong ước ấy là Lê-nin ! Hiểu ! Bây giờ thì tôi hiểu ! Cảm ơn Cụ ! Mà Lê-nin thuộc tầng lớp ta tạm gọi là “thầy giáo làng”. Cũng lại hiểu. Có lý lắm. Rất có lý ấy chứ.
     - Chính do trình độ tri thức hạn chế, mà chủ nghĩa Mác-Lê ấy cứ lúng túng mãi. Phương Tây coi Stalin là người bản chất độc ác. Tôi thì cho là không phải. Nói đúng ra ông ta chỉ là có tính thô bạo thôi.
     - Cái ấy thì đã rõ ràng. Cái nét thô bạo ấy Lê-nin đã chỉ ra và yêu cầu nếu ông ta đứng đầu Đảng và chính quyền xô-viết, thì phải chỉnh đốn ngay cái tính nguy hiểm ấy.
     - Stalin hết sức khâm phục Lê-nin, nhưng vi nhiều lúc phải “quyết đoán”. Ông ta tàn ác, vì tính thô bạo đã đành, nhưng theo ý tôi, vì cái mục tiêu ông ta nhằm trái với mọi quy luật của cuộc sống. Nếu chỉ tiến lên theo cách bình thường thì không được. Phải “mạnh tay” dập tắt mọi mưu đồ “chệch hướng”. Sau khi ông ta mất, Khru-sôp lên thay, cho rằng Stalin đã vi phạm một loạt nguyên tắc của Lê-nin, nhưng rồi chính ông Khơ nhà ta cũng lúng túng, bế tắc, vì cái mục tiêu tuyệt diệu kia đã lộ rõ là viển vông mà vẫn cứ ép nó thành hiện thực giống như đứa trẻ đã lớn, lẽ ra phải quẳng áo cũ của nó đi, may cái mới thì cứ cố chữa cái áo cũ…
     - Tôi có được đọc hồi ký của Khrusov, trong ấy ông ta ân hận là lên nắm quyền nhưng vẫn giữ nguyên hệ thống tổ chức, lề lối bầu bán hình thức, kiểu cũ…
     - Đến Brejnev, cũng rơi vào đúng tình trạng ấy. Rồi Gorbatsov lại càng thế. Cấm rượu tưởng hay hóa thành dở, xuất hiện rượu giả tràn lan. Ngộ độc hàng loạt. Đề ra “công khai”, bỏ kiểm duyệt thì tuột mất một vũ khí quan trọng bậc nhất của Đảng là tuyên truyền, đồng thời bỏ mất sự kiểm soát chặt chẽ các phương tiện truyền thông… Mấy ông ấy nghĩ rằng tất cả những “cải cách” ấy đều để “làm đúng theo lời dạy của Lê-nin”, “khôi phục” lại những gì Lê-nin đã chủ trương… Mấy vị ấy không hiểu rằng những lời dạy ấy đã không còn thích hợp nữa. Chính vì lẽ ấy càng “chữa” càng rối…
      - Ôi thôi, hôm nay trò chuyện hơi nhiều. Tôi phải đi bộ một lát cho tròn bổn phận với sức khỏe đã. Cụ có đi cùng không ?
     - Có. Nào thì đi. Câu chuyện đang hay. Mai tiếp nhé !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét