Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

NGƯỜI CHÂU Á VÀ NGƯỜI CHÂU ÂU




NGƯỜI CHÂU Á VÀ NGƯỜI CHÂU ÂU

            Năm ấy, Nhà hát Kịch dựng tiết mục Liên Xô “KHÚC BI TRÁNG THỨ BA” của POGODIN, (Thế Lữ dịch) và mời  chuyên gia Liên Xô sang giúp. Bộ Văn hóa Liên Xô cử đạo diễn Lezly sang. Nhân tôi rảnh rỗi, Nhà hát mời tôi giúp ông… Hôm hoàn thành vở diễn, Nhà hát làm lễ tổng kết long trọng, một loạt nghệ sĩ được tặng bằng khen. Tất cả ăn mặc chỉnh tề, lịch sự, đứng thành hàng ngang trên sân  khấu. Tất cả đều tươi cười hớn hở.
            Tôi ngồi cạnh ông Lezly, một ông già to béo mà tôi chưa nghe thấy tên bao giờ trong suốt bốn năm học Khoa đạo diễn Trường Đại học Sân khấu Moskva,cộng với mấy chục năm theo dõi và viết về sân khấu xô-viết. Đây là lần đầu tôi quen và lại cùng làm việc với ông một thời gian. Chỉ sau một thời gian ngắn, tôi đã nhận thấy ông khác hẳn những nghệ sĩ trẻ về cách suy nghĩ… và không hiểu tài ba ông thế nào.

                                                                                 ***
           Ngồi bên cạnh, lúc trao bằng khen cho khoảng gần chục nghệ sĩ Nhà hát, tôi ghé tai ông ta, bình phẩm, đại khái : “Dân Châu Á coi trọng tinh thần, Chỉ cần nhận một mảnh giấy là cảm thấy vinh dự và hạnh phúc rồi, chứ không thực tế như dân châu Âu, phải có “vật chất” kèm theo…”
            Không ngờ ông ta nhăn mặt, nói : “Mày lý tưởng hóa dân châu Á chúng mày. Thôi được, lát nữa về khách sạn, tao kể mày nghe mấy mẩu chuyện để mày bớt ”lý tưởng hóa” cái dân Châu Á của chúng mày đi.
                                                                           ***
            Xong việc, về đến khách sạn, tôi nhắc và ông kể mấy mẩu chuyện sau đây :
            - Mẹ tao xưa là nghệ sĩ loại xuất sắc của Nhà hát Nghệ thuật Đại chúng Moskva, bấy giờ còn là thời Nga Hoàng, chưa cách mạng. Mẹ tao từng được trực tiếp làm việc với Stanislavski và Nemirovits-Dantsenko. Mẹ tao kể rất nhiều chuyện hồi bà ở Nhà hát Đại chúng, trong ấy có mấy chuyện dính đến “người Châu Á" chúng mày, tao còn nhớ và hôm nay tao kể lại cho mày nghe…. 
                                                            
                          CÂU CHUYỆN THỨ NHẤT

          Hè năm ấy, bấy giờ còn chưa Cách mạng, theo lệ thường, do Stani chủ trương, hè nghỉ hai tháng, nhưng nghệ sĩ nhà hát Nghệ thuật, lúc ấy còn giữ tên là NHÀ HÁT NGHỆ THUẬT ĐẠI CHÚNG, được tổ chức theo kiểu hợp tác xã. Dịp hè, các nghệ sĩ chỉ nghỉ một tháng còn một tháng chia thành nhiều tốp nhỏ đi biểu diễn phục vụ ở các địa phương hẻo lánh, những nơi dân chúng chưa được xem nghệ thuật bao giờ. Mỗi toán tự lo lấy các thứ, nhất định không làm phiền dân chúng. Diễn “phục vụ” nghĩa là không bán vé lấy tiền, chỉ diễn cho dân chúng “thưởng thức” thế thôi. Năm ấy, tốp của mẹ tao đi diễn phục vụ miền Viễn Đông, đến một thị trấn nhỏ. Vì thị trấn heo hút, dân thưa thớt, không có quán rượu, công trình vui chơi gì hết. nên buổi tối diễn, ban ngày không biết làm gì tiêu thụ hết ngày giờ, mọi người bèn bầy ra trò đánh bài poker, để giết thời gian. Hôm sau, có một khách lạ đến xin gặp. Anh ta là người Nhật, vóc thấp, da vàng, trạc ngoài 30, và không biết tiếng Nga. May mà trong tốp của mẹ tao có một cô biết sơ sơ tiếng Anh. Khi anh chàng Nhật kia nói chẳng ai hiểu thì cô này bước ra chào và hỏi chuyện. Tiếng Anh của cô chỉ rất xoàng, nhưng may còn có cô ấy. Tên cô ấy là Tachiana. Thấy có người nói được đôi chút tiếng Anh, thằng cha Nhật kia lộ vẻ rất vui mừng. Sau một lúc xì-xà xì-xồ, nói bằng tay, bằng cả chân…Tachiana quay sang thuật lại câu chuyện và cho biết thằng cha Nhật ấy là kỹ sư. Hắn làm việc cho một doanh nghiệp Nhật Bản sang khai thác gỗ ở vùng này. Vì ở đây heo hút quá, không có gì giải trí, hắn cũng đang rất buồn, nên thấy tốp nghệ sĩ đang ở đây, muốn nhập bọn cho vui. Mọi người đồng ý. Thế là thằng cha ngồi xuống cùng đánh bài poker. Vì hắn không biết tiếng Nga nên mọi người tha hồ nói xấu nó. bằng những từ nhiều khi tục tĩu. Nhưng thằng cha Nhật có hiểu gì đâu, khi thấy mọi người cười rộ lên, hắn cũng ngô nghê cười theo. Được thể, mọi người càng trêu chọc nó. Thí dụ khi nó hỏi : ”Các bạn đang nói chuyện gì đấy ?” thì Tachiana đáp: “Các anh các chị ấy khen ông đẹp trai, có đôi mắt rất hiền và thông minh.", trong khi thật ra đám diễn viên đang bảo mắt nó ti hí như mắt lươn… Thằng cha Nhật chỉ cười rất ngô nghê, làm mọi người đang cười về câu nhận xét, nói xấu hóm hỉnh của ai đấy, cũng cười phá lên. Thằng Nhật chẳng hiểu gì, cũng ngô nghê cười theo…Một tuần sau, hắn nói và Tachiana dịch lại, cho biết hắn đã xong việc, phải đi khỏi đây. Hôm nay đến chào tạm biệt và cảm ơn các bạn Nga đã cho hắn nhập bọn khiến hắn có được một số ngày vui vẻ, dễ chịu tuyệt vời ở cái nơi heo hút, vắng vẻ này… Sau đấy hắn quay sang Tachiana, nói một câu, bằng tiếng Nga rất sõi, thứ tiếng Nga của dân Kinh đô chính gốc :
       
         “Особенно Вам Natalia Vladimirpovna!” (Đặc biệt cảm ơn chị, chị Tachiana Vladimirovna !)

         Mặt Tachiana tái đi, không còn một hạt máu. Mọi người thì lặng đi. Tưởng hắn không biết tiếng Nga nên mới nói xấu hắn tục tĩu và độc ác như thế. Ai ngờ hắn hiểu hết. Xấu hổ quá ! Ra hắn biêt tiếng Nga rất tốt, không khác gì người Nga chính gốc và hiểu rất đầy đủ tất cả những lời chế giễu, nói xấu nó trong suốt mấy ngày qua !

                                       CÂU CHUYỆN THỨ HAI

         "... Mẹ tao đi cùng với toàn Nhà hát sang lưu diễn ở Ấn Độ. Dừng lại ở Bombay biểu diễn mấy hôm. Họ không thuê khách sạn mà vẫn ăn ngủ và nghỉ ngơi trên con tầu Nga. Tối diễn, ban ngày các nghệ sĩ dạo chơi thành phố và xem những thứ lạ mắt. Thú nhất là một ông già KAFIR.

         Ông ta mang theo một con khỉ, lúc nào cũng ngồi trên vai ông ta. Tiết mục biểu diễn của ông Kafir rất đặc biệt : ông ta ngồi bằng tròn, con khỉ vẫn ngồi trên vai. Người xem kéo đến rất đông, tạo thành  một vòng tròn xung quanh. Các nghệ sĩ Nga cũng đứng vào để xem. 

        Ông già Kafir trong bọc ra một cuộn dây rồi tung lên cao. Con khỉ bèn theo sơi dây leo lên vun vút, rồi leo xuống. Đầu sợi dây vẫn lơ lửng trên không trung. Ông ta bèn kéo rồi cuộn nó lại, cho vào trong bọc, sau đấy mới chìa mũ ra nhận tiền thưởng của khách đến xem, ngồi thành vòng tròn, vây xung quanh.
                                                                              *
          Đám nghệ sĩ Nga phục quá. Sợi dây tung lên cao, sao con khỉ leo lên được, mà sợi dây vẫn lơ lửng trên không trung ? Cái gì giữ nó không rơi để con khỉ leo lên ? Mấy nghệ sĩ Nga có máy ảnh đề nghị cho chụp, nhưng lão Kafir kia chỉ cười, lắc đầu. Trên đường về con tầu lớn của Nga chở họ sang đây,  mọi người vẫn còn sôi nổi tranh cãi. Mỗi người đưa ra một cách giải thích, không được những người khác đồng , cuối cùng đành phải kết luận là đúng ông kafir kia có pháp thuật thật. Một người đề xuất ý kiến là ông ta đã không cho chụp ảnh thì ngày mai ta mời ộng ta xuống tham quan chiếc tầu lớn của Nga rồi nhân đấy lén chụp ông ta. Hôm sau ộng kafir kia xuống tham quan tầu, con khỉ vẫn ngồi trên một bên vai ông ta. Trong lúc mời ông ta ngồi vào bàn nếm mấy món ăn dân tộc Nga, mấy nghệ sĩ có máy ảnh nấp một chỗ chụp lén. Sau khi tiễn ông kafir lên bờ, mấy nghệ sĩ đi tráng phim. Và lạ chưa, trên cả mấy tấm phim, chỉ có hình ông ta, không có con khỉ. Cả mấy phim đều không có !.. Vậy là sao ?
                                      *
 
           Câu chuyện thứ ba, thứ tư, thứ năm tôi quên mất rồi. Rất tiếc. 

                                       *
           Tôi suy nghĩ rất nhiều về con người cái ông Lesly này. Trong một dịp sang Nga sau đấy, nhân lúc nghỉ sau cuộc bàn bạc với đại diện Bộ Văn hóa Liên Xô, tôi có hỏi ông Bộ trưởng về đạo diễn Lesly. Ông Bộ trưởng cười, đáp,đại khái : “Lúc ấy quan hệ giừa VN và LX có trục trặc, mặt khác ông không tán thành ta dựng vở ấy. Nhưng phía VN tha thiết nên LX đành cử người sang, và ông Lesly là loại đạo diễn kém, chỉ được cái có tiếng vlà con trai độc nhất của một nữ nghệ sĩ tên tuồi từ thời còn Stanislavsky và Nemirovits-Dantsenko nên vẫn được giữ lại ở Nhà hát Nghệ thuật... Thêm nưã, ông Bộ trưởng còn không vui về việc này vì diễn viên Bộ Văn hóa VN đưa sang nhờ hướng dẫn cách đóng vai Lenin cũng kém... (chính là Manh Linh, lúc ấy là Giám đốc Nhà hát, đã khéo chạy chọt để lọt vào cái chân ấy).

                                                               *
            Mấy câu chuyện của Lesly đúng là lộ rõ sự kỳ thị chủng tộc…Số người Châu Á thâm hiểm như thế cũng có nhưng chỉ là số ít, tôi nghĩ thế. …Và số người Châu Âu "thành kiến" như thé cũng không nhiều. Bằng chứng là rất nhiều nam giới châu Âu lấy vợ Châu Á, và ngược  lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét