Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 13 tháng 4, 2015

NGHE LỎM : Về CÁI CHẾT



VỀ CÁI CHẾT
 
                     Nghe  lỏm được trong công viên Võ Thị Sáu câu chuyện phiếm giữa mấy ông già :

             - Chào Cụ. Nhân tiện xin hỏi Cụ một câu.
            - Cụ cứ tự nhiên.
            - Cả hai chúng ta đều già lắm rôi. Thế Cụ có sợ chết không ?
            - (cười). Không !
            - Cụ nghĩ thế nào mà không sợ ?
            - Ai rồi cũng chết cả. Đến các ông Mác, Ăng-ghen, Lê-nin… rồi cũng ngoẻo cả. Anh hùng như Quan Công, Hạng Vũ, hay hèn nhát như gì ấy thì cuối cùng cũng về với đất cả. Lắm anh sợ chết, tìm mọi cách kéo dài cuộc sống, nghe ai nói ở đâu có người tài biết phép trường sinh, là đón về hậu đãi, cuối cùng cũng… ngoẻo ! Ông Trời đã định thế rồi.
            - Ông Trời ?
            - Tức là Tạo Hóa ấy !
              - Nhưng chết là cái gì nhỉ ?
            - Tôi nhớ một triết gia đã nói : “Chết là trở về trạng thái lúc anh chưa sinh ra.”
            - Như thế thì Cụ với tôi sinh ra trên cõi đời này để làm gì ? Sống mấy chục năm rồi lăn đùng ra chết và trở lại trạng thái lúc ta chưa sinh ra ! Vớ vẩn !
            - Hay “lắm chuyện” ? Thà đừng sinh ra cho nó xong.
            - Và cuộc đời vô nghĩa, đúng không, Cụ ?
            - Người ta bàn tán rất nhiều về chuyện ấy đấy : cuộc đời có ý nghĩa hay không.
            - Ý Cụ thì thế nào ?
            - Tôi cho là không có ý nghĩa gì hết. Tôi có ông bạn hơn tuổi, bảo : Có ý nghĩa chứ, đấy là duy trì nòi giống ! Tôi nghĩ ông bạn ấy nói thế là để tự an ủi thôi, chứ làm gì có ý nghĩa. Vả lại con người ta mỗi lúc nghĩ một khác. Trong ấy cái tuổi rất quyết định. Tôi nhớ khi nói câu ấy, ông kia mới chưa đến 50. Nhà văn nữ FRANOISE SAGAN nói một câu tôi cho là rất chí lý : “Mỗi khi đọc một trước tác của ai đấy, cần xem lúc viết họ bao nhiêu tuổi.”
            - Lúc nói câu ấy, bà ta bao nhiêu tuổi ?
            - Tôi không biết chính xác. Chắc phải khoảng năm chục. Nhân đây tôi lại nhớ câu đùa của nhà văn hài hước Anh BERNARD SHAW. Ông ta nói : “Nếu anh chưa đến 48 tuổi mà đã bị quan thì anh biết nhiều quá đấy. Còn nếu anh đã quá tuổi 48 mà anh vẫn lạc quan, chắc chắn anh biết quá ít đấy !”
            - Tại sao lại là 48 ?
            - Lối nói đùa của người Ăng-lê thôi, vấn đề không phải 48 hay 49 hay 50 mà chỉ có ý là đã bắt đầu già.
            - Lúc nãy ông nói đến SAGAN ! Tôi nhớ ra rồi ! Cái bà viết cuốn sách năm chưa đầy 20 tuổi và nổi tiếng lừng lẫy ấy phải không ? Cuốn gì ấy nhỉ ?
            - “Bonjour Tristesse”.
            - Phải rồi. “Bonjour Tristesse”. Bản dịch của ông nào đấy ở NXB Hội Nhà Văn lấy đề là “Buồn ơi, chào mi !
            - Đấy là chú em ruột tôi. Nhân đây kể lại chuyện cũ. Khi dịch, đến cái tên khó dịch quá, chú ấy hỏi ý kiến tôi. Tôi thấy chưa ổn, nhưng rồi nghĩ mãi cũng không ra, đành để cái tên ấy. Người ta bảo “dịch là phản” (traduire c’est trahir) là có lý. Vì Chữ “Bonjour” ở đây không chỉ có nghĩa “Chào” mà còn hàm ý thích thú được gặp, còn “Tristesse” ở đây không chỉ có nghĩa “nỗi buồn” mà còn hàm một cái ý êm đềm, dịu ngọt.
            - Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều. Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt, Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu…” ?
            - Đúng thế. “Tristesse” của SAGAN ở đấy có cái nghĩa ấy. Không chỉ “buồn” mà còn hàm cái ý dìu dịu… ngòn ngọt, và làm tâm hồn man mác… Nhưng thôi, hiểu thì như thế nhưng dịch sang tiếng Việt khó quá. Tôi đành bằng lòng với cách dịch của cậu em vây, và hy vọng khi đọc tác phẩm, bạn đọc sẽ cảm nhận được cái ý bên trong của cái từ nghe chừng đơn giản ấy “tristesse”.
            - Nhưng truyện đúng là hay, và nổi tiếng thế giới là xứng đáng. Hình như lúc ấy bà ta mới 16-17 tuổi gì đấy ?
            - Hình như thế, tôi chỉ nhớ là rất trẻ. Đang là học sinh Phổ thông. Về sau bà còn viết nhiều, chủ yếu là kịch. Tôi học sân khấu nên rất chịu khó đọc kịch và rất thích kịch bà ấy. Tôi cho rằng bà ấy thành công về kịch thì đúng hơn. Bà ấy có tài ở chỗ mới vào kịch đã chấm phá vài nét tuyệt vời. Chỉ qua hai ba câu đối thoại, tưởng như ngẫu nhiên mà người đọc (hay người xem) thấy ngay vấn đề tác giả đang đặt ra, và được tác giả lập tức đưa vào cái “thế giới” ấy… Thể loại kịch giúp người viết có thể cô động tối đa vấn đề cần nói. Bà SAGAN đạt được điều ấy. Điều mà ít người đạt được.
            - Ôi chao, chuyện văn chương thì ta có thể nói hàng tháng liền chưa chắc đã thỏa… Vì mới chỉ bà SAGAN, còn bao nhiêu tác giả khác nữa, mỗi người một vẻ… Hôm nay nghe Cụ nói thế, tôi phải tìm đọc kịch của bà ta mới được. Nhưng thôi, ta quay lại vấn đề tôi đang muốn hỏi ý của Cụ ? Cái chết là gì ? Và cuộc sống có ý nghĩ gì không ?
            - Tôi nhớ ông Hoài Thanh, một cây bút nhà giáo mà tôi, và không phải chỉ tôi, rất nhiều người kính trọng về hiểu biết và tầm suy nghĩ, và rất khâm phục, tôi may mắn được làm việc dưới quyền ông và được đôi lần trò chuyện hơi “tâm tình” với ông - ông là thủ trưởng của tôi một thời gian. Hôm tôi nêu vấn đề kia ra, ông nói : “Sợ chết là nỗi sợ animale”, có nghĩa, nỗi sợ của loài động vật, hoặc một nỗi sợ mang tính súc vật…
            - Câu giải nghĩa ấy hay đấy. Tôi càng nghĩ càng đi đến kết luận giống như thế. Triết gia Đức HEGEL khi giải thích hiện tượng “chủ-nô lệ” có nói đại ý, “sợ” là cảm giác đầu tiên của con người khi thoát ra khỏi động vật, bắt đầu có óc tưởng tượng rồi có nhận thức. Khi ấy chỉ cần hai người ở bên nhau thì một thằng ít sợ hơn lập tức khai thác cái sợ của thằng kia để sai khiến, nô dịch nó, bắt nó làm nô lệ cho mình. Vua chúa là gì ? Là biết khai thác cái sợ của người dân. Chuyên chính độc tài là gì ? Là biết đánh vào cái sợ của người dân thường…
            - Hắn không “sợ” à ? Thằng cha kia ấy ?
            - Tất nhiên là có, nhưng ít hơn cái cậu bị nó sai khiến. Hoặc có thể hắn có sợ nhưng biết giấu kín, “giả vờ” không sợ để khuất phục cậu kia.
            - Chà, nhận xét đúng là của một triết gia cỡ lớn. Chẳng thế Mác phục sát đất và học rất nhiều ở Cụ ấy.
            - Tôi thấy ông viết kịch Nga nổi tiếng thế giới nói là chính xác nhất.
            - Ông ấy nói sao ? Mà ông nào ?
            - SÊ-KHÔP. Trong kiệt tác “BA CHỊ EM” có một lớp, trong khi chờ người ta đem mặt nạ hóa trang đến để đi dạ hội, mấy ông khách ngồi buồn, mỗi ông đề xuất một cách giết thời gian. Đánh bạc cũng chán, làm gì nữa cũng không tiêu khiển được và họ quyết định “triết lý suông”. Họ trao đổi, đại ý, cuộc đời bây giờ khổ quá, nhạt nhẽo, vô vị và bao chuyện chướng tai gai mắt diễn ra xung quanh. Một ông bảo, cuộc sống bây giờ vô nghĩa. Một ông bảo, phải ba trăm năm nữa, cuộc sống tốt hơn lên, đời mới có nghĩa. Một ông bảo : “Ba trăm chứ ba ngàn năm nữa con người vẫn cứ như thế này, vẫn than thở : “Ôi, sao cuộc đời chúng ta khốn khổ thế này nhỉ ? ”Một ông hỏi “nhưng cuộc đời có nghĩa gì không nhỉ ?” Một ông đáp : “Thế ngoài kia tuyết đang rơi. Thì nghĩa gì ?”…
            - Hay ! Quá hay ! Đúng là Sê-khôp ! Tức là Cụ và tôi sống trên cõi đời này vô nghĩa. Cũng vô nghĩa như tuyết rơi thôi…
            - Nhưng nhiều người cứ cố tìm một ý nghĩa cho cuộc đời. Tôi nhớ ông Phạm Quỳnh lúc mất chức, ngồi buồn, đọc sách và ghi chép, có ghi cuộc đời không có nghĩa gì hết. Khi đọc đến đây, tôi bỗng nghĩ, với tâm trạng ấy, ông bị đẩy lên xe, biết là sắp chết, vẫn thanh thản…
            - Đúng thế. Nếu đã xác định cuộc đời là vô nghĩa thì cái chết chẳng còn đáng sợ chút nào, phải không, Cụ ?
            - Ấy thế nhưng người ta vẫn sợ chết ! Cụ chẳng hạn, Cụ có sợ không ?
            - Tôi không sợ chết mà chỉ chưa biết cái chết nó diễn ra như thế nào ? Có đau đớn nhiều không chẳng hạn…
            - Chà, cho nên học trò ông Tôn Thất Tùng bảo ông : “Thầy là chuyên gia về tim mà có bệnh tim sao thầy không chữa ?” Ông Tùng cười : “Chết về tim là sướng nhất !” Và quả thật ông chết lúc đang đứng ở sân Bệnh viện Việt-Đức, ngã và bất tỉnh luôn !
            - Cái chết không thể nào sướng hơn.
            - Đúng thế ! Đang bình thường bỗng gục xuống, không biết gì nữa !
            - Trở lại “trạng thái lúc ta chưa sinh ra” !
            - Ôi, lại triết lý suông rồi. Mất cả thời giờ đáng lẽ đi bộ, thể dục đôi chút để kéo dài cái cuộc đời vô nghĩa này, đúng không, Cụ ?
            - Chính xác ! Ta đi vòng ra phía hồ đi. Nắng lên đẹp quá !
                        Những ngày nắng mới hắt bên song… 
                        Xao xác gà trưa gáy não nùng...
           Tôi rất yêu những câu thơ của Lưu Trọng Lư, giản dị và chân thành, không giả tạo chút nào… Nhưng thôi, ta quyết định cắt đứt câu chuyện vớ vẩn này để thể dục, Cụ tán thành chứ ?
           

            

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét