Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

KỶ NIỆM VỀ CHU BÁ PHƯỢNG





KỶ NIỆM VỀ CHU BÁ PHƯỢNG

            Ông có họ với tôi, về bên ngoại (phía cụ bà tôi – họ Chu, chứ không phải phía mẹ tôi – họ Ngô). Chẳng là ông nội tôi là con rể của Cụ Nghè Nếnh (tên nôm của làng Mật Ninh, tổng Sen Hồ, Huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Thuở tôi còn rất nhỏ, ông nội tôi rất mến tôi, và thấy tôi là đứa trẻ dễ bảo và thích “đi” nên giỗ Tết, mỗi khi sang quê ngoại của cụ, ông nội tôi thường bảo tôi đi cùng, vừa mang đồ đạc cho ông, vừa trò chuyện dọc đường. 

Làng Mật Ninh cách làng tôi (Đáp Cầu) chừng bẩy tám cây số, chỉ cần đi bộ. Tôi còn nhớ lờ mờ, dinh cơ Cụ Nghè là một nhà ngói ba gian hai trái, giống như mọi gia đình khác trong làng, có sân lát gạch Bát Tràng rất rộng, một hàng cau và một bể nước có hòn non bộ, và dẫy nhà ngang rất dài là nơi Cụ bà nuôi tằm. Sang đấy tôi hay được cho ăn món nhộng rang béo ngậy. Nhìn chung là một cuộc sống đạm bạc.
                                    *
            Ông nội tôi kể chuyện, Cụ Nghè hay chữ nên đặt tên con cái rất có ý nghĩa. Con gái thì tên một loại hoa : ĐÀO  SEN CÚC… Con Trai thì đặt theo tên một loài điểu (chim) : CƯU, PHƯỢNG, NHẠN, BẰNG… Tôi còn rất nhỏ nên chỉ nhớ nhà ngang có những khung bằng tre dài, áp  tường, để đặt những nong tằm.

                                                                              *
            Thế rồi mãi đến năm 1946, 13 tuổi, tôi mới gặp một chuyện để lại ấn tượng cho tôi đến tận bây giờ. Lúc ấy tôi học năm thứ hai trường Chu Văn An, đóng tại địa điểm của trường Felix Faure, (trường của học sinh gái người Pháp, gọi là “Trường đầm”), trên đường phố Trần Phú bây giờ. (Sau là Đại sứ quán Liên Xô). Để ở gần trường, tôi đến ở nhà ông Ngô Thế Tiếu, em trai út của bà nội tôi, ở số 44 HÀNG ĐẪY (bây giờ là Phố Nguyễn Thái Học.) Ông Tiếu có người em vợ là  họa sĩ Mai Trung Thứ, quay phim nghiệp dư, đã ghi lại được nhiều thước phim rất quý, về quang cảnh lễ Độc Lập ngày 2-9-1945. (Sau này ông đã tặng lại Chính phủ ta). 
          Bên cạnh là Trường Phan Chu Trinh lúc ấy là Trường Trung học có uy tín bậc nhất vì do Tổng bộ Việt Minh đỡ đầu. Học sinh Trường hầu hết là con cán bộ Mặt trận hoặc có cảm tình đặc biệt với Mặt Trận VM.

                                                                 *
Nhà ông Tiếu là một biệt thự kiểu Pháp (villa), xung quanh là sân và vườn hoa, trước 1946 cho một gia đình người Pháp thuê, nhưng sau Đảo chính Nhật (9-3-1945) họ trả lại nhà để về nước. Bên cạnh cũng là một villa giống hệt, xây kiểu đối xứng, là sở hữu của một ông bác tôi (anh con chú con bác của mẹ tôi), tên là Ngô Thế Loan, hồi Kháng chiến chống Pháp đã có thời làm Chủ tịch Ủy Ban Hành Chính – Kháng Chiến tỉnh Bắc Ninh. Ngôi biệt thự này hình như bác đã cho con gái bác là Ngô Thị Phụng, làm hồi môn khi lấy chồng. Chồng chị là anh Thuần, bác sĩ (nghe nói về sau có một thời gian anh làm Giám đốc Y tế Sài Gòn). 

Sau này tôi mới biết nhà khảo cứu Thụy Khuê, người phụ nữ có nhiều công trình rất nổi tiếng, chính là con dâu của hai anh chị. Lần Thụy Khuê nhờ người đem đến tôi một cuộn tài liệu, kèm một lá thư, tôi chưa biết chị lại có quan hệ thân thuộc. Tôi rất ngạc nhiên thấy trong thư chị viết “Bây giờ cháu cũng đi theo con đường của chú. Cháu biết chú rất thân với bà Hoàng Xuân Sính, chú vui lòng chuyển cuộn giấy này cho bà ấy, Chú chuyển tận tay giúp cháu. Ký tên Thụy Khuê”. Mãi sau này tôi mới biết thì ra chị là con dâu anh Thuần và chị Phụng của tôi, mà năm 1946 tôi ở cạnh nhà.
            
                                                                               *
           Vị trí nhà tôi ở bấy giờ khá đặc biệt : bên cạnh, số nhà 42, là Trường Phan Chu Trinh do Mặt trận Việt Minh đỡ đầu, đối diện bên kia đường phố là trụ sở của Trung Ương VN Quốc Dân Đảng (nhà này sau 1954 là Trường Nghệ thuật Hà Nội). Vì Hà Nội lúc ấy nhiều đảng phái và luôn có sự tranh chấp, địa điểm nhà tôi ở lại như thế, rồi đường phố luôn náo động : sáng thì thanh niên nam nữ lũ lượt vừa chạy vừa hát “Khỏe vì nước, kiến thiết quốc gia…” để ra sân vận động S.E.P.T.O. ở gần cuối phố. Ban ngày thì thường xuyên có những đám biểu tình của các phe phái vừa đi vừa hát và hô khẩu hiệu, nên tuy bận học tôi cũng “phải” quan tâm đôi chút đến những vấn đề về chính trị.

Sáng sáng bên Trụ sở T.Ư. Quốc Dân Đảng có nghi lễ kéo cờ Đảng của họ. Báo VIỆT NAM của họ và báo CỜ GIẢI PHÓNG của Mặt trận Việt Minh được các gia đình mua, có gia đình mua cả hai. Họ hàng tôi lại có hai nhân vật đối lập nhau về chính trị. Ông Hoàng Quốc  Việt, Chủ tịch Tổng bộ Việt Minh, tên khai sinh là Hạ Bá Cang, người làng tôi và có mối liên hệ thân thuộc với gia đình tôi, rồi đến ông Chu Bá Phượng, “ông trẻ” tôi, lại là Ủy viên trung ương Quốc Dân Đảng.

                                                                        *
Thỉnh thoảng tình cờ nhìn sang bên kia đường phố, tôi thấy xe ô tô chở ông Phượng đến, nhưng tôi chưa giáp mặt ông lần nào. Đọc báo tôi cũng biết khi Chính phủ Liên hiệp ra mắt ở Nhà Hát Lớn, thì ông Phượng cũng là thành viên và là Bộ trưởng Kinh tế…
              
          Trước kia tôi còn nhỏ và ông Phượng lại đi “hoạt động” (nghe nói “ở hải ngoại” nên tôi không biết mặt ông, chỉ nhớ có mỗi một lần sang Mật Ninh, ông nội tôi trỏ một người còn trẻ, gầy và mặc áo dài đen : “Ông trẻ Phượng đấy ! Cháu chào ông trẻ đi”. Rồi ông tôi kể ông Phượng rất chăm học, người đầu tiên ở nước ta nhận bằng cử nhân khoa học từ bên Pháp gửi sang đấy…Bấy giờ ta chưa có Đại học...”
          
                                                                              *
           Phải đến năm 1946 tôi mới nhìn thấy ông thật sự. Vì cha tôi thỉnh thoảng ở quê (Đáp Cầu) sang Hà Nội thăm hai con trai (anh tôi cũng học Chu Văn An, trên tôi 4 lớp)… Hôm ấy ba cha con đang đi dạo trên vỉa hè Phố Hàng Bông, thì một chiếc xe hơi khá sang tạt vào sát vỉa hè rồi đỗ lại. Một tiếng gọi từ trong xe ra :”Anh Vân !” và một cái đầu ló ra. Cha tôi nhận ra người trong xe, mừng rỡ đáp “Chú Phượng ! Chú mới ở Fontainebleau về ạ ?”

Hai người ngang tuổi, nhưng tính theo họ hàng, cha tôi phải gọi ông ấy bằng “chú”. Ông Phượng vẫn ngồi trong xe, chỉ thò đầu ra, nói : “Tôi mới về chưa được bao lâu, bận quá, chưa về quê được. Anh có gặp ai thì cho tôi gửi lời chào hộ nhé.”

Lúc ấy vừa xảy ra vụ Ôn Như Hầu, được báo chí đưa nhiều tin tức khiến dư luận rất phẫn nộ. Cha tôi tuy không tham gia chính trị nhưng đọc báo thấy, cũng phẫn nộ. Người hỏi “móc máy” : “Chú đã nghe tin về vụ Ôn Như Hầu rồi chứ ?” Nghe đến mấy chữ ấy, mặt ông Phượng tối xầm lại : 
Khi một Đảng chính trị thất thế thì nhục thế đấy. Thiếu người phải nhận những đứa du côn. Không có tiền trả lương chúng, đành phải để chúng làm bậy. Làm chính trị nhiều lúc cay đắng thế đấy. Thôi, nhìn thấy ba cha con thì đứng lại chào thế thôi. Nếu gặp ai, anh nhớ chuyển lời chào hộ tôi nhé. Nói mấy hôm nữa công việc vãn vãn một chút, tôi sẽ đến thăm các ông các bà ấy.” 
Nói xong xe quặt ra mặt phố, lao đi…
           
                                                                            *
            Hôm ấy, tôi mới được nhìn rõ mặt ông Phượng. Ông rất gầy…Và mặc dù ăn mặc lịch sự ông cũng rất “thư sinh”,.

                                          ***
Thế rồi bẵng đi nhiều năm, tôi chỉ được nghe một số tin đồn về ông : nào ông bị quản thúc trên Hà Giang, nào ông nhận dạy môn Vạn Vật (bây giờ hình như gọi là môn Sinh vật) cho một trường Trung học gần “trại”…
Rồi một sự kiện rất ngẫu nhiên xảy ra vào năm 1968. 

Lúc ấy hai vợ chồng tôi sống trong một phòng nhỏ trong dẫy nhà đang xây dở dang, trong Khu Nhà hát Nhân dân (Khu đấu xảo ngày xưa ở số nhà 91 Trần Hưng Đạo, sau này khu ấy bị giải tỏa, phá đi để xây Cung Văn hóa Hữu Nghị Việt-Xô, còn bây giờ là Cung Văn hóa Lao động, gia đình tôi phải trả lại gian nhà đang ở, và được phân một căn hộ tại khu lắp ghép Trung Tự.)
Khi sự kiện kia xảy ra, tôi mới lập gia đình, chưa có con.

                                          *
Sự kiện ấy là thế này :
Nhà hát Nhân dân được tu sửa, cả sàn biểu diễn lẫn các hàng ghế ngoài trời dành cho khán giả, trước bằng gỗ, nay thay bằng ghế xi-măng. Trông nom phần kỹ thuật là một kỹ sư xây dựng trẻ, chỉ trạc tuổi tôi: khoảng trên 30. Nhà tôi, nói đúng ra chỉ là một phòng, chưa lắp cửa ra vào. Từ trong "nhà" nhìn ra sân, tôi thấy anh kỹ sư mỗi lần đi đâu, qua phòng hai vợ chồng tôi ở, lại liếc mắt vào trong. Một hôm thấy anh nhìn vào, tôi bèn gọi, mời anh vào uống nước.
- Cảm ơn anh. Anh nhiều sách quá. Tôi hay ngó vào chỉ để ngắm cái tủ sách ấy thôi.
- Thì anh cũng vào chơi, uống chén nước.

Anh kỹ sư bước vào nhưng không ngồi mà chỉ đứng bên tủ sách, xem.
- Anh muốn đọc cuốn gì cứ lấy.
- Anh cho phép thế thì tốt quá.

Anh k sư nói rồi lấy xuống một cuốn. 
Tôi đỡ lấy xem, thì là cuốn CÁCH MẠNG THÁNG TÁM của Kiến Giang, do nhà SỰ THẬT xuất bản.
- Xin anh cho mượn cuốn này.
- Được, anh ạ. Cuốn ấy tôi đọc rồi, Anh cứ đọc thoải mái, hôm nào xong thì trả. Không cần vội.
- Tôi chỉ đọc trong vòng một tuần thôi.

                                 *
Sáu ngày sau anh đem trả sách. Tôi mời anh ngồi xuống uống nước. Anh nói :
- Muốn hỏi anh một câu, được không ạ ?
- Anh cứ nói.
Anh lật trang có ảnh chụp Chính phủ Liên hiệp năm 1946 ra mắt trên sân khấu Nhà hát Lớn, có đầy đủ các thành viên.
- Những người này, bây giờ ta đánh giá họ thế nào ?
- Còn tùy người. Vì là “Liên hiệp” nên mỗi người một khuynh hướng chính trị. Sau này cách chính phủ ta đối xử cũng dựa theo đấy. Nhưng anh quan tâm đến ông nào trong ấy ?
Anh ta trỏ vào hình ông Chu Bá Phượng.
- Ông này chẳng hạn…
- À, ông Chu Bá Phượng ! Bộ trưởng Kinh tế. Hiện nay ở đâu tôi không biết. Nhưng nhân tiện, ông ấy có họ hàng với tôi đấy.
- Họ hàng thế nào ạ ?
Tôi kể.
Anh kỹ sư chăm chú nghe rồi nói :
- Ra cũng gần đấy nhỉ ? Nếu thế tôi xin nói thật : Tôi là con rể ông ấy.
Tôi hết sức ngạc nhiên :
- Nếu thế, tất anh phải biết cụ đang ở đâu chứ ?
- Không. Chính phủ cho vợ tôi về Hà Nội, vào học Đại học Sư Phạm, sau đấy cho một chân dạy ở một trường cấp ba, chu cấp đầy đủ, lại cấp cho cả một căn hộ ờ Thành Công, thậm chí các ngày Tết ngày lễ đều có quà, nhưng với một điều kiện : tuyệt đối không được liên hệ gì với bố. Không được thư từ đã đành, nhưng cũng không được nhờ ai nhắn miệng gì hết. Tóm  lại : phải coi như ông thân sinh không còn sống trên đời nữa !
Tôi hết sức ngạc nhiên, thầm nghĩ : “Chà, chính trị là thế đấy !”. Rồi hỏi :
- Nhưng khi hai anh chị tìm hiểu nhau, chị không kể về ông à ?
- Không. Vả lại lúc ấy tôi chưa quan tâm lắm. Chỉ sau khi cưới, vợ tôi mới kể đầy đủ.
- Và anh chị không dám liên lạc gì với ông ?
- Tất nhiên. Tuyệt đối không.

                                                                         *
Sau khi anh kỹ sư, con rể ông Phượng, ra khòi cửa, tôi không nói chuyện với anh lần nào nữa, và hình như anh cũng tránh mặt, sợ liên lụy đến tôi. 
Vài hôm sau, cơ quan yêu cầu chuyển hai vợ chồng tôi ra ở một gian khác nằm bên ngoài bức tường Nhà hát (nhưng vẫn trong khuôn viên số nhà 91) bên cạnh nhà của cán bộ nhiều cơ quan khác. Từ bấy đến nay tôi không gặp lại anh kỹ sư ấy. Sau này cứ ân hận là đã không hỏi họ tên anh và địa chỉ của hai anh chị… Nhưng tôi vốn nhát nên dù có biết cũng không dám quan hệ tiếp.

                                        *
Sau đấy nhiều năm, tình cờ tôi gặp lại một bạn cũ, hồi Kháng chiến hai đứa cùng một đơn vị trinh sát của Ban Quân báo Đại đoàn 308, và sau khi xuất ngũ, anh chuyển ngành sang cơ quan an ninh. Nhân trò chuyện, nói đến ông Phượng, anh bạn tôi kể :
- Chà, nếu đấy là họ hàng cậu, thì mình kể cậu nghe chuyện này. Năm ngoái mình trong số tháp tùng ông Đồng trong chuyến đi kinh lý mấy tỉnh biên giới. Hôm đến Hà Giang, xe đang chạy bỗng thấy một ông già, mặc bộ quần áo chàm bạc phếch, má hóp, gầy gò, một chòm râu lưa thưa, từ bụi cây bên đường đi nhanh ra giữa đường, chặn trước mũi xe Thủ tướng. Xe đỗ lại. Ông già hom hem kia bước đến bên cừa sổ xe :
- Tôi là Chu Bá Phượng… muốn đề nghị Chính phủ một viêc. Tôi già lắm rồi, lại đau ốm, đề nghị cho tôi về chết ở quê.
Ông Đồng đáp, đại khái là :
- Chào anh ! Điều anh đề nghị, riêng tôi nghĩ là hợp lý, nhưng anh hiểu cho. Việc ấy tôi không đủ thẩm quyền. Vả lại, chúng ta là những người làm chính trị, đều biết và đã chấp nhận một sự thật là không phải muốn làm gì cũng được. Nói thế chắc anh hiểu. Chúc anh giữ được sức khỏe…Rất tiếc, rất tiếc…
Ông già tránh ra và xe lao đi…

                                                                *
Chuyện anh bạn tôi kể chỉ là như thế. Tôi định hỏi thêm nhưng lại thôi. 

                                     *
Vài năm sau, có dịp về quê, chú tôi kể là ông Phượng đã mất. Gia đình ở Mật Ninh nhận được giấy báo của Công an cho biết : “phạm nhân Chu Bá Phượng đã qua đời tại trại giam Hà Giang…” Trong giấy báo không nói mất ngày nào, nên từ đấy, gia đình đành coi ngày ký thông báo trên đấy làm ngày giỗ ông ấy hàng năm vậy.

Hôm ấy, em dâu ông Phượng (hình như bà vợ ông Chu Bá Nhạn) lấy ra trong hộp sắt cất trong tủ ban thờ, một tờ giấy khác đã hoen ố, đưa tôi, nói : "Cháu đọc thêm cái này" Tôi đỡ và đọc, thì ra là thư chia buồn của ông Hồ khi bà Phượng mất, hình như năm 1947. Lâu rồi, tôi không còn nhớ chính xác, nhưng nhớ là thư được đánh máy, nội dung đại khái như sau : "Thân ái gửi Chú Phượng. Nghe tin Thím Phượng qua đời, thay mặt Chính phủ và nhân danh cá nhân tôi, gửi đến chú lời chia buồn cùng chú và gia đình. Chào thân ái. Ký tên Hồ Chí Minh." Thư còn có cả chữ ký của ông Hồ bằng tay... 

                                                                 *
Câu chuyện này tôi giữ kín trong bụng, chỉ kể với anh chị em ruột, hôm nay mới viết ra giấy. Sau này tôi có quen và khá thân với mấy bạn đồng hương, đều biết khá rõ gia đình, họ hàng nhà tôi : nhà văn TRẦN NINH HỒ (Mật Ninh và Sen Hồ), và nhà văn ĐỖ CHU. Chu có lần nói vui : tính họ hàng thì anh trên em, chứ nếu anh dưới em thì đâm khó xưng hô, anh nhì ?”
        
                                                                                                                         2015

GIỚI THIỆU VỀ CHỦ BLOG




TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM

           VŨ ĐÌNH PHÒNG, sinh ngày 18-11-1933 tại Hải Phòng, quê gốc Đáp Cầu, thị xã Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, trong một gia đình nhà giáo. Hiện sống tại Hà Nội. Hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu, hội viên Hội Nhà văn.
            Đang học bậc Trung học trường Chu Văn An, Hà Nội, thì chiến tranh bùng nổ, ra vùng tự do, công tác một thời gian cho Đội Tuyên truyền Quân khu XII, cuối năm 1947, vào học tiếp trường Trung học Hàn Thuyên, Bắc Ninh. Năm 1949, bỏ dở bậc Trung học Chuyên khoa, nhập ngũ, vào Đại đoàn 308, làm trinh sát viên Ban Quân báo. Kết thúc cuộc Kháng chiến chống Pháp, chuyển ngành sang Bộ Văn hoá, làm công tác biên tập xuất bản, rồi nghiên cứu sân khấu. Năm 1960 sang Liên Xô học trường Đại học Sân khấu Moskva, khoa Đạo diễn. Năm1964 về nước, công tác tại Ty Văn hoá Quảng Ninh rồi Vụ Sân khấu Bộ Văn hoá, cuối cùng là Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu.
           Ngoài đạo diễn và viết kịch bản sân khấu, Vũ Đình Phòng còn dịch văn học. Nhất là từ khi nghỉ hưu, anh hầu như hoàn toàn dành thời gian cho việc dịch.

Tác phẩm đã xuất bản hoặc dàn dựng: 

KỊCH BẢN SÂN KHẤU :

- TỪ CĂN GÁC ẤY (Nhà XB Sân khấu 1997)
- XUÂN VĨ DẠ (viết chung với Lưu Trọng Lư) Đoàn kịch Hải Phòng, Đoàn Cải lương Kim Phụng biểu diễn, đổi tên là HUẾ MÙA XUÂN
- SAO THẦN NÔNG (Nhà XB Sân khấu 1997), Đoàn kịch Quảng Ninh biểu diễn
- NGƯỜI CÔNG DÂN SỐ MỘT (viết chung với Hà Văn Cầu). Nhà hát Cải lương Trung ương biểu diễn
- ĐÔI TAI HOÀNG  TỬ (tên khác : " Hoàng tử có đôi tai bò " - Nhà XB Văn học 1997), Nhà hát Chèo Trung ương biểu diễn
- VỤ ÁN MỘT  VƯƠNG PHI (tên khác “Vương PhI Nhât Lệ” (Nhà XB Văn học 1997), Đoàn Cải lương Kim Phụng biểu diễn
- HUYỀN THOẠI VỀ MỘT RỪNG CHANH (tên khác “Hoa  chanh nở trái mùa” (Nhà XB Sân khấu 1997)
- LẠI MỘT MÙA SEN (tên khác “Cô Son”) (Nhà XB Văn học 1997)
- TRUYỆN TRẦU CAU (Nhà XB Văn học 1997), Đoàn Chèo Hà Nội
- QỤA THẦN VÀ PHO TƯỢNG ĐÁ (Nhà XB Văn học 1997), Đoàn Cải lương Hải Phòng, Đoàn Cải lương Kim Phụng Hà Nội, Đoàn Chèo Quảng Ninh và một số đoàn khác đã diễn
- NÀNG MA-NI-THOONG XINH ĐẸP (Nhà XB Văn học 1997)

NGHIÊN CỨU-LÝ LUẬN SÂN KHẤU:

- TÌM HIỂU NGHẸ THUẬT VIẾT KỊCH (Nhà XB Vụ Văn hoá Quần chúng 1970)
- CÔNG VIỆC NGƯỜI ĐẠO DIỄN (Nhà XB Văn hoá 1980)
VIỆT NAM  TRÊN SÂN KHẤU THẾ GIỚI (Nhà XB Văn hoá 1980)
- HIỆN TƯỢNG VĂM-PI-LỐP (Nhà XB Vụ Nghệ thuật Sân khấu 1980)
- KỂ CHUYỆN SẾCHXPIA (Nhà XB Thanh niên 1981)
- 65 NĂM SÂN KHẤU XÔ-VIẾT (Hội Nghệ sĩ Sân khấu xuất bản, 1982)

II. TỰ BẠCH

             Giống như rất nhiều thiếu niên khác, thuở nhỏ tôi ham đọc sách văn học, rất yêu mến các nhà văn, nhưng tôi không dám ôm mơ ước sẽ thành người cầm bút, vì cho rằng tôi thiếu rất nhiều phẩm chất để có thể trở thành “nhà văn”. Thậm chí đến nay, đã gần hết cuộc đời, tôi vẫn nghĩ như thế. Tuy nhiên, thấy có những điều rất muốn “nói ra”, kể cho người khác nghe, tôi cũng thỉnh thoảng loay hoay viết, trước hết viết cho mình, và có thể cho một số bạn bè đọc chơi. Trước kia, tôi viết mẩu chuyện, bài tường thuật nhỏ... nhưng từ khi đi vào sân khấu tôi cảm thấy thể loại kịch hợp với tôi hơn.
           Tôi cho rằng, nghề chuyên nghiệp của tôi là đạo diễn sân khấu, còn viết văn, kể cả viết kịch, chỉ là công việc mang tính nghiệp dư. Thú nhất đối với tôi là loay hoay tìm cách bố cục một câu chuyện, thể hiện đối thoại cho một tính cách, một tình huống, diễn tả một suy nghĩ mà tôi tự cho là “mới mẻ”. Cho nên hễ rảnh rỗi công việc cơ quan là tôi viết. Thông thường vào buổi tối, nhất là những thời gian nghỉ ngơi giữa hai đợt dàn dựng tiết mục sân khấu. Chính vì cách nghĩ như thế, nhiều khi đang viết, nếu thấy mất hứng, hoặc nát óc mà chưa tìm ra cách phát triển, tôi liền bỏ đấy, chuyển sang một đề tài khác vừa nảy sinh trong óc. Do thế tôi viết khá nhiều, nhưng hầu hết những thứ tôi đã viết hiện nay vẫn chỉ ở dạng phác thảo. Chỉ một số ít thứ, tôi tự ép mình phải đẩy đến cùng, nhưng khi đọc thử, tôi lại thấy chưa được, và do lười biếng, do có một công việc khác ập đến, hoặc một ý đồ khác lôi cuốn, tôi liền bỏ đấy, cất bản thảo dở dang vào ngăn kéo. May thay, một số kịch bản tôi cảm thấy “tàm tạm” bèn “đánh liều” đưa ra. Và tôi sung sướng biết bao khi thấy một nhà hát hoặc đoàn sân khấu nào đấy “tâm đắc”, nhận để dàn dựng và biểu diễn. Tôi cho đấy là điều may mắn ngoài dự tính. Nhưng nỗi mừng không kéo dài được lâu, chỉ vài hôm sau tôi đã không dám xem lại những tiết mục ấy, chỉ sợ nhận ra những đoạn còn vụng về khiến mình buồn và ân hận chưa hoàn chỉnh đã đưa ra. Một điều an ủi tôi là tất cả những kịch bản được các nhà hát hoặc đoàn sân khấu dàn dựng và biểu diễn đều được khán giả hoan nghênh. Nhiều vở có 5-7 đơn vị sân khấu lần lượt dàn dựng và trình diễn.
           Một lần đưa vợ con đi nghỉ mát ở Bãi Cháy, tôi gặp một tốp diễn viên đã diễn "SAO THẦN NÔNG". Họ bảo : "Anh cố đến thăm Đoàn. Chúng em chưa thấy tiết mục nào của Đoàn chúng em ăn khách đến thế. Điều đặc biệt là trong lúc Đoàn diễn, các diễn viên đều ra hết cánh gà, nép sau cánh gà nghe, say mê. Chúng em cũng chưa thấy kịch bản của ai được diễn viên "mê" đến thế. Nếu đến Đoàn, anh sẽ thấy bây giờ chúng em suốt ngày trò chuyện bằng những câu đối thoại anh viết trong vở ấy…" Không có lời động viên nào làm tôi hạnh phúc đến thế.
                              *
            Nếu nói về hoạt động văn học thì tôi còn làm một thứ nữa là dịch thuật, lúc đầu chủ yếu là kịch bản và lý luận sân khấu, từ ngày nghỉ hưu là tiểu thuyết. Đối với tôi, dịch là “nghề phụ”, chủ yếu để “cải thiện”. Tôi cặm cụi dịch, có lẽ đến nay đã lên đến số vài trăm cuốn, nhiều đến nỗi tôi không nhớ hết những cuốn nào. Một số bè bạn và độc giả khen tôi dịch tốt, nhưng tôi nghĩ dịch là thứ lao động tương đối đơn giản, chỉ đòi hỏi cần cù và một số kinh nghiệm mang tính “kỹ năng”, không thể so sánh với sáng tác. Duy có một điều làm tôi hơi buồn, là do dịch nhiều và sách tôi dịch bán chạy, được các nhà xuất bản "quá yêu", đâm bây giờ tôi nổi tiếng về dịch hơn về đạo diễn và viết kịch. Rất nhiều người tưởng tôi chỉ là "dịch giả", không biết nghề chính của tôi là đạo diễn sân khấu, và tôi đã có nhiều vở ăn khách ghê gớm (thí dụ Hòn đảo Thần Vệ Nữ, Sao Thần Nông, Vụ án một Vương Phi…) và là người viết kịch bản sân khấu. Nhiều vở của tôi  được dựng và đã tạo doanh thu không nhỏ cho những đơn vị sân khấu đã dàn dựng và trình diễn chúng.
                 *
           Đến nay nghỉ hưu, con cái đã trưởng thành và tự lập, tôi thấy có quyền tự cho phép mình đi hẳn vào hoạt động văn học. Soát lại những bản thảo dang dở, xem thứ nào còn cuốn hút mình thì cố gắng hoàn thành, nhất là trong số kịch bản sân khấu, thể loại văn học tôi yêu mến nhất và cảm thấy có lẽ hợp với sở trường của tôi nhất. Thêm vào đấy là viết lại những kỷ niệm in dấu trong ký ức. Ngoài ra, nếu trong lúc đọc sách nước ngoài, thấy có cuốn nào thật sự tâm đắc, tôi có thể dịch.


CHÚ THICH. Bài này trich nguyên văn in trong cuốn KỶ YẾU của HỘI NHÀ VĂN (NXB VĂN HỌC)

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

NGƯỜI CHÂU Á VÀ NGƯỜI CHÂU ÂU




NGƯỜI CHÂU Á VÀ NGƯỜI CHÂU ÂU

            Năm ấy, Nhà hát Kịch dựng tiết mục Liên Xô “KHÚC BI TRÁNG THỨ BA” của POGODIN, (Thế Lữ dịch) và mời  chuyên gia Liên Xô sang giúp. Bộ Văn hóa Liên Xô cử đạo diễn Lezly sang. Nhân tôi rảnh rỗi, Nhà hát mời tôi giúp ông… Hôm hoàn thành vở diễn, Nhà hát làm lễ tổng kết long trọng, một loạt nghệ sĩ được tặng bằng khen. Tất cả ăn mặc chỉnh tề, lịch sự, đứng thành hàng ngang trên sân  khấu. Tất cả đều tươi cười hớn hở.
            Tôi ngồi cạnh ông Lezly, một ông già to béo mà tôi chưa nghe thấy tên bao giờ trong suốt bốn năm học Khoa đạo diễn Trường Đại học Sân khấu Moskva,cộng với mấy chục năm theo dõi và viết về sân khấu xô-viết. Đây là lần đầu tôi quen và lại cùng làm việc với ông một thời gian. Chỉ sau một thời gian ngắn, tôi đã nhận thấy ông khác hẳn những nghệ sĩ trẻ về cách suy nghĩ… và không hiểu tài ba ông thế nào.

                                                                                 ***
           Ngồi bên cạnh, lúc trao bằng khen cho khoảng gần chục nghệ sĩ Nhà hát, tôi ghé tai ông ta, bình phẩm, đại khái : “Dân Châu Á coi trọng tinh thần, Chỉ cần nhận một mảnh giấy là cảm thấy vinh dự và hạnh phúc rồi, chứ không thực tế như dân châu Âu, phải có “vật chất” kèm theo…”
            Không ngờ ông ta nhăn mặt, nói : “Mày lý tưởng hóa dân châu Á chúng mày. Thôi được, lát nữa về khách sạn, tao kể mày nghe mấy mẩu chuyện để mày bớt ”lý tưởng hóa” cái dân Châu Á của chúng mày đi.
                                                                           ***
            Xong việc, về đến khách sạn, tôi nhắc và ông kể mấy mẩu chuyện sau đây :
            - Mẹ tao xưa là nghệ sĩ loại xuất sắc của Nhà hát Nghệ thuật Đại chúng Moskva, bấy giờ còn là thời Nga Hoàng, chưa cách mạng. Mẹ tao từng được trực tiếp làm việc với Stanislavski và Nemirovits-Dantsenko. Mẹ tao kể rất nhiều chuyện hồi bà ở Nhà hát Đại chúng, trong ấy có mấy chuyện dính đến “người Châu Á" chúng mày, tao còn nhớ và hôm nay tao kể lại cho mày nghe…. 
                                                            
                          CÂU CHUYỆN THỨ NHẤT

          Hè năm ấy, bấy giờ còn chưa Cách mạng, theo lệ thường, do Stani chủ trương, hè nghỉ hai tháng, nhưng nghệ sĩ nhà hát Nghệ thuật, lúc ấy còn giữ tên là NHÀ HÁT NGHỆ THUẬT ĐẠI CHÚNG, được tổ chức theo kiểu hợp tác xã. Dịp hè, các nghệ sĩ chỉ nghỉ một tháng còn một tháng chia thành nhiều tốp nhỏ đi biểu diễn phục vụ ở các địa phương hẻo lánh, những nơi dân chúng chưa được xem nghệ thuật bao giờ. Mỗi toán tự lo lấy các thứ, nhất định không làm phiền dân chúng. Diễn “phục vụ” nghĩa là không bán vé lấy tiền, chỉ diễn cho dân chúng “thưởng thức” thế thôi. Năm ấy, tốp của mẹ tao đi diễn phục vụ miền Viễn Đông, đến một thị trấn nhỏ. Vì thị trấn heo hút, dân thưa thớt, không có quán rượu, công trình vui chơi gì hết. nên buổi tối diễn, ban ngày không biết làm gì tiêu thụ hết ngày giờ, mọi người bèn bầy ra trò đánh bài poker, để giết thời gian. Hôm sau, có một khách lạ đến xin gặp. Anh ta là người Nhật, vóc thấp, da vàng, trạc ngoài 30, và không biết tiếng Nga. May mà trong tốp của mẹ tao có một cô biết sơ sơ tiếng Anh. Khi anh chàng Nhật kia nói chẳng ai hiểu thì cô này bước ra chào và hỏi chuyện. Tiếng Anh của cô chỉ rất xoàng, nhưng may còn có cô ấy. Tên cô ấy là Tachiana. Thấy có người nói được đôi chút tiếng Anh, thằng cha Nhật kia lộ vẻ rất vui mừng. Sau một lúc xì-xà xì-xồ, nói bằng tay, bằng cả chân…Tachiana quay sang thuật lại câu chuyện và cho biết thằng cha Nhật ấy là kỹ sư. Hắn làm việc cho một doanh nghiệp Nhật Bản sang khai thác gỗ ở vùng này. Vì ở đây heo hút quá, không có gì giải trí, hắn cũng đang rất buồn, nên thấy tốp nghệ sĩ đang ở đây, muốn nhập bọn cho vui. Mọi người đồng ý. Thế là thằng cha ngồi xuống cùng đánh bài poker. Vì hắn không biết tiếng Nga nên mọi người tha hồ nói xấu nó. bằng những từ nhiều khi tục tĩu. Nhưng thằng cha Nhật có hiểu gì đâu, khi thấy mọi người cười rộ lên, hắn cũng ngô nghê cười theo. Được thể, mọi người càng trêu chọc nó. Thí dụ khi nó hỏi : ”Các bạn đang nói chuyện gì đấy ?” thì Tachiana đáp: “Các anh các chị ấy khen ông đẹp trai, có đôi mắt rất hiền và thông minh.", trong khi thật ra đám diễn viên đang bảo mắt nó ti hí như mắt lươn… Thằng cha Nhật chỉ cười rất ngô nghê, làm mọi người đang cười về câu nhận xét, nói xấu hóm hỉnh của ai đấy, cũng cười phá lên. Thằng Nhật chẳng hiểu gì, cũng ngô nghê cười theo…Một tuần sau, hắn nói và Tachiana dịch lại, cho biết hắn đã xong việc, phải đi khỏi đây. Hôm nay đến chào tạm biệt và cảm ơn các bạn Nga đã cho hắn nhập bọn khiến hắn có được một số ngày vui vẻ, dễ chịu tuyệt vời ở cái nơi heo hút, vắng vẻ này… Sau đấy hắn quay sang Tachiana, nói một câu, bằng tiếng Nga rất sõi, thứ tiếng Nga của dân Kinh đô chính gốc :
       
         “Особенно Вам Natalia Vladimirpovna!” (Đặc biệt cảm ơn chị, chị Tachiana Vladimirovna !)

         Mặt Tachiana tái đi, không còn một hạt máu. Mọi người thì lặng đi. Tưởng hắn không biết tiếng Nga nên mới nói xấu hắn tục tĩu và độc ác như thế. Ai ngờ hắn hiểu hết. Xấu hổ quá ! Ra hắn biêt tiếng Nga rất tốt, không khác gì người Nga chính gốc và hiểu rất đầy đủ tất cả những lời chế giễu, nói xấu nó trong suốt mấy ngày qua !

                                       CÂU CHUYỆN THỨ HAI

         "... Mẹ tao đi cùng với toàn Nhà hát sang lưu diễn ở Ấn Độ. Dừng lại ở Bombay biểu diễn mấy hôm. Họ không thuê khách sạn mà vẫn ăn ngủ và nghỉ ngơi trên con tầu Nga. Tối diễn, ban ngày các nghệ sĩ dạo chơi thành phố và xem những thứ lạ mắt. Thú nhất là một ông già KAFIR.

         Ông ta mang theo một con khỉ, lúc nào cũng ngồi trên vai ông ta. Tiết mục biểu diễn của ông Kafir rất đặc biệt : ông ta ngồi bằng tròn, con khỉ vẫn ngồi trên vai. Người xem kéo đến rất đông, tạo thành  một vòng tròn xung quanh. Các nghệ sĩ Nga cũng đứng vào để xem. 

        Ông già Kafir trong bọc ra một cuộn dây rồi tung lên cao. Con khỉ bèn theo sơi dây leo lên vun vút, rồi leo xuống. Đầu sợi dây vẫn lơ lửng trên không trung. Ông ta bèn kéo rồi cuộn nó lại, cho vào trong bọc, sau đấy mới chìa mũ ra nhận tiền thưởng của khách đến xem, ngồi thành vòng tròn, vây xung quanh.
                                                                              *
          Đám nghệ sĩ Nga phục quá. Sợi dây tung lên cao, sao con khỉ leo lên được, mà sợi dây vẫn lơ lửng trên không trung ? Cái gì giữ nó không rơi để con khỉ leo lên ? Mấy nghệ sĩ Nga có máy ảnh đề nghị cho chụp, nhưng lão Kafir kia chỉ cười, lắc đầu. Trên đường về con tầu lớn của Nga chở họ sang đây,  mọi người vẫn còn sôi nổi tranh cãi. Mỗi người đưa ra một cách giải thích, không được những người khác đồng , cuối cùng đành phải kết luận là đúng ông kafir kia có pháp thuật thật. Một người đề xuất ý kiến là ông ta đã không cho chụp ảnh thì ngày mai ta mời ộng ta xuống tham quan chiếc tầu lớn của Nga rồi nhân đấy lén chụp ông ta. Hôm sau ộng kafir kia xuống tham quan tầu, con khỉ vẫn ngồi trên một bên vai ông ta. Trong lúc mời ông ta ngồi vào bàn nếm mấy món ăn dân tộc Nga, mấy nghệ sĩ có máy ảnh nấp một chỗ chụp lén. Sau khi tiễn ông kafir lên bờ, mấy nghệ sĩ đi tráng phim. Và lạ chưa, trên cả mấy tấm phim, chỉ có hình ông ta, không có con khỉ. Cả mấy phim đều không có !.. Vậy là sao ?
                                      *
 
           Câu chuyện thứ ba, thứ tư, thứ năm tôi quên mất rồi. Rất tiếc. 

                                       *
           Tôi suy nghĩ rất nhiều về con người cái ông Lesly này. Trong một dịp sang Nga sau đấy, nhân lúc nghỉ sau cuộc bàn bạc với đại diện Bộ Văn hóa Liên Xô, tôi có hỏi ông Bộ trưởng về đạo diễn Lesly. Ông Bộ trưởng cười, đáp,đại khái : “Lúc ấy quan hệ giừa VN và LX có trục trặc, mặt khác ông không tán thành ta dựng vở ấy. Nhưng phía VN tha thiết nên LX đành cử người sang, và ông Lesly là loại đạo diễn kém, chỉ được cái có tiếng vlà con trai độc nhất của một nữ nghệ sĩ tên tuồi từ thời còn Stanislavsky và Nemirovits-Dantsenko nên vẫn được giữ lại ở Nhà hát Nghệ thuật... Thêm nưã, ông Bộ trưởng còn không vui về việc này vì diễn viên Bộ Văn hóa VN đưa sang nhờ hướng dẫn cách đóng vai Lenin cũng kém... (chính là Manh Linh, lúc ấy là Giám đốc Nhà hát, đã khéo chạy chọt để lọt vào cái chân ấy).

                                                               *
            Mấy câu chuyện của Lesly đúng là lộ rõ sự kỳ thị chủng tộc…Số người Châu Á thâm hiểm như thế cũng có nhưng chỉ là số ít, tôi nghĩ thế. …Và số người Châu Âu "thành kiến" như thé cũng không nhiều. Bằng chứng là rất nhiều nam giới châu Âu lấy vợ Châu Á, và ngược  lại.