Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 13 tháng 4, 2015

NGHE LỎM : Về CÁI CHẾT



VỀ CÁI CHẾT
 
                     Nghe  lỏm được trong công viên Võ Thị Sáu câu chuyện phiếm giữa mấy ông già :

             - Chào Cụ. Nhân tiện xin hỏi Cụ một câu.
            - Cụ cứ tự nhiên.
            - Cả hai chúng ta đều già lắm rôi. Thế Cụ có sợ chết không ?
            - (cười). Không !
            - Cụ nghĩ thế nào mà không sợ ?
            - Ai rồi cũng chết cả. Đến các ông Mác, Ăng-ghen, Lê-nin… rồi cũng ngoẻo cả. Anh hùng như Quan Công, Hạng Vũ, hay hèn nhát như gì ấy thì cuối cùng cũng về với đất cả. Lắm anh sợ chết, tìm mọi cách kéo dài cuộc sống, nghe ai nói ở đâu có người tài biết phép trường sinh, là đón về hậu đãi, cuối cùng cũng… ngoẻo ! Ông Trời đã định thế rồi.
            - Ông Trời ?
            - Tức là Tạo Hóa ấy !
              - Nhưng chết là cái gì nhỉ ?
            - Tôi nhớ một triết gia đã nói : “Chết là trở về trạng thái lúc anh chưa sinh ra.”
            - Như thế thì Cụ với tôi sinh ra trên cõi đời này để làm gì ? Sống mấy chục năm rồi lăn đùng ra chết và trở lại trạng thái lúc ta chưa sinh ra ! Vớ vẩn !
            - Hay “lắm chuyện” ? Thà đừng sinh ra cho nó xong.
            - Và cuộc đời vô nghĩa, đúng không, Cụ ?
            - Người ta bàn tán rất nhiều về chuyện ấy đấy : cuộc đời có ý nghĩa hay không.
            - Ý Cụ thì thế nào ?
            - Tôi cho là không có ý nghĩa gì hết. Tôi có ông bạn hơn tuổi, bảo : Có ý nghĩa chứ, đấy là duy trì nòi giống ! Tôi nghĩ ông bạn ấy nói thế là để tự an ủi thôi, chứ làm gì có ý nghĩa. Vả lại con người ta mỗi lúc nghĩ một khác. Trong ấy cái tuổi rất quyết định. Tôi nhớ khi nói câu ấy, ông kia mới chưa đến 50. Nhà văn nữ FRANOISE SAGAN nói một câu tôi cho là rất chí lý : “Mỗi khi đọc một trước tác của ai đấy, cần xem lúc viết họ bao nhiêu tuổi.”
            - Lúc nói câu ấy, bà ta bao nhiêu tuổi ?
            - Tôi không biết chính xác. Chắc phải khoảng năm chục. Nhân đây tôi lại nhớ câu đùa của nhà văn hài hước Anh BERNARD SHAW. Ông ta nói : “Nếu anh chưa đến 48 tuổi mà đã bị quan thì anh biết nhiều quá đấy. Còn nếu anh đã quá tuổi 48 mà anh vẫn lạc quan, chắc chắn anh biết quá ít đấy !”
            - Tại sao lại là 48 ?
            - Lối nói đùa của người Ăng-lê thôi, vấn đề không phải 48 hay 49 hay 50 mà chỉ có ý là đã bắt đầu già.
            - Lúc nãy ông nói đến SAGAN ! Tôi nhớ ra rồi ! Cái bà viết cuốn sách năm chưa đầy 20 tuổi và nổi tiếng lừng lẫy ấy phải không ? Cuốn gì ấy nhỉ ?
            - “Bonjour Tristesse”.
            - Phải rồi. “Bonjour Tristesse”. Bản dịch của ông nào đấy ở NXB Hội Nhà Văn lấy đề là “Buồn ơi, chào mi !
            - Đấy là chú em ruột tôi. Nhân đây kể lại chuyện cũ. Khi dịch, đến cái tên khó dịch quá, chú ấy hỏi ý kiến tôi. Tôi thấy chưa ổn, nhưng rồi nghĩ mãi cũng không ra, đành để cái tên ấy. Người ta bảo “dịch là phản” (traduire c’est trahir) là có lý. Vì Chữ “Bonjour” ở đây không chỉ có nghĩa “Chào” mà còn hàm ý thích thú được gặp, còn “Tristesse” ở đây không chỉ có nghĩa “nỗi buồn” mà còn hàm một cái ý êm đềm, dịu ngọt.
            - Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều. Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt, Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu…” ?
            - Đúng thế. “Tristesse” của SAGAN ở đấy có cái nghĩa ấy. Không chỉ “buồn” mà còn hàm cái ý dìu dịu… ngòn ngọt, và làm tâm hồn man mác… Nhưng thôi, hiểu thì như thế nhưng dịch sang tiếng Việt khó quá. Tôi đành bằng lòng với cách dịch của cậu em vây, và hy vọng khi đọc tác phẩm, bạn đọc sẽ cảm nhận được cái ý bên trong của cái từ nghe chừng đơn giản ấy “tristesse”.
            - Nhưng truyện đúng là hay, và nổi tiếng thế giới là xứng đáng. Hình như lúc ấy bà ta mới 16-17 tuổi gì đấy ?
            - Hình như thế, tôi chỉ nhớ là rất trẻ. Đang là học sinh Phổ thông. Về sau bà còn viết nhiều, chủ yếu là kịch. Tôi học sân khấu nên rất chịu khó đọc kịch và rất thích kịch bà ấy. Tôi cho rằng bà ấy thành công về kịch thì đúng hơn. Bà ấy có tài ở chỗ mới vào kịch đã chấm phá vài nét tuyệt vời. Chỉ qua hai ba câu đối thoại, tưởng như ngẫu nhiên mà người đọc (hay người xem) thấy ngay vấn đề tác giả đang đặt ra, và được tác giả lập tức đưa vào cái “thế giới” ấy… Thể loại kịch giúp người viết có thể cô động tối đa vấn đề cần nói. Bà SAGAN đạt được điều ấy. Điều mà ít người đạt được.
            - Ôi chao, chuyện văn chương thì ta có thể nói hàng tháng liền chưa chắc đã thỏa… Vì mới chỉ bà SAGAN, còn bao nhiêu tác giả khác nữa, mỗi người một vẻ… Hôm nay nghe Cụ nói thế, tôi phải tìm đọc kịch của bà ta mới được. Nhưng thôi, ta quay lại vấn đề tôi đang muốn hỏi ý của Cụ ? Cái chết là gì ? Và cuộc sống có ý nghĩ gì không ?
            - Tôi nhớ ông Hoài Thanh, một cây bút nhà giáo mà tôi, và không phải chỉ tôi, rất nhiều người kính trọng về hiểu biết và tầm suy nghĩ, và rất khâm phục, tôi may mắn được làm việc dưới quyền ông và được đôi lần trò chuyện hơi “tâm tình” với ông - ông là thủ trưởng của tôi một thời gian. Hôm tôi nêu vấn đề kia ra, ông nói : “Sợ chết là nỗi sợ animale”, có nghĩa, nỗi sợ của loài động vật, hoặc một nỗi sợ mang tính súc vật…
            - Câu giải nghĩa ấy hay đấy. Tôi càng nghĩ càng đi đến kết luận giống như thế. Triết gia Đức HEGEL khi giải thích hiện tượng “chủ-nô lệ” có nói đại ý, “sợ” là cảm giác đầu tiên của con người khi thoát ra khỏi động vật, bắt đầu có óc tưởng tượng rồi có nhận thức. Khi ấy chỉ cần hai người ở bên nhau thì một thằng ít sợ hơn lập tức khai thác cái sợ của thằng kia để sai khiến, nô dịch nó, bắt nó làm nô lệ cho mình. Vua chúa là gì ? Là biết khai thác cái sợ của người dân. Chuyên chính độc tài là gì ? Là biết đánh vào cái sợ của người dân thường…
            - Hắn không “sợ” à ? Thằng cha kia ấy ?
            - Tất nhiên là có, nhưng ít hơn cái cậu bị nó sai khiến. Hoặc có thể hắn có sợ nhưng biết giấu kín, “giả vờ” không sợ để khuất phục cậu kia.
            - Chà, nhận xét đúng là của một triết gia cỡ lớn. Chẳng thế Mác phục sát đất và học rất nhiều ở Cụ ấy.
            - Tôi thấy ông viết kịch Nga nổi tiếng thế giới nói là chính xác nhất.
            - Ông ấy nói sao ? Mà ông nào ?
            - SÊ-KHÔP. Trong kiệt tác “BA CHỊ EM” có một lớp, trong khi chờ người ta đem mặt nạ hóa trang đến để đi dạ hội, mấy ông khách ngồi buồn, mỗi ông đề xuất một cách giết thời gian. Đánh bạc cũng chán, làm gì nữa cũng không tiêu khiển được và họ quyết định “triết lý suông”. Họ trao đổi, đại ý, cuộc đời bây giờ khổ quá, nhạt nhẽo, vô vị và bao chuyện chướng tai gai mắt diễn ra xung quanh. Một ông bảo, cuộc sống bây giờ vô nghĩa. Một ông bảo, phải ba trăm năm nữa, cuộc sống tốt hơn lên, đời mới có nghĩa. Một ông bảo : “Ba trăm chứ ba ngàn năm nữa con người vẫn cứ như thế này, vẫn than thở : “Ôi, sao cuộc đời chúng ta khốn khổ thế này nhỉ ? ”Một ông hỏi “nhưng cuộc đời có nghĩa gì không nhỉ ?” Một ông đáp : “Thế ngoài kia tuyết đang rơi. Thì nghĩa gì ?”…
            - Hay ! Quá hay ! Đúng là Sê-khôp ! Tức là Cụ và tôi sống trên cõi đời này vô nghĩa. Cũng vô nghĩa như tuyết rơi thôi…
            - Nhưng nhiều người cứ cố tìm một ý nghĩa cho cuộc đời. Tôi nhớ ông Phạm Quỳnh lúc mất chức, ngồi buồn, đọc sách và ghi chép, có ghi cuộc đời không có nghĩa gì hết. Khi đọc đến đây, tôi bỗng nghĩ, với tâm trạng ấy, ông bị đẩy lên xe, biết là sắp chết, vẫn thanh thản…
            - Đúng thế. Nếu đã xác định cuộc đời là vô nghĩa thì cái chết chẳng còn đáng sợ chút nào, phải không, Cụ ?
            - Ấy thế nhưng người ta vẫn sợ chết ! Cụ chẳng hạn, Cụ có sợ không ?
            - Tôi không sợ chết mà chỉ chưa biết cái chết nó diễn ra như thế nào ? Có đau đớn nhiều không chẳng hạn…
            - Chà, cho nên học trò ông Tôn Thất Tùng bảo ông : “Thầy là chuyên gia về tim mà có bệnh tim sao thầy không chữa ?” Ông Tùng cười : “Chết về tim là sướng nhất !” Và quả thật ông chết lúc đang đứng ở sân Bệnh viện Việt-Đức, ngã và bất tỉnh luôn !
            - Cái chết không thể nào sướng hơn.
            - Đúng thế ! Đang bình thường bỗng gục xuống, không biết gì nữa !
            - Trở lại “trạng thái lúc ta chưa sinh ra” !
            - Ôi, lại triết lý suông rồi. Mất cả thời giờ đáng lẽ đi bộ, thể dục đôi chút để kéo dài cái cuộc đời vô nghĩa này, đúng không, Cụ ?
            - Chính xác ! Ta đi vòng ra phía hồ đi. Nắng lên đẹp quá !
                        Những ngày nắng mới hắt bên song… 
                        Xao xác gà trưa gáy não nùng...
           Tôi rất yêu những câu thơ của Lưu Trọng Lư, giản dị và chân thành, không giả tạo chút nào… Nhưng thôi, ta quyết định cắt đứt câu chuyện vớ vẩn này để thể dục, Cụ tán thành chứ ?
           

            

NGHE LỎM : Về Gorki



NGHE LỎM : về GORKI

            - Hôm qua tôi bỗng nhiên bắt gặp trên mạng một cuốn sách hết sức lý thú, đáp ứng đúng điều tôi đang băn khoăn, cũng là vấn đề Cụ và tôi băn khoăn…
            - Và cuốn sách ấy đã giải đáp cho cái điều hai lão “khọm” chúng mình băn khoăn ấy ? Chà, hay đấy !  Tên cuốn ấy là gì ?
            - Tên sách rất đặc biệt : “Liệu có ông Gorki hay không”, nguyên văn tiếng Nga là “Был ли Горький ?” còn có thể dịch là “Có cái nỗi cay đắng ấy hay không ?” Vì hẳn Cụ biết rồi đấy, Gorki tiếng Nga có nghĩa “Cay đắng” hay “Chua chát”. Cái tên ấy ông ta tự chọn và dùng làm bút danh… Tên sách “Был ли Горький ?” cũng có thể dịch là “Phải chăng đã có một nỗi cay đắng ?…Tôi mừng quá, bèn đọc luôn, thì thấy nhiều chuyện rất lạ và làm tôi sáng tỏ. Cụ cũng đọc được tiếng Nga thì thử đọc một cái, sẽ biết thêm nhiều điều lý thú. Tiếc rằng tôi quên mất đường link, nhưng tôi nghĩ cụ gõ GORKI MAXIM trong GOOGLE có thể ra đấy. Chà, một cuốn sách tuyệt vời. Tôi cam đoan Cụ mà tìm được và đọc thì sách cuốn hút đến mức không thể rời ra được. Tôi có download một số đoạn quan trọng. Cụ muốn ngó qua thì quá bộ đến tôi.
            - Để tôi cố tìm trên Internet đã. Nếu không thấy thì khéo phải phiền đến Cụ thật.
            - Ra bây giờ tôi mới hiểu tại sao ông nhà văn tuyệt đỉnh ấy đang sống yên ổn và viết ở Italia lại bằng lòng trở về Nga và sau đấy lại ủng hộ STALIN và chế độ độc tài đẫm máu của hắn ta đến mức khó hiểu. Thì ra ông già bị nhầm, Cụ ạ ! Dần dần khi Gorki bắt đầu hơi hiểu thì bị an ninh mật của Stalin thủ tiêu ngay bằng một liều thuốc độc.
            - Gorki bị đầu độc ?
            - Sau này, khi Stalin đã chết, Khrusov lên thay, nghe loáng thoàng thấy những hành xử tàn ác của vị tiền nhiệm “vĩ đại” bèn thử cho điều tra. Thì bộc lộ ra rất nhiều tội ác của ông ta, và một nhân viên an ninh có khai đã được lệnh đầu độc hai cha con nhà văn hào và đã thực hiện.
            - Cả ông con nữa ? Chà ! Quá bất ngờ đối với tôi đấy, Cụ ạ.
            - Cụ ngờ được không, ông con trai thật ra là người của cơ quan an ninh, được giao nhiệm vụ sang Italia sống bên cạnh bố để vừa bám sát điều tra, vừa lái ông cụ đi theo hướng lãnh tụ Stalin đề ra. Nhưng toàn bộ cuốn sách được viết bởi một nhà nghiên cứu có lương tâm đồng thời có trình độ nhận xét rất tinh tế. Thì ra Gorki không như chúng ta hiểu.
            - Không phải nhà văn vĩ đại của giai cấp vô sản ?
            - Ông ấy vĩ đại thì đúng, nhưng cuốn sách truy ra được nguyên nhân tại sao Gorki bị Stalin thôi miên và cúc cung ca ngợi lão ta đến thế.
            - Tại sao ?
            - Gorki đúng là một nhà văn thiên tài. Chỉ có điều ông ấy nhận định sai lầm một số điểm…
            - Thí dụ ?
            - Chà, vấn đề vô cùng phức tạp. Chẳng thế cuốn sách lại có tên là “Có cái nỗi cay đắng ấy không ?” Qua cuốn sách tôi mới hiểu thêm nhiều điều về con người Gorki và hiểu được tại sao tầng lớp trí thức lại nhiều người, tương tự như Gorki, đã bị cái lý thuyết viển vông kia lôi cuốn và họ đã đi theo để cuối cùng nhìn ra và bị giam vào trại tập trung, rồi chết trong công trường xây dựng đường xe điện ngầm ở Moskva !
            - Hoặc trên công trường xây dựng kênh Vonga- Don !
            - Đúng thế. Để xây dựng những công trình “thế kỷ” ấy Stalin ra lệnh sử dụng “tù nhân” kể cả tù chính trị, và hàng chục vạn người chết vì vất vả, đói khát trên ấy. Trong số ấy có nhiều nhà văn, nhà bác học…
\           - Đúng thế. Và cuốn sách này nói về một trí thức Nga, tiêu biểu cho tầng lớp “thầy giáo làng” Nga.
            - “Thầy giáo làng” ?
            - Đúng thế. Chẳng là vào thời ấy, tức là những năm bản lề của thế kỷ 19 và 20, không khí nước Nga ảm đạm khủng khiếp. Cuộc sống của con người, trước hết là trí thức và cả công chức, bế tắc, nhạt nhẽo vô vị đến phát sợ. Chắc Cụ đã đọc Sêkhov, thấy những con người bế tắc đến mức nào rồi chứ ? Các nhân vật trong tác phẩm của Gorki cũng nhạt nhẽo, vô vị như thế. Họ chán nản, kéo lê cuộc sống một cách uể oải. Gorki phản ánh và phê phán kiểu sống ấy, và ông ta đã băn khoăn : “Sống giống như mọi người thì vô vị, mà sống khác đi thì thật khó”. Ông ta bỏ sang Italia sống và viết. Thế rồi ông ta gặp chủ nghĩa Mác, thấy ra giá trị tuyệt vời của cái chủ nghĩa ấy. Một thiên đường mà không có Chúa ! Và một xã hội sẽ tạo nên những con người lý tưởng : lành mạnh, dũng cảm, thương yêu nhau, ai cũng có trách nhiệm đối với người khác và với toàn xã hội. Stalin biết tâm trạng ấy và nhân đang cần một “lá cờ” cho phong trào văn học nghệ thuật xô-viết bèn vận động để Gorki về nước. Thằng con trai, đã là người của cơ quan an ninh, sang gặp bố và khéo léo thúc đẩy quá trình ấy. Stalin ra lệnh hàng vạn nhà máy, nông trường phải viết hàng chục vạn lá thư khẩn khoản mời. Rồi tất cả các thành phố đều phải có một phố loại lớn nhất đổi tên là "phố Gorki". Thế là Gorki cảm động, quyết định về, tin rằng mình sẽ có tư liệu, có thực tế để viết về quá trình xây dựng một nước Nga mới, công bằng, bác ái, mọi người thương yêu lẫn nhau, cái quá trình mà ông biết sẽ hết sức khó khăn, nhưng cũng hết sức phong phú. Gorki tính sẽ viết về họ, về sự chuyển biến tuyệt diệu mà ông biết là rất gian nan nhưng cần thiết ấy. Ông cảm động vô cùng khi được đón tiếp hết sức long trọng tại ga xe lửa đầu tiên trên đất xô-viết… Ông vốn nhiễm tâm lý phổ biến của người dân thường nước Nga : thán phục những ai đúng là “kẻ mạnh”, hoặc ta tạm dịch là “dũng mãnh” hoặc “ngươi hùng”, và ông thấy Stalin đúng là con người như thế : dám làm mọi thứ để “cải tạo đất nước và con người Nga”.
           - Cũng vì tâm lý phổ biến của dân thường Nga mà họ thán phục Putin.
           - Đến mức sùng bái. Vì Putin chính là “người hùng” trong mơ ước của dân thường nước Nga. Nhưng xin Cụ cho phép ta quay lại câu chuyện chính. Vào thời điểm ấy triết gia Nietzsche bắt đầu nổi danh và trong lý thuyết ông này cũng lại có câu đại ý nói, nếu cứ để tự nhiên thì con người vốn là bạc nhược sẽ chỉ bạc nhược, cho nên mỗi người phải tự rèn hoặc “bị rèn”, và rèn một cách quyết liệt, mới có cơ thành sắt thép, thành con người đúng nghĩa là “Con Người”. Cho nên mấy chục năm đầu sống trong nước, Gorki chăm chỉ đến các trại tù để tham quan và chứng kiến những trại cải tạo mà ông cho là những "lò rèn" nghiệt ngã nhưng cần thiết, biến “phế phẩm” thành sản phẩm mẫu mực. Khi nghe thấy tù nhân, cả các trẻ phạm pháp bị giam, gào lên “Ông cứu chúng cháu với !” “Ông nhà văn vĩ đại cứu chúng tôi với”, Gorki rất thương nhưng nghĩ, đây là “lò rèn”, phải dùng cách này mới biến được những kẻ kém phẩm chất thành những con người chân chính… Ông bênh vực các biện pháp tàn bạo của Stalin và tin rằng Stalin làm thế là đúng, là cần thiết để cải tạo xã hội, cải tạo con người… Nhiều nhà văn, bạn cũ của ông đang bị giam oan uổng, viết thư năn nỉ ông bênh vực, nhưng Gorki không làm gì để giảm nhẹ số phận của họ. Nhiều người trách Gorki quá hèn, là chỉ nhìn bề ngoài mà không biết suy nghĩ bên trong của ông.
            - Xin phép Cụ rẽ ngang một cái. Tôi thì biết ơn Gorki ở một việc. Khi Stalin đề ra việc phong “danh hiệu” cho văn nghệ sĩ, Gorki thấy "thối" nhưng không bác bỏ được, ông đành chỉ đề nghị riêng nhà văn thì xin miễn. Stalin mới đầu không hiểu, hỏi tại sao, thì Gorki trả lời, nhà văn có đặc điểm là khó ai biết giá trị đích thực của họ. Một nhà văn trẻ đột nhiên có một tác phẩm thiên tài chẳng hạn. Nếu chỉ căn cứ vào thành tích đã có thì không đủ. Nhờ thế đám nhà văn chúng tôi thoát được các danh hiệu “nhân dân” hoặc “ưu tú” dớ dẩn kia ! Tôi xin lỗi đã lạc dòng, xin Cụ tiếp tục câu chuyện tuyệt vời về Gorki đi.
          - Phải đến mãi sau, Gorki mới dần dần nhận ra đôi chút và khi ấy, thằng con báo cáo cơ quan an ninh, thế là nó bị thủ tiêu và năm sau thì đến lượt ông bố …
            - Chà ! Câu chuyện đáng suy nghĩ, về nguyên nhân tại sao nhiều người tốt vẫn bị cái chủ nghĩa ấy quyến rũ
           - Thôi, cũng muộn rồi. Câu chuyện dở dang, mai gặp nhau ta bàn tiếp, Cụ nhé ?
















NGHE LỎM : Về Làm chủ tập thể



LÀM CHỦ TẬP THỂ


          (Hai Cụ hôm trước đã ngồi trên ghế đá. Tôi ra chậm mất một tí. Vội bấm máy ghi âm ngay. Hai Cụ đã trò chuyện được một lúc rồi. Nhưng không sao.)
            - Hôm qua Cụ bảo cái lý thuyết ấy là “dã man” ? Nói thế có quá không...           
            - Không quá đâu. Cứ lấy nước ta làm ví dụ. Đúng là sau khi xóa bỏ giai cấp tư sản, hạ thấp tác dụng của đồng tiền bằng cách tước đoạt vốn liếng của các nhà giầu, xóa bỏ thị trường, thực hiện kiểu kinh tế hoàn toàn “nhà nước bao cấp” bằng cách “cấm chợ ngăn sông”… Nhà nước áp đặt chế độ bao cấp tràn lan… Nông thôn thì tất cả nông dân đều buộc phải vào hợp tác xã. Thành thị thì mọi thứ đều sử dụng tem phiếu, từ gạo, thịt đến vải vóc, thậm chí xoong nồi, chậu men, chậu nhôm, cả bát đĩa nữa.
            - (Ngắt lời.) Là do lão Duẩn ! Lão chính là thủ phạm. Lão đưa ra cái lý thuyết “làm chủ tập thể”… thoáng nghe thì rất hay : tất cả cùng làm chủ. Ai cũng là “chủ” !
            - Cũng có nghĩa không ai làm chủ cả ngoài lão và mấy tay sai thân tín vin cớ “thay mặt tập thể” để làm chủ ! Thực chất là bóp nghẹt mọi sáng kiến cá nhân. Cái lý thuyết láo toét ấy đã kìm hãm sức sản xuất, đẩy nước ta vào tình trạng khốn khổ, khiến sản xuất ngưng trệ, nhân dân điêu đứng. 
              - Y hệt cái quy định "ĐẤT DAI LÀ SỞ HỮU CỦA TOÀN DÂN", tức là chỉ "NHÀ NƯỚC" tức là LÃNH ĐẠO sở hữu, tha hồ muốn ban phát cho ai hoặc chiếm lấy để sử dụng, không ai có quyền có ý kiến. Cái quy định ấy trong hiến pháp cho phép các cấp chính quyền tha hồ ăn cướp của dân.
               - Cụ nói đúng. Trở lại chuyện lúc nãy ta đang bàn. Sau khi "làm chủ tập thể" được thực hiện thì cộc sống xuống đến đáy. May thay, do nhân dân bức bách quá, lên tiếng đòi hỏi, khiến sau khi lão chết, cái Đảng tự phong của bọn chúng buộc phải thực hiện “đổi mới”, mở lại chợ, bỏ ngăn sông, lại cho tự do thông thương như trước…
            - Thằng cha họ Lê ấy còn dám tuyên bố “làm chủ tập thể” của lão là phát minh “vĩ đại thứ ba của nhân loại”…
            - “Nhân loại” cơ đấy ! Ghê nhỉ !
          - Sau phát minh ra lửa, và kim loại ! Đúng là huênh hoang, giọng điệu của thằng điên, thằng mất trí.
           - Hay là của sự ảo tưởng quá mức ?
         - Hai thứ ấy biểu hiện bên ngoài rất giống nhau. Hình như hôm trước tôi có kể Cụ nghe về một kịch bản sân khấu của văn hào xô-viết Maxim GORKI, đưa ra nhận định : ngu và bịp vẻ ngoài rất giống nhau, rất khó phân biệt, và trong trường hợp Gorki dẫn ra thì…bên trong chính là : BỊP !
         - Hôm trước nghe Cụ nói, tôi đã cất công tìm bản dịch cái kịch bản ấy để đọc lại. Đúng là tác phẩm hết sức sâu sắc. Nhưng trường hợp Duẩn, theo tôi lão ngu chứ lão không định bịp như thằng cha chữa bệnh bằng thổi kèn trong cái kịch bản kia. Duẩn không phải thứ người “bịp” mà chỉ là thứ người suy nghĩ chủ quan, tin mù quáng vào cái ảo tưởng do người khác vẽ ra.
            - Ảo tưởng cũng là một thứ ngu !
            - Duẩn đinh ninh cho là lão sáng suốt, thực sự vì dân. Cái lần sau 30 Tháng Tư, lão vỗ ngực tuyên bố : “Chúng ta thắng Mỹ là do chúng ta nhân ái !”
            - Cũng tức là lão nhân ái ! Vì lão điều khiển cái tập thể làm chủ kia. Tập thể nhân ái tức là do lão nhân ái, lão là người khởi đầu. Bậy !
            - Tôi lại thấy “Nhân ái” đúng là tốt, nhưng Duẩn hiểu nó theo nghĩa cụ Khổng. Quan niệm hiện đại, nhân ái nghĩa là tôn trọng mọi người, tôn trọng quyền tự quyết của tất cả mọi người, không trừ một ai. Dùng vũ lực ép buộc người khác phải “nhân ái” thì thành “vô nhân ái”. Bắt mọi người suy nghĩ theo mình suy nghĩ, nếu không theo là chém, giết, bỏ tù thẳng tay. Kiểu “nhân ái” áp đặt, cưỡng bức, không dựa trên tự nguyện như thế,  ngày nay bị coi là “phát xít”, là “tàn bạo”.
            - Đúng thế. Con người thời nay không như đàn cừu cần người chăn dắt. Lấy lý do “tôi nhân ái và các anh cứ “nghe theo tôi thì sẽ là nhân ái tất” là bậy, là bất nhân…         Cho nên lúc nãy Cụ nói, không phải lão Duẩn bịp mà là lão ngu. Bởi Cụ nói đúng : “ngu” và ảo tưởng chính là một. Ảo tưởng cũng là một thứ NGU. Cũng như hiện ở ta, một số người kiên trì “tiến lên chủ nghĩa xã hội” thì không bịp, mà ngu, cũng tức là “ảo tưởng”. Tuy nhiên tình hình dân chúng bây giờ đã khác, đã thấy tai hại của cái ảo tưởng ấy, nên cũng làm mấy thằng cha ấy giật mình, bắt đầu “tỉnh ra” và thấy chúng đã “ngu” hơi lâu !
           - Đã thấy chưa ? Tôi thì cho là chúng chưa thấy.
           - Tôi nghĩ là bắt đầu thấy. Bắt đầu vỡ lẽ.
          - Tôi có cảm giác mấy thằng Lú, thằng Huynh, thằng Rứa… rồi thằng Nghị nữa, vẫn ảo tưởng lắm !
           - Cụ dùng chữ "ảo tưởng" tôi không tán thành. Chúng không "ảo tưởng" tí nào mà rất "thực dụng". Chúng chỉ "làm ra vẻ ảo tưởng" thôi. Có thế chúng mới lừa được dân, đàn áp được dân. Chúng  "tỉnh" lắm. Làm ra vẻ "ảo tưởng", chứ nếu không chúng sẽ mất ghế, tức là mất cả danh lẫn lợi… nhất là bẽ mặt với vợ con, xóm giềng, thân thuộc. Nhất là đối với Lú, sĩ diện với xóm làng, họ hàng thân thuộc là quan trọng nhất… Nghe người làng hoặc ông chú bà bác nói câu “Ôi, bây giờ anh là “Vua”, đứng đầu khắp bàn dân thiên hạ chứ còn gì nữa” là trong bụng mở cờ, sướng lắm.
            - Thằng Lú thôi, còn mấy thằng kia tôi cho là cơ hội, chỉ lợi dụng để kiếm chác.
          - Tôi cũng có cảm giác như Cụ. Nhưng chuyện này ta không có điều kiện kiểm chứng nên khoan kết luận. Thôi được. Vậy ta tạm cho là mấy thằng cha ấy thành thật tin vào cái lý thuyết quái đản kia. Cụ nói, tôi nghe có vẻ có lý.  Quả bọn chúng bắt đầu mang máng hiểu ra. Tôi theo dõi biểu hiện gần đây thì Lú bắt đầu tỉnh ra…
            - Vì kinh tế nước mình xuống đến đáy, thua cả Lào, Căm-pu-chia thì quá đáng. Dân khổ quá, nhất là nông dân. Hy vọng Lú sẽ giống như Trường Chinh khi ông này quyết định bỏ cách suy nghĩ giáo điều và quyết tâm “đổi mới”… Đang từ một tín đồ trung thành của Mác, một tay giáo điều hạng nặng, sau chuyến tìm hiểu thực địa ở mấy thành phố miền Nam, ông ta thấy “sự thật”, đã tỉnh ra và biến thành tay “đổi mới” kiên quyết bậc nhất.
            - Hôm trước Cụ có nói đến tầng lớp “thầy giáo làng” thì Duẩn chính là kẻ tiêu biểu nhất cho cái tầng lớp ấy… Hắn tin một cách thành thật là hắn tốt, hắn giỏi, hắn “nhân ái”, khỗn nỗi đấy là cái “tốt”, cái “nhân ái” của “thầy giáo làng”, chăm chỉ đọc sách thánh hiền… và quen với cách nghĩ cổ lỗ của đám đông nông dân thất học mà bọn họ gọi bằng một từ Trung Hoa, là “quần chúng”!… Cái đám đông không có khả năng tư duy theo cách khoa học, dễ phục ai “có vẻ” hiểu biết và thấy họ nói gì thì phấn khởi đi theo, không biết phân biệt đâu là ảo tưởng, đâu là thực tế, đâu là sự thật và đâu là tuyên truyền…
            - Kiểu suy nghĩ của đám ấy là dựa theo quan niệm “đại chúng” về thế nào là “tốt”, thế nào là “nhân ái”.
            - Cụ nói đúng, đấy là cách nghĩ cổ xưa và tồn tại trong dân chúng nông nổi, cạn nghĩ.. chậm thay đổi.
            - Thì Mác cũng nghĩ theo kiểu ấy. Sau này, Ăng-ghen có nói lại là khi viết bản Tuyên Ngôn Cộng Sản, cả Mác và ông ta đều còn trẻ và có nhiểu suy nghĩ viển vông, đầu óc mang nhiểu ảo tưởng …
            - Nhưng cái ảo tưởng ấy lôi cuốn được giới trí thức, vốn căm ghét bọn giầu, dốt nhưng lắm tiền…
            - Trí thức, cả lớn lẫn nhỏ. Số ấy bao gồm cả Lê-nin, Mao, và Hồ nữa… Lê Duẩn là a dua thôi.
            - Nhưng phải công nhận tầng lớp “thầy giáo làng” ấy, tuy chỉ trình độ hiểu biết hạn hẹp nhưng động cơ thì trong sáng và nhân ái thật.
            - Thì thế. Trong sáng theo kiểu cổ. Chính do hiểu biết hạn hẹp, đám ấy vẫn giữ cách nghĩ cổ xưa, trong khi nhân loại đã hiểu biết và nghĩ kiểu khác từ lâu rồi. Con người thời xưa và thời nay khác nhau nhiều lắm. Thời xưa chỉ một số ưu tú mới hiểu biết còn ngày nay, nếu không phải toàn thể dân chúng, thì cũng tối đại đa số…Ngày xưa làm gì có Internet, chỉ có báo Đảng và văn kiện, hô hào của Đảng… Nói chung là tài liệu tuyên truyền… 
            - Nhất là từ khi Liên Hiệp Quốc đưa ra nghị quyết về quyền con người. Ngày nay mọi người đều nhận ra là bất cứ ai cũng phải được hưởng “quyền con người” !
            - Nếu thế thì phải công nhận động cơ của đám thầy giáo làng không sai ?
           - Không phải sai mà là không thực tế, và không chính xác nữa. Mà thế tức là sai. Và còn một điều nữa. Khi cần thuyết phục quần chúng, họ áp dụng cả xuyên tạc, ngụy biện. Tôi nhớ hồi ấy có câu chuyện buồn cười thế này. Khi lần đầu tiên ảnh ông Hồ được in trên báo CỨU QUỐC, hay CỜ GIẢI PHÓNG, tôi không nhớ, mọi người xì xào là Cụ có bốn con ngươi ! Tôi thì nhất định không tin, nhưng một lần cũng hỏi một ông thợ ảnh, ông ấy cười : “Cậu muốn tôi chụp ảnh cậu mỗi mắt ba con ngươi cũng được,” Tôi lấy làm lạ : “Bác làm cách nào ?” – “Đặt đèn chiếu ở hai bên cạnh cậu, khi vào ảnh, mỗi ngọn đèn sẽ tạo trong ảnh một con ngươi luôn.”
            Hai Cụ cùng cười.     
            - Cụ nói đúng. Sau này nhiều người chịu khốn khổ vì cái chù nghĩa Mác-Lê ấy, vu cho Lênin, rồi Stalin, cả Mao, Hồ đều bản chất ngỗ nghịch, tàn bạo ngay từ nhỏ. Tôi thì không tin và chỉ nghĩ họ lầm thôi, mà lầm vì họ nghĩ theo cách cổ, cách của mấy ông quan triều Tự Đức…chứ động cơ của họ trong sáng thật. Khi Duẩn nói “Chúng ta thắng Mỹ là do lòng nhân ái” tôi tin rằng hắn nói câu ấy thật lòng. Hắn thành thật tin như thế, tin động cơ của hắn là “nhân ái” thật. Nói đến đây, tôi nhớ lại cái lần Duẩn ra nghỉ ở Bãi Cháy (khoảng năm 1965) khi được báo cáo là có hai văn nghệ sĩ cũng đang nghỉ ở khách sạn gần nhà khách của Trung Ương, Duẩn bèn rủ ông Lưu Trọng Lư và tôi cùng đi dạo chơi bãi biển một buổi sáng. Tính tôi ngại những cuộc “mất thoải mái” như thế, nhưng ông Lư cứ ép tôi cùng đi. Hôm ấy, khi dạo chơi ngoài bãi biển Bãi Cháy, Duẩn thổ lộ những suy nghĩ của hắn, nghe rất đáng phục, rất rất nhân đạo… Sau buổi sáng hôm ấy, về khách sạn, ông Lư bảo tôi : “Nước ta may mắn có một lãnh tụ nhân ái, suy nghĩ lớn và bao dung như thế !” Tôi thì hồ nghi, vì thấy cách Duẩn vừa mới đối xử tàn bạo với những người mà tôi hết sức yêu quý và tôi biết chắc chắn đều tốt, như Lê Liêm, Hoàng Minh Chính… cả Lê Vinh Quốc… Bây giờ nghĩ đi nghĩ lại, tôi thấy những “thầy giáo làng” ấy thật lòng. Họ tin họ đạo đức thật. 
               - Có chắc không ?
             - Tôi thì tôi nghĩ họ trong sáng thật.
             - Tôi thì không tin. Tôi cho rằng họ muốn có quyền, muốn được mọi người tung hô là "giỏi", là "vĩ đại"...
              - Tôi vẫn cho họ thành thật lo cho dân. Chỉ có điều trình độ tri thức (với nghĩa “hiểu biết”) hạn chế, nên họ tưởng lầm cái đạo Mác kia là tuyệt đối đúng, không biết nó viển vông đến mức nào. Cả Lê-nin, Stalin, rồi Mao, Hồ và những đại biểu ưu tú khác của tầng lớp “thầy giáo làng” ấy đều bị lầm kiểu như thế. Sau này ngay cả những người nối tiếp họ như Khrusov, Brejnev, Gorbatsov… cũng đều “lầm” như thế. Họ tàn bạo với những ai chống lại họ, thậm chí suy nghĩ khác họ, chỉ vì họ cho rằng, “vì sự nghiệp vĩ đại đến như thế, có hy sinh vài chục triệu người cũng đáng thôi”. Còn gì bằng biến trần gian thành "Thiên đường trên Trái Đất". Thực hiện ước mơ của hàng trăm hàng ngàn thế hệ loài người từ thời cổ xưa ! Thật vô lý cái đám thương nhân khôn khéo ranh ma, chuyên lừa lọc lại kiếm được tiền như rác và chi tiêu phung phí, nhà lầu xe hơi, trong khi mình là trí thức (họ cho họ mới thực sự là trí thức) thì như Mác có lần chua chát nói : “Không ai nói nhiều về tiền như tôi, một kẻ hiếm khi có nó trong túi”.
            - Chà, tôi thấy cách lập luận của Cụ “có vẻ” có lý. Tôi thử nhớ lại thời bao cấp, vào cái thời chưa đổi mới, chưa có kinh tế thị trường thì ra sao ? Tôi thấy hồi ấy… các vị lãnh đạo ngồi trên cao, ăn toàn cao lương mỹ vị, đi đến đâu cũng được tung hô, được bốc lên là “sáng suốt”, là “đạo đức”
            - (ngắt lời) Thì bây giờ cũng vẫn thế.
            - … nên các vị ấy chẳng biết thực tế cuộc sống nhân dân ra sao. Mãi đến khi Bí thư Thành ủy Hồ Chí Minh báo cáo lên, mới đầu các quan lớn nằm ở Hà Nội không tin… Nhưng rồi ông Trường Chinh thấy trong Nam cứ liên tục phản ảnh ra, bèn quyết định tổ chức một nhóm trực tiếp vào điều tra “thực địa” xem thực hư thế nào. Trước hết đến thành phố Hồ Chí Minh, rồi mấy thành phố gần đấy xem thử. Sau khi nghe Thành Ủy trình bầy rồi tham quan một loạt cơ sở sản xuất, dò hỏi kỹ sư, công nhân, vị Tổng Bí thư mới bừng tỉnh.
            -  Đổi Mới đúng là một chủ trương đúng, đưa chúng ta thoát ra khỏi cái bế tắc ấy. Nhưng đáng tiếc người “đổi mới” kiên quyết nhất lại đột nhiên chết, chỉ do ngã cầu thang ! Và đám bảo thủ lại trỗi dậy. Và đưa một thằng, thằng này thì đúng là ngu, và “hèn” lên thay để dễ bề thao túng. Thằng công nhân lâm nghiệp này chất phác nhưng hèn và tôi nghĩ hắn không trong sáng chút nào.
           - Hèn thì làm sao trong sáng được ?
          - Dưới quyền thao túng của một tay đội trưởng công nhân cao su luồn lách giỏi, leo lên, dám dùng nhiều thủ đoạn bất lương, đất nước khá lên được vài chục năm, rồi sau đấy lại bế tắc. Gần đây tôi thấy có vị lãnh đạo nhận định, đổi mới như thế chưa đủ, phải đổi mới thêm nữa, mạnh nữa. Ý ngầm của lão ta là bỏ cái đuôi “định hướng” đi. Đã áp dụng kinh tế thị trường thì phải tuân theo mọi quy luật của nó, theo tất tật. Mới nghe thì thấy rất hay, vì nếu làm như lão ta nói thì chẳng bao lâu nữa chắc chắn chúng ta sẽ đuổi kịp mấy nước bên cạnh, rồi vượt xa nữa, xa nhiều, đến mức có thể so sánh được với Hàn Quốc. Nhật Bản… Nghe mà sướng tai. Nhưng hôm qua lướt mấy trang web, tôi thấy lo : ít năm nay, từ ngày “đổi mới”, nạn ăn gian nói dối tha hồ phát triển, bây giờ không còn tin ai đựơc nữa. Cái gì cũng “phong bì”, cũng “lót tay”, kể cả những việc nhỏ nhất. Và nếu kinh tế thị trường được đẩy mạnh nữa thì không biết sẽ ra làm sao ? Khéo tôi muốn nhờ bà lão rót cho cốc nước cũng phải “lót tay” mất ! Thật đáng sợ…
          - Đấy là do nạn tham nhũng ! Mà tham nhũng là do luật pháp láo toét, xử bậy xử bạ… Công an làm thay tòa án, muốn bắt ai cứ bắt, Tòa đành phải đồng ý, vì “anh A, B, C…đã có ý kiến là cần bắt…” Tòa mà không chịu thì mất chức, cho thằng khác lên thay. Dốt cũng đươc, Ngu cũng được, Tham cũng được. Miễn là tuân theo đúng lệnh “trên”…”lệnh anh A, anh B, anh C…” Cho nên tôi cho rằng toàn bộ vấn đề là ta chưa có bộ máy tư pháp nghiêm minh
         - Nhưng với kiểu lãnh đạo một đảng như thế này thì đào đâu ra thằng “nghiêm” với chẳng “minh” ? Thói tham nhũng đầu tiên là từ lãnh đạo. Càng cấp to càng tham nhũng khỏe. nó quá tràn lan, xuất phát từ tầng lớp lãnh đạo, rồi lan ra, lan nhanh như bệnh dịch, khiến con người không còn tin ai, tin vào cái gì nữa. Tham nhũng len lách và khống chế cả những lĩnh vực tưởng là “vô can” như giáo dục, y tế…
           - Về mặt này, phải thấy lão họ Lý ở Sing giỏi, trị được nạn tham nhũng, hối lộ…
           - Thứ ấy đáng sợ thật. Nhưng còn đáng sợ không kém là văn hóa – giáo dục!
          - Chà, Cụ nói có lý đấy. Tất tần tật ! Giáo dục thì khiếp rồi. Tôi có mấy đứa cháu đi học mà đôi khi hỏi chúng đâm phát chán. Lâu nay đành buông xuôi, mặc kệ, không dám hỏi nữa. Dạy chẳng ra dạy, chỉ lo bắt học sinh đóng góp… Y tế thì coi như vứt mẹ nó đi. Cái con mụ Kim Tiến tài ba hay tư cách thế nào mà đưa lên không biết, khiến cả ngành bệ rạc tan hoang đến thế, hả Cụ ?
          - Riêng về văn hóa thì tôi đau nhất : mấy cái lễ hội vừa rồi thể hiện rõ nhất cái tâm lý “kiếm tiền bằng mọi cách”. Làng Cổ Mễ nằm sát làng tôi có cái đền Bà Chúa Kho, thuở nhỏ bọn trẻ ranh chúng tôi hay vào chơi, chỉ là một ngôi đền nhỏ, rác rưởi… Ấy thế mà một hôm gần đây về thăm quê, thấy khủng khiếp quá, bãi để xe to như bến xe Mỹ Đình… Nhà nghỉ, quán hàng mọc lên xan xát, xanh đỏ lòe loẹt phát khiếp lên được… Quảng cáo chăng kín hai bên đường… Dân làng kể lắm chuyện lố lăng đến phát khiếp. Bà em họ kể mỗi đợt lễ hội, dân hai làng tôi kiếm tiền như nước, chỉ cần bầy ra một quầy bán cỗ, mỗi mâm giá vốn chỉ chừng hơn trăm bán được bạc triệu… Ôi, nhưng đấy là cái giá phải trả, Cụ ạ. Chứ Cụ định quay lại thời bao cấp, đói nghèo hẳn ? Cái thời ở Hà Nội mọc lên đủ trò lưu manh, nhạc xanh nhạc vàng đủ kiểu. Ông bạn tôi có đứa con trai, học cấp 3, liên tục bị Công an tóm, lại nhờ cậu Đội Trưởng đội kịch Sở Công an xin hộ. Một hôm tôi hỏi cậu ta : “Nó phạm tội gì thế ?” Cậu ta cười :”Tất cả các tội của đám choai choai phạm, nó phạm hết. Em nể bố nó quá đành xin hộ…” May mà anh bạn tôi sau chạy được cho con “xuất ngoại”, học một trường nghệ thuật, cốt để thoát. Ngờ đâu về nước gặp mấy cái may, nay thành nổi tiếng lừng lẫy. Thằng bé bản chất không xấu, không hư nhưng thích đàn đúm lại nhẹ dạ nên bị bạn bè rủ rê…
          - Tuổi trẻ mà ! Thông cảm được thôi. Chà, “bao” với chẳng “cấp”  ! Lúc nãy Cụ bảo Duẩn “ảo tưởng” hoặc “ngu”, nhưng tôi lại thấy hắn muốn làm “lãnh tụ” : “Bác già rồi, bác nghỉ đi, để anh em chúng tôi lo !” Nghe đâu hắn nói với Ông Cụ như thế. Chà ! Hắn muốn làm “lãnh tụ vĩ đại”, vượt cả ông Hồ. Nhưng do ngu cho nên hắn thất bại thảm hại, đất nước nghèo đi, dân tình khốn khổ. “Ôi, sao lại thế nhỉ ?” Đúng lúc ấy, nhà thơ cộng sản bèn thấy thời cơ của y đã tới, bèn “chớp” luôn. Y bảo Duẩn : “Về chính trị, quân sự thì đồng chỉ giỏi, nhưng về kinh tế thì đồng chí lúng túng. Cho nên hãy để bọn tôi lo. Tôi không giỏi về kinh tế, nhưng tôi biết những tay giỏi về kinh tế. Tôi sẽ tập hợp họ lại và xoay chuyển tình hỉnh. Tưởng thế nào, y vời Trần Phương, tuy mang danh tốt nghiệp Trường Kinh tế cúa Trung Cộng, nhưng như hồi hắn học Bưởi, anh em đặt cho hắn biệt danh “Phương Họa Mi” vì hắn hót rất hay nhưng rỗng…nhấc lên chức Phó Thủ tướng. Rồi cùng với Trần Quỳnh vẽ ra cái nghị quyết GÍA-LƯƠNG-TIỀN, thất bại thảm hại, đẩy nền kinh tế nước ta xuống đến đáy !
          - Dân có câu vè : Trần Phương, Trọng Chuyến, Trần Quỳnh, còn ba thằng ấy dân mình đói to !
          - Đấy, thực chất thời bao cấp là như thế đấy… Không chỉ kinh tế lụn bại mà cả văn hóa cũng bệ rạc theo…
            - Chà, khó đấy. Bao cấp cũng chết, thị trường cũng chết. Khó nhỉ ?
            - Thị trường sao lại chết ?
            - Chà, lại sang vấn đề khác rồi. Ta để mai, được không, Cụ ?
            - Đúng. Ta ra đây để đi bộ và thở hít khí trời, đâu phải để bàn chuyện thế sự. Mà Cụ với tôi săp “nghẻo” rồi. Lo sức khỏe là chính. Nào, ta đi bộ, hoa tay hoa chân và hít thở đôi chút…



I


...


            - Hôm trước tôi đọc thấy cái câu Lê-nin nói ra cuối đời, năm 1923, tức là trước khi mất chưa đến một năm, tối hôm qua đọc lại. Câu ấy đại khái là “Phải thừa nhận chúng ta đã thất bại. Không thể ngay một lúc thay đổi một nếp sống đã bắt rễ hàng ngàn năm của người dân Nga. Cũng có thể dùng biện pháp cưỡng bức để buộc người ta thay đổi, nhưng như thế nước Nga sẽ biến thành một bể máu…[i]


            - Câu ấy tôi có đọc, tôi nhớ là đăng trên báo “Văn học” của Liên Xô vào cuối năm 1989, tức là vào thời điểm tình hình Liên Xô đang hết sức rối ren, những “quyết sách” của Gorbatsov tưởng đem lại trật tự, ai ngờ chỉ làm rối thêm. Và hơn một năm sau, ông ta phải từ chức, và nhân danh Tổng Bí thư Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Liên bang Xô-viết tuyên bố chấm dứt sự tồn tại của cái Đảng to lớn ấy …


            - Trước khi qua đời, Lê-nin nói ra câu ấy, chính vì ông ta có tham vọng sau khi “cướp” được chính quyền sẽ tiến hành thay đổi tận gốc cách suy nghĩ của người dân Nga thành cách nghĩ tự do, dân chủ, phóng khoáng, theo kiểu đã định hình ở Phương Tây, mà nhờ nó đã thúc đẩy khoa học kỹ thuật phát triển.
            - Tức là “cải tạo” cách nghĩ cũ kỹ, tủn mủn, đầy chất mê tín và sùng bái bất cứ ai “có sức mạnh” (tiếng Nga là сильные) theo hướng cho phép mỗi người đều có quyền tự do quyết định cuộc đời mình, chứ không còn bị lệ thuộc vào dư luận, ép mình trong khuôn khổ gia tộc, làng xóm…
            - Nước ta cũng đang rất cần sự thay đổi như thế. Cụ tán thành không ? Hễ ai dám dũng cảm tự quyết định cuộc đời mình thì bị phê là bỏ mất truyền thống “thuần phong mỹ tục”…
            - Mấy cái chữ “thuần phong mỹ tục” ấy nghe bùi tai nhưng chẳng khác gì thuốc độc làm lớp trẻ không dám sống theo ý riêng của chúng. Chỉ sợ bị đám già mắng mỏ… Ăn mặc kiểu nào thì mặc xác chúng nó chứ, phải không, Cụ ? Tôi biết ở Pháp có một thành phố tôi quên mất tên… Tổng thống Pháp đã ra quyết định cho phép quy định mọi người trong thành phố ấy không ai được mặc quần áo. Tất cả cứ tồng ngồng ra chợ mua bán, vào siêu thị, lên xe buýt… Mà có phải ai cũng có thân thể đẹp đẽ như hoa hậu đâu. Nhiều bà thỗn thện, đùi thì to tổ bố… nhiều ông bụng phệ trông phát khiếp lên được, nhưng vẫn không được mặc quần áo… Để tôi tìm lại trong Gu-gần xem cái Thị trấn ấy tên là gì nhỉ. [ii]
            - Chà, kiểu như Cụ với tôi mà nhìn cũng thấy chướng, tại chưa quen mà.
            - Cụ Lê-nin nói đúng, tập tục từ hàng ngàn đời, đâu dễ dàng biến đổi…
            - Mấy vị tôi biết, suy nghĩ theo kiểu già nua, vin vào là “truyền thống”, chê trách đám trẻ hết lời rồi đổ lỗi cho gia đình không giáo dục, nhà trường không khuyên răn…
            - Khốn khổ ! Định o ép con người ta đến bao giờ không biết !
            - Sao mấy thằng cha ấy lạc hậu thế nhỉ ? Thế kỷ 21 mà bắt đám trẻ sống theo kiểu thế kỷ 19…
            - 19 gì ? 17, 16, 15… ấy chứ. Ngày xưa Cụ có học câu “Con ơi muốn nên thân người, lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha. Gái thì giúp việc trong nhà, trai thì đèn sách để mà kịp khoa…” Này, Cụ ạ, tôi vừa đọc báo thấy ở Phần Lan lại vừa tiến hành cải cách giáo dục bước nữa, từ nay các môn Toán Lý Hóa đều không bắt buộc. Thầy trò ngồi thoải mái trong phòng học trò chuyện trao đổi và tranh cãi bình đẳng…
            - Ôi, tôi mong ước trường của ta được tổ chức như thế quá. Tôi nhớ cách đây khá lâu, đọc thấy một bài trên báo Văn Nghệ của ta. Có một ông ca tụng cách xưng hô “thầy – con” và lý lẽ “không thầy đố mày làm nên”… Đọc xong, tôi tức quá, liền viết một bài phản bác, nhưng ông Tổng biên tập đọc xong bản thảo, cười, bảo : “Anh nói mạnh quá ! Mới quá ! Chưa được đâu !” Và đề nghị tôi rút !
            - Nhân đây tôi kể lại một kỷ niệm nhỏ nhé. Tôi đã kể với Cụ, tôi sống trên Thượng du, lên sáu tuổi, đến năm phải đi học mới được cha tôi cho về quê sống với ông bà nội. Tôi thấy dân làng lạc hậu quá. Và tôi rất khó chịu lối xưng hô. “Tại sao lại là “con” nhỉ  ? Ông ấy có đẻ ra mình đâu ?” Thế là đến lớp, thấy đám bạn cùng học lớp Đồng ấu, hồi ấy gọi là Classe Enfantine cứ xun xoe vây quanh thầy, nịnh thầy, tôi tránh. Chỉ khi bất đắc dĩ lắm. buộc phải “thưa Thầy” tôi mới xưng “con” cho qua quít, vì thầy có cái roi ! Và ông thầy của tôi về sau cũng cảm thấy thế, nhưng vì cha tôi cũng từng là thầy giáo và giỏi hơn thấy kia, cụ tốt nghiệp Trường Sư phạm của Pháp hẳn hoi, và tôi lại học giỏi, bài làm nào cũng tốt, không để thầy có cớ dùng roi, hay thước kẻ… nên dần dần thầy cũng nể, lờ đi… Tôi thú thật với Cụ sau này gặp lại bạn thuở nhỏ, kể lại những kỷ niệm đẹp về các thày, tôi chỉ nghe không nói, vì ngay hồi ấy tôi đã thấy nhiều thầy dốt hơn tôi. Chẳng là nhà tôi rất nhiều sách và tôi rất ham đọc, hiểu nhiều thứ hơn thầy…Cả về khoa học, lịch sử…
            - Chà, trở lại chuyện Lê-nin. Bi kịch, đúng là bi kịch. Ý định thì tốt, thì “trong sáng” nhưng thực hiện thì không xong, toàn hỏng.
            - Vì bản thân cái ý muốn ấy tốt, nhưng “viển vông”. Tôi thấy ai dùng hai chữ “viển vông” ấy chính xác quá, khó tìm được chữ gì thích hợp hơn.
            - Thì Ăng-ghen sau khi Mác mất, có nói hồi thảo ra bản “Tuyên Ngôn Cộng Sản” hai ông còn trẻ, còn nhiều ảo tưởng…
            - Có lý. Năm 1848 ấy cả hai ông đều chỉ 30 tuổi ! Nhưng theo tôi, nguyên nhân thất bại chính của nó là thời thế đã thay đổi mà do bị coi là “đạo” cho nên không ai dám sửa.
            - Không chỉ thất bại mà từ tốt thành xấu, từ nhân đạo thành vô nhân…
            - Tôi cho rằng nguyên nhân chính là do họ, mấy thầy giáo làng kia, quá tự tin. Tự tin đến mức trở thành ác độc, cho rằng chỉ ý kiến mình là đúng, mọi ý kiến người khác là sai, thậm chí là xấu. Thú thật với Cụ, từ thuở nhỏ tôi đã rất ghét cái lối cả vú lấp miệng em rồi. Cãi với cái đám ấy chỉ dại, vừa mất thời giờ vừa bực… Cho nên về sau cứ cuộc trò chuyện nào sắp biến thành tranh luận là tôi lảng, đỡ mất thời giờ vô ịch.
            - Tôi cũng giống Cụ, rất ghét thằng nào cứ khư khư ý kiến của mình, nhưng ghét nhất, và khinh nhất là những thằng còn lấy sức đè người. Lý lẽ chưa đủ còn dùng cẳng chân, bắp tay…
            - Dã man nhất là dùng vũ lực, súng ống, nhà tù…
            - Đúng thế. Đám ấy gọi là dã man chưa đủ, có lẽ phải dùng một từ gì khác độc địa hơn nữa kia, khốn nỗi tôi chưa nghĩ ra…
            - Cho nên cái ông Đại tá “I-nốc” từng được quân Pháp gọi là “con hổ Đường số Bốn… tôi quên mất tên, hình như họ Đặng…
            - Đặng Văn Việt !
            - Đúng, ông Việt khẳng định cái gọi là Chủ nghĩa Mác-Lê thật ra phải gọi là “đạo” vì có toàn bộ giáo lý, rồi hệ thống tổ chức, kể cả những “pháp quan” không thiếu yếu tố nào.
            - “Đạo” ! Hay ! Chính xác !
           - Ôi, trò chuyện với Cụ thì đến tối chưa chắc đã xong. Tôi phải đi bộ thể dục đây. Cụ đi chưa, nếu chưa thì ta cùng đi.



[i] конечно мы провалились...мы должны ясно видеть... что так вдруг переменить психологию людеи, навыки их вековой жизни нельзя.  Можно попробовать загнать население в новый строй силой, но это приведет к  всероссийской мясорубке.”
[ii] Đấy là Cap d'Agde, người ta khỏa thân ở mọi nơi, khi đi tắm biển, tắm nắng, đi mua sắm, hay kể cả là rút tiền tại ngân hàng, mà không một chút ngại ngùng hay xấu hổ.
Bạn có thể bắt gặp cảnh những người “trần như nhộng” đứng xếp hàng trước máy ATM để rút tiền. Tại các cửa hàng bán quần áo, người ta thử đồ, mua đồ và bỏ vào giỏ rồi lại đi ra trong tình trạng không mảnh vải che thân.
Vào buổi tối, Cap D’Agde trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết với các buổi hòa nhạc, những điệu nhảy disco và lễ hội tưng bừng.
Tạm biệt thế giới của vải vóc, khuynh hướng “về với thiên nhiên” của Cap d’Adge nở rộ từ những năm 1950 và kéo dài cho đến ngày nay. Ngay cả trẻ em cho đến người già cũng thích phơi nắng không mảnh vải che trên bãi biển.
Theo đó, rất nhiều gia đình ở nơi khác vẫn thường cho con cái đến đây trong kì nghỉ cuối tuần, với mục đích là cho đám trẻ được hòa mình với thiên nhiên, được tiếp xúc với gió, với nắng, với cát bằng toàn bộ cơ thể; để trở nên gần gũi và yêu quý thiên nhiên hơn.
        Trong khi sự phân biệt đẳng cấp xã hội, sự chênh lệch giàu nghèo diễn ra mạnh mẽ thì ở Cap d’Agde, người ta xóa bỏ tất cả sự phân biệt đó bởi vì ai cũng giống nhau khi cởi bỏ hết quần áo. Được biết, Cap D’Agde được hình thành từ những năm 1970. Tuy nhiên, năm 1973, bãi biển khỏa thân Cap D'Agde mới chính thức đi vào hoạt động. Tại đây có 4 loại hình nhà ở cho khách du lịch bao gồm khu căn hộ, biệt thự ngoại ô, khu cắm trại và một khách sạn có tên Hotel EVE. 

*
Vừa rồi tôi quên nêu nguyên văn câu của nhà nghiên cứu Pháp, về thói "sĩ diện" của người Việt,
nguyên văn như sau : “... Il est cependant un génie, devant lequel les Vietnamiens ne se prosternent jamais et pour lequel ils ne brulent pas non plus la moindre baguette d' encens. Sans doute parce qu' eux-même en sont intensément imprégnés et que chacun d' eux en est un digne représentant sur la terre vietnamienne. C' est le génie du paraitre. Les Vietnamiens sont en effet eux-même de veritables génies du paraitre ou, pour parler à peine autrement, ils possèdent au plus haut point ce génie du paraitre…” Trích của (NOEL LUGUERIN- trong cuốn "Le VIETNAM" (NXB KARTHALA 22-24 Đại lộ Arago 75913 Paris. 1989)