KỶ NIỆM
Tai hoạ chỉ tại Chiếc
bánh chưng
Năm 1980, tôi và nhà nghiên cứu Tuồng
Hoàng Châu Ký được cử đi Berlin dự cuộc Hội thảo Quốc tế về Bertold BRECHT, nhà
viết kịch kiêm đạo diễn Đức nổi tiếng thế giới. Chuyến đi rơi đúng vào mồng ba
Tết Âm lịch, vì thế tôi đã cố để ít người biết, sợ nếu biết, sẽ rất nhiều người
nhờ chuyển quà Tết sang cho thân nhân đang công tác và học tập ở Đức, mà tôi
thì vừa mổ cắt ba phần tư dạ dầy mới trước đấy hai tháng, chưa hoàn toàn bình
phục. Vậy mà cuối cùng số quà tôi buộc phải nhận chuyển hộ vẫn chất đầy hai va
li, toàn những thứ vừa nặng vừa cồng kềnh : chè lam, ngũ vị, mứt, chè hương,
nhưng đáng sợ nhất là bánh chưng. Vậy mà cô diễn viên K. T., người tôi chỉ biết
mặt chứ chưa quen, không hiểu sao biết được, tìm đến tôi năn nỉ nhờ chuyển cho
chồng đang học Đại học Sân khấu ở Berlin hai chiếc bánh chưng to và nặng (loại
một kilô gạo), gấp đôi bánh chưng thường (chỉ bốn-năm lạng gạo) và hai gói chè
Ba Đình. Tôi đã cố từ chối, nhưng rồi cái tật nể nang đã làm hại tôi.
Bấy giờ mẹ tôi còn sống. Sáng 30 Tết, cụ đến nhà tôi giữa
lúc tôi đang chuẩn bị hành lý, thấy vậy đã nhăn nhó : “Con đã khoẻ hẳn đâu mà mang xách nặng như thế ? Đừng nể nang quá ! “ Tôi đáp : “Con đã từ chối nhiều người rồi, đây là của những người con không thể từ
chối “. Biết tính con, mẹ tôi thở dài ngồi xuống “duyệt” lại từng thứ, ai nhờ chuyển hai thứ thì cụ bớt lại một, nhưng đến hai chiếc bánh chưng to và hai gói chè của cô K. T., thì tôi ngăn lại, cô không phải người thân, làm thế e không tiện... Mẹ tôi đành chỉ
bỏ đi lớp giấy báo bọc ngoài rất dầy.
Đến Berlin, tôi lại mất rất nhiều công gọi điện hoặc gửi thư
cho những người có quà đến gặp tôi ở khách sạn để nhận. Ba ngày đầu Hội thảo,
ngoài giờ họp tôi không dám đi đâu, chỉ túc trực trong phòng khách sạn, sợ ai
đến nhận quà lại không gặp. Đến ngày thứ tư, giao quà xong cho tất cả mọi
người, tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Ai ngờ tối hôm ấy, chồng cô K. T. đến gặp
tôi, đã không cảm ơn còn cau mặt độp ngay :
- Anh chưa đưa hết quà cho tôi !
- Còn thiếu thứ gì ?
- Tôi không biết, nhưng trong thư của vợ tôi có nói đến một
thứ mà trong số anh đưa, tôi không thấy.
- Thứ gì ?
- Một thứ rất đáng giá.
Nếu anh không đưa, tôi sẽ buộc phải báo cáo chuyện này ra và anh sẽ không ra
gì.
Tôi gặng hỏi thế nào anh ta cũng không chịu nói ra cụ thể,
chỉ một mực “đó là một thứ rất đáng giá “. Rồi anh ta đe, nếu tôi không trả cho anh ta, tôi sẽ phải hứng chịu những hậu quả này nọ. Vốn nhát gan, tôi đành viết thư cho tất cả những người tôi đã chuyển quà, hỏi xem có thấy trong số quà họ nhận một thứ gì đặc biệt không ? Vẫn chưa
yên tâm vì tôi còn lo lỡ cô K. T. nhét “
vật rất đáng giá “ kia trong ruột
bánh chưng hoặc gói chè thì sao, cho nên tôi đành quyết định tìm đến gặp từng người, nếu ai chưa bóc bánh hoặc gói chè ra thì yêu cầu bóc ngay trước mặt tôi xem có thứ gì bên
trong không. Thế là cứ hết giờ họp tôi lại mặc áo pan tô, đội mũ lông – bấy giờ
đúng giữa mùa Đông, thời điểm lạnh nhất ở Berlim – rồi hấp tấp chạy ra bến xe
công cộng, đén một nhà khác. Thành phố rất rộng, tôi lại không thông thuộc mấy
nên liên tục phải giở bản đồ ra xem để tìm đường, vậy mà vẫn nhiều lúc lạc
đường lúng ta lúng túng. Khổ nhất là mò vào những khu chung cư ở ngoại thành
Berlin. Thời tiết mùa đông rét mướt, tuyết rơi từng mảng, đường xá trong những
khu vực đang xây dựng lầy lội, nhớp nhúa, đầy bùn lẫn với tuyết. Sau bốn năm
ngày, tôi vẫn không thấy được cái thứ “ rất đáng giá “ kia. Còn anh chồng cô K. T. thì ngày nào cũng đến ngồi bên ngoài phòng họp, chờ lúc giải lao là đón tôi ở cửa gặng hỏi và đe nạt. Ông Ký, vốn đã từng là thầy học của anh ta ở trường Trung cấp Sân khấu, cũng dùng mọi lời lẽ ôn tồn gặng hỏi xem “vật rất đáng giá ” kia là cái gì ? Đồng hồ, vàng, hay cái gì khác ? Nhưng anh ta nhất định không nói, chỉ một mực hung hãn đáp “ một thứ rất đáng giá “, lại còn nói là chính tôi biết. Mà nào tôi có biết cho cam.
Suốt hai tuần nghe tham luận, tham quan bảo tàng- nhà riêng của hai vợ
chồng Bertold Brecht và bà Weigel, xem những tiết mục dàn dựng theo kịch bản
của ông, hoặc do chính ông tự dàn dựng hoặc người khác đạo diễn ở Đông Berlin,
bụng dạ tôi lúc nào cũng như lửa đốt. Ngồi trên máy bay về nước, tôi vẫn không
yên dạ.
Khi xe chở ông Hoàng Châu Ký và tôi từ sân bay về, lúc qua
nhà tôi, tôi mời ông ghé vào để biết nhà, vì từ khi tôi dọn đến đây ông chưa đến
lần nào, hôm mồng ba ddeends đón tôi thì ông ngồi trong xe chờ tôi xuống. Lúc
hai anh em vào nhà, vợ tôi chào ông Ký xong, quay sang tôi cười nói :
- Anh yên tâm, mọi chuyện xong xuôi cả rồi.
- Nghĩa là sao ? Mà chuyện gì ?
Vợ tôi nói :
- Thì anh cứ ngồi nghỉ ngơi đã nào !
Và tiếp anh Ký hộ em.
- Không, em phải nói ngay anh mới yên
tâm ngồi nghỉ được.
Vợ tôi cười rất tươi :
- Vậy thì nhân có anh Ký ở đây, em nói
luôn để anh Ký cùng biết. Tìm thấy được thứ anh lo làm thất lạc rồi.
- Thấy ở đâu ? Mà là cái gì ?
Vợ tôi bèn kể. Hai ngày sau khi tôi
đi, cháu Thúy Quỳnh, con gái tôi, lúc ấy lên 10, trong lúc xé giấy báo cũ ra
nhóm bếp dầu, thấy một gói nhỏ lồng giữa hai lớp giấy báo, cháu mở ra xem, đoán
rằng đấy là tiền nước ngoài (vì tôi hay đi công tác và đem về những tờ giấy bạc
lẻ tiền không phải của Việt Nam) nhưng không biết là tiền nước nào, bèn đem vào
hỏi mẹ. Vừa nhìn thấy, vợ tôi đã hết cả hồn : năm tờ 100 đô !. Thì ra cô K. T. đã lồng trong lớp giấy
bọc ngoài hai chiếc bánh chưng mà mẹ tôi đã lột ra cho nhẹ bớt vì nghĩ chồng cô
ta chỉ cần bánh chưng chứ cần gì tờ giấy báo bọc ngoài.
Hú vía ! Nghe xong tôi thở phào nhẹ nhõm.
Ông Ký cười :
- Làm chú Phòng mất cả ăn cả ngủ suốt nhưng ngày ở nước bạn!
- Rồi nghĩ một lát,, ông giận dữ nói -
Mà sao con K. T. ấy ác thế nhỉ ?
- Vâng, đúng thế ! Nhìn thấy năm tờ đô la, em giận cô ta quá
! May mà cháu Quỳnh hôm ấy lại xé ra, - vợ tôi nói tiếp. - Chứ giá như mọi khi
cháu đưa cả tờ giấy báo vào bếp thì đâu còn những tờ đô ấy nữa ? Khi ấy nhà em sẽ mang tiếng biết chừng nào mà không sao
thanh minh được. Đúng là tổ tiên phù hộ cho vợ chồng em thoát khỏi một tai hoạ
tày đình ! - Vợ tôi khi nói vẫn cười, nhưng tôi thấy khoé mắt hơi ướt. - Khi
nhìn thấy tờ đô, em thương nhà em vô
hạn. Em biết ngay rằng ở bên ấy chắc chồng cô ta làm khổ nhà em nhiều lắm. Tính
nhà em hay lo, không biết mất ở đâu, sẽ chẳng còn hứng thú gì dự hội nghị nữa.
Chưa kể cô ta còn vô lươmg tâm, nỡ ép nhà em mang hai chiếc bánh chưng loại
nặng như cối đá, mà nhà em thì vừa mới mổ, cắt ba phần tư dạ dầy, đã hoàn toàn
bình phục đâu ? – Rồi quay sang tôi, vợ tôi kín đáo lau nước mắt, nói :- Sau đấy, em định đánh điện sang cho anh yên
tâm, nhưng không biết đánh theo địa chỉ nào, vả lại em biết anh cũng chẳng ở bên ấy lâu.
- Vậy mấy tờ đô ấy đâu ?
- Em trả lại cô ta rồi.
- Sao đã vội trả mà không đợi anh về ?
- Vì em sợ. Đấy là thứ phạm pháp, để ở nhà rất nguy hiểm.
- Nhưng em có bắt cô ta ký nhận không đấy ? Kẻo rồi cô ta
lại gây rắc rối thêm nhiều nữa. Anh cảm thấy cô ta là người khó tin được. Giả
sử hôm ấy mẹ không bỏ lại tờ giấy gói, rồi hải quan phát hiện anh mang ngoại tệ
mà không khai báo thì có chết không ? Rất có thể họ không cho anh lên máy bay
và rồi còn bao nhiêu chuyện rắc rối khác nữa. Liệu cô ta có nghĩ đến chuyện ấy
không hay chỉ nghĩ được việc cho cô ta ?
- Em đã gọi cô ta đến, mắng cho một trận, cô ta chỉ cúi đầu
nhận tội, và thanh minh rằng, cô ta sợ nếu nói thật anh sẽ không nhận mang đi,
mà chồng cô ta bên ấy thì đang rất cần số tiền ấy.
- Nhưng em cũng phải làm cách nào để sau này cô ta không còn
gây rắc rối chứ ?
- Có ạ. Em đã đến cơ quan gặp anh Trần Bảng báo cáo (lúc đó
là Vụ trưởng Vụ Sân khấu, nơi tôi đang công tác). Anh Bảng đã cho gọi cô K. T.
đến nhận lại năm tờ đô trước mặt anh ấy. Nhưng thôi, thế là đã xong, anh tiếp
chuyện anh Ký đi. Nhân tiện, anh mời anh Ký ở lại đây ăn với vợ chồng mình một
bữa mừng Xuân và mừng vợ chồng mình
thoát được một tai hoạ lớn.
- Xin khất cô chú dịp khác, - ông Ký cười nói và đứng dậy.-
Xe đang đợi dưới kia, ở lại lâu không tiện. Nhưng trước hết xin mừng cho cô chú.
Đầu năm đã gặp may lớn, cả năm sẽ lắm tài lộc đây, - ông Ký cười nói và đứng
dạy.
Cái Tết năm ấy, tuy ăn muộn vì phải đi công tác, nhưng tôi
ăn ngon hơn bất cứ một cái Tết nào trong đời. Không thể tả được nỗi mừng vui
của tôi lúc bấy giờ. Hồi ấy, tiền đô la chưa được phép lưu hành nên rất hiếm và
quý. Với 500 đô có thể mua cả một căn hộ sang trọng ! Nếu bị đốt mất, tôi chịu
nỗi oan mà không thể thanh minh với ai. Và không biết tôi sẽ phải cặm cụi dịch
bao nhiêu cuốn sách để đền cho đủ số tiền ấy ? Khi ấy cuộc sống của tôi sẽ ra
sao, tương lai con cái tôi sẽ thế nào ? Khi tôi kể chuyện này với đạo diễn
Nguyễn Đình Nghi, anh nói, anh đã có kinh nghiệm, bất cứ ai gửi gì cũng phải
yêu cầu người ấy mở ra, xem có chứa thứ gì phạm pháp hoặc nguy hiểm không. Lỡ đấy
là chất nổ, chất gây cháy hoặc ma tuý thì sao ? Đã có người chỉ vô tình xách hộ
người khác một chiếc va li nhỏ mà phải ngồi tù hàng năm trời đấy. Tính Đình
Nghi rất cẩn thận, lịch sự và có trách nhiệm, lần ấy anh chỉ nhờ tôi chuyển một
phong thư để bỏ vào thùng thư ở Berlin, vậy mà anh lấy ra, đưa tôi đọc rồi mới
cho vào phong bì, sau đó dán kín ngay trước mắt tôi, để tôi biết là không có
thứ gì nguy hiểm bên trong.
Cây chuyện xảy ra đã trên hai chục năm, tôi đã đến tuổi
" xưa nay hiếm ", coi nhẹ mọi sự ở đời, vậy mà mỗi lần chợt nhớ lại,
tôi vẫn lạnh cả người. Quả là một bài học nhớ đời. Mà phải chăng vợ tôi nói
đúng : hương hồn tổ tiên linh thiêng thật ! Tại sao con gái tôi trước khi châm
bếp dầu (hồi ấy mọi n gười đều dùng bếp dầu hỏa) nấu cơm còn xé dọc tờ giấy báo
cũ, lại xé theo cách không làm rách những tờ ngoại tệ lồng giữa hai lớp giấy
bọc ? Nếu không phải do hương hồn tổ tiên phù hộ, run rủi ra như thế thì sao có
sự may mắn đến như vậy ?
Vũ Đình Phòng 2005
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét