Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2016

CHUYẾN ĐI LX ĐẦU TIÊN







     ẤN TƯỢNG ĐẦU TIÊN VỀ LIÊN XÔ


Tôi có dịp chứng kiến quá trình chuyển biến của Liên bang Xô-viết trong 30 năm cuối cùng.
Tôi đến Liên Xô lần đầu năm 1959, đúng giữa giai đoạn được gọi là "băng tan", cũng là thời điểm cường quốc sô 2 của thế giới này đạt mức phát triển cao nhất và có vị thế chưa từng có trong lịch sử của nó. Sau này, khi Liên Xô sa sút, người dân xô-viết luyến tiếc giai đoạn này, gọi đấy là "thời Hoàng kim" của nước Nga. Còn lần cuối cùng tôi đến Liên Xô là năm 1990, vài tháng trước khi Đảng Cộng sản Liên Xô tuyên bố chấm dứt sự tồn tại và Liên bang Xô-viết tan rã. 


Đây là thời kỳ suy sụp, trái ngược hoàn toàn với thời đỉnh cao huy hoàng của lần đầu tiên tôi đến năm 1959.

                                                                           *

                Hình ảnh về LX trong tôi trước chuyến đi đầu tiên.

             Năm 1954, nước ta ra khỏi cuộc Kháng chiến chống Pháp với chiến thắng Điện Biên Phủ dẫn đến hòa bình trên một nửa đất đai của Tổ quốc. Nhân dân Hà Nội cầm cờ đỏ sao vàng phấn khởi đón chính quyền và quân đội "của ta" trở về "giải phóng". Nhưng chỉ vài hôm sau thì họ đau đớn nhìn thấy bao hy vọng tươi sáng bị dập tắt một cách phũ phàng. Những người chiến thắng lập tức hiện nguyên hình thành kẻ tàn bạo. Không khí bắt đầu ngột ngạt. Dân chúng Hà Nội mới hôm qua còn hớn hở, thì nụ cười chưa kịp nở hết đã vụt tắt, thay bằng cái nhăn mặt trước những hành vi phũ phàng, thô bạo và tàn nhẫn của chính quyền "cách mạng"… Những gia đình có con em hy sinh trong cuộc chiến đấu "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" đang phấn khởi, hy vọng sẽ được đền đáp, đã thấy ngay mình mơ tưởng hão. Doanh nghiệp nhỏ bé của họ bị đóng cửa, nhà của họ bị trưng dụng… Những ai đang ở trong tòa nhà lớn bây giờ chỉ còn được sử dụng một gian phòng nhỏ cho 5-7 người chen chúc…

            Nỗi đau len lỏi vào mọi gia đình. Một trong những bạn cùng quê và cùng học một lớp Trường Tiểu học Đáp Cầu và có chút quan hệ họ hàng với tôi, vốn chỉ là nhân viên kế toán của một cơ quan quân sự Pháp mà bị gọi đi tập trung để "học tập", mà ai cũng hiểu là đi tù. Bà mẹ cậu ta chạy đến gặp ông em ruột, đang ở cương vị Ủy viên Bộ Chính trị ĐLĐVN, hồi 1944-45 từng là nhân vật huyền thoại mà bọn nhóc chúng tôi thì thầm báo cho nhau biết với vẻ mặt đầy ngưỡng mộ kèm theo niềm tự hào : "Ông ấy bây giờ cấp to lắm, to nhất nước, là Chủ tịch Mặt trận Việt Minh, chính là người làng ta đấy… (Lúc ấy chưa nhiều người biết về "Cụ Hồ").
             

           Bây giờ (năm 1954) ông là Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Ruộng đất, trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo Thí điểm Thái Nguyên, đã ra lệnh đấu tố, rồi xử bắn bà Nguyễn Thị Năm, địa chủ kiêm tư sản Kháng Chiến, người đã tự nguyện đóng góp bao nhiêu công của cho Cách mạng, đã giúp đỡ bao nhiêu bộ đội, và có cả con là sĩ quan trong quân đội đang tại ngũ…Bấy giờ bà mẹ cậu bạn tôi tìm đến cầu cứu ông em đầy quyền lực, nhờ ông "nói một câu" để cậu bạn tôi khỏi phải đi "tập trung". Bà hết sức ngạc nhiên thấy ông em quyền lực vô biên kia thoái thác, tất nhiên lấy lý do : "Đây là chủ trương chung… cháu nó đi học tập ít lâu rồi lại về thôi mà, chị yên tâm !"
             

         Về sau nhớ lại và tự phân tích, tôi đoán lúc ấy Cải cách Ruộng đất do ông chỉ đạo vừa bị phát hiện đã phạm nhiều sai lầm quá lớn, đã vu oan và xử tử hình bao nhiêu cán bộ cốt cán của Đảng, và tuy vẫn có chân trong Bộ Chính trị, nhưng uy thế của ông giảm sút rất nhiều (năm sau, ông bị loại ra khỏi Bộ Chính trị)…





            Cũng cần nói thêm đôi lời về ông, người làng, đã từng là bạn cùng học Tiểu học với cha tôi. Sau khi bị thất sủng, ông về sống ở quê nhà, tôi có dịp gặp, thấy ông hoàn toàn không phải người nhẫn tâm, trái lại, bản chất hiền lành, khiêm tốn (tôi tin không phải ông thất thế nên như thế, mà đấy là bản chất của ông, đã bị cái lý thuyết Mác-xít kia biến thành tàn bạo, dối trá…) Nhân đây bỗng tôi nhớ đến lý thuyết về "tha hóa" của Mác. Chính ông bác họ của tôi kia đã bị cái lý thuyết Mac-Lê ác độc ấy "tha hóa". Tính ông hiền lành, sinh hoạt lại giản dị, sống thanh bạch, và trong xử sự rất chân thành, độ lượng, thậm chí thật thà, chất phác nữa. Sau này khi được tiếp xúc nhiều, tôi càng hiểu cái lý thuyết Mác-xít kia đã tha hóa con người ta đến mức nào, không phải chỉ ông mà hầu hết người tốt ở xã hội ta. 


                                                                                  *** 

        Trở lại chuyện năm 1954, năm Chính phủ ta về tiếp quản Hà Nội. Không nói đến ai khác nữa mà nói ngay đến chú ruột của tôi, cũng rơi vào đúng hệt tình trạng như cậu bạn tôi : là nhân viên kế toán nhưng lại trong một cơ quan quân sự Pháp, ông cũng bị yêu cầu "tập trung học tập" (thực chất là đi tù - gọi theo cách lừa bịp là "học tập", "cải tạo"). Nhưng là cột trụ của gia đình, người kiếm tiền duy nhất để nuôi thím tôi và ba em đều còn nhỏ, ông thấy không thể đi "tập trung", bỏ mặc vợ con đói khát, nheo nhóc. Tận dụng mọi mối quen biết và không nề vất vả, sẵn sàng chịu đựng mọi khốn khổ, thậm chí nhục nhã, tốn kém, ông mới chạy được "thoát" chuyện "tập trung". Tôi nhớ một lần tôi về thăm nhà, bắt gặp mẹ tôi đang khóc. Thấy con trai, mẹ tôi vội lau nước mắt. Tôi hỏi : "Mẹ làm sao thế ?" Mẹ tôi đáp : "Chú T. vừa ở đây, chú ấy kể những chuyện không thể ngờ. Mẹ không biết chú ấy khốn khổ, vất vả, gian truân đến thế. Hồi mẹ mới về làm dâu ông bà nội, chú ấy là út, được cưng chiều hết mực. Muốn gì được nấy, cả nhà dành mọi ưu tiên cho chú ấy. Mẹ nghe chú ấy kể mà không cầm được nước mắt. Nhờ ơn Trời Phật, Tổ tiên, bố con không bị rơi vào tình trạng của chú ấy. May hồi dinh tê về Hà Nội để gặp bà nội lần cuối cùng rồi chôn cất bà, bố lại chạy được chân dạy học, không phải đi lính, chỉ phải vay một khoản tiền để đút lót sau trả dần. Với lại nhờ ba anh em con là bộ đội, gia đình được tặng bảng vàng danh dự, tuy chỉ là "hão" nhưng cán bộ tổ dân phố cũng vì nể đôi chút, đỡ hành…"
           
          Mọi tự do, mọi quyền sống ở Hà Nội nói riêng và Miền Bắc nói chung bị bóp nghẹt. Tiếp đến là những tin tức khủng khiếp về sự tàn bạo, độc ác, dã man trong cái gọi là "CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT " truyền đến tai.
          Nỗi thất vọng cay đắng lan tràn, những cách đối xử vô lý, tàn nhẫn mỗi ngày một gia tăng. Không khí ngột ngạt bao vây bốn bề, tâm trạng lo lắng hiện lên trên nét mặt của "người vùng tạm chiếm", dần dà lan sang cả những người đã tham gia kháng chiến.
Rồi đột nhiên !...


        "Đột nhiên" ! Đúng thế.

          Đột nhiên những tin tức sáng sủa từ Liên Xô vọng đến, như một tia nắng mảnh mai lọt vào căn nhà đang tối đen. Người ta thì thầm truyền cho nhau, từ chỗ nửa tin nửa ngờ đến biết chắc, niềm hy vọng cứ tăng dần. Mỗi lần những tin tức nức lòng người từ Liên Xô đưa đến càng tăng thêm niềm hy vọng ấy. 
         
                                                                                 ***
        Tôi không sao quên được, vào những năm 1955, 1956, đi đâu cũng nghe thấy những lời thầm thì háo hức về bản báo cáo mật của vị lãnh tụ mới của Liên Xô. Rồi những tin tức về Đại hội XX, về bản báo cáo của Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Liên Xô, bài nói chuyện của Bí thư Thứ nhất Nikita Khrusov với văn nghệ sĩ… cùng những văn kiện "nức lòng người" của cái Đại hội kỳ diệu ấy, được người này rỉ tai người khác, nhờ đọc báo nước ngoài hoặc nghe lén trên các đài phát thanh "tư bản".
         
         Cuối cùng những lời đồn đại ấy được khẳng định, đăng một phần trên báo chí "nhà nước" khiến không ai phải bán tín bán nghi nữa. "Thế là đã rõ ! Liên Xô đã chuyển, chắc chắn "ta" cũng sẽ chuyển theo thôi ! Ôi, sung sướng quá." Tôi đã thấy có những người khóc vì sung sướng.
 

         Rồi đến tin Trung Quốc công bố đường lối "trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng", nghĩa là Tàu cũng "chuyển". 
        
        Liền sau đấy, tin hàng chục vạn tù nhân chính trị ở Liên Xô được phóng thích, tin Chủ tịch Hội Nhà văn Liên Xô, cây bút cách mạng mẫu mực Alexey FADEEV, vẫn được biết là lãnh tụ cuả nền văn học nghệ thuật không chỉ xô-viết mà của cả "phe ta", tác giả cuốn tiểu thuyết "Đội Cận vệ Thanh niên" tác phẩm khuôn mẫu của phương pháp sáng tác "hiện thực xã hội chủ nghĩa" tự sát "vì hối hận"… Rồi một loạt phim "nói lên sự thật" liên tiếp được công chiếu ở các rạp Hồng Hà, Tháng Tám, Đại Nam, Mê Linh… người xếp hàng mua vé đông như trảy hội. Họ sẵn sàng chờ đợi cả buổi để mua vé vào xem "Bài ca người lính", "Người thứ 41", "Khi đàn sếu bay qua"…

          Và như báo trước một sự thay đổi lớn lao và đang dược mong mỏi, những sai lầm trầm trọng trong Cải cách Ruộng đất bị "lãnh đạo ta" công khai phanh phui. Đảng Lao động và Chính phủ nhận sai lầm, tuyên bố tiến hành "sửa sai". Tổng bí thư từ chức. Không khí phấn khởi và hy vọng lan tràn khắp nơi. Ai ai cũng hướng về phía Liên bang Xô viết nghe ngóng, tin tưởng và hồi hộp chờ đợi. Tâm trạng ấy lây lan đặc biệt nhanh nhạy trong tầng lớp trí thức và văn nghệ sĩ.

           Như kết quả của sự chuyển biến, tháng 9 năm 1956, báo NHÂN VĂN, tờ báo tự do (không phải báo "quốc doanh") đầu tiên ra số một, mọi người tranh nhau mua, ai chưa mua được thì tìm cách mượn đọc. Cả GIAI PHẨM, số đầu ra trót lọt cuối năm 1955 đã bán chạy như tôm tươi, nay ra tiếp số thứ hai đầu năm 1956, lấy tên "Giai phẩm Mùa Xuân". Trên các trang báo "tự do" ấy, nhiều trí thức, văn nghệ sĩ hàng đầu như Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán… lên tiếng phê phán lối lãnh đạo kiểu "kiểm duyệt từng chữ", lối đối xử với con người theo lý lịch, phân biệt người trong đảng với người ngoài đảng, lối "đem bục công an đặt giữa trái tim người" (ý một bài thơ của Lê Đạt), vv và vv… 
              
        Tại các cơ quan nhà nước, nhiều chi đoàn thanh niên tự động lập ra "báo tường" để mọi người tự do phát biểu, vạch ra những xử sự vô lý, bất công, những biểu hiện mất dân chủ ở cơ quan, đơn vị.

                                                                       ***
        Niềm hy vọng sắp được "giải thoát" ấy đang lan nhanh như sóng biển, đột nhiên bị chặn lại. Ngọn lửa hy vọng mới nhen nhúm nhanh chóng bị dập tắt khi báo NHÂN DÂN đăng bài lên án hai tờ báo Nhân Văn và Giai phẩm là phản động ! Nỗi hoang mang quay trở lại rồi lan nhanh với tốc độ còn dữ dội hơn.
                                                      
           Ôi, cái thời thế này đến là lạ ! Vui buồn chen lẫn nhau. Sáng vui, chiều đã buồn, rồi lại vui, rồi lại buồn… mà vui thì như nổ trời, buồn thì chỉ muốn kiếm sợi dây thừng thắt vào cổ cho xong cuộc đời khốn nạn này. Đâu dâu cũng thấy tâm trạng hoang mang, bế tắc. Những ai "chót dại" chưa bị ra tòa vội vàng "sám hối" hoặc "bỏ chạy". 


                                                                           *
           Tôi có ông anh rể (chồng của chị -con cô con cậu ruột-  với tôi ), lúc ấy chưa lấy chị tôi, đang là Bí thư Chi đoàn Thanh niên Lao động, và đang phấn đấu để vào Đảng. Bỗng một hôm Bí thư Chi bộ gọi lên, hỏi : “Cậu có định vào Đảng không đấy?” – “Sao lại không, anh hỏi gì lạ vậy ?” – “Thế tại sao cậu lại viết báo tường phê phán lãnh đạo ?
 

           Ông anh rể tương lai của tôi hoảng quá, tính chỉ còn cách "chuồn". Đang làm ở Bộ Tài Chính, có nhiều triển vọng, anh xin đi học… Đại học Y (vì cho rằng chỉ nên dựa vào nghề nghiệp), và bắt đầu sống rất ngoan, từ bỏ ý định "làm người". 
         Ngoan ngoãn chăm chỉ học tập, anh được kết nạp Đảng, và sau khi tốt nghiệp Trường Y, nhờ có cái thẻ Đảng và rút được kinh nghiệm "đấu tranh tránh đâu" anh lên dần, đến chức Giám đốc Sở Y tế Hà Nôi, oai như cóc ! Và nhiều người ngạc nhiên thấy đúng tuổi là anh về hưu, không khai man tuổi hoặc chạy chọt để hưởng lương bổng nhà nước thêm vài năm nữa như rất nhiều đồng sự thường làm.
         
          Tôi còn nhớ, sau khi về hưu, thấy tôi làm nghề viết văn, anh ngỏ ý muốn nhờ tôi đọc cho cuốn truyện của anh để tôi nhuận sắc. Anh nói, đấy là một cuốn "toàn sự thật". Anh hẹn sẽ đem bản thảo đến nhà tôi, nhưng tôi đợi mãi không thấy anh đến. Về sau tôi nghe loáng thoáng là bà chị họ tôi can, phần vì sợ liên lụy đến con cái, phần vì từ lâu chị vẫn không ưa tôi và không muốn chồng quan hệ thân thiết với tôi… Nay anh đã mất, không biết bản thảo cuốn truyện "toàn sự thật" ấy bây giờ ở đâu hay bị vợ con hủy rồi. 
         
        Nhân đây cũng nói thêm. Về hưu được vài năm, anh bị ung thư gan. Bạn bè khuyên anh mổ, và bản thân anh cũng là người ngành y, nhưng anh nhất định từ chối. Rất có thể anh làm trong ngành y, biết nếu có mổ cũng không hơn gì, nhưng tôi vẫn có cảm giác anh thấy mình đã hèn nhát không dám sống theo ý mình thì sống nhiều làm gì !
                                                                           

                                                                            ***
          Trở lại tình hình thời điểm 1955-56. Các cây bút đang được hâm mộ, các tác giả viết bài trên báo "Nhân văn" và " Giai phẩm" lần lượt bị bắt và kết án án tù rất nặng. Bây giờ thì các tin đồn lại đổi chiều. Người ta thì thầm với nhau, người này đã bị bắt, người kia đang bị điều tra, người nọ đã nhận tội… 

         Tất cả cái không khí ngột ngạt ấy càng làm mọi người hướng niềm hy vọng vào Liên Xô. Họ kín đáo truyền tay cả những số báo Pháp như "Lettres Francaises" để động viên nhau và níu lấy chút hy vọng vừa bị dập tắt, chỉ còn le lói. Tôi được một bạn thân cho mượn số báo tiếng Pháp đăng truyện ngắn "Le MONUMENT" của nữ văn sĩ Pháp Elsa TRIOLET, vợ nhà văn Cộng sản Louis ARAGON. Truyện tả một họa sĩ ở một nước kia, có tài và giầu lòng yêu nước, do tích cực tham gia cuộc Kháng chiến chống Phát xít Đức xâm lược, được kết nạp vào Đảng Cộng sản. Hòa bình lập lại, ông họa sĩ được cử làm Bộ Trưởng Bộ Mỹ thuật. Nhưng ở cương vị ấy, ông ta nhanh chóng biến thành công cụ mù quáng của Đảng Cộng sản và Chính quyền -thực chất cũng là tay sai của Đảng. Mặc dù trong thâm tâm không tán thành, nhưng vì "ý thức tổ chức" (thật ra là vì hèn nhát) ông họa sĩ Bộ trưởng kia vẫn chấp hành, thậm chí còn hỗ trợ mọi quyết định tội ác của cấp trên. Ông ta biến thành đao phủ, tham dự vào việc bắt giam và sát hại bao nhiêu nghệ sĩ tài năng và trung thực. Đến nay, các vụ đàn áp đẫm máu và dã man ấy bị phanh phui, tình hình đổi khác, lương tâm cắn rứt khiến ông ta không chịu nổi, đã tự sát, để lại một bức thư trối trăng lời lẽ hết sức đau đớn… 

       
        Nữ tác giả ELSA TRIOLET không nói rõ câu chuyện xảy ra ở đâu, nhưng ai cũng hiểu, nếu không phải Liên Xô thì cũng là một quốc gia "xã hội chủ nghĩa" khác ở Đông Âu. Và nhân vật Họa sĩ rõ ràng ám chỉ tâm trạng và hành động của nhà văn FADEEV (Алекса́ндр Алекса́ндрович Фаде́ев; 1901 –1956) Cựu Chủ tịch Hội Nhà Văn Liên Xô. cũng đã tự sát sau khi các tội ác đẫm máu của Stalin cùng với bộ máy an ninh của y bị phanh phui và công bố trên diễn đàn Đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô, những tội ác mà Fadeev đã nhúng tay vào.
        

                                                                                   ***
         Liên Xô xưa nay vẫn được coi là "thành trì", là "anh cả" của các quốc gia xã hội chủ nghĩa (còn gọi là "phe" xã hội chủ nghĩa, gồm bẩy nước Đông Âu (CHDC Đức, Tiệp khắc, Ba Lan, Hung-ga-ri, Ru-ma-ni, An-ba-ni, Nam Tư) và ba nước châu Á (Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam), nay được toàn dân Việt Nam hướng đến để hy vọng. 

           Tuy "NHÂN VĂN - GIAI PHẨM" bị đình bản, các trí thức và văn nghệ sĩ tham gia, nhẹ thì phải kiểm điểm và chịu kỷ luật, nặng thì bị truy tố và nhận án tù, nhưng mọi người vẫn cố tìm cách tự an ủi, để khỏi mất đi niềm hy vọng nhỏ nhoi chưa tắt hẳn.
            Họ đưa mắt nhìn nhau, lo lắng : “Thế nghĩa là sao ?” – “Bọn họ là gián điệp đấy mà. Con Thụy An cầm đầu, lôi kéo Phùng Quán, còn Nguyễn Hữu Đang đang bất mãn cũng đi theo…” -  Ừ nhỉ. Chứ chuyên gia Liên Xô vẫn đang ùn ùn sang đấy thôi. Mọi thứ mình vẫn theo Liên Xô. Ông anh Cả mà chuyển thì mình sớm muộn cũng sẽ chuyển. Chỉ bao giờ ta chống Liên Xô, phê phán Liên Xô thì mới đáng ngại. Nhưng chắc sẽ không có chuyện ấy. Cho nên cứ yên tâm mà ăn no ngủ kỹ đi !


           Mà đúng thế. Chuyên gia Liên Xô sang mỗi lúc một đông. Ngay sân khấu là một ngành văn hóa nhỏ mà ta cũng mời chuyên gia Liên Xô để giảng dạy cho đạo diễn và diễn viên các đoàn về lý thuyết sân khấu tiền tiến của Liên Xô. Ông chuyên gia này tặng cho khán giả Thủ đô một tiết mục "LU-BA" hoành tráng, chưa từng thấy ở nước ta về số lượng diễn viên tham gia, về trang trí công phu, tốn kém. Tiếp đến là tiết mục "CÂU CHUYỆN IẾC-CÚT" còn được hoan nghênh hơn … Song song là nhiều phim nghệ thuật với diễn suất điêu luyện, kỹ thuật tối tân nhất được trình chiếu : "Đất vỡ hoang", "Chiến tranh và Hòa Bình", "Năm đêm trắng", "Ôten-lô", "Nàng tiên cá", “Người thứ 41” và rất nhiều bộ phim khác… Gần như bộ phim nào cũng là kiệt tác nghệ thuật và được người xem Việt Nam thán phục. Nghĩa là ta vẫn theo Liên Xô, yên tâm đi. Tất cả những cách đối xử tàn bạo, những bất công, những cấm đoán dân chủ sẽ mất dần. Yên tâm đi ! Cứ nhìn Liên Xô sẽ thấy ta sẽ thế nào. 


                                                                        ***
           Thời kỳ này cuộc sống của riêng tôi đã được cải thiện chút ít. 

          Do nhu cầu dịch kịch bản, sách lý luận sân khấu từ các ngoại ngữ tăng cao, tôi có việc làm thêm và thu được số tiền nhuận bút đủ để sống. Hồi ấy tôi còn độc thân cho nên nhu cầu chưa nhiều. Tôi nhận dịch cả cho vài nhà xuất bản nên lại có thêm một kênh thu nhập nữa.
            

        Đúng lúc ấy thì trong cuộc sống của tôi xảy ra một may mắn hiếm hoi đến mức "không tưởng tượng nổi", và cũng hoàn toàn bất ngờ với tôi, một kẻ ngoài đảng và luôn để lộ ra là không ưa gì chính trị.
          Chẳng là Hội Sân khấu Toàn Nga (Vcerossiskoe Teatralnoe Obshestvo, gọi tắt là V.T.O.) mời ta cử đại biểu sang dự cuộc GẶP GỠ TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM CỦA GIỚI ĐẠO DIỄN sân khấu toàn "phe" họp ở Moskva. Chính phủ ta nhận lời. Vì đã tham gia tích cực vào việc xây dựng hai tiết mục Liên Xô và lại thông thạo tiếng Nga nên tôi được cử đi, cùng với ông Trần Bảng (đạo diễn, kiêm tác giả Chèo, và đang là Trưởng Đoàn Chèo T.Ư.) sang Moskva dự cuộc gặp nói trên. 

                                                          *
          Tin này đã làm tôi coi như "bắt được của" thì lại nhận được thêm một tin còn đáng mừng hơn. Vì biết ba ngoại ngữ, tôi được Bộ Văn hóa cử đi giúp việc cho Đoàn Ca Múa T.Ư. tham gia đoàn đại biểu ta đi dự "FESTIVAL" (Liên Hoan Sinh viên và Thanh niên Thế giới) lần thứ VII ở Vienne (Áo). Chưa hết ! Theo kế hoạch, sau Festival, Đoàn Ca Múa Trung ương sẽ tách ra khỏi Đoàn đại biểu Thanh niên và Sinh viên, tiếp tục đi biểu diễn “hữu nghị” ở các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và một số nước thuộc “thế giới thứ Ba” ở Nam Á, trước hết là Ấn Độ và Miến Điện… Ôi, sao tôi lại có thể may mắn đến thế nhỉ ?
          

         Và "phúc bẩy mươi đời", chuyến đi này lại tiến hành sau chuyến đi dự cuộc "Gặp Gỡ” kia ở Moskva. 
                                                         *
          Khi nhận Hộ chiếu, để khỏi hồ nghi vì sự thật nằm ngoài mọi mơ tưởng của tôi, tôi lật trang xem, thấy ở mục "Nơi đến" ghi "đi tất cả các nước" chứ không phải chỉ đi Liên Xô, có nghĩa Hộ chiếu dùng cho cả hai chuyến đi. 



                                                                              *
         Tôi hồi hộp chờ đến ngày lên đường. Hồi hộp đến nỗi tuy không mê tín nhưng tôi vẫn khấn Trời, Phật và tổ tiên phù hộ cho không bị cơ quan tổ chức thay đổi quyết định. Chắc hẳn Trời, Phật, Tổ tiên đã nghe thấy lời khấn, cho nên mọi sự đã diễn ra trót lọt.
                                                                                      *
        Trước khi lên đường, tôi thống nhất với Đoàn Ca Múa là sau cuộc "Gặp gỡ" của Hội Sân khấu Toàn Nga, tôi sẽ ở lại Moskva chờ Đoàn sang để cùng đi dự Festival. 

                                                                                 *
 
Chuyến đi dự "Cuộc Gặp gỡ Đạo diễn Sân khấu" ở Moskva


          Nỗi hồ nghi vẫn tồn tại và khi đoàn tầu hỏa liên vận chuyển bánh, rời khỏi sân ga Hà Nội, tôi vẫn chưa thật yên tâm. Biết đâu cơ quan Tổ Chức bỗng thay đổi quyết định, gạch tên tôi thay bằng một cái tên ai, và khi tầu chưa đến biên giới, đã có điện hỏa tốc yêu cầu tôi ở lại ! Cách làm việc của cơ quan tổ chức tôi đã quá rõ, sau thời gian "ngu ngơ" (mượn cách nói của nhạc sĩ Tô Hải). Chỉ đến khi đoàn tầu lăn bánh qua đường biên giới Việt - Trung tôi mới thở phảo nhẹ nhõm. 
                                                                                
                                                                      ***

         Vốn từ nhỏ đã khao khát đi đây đi đó, tôi bàng hoàng sung sướng ngắm nhìn phong cảnh Trung Hoa ngoài cửa sổ. Một loạt địa điểm tôi chỉ được thấy trên sách báo thì nay hiện ra trước mắt : Bằng Tường, Quế Lâm, Liễu Châu, Vũ Hán… Đây rồi, con sông Dương Tử nổi tiếng. Bao địa danh từng nghe thấy nay lần lượt hiện ra trước mắt. Những phong cảnh lạ lẫm… Cuối cùng, đoàn tầu tiến vào ga Bắc Kinh. Dạo chơi một ngày ở Thủ đô Bắc Kinh, vào xem Cố Cung, nhiều địa điểm nổi tiếng khác, hôm sau chúng tôi ra ga để tiếp tục cuộc "du hành". Chúng tôi được chuyển sang đoàn tầu Liên Xô. Các cu-pê rộng rãi hơn. Nhân viên phục vụ đều là người Nga. Cả chị trực toa mang trà đến.
         

          Rồi ngoài cửa sổ hiện ra những khúc quanh của Vạn Lý Trường Thành, rồi đến biên giới Liên Xô. Tầu chạy suốt cả đêm cả ngày. Tôi được ngắm hồ Bai-kan bao la, quang cảnh Xi-bê-ri mênh mang, với những cánh rừng bạch dương, rừng thông nối tiếp nhau hàng chục cây số… rồi dặng Núi Uran, ranh giới chia hai chậu lục Á-Âu, bắt đầu vào địa phận nước Nga…
         

                                                                              ***
         Đến ngày thứ chín của cuộc hành trình tính từ Hà Nội, chị phục vụ toa, một phụ nữ Nga to béo, lúc đem ly nước trà vào cu-ppe, bảo tôi : "Tối nay tầu sẽ đến Moskva. Đến đấy "mày" (lối phiên dịch thông dụng của sinh viên ta) sẽ thấy con gái Thủ đô không xấu xí, béo tròn như "tao" đâu, mà mảnh dẻ, đều đẹp như thần Vệ Nữ cả đấy..."
          Chiều muộn hôm ấy, đoàn tầu Liên vận Vladivostok-Moskva giảm tốc, từ từ chạy vào ga KỐMMOLSKAIA.

                                                                
                                                                              ***
           Trời nhá nhem tối. Hai chúng tôi đang thu dọn hành lý để xuống thì một người đàn ông cao, gầy, có chòm râu cắt nhọn, tôi thấy rất giống văn hào Dostoevski, trong bộ âu phục cắt may rất đẹp, hiện ra giữa khung cửa cu-pê.

           - Các đồng chí là đại biểu đến từ Việt Nam ? - Ông hỏi.
           - Zdrastvuichie ! Chào đồng chí, - Nghệ sĩ Trần Bảng vui vẻ đưa tay bắt và đáp bằng từ tiếng Nga anh mới học được.
           - Tôi là người của Hội Sân khấu Toàn Nga có nhiệm vụ ra đón các đồng chí. Tên tôi là Deysmor. Hơi khó phát âm, xin nhắc lại : Deysmor, đồng chí Deysmor.
          - Deysmor, Deysmor ! Họ của đồng chí không có vẻ Nga, - Trần Bảng nhận xét và tôi dịch lại.
         Ông ta cười :
         - Hẳn đồng chí nghĩ họ Nga âm cuối phải là "ốp" hoặc "in" chứ gì ? Có rất nhiều họ Nga không có một trong hai cái đuôi ấy. Như họ của tôi chẳng hạn. Cũng rất có thể tổ tiên tôi không phải người Nga. Tôi nghe thì hình như dòng họ của tôi gốc Đức. Ở Liên Xô, có rất nhiều người không phải gốc Nga.
          Tôi dịch. Nghe xong Trần Bảng cười thân thiện :
          - Tôi hiểu.
          Deysmor nói :
          - Mời hai đồng chí ra xe.
         

           Ông dẫn chúng tôi xuống sân ga đông nghịt, rồi nắm tay tôi, và tôi nắm tay anh Bảng, lách qua đám đông chen chúc, len lỏi đi ra phía ngoài. Một chiếc xe Volga đen đã chờ sẵn bên vỉa hè.
Khi đã ngồi êm ái trong xe, Deysmor nói :
          

         - Hình như đây là lần đầu tiên hai đồng chí đến đất nước Xô-viết của chúng tôi. Bây giờ còn sớm, thời tiết Mùa Hè lại rất dễ chịu. Đang là thời điểm đẹp nhất trong năm của nước Nga chúng tôi. Nếu hai đồng chí không mệt, chưa cần về khách sạn nghỉ, tôi mời hai đồng chí tham quan thành phố Moskva, niềm tự hào của người xô-viết chúng tôi, và cũng để hai đồng chí có một cái nhìn bao quát về nó. Sau đấy ta sẽ đến khách sạn.
         

           Tất nhiên hai chúng tôi đồng ý.

                                                              ***
        Chiếc xe Vonga êm ru đưa chúng tôi đi vòng vèo các đường phố sáng ánh đèn. Deysmor giới thiệu :
        - Vửa rồi là Quảng trường Komsomolskaya. Lát nữa chúng ta sẽ đến Quảng Trường Đỏ… Đây rồi. Kia là Lăng Lê-nin...
         Tôi nhận ra hình dáng quen thuộc đã thấy trên rất nhiều tấm ảnh chụp : Lăng Lenin và Stalin !
            Deysmor nói tiếp :
         - Trong chương trình làm việc của Hội thảo, có mục thăm Lăng, hai đồng chí sẽ có điều kiện ngắm nghía nó tỷ mỷ và chiêm ngưỡng xác ướp của hai lãnh tụ, Lê-nin và Stalin, hôm nay chúng ta ngó qua phía ngoài. Bên kia Quảng Trường Đỏ là cửa hàng Bách hóa Tổng hợp G.U.M, cái tên chắc các đồng chí đã từng nghe thấy
 

         Tôi thầm nghĩ “GUM”! Tôi đã nghe thấy bao nhiêu lần cái tên ấy. Xe tiếp tục chạy. Deysmor giới thiệu tiếp :
        - Trước mặt chúng ta là Tòa cao ốc của Bộ Ngoại Giao, lát nữa chúng ta sẽ đến Quảng trường Nhà hát Bolshoi. Đây rồi. Nhà hát này nổi tiếng về các tiết mục ba-lê và opera. Bên cạnh là Nhà hát Malyi, với tượng đài nhà viết kịch vĩ đại của nước Nga Alexandr Ostrovskyi… Đây rồi, Quảng trường Maiakovski… Sông Moskva, Thư viện Quốc gia mang tên Lê-nin, một trong những thư viện lớn nhất thế giới và cũng là một trong những niềm tự hào của người xô-viết chúng tôi...
 

            Rồi ông điểm tiếp :
          - Nhà hát Maiakovski, Nhà hát Gogol, Quảng trường Arabat
  

                                                                                 ***
       Tôi tưởng như mình đang trong mơ  và lạc vào cõi Tiên, nơi chỉ có thể đến trong giấc mơ… Sau khi đi một vòng khắp thành phố, đêm đã khuya, xe đậu lại trước thềm cao, nhiều bậc, của một cao ốc, đèn thắp sáng chưng.
         - Hai đồng chí sẽ nghỉ ở Khách sạn này
         Tôi thán phục ngước nhìn tòa nhà cao chót vót.
 

         - Khách sạn này được đặt tên là khách sạn "UKRAINA". Cả Liên Xô chỉ có hai tòa nhà cao 30 tầng, một là Khách sạn này và hai là Trường Đại học Tổng hợp Lômônossov, rất tiếc là chúng ta chưa đến đấy được vì Trường nằm trên "Đồi Lê-nin", khá xa. Không tiện đường, và đêm cũng đã khuya. Hai đồng chí đi đường xa hẳn đã mệt, cần nghỉ. Cả hai tòa nhà đều được xây dựng và khánh thành mới cách đây hai năm, để đón đại biểu thanh niên và sinh viên năm châu đến tụ hội, tham dự FESTIVAL lần thứ VI, tổ chức tại Moskva…
 

         Deysmor mở cửa xe, mời chúng tôi ra rồi dẫn vào khách sạn… 

                                                           
  "BĂNG TAN"

         Ai ngờ được cái chết của STALIN năm 1953 lại mở đầu cho một loạt sự kiện đảo lộn xã hội xô-viết đến như thế ? Có lẽ không ai. 

        Người ta đặt tên cho giai đoạn này là "TAN BĂNG" ! Cái tên này được dịch và sử dụng trên toàn thế giới. Sau này, khi đã sống ở Nga lâu, tôi mới thấy hết ý nghĩa hình ảnh của cái tên này.
                                                                         *
         Sau nhiều tháng mùa Đông giá buốt, các sông hồ đều đóng băng, mặt đất thì phủ tuyết trắng xóa, bầu trời u ám. Cuộc sống như ngưng trệ. Thế rồi Đông qua, Xuân đến, nắng lên, những khối băng tan dần, lúc đầu nổi lềnh bềnh, rồi tan hẳn, trả lại các dòng sông mầu xanh biếc vì  dòng nước tuôn chảy. Tuyết tan thành nước, còn chảy thành dòng trên các cánh đồng, bãi trống, rỏ giọt từ trên các mái nhà xuống… Cây cối trơ trụi, mới trước đây ít ngày không có chiếc lá nào thì trên cành bắt đầu nhú những chiếc lá xanh non. 


         Các cô gái chàng trai suốt mùa Đông băng giá co ro trong những tấm áo dầy, chân xỏ những đôi ủng nặng nề để giẫm lên tuyết dầy, thì nay họ được mặc những bộ áo liền váy mỏng dính, ngắn cũn cỡn, để hở phần lớn da thịt, trắng hồng…Các chàng trai cũng mặc quần áo mỏng… Họ dắt tay nhau, dàn ngang, vừa đi vừa hát… Đấy là hình ảnh của "băng tan". Và ý nghĩa kỳ diệu của nó là như thế : bình minh của thế kỷ !
                                                                                                    
                                                                             ** *

          Thoạt đầu, do lật lại các văn bản thời kỳ trước, Ban lãnh đạo mới của ĐCSLX bất ngờ phát hiện ra những tội ác khủng khiếp của Josef Stalin, người xưa nay vẫn được mệnh danh là "Cha của các dân tộc", mọi người đinh ninh ông là "thánh", là "không bao giờ sai"… Sau khi nghiên cứu kỹ, Ban lãnh đạo mới của Liên Xô đã có những quyết định dũng cảm, trước hết là công bố những tội ác tầy đình của ông ta, sau đấy thả tất cả tù chính trị, bãi bỏ một loạt chính sách cấm kỵ Stalin khi còn sống đã áp dụng nhằm tiêu diệt mọi mầm mống của thể chế dân chủ, giữ nhân dân Liên Xô liên tục trong tâm trạng sợ hãi, chỉ nơm nớp lo bị bắt, đành nhất nhất tuân theo lệnh của cấp trên. Và không phải chỉ những ai "cưỡng lại" một mệnh lệnh nào đấy của "cấp trên" mà cả những người vô can nhưng do thù oán cá nhân, nhân viên của Bộ An ninh vẫn bịa ra tội, vu cho là "kẻ thù của nhân dân", thế là họ bị bắt, tra tấn, kết án tử hình và giết.
                                                                         *
           Đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô với bản báo cáo của Bí thư thứ nhất Khrusov trở thành sự kiện lớn rung động toàn Trái đất, một cột mốc không chỉ đối với Liên Xô mà đối với toàn thể loài người. Tôi đến Liên Xô lần này đúng vào lúc Đại hội XXI trong dịp "tan băng" ấy của ĐCSLX chuẩn bị họp, hứa hẹn nhiều điều còn đáng phấn khởi hơn so với cái Đại hội XX "tan băng" ba năm trước. Không khí hồ hởi hiện ra trong mọi góc phố, trên mặt mọi người dân xô-viết. 
                                                                              *

HỘI THẢO

          Cuộc Hội thảo (hay “Gặp Gỡđạo diễn) của Hội Sân khấu Toàn Nga tổ chức và triệu tập được tiến hành linh hoạt và thân tình. Anh Trần Bảng và tôi được có nhiều dịp tiếp xúc với đạo diễn các nước xã hội chủ nghĩa khác, xem một loạt tiết mục của những nhà hát tiêu biểu ở Moskva : Nhà hát Nghệ thuật, các Nhà hát Ma-lưi, Maiakovski, Gogol, Komsomol… Cả nhiều nhà hát ở Leningrad như Nhà hát Tovstonogov
          Lịch làm việc hàng ngày cũng rất hợp lý : tối đến nhà hát xem tiết mục, sáng tham quan, chiều tọa đàm về tiết mục xem đêm hôm trước. Hai chúng tôi đề nghị được xem tiết mục "LU-BA" ở Nhà hát Ma-lưi và "CÂU CHUYỆN IẾC-CÚT" để so sánh với diễn trong nước… 

         Khi xem tiết mục "LU BA" (nguyên văn là "Lyubov Yarovaia") trên sân khấu Nhà hát Ma-lưi, chúng tôi hơi ngỡ ngầng, thấy nó khác quá xa tiết mục cũng dựa trên kịch bản ấy của Lớp học "Thực nghiệm" (perejivania) mà Đoàn Kịch nói Trung ương làm nòng cốt. 

        Trang trí đã khác, do Nhà hát Ma-lưi có điều kiện miêu tả địa điểm xảy ra hành động kịch tỷ mỷ hơn nên mới mở màn đã thấy ngay quang cảnh của một thị trấn Nga vào thời điểm ấy (1920). Trong khi trang trí của Nhà hát kịch Hà Nội đơn giản hơn nhiều và "tính chất Nga" mang dáng vẻ gợi ý nhiều hơn. Về diến suất, cũng rất khác. Nhân vật trung tâm "Liuba" của ta do nghệ sĩ Trúc Quỳnh thể hiện là một cô giáo nghèo, vóc mảnh mai, dáng nhanh nhẹn… trong khi cũng nhân vật ấy do nghệ sĩ Nhà hát Ma-lưi thủ vai thì to lớn, dáng bệ vệ… 
       Nhân vật Yarovôi cũng rất khác nhau. Ở ta Minh Trlà một sĩ quan dáng vẻ độc ác, trong khi ở Nhà hát Ma-lưi, nhân vật này lại cao lớn, để ria mép, dáng vẻ rất "quý tộc” và rất “sĩ quan Bạch vệ"… Khác nhau nhất là nhân vật Pa-nô-va, ở ta nghệ sĩ Thu Hà đóng cố ra vẻ lẳng lơ, đĩ thõa, trong khi nghệ sĩ của Nhà hát Ma-lưi thủ vai ấy thì xinh đẹp kiểu quý phái… Đặc biệt đám nghệ sĩ đóng trong "đám đông" thì càng khác nhau nhiều.
            Còn kịch bản "Câu chuyện Iêc-cút" của nhà viết kịch A. ARBUZOV nghe nói hiện đang được coi là "đầu bảng" : hàng trăm nhà hát trên toàn Liên Xô đua nhau dàn dựng và đang biểu diễn rất "ăn khách". Và vô số nhà hát hoặc đơn vị biểu diễn sân khấu khác cũng đang dàn tập…
 

           Xem nó tại hai nhà hát khác nhau ở Moskva, rồi gặp riêng và trao đổi với đạo diễn hai tiết mục ấy, chúng tôi mới thấy vai trò quyết định của người đạo diễn
Cùng sử dụng một kịch bản "Câu chuyện Iếc-cút" nhưng mỗi đạo diễn xử lý theo một hướng có thể chấp nhận và cách dàn dựng cũng rất khác nhau. Nhân vật "Dàn hợp xướng" có đạo diễn thể hiện bằng sử dụng một tốp ba người, mặc trang phục bảo hộ lao động màu xanh, với ý tiếng nói của "Dàn hợp xướng" chính là tiếng nói  của nhân dân, đại diện là các công nhân nhà hát, mặc quần áo bảo hộ lao động để phân biệt với các nhân vật trong kịch bản. Có ông đạo diễn lại không dùng diễn viên thể hiện, mdùng tiếng vọng từ trong hậu trường phát ra… Nhân vật chính, cô công nhân "rẻ tiền" Valia cũng được xử lý ở mỗi nhà hát hoàn toàn không giống nhau. Rồi cách thiết kế mỹ thuật không vở nào giống vở nào. Một nhà hát dùng cách hoàn toàn ước lệ (conventionel), nhà hát kia dùng cách hoàn toàn giống thật (vraisemblable)…

           Ông trợ lý đạo diễn vở này ở Nhà hát Maiakovski cùng ngồi xem với chúng tôi. Lúc nghỉ giải lao giữa hai phần, ông mời chúng tôi vào Phòng khách, lấy rượu và thức ăn nguội vtrứng cá "cavia" ra khoản đãi. Ông cho biết cách xử lý ở nhà hát này được báo chí đặc biệt ca ngợi, đấy là công của đạo diễn OKHLOPKOV, cũng là Chỉ đạo nghệ thuật của Nhà hát, hiện đang là nhân vật "hiện tượng" của sân khấu xô-viết.
                                                                              *
          Phải nói thêm rằng tuy rất khác nhau, nhưng cách xử lý của mỗi đạo diễn đều "có lý" và có sức thuyết phục cao, mặc dù sử dụng chung một chất liệu văn học (kịch bản) xuất phát từ cách "lý giải" (interpretation) của mỗi đạo diễn. Cách "lý giải" này được thể hiện qua một loạt "xử ly" về tạo hình cũng như về diễn xuất.
                                                                              *
          Một điều khiến chúng tôi đặc biệt chú ý là người Nga (và có lẽ người Phương Tây nói chung) coi nghệ thuật sân khấu là nghệ thuật cao quý, gần như cao nhất. 

         NHÀ HÁT (rạp hát) được coi là "thánh đường" tôn nghiêm. Khán giả vào xem đều mặc đẹp, lịch sự, nhiều người mặc lễ phục, như thể họ đi dự lễ hội. Phòng khán giả sạch như bong. Giờ giải lao khán giả sang "Phòng Khách" (foyer) bàn ghế sang trọng, có bầy bán các loại rượu quý, cả của Liên Xô sản xuất, cả của nước ngoài, các món ăn đắt tiền.
          Đi xem sân khấu, đối với họ là đi dự hội, họ không tiếc khi phải tiêu tiền, phải thết đãi nhau… 

          Khác hẳn ở ta, rạp hát nhiều rác rưởi, khán giả ăn mặc luộm thuộm, có gì mặc nấy. Ai khát, muốn uống nước cũng không có, phải đợi tan đêm diễn ra ngoài mới có thể ăn hoặc uống gì đấy.
                                                                *            
         Việc tiếp xúc với đồng nghiệp ở nhiều quốc gia khác cũng giúp chúng tôi thu lượm được rất nhiều kiến thức nghề nghiệp và biết thêm về tình hình chính trị từng nơi.


         Khi tôi hỏi, sao không gọi là Hội Sân khấu Liên Xô mà lại gọi là Hội Sân khấu Toàn Nga, gọi tắt là BTO, một đại biểu Nga cho biết : đấy là một hội thành lập trước Cách mạng Tháng Mười, năm 1877, và được Nhà nước Liên Xô cho phép tiếp tục hoạt động. Hội không chỉ là hội sáng tạo nghệ thuật đơn thuần mà còn là một tổ chức kinh doanh phục vụ cho sáng tạo nghệ thuật : Hội sở hữu các xưởng sản xuất mỹ phẩm, đồ hóa trang, xưởng chế tác râu tóc giả, sản xuất thiết bị đặc dụng của sân khấu, các loại đèn chiếu tạo hiệu quả khác lạ… tiền lãi được dùng phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học về sân khấu. Hội có trụ sở rất lớn ở trung tâm Thủ đô Moskva, ngay bên cạnh quảng trường lớn Puskin, tại đấy có phòng họp lớn, có sân khấu mẫu mực, chuyên trình diễn những tiết mục hoặc trích đoạn có tính chất thử nghiệm, có Thư viện sách báo chuyên ngành sân khấu bằng nhiều thứ tiếng, và Viện nghiên cứu khoa học, chia ra các ngành nhỏ : biên kịch, lý luận phê bình, đạo diễn, diễn viên,,. 

        Tầng dưới có một Khách sn- Nhà hàng được đánh giá là một trong những Nhà hàng sang nhất Thủ đô. Tối tối, sau khi diễn tiết mục, đạo diễn và diễn viên các nhà hát ở Moskva thường đến đây gặp gỡ, trò chuyện, ăn uống, khiêu vũ… Nhiều khách đến gần sáng mới chịu về nhà nghỉ ngơi.
                                                                                  *
          Một đại biểu Nga khác kể với chúng tôi về chuyện FADEEV tự sát. Thì ra từ Đại hội XX ĐCSLX, ông Chủ tịch Hội Nhà văn Liên Xô đã hoang mang và hối hận cực độ, đến mức chỉ cần một cái hích nhẹ cũng đủ khiến ông "buông tay rời khổi cuộc đời". Xấu hổ và nhục nhã, ông chỉ ở nhà, cố không tiếp xúc với ai. Nhưng cái cú "hích" ấy đã đến. Đấy là một hôm, tình cờ ông gặp một nhà văn, bạn lâu năm và đã từng rất thân thiết, bị tù oan, mới được tha ra. Nhà văn kia giữ Fadeev lại, hỏi : "Trong tù mình viết rất nhiều thư nhờ cậu thanh minh mà sao cậu không trả lời ?" Fadeev đau đớn đáp : "Cậu hãy nhổ nước bọt vào mặt mình đi ! Mình đáng được như thế lắm." 

       
         Và mấy hôm sau thì ông tự sát : nỗi hối hận dày vò khiến ông không chịu nổi, nhất lại đối với một nhà văn sống có lương tri và tâm hồn nhạy cảm như ông.
                                                                              *
        Một đạo diễn Nam Tư bằng giọng hài hước kể chúng tôi nghe về số phận của trí thức Nam Tư lên voi xuống chó theo diễn biến chính trị như thế nào. 

        Khi Hồng quân Liên Xô truy kích Phát xít Đức, tiện đường giải phóng Nam Tư thì nhân dân Nam Tư coi mỗi chiến sĩ Nga vừa là ân nhân, vừa là người anh hùng. Họ mời các chiến sĩ xô-viết đến nhà, ấn vào các túi áo, túi quần và hai bàn tay từng người tất cả những vật quý giá nhất có được trong nhà, thậm chí bảo cả con gái họ thỏa mãn tình dục cho lính Nga… Chiến tranh kết thúc, Liên Xô viện trợ hậu hĩ cho Nam Tư. Hàng loạt thanh niên nam nữ Nam Tư được đưa sang Liên Xô đào tạo, huấn luyện hoặc thực tập, và khi về nước họ được coi là những người đáng tin cậy nhất, nhận những chức vị cao. Đến khi đột nhiên Stalin tuyên bố khai trừ Đảng Cộng sản Nam Tư ra khỏi Quốc tế Cộng sản và vu cho Nhà nước Nam Tư là phản động, tay sai của Tư bản, và tiếp đấy, các cơ quan báo chí và đài phát thanh của hai Đảng Cộng sản chưởi bới nhau không còn tiếc lời lẽ thô tục nào, thì tất cả những ai đã đi học hoặc thực tập ở Liên Xô về đều bị chính phủ Nam Tư bắt giam để "cải tạo". 
        
         Gần đây, sau Đại hội XX, khi KHRUSOV dẫn đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Liên Xô sang đàm phán, nhằm giải tỏa mối hiềm khích, nối lại quan hệ xưa kia bị Stalin làm đứt đoạn, thì những người đang ngồi tù kia lập tức được thả. Nhưng hiện nay cuộc đàm phán giữa Nam Tư và Liên Xô còn vướng mắc gì đấy nên những người kia hiện vẫn nằm chờ… chưa được giao công việc gì hết. Nếu cuộc đàm phán thắng lợi, họ sẽ có việc làm, thậm chí trọng dụng, nhưng nếu thất bại, rất có thể họ phải quay lại nhà tù ! 
           Câu chuyện anh ta kể với giọng hài hước nhưng tôi thấy không muốn cười mà chỉ muốn khóc. Sao lại có thể như thế được ? Tôi chợt nhở đến câu của văn hào Pháp J.-P. SARTRE nói về lúc cuối đời, sau khi trải qua những thăng trầm kiểu như thế, lúc được Đảng Cộng sản Pháp tán thành thì hàng trăm bài báo bốc ông lên đến mây xanh, nhưng khi ông phát biểu một ý kiến nào trái với ý của Liên Xô hoặc Đảng Cộng sản Pháp, thì lập tức xuất hiện hàng trăm bài báo vùi ông xuống bùn đen và không tiếc lời thóa mạ, chưởi rủa. Vầ ông chua xót kết luận. "Hélas ! Je ne savais pas que la destinée, c' est la politique !" (Than ôi, trước kia tôi đâu biết rằng số phận là do chính trị quyết định).
                                                                             *           
          Vào thời điểm ấy ở Liên Xô phát triển một hình thái báo chí tự do. Đấy là phong trào sáng tác và phổ biến thể loại "tiếu lâm chính trị" Phong trào này càng về sau càng phát triển, nhưng vào thời gian tôi đến đây lần đầu này tôi đã được nghe một số truyện. Các truyện đều được coi một cách ước lệ là "chương trình của Đài Phát thanh Armeni". Đấy là cái tên tưởng tượng. Truyện nào cũng rất hóm và rất ý nghĩa. Tôi thích nhất là truyện sau đây :
          "Một hôm Đài phát trhanh Armeni đưa tin : Chủ Nhật vừa rồi ba thanh niên Pháp, Mỹ và Liên Xô ngồi nhậu với nhau. Đột nhiên chàng Pháp đưa ra câu hỏi : "Theo hai bạn thế nào là hạnh phúc. Riêng tôi thì cho rằng mỗi sáng có được một tách cà phê Bra-xin và một điếu thuốc lá thơm. Còn hai bạn ?" Chàng người Mỹ nói, tôi thì cho hạnh phúc nhất là khi có ít nhất là 100 triệu đô-la gửi trong ngân hàng. Còn cậu, chàng trai xô-viết ? Anh này chỉ tủm tỉm cười không đáp. Hai anh bạn kia phải thúc mãi, anh ta mới chậm rãi nói : "Hai cậu đòi hỏi cao quá. Mình thì không đòi hỏi cà phê nóng và điếu thuốc lá thơm hàng sáng, cũng không đòi hỏi có 100 triệu đô-la trong ngân hàng…" Hai bạn kia thúc "Vậy cậu đòi cái gì ? Một chiếc du thuyền thật oách hay một lâu đài cỡ Windsor ?" Mãi sau chàng trai đồng bào của chúng ta mới chậm rãi nói : "Tớ yêu cầu một điều rất giản dị. Hai cậu thử hình dung, Nửa đêm đang ngủ say, có tiếng chuông ngoài cửa. Vội ngồi dậy, ra mở. Thấy ba nhân viên công an đứng đấy, mỗi anh một khẩu sáng ngắn, vẻ mặt lạnh lùng. Anh đứng giữa cầm tờ giấy đọc : "Mày là Victo Sepulov phải không ?" Tay an ninh bên cạnh đã mở sẵn cái còng số 8. Mình lấy hết bình tĩnh đáp : "Rất tiếc là không. Sepulov ở căn hộ 297, bên phải căn hộ này" và mình trỏ. Họ sang căn hộ bên phải bấm chuông. Mình đóng cửa, quay vào và thở ra : Hú vía ! Đấy là giây phút hạnh phúc nhất của mình trên đời."
          Tôi còn được biết một câu chuyện nữa khá lạ. Không phải tiếu lâm chính trị mà là chuyện tình cảm...

                                                                       *
           Chẳng là vì không có phiên dịch tiếng Việt nên ban tổ chức Hội thảo cử một nữ phiên dịch tiếng Pháp đến giúp chúng tôi. Lần đầu gặp chị tôi đã mến và quý ngay. Chị không đẹp lắm, nhưng dễ mến và đặc biệt là rất phúc hậu. Mọi thái độ đối xử đều chân thành và nghiêm túc, không một chút màu mè, giả dối. Tên chị là Tania (tên gọi tắt và thân mật của Tachiana). Vì nhỉnh hơn tôi vài tuổi nên chị đối xử với tôi như với em ruột. Chị kể chị là người Mondavia (một nước Cộng hòa trong Liên bang Xô-viết). Vì người Mondavia nói tiếng Rumani, một thứ tiếng thuộc họ ngôn ngữ La-tinh, nên chị học tiếng Pháp rất nhanh và hiện sử dụng rất thành thạo.
           Khi đã hiểu nhau và trở nên thân tình, chị đưa chúng tôi xem bức thư cuối cùng (gần đây nhất) của người yêu. Lá thư chị nhận trước đây hai tháng và từ bấy không nhận thêm được thư nào nữa. Chi rất lo và sốt ruột, không phải lo anh thay đổi tình cảm, anh không phải loại người dễ thay đổi và tình cảm giữa hai người đã rất gắn bó. Nhưng chị lo anh ấy gặp hiểm nguy gì đấy. Chẳng anh là người Cu-ba và lại hoạt động chính trị. Tin tức gần đây từ Cu-ba cho biết tình hình chính trị bên ấy đang rất phức tạp. Anh lại thuộc số nhà lãnh đạo của Phong trào chính trị đối lập. Rồi chị kể về "anh ấy" cho chúng tôi nghe. Anh ấy, lấy bí danh là Raphael, còn tên thật là Raun Castro, em Fidel Castro. Hai anh chị quen nhau là khi anh được "Phong trào 26/7" (tiền thân của Đảng Cộng sản Cu-ba) cử sang làm phái viên thường trú đặc biệt của họ tại Liên bang Xô-viết. Phong trào này do anh trai của anh ấy là Fidel Castro cùng với Che Ghevara tổ chức và lãnh đạo, đang vận động nhân dân Cu-ba tiến hành khởi nghĩa, lật đổ chính quyền của Tổng thống Batista. Chị được cử làm phiên dịch tiếng Pháp cho anh ấy. 

          Và vì mấy thứ tiếng rất giống nhau nên chị cũng nói tàm tạm được tiếng Tây Ban Nha là tiếng mẹ đẻ của anh. Trong quá trình làm việc, hai người hiểu nhau, quý mến và cuối cùng yêu nhau. Họ đã chính thức đính hôn. Cũng chính tại đây anh Raphael đã được nghiên cứu chủ nghĩa Mác và thuyết phục đi theo chủ nghĩa Cộng sản. Sau đấy về nước, anh đã thuyết phục ông anh Fidel Alejandro CASTRO RUS cũng đi theo chủ nghĩa Cộng sản.
           

             Thấy vẻ mặt Tania lo lắng, hai chúng tôi cố an ủi chị. Lúc ấy Cách mạng Cu-ba chưa thắng lợi, và Fidel chưa là người cộng sản. Hôm ra ga tiễn Trần Bảng về nước, chị và tôi lên ô-tô trở về, chị đưa địa chỉ và số điện thoại cho tôi, bảo thỉnh thoảng gọi điện cho chị và nếu có thời gian thì hai chị em gặp nhau. Nhưng sau đấy, công việc bận rộn, tôi không gọi điện lần nào cho chị.

          Mãi hai năm sau, khi Cách mạng Cuba đã thắng lợi, và tôi sang Liên Xô học Đại học, năm 1961, tôi mới xực nhớ đến chị, bèn gọi điện nhưng không thấy trả lời, tôi đến địa chỉ chị ghi cho tôi thì bác gác cổng nói chị đã sang Cu-ba và nghe đâu đã lấy chồng bên ấy. Từ bấy đến nay, mải mê những công việc khác, tôi không nghĩ gì đến chị nữa và cũng không biết thêm tin tức gì về người phụ nữ cực kỳ phúc hậu và đáng mến ấy. Hôm nay nhớ lại chuyện xưa, tôi bỗng tự hỏi, không biết chị còn sống không, và nếu còn sống thì hiện giờ ở đâu và vui buồn ra sao ? Nhẩm tính thì đã 54 năm. Bao nhiêu nước đã chảy qua trong dòng sông cuộc đời.

             
                                                             ***
          Hội thảo diễn ra ở Moskva mười ngày thì chuyển đến LENINGRAD làm tiếp thêm bốn ngày nữa. 

         Về mặt nghệ thuật, nhất là nghệ thuật sân khấu, Leningrad được coi là ngang tầm, thậm chí nhỉnh hơn một chút so với Moskva. Tại đây có những Nhà hát lâu đời, đã tồn tại hàng trăm năm, uy tín vang rộng khắp thế giới. Nhà hát opera và ba-lê mang tên Kirov ở đây thậm chí còn được coi là đàn anh của Nhà hát Bolshoi ở Moskva. 
                                                                          *  
        Tàu tốc hành Moskva-Leningrad chạy một mạch suốt đêm. Tan tiết mục, các đại biểu ăn buổi tối xong mới đi xe ra ga Leningrad. Nhận giường nằm lúc đã quá nửa đêm, đặt lưng ngủ thì sáng hôm sau, thức dạy đã thấy đoàn tầu đang giảm tốc độ, tiến vào sân ga thành phố Leningrad.
        Thời gian biểu hàng ngày vẫn như ở Moskva. Các đại biểu được tham quan sông Neva, Cung điện Mùa Đông, Cung điện Mùa hè, Chiến hạm Rạng Đông, Điện Smolnyi, nơi đóng bản doanh của Cách mạng tháng Mười, cũng là nơi Lenin cùng Bộ tham mưu chỉ đạo làm việc trong "Những ngày Tháng Mười"…
       Các đại biểu được tham quan cả "lều cỏ" ở hồ Ladoga, nơi Lenin ẩn náu sau khi từ Phần Lan về nước. Chính tại đây Người đã viết bản "Luận cương Tháng Tư" nổi tiếng, văn kiện đã tác động đến
Nguyễn Tất Thành, và anh đquyết định chọn con đường đi theo Quốc tế III…
                                                                          *
          Tiết mục "BI KỊCH LẠC QUAN" do Nghệ sĩ Nhân dân Liên Xô George TOVSTONOGOV đạo diễn ở Nhà hát Hàn lâm Leningrad quả là một tác phẩm tầm cỡ, xứng đáng nổi tiếng thế giới, và là niềm tự hào của nền sân khấu Liên Xô. Nhưng khi nghe nói ông là người Giê-ooc-gi, nghĩa là cùng quê và cùng dân tộc với Stalin, tôi đã giảm đi phần nào sự thán phục đối với ông ta. Dù sao, tôi cũng đánh giá rất cao cách xử lý kịch bản của ông. 

        Kịch bản này tôi biết rất rõ vì chính tôi đã dịch nó và chuyên gia đạo diễn Vassiliev đã tính sau khi dàn dựng xong tiết mục "LU-BA" sẽ dàn dựng... Rất tiếc là ông đã không thực hiện được ý định ấy mà phải kết thúc thời gian làm việc ở Việt Nam sớm hơn dự kiến, để đưa bà vợ bị ung thư về Liên Xô điều trị. Do đấy tôi gần như thuộc lòng kịch bản, và thấy rất rõ tài sáng tạo của Tovtonogov, với cách sử dụng bục nghiêng theo kiểu đạo diễn tài ba số một Meyerhold, người đem danh tiếng lẫy lừng cho nghệ thuật đạo diễn xô-viết, nghe nói mỗi  buổi ông dàn dựng đều có hàng trăm đạo diễn trẻ từ hàng chục quốc gia trên thế giới đến, ngồi dưới các hàng ghế, chỉ cốt để được nghe và xem - để "học"-  người đạo diễn tài ba hiếm có kia. Nhưng về sau nghệ sĩ tài ba số Một ấy cũng bị Stalin vu cho là "kẻ thù của nhân dân"... Meyerhold bị tra tấn rất tàn bạo và cuối cùng bị xử bắn ! 
                                                                             *
         Sau khi các đại biểu từ Leningrad trở về Moskva, Hội thảo kết thúc. Hội Sân khấu Toàn Nga tổ chức một bữa tiệc chia tay. Anh Trần Bảng về nước, còn tôi ở lại chờ Đoàn Ca Múa để cùng đi Vienne (thủ đô nước Áo) tham dự Festival Thanh niên và Sinh viên Thế giới lần thứ IX.

                                                                             *  
          Chuyến đi Liên Xô lần đầu tiên này đã giúp tôi học hỏi được bao nhiêu điều bổ ích, đồng thời cho tôi một chuyến du lịch hết sức thú vị. Nhưng có lẽ điều làm tôi vui mừng nhất là chuyến đi đã cho tôi có thêm một người bạn "tri kỷ", vì sau chuyến đi dài ngày ấy, Trần Bảng và tôi hiểu kỹ nhau và nhận ra là hợp nhau
gần như hoàn toàn trong cách nhìn, cách nghĩ về mọi vấn đề của nghệ thuật cũng như cuộc sống. Số bạn thân thiết, hợp tính như thế thường hiếm hoi. Đấy chính là những báu vật không dễ mà có được...
                                                                            *

          Tôi sẽ có hai tháng hoàn toàn tự do ở Moskva để chờ, tôi suy nghĩ, tính toán và quyết định sử dụng chúng cách nào để hiểu tính chất người Nga và đất nước xô-viết ở mức tối đa ...