Xứ Đoài mây trắng bay..
Nếu muốn chiêm niệm về xã hội Việt Nam, chúng ta có thể tìm đọc tác phẩm của GS Hannah ARENDT v thể chế mà bà gọi là toàn trị - totalitarism, một cỗ máy chà đạp con người vận hành có hơi khác với những dạng thức như độc tài - dictatorship, gia đình trị - despotism, hay suy tôn lãnh đạo - tyranny. Dù rằng có thể bắt đầu từ một chế độ độc đảng hay một xã hội chỉ cho phép duy nhất một hệ tư tưởng tồn tại, nhưng khi đã cắm rễ và phát triển, thì cỗ máy này nhanh chóng biến dạng thành một dạng thức chính trị hoàn toàn khác, diệt trừ toàn bộ hệ thống chính trị, luật lệ và xã hội hiện có, xóa xổ ngay chính đảng phái và tư tưởng đã tạo dựng ra nó. Giai cấp đã bị lợi dụng để biến thành một đám đông có sức mạnh còn hơn cơ chế đảng phái, chuyển quyền lực từ quân đội sang cảnh sát, và vận hành với hệ giá trị cực đoạn đến nỗi không còn cơ cấu xã hội nào có thể chịu đựng nổi (Hannah Arendt 1979, Nguồn gốc của Toàn trị). '
Những người nông dân bình thường chỉ vì miếng mồi quả thực mà sẵn sàng bịa chuyện để cấu xé một ai đó, rồi bất ngờ bị đồng bọn cắn xé để giành giật tiếp. Sự cướp phá được bảo vệ bằng hệ tư tưởng đã bị biến thái qua nhiều cấp độ truyền đạt, cùng bạo lực mạo danh cách mạng, như cảnh lão Kền giật chiếc xe đạp cũ hỏng: “cái này là của ông bà nông dân chúng tao” (NMMT tr.157). Kẻ cướp được quyền lực bảo vệ để cầm chiếc cân công lý, còn người bị cướp lại bị đẩy vào thể dân oan bị lột sạch từ tài sản cho đến phẩm giá làm người: “mượn vàng của người khác đem bán để đong thóc nộp cho các ông lại bị chính các ông kết tội, hỏi còn uất ức nào hơn không hả trời?” (NMMT tr.161). Nhưng họ còn biết kêu ai nữa chứ, khi mọi trật tự trong xã hội đã bị đảo lộn hết, đến chị em ruột còn không dám nói chuyện với nhau dù chỉ một câu chào hỏi. “Sót ơi, dù bà có là bần nông hay cố nông thì bà bần cố với ông bà nông dân, còn với con bà đừng có thế, dù sao bà vẫn là em ruột của con, con thương, con nhớ bà lắm” (NMMT tr.178). Cải cách ruộng đất từ lâu đã chính thức bị coi là sai, người lãnh đạo cao nhất của thể chế đã xin lỗi, nhưng không ai dám nhận lãnh trách nhiệm và sửa sai cho cái xã hội đã bị cảnh cái ruộng đất làm đảo lộn và nát nhừ. Cỗ máy toàn trị không tha ngay cả chính những người đã có công tạo ra nó thời ban đầu, không chút chần chừ gán ghép họ vào một diện đối tượng nào đó để cướp sạch quả thực, theo một qui mô ngày càng kinh khủng khiếp hơn trước. Quả thực ngày hôm nay là số tiền hàng chục hay thậm chí hàng ngàn tỉ, thể hiện qua cái giá phải chi để mua chức, cái nhà cái xe để thể hiện, hay món nợ quốc tế mà người dân đen cùng con cháu họ sẽ phải trả.