LẠI “MỜI ĐỌC CHƠI”
Cách đây ít hôm, tôi có đưa lên blog
(vudinhphongblog 8-2016) một bài lấy tiêu đề là “MỜI ĐỌC CHƠI”, giới
thiệu về Alexander Aleksandrovich BOGDANOV
(1873 - 1928), một
nhà cách mạng, tuy là bạn thân của Vladimir I. LÊNIN (hai người cùng
hoạt động, cùng ngồi tù và cùng được bầu vào BCHTU đảng XHDC Nga năm 1905)
nhưng cách nhìn nhận vấn đề “cách mạng” của hai người không hoàn
toàn trùng khớp (thí dụ Bogdanov cho rằng không nhất thiết phải dùng
“bạo lực” v.v…). Do đấy ông bị Lenin phê phán là “duy tâm”, dẫn
đến việc ông ta khai trừ BOGDANOV ra khỏi Đảng năm 1909. Về sau
Lênin nghĩ lại, mẫy lần "mời" ông quay lại Đảng nhưng Bogdanov thoái
thác.
Sau CM Tháng Mười, vì quan hệ gần gụi với phái “VỊ LAI” (phái “Xây dựng tương lai”, tiếng Nga là ФУТУРИЗМ, dịch sang tiếng Pháp là “Futurism”, và ở ta có người dịch là “VỊ LAI”). Trường phái nghệ thuật này có cả Vladimir MAIAKOVSKI và họ bị “Đảng CSLX” phê phán là “phi hiện thực”), nên ông bị cơ quan an ninh của Derginski bắt để tra vấn máy tháng. Ra khỏi trại giam, Bogdanov thôi không hoạt động chính trị nữa mà chỉ chuyên tâm nghiên cứu khoa học và sáng tác văn học.
***
Trong bài “blog” nói trên tôi đã
trích dịch một đoạn trong tác phẩm văn học nổi tiếng nhất của ông
“TINH CẦU ĐỎ” (nguyên văn tiếng Nga là “Красная звезда”1908) lấy trong trang
mạng của Nga “LITTERATURE RUSSE ET SLAVE”, tác phẩm bị STALIN phê là
hoang đường, là “trái với chủ nghĩa hiện thực”, nhưng may thay vẫn
được xuất bản vì được (hay “bị”?) xếp vào thể loại “viễn
tưởng” vô hại !
Còn bài hôm nay,”LẠI MỜI ĐỌC
CHƠI”, tôi muốn chia sẻ những suy ngẫm lẩm cẩm (lúc về già) của tôi,
nhận xét về “con đường đang đi của nhân loại”.
*****
Còn nhớ năm 1949, tôi vào
học năm thứ nhất bậc TRUNG HỌC CHUYÊN KHOA của Trường Trung học Hàn
Thuyên (Bắc Ninh) mới được thành lập. Đây là bậc Chuyên khoa thứ hai
được lập ra tại “Vùng Tự do” VIỆT BẮC (Ban Chuyên khoa thứ nhất ở
Trường Trung học Kháng chiến là Ban Tú Tài của Trường Bưởi – Chu Văn
An tản cư từ Hà Nội ra, đóng ở Phú Thọ).
Bậc chuyên khoa có thêm môn “TRIẾT”. Trong khi chưa có thầy chuyên về Triết, Trường Hàn Thuyên cử một thầy đến dạy tạm. Ông tên là ĐẠM, vốn là thầy dạy Toán. Tôi còn nhớ ông dáng cao, gầy, đeo đôi kính trắng mắt rất dầy, ăn nói nhỏ nhẹ như con gái, với nụ cười hóm hỉnh rất dễ mến. Ngay bài giảng đầu tiên, thầy Đạm đã làm tôi chú ý đặc biệt, vì ông đề cập đến vấn đề tôi đang rất quan tâm “Con đường nhân loại đang theo là tiến lên hay lùi đi ?” Theo ông thì không thể khẳng định được là đang “tiến” hay đang “lùi”, bởi thiếu một quy ước “hướng nào là tiến và hướng nào là lùi”.
Thí dụ loài người nghĩ ra cái ghế, tưởng là bước tiến, nhưng kết quả lại là “bước lùi” vì từ ngày ấy, do ngồi ghế, cột sống bị “lệch”, khiến nẩy sinh nhiều tật bệnh về cột sống, về gan, thận… Tất cả chỉ do “ngồi ghế”. Vậy “nghĩ ra cái ghế” là “sáng kiến” hay “tối kiến” ? Chưa rõ, bởi không như toán, ở đây không có quy định hướng nào sáng, hướng nào tối, hướng nào là tiến và hướng nào là lùi…
***
Sau đấy nhiều năm, đọc tác phẩm
của văn hào Pháp Jean-Paul SARTRE, tôi nhớ có một câu nhận xét
buồn bã của ông “Nhân loại đi lầm đường rồi” Chẳng là từ trong
cửa số một nhà trọ, tại một thị trấn công nghiệp nhìn ra, ông nhận
thấy con người (lúc ấy, tức là đầu thế kỷ 20) đến là lạ : cứ sáng
sáng, hàng đoàn lũ lượt rời khỏi nhà, kéo nhau “chui” vào các nhà
máy khói tỏa mù mịt, chiều lại “chui ra”, áo quần nhầu nát, người
dính đầy dầu mỡ, dáng thẫn thờ, mỏi mệt, lũ lượt kéo nhau về nhà…
để rồi sáng hôm sau tỉnh táo, lại lũ lượt kéo nhau chui vào vẫn các
nhà máy ấy… Chủ Nhật được nghỉ thì vào quán rượu, nốc đến say mèm
cho quên đời, rồi lảo đảo lê chân về nhà… Tuần sau cũng lặp lại y như
thế. Rồi tháng sau…Năm sau nữa, chắc hẳn là như thế.
Sống như thế thì “sướng” gì hơn xưa kia : cầy cuốc ngoài đồng rộng thoáng mát, không khí trong lành ? Vậy thì bỏ đồng ruộng ra thành phố là “hay” hay “dở” ? Theo SARTRE, là “dở” ! Và nhân loại đã lầm khi chọn con đường phát triển công nghiệp và thu hút nông dân ra thành thị…
***
Còn nhớ, vào độ tuổi 30, tôi hết sức quý trào lưu KHAI SÁNG (Enlightenment), vì cho rằng nó đề cao LÝ TRÍ (LA RAISON) chống lại kiểu suy nghĩ theo cảm tính (và bản năng) đang cản trở dân nước ta. Chính do được “khai sáng” mà khoa học phát triển. Châu Âu vượt xa châu Á cũng là nhờ đấy. Nhưng sang đến tuổi 40, khi đi sâu khảo sát bằng cách đọc kỹ nhiều nhận định về trào lưu này, tôi giật mình “phát hiện” : thì ra những người đề ra và ca ngợi nó, thí dụ KANT, và ngay ROUSSEAU về sau cũng từng nghi ngờ nó.
KANT - người đã viết bài “Khai Sáng là gì” (có thể xem trên trang mạng PRO & CONTRA) thì về cuối đời đã có lúc giật mình, kèm theo cảm giác “ngạc nhiên và khiếp sợ” khi thấy nhiều hiện tượng KHÔNG THỂ dùng “La Raison” để cắt nghĩa. Ông tâm sự là đã hoảng sợ và kinh ngạc mỗi khi nhìn lên bầu trời xanh thăm thẳm, hoặc khi phát hiện ra bản chất “thương đồng loại” mang tính bản năng của mọi con người… “Lý” ở đây là gì vậy ?
Chỉ riêng qua hai thí dụ trên đã
thấy “không phài dùng lý trí - LA RAISON-là có thể lý giải
được mọi thứ”. Chưa kể Người Pháp đã có câu : “Le Coeur a des
raisons que la Raison ne connait pas” (Trái Tim- hay Tình yêu có những
cái lý mà Lý Trí không hề biết đến) đấy thôi ?
***
Gần đây nhất, tôi đọc lá thư của nhà bác học vĩ
đại Albert EINSTEIN gửi con gái, thấy ông coi “trực giác” (hay “cảm
tính”) quý hơn “lý lẽ” (hay lý trí, lý tính) nhiều ! Ông từng nói :"The
intuitive mind is a sacred gift and the rational mind is a faithful servant. We
have created a society that honors the servant and has forgotten the gift."
Còn bản thân triết gia ROUSSEAU thì cuối đời, khi suy ngẫm về trào lưu
Khai Sáng do chính ông đề xuất nhằm “giải phóng” con người, lại nói :
“con người bị ép buộc phải tự do” ! Sao ông lại
dùng hai chữ “ép buộc” ?.. Và “ép buộc” nghĩa là sao ? Phải chăng vì
con người đâu có cần tự do, chỉ vì Trào lưu KHAI SÁNG thúc giục mà
“phải chịu TỰ DO” ?
*****
Còn bảo trào lưu KHAI SÁNG giải thoát con người khỏi trạng thái u mê, giúp cho họ phát triển khoa học ư ? Thì thực tế đã cho ta thấy đúng là khoa học đem lại cho con người nhiều lợi ích, rất - rất nhiều, nhưng nó cũng đưa con người đến chỗ tạo nên vũ khí hạt nhân có khà năng tiêu diệt hàng chục triệu nhân mạng một lúc !
Ngay “tự do kinh doanh” ai cũng nghĩ là nó tốt vì đẩy mạnh sản xuất, thì hiện nay lại đang gây ra một tình trạng không ai ngờ : xã hội “phát triển” đến mức đang tạo ra tình trạng chênh lệch thu nhập ngày một lớn. Đã thế, kẻ giầu tưởng họ “sướng”, nhưng cuộc sống quá thừa thãi đâm làm họ thấy nhàm chán, nhạt nhẽo, khiến họ phải giải khuây bằng các kiểu giải trí, thậm chí bằng sử dụng các loại ma túy. Thống kê gần đây đã báo động : riêng dân Mỹ hiện tiêu thụ 75 % thuốc an thần (painkillers) sản xuất trên toàn thế giới, trong khi họ chỉ chiếm có 6% dân số toàn cầu…
Vậy phát triển kinh tế là tiến hay lùi ?
***
Chưa kể một lớp thanh niên có học thấy cuộc sống quá đầy đủ đâm thành nhàm chán, đã bỏ nhà sang Trung Đông, đầu quân vào Phong trào THÁNH CHIẾN I.S ! Bởi, như triết gia NIETZSCHE nhận xét : con người có nhu cầu phải có WILL, thà will thứ “nothingness” (vô tích sự) còn hơn không will gì hết.
Ngay nếu nhìn lại tình trạng nước ta, tôi nghĩ một trong nguyên nhân khiến khá đông giới trí thức ở ta đi theo cách mạng những năm đầu thập niên 1940 cũng chính vì thế.
Tâm trạng những năm ấy của một loạt trí thức ta là “chán chường” do quá nhàn tản. Cây bút văn xuôi nổi tiếng KHÁI HƯNG cho ra tiểu thuyết BĂN KHOĂN đầy bối rối (nếu có thể, xin đọc thêm bài của Dương Nghiễm Mậu về ông).
Còn nhà thơ HUY CẬN thì than thở : “Đời đơn điệu như con thuyền không đổi bến, Đến ái ân cũng hết cả đợi chờ… (xin chú ý : ÁI ÂN nhé).
Trong tâm trạng ấy, rất nhiều thanh niên có học đâm thèm khát được “leo đèo, lội suối, băng rừng, bị vắt cắn, muỗi đốt, được nhịn đói, nhịn khát, được cảm giác “lạ” khi thường xuyên cận kề cái chết…” còn hơn kéo dài cuộc sống nhạt nhẽo, đơn điệu…(đến ái ân cũng hết cả đợi chờ kia mà…)
***
Trường Đại học tôi theo học, ở Moskva, là trường dạy nghệ thuật. Trong số sinh viên ta, rất ít người tranh thủ tìm hiểu sâu mọi vấn đề, vì còn mải mê mua sắm. Tôi may mắn con nhà giáo nên từ nhỏ đã luôn đặt câu hỏi “Tại sao ?” rồi tìm lời giải đáp… Và sau vài bài tập được đánh giá, có thể nói là “rất cao” của các thầy, thậm chí ông hiệu trưởng GORBUNOV, một trí thức lớn với ba bằng tiến sĩ, sau khi xem bài tập đầu tiên của tôi (học kỳ I năm thứ nhất) đã nhận xét : “Lâu lắm rồi trường ta mới có một bài giải của sinh viên năm thứ nhất hay đến thế.”
Và trong khi các bạn Việt Nam dè bỉu, chê bai sau lưng vì đố kỵ thì các bạn Nga và nước ngoài lại rất quý tôi, nhất là mấy bạn sinh viên người Đức và mấy nước cộng hòa nhỏ ven biển Baltique (như Latvia, Lituani, Estoni…).
***
Ở quê tôi, tình trạng mê tín dị đoan rất phát triển và từ nhỏ tôi đã cố quan sát mọi “hiện tượng lạ”, rồi tìm cách lý giải xem “tại sao” người ta lại đồn nơi kia có ma, nơi nọ có ma”. Và có ma thật không ? Thì ra, thí dụ “ma thuyền thúng” chỉ là do một gia đình sống bên bờ ao, nuôi lợn xề, và đêm mùa hè oi bức, chúng dầm mình xuống bùn, tạo ra những âm thanh “ộp-oạp” nghe như tiếng thuyền thúng và được một số dân thích chuyện “lạ” đồn ngay là của “ma thuyền thúng” !
*****
Thế rồi một dịp may hiếm có đã xảy đến, giúp tôi thỏa mãn thêm một phần trí tò mò kia.. Ấy là khoảng năm 1960, anh ĐINH NHO LIÊM nhắn tôi là anh vừa kết thúc nhiệm kỳ Tổng lãnh sự ở New Delhi về, đang giữ khá nhiều ảnh của nhiếp ảnh Lãnh Sự quán chụp hồi Đoàn Văn công chúng tôi đi biểu diến ở Ấn Độ, trong số ấy nhiều tấm ảnh có hình tôi, và bảo tôi đến lấy.
Tôi đến nhà riêng gặp anh, định chỉ để xin ảnh. Ai ngờ sau đấy, trong câu chuyện hàn huyên, thấy tôi có vẻ quan tâm đến các tín ngưỡng cổ của Ấn Độ, anh Liêm rất thích thú vì bản thân cũng rất muốn tìm hiểu nhưng không có thời gian. Anh bèn đến gặp Ban lãnh đạo Vụ Nghệ thuật, đề nghị cho tôi sang “giúp” anh một thời gian, ít nhất là một tháng. Được anh HOÀI THANH, thủ trưởng của tôi đồng ý, anh Liêm đưa tôi lên máy bay quay lại New Delhi, nơi mới trước đấy anh là Tổng Lãnh sự.
Anh thu xếp, cấp cho tôi một xe và một tài xế người Ấn, rất am hiểu các dân tộc ở Ấn Độ.
***
Thế là hai anh em (tôi và cậu lái
xe) rong ruổi qua các bang (trước Độc lập gọi là các tiểu quốc) thăm
rất nhiều đền thờ của các giáo phái, nhiều khi rất cổ, gặp gỡ các
nhà tu hành để tôi “tìm hiểu”… Nhiều “giáo phái” chỉ là một ngôi
đền, một “am” nhỏ, thậm chí một gốc cây cổ thụ, với một tu sĩ gầy
gò, cởi trần, râu tóc đều bạc…Tôi hỏi và ghi chép được khá nhiều tư
liệu giá trị. Sau đấy tôi về viết thu hoạch, nộp anh Liêm một bản.
Đọc xong anh tỏ ra rất thích thú.
Nhưng điều tâm đắc nhất của tôi là các tín ngưỡng cổ của Ấn Độ, tuy mỗi nơi đưa ra một giáo lý riêng, nhưng gần như tất cả đều cảnh báo về thói tật của người không tu hành khá giống nhau. Các tu sĩ báo là nếu muốn “đắc đạo” (lên tiên chẳng hạn), con người phải rũ bỏ những thói xấu cố hữu. Được nhắc đến nhiều nhất là hai thói “tham” và “kiêu”, mà muốn rũ bỏ chúng thì phải “tu”. THAM là tham lam, lúc nào cũng cứ muốn “sướng” hơn, nhiều hơn. Bao nhiêu cũng chưa cho là “đủ”. Còn “KIÊU” là tự cho mình cao hơn vạn vật… Cho loài “người” là thông minh, khôn ngoan, tài giỏi nhất trong muôn loài ! Và mình lại là người “giỏi nhất” !
***
Nhưng điều tôi thu hoạch đậm nhất
qua chuyến đi ấy là đã gợi lên trong óc tôi rất nhiều suy ngẫm.
*****
Trong ký túc xá của Trường ĐẠI HỌC SÂN KHẤU ờ Moskva, đối diện với phòng tôi ở (bên kia hành lang) lai là phòng của mấy sinh viên Ấn. Sau khi đã thân nhau, chúng tôi cùng trao đổi rất nhiều về các tín ngưỡng cổ của Ấn Độ, khiến tôi càng hiểu sâu thêm. Đúng rồi, hai “tật xấu” cố hữu, máu thịt của chúng ta là “THAM” và “KIÊU”, tham lam và kiêu ngạo…tự cho mình “hơn” muôn loài …
Tôi chợt nhớ trong sách QUỐC VĂN GIÁO KHOA THƯ học thuở nhỏ có câu chuyện sự tích “Tại sao da hổ vằn”.
Tạm tóm tắt như sau :
"Một người
đang chăn trâu trong rừng, thấy con hổ đến, hoảng sợ, định chạy thì
hổ nói ngay : “Ta chỉ đến để hỏi một cậu thôi. Ta nghe nói con
người có “trí khôn”. Vậy anh đưa ta xem cái tri khôn ấy đế ta biết
hình thù nó ra sao ?” Người tiều phu đáp : “Tôi để nó ở nhà”.
Con hổ bảo thế thì về nhà lấy mang ra đây. Người tiều phu bảo lỡ tôi
đi ông ăn thịt con trâu của tôi thì sao ? Vậy ông để tôi trói ông lại
đã. Hổ bằng lòng cho bác ta trói. Vừa trói xong, người tiều phu bèn
chất cành khô, châm lửa đốt hổ, miệng nói : “Đây, trí khôn ấy đây
!” Con hổ vùng ra, may mà chạy được thoát, nhưng từ đấy bộ lông nó
“vằn”, loang lổ… "
Bài tập đọc rõ
ràng nhằm chứng tỏ “người khôn hơn muôn vật”. Đấy chính là cái tật
“kiêu" ́cố hữu mà mấy tín ngưởng cổ của Ấn Độ đã nhắc nhở. Sau này
tôi đọc được một số công trình khảo sát của nhiều nhà khoa học quốc
tế, chứng minh con người không “tài ba” hơn các giống vật, nếu
không nói là còn kém chúng về một số mặt nào đấy.
(Theo DARWIN, sự khác
biệt giữa ý thức con người với các loài động vật phát triển nhất nhìn chung
« chỉ là mức độ, chứ không phải về chủng loại ».
Nhiều loài khỉ cũng biết sử dụng công cụ, ý thức được thời gian, cảm nhận được
lẽ công bằng, hay có lòng đồng cảm, vị tha...)
Theo tác giả, « nên
ngừng đánh giá quá cao sự kỳ diệu của trí tuệ con người
***
Vậy “TRÍ KHÔN” là gì ? Có người bảo chính là do văn hóa, nhờ có văn hóa.
Nhưng văn hóa là gì và tại
sao loài người có được nó ?
Thì đây, nhà dân tộc học Pháp, nổi tiếng thế giới, LEVI-STRAUSS đã giải đáp câu hỏi “KHI NÀO cuộc sống tự nhiên (hoang dã) trở thành “sống có văn hóa” ? Đấy là khi loài người đặt ra quy định đầu tiên : cấm loạn luân. Chính bắt đầu từ thời điểm ấy NATURE biến thành CULTURE)…
Trước đấy con người cứ thấy kẻ khác giống là “giao hợp”. Nhưng từ nay thì CẤM !
Trước hết là cấm giữa mẹ và con
trai, rồi đến giữa cha và con gái, rồi mở rộng dần ra, đến giữa anh chị
em ruột, rồi giữa người cùng bộ lạc, cùng gia tộc v.v…
Sau đấy tiến đến chế độ một vợ một chồng, chế độ mà ENGELS cho là “một chiến thắng của nữ giới đối với nam giới : họ khai thác sức lực của nam giới bằng cách “buộc chân” anh ta.
Cũng từ đấy xuất hiện hàng loạt bi kịch hôn nhân, và tiếp đấy hai câu nói dân gian nổi tiếng : “Trai có vợ như rợ buộc chân” và “Gái có chồng như gông đeo cổ”, có nghĩa cột anh nam giới vào chưa chắc đã là hay !…
***
Đấy là bệnh THAM, trong
trường hợp này là nữ giới tham.
Và cứ thế nảy sinh vô vàn rắc
rối.
Bởi có anh chồng nào muốn bị “buộc chân” ? May thay tình trạng ấy đang thay đổi. Nam giới nhiều nước đã trốn bằng cách không lấy vợ và sử dung gái bán dâm hoặc búp bê tình dục” thay, như ở Nhật. Gần đây thống kê Nhật cho biết, một hãng phim chuyên sản xuất phim “sex” ngạc nhiên thấy số nữ đăng ký quá đông so với nam “ (10.000 nữ / 40 nam). Dân số Nhật giảm đi rất nhanh trong những năm gần đây khiến nhà nước rất lúng túng, tìm mọi cách khắc phục nhưng hiệu quả rất thấp. Thiếu lao động buộc chính phủ phải hạ thấp điều kiện nhập cư !
Nhân tiện bàn về NỮ GIỚI.
Trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, ngày
08/11/2016, với cơ hội lần đầu tiên một phụ nữ trở thành lãnh đạo siêu cường,
tuần báo Pháp L’EXPRESS dành một phần lớn số báo cho chủ đề
« Những người phụ nữ lay chuyển thế giới », với hình
ảnh trên trang nhất cựu ngoại trưởng - ứng cử viên tổng thống Mỹ Hillary
Clinton, thủ tướng Anh Theresa May và thủ tướng Đức Angela Merkel.
L’Express nhấn mạnh : Nếu Hillary Clinton đắc cử, đây sẽ là « một tình
thế chưa từng có ».
Nếu điều này xảy ra, thì ba phụ nữ sẽ đứng đầu ba cường quốc hàng đầu thế giới, với tổng trọng lượng 20% GDP, ba nền dân chủ hùng mạnh, ba nền ngoại giao và quân sự có ảnh hưởng vô cùng lớn. L’Express dẫn lại câu viết nổi tiếng của nhà triết học Hà Lan KIERKEGAARG : « Phụ nữ là hiện hữu, còn đàn ông là tư duy », với nhận xét : « (…) nếu đàn ông mà suy nghĩ thì có thể thấy tình trạng hiện nay của thế giới không có gì xứng đáng với trí tuệ được coi là của họ. Trong khi đó, nếu phụ nữ là hiện hữu, thì đúng là họ hóa thân cho những gì thiếu vắng trong xã hội đương đại. Chưa bao giờ, ‘‘giới tính thứ hai’’ lại trở thành một vấn đề hệ trọng đến như vậy đối với nền văn minh, đến độ họ trở thành điều kiện cho sự tái khởi sắc của lý tưởng hiện đại ».
Tạp chí L’EXPRESS hy vọng các
lãnh đạo nữ sẽ mang lại những giải pháp mới cho đời sống chính trị, trong bối
cảnh « sự mệt mỏi đang xâm chiếm các xã hội (phương Tây) hậu dân
chủ ».
Phụ nữ là đại biểu cho một tiếp cận mới, như điều mà thủ tướng Đức Angela Merkel đã thể nghiệm với câu nói nổi tiếng « Wirschaffen das/ (Chúng ta sẽ làm được !) », khi mở cánh cửa nước Đức cho những người nhập cư. Cũng tương tự, nữ thủ tướng Anh đang là người mang lại hy vọng tìm được động lực mới cho đảo quốc, vốn đang phải đối mặt với các hệ quả vô cùng lớn sau quyết định chia tay với châu Âu.
***
THAM thì dễ hiểu, nhưng còn KIÊU ?
Mà do đâu sinh ra loài người ?
Và nên hiểu “KIÊU” là gì ?
Tôi suy nghĩ mãi và hình như đã cảm thấy dần dần hiểu ra phần nào : KIÊU là muốn thấy mình “giá trị hơn” muôn loài, thậm chí hơn cả đồng loại. Và ngày càng “hơn”.
Nhưng tại sao lại sinh ra “NGƯỜI” ? Bởi theo DARWIN thì con người từ động vật tiến hóa lên do luật chọn lọc tự nhiên.
Ông MARX bảo do LAO ĐỘNG, từ khi con
người biết CHẾ TẠO RA CÔNG CỤ LAO ĐỘNG…
Triết gia J.J. ROUSSEAU thì cho rằng
con người xuất hiện khi một số con vật “chú ý đến “ánh mắt” của
con vật khác“ (tức là chúng bắt đầu quan tâm đến cách“ĐÁNH GIÁ” của nhau). Từ
lúc ấy xuất hiện khái niệm , "k̀hen v́à ćhê"̣ "hay và dở"... rồi vẽ ŕa các ́quy r̃ắ́c đ̣ạo d̀ự́c,ngày một nhiều và khắt khe
Nói chung, đa số cho rằng khi con vật (khỉ hoặc đười ươi) không bò bốn chân nữa mà đứng thẳng lên và… đi. Họ bảo đấy là khi quả rừng dưới thấp bị hái hết, chỉ còn quả trên cao, nên con vượn phải “đứng lên”…
***
Tôi không biết thuyết nào đúng
nhưng một điều chắc chắn đã được các nhà khảo cổ khám phá ra, là
cho cái việc đứng thẳng lên, không bò bốn chân nữa, loài người đã
phải “trả một cái giá rất đắt” : rất nhiều (hàng trăm) thế
hệ phụ nữ liên tiếp đã chết vì sẩy thai hoặc đẻ non (do tư thế dạ
con thay đổi)… Họ (các nhà khảo cổ) tìm thấy vô số bộ xương của nữ
giới thuở ấy (cách đây nhiểu tỷ năm).
Riêng tôi, điều tôi quan tâm là, thì ra loài người, khi “xuất hiện” đã phải trả một giá rất đắt…
Thậm chí ngày nay các chuyên gia về y học nhận định. người giống cái (phụ nữ) vẫn đẻ non ! Chứng cứ : các loài vật khi ra khỏi bụng mẹ đều đứng dậy, chỉ lát sau là đi lại được ngay, trong khi ở loài người thì phải mất một thời gian khá dài (hàng năm) đứa trẻ sơ sinh mới đứng lên và đi lại được… chứng tỏ đến nay, loài người vẫn “ĐẺ NON”…
Rồi do thay đổi tư thế, đầu to ra, cố
họng thay đổi, xuất hiện “tiếng nói” (lúc đầu để gọi nhau, sau
rồi để “đe nẹt, ra lệnh”…)
***
Và việc đầu tiên của NGƯỜI từ khi tách khỏi giới động vật, là tìm mọi cách “chinh phục thiên nhiên”. Nghĩ ra các công cụ, rồi máy móc, ngày càng tinh vi. Và chính các công cụ ấy đã biến đổi bản chắt con người. Sau khi nghĩ ra chữ viết, con người đã biến đổi hẳn. Rôi nghĩ ra kỹ thuật “ấn loát”, ra đồng hồ, cách vẽ bản đồ…
Con người ngày càng văn minh, nghĩa là đã “biến đổi”, không còn
như trước đấy. Mỗi thế hệ sau “rất” khác thế hệ cha ông ! Khác về
chất ! Không chỉ về tác phong mà cả về cách suy nghĩ, cách
cảm nhận.
***
Bác học Albert EINSTEIN chẳng đã từng nói : "The tragedy of
life is what dies inside a man while he lives." đấy sao ? (Tạm
dịch : bi kịch của cuộc sống là trong khi sống, mỗi con người có
nhiều thứ “chết đi” !) Một thí dụ rõ rệt nhất là ngày nay chữ
tình, chữ hiếu… gần như “tuyệt chủng”
***
Tôi nhớ trong sách cổ có câu chuyện sau đây.
Một lần Khổng Tử
dẫn học trò đi “chu du”, ông thấy một nông phu già leo xuống giếng sâu
múc nước rồi lại leo lên, ông ngạc nhiên hỏi : “Chẳng lẽ ông không
biết người ta đã chế ra cái cần, buộc dây thả xuống, chỉ cần ấn
cái cần, gầu tự động được kéo lên sao ? Nhẹ nhàng biết bao nhiêu
!” Bác nông dân cười “Biết chứ ! Nhưng như thế là dùng máy, và nếu
cứ dùng máy như thế, con người cuối cùng sẽ biến thành cái máy…”
Quả như thế. Và chúng ta hiện đang biến thành cỗ máy. Các cháu ngày nay suốt ngày gẩy ipad, iphone, ngồi cạnh nhau cũng không buồn trò chuyện gì với nhau. Cứ đà này, nguy cơ con người biến hoàn toàn thành “rô-bốt” chắc không xa !
Vậy thế là “TIẾN” hay “LÙI” ?
***
Và hiện nay người ta ngày càng thấy “cần trở về thiên nhiên”, cần bớt ăn thức ăn chế biến mà chuyển sang trái cây, rau cỏ, các loại hạt… Tránh xa các chất “tạo mùi, vị”… Bộ Y tế Mỹ nhiều lần nhắc và khuyến cáo cần tránh xa “bánh mì trắng và gạo, nhất là “gạo Thái” là thứ gạo không còn chút cám nào. Đấy chính là thủ phạm gây ra bệnh béo phì làm chết hàng triệu người mỗi năm !
Người ta khuyên nhân viên văn phòng “hãy hạn chế ngồi ghế lâu”, “hãy thường xuyên “nhúc nhích”.
Gần đây, một kỹ sư Nga có sáng kiến, chế ra một thiết bị, lắp lên ghế, khiến người ngồi ghế liên tục cảm thấy như đang ngồi trên lưng ngựa ! Nghe nói thiết bị này bán rất chạy !
***
Nhưng điều tôi không ưng ý nhất, là con người thời nay dành quá nhiều thời gian và công sức cho việc “kiếm tiền”. Khi tôi hỏi con tôi, sao lúc nào cũng”bận” thế, thì con tôi trả lời, bây giờ cần tiền cho rất nhiều việc, bố ạ. Đụng đến thứ gì cũng cần tiền…Rồi còn tiền để gửi cho các cháu học Đại học ở nước ngoài…
Như thế thì cuộc sống còn có ý nghĩa gì ?
Và sống để làm gì, nếu như không còn cả thời gian để thưởng thức mầu sắc rực rỡ của buổi hoàng hôn, hay ánh sáng huyền ảo của một đêm trăng sáng…, hay để “tâm sự” với bè bạn ?
Thoạt đầu chỉ là một vật trung gian để thuận tiện cho việc trao đổi, thì nay TIỀN thành thống soái, biến mọi con người thành nô lệ cho nó…
Thế là “hay” hay “dở”
?
Nhân loại đang “tiến” hay đang “lùi” ?
***
Đấy là còn chưa nhắc đến những tiên đoán của ông già NOTRADAMUS hoặc của bà VANGA, đầy bi quan về TƯƠNG LAI ẢM ĐẠM CỦA NƯỚC MỸ, CỦA CHÂU ÂU, và của toàn NHÂN LOẠI nói chung đấy…
*******
THAM
KHẢO VỀ "THAM"
do MẠC NGÔN dẫn trong bài viết của ông :)
“…
Dục vọng của nhân loại là hố đen không thể lấp đầy, người nghèo có dục vọng của
người nghèo, người giàu có dục vọng của người giàu. Vợ của ông lão đánh cá dục
vọng lúc đầu chỉ là muốn có một bát gỗ mới, nhưng khi có bát gỗ mới rồi, bà ấy
lập tức muốn có nhà gỗ; có nhà gỗ rồi, bà ấy muốn làm quý phu nhân; thành quý
phu nhân rồi, bà ấy lại muốn làm nữ hoàng; thành nữ hoàng rồi, bà ấy lại muốn
làm nữ vương của biển cả, để chú cá vàng vốn có thể thoả mãn tất cả dục vọng
trở thành kẻ nô bộc cho bà. Điều này đã vượt quá giới hạn, giống như thổi bong
bóng xà phòng, nếu thổi lên quá lớn, tất nhiên sẽ bị vỡ.
____________________________________________________
VIẾT THÊM
1.
Đúng như bài học vỡ
lòng môn Triết tôi học của Thầy Đạm năm 1949, do không có quy ước “hướng nào
là tiến và hướng nào là lùi” nên cũng không thể đánh giá một hiện tượng là
tiến hay lùi. Đơn giản chỉ là sự chuyển động, là diễn biến, là sự vận động
không ngừng của vũ trụ, mà ngay Trái Đất cũng chỉ là một thành phần rất, rất
nhỏ của nó, và loài người còn nhỏ bé đến đâu !
Vũ trụ vận động không
lúc nào ngừng. Triết gia Hy Lạp cổ đại HERACLITE đã phát hiện ra điều này, khi
ông nói : “Không thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông”, bởi con sông
liên tục thay đổi. Từ đấy cũng có thể suy ra, không thể hai lần gặp cùng một
con người, bởi con người cũng thế : anh ta liên tục thay đổi. Hôm nay ta khác
với ta hôm qua, thậm chí lúc này khác với lúc nãy, không còn là cùng một con
người… Mỗi chúng ta đều thế. Không thể gặp (hay trò chuyện) với cùng một người.
Vì anh ta đã không còn y hệt anh ta lần gặp trước. Anh ta đã thay đổi,
tuy vẫn mang cái tên ấy nhưng là “một người khác”.
Chúng ta liên tục
thay đổi, và do đấy không thể nói là ta “tiến” hay “lùi”, mà là ta thay đổi,
là ta “vận động”, liên tục chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác… Sinh
ra, lớn lên rồi chết… Mà “chết là gì ? Chỉ là “trở về trạng thái khi ta chưa
ra đời”… Mà "TA" là gì ? WHO ARE YOU ? Nhà sử học Mỹ Will DURANT đã trả lời :
"You are your past"."TA" chỉ là kết quả của
mọi tác động, mọi ảnh hưởng của xung quanh. "Mỗi cuốn sách anh đọc,mỗi
bộ phim anh xem đều để lại ấn tượng và góp phần tạo nên "TA" hôm nay.
THAM là động lực thúc đẩy sự vận động
của cơ thể, rồi từ khi có ý thức, thêm động lực nữa là KIÊU… Có thế thôi.
Từ THAM (nhu cầu
sống, tồn tại) và KIÊU (từ khi có ý thức) mà tri thức phát triển. Khám phá lớn
nhất (cho đến ngày hôm nay) diễn ra gần đây, sự khám phá vô cùng vĩ đại (tôi
cho là như thế) là cách biến mọi hiện tượng thành số (một dẫy số O và số 1 liên
tục (tức là + và 0, “có” và “không”, (cũng là “bật” và “tắt” đối với dòng điện)
thoạt đầu tưởng đơn giản, nhưng chinh nhờ nó mà khoa học phát triển vượt bậc và
với tốc độ chóng mặt. Mới trước đây ít lâu ai dám tưởng tượng là phẫu thuật
(mổ) cũng có thể không cần người thực hiện mà là… MÁY !
Máy tính từ chỗ ban
đầu là cả một nhà máy đồ sộ, nay được thu gọn thành một chiếc PC (personal
computer) đặt gọn ghẽ trên bàn,… đến chỗ tạo ra các kiểu máy được tự động
điều khiển, thay thế con người… Thậm chí như trên đã nói, phẫu thuật cũng do
máy thực hiện, và đã xuất hiện xe ô tô không cần người lái… điều khiển nó chỉ
là một thiết bị nhỏ xíu gắn chỗ
nào đấy trong xe… Mọi thứ dần dần được tự động hóa. Quá trình xuất hiện con
người máy chắc chắn không còn xa… Từ đấy mọi quan niệm về đạo đức cũng dần dần
thay đổi (đúng như nhà văn Nga BOGDANOV tiên đoán)… Tư bản, cộng sản, tham
nhũng, lộng quyền, bóc lột… và gì gì nữa rồi cũng sẽ biến mất.
Thế hệ ngày nay khác
“hẳn” thế hệ trước kia, và thế hệ tương lai chắc chắn cũng sẽ “khác” như thế.
Đáng buồn hay đáng vui ? Buồn vui thì cũng thế. Ta muốn ngăn cũng không được,
vậy buồn làm chi ? Loài người xuất hiện rồi biến đi là chuyện dĩ nhiên.
***
Kinh Thánh hình dung
ra quang cảnh “TẬN THẾ” trời đất tối xầm, sấm chớp nổi lên đùng đùng, nhưng đến
nay ta thấy rõ rằng TẬN THẾ (loàì người biến mất -hoặc thành một loài khác…) là
chuyện không thể tránh, là “tất yếu”…(có thể do một vật thể trong vũ trụ va vào
Trái Đất, mà cũng có thể do khối băng ở hai Cực Điạ cầu tan chẩy, mặt nước các
đại dương dâng lên nhấn chìm mọi thứ… hoặc một nguyên nhân nào đấy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét