ĐỐI PHÓ VỚI NGHỊCH CẢNH
Do có một số bạn bè và người thân không may rơi vào nghịch canh, nhân
quan sát họ tôi thấy mỗi người có cách riêng làm giảm nhẹ cái nghịch cảnh ấy.
Họa sĩ Phan Tại
Gặp lại anh lúc đã ra tù và nghe anh kể, tôi rất thán phục cách đối phó,
đúng ra là cách “xử sự” của anh. Theo anh kể, khi nghe tòa tuyên bố hình phạt,
anh đã tự nhủ: “Tù Việt Cộng thì khó mà
ra được. Nói năm năm, mười năm hoặc bao nhiêu năm đi nữa chỉ là nói thế thôi,
chứ họ muốn giam mình bao lâu cũng được. Quyền trong tay họ, tòa án trong tay họ...”
Và anh quyết định, đành phải thích ứng
với hoàn cảnh mới, không có cách nào khác. Coi là chuyển sang một cuộc sống mới
và coi nó là lâu dài, đừng bao giờ nghĩ đến chuyện “ra”... Nếu một ngày nào đấy
được ra thì tốt, còn nếu không cứ ở tù mãi cũng vẫn sống được, quan trọng là phải
chuẩn bị tinh thần sẽ ở cho đến hết đời. Vào “trại” Phan Tại bắt đầu coi cuộc sống
trong “trại” là bình thường và chấp nhận nó một cách nhẹ nhõm, nếu không nói là
“vui vẻ”. Nhờ từ thuở nhỏ đã quen sống kham khổ, lành mạnh và nghĩ rộng nên anh
thích ứng được rất nhanh.
Phạm nhân hầu hết là thường phạm, đa số rất táo tợn, và đều trẻ tuổi
hơn anh. Phan Tại quan sát, theo rõi tính cách từng người rồi liệu tìm cách
“thích ứng”, thí dụ cậu nào có tính nóng nảy thì ta phải điềm tĩnh, không kích
thích cái nóng nẩy ấy lên, cậu nào lành nhưng cục tính thì lại phải dùng cách
khác, cậu nào thích “hưởng”, cậu nào thích tri thức, v,v,, Phan Tại cố gắng giữ
bình tĩnh và bao giờ cũng có thiện chí nên dễ thuyết phục và cảm hóa bất kể loại
người nào. Thêm vào đấy, anh luôn có những lời khuyên nhủ chân thành của một
người anh rộng lượng, quan tâm và muốn điều tốt cho “đối phương”. Chỉ sau một
tuần đầu tiên, cả phòng, rồi cả trại đều mến anh. Tất nhiên nguyên nhân chính
là Phan Tại bản chất tốt, không kiêu căng, hợm hĩnh, không khinh người, rất
kiên nhẫn và rộng lượng, dễ thông cảm và tha thứ cho những thiếu sót của người
khác, kể cả những ai có tính cục súc, hay gây gổ. Cách xử sự ấy không chỉ giúp
anh an toàn mà còn làm những người khác ngày càng hiểu và quý anh, thậm chí biết
ơn anh. Anh luôn có ý nghĩ muốn “giúp” người khác, một cách nghĩ chỉ ít người
có được.
Thí dụ đi lấy gỗ trong rừng, anh quan sát, suy nghĩ và tìm ra cách khiêng
vác nào nhẹ nhõm nhất và đi được nhanh nhất, đồng thời lại an toàn, ít khả năng
gây tai nạn hay thương tích. Đi lấy lá cọ về làm mái che lán ngủ, anh nghiên cứu
và tìm ra cách chọn lá cọ thế nào để không non đến mức dễ bị héo mà cũng không
già quá đến mức chóng bị gẫy... và dễ lợp. Dần dần Phan Tại được anh em tù nhân
tin cậy và khâm phục, mỗi khi gặp khó khăn thường hỏi ý kiến anh. Lần nào anh
cũng cố nghĩ cách giúp họ. Bạn tù dần dần biết ơn, nhận được quà của gia đình
thường chia cho “thầy” một phần, có khi chỉ là bao thuốc lá, vài cái kẹo... dù
ít dù nhiều anh đều quý và biết ơn.
Để tạo thêm quan hệ thân tình với anh em cùng trại, cũng là tạo cho bản
thân mình một cách sống chan hòa, vui vẻ, một cảm giác đầm ấm trong cái cộng đồng
nhỏ này, Phan Tại nghĩ ra thêm một “sáng kiến” là kể chuyện. Thế là tối tối và
cả những ngày mưa gió, không ra rừng lao động được, anh kể cho họ nghe những cốt
truyện hay, thường là ly kỳ, éo le, thí dụ Ba
Người lính Ngự lâm của A. Dumas, Những
người khốn khổ của V. Hugo, Trà hoa nữ
của Dumas-Con, Aivanhô của W,
Scott... Thấy anh hiểu biết và tốt bụng,
bắt đầu lẻ tẻ có tù nhân nhờ anh hướng dẫn học văn hóa, nhất là ngoại ngữ Pháp
và Anh. Những ngày lễ và ngày kỷ niệm, Ban quản lý trại giao anh lo việc trang
trí, viết khẩu hiệu, bầy biện hội trường... Anh không nề hà, việc gì cũng làm.
Vốn là người có nhiều phẩm chất đáng quý, lại có nhiều “tài vặt”, nhất là
do đã “xác định” không tính đến ngày “ra”, Phan Tại quen dần với cuộc sống trong tù và lấy lại được niềm vui, cảm giác dễ chịu
ngay trong hoàn cảnh khắc nghiệt. Anh thích ứng tốt đến nỗi sau khi ra tù ít
lâu, anh than phiền với tôi là ra ngoài khổ hơn trong tù. Có gì đâu, anh xin việc
không đâu nhận, kể cả hợp tác xã thủ công, cuối cùng anh phải ra bãi sông Hồng
xúc cát thuê cho đám đầu nậu, xúc đầy một xe ba gác chi được trả công vài đồng,
đủ ăn cơm không... Đã vất vả, anh còn bị chúng chửi bới, đá đít, bạt tai mỗi
khi anh làm chậm, không kịp xúc đầy cho chúng kéo xe cát lên đê...
Thêm vào đấy, ra tù Phan Tại còn phải
chăm lo cho gia đình. Trong mười mấy năm anh ở tù, gia đình gần như tan nát, vợ
không có việc làm (chị rất đẹp, đẹp đến mức hiếm thấy) phải hầu hạ mấy quan chức
cấp cao lắm tiền, con cái học hành dở dang và bắt đầu hư hỏng... Và anh nhiều
lần bảo tôi : “Lắm lúc mình thoáng nghĩ,
chẳng lẽ lại xin quay về “trại”.
May
thay, dần dần anh ổn định được mọi thứ (một phần do bạn bè quý anh giúp đỡ) và
lại bắt đầu hoạt động nghệ thuật trở lại... Tôi đã chứng kiến có người học trò
cũ của Phan Tại, sống ở Pháp, nhân dịp về nước, ghé thăm thầy, thấy chồng hóa
đơn điện nước chất dầy, đã rút ví ra thanh toán một phát hết nhẵn. Nhìn những
tác phẩm điêu khắc và những bức tranh, tôi rất phục tài anh, trong số ấy tôi thán
phục nhất là bức tượng nửa người nhà văn Nguyễn Tuân. Đúng là Nguyễn Tuân,
không thể là ai khác. Từ vầng trán cao, cặp mắt như muốn biết mọi thứ và muốn
hiểu tất cả nguyên nhân sâu xa của những thứ ấy...
Mấy năm cuối đời, Phan Tại còn loay hoay tổ chức một đội biểu diễn kịch
nghiệp dư, vì ngày trước anh đã từng hoạt động sân khấu và điện ảnh... Anh mời
tôi đạo diễn và vở kịch tôi dịch “Con Vịt
Mồi” có hai nữ nghệ sĩ bây giờ danh tiếng nổi như cồn...tham gia, đã gần ra
mắt khán giả được thì đột nhiên đội bị yêu cầu giải tán... Rất tiếc !
Phùng Cung
Tôi may mắn quen Cung từ trước. Giám đốc Nhà xuất bản Văn học hồi ấy (nhà
văn Tô Hoài) đã nói với tôi nhận xét, đại ý : “Thằng cha này thông minh đặc biệt, óc tưởng tượng sáng tạo rất tốt và lại
có tính hài hước, chỉ tiếc cách châm biếm của cậu ta dễ làm ngưới khác “nổi
máu”. Nhưng mình hy vọng cậu ta sẽ sửa được...”
Sau một thời gian chơi thân, gặp Cung gần như hàng ngày, tôi phải ngưng lại
vì bị đắm chim trong mớ công việc của Vụ Nghệ thuật, chỉ có thể theo dõi anh từ
xa, rồi biết anh bị kết án tù chứ không có dịp gặp lại ...
Cho đến khoảng năm 1978 hay 79, tôi không nhớ... một hôm đang đạp xe trên
phố Mai Hắc Đế, bỗng nghe tiếng người gọi to : “Phòng ơi !” tôi ngẩng đầu lên, nhìn thấy Cung đứng trên ban công tầng
hai ngôi nhà liền đấy. Anh bắc tay lên miệng nói to : “Lên đây !” Tôi dựng và khóa xe rồi chạy lên thang gác. Cung cho biết
mới “ra” chưa được một tuần, rồi trỏ cái ghế tôi đang ngồi “Thi (Nguyễn Đình Thi) cũng vừa ngồi chỗ cậu
đang ngồi ấy.” Cung cho biết bây giờ chỉ làm thơ về thiên nhiên về cây cỏ,
hoa lá... nói đến đấy anh cười, cái cười chúm chim tôi đã rất quen thuọc, “cho nó lành”... Tôi hỏi sống bằng gì,
anh cho biết có một cái máy nhỏ làm đanh (cắt giây thép ra từng đoạn rồi giập
cho đầu có mấu), đem ra chợ Hôm bán buôn cho mấy bà có sạp bán lẻ tạp hóa... Nhờ
thế, cũng tạm đủ sống. Được cái chị Cung rất thương chồng, tháo vát, chịu khó và
đảm đang nên cuộc sống cũng không đến nỗi nào.
Tôi hỏi chuyện trong tù, anh kể : “Tao
hay cãi nên bọn giám thị thù, bắt tao ngồi xà-lim suốt”. Nói xong anh cười
hềnh hệch, vẫn nụ cười hóm hỉnh bằng cặp môi chúm chím, giống hệt cái hôm (đã
lâu lắm rồi, từ ngày anh vừa mới công bố “Con
ngựa già của Chúa Trịnh”), anh kể tôi nghe tóm tắt truyện ngắn anh đang viết
về một cậu bé mười tuổi, nhà rất nghèo, áo quần rách rưới, bụng đói meo, đêm 30
Tết chen trong đám đông giầu có, ăn diện đi chơi Tất niên, xem chợ Hoa Phố Hàng
Mã rồi ra hồ Hoàn Kiếm đón Giao thừa. Thằng bé rách rưới, bụng đói meo nhưng cứ
chui lách dưới chân dòng khách đông nghìn nghịt, hy vọng nhặt được đồng xu nào
của ai đánh rơi...
Cái tính bướng và thích cãi lý ấy của
Cung, nghe ai nói trái tai là không chịu được, phải cãi, làm anh ta gần như bị
cùm chân, xích tay trong xà lim suốt thời gian tù. À quên, hôm ấy anh còn bảo
tôi : “Thằng nào ngồi tù chưa đủ mười lăm
năm thì đừng có khoe là đi tù nhé ! Tối thiểu là mười lăm năm, mày hiểu không
? Rồi lại cười hềnh hệnh bằng cặp môi chúm chím rất có duyên.
Lê Đạt
Lê Đạt lại khác hai người tôi vừa kể ở chỗ không bướng kiểu Phùng Cung để
bị xích tay cùm chân nằm một mình trong xà lim, cũng không điềm tĩnh, khéo léo
(và rộng lượng) như Phan Tại. Cái lợi thế của Lê Đạt là “cười” – không phải cười
mỉa mai mà là cười tán thưởng, thậm chí thích thú. Cái cười ấy anh có từ thời học
Trường Bưởi (trên tôi mấy lớp). Lúc nào cũng cười và cái cười thoải mái, hồn
nhiên để lại dấu ấn cho tôi rất lâu sau này... không điệu bộ, giả dối chút nào.
Chuyện không đáng cười anh cũng cười, hình như anh nhìn thấy trong mọi sự đời
cái mặt “buồn cười” của nó, Cái buồn cười ở đây không mỉa mai mà chân thành, hồn
nhiên như đứa trẻ. Thêm vào đấy Lê Đạt rất đồng cảm với mọi người, không kiêu kỳ,
mà rộng lượng. Sau này giao du nhiều với
lớp trẻ chỉ bằng tuổi con cháu, anh vẫn bình đẳng thật lòng, chứ không “bình đẳng”
kiểu giả vờ.
Lần cuối cùng tôi gặp anh là lúc hai vợ chồng tôi đi dạo xung quanh Hồ
Hoàn Kiếm vào một buổi sáng Chủ Nhật. Lê Đạt gọi : “Phòng ơi !” Tôi quay sang và thấy anh, vẫn nụ cười tươi roi rói.
Tôi hỏi thăm sức khỏe chị Thúy, anh trả lời : ”Vẫn thế.” Rồi anh hỏi luôn : “Mình
vẫn mất ngủ, Phòng ạ, Bây giờ nâng đến ba viên rồi mà vẫn khó ngủ. Có cách nào
không ?” Chia tay xong, bỗng tôi giật mình, bận quá, lâu không đến nhà anh
nên không biết chị Thúy vợ anh có còn sống với anh không, thậm chí có còn sống
không ấy chứ... Trước chị làm diễn viên trong Đoàn Kịch nói Trung ương, hai chị
em rất quý nhau và chị có lối cứ gọi tôi là “em” mặc dù chỉ hơn tôi một tuổi. Câu
hỏi của tôi liệu có ngớ ngẩn, vô duyên không đấy. Tôi tiếp tục đi dạo bên vợ và
suy nghĩ vẩn vơ về một số “đồng môn” học trên và số cùng năm, học ở Trường Bưởi
ngày trước và Chu Văn An bây giờ. Sau đấy vài tháng thì nghe tin anh mất.
Tôi còn nhớ hồi tuần báo Văn Nghệ in ở nhà in Lê Văn Tân cuối phố Hàng
Bông (bấy giờ mới tiếp quản Thủ đô, chưa “cải tạo tư sản”, vẫn còn nhà in tư
nhân. Sau này nhà in Lê Văn Tân này bị “quốc doanh hóa” và đổi tên là nhà in Thống
Nhất). Ban biên tập bấy giờ có Xuân Diệu, Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Bính, Lê Đạt...
Lúc ấy tôi là cán bộ gọi là “quản lý xuất bản” công tác trong Phòng Quản lý Xuất
bản của Nhà In Quốc Gia (tiền thân của Cục Xuất bản hiện nay) và được phân công
“quản lý”[i]
một số đơn vị thuộc lĩnh vực “văn nghệ”, trong ấy có Nhà Xuất bản Văn Nghệ và
báo Văn nghệ, cho nên bao giờ cũng có mặt trong cái đêm in số báo mới.
Những đêm ấy tất cả Ban Biên tập đều có mặt để chờ xem số báo đầu tiên
còn thơm mùi mực vừa ra khỏi cỗ máy in kiểu cổ nặng nề... tất cả, người đứng hoặc
ngồi trong chiếc đi-văng bọc nệm và mấy chiếc ghế bành kê xung quanh bàn
nước. Tôi vừa theo dõi vừa quan sát các thành viên của Ban biên tập. Mỗi người
một vẻ. Xuân Diệu thì yểu điệu như con gái lúc nào cũng nghiêng đầu cười duyên
như đang chài đàn ông và chỉ đi đi lại lại, hầu như không ngồi, Và lần nào ông cũng đứng
chờ bên máy in, đợi số báo đầu tiên in xong là đỡ lấy, hít hít và nói ra vè “ta
đây quen thuộc và nghiện loại công việc này”: “Chà, mùi mực thơm quá, các vị ơi !” rồi đưa ông Đang. Ông này lại
chỉ ngồi trong ghế bành, vẻ mặt bình thản, nghiêm chỉnh, thậm chí đạo mạo, rất
ra dáng đàn anh, và được mọi người trọng thị. Nguyễn Bính thì có vẻ lép vế, chỉ
ngồi ở chiếc ghế đầu bàn, nghe và hầu như không nói gì. Người nói nhiều nhất là
Lê Đạt, dáng vẻ láu táu, đi đi lại lại, như con rối, lúc nhanh lúc chậm và luôn
miệng nói, và bao giờ cũng vừa nói vừa cười, cái cười toác miệng, nhe hai hàm
răng không đều đặn gì nhưng rất dễ mến. Sau này trong trại giam, chính cái cười
“dễ mến” kiểu ấy làm anh đỡ bị “trù” thì phải, là tôi đoán thế, vì sau này gặp
lại anh, mấy lần định hỏi nhưng cả hai anh em đều bị cuốn vào chuyện khác... Lúc
ấy anh và tôi có quá nhiều chuyện để nói... từ những kỷ niệm hồi học Bưởi đến
bình phẩm về những con người hai anh em cùng quen biết ở Hội, Báo, Nhà xuất bản...
Tôi nhận thấy thái độ anh bao giờ cũng công bằng,,, Điều hết sức đáng quý,
không dễ có được.
Phùng Quán
Tôi
quen Quán lần đầu tiên hôm anh đem bản thảo tiểu thuyết “Vượt Côn đảỏ” đến Nhà In Quốc Gia, ở số nhà 44 Phố Tràng Tiền, nơi
bấy giờ tôi làm việc. Từ ngày chuyển ngành, ra khỏi quân đội, tôi vẫn không hết
khó chịu với lối phong quân hàm ta mới học được của quân đội Tầu, khiến việc
phân cấp hiện ra lộ liễu : tất cả quân nhân đều mặc quân phục màu rêu, nhưng cấp
chỉ huy từ đại đội phó trở lên được phong sĩ quan, áo may bốn túi, còn từ trung
đội trưởng trở xuống không được là “sĩ quan” thì áo chỉ có hai túi ngực. Đám bạn
bè quen biết chúng tôi mỗi khi nói về ai hay hỏi : “Bốn túi hay hai túi”. Do đấy khi thấy Quán mặc quân phục, tôi chú ý
ngay đến số túi và hài lòng khi thấy Quán cũng chỉ hai túi, có nghĩa cũng một
giuộc như mình. Và tôi mến anh ngay từ lúc ấy. Thêm vào đấy tôi nhận thấy anh
lành hiền, nói giọng Huế nhỏ nhẹ, thậm chí thẹn thò như con gái.
Bản thảo cuốn tiểu thuyết đã được ban
biên tập NXB Quân đội Nhân dân đánh máy cẩn thận, có nghĩa “đã được thông qua”
vì chúng tôi không quan hệ trực tiếp với tác giả mà chỉ quan hệ với Ban biên tập
các Nhà Xuất bản. Nói chuyện vài câu làm quen, tôi thấy Quán cởi mở, lại trạc
tuổi nhau nên dễ gần. Anh về thì tôi bắt tay ngay vào làm nhiệm vụ. Cuốn sách
cuốn hút tôi ngay từ trang đầu, vì “Côn Đảo” luôn kích thích trí tò mò của tôi,
từ khi tôi hát ca khúc của nhạc sĩ Đỗ Nhuận năm 1946: “Kìa xa xa nơi Côn Đảo ...” ở dàn Ca nhạc Thiếu nhi của Đài Tiếng Nói Việt Nam.
Tôi đọc và rà soát lại bản thảo rất cẩn thận, trong lòng vừa mến vừa phục
tác giả. Hai tháng sau sách được in, phát hành và bán rất chạy, chứng tỏ được
người đọc hoan nghênh đặc biệt.
Sau đấy Nhà In Quốc Gia giải tán để
thành lập Cục Xuất bản, tôi được cho đi học tiếng Nga tại Trường Ngoại ngữ và
không tiếp xúc với giới văn chương, trừ một số ít tôi quen từ trước. Sau đấy
tôi được phân về Vụ Nghệ thuật và tham gia vào xây dựng tiết mục Xô-viết đầu
tiên “Luba”, đảm nhiệm một vai trong ấy.
Từ bấy giờ tôi rất ít gặp Quán và nếu gặp cũng chỉ hỏi thăm qua loa. Cho đến
ngày anh bị “nạn”, may không bị tù, chỉ phải ra khỏi Phòng Văn nghệ Quân đội và
chuyển sang đơn vị khác nhưng thuộc Bộ Văn hóa, tôi lại có nhiều dịp để gặp anh.
Do đấy tôi biết cách “đối phó” của anh
với hoàn cảnh nghiệt ngã. Ra khỏi Phòng Văn Nghệ Quân đội, Quán xin chuyển đến
Vụ Văn hóa Quần chúng của Bộ Văn hóa. Lúc đầu tôi không hiểu tại sao anh lại chọn
cơ quan ấy, nhưng về sau thì tôi hiểu. Đấy là nơi anh có nhiều điều kiện tiếp cận
cuộc sống, tìm hiểu các loại người... Về đấy, Quán nhận việc bồi dưỡng phong
trào và nhiệm vụ của anh là mở các lớp “dạy viết văn, làm thơ” cho những người
trình độ văn hóa thấp và có mong muốn “sáng tác”. Hóa ra công việc ấy rất thích
hợp với Phùng Quán : con người luôn tìm được tiếng nói chung với mọi tầng lớp người
xung quanh. Anh có tấm lòng rộng mở, nhanh chóng thấu hiểu được tâm tư mọi người
và thấy trong ấy những nét đáng quý.
Thỉnh thoàng gặp nhau, anh kể cho tôi
nghe rất nhiều chuyện lý thú anh phát hiện được trong cuộc sống “lang bạt” ấy.
Lang bạt vì anh được cử đến đủ các địa phương trong toàn quốc, mở lớp đào tạo, nâng cao trình độ
văn chương, thơ phú... hoặc để nói chuyện về văn chương. Công việc này anh thực
hiện một cách hào hứng, và các “học viên” hay “thính giả” đều rất mến anh. Tình
trạng này dẫn đến chỗ nhiều nữ học viên (phần lớn là nông dân hoặc công nhân
nhà máy) từ phục thầy đến yêu thầy. Tính Quán lại “đào hoa” nên nhiều trường hợp
“không nỡ” chối từ. Chị vợ anh có lần than phiền với tôi về cái tính mà chị gọi
là “lăng nhăng” ấy, rồi chị cười nói thêm : “Anh Quán bảo nếu không thế thì không ra thơ. NHưng em đe : “Ra thơ thì được,
nhưng ra cái khác thì không được đâu đấy !”
Một lần, đọc thấy trong những bài viết
của anh một sự việc lý thú, tôi đã xin phép anh mở rộng, tạo nhân vật và viết
thành một kịch bản. Quán không những đồng ý mà còn khuyến khích. Và thế là kịch
bản “Hoa chanh nở trái mùa” được tôi
hoàn thành. Tiếc rằng khi tôi đưa anh đọc, anh nói “Kịch cậu viết rất hay nhưng đấy không phải như mình hình dung. Mình
thích những tấm gương can trường, vượt khó kiểu như Robinson trên hoang đảo, chứ mình không
thích thú với những con người tâm lý phức tạp, dằng co..,” Kết quả, nhiều
đoàn sân khấu lấy về đọc, rất thích kịch bản ấy và nhận dàn dựng, lúc đầu tôi
vui vẻ (tất nhiên là vui rồi) đồng ý, nhưng về nhà nghĩ lại, tôi chợt nhớ đến
câu nhận xét của Phùng Quán nên cuối cùng quyết định đến Đoàn khước từ và đem kịch
bản về cất trong tủ. Sau này Nhà Xuất bản Văn học in tập “Kịch lịch sử và Kịch dân gian” của tôi, trong có kịch bản này, nhiều
bạn đọc xong, hỏi tôi : “Kịch hay thế,
sao ông không cho dựng ?”
Nguyễn Hữu Đang
Ông Đang là người tôi kính trọng nhất và do quen biết từ lâu, tôi có rất nhiều
điều muốn nói về ông, sẽ xin kể trong một bài riêng.
VŨ ĐÌNH PHÒNG
[i] Bấy giờ các Nhà xuất bản
chỉ có Ban Biên tập chứ không có bộ phận Trị Sự, công việc “quản lý” này được tập
trung vào trong tay một cơ quan trực thuộc Bộ Văn hóa, chính là Nhà In Quốc
Gia. Bản thảo được đưa đến Phòng Quản lý Xuất bản trong NIQG để rà soát lại, nếu
cần thì liên hệ với Ban Biên tập hoặc tác giả, chỉnh đốn, sửa sang thành một bản
thảo hoàn chỉnh. Sau đấy Phòng QLXB chúng tôi tiến hành đánh máy sạch sẽ, đặt họa
sĩ vẽ bìa, làm ma-két, định số lượng in, giá bán lẻ... rồi chuyển sang Phòng
In. In xong sách được chuyển sang Phòng Phát hành để phân phối theo mạng lưới
Hiệu sách Nhân dân ra các địa phương trên cả nước.
đón đọc những hồi ức của anh về Nguyễn Hữu Đang
Trả lờiXóa