Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016

NGHĨ GÌ LẮM THẾ ?- BẦY ĐÀN - CHỮ TÌNH





NGHĨ GÌ MÀ NGHĨ LẮM THẾ ?

(Như  mọi lần trước, tôi giả vờ tình cờ đi ngang qua và lén thả máy ghi âm vào gốc cây gần chỗ hai cụ đang ngồi tâm sự. Tối hôm ấy, về nhà tôi mở ghi âm ra nghe thử, thấy có nhiều ý lý thú, bèn chép ra giấy...)

            - Chào Cụ !
            - Chào Cụ ! Này, Cụ ạ ! Tôi thoáng nghĩ, không khéo hai lão già chúng ta đang thành dở người mất đấy ?
            - Sao Cụ nghĩ thế ?
            - Vì cứ gặp nhau là tuôn ra bao nhiêu thứ lẩm cẩm.
          .- May mà còn có người để tuôn đấy ! Chẳng là tôi nghiệm thấy tất cả những cụ tầm tuổi hai chúng ta, tức là ngoài 80, Cụ nào thấy tôi đụng đến chuyện phức tạp một chút cũng lảng, hoặc lái sang chuyện vớ vẩn, nào “cây xanh”, nào “thằng quan kia tham nhũng mấy trăm tỷ”, “thằng nọ hống hách”, “mụ đại biểu quốc hội kia nói rất hay nhưng toàn nói xạo, tan họp về địa phương thì đưa ra toàn chủ trương láo toét, ngược với tinh thần mụ ta phát biểu ở Quốc Hội...”, vân vân và vân vân… Có Cụ thì vừa mới trò chuyện đôi câu đã tuôn ngay ra “Nhớ là đừng hòa tan đấy nhé !”. Thế là tôi biết thằng cha ngu lâu, quen bái phục mọi thứ cấp trên “chỉ thị” và đinh ninh quan càng to thì càng thông minh, chí lý… Đang thất vọng, thì phúc bẩy mươi đời, lại gặp được Cụ. Tất nhiên cách suy nghĩ hai thằng chúng ta không giống hệt nhau, nhưng có một điểm chung rất hợp ý tôi, là hai ta cùng thích gợi mở và thích “thử tìm” xem nó ra làm sao…
            - Tôi thì không có được lắm phát hiện lạ như Cụ, nhưng trong số mấy chục Cụ cùng trạc tuổi trong cái “Câu Lạc bộ Công viên Võ Thị Sáu” này, tôi chỉ thấy mỗi Cụ là trò chuyện được, mà nhiều buổi còn rất lý thú nữa. Tôi chỉ lo, sợ hai chúng mình “nghĩ” nhiều quá chăng ?
            - Cụ nói thế, tôi chợt nhớ một bộ phim truyện tôi xem ở Liên Xô trong chuyến đi cuối cùng, trước khi Liên Xô "sụp"
            - Thời kỳ nào ? Bởi Liên Xô trong hơn 70 năm tồn tại, biến đổi liên tiếp. Thời Lênin khác thời Stalin, rồi khác thời Khrusov, thời Brejnev…nhất là thời cuối, Andropov, Tsernenko rồi Gorbatsov…Mà không phải khác theo nghĩa bình thường mà “khác hẳn”. Cụ công nhận không ? Thậm chí dưới quyền một thằng cha, thời gian đầu khác, giữa khác, thời gian cuối lại khác…
            - Thì điều kiện xã hội thay đổi, cả tính người nữa. Lênin thâm trầm, trong khi Stalin thô lỗ, tàn bạo, Khrushov chủ quan, mơ mộng... Còn Brejnev thì vừa ngu vừa tham, chỉ được cái khôn vặt, rất giỏi giữ ghế…
            - Cụ nhận xét Gorbatsov thế nào ?    
           - Thằng cha này được cái trẻ tuổi, nhiều người đã hy vọng, bởi các Tổng trước đấy đều quá già. Cụ biết dân Liên Xô chiết tự CCCP là gì không ? Союз Самых Старых Руководителей : :Liên bang của những nhà lãnh đạo già nhất ! Trẻ nhưng hắn là cán bộ lãnh đạo ở tinh, cho nên nông cạn... Cách nghĩ của hắn ta quá đơn giản, cho nên cứ đưa chính sách nào ra cũng phi lý và thất bại thảm hại. Tôi nhớ nhất là chuyện cấm rượu…Chủ trương hắn vừa ban hành thì rượu lậu lập tức tràn lan… Rất rẻ Cụ nhé. Vodka chai nửa lít những 4,5 rúp thì rượu lậu chỉ ba rúp, có chỗ hai rúp rưỡi, thậm chí hai rúp, mà uống vào vẫn tạm được…
            - Nhưng là rượu giả ! Pha bằng hóa chất…
           - Đúng thế. Nên ngộ độc hàng loạt… Hôm tôi ra sân bay Sheremetievo định gửi ít thứ về trước, thấy thông báo có lệnh mới ban hành sáng nay, cấm mang ra khỏi Liên Xô các mặt hàng điện tử, thế là bộ âm thanh mua cho Nhà hát Lớn đành phải chở về trả lại cửa hàng… Bỗng tôi nghe một nhân viên làm ở sân bay khuyên : “Đồng chí cứ để lại đã, rất có thể chiều nay lại có lệnh khác !” Thì ra lệnh cứ thay đổi xoành xoạch…” Tôi thầm nghĩ, thằng cha Góoc này điên rồi. Nếu không điên thì cũng bối rối, đầu óc mụ lên, chẳng còn biết tính toán gì hết… Lẽ ra đưa vào Bệnh viện Tâm thần thì phải…
            (Trong máy có tiếng cười rũ rượi…)

          - Đến chết cười với thằng cha Gorbatsov mất thôi !
         - Thiện chí, cố khôi phục những nguyên tắc đã thành "kinh điển" của Lênin, và nhất định không chịu nhận ra rằng thời thế đã khác và chỉ còn cách từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lê…mới cứu được dân Nga…
         - Thì thế ! Góoc ta quyết định thả nhà bác học hàng đầu thế giới SAKHAROV, bị Brejnev xử oan rồi bắt giam. Góoc ta cho xe ô-tô đến tận cổng nhà tù đích thân đón, rồi tổ chức chiêu đãi, và ông này đã khuyên hắn như thế. Yeltsin cũng tán thành, nhưng Gorbatsov không chịu, vẫn nghĩ cứ kiên trì theo đúng những lời dạy của Lênin là đâu sẽ vào đấy…   
         - Hình như ở ta bây giờ cũng thế. Mấy thằng ngu lâu cứ đinh ninh là nếu áp dụng đúng “biện chứng pháp” của Mác-Ăngghen thì khó khăn mấy cũng vượt qua được. Ngu ơi là ngu !
         - Mấy thằng ấy còn đinh ninh Liên Xô tan là do bàn tay của “tư bản phương Tây”, mà nhất định không chịu nhìn thẳng vào sự thật là do cái lý tưởng cộng sản đã bộc lộ hết mọi vô lý và tàn hại của nó và đẩy nước Nga vào ngõ cụt.
         - Thế là từ cuộc gặp hôm ấy Yeltsin tách ra, chống lại bạn cũ, đã một thời rất tâm đầu ý hợp. Cuối cùng thấy bạn ngoan cố quá, cứ khăng khăng “ngu” nên ông ta buộc bạn cũ phải từ chức, giải tán Đảng Cộng Sản Liên Xô và chấm dứt sự tồn tại của Liên bang Xô-viết…
         - Mấy hôm cái Ủy Ban Khẩn cấp Đặc biệt (nhằm cứu nguy) ra tuyên bố, tôi đang nằm ở Bệnh viện Việt-Xô, thấy mấy ông nhiễm tư tưởng giáo điều, bị lãnh đạo nhồi sọ quá lâu, đã mặt mày rạng rỡ, hớn hở báo “tin vui” cho nhau, tin tưởng Liên Xô sắp được “cứu” khỏi tay thằng phá hoại Gorbatsov… và lại hùng cường, vĩ đại như ngày nào…
        - Khốn khổ ! Nhưng cũng phải thông cảm thôi, vì mấy thằng Tổng, với đám Tuyên huấn, Tổ chức có bao giờ chấp nhận ý kiến khác đâu ? Này Cụ ạ, tôi rất tiếc, nếu những nhân tài như NGUYÊN NGỌC… ý kiến được lắng nghe thì số phận đất nước ta không tụt xuống thảm hại như bây giờ, thua cả mấy nước xưa nay kém xa ta…
       - Chẳng cứ Nguyên Ngọc mà còn bao nhiêu trí thức hiểu biết, có cách suy nghĩ sáng suốt khác…
      - Đúng thế. Một số người tôi biết rất rõ, tạm lấy thí dụ như NGUYỄN KIẾN GIANG chẳng hạn, một bộ óc uyên bác, một cách nghĩ lành mạnh, công tâm…
       - Về Nguyên Ngọc thì trước đây tôi đã rất phục tiểu thuyết ĐẤT NƯỚC ĐỨNG LÊN, về sau càng phục những quyết định vô cùng sáng suốt và táo bạo nhưng hết sức đúng đắn của ông ấy thời gian làm Tổng Biên Tập báo VĂN NGHỆ. Nhất là sau này hai chữ “TRỞ VỀ” của ông ấy sao mà chính xác đến thế. Ừ thì đánh nhau, nhưng đánh nhau xong thì phải làm lành trở lại chứ ! Phải xóa bỏ hận thù, phải TRỞ VỀ chứ !
       - Hay ! Hai chữ chính xác, tuyệt vời chính xác : TRỞ VỀ ! À, nhưng hình như lúc nãy Cụ định nói đên chuyện gì thì phải. Mải bình phẩm về Xô-Liển, tôi nói theo âm Tẫu, đâm quên mất. Hình như Cụ định đưa ra hai ta cùng bình luận về cái gì khác thì phải, tôi có đoán sai không ?
       - Cụ đoán rất đúng.
       - Thế Cụ nói đi !
       - Tôi cứ nghĩ mãi về hai chữ “quần chúng”…
       - Tức là “đám đông” ?
       - Đúng thế. Tôi băn khoăn từ thuở nhỏ, băn khoăn rất nhiều về cái gọi là “đám đông” ấy. Thuở nhỏ, sống ở quê, tôi nhận thấy “đám đông” bao giờ cũng suy nghĩ đơn giản và cổ hủ, vì quen với cách nghĩ đã tồn tại bao đời, mà còn có thói a-dua… Đám đông rất khó tiếp nhận cái mới…
       - Nhưng lại sùng bái ai “có vẻ” hiểu biết hơn và được đông đảo ca ngợi… Đảng Cộng sản cướp được chính quyền chính là nhờ nắm được cái tâm lý ấy, và “phát động” cái đám đông ấy… Cái đám đông đã quen với cách suy nghĩ cổ hủ, tai hại mà Cụ Phan Tây Hồ đã phân tích, trong bài nhận định về Phan Bội Châu… 
       - Phan Tây Hồ ? Có phải Cụ Phan Chu Trinh không ?
       - Đúng thế. Đại ý Cụ Tây Hồ nói, dân ta bị nhiễm nặng ba quan niệm nguy hiểm đã ăn vào máu, cản trở bước tiến lên. Một là “ghét ai khác mình” nên bài ngoại ác liệt. Hai là quen nghĩ hận thù nên chỉ thích “đánh” mà không chịu học. Ba là quen thói dựa dẫm… không nghĩ đến dùng sức mình, nỗ lực của bản thân…Cầu viện Trung Hoa, rồi cầu viện Nhật Bản, bố trí đưa cả Hoàng thân CƯỜNG ĐỂ sang... Cụ Phan Tây Hồ nói rất hay, tôi không nhớ từng chữ nhưng ý chính là như thế… Cụ trách Cụ Phan Sào Nam là ba cái kém ấy của dân ta, Cụ Phan Sào Nam đã không ngăn cản mà còn xúi bẩy thêm… 
       - Hay ! Quá hay !
       - Đám đông là như thế. Chỉ thích được khen bản thân mình, và chê người khác. Tôi đọc thấy CONSTANT nhà văn Pháp cuối thế kỷ XIX khi giải thích một hiện tượng đau lòng trong Cách mạng Pháp năm 1789 là hiện tượng “Khủng bố” (tiếng Pháp là LA TERREUR). Quần chúng Cách mạng mở rộng “giết chóc” tất cả những ai “tiến bộ”, hàng vạn nhân mạng. Đau nhất là đem giết nhà Cách mạng kiệt xuất ROBESPIERRE, được ca ngợi là “con người không bao giờ bị mua chuộc”… Tôi rất muốn tìm hiểu nguyên nhân của hiện tượng KHỦNG BÔ TRÀN LAN ấy nhưng hồi trẻ bận kiếm ăn nên tạm gác lại. Gần đây mới tìm đọc CONSTANT, mừng rỡ thấy, thì ra ông nhà văn này đã phân tích và đọc xong, tôi thấy hoàn toàn chính xác            
            - Là do đâu ?
            - Do vào thời điểm ấy, phong trào cách mạng Pháp rơi vào tay đám “quần chúng lao khổ” tiếng Pháp gọi là phái SANS-CULOTTES … Và Constant kết luận nguyên nhân của hiện tượng “KHỦNG BỐ” đau lòng kia là ở kiểu suy nghĩ gọi là “não trạng đám đông” (tiếng Anh là mob mentality), hoặc như ở ta, có thể dịch là của “não trạng quần chúng lao khổ”… Nhà văn CONSTANT cho rằng chính cái lực lượng ấy với kiểu suy nghĩ ấy là miếng đất thuận lợi mọc lên nên đủ loại độc tài, tiêu biểu là NAPOLEON… 
           - Napoleon ? Tôi tưởng ông ta là "anh hùng" ?
           - Anh hùng kiêm độc tài !
           - Hiểu. Sau ông ta là Hitler, Stalin, Mao Trạch Đông… và các thể chế độc tài đủ kiểu khác…cho dến Putin ở Nga và Tập Cận Bình ở Tầu...
       - Chà… Đúng thế. Bây giờ thì tôi hiểu. Và tôi hoàn toàn tán thành cách lý giải ấy. Mob mentality… Hay ! Chính xác ! Cứ nhớ lại những cuộc đấu tố địa chủ trong Cải Cách Ruộng Đất thì đúng là “quần chúng lao khổ được phát động”
            - " Nông dân là quân chủ lực..." Cụ có nhớ lời của một bài hát được hâm mộ thời ấy chứ ?
            - Nhớ quá đi ấy chứ ! Mà chắc Cụ cũng nhớ, câu kêu gọi "kết thúc" trong TUYÊN NGÔN CỘNG SẢN và cũng là lời cuối trong bài hát QUỐC TẾ CA là “Vùng lên, hỡi các nô lệ ở thế gian ! Vùng lên, hỡi ai cực khổ bần bàn…” Kết quả là cái “quần chúng nô lệ”, “quần chúng cực khổ bần hàn” ấy đã vùng lên và tung hô đủ loại độc tài, khiến bản thân họ rồi cũng khốn khổ… Đến lúc họ biết ra thì đã muộn ! Tay chân bị gã độc tài kia xiềng xích, gã ta sử dụng đám tay sai thân tín trói chặt còn thoát ra thế nào được ? Cho nên hình như đã có lần tôi kể với Cụ là “tầng lớp làm nên Cách mạng Tháng Tám chính là tầng lớp “thầy giáo làng”. Họ sống ở nông thôn, am hiểu tâm lý nông dân nên biết cách, thậm chí rất giỏi cách thuyết phục cái “đám đông”, hay dùng chữ Tàu gọi là “quần chúng” ấy… đi theo con đường họ dắt dẫn… Cái ông M.V, thủ trưởng tôi hồi ấy, tức là ông cán bộ lãnh đạo đã phát hiện ra điều vừa rồi, cho rằng tầng lớp “thầy giáo làng” ấy được “quần chúng” tin tưởng và sùng phục vì có cách sống “trong sạch”, “nhân ái”…
            - Tiêu biểu là DUẨN. Chính hắn ta tự cho hắn là “nhân ái”, thậm chí tuyên bố “Chúng ta thắng Mỹ là do chúng ta nhân ái” ! Nhưng khi “quần chúng” tin hắn, không biết trình độ văn hóa của hắn chỉ hơn họ chút xíu, đã “bùi tai”, cả tin, và a-dua nữa, đi theo hắn thì đất nước đâm vào ngõ cụt… Và chính sách “giáo dục, cải tạo” người phía “bên kia” tưởng “nhân ái” thì chẳng nhân mà cũng chẳng ái chút nào, đã khiến bao nhiêu nhân tài bị đầy đọa, chết thảm trong các trại cải tạo... Và hàng chục vạn người phải bất chấp cái chết, quyết rời bỏ quê hương, tạo nên cả một hiện tượng “thuyền nhân” hết sức đau lòng dẫn đến bao bi kịch… Kết quả là đất nước bị chia rẽ chưa biết đến bao giờ mới hòa hợp trở lại…
          - Càng nghĩ càng thấy phương hướng “cần phải TRỞ VỀ” của Nguyên Ngọc chính xác biết chừng nào ! Chà, vấn đề này hai ta còn phải suy nghĩ thêm nhiều, vì hình như chưa đủ sức thuyết phục cho lắm. Nhưng hôm nay đã muộn. Để mai, Cụ nhé ?
            - À, còn một câu tôi muốn hỏi. Lúc nãy Cụ nói đến cái bộ phim Liên Xô Cụ đã xem…
            - Ừ nhỉ ! Đơn giản thôi, chỉ là trong phim có một câu của bà mẹ bảo con trai : “Sao lúc nào con cũng nghĩ thế nhỉ ?”, “Nghĩ gì mà nghĩ lắm thế ?”
            - Chắc cậu ta cũng già và lẩm cẩm như hai chúng mình ?
           - Không, trái lại. Cậu ta tham gia chiến tranh, gọi là vệ quốc, lập rất nhiều thành tích, được tặng thưởng nhiều huân, huy chương, nay giải ngũ về quê sống, thấy quê hương nghèo đói và đám lãnh đạo tham nhũng, bê tha, không như đọc thấy trên báo chí “chính thống” và các buổi “báo cáo tình hình ở hậu phương” cậu được nghe lúc còn trong quân ngũ… Cậu ta tự hỏi “TẠI SAO ?” và cứ nghĩ mãi không tìm ra nguyên nhân. Do đấy, suốt ngày chỉ lầm lì, khiến bà mẹ sốt cả ruột :“Nghĩ gì mà nghĩ lắm thế ? 
           (Li có tiếng cười vang trong máy ghi âm)
        . Y hệt hai thằng khọm chúng mình. Nhưng thôi, ta về nhé. Hẹn ngày mai. Nếu mai mưa, không ra đây được thì ngày kia, Cụ nhé ?
            - Đồng ý…

                                                                        
                                                                      II

           - Chào Cụ !
          - Chào Cụ ! May quá ! Tôi đang lo hôm nay Cụ không ra Công viên tập thể dục.
            - Có chuyện gì mới phải không ?
            - Chỉ là tôi vẫn muốn hỏi thêm Cụ, hoặc nói đúng ra, đang muốn nhờ Cụ giảng tỷ mỷ hơn về cái mà hôm trước Cụ đã nói rất nhiều nhưng tôi vẫn muốn hiểu kỹ hơn, chi tiết hơn nữa…Đấy là về “đám đông”, về tâm lý “bầy đàn”. Cụ nói rất hay và tôi thấy đây là vấn đề lớn, tôi rất muốn hiểu kỹ thêm nữa. BẦY ĐÀN ! Hai chữ rất hay. Tôi thấy xung quanh diễn ra rất nhiều hiện tượng ấy, nhưng tự tìm hiểu sao bằng hỏi Cụ. Vì tôi thấy Cụ quan tâm đến vấn đề này và hình như đọc rất nhiều về nó, tìm hiểu ngọn ngành về nó…
            - Cụ không sợ tôi nói dai, nói dài ư ? Tôi biết tôi có cái tật ấy. Ngay ở nhà, bà lão vợ tôi cũng hay kêu : “Ông đã nói về vấn đề nào thì đắm đuổi nói, không dứt ra được…” Tôi sợ tôi đã nói thì nói dai, nói dài, Cụ nghe chán tai…
            - Tôi biết Cụ có cái tính ấy, nhưng tôi chịu được và tôi lại thích kia. Cứ nói ngắn gọn, kiểu như cái Cụ đang đi trên cầu kia : “Ôi, thì nó là như thế ấy mà !” Kiểu ấy thì thà nói chuyện với đầu gối còn hơn. Cụ tha hồ nói, thậm chí coi tôi như học trò để Cụ giảng… Cụ yên tâm và càng thoải mái nói bao nhiêu tôi càng thích nghe… Trước hết xin Cụ cho biết, “tâm lý bầy dàn” do đâu mà có ?
           - Cụ không ngại tôi nói dài nói dai thì xin phép được trình bầy. Bởi đây là vấn đề phức tạp. Con người khi từ con vật tiến lên, vẫn nhiễm thói sinh hoạt bầy đàn của các loài. Do đấy triết gia mà tôi đánh giá là vĩ đại nhất thời nay, NIETZSCHE, nhận xét mỗi con người chúng ta khi sinh ra đều tiếp nhận “di truyền” không chỉ phần thể xác mà cả cách suy nghĩ… được gọi là “bản năng”. Và một trong những bản năng ấy là “tâm lý bầy đàn”. Chính nhờ cái tâm lý ấy mà thuở nhỏ chúng ta bắt chước mọi người xung quanh. Nhưng khi trưởng thành, cái tâm lý ấy mất dần và thay thế vào đấy là ý thức tự lập, thoát ra khỏi cái bản năng suy nghĩ kiểu “đám đông” kia, và bắt đầu có những suy nghĩ độc lập, thậm chí ngược lại cách suy nghĩ “bầy đàn”…Chính nhờ thế mà xã hội tiến lên, khoa học phát triển. Tuy nhiên việc này đòi hỏi một sự dũng cảm nhất định, cho nên rất nhiều người không “thoát” ra được. Thậm chí họ còn không muốn thoát !
            - Sao lại thế ?
- Vì khi sống và nghĩ theo kiểu “bầy đàn” con người dễ cảm thấy “ấm cúng” và an toàn nữa... Họ tự nhủ  Mọi người nghĩ thế cả thì ta cũng nghĩ theo như thế… Cưỡng lại công khai có khi bị “đám đông” đánh chết.
           - Chí lý. Thuở nhỏ tôi có “ông trẻ” tức là em ruột bà nội tôi, ông ấy nói một câu mà tôi nhớ mãi : “Chúng khẩu đồng từ, ông sư cũng chết” Ông sư đây ý nói người tốt, người lành hiền…
           - Đúng thế. Chống lại ”bầy đàn” chỉ nguy hiểm…Ngày nay người ta gọi là bị “ném đá” ! Tốt nhất là thấy đám đông nghĩ thế nào thì im lặng, nếu không muốn bị “ném đá”…Đấy, tôi lại nói lan man rồi. Xin quay lại đề tài ta đang bàn. “Đám đông” hay “bầy đàn”. Nhiều người muốn thoát khỏi kiểu suy nghĩ bầy đàn, muốn tư duy độc lập, đành im lặng, không bộc lộ ra cách suy nghĩ độc lập của mình. Nhưng họ lại phải gánh chịu một cảm giác rất đáng ghét, thậm chí “đáng sợ”…
          - Cảm giác gì ?
          - Cô đơn ! Chưa kể nhiều khi còn bất an vì “lo sợ” cái bầy đàn kia “đánh hội đồng”…Mà nhìn chung, những ai đã chọn cách sống "độc lập", muốn được tự do suy nghĩ, thường coi rất thường mọi lời khen chê...
          - Tôi tưởng ai cũng muốn được khen và không muốn bị chê...
          - Đa số thì đúng là như thế, nhưng không phải tất cả...
          - Và cụ nói đúng, sống như thế thì dễ thấy mình "cô đơn". 
          -  Chính vì thế, ai đã chọn cách sống độc lập với "bầy đàn" đều phải chịu cảm giác cô đơn... Đấy là chưa kể còn luôn "sợ" bị...

         - “Ném đá” ? Hiểu.
          - Cho nên rất ít ai "dám có gan" chọn cách sống độc lập, không coi lời khen chê của "bầy đàn" ra cái gì...
         - Đúng thế. Ông triết gia ấy nhận xét rất đúng. Tên ông ấy là gì ấy nhỉ ?

         - NIETZSCHE, triết gia tuyệt vời, sống và viết vào nửa sau thế kỷ XIX.
         - Người Đức ?
         - Đúng thế. 
         - Dân Đức lắm triết gia nhỉ ?
         - Đúng thế. Quay lại cái ông Nietzsche kia. Tác phẩm của ông ấy viết bằng tiếng Đức nên dịch ra ngôn ngữ khác rất khó, thậm chí dễ dịch sai, vì người nào muốn dịch tất nhiên phải hiểu sâu và đánh giá đúng cái văn bản ấy… Tôi không biết tiếng Đức, đành chỉ đọc bản dịch tiếng Pháp, Anh hay Nga nên nhiều khi rất lấy làm nghi ngờ. Tôi lấy một thí dụ gần đây. Câu dịch sang tiếng Anh “man will rather will nothingness than not will". Tôi hiểu là “con người đều khao khát một thứ gì đó, thà lthứ vô nghĩa còn hơn không mong muốn cái gì hết. Ôi, cái tiếng Việt cũng quá thiếu những từ “trí thức” kiểu này. Cái chữ WILL rất khó dịch sang tiếng Việt…
         - Có thể dịch sang tiếng ta là “LÝ TƯỞNG”, hoặc “MONG ƯỚC”…
         - Cụ nói đúng, trong câu của Nietzsche có cái ý ấy. Nhưng không hẳn là LÝ TƯỞNG mà là gì nhỉ, kiểu như “mục tiêu” hoặc thứ mỗi người khao khát muốn đạt đến ! Ôi, hai chữ MỤC TIÊU cũng chưa thật đúng. Tôi đọc một số bản dịch sang tiếng Việt, thấy đều không truyền đạt đúng cái nghĩa của từ “WILL” trong bản dịch tiếng Anh. Chà, có thể dịch là LÝ TƯỞNG, hoặc MỤC TIÊU…Thôi, tôi nghĩ ra rồi : MONG ƯỚC, MONG MUỐN ! Ấy chết, nhưng tôi lại sa đà vào lĩnh vực ngôn ngữ mất rồi. Xin quay lại câu chuyện chính của hai thằng khọm chúng mình. Kiểu suy nghĩ “bầy đàn” chiếm tỷ lệ áp đảo trên thế giới. Riêng ở Châu Âu, nó bị lên án mạnh mẽ từ thế kỷ 13, trong trào lưu NHÂN VĂN, rồi PHỤC HƯNG, cuối cùng là KHAI SÁNG... rồi sau đây còn trào lưu gì nữa, chưa biết. Trong dòng tư tưởng ấy người ta bắt đầu nói đến giá trị cá nhân… chống lại cách suy nghĩ cổ hủ và tàn bạo của bọn quý tộc - lãnh chúa và Nhà thờ Thiên chúa Giáo, coi mỗi con người bình thường chỉ là “con chiên” và phải "bị chăn dắt”. Cuộc đấu tranh chống lạm quyền của quý tộc tăng lữ lên đến đỉnh cao trong Cách mạng Pháp 1789. Rất gay go và hai bên tranh dành, chém giết lẫn nhau, chết hàng chục vạn dân chúng.
         - Bởi người ta quá quen với cách nghĩ bầy đàn !
         - Đúng thế. Cách nghĩ ấy "ấm cúng" và an toàn nữa ! Xin phép Cụ cho tiếp tục đề tài chúng ta đang bàn nhé.
         - Tất nhiên rôi.
         - Đau xót nhất trong cuộc Cách mạng vĩ đại ấy là thời kỳ, gọi là “khủng bố” (tiếng Pháp là LA TERREUR) một Tòa án của đám “bầy đàn” mang não trạng “đám đông” vùng lên, giết bao nhiêu nhân vật ưu tú. vô lý nhất là đưa cả Robespiere lên máy chém và chặt đầu ông ta. Đến lúc ấy, những người còn tỉnh táo mới hoảng hồn, nhận ra nguy cơ, và phúc bẩy mươi đời là cái thời kỳ KHỦNG BỐ ấy chỉ kéo dài chưa đầy một năm, và chấm dứt sau cái chết hết sức đau lòng của con người tiêu biểu cho lý tưởng nhân văn của Cách mạng Pháp kia…

           - Chà, não trạng “bầy đàn” hoặc “đám đông” nguy hiểm thật ! Hôm trước Cụ nói đến Mob mentality phải không, Cụ? Nguy hiểm và tai hại biết chừng nào.
          - Ở ta, do một số người kích động cái não trạng ấy lên, nên đã gây ra bao nhiêu bi kịch, một thí dụ là Cải cách ruộng đất
         - Sao mấy người ấy ngu thế nhỉ ?
         - Họ không ngu đâu, mà họ muốn làm “lãnh tụ”, muốn được “đám đông” tung hê lên thành “anh hùng” thành "vĩ nhân"...
         - Và sau khi chết được tạc tượng... và dân ngu thờ cúng,,,

         - Cũng không hẳn. Thí dụ tôi không tin ông Hồ muốn người ta tạc tượng ông ta. Nhưng đám đời sau cần "bốc" ông ta lên nên mới bầy ra cái trò tượng tiếc kia. Tôi nhớ một nhà văn nào đã nói : "Các vĩ nhân sau khi chết đều biến thành ngoáo ộp (tiếng Anh là scare-crow) đám "hậu sinh" đem cái bù nhìn "ngoáo ộp" ấy ra để vừa ra oai vừa "dọa" mọi người... Ông Hồ muốn được lvĩ nhân.
        với chẳng NHÂN ! Khốn khổ !… Tôi hiểu ! Vậy là não trạng “bầy đàn” bị những kẻ khốn nạn ấy kích động. Hiểu ! Bây giờ nghe cụ giải thích thì tôi hiểu… Thì ra cái chữ DANH đáng sợ nhỉ?
        - Nhưng tuổi trẻ mà. “Đã làm trai ở trong trời đất, Phải có danh gì với núi sông !” Cụ Nguyễn Công Trứ nói câu ấy, tôi đoán khi cụ ấy còn trẻ, còn lắm ảo tưởng… DANH là cái quái gì kia chứ ? Vớ vẩn ! Nhân đây, tôi tâm sự với Cụ điều này. Cách đây ít ngày tôi “bình luận” trên facebook về một bài của một người được “đám đông” tung hê lên là “uyên bác”. Anh ta đưa ra lập luận, cho phẩm chất cao quý nhất của văn chương là “công bằng”. Nghe sướng tai chưa ? Thế là một số do hiểu biết non nớt, tung hô anh ta là “uyên bác”… Hôm ấy quả tôi có nóng mắt nên “phê” anh ta là “loảng xoảng nhưng tù mù”, và “thùng rỗng kêu to”. Lập tức anh ta mắng tôi là “ngu”, “càng già càng ngu”…Đúng là mình nóng mắt nên dại… Anh ta mắng là đúng vì tôi phê anh ta thế là “dại”. Mà dại hoặc ngu thì cũng gần tương tự, Cụ công nhận không ? Nhưng có một bạn trẻ khác hỏi tôi một câu làm tôi hết sức suy nghĩ, đại khái là  “Chúng cháu biết đấy chỉ là “thuốc ê”, nhưng làm thế nào biết được đâu là thuốc thật. Bác vui lòng cho biết.” Câu hỏi ấy làm tôi đau lòng thật sự. Vì chúng ta theo đường lối “ngu dân” lâu quá, nên các cháu trẻ lúng túng… Tôi phê anh bạn “ba hoa” kia một phần chính là do quá lo cho những người non nớt không phân biệt được đâu là “vàng”, đâu chỉ là “óng ánh”. Xin phép cụ nói thêm một thí dụ. Vào khoảng thập niên 1980, Ban lãnh đạo Trại viết văn của Hội Nhà văn mời tôi lên Quảng Bá giảng một buổi… Bài giảng hôm ấy được một số người rất thích. Bản thân ông “Trưởng Lớp”, nhà thơ Xuân Sanh. cũng đánh giá bài tôi nói hôm ấy hay nhất trong các bài giảng của mấy khóa Trường Viết văn kể tkhi ông ấy được phân làm "Lớp trưởng". Và nhà văn Ma Văn Kháng, có lần, trong một bữa “tiệc đứng” của Hội Nhà Văn, nhìn thấy tôi, đã cầm theo cốc bia, đến chạm cốc, rồi quay sang nói với những người xung quanh : “Tôi biết viết văn chính là nhờ anh P.” Rồi quay sang tôi anh nói : “Bài giảng của anh hôm ấy em vẫn còn giữ. Nếu anh cần em sẽ đưa lại anh…” Nhưng tôi nghiệm thấy số người “thích” bài tôi giảng hôm ấy chỉ đếm trên đầu ngón tay, đại đa số coi đấy là bài giảng bình thường…tôi cũng coi đấy là chuyện bình thường, chứ không tự ái, cũng không “mắng” họ là “ngu”. Hôm nói câu ấy, Ma Văn Kháng đang là Phó chủ tịch HNV. Cho nên tôi nghĩ, cái “lý luận” của anh bạn trẻ trên facebook kia cũng dễ hiểu thôi. Anh ta đang cần “danh” ! Mà thích “danh” là bệnh của tất cả mọi người trong “bầy đàn”. Tôi nóng mắt vì nghĩ cái “lý lẽ” của anh bạn trẻ trên facebook kia “nguy hiểm” quá. Mà tội của anh ta thì ít, cái tội chính là chính sách “ngu dân” của lãnh đạo nước ta thì nhiều.
          - Ngu dân ? Tôi nghĩ ông Hồ, ông Trường Chinh… đâu có muốn dân mình “ngu” mà muốn “dân mình giác ngộ”..
         - Ngu dân ở chỗ “cho rằng chỉ mình nghĩ đúng, rồi ép buộc mọi người phải nghĩ theo mình” ai nghĩ khác thì bị phê là “diễn biến” là "suy thoái", và nếu không thay đổi thì bị tóm cổ… Bởi khi nắm quyền, mọi chế độ toàn trị, điển hình là chế độ Hitler, nghe đâu học được của Stalin. Chế độ toàn trị ấy có hai bộ máy cực kỳ hữu hiệu là “lực lượng vũ trang” và “Ban Tuyên truyền” hay gọi là “Tuyên Huấn”, “Tuyên giáo” gì đấy… “Lực lượng vũ trang thì có đủ máy bay, xe tăng, súng đạn, lính tráng, công an và nhà tù”. Ban Tuyên giáo thì có hàng trăm tờ báo, hàng chục đài, xưởng phim... và hàng triệu cái “loa phường”. Bắt người ta nghĩ theo mình, ai không nghĩ theo thì… a-lê hấp !
         - Chà… Nghe cụ nói tôi hiểu ra bao nhiêu điều…Ngu dân ! Đúng thế !  Ngu dân trong giáo dục… rồi ngu dân trong sách vở báo chí… Bao nhiêu tài liệu, thậm chí cả ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ cũng đều bị “chữa” lại, còn hồi ký thì của tất tần tật : từ Nguyễn Hiến Lê… Đào Duy Anh, đến ông gì tác giả “MẦU TÍM HOA SIM” ấy…Không coi tác giả ra cái gì, hễ chỗ nào nói “bất lợi” cho mình thì gạch hoặc “chữa”…Đám trẻ ngày nay ngán học sử, vì “sử” bị nhào nặn và xuyên tạc đâu còn nguyên vẹn ? Đâu còn là  “Sử” nữa !
        - Chà, cái DANH ! Não trạng “bầy đàn rất cần cái DANH” ! Tôi nhớ đọc ở đâu ấy, một câu nói rằng “Sự bị đánh giá thấp (tiếng Pháp là "la déconsidération") lại rất có ích, nó làm anh được yên thân và tự do làm theo ý riêng.” (chú thích ở bên dưới) Ông ta sử dụng luôn cái vỏ "bị đánh giá thấp" ấy, núp bên trong, thế là giữ được trạng thái độc lập… không bị “dư luận khen chê” lúc bốc lên tận mây xanh, lúc hạ xuống vực thẳm…làm rối trí…
       - Hay ! Nhưng hiểu ra được điều ấy không dễ, nhất là phải có dũng cảm bất chấp sự đánh giá của “đám đông”. Ôi, nhưng tôi với cụ nghĩ được như thế vì cùng già rồi. Đòi lớp trẻ nghĩ như thế là không được.
       - Tôi lại thấy ngay trong lớp trẻ cũng khá nhiều người nghĩ được như thế và họ sống độc lập, không quan tâm chút nào đến “khen chê”, đến "cách đánh giá" của mọi người. Hoặc còn gọi lđến "ánh mắt của người xung quanh"
      - Tức là của “đám đông” ?
      - Đúng thế. Kế cả khi làm bài tốt nhưng thầy đánh giá "kém" cũng coi thường, không cãi làm gì. Kể Cụ nghe chuyện này. Bài đầu tiên tôi viết và đăng trong TẠP CHÍ SÂN KHẤU số I là : "Hãy cảnh giác với những lời khen chê". Tôi viết bài ấy vì thấy nạn coi quá trọng tiếng khen và lời chê trong giới nghệ sĩ, nhất là diễn viên, đã cản h, không tiến lên được về nghệ thuật...
          - Ôi, chuyện này tôi muốn nghe Cụ nói thêm nhiều nữa. Nhưng muộn rồi, tôi phải về kẻo bà lão nhà tôi chờ mãi không thấy lại đang rủa thầm : “Cái lão này mải ba hoa gì mà giờ này không chịu về…" Ta tạm chia tay, Cụ nhé ? Chào Cụ ! Mai ta lại “ba hoa”, “lẩm cẩm” chứ ?
         - Chào Cụ !
______
Nguyê
n văn : “ J’ai toujours vécu entouré d’une aura de déconsidération, que j’ entretenais imperceptiblement, assez pour me permettre, assez pour me préserver. Cette aura était injustifiée, mais plus on se fait une idée fausse de vous, plus vous êtes libres. La déconsidération est un bouclier." (dẫn theo Henry de MONTHERLAND trong tác phẩm cuối cùng : "TOUT FEU ETEINT". cuốn sách nhà văn Hàn lâm này (ông đã được bầu vào Viện Hàn Lâm Pháp) viết lúc về già.

                                                                             
CHỮ 'TÌNH"

            - Chào Cụ !
            - Chào Cụ ! Cụ đi bộ được nhiều chưa ?
            - Hai vòng rồi. Coi như tạm đủ. Đang mong gặp Cụ hỏi một câu…
            - Cụ nói đi…
            - Vẫn về cái chuyện “đám đông”…ấy mà. Có một người từng có nhiều nhận định rất hay và tôi rất tán thành, về bản chất dân ta. Ông ta bảo, dân ta là một dân tộc “DUY TÌNH” ! Tôi thấy có phần đúng, Và hình như nó nằm trong số đặc điểm của đám đông, phải không, Cụ ? Cụ hiểu thế nào về hai chữ ”DUY TÌNH” ấy ?
            - Chà, vấn đề lý thú đấy. Bản thân tôi nhiều lúc cũng muốn đưa ra để hai thằng khọm chúng mình cùng lý giải xem nó là cái gì. Tôi có anh bạn trẻ và câu cửa miệng anh ta là “MỌI THỨ ĐỀU QUA ĐI, ĐỌNG LẠI CHỈ CÒN MỘT CHỮ TÌNH”. Và không chỉ anh ta. Câu ấy tôi nghe quen tai đến nỗi cho đấy là bình thường, nhưng nhiều hôm, bỗng tôi thấy thì ra tôi không hiểu nó chính xác là cái gì ? Chữ “TÌNH” ấy ! Nó là cái gì và tôi cũng rất muốn nghe ai giảng cho tôi hiểu, nó là cái gì ? Hôm nay nhân Cụ đưa ra, hai thằng khọm chúng mình thử tìm hiểu xem nó là cái gì. Có lẽ phải tìm từ gốc của nó. Mà chữ ấy gốc ở chữ Hán nhỉ ? TÌNH là gì ? Hiểu đơn giản là lòng yêu mến, phải không, Cụ ?
            - Tôi nghĩ thế. “Mọi thứ qua đi, còn đọng lại chỉ một “chữ tình”…Tức là tình cảm. Giữa nam nữ là tình yêu. Giữa cha mẹ và con cái là… cũng là tình yêu phải không nhỉ ? Gọi là "tình mẫu tử" hay "phụ tử"...Rồi giữa bạn bè, gọi là tình bạn… Rồi còn tình người… Nhưng cụ thể, "tình" là cái gì ?
            - Có thể nó là sự gắn bó giữa con người với nhau…Bởi một trong những bản năng của con người là “bản năng bầy đàn”, và thứ gắn bó con người với nhau trong cái bầy đàn ấy người ta gọi là “TÌNH”. Giữa nam và nữ là ‘TÌNH YÊU”. Trong gia đình, người ta gọi là tình ruột thịt… Trong làng xã gọi là “tình làng nghĩa xóm”…Và trong xã hội rộng lớn là tình người
            - Tôi công nhận là trong bản chất con người có tình thương yêu đồng loại. Ôi, lại tình người ! Tôi có cảm giác tiếng Việt nhiều lúc rất mơ hồ. Có khi tìm xem trong ngôn ngữ khác có cái khái niệm “tình” này không ? Tiếng Nga chẳng hạn… Cụ dịch TÌNH sang tiếng Nga là gì ?
            - Chịu ! Còn tiếng Pháp, phải chăng là SENTIMENT ?
            - Vẫn khó hiểu ! Chà, còn anh bạn kia, chuyên nhắc lại câu về chữ Tình, tôi có cảm giác anh ta dùng câu ấy để…
            - Để gì, Cụ ?
            - Để cầu lợi !
          (Tiếng cười phá lên trong máy ghi âm).
           - Chính xác. Nhiều người cứ mở miệng là "tình làng nghĩa xóm", nhưng anh ta chỉ viện ra mấy chữ ấy để vơ lợi vào cho bản thân anh ta và có hại cho "làng" cho "xóm". Cả "tình yêu Tổ quốc", còn gọi là "lòng yêu nước", tôi thấy nhiều khi cũng được trưng ra để vơ lợi vào cho bản thân cái người nói ra mấy chữ ấy. Những lúc cần yêu nước thật sự thì lên giọng phê phán rất hăng những ai không yêu nước, nhưng khi cần "lợi cá nhân" thì lại chẳng coi "nước" ra cái thá gì ! Làm lắm chuyện bôi xấu "nước". Cho nên bây giờ, nói thật với Cụ, tôi sợ cái chữ "tình" ấy lắm... Và sợ cả những ai cứ luôn miệng "tình xóm giềng", "tình làng nghĩa xóm" và đủ thứ "tình" khác nữa, kể cả "tình..." à "lòng yêu nước"...
(Nghe đến đây, tôi chợt nhớ có việc cần làm, đành vội thu lại máy ghi âm rồi chạy nhanh đi. Tiếc qúa, vì cuộc trò chuyện giữa hai Cụ "gần đất xa trời" có vẻ hứa hẹn nhiều ý kiến lý thú nữa. Nhưng biết làm sao được? Tôi không thể nán lại thêm... Tiếc đứt ruột !)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét