DỊCH LÀ PHẢN ?
Người
Pháp có câu nói : “Traduire c’ est trahir”
có nghĩa “dịch là phản”. Câu nói chính xác làm sao. Nó đúng cả khi người dịch
không cố tình, nhưng hiểu ngôn ngữ không chính xác, và còn đúng hơn nữa khi người
dịch “cố tình” dịch sai lạc đi. Xin dẫn một thí dụ.
Trong
cuốn song ngữ “333 TRUYỆN CƯỜI BỐN
PHƯƠNG” do Nhà xuất bản Thế giới ấn
hành khoảng năm 2000, có câu chuyện về tài nhanh trí của một chàng phiên dịch.
Số là tên sĩ quan thực dân Tây Ban Nhà đang tra khảo tàn bạo một thủ lĩnh bộ tộc
da đỏ, hỏi ông ta giấu kho vàng của bộ tộc ở đâu. Ông già khăng khăng không
khai, dù bị đánh đập rất ác, nhưng đến khi viên sĩ quan da trắng cảnh báo, nếu
không khai ra ông sẽ bị chặt đầu. Người thủ lĩnh đành phải khai địa điểm giấu
kho vàng ấy. Vị phiên dịch nảy ra một mưu (nói danh từ là “sáng kiến”), hắn nói
với viên sĩ quan Tây Ban Nha rằng, “lão” thủ lĩnh kiên quyết không khai, dù bị
chặt đầu. Thế là viên sĩ quan Tây Ban Nha sai lính chặt đầu người thủ lĩnh da đỏ.
Tối hôm ấy, gã phiên dịch một mình tìm đến địa điểm người thủ lĩnh kia khai,
chiếm đoạt toàn bộ kho vàng làm của riêng !
Tuy
nhiên người phiên dịch có thể dịch không chính xác hoặc như chàng “nhanh trí” kể
trên, dịch sai lạc để kiếm chác, hậu quả chưa khủng khiếp bằng dịch theo kiểu vẫn
chính xác nhưng lại thành phản. Một thí dụ. Từ lâu tôi vẫn băn khoăn, sao nước
ta để ra ba phương châm tiếp nhận từ Đại Cách mạng Pháp 1789 là “Bình đẳng - Tự do – Bác ái”, nhưng trên
thực tế, dân ta không được bình đẳng, không được tự do và cũng không được “bác
ái” ? Tôi bèn thử lấy từ BÌNH ĐẲNG ra khảo sát. Thì ra đây là dịch từ danh từ
tiếng Pháp ÉGALITÉ, được thông qua trong Đại Cách mạng Pháp cách đây đã hơn 200
năm, mở đầu cho một thời đại mới đầy ánh sáng của nhân loại. Nghĩa gốc và tinh
thần của EGALITE là xóa bỏ sự phân biệt
đối xử theo đẳng cấp, giữa “quý tộc” (nobles)
và “dân thường”, vì quý tộc “máu trắng” thơm tho, còn dân thường máu đỏ, tanh
hôi ! Chính nhờ xóa bỏ sự phân biệt theo đẳng cấp ấy, mà chàng phụ bếp nghèo khổ,
da vàng Ngyễn Tất Thành lần đầu đặt chân lên đất Pháp, vào một quán giải khát ở
cảng Marseille, gọi một cốc nước và được người phục vụ trả lời “Oui, Monsieur” khiến Thành hết sức ngạc
nhiên : “Mình mà được gọi là “quý ông”
? “ (chằng là Monsieur do ghép hai chữ
“Mon” và “Sieur” đúng ra có nghĩa là “quý ông”, một cách thưa với người khác
đầy kính trọng). Có gì đâu ? Thành ta chợt hiểu đấy là thành quả của châm ngôn
“egalité” được thông qua trong Đại
Cách mạng Pháp 1789, sau bao nhiêu cuộc đấu tranh cam go của tầng lớp “bình
dân” trước đấy vẫn bị khinh bỉ và không có quyền gì. Quý tộc phạm tôi không bị
đem ra xử, còn “bình dân” mà phạm tội thì án nặng khủng khiếp là cái chắc, dù tội
rất nhẹ.
Nghĩa
đúng của EGALITE như thế, ta dịch là BÌNH ĐẲNG... Cái từ này mơ hồ quá, muốn hiểu
sao cũng được. Vì tôi về già rảnh rỗi, chót thử mò đi tìm và hiểu được nguồn gốc
từ EGALITE nên rất ngạc nhiên sao nước ta đưa từ ấy ra mà chẳng thấy bình đẳng
đâu cả. Xét người và đối xử với con người vẫn phân biệt đẳng cấp rất rành mạch.
Tôi thầm nghĩ, nguyên nhân là do thằng cha “dịch” và do hắn dịch không chính
xác... Nhưng rồi tôi lại nghĩ, cũng có thể dịch thì chính xác nhưng không nói
rõ “nghĩa là gì” nên sự phân biệt theo đẳng cấp vẫn còn nguyên, thậm chí còn nặng
nề hơn thời quân chủ, tuy không ai nói trắng ra, đấy là giữa TRONG ĐẢNG hay
NGOÀI ĐẢNG.
Hồi tôi ở lính,
anh em bộ đội trinh sát đơn vị tôi, để phân biệt đẳng cấp, thường gọi đùa là HỒNG
BINH và BẠCH VỆ...
Bộ Văn hóa chúng
tôi có một ông Thứ trửơng hay nói nửa đùa nửa thật, tôi có cảm giác ông dùng
cách ấy để khỏi gặp phiền toái. Gặp một nhân viên vừa được kết nạp Đảng, ông hỏi
“Cậu vào Làng Tây rồi đấy à ?” Chà !
“Làng Tây” ! Trò chuyện với tôi (hay cả với người khác ? ) ông thường gọi Bí
Thư Tỉnh Ủy là “Công Sứ” còn Chủ tịch
Tỉnh là “Tổng Đốc” Không ít lần để trả lời câu tôi hỏi ông đi đâu đấy, ông đáp
:”Tớ đi gặp Công Sứ !” tức là Bí thư
Tỉnh, cái tỉnh nơi hai chúng tôi vừa đến ấy.
Đấy
là do ta hiểu chưa chính xác một ngôn từ... Nguyên nhân chỉ có thế thôi, chẳng
còn nguyên nhân nào khác đâu, xin đừng suy diễn lung tung, thưa các bạn thân mến
của tôi. Chỉ là chuyện dịch, thế
thôi. Chuyện dịch ! Đúng thế, và chỉ
có thế thôi. Dịch ! Tội là ở chuyện dịch hết !
TRẦN ĐÔNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét