Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2017

PHAN CHU TRINH


PHAN CHU TRINH
Chủ trương cách mạng [sửa | sửa mã nguồn]
Sau khi cáo quan về quê, Phan Châu Trinh dốc lòng vào công việc cứu nước. Mặc dù rất đau xót trước cảnh thực dân Pháp ngược đãi người Việt Nam, quan điểm của Phan Châu Trinh trước mắt chưa nên đặt nhiệm vụ khôi phục chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc (tức đánh đuổi Pháp), mà nhiệm vụ cấp bách là phải:
·       Khai dân trí: bỏ lối học tầm chương trích cú, mở trường dạy chữ Quốc ngữ cùng kiến thức khoa học thực dụng, bài trừ hủ tục xa hoa.
·       Chấn dân khí: thức tỉnh tinh thần tự lực, tự cường, mọi người giác ngộ được quyền lợi và nghĩa vụ của mình, giải thoát khỏi tư tưởng chuyên chế phong kiến.
·       Hậu dân sinh: phát triển kinh tế, cho dân khai hoang làm vườn, lập hội buôn, sản xuất hàng nội địa hóa...
Cho nên sau khi ông vào Nam ra Bắc, sang Nhật, để trao đổi và tìm hiểu, cuối cùng ông nhất quyết làm cuộc cải cách duy tân cho quốc dân trong nước. Ngoài ra, ông gửi thư cho Toàn quyền Beau ngày 15 tháng 8 năm 1906, chỉ trích chính phủ Pháp không lo mở mang khai hóa cho dân mà chỉ lo thu thuế, do đó dân đã khổ càng khổ hơn. Ông đề nghị chính phủ Đông Dương nên thay đổi thái độ đối với sĩ dân nước Nam, cải tổ mọi chính sách cai trị. Bức thư đã gây tiếng vang lớn trong nhân dân, công khai nói lên tâm trạng bất mãn của dân chúng và khẳng định quyết tâm cải biến hiện trạng của đất nước.
Đối với đường lối hoạt động cứu nước của người bạn thân là Phan Bội Châu (ông gặp Phan Bội Châu vào khoảng tháng 7 năm 1904 và sau đó trở thành đôi bạn thân thiết), Phan Châu Trinh rất hoan nghênh việc bạn và tổ chức của bạn (Duy Tân hội) đã vận động được một số học sinh ra nước ngoài học tập và phổ biến những tài liệu tuyên truyền giáo dục quốc dân trong nước. Song, ông phản đối chủ trương bạo động và tư tưởng bảo hoàng của Phan Bội Châu.[14].
Tôn Quang Phiệt nhận xét về chủ trương của Phan Châu Trinh như sau[15]:
Phan Chu trinh hô hào: Không bạo động, bạo động là chết… Phan Chu Trinh đã muốn thực hiện chương trình khai dân trí, xướng dân quyền của dân mình; dân đã khôn ngoan tiến bộ về mọi mặt, đã biết dùng quyền của mình thì mới có thể độc lập được. Tuy nhiên, cứ lấy tư cách một người thân sĩ chân không mà hô hào cải lương thì làm sao mà được toàn dân hưởng ứng, toàn dân thực hiện được; mà toàn dân không hưởng ứng, không thực hiện, thì cải lương với ai?
Cả hai phái bạo động và cải lương đều thất bại, vì lúc đó nước ta chưa đủ điều kiện chủ quan và khách quan để đuổi được ngoại xâm giành được độc lập. Tuy nhiên, cách mạng võ trang của Phan Bội Châu được người sau noi theo và đã thành công. Các nhà hoạt động cách mạng thường nói “thất bại là mẹ thành công”, trường hợp này rất đúng. Còn chủ trương cải lương của Phan Chu Trinh thì bị thất bại và bị phá sản luôn, sau Phan Chu Trinh những nhà chân chính ái quốc của nước ta không ai đi theo con đường ấy nữa.
Phan Văn Trường (nhà yêu nước cùng thời với Phan Chu Trinh, từng là luật sư Tòa án Paris) viết:
Phan Chu Trinh là một người rất kiên trì, đeo đẳng... Ông vẫn tiếp tục lui tới những nơi làm việc của Bộ Thuộc địa, tìm cách gần gũi những viên chức cao cấp phụ trách về Đông Dương để bày tỏ lòng trung thành của ông, nhưng ông vẫn bị chính quyền Pháp thừa lúc ban hành tình trạng chiến tranh để buộc ông và tôi vào tội có âm mưu chính trị chống lại nước Pháp và tống cả hai vào ngục suốt 11 tháng
Cũng tưởng rằng sau những bài học thấm thía ấy ông Phan Chu Trinh sẽ tỉnh mộng chia tay với tật lạc quan của ông và sẽ vĩnh viễn từ bỏ cái hy vọng được chính quyền thuộc địa chiếu cố thương yêu trở lại. Nhưng sự thật không phải thế. Ông có một thứ triết lý riêng của ông, ông lại vẫn chứng nào tật ấy, làm như chẳng có việc gì xảy ra cả, vẫn tiếp tục lui tới văn phòng Bộ Thuộc địa, vẫn tìm cách gần gũi những người đã bức hại ông...
Ông Phan Chu Trinh rất thông minh, rất dễ mến, rất tốt với bạn bè, nhưng những đức tính nầy không đủ để giúp ông trở thành một nhà cách mạng.[16]
Tuy khâm phục lòng ái quốc của Phan Châu Trinh, nhưng Nguyễn Ái Quốc cho rằng chủ trương cách mạng của Phan Châu Trinh chỉ thích hợp với các nước đã có được độc lập, chứ không thể nào đạt được trong bối cảnh lịch sử Việt Nam khi đó. Phan Châu Trinh đả kích hệ thống quan lại mục nát, tham nhũng và bất lực nhưng không thấy chính sách sử dụng bộ máy quan liêu phong kiến như vậy là bản chất của thực dân Pháp nhằm nô dịch dân chúng thuộc địa. Phan Châu Trinh cố thuyết phục chính phủ thực dân Pháp thay đổi chính sách, cải cách hệ thống quan lại, mở rộng dân chủ và nâng cao dân trí, ý định của ông là khi dân trí nâng cao, tinh thần tự cường tốt thì người dân Việt Nam sẽ mạnh lên, và khi đủ mạnh thì người Việt sẽ quay sang chống lại Pháp để giành độc lập. Nhưng Phan Châu Trinh không thấy được rằng Thực dân Pháp cũng hiểu rất rõ ý định của ông, và không đời nào Pháp lại chấp nhận thi hành những chính sách gây nguy cơ đe dọa đến việc cai trị thuộc địa của họ, nên sự thuyết phục của Phan Châu Trinh sẽ không thể nào thành công. Phan Châu Trinh nhìn thấy sự thành công của Minh Trị duy tân tại Nhật Bản, nhưng ông bỏ qua thực tế rằng cuộc cải cách ở Nhật Bản được tiến hành khi họ vẫn duy trì được nền độc lập và có Thiên hoàng làm lãnh tụ, còn Việt Nam thì đã trở thành thuộc địa gần 30 năm và cũng chẳng có ai đủ khả năng làm lãnh tụ cải cách (vua Nguyễn đã bị Pháp khống chế chặt chẽ). Vì những lẽ đó, Nguyễn Ái Quốc cho rằng:
"Cụ Phan Châu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương, đó là sai lầm chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương"[17]
Về sau, việc Phan Châu Trinh bị mật thám Pháp bắt giam năm 1914 và bị cấm về nước cho tới cuối đời, sự nghiệp vận động cách mạng của ông cũng chấm dứt. Ông để lại nhiều bài diễn thuyết thể hiện tư tưởng yêu nước, nhưng về thành tựu chính trị thì ông chưa đạt được gì. Sự thất bại của Phan Châu Trinh đã chứng minh những nhận định của Nguyễn Ái Quốc là xác đáng[17].
...xin có lời khuyên với đồng bào chỉ nên trông cậy ở chính mình, chớ vọng ngoại vì vọng ngoại ắt là chết. Hãy coi trọng nền hòa bình của đất nước nếu chúng ta không muốn mua lấy cái chết. Những sự giải thoát của chúng ta là nằm chủ yếu trong sự học hành, mở mang trí tuệ.[18]
Phan Bội Châu là người rất có chí khí, có nghị lực, nhẫn nhục, dám làm; có điều tin vào thì không chịu bỏ, dẫu có sấm sét cũng không đổi. Nay sỹ phu khắp nước chưa ai có thể ví với ông ấy. Tiếc thay học thuật không rành, thời thế không rõ, thích dùng quyền thuật, tự dối mình dối người, ngoan cố không đổi. Lớn lời không ai bì, hãm quốc dân vào đất chết, cam chịu tiếng ác mà không tự biết. Tuy nhiên ông ấy vừa hiêu hiêu tự cho là người yêu quốc dân, từ nay về sau ông ấy càng hăng hái nói ra...
Chủ nghĩa phục thù cực đoan mà Phan Bội Châu chủ trương thật là hết sức sai lầm, chỉ hãm quốc dân vào chỗ chết, không hợp thời thế, không sát với lý luận... Bởi vì ông ấy là người đại biểu cho thói quen trên lịch sử ngàn năm của dân tộc nước Nam. Không biết chân tướng của người nước Nam, xem ông ấy thì biết được. Dân nước Nam rất giàu tính bài ngoại, thì bài ngoại của ông ấy đến chỗ cực đoan. Người nước Nam rất thích dựa người ngoài, ông ấy lại ỷ ngoại đến chỗ cực đoan. Dân Nam rất thiếu tính tự lập, ông ấy lại càng hơn nữa. Tính chất, trình độ của ông ấy đều cùng hợp với tính chất, trình độ của quốc dân. Cho nên nhân chỗ hơn chỗ kém của quốc dân mà lợi dụng; đó là điều mà thầy thuốc gọi là thuật tắc nhân tắc dụng.
Cho nên điều mà ông ấy lo, là quốc dân oán nước Pháp không sâu. Những sách ông ấy viết ra, không bàn thời thế, không nói lợi hại, dựa vào chỗ không mà biên soạn, tự dối mình, dối người. Nói tóm lại, đều là kêu gọi lòng thù ghét của quốc dân mà thôi. Đợi đến khi lòng thù ghét đã sâu, phản loạn nổi lên bốn phía, ông ấy mới nhân đó mà vào, để thỏa cái lòng phá hoại. Không phải là không biết cách mệnh không thể làm, nhưng lợi dụng cái ngu của dân - tức tính bài ngoại, không làm thì không chịu. Không phải là không biết Nhật Bản chẳng làm gì được, nhưng lợi dụng cái yếu của dân - tức tính ỷ ngoại, không làm thì không chịu. Mà quốc dân sở dĩ mù quáng nghe theo chạy theo, đến chết chưa tỉnh, ấy là vì tính chất gần nhau, cho nên thâm nhập khá sâu....Đó là ý kiến và thủ đoạn của Phan Bội Châu mà thôi. Cho nên người không biết ông ấy thì bảo đó là người hết sức ngu lầm, chứ không biết ông ấy lợi dụng cái ngu của quốc dân để khoe trí mình, lợi dụng chỗ kém của quốc dân để làm rõ cái hay của mình. Than ôi! Không biết cái ngu cái kém mà làm thì cũng có thể thứ cho. Biết cái ngu, cái kém, cái không địch lại mà cứ muốn lợi dụng để thực hành chí mình thì ta không biết ông ấy đã cư xử theo cách nào.



(Đoạn gạch chân là do tôi gạch để các bạn chú ý.)
          Theo ý Phan Chu Trinh thì cái xấu (mà ông gọi là “cái ngu”) thứ nhất của dân ta là “tính bài ngoại”, và bạn ông, Phan Bội Châu, đã kêu gọi “lòng thù ghét của quốc dân”. Còn cái “ngu” thứ hai là ỷ lại vào sự cứu giúp của nước ngoài.
____

 Nếu cụ Phan Chu Trinh nhận định đúng thì thói "hay thù ghét” là một trong mấy tính ngu của dân ta. Chẳng trách suốt lịch sử cách mạng nước ta, người ta luôn kích động “căm thù”. Từ 1930, Xô-viết Nghệ Tĩnh đề ra khẩu hiệu : Trí Phú Điạ Hào, đào tận  gốc, trốc tận rễ ! Nghe đã thấy lạnh người rồi. Một loạt hồi ký về CCRĐ thuật lại cách “trả thù” địa chủ, cường hào thật man rợ và độc ác. Người ta chết rồi, nhưng cũng vẫn lấy chân đạp đầu người ta xuống cho bõ ghét rồi mới xúc đất vùi lên. Các bạn thử nhớ lại những câu hát : “Quyết phen này trả mối thù chung...” (lời ca khúc DIỆT PHÁT XÍT cua Nguyễn Đình Thi, “Giết, giết tơi bời, ta tô cho thắm Ba Vì ơi” (lời một ca khúc về Sông Đà của nhạc sĩ nào, tôi không nhớ...) rồi “Vực nào sâu bằng chí căm thù..” (hành khúc HÒ KÉO PHÁO của Hoàng Vân), vân vân và vân vân... Có thể kể ra hàng vạn, thậm chí hàng triệu lời kêu gọi : “căm thù”, “trả thù”, “hờn căm” ... trong các tác phẩm văn học thơ ca và âm nhạc của chúng ta suốt gần một thế kỷ qua. Và không phải chỉ gần đây mà trước kia cũng đã từng thế, không hề kém chút nào : Vua Gia Long xử tử anh em, con cháu mấy vua Tây Sơn chưa đủ, còn xiềng xương sọ của họ giam vào ngục... Ôi, sao con người độc ác với nhau đến thế. Nỗi căm thù sao mà ghê gớm và dai dẳng thế... Phải chăng đấy là do ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa ? Tôi cho rằng có phần như thế, nhưng bản thân dân ta đã thế từ trước rồi. Truyện dân gian TẤM CÁM, có ảnh hưởng văn hóa Hán đâu mà ta thấy để trả thù, Tấm đã đem thi thể Cám “làm thành mắm” đem biếu bà dì ghẻ[i]...Bà ăn đến gần hết mới thấy đầu lâu con gái bà trong ấy. Sự trả thù của Tấm khủng khiếp không. Còn gần đây thì một anh bạn thân của tôi, hôm tôi đến thăm vào sau đợt ném bom miền Bắc của Không quân Hoa Kỳ năm 1972, thấy một dòng chữ sơn rất to ngay trên cánh cửa ngoài của anh ấy : “Mối thù giặc Mỹ đời đời kiếp kiếp không bao giờ quên !” Có nghĩa không còn đường nào dành cho hòa giải, hòa hợp !