Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2015

HK : NHÀ IN QUỐC GIA



BƯỚC NGOẶT LỚN NHẤT
          Trong 82 năm cuộc đời, tôi đã trải qua bao nhiêu bước ngoặt ! Đấy cũng là số phận của rất nhiều người cùng lứa tuổi…
                                                                      *
           Tôi sinh năm 1933, đúng vào năm Hitler lên cầm quyền ! 
          Sáu năm sau nổ ra Đại chiến Thế giới II, rồi năm sau nữa 1940 quân đội Nhật Hoàng tiến vào Đông Dương. 
          Đến năm tôi 12 tuổi thì xảy ra Đảo chính Nhật 9/3, rồi Cách mạng Tháng Tám 19/8/45, và năm sau thì bùng nổ cuộc chiến tranh với Pháp 19/12, và bắt đầu cuộc Kháng chiến kéo dài gần tám năm cho đến 1954, kết thúc nhờ Chiến thắng Điện Biên Phủ, rồi Hiệp nghị Genève được ký kết …Chính phủ ta tiếp quản miền Bắc. Ngần ấy sự kiện đều là những bước ngoặt đầu đời của tôi.           Và sau thời điểm này cuộc đời tôi trải qua một bước ngoặt quan trọng, cũng là BƯỚC NGOẶT lớn nhất và quan trọng nhất.
                                                                    *
          Chẳng là năm 1949, vừa tròn 16 tuổi, tôi nhập ngũ, đến đầu năm 1955, 22 tuổi, tôi được “chuyển ngành”, ra khỏi quân đội, bắt đầu bước vào lĩnh vực “dân sự” mà lại là Văn hóa Nghệ thuật. Đây chính là bước ngoặt lớn nhất…và cần nói luôn, tôi đã gặp may mắn được hưởng bước ngoặt này. 
                                                                     *
          Điều may mắn ấy tôi không ngờ lại có thể xảy ra. 
         Trong quân đội, tôi là lính trinh sát (thuộc Ban QUÂN BÁO, còn gọi là Ban 2). Hầu như đại đa số bạn bè đồng đội khi chuyển ngành, đều sang ngành an ninh. Một số ít hơn sang các ngành kinh tế tài chính. Sang lĩnh vực văn học nghệ thuật hình như toàn đơn vị chỉ có mỗi mình tôi. Chính tôi cũng không hiểu tại sao tôi lại được may mắn thế. Tôi đoán đây có thể do mấy anh trong các cấp chỉ huy của tôi can thiệp và đề xuất. Rất có thể là anh Lê Vinh Quốc, mà cũng có thể là anh Vương Thừa Vũ, vì tôi có thời gian làm thư ký cho anh. Mà cũng có thể là anh Kim Hùng, Trưởng Ban Quân báo Đại đoàn 308, thủ trưởng trực tiếp của tôi, người đã đặt “biệt danh” cho tôi là “Tý Phòng” vì tôi ít tuổi nhất đơn vị và vóc người nhỏ bé… Rất có thể là anh ấy, vì anh biết lý lịch tôi, con một nhà giáo từng có viết văn đôi chút, và tôi rất giỏi tiếng Pháp…luôn được anh giao việc hỏi cung tù binh biết tiếng Pháp và rất hay đưa tôi đọc những cuốn sách của Nhà Xuất bản Ngoại văn Liên Xô in bằng tiếng Php…
                                                                        *
          Những ngày đầu tiên nhận công việc trong ngành văn hóa này, tôi bàng hoàng và sung sướng vô bờ. Đang sống gò bó trong quân ngũ, sang đây tôi như được tắm trong một không khí thoải mái không ngờ. Rồi càng sống càng làm việc, tôi càng thấy sao mình may mắn đến thế !  Nếu như trong quân đội, người ta hết sức coi trọng chức tước, cấp bậc thì ở đây, hầu như không ai quan tâm đến cấp bậc, chức tước của ai. Tôi được mọi người, kể cả những người đã có tuổi và có danh tiếng, đối xử hoàn toàn bình đẳng, và tôi được tự do sáng tạo, gần như thích gì làm nấy. Sau đấy người ta “đánh giá” tôi qua những sáng tạo ấy. Tuy về sau, các quan chức lãnh đạo chính trị có “vẽ ra” những “danh hiệu” nào đấy để “phân biệt”, nhưng may thay, từ lâu tôi đã hoàn toàn không quan tâm gì đến chúng.

                                                                        *
          Còn nhớ năm ấy các “Hội” đề xuất danh sách những nghệ sĩ đáng được hưởng danh hiệu. Nhiều người đề xuất tôi là Nghệ sĩ Nhân dân, nhưng cơ sở Đảng không vui (tôi là người ngoài Đảng) và ông Tổng thư ký (lúc ấy là Dương Ngọc Đức) đưa ra ý kiến trong cuộc họp, đại khái như sau : “Đồng chí Vũ Đinh Phòng, nếu phong Nghệ sĩ Nhân dân thì có điều lấn cấn. Đồng chí ấy hoạt động không chỉ trong lĩnh vực biểu diễn sân khấu mà trong cả nhiều lĩnh vực khác, như lý luận phê bình, biên kịch, thậm chí cả dịch thuật. Cho nên chúng ta tạm để lại trường hợp đồng chí Phòng. Tôi sẽ đề nghị nhà nước đưa ra thêm danh hiệu “Nhà hoạt động Sân khấu” theo cách của Liên Xô (đúng là  Liên Xô có chức  danh này), thì đồng chí Phòng xứng đáng là “Nhà hoạt dộng Sân khấu Nhân dân !”. Tôi thừa biết nhận định ấy nhằm loại tôi ra khỏi danh hiệu này nọ, nhưng tôi đâu cần. Tôi chỉ thầm nghĩ “Danh hão ấy mà. Khối đứa có danh to đùng nhưng bị khinh như mẻ và bản thân chúng cũng tự khinh chúng. Tao cứ dàn dựng, sáng tác… và giá trị sáng tạo của tao sẽ có nhiều người đánh giá…ít nhất thì các diễn viên, thế là đủ. Chúng bay biết thế, cố dìm nhưng sao nổi !”
          Còn nhớ công bố chính thức danh sách các nghệ sĩ được phong danh hiệu hôm trước thì sáng hôm sau, ông Cù Huy Cận gặp tôi trên sân số nhà 51 Trần Hưng Đạo, nói đùa : “Ông thì cần gì được phong ! Ông tự phong ông rồi còn gì ! Thì ông là Phong Huyền đấy thôi !”. Đối với tôi chuyện “phong” là chuyện tào lao., cái chính là tôi được sống theo ý mình…được làm những việc mình thích.
                                                                      *
          Tôi ở ngành văn hóa cho đến lúc nghỉ hưu năm 1980 (khi tôi chưa đủ 60 tuổi, nhưng vẫn đủ tiêu chuẩn xét cho “nghỉ” vì tôi được tính cả thời gian tại ngũ.)

I
NHÀ IN QUỐC GIA
          Nơi tôi nhận việc đầu tiên sau khi chuyển ngành là Phòng Xuất bản, thuộc NHÀ IN QUỐC GIA (NIQG), nằm trong Bộ Tuyên truyền (nghe nói tiền thân là NHA TUYÊN TRUYỀN VĂN NGHỆ nay được “nâng cấp” lên thành Bộ và Bộ trưởng lúc ấy là ông Tố Hữu, trước đấy, trong kháng chiến, là Giám đốc Nha Tuyên truyền - Văn nghệ.) Về sau Bộ Tuyên truyền được đổi tên thành Bộ Văn hóa (và Bộ trưởng slà ông Hoàng Minh Giám).
          Tên “Phòng Xuất bản” chỉ là gọi tắt. Tên đầy đủ là “Phòng Quản lý Xuất bản” vì nhiệm vụ chính là khâu “quản lý” chứ không phải biên tập. Nơi đây chưa phải công việc sáng tạo với ý nghĩa đầy đủ của từ này, nhưng nó cũng chính là nơi tôi tiếp cận dần và “tập sự” cho hoạt động sáng tạo của tôi sau này.         
          Trước tiên tôi được phát mấy mét gabardin để may một bộ “đại cán” (kiểu trang phục của cán bộ Tầu, lúc ấy được gọi là kiểu Tôn Trung Sơn) thay cho bộ quân phục xanh mầu cỏ úa tôi vẫn mặc nhưng lúc ấy đã bạc màu. Có nghĩa từ nay tôi không còn là “lính” nữa mà thành “cán bộ”, hoặc đúng hơn là được trở về làm “dân” ! Điều sung sướng nhất là về đây tôi được tiếp xúc với bao nhiêu nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ, họa sĩ… gọi chung là “văn nghệ sĩ” nổi tiếng mà trước đấy tôi chỉ được nghe danh và biết họ qua tác phẩm, như Lưu Trọng Lư, Lưu Hữu Phước, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính…nhất là tôi được quen biết và làm việc gần gụi với Hoài Thanh, nhà phê bình văn học mà tôi hết sức khâm phục và yêu mến khi đọc “THI NHÂN VIỆT NAM” của ông. Bên cạnh đấy tôi cũng được làm quen với một loạt văn nghệ sĩ trẻ mới xuất hiện và bắt đầu cuộc đời sáng tạo vào thời gian sau ngày tiếp quản Miền Bắc, nhà văn như Phùng Quán, Đào Vũ…các họa sĩ và nhạc sĩ tôi không thể kể tên hết…
          Tôi có cảm giác như mình từ nơi tối om bước ra ánh sáng, từ nơi “gò bó” ra  nơi thoải mái, tự do. Từ nơi người ta phân biệt nhau theo chức tước ra nơi mọi người tôn trọng nhau, coi nhau hoàn toàn bình đẳng…
          NHÀ IN QUỐC GIA là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý việc xuất bản (bao gồm cả ấn loát, phát hành sách báo…) trên toàn quốc, nhưng mỗi anh em chúng tôi lại được giao một “khu vực”, chúng tôi gọi là “khối” và khu vực tôi được giao, may mắn làm sao, lại là “khối văn nghệ”. Khi nhận bản thảo từ Nhà Xuất bản Văn Nghệ (sau này là Nhà xuất bản VĂN HỌC), tôi có nhiệm vụ rà soát lại bản thảo thật kỹ lưỡng, sửa các lỗi đánh máy, và nếu thấy cần thay đổi sửa chữa đôi chỗ đụng đến nội dung, thì phải được sự thỏa thuận của Ban Biên tập các Nhà xuất bản, thường Nhà xuất bản giới thiệu tác giả để tôi trực tiếp làm việc.
          Tôi được phát một chiếc xe đạp để đi lại và một chiếc giường cá nhân trong một góc của gian Phòng họp rộng thênh thang trên tầng hai. 
                                                                        *
          Cơ quan NHÀ IN QUỐC GIA đóng trú sở trên Phố Tràng Tiền, ngay giữa phố, số nhà 44. Tràng Tiền là phố trung tâm và tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội. Cơ quan đóng trong một tòa nhà đồ sộ (từ trước tôi đã biết đấy là Nhà In TAUPIN, chuyên in sách có giá trị mỹ thuật cao, hiện nay tòa nhà ấy là trú sở của Tổng Công ty Phát hành Sách), ngay cạnh Rạp chiếu phim “CÔNG NHÂN” (trước kia tên là Rạp EDEN). Phố Tràng Tiền là phố đẹp nhất của Thành phố Hà Nội, một đầu là NHÀ HÁT LỚN, đầu kia liền với HỒ HOÀN KIẾM, cách Tòa Thị Chính (trụ sở Ủy ban Hành chính Thành phố Hà Nội), cách Bắc Bộ Phủ, và cách Khách sạn METROPOLE chỉ vài trăm mét. Có lẽ khó có địa điểm nào “trung tâm” và thuận tiện hơn cho việc giao tiếp với các cơ quan. Nơi này gần như là “trung tâm” của cuộc sống náo nhiệt về văn hóa của Hà Nội.
                                                                         *
          Sáng sớm, nghe tiếng kẻng. toàn cơ quan (lúc ấy đại đa số nhân viên còn trẻ, chưa lập gia đình) vùng dạy, chạy ra phố (giờ này hầu như chưa có người đi lại), xếp thành hàng ngũ rồi chạy ra bờ đê cạnh Bảo tàng Lịch Sử, tập các động tác thể dục. Trong cơ quan, vì tôi là “lính cũ” duy nhất và cũng do tính ưa hoạt động và được anh em tín nhiệm nên tôi thường chủ động chạy đầu, dắt dẫn anh chị em… Tập thể dục xong, mọi người giải tán để đi ăn sáng…ăn gì tùy ý mỗi người. Rồi bắt đầu vào cơ quan làm việc. Công việc của chúng tôi, nhân viên Phòng Xuất bản, khá tự do. Trưởng Phòng là một người đứng tuổi và rất trí thức (nghe nói trước Chiến tranh ông là chủ một Nhà xuất bản tư nhân mới xuất hiện nhưng đã có uy tín), có trình độ hiểu biết rất rộng, có thể nói là “uyên bác”, đặc biệt rất am hiểu các vấn đề văn học nghệ thuật, nhất là am hiểu và yêu mến mỹ thuật. Và hiểu biết cả về chính trị nữa, tất nhiên. Tên ông là NGUYỄN HỮU ĐỈNH. Mới qua tiếp xúc, ông đã gần như đánh giá được khả năng từng nhân viên, và chẳng hiểu tại sao ông lại giao cho tôi mảng văn nghệ. Về đây tôi phát huy được khá nhiều hiểu biết của tôi trong lĩnh vực sách báo. Vì tôi xuất thân trong một gia đình trí thức “mới” (Tây học) và thuở nhỏ từng đọc rát nhiều, lại có trí nhớ tốt nên cán bộ các phòng bạn như Phòng phát hành, Phòng tài vụ… mỗi khi cần biết về một cuốn sách nào xuất bản trước 1945 đều hỏi tôi. Tôi thường trả lời chính xác cuốn ấy của Nhà xuất bản nào, tác giả là ai, in năm nào, thậm chí bìa mầu gì và giá bán là bao nhiêu…Ít khi tôi không trả lời dược. Vì thế tôi nhanh chóng được anh chị em trong cơ quan nể trọng, gọi tôi là cuốn TỪ ĐIỂN SÁCH BÁO.
                                                                                *
          Bắt đầu giờ làm việc buổi sáng, tôi quàng chiếc túi vải đựng bản thảo vào ghi-dông, đạp xe đến nhà xuất bản hoặc nhà riêng tác giả để trao đổi về bản thảo, đề xuất những chỗ cần sửa chữa. Công việc này tạo điều kiện cho tôi tiếp xúc với các nhà văn. Vài kỷ niệm nhỏ là những buổi tiếp xúc và làm việc với các ông Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Trần Dần, Phùng Quán…Những cuộc tiếp xúc ấy, dúng ra để làm việc, nhưng trên thực tế thường biến thành những cuộc trò chuyện xung quanh bản thảo, quá trình sáng tác và cả những chuyện khác liên quan đến cuộc sống của họ, thậm chí cả những tâm sự mang tính riêng tư…
          Để lại ấn tượng sâu sắc nhất là những buổi tối đầu tuần ở Nhà In LÊ VĂN TÂN (Phố Hàng Bông), nơi lúc ấy in tuần báo VĂN NGHỆ. Bấy giờ chưa tiến hành “cải tạo công thương nghiệp” nên không khí rất vui. Sau này, khi “cải tạo”, Nhà in Lê Văn Tân bị “công tư hợp doanh”, rồi đổi tên thành Nhà in Thống Nhất.
           Đấy là những buổi tối in số báo mới. Gần như tất cả Tòa soạn báo Văn Nghệ tập trung ngoài phòng khách, trong lúc trong nhà, máy in rầm rầm chạy…Mọi người trò chuyện vui vẻ và nóng lòng chờ số báo đầu tiên “ra lò”. Rồi đến lúc ông chủ Nhà in bước ra báo tin : “Mời các vị xem bản in đầu tiên…” Mọi người ngừng trò chuyện, quay nhìn ông, rồi một người đỡ lấy tờ báo còn hơi ấm và thơm mùi mực. Thường có mặt ở Nhà in trong những buổi tối ấy đông đủ thành viên của Tòa soạn. Tôi nhớ lúc ấy Thư ký Tòa soạn là nhà thơ Xuân Diệu. Lúc đỡ lấy bản in mới ra lò, ông như thể thành kính đưa lên mũi ngửi : “Thơm nức mùi mực, các vị ạ !” Thú thật là lúc ấy tôi hay có cảm giac ông đang “đóng kịch”. Thành viên Tòa soạn báo VĂN NGHỆ còn có các ông Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Bính, hai người có vẻ lớn tuổi nhất. Riêng ông Đang thì thời xưa đã là bạn của cha tôi và tôi thường gọi là “chú Đang”. Có Lê Đạt, láu táu và lúc nào cũng cười, tôi quen anh từ trước Chiến tranh, vì cùng học Trường Bưởi, anh học trên tôi bốn năm và anh nhận ra tôi ngay trong buổi lần đầu tiên tôi đến làm việc với Tuần Báo VĂN NGHỆ. Ngoài ra, Tòa soạn còn  những ai nữa, đến nay đã quá lâu, tôi không nhớ.
          Mấy sự kiện xảy ra với tôi trong hai năm làm việc ở Phòng Quản lý Xuất bản để lại ấn tượng sâu đậm nhất là buổi làm việc với ông Tô Hoài để chuẩn bị bản thảo rồi đưa in tập truyện ngắn “TRUYỆN TÂY BẮC”, Lúc ấy ông là Giám đốc Nhà Xuất bản Văn học nên tôi hay gặp trao đổi. Lần nào làm việc với ông cũng hết sức thú vị. Dần dần hai anh em quý mến nhau và mỗi khi đi thực tế hay công tác địa phương ông thưởng rủ tôi cùng đi, dọc đường hai anh em trò huyện rất hợp ý nhau Rồi cuộc tiếp xúc lần dầu với Phùng Quán, sau này thành tình bạn thân thiết cho đến khi anh qua đời. Cuộc làm việc với ông Trường Chinh vào dịp tái bản cuốn KHÁNG CHIẾN NHẤT ĐỊNH THẮNG LỢI. Ông tỏ ra là người tỷ mỷ và rất coi trọng sách báo cũng như chính tả. Thí dông quy định cách in tên người. Mỗi từ trong ấy đều phải in chữ hoa. Thí dụ Ngyễn Đình Thi, chứ không phải Nguyến đình Thi, hoặc Nguyễn-đình Thi...
           Đặc biệt là việc chuẩn bị bản thảo cho cuốn “NHỮNG MẨU CHUYỆN VỀ CUỘC ĐỜI HOẠT ĐỘNG CỦA HỒ CHỦ TỊCH”, cuốn sách đã tạo cảm hứng cho tôi hai mươi năm sau viết kịch bản KỂ CHUYỆN BÁC HỒ (dã đổi tên thành “Người công dân số Một”)… 

                                                         II

 
             Tôi công tác được chừng hai năm thì có chủ trương sắp xếp lại bộ máy. NHÀ IN QUỐC GIA bị giải thể để lập ra CỤC XUẤT BẢN. Cục này tiếp nhận toàn bộ các khâu quản lý xuất bản, ấn loát và phát hành sách báo. Riêng lĩnh vực "phát hành" báo thì được tách ra, chuyển sang và nhập vào hệ thống Bưu điện. 
           Trước khi "giải thể", Nhà In Quốc Gia cho phép những cán bộ nhân viên đã có bằng tốt nghiệp bậc phổ thông được đi học một trong mấy trường Đại học : Bách Khoa, Sư phạm, Tổng Hợp, Y-Dược... Tôi còn đang phân vân chưa biết nên chọn đâu, thì được tin sắp thành lập Trường Ngoại Ngữ, dạy hai thứ tiếng lúc ấy đang rất cần : Trung và Nga. Tôi bèn xin được theo học trường này, khoa Tiếng Nga. Tôi vốn thích ngoại ngữ từ nhỏ. Cha tôi là giáo viên (ông tốt nghiệp Trường Sư phạm của Pháp - Ecole Normale) nên tôi được tiếp xúc vối tiếng Pháp từ năm chưa cắp sách vào học Trường Tiểu học Đáp Cầu, và đã rất thích đọc văn học Pháp mà tôi yêu mến và say mê, như Contes de Lundi, Lettres de Mon Moulin của A. Daudet... Rồi ngay từ năm 10 tuổi tôi đã mầy mò tự học tiếng Anh, Đức, Nhật (lúc ấy Nhật đã "vào" Đông Dương và quân đội Nhật đóng rất nhiều tại quê tôi). Sau khi ta tiếp quản Hà Nội, giao lưu với Liên Xô được tăng cường, nên tôi mơ ước được biết thêm tiếng Nga, và đã bắt đầu tự học nó, hy vọng được "đi đây đi đó" trong các nước XHCN Đông Âu. Tôi được cơ quan cử đi học Trường Ngoại Ngữ nói trên, nhưng vẫn hưởng lương ở cơ quan cũ (lúc này là Bộ Văn hóa) để sau khi tốt nghiệp sẽ về Bộ và chịu sự điều động của Bộ.