Sao Thần Nông
Hài kịch sinh hoạt
nông thôn
NHÂN
VẬT
KHUÊ - Kĩ sư trồng trọt
ĐẠT - Chủ nhiệm hợp tác xã.
ĐOÀNH - Thương binh, phó chủ nhiệm.
MẬN - Con gái ông Đạt, tổ trưởng tổ khoa học kỹ
thuật.
THÌN - Nữ thanh niên, tổ viên.
XIẾN - Kế toán trưởng.
VỢ ĐOÀNH - Xã viên.
CHỊ ĐỆ -
Đội
trưởng sản xuất.
BỔNG - Chồng Mận Hiệu trưởng
trường cấp ba.
MỘT SỐ XÃ VIÊN và NỮ THANH NIÊN.
Câu chuyện xảy ra ở
một hợp tác xã nông nghiêp đồng bằng Bắc Bộ, trong phong trào đưa cán bộ kỹ
thuật về cơ sở giữa những năm 70.
P H Ầ N T H Ứ
N H Ấ T
Sân khấu còn tối đen, ánh sáng dọi vào một cô gái chừng 18 - 19 tuổi, đẹp kiểu rắn
rỏi, khoẻ mạnh, dáng điệu nhanh nhẹn và vẻ mặt hóm hỉnh. Đó là Thìn,
nhân vật dẫn chuyện, đồng thời là một trong những nhân vật chính của vở kịch.
THÌN (chăm chú nhìn khán giả, bắt đầu kể). Kính thưa bà
con ! Trong phong trào tổ chức lại sản xuất và cải tiến một bước quản lý nông
nghiệp hiện nay, mỗi hợp tác xã đều có những câu chuyện thú vị. Hôm nay tôi xin
phép bà con kể về hợp tác xã chúng tôi. Đây cũng lại là câu chuyện của vợ chồng
tôi. Mỗi tình duyên đều có những éo le riêng và không mối tình nào giống mối
tình nào. Nhưng quả thật trược đây, có bao giờ tôi nghĩ sẽ lấy một người chồng
như chồng tôi bây giờ. (Sau một chút.) Anh ấy
là kĩ sư nông nghiệp.
Mới cách đây vài năm, mỗi khi nghe thấy hai chữ kĩ sư,
tôi đã hình dung ra một con người máy móc ! Đeo đôi kính cận thị, lúc nào cũng
chúi mũi vào những quyển sách dày cộp đặc kịt những hình vẽ ngoằn ngoèo... (Mỉm cười) Thì ra không phải. Kĩ sư cũng chỉ là một con người
và... rất giống mọi người khác, mà cũng không phải đều cận thị cả. Kể ra anh ấy
nhà tôi cũng có điều hơi khác người đôi chút. Cái điểm hơi khác ấy lúc đầu tôi
thấy hơi ngồ ngộ, có lúc đâm ghét và rồi cuối cùng lại thành yêu ! Và thú thật
với bà con, càng ngày tôi càng mê. Còn nhớ lần đầu tiên tôi gặp anh ấy. Thực ra
không hẳn là lần đầu. Vì anh ấy cũng người làng. Nhưng ngày trước gọi là biết
thế thôi chứ tôi cũng không rõ lắm. Mà thôi, nói lan man mãi. Xin vào ngay câu
chuyện.
Anh ấy đang công tác ở một cơ quan tại Hà Nội thì được
trên cử về giúp chúng tôi. Lúc ấy hợp tác xã đang thời kì lúng túng. Sau khi
được học tập chủ trương mới, suốt mấy tháng nay mấy bác, mấy anh trong ban quản
trị không ngày nào là không họp với các đội. Nhưng người nói vào cũng nhiều mà
kẻ nói ra cũng lắm. Cuộc họp nào cũng như mổ bò. Bác chủ nhiệm trước hiền lành
mà giờ động tý là gắt. Câu chuyện bắt đầu từ cái ngày hôm ấy...
Hiện lên nhà chủ
nhiệm Đạt, gọn gàng, ngăn nắp, chứng tỏ chủ nhà là người sống có nguyên tắc.
(Trỏ) Đây là
nhà bác Đạt, chủ nhiệm. (Nhìn ra ngoài.) Bác Đạt
kia rồi. Lại có cả ông Xiến kế toán trưởng hợp tác xã nữa. Gớm! Có việc gì mà
đã đến tìm bác chủ nhiệm sớm thế không biết! (Ra).
Một giọng hát
vọng từ đâu đó, có lẽ là một điệu dân ca quen thuộc và đầy chất đồng ruộng.
1
Đạt, chủ nhiệm và
Xiến, kế toán trưởng từ ngoài vườn vào. Đạt, vẻ người phúc hậu, trạc ngoài 50
tuổi, tay xách thùng tưới. Xiến người choắt, khoảng 45 - 46 tuổi hơi có vẻ đần
độn nhưng thỉng thoảng lại lộ ra vẻ khôn ngoan vặt. Ông ta cầm cuốn sổ, tay đeo túi vải.
XIẾN (xun xoe). Với lại chính bác cũng vẫn nói đấy. Người ta sống với
nhau có cái tình là quí, chứ một vài trăm bạc... (Đưa cuốn sổ.)
ĐẠT. Mỗi lần
làm sai nguyên tắc thì lại lấy chữ “tình” ra mà xí xoá. Bây giờ hễ cứ nghe thấy
cái chữ "tình" ấy là tôi sợ lắm rồi. Sản xuất thì kém, nợ ngân hàng
thì hàng chục nghìn, ấy thế mà có đồng nào lại đem chè chén hết ! (Cáu.) Hôm ấy ai ăn thì bỏ ra mà góp. Tôi không kí đâu !
XIẾN. Đã chót
lần này, bác kí cho, chứ bây giờ ai chịu nạp ? Với lại chẳng lẽ tổng kết thắng
lợi mà lại không...
ĐẠT (ngắt lời). Thắng lợi cái gì ? Hễ có được chút thành tích bằng cái
móng tay đã vội vỗ ngực, còn khuyết điểm to bằng cái đình thì lờ đi coi như
không thấy ! (Thở dài.) Các hợp tác xã bạn người ta đang tiến vùn vụt như thế,
còn mình thì ì ạch mãi. Đang từ chỗ đứng đầu huyện, bây giờ tụt xuống gần cuối
rồi. Cứ cái chữ "tình" kiểu ấy thì bao giờ mới tiến lên được ?
XIẾN. Vâng,
bác nói chí phải, nhưng cái khoản này bác không kí cho thì...
ĐẠT (ngắt lời). Thì đem chia đôi ra, tôi với chú mỗi người chịu một
nửa.
XIẾN. Nhưng
hôm ấy bác có ăn đâu...
ĐẠT. Nhưng tôi
là chủ nhiệm. Các chú làm sai thì tôi cũng phải chịu một phần.
XIẾN. Khổ
quá!... (Đang nghĩ cách thuyết phục.)
Bỗng có tiếng
người gọi từ ngoài : "Ông Xiến ! Ông Xiến !"
(Cau mặt.) Lại
cái nhà Đệ !
Chị Đệ chạy vào.
Đấy là một phụ nữ đã đứng tuổi, vẻ người sôi nổi, xốc vác.
CHỊ ĐỆ. Bác ạ ! (Quay sang Xiến.) Đây rồi ! ... Tôi tìm ông chạy suốt cả mấy xóm. Ông
Xiến ! Ông là kế toán, ăn công điểm của hợp tác xã, mà ông làm ăn như thế à ?
XIẾN. Ô hay !
Tôi làm ăn ra sao ?
CHỊ ĐỆ. Cái Ao
chùa ấy, sao năm nay ông tính có bốn mươi công ? Trong khi ấy đội ba tát cái ao
bằng một nửa ông lại tính cho họ những năm mươi ? Ông không ăn được gì ở đội
tôi ông trù hẳn? Ai chẳng biết ông phè phỡn suốt ngày với lão Kì Sẹo rồi ăn cắp
bao nhiêu thóc ở đội ba của nó ? Làm thế không yên với tôi được đâu. Đừng có
thấy tôi là đàn bà, muốn bắt nạt đội tôi thế nào cũng được.
XIẾN. Ô hay !
Cái chị này ăn nói thế mà nghe được à? Việc khoán công tát ao là do ở ban quản
trị...
CHỊ ĐỆ. Ở như
ông tất ! Cái thói xập xí xập ngầu ấy liệu mà bỏ đi.
XIẾN. Chị ăn
nói hay chưa kìa ? (Quay sang Đạt.) Tôi
nói với bác rồi. Cho tôi thôi cái chân kế toán trưởng này đi.
CHỊ ĐỆ. Ông thôi
thì xã viên càng được nhờ. Nhưng mà dám thôi ! Còn gì béo bở bằng làm kế toán
trưởng ở cái hợp tác xã này nữa ?
XIẾN. Chị bảo
béo bở cái gì ? Tôi đã ăn cắp cái gì của hợp tác xã này chưa nào ? Chị có đủ
chứng cớ tôi xin đi tù. Tội đáng một năm tôi cũng xin ngồi đủ năm năm.
CHỊ ĐỆ. Ấy thì
cũng tại không tìm đủ chứng cớ.
XIẾN. Còn ăn
nói hồ đồ làm mất uy tín của Ban quản trị, tôi sẽ kiện cho mà xem.
CHỊ ĐỆ. Thách
đấy ! Tôi không ăn cắp cái gì của ai. Tôi không sợ cái gì hết.
ĐẠT. Ơ hay,
các người đến nhà tôi để đôi co đấy à? Các cụ có câu: "Một sự nhịn là chín
sự lành!". Đoàn kết thì mới làm được việc chứ. Cán bộ mà hục hặc thế này
thì dân người ta không tin nữa là phải !
CHỊ ĐỆ. Bác thì
chỉ "Đoàn kết", "Đoàn kết"! Đoàn kết cả người tốt lẫn người
xấu à? Cả thằng ăn cắp lẫn người ngay thẳng à ?
XIẾN. Chị bảo
ai ăn cắp ?
CHỊ ĐỆ. Là tôi
cứ nói giữa trời thế đấy. Đứa nào có tật, đứa ấy khắc giật mình.
ĐẠT (gắt). Thôi ! Đã bảo tôi xin kia mà! Gà cùng một mẹ mà cứ đá
nhau hoài thế? Mà cái nghề đã mâu thuẫn nhau là hai bên đều có khuyết điểm. Cho
nên phải biết nhường nhịn nhau.
CHỊ ĐỆ. Cháu
không có khuyết điểm gì hết.
ĐẠT. Thím
cũng sai ở chỗ phê bình không đúng lúc. Nhưng chú Xiến ạ, cái ao chùa ấy mà
khoán có bốn mươi thì cũng khí ít thật.
CHỊ ĐỆ. Bác cũng
thấy đấy.
ĐẠT. Nhưng
thím cũng đừng qui cho người ta là thế này thế nọ vội.
XIẾN. Với lại,
gì thì cũng phải cho nó từ tốn chứ.
CHỊ ĐỆ (lúng
túng) Tôi... tôi... Thôi được ! Các ông mà cãi thì tôi chịu. Tôi dốt lí
luận. Các ông nhiều lí luận thì mời xuống đội mà giải thích. Xã viên đang làm
ầm lên đấy.
XIẾN. Bác Đạt,
hay mời bác đi cho một lát ?
ĐẠT (khó chịu). Chú xuống là đủ rồi.
XIẾN. Bác cứ
xuống hộ em. Bác chỉ nói một tiếng là xong. Ai cũng nể bác.
ĐẠT (sau một chút, miễn cưỡng). Thôi được ! (Gọi to) Mận ơi
! (Với chị Đệ.) Thím cứ đi trước đi, tôi và chú
Xiến sẽ xuống ngay.
CHỊ ĐỆ. Hai bác
xuống thật đấy nhé. (Ra.)
XIẾN (lắc đầu). Cái nhà Đệ này càng ngày càng đáo để. Nhưng cũng phải
thông cảm, bác ạ. Cái giống đàn bà con trẻ mà chồng đi xa là hay trái tính trái
nết lắm đấy.
ĐẠT. Nhưng
chú cũng tính toán cho cẩn thận, công bằng một chút.
XIẾN. Ô hay,
bác mà cũng nghĩ thế ạ ?
ĐẠT. Là tôi
bảo, người ta phê bình thì chú cũng phải tiếp thu. Ai mà chẳng có lúc nhầm lẫn.
XIẾN. Thì em
cũng vẫn tiếp thu đấy chứ ạ.
Mận vào.
MẬN. Thày gọi
con ạ?
ĐẠT. Thày
xuống đội bốn. Anh Khuê có sang thì mời anh ngồi xơi nước đợi thày một lát nhé.
XIẾN. Khuê nào
thế bác?
ĐẠT. Con đồng
chí Tuệ ngày xưa ngoài xóm bãi ấy! Bây giờ làm kĩ sư ở ngoài Hà Nội. Được trên
cử về giúp hợp tác xã mình.
XIẾN. À, em có
nghe nói. Giỏi lắm phải không ạ?
ĐẠT. Con nhà
giáo mà lại. Đồng chí Tuệ ngày xưa cũng nổi tiếng thông minh. Phải có cậu ta về
thì mới xây dựng nề nếp, làm ăn qui củ lên được. Đã đến lúc cần người có học
lắm rồi.
XIẾN. Vâng,
quả là như thế !
ĐẠT. Cậu ta
vừa đi chỉ đạo một đợt trồng ngô ngắn ngày thành công to lắm. Cũng may hôm ấy
tôi mở đài nghe nên mới biết. Lúc đầu cứ ngỡ Khuê nào, hỏi ra thì đúng là Khuê
làng mình. Bèn viết thư mời cậu ta về giúp.
XIẾN. Sao
không thấy bác kể với em về chuyện ấy?
ĐẠT. Cũng còn
nghĩ đã chắc gì cậu ta chịu về. Đang công tác ở Trung ương... Ai ngờ lại nhận
lời !
XIẾN. Hay đấy.
Dân mình hơi một tý là phê bình Ban quản trị ta làm việc không có khoa học. Bây
giờ có kĩ sư rồi, ai thắc mắc thì cứ đưa cậu ta ra là họ phải câm như thóc !
Chứ cái nghề nông này khoa học thế nào được.
ĐẠT. Chú tưởng
tôi đưa cậu Khuê về chỉ cốt để đem ra nạt xã viên thôi à? Chú hiểu sai mất rồi.
XIẾN. Thì bác
tính, riêng cái khoản định mức công cầy, công bừa là vụ nào cũng cãi nhau như
mổ bò đấy thôi. Các bà thợ cấy thì bảo ruộng bừa chưa kỹ, còn các ông thợ cầy
thì nhất định thế là ngấu lắm rồi. Em tính, cái nghề nông là phải liệu thôi,
chứ chính xác như nhà máy thế nào được. Cái hòn đất nó oái oăm lắm kia. Có hòn
nào giống hòn nào đâu. Cứ đòi định mức và tiêu chuẩn cứng nhắc thì chỉ có mà ăn
cám.
ĐẠT. Thế sao
nơi khác người ta làm đựơc ? Chỉ tại chúng mình dốt, không có học đấy thôi...
XIẾN. Em không có
học thật, nhưng các cụ nói cấm có câu nào sai: "Trăm hay không bằng tay
quen"... Bằng cấp gì cũng không bằng kinh nghiệm.
ĐẠT. Chú nói
hồ đồ rồi. Thế ta có sang đội bốn không nào?
XIẾN. Dạ, có
chứ ạ. Mời bác đi cho. (Ra cùng Đạt.)
Còn lại một nình
Mận don dẹp ấm chén.
Khuê vào. Anh
chừng 27-28 tuổi, vẻ khôi ngô. Trông anh người ta có cảm tưởng là một thanh
niên ít từng trải, nhưng tự tin vào khả năng mình.
KHUÊ (vui vẻ). Chào cô Mận !
MẬN (xúc động). Anh Khuê ! Mời anh ngồi chơi.
KHUÊ. Vâng. (Sau một chút.) Bác vẫn khoẻ chứ, cô ?
MẬN. Thày em
vẫn thế !
Im lặng ngượng ngùng.
KHUÊ. Tôi hãy
về đã nhé.
MẬN (vội vã). Anh ngồi chơi đã, thày em sắp về rồi.
KHUÊ. Sợ bác
lại vướng việc gì.
MẬN. Thày em
bảo chỉ đi một lát, dặn em anh đến thì giữ anh lại đợi thày em về.
KHUÊ. Lát nữa
tôi sang cơ mà. (Định ra.)
MẬN (đột nhiên). Anh vẫn giận em đấy à ?
KHUÊ (quay lại). Mận có làm gì mà tôi giận ?
MẬN.
Anh vẫn giận em.
KHUÊ. Sao lại giận ?
MẬN.
Thế sao từ ngày ấy không thấy anh về ?
KHUÊ. Mấy lần cũng định. Nhưng về... để làm gì kia chứ ?
MẬN.
Hôm ấy có phải em từ chối đâu ? Chỉ mới bảo em chưa nghĩ đến chuyện ấy.
KHUÊ. Tôi cũng có trách Mận đâu ?
MẬN.
Mới nghe thanh niên ngỏ lời, bao giờ phụ nữ chẳng trả lời như thế. Ai lại nhận
lời ngay bao giờ ?
KHUÊ. Với lại lâu quá rồi còn gì ?
MẬN.
Nhưng em thì cứ tưởng như mới ngày hôm qua. (Sau một chút.) À, mà cái gò chỗ ngày trước anh hay
ngồi ngắm sao với em, bây giờ bị san phẳng rồi. Làm vườn cây ăn quả của hợp
tác.
KHUÊ
(mỉm
cười). Còn gốc quéo
ngoài bờ đê ?
MẬN.
Vẫn còn. Nhưng lâu lắm em không ra đến đấy. Cũng không có việc gì.
KHUÊ
(xúc
động). Từ lúc trên xe
lửa bước xuống chiều hôm qua đến giờ, người tôi cứ bàng hoàng. Bao kỷ niệm cũ
trỗi cả dậy trong lòng. Đêm qua thao thức mãi. Sáng sớm nay, thức dạy, nhìn ra
cánh đồng sang thôn Hạ mà lại nhớ hồi nhỏ, vẫn men theo cái rặng ổi ấy đến
trường.
MẬN
(mỉm
cười). Tưởng anh quên
cả rồi chứ ?
KHUÊ. Quên sao được?
Thìn chạy vào.
THÌN. Này
ông kĩ sư ơi ! Tán vừa vừa chứ. Chị tôi có chồng rồi đấy !
KHUÊ
(lúng
túng). Chào... À, hình như cô Thìn phải
không?
MẬN.
Chứ còn đứa nào vào đây nữa ? Mày cứ hay ăn nói lăng nhăng rồi mang tiếng đấy.
Đi đâu thế, hả Thìn ?
THÌN
(hét
to ra ngoài). Chúng
mày ơi! Vào mà xem mặt ông kĩ sư.
Cả một tốp con gái ùa
vào.
KHUÊ. Chào
các cô !
TẤT CẢ. Chào
anh !
MẬN.
Tổ khoa học kỹ thuật của em đấy !
KHUÊ. Lực lượng hùng hậu quá nhỉ ?
THÌN
(hóm
hỉnh). Còn thua lực
lượng trường cấp ba huyện nhiều.
KHUÊ
(ngơ
ngác). Cô nói gì, tôi
chưa hiểu.
MẬN
(cười). Anh Bổng em dạy ở trường cấp ba.
THÌN
(láu
lỉnh). Không phải chỉ
dạy, mà còn là Hiệu trưởng. Anh mà lôi thôi vào, anh ấy hô lên một tiếng là mấy
trăm giáo viên, học sinh, mỗi người chỉ cần búng khẽ một cái, anh cũng đủ thành
cám rồi.
Tất cả cười ồ lên vui vẻ.
Thôi, về đi
chúng mày ! Đến xem bây giờ là kĩ sư có khác ngày xưa cái gì không thôi ! Đi !
TẤT CẢ. Đi
!
Họ ồn ào kéo ra.
MẬN. Con
cái Thìn ấy tinh quái lắm đấy, anh ạ.
KHUÊ. Mới xa có mấy năm mà thấy các cô khác chúng mình thời
xưa quá.
MẬN.
Con bé ấy chỉ đùa nghịch vô tư thế thôi, chứ không sâu sắc gì đâu.
Im lặng ngượng ngùng.
KHUÊ. Anh
ấy có hay về đây không ?
MẬN.
Ít lắm! À, ngày trước anh chỉ cho em sao Thần Nông, em quên mất, bây giờ nhiều
đêm dày sao, em nhìn lên trời cố tìm mà chẳng thấy.
KHUÊ. Sao
không hỏi anh ấy ?
MẬN.
Anh ấy có lúc nào mà ngồi ngắm sao với em ?
KHUÊ. À, anh ấy dạy gì nhỉ ?
MẬN. Văn
! Nhưng văn vẻ ở đâu, chứ còn với vợ thì chẳng thấy gì hết.
Im lặng.
KHUÊ. Đúng
là bác lại vướng chuyện gì ngoài ấy rồi. Tôi hãy về đã !
MẬN
(hơi
dỗi). Nói chuyện với
em chán lắm phải không ?
KHUÊ. Sao Mận lại nói
thế ?
MẬN.
Đúng rồi. Mà cũng còn phải lấy vợ chứ. Nhưng anh đừng lo, em sẽ không làm phiền
gì anh đâu. Mà em còn có thể làm mối cho anh được một cô ấy chứ.
KHUÊ. Tôi chưa nghĩ đến chuyện ấy.
MẬN.
Thế là phải. Vợ con vào làm gì vội cho vướng cẳng ! (Chợt nhìn ra xa.) À, mà thày em về kia rồi.
KHUÊ. Bác
đi với ai thế? Cán bộ huyện à ?
MẬN.
Chú Xiến, cũng người làng, nhưng ngày ấy đi xa buôn bán nên anh chưa biết. Chú
ấy về làng được vài năm nay thôi. Bây giờ làm kế toán trưởng của hợp tác xã.
Đạt và Xiến vào.
ĐẠT (mừng rỡ). Chà! Lực lượng trẻ lại có khoa học
kỹ thuật đây rồi ! Mong mãi !
KHUÊ. Bác ạ ! Bác vẫn khoẻ lắm !
ĐẠT.
Nhưng lạc hậu lắm rồi. Đang mong có các cậu về tiếp sức đây. (Quay sang Xiến.) Mới ngày nào còn ăn trộm ổi ở vườn
nhà tôi, mà bây giờ đã cao lớn thế này rồi.
XIẾN. Nổi tiếng nữa chứ ạ. Tôi đã được đọc mấy bài của kĩ sư
Đặng Minh Khuê đăng trên báo. Văn hay lắm.
ĐẠT. Uống
chén nước, chú Khuê ! Kể làng ta cung cấp được cho Đảng và nhà nước nhiều nhân
tài đấy chứ. Chỉ phải cái tội không cậu nào chịu về giúp quê hương. Để bọn vừa
già vừa dốt chúng mình phải ì ạch gánh vác mãi.
XIẾN. Bác
chủ nhiệm nói thế cũng phải. Nhưng đâu có phải cứ trẻ là tốt. Trẻ mà như cái
nhà anh Doành ấy thì lại quá tội.
KHUÊ
(sửng
sốt). Doành nào, bác
? Có phải Doành Xóm Chùa không ạ?
XIẾN. Thì ra đồng chí kĩ sư cũng biết anh ta ?
KHUÊ. Bạn học thuở nhỏ của tôi đấy. (Sau một lúc.) Thì ra cậu ta phục viên rồi ?
XIẾN
(mỉa
mai). Thương binh về
xã ! Lúc đầu bác Đạt đây quí hoá lắm, tin tưởng lắm, giới thiệu vào Ban quản
trị, trao cho cả cái chức Phó chủ nhiệm chứ có ít đâu, ấy thế mà lại chính anh
ta phá hợp tác xã suýt tan đấy.
ĐẠT.
Đừng nói thế, chú Xiến !
XIẾN. Thế bác quên cái lần anh ta vặc bác trước đại hội xã
viên rồi à ?
ĐẠT.
Chú ấy tính cũng hơi nóng. Tuổi trẻ mà !
XIẾN. Thì
thế ! Việc dân, việc xã là khó lắm. Trước đây tôi cũng quí cán bộ trẻ, nhưng
bây giờ thì tôi sợ rồi. Làm việc mà không đắn đo suy tính cho nát ra thì chỉ có
hỏng việc mà thôi.
ĐẠT.
Tại chúng mình không biết dùng thôi. Chứ hồi ấy nếu không có chú ấy thì làm sao
hoàn thành được hệ thống máng nổi và làm sao đưa được lúa xuân vào cái cánh
đồng bãi. Bây giờ mỗi năm ta có thêm được gần ngàn tấn thóc chính là nhờ công
chú Doành đấy.
KHUÊ. Thưa bác, thế bây giờ cậu ta còn trong Ban quản trị
không ạ ?
ĐẠT.
Vẫn làm phó chủ nhiệm đấy chứ !
XIẾN. Nhưng tiêu cực và bất mãn. Họp cũng chẳng chịu đến. Ở
nhà lo làm giàu, nên gương xấu cho những người bỏ sản xuất đi chạy chợ.
KHUÊ. Chẳng lẽ lại như thế ?
ĐẠT (vội vã). Chú Khuê ạ, chú về đây quả thật
chúng tôi rất mừng. Chú đừng ngại gì cả. Ai chưa tin thì rồi sẽ tin !
XIẾN. Nói
thế oan cho em ! Có phải em không tin đâu.
ĐẠT.
Phải tin chú ạ ! Phải dám giao phó thì người ta mới làm việc có kết quả được.
XIẾN. Thì em cũng vẫn tin đấy chứ.
ĐẠT.
Thế thì được. Chú Khuê ạ, chú cứ mạnh dạn mà làm. Khó khăn gì đã có chúng tôi.
KHUÊ. Cậu Doành bây giờ vẫn...
ĐẠT
(ngắt
lời). Chuyện chú
Doành tôi sẽ kể với chú sau. Chú mới về hãy nghỉ ngơi thăm thú tình hình đi đã.
Rồi hôm nào ta bàn công việc cụ thể. Kìa, chú nghĩ gì mà thần người ra thế ?
KHUÊ
(giật
mình). Dạ ? À, không ạ !
ĐẠT
(mỉm
cười). Trông chú thần
người ra sao giống ông giáo Tuệ nhà ta hồi trước thế ! Cũng hay đăm chiêu như
vậy. (Vỗ
vai Khuê âu yếm.)
Ánh sáng tắt. Đèn chiếu vào một mình Thìn
đứng giữa sân khấu.
THÌN. Thấy
anh Khuê về, cả làng phấn khởi như sau bao ngày hạn hán được trận mưa rào. Đến
xóm nào cũng toàn nghe thấy bàn tán, ca ngợi ông kĩ sư mới tài ba và những lời
hi vọng. Riêng tôi thì chưa tin chút nào. Anh Khuê có vẻ ngờ nghệch quá ! Làm
sao đối phó nổi với những kẻ ranh ma quỷ quái như lão Xiến và mấy ông đội
trưởng, thủ kho ? Nhưng cũng cứ để rồi xem. Biết đâu đấy. Ngay cả chuyện anh
Doành kể cũng lạ. Ít lâu nay anh ấy chán nản, bỏ bê công việc, chăm lo gia
đình, ấy thế mà chẳng hiểu sao thấy anh Khuê về lại thay đổi hẳn.
Hiện lên nhà Doành. Một bên là túp nhà lá
xiêu vẹo. Một bên là ngôi nhà gạch đang xây dở. Phía trước là một gốc mít. Vợ
Doành đang băm bèo cho lợn. Chị chừng 30 tuổi, loại phụ nữ tháo vát, khoẻ mạnh
và đơn giản.
THÌN. Đây
là nhà anh Doành và kia là chị ấy. (Lui ra.)
2
Doành vác hai cây gỗ xoan vào. Chị vợ đặt dao
xuống chạy ra đón.
VỢ DOÀNH. Để tôi đỡ cho. Nhà nó vào nhà ngồi nghỉ đi. Có ấm chè
tươi nóng đấy. Rót ra, bỏ đường vào mà uống cho đỡ mệt.
DOÀNH (rót nước uống).
Chúng nó thấy mình cần cứ bắt bí. Hai cây xoan còm này mà nhất định đòi bằng
được một trăm hai chục đồng.
VỢ DOÀNH.
Cũng được, nhà nó ạ.
DOÀNH (cáu). Nhưng vẫn ức. Mà thôi ! Nếu còn
thiếu thì dùng tre ngâm. Tôi không đi mua gì nữa đâu
VỢ DOÀNH. Lại ai nói gì phải không ?
DOÀNH. Lúc đi ngang qua Cầu Sổ, có đám trẻ con đang tắm, chúng
nó rêu rao ầm cả lên: "Ôi, ông Phó chủ nhiệm gia đình chứ có phải ông Phó
chủ nhiệm hợp tác đâu". Phen này làm xong cái nhà, chúng nó lại tha hồ có
dịp để nói.
VỢ DOÀNH. Ối dào, ai có miệng người ấy nói. Mình có ăn cắp ăn nẩy
của ai đâu mà sợ.
DOÀNH (lại cáu). Nhưng cũng một vừa hai phải thôi.
VỢ DOÀNH (nhìn ra ngoài). Khẽ chứ! Có khách kìa.
DOÀNH (giật mình). Ai thế? (Nhìn ra thấy Khuê,
mừng rỡ.) Khuê ! (Kéo Khuê vào.) Nghe tin cậu về, đang định sang tìm
cậu. Chà, lâu quá rồi nhỉ ? Vợ con gì chưa?
KHUÊ (cười). Chưa.
VỢ DOÀNH.
Thế ạ ! Thế thì làng này còn khối cô vừa đẹp, vừa ngoan.
DOÀNH (gắt vợ). Đun cho tôi siêu nước. (Với Khuê.) Chà, thấm thoắt mà đã gần chục năm
rồi đấy nhỉ ?
KHUÊ. Cậu
còn nhớ cái lần mình bị say nắng bữa gặt chiêm ở cánh đồng Sãi không?
DOÀNH. Hồi học lớp 8 chứ gì?
KHUÊ (vui vẻ). Chị Doành ạ, hôm ấy trời nắng kinh
khủng, gió Tây hừng hực. Mà cánh đồng Sãi bấy giờ chẳng có lấy một cái cây. Tôi
đang gánh lúa thì bỗng thấy hoa mắt, chưa kịp đặt gánh xuống thì nôn thốc nôn
tháo. May có anh Doành cõng về, không thì tôi ngoẻo mất rồi.
DOÀNH. Mình cũng được một bữa hết hồn.
Tất cả cùng cười.
KHUÊ. Thế
nào ? Sống ra sao ? Xem chừng ung dung lắm hả ?
DOÀNH. Mình bây giờ theo triết lí con trâu.
KHUÊ. Triết lí gì lại triết lí con trâu?
DOÀNH. Cậu nhìn thấy con trâu chưa?
KHUÊ
(tự
ái) Cậu tưởng mình đi
học rồi xa rời sản xuất đến nỗi quên cả con vật quan trọng nhất ở nông thôn ta
à ?
DOÀNH. Không phải thế. Mình nói ý khác kia. Mà có khi cậu cũng
chưa phát hiện ra đâu.
KHUÊ. Cậu định bảo con trâu là chỉ làm hùng hục chứ chẳng đòi
hỏi chứ gì ?
DOÀNH. Vẫn chưa phải.
KHUÊ. Vậy triết lí con trâu nghĩa là cái gì ?
DOÀNH. Thế này nhé. Con trâu lúc làm thì cắn răng è cổ mà làm.
Lúc nghỉ thì nằm phe phẩy đuôi dưới lùm tre mát rượi. Nghe thấy ai nói gì cũng
mặc. Suốt ngày kêu h-ọ-ọ-ọ!.. Kệ h-ọ-ọ-ọ!.. Kệ h-ọ-ọ-ọ!..
KHUÊ (cau mặt) Cậu lại nghĩ đến thế kia à ?
DOÀNH. Chứ cậu bảo còn cách nào hơn được nữa?
KHUÊ. Nhưng chẳng lẽ cậu chán chường không còn tin vào ai được
nữa hay sao ?
DOÀNH. Biết làm sao được? Có phải mình muốn như thế đâu? (Sau một chút.) Phục viên về thấy hợp tác xã đang
bê bối, mình nhảy vào và đấu tranh khá hăng. Kẻ xấu đả mình đã đành, người tốt
cũng lại đả mình nữa chứ. Lúc đầu mình lạ lắm. Mình đấu tranh cho quyền lợi của
họ mà họ lại đả là sao nhỉ ? Nghĩ mãi mới vỡ lẽ. Thế là từ hôm ấy mình chọn
cách sống Lão Tử: Vô vi. Cũng từ ngày ấy trong lòng thanh thản, ăn gì cũng thấy
ngon, đêm nào ngủ cũng đẫy giấc. Đặt mình nằm là ngủ luôn, đánh một mạch cho
đến sáng bạch.
KHUÊ
(sau
một chút). Gay nhỉ?
DOÀNH. Cậu tưởng bở ăn lắm hẳn?
KHUÊ. Thế mà mình tính về đây sẽ làm được cái này cái nọ.
DOÀNH. Sao? Cậu định về đây công tác đấy à? Phải rồi, mình có
nghe nói trên cho một kĩ sư. Thì ra chính là cậu ! Thế thì tuyệt quá rồi còn gì
?
KHUÊ. Nhưng mọi người còn đang chán ngán như thế thì bụng dạ
nào mà nghĩ đến cải tiến kĩ thuật nữa.
DOÀNH. Ai chán ?
KHUÊ. Thì
chính cậu, cậu chẳng vừa nói thế là gì !
DOÀNH. Ấy chết. Vừa rồi mình tâm sự với cậu
thế, có phải là mình đã chịu thua đâu. Mình nghĩ rằng bây giờ chỉ nhiệt tình
không đủ nữa rồi. Mà kĩ thuật thì chẳng ai có trình độ gì hết. Mình đã tính xin
đi học đấy chứ.
KHUÊ. Đại học Nông nghiệp ?
DOÀNH. Hàm thụ thôi! (Cười.)
Tuổi lớn quá rồi. (Thấy
Khuê im lặng.) Nhưng
bây giờ có cậu về rồi thì việc học của tớ không cấp bách nữa. Để sau một chút
cũng được. (Vẫn
thấy bạn im lặng.) Mà
vừa rồi mình bực thì nói thế thôi, chứ tình hình hợp tác cũng không đến nỗi lắm
đâu.
KHUÊ. Nghe bảo lão Xiến ghê gớm lắm hả ?
DOÀNH. Khôn vặt thôi ! Với lại lão ta có hoành hành được cũng
chỉ vì cách thức làm ăn của ta luộm thuộm quá. Mạnh ai nấy làm. Ngay lao động
cũng không biết đích xác là bao nhiêu, chỉ có một danh sách từ đời thủa nào
chẳng rõ. Định mức thì chung chung. Ruộng đất thì từ lâu chẳng đo lại. Vật tư
chẳng biết còn những gì mất những gì. Vốn liếng thì mỗi sổ mỗi khác. Cho nên
lão ta muốn nhập nhèm bao nhiêu cũng chẳng ai kiểm tra nổi.
KHUÊ. Cậu là phó chủ nhiệm mà tại sao lại cứ để tình trạng ấy.
DOÀNH. Thế mới đẻ ra mâu thuẫn. Với lại mình tính chỉnh đốn lại
các thứ ấy là để khoa học hoá cách làm ăn, nhằm đưa kĩ thuật mới vào, chứ nếu
chỉ để lão ta khỏi tham ô thôi thì cũng chẳng bõ. Kì này có cậu về, ta làm ăn
qui củ, sổ sách đàng hoàng, đâu ra đấy, thì lão ta tuyệt đường ngay.
KHUÊ. Dù sao còn lão ta vẫn cứ gay.
DOÀNH. Muốn đẩy đi thì dễ thôi. Lão ta đang xin từ chức đấy.
KHUÊ. Xin từ chức?
DOÀNH. Vì lão ta cho rằng không ai dám nhận cái chân ấy.
KHUÊ. Chân ấy làm sao ?
DOÀNH. Người đứng đắn thì ngại vất vả, không bõ làm.
KHUÊ (cười). À, ra thế !
DOÀNH. Kì này
cậu về, mình dám xung phong nhận làm cái chân ấy đấy. Đành chịu vất vả vậy. Cậu
không biết chứ, hồi ở bộ đội, sau chiến thắng, có phong trào học kinh tế, mình
đã qua một lớp kế toán rồi đấy chứ.
KHUÊ. Thế thì
còn gì bằng.
DOÀNH. Nhưng
cậu quyết tâm ở lại đây chưa đã ?
KHUÊ. Mình
nhận trách nhiệm với trên rồi. Với lại ở đâu, chứ đây là quê hương thì khó đến
đâu mình cũng không chịu bỏ.
DOÀNH. Mình
hiểu. Ngay từ hồi còn đi học, chúng mình đã vạch ra bao nhiêu mơ ứơc rồi cơ mà.
KHUÊ. Bây giờ
có điều kiện mà lại bỏ qua thì thật là...
DOÀNH. Là gì ?
KHUÊ. Là ngốc
!
Cả hai cùng cười.
DOÀNH. Hay quá !
Ta sẽ bắt tay vào việc ngay. Ờ mà cậu ăn ngủ ở đâu ?
KHUÊ. Ở tạm
nhà bà chị họ. Có lẽ ít hôm nữa bác Đạt sẽ cho dọn một gian ngoài chùa để mình
ở.
DOÀNH. Phải cái
nhà mình dột nát quá. Thôi được, thế bao giờ ta lại gặp nhau ?
KHUÊ. Tối nay
được không ?
DOÀNH. Được quá
đi ấy chứ.
KHUÊ. Và mai
họp Ban quản trị mình báo bác Đạt là mình sẽ đến. Ta sẽ đề ra một số công việc
cần làm ngay.
DOÀNH. Đúng. (Lại như không ghìm được nữa.) Khoái quá ! Thú thật với cậu chứ
lâu nay mình vẫn ấm ức có ngủ được đâu. Đêm nào cũng trằn trọc.
KHUÊ. Sao cậu
bảo từ ngày theo triết lí con trâu bữa nào ăn cũng thấy ngon, đêm nào ngủ cũng
đẫy giấc.
DOÀNH (tiếp lời). Và đánh một mạch cho đến sáng bạch nữa chứ ? (Cười vui vẻ.) Thế mà cậu cũng tin à ? Từ giờ có thằng nào giở cái
giọng ấy ra thì cậu cứ bảo thẳng là nó nói láo ? Con trâu nếu cho học may có
thể thành người, chứ đã là người sao vứt bộ óc đi mà trở thành con trâu cho
được ?
Cả hai cùng cười vui vẻ. Mận chạy vào.
MẬN. Các anh
có gì vui mà cười giòn thế?
DOÀNH. Cô Mận
vào chơi.
MẬN. Em cần
gặp anh Khuê.
KHUÊ. Bác Đạt
gọi tôi ạ?
MẬN. Em là tổ
trưởng tổ khoa học kĩ thuật mà. Em định hỏi anh có cần gặp chị em trong tổ thì
em triệu tập.
DOÀNH. Anh Khuê
mới về, để anh ấy nghỉ ngơi vài ngày đã.
KHUÊ. Vâng,
khi nào cần gặp, tôi sẽ nói.
MẬN. Thế nhé.
Cả tổ đang nóng lòng muốn gặp anh đấy! Thôi, em về đã nhé. Chị đâu hả anh ?
DOÀNH. Nhà tôi
ngoài vườn.
MẬN. Em về
nhé. (Ra.)
DOÀNH (nhìn theo). Cẩn thận đấy. (Ghé tai bạn thì thầm.) Cái
con bé ấy tự do lắm. Năm trước có cậu cán bộ thuỷ lợi về, nó cũng thân với cậu
ta lắm. Chưa có gì đâu nhưng đã phải đưa ra chi đoàn góp ý rồi đấy. Rồi đầu năm
nay lại có cậu cán bộ tỉnh đoàn...
KHUÊ. Cô ấy chê chồng à ?
DOÀNH. Tính nó thế chứ còn lấy ai hơn được nữa ? Hiệu trưởng
trường cấp ba huyện, trẻ, có tài, lại đạo đức ít ai bằng. Mà trông người cũng
bảnh ra phết.
KHUÊ
(cười). Về chuyện phụ nữ thì cậu cứ yên
tâm.
DOÀNH. Thôi đi. Đừng nói khoác. Con trai gần ba mươi tuổi chưa
có vợ, lại bên cạnh toàn bọn con gái mơn mởn. Tớ không tin.
KHUÊ. Bây giờ mình ngại chuyện ấy lắm rồi.
DOÀNH. Thế định không lấy vợ à?
KHUÊ. Rồi cũng phải lấy chứ. Nhưng sẽ kiếm một cô thật đơn
giản, hơi xấu, thậm chí hơi đần cũng được. Cho tròn nghĩa vụ thôi, không cần
yêu đương lãng mạn gì hết.
Doành phá lên cười.
Rồi cậu sẽ
thấy.
DOÀNH. Ừ, mình cũng đang đợi xem thử đây.
KHUÊ. Thôi, mình về đã nhé? (Nói to.) Chào chị Doành, tôi về !
VỢ DOÀNH (chạy ra).
Kìa, nhà nó không giữ anh Khuê ở lại xơi cơm ?
DOÀNH. Mà phải rồi ! Cậu ở lại đây ăn một bữa với vợ chồng mình
đi.
KHUÊ. Mình hẹn với bà chị mất rồi. Để lúc khác. Còn chị Doành
ạ, tối nay nếu chị có quả mít nào đem ra mời tôi thì tôi không từ chối đâu. Tôi
ngửi hình như có mùi mít chín ở đâu đây thì phải.
Tất cả cùng cười, Khuê đi ra.
VỢ DOÀNH. Ngày mai nhà nó nhớ sang thôn Hạ lấy vôi nhé !
DOÀNH. Mai bận.
VỢ DOÀNH. Bận gì ?
DOÀNH. Họp ban
quản trị.
VỢ DOÀNH. Sao bảo
không đi họp nữa?
DOÀNH. Phải đi
chứ, mình là Phó chủ nhiệm kia mà !
VỢ DOÀNH. Thôi thế
ngày kia nhà nó đi lấy vôi vậy.
DOÀNH. Ngày kia
cũng lại bận.
VỢ DOÀNH. Ơ hay.
Thế bao giờ mới đi ?
DOÀNH. Chưa
biết.
VỢ DOÀNH. Chết tôi
rồi. Bạn cũ về lại dính với nhau chứ gì ? Lại đi họp đi hành với nhau suốt đêm
thì bao giờ mới xây xong cái nhà ?
DOÀNH. Chuyện
xây nhà chưa vội.
VỢ DOÀNH. Thế
chuyện gì mới vội ?
DOÀNH. Chỉnh
đốn lại sản xuất.
VỢ DOÀNH. Ôi thôi
! Sao mà thân tôi khổ thế này ?
DOÀNH (xoa tay vui vẻ trêu vợ). Còn khổ nữa ấy chứ.
VỢ DOÀNH. Chỉ tại
cái nhà anh Khuê kia thôi ! Trời đất ơi !
Ánh sáng lại tập
trung vào Thìn ở giữa sân khấu.
THÌN. Hôm sau
ban quản trị họp và cho ông Xiến thôi việc. Nghe bảo ông ta điếng người đi,
nhưng ai bảo, già néo đứt dây mà lại ! Cứ vật mình vật mẩy xin từ chức mãi !
Nhưng người không muốn hợp tác xã tiến lên đâu phải chỉ một mình ông Xiến ? Công
việc anh Khuê bắt đầu đụng chạm đến một số người. Tôi còn nhớ, hôm ấy...
3
Hiện lên một gốc
cây giữa đồng. Có khoảng 4-5 cô gái.
Tổ khoa học kĩ thuật chúng tôi họp để lên biểu đồ điều
tra ruộng đất. (Với tất cả.) Chị Mận sao
chưa thấy đến nhỉ ?
CÔ B. Sang
Xuân Tảo lấy thuốc khử độ chua PH đã về đâu. Tối qua tao sang vẫn
chưa thấy.
CÔ A. Về rồi.
Khuya lắm. Lúc ấy phải gần nửa đêm.
Thìn giở sách ra
ngồi xuống chăm chú đọc.
Thày chưa vợ hẳn nào học trò chăm chỉ thế !
THÌN. Tao mong
còn đi học thì còn gặp thày chưa vợ mãi ấy chứ.
CÔ B. Chưa vợ
mà lại kĩ sư chứ có ít đâu.
THÌN. Chỉ phải
cái tội hơi lù đù đâm ra khó mê quá !
CÔ A. Người
học giỏi bao giờ cũng lù đù đấy ! Mày biết không, có ông trí thức dẫn vợ đi
khám bệnh, bác sĩ người ta hỏi tên vợ, ông ta quay lại hỏi: "Này, nhà nó
tên là gì nhỉ ?"
THÌN (ngước mắt nhìn và cười phá lên). Thật à ? Nếu thế tao phải kiếm
cho được một ông trí thức làm chồng. Mỗi khi lỡ làm điều gì cho ông ấy nổi cáu
ông ấy định nện thì mình chỉ việc bơ mặt đi, trơn tròn mắt mà hỏi: "Ơ hay,
tôi có phải vợ anh đâu mà anh đánh?". Ông ấy sẽ bối rối hạ tay xuống và
xin lỗi ngay: "Chết cô tha lỗi, tôi lại cứ tưởng cô là vợ tôi !".
CÔ B. Thế mày
lấy ngay ông kĩ sư mới về đi, còn đợi gì nữa ?
CÔ A. Ông Khuê
thì đừng mong ông ấy đãng trí. Đấy, cứ xem việc ông ấy đo lại ruộng đất. Thửa
nào ra thửa nấy, chính xác đến nỗi có đội nào cãi được một câu ? Tính toán chi
li, căn cơ còn hơn đàn bà ấy. Tao sợ mày lấy ông ấy, rồi lỡ hôm nào có ăn quá
một quả cà, ông ấy cũng sẽ tính toán phát hiện ra mất thôi.
CÔ B. Mày nói
xấu người ta vừa vừa chứ. Hôm trước tao gặp hai ông Khuê và Doành đội hai chiếc
nón rách, quần xắn cao quá đầu gối, đang lội đồng đo ruộng, quần ấo lấm lem,
miệng thì cứ lẩm nhẩm bốn mươi nhăm với mười một, rồi lại ba mươi với mười bốn,
đến sát tận nơi vẫn không nhìn thấy tao. Tao chào thì ông Khuê vội vã
"không dám, chào bác ạ!" làm ông Doành cười phá lên ngã nhào cả xuống
bùn.
THÌN (bỏ sách, đứng dậy). Với lại tao có người yêu rồi.
CÔ A. Vẫn cái
ông nhà báo chứ gì ?
THÌN. Tao lại
mới nhận được thư đây này. Chúng mày có muốn nghe không? (Móc túi ra một chiếc phong bì.)
CÔ B. Thôi thôi
! Mày có thương chúng tao không mà cứ bắt nghe những câu văn rởm ấy.
THÌN. Thế thì
thôi vậy.
CÔ B. Tao tính
làm cái thân con gái cũng khổ. Lại cứ phải lấy chồng. Lấy chồng già thì bảo hám
địa vị. Lấy chồng trẻ thì bảo tham hình thức. Lấy anh giỏi giang thì nó khinh
vợ, lấy anh đần thì mình lại khinh nó.
THÌN. Cứ không
lấy chồng là xong hết.
CÔ B. Khốn
nỗi:
“Làm thân con gái phải lo
Mùa đông rét mướt ai cho mướn chồng?”.
Chị Đệ vào.
CHỊ ĐỆ. Chà!
Trong lúc người ta đang túi bụi sản xuất thì tổ kĩ thuật ngồi đây bàn chuyện
lấy chồng.
CÔ A. Tổ gì thì
cũng phải có tổ trưởng. Tổ trưởng chưa đến thì phải đợi chứ ?
THÌN. Với lại,
chị Đệ ạ ! Chuyện lấy chồng còn quan trọng hơn chuyện sản xuất nhiều. Lấy được
ông chồng cấp to thì một bước thành bà quan ngay. Còn chuyện sản xuất thì có
đúng kĩ thuật hay không, khéo lắm mỗi sào thêm vài yến thóc là cùng.
CHỊ ĐỆ. Lí lẽ
của tổ kĩ thuật như thế đấy ?
CÔ A. Đấy là ý
kiến riêng của nó chứ sao chị lại bảo là của cả tổ ?
CHỊ ĐỆ. Thế cô
Mận đâu rồi ?
CÔ A. Còn ngủ
chưa dậy, chị ạ.
CÔ B. Chả phải
đâu. Từ ngày có người yêu cũ về, tích cực lắm.
CHỊ ĐỆ. Người
yêu nào ?
CÔ B. Ơ kìa,
thế chị không biết à ?
CHỊ ĐỆ. Chúng
mày đừng đặt điều cho chú Khuê, chú ấy có gì đâu.
CÔ B. Mà chị
Mận thì cũng không có gì. Chỉ tích cực và phấn khởi hơn thôi.
CÔ B. Ngay cái
việc sang Xuân Tảo hôm qua, anh Khuê vừa hỏi có ai đi cùng với anh ấy được
không, là chị Mận vội nhận ngay, chỉ sợ người khác tranh mất phần.
CHỊ ĐỆ. Chúng
mày cứ liệu đấy. Thế chú Khuê đâu ?
CÔ A. Chị hỏi
cái Thìn này này.
THÌN. Em bảo
chị nhé. Chị đến nhà anh Doành, không thấy thì sang nhà bác Đạt, không thấy nữa
thì ra sân kho, vẫn không thấy thì xuống đội 1, không thấy thì...
CHỊ ĐỆ (cáu). Nói chuyện với mày thì có mà... (Định chạy đi.) A, chú Khuê đây rồi.
CÔ A. Cả chị
Mận nữa chứ ? Chị không thấy à ?
Khuê và Mận vào.
KHUÊ. Chị Đệ
đấy ạ? Có việc gì thế, chị ?
CHỊ ĐỆ. Chú Khuê
ạ ! Hay chú cứ để đội chị phun thuốc lấy vậy.
KHUÊ. Ô hay,
sao bây giờ chị lại nghĩ thế ?
CHỊ ĐỆ. Đội trừ
sâu phun ẩu quá.
KHUÊ. Nhưng
vẫn phải để người ta làm chứ. Chưa tốt thì ta rút kinh nghiệm lần sau.
CHỊ ĐỆ. Nhưng
chú phải làm thế nào chứ phun đại khái thế thì sâu chẳng chết mà chỉ tốn điểm
của hợp tác.
KHUÊ. Thế cô
nào xuống xem hộ vậy.
MẬN. Để em đi
cho. Đi, chị Đệ !
CHỊ ĐỆ. Hượm
đã... (Trỏ ra phía ngoài.) Mấy bà kéo đến
đây làm gì không biết?
Một bà trung niên
giận dữ đi tới.
BÀ TRUNG NIÊN. Ông Khuê là ông
nào mà ghê gớm đến thế ?
CHỊ ĐỆ. Kìa, bà
Quỳ, có việc gì vậy ?
BÀ TRUNG NIÊN. Tôi muốn
hỏi ông Khuê là ông nào? Là cấp gì mà bắt nạt dân thế ? Không coi ai ra cái gì
nữa.
CHỊ ĐỆ. Sao bà
lại nói thế? Chú ấy làm gì mà bà bảo không coi ai ra cái gì ?
BÀ TRUNG NIÊN. Lại
không làm gì à ? Làng xóm xưa nay làm ăn vẫn có nề nếp, có ai chết đói đâu mà
ông Khuê ông ấy về làm đảo lộn hết tất cả. Trước đây đội nào cũng có ruộng tốt,
ruộng xấu, ruộng xa, ruộng gần, bây giờ có đội thì được toàn ruộng tốt lại
gần...
MỘT XÃ VIÊN (cười). Đội của tôi đấy !
BÀ TRUNG NIÊN. Còn đội
tôi toàn ruộng xấu lại xa.
KHUÊ. Nhưng
ruộng xấu và xa lại được ưu tiên phân bón, được tính công điểm rộng rãi hơn, bà
ạ !
BÀ TRUNG NIÊN. Thì ra
ông là ông Khuê ? Nghe bảo ông là kĩ sư. Kĩ sư là cái cấp gì mà đáo để thế ?
CHỊ ĐỆ. Cái hôm
họp xã viên, Ban quản trị trình bày và mọi người đã nhất trí. Tại hôm ấy bà
không đến họp.
BÀ TRUNG NIÊN. Con tôi
nó ốm. Nhưng không đi họp tôi cũng biết hết tất cả. Này tôi bảo, anh là gì thì
gì, có ai sợ anh thì sợ, chứ tôi không sợ anh đâu.
MỘT XÃ VIÊN (khích). Tôi thì tôi sợ !
BÀ TRUNG NIÊN. Đừng có
lối ở đâu về rồi làm tan hoang cả cái làng này như thế, không được đâu.
CHỊ ĐỆ. Chú Khuê
cũng người làng này, con đồng chí Tuệ ngày xưa đấy, bà ạ.
BÀ TRUNG NIÊN. Nhưng
ông giáo Tuệ là người nhân đức, chứ có làm ăn bậy bạ như thế này ? Ông Tuệ thì
dân chúng tôi ai cũng kính phục. Từ khi ông ấy dạy học trước cách mạng đến khi
đi hoạt động, làm Chủ tịch xã cho đến khi chúng nó giết ở trong bốt, ông ấy làm
việc gì cũng là vì dân, chứ có bao giờ làm khổ dân như thế này đâu ?
MỘT XÃ VIÊN. Mà tôi
cũng lạ, các ông đi học về cứ thích bày vẽ ra lắm chuyện. Đề ra đủ các thứ đội
để làm gì? Cái thửa ruộng ngày xưa chỉ có một đội làm thì mới chu đáo được, chứ
đằng này, cầy bừa thì do đội làm đất, nhưng bón phân thì do đội bón phân, bắt
sâu thì do đội trừ sâu, tưới nước thì lại do đội thuỷ lợi... cuối cùng năm cha
ba mẹ chẳng ra cái gì cả.
MỘT XÃ VIÊN KHÁC. Rồi lại
chuyện ông Xiến nữa. Ông ấy là người có chữ có nghĩa, quen sổ sách, làm ăn đâu
vào đấy. Việc khó đến mấy cũng chỉ tính loáng một cái là xong, ấy thế mà đem
đẩy người ta đi.
BÀ TRUNG NIÊN. Vu cho
người ta tham ô ! Nhưng đấy, ban thanh tra tỉnh về điều tra cũng có thấy gì
đâu.
CHỊ ĐỆ. Không ai
đẩy đâu. Chính ông ấy xin từ chức đấy chứ !
MỘT XÃ VIÊN. Tôi thừa
biết mưu mô các người rồi. Mà cứ tưởng để ai thay ? Cái nhà Doành ấy có biết
tính toán sổ sách gì đâu mà cũng đòi làm.
Vợ Doành đến từ
nãy, lúc này mới lên tiếng.
VỢ DOÀNH. Bác nói
thế oan cho nhà cháu. Nhà cháu cũng có muốn làm đâu cơ chứ. Chỉ tại cái ông
Khuê này xúi bẩy đấy thôi. Nhà cửa vợ con không ngó ngàng gì đến, suốt ngày
chạy nhông theo ông ta như cái đuôi ấy.
CHỊ ĐỆ. Kìa,
thím Doành! Thím đang ở trại chăn nuôi kia mà? Sao bỏ việc đến đây ăn nói linh
tinh như thế hả?
VỢ DOÀNH. Tôi
không làm ở trại nữa. Khốn khổ ! Từ khi mới biết vấn cái khăn, tôi đã ngồi quấy
cám cho lợn rồi. Thế mà có bao giờ người ta vẽ ra lắm chuyện như thế này không
? Bắt tôi ủ chua, rồi bắt tôi tắm cho lợn. Toàn những việc tôi không làm được.
Cho tôi trở về đội sản xuất thôi.
KHUÊ. Tại hôm
trước chị tự ý xin sang trại đấy chứ !
VỢ DOÀNH. Vâng.
Nhưng tôi có ngờ đâu các người vẽ ra lắm
thứ qui trình, qui phạm oái oăm như thế bao giờ !
Tiếng Doành:
"Khuê ơi! Khuê ơi!"
VỢ DOÀNH. Đấy, có
đúng là cái đuôi thật không nào?
DOÀNH (vào). Khuê ơi, Khuê ! Thế này có khổ không? (Nhìn thấy vợ.) Nhà nó đấy à ? May quá. Thuốc cho con, tôi mua đây rồi,
nhà đem về cho nó uống.
VỢ DOÀNH. Con anh,
anh về mà chăm.
DOÀNH. Khốn khổ
! Tôi còn bao nhiêu công việc thế này, đầu óc rối tung cả lên, nhà nó phải giúp
tôi chứ.
VỢ DOÀNH. Thì ai
bắt ?
DOÀNH. Mà con
là con chung chứ đâu của riêng tôi ?
VỢ DOÀNH. Tôi chăm
nó suốt đêm rồi, anh cũng phải bỏ sức ra chứ ?
DOÀNH. Thì
trách nhiệm chung của hợp tác xã.
VỢ DOÀNH. Hợp tác
xã ối người, thiếu anh cũng chả chết ai ! Anh cứ về xây xong cái nhà cho mẹ con
tôi ở đi đã rồi muốn trách nhiệm gì thì trách nhiệm.
KHUÊ. Cậu về
cho cháu uống thuốc đi đã.
DOÀNH. Nhưng
còn bao nhiêu công việc.
KHUÊ. Cứ về đi
đã !
DOÀNH (ngần ngừ rồi chạy đi). Đến khổ !
Các xã viên cười.
MỘT XÃ VIÊN. Ai bảo
hứng lấy cái vạ?
XÃ VIÊN KHÁC. Mà có
biết làm đâu, chậm như rùa, lúc nào cũng lúng ta lúng túng như gà mắc tóc.
VỢ DOÀNH. Sổ sách
nhầm lẫn rồi lại è cổ ra mà đền ấy chứ.
MỘT XÃ VIÊN. Lại mời
ông Xiến về thôi. Trăm
hay không bằng tay quen.
CHỊ ĐỆ. Bác nói gì lạ thế ?
BÀ TRUNG NIÊN. Đúng rồi. Lại mời ông Đạt, ông Xiến
về thôi.
CHỊ ĐỆ. Bà con thử nghĩ xem. Sản xuất ì ạch thì kêu, đẩy sản
xuất lên cũng lại kêu là nghĩa làm sao?
MỘT XÃ VIÊN. Lên làm gì ? Cứ cốt nghĩa vụ cho nhà
nước đóng đầy đủ, dân không ai chết đói là được rồi.
CHỊ ĐỆ. Bà con không muốn hợp tác xã mình thành tiên tiến hay
sao ?
BÀ TRUNG NIÊN. Ôi dào ! Tiền với chả tiến ! Báu gì
cái danh hão ! Được tiếng khen ho hen chẳng còn.
MỘT XÃ VIÊN. Mà tiếng khen thì các ông được hưởng,
chứ dân chúng tôi thì xơ múi gì ?
TIẾNG ỒN ÀO. Lại mời ông Đạt, ông Xiến về thôi !
Đúng rồi ! Đúng rồi !
ĐẠT
(vào). Bà con ta tụ tập
gì thế này ?
MỘT XÃ VIÊN. Chúng tôi
đang đề nghị ông về làm việc như cũ thôi.
ĐẠT. Tôi vẫn
là Chủ nhiêm ở cái Hợp tác xã này, chứ tôi có đi đâu, mà bà con đề nghị tôi về?
MỘT XÃ VIÊN. Sao
chúng tôi chỉ thấy có ông Khuê ?
ĐẠT. Đồng chí
Khuê là do trên cử về giúp Hợp tác xã mình, đã được bà con bổ sung vào Ban quản
trị rồi còn gì? Mọi việc đồng chí ấy làm đều được bàn bạc và nhất trí trong Ban
quản trị cả.
BÀ TRUNG NIÊN. Kĩ sư thì
chỉ biết lý thuyết thôi chứ biết gì về ruộng nương.
ĐẠT. Đại hội
xã viên lần nào cũng đề ra việc xin cán bộ kĩ thuật, rồi phê bình là chúng tôi
không chịu xin. Bây giờ trên cho lại có người không chịu nhận là sao nhỉ ? Còn
trình độ thì người được Nhà nước đào tạo năm, sáu năm trời chắc phải hơn người
không được đào tạo chứ ?
MỘT XÃ VIÊN. Tại ông
không giới thiệu rõ như thế từ trước!
ĐẠT. Còn bà
Quỳ, bà chẳng muốn thay đổi gì hết, vì cứ lối làm ăn luộm thuộm như trước bà
tha hồ chạy chợ. Phiên nào tồi cũng được dăm bảy đồng, mà gặp ra thì có khi tới
vài ba chục. Tôi hiểu. Còn bác Sự thì yên tâm. Bác cầy giỏi, chúng tôi sẽ tính
công điểm sao cho bác khỏi thiệt, nhưng kiểu cầy thuê rẽ cho bà con lấy năm bảy
đồng một ngày sớm muộn rồi cũng phải bỏ thôi. Còn bác Sĩ thì sau khi đo lại
ruộng đất, đội bác bị tăng diện tích chút ít, cho nên không khai tụt sản lượng
được nữa cũng làm các bác mất đi một khoản nhỏ. Nhưng đó là việc nay không làm,
sau cũng phải làm. Đừng như cái con cò cứ mong nước đục mãi. (Sau một chút.) Việc tổ chức lại sản xuất tất phải có một số thay đổi,
mà đã thay đổi là lúc đầu phải chưa quen. Ngay đang ở nhà tranh mà tiến lên ở
nhà ngói cũng còn có một số phiền phức nữa là. Nhưng có ai cứ xin ở nhà tranh
mãi, phải không thím Doành ? Rồi sau này, dùng đèn điện, nước máy, còn nhiều
cái phiền phức hơn ấy chứ. Nhưng cuộc sống là phải tiến lên, không có cách nào
khác đâu bà con ạ. Còn về đồng chí Khuê thì thay mặt Ban quản trị Hợp tác xã,
tôi tuyên bố lần cuối cùng, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng và chịu trách nhiệm
về mọi việc làm của đồng chí ấy. Ai còn thắc mắc gì không nào?
Tất cả im lặng.
Nếu như vậy thì xin mời ai về việc nấy đi cho.
MỘT XÃ VIÊN (giọng khiêu khích). Thông rồi. Về đi, bà con ơi !
Mọi người xì xào,
lục tục ra về.
ĐẠT. Chú Khuê!
Trưa nay về gặp tôi một lát nhé ! Bà con ầm ĩ như vậy thôi, nhưng bụng dạ thì
chẳng có gì sâu sắc lắm đâu. Chú cứ yên tâm. Tôi về đã nhé !
KHUÊ. Vâng ạ.
Cháu sẽ đến.
Đạt ra.
CHỊ ĐỆ. Cũng là
bước đầu chưa quen cả thôi. (Với Mận.) Đi, cô
Mận!
KHUÊ (không vui). Mận còn phải ở đây làm với em một lát. Chị cứ về đi,
lát nữa em sẽ xuống.
Chị Đệ ra.
Ta làm việc nhé? (Giở tấm bản đồ ruộng đất ra.)
MẬN. Còn một
phẫu diện chưa đào được anh ạ.
KHUÊ. Sao lại
thế? Cô có biết hôm nay là ngày bao nhiêu rồi không ?
MẬN. Mà cái
phẫu diện số 25 ấy không đào có được không ạ ?
KHUÊ. Nhưng
tại sao ?
Mấy cô gái cười
khúc khích.
(Nổi cáu.) Sao lại
cười? Tôi đùa với các cô đấy à?
Các cô gái im
bặt.
Mỗi phẫu diện đều có tác dụng của nó. Tại sao các cô
không đào? Các cô có thấy vừa rồi đấy không ? Muốn tổ chức lại cách thức làm ăn
đâu phải chuyện dễ dàng. Người già mà lạc hậu tôi còn hiểu được, chứ còn các
cô, lực lượng trẻ đáng lẽ phải tha thiết với cái mới chứ. Lại là tổ khoa học kĩ
thuật ! Cô Mận ! Tại sao cô đề nghị không đào phẫu diện số 25 ?
MẬN. Tại
chúng nó không dám đào ạ.
KHUÊ. Sao ?
Lầy lội quá à ? Hay đất cứng quá ?
MẬN. Không ạ.
KHUÊ. Thế tại
sao ?
MẬN. Tại vì...
tại vì...
KHUÊ (giận dữ quăng bút xuống). Tôi chịu, không hiểu nổi các cô như thế nào nữa. Không
đào phẫu diện thì làm sao hiểu được đất. Ấy thế mà các cô lại còn coi là trò
đùa. Thích thì làm, không thích thì thôi.
THÌN. Nhưng
anh đã nghe hết lí do đâu nào ?
KHUÊ. Lí do gì
thì cũng không thể viện ra để bỏ qua một khâu cơ bản như thế trong kĩ thuật
canh tác. Cô Mận ! Cô là tổ trưởng mà cô có thái độ như thế thì còn làm được
việc gì nữa.
Mận ức quá ôm mặt
khóc.
Xin lỗi. Nhưng đây là lúc công tác, không phải lúc đùa
chơi! Tôi không thể làm việc kiểu này được. (Giận dữ, gấp bản đồ lại, bỏ đi.)
DOÀNH (chạy tới). Sao thế, Khuê ?
KHUÊ. Mình
không thể làm việc với những người vô trách nhiệm kiểu này được !
DOÀNH. Nhưng
làm sao kia chứ ?
KHUÊ. Cậu hỏi
các cô ấy ! Mình phải xuống đội sản xuất. (Định ra.)
DOÀNH. Gượm đã!
(Với Mận.) Sao thế, cô Mận ?
Mận vẫn ôm mặt
không trả lời.
THÌN. Thế này,
anh ạ. Phẫu diện số 25 chúng em đề nghị không đào vì chỗ ấy là tha ma.
DOÀNH. Ruộng
vẫn cầy cấy xưa nay, tha ma đâu ?
CÔ A. Nghe bảo
ngày trước. Lâu rồi anh ạ.
DOÀNH (phá lên cười). Ra các cô sợ ma ? Nhưng sao không nói như thế với anh
Khuê ?
THÌN. Anh ấy
mắng át đi, đã ai kịp nói gì đâu !
DOÀNH. À, thế
thì lỗi tại các cô rồi.
MẬN. Em xin
thôi cái chân tổ trưởng kĩ thuật.
DOÀNH. Ấy chết!
Sao lại thế ?
MẬN.
Anh cứ cho em thôi.
DOÀNH. Với lại cô xin với Ban chấp hành chi đoàn, sao lại xin
với tôi ? Tổ khoa học kĩ thuật, Chi uỷ với Ban quản trị đã giao cho chi đoàn
đảm nhiệm rồi kia mà ?
KHUÊ. Tôi xin lỗi. Tôi hơi nóng. Thôi, cái phẫu diện ấy, tôi
với anh Doành sẽ đào.
DOÀNH. Anh Khuê đã nhận lỗi. Cô Mận hết giận rồi chứ ?
Mận vẫn im lặng.
Ai chẳng có
lúc lỡ lời. Thôi, các cô về đi. Còn cậu Khuê, mình với cậu đi đào luôn. Được
không ?
KHUÊ. Được quá đi ấy chứ.
DOÀNH. Đi, các cô.
Tất cả ra chỉ còn lại Mận với Thìn.
THÌN. Đi, chị Mận !
MẬN.
Mặc tao.
THÌN. Anh ấy cũng có nói gì quá lắm đâu ?
MẬN.
Mày không thấy chúng mình tích cực thế chứ còn gì nữa !
THÌN. Nhưng vẫn cứ ẩu. Hôm thì xếp lầm mẫu đất. Hôm thì ghi
sai, thậm chí có bận phải đào lại.
MẬN.
Nhưng cái lối đâu hách dịch đến thế. Quát tháo như ông tướng ấy.
THÌN. Nhưng ít nhất anh ấy cũng hơn người khác ở một điểm quan
trọng.
MẬN.
Mày bảo hơn điểm gì nào ?
THÌN. Thấy sai là cứ phê, bất kể là ai.
MẬN
(ngẩng
đầu lên nhìn bạn). À,
thì ra thấy ông ấy mắng tao, mày thích lắm hả, con ranh ?
THÌN. Thích chứ. Nhưng không phải vì chị bị mắng mà là vì...
MẬN.
Vì gì ?
THÌN. Vì hôm nay em mới được thấy ông kĩ sư nổi nóng. Đâm ra
mất hết cả vẻ lù đù mọi khi. (Cười thú vị.)
MẬN.
Hay mày phải lòng ông ấy rồi, hả ?
THÌN. Ai phải lòng thì chưa biết. Nhưng người ta tốt điểm nào
thì phải công nhận điểm ấy chứ ?
MẬN.
Tốt cái gì ? Thù dai thì có. Chuyện ngày xưa ông ấy vẫn còn để bụng.
THÌN. Cũng mới chỉ hôm nay thôi. Còn thì từ hôm về, anh ấy
chiều chị đến thế còn gì ?
MẬN.
Ơ hay ! Ông ấy chiều tao cái gì nào ?
THÌN. Còn không à ? Cho mượn cả đồng hồ để đo tốc độ nẩy mầm
này, rồi...
MẬN
(ngắt
lời). Mày ghen đấy à
? Này, mày thích ông ấy thì tao nhường cho đấy.
THÌN. Chị có quyền gì với anh ấy mà chị nhường ?
MẬN
(cáu). Nói chuyện với mày chỉ tổ điên
người lên thôi. (Giận
dữ bỏ đi.)
Thìn
mỉm cười nhìn theo.
Sau
đấy, ánh sáng lại tập trung vào chị.
THÌN. Hôm ấy tôi muốn trêu tức chị Mận thì nói thế thôi. Chứ
tôi cũng chưa thú gì cái ông kĩ sư mặt lúc nào cũng vênh vênh lên ấy. Mà cái
chị Mận cũng lạ. Chồng sờ sờ ra đấy mà cứ đòi giữ thêm một nam giới nữa làm gì
nhỉ? Còn hợp tác thì tiến lên rõ ràng. Chi bộ và Ban quản trị ủng hộ anh Khuê
mọi việc, cho nên hơi có ai thắc mắc với ông kĩ sư là lại bênh anh ấy chần
chập. Cuối vụ mùa năm ấy, tuy năng suất chưa tăng mấy, nhưng cả làng phấn khởi.
Cách làm ăn đã bắt đầu có qui củ. Cuộc họp Ban quản trị mở rộng tổng kết thắng
lợi và đề ra kế hoạch mới. Anh Khuê bên ngoài cố làm bộ thản nhiên, nhưng bên
trong thì rõ ràng là trống giong cờ mở. Bỗng nhiên tôi phát hiện ra một thứ :
anh kĩ sư này có một vẻ gì rất trẻ con... Chẳng khác gì cậu học sinh lớp một
lần đầu tiên được lĩnh phần thưởng vậy. (Ra.)
4
Hiện lên: Sân kho hợp tác xã. Đêm khuya.
Trăng sáng vằng vặc. Giữa sân treo tấm bản đồ thổ nhưỡng lớn. Cuộc họp vừa tan.
Đạt - Khuê - Doành.
DOÀNH (phấn khởi) Thắng lợi rồi nhé. Hợp tác xã ta bước
vào một giai đoạn mới. Cậu giỏi thật ! Quả không phí công đào tạo của nhà nước.
KHUÊ. Nhưng trong cuộc họp hôm nay, hình như vẫn còn một số
người chưa thông suốt.
ĐẠT.
Chú không lo. Rồi sẽ thông tất cho mà xem. Nhìn thấy các chú làm việc suốt bao
tháng qua như thế, rồi thóc chia vụ này tăng như vậy...
KHUÊ. Mới tăng mỗi ngày công được một kilô.
ĐẠT
(với
Doành). Chú Khuê quên
tâm lí người nông dân rồi. Tăng một lạng cũng quí, đằng này lại tăng những một
kilô. Mỗi lao động trung bình mỗi năm làm được gần 300 công. Mỗi công thêm một
kilô vị chi được gánh về nhà thêm gần ba tạ chứ ít gì nữa ? Chú cứ yên tâm.
Đấy, chú xem, lúc chú mới về người ta đã tin đâu. Nhưng đến nay chỉ còn lại lác
đác đôi người...
Tốp xã viên gánh thóc về ngang qua.
Kìa, bác
Hựu ! Năm nay được bao nhiêu ?
XÃ VIÊN A. Được non tám tấn rưỡi, ông ạ.
ĐẠT
(cười). Thế thì đám cưới con Hồng chắc phải
to lắm nhỉ ?
XÃ VIÊN A. Vâng, chỉ sợ xã không cho giết lợn thôi.
ĐẠT.
Cho, miễn là đừng có lãng phí quá là được rồi.
Các xã viên vui vẻ đi khuất.
Hai chú
cũng về thôi chứ. Chú Khuê đi đường với tôi nhỉ?
KHUÊ. Bác về trước, cháu chưa về đâu ạ.
ĐẠT.
Vậy tôi về đã hai chú nhé.(Ra.)
DOÀNH. Hình như ông Đạt muốn nói gì riêng với cậu?
KHUÊ. Không đâu, chỉ là rủ đi cùng đường cho vui.
DOÀNH. Trong cuộc họp hình như mình thấy ông Đạt vẫn còn băn
khoăn điều gì.
KHUÊ. Bao giờ cậu mới bỏ được cái thói đa nghi, hả ? Mình chủ
trương sống ở đời phải thẳng thắn. Chỉ căn cứ vào cái câu người ta nói, còn
điều người ta nghĩ trong bụng thì không cần biết.
DOÀNH. Thế nếu người ta giấu chỉ vì nể mình, thương mình hoặc
đợi lúc khác sẽ nói ra có lợi hơn thì sao ?
KHUÊ. Lí do gì thì nghĩ mà không nói ra là không tốt. Mình
không cần để ý đến. Mà bác ấy còn băn khoăn điều gì nữa ? Bác ấy là Chủ nhiệm,
sản xuất lên thì bác ấy được thành tích. Mà mình thì làm cho thành tích lên rõ
ràng. Bác ấy phải biết ơn mình quá đi ấy chứ. Đúng không nào? Cậu đừng có nghĩ
vẩn vơ! Về ngủ đi.
DOÀNH (sau một chút). Ban ngày bận việc thì quên đi mất.
Chứ ban đêm nghĩ đến gia đình lại thấy ngán ngẩm.
KHUÊ. Bà ấy giận gì mà dai nhỉ ?
DOÀNH. Hay ta đi kiếm củ khoai ăn cho vui. Cậu đã thấy buồn ngủ
chưa ?
KHUÊ. Chưa. Nhưng còn tấm bản đồ và những thứ này ? (Gọi to.) Các cô đi đâu cả rồi nhỉ ?
CÁC CÔ GÁI (chạy vào).
Anh gọi gì ạ ?
KHUÊ. Các cô hôm nay vất vả quá. Nhưng cũng chịu khó dọn dẹp
hộ tôi rồi hãy về nhé !
CÁC CÔ GÁI. Vâng, các anh cứ về nghỉ trước đi.
Khuê và Doành ra.
THÌN. Mau tay lên, còn về đi ngủ, các chị ơi!
MẬN.
Mày thì lúc nào cũng chỉ ăn với ngủ.
THÌN. Ra chị cho rằng còn thứ gì quan trọng hơn ăn với ngủ à ?
Này nhé: Việc phát triển sản xuất, cãi cọ nhau hăng hái đến thế, cũng chỉ là để
ăn cho no hơn chứ còn để làm gì ? Rồi vợ chồng anh Doành giận nhau suốt mấy
tháng nay chỉ tại cái nhà xây dở dang là vì cái ngủ chứ còn gì nữa ?
MẬN.
Nói chuyện với mày thì thà vạch đầu gối ra mà nói chuyện còn thú vị hơn!
CÔ B. Này, có người, các chị ơi !
CÔ A. Hình như ông Xiến !
MẬN.
Mặc chú ấy !
THÌN. Mặc thế nào ? (Nói to.) Ông Xiến đi đâu thế ?
CÔ A. Bác thủ cái gì dưới vạt áo đấy ?
XIẾN
(bước
ra). Rư...ượu ! Hay
các người lại bảo tham ô của hợp tác ?
THÌN. Sao bảo bác không nhận chữ “tham ô”, mà chỉ nhận chữ
“lợi dụng” thôi.
XIẾN
(uống
một ngụm rượu). Hà !
Lợi dụng ! Thằng quái nào mà chả lợi dụng.
CÔ B. Bác lại vơ đũa cả nắm rồi.
XIẾN. Con người ta muốn sống là phải lợi dụng. Lợi dụng là
chẳng có tội gì hết. Muốn phơi thóc thì phải lợi dụng ánh nắng. Muốn đi cầy thì
phải lợi dụng con trâu. Muốn trồng trọt phải lợi dụng hòn đất. Ha... ha...
thằng quái nào mà chả lợi dụng ?
CÔ A. Nhưng lợi dụng mồ hôi nước mắt của xã viên thì lại là có
tội đấy, bác ạ.
XIẾN. Thế dễ thường tao không đổ mồ hôi đấy hẳn ? Cũng là lợi
dụng lẫn nhau cả thôi. Tôi được rổ khoai thì tôi lờ đi cho bà nắm mạ ! Có điều
thằng khôn thì được hưởng nhiều, thằng dại thì được hưởng ít, có vậy thôi.
MẬN.
Khuya rồi, về đi chúng mày.
CÔ A. Gượm đã, chị ! Bác Xiến này, thế bác khôn hay bác dại ?
XIẾN. Tao tưởng tao khôn, hoá ra tao dại. (Vỗ chai rượu, ngâm.)
Khôn khôn dại dại
khôn khôn dại
Dại dại khôn khôn dại dại khôn
Cũng là cái
vòng luẩn quẩn thôi.
Tất cả cười ồ.
THÌN. Thế bác dại ở chỗ nào, bác có biết không ?
XIẾN. Tao chỉ biết tao dại, còn dại ở chỗ nào tao nghĩ mãi
không ra.
THÌN. Thế cháu giảng cho bác nghe nhé ? Bác chỉ nhớ cái khâu
lợi dụng mà quên mất cái khâu nuôi dưỡng. Ngay lợi dụng hòn đất để nó cho hạt
thóc phải biết nuôi dưỡng nó, cũng phải cầy sâu cuốc bẫm, tưới nước, bón phân,
luân canh cây trồng thì nó mới cho mình lợi dụng được lâu. Như thế mới là khôn.
Còn nếu chỉ bắt nó cho lúa mà không nuôi dưỡng, nó bạc màu đi, mỗi ngày cho lúa
ít đi rồi nó tức, nó không cho nữa thì là dại !
XIẾN. Xì ! Oắt con mà lên mặt dạy đời ! Mà đâu phải… À, có lẽ
chính mày là đứa đã đặt vè chửi tao ?
CÔ A. Không phải cái Thìn đâu bác ạ. Mà đâu phải chỉ có đặt vè
cho bác ?
CÔ B. Cháu đặt đấy. Bác có muốn nghe vè cháu lại đặt không
nào?
“Vè vẻ vè ve
Nghe vè ông Xiến...”
THÌN
(đọc
tiếp luôn).
“…Từ ngày mất miếng
Rượu chè bê tha.”
XIẾN (giơ tay doạ). Liệu hô...ồ...ồn. (Lủi mất.)
Tất cả cười phá lên. Khuê vào.
KHUÊ. Các cô vui cái gì thế ?
MẬN. Chúng nó vừa trêu chú Xiến say rượu.
CÔ A. Anh Khuê ơi, còn sớm, anh kể chuyện gì cho chúng em nghe
đi !
KHUÊ
(cười). Tôi thì chỉ có chuyện khoa học
thôi.
CÔ B. Chuyện khoa học cũng được. Ví dụ như cá rô phi từ Phi
Châu lạc sang nước mình như thế nào ấy?
THÌN. Hay là chuyện lai lịch chú khoai tây chẳng hạn.
MẬN.
Thôi, chúng mày ! Đừng trêu anh ấy nữa. Không lại bị mắng là tếu, không nghiêm
chỉnh bây giờ.
CÔ A. Hay ! Chị Mận nói câu ấy được đấy !
Tất cả cười vang kéo ra. Khuê còn lại một
mình, mỉm cười tư lự. Thìn chạy vào.
KHUÊ. Cô Thìn quên cái gì phải không?
THÌN. Cái Bích để quên mấy cái kẹp bản đồ, anh ạ.
KHUÊ. Cô Thìn này, đêm hôm nay trăng sáng quá, cô có thấy vui
không ?
THÌN
(mỉm
cười). Em thì bao giờ
cũng vui, chẳng cứ trăng sáng hay trăng mờ.
KHUÊ
(không
nghe thấy câu đùa, vẫn mơ màng).
Còn tôi thì hôm nay tan cuộc họp, tôi cảm thấy yêu mến tất cả mọi người. Cả cậu
Doành sôi nổi tận tuỵ, lúc nào cũng lo cho công việc. Cả bác Đạt đã phát biểu ý
kiến rất tốt, cả các cô trong tổ kĩ thuật đã vất vả, khó nhọc chuẩn bị tài liệu
cho cuộc họp hôm nay. Và khi cậu Doành tỏ vẻ còn nghi ngại một vài người nào
đấy, tôi bỗng lấy làm lạ.
THÌN
(phá
lên cười). Anh mơ
mộng thật !
KHUÊ
(ngạc
nhiên). Thìn không
bao giờ mơ mộng ư?
THÌN
(mỉm
cười). Không !
KHUÊ. Và không mong ước một điều gì bao giờ ?
THÌN
(vẫn
mỉm cười). Điều gì
chẳng hạn ?
KHUÊ. Thí dụ như... như... (Mỉm cười.) Một người chồng đẹp trai, tài ba
chẳng hạn ?
THÌN
(phá
lên cười). Thế thì
không bao giờ thật.
KHUÊ. Tại sao ?
THÌN. Bọn chúng em cũng hay bàn nhau mong lấy được một người
như thế nào đó. Nhưng ghét của nào trời trao của ấy. Đứa mơ anh cao thì y như
rằng lấy phải một anh lùn tè, đứa mơ ông tốt nghiệp đại học thì nhất định vớ
phải một ông trượt lớp mười bỏ học về sản xuất!... Mà như thế có gì lạ đâu ?
Chẳng lẽ gặp người hợp tính nhưng không đúng như tiêu chuẩn mình đề ra thì
không lấy à ?
KHUÊ. Nhưng sống mà không có mơ ước thì tẻ quá.
THÌN. Chẳng tẻ chút nào hết. Có hôm bọn em đi xe gạch về xây
kho hợp tác, trời đang đẹp bỗng đổ một trận mưa rào, đứa nào đứa nấy ướt như
chuột lột. Chúng nó nhăn nhó, còn em vẫn thấy vui như thường. Đi dưới trời mưa
như trút cũng có cái hay chứ, anh công nhận không ?
KHUÊ
(mỉm
cười). Thế thì cô
cũng thuộc loại người lãng mạn rồi.
THÌN. Lãng mạn ?
KHUÊ. Chứ không à ? Vì cô thấy trong nỗi khổ có cái thú mà
lại.
THÌN. Em chỉ nghĩ đơn giản. Mưa nắng là chuyện ông trời, có
nhăn nhó cũng chẳng ích gì.
KHUÊ. Thế thì lại không phải lãng mạn, mà ... thực tế.
THÌN (cười). Có lẽ chữ ấy hợp với em hơn đấy.
KHUÊ
(sau
một chút). Nhưng nếu
không mơ ước thì làm sao có đựơc sự nghiệp lớn ?
THÌN. Em đâu dám mơ tưởng làm cái gì lớn như anh.
KHUÊ. Thế thì còn nói chuyện gì nữa !
THÌN. Vậy em về nhé ? (Định chạy đi.)
KHUÊ. Khoan đã, Thìn cho tôi hỏi một câu nữa.
THÌN. Anh hỏi gì ạ ?
KHUÊ
(sau
một chút). Nghe Thìn
nói, tôi bỗng nhớ tới một người.
THÌN
(phá
lên cười). Em mà
giống con gái Hà Nội được ư ?
KHUÊ. Không phải con gái Hà Nội, mà là...
THÌN. Là ai ?
KHUÊ. Chị tôi.
Thuở bé, tôi mơ mộng và thất thường, dễ vui mà cũng dễ buồn, dễ yêu mà cũng dễ
giận…
THÌN. Hình như
bây giờ anh cũng vẫn thế.
KHUÊ (không để ý câu đùa). Nhưng ngày ấy có chị tôi khuyên bảo. Từ ngày chị ấy đi
lấy chồng đến giờ, không có ai giúp đỡ, tôi đâm lại bị cái bệnh ấy. Hay bây giờ
Thìn giúp đỡ tôi nhé !
THÌN. Ôi giời
ơi, ai dám thế !
KHUÊ. Tôi giúp
Thìn học chuyên môn còn Thìn...
THÌN (lè lưỡi). Chịu thôi. (Phá lên cười rồi
chạy mất.)
Khuê còn lại một
mình tư lự. Đạt và Doành lại vào.
KHUÊ. Kìa, bác
Đạt.
ĐẠT. Đấy, tôi
nói có sai đâu. Chú Khuê ngủ sao được đêm nay.
KHUÊ. Có lẽ
tại cháu uống nhiều nước chè quá. Mà chè các cô ấy pha đặc khiếp lên được.
ĐẠT (cười). Chẳng phải nước chè đâu. Chú Khuê ạ ! Phương án của
chú, Ban quản trị rất tán thành. Đúng là phải táo bạo như thế mới được. Cả cái
kế hoạch trồng cà chua thay khoai lang nữa. Vẫn đảm bảo hai vụ lúa mà lại thu
hoạch thêm cho hợp tác xã hàng trăm ngàn đồng. Hiện nay hợp tác xã đang rất cần
vốn để mua máy móc. Nhưng chú ạ, riêng tôi vẫn còn hơi băn khoăn...
KHUÊ. Sao lúc
nãy trong cuộc họp, bác không nói ?
ĐẠT. Tôi muốn
bàn riêng với chú đã.
KHUÊ (sau một chút). Vậy bác băn khoăn gì ạ ?
ĐẠT. Làm một
lúc hàng trăm mẫu có vội quá không ?
KHUÊ. Bác vừa bảo
phải táo bạo kia mà ?
ĐẠT. Nhưng xã
viên mình chưa có kinh nghiệm mấy. E rằng...
KHUÊ (ngắt lời). Thì ra chính bác vẫn chưa tin cháu ?
DOÀNH (vội vã). Tin chứ ! Có điều là bác ấy băn khoăn thì cậu cũng nên
giải thích cho bác yên tâm.
KHUÊ. Cháu sợ
nhất thái độ không dứt khoát. Nếu bác chưa tin thì cháu xin trở về cơ quan cũ
vậy.
ĐẠT. Ấy chết
! Sao lại thế ?
KHUÊ. Còn nếu
bác đã tin thì bác giao phó tất cho cháu. Bác đừng băn khoăn gì nữa.
ĐẠT (gượng cười). Tất nhiên rồi. (Sau một chút.) Mà khuya rồi, tôi về đây. Chú Khuê cũng nên về nghĩ
kẻo mệt. Phải giữ sức khoẻ. Công việc trông cả vào chú, chú mà ốm là gay đấy. (Với Doành.) Chú Doành cũng về đi chứ.
DOÀNH. Mời bác
về nghỉ trước đi ạ.
Đạt ra.
Cậu không khéo léo với bác ấy một chút.
KHUÊ. Ơ hay,
cậu lại chạy sang phía lạc hậu rồi à ?
DOÀNH. Dù sao
bác ấy cũng vẫn là chủ nhiệm. Làm cho bác ấy thông và vui vẻ ủng hộ mình thì có
hại gì đâu ?
KHUÊ. Vui hay
không là ở kết quả thu hoạch kia kìa.
DOÀNH (bực tức). Nói chuyện với cậu khó thât ! Dù sao mình cũng phải
gặp bác ấy để thông cảm mới được.
KHUÊ. Theo
mình thì không cần. Nhưng thôi, tuỳ cậu!
Doành chạy ra
khuất. Khuê còn lại một mình buồn bã, ngồi xuống thềm, ôm đầu suy nghĩ.
Ánh sáng lại tập trung vào Thìn ở giữa sân khấu.
THÌN. Thế là
tình hình tưởng đã ổn, lại đâm ra rắc rối. Nhưng thôi, câu chuyện đã được quá
nửa. Xin mời bà con tạm nghỉ mười lăm phút. Lát nữa, chúng tôi xin kể nốt.
P H Ầ N T H
Ứ H A I
Ánh sáng lại chiếu vào Thìn ở giữa
sân khấu.
THÌN. Bà con
đã vào đủ, tôi xin kể tiếp. Cuộc đấu tranh giữa cái tuỳ tiện và cái qui củ khoa
học đi vào thế tiềm tàng âm ỉ. Anh Khuê không còn cái hồ hởi ngày đầu nữa, mà
đã thấy đăm chiêu, lo lắng. Anh vẫn chưa giảm đi chút hăng hái nào, nhưng trong
cái hăng hái của anh hình như có một vẻ gì liều lĩnh, tuyệt vọng. Giống như
người sợ ma khi phải vượt qua một nghĩa địa. Chung quanh vắng vẻ, lạnh lẽo, tối
tăm, anh ta cứ cắm đầu mà đi, bịt tai mà đi, cố cho mau thoát khỏi cái quãng
đường bắt buộc ấy. À, mà suýt quên, vợ chồng anh Doành đã làm lành với nhau
rồi. Cái nghề vợ chồng, một là li dị thì thôi, chứ còn sống với nhau thì thế
nào cũng phải đằm thắm trở lại. Mà bản chất chị Doành đâu phải người xấu. Giận
chồng thì có nhưng vẫn thương. Hôm ấy anh Doành bị cảm... (Ra.)
5
Hiện lên nhà
Doành. Vợ Doành đang băm bèo cho lợn. Doành ở trong nhà đi ra phía cổng, tay
xách túi sổ sách, đầu đội mũ lá.
VỢ DOÀNH. Định lấy
sống hay lấy chết đây ?
DOÀNH. Nhà nói
gì tôi chưa hiểu.
VỢ DOÀNH. Vào lấy
cái gương ra soi thử xem mặt mũi có còn gì hay chỉ mỗi hai cái hốc mắt ? Làm
vừa vừa chứ. Ốm như thế mà không chịu nghỉ lấy một ngày cho khỏi đi đã.
DOÀNH. Tôi ốm
đâu phải vì làm việc nhiều !
VỢ DOÀNH. Thì vì cái gì ?
DOÀNH. Người ta
xong việc thì được về nhà nghỉ ngơi thanh thản, còn tôi thì...
VỢ DOÀNH. Thì sao
?
DOÀNH. Thì về
đến nhà đâm mệt thêm, còn căng thẳng hơn cả ngồi làm bản tổng hợp ấy chứ.
VỢ DOÀNH. Thì tôi
làm gì nào ?
DOÀNH. Cứ nhìn
thấy bộ mặt cau cau có có của nhà nó thì làm sao tôi chịu nổi.
VỢ DOÀNH. Thì ai
gây ra nào?
DOÀNH. Ừ, thì tôi gây
ra. Nhưng tôi không thể chiều nhà nó được.
VỢ DOÀNH. Thế thì
lấy vợ đẻ con làm gì cho nó khổ.
DOÀNH. Đúng,
biết thế chẳng lấy vợ lại sướng.
VỢ DOÀNH. Ra uỷ
ban mà li dị đi. Cho nó rảnh rang, muốn đi đến mấy giờ thì đi, tha hồ thoải
mái.
DOÀNH. Nói dễ
lắm.
VỢ DOÀNH. Chẳng có
gì là khó cả.
DOÀNH. Thế nhà
nó viết đơn đi.
VỢ DOÀNH. Tôi
không biết viết. Với lại tôi không bỏ chồng. Còn nhà nó muốn bỏ vợ thì đi mà
viết.
DOÀNH. Tôi
không bỏ vợ.
VỢ DOÀNH. Ơ hay,
vừa bảo muốn bỏ vợ cho nó rảnh rang kia mà ?
DOÀNH. Tôi
không nói thế.
VỢ DOÀNH. Vừa mới
dứt miệng xong mà chối ngay được. (Bê thúng cám nặng
ì ạch. Doành ra đỡ một bên.) Không khiến !
DOÀNH (cố nhịn cười). Cứ khiến !
VỢ DOÀNH. Đã bảo
không khiến cơ mà !
Họ giằng nhau.
Doành tranh, bê được.
DOÀNH. Nhà nó
phải thông cảm cho tôi với chứ.
VỢ DOÀNH. Không có
thông cảm gì sất.
DOÀNH. Vợ chồng
với nhau, đầu gối tay ấp suốt ngần ấy năm trời mà vẫn không chịu hiểu cho nhau.
VỢ DOÀNH. Không
hiểu.
DOÀNH. Nào có
phải tôi không biết thương vợ thương con đâu, nhưng tôi mà không làm thì ai làm
cho ?
VỢ DOÀNH. Dễ mà
không có nhà nó thì dân chết đói hết cả đấy ?
DOÀNH. Không
chết đói nhưng cũng chẳng giàu có lên được.
VỢ DOÀNH. Ở cả nhà
anh Khuê, chứ nhà nó thì công cán gì ?
DOÀNH (sau một chút, tâm sự). Nhà nó chưa biết đấy. Cậu Khuê về kĩ thuật thì giỏi
thật đấy. Chỉ thoáng nhìn hòn đất, cầm lên rồi bóp vụn là biết loại đất gì, tỷ
lệ cát bao nhiêu, độ chua thế nào. Đi ngang qua một thửa ruộng biết ngay lúa
đang bị bệnh gì, thiếu vôi hay thiếu đạm. Nhưng cậu ta vụng lắm.
VỢ DOÀNH. Nhà nó
thì dễ thường khôn khéo ?
DOÀNH. Nhưng
cũng còn hơn cậu ta.
VỢ DOÀNH. Nói
khoác.
DOÀNH. Thật
đấy. Cậu ta cứ mỗi ngày lại làm mất lòng thêm một vài người. Ngay bác Đạt, cậu
ta cũng mấy lần làm bẽ mặt bác ấy trước mặt người khác. Tôi thấy bác ấy khó
chịu lộ ra nét mặt mà cậu ấy chẳng nhìn
thấy gì hết. Tôi lại phải tìm cách dàn hoà. Không có tôi thì khối lần hỏng việc ấy chứ.
VỢ DOÀNH. Thế thì
đi mà làm, cứ đi nữa đi.
DOÀNH (cười). Thôi được, nghỉ một ngày cho khỏi hẳn. Nhưng có cho
người ốm bồi dưỡng không chứ ?
VỢ DOÀNH. Chẳng có
gì cả.
DOÀNH. Lại mấy
quả cà muối thì chán quá !
VỢ DOÀNH. Có con
gà mái nhốt sẵn từ sáng đấy. Muốn ăn thì đi mà làm.
DOÀNH (cố nhịn cười). Muốn ăn nhưng không muốn làm.
VỢ DOÀNH. Đại lãn
thế ! (Ra.)
Có tiếng gà kêu
quang quác. Thìn đi ngang qua nhìn vào.
THÌN. Các chị
ơi, chị Doành giết gà cho anh ấy ăn kìa!
DOÀNH (cười). Mời các cô vào chơi !
THÌN. Vào đây
đã, các chị !
Các cô gái, có cả
Mận nữa, kéo vào.
CÔ A. Anh
Doành giỏi thật! Anh làm thế nào mà chị ấy hết giận đấy ?
CÔ B. Khi phụ
nữ giận tức là đòi chồng chiều. Tại anh cứ lờ đi chị ấy mới giận lâu đến thế.
Vừa rồi, chắc anh chỉ cần tình cảm một chút là chị ấy hết giận ngay chứ gì ?
CÔ A. Nam giới
các anh khô khan lắm.
MẬN. Không
phải khô khan mà là giữ giá.
DOÀNH. Giữ giá làm
sao ?
MẬN. Nhất là
nam giới nước mình. Trong bụng thì yêu mà bên ngoài cứ làm ra cái bộ khinh
khỉnh không cần ! Họ tưởng nếu họ chiều nữ giới một chút thì họ giảm giá đi ấy
! Chúng mày có xem phim Liên Xô không ? Bên ấy người ta chiều phụ nữ như thế chứ
! Mà thế là họ khôn, vì họ chỉ cần chiều một chút thôi thì sẽ được phụ nữ chiều
lại gấp một trăm lần. Phụ nữ sống bằng tình cảm mà lại.
DOÀNH. Úi dào !
MẬN. Anh
không đồng ý à?
THÌN. Chị Mận
nói đúng đấy. Anh chỉ cần tình cảm một chút là chị ấy thịt luôn gà cho mà ăn
đấy thôi. Lãi quá đi rồi còn gì ?
CÔ A. Buồn
cười, bên cạnh nhà em có một đôi vợ chồng. Ông thì thích uống rượu, mỗi lần
thèm cứ phải uống giấu vợ. Ấy thế mà hôm nào giận nhau xong, làm lành, bà vợ
lại đích thân vác chai sang bên cụ Năm mua rượu về ép chồng uống !
Tất cả cùng cười.
CÔ B. Ấy thế
mà anh Doành vẫn chưa đồng ý đấy.
CÔ A. Vậy anh
bảo bản chất của phụ nữ là gì ?
DOÀNH. Là...
được đằng chân lân đằng đầu.
MẬN. Ôi chao
! Anh nghĩ xấu về chúng em quá.
DOÀNH. Chứ
không à ? Các cụ xưa đã tổng kết rất chính xác về bản chất của phụ nữ rồi. Nào
là được đằng chân lâm đằng đâu, nào là mềm nắn rắn buông... Cho nên anh nào
chiều phụ nữ là dại, sẽ bị họ...
Khuê đi tới, vẻ
mặt cau có.
(Liếc nhìn Khuê rồi nói
tiếp.)... lấn át cho mà xem. Được thoả mãn yêu cầu này, họ đề ra
yêu cầu khác và cứ thế tiếp tục đẩy lên. Mỗi ngày yêu cầu của họ một thêm vô lí
đến mức nếu anh cứ chạy theo thì sẽ không còn gì là độc lập nữa.
CÁC CÔ GÁI (ồ lên). Không đúng ! Không đúng !
DOÀNH. Ý kiến cậu thế
nào, Khuê ?
KHUÊ (bực tức). Ý kiến tớ thế này. Cậu ốm nên vào nhà nằm nghỉ đi. Còn
các cô tổ kĩ thuật thì xin mời xuống tham gia công việc bón phân hoá học cho cà
chua, theo cách thức hôm nọ tôi đã phổ biến ấy. Đội phân bón người ta đã ra đến
ruộng cả rồi đấy.
CÔ A. Nhưng
anh Doành ạ, thế dễ đàn ông các anh không được đằng chân lân đằng đầu đấy hẳn ?
KHUÊ (gắt). Khổ quá ! Bây giờ là lúc sản xuất hay là buổi họp
chuyên đề về tâm lí đấy nhỉ ?
MẬN. Ông kĩ sư
lại sắp nổi cáu rồi đấy, chúng mày ơi! Liệu làm đi thôi.
Họ ồn ào cười đùa
kéo ra.Khuê định ra theo.
DOÀNH. Khuê !
Ngồi lại đây một lúc đã.
KHUÊ. Có việc
gì quan trọng không ?
DOÀNH. Cậu cứ
làm như vắng mặt cậu thì mọi việc hỏng hết ấy.
KHUÊ. Chứ lại
không à ?
DOÀNH. À, mà
sao hồi này cậu hay cáu kỉnh thế ?
KHUÊ (sau một chút). Bây giờ mình mới hiểu tại sao không mấy thằng dám vào
học Đại học Nông nghiệp.
DOÀNH. Vất vả
quá phải không ?
KHUÊ. Không
phải vất vả mà là phức tạp.
DOÀNH. Thì xưa
nay nó vẫn phức tạp.
KHUÊ (im lặng). Sau vụ này có lẽ mình sẽ đề nghị chỉ làm công việc
khoa học thuần tuý thôi.
DOÀNH. Ở đây làm gì có
việc thuần tuý khoa học ?
KHUÊ. Có chứ.
Thí dụ nghiên cứu lịch gieo trồng, chế độ canh tác cho từng loại cây, từng loại
đất chẳng hạn.
DOÀNH (sau một chút). Thế sao hôm trước cậu lại nhận trách nhiệm toàn bộ làm
gì ?
KHUÊ. Ai có
ngờ thói quen tuỳ tiện lại ăn sâu đến thế. Thích gì làm nấy, thích thế nào làm
thế nấy. Cứ mỗi lần đề ra một biện pháp kĩ thuật là phải nói khéo với bà đội
trưởng, phải cười duyên với ông thủ kho. Những cái trò đóng kịch ấy còn mệt xác
và mất thời giờ hơn cả việc tìm biện pháp nâng cao sản lượng, tận dụng diện
tích ấy chứ.
DOÀNH (cười phá lên). Ôi ! Cậu nói nghe bi đát quá !
KHUÊ. Sự thật còn
bi đát hơn nhiều.
DOÀNH. Thế cậu
muốn cứ ra lệnh là người ta thi hành răm rắp à ?
KHUÊ. Không
phải mình ra lệnh mà kĩ thuật ra lệnh.
DOÀNH. Nhưng
cũng phải làm cho người ta thông người ta mới thi hành tốt được chứ.
KHUÊ. Mình
không có thời giờ. Với lại những ý kiến họ góp ngớ ngẩn lắm kia. Giống như cậu
đang làm bài toán đạo hàm mà có anh chưa biết đại số là gì cứ đòi "tham
gia" ấy.
DOÀNH. Nhưng
mình cũng không thô bạo gạt phắt ý kiến anh ta đi bao giờ.
KHUÊ. À, đấy
chỉ là vấn đề thái độ.
Im lặng.
DOÀNH. Hồi còn
đi học, mình mến cậu vì thấy cậu hiền lành, chăm chỉ. Nhưng ngay từ hồi ấy mình
đã thấy cậu thế nào ấy. Trong lúc bọn mình đùa nghịch với nhau vui vẻ thì cậu
lại tách ra, lủi thủi ở góc sân với quyển sách. Bọn chúng nó bảo là cậu tự
kiêu, ra cái điều. Mình lại cho là tại cậu nhút nhát. Nhưng bây giờ mình thấy
hồi ấy chúng nó nhận xét có phần đúng.
KHUÊ. Nghĩa là
cậu bảo mình tự kiêu ?
DOÀNH. Mình
chưa vội kết luận như thế.
KHUÊ (sau một chút). Bây giờ mình mới hiểu, tại sao nước mình chậm tiến ?
Vì không ai công nhận có người giỏi hơn mình. Hễ thấy ai có tài một chút thì
khó chịu và gán luôn cho hai chữ "tự kiêu", thế là thằng cha ấy vội
vã co vòi lại, không còn dám nói năng gì nữa. Ở nước mình, tội "tự
kiêu" còn nặng hơn cả tội ăn cắp nữa kia.
DOÀNH. Cậu nói
hơi quá.
KHUÊ. Ngay hồi
còn đi học, chúng nó bảo mình tự kiêu vì mình không đến từng thằng mà thán
phục: "Chà cậu giỏi quá ! Giảng cho mình chỗ này chỗ nọ với !". Kể ra
muốn được khen là khiêm tốn thì có gì khó ? Nhưng mình không thích giả dối và
mình cũng không có thời giờ.
DOÀNH (sau một chút). Hôm nay cậu đang có điều gì bực bội ở trong lòng phải
không ? Mình đồng ý là ở đây có một số người chưa hiểu cậu. Mình sẽ giúp họ
hiểu cậu thêm. Dù sao cậu cũng nên... (Bỗng thay đổi.) Mà thôi, đừng nghĩ ngợi nữa, cứ làm rồi người khác sẽ
hiểu ra.
KHUÊ. Đến bao
giờ ?
DOÀNH. Nông dân
là thế. Họ rất cần khoa học kĩ thuật, nhưng con người kĩ thuật thì họ chưa chịu
nổi. Cũng phải dần dần thôi. À, mà hôm nay ở lại ăn cơm với mình nhé! (Ghé tai bạn, vui vẻ.) Có con kê ! Vợ mình hôm nay lại bốc đồng lên thế chứ
lị ! (Cười ha hả.)
Khuê im lặng.
Bỗng Thìn chạy vào.
THÌN. Anh Khuê
ạ ! Bác thủ kho không chịu xuất đủ phân hoá học.
KHUÊ. Sao lại
thế ?
THÌN. Bác ấy
bảo cà chua cần gì phải dùng đến nhiều đạm thế ?
KHUÊ (quay sang Doành). Cậu thấy chưa ?
THÌN. Chúng em
nói mãi, bác ấy vẫn không chịu. Bác ấy còn bảo, không phải kĩ sư là cái gì cũng
đúng cả.
DOÀNH. Bác ấy
nhất định không chịu xuất đủ à ?
THÌN. Bác ấy
bảo phải đích thân anh Khuê sang kí giấy cam đoan thì bác ấy mới xuất đủ.
KHUÊ (giận dữ). À thế thì được ! Tôi sẽ sang và một trăm tờ giấy cam
đoan tôi cũng kí ! (Định chạy đi.)
Vợ Doành đã vào
từ lúc nào, bây giờ đến giữ Khuê lại.
VỢ DOÀNH. Anh Khuê
! Anh đang nóng, sang không có lợi, để nhà em đi cho. Kìa, nhà nó, mặc cái áo
vào rồi sang bên ấy đi.
THÌN. Nhưng
anh Doành đang ốm.
VỢ DOÀNH. Có ốm gì
mấy đâu ? Anh Khuê ngồi xuống đây, bóc hộ em mấy củ lạc này. (Thấy chồng vẫn đứng yên.) Kìa, nhà nó !
DOÀNH (vội vã khoác áo). Đi, cô Thìn (Chạy ra.)
Thìn nhìn theo.
Khuê còn lại, ngồi bóc lạc rất chậm và vẫn đang suy nghĩ.
VỢ DOÀNH. Từ ngày
anh về, làm ăn có qui củ, bác thủ kho không còn xơ múi được gì đang còn ức sẵn.
Mà bác ta tính nết vũ phu lắm kia, ai cũng phải kiềng. Chỉ nhà em là bác ấy còn
nể sợ đôi chút thôi.
KHUÊ (đứng phắt dậy). Không ! Tôi phải làm cho ra nhẽ mới được. (Chạy vụt đi.)
VỢ DOÀNH (định níu lại nhưng không đựơc). Anh Khuê ! (Sau một chút.) Đến khổ !
Ánh sáng tắt.
Đèn lại chiếu vào Thìn ở giữa sân khấu.
THÌN. Hôm ấy
suýt nữa xảy ra xô xát thật sự. Tôi cũng có mặt ở đấy. Sau đấy anh Khuê ngồi
trên thềm, gục đầu xuống trông thật thảm hại. Tôi thấy thương quá. Mặt mũi tọp
hẳn đi, xạm lại, đâu còn vẻ thư sinh ngày nào. Nhưng cũng tại anh ấy kia... Tôi
rất muốn đến an ủi, nhưng anh ấy sẽ nghĩ gì về tôi ? Anh ấy có coi tôi ra cái
gì đâu ? Một con bé dốt nát.. Đành chỉ đứng sau bụi tre nhìn trộm. Một lát sau
tôi thấy anh ấy từ từ đứng dậy, hình như phải cố gắng lắm mới nhấc nổi thân
mình. Rồi đi về. Lúc này anh ấy cô đơn lắm đây. Giá còn mẹ anh ấy nhỉ ? Nghe
nói bà giáo chiều, yêu anh ấy lắm. Bây giờ anh ấy chẳng có ai... Trong cơn
tuyệt vọng như thế này, con người ta dễ liều một cái lắm đấy. Nhưng dù sao thì
cũng không nên để anh ấy gặp chị Mận hôm đó...
6
Hiện lên nhà chủ
nhiệm Đạt. Buổi chiều gần tối. Mận đang sửa soạn thùng đi tưới rau. Bỗng Khuê
đi ngang qua ngoài bờ rào.
MẬN. Anh Khuê
đi đâu đấy ?
KHUÊ. Cô Mận !
Tưới rau đấy à ?
MẬN. Nhưng
hãy còn sớm. Anh vào chơi đã.
Khuê ngập ngừng rồi
bước vào, dáng mệt mỏi.
KHUÊ. Bác đi
vắng à ?
MẬN. Vâng,
thày em sang thôn Hạ, bảo muộn mới về. (Sau một chút.) Hình như anh không được vui ?
KHUÊ. Tôi cảm
thấy mọi người xung quanh càng ngày càng không hiểu tôi thêm.
MẬN. Cái bác
thủ kho ấy thì anh chấp làm gì ? Ai chẳng biết bác ấy là người thế nào rồi.
KHUÊ. Không
phải chỉ có bác ta. Mà tôi buồn vì ngay cả cậu Doành...
MẬN. Anh
Doành làm sao ạ ?
KHUÊ. Ngay từ
thời đi học và cho mãi đến gần đây, tôi vẫn đinh ninh rằng trong số bạn bè, cậu
ấy là người hiểu tôi nhất và quí tôi nhất.
MẬN. Thế anh
Doành bênh bác ta ạ?
KHUÊ. Không
phải là bênh. Nhưng tôi thấy ra một điều cay đắng. Thì ra ngay cậu ta cũng
không hiểu tôi nốt.
MẬN. Thế bây
giờ anh mới hiểu anh Doành à ? Hẳn nào em cũng cứ lấy làm lạ mãi: Sao anh với
anh Doành lại thân nhau được nhỉ ? Anh thì rộng lượng, hay thông cảm, còn anh
Doành thì hẹp hòi nổi tiếng. Ông ấy mà phê phán ai thì không còn chút tình
nghĩa gì nữa. Em bị rồi, em biết.
KHUÊ (sau một chút). Càng sống mới càng hiểu sao cuộc đời phức tạp đến thế
!
Im lặng.
MẬN. Anh Khuê
này, sao anh không xây dựng đi ? Anh không yêu ai à ?
KHUÊ. Có chứ.
MẬN. Nhưng
đều không thành à ? Tại sao vậy ?
KHUÊ. Tôi
không hiểu nữa. Cũng nhiều cô quí tôi, rất quí là đằng khác, nhưng rồi đều đi
lấy người khác. Có lẽ tại tôi khờ khạo quá thì phải.
MẬN. Không
phải thế đâu, mà bọn con gái chúng em hay như vậy đấy. Quí một người nhưng lại
đi lấy một người khác để rồi về sau ân hận. Hình như người con gái nào cũng
vậy, cứ phải sau khi lấy chồng mới hiểu rõ thực ra mình cần một người chồng như
thế nào.
KHUÊ. Nghe bảo
anh Bổng là người tốt lắm kia mà ?
MẬN. Tôt quá
đi ấy chứ.
KHUÊ. Vậy thì
Mận còn phàn nàn điều gì nữa ?
MẬN. Em có
phàn nàn gì đâu ? À, thế mà anh vẫn chưa biết mặt anh Bổng đấy nhỉ ? Anh ấy về
có mỗi một lần thì lại vội đi, không kịp gặp anh. Anh ấy đúng đắn lắm kia. Hồi
mới cưới, có một lần em rủ anh ấy đi xem văn công, anh ấy bảo: "Anh còn
đang bấn lên về việc cải tiến giáo dục đây, còn bụng dạ nào đi xem văn công
được".
KHUÊ (mỉm cười). Hay anh ấy bận thật ?
MẬN. Thì em
có trách gì đâu. Có điều là từ đấy em thôi không rủ anh ấy đi đâu nữa.
KHUÊ (sau một chút). Cuộc đời rắc rối thật. Cũng chính vì thế mà tôi ngại
lập gia đình đấy.
MẬN. Nam còn
dễ chứ nữ thì không ở vậy mãi được.
KHUÊ. Tôi
không biết cách đối xử với phụ nữ.
MẬN. Ấy thế
mà đứa nào cũng bảo anh chiều phụ nữ.
KHUÊ. Đấy là
chỗ yếu của tôi đấy. (Sau một chút.) Mãi
gần đây tôi mới hiểu đối xử với phụ nữ chỉ có chân thành thôi hoàn toàn không
đủ.
MẬN. Tuỳ
người thôi chứ. Em thì lại thích tình cảm.
KHUÊ. Về đây
tôi lại thấy thêm, cả trong công tác không phải cứ thật thà đã là tốt.
MẬN. Nhưng
anh thích châm chọc người ta làm gì ?
KHUÊ. Ô hay,
sao Mận lại bảo tôi châm chọc ?
MẬN. Ai chẳng
có lòng tự ái. Được khen thì phổng mũi lên, bị chê thì sa sầm mặt xuống.
KHUÊ. Khổ quá
! Nào tôi có khen chê cá nhân ai đâu ? Tôi chỉ phát biểu trên công việc, nhưng
họ cứ cố tình hiểu ra là mình đả kích người này, bênh che người nọ.
MẬN (phá lên cười). Ngày trước em cũng giống anh, thấy gì sai là làm toáng
lên. Bây giờ chẳng nói gì nữa. Thế là không làm ai mất lòng cả. Anh phải rút
kinh nghiệm đi.
KHUÊ. Lại
"rút kinh nghiệm" ?
MẬN. Anh mà
đấu tranh có kết quả thì em tán thành. Đằng này chỉ tổ làm người ta ghét anh
thêm. Thày em cũng có lần phàn nàn với em là anh khắt khe quá đấy.
KHUÊ. Bác chủ
nhiệm cũng có nhận xét thế à ?
MẬN. Ngay đến
em, em vẫn còn ấm ức cái bữa anh mắng em thậm tệ trước mặt cả tổ kĩ thuật đấy.
KHUÊ (sau một chút). Có lẽ Mận nói đúng. Gần đây tôi thấy sợ tất cả mọi
người.
MẬN. Anh thấy
chưa? (Đột nhiên.) Ấy chết ! Em phải đi tưới rau, kẻo
muộn mất rồi.
KHUÊ. Hãy còn
sớm.
MẬN. Nhỡ thày
em về mà thấy rau còn khô nước là sẽ bị mắng đấy.
KHUÊ. Tôi đang
còn nhiều chuyện muốn nói. Ngoài Mận ra, chẳng biết nói với ai. (Sau một chút.) Không biết là mọi người suy nghĩ giản đơn hay mình
phức tạp quá ?
MẬN. Chỉ tại
không hợp nhau đấy thôi. Ngay em với bọn con gái ở đây cũng có hợp nhau đâu. Có
mỗi cái Thìn là thỉnh thoảng em còn trò chuyện. Nhưng hễ cứ vào tâm sự là nó
lại giở cái giọng giễu cợt, em không chịu nổi.
KHUÊ. Cô ấy có vẻ già dặn và bạo mồm thật đấy.
MẬN. Đáo để
nữa chứ. Mẹ mất sớm, bố lấy vợ kế. Thế mà nó làm thế nào bà ta không nói nó
được một câu. Trong bụng cũng chẳng quí gì con chồng, nhưng vẫn phải nể, phải
sợ. Bọn con trai cũng kiềng nó. Vừa mới định ghẹo, nó chỉ nói cho một câu là
các cậu vội lủi đi ngay.
KHUÊ. Thật thế
à ?
MẬN. Nhưng
được cái bụng dạ không có gì. Thôi ! Để hôm khác vậy nhé !
KHUÊ (tiếc rẻ). Hay thế này, mai có đoàn kịch của tỉnh về biểu diễn
bên Thịnh Hoà, ta cùng đi xem rồi nói nốt chuyện tâm sự bỏ dở hôm nay ?
MẬN. Ai nhìn
thấy người ta lại nói cho.
KHUÊ. Ôi dào !
Nghĩ đến những chuyện vặt ấy thì chẳng còn dám làm gì nữa. Với lại chúng mình
quan hệ chính đáng, việc gì mà sợ ?
MẬN. Khốn nổi
người ta có chịu hiểu cho đâu.
KHUÊ (sau một chút). Thôi, tôi về đã nhé. (Ra.)
Mận sắp đem thùng
ra thì Đạt về.
ĐẠT. Bây giờ
con mới tưới rau à ?
MẬN. Vâng ạ.
(Ra.)
Đạt cởi áo, ngồi xuống chõng, mệt mỏi, tư lự.
Xiến xách chai rượu rón rén bước vào.
XIẾN. Bác chủ
nhiệm !
ĐẠT (giật mình) Ai thế ? À, chú Xiến ! Đêm hôm còn đến có việc gì, hả?
XIẾN. Có chai
rượu ngon, uống một mình cũng buồn, đem sang rủ bác cùng nhấp một chút cho vui.
ĐẠT. Tôi
không uống đâu. Mà chú cũng liều liệu đấy. Nghe nói hồi này chú rượu chè rồi ăn
nói lung tung lắm ?
XIẾN (xun xoe). Có đâu? Họ ghét thì họ vu cho thế đấy thôi. (Rót ra chén.) Mời bác !
ĐẠT. Tôi đã
bảo tôi không uống kia mà.
XIẾN (cười nịnh). Có say sưa gì đâu mà lo. (Tự uống trước.) Bác nói đúng, ở đời có cái tình là quí, chứ mọi thứ
khác có giá trị gì đâu ? Hôm nay cần đến mình thì kẻ vồ người vập, ngày mai
không cần mình nữa thì đi ngang qua mặt nhau cũng không thèm chào, lại còn đặt
điều vu cho mình những thứ mà mình không có nữa. Ôi, cũng là sự đời, bác ạ. Để
tâm làm gì cho mệt xác. Kìa uống đi, bác ! Rượu êm đấy chứ !
Đạt lặng lẽ đưa
chén lên môi.
Ngay bác đấy, có công với làng, với xã như thế, mà rồi
bỗng chốc họ lờ hẳn bác đi.
ĐẠT. Có ai lờ
đi đâu ? Tự tôi đấy chứ. Mình không có học. Mà làm ăn bây giờ không học hành,
làm sao nổi.
XIẾN. Vâng,
bác nghĩ thế là đúng, vì bác lo cho dân. Nhưng lẽ ra người ta cũng phải biết
chứ. Có người tưởng được ăn học, ai ngờ lại quá kẻ vô học. Về làng này, được
bác giúp đỡ cho thì mới làm nên công này việc nọ, ấy thế mà bây giờ lên mặt
không còn coi ai ra cái gì nữa.
ĐẠT. Chú ấy
trẻ người non dạ, chấp làm gì ?
XIẾN. Mà làng
mình có số người cũng lạ, chỉ thấy lợi là tối mắt lại. Thấy anh ta nâng sản
lượng lúa lên một ít, thu hoạch ngày công thêm được vài ba cân với mấy hào chỉ
đã vội bốc anh ta lên như ông thánh ông thần. Kì này mà được cái vụ cà chua,
mỗi ngày cộng thêm đồng bạc, rồi lại có thêm vài cái máy phát điện về, mỗi nhà
có thêm cái đèn điện thì không biết anh ta còn lên mặt đến đâu.
ĐẠT. Đừng nói
oan cho chú ấy.
XIẾN. Em có
nói oan cho ai bao giờ đâu. Bác không thấy à ? Đã bắt đầu bắng nhắng rồi đấy.
Cứ làm như chỉ mình anh ta biết kĩ thuật nông nghiệp. Mấy ông đội trưởng mới
ngày nào còn suốt ngày "anh Khuê!" "anh Khuê!" thì bây giờ
cũng chán ngấy ông kĩ sư rồi.
ĐẠT. Đâu có !
XIẾN. Bác chưa
biết chuyện sáng nay à ? Mà phải rồi, lúc ấy bác còn ở bên thôn Hạ. Hiền lành
đến như bác Quý thủ kho mà rồi cũng phải nổi nóng. May anh Doành có ở đấy chứ
không thì xảy chuyện to rồi.
ĐẠT. Chú nói
thế nào, chứ chú Khuê đâu phải người như thế ?
XIẾN. Cũng tại
bác nuông anh ta quá ! Cho nên em mới bảo, chẳng bền đâu.
ĐẠT. Sao lại
chẳng bền ?
XIẾN. Thì bác
biết đấy, cái nghề nông là nó bấp bênh lắm, đừng có mà cậy khôn, cậy giỏi. Thế
nào chẳng đến lúc có sai sót. Đến lúc ấy thì nhưng người xưa nay vẫn nhịn, họ
mới bùng lên và họ tống cổ đi ấy chứ. Giá trước đây thì có người bênh, chứ bây
giờ thì ai ? Hoạ có thằng Doành ! Nhưng nghe đâu thằng ấy cũng chán nốt rồi.
ĐẠT. Làm gì
lại đến mức ấy ?
XIẾN. Chứ còn
gì nữa, bác ? Nhưng bác cứ mặc ! Anh ta đối với bác cũng có ra sao đâu ? Bác
tuy không nói ra, nhưng em là em biết. (Ghé vào tai Đạt thì thầm.) Mà không khéo chỉ nay mai thôi !
ĐẠT. Nay mai
sao ?
XIẾN. Bác
không nhìn trời mấy hôm nay à ? Liệu có cái điềm gì không ? Trời nắng hanh gay
gắt, không có lấy một gợn mây này, gần sáng bắt đầu có mù nhè nhẹ này…
ĐẠT. Thì sắp
có sương muối chứ sao ? Nhưng chú Khuê không thấy à ?
XIẾN. Ấy thế
mới gọi là chủ quan ! Chỉ lo nước, lo phân, lo trừ sâu, quên phứt mất cái khâu
thời tiết. Tha hồ cho quả sai, quả đẹp, chỉ một đêm là ra ma hết ! Ấy đấy, cái
nguy là ở chỗ ấy. Cứ thích làm ăn to. Giá trồng khoai như cũ có phải ăn chắc
không ? Được thì chẳng đựợc nhiều, nhưng mất cũng không trắng tay như thế này.
ĐẠT. Thế thì
phải nhắc chú ấy ngay !
XIẾN (chợt ân hận đã lộ ra ý nghĩ thầm kín). Nhắc làm gì!
Quen cái thói tự quyết đoán, không thèm bàn bạc với ai thì cho chết !
ĐẠT. Không
được ! Đây là tài sản của hợp tác xã. Hơn trăm mẫu, hàng trăm ngàn đồng chứ có
ít đâu ?
XIẾN. Nói trăm
ngàn thì to, chứ chia ra ngày công thì bác tính xem, cũng hơn hào chỉ thôi. Ăn
thua gì !
ĐẠT (vùng đứng dậy). Nhưng cái chính là nếu thất bại vụ cà chua này thì vụ
sau khó mà vận động xã viên làm được cái gì hơn nữa.
XIẾN. Bác còn
định làm gì nữa ạ ?
ĐẠT. Còn điện
khí hoá, cơ giới hoá nữa chứ ! Ơ hay, thế chú cứ muốn giữ mãi cái lối làm ăn
tủn mủn thủ công này mãi à ? Năng suất thấp thế này, làm được bao nhiêu chỉ đủ
cho mỗi bản thân mình, thì lấy cái gì đóng góp với Nhà nước để xây dựng công
nghiệp? Chú không muốn có nhà gác mười mười lăm tầng ư ? Không muốn có đèn
điện, vô tuyến truyền hình ư ? Không
muốn đi ô tô nữa à ?
XIẾN. Kể ra
thì vô cùng. Mà càng giàu có thì càng hư thôi bác ạ. Các cụ xưa đã nói an bần
lạc đạo, nghèo là quý. Với lại thiếu hay đủ là tự trong lòng mình thôi...
ĐẠT (phá lên cười vui vẻ). Ôi, lớp thanh niên trẻ chúng nó nghe thấy chúng nó
cười chết.
XIẾN. Chúng nó
trẻ người non dạ chưa hiểu thì ta phải bảo chúng nó chứ. Nói thật với bác chứ
em ở thành phố rồi em biết. Kể thì có sướng mà lại cũng khổ. Cuối cùng ở quê,
nhà tranh vách đất nhưng nó thoải mái, bác ạ. Ngay cái lối làm việc đúng giờ,
năng suất có lên, nhưng gò bó, chẳng sướng gì đâu.
ĐẠT. Thì ai
bảo sướng ? Nhưng cuộc sống nó cứ tiến lên, mình cưỡng lại sao được ? Mình
không tiến thì tụi trẻ nó bỏ làng đi hết ấy chứ ! À, mà sao lại không sướng nhỉ
? Sướng quá đi ấy chứ. Còn nếu chú không thích thì chỉ là chú đang chán nản
đành phải tự an ủi thế thôi. Chứ ở nhà ngói bao giờ chẳng sướng hơn ở nhà
tranh. Thắp đèn điện bao giờ chẳng sướng hơn thắp đèn dầu ? (Lại cười vui vẻ.) Chà bây giờ tôi mới hiểu cái khó của việc đưa khoa học
kĩ thuật vào sản xuất là ở chỗ nào rồi ?
XIẾN. Vâng.
Nhưng riêng lần này thì bác cứ nghe em. Mặc cho nó chết. Đồ vô ân bạc nghĩa,
giúp nó làm gì ?
ĐẠT. Ấy đây,
cách nghĩ nhỏ là thế đấy, nhìn người ta chỉ thấy những cái vụn vặt mà không
thấy tác dụng to lớn của người ta đối với sản xuất ! Xét người ta chỉ căn cứ
vào yêu ghét chủ quan chứ không chịu nhìn vào trình độ, năng lực để khai thác,
sử dụng cho công việc chung.
XIẾN. Vâng, em
hiểu rồi. Nhưng riêng bận này thì em van bác ! Bác đừng nói gì cho nó biết...
ĐẠT (vui vẻ). Thôi được. Chú cứ về nghỉ đi, khuya rồi.
XIẾN. Nhưng em
cũng xin bác. Vì tình nghĩa bao nhiêu năm nay, bác coi câu chuyện hôm nay như
không có, bác nhé ! (Thấy Đạt vẫn yên lặng,
hắn nghĩ ra được một cách.) À, còn chuyện nữa, em thấy cũng phải nói với bác.
ĐẠT (cau mặt). Lại còn chuyện gì nữa ?
XIẾN. Bác có
hiểu cho, em mới dám nói. Chuyện cô Mận ấy mà, người ta đã lại dị nghị rồi đấy.
ĐẠT. Dị nghị
sao ?
XIẾN. Nghe bảo
cô Mận hay đi họp khuya với cậu Khuê. Chẳng biết có đúng không. Riêng em thì
quả mới gặp có một lần. Hôm ấy cũng đã muộn, khéo đến 10-11 giờ. Hai người đi
với nhau trên con đường vắng ở cuối xóm chùa. Cô Mận thì chắc không có gì,
nhưng dù sao cũng non nớt. Mà thằng kia thì chưa biết thế nào. Sợ đến lúc lỡ ra
thì mang tiếng bác.
ĐẠT (lặng đi, nhưng trấn tĩnh được). Thôi đựơc, chú cứ về đi. (Gọi to.) Mận ơi !
XIẾN. Ấy chết. Bác đừng nóng nẩy thế. Tội là ở thằng kia cả.
Mận vào, tay xách thùng tưới.
MẬN.
Thày gọi con ạ ?
ĐẠT.
Con đưa chú Xiến ra, rồi cài cổng cho chặt vào.
MẬN.
Vâng ạ. (Ra
cùng Xiến, rồi quay vào.)
ĐẠT.
Mận !
MẬN.
Dạ !
ĐẠT. Sao con không chịu lên Huyện thăm chồng ? Anh Bổng lại
mới viết thư về giục đấy.
MẬN.
Sản xuất đang bận thày ạ.
ĐẠT.
Đi vài ngày mà cũng không được à ?
MẬN.
Vâng. Để con thu xếp ạ.
ĐẠT.
Hay con lại giận dỗi gì với nó hẳn ?
MẬN.
Không ạ.
ĐẠT.
Dù sao cũng phải cho tròn bổn phận người vợ.
MẬN
(khó
chịu). Thày thì lúc
nào cũng bổn phận. Thôi được ! Thày cứ yên tâm, con sẽ không làm điều gì khiến
thày phải mang tiếng đâu.
ĐẠT.
Tao thì không cần, nhưng mày thì còn trẻ.
MẬN.
Nếu vậy thày cứ mặc con, con tự lo liệu lấy.
Đạt
im lặng, mệt mỏi đi vào phòng.Mận nhìn theo suy nghĩ.
Ánh
sáng lại tập trung vào Thìn ở giữa sân khấu.
THÌN. Kể cũng tội ! Tính bác Đạt ít nói, nhưng ai cũng phải
thấy trong lòng bác đang chất chứa bao suy nghĩ. Và hôm sau, trong lúc tổ kỹ
thuật chúng tôi đang chọn giống rau ở nhà anh Khuê thì bác đến. Trông vẻ mặt
bác có cái gì rất đáng sợ. Hình như chị Mận lại còn hoảng hốt nữa kia. Nghe bảo
hồi còn hoạt động du kích, bác nổi tiếng gan góc đấy ! Lúc ấy anh Khuê cũng
đang ở đấy…
7
Hiện lên nhà Khuê, bố trí trong một ngôi
chùa. Một cái giường cá nhân, tủ sách, bàn làm việc và một tấm bản đồ ruộng đất
lớn. Tổ khoa học kĩ thuật đang cân hạt giống rau. Khuê ngồi làm việc ở một góc.
CÔ A. Anh Khuê ơi, con Bích nó có ý kiến rất hay. Tối nay cả
tổ ta đi xem rồi về tổ chức tranh luận. Anh sẽ phải giúp chúng em hiểu biết
thêm cả về văn nghệ nữa đấy.
KHUÊ. Tôi có biết gì về văn nghệ đâu.
THÌN. Thấy chưa ? Xem văn nghệ mà đi tập thể?
CÔ B. Mày muốn đi lẻ chứ gì ? Với ai thế, hả Thìn ?
THÌN. Chưa có ai rủ cả.
CÔ A. Thế thì đi mà rủ người ta chứ lị !
CÔ B. Anh Khuê ơi, sao anh không rủ cái Thìn đi ?
KHUÊ. Rất tiếc tối nay tôi lại bận không đi xem được.
CÔ A. Giá có cái anh nhà báo của mày ở đây nhỉ ? Ông ấy mà
cùng đi xem rồi về phân tích cho nghe thì hay biết mấy ! À, mà ông ấy còn viết
thư cho mày không đấy?
THÌN. Tao lại mới nhận được một lá nữa đây này. Muốn nghe
không ?
CÔ B. Thôi, tao xin.
KHUÊ. Cô Thìn ác thế? Không yêu người ta thì thôi, chứ sao lại
đem tình cảm của người ta ra mà giễu thế ?
CÔ A. Anh Khuê chưa biết cái ông nhà báo này đấy. Hồi hợp tác
xã mình làm xong cái máng nổi cũng có nhiều nhà báo về tham quan lắm. Đều là
người đứng đắn cả, chứ có ai trơ trẽn như cái anh nhà báo này đâu? Mới về lúc
chiều, tối đã rủ cái Bích đi chơi, hôm sau cứ kè kè ám em cả một buổi. Ở đây có
bốn ngày mà ông ấy tán tỉnh, ngỏ lời có lẽ với vài chục đứa.
KHUÊ. Thanh niên thích gần phụ nữ thì có gì xấu ?
MẬN.
Với lại cũng còn hơn những người trong bụng thì thèm mà bên ngoài cứ làm ra vẻ
ta đây không cần. Đạo đức giả là thứ tao chúa ghét.
THÌN. Nhưng cứ thấy con gái là xán đến thì chỉ tổ chúng nó
khinh cho thôi. Ít nhất thì cũng phải xem người ta thế nào đã chứ.
MẬN.
Tính toán chi li như thế thì còn gì tình yêu nữa.
CÔ B. Nhưng chỉ trong có mấy ngày mà yêu đến chục đứa thì em
cũng chịu.
CÔ A. À, tối nay chị có đi xem văn công không ?
MẬN.
Tao chẳng đi đâu cả.
CÔ B. Sao lại thế ?
MẬN
(cười
chua chát). Cũng phải
làm ra vẻ đạo đức một chút chứ.
Bỗng ông Đạt vào.
TẤT CẢ. Bác ạ !
KHUÊ. Mời bác ngồi chơi ạ ! (Với các cô.) Các cô đem những cái bao hạt rau
này sang nhà cô Bích cân lại và phơi nốt hộ tôi.
Tất cả bọn con gái chào ông Đạt rồi ra.
ĐẠT.
Chú Khuê có đang bận gì không đấy ?
KHUÊ. Dạ, để lúc khác làm cũng được ạ.
ĐẠT.
Cà chua yên ổn cả chứ ?
KHUÊ. Vâng, cháu đã tính toán cẩn thận lắm, không còn ngại gì
nữa, bác ạ.
ĐẠT.
Chú có cả kế hoạch chống sương muối rồi chứ?
KHUÊ. Mình trồng sớm thế này thì không lo, bác ạ.
ĐẠT.
Ấy chết, thế chú không nhìn thời tiết à ? Sắp có sương muối rồi đấy, chỉ vài ba
hôm nữa thôi.
KHUÊ. Sao bác biết ạ ?
ĐẠT.
Về đoán thời tiết thì tôi có kinh nghiệm rồi. Kiểu nắng hanh thế này, đêm lại
hơi giá thì chỉ dăm ba hôm nữa là nhất định có sương muối.
KHUÊ
(đứng
phắt dậy). Thôi chết
! Đúng rồi. Bác không nhắc cho thì bao công phu của cháu đổ xuống sông xuống
biển hết. Vậy cháu phải đi gặp các đội bàn ngay kế hoạch đối phó. May quá, suýt
nữa ! (Định
chạy ra cửa.)
ĐẠT.
Gì mà chú vội vã thế ? Mai lo cũng kịp chán.
KHUÊ
(lẩm
bẩm). May quá ! Bác
mà không nhắc cho thì chỉ cần qua một đêm là quả dù rất sai, rất đẹp, rất to, cũng
không có giá trị gì nữa, cứng như đá, có hoạ là luộc lên hoặc nấu với cám cho
lợn ăn. (Sau
một chút.) Nhưng tưới
trên một trăm mẫu cùng một lúc ! Gay quá nhỉ !
ĐẠT.
Sao lại gay ?
KHUÊ. Làm thế nào để huy động được số người đông như thế ra
tưới cho hết trong vòng mấy tiếng đồng hồ được bây giờ ?
ĐẠT.
Thế thì có gì là khó ?
KHUÊ. Thú thật với bác, ở hợp tác xã mình, cái khâu huy động
người để thực hiện một biện pháp kĩ thuật nào đấy là rất khó khăn.
ĐẠT.
Tại chú quen bao biện đấy thôi. Chứ nếu biết cách biến cái lo lắng của chú
thành lo lắng chung của tập thể thì có khó khăn nào mà không vượt nổi.
KHUÊ. Đúng, cháu không biết cách tranh thủ ý kiến của tập thể
thật.
ĐẠT. Có gì là
lạ ? Chú quen làm việc bàn giấy, chưa quen làm công tác quần chúng. Thôi được
rồi, sáng mai ta họp ban quản trị và mời mấy đội trưởng đến cùng bàn bạc thì
xong ngay ấy mà. Làm nông nghiệp chỉ giỏi chuyên môn thôi không đủ đâu chú ạ.
KHUÊ. Vâng,
quả là thế. Nhưng sao cháu dốt cái món vận động quần chúng đến thế ?
ĐẠT (mỉm cười). Cũng lại chẳng có gì lạ. Ông giáo Tuệ ngày xưa cũng
thế đấy. Chỉ dạy học thôi, chẳng tiếp xúc với ai. Thành ra bản chất thì tốt
nhưng vụng. Cũng có nhiều người không ưa. Đến khi hoạt động, suốt ngày lăn lộn
với quần chúng, lại trở thành hiểu tâm lí quần chúng hơn chúng tôi nhiều.
KHUÊ. Bác Đạt
! Hôm nay bác cho cháu những lời khuyên bảo quí báu. Thế mà cháu tưởng bác giận
cháu.
ĐẠT. Sao lại
giận chú ? Tôi làm mãi mà hợp tác xã không lên. Chú về giúp cho, sản xuất lên
nhanh vùn vụt, tôi phải biết ơn chú chứ ?
KHUÊ. Nhưng
cháu đã nhiều lúc không phải đối với bác.
ĐẠT. Với cá
nhân tôi thì quan trọng gì. Đảng và nhân dân giao trách nhiệm cho tôi lãnh đạo
cái hợp tác xã này. Đâu phải vì tư tình mà dám làm sai được ? À, nghe nói chú
có ý định không ở lại đây nữa phải không ?
KHUÊ. Ai nói
với bác thế ạ?
ĐẠT. Tôi
không nhớ có ai nói không, hay tự tôi đoán thấy. Nhưng như thế không nên chú ạ.
Tuổi trẻ là dễ kiêu và dễ nản. Cả hai thứ đều sai, nhưng kiêu thì còn tha thứ
được, chứ nản thì không tha thứ được đâu.
KHUÊ. Nhưng
thưa bác, tính cháu nỏng nẩy thành ra bị nhiều người không ưa quá rồi.
ĐẠT. Ai không
ưa thì ta làm cho người ta ưa lại chứ. Thế hễ cứ làm mất lòng ai là lại không
chơi với người ấy nữa à ? Như thế thì cuối cùng chú còn chơi được với ai ? Hay
là đóng kín cửa lại, ngồi một mình ? (Cười vui vẻ.) Chú
thế mà còn trẻ con nhỉ ? Giống như tôi hồi bé, đi học, nhà thì nghèo mà mỗi lần
rây một vết mực ra vở lại vứt đi, vòi mẹ cho tiền mua vở mới. Lúc đầu nắn nót
cẩn thận lắm, nhưng chỉ cần lỡ rây một vết bẩn nhỏ là đã lại vứt đi. Thành thử
chẳng quyển vở nào viết được đến hết. Có lẽ học sinh lớp một đều như thế cả.
Nhưng lớn tuổi mà vẫn giữ tật ấy thì chẳng làm được việc gì hoàn hảo đâu.
KHUÊ. Sao bác nói
đúng thế !
ĐẠT. Với lại
không ai để bụng những thiếu sót của chú như chú tưởng đâu !
KHUÊ (mừng rỡ). Có thật thế không ạ ?
ĐẠT (cười). Chi bộ phải có trách nhiệm với các chú chứ. Vì mặc dù
các chú còn điểm này điểm nọ, nhưng tương lai thuộc về các chú, lớp người trẻ
và nhất là những người làm chủ được khoa học kĩ thuật, dám nghĩ dám làm.
KHUÊ. Không
phải. Bây giờ cháu mới hiểu. Các bác mới là những người không bao giờ có thể
thiếu được.
ĐẠT (lại cười). Cũng còn có tác dụng, nhưng chẳng được lâu lắm nữa đâu.
KHUÊ (sau một chút, xúc động). Cảm ơn bác ! Cảm ơn bác quá !
ĐẠT (cười). Các chú bây giờ Tây học, cứ hơi một tí thì cảm ơn. Dân
mình chưa quen tác phong ấy đâu. Dùng ít chứ kẻo người ta bảo khách sáo đấy.
Thôi, tôi về đã nhé !
KHUÊ. Vâng ạ.
Vậy sớm mai bác triệu tập họp chứ ạ?
Đạt ra.Khuê còn lại một mình, bàng hoàng, sung sướng.
Mận chạy vào lo lắng.
MẬN. Thày em
nói gì với anh đấy?
KHUÊ (không trả lời câu hỏi, vẫn lẩm bẩm). Đáng quí thật
! Đáng quí thật !
MẬN. Kìa anh
! Thày em không nói gì đến em à?
KHUÊ. Nói gì ?
MẬN. Có kêu
ca gì về em không ?
KHUÊ. Bác
không đến nỗi phong kiến như chúng mình tưởng đâu, Mận ạ !
MẬN. Nhưng
thày em nói về em thế nào ?
KHUÊ. Chẳng
nói thế nào cả.
MẬN. Nghĩa là
sao ?
KHUÊ. Nghĩa là
chẳng nói đến Mận chút nào hết.
MẬN
(sung
sướng). Thật thế ư,
anh ?
KHUÊ. Mận cũng như tôi, chúng mình vẫn cứ đánh giá sai bác. Vả
lại, chúng mình chính đáng thì có gì mà sợ? Tối nay ta cứ đàng hoàng đi xem với
nhau.
MẬN.
Em vẫn ngài ngại..
KHUÊ. Đừng ngại gì hết. Đầu óc tôi đang có bao điều muốn bàn
bạc với Mận, muốn tâm sự... Thôi, ta quyết định thế này nhé ? Mận về sửa soạn
đi. Đúng sáu giờ tôi sẽ sang rủ Mận đi.
MẬN
(sau
một chút). Cũng được.
(Chạy
ra.)
Khuê vui vẻ huýt sáo và lau xe.Thìn chạy
ngang qua.
KHUÊ. Cô Thìn! Chạy đi đâu thế?
THÌN. Em đi giả cái cân ! Anh sửa soạn đi đâu thế ? À, chắc là
đèo người yêu đi xem văn công.
KHUÊ
(giật
mình). Người yêu nào
?
THÌN. Em có biết người yêu của anh là ai đâu ?
KHUÊ. Sao cô lại bảo tôi đèo người yêu ?
THÌN
(mỉm
cười). Em đoán thế !
(Đột
nhiên.) Chết, hình
như anh có vẻ không bằng lòng thì phải ? Em nói đùa ấy mà ! Em xin lỗi vậy ! (Định ra.)
KHUÊ. Cô Thìn, cho tôi hỏi một câu đã.
Thìn đứng lại.
Cô nói đùa
thế không nên. Giữa tôi với cô Mận có gì đâu?
THÌN
(ngạc
nhiên). Thì ra anh đi
xem với chị Mận ? Quả tình em không biết. Nhưng nếu thế thật thì em can.
KHUÊ. Tại sao ?
THÌN. Vì anh Bổng là người rất tốt. Anh không có quyền làm khổ
anh ấy.
KHUÊ. Sao cô lại nghĩ thế ? Giữa tôi với Mận chỉ là tình bạn.
THÌN. Em không tin.
KHUÊ. Cô cho rằng không có tình bạn trong sạch giữa nam và nữ
được à ?
THÌN
(quả
quyết). Không !
KHUÊ. Không ngờ cô còn phong kiến đến thế !
THÌN. Giữa nam nữ có thể có quan hệ công tác, quan hệ học tập,
nhưng nếu đã thành bạn tâm tình thì nhất định sẽ dẫn đến tình yêu. Mà chị Mận
lại có anh Bổng rồi. Nếu anh thực tình quí chị Mận thì anh phải giúp chị ấy
thấy được giá trị của anh Bổng và quay về với anh ấy chứ ? Sao anh lại làm cho
họ xa cách nhau thêm ?
KHUÊ. Ơ hay, cô nói gì lạ chưa ?
THÌN. Anh thì có thể là vô tư. Nhưng chị Mận là phụ nữ, lại
đang thắc mắc với chồng.
KHUÊ. Cô Thìn !...
THÌN. Mà anh cũng phải nghĩ đến bản thân anh chứ. Anh công tác
đang kết quả. Uy tín đang lên. Lỡ xảy ra chuyện gì thì đáng tiếc biết chừng nào
? Không ! Em không cho anh được đi với chị Mận đêm nay. Anh là người rất tốt.
Anh phải được hưởng một hạnh phúc thật sự và đàng hoàng mới chính đáng. Với lại
em, em rất quý anh. Em rất không muốn anh gặp phải những điều không hay. Không
! Em kiên quyết không cho anh đi chơi với chị Mận đêm nay. Em... (Bỗng ngừng bặt lại.)
KHUÊ. Cô Thìn, cô nói nốt đi chứ.
THÌN. Mà thôi ! Em nói nữa thì anh sẽ hiểu sai em mất ! (Xấu hổ chạy vụt đi.)
KHUÊ. Đứng lại đã ! Cô Thìn ! (Bàng hoàng nhìn theo
rồi từ từ ngồi xuống ghế gục đầu suy nghĩ.)
Trời tối dần. Mận đến, khá diện.
MẬN.
Đi đi, anh ! Kẻo muộn mất rồi.
KHUÊ. Tôi không đi được.
MẬN.
Sao lại thế ?
KHUÊ
(sau
một chút). Tôi đã
nghĩ kĩ rồi, Mận ạ. Chúng mình không nên đi chơi với nhau tối hôm nay.
MẬN.
Thì ra anh sợ dư luận.
KHUÊ. Không phải thế. Nhưng chúng mình nên dứt khoát tình cảm
với nhau, Mận ạ. Mận cũng đừng nên thành kiến với anh Bổng vội.
MẬN.
Ơ hay, sao lại dính đến anh Bổng vào đây? Còn việc đi chơi tối nay là chính anh
rủ em đấy chứ!
KHUÊ. Nhưng...
MẬN.
Thôi được. Em hiểu rồi. Thì ra đàn ông họ giống nhau hết. Họ chỉ nghĩ đến họ
thôi, ích kỉ, giả dối tất ! (Giận dữ, chạy nhanh ra.)
KHUÊ. Mận ! Nghe tôi nói đã ! (Định chạy ra nhưng
nghĩ thế nào lại ngồi xuống ôm đầu.)
Ánh sáng lại tập trung vào Thìn giữa sân
khấu.
THÌN. Sau hôm ấy, mối quan hệ giữa anh Khuê, chị Mận với tôi
bỗng thành căng thẳng mới nguy chứ. Chị Mận giận anh Khuê ra mặt, anh Khuê thì
lại hay đến tìm tôi. Còn tôi thì cố tránh mặt cả hai người. Tôi cứ cảm giác
mình có tội, đã gạt anh Khuê ra khỏi tay chị Mận. Nhưng nghĩ cho kĩ thì tôi có
tội gì đâu ? Nếu chị Mận thực sự yêu anh Khuê thì sao không li dị chính thức
với anh Bổng đi ? Dù sao cũng không thể ngồi ba người với nhau, thẳng thắn
trình bày được. Chuyện tình cảm sao không đưa ra tranh luận như chuyện sản xuất
được nhỉ ? Giữa lúc ấy thì chồng chị Mận về. Bà con chưa gặp anh Bổng, hiệu
trưởng Trường cấp ba huyện ấy lần nào nhỉ? Anh ấy về vào đúng một ngày vui lớn
của hợp tác xã. Xã lại quyết định làm giúp vợ chồng anh Doành cái nhà...
8
Lại
hiện lên nhà Doành. Ngôi nhà trước xây dở bây giờ đã đứng sừng sửng ở một góc
sân khấu, ló ra ngoài chiếc đầu hồi và hàng ngói đỏ tươi. Góc bên này vẫn còn
gốc mít. Giữa sân khấu một tốp xã viên đến làm giúp nhà, đang ngồi nghỉ. Mận và
vợ Doành đem nước ra mời họ.
VỢ DOÀNH. Mời các bác sơi nước.
XÃ VIÊN A. Chị xem chúng tôi làm cái nhà có sơ suất chỗ nào không,
để chúng tôi bổ khuyết?
VỢ DOÀNH. Dạ, đẹp lắm rồi ạ. Chỉ có điều là...
XÃ VIÊN A. Nền còn thấp quá chứ gì?
VỢ DOÀNH. Không ạ, chỉ có điều là...
XÃ VIÊN C. Là gì,
chị?
VỢ DOÀNH. Là nhà
to quá, chúng em không ở hết ạ.
XÃ VIÊN A. Chị sợ
phải quét chứ gì? (Cười vui vẻ.) Thì ra con
người ta ở đời sức làm có hạn đã đành, mà sức hưởng cũng có hạn, phải không,
các bác?
Tất cả cùng cười.
XÃ VIÊN C. Nhưng
chị yên tâm. Nhà chị còn phải kiêm cả câu lạc bộ nữa đấy. Cho nên chị không
phải quét một mình đâu.
VỢ DOÀNH. Cho nên
hôm nọ bác chủ nhiệm bảo tạm dùng nhà em làm câu lạc bộ, em mừng quá, lại muốn
cứ là câu lạc bộ mãi ấy chứ ạ.
XÃ VIÊN B. Câu bác
Ích nói lúc nãy tôi chưa chịu.
XÃ VIÊN A. Câu gì
nhỉ?
XÃ VIÊN B. Bác nói
con người ta ở đời sức làm có hạn đã đành, mà sức hưởng cũng lại có hạn. Sức
làm thì tôi chịu là có hạn, còn sức hưởng thì, ôi chao, không biết thế nào cho
nó vừa.
XÃ VIÊN A. Thế tôi
hỏi, mỗi bữa bác ăn được bao nhiêu gạo ? Ừ thì bác ăn khoẻ, cũng được một kí
chứ gì? Nếu hai kí, bác có chén hết được không ?
XÃ VIÊN B. Nếu chỉ
nấu thành cơm thì tám lạng tôi cũng chẳng ăn hết. Nhưng sao không chế biến đi?
XÃ VIÊN A. Bác bảo
giã ra làm bánh chứ gì ?
XÃ VIÊN B. Làm bánh
thì cũng vẫn khó trôi. Có cách này thì khéo đến một yến cũng hết.
TẤT CẢ (nhao nhao). Một yến ? Cách gì vậy ?
XÃ VIÊN C. À, tôi
nghĩ ra rồi. Nấu thành rượu chứ gì?
XÃ VIÊN B (cười). Đúng !
TẤT CẢ. - Ừ, mà có
thế thật !
- Hay! Giỏi đấy!
XÃ VIÊN A. Nhưng
sao tôi vẫn thấy cái lí của bác nó cứ vô lí thế nào ấy. A, kìa! May quá, có ông
Hiệu trưởng trường cấp ba huyện mới về chơi, phải nhờ phân giải hộ mới được.
Bổng vào. Đấy là
một thanh niên chừng 30 tuổi, mặt vuông, chất phác nhưng lại có vẻ con người có
nhiều suy nghĩ về cuộc sống.
BỔNG. Chào các
bác !
XÃ VIÊN A. Này, anh
Bổng ạ. Lúc nãy tôi bảo, con người ta ở đời sức làm có hạn đã đành, mà sức
hưởng cũng có hạn. Nhưng bác Hựu chưa chịu.
XÃ VIÊN B. Tôi bảo
sức làm thì có hạn chứ sức hưởng thì chẳng có giới hạn nào hết.
BỔNG (cười). Cả sức làm lẫn sức hưởng đều không có giới hạn nào
hết.
TẤT CẢ (nhao nhao). Sao lại thế?
BỔNG. Hãy nói
sức làm trước. Bác thợ cầy nào giỏi nhất, trâu khoẻ, lại ruộng đất cát, một
buổi cũng chỉ cầy được tới một mẫu là cùng chứ gì ?
XÃ VIÊN B. Chỉ tám
sào thôi.
BỔNG. Thế
nhưng không cầy bằng trâu mà cầy bằng máy thì dăm bảy mẫu là dễ dàng. Đúng
không ạ?
XÃ VIÊN A. Đúng !
BỔNG. Ấy là
chưa kể, sau này người ta còn nghĩ những thứ máy tối tân, chỉ cần một người mỗi
ngày có thể cầy hàng trăm, thậm chí hàng ngàn hec-ta nữa ấy chứ !
TẤT CẢ (gật gù, thán phục). Mà quả có thế thật !
BỔNG. Sức
hưởng cũng vậy. Cho nên nếu chúng ta cho rằng tăng đời sống lên đến ba kí thịt,
năm kí cá một tháng, mỗi gia đình có năm gian nhà ngói với một cái sân gạch đã
là đủ lắm rồi thì lầm to. Chính vì loài người cứ đòi hưởng nhiều thêm, cho nên
mới tìm đủ mọi cách nghĩ ra thứ máy này máy nọ để tăng sức làm lên đến không
biết đâu là giới hạn.
TẤT CẢ. Chịu !
Ông hiệu trưởng nói chí lí thật !
XÃ VIÊN B. Chắc ông
đọc nhiều sách lắm nhỉ ? Có đến một ngàn cuốn không, ông ?
XÃ VIÊN C. Một ngàn
là thế nào ? Phải đến hàng vạn cuốn ấy chứ, phải không, ông hiệu trưởng?
XÃ VIÊN A. Chà,
được nghe chuyện người giỏi giang cũng sướng.
XÃ VIÊN B. Nhưng
giỏi giang ở đâu chứ, ở nhà với vợ thì lại đụt không biết chừng, phải không, cô
Mận?
XÃ VIÊN C. Nhưng
thôi, ta quét vôi cái trái nhà rồi dọn dẹp nốt cho xong, kẻo cũng muộn rồi.
Trong khi chưa có cái máy làm nhà thì sức làm của anh em mình vẫn còn có hạn
lắm.
Tất cả mọi người cười rộ lên rồi đứng dậy.
VỢ DOÀNH. Các bác
xơi nước đi đã.
XÃ VIÊN B. Lúc nào
ông Bổng phải nói chuyện cho chúng tôi nghe đấy. Chưa được sướng cái dạ dày thì
sướng cái tai cũng đỡ, phải không, các bác ?
Họ cười đùa ồn ào kéo ra. Còn lại Bổng và Mận
Mận định chạy đi.
BỔNG. Mận !
MẬN (đứng lại). Dạ ?
BỔNG (sau một chút). Người ta đã kể cho anh nghe nhiều chuyện về Mận. Nhưng
anh chưa tin và anh muốn hỏi thẳng Mận, Mận có thể cho anh biết được không?
MẬN (khó chịu). Người ta nói đúng đấy !
BỔNG. Cả
chuyện với anh Khuê nữa ?
MẬN. Cũng
đúng !
BỔNG (choáng váng). Nhưng Mận đã suy nghĩ kĩ chưa, mà đã...
MẬN. Em chẳng
cần suy nghĩ gì cả. (Nhìn ra xa.) Mà
thôi, anh đừng nói nữa. Có người đến kia kìa !
Doành vào, vui
vẻ.
DOÀNH. Chào hai
vợ chồng trẻ !
MẬN. Em không
thích anh đùa thế đâu !
BỔNG (bắt tay Doành). Nghe bảo anh đi lấy máy phát điện ?
MẬN. Thế bao
giờ có đèn điện hở anh?
DOÀNH. Cô thì
chỉ đèn ! Ưu tiên là phục vụ sản xuất đã chứ : Máy xay này, máy xát này, máy
bơm này...
MẬN. Ôi, thế
mà em cứ tưởng kì này có đèn điện !
DOÀNH. Rồi sẽ
có. Tôi mang về đủ cả dây, bóng đèn, công tắc. Bây giờ lắp đèn cho câu lạc bộ
đã.
MẬN. Anh nói
chuyện với anh Bổng nhé ! Em xin phép ! (Chạy ra.)
DOÀNH (với Bổng). Thế nào ?
BỔNG. Tôi cũng
không ngờ cô ấy lại đến mức ấy.
DOÀNH. Anh gặp
Khuê chưa ?
BỔNG. Gặp rồi.
Anh Khuê thì tôi rất hiểu...
DOÀNH. Cô Mận
cũng thế thôi, nhưng anh phải tế nhị mới được.
BỔNG. Tôi e
khó mà hàn gắn được.
Đạt và Khuê vào.
DOÀNH. Bác Đạt
ạ ! Cà chua của mình chất lượng rất cao. Công ty xuất khẩu họ bảo sẽ gửi giấy
khen đến đấy. (Vỗ vai Khuê.) Cà chua của
cậu đạt tiêu chuẩn quốc tế đấy.
KHUÊ. Sao lại
của mình ?
ĐẠT (cười). Nói thế cũng có sao đâu ?
CHỊ ĐỆ (chạy vào). Bác Đạt ! Họp huyện vấn đề gì thế bác ?
ĐẠT. Đưa máy
kéo về các hợp tác xã. Chà, kì này bộ mặt nông thôn mình sẽ thay đổi ra trò đây
! Thím Đệ ạ, ra giêng liệu thím có thu xếp gia đình để đi với tôi tham quan mấy
hợp tác xã thí điểm về cơ giới hoá được không?
CHỊ ĐỆ. Gia đình
em có gì đâu ? Các cháu lớn cả rồi.
ĐẠT. Chỉ sợ
tết năm nay chú ấy lại về phép cho độ một tháng thôi !
Tất cả cùng cười.
Tốp xã viên giúp xây nhà kéo vào.
TẤT CẢ. Bác chủ
nhiệm xem cái nhà chúng tôi làm thế nào ?
ĐẠT (cười). Đẹp lắm. À mà thợ của ta cũng khá đấy chứ nhỉ ? Chú
Doành ạ, kì này ta tổ chức một đội xây dựng chứ ? Hợp tác xã ta còn phải thanh
toán nốt gần chục ngôi nhà tranh còn sót lại đấy.
XÃ VIÊN A. Bác Đạt
ạ, tôi bắt đầu thấy tương lai đang đến gần rồi.
XÃ VIÊN B. Tương
lai thì chưa biết, chỉ biết lúc này đang đói. (Gọi to.)
Bà chủ ơi ! Có cho thợ ăn không nào ?
VỢ DOÀNH (chạy vào, hớn hở).
Xong rồi ạ ! Mời các bác đi rửa tay thôi ạ.
XÃ VIÊN C. Có chất cay không đấy, bà chủ ?
VỢ DOÀNH. Dạ, có đấy. Nhưng rượu cam thôi ạ.
XÃ VIÊN B. Rượu là sai rồi, phải không, bác chủ nhiệm ?
ĐẠT
(cười). Hôm nay ăn mừng, vừa thu hoạch cà
chua, vừa hoàn thành nhà mới cho thương binh, được thôi.
VỢ DOÀNH. Nhà nó mời luôn cả bác chủ nhiệm với anh Khuê, anh Bổng vào luôn.
ĐẠT.
Thím chẳng phải mời. Ta vào đi, các chú !
Tất cả vui vẻ kéo
ra.
Sân khấu trống
một lát. Có tiếng cười nói vọng vào. Trời tối dần. Mận vào, buồn bã đến gốc
mít, đứng nghĩ ngợi.
THÌN (chạy vào). Chị Mận ơi, chị Mận!
Mận lùi vào sau
gốc mít, không muốn Thìn nhìn thấy mình.
Chị Mận ơi ! Ới chị Mận !
KHUÊ (vào). Gì đấy, cô Thìn ?
THÌN. Anh có
nhìn thấy chị Mận đâu không ?
KHUÊ. Có việc
gì gấp à ?
THÌN. Không ạ.
KHUÊ. Vậy để
mai cũng được. Cô Thìn này !
THÌN. Dạ ?
KHUÊ. Tôi muốn
nói với Thìn một câu chuyện.
THÌN (ngây thơ). Chuyện gì thế ạ ?
KHUÊ. Hôm nọ,
sau lúc Thìn về rồi, tôi bổng hiểu ra rằng...
THÌN (hốt hoảng). Anh đừng nói nữa. Em phải về đây.
KHUÊ. Thìn
không muốn nói chuyện với tôi sao ?
THÌN. Không
phải thế. Nhưng... (Trấn tĩnh lại được.) Ai lại
nói ở đây kia chứ ?
KHUÊ. Thế tôi
phải nói ở đâu ?
THÌN. Ở đâu
cũng được, nhưng... như bên nhà em chẳng hạn.
KHUÊ. Thế ta
về nhà Thìn đi !
THÌN. Tối nay
em lại bận mất rồi. Anh quên sắp sinh hoạt câu lạc bộ à ?
KHUÊ. Ừ nhỉ !
Nhưng sau đấy ?
THÌN. Sợ khuya
quá ! Mà thôi, cũng được... (Chạy ra.)
KHUÊ. Cô Thìn
! (Chạy ra theo.)
Mận còn lại một mình, ngồi xuống gốc mít, ôm đầu buồn bã.
Bổng vào, thấy vợ, bước từ từ lại gần.
BỔNG. Mận ! Em
làm sao thế?
MẬN (sẵng). Không sao cả ! Anh mặc em !
Bổng ngập ngừng
rồi định đi thì Mận khóc nức nở.
BỔNG (quay lại, bước đến gần). Có chuyện gì thế em?
MẬN (qua nước mắt). Anh giận em lắm phải không ?
BỔNG. Sao lại
giận ?
MẬN. Lúc nãy
em nói với anh mấy câu hơi quá đáng.
BỔNG. Anh hiểu
chứ.
MẬN. Với anh
Khuê, em chỉ là bạn. Chuyện ngày xưa em kể hết với anh rồi, đến nay vẫn chưa có
gì hơn. Thực ra, có lúc vì giận anh, em đã thoáng có ý nghĩ... Cũng may chưa
xảy ra chuyện gì. Dù sao cũng vẫn là có lỗi với anh.
BỔNG. Mận có
lỗi không phải với anh.
MẬN (ngạc nhiên). Vậy em có lỗi với ai ?
BỔNG. Với
chính bản thân Mận.
MẬN. Anh nói
gì, em chưa hiểu.
BỔNG. Xã hội
đã được giải phóng. Mỗi chúng ta đều có toàn quyền quyết định cuộc đời mình. Vì
vậy nếu ai lỡ phải chịu đau khổ thì chỉ có thể trách bản thân mình thôi.
MẬN. Nghĩa là
anh không trách gì em cả ?
BỔNG. Anh có
quyền gì đâu ? Mà nếu trách thì chỉ có thể tự trách anh, là đã không biết cách
gìn giữ tình yêu.
MẬN (càng ngạc nhiên). Em vẫn chưa hiểu ! Nói như anh thì không ai có lỗi với
ai cả hay sao ?
BỔNG. Có chứ.
Chúng ta có trách nhiệm đối với xã hội kia mà ? Toàn xã hội và bản thân mình.
Không phải với riêng một cá nhân nào hết.
MẬN. Nghĩa là
ai muốn làm gì cứ làm ?
BỔNG. Đúng.
Nhất là trong lĩnh vực tình cảm. Muốn ép buộc cũng không nổi, phải không, em ? Tuy nhiên...
MẬN. Sao ạ ?
BỔNG. Tình cảm
không ép buộc được nhưng lại có thể hướng dẫn. (Sôi nổi.) Mà anh rất yêu Mận, anh không muốn chỉ vì vội vã, hấp
tấp, nông nổi mà em quyết định một điều gì đó để đến nỗi về sau phải ân hận !
Nói thế có phải là coi thường em không ?
MẬN. Không
đâu !
BỔNG. Nhiều
người có quyền tự do trong tay, nhưng không biết cách sử dụng nên đã dại đột tự
làm khổ mình... Cho nên muốn xứng đáng là người tự do không dễ dàng gì. Trước
hết, phải có gan dám vứt bỏ mọi tàn tích của lối nghĩ nô lệ đang còn sót lại
trong đầu óc mỗi chúng ta. Phải biết làm chủ bản thân mình... Ngày xưa một kẻ
tàn ác thì làm hại người khác, còn bây giờ thì hắn làm hại chính bản thân hắn.
Cho nên muốn được sung sướng phải tránh xa mọi thói xấu ích kỉ, lười biếng,
tham lam, dối trá... Anh không biết nói cách nào cho em dễ hiểu hơn.
MẬN. Em hiểu
chứ! (Tỉnh ngộ.) Đúng ra thì bây giờ em mới bắt đầu hiểu anh. Ôi ! Lấy
nhau hai năm trời rồi mà em chưa hề tìm hiểu anh. Muộn quá, phải không anh ?
BỔNG (mỉm cười). Có đôi vợ chồng sống với nhau đến đầu bạc, răng long
mà vẫn chưa hiểu nhau nữa là. Vì họ có chịu tìm để hiểu nhau bao giờ đâu !
MẬN. Nghĩa là
em vẫn còn khá hơn họ?
BỔNG. Chúng ta
xây dựng một xã hội công bằng. Hạnh phúc thực sự chỉ đến với những ai biết lao
động quên mình và tôn trọng mọi người khác.
MẬN. Nhưng
mấy ai đã hiểu ra được như thế ?
BỔNG. Rồi họ
sẽ hiểu. Mà cũng chẳng bao lâu nữa đâu. Em có tin là như thế không ?
MẬN. Tin chứ
! (Nhìn chồng cảm phục.) Anh có nhiều ý
nghĩ hay như thế mà sao không hề nói với em? Anh nói nữa đi !
BỔNG (mỉm cười). Chỉ sợ em không muốn nghe thôi.
MẬN. Muốn
chứ. Em rất muốn nghe là đằng khác !
BỔNG (nhìn vợ trìu mến). Nhưng muộn rồi. Ta về thôi.
Họ đi ra lặng lẽ.
Bỗng Mận níu tay chồng lại.
MẬN. À, anh
biết sao Thần Nông ở đâu không ?
BỔNG. Em hỏi làm gì?
MẬN. Trước đã
có người chỉ cho em, nhưng em quên mất. Mấy lần định hỏi anh, nhưng thấy anh
bận lại thôi.
BỔNG (nhìn lên
trời). Ở đây không nhìn rõ. Vướng cái mái nhà. Lát nữa ra bờ ao
sẽ thấy ngay.
Khuê vào, thấy vậy nép một góc nghe.
MẬN. Sao lại
gọi là sao Thần Nông anh nhỉ ?
BỔNG. Vì chòm
sao ấy giống hình người, một viên quan, có cả cân đai, mũ miện cẩn thận.
MẬN. Là em
hỏi ông Thần Nông ấy chứ ?
BỔNG. Thần
Nông là ông thần trên trời cai quản việc đồng áng dưới trần. Được mùa hay mất
mùa đều do ông ấy cả. (Mỉm cười.) Ngày
xưa các cụ cho mọi sự đều tại Trời, còn bây giờ chúng ta lại cho mọi sự đều do
con người, do chính bản thân chúng mình.
MẬN (hóm hỉnh). Không. Vẫn tại Trời.
BỔNG (ngơ ngác). Sao lại tại Trời ?
MẬN. Nếu
không tại Trời thì sao anh lại quen em và yêu em?
BỔNG (chợt hiểu, định ôm vợ âu yếm). Em !
MẬN (gỡ tay chồng ra, xấu hổ) Ra bờ ao xem Sao Thần Nông đi !
Họ ra.
Còn lại Khuê một mình mỉm cười tư lự.
DOÀNH (chạy vào). Khuê ! Sao đang ăn cậu lại bỏ đi? Lại nghĩ ngợi cái gì
mà đứng một mình thế này, hả ?
KHUÊ (nhìn bạn trìu mến). Mình no rồi.
DOÀNH. Này buồn
cười, vừa rồi có người hỏi mình một câu thật oái oăm: Kì này mắc điện cho các
gia đình, thế có mắc cho nhà ông Xiến không ?
KHUÊ. Cậu trả
lời thế nào ?
DOÀNH. Mình
lúng túng chưa biết trả lời ra sao.
KHUÊ. Chẳng lẽ
cả làng thắp điện sáng trưng lại để riêng nhà ông ấy đèn dầu tù mù hay sao ?
DOÀNH. Ờ nhỉ! (Sau một chút.) Nhưng nếu thế thì người tốt người xấu cuối cùng đều
được hưởng thành quả của cách mạng ư ?
KHUÊ. Hẹp hòi
làm gì ? Với lại chúng mình chiến đấu và sản xuất đâu phải chỉ để riêng cho
chúng mình.
DOÀNH. Đúng.
Cậu nói đúng ! Thế mà mình nghĩ không ra. Cậu nghĩ rộng thật đấy. Mà thế là rất
đúng.
Bỗng đèn điện
trong câu lạc bộ bật sáng. Tiếng reo hò ầm ĩ: "Điện, điện! Bà con
ơi!"
Đám đông xã viên
ồn ào kéo ngang qua sân khấu về phía câu lạc bộ.
DOÀNH. Chà,
Khuê ạ ! Cuộc sống mới đang vùn vụt kéo tới. Cậu có mừng không?
KHUÊ (mỉm cười). Có mừng mà cũng có lo...
Tốp con gái kéo
vào, có cả Mận, Thìn và Bổng.
BỔNG. Vào câu
lạc bộ đi, hai anh ?
Họ chạy vào.Còn
Khuê và Thìn.
KHUÊ. Cô Thìn
!
THÌN. (hoảng hốt). Ơ hay ! Anh có đi đi không ? Người ta nhìn thấy bây
giờ...
KHUÊ. Nhưng tôi...
THÌN
(hốt
hoảng). Anh có đi ngay
không ?
Khuê
miễn cưỡng ra đi. Thìn mỉm cười nhìn theo.
Ánh
sáng lại tập trung vào Thìn.
THÌN. Hai ngày sau anh ấy ngỏ lời. Bốn tháng sau thì cưới.
Chuyện tại sao tôi lại lấy một kĩ sư chỉ là như thế. Tất nhiên mỗi tình yêu đều
còn phải trải qua nhiều thử thách. Nhưng
không hiểu sao, tôi có cảm giác chúng tôi vẫn sẽ vượt qua được hết.
Còn
hợp tác xã thì từ ngày ấy thay đổi hẳn bộ mặt và bây giờ đã hoàn thành đủ mọi
khâu để chờ bước vào giai đoạn cơ khí hoá.
Đêm
đã khuya, xin cảm ơn bà con đã chịu khó ngồi nghe câu chuyện nhàn nhã này. Chúc
bà con một đêm ngủ ngon và mơ toàn những giấc mơ đẹp !
HẾT
1974
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét