CHÍNH TRỊ THỐNG SOÁI
Bốn chữ khủng khiếp ấy như một bóng ma luôn theo đuổi tôi .
Lần đầu tiên tôi nghe thấy nó là từ thuở còn đi học Tiểu học, từ miệng một bạn học cùng lớp, vào thời điểm sau đảo chính Nhật 9/3/1945. Vì anh ta là họ Hạ, dòng họ có người làm rất to trong Mặt trận Việt Minh nên anh ta có nhiều tài liệu “mật” về chính trị thời sự. Anh ta thì thầm vào tai tôi : “Bây giờ là thời chính trị thống soái.” Tôi hỏi, nghĩa là gì, thì anh ta trả lời "Nghĩa là chính trị quyết định mọi thứ. Không thứ gì thoát khỏi tác động của chính trị.” Tôi bèn hỏi: "Thú thật mình cũng chưa hiểu chính trị đúng ra là cái gì kia đấy." Anh ta cười : “Chính trị là mọi thứ. Mình với cậu cắp sách đi học cũng là chính trị. Bác bán bánh đa nướng kia cũng là chính trị. Hôm nọ Nhật đánh úp Pháp cũng là chính trị. Nghĩa là tất tần tật.”
Tôi vẫn băn khoăn. “Tất tần tật à ? Thế mặt trời mọc, mặt trời lặn, có phải chính trị không ?” Anh bạn gần như nổi cáu : “Đã bảo tất tần tật mà lại !”
Tôi thầm nghĩ : “Vậy là mọi thứ. Nhưng vẫn khó hiểu thế nào ấy”.
*
Thế rồi đến một hôm, chú tôi bảo mấy người bạn cùng trò chuyện. “Thôi, chuyện chính trị mãi, chán lắm rồi. Kiếm cỗ bài chơi tổ tôm là vui nhất !”
Tôi bèn hỏi : “Chú vừa bảo các chú nói chuyện chính trị. Thế chính trị nghĩa là gì ạ ?”
Chú tôi gắt : “Trẻ con, nghe chuyện người lớn làm gì !”
Nhưng tôi vẫn cứ nằn nì : “Nhưng chú giảng cho cháu hiểu. Vì một bạn cháu ở trường bảo chính trị là tất tần tật. Có phải thế không, thưa chú ?”
Thế là chú tôi cùng mấy ông bạn cười vang : “Trẻ con bây giờ cũng tò mò lắm thứ. Cháu cứ học cho giỏi, bài cho thuộc, làm toán pháp không sai, thế là chính trị rồi đấy. Thôi, đi chơi, để các chú đánh tổ tôm.”
*
Tôi chạy đi mà càng hoang mang. “Vậy ra chính trị là học bài cho thuộc, làm toán pháp không sai ? Chẳng lẽ lại như thế ? Cậu bạn học tôi nói đúng hay mấy chú ở đây nói đúng ? Chịu. Đến là rắc rối.”
Mấy hôm sau, một bạn học khác của tôi mới giảng kỹ hơn. Bạn ấy nói : “Thời bây giờ chính trị là thống soái. Chúng mình cắp sách đến trường, đấy là chính trị. Có chính trị thấp mà có chính trị cao. Thí dụ cái ông họ Hạ kia bây giờ làm Chủ tịch Mặt trận Việt Minh tức là chính trị cao. Chính trị thấp thì chẳng có quyền gì, còn chính trị cao thì có tất. Chính trị cao nhất là Vua. Muốn gì được nấy. Ai cũng phải sợ. Bây giờ nhiều nước không còn Vua thì có Tổng thống, như nứơc Mỹ chẳng hạn… Tổng thống tức là Vua, mày hiểu chưa ?”
Bạn này nói nghe dễ hiểu hơn, nhưng tôi thầm nghĩ, mình còn bé, cứ làm chính trị thấp là chăm học, bao giờ lớn hãy hay… Nhưng sao lại nói “chính trị thống soái“?
*
Băn khoăn mãi, cuối cùng mình hỏi ông nội : “Ông nội ơi, chính trị thống soái là gì ạ ?” Ông nội tôi cười, nhe hai hàm răng đen đều tăm tắp : “Là mọi thứ đều phải phục tùng chính trị.” – “Cháu vẫn chưa hiểu, phục tùng chính trị là thế nào ạ ?” Ông tôi vuốt râu : “Câu hỏi ấy thì ông cũng chịu.”
Nghe ông tôi nói thế, tôi quyết định không tìm để hiểu về chính trị thống soái nữa, kể cả chính trị không thống soái.
Nhưng rồi một hôm, cái miệng tôi lại ngứa ngáy. Chẳng là hôm ấy tôi thấy hai ông bảo nhau : “Ông lại cứ chính trị tôi !” Đợi một ông đi chỗ khác tôi bèn hỏi ông thứ hai : “Bác vừa bảo ông kia chính trị bác. Vậy chính trị bác là làm gì bác ạ ?”
Ông ta cười vang : “Là nói cuội”. – “Nói cuội là gì ạ ?” – “Là nói dối chứ còn gì nữa.” – “Cháu vẫn chưa hiểu.” – “Bác cũng không hiểu. Quen miệng thì nói thế thôi, chứ chính bác cũng chẳng hiểu tại sao không bảo “nói dối” mà lại bảo “chính trị”. Nhưng thôi, hai bác nói đùa nhau ấy mà, cháu đi chơi đi. À hay đi học bài đi. Còn bài nào chưa cháo thì học cho thành cháo.”
Nói xong bác ấy bỏ đi khiến tôi càng băn khoăn. Sao nói dối lại gọi là chính trị ?
*
Vài tháng sau, khởi nghĩa, rồi Cụ Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Bây giờ Cụ Hồ là Vua. Làng tôi rất nhiều ma, tối nào cũng có người gặp ma và bị nó trêu chọc. Thế mà đột nhiên hết. Bao ma biến đâu mất sạch. Không thấy ai kể chuyện đêm qua đi qua chỗ vắng bị ma trêu chọc nữa. Thầy bói, thầy số cũng ngừng hoạt động. Mọi người bảo, bây giờ Cụ Hồ là Vua, Cụ không cho phép thì đố ma quỷ thần thánh nào còn dám ! Đêm phải đi qua bãi tha ma tôi không còn sợ nữa.
Một hôm tôi hỏi cậu bạn học : “Đấy là chính trị phải không ?”
– “Chứ còn gì nữa !”
*
Rồi năm tháng trôi qua, mấy chữ “chính trị thống soái vẫn ám ảnh tôi, cho đến khi cuộc đời đưa đẩy, ra khỏi quân đội tôi được (hay bị ?) điều về một tờ báo.
Một bữa, xem xong bản thảo, ông Tổng biên tập nhận xét : “Nói chung là được, nhưng cậu đưa con số ta chết gần một trăm người là không nên, gạc đi.”
- Thưa anh, tại sao ạ ?
- Đưa ra con số thương vong của ta là không có lợi.
- Nhưng thưa anh, đấy là sự thật.
- Là sự thật nhưng phải xem đưa ra có lợi hay không đã chứ. Không có lợi về chính trị.
À, tôi hiểu rồi. Chính trị là thống soái. Cái gì tạo cho người đọc phấn khởi thì hãy đưa ra, còn không thì không nên đưa. Bây giờ thì tôi hiểu thế nào là đưa tin có lợi và thế nào là đưa tin không có lợi rồi. Về “chính trị” !
- Số báo trước, cậu đưa vào trang báo mấy câu rất không có lợi, làm cấp trên gọi mình lên xác cho một mẻ, rồi bắt phải in lại cái trang ấy, cậu nhớ chứ ? Hôm ấy mình cũng chủ quan, không xem lại lần cuối, trước khi đưa nhà in.
- Tại tôi thấy sắp chữ xong, còn một khoảng trống nhỏ, không đủ đăng thứ gì, tôi lấy một câu trong “Cổ học Tinh hoa” ra nhét vào. Câu ấy là của Tăng Tử và tôi thấy rất chí lý.
- Cậu đúng là ngoan cố. Mà có thể do cậu không có ý thức về chính trị. Câu ấy thế nào nhỉ ?
- Thưa. “Người khen ta mà khen phải là bạn ta. Người chê ta mà chê phải là thầy ta. Còn kẻ nịnh hót ta chính là kẻ thù hại ta đó.”
- Một câu nguy hiểm. Người đọc có thể nghĩ : “Ai mà nịnh hót nhỉ ?” Và Tuyên huấn có thể đặt thành vấn đề : “Báo đưa câu ấy ra là định nói ai ? Định ám chỉ cái gì ?” Cho nên làm biên tập cậu phải luôn luôn tự hỏi : cái này đưa ra có lợi hay không có lợi ? Tất nhiên là về mặt chính trị ấy. Cậu phải ghi nhớ điều này.
- Vâng, thưa anh. Tôi hiểu ạ.
*
Từ ngày ấy, mỗi khi biên tập bài gì, của ai, tôi luôn nghĩ xem, điều tác giả bài báo nói ra này có lợi hay không có lợi. Sau một thời gian, mệt óc quá, tôi xin thôi, chuyển sang làm Trị sự của báo, vất vả hơn nhưng nhẹ cái óc.
Thế rồi một hôm tôi dự buổi đọc duyệt kịch bản phim của một bạn trẻ. N.Đ.C. Khi nghe xong, một ông Thứ trưởng Bộ nhận xét : “Kịch bản của anh không có chính trị.” Chính đáp liền : “Không có cái gì không có chính trị. Bất cứ cái gì cũng có chính trị. Vấn đề chỉ là chính trị đúng hay chính trị sai thôi.”
Câu trả lời ấy làm tôi về nhà cứ suy nghĩ mãi. Chẳng lẽ lại như thế ? Chẳng lẽ không có cái gì ngoài chính trị ư ? Tôi lại nhớ hồi đi học có bạn bảo : “Chính trị là tất tần tật !” Khó hiểu quá và cũng khó sống quá.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét