KỶ NIỆM VỀ CHU BÁ PHƯỢNG
Ông có họ với tôi, về bên ngoại (phía
cụ bà tôi – họ Chu, chứ không phải phía mẹ tôi – họ Ngô). Chẳng là ông nội tôi
là con rể của Cụ Nghè Nếnh (tên nôm của làng Mật Ninh, tổng Sen Hồ, Huyện Việt
Yên, tỉnh Bắc Giang). Thuở tôi còn rất nhỏ, ông nội tôi rất mến tôi, và thấy
tôi là đứa trẻ dễ bảo và thích “đi” nên giỗ Tết, mỗi khi sang quê ngoại của cụ,
ông nội tôi thường bảo tôi đi cùng, vừa mang đồ đạc cho ông, vừa trò chuyện dọc
đường.
Làng Mật Ninh cách làng tôi (Đáp Cầu) chừng bẩy tám cây số, chỉ cần đi bộ. Tôi còn nhớ lờ mờ, dinh cơ Cụ Nghè là một nhà ngói ba gian hai trái, giống như mọi gia đình khác trong làng, có sân lát gạch Bát Tràng rất rộng, một hàng cau và một bể nước có hòn non bộ, và dẫy nhà ngang rất dài là nơi Cụ bà nuôi tằm. Sang đấy tôi hay được cho ăn món nhộng rang béo ngậy. Nhìn chung là một cuộc sống đạm bạc.
*
Ông nội tôi kể chuyện, Cụ Nghè hay
chữ nên đặt tên con cái rất có ý nghĩa. Con gái thì tên một loại hoa : ĐÀO SEN CÚC… Con Trai thì đặt theo tên một loài điểu (chim) : CƯU, PHƯỢNG, NHẠN, BẰNG…
Tôi còn rất nhỏ nên chỉ nhớ nhà ngang có những khung bằng tre dài, áp tường, để đặt những nong tằm.
*
*
Thế rồi mãi đến năm 1946, 13 tuổi, tôi mới
gặp một chuyện để lại ấn tượng cho tôi đến tận bây giờ. Lúc ấy tôi học năm thứ
hai trường Chu Văn An, đóng tại địa điểm của trường Felix Faure, (trường của học
sinh gái người Pháp, gọi là “Trường đầm”), trên đường phố Trần Phú bây giờ. (Sau là Đại
sứ quán Liên Xô). Để ở gần trường, tôi đến ở nhà ông Ngô Thế Tiếu, em trai út của
bà nội tôi, ở số 44 HÀNG ĐẪY (bây giờ là Phố Nguyễn Thái Học.) Ông Tiếu có người em
vợ là họa sĩ Mai Trung Thứ, quay phim
nghiệp dư, đã ghi lại được nhiều thước phim rất quý, về quang cảnh lễ Độc Lập ngày
2-9-1945. (Sau này ông đã tặng lại Chính phủ ta).
Bên cạnh là Trường Phan Chu Trinh lúc ấy là Trường Trung học có uy tín bậc nhất vì do Tổng bộ Việt Minh đỡ đầu. Học sinh Trường hầu hết là con cán bộ Mặt trận hoặc có cảm tình đặc biệt với Mặt Trận VM.
Bên cạnh là Trường Phan Chu Trinh lúc ấy là Trường Trung học có uy tín bậc nhất vì do Tổng bộ Việt Minh đỡ đầu. Học sinh Trường hầu hết là con cán bộ Mặt trận hoặc có cảm tình đặc biệt với Mặt Trận VM.
*
Nhà ông Tiếu là một biệt thự kiểu Pháp (villa), xung quanh là sân và vườn hoa, trước 1946 cho một gia đình người Pháp thuê, nhưng sau Đảo chính Nhật (9-3-1945) họ trả lại nhà để về nước. Bên cạnh cũng là một villa giống hệt, xây kiểu đối xứng, là sở hữu của một ông bác tôi (anh con chú con bác của mẹ tôi), tên là Ngô Thế Loan, hồi Kháng chiến chống Pháp đã có thời làm Chủ tịch Ủy Ban Hành Chính – Kháng Chiến tỉnh Bắc Ninh. Ngôi biệt thự này hình như bác đã cho con gái bác là Ngô Thị Phụng, làm hồi môn khi lấy chồng. Chồng chị là anh Thuần, bác sĩ (nghe nói về sau có một thời gian anh làm Giám đốc Y tế Sài Gòn).
Sau này tôi mới biết nhà khảo cứu Thụy Khuê, người phụ nữ có nhiều công trình rất nổi tiếng, chính là con dâu của hai anh chị. Lần Thụy Khuê nhờ người đem đến tôi một cuộn tài liệu, kèm một lá thư, tôi chưa biết chị lại có quan hệ thân thuộc. Tôi rất ngạc nhiên thấy trong thư chị viết “Bây giờ cháu cũng đi theo con đường của chú. Cháu biết chú rất thân với bà Hoàng Xuân Sính, chú vui lòng chuyển cuộn giấy này cho bà ấy, Chú chuyển tận tay giúp cháu. Ký tên Thụy Khuê”. Mãi sau này tôi mới biết thì ra chị là con dâu anh Thuần và chị Phụng của tôi, mà năm 1946 tôi ở cạnh nhà.
*
Vị trí nhà tôi ở bấy giờ khá đặc biệt : bên cạnh, số nhà 42, là Trường Phan Chu Trinh do Mặt trận Việt Minh đỡ đầu, đối diện bên kia đường phố là trụ sở của Trung Ương VN Quốc Dân Đảng (nhà này sau 1954 là Trường Nghệ thuật Hà Nội). Vì Hà Nội lúc ấy nhiều đảng phái và luôn có sự tranh chấp, địa điểm nhà tôi ở lại như thế, rồi đường phố luôn náo động : sáng thì thanh niên nam nữ lũ lượt vừa chạy vừa hát “Khỏe vì nước, kiến thiết quốc gia…” để ra sân vận động S.E.P.T.O. ở gần cuối phố. Ban ngày thì thường xuyên có những đám biểu tình của các phe phái vừa đi vừa hát và hô khẩu hiệu, nên tuy bận học tôi cũng “phải” quan tâm đôi chút đến những vấn đề về chính trị.
Sáng sáng bên Trụ sở T.Ư. Quốc Dân Đảng có nghi lễ kéo cờ Đảng của họ. Báo VIỆT NAM của họ và báo CỜ GIẢI PHÓNG của Mặt trận Việt Minh được các gia đình mua, có gia đình mua cả hai. Họ hàng tôi lại có hai nhân vật đối lập nhau về chính trị. Ông Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch Tổng bộ Việt Minh, tên khai sinh là Hạ Bá Cang, người làng tôi và có mối liên hệ thân thuộc với gia đình tôi, rồi đến ông Chu Bá Phượng, “ông trẻ” tôi, lại là Ủy viên trung ương Quốc Dân Đảng.
*
Thỉnh thoảng tình cờ nhìn sang bên kia đường phố, tôi thấy xe ô tô chở ông Phượng đến, nhưng tôi chưa giáp mặt ông lần nào. Đọc báo tôi cũng biết khi Chính phủ Liên hiệp ra mắt ở Nhà Hát Lớn, thì ông Phượng cũng là thành viên và là Bộ trưởng Kinh tế…
Trước kia tôi còn nhỏ và ông Phượng lại đi “hoạt động” (nghe nói “ở hải ngoại” nên tôi không biết mặt ông, chỉ nhớ có mỗi một lần sang Mật Ninh, ông nội tôi trỏ một người còn trẻ, gầy và mặc áo dài đen : “Ông trẻ Phượng đấy ! Cháu chào ông trẻ đi”. Rồi ông tôi kể ông Phượng rất chăm học, người đầu tiên ở nước ta nhận bằng cử nhân khoa học từ bên Pháp gửi sang đấy…Bấy giờ ta chưa có Đại học...”
*
Phải đến năm 1946 tôi mới nhìn thấy ông thật sự. Vì cha tôi thỉnh thoảng ở quê (Đáp Cầu) sang Hà Nội thăm hai con trai (anh tôi cũng học Chu Văn An, trên tôi 4 lớp)… Hôm ấy ba cha con đang đi dạo trên vỉa hè Phố Hàng Bông, thì một chiếc xe hơi khá sang tạt vào sát vỉa hè rồi đỗ lại. Một tiếng gọi từ trong xe ra :”Anh Vân !” và một cái đầu ló ra. Cha tôi nhận ra người trong xe, mừng rỡ đáp “Chú Phượng ! Chú mới ở Fontainebleau về ạ ?”
Hai người ngang tuổi, nhưng tính theo họ hàng, cha tôi phải gọi ông ấy bằng “chú”. Ông Phượng vẫn ngồi trong xe, chỉ thò đầu ra, nói : “Tôi mới về chưa được bao lâu, bận quá, chưa về quê được. Anh có gặp ai thì cho tôi gửi lời chào hộ nhé.”
Lúc ấy vừa xảy ra vụ Ôn Như Hầu, được báo chí đưa nhiều tin tức khiến dư luận rất phẫn nộ. Cha tôi tuy không tham gia chính trị nhưng đọc báo thấy, cũng phẫn nộ. Người hỏi “móc máy” : “Chú đã nghe tin về vụ Ôn Như Hầu rồi chứ ?” Nghe đến mấy chữ ấy, mặt ông Phượng tối xầm lại :
“Khi một Đảng chính trị thất thế thì nhục thế đấy. Thiếu người phải nhận những đứa du côn. Không có tiền trả lương chúng, đành phải để chúng làm bậy. Làm chính trị nhiều lúc cay đắng thế đấy. Thôi, nhìn thấy ba cha con thì đứng lại chào thế thôi. Nếu gặp ai, anh nhớ chuyển lời chào hộ tôi nhé. Nói mấy hôm nữa công việc vãn vãn một chút, tôi sẽ đến thăm các ông các bà ấy.”
Nói xong xe quặt ra mặt phố, lao đi…
*
Hôm ấy, tôi mới được nhìn rõ mặt ông Phượng. Ông rất gầy…Và mặc dù ăn mặc lịch sự ông cũng rất “thư sinh”,.
***
Thế rồi bẵng đi nhiều năm, tôi chỉ được nghe một số tin đồn về ông : nào ông bị quản thúc trên Hà Giang, nào ông nhận dạy môn Vạn Vật (bây giờ hình như gọi là môn Sinh vật) cho một trường Trung học gần “trại”…
Rồi một sự kiện rất ngẫu nhiên xảy ra
vào năm 1968.
Lúc ấy hai vợ chồng tôi sống trong một phòng nhỏ trong dẫy nhà đang xây dở dang, trong Khu Nhà hát Nhân dân (Khu đấu xảo ngày xưa ở số nhà 91 Trần Hưng Đạo, sau này khu ấy bị giải tỏa, phá đi để xây Cung Văn hóa Hữu Nghị Việt-Xô, còn bây giờ là Cung Văn hóa Lao động, gia đình tôi phải trả lại gian nhà đang ở, và được phân một căn hộ tại khu lắp ghép Trung Tự.)
Lúc ấy hai vợ chồng tôi sống trong một phòng nhỏ trong dẫy nhà đang xây dở dang, trong Khu Nhà hát Nhân dân (Khu đấu xảo ngày xưa ở số nhà 91 Trần Hưng Đạo, sau này khu ấy bị giải tỏa, phá đi để xây Cung Văn hóa Hữu Nghị Việt-Xô, còn bây giờ là Cung Văn hóa Lao động, gia đình tôi phải trả lại gian nhà đang ở, và được phân một căn hộ tại khu lắp ghép Trung Tự.)
Khi sự kiện kia xảy ra, tôi mới lập
gia đình, chưa có con.
*
Sự kiện ấy là thế này :
Nhà hát Nhân dân được tu sửa, cả sàn
biểu diễn lẫn các hàng ghế ngoài trời dành cho khán giả, trước bằng gỗ, nay thay
bằng ghế xi-măng. Trông nom phần kỹ thuật là một kỹ sư xây dựng trẻ, chỉ trạc
tuổi tôi: khoảng trên 30. Nhà tôi, nói đúng ra chỉ là một phòng, chưa lắp cửa ra vào. Từ trong "nhà" nhìn ra sân, tôi thấy anh kỹ sư mỗi lần
đi đâu, qua phòng hai vợ chồng tôi ở, lại liếc mắt vào trong. Một hôm thấy anh nhìn
vào, tôi bèn gọi, mời anh vào uống nước.
- Cảm ơn anh. Anh nhiều sách quá. Tôi
hay ngó vào chỉ để ngắm cái tủ sách ấy thôi.
- Thì anh cũng vào chơi, uống chén nước.
Anh kỹ sư bước vào nhưng không ngồi mà chỉ đứng bên tủ sách, xem.
- Anh muốn đọc cuốn gì cứ lấy.
- Anh cho phép thế thì tốt quá.
Anh kỹ sư nói rồi lấy xuống một cuốn.
Tôi đỡ lấy xem, thì là cuốn CÁCH MẠNG THÁNG TÁM của Kiến Giang, do nhà SỰ THẬT xuất bản.
- Xin anh cho mượn cuốn này.
- Được, anh ạ. Cuốn ấy tôi đọc rồi,
Anh cứ đọc thoải mái, hôm nào xong thì trả. Không cần vội.
- Tôi chỉ đọc trong vòng một tuần
thôi.
*
Sáu ngày sau anh đem trả sách. Tôi mời anh ngồi xuống uống nước. Anh nói :
- Muốn hỏi anh một câu, được không ạ ?
- Anh cứ nói.
Anh lật trang có ảnh chụp Chính phủ Liên hiệp
năm 1946 ra mắt trên sân khấu Nhà hát Lớn, có đầy đủ các thành viên.
- Những người này, bây giờ ta đánh giá
họ thế nào ?
- Còn tùy người. Vì là “Liên hiệp” nên
mỗi người một khuynh hướng chính trị. Sau này cách chính phủ ta đối xử cũng dựa
theo đấy. Nhưng anh quan tâm đến ông nào trong ấy ?
Anh ta trỏ vào hình ông Chu Bá Phượng.
- Ông này chẳng hạn…
- À, ông Chu Bá Phượng ! Bộ trưởng
Kinh tế. Hiện nay ở đâu tôi không biết. Nhưng nhân tiện, ông ấy có họ hàng với
tôi đấy.
- Họ hàng thế nào ạ ?
Tôi kể.
Anh kỹ sư chăm chú nghe rồi nói :
- Ra cũng gần đấy nhỉ ? Nếu thế tôi
xin nói thật : Tôi là con rể ông ấy.
Tôi hết sức ngạc nhiên :
- Nếu thế, tất anh phải biết cụ đang ở
đâu chứ ?
- Không. Chính phủ cho vợ tôi về Hà Nội,
vào học Đại học Sư Phạm, sau đấy cho một chân dạy ở một trường cấp ba, chu cấp
đầy đủ, lại cấp cho cả một căn hộ ờ Thành Công, thậm chí các ngày Tết ngày lễ đều
có quà, nhưng với một điều kiện : tuyệt đối không được liên hệ gì với bố. Không
được thư từ đã đành, nhưng cũng không được nhờ ai nhắn miệng gì hết. Tóm lại : phải coi như ông thân sinh không còn sống
trên đời nữa !
Tôi hết sức ngạc nhiên, thầm nghĩ :
“Chà, chính trị là thế đấy !”. Rồi hỏi :
- Nhưng khi hai anh chị tìm hiểu nhau,
chị không kể về ông à ?
- Không. Vả lại lúc ấy tôi chưa quan
tâm lắm. Chỉ sau khi cưới, vợ tôi mới kể đầy đủ.
- Và anh chị không dám liên lạc gì với
ông ?
- Tất nhiên. Tuyệt đối không.
*
Sau khi anh kỹ sư, con rể ông Phượng, ra khòi cửa, tôi không nói chuyện với anh lần nào nữa, và hình như anh cũng tránh mặt, sợ liên lụy đến tôi.
Vài hôm sau, cơ quan yêu cầu chuyển hai vợ chồng tôi ra ở một gian khác nằm bên ngoài bức tường Nhà hát (nhưng vẫn trong khuôn viên số nhà 91) bên cạnh nhà của cán bộ nhiều cơ quan khác. Từ bấy đến nay tôi không gặp lại anh kỹ sư ấy. Sau này cứ ân hận là đã không hỏi họ tên anh và địa chỉ của hai anh chị… Nhưng tôi vốn nhát nên dù có biết cũng không dám quan hệ tiếp.
*
Sau đấy nhiều năm, tình cờ tôi gặp lại một bạn cũ, hồi Kháng chiến hai đứa cùng một đơn vị trinh sát của Ban Quân báo Đại đoàn 308, và sau khi xuất ngũ, anh chuyển ngành sang cơ quan an ninh. Nhân trò chuyện, nói đến ông Phượng, anh bạn tôi kể :
- Chà, nếu đấy là họ hàng cậu, thì
mình kể cậu nghe chuyện này. Năm ngoái mình trong số tháp tùng ông Đồng trong
chuyến đi kinh lý mấy tỉnh biên giới. Hôm đến Hà Giang, xe đang chạy bỗng thấy một
ông già, mặc bộ quần áo chàm bạc phếch, má hóp, gầy gò, một chòm râu lưa thưa,
từ bụi cây bên đường đi nhanh ra giữa đường, chặn trước mũi xe Thủ tướng. Xe đỗ
lại. Ông già hom hem kia bước đến bên cừa sổ xe :
- Tôi là Chu Bá Phượng… muốn đề nghị
Chính phủ một viêc. Tôi già lắm rồi, lại đau ốm, đề nghị cho tôi về chết ở quê.
Ông Đồng đáp, đại khái là :
- Chào anh ! Điều anh đề nghị, riêng tôi
nghĩ là hợp lý, nhưng anh hiểu cho. Việc ấy tôi không đủ thẩm quyền. Vả lại,
chúng ta là những người làm chính trị, đều biết và đã chấp nhận một sự thật là
không phải muốn làm gì cũng được. Nói thế chắc anh hiểu. Chúc anh giữ được sức
khỏe…Rất tiếc, rất tiếc…
Ông già tránh ra và xe lao đi…
*
Chuyện anh bạn tôi kể chỉ là như thế. Tôi định hỏi thêm nhưng lại thôi.
*
Vài năm sau, có dịp về quê, chú tôi kể là ông Phượng đã mất. Gia đình ở Mật Ninh nhận được giấy báo của Công an cho biết : “phạm nhân Chu Bá Phượng đã qua đời tại trại giam Hà Giang…” Trong giấy báo không nói mất ngày nào, nên từ đấy, gia đình đành coi ngày ký thông báo trên đấy làm ngày giỗ ông ấy hàng năm vậy.
Hôm ấy, em dâu ông Phượng (hình như bà vợ ông Chu Bá Nhạn) lấy ra trong hộp sắt cất trong tủ ban thờ, một tờ giấy khác đã hoen ố, đưa tôi, nói : "Cháu đọc thêm cái này" Tôi đỡ và đọc, thì ra là thư chia buồn của ông Hồ khi bà Phượng mất, hình như năm 1947. Lâu rồi, tôi không còn nhớ chính xác, nhưng nhớ là thư được đánh máy, nội dung đại khái như sau : "Thân ái gửi Chú Phượng. Nghe tin Thím Phượng qua đời, thay mặt Chính phủ và nhân danh cá nhân tôi, gửi đến chú lời chia buồn cùng chú và gia đình. Chào thân ái. Ký tên Hồ Chí Minh." Thư còn có cả chữ ký của ông Hồ bằng tay...
*
Câu chuyện này tôi giữ kín trong bụng, chỉ kể với anh chị em ruột, hôm nay mới viết ra giấy. Sau này tôi có quen và khá thân với mấy bạn đồng hương, đều biết khá rõ gia đình, họ hàng nhà tôi : nhà văn TRẦN NINH HỒ (Mật Ninh và Sen Hồ), và nhà văn ĐỖ CHU. Chu có lần nói vui : tính họ hàng thì anh trên em, chứ nếu anh dưới em thì đâm khó xưng hô, anh nhì ?”
2015
hiện tại cháu đang ở mảnh đất vốn là ngôi nhà trước kia của cụ chu bá phượng. Cháu rất muốn tìm hiểu về cuộc đời cụ. Nếu cụ có thể chia sẻ giúp cháu với ạ. SDT cháu: 0975139273 (cháu Lâm)
Trả lờiXóaCháu là cháu gái nội của ông Chu Bá Phượng. Cháu đã đọc hết bào viết ở trên.
Trả lờiXóaCháu rất muốn được trao đổi với tác giả của bài viết vì cháu biết rất rõ về cuộc đời ông Nội của cháu.!
SĐT của cháu 0918984276. Chu Quỳnh Nga