Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016

NGHE LỎM : THOÁT






NGHE LÉN ĐƯỢC TRONG CÔNG VIÊN
Số 01

                                                           THOÁT ?

      - Chào Cụ ! Hình như Cụ vừa có gì chuyện gì vui ?
      - Có đấy. Chúng ta sắp “thoát” rồi !
      - Thoát gì ? Thoát “Trung” ý à ? Còn lâu !
      - Không phải thoát Trung mà là thoát Mác ! Cái quan trọng là “Mác-Lê” chứ không phải “Trung”. Bởi cái thỏa thuận Thành Đô họ giấu như mèo giấu cứt, có công bố gì đâu nên tôi mù tịt, mà hình như Cụ cũng mù tịt, đúng không nào ? Cho nên nói “thoát Trung” là rất mơ hồ. Vả lại tương lai của Trung Quốc ra sao, mỗi người nhận định một cách, kể cả nhiều nhà bình luận nổi tiếng thế giới cũng mỗi người một ý. Người thì bảo sắp sụp đổ, người thì bảo sẽ đứng đầu thế giới, thay Mỹ. Tôi đọc mà cứ thấy đầu óc rối tung cả lên. Vả như tôi vừa nói đấy. Tai họa của dân ta hôm nay chủ yếu là do cái “đạo” Mác – Lê chết tiệt kia. Cái đạo tàn hại bao nhiêu nước. Thằng cha Allende Tổng thống Chi-lê, chỉ do nghe đám lãnh đạo Đảng Mác – Lê xui dại mà đất nước Chi Lê tan hoang, dân không có gì cho vào nồi, các bà các chị phải kéo nhau đi biểu tình “xoong nồi”, gõ xoong gõ nồi ầm ĩ trên các đường phố phản đối. Nhân đây cũng xin kể với Cụ một kỷ niệm riêng. Hồi trước tôi có dịch một cuốn tên là NGƯỢC DÒNG của một nhà văn Chi Lê lưu vong viết ra sau vụ đảo chính quân sự…
      - Cái vụ khiến Tổng thống Allende phải tự sát, đúng không ?
      - Đúng thế. Tac giả cuốn NGƯỢC DÒNG ấy, sau mấy năm sống lưu vong đã suy ngẫm về nguyên nhân tình trạng rối ren của đất nước, và viết ra. Tôi nhớ sau khi xuất bản, nhà văn Nguyễn Khải, lúc ấy còn sống và là một trong số bạn tôi, gặp tôi giữa đường đã bắt tay tôi, nói : “Cuốn ông vừa dịch quá hay. Không phải mình khen ông dịch đâu mà khen ông chọn sách rất chính xác, rất đúng lúc…”
                                                          *
      Tai họa của đất nước Chi Lê chính là do lão Tổng thống Allende, vốn nhân hậu nhưng chất phác bị mấy thằng cha Mác-xít ở đấy xui dại, chủ trương đưa đất nước lên cái CHỦ NGHĨA XÃ HỘI “viển vông”, đang giầu đẹp như thế thành nghèo đói, thảm hại… Sau đấy Khải có gửi tặng tôi số báo VĂN NGHỆ đăng bài điểm cuốn sách ấy của anh, nội dung là đánh giá cao tác phẩm ấy của nhà văn Chi Lê lưu vong kia.
     - Và đánh giá cao Cụ ?
     - Đúng, nhưng không phải khen tôi dịch mà là khen tôi chọn sách chính xác, cần thiết, đúng lúc nước ta đang cần. May mà lúc ấy tôi đã lờ mờ hiểu ra, sau khi chứng kiến xã hội Liên Xô bị thằng cha Brejnev và Đảng Cộng Sản của hắn đưa xuống vực thẳm như thế nào. Tôi kể Cụ nghe nhé. Hồi ấy hầu như năm nào tôi cũng được sang Moskva dự một hội nghị nào đấy, và thấy rõ Liên Xô cứ mỗi năm một nghèo đi trông thấy. Rõ nhất là Cửa hàng Bách hóa Tổng hợp G.U.M. bên cạnh Quảng trường Đỏ, từ chỗ đầy ắp hàng hóa vào thời kỳ gọi là “băng tan” đầu thập niên 1960, cứ mỗi năm một vơi dần và cái lần cuối cùng tôi sang Liên Xô năm 1990 ấy…
      - Năm sau sụp đổ thì phải ?
      - Đúng thế. Mùa Đông năm ấy, tôi đã nghỉ hưu rồi, nhưng ông Vũ Tú Nam, Tổng Thư ký Hội vẫn đề nghị tôi dẫn đầu Đoàn Đại biểu Hội Nhà Văn ta sang đấy “thăm hữu nghị” theo thỏa thuận giữa hai Hội của ta và của Liên Xô, cái thỏa thuận đã ký kết từ nhiều năm trước. Sang đến nơi, tôi thấy các tủ bầy hàng ở G.U.M xơ xác, lèo tèo toàn những thứ bầy làm mẫu không bán, mà có bán cũng chẳng ai mua vì chất lượng quá kém… Tôi đi đi lại lại mấy vòng, không biết nên mua thứ gì về làm quà cho vợ con ở nhà, đành chọn một pho tượng người cá bằng đất nung lòe loẹt và thô kệch, xem nhãn thì thấy đề của một tổ nghệ nhân thủ công nào đấy, ở tận Si-bia làm…
      - Chà ! Nghe Cụ nói tôi cũng lờ mờ nhận ra. Nhưng thôi, sao Cụ dám bảo đất nước chúng ta sắp “thoát Mác-Lê” ?
      - Có một loạt biểu hiện. Lúc nào rảnh tôi sẽ kê ra cho Cụ nghe. Vả lại cũng phải chờ thêm ít lâu nữa. Nhưng một điều hẳn Cụ đã bắt đầu thấy là các Doanh nghiệp Nhà Nước đang “teo” đi rất nhanh. Mà chúng teo là phúc cho dân. Hôm qua đọc báo thấy Phạm Nhật Vượng đề nghị mua 80 phần trăm cổ phần của cả Cảng Hải Phòng lẫn Cảng Sài Gòn. Mà mấy cái Doanh nghiệp rồi “Tập đoàn” Nhà nước ấy trong tay toàn những đứa vừa ngu vừa dốt, lại vừa tham. Chúng lấy tiền của Nhà Nước vô tội vạ rồi chia chát nhau… một cách “hợp pháp” ! Mà tiền Nhà nước là tiền dân đóng thuế, đúng không Cụ ?
      - Nhưng tôi thấy khó đấy. Hôm nọ có ông bảo tôi, nói gì thì nói chứ Đảng vẫn cứ đang mạnh lên… Mà không khéo xảy ra nội chiến thì khốn nạn…
      - Tôi nghĩ đám nghĩ mới này đủ thông minh để không “thoát” công khai mà từ từ, lúc đầu thoát cái lõi đã, dần dần sẽ thoát cái vỏ. Danh nghĩa vẫn là Đảng Cộng Sản nhưng ruột thì không còn cộng với sản gì hết. Giống như Đảng Cộng Sản Pháp bỏ hình búa liềm ấy. Vẫn là đại hội Đảng Cộng sản nhưng không có búa cũng không có liềm…
      - Ôi, nếu đúng như thế, tức là nước ta sắp “thoát Mác-Lê” thì đám “gần kề miệng lỗ” chúng ta cũng đỡ phải lo cho tương lại của đám cháu chắt, chứ hôm nay thấy cái tương lai của chúng nó mù mịt quá, phải không, Cụ ?
     - Nhưng thôi, trao đổi sơ sơ thế thôi. Cụ với tôi ra đây để vận động thân thể, đâu để bàn chuyện đâu đâu. Đúng không Cụ ? Cụ đi bộ được vòng nào chưa ? Đi nhiều rồi thì ngồi mà nghỉ, tôi chưa đi được mấy, xin phép đi tiếp… kẻo cũng muộn rồi…
                                       *
      Câu chuyện tôi lén ghi được hôm qua, về mở máy nghe lại, thấy lý thú, bèn ghi ra. 

                                                                             *

                                                                         PHẦN 2


     - Chào Cụ.
     - Chào Cụ !
     - Hình như Cụ có gì đấy đang vui, phải không ?
     - Thế triển vọng ta thoát Trung và thoát luôn cả Mác không làm Cụ vui ư ?
     - Vui chứ. Nhưng còn một thứ cần thoát hơn nhiều mà tôi chưa thấy triển vọng thoát đâu cả. Thứ cần thoát nhất !
     - Nó là cái gì ?
     - Thoát chính mình ! Không có nó thì vẫn dậm chân tại chỗ, có “thoát” đằng giời !
     - Cụ vưà nói “Thoát chính minh” ? Tôi chưa hiểu. Sao lại phải thoát chính mình ? Mà thoát sao được bản thân mình kia chứ.
     - Ấy thế mà cần thoát đấy. Rất khó, nhưng cần lắm…
     - Tôi chưa hiểu. Thoát Trung thì tôi hiểu, và thoát Mác tôi cũng hiểu. Còn “thoát chính mình” thì tôi chưa nghe thấy bao giờ và cũng chưa hiểu nó là cái gì ? Mà làm sao cần phải thoát ?
     - Hôm trước, đọc tường thuật cuộc Hội thảo về Thoát Trung do Hội Nhà văn độc lập tổ chức, tôi thầm nghĩ, xem các bạn trẻ định thoát Trung cách nào, tôi thấy các diễn giả toàn nói loanh quanh , vớ vẩn cả. Rồi đột nhiên tôi thấy một người, hình như một nhà văn nữ, nói một câu tôi tán thành ngay, là Thoát Trung trước hết là thoát chính mình. Tôi mừng quá, đúng như suy nghĩ của tôi. Nghe thấy thế, tôi tự nhủ, thì ra vẫn có một số, dù mới ít thôi, nhìn thấy được vấn đề.
      - Thoát “chính mình” ? Tôi vẫn chưa hiểu. Thế là thế nào ?
      - Rất nhiều thứ ! Tôi cho là hầu hết những thứ chúng ta cần “thoát” không phải do chịu ảnh hưởng của Trung Hoa, của “văn hóa Trung Hoa” như nhiều bạn nói. Mà chính là lối tư duy kiểu “xóm làng“, kiểu “sau  lũy tre xanh”, nói cách khác là kiểu “đám đông”, kiểu “bầy đàn”, thói ”a-dua”, lối sĩ diện, “coi mình là nhất”, căm ghét bất cứ ai khác mình, kiểu thích “dè bỉu” bất cứ ai hơn mình … kiểu chỉ cố moi chỗ kém của người ta ra để chê bai, cốt tỏ ra ta đây “hơn những người ấy” chứ không chịu học họ. Thấy Tây thì bảo “da bợt, mắt xanh như mắt mèo, thân thể thì lông lá như khỉ, nói năng thì xì-xa- xì-xồ, như chó sủa, ăn thì lấy cái đinh ba chọc…” Hoặc như đám cùng học với tôi ở Liên Xô thì chê dân Nga ngu ngốc, và gọi các sinh viên Nga là “Nga Ngố”… mà không thấy rằng anh còn học mệt mới bằng cái “ngố” ấy. Kết quả là “Đánh Tây” trong khi lẽ ra phải học cách tư duy “văn minh” của họ… Đấy là không kể cái thói không tự mình cố gắng, dùng sức mình, mà xun xoe, nịnh người khác để họ “viện trợ”… Cụ Phan Bội Châu thì “cầu cứu” Nhật. Ông Hồ thì quỵ lụy cầu cạnh Nga, Tầu… Nguyên Văn Linh thì lạy van Trung Cộng tha tội đã có lúc nghĩ xấu về họ, rồi hứa từ nay lại xin làm đàn em… Mười sáu chữ vàng là gì ? Nếu không phải là lạy van người ta “cứu mình”. Trong khi ấy thì khinh dân, dùng công an quân đội đàn áp dân của mình…chẳng khác gì vua quan ngày xưa. Ôi, bao nhiêu thói xấu của dân ta đâu phải do ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, mà cố hữu của dân mình, do lối sống nông nghiệp truyền thống, cuộc sống bó hẹp trong lũy tre xanh... Thêm vào đấy cũng có phần ảnh hưởng của Tàu, nhưng chủ yếu là do ở chính chúng ta… Mê tín dị đoan, cờ bạc, rượu chè, đua nhau cúng lễ đâu phải do học văn hóa Tàu ?
     - Cụ nói đúng. Tôi đọc của ông BÌNH NGUYÊN LỘC, kể rằng đám kiều dân Trung Hoa ở khu vực ông ấy sống, không có ban thờ tổ tiên  như mình. Mà Cụ nhớ xem, người khởi đầu cho “huyền thoại” láo toét về mụ Hằng rồi ca ngợi mụ, khiến hàng trăm hàng ngàn người bị lừa, bị mụ ta thoải mái bịp để moi tiền... Đâu phải người Tàu mà chính là Phó thủ tướng của chính phủ ta, đề cao con bịp ấy… Ôi, càng nói ra càng đau lòng. Không biết Cụ đã đọc cái bài trên báo CÔNG AN NHAN DÂN gần đây vạch trần trò bịp của mụ Hằng và cái tội của kẻ khởi đầu cho huyền thoại về mụ ấy, tức là cái ông Phó Thủ tướng kia chưa ? Đọc mà đau xót, mà buồn cho cái dân nước mình, lắm thói xấu, nhiều hủ tục đến thế… Cho nên bây giờ hễ nghe thấy ai nói mấy chữ “THUẦN PHONG MỸ TỤC” tôi lại muốn… văng ra ! Dân ta khốn khổ vì những “thuần phong mỹ tục” kiểu ấy đấy… Nhịn ăn nhịn mặc để quẳng tiền ra xây lăng to, xây mộ lớn, xây nhà thờ họ… để làm gì, Cụ biết không ?
       - Để “vây vo”, để có thể vỗ ngực ta đây… 
       - Đúng thế. Để tra ta không kém cạnh ai đâu nhé !

      - Cụ nói “có vẻ” có lý… Tôi đọc một người Pháp, khi nói về dân nước mình, ông ta viết : “Dân Việt Nam có một thứ sùng bái, tuy không ai mất một nén hương để đốt, thờ…Đấy là sùng bái -hay thờ phụng- vị thần “bộ mặt” – đấy là tôi tạm dịch, đúng ra phải gọi là thói sĩ diện. Và ông Tây kia dùng chữ Pháp, gọi là “le génie du paraitre” .
      - Chà. Cụm từ quả là khó dịch. Génie du Paraitre… tôi cảm thấy chưa sáng sủa lắm, e người đọc cũng khó hiểu nó là cái gì.
     - Nhưng cái ông tác giả Luengren kia đã giải thích bằng cả một đoạn dài… Cụ muốn đọc tôi sẽ chuyển cho Cụ cuốn sách ấy, tên sách là “Le Vietnam
     - Nhưng tại sao Cụ lại cho “thoát chính mình” là quan trọng nhất ?
     - Cần thiết nhất ! Nếu chưa “thoát” những lối nghĩ hủ lậu ấy, coi sĩ diện, nói cách khác là quá quan tâm đến “ánh  mắt” của người xung quanh, thì con người vẫn chìm đắm trong tập tục cũ, chưa tiến lên, trở thành văn minh và vẫn bị mấy thằng cha lãnh đạo lừa bịp, hứa hão và đề cao vô lối, rồi bắt nạt bằng cách luôn nhắc là phải giữ kỷ cương. Tôi cho rằng trong lịch sử phát triển của văn minh, loài người đến nay đã thay đổi rất nhiều. Thí dụ, hệ thống luật ngày xưa, chỉ để trấn áp, kiểu như Bộ luật Hồng Đức ở ta hay Bộ luật thời Louis XIV ở Pháp. chỉ nêu lên các tội và hình thức trừng phạt, còn luật ngày nay ở các nước tiền tiến thì quy định con người, hay người dân, được quyền những gì… Tôi tạm gọi đấy là “kiểu cũ” và “kiểu mới”. Nên mấy ông độc tài ở ta cũng như ở các chế độ Cộng sản miệng nói “dân chủ” nhưng dân có được hưởng quyền dân chủ đâu. Ông Lê Duẩn đề ra “làm chủ tập thể” thực chất nghĩa là không ai làm chủ cả. Làm chủ là “Đảng”, dân chỉ là đầy tớ. 

       -  Ôi, tôi thấy đám Cộng sản dùng từ ngữ giỏi quá. Ông Hồ nói “dân chủ nghĩa là để cho dân được mở miệng” là tỏ ra ta đây “vì dân”, nhưng trên thực tế ai dám mở miệng ? Vì mấy người dũng cảm “mở miệng” là bị công an tóm cổ, bỏ tù… Mấy thằng cha lãnh đạo nói “pháp quyền” nhưng tòa án có quyền gì đâu, mà tòa chỉ răm rắp thực hiện “ý kiến của các anh trên” ! Tôi kể Cụ nghe một chuyện đã lâu, hình như khoảng 1980. Hôm ấy tôi làm việc xong với ông Trưởng ban Tuyên giao Thành phố Hà Nội, ông ta giữ lại trò chuyện, chẳng ông ta lúc ấy còn kiêm chân Phó Bí thư Thành Ủy. Ông ta khoe là tay nhà sư chùa Bà Đá dụ dỗ mấy bà hàng Đào hàng Ngang, rồi ép dâm và moi tiền của các bà… Phát hiện ra, tòa định xử năm năm tù, nhưng ông Phó Bí thư bảo, đấy là tội sinh hoạt, năm năm nặng quá, hai thôi, quá lắm là ba… Ông ta kể ra với tôi ý nói ông ấy “nhân đạo” và có cách nhìn rộng, thật ra là ông ta xóa luôn nguyên tắc “pháp quyền”… Cụ bảo thế thì còn pháp với chẳng quyền gì nữa ? Đấy là “kiểu cũ”, còn “kiểu mới” là cứ căn cứ vào luật… Và phải để Lụật sư tranh tụng, rồi Tòa án quyết định, không được dùng áp lực xoay chuyển và bắt thẩm phán biến thành bù nhìn…Gần đây Quốc hội đưa ra dự thảo về quyền im lặng, bị mấy thằng cha, nghe đâu trong ấy có cả cấp Tướng, phản đối. Thế thì quá “kiểu cũ” ấy chứ. May mà bây giờ dân bắt đầu hiểu và phản ừng trên mạng… May còn có cái mạng để dân nói… Mấy thằng cha lãnh đạo còn chuyên quyền được chính vì dân ta đại đa số còn suy nghĩ theo kiểu cũ, nghĩa là cho rằng dân chỉ là rơm là rác, quan mới có quyền… Đấy, theo tôi, ta muốn “văn minh” lên thì phải bỏ kiểu suy nghĩ cũ kỹ, quen thuộc, mà suy nghĩ theo “kiểu mới” nghĩa là dân phải được quyền, nếu mấy thằng cha độc tài không cho thì phải “đòi”. ít nhất cũng bắt chúng nó tuân theo hiến pháp, luật pháp… mặc dù hiến pháp và luật pháp chỉ là trên giấy và do chúng vạch ra rồi ép đám nghị gật thông qua… Tôi thích câu của một chính trị gia nào ấy nói : Khi chính phủ sợ dân thì là dân chủ, khi dân sợ chính phủ thì là độc tài (hoặc chuyên chế). Muốn đất nước ta tiến lên theo kịp năm châu, ít nhất cũng theo kịp Indonesia, Philipines, Malaysia… chưa nói đến Hàn Quốc hay Nhật Bản thì phải thay đổi cách suy nghĩ, bỏ các hủ tục, các thói quen ngàn đời là sợ cấp trên, là thờ “le genie đu Paraitre”, như cách gọi của cái ông Luengrin kia. Phải tập suy nghĩ kiểu mới, phải thấy mình có quyền được tự quyết định những gì là “của mình”… Cho nên theo tôi, quan trọng nhất là phải “thoát chính mình” phải dám bỏ những cách suy nghĩ cổ hủ, nô lệ…
      - Nghe Cụ nói, tôi lại nhớ câu của văn hào Nga Tsekhov trong thư khuyên em trai : “Trong con người mỗi chúng ta còn thấm đẫm chất nô lệ, phải biết gạt chúng đi, phải “nặn chúng ra khỏi thân thể chúng ta “từng giọt, từng giọt một”.,, Mấy chữ ấy tôi rất thích “phải nặn ra như nặn mủ, từng giọt, từng giọt…”
     - Hay ! Câu văn quá hay ! Đúng là Tsekhov ! Đúng là phải nặn hết chất nô lệ còn sót lại trong con người mỗi chúng ta, từng giọt, từng giọt…”
     - Công nhận là rất hay ! Như ở ta thì phải từ bỏ cách suy nghĩ kiểu “đám đông”, kiểu “bầy dàn” kiểu chỉ coi giá trị bản thân mình là cao nhất, kiểu a-dua… Thấy người ta đi đưa tang ông Giáp cũng đi, thấy người ta khóc cũng khóc, cả mấy cháu bé 9-10 tuổi cũng gào thét khóc như mưa như gió, mặc dù chúng có biết ông Giáp là ai đâu. Chúng giống như mấy thằng cha ở xóm thét “Đánh chết nó đi !” Là đám bầy đàn cũng đuổi theo đánh chết cái người họ chẳng biết anh ta có tội gì… Khốn khổ, cách nghĩ “bầy đàn” là tai hại nhất. Còn kiểu suy nghĩ ấy thì đất nước ta còn đắm chìm trong lạc hậu, nghèo đói…Cách nghĩ “bầy đàn” coi mình chỉ là cái rơm cái rác, mọi thứ đều do kẻ ở trên bầy đặt ra. Gần thì cha mẹ, các anh các chị…xa thì ông Vua cùng đám quan lại quây tụ xung quanh ông ta…với tướng tá hùng hậu, vũ khí loảng xỏang…
      - Đúng thế.
      - “Dân hai nhăm triệu bao người lớn ? Nước bốn ngàn năm  vẫn trẻ con” Chà, nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu bộc lộ nối đau thấm thía ấy, đọc mà thấy đau lòng. Dân ta vẫn “trẻ con” vì chưa thoát ra khỏi trạng thái “vị thành niên”. Thế kỷ XVII ở Phương Tây có trào lưu Khai Sáng, theo nhà triết học vĩ đại Emmanuel KANT thì Khai sáng chính là thoát khỏi trạng thái “trẻ con” để thành người lớn…
      - Ôi, nếu thế thì chúng ta rất cần một phong trào KHAI SÁNG như thế.
      - Đến khi ấy, nếu thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đội mồ, sống lại, cũng sẽ mừng rỡ, không còn phải than vãn : “Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con !
      - Đúng ! Cụ nói  đúng ! Chà… Đúng là phải thoát khỏi kiểu suy nghĩ trẻ con, hay còn gọi là “ấu trĩ” đang tồn tại kiể "vị thành niên" theo cách gọi của triết gia Emmanuel KANT. 
      - Đáng mừng là… Cụ thấy không ? Gần đây xuất hiện ngày càng đông các cháu được học hành hẳn hoi, bắt đầu suy nghĩ theo kiểu mới, kiểu “người lớn”, không theo lối “bầy đàn”, kiểu cứ ông bà, cha mẹ dạy thế nào thì làm theo như thế… Chúng dám sống tự lập, không cần quan tâm đến người khác “đánh giá” chúng ra sao. Số cháu hiểu biết này hiện chưa nhiều nhưng rồi Cụ sẽ thấy, chúng ngày càng đông. Nhất là ngày nay nhiều cháu được cha mẹ cho theo học ở nước ngoài, thấy được tính chất cổ hủ, lạc hậu, cách nghĩ nô lệ… của dân mình, nên đã có ý thức cố thoát ra được và thành người văn minh…
     - Người được “khai sáng” ?
     - Đúng thế. Mà Cụ biết chưa ? Hôm nay tôi đọc thấy tin một trí thức Mỹ gốc Việt được bầu làm thẩm phán của tòa án tối cao Hoa Kỳ…
     - Bây giờ thì tôi hiểu. Quan trọng nhất, cần thiết nhất, và cũng khó nhất là “thoát chính mình” !
     - Nhưng “thoát” này khó hơn nhiều so với các thứ thoát khác. Chà, cuộc trò chuyện hôm nay hết sức thú vị… Tôi nghĩ, đây là đề tài thiết yếu, hai lão già chúng ta còn có dịp quay lại, đúng không, Cụ ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét