Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 4 tháng 10, 2014

GIA ĐÌNH



DẠY CON

TÍNH TỰ LẬP

Susan là bạn của gia đình tôi ở Mỹ. Có một thời gian quá bận rộn, Susan nhờ tôi chở con trai bà, David, tới lớp tennis. Những lần tiếp xúc ngắn chỉ 20 phút lái xe chở David tới trung tâm tennis, tôi rất ngạc nhiên vì cậu bé 10 tuổi này ăn nói chững chạc, chào hỏi, cảm ơn, hỏi tôi nhiều chuyện và có những quan điểm riêng mà cậu ấy không ngại ngần bộc lộ, khi chia sẻ về các môn học hay về các nước cậu ấy đã đi qua.
Một lần tôi tới chơi nhà Susan, đang ngồi nói chuyện thì Susan có điện thoại. “David để quên cuốn vở bài tập ở nhà. Nó nhờ tôi mang tới trường cho nó”. Rồi Susan hỏi tôi có muốn cùng bà đi bộ tới trường của David không. “Trường cách đây bao xa?”, tôi hỏi. “Đi bộ mất khoảng 20 phút”. Trên đường đi, tôi hỏi Susan: “Tôi chắc chắn rằng David là một đứa bé rất tự tin và tự lập. Nhưng bà có nghĩ rằng giúp đỡ nó như thế này thì có chiều nó quá không?”.
Susan trả lời: “David là một đứa trẻ ngoan. Hôm nay nó quên cuốn vở, tôi cũng đang rỗi rãi thì tôi sẽ mang tới cho nó”. “Nhưng bà có nghĩ rằng làm như vậy nó sẽ ỷ lại không?” “Không, chúng ta ai chẳng có lần quên cái này cái kia. Tôi dám chắc rằng David chẳng muốn bị quên vở tí nào”. “Nhưng nếu nó không chỉ quên lần này, mà còn quên thêm hai, ba lần nữa thì sao? Liệu bà còn mang vở đến cho nó không?” “Nếu lúc đó tôi rỗi, thì tôi vẫn có thể mang tới cho nó”. “Tôi không hiểu. Sao bà không dạy David một bài học, nói rằng: “Đây là lần thứ ba con quên vở rồi. Mẹ không thể lần nào cũng mang đến cho con. Con chịu khó bị điểm kém một lần đi, để mà con nhớ”. Susan cười cười, lắc đầu: “Không. Trong gia đình tôi, chúng tôi không làm như vậy. David cần sự giúp đỡ. Nếu lúc đó tôi không bận việc gì thì tôi có thể cũng như lần này đi bộ đến đưa cho nó. Đó là giá trị của gia đình phải không nào?”. “Tôi thật sự không hiểu nổi, điều đó trái với tất cả những gì tôi biết về dạy con tự lập!”.
Susan giờ mới hiểu ra tại sao tôi cứ hỏi kỹ chuyện mang vở cho David như vậy. Xốc lại chiếc áo khoác, Susan gạt tóc đang bay lòa xòa trước mặt: “Tôi nói đó là “khi tôi rỗi”. Còn nếu tôi cũng đang bận việc của mình, tôi mệt, hoặc trời quá nhiều tuyết, thì tôi sẽ đành phải nói với David rằng: “Mẹ xin lỗi, nhưng hôm nay mẹ cũng đang rất bận việc, không thể tới chỗ con được. Con nói lời xin lỗi cô giáo nhé và xem có thể làm gì để bù đắp không”.
Vừa lúc chúng tôi tới trường của David, David chạy xuống các bậc cầu thang, lao ra phía cổng trường. “Cảm ơn mẹ rất nhiều. Con yêu mẹ nhiều” rồi cậu chạy lại vào trong lớp.
Lúc quay đầu về nhà, Susan bảo thêm tôi: “Nếu David quả là có sự lơ đễnh “bác học” và liên tục quên, thì tôi sẽ cùng con ngồi lại xem nguyên nhân vì sao. Có phải vì David cứ đi ngủ trước để đến sáng ra mới cuống cuồng cho sách vở vào cặp không? Hay vì các cuốn vở màu sắc quá giống nhau nên David mang nhầm? Thế thì phải ra Office Depot mua nhãn vở nhiều màu sắc về dán rồi”.
Lúc đó, tôi chợt nhận ra, bà mẹ Mỹ này “cứng tay” hơn tôi tưởng rất nhiều. Tôi dám chắc rằng bà luôn để con tự lập, tự thân vận động, chính vì thế mà David rất nhanh nhẹn và hoạt bát. Nhưng bà cũng không vì “để con tự lập” mà dằn giọng: “Con phải chịu hậu quả để mà nhớ lấy bài học này”. Nếu bà có thể giúp, bà sẽ giúp. Nếu bà không thể giúp thì bà cũng đành buồn lòng mà nói với David như vậy. Bà không nỗ lực quá đà, bỏ bê công việc của mình hay “hy sinh” lao ra ngoài trời tuyết, nhưng David vẫn biết rằng mẹ quan tâm đến cậu, chỉ có điều trong hoàn cảnh như vậy, mẹ không thể giúp. Cậu bé David có thể hôm đó sẽ phải xin lỗi cô giáo hay bị điểm kém, bên cạnh việc học được bài học về hậu quả của sự đãng trí, cậu cũng vẫn ấm lòng rằng cậu luôn có mẹ, có gia đình ở bên. Cậu bé David luôn được mẹ nhắc đến với bản chất tốt, “ngoan”, “nó cũng không muốn bị quên vở như thế”. Và khi Susan để ý con có thể bị tính “đãng trí” ảnh hưởng quá nhiều, bà sẽ cùng con ngồi thảo luận và tìm ra giải pháp để con không quên nữa. Cách dạy con của Susan rất khác với sự dạy con tự lập một cách cứng nhắc như là “để nó chịu hậu quả thì nó mới học được”. Nó rất khác với việc “nghĩ hộ con” - hằng ngày đốc thúc, nhắc nhở để con khỏi quên. Nó cũng rất khác với việc hy sinh thân mình để giúp con trong im lặng. Nó cũng rất khác với việc hậm hực giúp con sau một hồi mắng con “cẩu thả”, “ích kỷ”, “dựa dẫm”... Những gì tôi học được từ Susan thực sự rất ý nghĩa. Nó giải phóng những ông bố bà mẹ như tôi khỏi nỗi sợ “làm hư con”, “nuông chiều con”. Nó nhắc nhở về sự gần gũi, thân mật, hỗ trợ trong gia đình. Hóa ra cách dạy con của người Mỹ có rất nhiều điểm tương đồng với bản tính yêu thương con tự nhiên của người Việt Nam. Dạy con tự lập không có nghĩa là gạt đi tình yêu với con. Mà thực ra họ để con tự lập và vừa yêu thương con, chỉ dẫn con đúng cách. Để làm được như vậy, chính bố mẹ cũng phải hoàn thiện mình, là con người hiểu biết, có đạo đức để có thể hướng dẫn con đúng đắn. Ở Việt Nam, những người sinh ra ở lứa tuổi 7x, 8x đã quá ngán sự bao bọc của bố mẹ nên khi sinh ra những đứa con đầu tiên, cùng lúc những tư tưởng dạy con tự lập của phương Tây tràn vào, những ông bố bà mẹ trẻ nhanh chóng học hỏi, nhưng do hạn chế thông tin và thực tế nên nhiều người hình thành tư tưởng cực đoan khi dạy con tự lập. Mỗi lần định dạy gì con là rất “rón rén” vì sợ làm con phụ thuộc. Sau một vài lần nhắc nhở là họ phó mặc vào “hậu quả”, hy vọng “hậu quả” sẽ dạy con và làm con thay đổi. Trong khi đó, cái cần làm không đơn thuần là hậu quả, mà là dạy con cách làm, cùng thảo luận với con cách nghĩ, cùng tìm giải pháp... Khi con hay có lựa chọn ăn uống không tốt cho sức khỏe như chỉ thích uống nước ngọt, ăn đồ béo ngậy, thì mẹ không chỉ nói với con “ăn thế thì béo đấy” hay ép con “phải ăn nhiều rau vào” mà có thể cùng con nấu những món ngon bổ dưỡng, cùng học về dinh dưỡng. Khi con lúng túng với khoản tiền đầu tiên và đầu tuần tiêu hết quá nhanh đến cuối tuần không còn lại gì, thay vì chỉ để con tự hiểu được cảm giác bất lực vì không biết quản lý chi tiêu, bố mẹ có thể dẫn cho con xem cuốn sổ ghi chép chi tiêu hằng ngày của gia đình, để con học được cách quản lý tài chính. Chính cách dạy tưởng chừng như “không để con tự lập” đó lại dạy con để con không chỉ là một người tự lập, mà là một người tự lập thông thái, đầy bản lĩnh và xúc cảm.
Dạy con thành người tử tế
Nghiên cứu của nhà tâm lý học Richard Weissbourd tới từ ĐH Harvard cho thấy khoảng 80% người trẻ nói rằng cha mẹ họ quan tâm nhiều tới thành tích và hạnh phúc của con cái hơn là việc họ có quan tâm tới người khác hay không. ¾ người được phỏng vấn cũng đồng ý rằng “bố mẹ thường tự hào nếu tôi đạt điểm cao hơn là khi tôi là một người biết quan tâm tới người khác trong một tập thể”.
Ông Weissbourd và các đồng nghiệp đã đưa ra một số lời khuyên về cách nuôi dạy trẻ trở thành một người biết quan tâm, có trách nhiệm và biết tôn trọng người khác. Tại sao điều này lại quan trọng? Bởi vì nếu chúng ta muốn con cái là một người tử tế, chúng ta phải nuôi dạy chúng theo cách tử tế.
“Trẻ em sinh ra không đơn giản là tốt hay xấu và chúng ta không bao giờ nên bỏ cuộc với trẻ. Trẻ cần người lớn giúp để trở thành người tử tế ngay từ giai đoạn thơ ấu” – các nhà nghiên cứu viết.
1. Quan tâm tới người khác nên là việc được ưu tiên Tại sao? Các bậc cha mẹ thường quan tâm tới niềm vui và thành tích của con cái hơn là việc bọn trẻ có biết quan tâm tới người khác hay không. Nhưng trẻ em cần học cách cân bằng nhu cầu của bản thân và nhu cầu của người khác, cho dù đó chỉ là việc chuyền quả bóng cho đồng đội hay quyết định lên tiếng bênh vực một người bạn bị bắt nạt. Bằng cách nào? Cha mẹ cần nói cho trẻ biết rằng quan tâm tới người khác nên là ưu tiên hàng đầu. Phụ huynh cần đặt ra những kỳ vọng cao về mặt đạo đức, ví dụ như yêu cầu trẻ thực hiện những cam kết, lời hứa của mình cho dù điều đó có thể làm trẻ không vui. Ví dụ, trước khi trẻ quyết định rời khỏi đội bóng, ban nhạc hoặc chấm dứt tình bạn với ai đó, cha mẹ hãy yêu cầu trẻ xem xét nghĩa vụ của mình với tập thể đó và khuyến khích trẻ tìm ra vấn đề trước khi bỏ. Hãy thử: - Thay vì nói rằng “điều quan trọng nhất là con thấy vui vẻ”, thì hãy nói “điều quan trọng nhất là con phải tử tế”. - Hãy đảm bảo rằng trẻ luôn ứng xử tôn trọng với người khác, ngay cả khi chúng mệt mỏi, lo lắng hay tức giận - Hãy nhấn mạnh tới sự quan tâm khi bạn tương tác với những người khác trong cuộc sống của trẻ. Ví dụ, hãy hỏi giáo viên xem con bạn có phải là một cá nhân tốt trong tập thể không.
2. Tạo cơ hội để trẻ quan tâm và biết ơn người khác Tại sao? Không bao giờ là quá muộn để trở thành một người tốt, nhưng nó sẽ không tự nhiên mà có được. Trẻ cần được thực hành và thể hiện sự quan tâm, lòng biết ơn với những người quan tâm tới trẻ và những người góp sức vào việc làm cho cuộc sống của trẻ tốt hơn. Các nghiên cứu cho thấy những người có thói quan thể hiện lòng biết ơn có xu hướng hữu ích hơn, hào phóng hơn, nhân từ hơn và rộng lượng hơn – và họ cũng là những người hạnh phúc và khỏe mạnh hơn. Bằng cách nào? Học cách quan tâm cũng giống như học cách chơi một môn thể thao hay một nhạc cụ. Bạn lặp đi lặp lại hàng ngày – dù đó chỉ là giúp bạn làm bài tập về nhà, làm việc nhà hay làm một công việc gì đó cho lớp học. Hãy thử: - Đừng thưởng cho trẻ mỗi khi trẻ làm bất kỳ việc tốt gì như lau bàn ăn. Chúng ta nên khuyến khích trẻ làm việc nhà cùng với các anh chị em hay bạn hàng xóm. Chỉ thưởng khi trẻ làm những việc thực sự đặc biệt - Nói chuyện với trẻ về những hành động quan tâm và vô tâm mà trẻ nhìn thấy trên tivi hoặc ở đâu đó - Bày tỏ sự biết ơn trước mỗi bữa ăn, trước giờ đi ngủ, trong xe hơi hoặc trên tàu điện ngầm. 3. Mở rộng phạm vi quan tâm của trẻ Tại sao? Hầu hết trẻ chỉ quan tâm tới mọi người trong phạm vi nhỏ như gia đình, bạn bè. Khó khăn của chúng ta là giúp trẻ học cách quan tâm tới những người ở phạm vi rộng hơn như bạn mới trong lớp, bảo vệ trường học, một con người ở đất nước xa xôi nào đó. Bằng cách nào? Trẻ cần lắng nghe và hòa nhập vào cộng đồng xung quanh mình, cũng như xem xét một ai đó mà trẻ gặp gỡ hàng ngày ở nhiều góc độ. Trẻ cũng cần xem xem những quyết định như rời khỏi ban nhạc, câu lạc bộ thể thao có gây ảnh hưởng tới những người khác trong tập thể đó hay không. Đặc biệt là trong thế giới ngày càng toàn cầu hóa của chúng ta, trẻ cần mở rộng sự quan tâm tới những người sống ở những nền văn hóa, cộng đồng khác.
Hãy thử:
- Hãy đảm bảo rằng trẻ là người thân thiện và biết ơn với tất cả mọi người trong cuộc sống hằng ngày như người lái xe buýt hay nhân viên phục vụ bàn
- Khuyến khích trẻ quan tâm tới những người yếu thế. Gợi ý cho trẻ một số việc đơn giản như an ủi một người bạn bị trêu chọc.
- Dùng những câu chuyện trên báo hoặc trên tivi để khuyến khích trẻ suy nghĩ về những trẻ em đang gặp khó khăn ở một đất nước khác.
4. Cha mẹ hãy là một cố vấn và một tấm gương về đạo đức Tại sao? Trẻ học được các giá trị đạo đức thông qua hành động của những người mà chúng tôn trọng. Trẻ cũng học được các giá trị bằng cách suy nghĩ thông qua những tình huống đạo đức khó xử với người lớn. Ví dụ, “mình có nên mời người hàng xóm mới tới dự tiệc sinh nhật trong khi bạn thân nhất của mình không thích cô ấy?” Bằng cách nào? Bạn cần phải là hình mẫu về sự trung thực, công bằng và quan tâm tới người khác. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn phải hoàn hảo mọi lúc mọi nơi. Đối với những đứa trẻ tôn trọng và tin tưởng chúng ta, chúng ta cần thừa nhận những sai sót và lỗi lầm của mình. Chúng ta cũng cần tôn trọng suy nghĩ và lắng nghe quan điểm của trẻ.
Hãy thử:
- Làm gương bằng cách tham gia hoạt động công cộng ít nhất một lần một tháng. Sẽ tốt hơn nếu bạn cùng làm với trẻ
- Đưa cho con một tình huống đạo đức trong bữa tối và đề nghị trẻ xử lý tình huống
5. Hướng dẫn trẻ kiểm soát những cảm xúc tiêu cực Tại sao? Thông thường khả năng quan tâm tới người khác hay bị lấn át bởi sự tức giận, xấu hổ, ghen tị hoặc những cảm xúc tiêu cực khác. Bằng cách nào? Chúng ta cần dạy trẻ rằng mọi cảm xúc đều là bình thường, nhưng cần biết cách xử lý những cảm xúc tiêu cực này theo hướng tích cực. Hãy thử: Đây là một cách đơn giản để dạy trẻ bình tĩnh: đề nghị trẻ dừng lại, hít sâu bằng mũi, thở ra bằng miệng và đếm đến
5. Thực hiện cách này khi trẻ đang bình tĩnh. Đến khi trẻ mất bình tĩnh, hãy nhắc cho trẻ nhớ về những bước này và cùng thực hiện với trẻ. Sau một thời gian, trẻ sẽ tự làm được một mình để thể hiện cảm xúc theo hướng tích cực và hợp lý.
CẦN TẬP CHO CON KỸ NĂNG SỐNG (CỦA CÁC BÀ MẸ MỸ)
Không biết cách đi xe đạp, bơi lội và buộc dây giày, trẻ em ngày nay dường như làm chủ các trò game giỏi hơn kỹ năng sống cần thiết. Tại sao cần học cách thắt dây giày khi bạn có thể chơi Video game?
Trẻ em ngày nay thành thạo sử dụng chuột máy tính, mở một trang web và tìm kiếm các ứng dụng trò chơi trên điện thoại của bố mẹ. Nhưng nhiều trẻ không biết làm thế nào để buộc dây giày hay nấu một món đơn giản.
Một nghiên cứu gần đây với 2.200 bà mẹ trên thế giới cho thấy:
- 44% trẻ 2-3 tuổi biết chơi game máy tính trong khi
- 43% có thể đi xe đạp.
- 22% trẻ 4-5 tuổi có thể sử dụng một ứng dụng trên điện thoại thông minh, trong khi chỉ
-14% trẻ biết buộc dây giày.
- 25% trẻ nhỏ biết mở một trang web trong khi chỉ 20% biết bơi.
Những con số này không có gì đáng ngạc nhiên nhưng gợi lên nỗi buồn nhỏ. Dưới đây là những kỹ năng trong cuộc sống bố mẹ có trách nhiệm dạy con, bằng việc làm của chính mình hằng ngày. Đó không phải là những kỹ năng học thuật như đọc, viết - thứ mà trẻ nào cũng học tại trường hay những kỹ năng liên quan đến công nghệ, bởi ngày nay dường như nhiều trẻ còn "dạy" bố mẹ về cách sử dụng điều khiển TV, cách tải các ứng dụng trên điện thoại... Hãy dạy làm sao để khi trưởng thành con bạn hoàn toàn làm chủ những kỹ năng tối thiểu dưới đây:
1. Buộc dây giày.
2. Bơi.
3. Đánh răng và dùng chỉ nha khoa hằng ngày.
4. Đi xe đạp.
5. Lộn nhào.
6. Thả diều.
7. Dọn giường.
8. Ăn uống lịch sự tại bàn ăn.
9. Nói "xin phép" và "cảm ơn".
10. Nấu một bữa ăn.
11. Bôi kem chống nắng.
12. Khâu cúc áo/quần.
13. Biết xì mũi vào khăn giấy.
14. Vệ sinh cơ thể từ trước ra sau.
15. Biết đóng đinh.
16. Chơi thể thao.
17. Viết thư cảm ơn.
18. Là quần áo.
19. Lựa chọn thức ăn tốt cho sức khỏe.
20. Tự kiểm soát bản thân.
21. Giải quyết tình huống khó.
22. Giặt đồ.
23. Trồng cây gì đó, chẳng hạn trồng hoa.
24. Tạo sổ ghi chép thu chi và cân bằng các khoản này.
25. Tự tin.
26. Luộc gà.
27. Nói trước nhóm người.
28. Dọn sạch đống bừa bãi.
29. Học cách tự làm bài.
30. Tắt đèn trước khi ra khỏi nhà.
31. Nặn mụn đúng cách.
32. Quan hệ tình dục an toàn.
33. Tiết kiệm tiền và chi tiêu khôn ngoan
34. Nhìn vào mắt người đối diện khi nói chuyện.
35. Gói một món quà.
36. Loại bỏ vết bẩn do dính chocolate.
37. Thắt cà vạt.
38. Đọc báo.
39. Quan tâm đến những người kém may mắn.
41. Xử lý tình huống bất ngờ khi lái xe.
42. Thay lốp xe.
43. Đỗ xe đúng quy định.
44. Sử dụng bình cứu hỏa.
45. Nướng một chiếc bánh.
46. Dựng một chiếc lều.
47. Chọn lựa trái cây chín.
48. Nhìn vào mặt tích cực của vấn đề.
Nguồn: Vnexpress (vietinfo.eu)

DẠY CON VỀ GIỚI TÍNH

Vô tình đọc được bài viết "Quy tắc đồ lót" mẹ cần dạy con gái được đăng trên một trang tin, tôi lại muốn chia sẻ thêm về những trải nghiệm của mình. Nhiều bậc cha mẹ Việt không biết làm thế nào để nói chuyện với con về “sex”, về giáo dục giới tính và an toàn tình dục. Do đó, trong vấn đề nhạy cảm này, bọn trẻ thường bị cách ly và không hề có chút thông tin cụ thể nào. Bản thân tôi trước đây cũng là như vậy. Tôi không dám nói với con, cũng hay cố tình lờ đi hoặc trả lời qua quít trước những câu hỏi nhạy cảm của trẻ. Tôi biết như thế là không đúng, nhưng tôi không biết bắt đầu từ đâu. Cho đến khi tôi sang Đức, và nghe được những câu chuyện, chứng kiến được những cách dạy con về giới tính rất táo bạo và có có phần khiến tôi “choáng váng”.
Carl - một đồng nghiệp, một người bạn tôi làm việc cùng trong thời gian ở Đức công tác. Anh đã 38 tuổi và là một người đàn ông rất vui tính. Carl đã li dị vợ và hiện nay đang một mình nuôi con gái 7 tuổi. Tôi rất bất ngờ vì anh là đàn ông nhưng lại đồng ý nuôi con gái từ khi Michelle mới được 2 tuổi. Liệu một ông bố có thể hiểu hết được tâm sinh lý của con gái? Có thể giải quyết những rắc rối khó nói của con khi đến tuổi dậy thì? Đem thắc mắc của mình hỏi Carl và tôi đã nhận được những câu chuyện vô cùng thú vị. Carl kể cho tôi nghe, khi con gái anh mới được 2 tuổi, hai bố con đã từng tắm cùng nhau. Đương nhiên, con bé đã nhanh chóng nhận ra sự khác biệt ở phần dưới của cơ thể. Michelle nhanh chóng hỏi bố “Sao hai bố con mình khác nhau”. Khi đó, Carl đã giải thích rõ ràng cho con gái mình là có một số bộ phận trên cơ thể các bạn nam sẽ khác với nữ. Nam và nữ có sự khác biệt. Vì vậy con cần bảo vệ "vùng khác biệt" bản thân mình. Tôi có chút “choáng” vì cách giáo dục của Carl. Tuy nhiên, đấy không phải là tất cả. Tôi nhớ, vào một buổi tối khi chúng tôi đến nhà Carl tham dự một bữa tiệc nhỏ với bạn bè và các thành viên trong gia đình. Michelle khi ấy mới đi học về và bắt đầu chạy đến chỗ tôi để hỏi “Quan hệ tình dục” là gì. Tôi sốc và vô cùng lúng túng trước câu hỏi của một đứa trẻ mới học lớp 2. Không thể nghĩ ra câu trả lời, tôi giả vờ lảng sang chuyện khác. Michelle chạy đi khắp mọi nơi để hỏi, từ bác hàng xóm đến các anh chị trong nhà….Không ai sẵn sàng để giải thích, một số người lại bày ra một nụ cười bí ẩn. Điều này càng tăng thêm sự tò mò của một cô bé 7 tuổi. Chính vì vậy, Michelle quyết định chạy đến hỏi bố.
Nghe kể đến đây, tôi giật mình, thầm nghĩ chắc hẳn con bé sẽ bị bố mắng những câu đại loại như “Chuyện người lớn, con biết làm gì”. Tuy nhiên, Carl lại rất nghiêm túc ngồi xuống, cầm cuốn sách giải phẫu cơ thể, chỉ từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài để giải thích cho con gái mình nghe. Trứng của người mẹ với tinh trùng của người cha sẽ thụ tinh trong cuộc gặp gỡ có tên là “quan hệ tình dục”. Các tế bào bắt đầu sinh sôi nảy nở, em bé trong bụng mẹ sẽ phát triển ra cuối cùng sẽ chào đời khi đủ ngày đủ tháng.... Michelle có một chút khó khăn để chấp nhận cách giải thích rất lạ lẫm về nguồn gốc của trẻ con và định nghĩa “quan hệ tình dục” này. Con bé lật đi lật lại trang sách, hỏi liên tiếp những câu hỏi vụn vặt. Carl rất bình tĩnh ngồi bên cạnh và trả lời con với một thái độ điềm nhiên và bình thản nhất cho đến khi con gái thỏa mãn và bỏ đi. Tôi nghe thấy loáng thoáng Michelle đi kể với bạn “Tớ biết làm thế nào để sinh ra một đứa trẻ. Trước hết, bố mẹ mình sẽ quan hệ tình dục, sau đó…..”
Tôi chợt nhận ra, giáo dục giới tính không chỉ đơn giản là đọc một cuốn sách, nghe một bài giảng hoặc xem một video. Nó là cả một quá trình có hệ thống từ nhà trường đến xã hội và gia đình.
Nếu người cha, người mẹ không cởi mở với con cái mình, khó hy vọng trẻ sẽ "chạy đúng đường" khi lớn lên. Sự khác biệt giữa cơ quan sinh sản của trẻ nam và nữ, những câu hỏi "con được sinh ra như thế nào"..không phải là điều cấm kị hay xấu hổ. Cha mẹ cần phải để trẻ được tiếp nhận, một cách đơn giản nhưng cụ thể, tự nhiên nhưng không thô tục.
Tôi vẫn chưa làm được như Carl, ông bố Đức vui tính mà tôi ngưỡng mộ. Nhưng tôi kể ra đây, cũng như một trải nghiệm và một cách dạy con mà chúng ta có thể tham khảo.
(vietinfo.eu)

ĐÀN ÔNG TỬ TẾ KHÔNG THÍCH LẤY VỢ ĐẸP

Những cô gái xinh đẹp, ngoại hình bốc lửa, khuôn mặt trái xoan luôn thu hút ánh nhìn của cánh mày râu. Tuy nhiên không phải chàng trai nào cũng muốn cưới một cô vợ như thế bởi nỗi lo "phụ nữ đẹp thường không chung thủy". Cuộc khảo sát mới đây trên trang Yourtango tổng kết 7 lý do khiến đàn ông không thích lấy vợ đẹp:

1. Những cô gái đẹp thường là "búp bê trong tủ kính" Một cô gái sinh ra trong gia đình nghèo khổ, lao động vất vả thì rất khó giữ được làn da trắng hồng, chân tay thẳng dài, dáng người nuột nà. Hầu hết cô gái có vẻ đẹp "sắc nước hương trời" đều xuất thân từ những gia đình giàu có, sang trọng hoặc chí ít không phải lao động vất vả. Đây có thể là mẫu người tình tuyệt vời, bởi đi bên cô ấy chàng trai luôn cảm thấy tự hào khi người xung quanh nhìn mình đầy ngưỡng mộ. Tuy nhiên để chiều lòng một tiểu thư "búp bê trong tủ kính" không hề dễ dàng. Bạn phải giàu có, tiền bạc dư giả đủ chi cho các khoản mỹ phẩm, quần áo, đầm váy, giày dép... của nàng. Trong khi đó đa phần đàn ông tử tế lại là người yêu lao động, họ lấy vợ để cùng gánh vác gia đình và làm mẹ của con cái họ chứ không phải để trưng trong tủ kính. Vì thế khi chọn vợ, những người đàn ông này không đặt tiêu chí vẻ đẹp ngoại hình lên hàng đầu.

2. Chàng nghĩ rằng cô ấy kiêu ngạo Sự kiêu ngạo thường xuất hiện khi một phụ nữ được quá nhiều đàn ông săn đón. Cô ấy cho rằng mình đẹp thì có quyền chảnh, điều đó là chính đáng. Tuy nhiên nhiều chàng trai không dám đến gần cô gái đẹp lộng lẫy, một phần không có đủ tự tin và kiên nhẫn để chinh phục nàng, phần khác họ lo lắng thói kiêu ngạo có thể phá vỡ hạnh phúc gia đình về sau. Hơn nữa khi làm dâu, các nàng có tính kiêu ngạo thường tỏ ra bất tuân bố mẹ chồng nên rất dễ dẫn đến xung đột.

3. Đàn ông nghĩ phụ nữ xinh đẹp không chung thủy Ai cũng phải thừa nhận những cô gái xinh đẹp luôn có sức hút mãnh liệt khiến bất cứ chàng trai nào cũng khao khát được tiếp cận. Cũng vì lý do đó mà những người đàn ông tử tế thường suy diễn rằng, mẫu phụ nữ ấy có thể ngả vào vòng tay của bất kỳ đàn ông nào, miễn là có cơ hội thuận tiện. Khi được hỏi, các chàng cho biết có thể không chút do dự nếu yêu theo kiểu tình một đêm với các cô gái chân dài, nhưng sẽ không cưới cô ấy làm vợ.

4. Đó thường là những cô nàng lười biếng "Để có móng tay dài và mềm mại, nàng không thể làm việc nặng, thậm chí không thể tự giặt quần áo, nấu cơm...", suy diễn như thế nên nhiều chàng trai thường gắn mác cho những cô gái xinh đẹp là đồng nghĩa với lười biếng. Thực tế không phải 100% phụ nữ xinh đẹp đều lười biếng, song có một sự thật là đa phần họ thường dành rất nhiều thời gian cho việc làm đẹp nên chắc chắn không đủ thời gian để quan tâm đến việc nữ công gia chánh, chăm sóc chồng con. Giải thích của một chàng trai: "Thử tưởng tượng, buổi sáng thức dậy, thay vì lo dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm cho chồng con ăn rồi đưa con đi học, cô ấy lại nướng cả tiếng đồng hồ vào việc lựa chọn quần áo, giày dép, trang điểm... Như thế làm gì còn thời gian để quan tâm đến người khác".

5. Ít có cô gái nào vừa đẹp vừa giỏi Đó là quy luật bù trừ, rất hiếm phụ nữ vừa xinh đẹp vừa giỏi giang, khéo léo. Hơn nữa các cô gái xinh đẹp thường dành phần lớn sự quan tâm vào việc chăm sóc nhan sắc của mình. Họ tận dụng khai thác tối đa ưu thế về ngoại hình nên không dành thời gian để học tập, trau dồi kỹ năng để phát triển bản thân, thậm chí không biết gì về việc nội trợ. Có thể thực tế không phải hoàn toàn 100%, nhưng nói gì thì nói, đó luôn là nỗi lo của cánh mày râu.

6. Các chàng trai không đủ tự tin để tán tỉnh cô nàng xinh đẹp Có một chân lý không bao giờ thay đổi "Con người ta sinh ra luôn hướng đến cái đẹp" và phụ nữ đẹp luôn để lại ấn tượng cực kỳ sâu đậm trong mắt đàn ông. Tuy nhiên không phải chàng trai nào cũng đủ tự tin để tán tỉnh phụ nữ đẹp, bởi họ luôn nghĩ rằng đó là hoa đã có chủ nên mình không thể với tới. Mặt khác, có thể trong quá khứ chàng từng tán tỉnh một cô gái xinh đẹp nào đó nhưng không thành công. Cuối cùng chàng quay sang hận tất cả những cô nàng như thế, dù thực tế chàng không thể với tới họ.

7. Tâm lý "vợ đẹp là vợ người ta, vợ xấu mới là của mình" Đến độ tuổi trưởng thành, chàng hiểu rằng vẻ đẹp tâm hồn mới là quan trọng nhất. Lấy được một người vợ vừa đẹp người vừa đẹp nết là điều tuyệt vời chẳng phải bàn cãi, song đó gần như là điều không tưởng. Một khi phải cân nhắc giữa vẻ đẹp ngoại hình và tâm hồn, người đàn ông nghiêm túc sẽ ưu tiên lựa chọn người phụ nữ nào có "cái nết" đẹp hơn. Bởi suy cho cùng vẻ đẹp hình thể có thể bị bào mòn bởi thời gian, còn cái đẹp trong tâm hồn mới là vĩnh cửu. (vietinfo.eu)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét