Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 23 tháng 12, 2014

Kịch TỪ CĂN GÁC ẤY



Từ căn gác ấy

Kịch ký sự sáu cảnh





NHÂN VẬT

Nga - Nữ sinh.
Mạc - Bộ đội.
Phiên - Anh Nga, bộ đội
Vĩnh - Nhạc sĩ
Liên - Bạn Nga
Thụy - Em trai Nga
Một số nữ giao thông, bộ đội, văn công...

Câu chuyện xảy ra tại Hà Nội và Việt Bắc
từ 1946 đến 1954





P H Ầ N   T H Ứ   N H Ấ T

Cảnh I
Hà Nội, Tháng 10 năm 1946.
Một buổi sáng mùa thu. Nắng nhẹ.
Không khí năm đầu Cách mạng đang hừng hực. Niềm vui tràn trề của một dân tộc vừa giành được độc lập sau tám mươi năm nô lệ hiện lên lồ lộ trên nét mặt mọi người, tưởng như cả trên những bức tường quét vôi màu nhạt, những mái nhà cổ kính rêu xanh, thậm chí cả trên bầu trời mùa thu lồng lộng.
Một sân trời nhỏ trên tầng ba một ngôi nhà phố Hàng Bạc, nơi ở của một gia đình viên chức nhỏ. Vài chậu cây cảnh và hoa. Sân trời này ở cao. Nhìn rõ những mái nhà nhấp nhô bên dưới. Xa xa, cầu Long Biên in những nhịp cầu hình dáng quen thuộc trên nền trời xanh biếc.
Nga  đang dọn dẹp bàn nước. Chị chừng 18 tuổi, đẹp thùy mị kiểu “thiếu nữ Hà Thành” thời ấy: vóc nhỏ nhắn, mặt trái xoan, tóc dài mượt. Nhìn chị người ta thấy rõ vẻ ngây thơ trong trắng. Nga như nụ hoa mới hé nở, như tờ giấy trắng.
Gần đấy, Vĩnh  đứng ở góc sân, nhìn ra xa. Anh trạc 20 tuổi, cao, hơi gầy, dáng thư sinh, có vẻ con nhà trí thức giầu có, quen được nuông chiều. Áo quần chải chuốt, cử chỉ hơi kiểu cách, ôm cây đàn ghi-ta.
Tiếng ồn ào dưới đường phố vọng lên. Một phát súng nổ. Tiếng đồng ca xen lẫn tiếng trống ếch và tiếng giậm chân của đoàn nhi đồng cứu quốc: " Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn chúng em thiếu niên nhi đồng? Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu nhi Việt Nam?...".
Tiếng hát khẽ dần ...
VĨNH (nhìn ra xa, mơ mộng). Căn gác này trên cao, gió thời đại tha hồ thổi tới. Ngồi đây nghe rõ cả tiếng ồn ào dưới đường phố, tiếng hát của các đoàn quân Nam tiến... Mà Nga ạ, hình như nghe thấy cả tiếng súng nổ từ Nam Bộ vọng ra nữa. (Sôi nổi.) Chỉ cần ngồi đây thôi cũng đủ thấy mình đang sống giữa một thời đại như thế nào, và thấy cuộc sống của mình gắn liền với bao sự kiện lịch sử đang rung chuyển cả Tổ quốc bao la ! Tuyệt thật !
NGA (mỉm cười). Căn gác này nhỏ xíu, có gì đặc biệt mà anh ca ngợi thế ?
VĨNH. To nhỏ có quan trọng gì ? Cái chính là vị trí. (Sau một chút.) Cách mạng tháng Tám như một trận cuồng phong, đã mở tung mọi cánh cửa. Toàn dân Việt Nam, bao năm phải sống ngột ngạt trong thế giới nhỏ hẹp của bản thân mình, của gia đình mình, thì bây giờ vui sướng mở rộng lòng mình đón nhận tình cảm muôn phương. (Buồn bã.) Cách mạng được một năm rồi, mọi thứ đã đổi thay, mà Nga biết không, riêng gia đình tôi chẳng có gì thay đổi. Mấy bức tường dầy kiên cố, những cánh cửa lim nặng chình chịch vẫn đóng kín mít. Ngồi trong ấy, tôi cảm thấy như bị tách khỏi thế giới bên ngoài !
NGA (bật cười vui vẻ). Anh tả nhà anh như nhà tù ấy !
VĨNH. Thì đúng nhà tù mà lại ! Nhà tù giam một dúm  người bạc nhược, bất mãn với thời đại. Ba tôi suốt ngày oán trách chính phủ cách mạng không biết trọng dụng nhân tài. Mẹ tôi thì kêu ca bây giờ buôn bán khó khăn. Chẳng bù với trên căn gác này, gió thời đại suốt ngày ào ào thổi vào trái tim mọi người niềm hăng say cách mạng.
NGA (càng cười to hơn). Anh nói văn chương quá !
VĨNH. Thì không đúng à ? Ngay gia đình Nga cũng rất tiêu biểu cho thời đại: Anh Phiên tham gia Vệ quốc, chú Thuỵ suốt ngày ngoài trụ sở Nhi đồng Cứu quốc !
NGA. Nhưng em thì không.
VĨNH. Sao lại không ? Nga cũng tham gia bao nhiêu việc. Nào hát ở Ấu trĩ viên hôm kỉ niệm lần đầu Cách mạng Tháng tám, rồi hát ở Tuần lễ Vàng ...
NGA. Công tác phải vất vả, chứ hát thì ...
VĨNH. Nga nhầm rồi ! Công việc chúng mình làm mới thật cao quí. Đừng coi thường nghệ thuật, và nhất là đừng tự ti, hạ thấp giá trị của nghệ thuật. Một tiếng đàn có khi tác dụng hơn hàng chục binh đoàn ấy chứ.
NGA. (cười). Anh có định tập lại một lần nữa để tối nay biểu diễn cho yên tâm không nào ?
VĨNH. (vẻ miễn cưỡng) Ừ thì tập ! Nhưng căn gác này đặc biệt thật đấy ! Vì thế tôi không muốn ở nhà, mà cứ thích đến đây.
Tiếng ồn ào dưới đường phố vọng lên.
Lại chuyện gì nữa đây ? Nga thấy chưa, có sự kiện nào mà ở đây không biết kia chứ ? (Chạy ra góc sân nhìn xuống dưới đường phố). Lại tụi Tây giở trò !
Nga cũng chạy theo ra và nhìn xuống.
TIẾNG VỌNG BÊN DƯỚI: - Đánh bỏ mẹ nó đi!
- Độc lập rồi mà nó vẫn dám giở những trò ấy nhỉ !
- Bình tĩnh, khéo mắc mưu khiêu khích đấy !
- Đánh thôi, không nói năng gì hết !
- Ê! Ê! Thế mới đáng đời !
Tiếng cười rộ, tiếng huýt sáo... Tiếng ồn ào khẽ dần. Thuỵ chạy lên. Đấy là em Nga, chừng 13 tuổi, người gầy đét, mặc quần soọc xanh, sơ mi cộc tay, quàng khăn đỏ, khuôn mặt rất giống chị.
THỤY (hả hê). Sướng mắt quá !
VĨNH.  Lại đánh Tây hẳn ?
THỤY (vẫn đang thích thú). Sướng mắt quá !
NGA.  Đầu đuôi thế nào kể chị nghe đi.
THỤY (lúc này mới nhìn chị). Cái anh Vệ quốc ấy giỏi võ thật. Điểm huyệt thế nào mà lõ ta co rúm cả người lại.
NGA. Nhưng đầu đuôi thế nào ?
THỤY. Thằng lõ láo thật. Đã quỵt tiền anh đánh giày, lại còn đá tung hòm đồ nghề của người ta. Đồng bào đến can thiệp thì nó rút súng dọa bắn. May có anh Vệ quốc vừa đi đến. Anh ấy nắm tay nó, điểm huyệt thế nào (làm điệu bộ) mà thằng lõ co rúm người lại. Khoái thật ! Trông nó nhăn nhó sướng cả mắt.
NGA.  Rồi anh Vệ quốc đánh nó à ?
THỤY. Đồng bào đòi đánh, nhưng anh ấy giải thích là phải tránh xô xát. Anh ấy chỉ bắt nó trả tiền anh đánh giày rồi nhặt các đồ nghề trả lại cho chủ. À quên, còn bắt nó xin lỗi anh đánh giày nữa chứ.
VĨNH. Chỉ thế thôi chứ gì ?
NGA. Có đúng là Vệ quốc không ?
THUỴ. Đeo sao tròn mà lại ! Lõ ta xin lỗi xong, cúi đầu lủi thủi chuồn. Mắt vẫn lấm lét nhìn anh Vệ quốc. Đồng bào khoái trá reo ầm lên. À, chắc trên này chị nghe rõ cả rồi. Nhà có cái xẻng nào không, chị ?
NGA. Làm gì ?
THỤY. Em đi đào công sự ở trường. Mà cái anh Vệ quốc ấy cũng lạ. Bẻ quặt tay thằng lõ mà mặt anh ấy vẫn thản nhiên như không. Chắc anh ấy quen làm những việc như thế rồi. A, xẻng kia !
NGA. Xẻng hót rác đấy !
THỤY. Rồi em lại đem về cơ mà ! (Cầm xẻng.) Tí nữa anh Phiên về phải hỏi xem anh Vệ quốc ấy tên gì ?
NGA. Bộ đội đông lắm, biết nhau hết thế nào được.
THỤY. Anh Vĩnh ngồi chơi nhé ! (Chạy nhanh xuống thang gác.)
NGA (hét). Thuỵ! Thuỵ ! Ở nhà !
VĨNH (cười rũ ra). Cậu Thuỵ hay thật đấy !
NGA.  Phải lát nữa anh Phiên em về bảo, nó mới sợ. Thôi, ta tập đi, kẻo lại có ai đến bây giờ.
VĨNH (cầm đàn, thử dây). Nào ! (Chăm chú nhìn Nga.) Hôm nay Nga đẹp quá !
NGA (xấu hổ) Anh cứ nói thế !
VĨNH. Không, quả hôm nay Nga đẹp thật !
NGA. Thôi đi! Thế anh có định tập không nào  ?
VĨNH. Có chứ ! Nhưng ... Mà phải rồi ! Thời thế này không ai còn bụng dạ nào học hành. Đợi bao giờ ổn định hãy hay. Nga ạ, tôi nghĩ rồi, chúng mình nhận lời với cái Đội tuyên truyền ấy đi. Từ lâu tôi vẫn mơ ước được nay đây mai đó, nhất là được đi cùng với Nga thì còn gì bằng. Hai chúng mình sẽ vào một đội tuyên truyền. Nga hát, tôi soạn nhạc và đệm đàn cho Nga. Chúng ta sẽ đến các đơn vị bộ đội, các thôn xóm hát và động viên tinh thần cách mạng cho mọi người.
NGA. Em thèm được lên chiến khu, được leo đèo, lội suối, được len lỏi trong những khu rừng rậm rạp ... Mới nghe chữ "chiến khu", em đã như nhìn thấy những cô sơn nữ mặc áo chàm, đeo mã tấu, phi ngựa trên đỉnh núi…
VĨNH. Tất nhiên cả lên chiến khu nữa ! (Reo to.). Tối nay tôi sẽ gặp một đội tuyên truyền vũ trang và nhận lời với họ, Nga đồng ý không ? Đúng rồi ! Ba lô lên vai ! Vác đàn sau lưng, và thế là ... lên đường ! (Hét.) Tuyệt vời !
Có tiếng từ dưới: "Anh Vĩnh vui gì mà reo lên thế ?" Một cô gái bước lên sân trời. Đấy là  Liên, trạc tuổi Nga, nhưng vẻ già dặn hơn, mặt bầu bĩnh, dáng khoẻ mạnh, quần đen, áo cánh nâu, thắt lưng da to bản bên ngoài, rõ là một cán bộ phụ vận ở ngoại thành thời kỳ ấy.
NGA (mừng rỡ reo to). Liên !
VĨNH. Lại một luồng gió thời đại nữa !
LIÊN (ngơ ngác). Anh Vĩnh bảo gì cơ ạ ?
NGA (cười). Bảo Liên là một luồng gió thời đại !
LIÊN. Luồng gió thời đại ? Mình chưa hiểu.
NGA. Anh Vĩnh bảo Liên là con người của thời đại mới, thời đại cách mạng.
LIÊN. Thì bây giờ ai chẳng là người của thời đại mới?
VĨNH (cười). Nhưng cô Liên nhiều chất thời đại hơn chúng mình, phải không, Nga ? Nghe nói đã có lần cô Liên cầm mã tấu nhẩy lên bàn, diễn thuyết giữa chợ Ngọc Hà.
NGA. Không phải một lần mà nhiều lần. Không phải chỉ ở chợ Ngọc Hà mà còn ở nhiều nơi khác.
VĨNH. Đấy nhé !
LIÊN (hơi khó chịu). Cách mạng cần làm việc gì, tôi làm việc ấy thôi.
NGA (kéo bạn ngồi xuống). Liên mặc bộ này trông nền nã thật !
LIÊN. Mặc thế này đi công tác cho tiện. (Ngắm bạn.) Còn Nga, vẫn chẳng có gì thay đổi. Mới mua cái cặp tóc kia đấy à ?
NGA. Của mẹ mình ngày xưa đấy. (Đưa bạn xem.)
LIÊN (ngắm nghía). Đẹp thật ! Bây giờ chẳng ai có thời giờ tỉa tót cầu kỳ thế này nữa. (Đặt xuống bàn.) Nga vẫn giữ ý định xin nhận một công tác chứ ?
NGA. !
LIÊN. Chỗ mình đang cần lấy thêm người đấy.
NGA. Hay quá đấy. À, chỗ Liên gọi là gì nhỉ ?
LIÊN. Ban quân sự Thành.
NGA. Nhưng công tác gì ?
LIÊN. Giao thông.
VĨNH (cười hô hố). Nga mà lại làm giao thông !
LIÊN. Tại sao không được ?
VĨNH. Cô Liên đi đã là phí rồi. Nga có giọng hát hay như thế !
NGA (với bạn). Mình đã nhận lời với đội tuyên truyền võ trang rồi.
LIÊN. Thế à ? Tiếc quá nhỉ ! Giá cùng về Ban quân sự với mình được thì vui. Nhưng vào đội tuyên truyền cũng tốt. (Sau một chút.) Anh Phiên chưa về nhỉ ?
NGA (cười phá lên). Ra chị tôi đến tìm anh tôi !
LIÊN (hơi ngượng). Anh Phiên nhắn sẽ về nhà hôm nay và bảo mình ra gặp.
VĨNH (cười lớn). Nga giấu anh Phiên ở đâu đưa ra đi !
LIÊN (khó chịu). Anh Phiên chưa về, mình tranh thủ đi công việc một lát đã. Tý nữa mình quay lại. Mà hình như Nga cũng đang bận. Tối nay lại hát ở đâu à ?
NGA. Câu lạc bộ sinh viên.
LIÊN. Anh Vĩnh ngồi chơi nhé. (Ra nhanh.)
VĨNH (đợi Liên ra khuất). Phiên yêu cô Liên này được kể cũng lạ.
NGA. Liên nó công tác giỏi lắm đấy !
VĨNH. Vẫn biết thế ! Nhưng Phiên thì đẹp trai, trắng trẻo, thư sinh. Còn cô Liên này người đã thô lại ... (Phá lên cười.) Tưởng bảo Nga làm công tác gì ! Nữ sinh Đồng Khánh mà đi làm giao thông ! (Lại cười ngặt nghẹo.)
NGA (cũng cười theo). Liên nó suy nghĩ đơn giản lắm.
VĨNH. Quá đơn giản ấy chứ.
NGA. Ai anh cũng chê.
VĨNH. Nhưng tôi đánh cuộc. Nga có muốn cũng không thể đơn giản như thế được. Công nhận chưa ?
NGA (cười). Công nhận ! Thôi ta tập mau lên kẻo lại có ai đến nữa bây giờ.
VĨNH. Đồng ý thôi. (Cầm đàn lên.)
NGA (bỗng nhiên). Em ngại đến cái câu lạc bộ sinh viên ấy lắm. Toàn trí thức cả ! Hay em không đến nữa !
VĨNH. Trẻ con ! Thôi tập đi.
Vĩnh bắt đầu dạo nhạc. Nga hát. Chị hát bài  "Nhớ chiến khu" của Đỗ Nhuận. Đang hát thì Mạc bước lên. Anh mặc quần áo Vệ quốc màu xanh lá cây, mũ ca lô đính ngôi sao vàng trên nền đỏ. Dáng người vạm vỡ, khuôn mặt vuông, da ngăm đen, trạc 21 - 22 tuổi.
Sự xuất hiện của Mạc giữa khung cảnh này có vẻ rất không thích hợp. Thấy hai người đang đàn hát, anh rón rén nhẹ chân bước lên sân. Nhưng vô ý vấp phải cái ghế đẩu, gây nên một tiếng động nhỏ, khiến Nga giật mình quay lại. Nhìn thấy người lạ, chị luống cuống, xấu hổ.
MẠC. Xin lỗi !
NGA. Anh tìm ai ạ ?
MẠC. Cô là cô Nga ?
NGA. Vâng ạ.
MẠC. Tôi là bạn Phiên. Phiên sắp về đây bây giờ.
NGA (vồn vã). Anh là bạn anh Phiên em ? Hay quá ! Mời anh ngồi chơi.
MẠC (ngắm nhìn xung quanh). Phiên gọi nhà anh ấy là một cái tổ ấm. Nhưng đến nơi thì ra không phải. Mọi thứ ở đây đều xinh xắn, khiến tôi có cảm tưởng như lạc vào nơi tiên cảnh ấy ! Yên tĩnh quá ! Thanh bình quá !
NGA (mỉm cười). Anh Vĩnh lại có nhận xét khác. Anh ấy khen ở đây ồn ào, náo nhiệt.
MẠC. Ồn ào, náo nhiệt là dưới đường phố kia kìa. Chứ lên đến trên này có còn gì náo nhiệt nữa đâu ? (Cười hồn hậu.) Dưới kia là trần tục, còn đây là tiên cảnh. Căn gác này như tách khỏi cả cuộc sống đang sôi sục trên khắp đất nước mình.
NGA. Anh Vĩnh lại khen ở đây gió thời đại suốt ngày thổi tới.
MẠC. Gió bão gì thì lọt đến đây cũng chỉ còn là gió hiu hiu thôi !
VĨNH (cau mặt). Xin lỗi, sao anh dám nói, lên đến trên này chỉ còn là gió hiu hiu ?
MẠC (cười). Tôi nói vui thôi. Với lại bọn chúng tôi dưới kia suốt ngày phải căng đầu óc đối phó với đủ thứ âm mưu khiêu khích của bọn thực dân Pháp. Chúng đang kiếm cớ để gây chiến, cướp lại đất nước mình. Cách mạng thành công mới đựơc tròn một năm, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn như đứa trẻ sơ sinh, trong khi ấy thì bà lão thực dân trăm mưu ngàn kế, lại có đủ xe tăng, tàu chiến, vũ khí tối tân. Chúng tôi đâu chỉ căng đầu óc ? Nhiều đồng chí dưới kia đã đổ máu... ấy thế mà lên đến đây thì... (mỉm cười) hoàn toàn khác !
VĨNH (càng khó chịu). Mỗi người một công việc. Chúng tôi làm nghệ thuật.
MẠC. Nhưng nghệ thuật cũng phải... (Chưa tìm ra cách diễn tả.)
VĨNH. Anh bảo phải sao ?
MẠC. Tôi không biết cách nói. Nhưng thí dụ như bài cô Nga vừa hát, nói về chiến khu nhưng tôi thấy như tả hòn non bộ ấy. Chiến khu đâu có mượt mà, hiền lành như cô hát. Chiến khu là rừng rậm, là núi cao, là thác đổ, là muỗi, là vắt kia.
NGA (khó chịu). Em hát tồi lắm.
MẠC. Không phải. Cô có giọng hát rất hay. Chỉ phải cái hơi... mơ mộng quá.
VĨNH. Tôi không đồng ý. Nghệ thuật không thể tầm thường, mà phải mơ mộng.
MẠC. Nhưng không thể bạc nhược !
VĨNH. Anh miệt thị văn nghệ quá ! (Giận dữ.) Anh không hiểu gì về văn nghệ cả !
NGA (vội vã). Mời anh ngồi xuống nghỉ. Bộ đội chắc bận rộn lắm, chẳng có thời giờ thưởng thức văn nghệ ?
MẠC (cười). Quả có thế ! Trong Nam chiến tranh đã nổ ra một tháng nay rồi. Mỗi ngày có bao nhiêu người chết, bao nhiêu làng mạc bị thiêu huỷ. Mà ngay ở ngoài Bắc này, cũng liệu có được yên ổn lâu nữa không ? Bọn quỷ Pháp vừa mới gây sự, đánh ta ở Hải Phòng, ở Bắc Ninh, ở Lạng Sơn. Ngay ở giữa thủ đô Hà Nội này, chúng cũng gây hết vụ này đến vụ khác. Nếu ta bạc nhược, chúng sẽ lấn tới. Và nền độc lập của chúng ta mới giành được cũng đến sụp đổ mất thôi.
VĨNH. Anh làm như chúng tôi không mong độc lập.
Phiên và Liên bước lên. Phiên trạc 20 tuổi, rất giống Nga, dáng thư sinh. Anh cũng mặc quân phục nhưng gọn gàng, lịch sự và có phần chải chuốt. Phiên thuộc loại trí thức hăng hái của Hà Nội, tham gia cách mạng ngay từ những ngày đầu tiên.
NGA (reo to, mưng rỡ). Anh Phiên em về đây rồi !
PHIÊN (vui vẻ). Đông vui quá ! Quen nhau cả chứ ?
MẠC. Bọn mình đang tranh luận về nghệ thuật.
PHIÊN (cười). Thế thì cậu thua Vĩnh là cái chắc.
NGA. Anh bạn anh có những ý kiến rất độc đáo.
VĨNH (cười mỉa mai). Ý kiến của một nhà quân sự phát biểu về các vấn đề nghệ thuật.
PHIÊN (vỗ vai Mạc, cười vang). Nghĩa là Ban chỉ huy thua rồi chứ gì ? (Quay sang em gái.) Nga ạ, bọn anh làm nhiệm vụ gần đây, anh rủ anh Mạc về nhà mình cho biết..
NGA. May nhà còn ít trà ướp sen. (Vào nhà.)
PHIÊN. Cậu sẽ được thưởng thức tài nghệ pha trà của em gái mình đấy. (Với tất cả.) Mời các bạn ngồi chơi. Tôi xin phép (kéo chiếc ghế vải gấp ở góc sân ra, ngồi vào, ngả lưng, duỗi chân.) Khoái thật, Mạc ạ ! Dù đi đâu, làm gì, vất vả đến mấy, nhưng hễ về đến căn gác này, được ngả lưng vào cái ghế vải này, nhìn mấy chậu hoa kia là bao mệt nhọc tan biến sạch (đung đưa). Chà, khoái thật !
VĨNH (cười). Cậu đi hơn một năm rồi mà vẫn chưa có vẻ Vệ quốc tý nào, Phiên ạ !
PHIÊN. Cậu bảo phải thế nào mới ra vẻ Vệ quốc ?
VĨNH. Như anh Mạc kia kìa, điềm đạm, chín chắn.
PHIÊN (vỗ vai bạn, cười to). Chà! Cậu mới gặp mà đã được Vĩnh khen thì cừ đấy. Nhưng Vĩnh ạ, vẻ Vệ quốc là ở chỗ đánh Tây chết thôi chứ đâu ở cách nói năng đi đứng ?
VĨNH. Dù sao cũng phải thừa nhận cậu vẫn giữ được một cài gì rất hào hoa, Phiên ạ.
PHIÊN. Cậu nói thế là khen hay chê mình đấy ?
VĨNH. Cái này thì phải hỏi anh Mạc. Hào hoa là khuyết điểm hay ưu điểm, hở anh ?
MẠC (cười). Có những thứ không thể xem là ưu hay khuyết được. Thí dụ...
PHIÊN (nhìn Liên) Như thích ăn dấm ớt chẳng hạn.
Nga bưng khay trà ra, một chiếc ấm nhỏ và mấy chén hạt mít.
NGA (rót trà vào chén). Mời các anh ! (Bưng một chén đến cho Phiên.)
PHIÊN (nhấp chén trà). Ngon !
VĨNH (uống). Hương sen vẫn hợp với trà thật ! (Nhấp một chút nữa.) Mà nước mưa đây. Nước máy không được thế này.
LIÊN. Anh Vĩnh tinh quá nhỉ !
PHIÊN. Chuyện !
MẠC (trỏ chai nước trên bàn). Nước gì đây cô Nga ?
NGA. Nước lọc đấy ạ.
Mạc rót một cốc đầy, uống một hơi cạn. Rót một cốc nữa. Cũng lại một hơi cạn. Lấy khăn lau mồ hôi trán.
PHIÊN (cười). Đúng là du kích chiến khu, không chuội đi đằng nào !
NGA. Anh cũng uống trà đi chứ ạ ?
PHIÊN. Anh Mạc không hay uống trà. Nhưng cậu cũng nên nhấp thử một chén.
MẠC. Mình không biết thưởng thức nên cứ thấy nó phi phí thế nào ấy.
Tất cả cùng cười.
PHIÊN. Cậu rất đáng yêu, nhưng thỉnh thoảng vẫn có những lúc đến mình cũng không chịu nổi cậu nữa.
Thuỵ chạy lên.
THỤY (reo to). Anh Phiên đã về ! (Chợt nhìn thấy Mạc.) Đúng anh đây rồi! Chị Nga ạ, chính anh Vệ quốc này ban sáng đánh thằng lõ ở đầu phố nhà mình đấy !
NGA (nhìn Mạc thán phục). Chính là anh đấy ạ ?
VĨNH. Chúng tôi cũng nhìn xuống nhưng xa quá không rõ mặt.
PHIÊN. Ban chỉ huy lại làm cái trò gì nữa đấy, hả ?
MẠC (mỉm cười). Chuyện vặt !
NGA. Các anh đi công tác thế này mỗi lúc lại xảy ra một chuyện. Chắc vui lắm nhỉ ?
MẠC. Tôi cũng chẳng biết. (Cười.) Tôi nghĩ, cuộc đời như dòng suối chảy. Tôi chỉ là một viên đá, nhưng tôi muốn ở giữa dòng cho nước mài xiết, chứ không muốn ở trên bờ.
VĨNH. Dưới nước hay trên bờ, vẫn chỉ là thân phận một viên đá !
MẠC (hồn hậu). Đúng ! Con người không ví là viên đá được thật. Nhưng tôi muôn bơi giữa dòng chứ không muốn đứng trên bờ.
VĨNH (không tha). Thì anh biết bơi. Người không biết bơi thì sao ? Xuống giữa dòng để chết đuối à ?
MẠC (lại cười thành thật) Tưởng ví cho dễ hiểu, chứ nếu so sánh từng chữ thì tôi chẳng dám ví gì nữa.
PHIÊN (đứng phắt dậy, cười lớn). Mạc ạ, cậu mà đòi đấu lý lẽ với Vĩnh thì cậu thua to là phải. Học sinh Bách nghệ mà đòi cãi lý với sinh viên trường Luật thì địch sao nổi ? Mình khuyên cậu chỉ nên đụng đến hai việc thôi: Nghề nguội cậu học được ở Bách nghệ và nghề đánh Tây. Còn việc triết lý thì cậu tránh cho xa !
NGA. Em lại thấy anh Mạc nói đúng ! Con người ta ví được với viên đá hay không, đâu phải chuyện quan trọng ?
PHIÊN. Đúng thế. Triết lý đâu phải việc của thời nay? Bây giờ là lúc mỗi người chúng ta đều phải ngẩng cao đầu lên mà đón làn gió cách mạng đang thổi đến mát rượi !...
LIÊN (mỉm cười). Bão táp cách mạng chứ ?
PHIÊN. Ừ thì bão táp ! Bão táp cách mạng đã thổi đến căn gác xinh xắn này, truyền vào mỗi chúng ta lòng tha thiết muốn lập chiến công, muốn trở thành anh hùng ! Và bão táp cách mạng sẽ tung chúng ta đi bốn phương trời. Buổi gặp mặt nhau hôm nay biết đâu chẳng là buổi cuối cùng ? Còn lâu lắm chúng ta mới lại được sum họp, và lúc ấy liệu có còn đông đủ thế này không ? Trong mấy chúng ta ngồi ở đây, ai sẽ còn và ai sẽ mất ?
LIÊN. Anh chỉ nói dại !
PHIÊN (vẫn sôi nổi). Đúng ! Xin lỗi ! Chúng ta sẽ còn tất cả. Nhưng đấy là chuyện về sau. Còn bây giờ, trong khi Thăng Long chưa khói lửa, sao chúng ta không ngắm lại thật kĩ một lần nữa cái quang cảnh thân yêu này: Những mái nhà thân thuộc, nhịp cầu Long Biên hùng vĩ, hồ Hoàn Kiếm diễm lệ xanh rờn...
MẠC (nhìn lên trời). Trời hôm nay đẹp thật ! Mà sao cái gì ở đây cũng xinh xắn ! (Chợt thấy chiếc cặp tóc ở trên bàn.) Cả cái cặp tóc của ai đây nữa ? (Cầm lên ngắm nghía.) Thợ kim hoàn của ta khéo tay thật! (Bỗng lúng túng đánh rơi xuống đất.. Vội cúi xuống nhặt, vô ý đụng phải đầu Nga cũng cúi xuống.) Chết ! Tôi nhỡ !
Nga vội lùi lại. Vĩnh nhìn thấy khó chịu.
(Nhặt chiếc cặp lên.) Ôi, gãy một bông hoa rồi !
PHIÊN (cười). Cậu đụng vào đâu là đổ vỡ đấy!
LIÊN. Cái cặp tóc ấy cũng mỏng manh quá kia !
Mạc loay hoay sửa chiếc cặp. Bổng tiếng súng nổ. Vài phát lẻ tẻ.
PHIÊN (lắng nghe). Lại chuyện gì rồi ?
MẠC (đứng phắt dậy). Hình như vườn hoa Hàng Đậu ! Lại bọn Tây gây sự ! Ta về đơn vị thôi, Phiên ạ. (Đưa Nga cái cặp.) Xin lỗi cô Nga. Hôm nào tôi sẽ đến chữa đền.
NGA. Không sao đâu ạ.
THUỴ. Anh Phiên cho em đi công tác với !
PHIÊN. Không được. Bao giờ lớn đã.
THỤY. Em lớn thì làm gì còn Tây nữa !
MẠC (đứng lại ở đầu thang gác). Xin lỗi cô Nga ! Tôi vô ý quá ! Tôi ...
PHIÊN. Thôi ! Rút kinh nghiệm lần sau. Thấy cái gì mỏng manh thì xin Ban chỉ huy đừng có đụng vào ! (Cười vang. Đi ra cùng Mạc.)
THUỴ (chạy ra góc sân nhìn xuống). Vừa có xe gíp đón các anh ấy. (Chạy theo xuống.)
NGA (quát). Thuỵ !
Tiếng xe nổ máy rồi xa dần. Không khí vắng lặng hẳn đi.
LIÊN. Vệ Quốc lúc nào cũng tất bật. (Cười.) Bạn anh Phiên chất phác thật ! Uống liền một lúc hai cốc nước đầy. Mà Nga thấy không, mỗi cốc anh ấy chỉ làm một hơi cạn.
VĨNH. Sống đơn giản thế cũng hay. Nhưng mình chót là người hiểu biết, không suy nghĩ đơn giản như thế được !
NGA. Liên này, giới thiệu mình vào làm giao thông cho Ban quân sự nhé ?
VĨNH. Sao Nga thay đổi ý kiến nhanh thế ?
NGA. Em muốn ra giữa dòng nước chảy xiết.
VĨNH. Biết bơi chưa ?
NGA. Chưa biết thì học.
VĨNH. Bao giờ biết hãy hay.
NGA. Không xuống nước thì bao giờ biết bơi ? Mà em ngán cái lối lý sự của anh lắm rồi.
LIÊN. Nga cũng nên suy nghĩ cho kỹ.
NGA. Mình chẳng cần suy nghĩ gì nữa.
VĨNH. Nga đã nhận đi với cái đội tuyên truyền ấy rồi kia mà ?
NGA. Em không đi nữa. Mà ngay tối nay em cũng không đến Câu lạc bộ Sinh viên đâu.
VĨNH. Nga làm tôi thành sai hẹn à ?
NGA. Tại anh đấy chứ. Chưa hỏi em, anh đã nhận lời với họ rồi.
VĨNH (sau một chút, buồn rầu). Tôi biết Nga đang bực với tôi. Nhưng tôi thấy phải nói thật. Nga quen sống đầy đủ, sẽ không chịu được khó khăn thiếu thốn đâu.
NGA. Cảm ơn anh lo hộ.
VINH. Nga không sống được với những người đơn giản quá như thế được đâu. Nga sẽ ân hận cho mà xem.
NGA. Mặc em! (Nhìn Liên.) Mình cũng phải may một bộ như thế kia mới được. À, nghĩ ra rồi. (Chạy vào nhà.)
VĨNH. Cô Liên can cô ấy hộ tôi đi.
LIÊN. Anh thừa biết tính nó rồi. Ai mà can nổi ?
Nga từ trong nhà ra, tay cầm chiếc áo dài nâu và chiếc kéo.
NGA. Áo đi chùa của mẹ mình ngày trước đây. (Ngồi xuống ghế bắt đầu cắt.)


Cảnh hai
Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 1946.
Trụ sở Ban quân sự liên khu I, đóng ở một ngôi chùa trong phố. Căn phòng dành cho các nữ giao thông, mấy chiếc phản hẹp, một chiếc bàn, một cái giá để dựa súng. Một pho tượng lớn. Một cửa thông sang phòng chỉ huy, một cửa thông ra ngoài. Nữ giao thông 1 đang ngồi lau súng.
Buổi sáng.
NỮ GIAO THÔNG 2 (đi nhanh vào). Không thể nhận ra Hàng Đào nữa. Nhà cửa đóng im ỉm. Đường phố vắng tanh. Đi trong phố mà thấy rờn rợn. Không thể tưởng tượng mới trước đây chỗ này còn tấp nập ồn ào là thế! Cái ụ đầu Hàng Ngang lại có thêm một tủ chè của nhà ai quăng ra, xà cừ nạm lóng lánh trông tiếc quá !
NỮ GIAO THÔNG 1. Sao Chính phủ vẫn chưa cho đánh nhỉ ? Còn đợi gì không biết ?
NỮ GIAO THÔNG 2. Nhìn bọn Tây mũ đỏ phóng xe gíp loạn xị ngứa cả mắt, chỉ muốn quăng cho một quả lựu đạn. Sáng nay tao nhìn thấy chúng bắt cóc một chị bán hoa lẫn gánh hàng đưa lên xe gíp mang đi.
NỮ GIAO THÔNG 1. Không ai làm gì chúng à ?
NỮ GIAO THÔNG 2. Làm gì kịp ? Mấy anh tự vệ vừa chạy đến thì chúng đã phóng xe chạy biến mất.
Tiếng một băng tiểu liên nổ rất gần. Nữ giao thông 2 chạy ra rồi quay vào ngay.
Không chịu nổi nữa rồi!
NỮ GIAO THÔNG 1. Chuyện gì thế ?
NỮ GIAO THÔNG 2. Chúng phóng xe qua, lia một băng vào số nhà 28.
NỮ GIAO THÔNG 1. Đấy là nhà gì ?
NỮ GIAO THÔNG 2. Chúng cần biết nhà gì ! Gây sự chơi thế thôi, ức thật !
NỮ GIAO THÔNG 1. Trước sau rồi cũng phải đánh thôi. (Ghé tai bạn thì thầm.) Anh Mạc đi họp hình như về chuyện ấy đấy.
NỮ GIAO THÔNG 2. Sao mày biết?
NỮ GIAO THÔNG 1. Mấy hôm tao thấy anh ấy lo nghĩ gì ghê gớm lắm. Trông gầy rộc hẳn đi.
Vĩnh vào, tay xách cây đàn, áo quần vẫn chải chuốt.
VĨNH (ngập ngừng). Chào các chị!
NỮ GIAO THÔNG 1. Anh hỏi gì ạ ? À anh hỏi Nga phải không ?
VĨNH. Nga đi vắng ạ ?
NỮ GIAO THÔNG 1. Nga đi công tác chưa về. Chiều nay anh thử đến xem sao. Hay anh có nhắn gì không ạ ?
VĨNH. Nếu Nga về, chị nói giúp là... À mà thôi. Lát nữa tôi quay lại. Chào hai chị. (Ra.)
NỮ GIAO THÔNG 2. Ai thế ?
NỮ GIAO THÔNG 1. Anh ta theo đuổi cái Nga. Đến tìm mấy lần rồi, nhưng nó cứ tránh mặt.
NỮ GIAO THÔNG 2. Ôi dào ! Trong lúc mọi người túi bụi chuẩn bị chiến đấu mà vẫn ăn mặc chải chuốt thế kia đi tìm gái!
Họ lại ngồi lau súng.
NỮ GIAO THÔNG 1. Con lão đốc Trí ở Hàng Đẫy đấy. Mẹ buôn vàng giàu nứt đố đổ vách. À, bác gái chịu đi tản cư chưa, chị ?
NỮ GIAO THÔNG 2. Tao nói mãi vẫn không chuyển. Bà cụ bảo cả hai chị em tao đều ở lại thì cụ ra làm gì ?
Mạc vào. Anh lúc này nghiêm nghị, không còn vui vẻ như ở cảnh trước. Dáng mỏi mệt, hai mắt trũng sâu. Vai đeo xà cột...
(Reo to.) Ban chỉ huy đã về !
MẠC. Có ai hỏi tôi không ?
NỮ GIAO THÔNG 1. Nhiều lắm. Họ viết giấy để lại. Em đặt cả lên bàn ấy. Em lấy cơm anh ăn nhé ?
MẠC. Lát nữa. Tôi chưa thấy đói.
NỮ GIAO THÔNG 2. Bao giờ chính phủ cho đánh, hả anh ?
MẠC. Cũng sắp rồi. Cứ bình tĩnh ! Có công văn khẩn, cô Kim chuyển hộ tôi. (Đưa phong bì cho Nữ giao thông 2.) Còn cô Hạnh! Tôi làm việc, đừng cho ai vào nhé ! (Ra phía phòng Ban chỉ huy.)
Nữ giao thông 2 đội nón ra đi. Nữ giao thông 1 tiếp tục ngồi lau súng.
Nga vào. Lúc này trông chị khác hẳn : ăn mặc gọn gàng: áo cánh nâu, quần đen, thắt lưng da to bản, đội nón, vai đeo túi tài liệu.
NỮ GIAO THÔNG 1. Nga ! Mệt quá phải không ? Ngồi xuống nghỉ đã !
NGA. Mình không mệt.
NỮ GIAO THÔNG 1. Lúc nãy, anh gì nhạc sĩ đến tìm Nga. Anh ấy bảo lát nữa sẽ lại đến đấy.
Nga không trả lời, vội vã thay áo ngoài.
NGA.  Anh Mạc có hỏi gì mình không ?
NỮ GIAO THÔNG 1. Không. Nga ăn cơm chưa? Mình đi lấy cho. Phần cơm Nga vẫn còn đấy.
NGA. Còn cả gói cơm nếp to tướng kia kìa (trỏ túi vải). Các anh ấy gói cho từ sáng sớm.
NỮ GIAO THÔNG 1. Sao không ăn lại chịu nhịn đói ?
NGA. Ngồi chỗ nào mà ăn được ?
NỮ GIAO THÔNG 1. Thiếu gì chỗ ? Một gốc cây, một quán nước nào đấy.
NGA. Mình thấy thế nào ấy?
NỮ GIAO THÔNG 1. Ôi dào ! Còn hơn nhịn đói.
NGA. Và mình cũng muốn xong việc nhanh mà về.
NỮ GIAO THÔNG 1 (lấy nắm cơm, giở ra xem). Chà ! Cơm nếp lạc ! Mình thì mình chẳng chịu. (Đem bát đũa đến.) Bây giờ thì ăn đi vậy.
NGA (vẫn trang điểm rất nhanh). Mình không đói.
NỮ GIAO THÔNG 1. Tối qua Nga đi thì anh Phiên và chú Thuỵ đến. Chú Thụy bảo sáng nay đi tản cư theo trường, hình như lên Vĩnh Yên thì phải. Nga sửa soạn đi đâu thế ?
NGA. Đi xem triển lãm Nam bộ kháng chiến.
NỮ GIAO THÔNG 1. Tình hình này mà triển lãm vẫn mở cửa à ?
NGA (vui vẻ). Mở chứ !
Liên vào, vẫn bộ quần áo nông dân ngoại thành, vẫn chiếc túi khoác ngang vai.
(Mừng rỡ.) Liên ! Đến tìm anh Mạc phải không ?
LIÊN (ngồi xuống cạnh bạn, mỉm cười). Công tác có vất vả lắm không ?
NGA. Không. Chỉ có điều mình chưa quen với không khí ở đây. Cho nên hiện nay thì chưa được vui.
Mạc ló đầu, vẻ bận rộn.
MẠC. Cô Nga đã về đấy à? Cô Liên đợi tôi một chút nhé! Cô Hạnh vào đây, tôi nhờ việc này. (Ra nhanh với nữ giao thông 2.)
LIÊN. Sao mà Nga bảo không vui ?
NGA. Chị em ở đây hẹp hòi lắm. Hơi một tý cũng phê bình. Họ chưa hiểu mình.
LIÊN. Họ chưa hiểu Nga hay Nga chưa hiểu họ ?
NGA. Họ chưa hiểu mình! Từ ngày về đây công tác, mình có nề hà gì đâu? Khó khăn gian khổ mấy mình cũng cố chịu đựng. Liên biết không, mình phải nhịn đói từ suốt chiều hôm qua tới giờ đấy. Mình còn bỏ ra bao nhiêu buổi tối dạy văn hóa cho họ. Thế mà chỉ vài chuyện rất nhỏ, họ cũng đem ra phê bình.
LIÊN. Chuyện gì chẳng hạn ?
NGA. Họ bảo mình ăn mặc diện. Khốn khổ, có gì mà diện? Mỗi chữa lại cái áo phát. Mình không quen mặc áo may sẵn! Liên bảo thế thì có gì mà nên tội ?
LIÊN. Chị em nói cũng có quá. Nhưng dù sao Nga cũng nên rút kinh nghiệm.
NGA. Liên mà cũng nói thế à? Liên cũng bảo họ đúng ?
LIÊN. Không phải. Nhưng họ nói cũng có phần  đúng.
NGA (giận dữ) Đúng sao được ? Từ cách sống ngày xưa, mình đã đơn giản đến mức này là quá rồi, còn đòi đơn giản đến đâu nữa ?
LIÊN (cười). Tóm lại, quả Nga chưa được vui thật.
NGA. Nhưng nói thế thôi, chứ họ muốn nói gì thì nói. Mình không cần. Còn may có anh Mạc hiểu mình. Thú thật với Liên, không có anh ấy thì mình bỏ đi từ lâu rồi.
LIÊN. Đi đâu ?
NGA. Thiếu gì chỗ cần người.
LIÊN. Chỗ nào thì cũng vẫn làm công tác, vẫn có người hiểu mình và người không hiểu mình.
NGA (sau một chút). Liên thấy anh Mạc thế nào ?
LIÊN. Thế nào nghĩa là sao ?
NGA. Anh ấy hẹn trưa nay đưa mình đi xem triển lãm Nam bộ Kháng chiến. Chính vì thế mình phải cố về cho kịp. Anh ấy có vẻ...
LIÊN (mỉm cười) Vẻ gì ?
NGA. Hỏi ấm ớ !
LIÊN. Có gì thì nói thẳng ra người ta mới hiểu được chứ.
NGA. Chẳng nói nữa.
Mạc từ trong phòng Ban chỉ huy đi ra cùng nữ giao thông 1.
NỮ GIAO THÔNG 1 (chào Mạc). Em đi. (Ra nhanh.)
MẠC. Cô Liên đấy à ? Có việc gì đấy ?
LIÊN. Em đến đưa anh danh sách những địa điểm tiếp tế thực phẩm ở ngoại thành. Khi nào cần, các anh đến liên hệ. (Đưa tờ giấy.)
MẠC (cầm xem) Cô Liên vẫn ở Ngọc Hà ? Vẫn địa điểm liên lạc cũ?
LIÊN. Vâng.
MẠC. Thôi được, có gì chúng tôi liên hệ sau.
LIÊN. Chào anh ! Nga ơi, Mình đi nhé. (Ra nhanh.)
MẠC (liếc nhìn lên Nga rồi lại cắm cúi đọc tài liệu). Nga định đi đâu thế kia?
NGA. Anh còn không biết à?
MẠC (vẫn mải đọc). Tôi làm sao biết được? (Vừa xem vừa đi vào phòng.)
NGA (giận dữ). Đã hẹn với người ta rồi lại còn hỏi đi đâu! (Cởi áo vét bực tức quẳng xuống giường.)
MẠC (lại quay ra). Mệt chứ gì? Đúng rồi ! Nga nên nghỉ đi. Đêm qua chắc chẳng được nghỉ ngơi phải không ?
NGA. Em thì có giá trị gì !
MẠC (ngước lên nhìn Nga). Sao Nga lại nói thế ?
NGA (dỗi). Anh có coi em ra cái gì đâu !
MẠC (cố nghĩ). Tôi làm gì để Nga giận nhỉ ?
NGA. Anh chẳng làm gì cả.
MẠC (cố nhớ). Tôi có làm gì sai, Nga cứ nói thẳng chứ sao giận hờn như thế? Chúng ta là bộ đội cách mạng, phải thẳng thắn, có gì thì nói ra, chứ sao lại úp mở như thế ?
NGA. Vâng, em không thẳng thắn !
MẠC (vẫn cố nhớ lại). Tôi đã làm gì để Nga giận nhỉ ?
NGA. Anh không làm gì cả.
MẠC. Tôi đang điên đầu với bao nhiêu việc chưa làm xong, mà Nga lại còn hành hạ tôi nữa thì khổ cho tôi quá !
NGA. Thì mặc em ! Để ý đến em làm gì ? Anh vào làm việc đi.
MẠC. Nga nên nghĩ đến những cái lớn. Bỏ qua những chuyện vặt.
NGA. Chuyện ấy mà anh cho là vặt ?
MẠC. Ừ thì có thể là tôi có lỗi với Nga. Nhưng Nga phải thấy tình hình đang gay go. Chỉ nay mai, có thể ngay đêm nay, bọn thực dân Pháp sẽ dở trò tấn công bất ngờ, chiếm thủ đô Hà Nội. Lúc này phải lo đến vận mệnh Tổ Quốc, chứ sao lại đi băn khoăn những chuyện riêng tư ấy !
NGA. Vâng! Em chỉ là một con bé nhỏ nhen, tầm thường, không xứng đáng là người cách mạng.
MẠC. Ai nói thế đâu ?
NGA. Chính miệng anh vừa nói đấy thôi. Được ! Nếu vậy em xin thôi công tác ở đây.
MẠC (không nhịn được nữa). Tuỳ Nga thôi !
Chữ  " tuỳ" làm Nga giận đến cực độ. Chị không chịu được nữa.
NGA. Anh bảo "tuỳ" à ? Nếu vậy em xin thôi việc và về nhà ngay từ chiều nay.
MẠC. Nga đừng nóng nảy như thế !
NGA (cười châm chọc). Càng hay ! Mình sẽ về nhà, lên giường ngủ một giấc cho ra trò. Và không nghĩ ngợi gì nữa. Đúng. Hoàn toàn không nghĩ ngợi gì cả. Ngày mai hãy hay.
MẠC. Tính nết Nga... Tôi chịu không hiểu nổi !
NGA (cười chế giễu). Mà anh hiểu làm gì kia chứ ?
MẠC (chợt giật mình nhìn đồng hồ). Chết ! Gần một giờ rồi. Thôi, để lúc khác tôi nói chuyện với Nga sau. (Ra nhanh.)
Nụ cười trên môi Nga biến mất. Chị giận dữ thu dọn đồ đạc, gói lại rồi bỗng ôm mặt khóc nức nở. Vĩnh nhè nhẹ đẩy cửa bước vào. Vẫn chải chuốt, vẫn cây đàn nơi tay, riêng vẻ mặt thì rầu rỉ đau khổ.
VĨNH (gọi khẽ). Nga !
NGA (ngẩng đầu lên, lau vội nước mắt). Anh Vĩnh !
VĨNH. Lúc sáng tôi đến đây, nhưng Nga chưa về. Chiều qua tôi cũng có đến ...
NGA (rất khẽ). Anh Vĩnh ạ, em xin thôi công tác ở đây rồi.
VĨNH (sửng sốt). Sao lại thế ?
NGA (tránh mặt bạn). Anh nói đúng. Em không sống đơn giản như họ được thật.
VĨNH. Mỗi người một cách nghĩ, một cách sống riêng. Đừng trách họ mà cũng đừng giận mình. (Sau một chút.) Nga nên gần những người hiểu Nga thì hơn. (Buồn bã.) Nga mất công tác thì tôi cũng không còn gia đình.
NGA. Sao lại thế ?
VĨNH. Tuần trước hai bố con cãi nhau một trận, thế là tôi bỏ đi. Từ hôm ấy không về. Nghe đâu ba mợ tôi sợ đánh nhau to, đã dọn lên Hàng Buồm ở nhờ gia đình một ông bạn Hoa Kiều.
NGA (nhìn Vĩnh thương hại). Mấy hôm nay anh ở đâu ?
VĨNH. Mới đầu đến ở nhà thằng em họ. Được hai hôm thì nó đi công tác mất. Thế là bơ vơ. Mỗi tối ngủ một nơi. Đêm qua nằm trong đền Bà Kiệu, rét quá phải cởi áo vét ra đắp.
NGA. Còn ăn ?
VĨNH. Mấy ngày nay chưa được hột cơm nào. Toàn ăn vớ vẩn trừ bữa. Hôm nay hết tiền, từ sáng chưa có gì vào bụng. (Mỉm cười chua chát.) Tôi bây giờ chỉ còn mỗi một mình. Hoàn toàn tự do. Trước đây cứ nhận đùa mình là nhạc sĩ lang thang. Bây giờ đâm ra thành lang thang thật!
NGA. Em bây giờ cũng có hơn gì ?
VĨNH. Tôi đã nhận lời với cái đội tuyên truyền vũ trang hôm trước rồi. Nếu Nga thích thì nhập vào đấy luôn. Họ đang rất cần người.
NGA. Anh đi thôi. Em chẳng muốn công tác gì nữa. Định tản cư ra ngoài tìm đến chỗ trường thằng Thuỵ mà ở với nó vậy.
VĨNH. Nếu thế ta cùng ra ngoài ấy luôn thể.
Im lặng. Mỗi người đuổi theo một ý nghĩ.
NGA. Nhưng trước hết phải kiếm cái gì ăn đã. Em cũng đang đói. (Nhìn bạn.) Trông anh hốc hác quá !
VĨNH. Bây giờ còn ai bán hàng nữa mà ăn ?
NGA. Về nhà nấu cơm là tốt nhất.
VĨNH. Nhà nào ?
NGA. Nhà em ở Hàng Bạc chứ còn nhà nào nữa !
VĨNH (mừng rỡ). Thế thì còn gì bằng ! Chúng mình sẽ dựa dẫm vào nhau sống cho qua thời loạn li này.
NGA (như sực tỉnh, đột nhiên). Mà không được !
VĨNH. Tại sao ?
NGA. Em bỏ công tác thế nào được ?
VĨNH. Nga xin thôi rồi kia mà ?
NGA. Bực mình thì nói thế thôi, chứ bỏ sao được ? Anh đi một mình vậy ?
VĨNH. Sao thế ?
NGA. Đêm qua em không được ngủ. Mệt quá!
VĨNH (sau một chút). Nga ạ! Thiếu Nga tôi không còn biết sống thế nào nữa.
NGA. Anh không được nói thế!
VĨNH. Tôi sẽ về Hàng Bạc và đợi Nga ở đấy.
NGA. Đợi em làm gì, vô ích.
VĨNH. Tôi cũng còn nơi nào khác nữa đâu?
NGA. Anh về đấy nghỉ tạm cũng được. Chìa khoá vẫn gửi bà dưới nhà ấy. Còn bây giờ thì xin lỗi anh, em cần ngủ một chút.
VĨNH. Nga nên suy nghĩ cho kỹ. Liệu có sống lâu dài được với họ không?
NGA (hơi bực). Thôi, anh về đi !
VĨNH. Tôi đợi Nga ở nhà...
NGA. Tuỳ anh!
Vĩnh từ từ buồn bã đi ra. Nga nhìn theo suy nghĩ. Chị chậc lưỡi, quay vào cởi bó chăn ra định đi nằm, bổng nhiên có tiếng chân người. Chị lúng túng vội ôm cả đồ đạc, chui vào nấp sau pho tượng. Nữ giao thông 2 chạy vào vội vã.
NỮ GIAO THÔNG 2 (đập cửa phòng ban chỉ huy, gọi to). Anh Mạc ! Anh Mạc !
MẠC (mở cửa). Gì đấy, cô Kim?
NỮ GIAO THÔNG 2. Có công văn hoả tốc, tối khẩn và tối mật nữa !
Mạc cầm công văn bóc ra đọc. Nữ giao thông 2 hồi hộp theo dõi. Đọc xong, mặt anh cau lại. Đấy là lệnh tác chiến tối nay.
MẠC (nhìn quanh). Cô Nga đâu rồi nhỉ ?
NỮ GIAO THÔNG 2. Em không biết !
MẠC (không thấy đồ đạc của Nga). Hay cô ấy bỏ về thật rồi ?
Nga định bước ra nhưng lại thụt vào.
NỮ GIAO THÔNG 2. Sao lại bỏ về ạ ?
MẠC (choáng váng nhưng trấn tỉnh lại ngay). Cô sang ngay ban vận động tản cư, bảo họ phải đưa hết số dân còn lại ra khỏi nội thành trước sáu giờ tối nay.
NỮ GIAO THÔNG 2. Vâng. Thế còn Nga ạ?
MẠC. Sau đó cô rẽ qua nhà Nga ở Hàng Bạc. Nếu gặp Nga ở đấy thì...
NỮ GIAO THÔNG 2. Thì bảo Nga về đây ạ ?
MẠC. Bảo Nga tản cư ra khỏi Hà Nội ngay chiều nay.
NỮ GIAO THÔNG 2. Sao lại thế ạ ? Sao không bảo nó về đây ạ ?
MẠC (sau một lúc). Cuộc chiến đấu sắp tới sẽ ác liệt lắm. Sợ Nga không chịu đựng nổi !
NỮ GIAO THÔNG 2. Em tưởng Nga nó cũng...
MẠC. Cô cứ nói thế cho tôi. Nói khéo một chút! Xong cô quay về đây ngay. Thôi, cô đi đi !
Nữ giao thông 2 chào Mạc rồi chạy ra. Mạc cũng chạy vào phòng làm việc. Nga bước từ sau pho tượng ra, tự ái đến cực độ.
NGA (lẩm bẩm). "Sợ Nga không chịu đựng nổi!" (Giận dữ.) Đã thế thì cũng chẳng cần ! (Buộc lại gói chăn, định ra.)
PHIÊN (bước vào, ngạc nhiên). Nga! Em đi đâu thế ?
NGA (lúng túng). Em... em chuyển công văn.
PHIÊN. Sao mang cả chăn màn thế kia ?
NGA. Luôn sẵn sàng mà lại. (Khẽ.) Anh Phiên ạ, em có câu chuyện muốn nói với anh.
PHIÊN. Đợi anh một chút nhé! Anh cần gặp anh Mạc đã. Mạc đâu rồi ?
NGA (khó chịu). Lại ông Mạc ! (Trỏ.) Ở trong ấy, anh vào mà gặp.
PHIÊN (tát yêu em). Lại dỗi với anh đấy à ? (Cười.) Anh gặp anh Mạc một lát thôi.
NGA. Em phải đi công tác ngay bây giờ.
PHIÊN. Cũng được. Lúc Nga về, anh em mình sẽ  nói chuyện.
Nga ôm đồ đạc chạy vụt ra. Mạc nhìn theo mỉm cười rồi quay vào gõ cửa phòng Mạc.
MẠC (mở cửa, đã chỉnh tề quần áo, đội mũ, đeo súng ngắn). Phiên!
PHIÊN. Mình đựơc trên đồng ý cho bổ sung về đây với cậu. (Đưa giấy.)
MẠC (xem giấy). Hay quá! Có thêm cậu nữa thì vững rồi. À, cậu biết tin mới chưa ?
PHIÊN. Chúng hạ tối hậu thư đòi tước khí giới của công an và tự vệ Thành chứ gì ?
MẠC. Đấy là tin từ sáng. Tin mới toanh cơ! (Ghé tai Phiên, thì thầm.)
PHIÊN (sửng sốt). Thật à ? (Ôm lấy bạn reo lên.) Nghĩa là cụ Hồ đồng ý cho đánh rồi ?
MẠC. Tổng bộ Việt Minh giao cho Hà Nội cố cầm cự với giặc lấy bảy ngày.
PHIÊN. Sao có bảy ngày ?
MẠC. Tất nhiên đời nào chúng mình chịu bỏ Thủ đô ? Tổng bộ đánh giá chúng mình thấp quá ! Nhưng không sao ! (Xúc động quá nghẹn không nói được.) Cậu đợi mình một chút, ta xuống kiểm tra các đơn vị.
PHIÊN. Lâu nay mình cứ ghen với dân Sài Gòn. À, mà cậu xem triển lãm Nam Bộ kháng chiến chưa ? Có nhiều kinh nghiệm hay lắm đấy.
MẠC (sững sờ). Chết rồi !
PHIÊN (hoảng hốt). Gì thế ?
MẠC. Mình hứa sáng nay đưa Nga đi xem triển lãm mà rồi quên bẵng mất !
PHIÊN (cười). Thế thì đúng là chết thật rồi. Mình biết tính em mình lắm. Cậu đến xin lỗi nó ngay đi.
MẠC. Cô ấy giận bỏ về mất rồi.
PHIÊN. Nó đi công tác đấy chứ. Mình vừa gặp mà.
MẠC. Cô ấy nói dối cậu đấy.
PHIÊN. Mà thật. Nó cũng có gì khang khác ấy thật.
MẠC. Ta rẽ qua Hàng Bạc một cái !
PHIÊN. Phải bảo nó tản cư ra khỏi thành phố ngay chiều nay.
MẠC. Việc ấy thì mình nhờ người nói hộ rồi.
PHIÊN. Thế là đủ ! Chuyện gia đình để sau. Gạt đi tất, Mạc ạ ! Trước mắt mình mọi thứ đều mờ đi cả. Chỉ còn mỗi việc là chiến đấu và chiến thắng. Hờn căm chất chứa một năm nay đã đến lúc phải nổ ra rồi.
Một chiếc xe quân sự Pháp phóng qua ngoài phố lia một băng tiểu liên khiêu khích, trúng vào chiếc khánh, kêu hai tiếng choáng tai.
(Né tránh.) Được ! Chúng tao tạm nhịn cho đến tối nay ! Trời! Mạc ơi! Mình hồi hộp quá. Chúng mình đang đứng trứớc lịch sử và sắp được chứng tỏ ra cho thế giới biết, người Hà Nội là thế nào đây !
Họ ôm ghì lấy nhau, trào nước mắt.


Cảnh ba
Vĩnh Yên. Một ngày tháng 6 năm 1949.
Gần ba năm sau. Lúc này cuộc kháng chiến đang ở giai đoạn khó khăn nhất. Một số đã hoang mang, lục tục trở về vùng địch tạm chiếm.
Một ngôi nhà tranh cao ráo ở thôn quê. Đây là vùng trung du. Phía sau là những đồi cọ. Nhìn rõ đây là nơi ở của một gia đình tản cư Hà Nội ra. Một chiếc giương Tây. Bộ xa lông. Bàn làm việc. Võng. Cây đàn ghi ta.
Mở màn. Nga đang lúi húi sửa soạn quần áo đi giặt. Chị mặc áo cánh gụ, quầ lụa đen, vấn tóc trần, đã thành một thiếu phụ. Vẻ mơ mộng trước kia không còn, thay vào là một vẻ nhịn nhục và có gì hơi tầm thường.
Buổi sáng đẹp trời. Vĩnh bước vào, dáng uể oải. Anh mặc pi-gia-ma màu ghi nhạt, hơi béo so với ngày ở Hà Nội.
NGA. Anh lại đánh tổ tôm suốt đêm à?
VĨNH. Con đâu rồi?
NGA. Các cô ấy bế vào trong xóm. (Sau một chút.) Anh ngủ đi một giấc cho khoẻ. Em chuẩn bị ba- lô cho. Mấy giờ anh đi?
VĨNH. Anh chưa đi đâu. (Im lặng.) Hôm qua cháu ông Phán Bích về, kể chuyện nó ném bom Phúc Trìu chết nhiều lắm.
NGA. Bên ấy thì toàn tin đồn gây hoang mang thôi. Anh định ở nhà thêm mấy ngày nữa?
VĨNH. Em đuổi anh đấy à?
NGA. Nhưng anh nghỉ hơn một tuần rồi còn gì?
VĨNH. Lên đấy cũng có việc gì đâu mà làm? Cả đội tuyên truyền có được mấy chiếc an-tô phừng phưng.
NGA. Thì điều kiện kháng chiến...
VĨNH (gắt). Ấy đấy! Hơi một tý là viện điều kiện kháng chiến! Điều kiện kháng chiến !
NGA (nhẫn nhục). Anh vào đi ngủ đi. Thay bộ quần áo ra em giặt cho.
VĨNH (càng giận dữ). Điều kiện kháng chiến! Điều kiện kháng chiến! Thì ra vì điều kiện kháng chiến mà phải đưa một thằng dốt đặc cán mai lên lãnh đạo đội văn nghệ? Làm như hết người có học rồi ấy!
NGA. Anh bực làm gì? (Lảng chuyện.) Em viết thư cho anh Phiên rồi đấy. Anh cũng viết thêm mấy chữ rồi gửi đi một thể.
VĨNH. Viết mãi rồi có nhận được thư trả lời đâu.
NGA. Chắc anh ấy không nhận được. Từ đây vào tận chiến trường Nam bộ đường xá có phải dễ đâu? Nhưng ta cũng cứ viết. May ra nhận được thì anh ấy mừng lắm!
VĨNH. Thư gia đình họ có coi ra cái gì? Mấy bố giao liên còn phải đánh vần mãi mới đọc được thì làm sao chuyển nổi thư từ. (Giận dữ.) Chịu! Tôi không hiểu nổi, làm sao họ có thể đánh thắng được nhỉ? Có gọi là báo cáo láo!
NGA (khẽ). Anh nói khẽ chứ!
VĨNH (càng được thể). Việc gì phải khẽ? Ai chẳng biết cả rồi.
NGA (nhìn ra ngoài). Bác hỏi gì thế ạ?
Một người khách ngó vào. Đó là một người còn trẻ, ăn mặc kiểu dân buôn lậu hồi đầu kháng chiến chống Pháp. Vĩnh nhìn thấy khách, mừng rỡ.
VĨNH. Kìa bác ! Bác vào chơi.
KHÁCH. Chào cậu mợ!
NGA. Không dám, chào bác !
VĨNH. Em đun cho anh siêu nước.
Nga đi ra.
(Hạ giọng.) Phiên trước tôi chờ mãi không thấy bác ?
KHÁCH. Hôm ấy tôi bị bọn tề cướp mất hết hàng.
VĨNH. Bác có nói hộ tôi không ?
KHÁCH. Có. Nhưng kỳ này bà không gửi gì ra cả.
VĨNH (hoảng hốt). Ba mợ tôi gặp phải chuyện gì rắc rối hẳn?
KHÁCH. Ngược lại thì có. Bà vừa mở thêm một cửa hàng nữa ở Hàng Ngang. Phát tài lắm. Bốc ra của. Bà bảo cứ gửi tiếp tế ra mãi thì cậu còn không chịu về.
VĨNH (lo lắng). Mợ tôi không gửi ra một tý nào ư ?
KHÁCH. Mà bà nói cũng phải. Trong ấy bà chỉ nói một câu cũng bằng cậu ở ngoài này nai lưng ra làm cả đời.
VĨNH (lẩm bẩm). Gay go quá nhỉ !
KHÁCH. Sao hả, Cậu ?
VĨNH (khẽ). Suỵt !
Nga mang siêu nước vào.
(Đỡ siêu nước, pha trà.) Em ra chợ mua cái gì về làm cơm. Bác ăn với chúng tôi một bữa.
KHÁCH. Xin phép cậu mợ. Tôi còn phải đi giao nốt chỗ hàng.
NGA. Bác cứ đi công việc, mười một giờ về đây ăn.
KHÁCH. Cậu mợ thứ cho. Để tôi thoải mái.
Nga vào bưng chậu quần áo ra ngoài.
VĨNH (đợi Nga đi khuất). Đi lại bây giờ có khó khăn lắm không?
KHÁCH. Đang còn dễ. Bây giờ nó mới đóng bên kia sông Đuống. Thế nào rồi nó cũng tràn lên đây. Đến lúc ấy thì sẽ khó đấy.
VĨNH (ngẫm nghĩ). Bác uống nước đi.
KHÁCH (rút bao thuốc lá ngoại ra). Mời cậu!
VĨNH (châm thuốc). Thơm quá! Nhiều khi đi công tác chỉ thèm một điếu thuốc ăng-lê này.
KHÁCH (ghé tai Vĩnh). Đang có dịp may. Đêm nay cả bầu đàn thê tử ông Phán Bích "dinh"!
VĨNH. Thế à? Gớm thật! Tối qua tôi đánh tổ tôm ở bên ấy suốt cả đêm, có thấy họ nói gì đâu?
KHÁCH. Họ nhờ tôi đưa đi mà lại. Hay cậu nhập bọn luôn với họ ?
VĨNH. Ngay đêm nay à ?
KHÁCH. Ngày phiên dễ đi hơn.
Im lặng.
VĨNH. Tôi về làm sao được?
KHÁCH. Cậu mợ ở ngoài này làm gì cho khổ? Kháng chiến còn mịt mùng lắm. Ba năm rồi mà cứ mỗi năm lại mất thêm ít đất.
VĨNH. Mịt mùng ! Đúng thế ! Hồi mới ra, tưởng chỉ một năm, nhiều đến hai năm là cùng. Ai ngờ.. Nhưng họ có cho tôi nhập bọn không ?
KHÁCH.            Ôi dào ! Càng đi đông càng bảo đảm.
VĨNH. Để tôi thử bàn với nhà tôi xem.
KHÁCH.  Ở cậu thôi chứ mợ chắc cũng chẳng ngăn cản gì.
VĨNH. Bác chưa hiểu nhà tôi đấy.
KHÁCH. Thì mợ là đàn bà. Gì thì gì, cũng phải theo chồng cả.
VĨNH. Bác sang bên ấy bây giờ chứ ?
KHÁCH. Hay cậu cũng cùng sang bàn bạc luôn thể ?
VĨNH (sau một chút suy nghĩ). Nga ơi !
Nga vào xắn tay áo cao. Chị thả ống tay xuống.
Anh đi đằng này một chút nhé !
NGA. Anh đi nhanh còn về ăn cơm. Rồi cũng phải ngủ một giấc chứ.
VĨNH. Anh đi nhanh thôi. (Với khách.) Đi, bác.
KHÁCH. Chào mợ! (Nhìn Nga.) Bây giờ trong ấy các bà, các cô đều quần trắng, áo dài cả. Lại y như ngày xưa.
NGA. Bác mới ở trong ấy ra?
VĨNH (đỡ lời). Là bác ấy cũng nghe nói thế (cùng khách đi ra.)
Nga dọn lại bàn. Bổng có tiếng gọi vui vẻ từ ngoài: "Chị Nga!".
THUỴ (chạy vào, hớn hở). Chị Nga! Mai em đi rồi.
NGA. Đi đâu?
THUỴ. Đi bộ đội! Sao chị tròn xoe mắt thế kia? Đi bộ đội thì có gì là lạ ?
NGA (trách). Nhưng sao em chẳng nói với chị từ trước?
THUỴ. Em sợ không được nhận. Tuyệt quá, chị ạ !
NGA. Em bỏ chị lại một mình à ?
THUỴ. Sao lại một mình ?
NGA. Anh Phiên chiến đấu mãi tận trong Nam. Còn có hai chị em, em lại đi.
THUỴ. Chị còn anh Vĩnh, cháu Hà, vui chán! (Bỗng như không ghìm được nữa.) Em không chịu nổi cuộc sống an nhàn, tầm thường này nữa rồi. Ngoài kia người ta đang đổ máu, mà em thì cứ ngày ngày cắp sách đến trường. (Hạ giọng.) Thỉnh thoảng có một đơn vị bộ đội hành quân qua làng, em nhìn các anh ấy, quần áo lấm lem, ba-lô, súng ống nặng trĩu mà em thấy xấu hổ. Em vội chúi vào một góc, không dám nhìn các anh ấy nữa. Về đến trường, ngồi vào bàn học, em thấy mấy cái phương trình bậc một, bậc hai, mấy cái công thức vật lý sao nó xa lạ, vô dụng đến thế. Bây giờ không phải lúc loay hoay với những thứ vặt vãnh ấy. Kể em nghĩ thế cũng không hoàn toàn đúng đâu. Nhưng thú thật với chị, em cảm thấy em là đứa hèn nhát, lẩn trốn.
NGA. Em trách chị đấy à ?
THỤY. Không phải. Chị là phụ nữ. Em là con trai. Chỗ của em không phải ở đây.
NGA. Nhưng em mới mười sáu tuổi !
THỤY. Mười sáu tuổi mà không đi bộ đội được à ?
NGA. Nhưng sao vội thế, mai đã đi? Ở nhà thêm một ngày, chị xem có cần chuẩn bị quần áo, đồ dùng gì nữa không ?
THUỴ. Em chẳng cần gì cả.
NGA. Thì cũng ở nhà thêm một ngày nữa có là bao ?
THỤY (lại như không ghìm được nữa, bùng lên). Thú thật với chị, em không muốn ở đây thêm một ngày nào nữa.
NGA. Hay chị đã làm gì để em giận ?
THỤY. Chị thì không. Nhưng em thấy xấu hổ phải nhờ anh Vĩnh.
NGA. Em cứ thế với anh Vĩnh.
THUỴ. Anh ấy vẫn nhận tiếp tế trong thành, chị có biết không ?
NGA. Anh ấy đã hứa với chị là thôi không nhận nữa.
THỤY. Thế mà chị cũng tin ? Em hỏi thật nhé ! Chị còn yêu anh Vĩnh nữa không ? Chị còn tôn trọng anh ấy nữa không ? Thế thì chị nhịn nhục mãi làm gì ? Ông ấy mở miệng là thở toàn giọng phản động. Chị không dám cãi lại, mà em cãi, chị lại can.
NGA (buồn bã). Cãi nhau chẳng ích gì. Gia đình lục đục càng thêm khổ.
THUỴ. Em như chị thì em li dị quách đi cho rồi.
NGA. Mỗi người một số phận, một hoàn cảnh.
THỤY. Chị định cứ ở nhà mãi thế này ạ ?
NGA. Chị sẽ đi công tác. Em yên tâm. Nhưng em ở lại thêm một ngày nữa nhé ? Chị bán cái nhẫn này đi mua vài thứ cần dùng cho em. Nhẫn này của mẹ cho chị hồi mẹ mất đấy.
THỤY. Chị giữ lấy mà dùng. Còn cháu...
VĨNH (chạy vào, thấy Thuỵ, vồn vã). Anh vừa gặp mấy giáo sư. Họ khen chú học giỏi lắm.
THỤY (nhạt nhẽo). Các ông ấy nói thế thôi. Anh chị ở nhà, em ra trường một lúc. (Ra nhanh.)
VĨNH (nhìn theo). Chú Thụy vẫn cứ giận dỗi gì anh ấy nhỉ ? Lạ thật ! Vợ chồng mình có để chú ấy thiếu thốn gì đâu.
NGA (đứng lên dọn dẹp). Anh vẫn nhận tiếp tế  trong thành đấy à ?
VĨNH (sau một chút). Ba mợ cứ gửi ra chẳng lẽ không nhận ? (Làm như nói đùa.) Ba mợ lại còn nhắn vợ chồng mình về đấy.
NGA (cau mặt quay nhìn chồng). Anh muốn về à ?
VĨNH. Là nói chuyện thế thôi. (Sau một chút.) Kể ra về cũng chẳng sao. Chúng mình ở ngoài này cũng chẳng được việc gì.
NGA. Anh nghĩ đến như thế kia à?
VĨNH. Về, nhưng không làm gì cho địch là được. Mình ở ngoài này cũng chẳng giúp được gì cho kháng chiến. Anh thấy phí thời giờ quá. Nếu về trong ấy, anh sẽ học tiếp cho xong cái bằng tú tài phần hai. Sau này kháng chiến thành công, mình đã có sẵn học lực để phục vụ  công cuộc kiến thiết.
NGA. Nghĩ như anh thì ai đi kháng chiến ?
VĨNH (bực bội). Những người thích đánh nhau !
NGA. Như anh Phiên?
VĨNH (bĩu môi). Cả ông Mạc nữa chứ? (Cười mỉa mai.) Tôi không dám so sánh với các ông ấy. Nga đòi hỏi ở tôi nhiều quá. Tôi chỉ là một con người bình thường.
NGA. Hay tầm thường ?
VĨNH. Nga ân hận đã lấy tôi ?
NGA (lại nhịn nhục). Chuyện đã qua nói lại làm gì. Anh đi nghỉ đi. Em ra phơi nốt chỗ quần áo.
VĨNH. Nga ngồi lại đã!
NGA. Anh nghỉ đi. Chiều rảnh rỗi ta nói chuyện thêm.
VĨNH. Không! Tôi phải nói ngay bây giờ !
Nga đứng lại.
Tôi không thể ở ngoài này thêm được nữa. Cứ lẽo đẽo theo cái đội tuyên truyền thảm hại ấy thì tôi đến điên đầu lên mất thôi.
NGA. Thì anh xin chuyển công tác khác.
VĨNH. Ngoài này không có việc nào hợp với tôi cả.
NGA. Tại ta chưa bỏ công tìm đấy thôi. Chiều nay vợ chồng mình bàn kỹ thêm và nhất định sẽ tìm được một công việc thích hợp cho anh.
VĨNH (cáu). Đã ba năm nay tôi định làm gì cũng không được. Việc gì Nga cũng có ý kiến vào.
NGA. Thì anh đừng nghe.
Vĩnh im lặng.
Thôi được, từ nay em không bàn bạc gì nữa. Ngay chuyện về thành anh cứ việc quyết định lấy.
VĨNH. Tôi quyết định về !
NGA. Thì anh về.
VĨNH. Một mình à ?
NGA. Hai mẹ con em không về được. (Giận dữ đi ra.)
VĨNH. Nga ngồi lại đã.
NGA. Còn phơi nốt chỗ quần áo.
VĨNH. Để sau cũng được. (Đợi Nga ngồi xuống. Chậm rãi.) Đã ba năm nay, chúng mình cố tránh không nói thật với nhau. Bên ngoài có vẻ êm thấm, nhưng bên trong đã chất chứa bao nhiêu bực dọc. Đã đến lúc phải nói thẳng ra hết với nhau.
Nga như lên gân, lấy hết nghị lực để nghe.
Tôi công nhận là tôi rất phức tạp. Nhưng Nga hiểu cho. Tôi yêu Nga. Và khi thấy Nga đánh giá tôi cao hơn sự thật, tôi đã chiều Nga, cố muốn tỏ ra mình tốt hơn. Nga muốn tôi đi công tác, tôi đã đi.
NGA (ngắt lời). Không đúng. Chính anh rủ tôi ra. Và hôm ấy anh đã nhận lời gia nhập cái đội tuyền này rồi.
VĨNH. Thôi được! Tôi đã nói dối Nga, và đã dối cả bản thân tôi. Tôi đã chọn một cách sống quá sức của tôi. Nhưng bây giờ tôi mệt mỏi lắm rồi. Nghề đời, đứng kiễng chân có bao giờ đứng được lâu. Tôi quyết định từ nay sẽ trở về với con người thực của tôi.Thực ra tôi là người thế nào? Chỉ là một con người bình thường ! Nga muốn gọi là tầm thường cũng được. Tôi chỉ là một kẻ t-ầ-m t-h-ư-ờ-n-g.
NGA (mỉa mai). Nhu nhược, hèn nhát nữa chứ!
VĨNH. Đúng! Tôi nhu nhược, tôi hèn nhát. Tôi có cần giỏi giang với ai đâu ? Tôi chỉ cần một cuộc sống yên ổn.
NGA (uất ức). Không phải. Anh cần nhiều thứ lắm: tiền bạc, giàu sang, danh tiếng.
VĨNH. Đúng thế, nhưng nếu phải mất yên ổn thì tôi xin bỏ ngay mọi mong ước khác. Tôi không đủ sức chịu đựng một cuộc sống thất thường : mỗi tối lại phải lo đêm nay ngủ ở đâu, mỗi sáng dậy lại phải lo ngày hôm nay làm thế nào có cái ăn cho đỡ đói.
NGA. Anh nói những câu văn hoa ấy để rũ mẹ con tôi ra cho khỏi vướng chân chứ gì ? (Nghẹn lại.)
VĨNH (hốt hoảng). Nga bình tĩnh, nghe tôi nói đã. Tôi yêu Nga và chính vì yêu Nga ...
NGA (nức nở). Anh không yêu tôi mà anh cũng chẳng yêu ai hết, ngoài bản thân anh ra.
VĨNH. Nga, hãy bình tĩnh nghe tôi nói nốt đã...
NGA (ngắt lời). Anh lừa dối tôi. Anh chỉ hứa hẹn suông. Anh đã kéo tôi xuống đến mức này rồi, lại còn định kéo tôi xuống đến đâu nữa ? (Ôm mặt.) Sao mình dại dột thế này nhỉ ? Cuộc đời mình lẽ ra có thể khác đi nhiều lắm! (Khóc đau xót,)
VĨNH (càng hoảng hốt). Nga! Em bình tĩnh đã !
NGA. Anh đi đâu thì đi. Tôi không giữ anh thêm một phút nào nữa !
VĨNH (vội vã, đến bên vợ). Nga ! Nín đi ! Anh có định làm em buồn đâu ? Anh cũng chỉ đưa ra để vợ chồng bàn bạc. Em không đồng ý thì thôi. Kìa em ! Nín đi ! Tha lỗi cho anh. (Đặt tay lên vai vợ.) Từ nay anh sẽ không bao giờ nói chuyện về thành nữa. Anh xin hứa...
Nga từ từ ngẩng đầu dậy, lau nước mắt.
Con ở đâu? Để anh đón nó về nhé?
NGA.  Để con bên ấy cũng được.
VĨNH (vui vẻ). Cứ định chụp cho hai mẹ con pô ảnh mà lần lữa mãi. (Nhìn tấm ảnh trên tường.) Gần một năm rồi chưa chụp lại. Sáng mai phải ra chợ chụp một pô ảnh gia đình làm kỷ niệm. Rồi gửi vào Nam cho bác Phiên biết mặt cháu nữa chứ.
NGA (đã nguôi giận). Nếu vậy ta khoan gửi bức thư này vội. Để được ảnh, gửi luôn một thể. À, anh ạ, em muốn nói với anh chuyện này. Con mình cứng cáp rồi. Em định xin đi công tác.
VĨNH. Phải rồi. Chị bí thư phụ nữ xã mấy lần rủ em tham gia công tác Hội phụ nữ ở đây. Cũng vui mà lại gần nhà, vẫn trông nom con được.
NGA (mỉm cười). Không! Em muốn vào đội tuyên truyền với anh. Anh còn nhớ chứ, hồi ở Hà Nội, anh vẫn bảo thèm có em bên cạnh, em hát, anh đệm đàn, đi biểu diễn khắp các nơi. Có em, anh cũng đỡ buồn.
VĨNH. Thực tế đâu có giống như mình tưởng tượng. Một mình anh sa lầy ở cái đội ấy còn chưa đủ hay sao mà định kéo thêm cả em vào nữa ?
NGA. Ta xốc nó lên chứ ?
VĨNH (miễn cưỡng). Thôi được, chuyện ấy ta bàn sau.
NGA (vui vẻ). Đúng rồi. Tối nay ta sẽ bàn bạc thật kỹ. Bao nhiêu việc cần lo liệu. Trước hết là gửi con. Nhưng thôi, anh đi nghỉ đi… Ta sẽ rủ cả chú Thuỵ nữa cùng bàn, sẽ ra lắm ý kiến hay đấy.
Vĩnh nhăn mặt nhưng Nga không nhìn thấy.
Em ra chợ xem có cái gì mua về ăn. (Ra nhanh.)
Vĩnh thẩn thờ nhìn theo. Khách vào.
KHÁCH. Mợ đâu rồi ? (Nhìn Vĩnh.) Cậu làm sao thế kia? Hay không định về nữa?
VĨNH (sau một lúc). Tôi về.
KHÁCH (nhìn căn phòng). Đồ đạc này cậu gửi lại à ? Giá bán đi thì được món tiền.
VĨNH. Nhà tôi và cháu ở lại.
KHÁCH (ngạc nhiên). Sao lại thế?
VĨNH. À không! Là tôi về thu xếp trước. Rồi ra đón hai mẹ con sau.
KHÁCH. Cậu cẩn thận thế cũng phải.
Vĩnh từ từ, rất mỏi mệt mở tủ lấy giấy tờ và vài thứ cần thiết. Đứng thần ra suy nghĩ, rồi ngối xuống cạnh bàn, viết.
Cậu có cần chờ mợ nữa không ?
VĨNH. Không. (Đặt cái gạt tàn lên mảnh giấy rồi định bước ra. Chợt quay lại tháo chiếc ảnh hai mẹ con trên tường, nhưng nghĩ thế nào lại treo vào chỗ cũ). Ta đi thôi.
Họ ra, sân khấu trống một lúc. Có tiếng ồn ào bên ngoài, Nga và Liên bước vào. Nga ẵm con, Liên cầm nón, xách túi vải. Thuỵ vào theo, tay xách cái túi ba lô mới mua.
THỤY. May quá! Sáng mai chị Liên mới đến thì em không gặp được.
NGA. Liên ở lại được vài hôm chứ ?
LIÊN. Đi công tác ngang qua thì tranh thủ ghé vào thăm cháu thôi. Chiều mai mình phải có mặt ở thị xã Thái Nguyên rồi.
Nga vào đặt con trong buồng xong, đi ra.
Thằng bé trông kháu quá, giống mẹ như đúc. À, anh Vĩnh lâu nay có về thăm nhà không ?
NGA. Anh ấy đang nghỉ phép ở nhà đấy.
LIÊN. Thế đâu rồi ?
THUỴ. Sang bên lão Phán Bích đánh tổ tôm !
LIÊN (cười). Tổ tôm à ?
THUỴ. Ông ấy đang xuống dốc không phanh !
NGA (cười) Hai anh em cứ như chó với mèo ấy thôi, Liên ạ. Đến khổ! Không bao giờ nói được với nhau lấy hai câu, đứng với nhau được lấy năm phút. (Với Thụy.) Em giận anh ấy mãi làm gì? Đằng nào ngày mai em cũng đã đi rồi. (Vui vẻ.) Chiều nay nhân có chị Liên về, chị sẽ làm một bữa ăn tươi tiễn em lên đường. Cả nhà sẽ trò chuyện với nhau thật vui vẻ. Cấm không được nói chuyện buồn, chuyên giận hờn. Em đồng ý không nào ?
THUỴ. Vậy lúc nào nói thẳng với nhau ?
NGA (với Liên). Thanh niên cứ thích nói thẳng làm gì nhỉ? (Lảng.) Liên không nhận được thư anh Phiên mình à ?
LIÊN. Không! Thế là gần hai năm rồi. (Sau một chút, khẽ.) Còn anh Mạc thì mình vẫn gặp.
NGA. Thế à ?
LIÊN. Anh ấy hỏi thăm Nga đấy.
NGA (cố làm bộ thản nhiên). Thế à?
LIÊN. Nga chưa đi công tác được nhỉ, cháu nhỏ quá.
THỤY. Cháu thì không quan trọng, vấn đề là ông Vĩnh không chịu.
NGA (vui vẻ). Ấy thế mà chịu đấy.
THỤY. Em không tin.
NGA. Thế nếu anh Vĩnh đồng ý cho chị đi thì sao?
THỤY. Thì chị đòi gì em cũng xin đồng ý.
NGA. Chỉ đòi một điều thôi: Em làm lành với anh Vĩnh. Anh ấy chưa phải đã hỏng đâu.
LIÊN. Đúng rồi. Anh Vĩnh đâu phải là người xấu, nguyên việc gia đình ở trong kia giàu có như thế, mà anh Vĩnh vẫn chịu gian khổ ở ngoài này, vẫn công tác...
NGA. Đúng thế. Cũng không thể đòi hỏi ở một con người nhiều quá. (Vui vẻ.) Thế là cuộc đời lại tươi đẹp rồi. Em có biết chị sẽ đi công tác gì không ? Công tác tuyên truyền nhé! Chị sẽ lại hát.
THỤY. Thế thì còn gì bằng. Và thế nào cũng có dịp đội tuyên truyền của các chị đến khu vực đóng quân của đơn vị chúng em.
NGA. Đúng thế. Vậy bữa cơm hôm nay là bữa ăn của sum họp và hoà thuận.
THUỴ. Và chia tay nữa chứ. Vì cả nhà đếu sắp lên đường, mỗi người một ngả. (Hát.) "Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đường ..."
NGA (phấn khởi bắt theo). "Ta nguyện đồng lòng ...".
LIÊN. Khẽ chứ, để cháu Hà ngủ. Mà thôi, mình đói rồi. Ta phân công đi. Chú Thuỵ bắt gà, mình đun nước ...
NGA (bỗng linh cảm thấy điều gì). Sao chưa thấy anh Vĩnh về nhỉ ?
THUỴ. Ngồi vào chiếu tổ tôm thì khó mà dứt ra được lắm!
NGA (chợt thấy chiếc ảnh treo ngược). Em Thuỵ lấy ảnh xuống xem đấy à ?
THỤY (ngơ ngác). Không ạ. Sao chị lại hỏi thế?
Nga vội chạy ra bàn, thấy tờ giấy cầm đọc. Đọc xong, im lặng.
Chị làm sao thế ? Chị đừng buồn. Em đã bảo em sẽ làm lành với anh Vĩnh kia mà. Nếu cần, em sẽ xin lỗi anh ấy để chị đỡ khổ. Dù sao thì chị cũng đã lấy anh ấy rồi.
NGA (rất mệt mỏi). Bây giờ thì lại không cần nữa. (Đưa tờ giấy cho Liên rồi ngồi xuống ghế, gục đầu, suy nghĩ.)
Liên đọc xong đưa Thuỵ. Hai người lặng lẽ nhìn Nga thương xót.
LIÊN (bước đến, đặt tay rất nhẹ lên vai bạn). Nga !
Bỗng bé Hà trong giường giật mình khóc thét lên. Nga đứng phắt dậy, chạy vào đấy. Tiếng khóc khẽ dần.
THUỴ (giận dữ). Đồ khốn nạn! Sao lão ta lỡ nhẫn tâm làm như thế ?
LIÊN. Sự việc này tất nhiên sẽ đến lúc phải xảy ra. Nhưng không ngờ lại nhanh thế!
THUỴ. Nhanh thế càng hay ! Kẻo chị Nga em, tình cảm thì hết từ lâu rồi, nhưng vẫn thương hại, không nỡ bỏ.
LIÊN. Dù sao chuyện xảy ra đột ngột quá. Nga chưa dễ bình tĩnh được ngay. (Níu tay Thuỵ lại.) Suỵt !
Tiếng Nga ru con từ trong buồng vọng ra:
“Trông vời trời đất mênh mông
Cánh chim lẽ chiếc bay ngang cuối trời ...
Đã không dứt khỏi cuộc đời.
Vẫn còn phải sống bời bời lòng thơ ...”

Hết phần thứ nhất









P H Ầ N   T H Ứ   H A I

Cảnh bốn
Sông Lô, tháng 9 năm 1952
Đêm trăng. Bến Bình Ca. Một tốp bộ đội ngồi trên vệ sông đang chờ đò. Họ ngồi rải rác trên những mô đất, sườn đồi.
Lúc này cuộc kháng chiến đã bước vào giai đoạn phản công.
BỘ ĐỘI 1. Những đêm trăng hành quân như thế này, có lẽ mãi mình không bao giờ quên được.
BỘ ĐỘI 2. Ôi thôi! Cậu vứt cái đuôi tạch-tạch-xè đi cho tôi nhờ. Đói cào cả ruột mà cứ ôm bụng đợi đò thế này thì có gì mà thú vị?
BỘ ĐỘI 3. Mình lại đang lên cơn sốt rét đây này, không cậu nào có viên ki-na-crin nào ư?
BỘ ĐỘI 1. Nhưng anh có công nhận đêm nay trăng đẹp thật không nào? Anh thử nhìn xem. Trăng sáng vằng vặc. Trước mắt là sông nước mênh mang. Mơ mộng là tiểu tư sản à? Không đâu!
BỘ ĐỘI 2. Cậu có giọng khoẻ, gọi lên một tiếng còn hơn là đứng tán dóc như thế!
BỘ ĐỘI 1 (gọi to). B-á-c l-á-i đ-ò ơi!
BỘ ĐỘI 2. Cậu gọi như thế không ăn thua!
BỘ ĐỘI 1. Tại sao?
BỘ ĐỘI 2. Nhỡ chở đò là một cô gái mười tám, đôi mươi. Cậu gọi "bác" cô ấy tự ái không sang chở cho cánh mình đâu.
BỘ ĐỘI 1 (cười to) C-ô  l-á-i  đ-ò ơ-i !
Một tốp văn công vào, mặc quân phục, đeo đàn, ba lô, trong đó có cả nam lẫn nữ.
Chào các đồng chí văn công !
VĂN CÔNG 1 (có vẻ tổ trưởng). Chào các đồng chí ! Không có đò ạ?
BỘ ĐỘI 2. Nếu có đò, chúng tôi đã chẳng phải ôm bụng ở đây.
BỘ ĐỘI 1. Nhưng lại được gặp văn công. Các đồng chí cũng đi chiến dịch ạ?
VĂN CÔNG 1. Vâng! (Quay sang một nữ diên viên.) Chị Nga có mệt lắm không?
NGA (vì đấy chính là Nga) Tôi đã dễ chịu rồi.
BỘ ĐỘI 3. Văn công mà cũng vất vả quá nhỉ? Đồng chí ấy bị cảm ạ?
VĂN CÔNG 1. Đồng chí Nga bị cảm từ sáng qua. Tối qua chúng tôi lại vẫn phải phục vụ. Tôi bảo đồng chí ấy nghỉ nhưng đồng chí ấy nhất định đòi tham gia.
BỘ ĐỘI 3. Chị Nga hát hay múa ạ ?
VĂN CÔNG 1. Chị ấy là diễn viên đơn ca của đoàn.
BỘ ĐỘI 1. Tiếc quá! Giá chị không mệt mà hát cho anh em chúng tôi nghe một bài thì tuyệt quá.
BỘ ĐỘI 3. Chị tên Nga ? Hình như phụ nữ tên Nga thường có giọng hát hay thì phải. Tôi nhớ hồi Hà Nội còn chưa nổ súng, cũng đã được nghe một chị tên Nga hát. Chị ấy nhà ở phố Hàng Bạc. Hôm ấy chị hát bài "Nhớ chiến khu" ở Ấu trĩ viên trong dịp kỉ niệm một năm cách mạng tháng Tám. Người xem cứ mê li đi thôi. À, chị quê ở tỉnh nào ạ ?
NGA (mỉm cười). Hà Nội.
BỘ ĐỘI 3 (reo to). Các cậu ơi, cũng Hà Nội cả đây! (Với Nga.) Chúng tôi ở trung đoàn thủ đô, hầu hết cũng người Hà Nội. Anh ngồi lim dim mắt kia ở Hàng Khoai, anh ôm bụng đang kêu đói kia ở Hàng Phèn, anh đang hút thuốc dưới vệ sông kia nhà ở Ô Chợ Dừa...
BỘ ĐỘI 4. Có tôi không phải người Hà Nội!
BỘ ĐỘI 3. Nhưng ở trung đoàn thủ đô thì cũng thành người Hà Nội rồi. À, chị ở phố nào ạ?
NGA (mỉm cười). Phố Hàng Bạc ạ.
BỘ ĐỘI 1. Thì ra chính là chị? Chính chị đã hát hôm ấy ở Ấu trĩ viên? (Năn nỉ.) Đề nghị chị hát lại bài ấy cho chúng tôi nghe với. Lâu lắm không được nghe chị hát.
BỘ ĐỘI 3. Cái cậu này. Chị Nga đang mệt.
BỘ ĐỘI 1. Tiếc quá nhỉ !
NGA (mỉm cười). Đành xin khất dịp khác vậy.
BỘ ĐỘI 1. Chị đang mệt, không dám ép, chứ còn dịp khác thì... Khó có dịp nào khác nữa.
NGA. Các anh nói chuyện Hà Nội đi cho vui. Được gặp các anh ở đây thật may mắn. Các anh có nhớ Hà Nội không?
BỘ ĐỘI 1. Không nhớ Hà Nội sao được? (Sau một lúc.) Tôi nhớ nhất những ngày đầu cách mạng. Sáng mười chín tháng Tám năm bốn lăm, lá cờ đỏ sao vàng to tướng vừa thả xuống ở bao lơn Nhà hát lớn, thì lập tức cả một rừng cờ hiện lên. Tôi đi trong đám biểu tình mà người cứ rộn lên thôi. Ngực như tức thở, phổi như muốn vỡ tung. Rồi lại đến ngày mồng hai tháng Chín... Quảng trường Ba Đình nắng kinh khủng, ấy thế mà bọn tôi cứ đầu trần, chẳng thấy nắng gì hết. Đến lúc Bác Hồ bước ra, trời như dịu mát hẳn lại. Hôm ấy lần đầu tiên tôi được nhìn thấy Bác. (Buồn rầu.) Đêm ấy về tôi không ngủ được. Ngỡ mình đang sống trong một cảnh không có thực ... (Lại sôi nổi.) Cuộc sống bỗng như mở ra một trang mới: Những cuộc mít tinh hét rát cả cổ họng vẫn còn muốn hét to thêm, nhưng buổi sáng đạp xe đến sân vận động Xêp-tô trong tiếng nhạc "Khoẻ vì nước"... Ôi, không nhớ Hà Nội sao cho được !
BỘ ĐỘI 2. Tôi thì lại nhớ nhất những ngày ở Liên khu I, nhất là cái hôm quần nhau với tụi Lê Dương mũ đỏ ở dẫy quầy hàng thịt trong chợ Đồng Xuân. Rồi cái tết Đinh Hợi năm ấy thật là một cái tết kỳ lạ. Bọn tôi đóng ở Hàng Buồm. Dân tản cư hết, bỏ lại đủ thứ thức ăn. Nào mực Bắc Hải, yến, long tu... Chẳng thiếu thứ gì. Từ thuở bé, tôi chưa bao giờ được ăn một cái tết linh đình đến thế. Hồi ấy thật là sướng. Bọn tự vệ sao vuông chúng tôi sống yêng hùng lắm nhé. Coi cái chết nhẹ như lông hồng. Hôm rút ra khỏi thành, nước mắt tôi cứ trào ra. Nhìn lại Hà Nội mà xót xa (Hát khẽ) "Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng...". Bao giờ mới được trở về thủ đô? Thế chị có nhớ Hà Nội không?
NGA. Nhớ chứ. (Mỉm cười.) Nhưng tôi không mong về Hà Nội !
BỘ ĐỘI 2. Sao thế? Nhớ mà lại không mong ?
NGA. Đúng thế! Tôi sợ về Hà Nội sẽ không được trèo đèo, lội suối, không được hành quân ra trận, không được hưởng những cuộc gặp gỡ đêm trăng như thế này nữa.
BỘ ĐỘI 1. Tiếc quá nhỉ! Chị lại mệt. Hay chị cứ hát đi. Hát khẽ thôi vậy.
VĂN CÔNG 2 (kiên quyết). Không được ! Các đồng chí thông cảm. Đêm mai chị Nga mà không biểu diễn được thì gay cho chúng tôi.
NGA. Anh Tiến cho tôi hát. Tôi sẽ hát khẽ thôi.
BỘ ĐỘI 1 (reo lên mừng rỡ). Hoan hô! Các anh ơi, ngồi lại đây nghe hát, mau lên!
NGA. Nhưng tôi không hát bài “Nhớ chiến khu” đâu.
BỘ ĐỘI 1. Chị hát bài gì cũng được.
NGA. Tôi xin hát bài "Người Hà Nội".
BỘ ĐỘI 2. Càng hay. Vả lại chỉ nguyên nghe chị hát cũng đủ thích rồi.
BỘ ĐỘI 1. Các anh im lặng nghe hát.
Nga bắt đầu hát bài "Người Hà Nội" của Nguyễn Đình Thi. Tiếng hát lúc đầu khẽ, sau to dần, vang rông, bay đi xa. Đến đoạn điệp khúc, bổng giọng Nga nghẹn lại. Chị ngừng hát, lau vội nước mắt.
BỘ ĐỘI 1 (lo lắng). Chị làm sao thế ạ ?
NGA. Xin lỗi các đồng chí ...
VĂN CÔNG 1. Tôi đã bảo mà, chị Nga đang mệt.
NGA. Không phải đâu. Tại bài hát làm tôi nhớ lại nhiều kỷ niệm quá...
BỘ ĐỘI 1 (nhìn ra sông). Nguy quá, đò đến kia rồi. Nhưng đò hẹp lắm. Hay ta nhường cho văn công đi trước ?
VĂN CÔNG 1. Đề nghị chia đôi. Bộ đội một nửa, văn công một nửa.
BỘ ĐỘI 1. Đúng rồi. Thế là trên bờ cũng có văn công, dưới nước cũng có văn công.
VĂN CÔNG 2. Chị Nga sang trước chứ ạ ?
NGA. Cho mình sang sau. Mình còn chưa hát xong bài hát.
NỮ VĂN CÔNG 2. Trời khuya hơi lạnh. Chị quàng thêm chiếc khăn này vào.
BỘ ĐỘI 2. Tốp anh Mạc sao đi chậm thế nhỉ ?
Chữ  "Anh Mạc" làm Nga chú ý lắng nghe.
BỘ ĐỘI 3. Hay anh ấy nghỉ lại đâu ?
BỘ ĐỘI 1. Anh Mạc đâu thích la cà? Chắc cũng sắp đến bây giờ.
NGA (quay sang bạn gái). Hiền cho mình sang trước nhé?
NỮ VĂN CÔNG 2. Sao vừa rồi chị đòi đi sau ? Mà đúng, chị nên sang trước tìm chỗ nào nghỉ. Em sang sau sẽ đánh thức chị dậy.
Họ ồn ào chào nhau. Một tốp xuống lấp dưới vệ đê. Tiếng sóng vỗ nghe rất rõ.
BỘ ĐỘI 1. Tuyệt quá ! Trăng đẹp, cảnh đẹp, trên đường đi chiến dịch lại được nghe một giọng hát tuyệt vời !
Mạc và một chiến sĩ đi đến.
BỘ ĐỘI 2.  Ban chỉ huy đến chậm mất một tý.
MẠC. Có chuyện gì thế ?
BỘ ĐỘI 1. Bọn tôi vừa được nghe văn công hát.
Vừa lúc ấy tiếng Nga hát từ dưới long sông vọng lại. Chị hát tiếp bài hát lúc ấy bỏ dở. Tiếng hát như từ một thế giới xa xăm vọng đến. Mạc đã nhận ra được tiếng hát của Nga. Tiếng hát dứt.
BỘ ĐỘI 3. Nghệ thuật thật kỳ lạ, phải không anh Mạc?
BỘ ĐỘI 2. Bây giờ mà được một đĩa thịt bò khô ở chợ Hàng Da thì nhất !
BỘ ĐỘI 5. Bụng đói thế này mà tống cái của nợ ấy vào thì còn gì là dạ dày? Chỉ thèm bát phở chín gầu Cửa Nam thôi.
BỘ ĐỘI 1. Không biết chị Nga ấy đã có chồng con gì chưa nhỉ ?
BỘ ĐỘI 2. Ối, ông lại định lấy vợ văn công hẳn ?
BỘ ĐỘI 1. Bậy nào ! Là hỏi thế thôi. Kể ai vớ được chị ta cũng sướng cả một đời !
NỮ VĂN CÔNG 2. Chị Nga có chồng rồi.
BỘ ĐỘI 1. Chắc phải loại cỡ bự.
VĂN CÔNG 2. Anh ta cũng là nhạc sĩ. Trước công tác ở đội tuyên truyền võ trang Quân khu 12, nhưng sau sợ gian khổ, đào ngũ, bỏ vào thành. Bây giờ bê tha truỵ lạc lắm. Nghe đâu cũng lấy vợ khác rồi.
BỘ ĐỘI 3. Chị ấy thì tiến bộ thế! Đi theo lính ra tận mặt trận.
VĂN CÔNG 2. Ngày chưa nổ súng, chị ấy có yêu một anh Vệ quốc. Chẳng hiểu sao lại không thành.
BỘ ĐỘI 2. Bây giờ anh ấy ở đâu?
VĂN CÔNG 2. Hình như cũng Trung đoàn Thủ Đô các đồng chí thì phải.
BỘ ĐỘI 1. Tên gì, đồng chí có biết không ?
VĂN CÔNG 2. Tôi có nghe một lần, nhưng quên mất.
CHIẾN SĨ. Miếng ngon như thế lại để mất! Tớ mà vớ được cái của ấy thì tớ túm cho chặt. Ra Vệ Quốc cánh mình cũng có lắm anh ngốc, Ban chỉ huy đồng ý không ?
MẠC. Biết việc của người ta thế nào mà đã vội chê?
BỘ ĐỘI 3. Với lại cũng chẳng béo bở gì đâu. Mới nhìn qua đã thấy cái mẽ ấy là nhõng nhẽo ra trò đấy.
CHIẾN SĨ. Chuyện! Cái chất nó thế mà lại ! Con gái có tài, có sắc bao giờ cũng nhõng nhẽo, có phải không, ban chỉ huy?
MẠC. Thôi ! Đừng tán dóc nữa.
BỘ ĐỘI 1. Tài hoa bạc mệnh. Mới thoạt nhìn tưởng như chị ấy sung sướng lắm, chưa hề gặp đau khổ bao giờ. Ai ngờ...
VĂN CÔNG 2. Gần đây chị ấy lại có thêm một tin buồn nữa, ông anh ruột vừa hi sinh trong Nam Bộ.
MẠC (sửng sốt). Sao ? Tin đích xác không ?
VĂN CÔNG 2. Bây giờ thì lấy đâu ra tin đích xác.
CHIỄN SĨ. Ra thủ trưởng cũng quen họ à?
MẠC (nói lảng) Không.
BỘ ĐỘI 2. Chắc chị ấy buồn lắm nhỉ? Tội nghiệp, anh  hi sinh, chồng phản bội bỏ đi theo địch. Một mình bơ vơ...
BỘ ĐỘI 1 (trầm ngâm). Cũng là một số phận. Mình nghĩ, cuộc kháng chiến như cái sàng ấy! Nó cứ lắc, những hạt đớn, hạt lép rồi lọt xuống nia cả. Những hạt còn lại trên sàng mới thực sự là hạt chắc, hạt mẩy. Càng qua chiến đấu, qua thử thách, mới càng thấy giá trị từng con người.
Mọi người im lặng.
CHIẾN SĨ. Lại có đò nữa kìa ! Ta đi thôi.
BỘ ĐỘI 1. Đi đi, anh Mạc !
Họ ra.



Cảnh năm
Điện Biên Phủ. Tháng 4 năm 1954.
Hầm chỉ huy trung đoàn. Một chiếc giường, một bàn nhỏ và mấy vỏ hòm đạn làm ghế. Trên bàn một ngọn đèn bão. Đêm đã khuya. Tiếng đồng ca ở hầm bên  vọng sang, bài "Hò kéo pháo".
Mạc, một mình, ngồi xếp võng tròn  trên giường, trước tấm bản đồ vị trí giặc, dáng điệu ung dung, thư thái. Trên vách hầm treo chiếc mũ sắt và thắt lưng da có kèm bao súng ngắn.
Chiến sĩ chạy vào. Vẫn là chiến sĩ đi theo anh ở cảnh trước.
CHIẾN SĨ. Thủ trưởng không xem văn công ạ? Cũng phải nghỉ ngơi chút ít trước giờ xuất kích chứ?
MẠC. Mình chẳng nghỉ là gì đây?
CHIẾN SĨ. Thủ trưởng nghiên cứu quân sự chưa chán ư, mà được lúc trên cho văn công đến múa hát để giải trí, lại vẫn tiếc chiếc bản đồ này ?
MẠC. Còn cậu, sao không sang ?
CHIÊN SĨ. Có đấy chứ. Tôi chạy về xem có thứ gì làm quà cho mấy cô diễn viên.
MẠC. Cậu định tặng họ cái gì ?
CHIẾN SĨ. Con nhà lính thì còn có gì ngoài mấy thứ chiến lợi phăm này nữa ? (Lục ba lô, lấy ra mấy thứ nhét vào túi, rồi chạy ra nhanh.)
Mạc nhìn theo. Anh đứng dậy tư lự. Tiếng nhạc vọng đến. Anh lắng nghe một lát rồi lại quay vào giường, ngồi trước tấm bản đồ.
Nga bước vào, mặc quân phục gọn gàng.
NGA (mỉm cười.) Anh chưa đi nghỉ ạ ?
Mạc quay lại thấy Nga, anh sững người lại.
MẠC (gần như hét lên). Nga ?
Nga không trả lời, vẫn nhìn anh mỉm cười.
(Hối hả.) Nga ngồi xuống đây! Nga cùng đi với tốp văn công này đấy à? Thế mà tôi không biết. Nga có khoẻ không? Công tác có vui không?
NGA (nụ cười vẫn trên môi) Em biết trả lời câu nào trước, câu nào sau đây?
MẠC (đã trấn tĩnh). Nga ngồi xuống đây đã! (Nhìn chị không chớp mắt.)
NGA. Sao anh nhìn em thế ?
MẠC. Nga khác xưa nhiều quá !
NGA. Em đen lắm phải không ?
MẠC. Nga rắn rỏi hơn nhiều.
NGA. Đen chứ ?
MẠC. Rắn rỏi !
NGA (quả quyết). Đen !
MẠC (sau một chút). Ừ thì đen. (Nhìn Nga cảm phục.)
Nga phá lên cười kiêu hãnh.
Hôm trước khi đi chiến dịch, tôi có rẽ vào thăm cháu Hà.
NGA (vẫn mỉm cười). Em biết !
MẠC. Sao Nga biết ?
NGA. Biết chứ. Lại còn biết anh cho cháu...
MẠC (ngắt lời). Thằng bé kháu quá ! Cứ đòi lấy xà cột của tôi đeo vào rồi đội mũ giả làm bộ đội. Tôi ngủ lại đấy một đêm, sáng hôm sau chaú cứ bấu chặt lấy đòi theo, tôi phải đánh lừa mới đi được đấy.
Nga lén lau nước mắt.
Hôm ở Hà Nội, tôi có lỗi với Nga, hứa đưa Nga đi xem triển lãm...
NGA. Không. Hôm ấy tại em. Bấy giờ em là một con bé nhỏ nhen... Và anh nói đúng. Em có sợ gian khổ thật.
MẠC. Nhưng bây giờ Nga đã tiến bộ nhiều lắm. Hôm ở hầm ngầm D-27, địch thả bom sập một góc hầm, đất cát bắn lên cả đầu tóc, quần áo, mà Nga vẫn biểu diễn như không có chuyện gì xảy ra. Rồi hôm vượt đèo Phađin...
NGA (ngắt lời). Sao anh biết nhiều thế ?
MẠC. Bây giờ Nga đã thành nhân vật được truyền tụng nhiều trong các đơn vị bộ đội.
NGA (mỉm cười tự hào). Người ta quá khen đấy thôi. (Sau một chút.) Em đạt được đôi chút thành tích cũng là nhờ anh.
MẠC. Sao lại nhờ tôi?
NGA. Mỗi lần nhớ đến câu anh nói hôm sắp nổ súng, em lại thấy không có quyền yếu đuối.
MẠC (ngạc nhiên). Hôm ấy tôi nói câu gì nhỉ ?
NGA. Anh bảo với chị Kim: "Cuộc kháng chiến sắp đến sẽ ác liệt lắm, Nga không chịu nổi đâu ! ".
MẠC (chợt nhớ ra). Nhưng lúc ấy, Nga bỏ về rồi cơ mà? À, chắc sau này cô Kim kể lại ?
NGA. Lúc ấy em chưa bỏ về. Em đứng sau pho tượng, nghe thấy câu nói ấy, em mới tự ái bỏ về đấy chứ.
MẠC (ngừng một lúc lâu). Thì ra là tại tôi !
NGA (vội vã) Không, tại em ! Tại em quá nhiều tự ái ! Mà thôi không nhắc lại chuyện ấy nữa.
Họ im lặng rất lâu.
MẠC (rót nước ở bi đông ra ca) Nga uống tạm. Lâu Nga có gặp chú Thụy không ?
NGA. Mỗi hai lần. Một lần trên đường hành quân. Em sợ nó lạc mất đơn vị nên cứ giục nó đi. Thành thử hai chị em chẳng nói được chuyện gì. Lần thứ hai em đến đơn vị nó biểu diễn. Nó lách lên hàng đầu nhìn em làm em xúc động quá, suýt nữa nghẹn không hát được. Đêm hôm ấy hai chị em trò chuyện với nhau đến tận sáng. (Sau một chút.) Thằng ấy thế mà nhiều tình cảm, anh ạ. Nhưng vẫn chưa bỏ được cái thói ăn nói đốp chát ngày xưa. Nó trách em đủ thứ, qui em đủ mọi tội...
MẠC. Chú Thụy sẽ đi xa đấy !
NGA (hoảng hốt). Đi đâu hả anh?
MẠC. Là nói chú ấy sẽ vượt anh em mình nhiều.
NGA (thở phào) Em đã tưởng...
Im lặng rất lâu.
MẠC. Nga đừng buồn. Cuộc đời chúng mình còn dài.
NGA. Ô hay, em có buồn gì đâu?
MẠC. Nga đừng giấu tôi.
NGA. Em nói thật đấy.
MẠC (sau một chút). Sao bảo Nga sống khổ hạnh lắm. Không chịu chơi đùa, nghỉ ngơi, giải trí gì hết ?
NGA (mỉm cười buồn bã). Nhiều lúc em cảm thấy em già lắm rồi. Buồn cười, nghĩ lại thời ở Hà Nội, sao mà xa xôi thế ! Tưởng như đã qua mấy chục năm. Bây giờ em  dửng dưng với mọi thứ. (Mỉm cười.) Em cằn cỗi quá rồi.
MẠC. Cằn cỗi sao còn biểu diễn văn nghệ được ?
NGA. Ấy đấy ! Chính em cũng lấy làm lạ. Bình thường em thản nhiên, hơi lạnh lùng là khác. Nhưng cứ mỗi lần bước ra, hát trước bộ đội, em thấy mình trẻ hẳn lại. Sôi nổi, say sưa. Nhưng hát xong, bước ra, em lại thấy mình cằn cỗi như trước. (Im lặng.) Càng ngày em càng sợ những lúc rỗi rãi. Cứ phải tìm một việc gì đấy để làm. Ban ngày còn đỡ, ban đêm thật khổ, đầu óc cứ nghĩ vẩn vơ trăm thứ.
MẠC (nhìn Nga thương xót). Đúng. Bây giờ nghĩ lại thời còn ở Hà Nội thì xa xôi thật. Mấy năm qua, chúng mình đều đã lớn lên nhiều. Nhưng sao Nga lại dửng dưng với mọi thứ ? Tôi thì càng từng trải lại càng tha thiết với mọi thứ hơn. Càng sống tôi càng hiểu được giá trị cuộc sống.
NGA. Anh may mắn ! Em bây giờ chỉ còn mỗi hai việc: Công tác và nuôi con. Chỉ có thế thôi.
MẠC. Nga đang buồn thì nghĩ thế thôi. Nhưng nỗi buồn nào rồi cũng qua đi và Nga sẽ lại thấy cuộc đời là đẹp. (Sôi nổi.) Nga nghe thấy không ? Cứ sau mỗi tiếng đại bác nổ, tiếng suối róc rách lại hiện lên dưới chân đồi. Tha hồ cho giặc bắn bao nhiêu đại bác cũng không át nổi tiếng nước chảy, tiếng lá rừng xào xạc. và chỉ ngày mai, chỉ ngày mai thôi, chúng ta sẽ xoá thêm được một ung nhọt nữa trên đất nước mình, nhích một bước nữa, tiến gần thêm đến ngày chiến thắng.
NGA (mỉm cười.) Anh lạc quan quá nhỉ ?
MẠC. Dùng chữ lạc quan chưa đúng. Tôi không giỏi về ngôn từ, nhưng tôi thấy chữ "lạc quan" hàm một cái ý không thành thật. Người lạc quan nhìn vào đâu cũng cố tìm thấy màu hồng, có hơn gì người bi quan, nhìn vào đâu cũng tìm cho được màu đen. Nhưng việc gì phải đeo kính? Tôi cho rằng cứ nhìn đời bằng cặp mắt thật! Cuộc đời có cả màu hồng lẫn màu đen. Và chính nó đẹp vì có đủ mọi màu sắc. Tôi thích dùng một chữ khác. Chữ "tỉnh táo". Đúng ! Sống ở đời phải tỉnh táo mới được.
NGA. Tỉnh táo ?
MẠC. Đúng thế. (Lại sôi nổi.) Nếu tỉnh táo, Nga sẽ thấy bản thân cuộc sống đã đẹp rồi. Nguyên sinh ra làm người đã là hạnh phúc rất lớn. Những nỗi khổ, nỗi buồn cũng có, mà đấy là tự nhiên thôi. Nhưng đừng dại dột để chúng che mất niềm vui. (Sau một chút.) Nga biết không ? Hồi còn nhỏ, tôi có cách nghĩ rất buồn cười. Tôi chia cuộc đời ra làm hai giai đoạn rành rọt: Giai đoạn hi sinh gian khổ và giai đoạn an hưởng hạnh phúc. Bây giờ tôi mới hiểu, chúng ta được hưởng hạnh phúc ngay cả trong khi gian khổ hi sinh. Và không phải sau này, khi đã chiến thắng quân thù rồi, chúng ta không còn việc gì phải làm nữa. Cho nên ta chẳng nên quá coi trọng những khổ đau, mất mát...
NGA (cười). Nghe anh nói sao dễ dàng thế ? Nhưng    anh là con trai. Và anh đã chịu nỗi khổ đau nào lớn đâu?
MẠC. Nga tưởng chỉ mình Nga gặp chuyện không may ?
NGA. Không phải thế. Nhưng em không thể nghĩ đơn giản như anh được... Và cũng không nên nghĩ đơn giản như thế.
MẠC. Sao vậy ? Tôi chưa hiểu tại sao lại thế ? (Bổng như giận dữ.) Nga cứ ôm cái khổ, cái buồn mãi để làm gì ? Nga nối tiếc những cái đã qua làm gì nhỉ ?
NGA (chua chát) Anh chưa hiểu à ? Mà hiểu sao nổi !
MAC (như không ghìm được nữa). Thì ra Nga vẫn không khác xưa chút nào hết ! Vẫn là một cô gái mơ mộng và hèn yếu trên căn gác nhỏ ở phố Hàng Bạc ! Bây giờ tuy bên ngoài khoác bộ quân phục, nhưng bên trong vẫn nguyên vẹn như xưa, không có gì thay đổi hết !
NGA (giận dữ). Anh không hiểu gì cả !
MẠC. Nga định giữ cách suy nghĩ xưa cũ kỹ ấy đến tận bao giờ ?
NGA. Anh có im đi không nào ?
MẠC. Mọi người đang nhìn về phía trước, còn Nga thì cứ ngoái lại sau lưng...
NGA (hét lên). Im! Anh thô lỗ lắm ! (Ôm mặt.) Ôi, sao mình lại dại dột mà vào đây nhỉ !
MẠC. Nga sợ sự thật. Tôi không thể để Nga cứ tự làm khổ mình mãi như vậy ...
NGA (giọng lạc hẳn đi). Anh im ngay ! (Vẫn ôm chặt lấy mặt. Chạy vụt ra ngoài.)
MẠC (hốt hoảng). Nga ! (Định chạy ra, nhưng nghĩ thế nào lại ngồi xuống.)
Sân khấu im lặng một lúc.
CHIẾN SĨ (chạy vào.) Thủ trưởng làm sao thế kia? À có cô văn công nào đang đứng khóc ngoài cửa hầm. Hình như vừa ở đây ra phải không, thưa thủ trưởng ?
MẠC. Cô ấy khóc à ?
CHIẾN SĨ. Thủ trưởng làm thế nào để người ta khóc đấy ?
MẠC (sau một chút). Cậu có nhớ lần chờ đò ở bến Bình Ca, cậu phê thằng cha Vệ Quốc nào là ngốc đấy không ? Thằng cha ấy chính là mình đấy.
CHIẾN SĨ. Thật ạ ? Thì ra chính là cô ấy đấy ạ ? (Cười.) Thế thì thủ trưởng đúng là ngốc thật rồi. Nhưng đã biết khuyết điểm sao thủ trưởng không chịu sửa?
MẠC. Đang sửa nhưng chưa được.
CHIẾN SĨ. Trong chiến đấu, tôi công nhận thủ trưởng quả là linh hoạt. Nhưng trong cái việc này thì thủ trưởng còn vụng lắm.
MẠC. Cũng có thể. Nhưng thôi. Đến giờ xuất quân rồi. (Đeo súng, đội mũ.) Việc trước mắt là phải tống cổ bọn khốn nạn kia ra khỏi đất nước mình đã. Mọi thứ khác tính sau. Ta đi thôi. (Tắt ngọn đèn bão.)
Họ ra. Đột nhiên tiếng trong pháo bắt đầu nổ và nổ dồn dập, tiếp đó chen vào tiếng súng các cỡ thi nhau nhả đạn.. Một trận đánh dữ dội bắt đầu.

Cảnh sáu
Hà Nội,  tháng 10 năm 1954.
Từ trước khi màn mở, đã vang lên tiếng hát của những đoàn quân trở về: "Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về..."
Trở lại căn gác phố Hàng Bạc. Hầu như không có gì thay đổi. Vẫn cái sân trời ấy, vẫn những tường hoa, những mái nhà cũ kĩ chen chúc bên dưới, vẫn đường  gãy khúc của cầu Long Biên ở phía xa ...
Tuy vậy, quang cảnh như một nơi bỏ hoang đã lâu.
Tiếng ồn ào bên dưới vẫn vọng lên, xen lẫn tiếng hát của những đoàn quân trở về. Nga và Thuỵ trong bộ quân phục, reo cười chạy lên.
THUỴ (lên trước, đứng lại cười vang). Vẫn cái tường hoa cũ, vẫn cánh cửa ngày xưa ! (Nhìn chung quanh.) Vẫn cái chậu hoa ngày trước !
NGA (leo lên đến nơi, vẫn còn thở). Nhưng chỉ có chậu, không có hoa.
THUỴ (trỏ). Vẫn những mái nhà quên thuộc, vẫn nhịp cầu Long Biên ! Tám năm qua, đất nước mình đổi khác bao nhiêu, mà riêng căn gác này vẫn không có gì thay đổi, chị nhỉ ?
Nga vẫn nhìn xung quanh, bàng hoàng.
Thoắt cái đã tám năm rồi! (Sôi nổi.) Không biết chị vào đường Hà Đông có vui không, chứ em vào lối Đông Anh thì thật tuyệt! Suốt hàng chục cây số, nhân dân đứng chật hai bên đường, người nào cũng ăn mặc đẹp và cầm hoa vẫy. Em nhìn thấy một cụ già lấy vạt áo lau nước mắt. Nhân dân vứt hoa lên đầy cả xe chúng em. Tuyệt thật ! Lúc ấy em có cảm giác như đang say rượu ấy, suốt từ thị trấn Ba Hàng về đến đây.
NGA (mỉm cười, nhìn em âu yếm). Em đã say rượu bao giờ chưa mà biết ?
THUỴ (như không nghe thấy). Đến lúc nhìn thấy cầu Long Biên, người em lạnh toát đi. Cái cảm giác thật kỳ lạ. Xe lăn trên cầu mà em có cảm tưởng như mình đang trong mơ. À, mà chị ạ, lúc nãy em ra Bờ Hồ, ngắm hồ Hoàn Kiếm với Tháp Rùa, em thấy hình như nó nhỏ đi nhiều thì phải. Và chẳng cứ hồ, nhà cửa cũng như hẹp lại. Ngay cái sân trời này. Hồi còn ở ngoài kia, em hình dung mọi thứ lớn hơn thế này nhiều !
NGA. Thì em lớn lên bao nhiêu. Khi tản cư ra, em mới mười ba, năm nay trở về em đã hai mươi mốt rồi.
THUỴ. Buồn cười, lúc nghe thấy tiếng chuông xe điện, em sực nhớ bao nhiêu kỉ niệm thuở nhỏ. (Sau một chút, nói khẽ.) Bà chủ dưới nhà bảo ông Vĩnh di cư vào Sài Gòn rồi.
NGA (hững hờ). Chị cũng có nghe nói.
THUỴ (nhìn chị thăm dò). Hồi chị em mình ở ngoài kia, ông ấy chiếm gác này làm nơi trốn gia đình lui tới bù khú với bọn lêu lổng. Thử xem ông ấy sống ra sao đây? (Mở cửa vào, rồi ra, đem theo chiếc ghế vải và một chiếc ghế tựa.) Sàn nhà đầy vỏ chai. Giấy gói vứt bừa bãi. Chỗ nào cũng sực mùi tàn thuốc. Em có cảm tưởng như vào một căn hầm lính Tây ở Điên Biên ấy.
NGA. Ta ngồi xuống đây ngắm Hà Nội cho bõ những ngày xa cách. (Ngồi xuống ghế tựa.)
THUỴ (ngồi xuống ghế vải). Khoái thật! Đi đâu, làm gì, vất vả đến mấy, nhưng ngả lưng vào chiếc ghế này là bao nhiêu mệt nhọc tan biến hết. Khoái thật !
NGA (giật mình, hoảng hốt, quay lại). Ai vừa nói thế?
THUỴ (ngạc nhiên nhìn chị). Em! Sao chị hỏi thế?
NGA (quay đi lau nước mắt). Câu nói của anh Phiên!
Thuỵ chợt hiểu đứng dậy, xoay ghế, bước ra cạnh tường hoa.
Im lặng.
 Bổng có tiếng chân bước lên thang gác. Hai chị em nhìn ra. Vĩnh bước lên, ăn mặc chải chuốt còn hơn cả ngày xưa, vẫn xách  theo cây đàn.
VĨNH (tươi cười). Kìa chú Thụy! Cao lớn quá rồi nhỉ !
THUỴ (lạnh lùng). Chào anh! Chị Nga, em xuống dưới phố một lát ! (Ra nhanh.)
Vĩnh nhìn theo Thuỵ, cố nén vẻ khó chịu.
NGA. Anh vẫn chưa đi kia à ?
VĨNH. Tôi thấy có bổn phận phải gặp Nga lần cuối cùng. Ba mợ tôi đi rồi, nhưng tôi nấn ná ở lại. Tôi đang lo Nga bận công tác chưa trở về Hà Nội được những ngày đầu. Nhưng thế này là tôi không có gì phải ân hận nữa.
NGA. Anh vẫn còn phải dựa vào gia đình mới sống nổi à?
VĨNH. Nga nhầm rồi. Vào đến trong này, tôi đã cắt đứt quan hệ với ba mợ tôi, và xin một chân chơi đàn ở khách sạn Mê-trô-pôn để sinh sống.
NGA. Bây giờ Hà Nội đã được giải phóng, sao anh còn định đi ?
VĨNH. Tôi không muốn gặp lại ai. Nhất là những người quen biết tôi khi tôi còn sống ở ngoài ấy. Tôi chỉ dám gặp một mình Nga vì Nga không chê trách tôi một cách đơn giản như họ. Nga là người duy nhất hiểu rằng tôi chỉ là nạn nhân của một thời kì lịch sử khắc nghiệt.
NGA. Khắc nghiệt?
VĨNH. Đúng thế. Chúng mình là những cánh chim mỏng manh, chỉ quen với trời quang mây tạnh, nhưng lại gặp phải bão tố phũ phàng. Nga cũng phải chịu bao vất vả, gian truân. Nhưng Nga đã vượt qua được, tôi mừng cho Nga. Còn tôi, không may bị bão tố quật cho gãy cánh, đành chịu phó mặc cuộc đời cho số phận, không còn biết phiêu bạt đến phương trời nào.
NGA (phá lên cười). Anh không thay đổi gì cả, vẫn còn thích dùng những lời lẽ văn hoa, bi thảm kiểu xưa cũ !
VĨNH (tự ái). Nga nỡ chế giễu tôi ?
NGA. Xin lỗi ! Nhưng không phải tôi cười anh, mà tôi cười tôi. Gặp anh, tôi như bắt gặp chính bản thân mình ngày trước.
Vĩnh gục đầu.
Anh đừng buồn. Cuộc đời còn dài. Thay đổi cách nghĩ, cách sống đi vẫn còn kịp.
VĨNH (loé lên tia hi vọng). Đúng rồi. Tôi cũng muốn thay đổi lắm. Nếu có Nga giúp đỡ nữa thì còn gì bằng. Nga là người duy nhất còn quan tâm đến tương lai của tôi trên cõi đời này.
NGA. Anh cần tôi giúp đỡ gì ?
VĨNH. Trước hết là về tinh thần. Tôi cô đơn quá, Mấy năm qua, tôi nhớ Nga, nhớ con vô cùng. Có lúc tôi tưởng như chiến tranh không bao giờ chấm dứt và không bao giờ tôi được gặp lại Nga và con nữa. (Im lặng.) Bây giờ gia đình đoàn tụ. Nga lại tha thứ cho tôi thì còn gì bằng. Chúng mình sẽ quay lại nghề cũ. Tôi sẽ mở một cái quán, lấy tên là quán "Kháng chiến" hoặc một cái tên khác thơ mộng hơn. "Gió lưng đèo" chẳng hạn. Chúng ta sẽ chơi toàn những bản nhạc kháng chiến.
Nga im lặng. Vĩnh tưởng đã thuyết phục được.
Về vốn liếng thì Nga không ngại. Ba mợ di cư vào Nam rồi, nhưng còn họ hàng nữa chứ. Nhưng cái vốn quí giá nhất vẫn là tám năm kháng chiến của Nga.
NGA.  Đến bây giờ mà anh vẫn nghĩ đến chuyện kinh doanh cơ à ?
VĨNH. Đấy chỉ là chuyện kiếm sống. Nga bảo tôi còn làm được việc gì khác ngoài biểu diễn nghệ thuật ? Còn nếu Nga không thích cách tôi vừa nói thì ta tìm việc khác...
NGA. Anh vẫn phải dựa vào một cái gì đó mới sống nổi à ? Trước đây là gia đình, sau là dư luận, và bây giờ là tôi. Anh chưa bao giờ sống tự lập cả. Bây giờ anh hãy đứng thẳng dậy xem nào.
VĨNH. Còn tình nghĩa vợ chồng nữa chứ ? Nga không nghĩ đến à ?
NGA. Hạnh phúc chân chính chỉ có thể có được trên cơ sở tự nguyện giữa hai con người tự lập. Anh hãy tập tự đứng một mình cho vững đã.
VĨNH. Rồi sau đấy ?
NGA. Sau đấy thì cách suy nghĩ của anh cũng thay đổi và bấy giờ (mỉm cười) biết đâu anh không còn thấy hợp với tôi nữa.
VĨNH (sau một chút). Tôi bây giờ là kẻ thất thế. Nga muốn nói gì mà chẳng được. Hôm nay Nga cười tôi, nhưng chưa chắc Nga giữ được như thế mãi đâu.
NGA (chợt ân hận đã quá đà).  Anh hiểu sai tôi rồi. Tôi đâu dám cười ai ? Tôi chỉ gợi anh suy nghĩ đến những điều mà tôi nhìn ra, nhưng hình như anh chưa nhìn thấy. Và anh cũng nên thận trọng. Đã lầm lỡ một lần rồi thì lần sau càng phải cẩn thận. Trượt một chân còn có chân kia đỡ lại. Chân kia cũng lại trượt thì... ngã đấy.
VĨNH. Tôi không ngờ Nga tàn nhẫn đến thế. (Sau một chút.) Thôi, cũng được! Cảm ơn và... Vĩnh biệt ! (Cúi đầu từ từ đi xuống.)
THUỴ (chạy vào). Chị giỏi quá ! (Ôm chị thắm thiết.) Dù sao em vẫn muốn chị quật lão ấy đau hơn nữa.
Liên bước lên.
Chị Liên !
LIÊN. Anh Vĩnh vừa ở đây ra phải không ? Mình nhìn thấy tay xách cây đàn, đầu cúi gằm xuống.
NGA. Kể cũng tội. Mình có góp một vài ý kiến, nhưng chưa chắc anh ấy tỉnh ngộ ra đâu.
THUỴ. Lão ấy thì đến chết cũng không thay đổi được.
NGA (ngắt lời em). Thôi không nói đến chuyện ấy nữa. Nhớ con quá, Liên ạ.
LIÊN. Biết thế này mình đưa nó về đây. Cứ lo mới về tiếp quản, công việc bề bộn.
THUỴ. Buồn cười, thì ra cháu Hà chưa nhìn thấy căn gác này bao giờ nhỉ ?
LIÊN. Đã gặp anh Mạc chưa ?
THUỴ. Chắc chưa về, chứ nếu về rồi thì thế nào chẳng tạt vào đây.
NGA. Anh ấy sẽ không đến đâu.
LIÊN. Sao Nga lại đoán thế ?
NGA. Vì hôm gặp nhau ở Điện Biên mình nói anh ấy mấy câu hơi nặng lời. Đến giờ, chắc anh ấy vẫn còn giận.
THUỴ. Chị thật là...
MẠC (bỗng nhiên xuất hiện). Chào cả nhà !
Liên và Thuỵ chạy ra đón, riêng Nga đứng vào một góc.
LIÊN. Bọn này vừa nhắc đến anh xong.
THUỴ. Thế mà chị Nga đoán anh không đến đây nữa.
MẠC. Thế à ? Nhưng có một tin phải thông báo ngay. Phiên không làm sao và sắp ra đây với đoàn tập kết.
NGA (mừng rỡ). Đích xác không ạ ?
MẠC (nhìn Liên mỉm cười). Tôi thì không đưa tin vu vơ bao giờ.
LIÊN (xấu hổ). Thì hôm kể anh nghe, em cũng đã tin đâu. Nhưng không biết có còn lâu không, anh ?
MẠC. Chịu  !
LIÊN. Anh báo em tin vui thì em cũng báo lại anh một tin buồn. Nga thắc mắc với anh nhiều lắm đấy.
MẠC. Tôi tưởng người thắc mác phải là tôi chứ nhỉ ?
LIÊN. Thuỵ ơi ! Đi chợ với chị đi. Hôm nay sum họp đông đủ, ta phải tổ chức ăn tươi. Vả lại cũng để anh Mạc với chị Nga thanh toán thắc mắc với nhau chứ. (Kéo Thuỵ định chạy ra.)
NGA (hốt hoảng). Không ! Không ai được đi đâu cả.
MẠC. À mà Nga đưa tôi cái cặp tóc.
NGA (ngạc nhiên) Để làm gì? (Đưa cặp tóc cho Mạc.)
Mạc lúng túng làm rơi xuống sân. Anh cúi xuống nhặt và lại đụng vào đầu Nga cũng cúi xuống. Nga vội lùi lại.
Vừa lúc ấy từ dưới phố vọng lên tiếng hát. Lại một đoàn quân nữa kéo về. Họ hát bài "Trở về Hà Nội" của Văn Cao.
Mạc, Nga, Liên và Thuỵ cùng chạy ra góc sân, nhìn xuống đường phố, nơi những đoàn quân vẫn nườm nượp kéo về.
Tiếng hát và tiếng chân bước vang to át mọi thứ.

HẾT
1955



  










Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét