Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2016

LỜI NHÀ XUẤT BẢN



LỜI NHÀ XUẤT BẢN


         Giữa những nhà hoạt động nghệ thuật sân khấu đương đại, anh Vũ Đình Phòng giữ một vẻ khiêm nhường, lặng lẽ. Tên anh ít xuất hiện trên các băng rôn quảng cáo hay panô dựng trước các nhà hát. Anh ít gặp gỡ các phóng viên báo, ít trả lời các phỏng vấn, ít có mặt ở các hội thảo để đọc các tham luận. Anh gần như mai danh ẩn tích giữa một hoạt động nghệ thuật thường bao giờ cũng cần đến ánh đèn màu và những tiếng vang vọng.

         Tham gia cách mạng từ khi còn ở tuổi thiếu niên, là liên lạc nội thành Hà Nội. Năm mười sáu tuổi gia nhập quân đội, trở thành anh bộ đội Cụ Hồ, và đi cho đến kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp… Vào những năm 60, xét khả năng và nguyện vọng, được cử sang tu nghiệp tại một học viện sân khấu, uy tín ở Maxcơva, khoa đạo diễn… Có thể nói, con đường của nhà hoạt động sân khấu Vũ Đình Phòng là một trong những điển hình cho con đường của nhiều nhà hoạt động nghệ thuật Việt Nam đương đại. Chính thế hệ nghệ sĩ này đã hình thành vững chắc tính chuyên nghiệp, tính hiện đại, để hội nhập cùng thế giới cho nền nghệ thuật chúng ta. Ở đây không chỉ là kiến thức, tri thức mà còn là sự từng trải cuộc đời, là ý thức dân tộc, ý thức cách mạng, để xây dựng một nền nghệ thuật mới, thay đổi hoàn toàn về chất, một nền nghệ thuật cách mạng, phục vụ cho một quần chúng rộng lớn, quần chúng cách mạng. Ta có thể hiểu thêm vì sao, bên cạnh công việc dàn dựng của một đạo diễn, công việc của một nhà sáng tác kịch bản, Vũ Đình Phòng còn là một dịch giả dịch giới thiệu rất nhiều những thành tựu sân khấu tiêu biểu của thời đại, chuyển rất nhiều những kinh nghiệm quý báu của nền sân khấu rộng lớn và phong phú của thế giới vào Việt Nam. Còn có bút danh Nguyễn Nam, anh đã dịch hàng trăm vở kịch trong đó có những nền kịch, những tác giả kịch đã ảnh hưởng tốt đẹp đến sân khấu chúng ta trong mấy thập kỉ vừa qua. Chúng ta hãy nhớ lại rất nhiều vở của A.Acbudôp, rồi A.Parnix với Hòn đảo thần Vệ Nữ…
          Vũ Đình Phòng sáng tác không nhiều. anh chỉ viết khoảng hơn mươi vở kịch. Nhưng đó là những vở kịch mang những vấn đề mà thời đại đang quan tâm. Những vở kịch gắn với đời sống và với chính tác giả. Nó mang hơi thở của thời anh sống, những gì anh trải nghiệm. Và dù cho anh có đi vào lịch sử, dã sử, thì điều quan tâm của anh vẫn là để giải thích hiện tại, bày tỏ mối lo âu và tình yêu của anh với hiện tại…
         Một điều dễ nhận thấy trong những trang viết của tác giả Vũ Đình Phòng là tính biện chứng tâm lí của nhân vật, là chiều sâu tư tưởng của tính cách nhân vật, là những đối thoại thâm trầm, kín đáo, tinh tế. Điều này cắt nghĩa vì sao những sáng tác của anh không chỉ lôi cuốn ta trên sàn diễn mà còn đem lại thú vị cho ta khi đọc và suy ngẫm. Nhà văn và nhà sáng tác kịch bản trong tác giả Vũ Đình Phòng luôn là sự thống nhất.
         Một cuộc đời khiêm nhường lặng lẽ, nhưng là một cuộc đời đã làm được rất nhiều. Nghệ sĩ đạo diễn – nhà văn, nhà viết kịch Vũ Đình Phòng có cuộc đời như thế.
        Nhà xuất bản Sân khấu xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc một số sáng tác tiêu biểu của nhà viết kịch Vũ Đình Phòng.
_______
GHI CHÚ CỦA Vũ Đình Phòng "LỜI NHÀ XUẤT BẢN" này (in vào đầu tập kịch của tôi in năm 1997), không ghi tên người viết, nhưng tôi đoán rất có thể của NGÔ THẾ OANH, vì anh là người "chịu trách nhiệm bản thảo" theo như ghi ở cuối sách. Thêm nữa, văn phong và ngôn từ rất giống nhiều trang viết khác của anh mà tôi đã được đọc. Nếu đúng như thế, tôi rất cảm ơn anh, vì tuy ít hơn tôi gần hai chục tuổi nhưng anh vẫn có những nhận xét tôi nghĩ là xác đáng và đầy thiện ý.

Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2016

GIỚI THIỆU CHỦ BLOG







TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM

           VŨ ĐÌNH PHÒNG, sinh ngày 18-11-1933 tại Hải Phòng, quê gốc Đáp Cầu, thị xã Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, trong một gia đình nhà giáo. Hiện sống tại Hà Nội. Hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu, hội viên Hội Nhà văn.

            Đang học bậc Trung học trường Chu Văn An, Hà Nội, thì chiến tranh bùng nổ, ra vùng tự do, công tác một thời gian cho Đội Tuyên truyền Quân khu XII, cuối năm 1947, vào học tiếp trường Trung học Hàn Thuyên, Bắc Ninh. Năm 1949, bỏ dở bậc Trung học Chuyên khoa, nhập ngũ, vào Đại đoàn 308, làm trinh sát viên Ban Quân báo


          Kết thúc cuộc Kháng chiến chống Pháp, chuyển ngành sang Bộ Văn hoá, làm công tác biên tập xuất bản, rồi nghiên cứu sân khấu. Năm 1960 sang Liên Xô học trường Đại học Sân khấu Moskva, khoa Đạo diễn. Năm1964 về nước, công tác tại Ty Văn hoá Quảng Ninh rồi Vụ Sân khấu Bộ Văn hoá, cuối cùng là Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu.

           Ngoài đạo diễn và viết kịch bản sân khấu, VĐÌNH PHÒNG
còn dịch văn học. Nhất là từ khi nghỉ hưu, anh hầu như hoàn toàn dành thời gian cho việc dịch.

Tác phẩm đã xuất bản hoặc dàn dựng:

KỊCH BẢN SÂN KHẤU :

- TỪ CĂN GÁC ẤY (Nhà XB Sân khấu 1997)
- XUÂN VĨ DẠ (viết chung với Lưu Trọng Lư) Đoàn kịch Hải Phòng, Đoàn Cải lương Kim Phụng biểu diễn, đổi tên là HUẾ MÙA XUÂN
- SAO THẦN NÔNG (Nhà XB Sân khấu 1997), Đoàn kịch Quảng Ninh biểu diễn
- NGƯỜI CÔNG DÂN SỐ MỘT (viết chung với Hà Văn Cầu). Nhà hát Cải lương Trung ương biểu diễn
- ĐÔI TAI HOÀNG  TỬ (tên khác : " Hoàng tử có đôi tai bò " - Nhà XB Văn học 1997), Nhà hát Chèo Trung ương biểu diễn
- VỤ ÁN MỘT  VƯƠNG PHI (tên khác “Vương PhI Nhât Lệ” (Nhà XB Văn học 1997), Đoàn Cải lương Kim Phụng biểu diễn
- HUYỀN THOẠI VỀ MỘT RỪNG CHANH (tên khác “Hoa  chanh nở trái mùa” (Nhà XB Sân khấu 1997)
- LẠI MỘT MÙA SEN (tên khác “Cô Son”) (Nhà XB Văn học 1997)
- TRUYỆN TRẦU CAU (Nhà XB Văn học 1997), Đoàn Chèo Hà Nội
- QỤA THẦN VÀ PHO TƯỢNG ĐÁ (Nhà XB Văn học 1997), Đoàn Cải lương Hải Phòng, Đoàn Cải lương Kim Phụng Hà Nội, Đoàn Chèo Quảng Ninh và một số đoàn khác đã diễn
- NÀNG MA-NI-THOONG XINH ĐẸP (Nhà XB Văn học 1997)

NGHIÊN CỨU-LÝ LUẬN SÂN KHẤU:

- TÌM HIỂU NGHẸ THUẬT VIẾT KỊCH (Nhà XB Vụ Văn hoá Quần chúng 1970)
- CÔNG VIỆC NGƯỜI ĐẠO DIỄN (Nhà XB Văn hoá 1980)
- VIỆT NAM  TRÊN SÂN KHẤU THẾ GIỚI (Nhà XB Văn hoá 1980)
- HIỆN TƯỢNG VĂM-PI-LỐP (Nhà XB Vụ Nghệ thuật Sân khấu 1980)
- KỂ CHUYỆN SẾCHXPIA (Nhà XB Thanh niên 1981)
- 65 NĂM SÂN KHẤU XÔ-VIẾT (Hội Nghệ sĩ Sân khấu xuất bản, 1982)

II. TỰ BẠCH
             Giống như rất nhiều thiếu niên khác, thuở nhỏ tôi ham đọc sách văn học, rất yêu mến các nhà văn, nhưng tôi không dám ôm mơ ước sẽ thành người cầm bút, vì cho rằng tôi thiếu rất nhiều phẩm chất để có thể trở thành “nhà văn”. Thậm chí đến nay, đã gần hết cuộc đời, tôi vẫn nghĩ như thế. Tuy nhiên, thấy có những điều rất muốn “nói ra”, kể cho người khác nghe, tôi cũng thỉnh thoảng loay hoay viết, trước hết viết cho mình, và có thể cho một số bạn bè đọc chơi. Trước kia, tôi viết mẩu chuyện, bài tường thuật nhỏ... nhưng từ khi đi vào sân khấu tôi cảm thấy thể loại kịch hợp với tôi hơn.
           Tôi cho rằng, nghề chuyên nghiệp của tôi là đạo diễn sân khấu, còn viết văn, kể cả viết kịch, chỉ là công việc mang tính nghiệp dư. Thú nhất đối với tôi là loay hoay tìm cách bố cục một câu chuyện, thể hiện đối thoại cho một tính cách, một tình huống, diễn tả một suy nghĩ mà tôi tự cho là “mới mẻ”. Cho nên hễ rảnh rỗi công việc cơ quan là tôi viết. Thông thường vào buổi tối, nhất là những thời gian nghỉ ngơi giữa hai đợt dàn dựng tiết mục sân khấu. Chính vì cách nghĩ như thế, nhiều khi đang viết, nếu thấy mất hứng, hoặc nát óc mà chưa tìm ra cách phát triển, tôi liền bỏ đấy, chuyển sang một đề tài khác vừa nảy sinh trong óc. Do thế tôi viết khá nhiều, nhưng hầu hết những thứ tôi đã viết hiện nay vẫn chỉ ở dạng phác thảo. Chỉ một số ít thứ, tôi tự ép mình phải đẩy đến cùng, nhưng khi đọc thử, tôi lại thấy chưa được, và do lười biếng, do có một công việc khác ập đến, hoặc một ý đồ khác lôi cuốn, tôi liền bỏ đấy, cất bản thảo dở dang vào ngăn kéo. May thay, một số kịch bản tôi cảm thấy “tàm tạm” bèn “đánh liều” đưa ra. Và tôi sung sướng biết bao khi thấy một nhà hát hoặc đoàn sân khấu nào đấy “tâm đắc”, nhận để dàn dựng và biểu diễn. Tôi cho đấy là điều may mắn ngoài dự tính. Nhưng nỗi mừng không kéo dài được lâu, chỉ vài hôm sau tôi đã không dám xem lại những tiết mục ấy, chỉ sợ nhận ra những đoạn còn vụng về khiến mình buồn và ân hận chưa hoàn chỉnh đã đưa ra. Một điều an ủi tôi là tất cả những kịch bản được các nhà hát hoặc đoàn sân khấu dàn dựng và biểu diễn đều được khán giả hoan nghênh. Nhiều vở có 5-7 đơn vị sân khấu lần lượt dàn dựng và trình diễn.
           Một lần đưa vợ con đi nghỉ mát ở Bãi Cháy, tôi gặp một tốp diễn viên đã diễn "SAO THẦN NÔNG". Họ bảo : "Anh cố đến thăm Đoàn. Chúng em chưa thấy tiết mục nào của Đoàn chúng em ăn khách đến thế. Điều đặc biệt là trong lúc Đoàn diễn, các diễn viên đều ra hết cánh gà, nép sau cánh gà nghe, say mê. Chúng em cũng chưa thấy kịch bản của ai được diễn viên "mê" đến thế. Nếu đến Đoàn, anh sẽ thấy bây giờ chúng em suốt ngày trò chuyện bằng những câu đối thoại anh viết trong vở ấy…" Không có lời động viên nào làm tôi hạnh phúc đến thế.
                              *
            Nếu nói về hoạt động văn học thì tôi còn làm một thứ nữa là dịch thuật, lúc đầu chủ yếu là kịch bản và lý luận sân khấu, từ ngày nghỉ hưu là tiểu thuyết. Đối với tôi, dịch là “nghề phụ”, chủ yếu để “cải thiện”. Tôi cặm cụi dịch, có lẽ đến nay đã lên đến số vài trăm cuốn, nhiều đến nỗi tôi không nhớ hết những cuốn nào. Một số bè bạn và độc giả khen tôi dịch tốt, nhưng tôi nghĩ dịch là thứ lao động tương đối đơn giản, chỉ đòi hỏi cần cù và một số kinh nghiệm mang tính “kỹ năng”, không thể so sánh với sáng tác. Duy có một điều làm tôi hơi buồn, là do dịch nhiều và sách tôi dịch bán chạy, được các nhà xuất bản "quá yêu", đâm bây giờ tôi nổi tiếng về dịch hơn về đạo diễn và viết kịch. Rất nhiều người tưởng tôi chỉ là "dịch giả", không biết nghề chính của tôi là đạo diễn sân khấu, và tôi đã có nhiều vở ăn khách ghê gớm (thí dụ Hòn đảo Thần Vệ Nữ, Sao Thần Nông, Vụ án một Vương Phi…) và là người viết kịch bản sân khấu. Nhiều vở của tôi  được dựng và đã tạo doanh thu không nhỏ cho những đơn vị sân khấu đã dàn dựng và trình diễn chúng.
                 *
           Đến nay nghỉ hưu, con cái đã trưởng thành và tự lập, tôi thấy có quyền tự cho phép mình đi hẳn vào hoạt động văn học. Soát lại những bản thảo dang dở, xem thứ nào còn cuốn hút mình thì cố gắng hoàn thành, nhất là trong số kịch bản sân khấu, thể loại văn học tôi yêu mến nhất và cảm thấy có lẽ hợp với sở trường của tôi nhất. Thêm vào đấy là viết lại những kỷ niệm in dấu trong ký ức. Ngoài ra, nếu trong lúc đọc sách nước ngoài, thấy có cuốn nào thật sự tâm đắc, tôi có thể dịch.

CHÚ THICH. Bài này trich nguyên văn in trong cuốn KỶ YẾU của HỘI NHÀ VĂN (NXB VĂN HỌC)


ẢNH HAI
XIN THÊM
VỢ CHỒNG (chụp năm 2012)