KỶ
NIỆM VỀ “TÔ HOÀI”
I
Nhà văn Tô Hoài mất đã vài năm. Tuy không cố ý theo dõi
dư luận về ông, nhưng rồi tình cờ tôi cũng
đọc được một số bài và cảm thấy hình như chưa ai nói trúng thực chất (hay bản
chất) của ông. Tôi có cảm giác chủ quan là tương đối hiểu về ông nên thấy cần
phát biểu đôi điều, lúc đầu chỉ định “đính chính” một vài nhận định về ông. Tuy
nhiên cầm bút lên tôi lại ngập ngừng, bởi tôi đã đến cái tuổi ngờ vực cả những
điều thuở trẻ tôi đinh ninh là đúng. Nhưng rồi những kỷ niệm cứ ùn ùn hiện ra
trong ký ức, khiến tôi quyết định đặt bút...
Tôi biết tên tuổi ông từ khi đọc “DẾ MÈN…” in trong tủ sách “TRUYỀN BÁ” của Nhà Tân Dân, vào khoảng
năm 1944 thì phải, lúc tôi còn đang một tay cắp cặp, một tay cầm lọ mực… đi học
lớp Nhì Trường Tiểu học Đáp Cầu. Cha tôi thỉnh thoảng cũng có viết văn, nhưng
Người viết hoàn toàn kiểu tài tử và ký tên khác, không có chút tham vọng nào “thành
văn sĩ” ! Điều này về sau tôi mới được biết. (Ai quan tâm chuyện này có thể
tham khảo bài “CHA TÔI” trong blog của
tôi (VUDINHPHONGBLOG).
“DẾ MÈN…” chỉ
là một truyện tôi đọc và hơi thích, chứ không nghĩ nó ghê gớm và giá trị gì lắm
như vài bạn đánh giá. Khi bản dịch sang tiếng Nga của Tkachev hoàn thành và in ấn,
thì cũng chỉ nhà xuất bản “Sách Thiếu nhi” của Liên Xô in và phát hành. Có
nghĩa họ cũng chỉ coi nó là “truyện trẻ em”. Tất nhiên “truyện trẻ con” không
có nghĩa ít giá trị, tuy nhiên lúc ấy đang học Đại học ở Liên Xô, tôi bèn mua
và tặng một số bản cho các cháu nhỏ người Nga, tuổi 12-15, ở xung quanh Trường
thì thấy công chúng độc giả nhỏ Liên Xô tiếp thu “DẾ MÈN” rất lạnh nhạt…
II
Sau khi Chiến tranh bùng nổ (12-1946), tôi nghe tin ông tản
cư theo Tòa soạn báo Cứu Quốc lên Việt Bắc. Năm 1948, tôi có dịp đến cơ quan
báo CỨU QUỐC. lúc ấy nằm trong A.T.K.
(An toàn khu). Hình như thuộc địa phận tỉnh Bắc Cạn, tưởng sẽ gặp ông nhưng
không gặp. Đến năm 1954, tôi chuyển ngành ra khỏi quân đội, về nhận công tác tại
Bộ Văn Hóa, thế nào lại được phân về một bộ phận chuyên lo việc “quản lý xuất bản”.
Đây là may mắn vượt lên trên mọi mong ước của tôi, vốn
thích đọc sách, và thuộc loài “ăn tạp” có nghĩa cứ thấy sách là đọc, hợp “gu”
thì đọc đến hết, hợp nữa thì đọc lại, thậm chí đọc đi đọc lại nhiều lần. Còn thấy
không hợp “gu” thì buông ngay, vớ cuốn khác. (Gia đình tôi có rất nhiều sách và
bằng ba thứ tiếng, Việt, Hán và Pháp.
Ông tôi học “trường Tây” và cha tôi cũng thế. Cả hai đều thông thạo tiếng Pháp.
Ông nội tôi trước khi ra Hà Nội học Quốc Ngữ và tiếng Pháp, đã học chữ Nho nên
giỏi cả chữ Hán. Cha tôi thì tốt nghệp trường Sư Phạm (Ecole Normale) nên nói
và viết tiếng Pháp thạo gần như tiếng Việt. Cả ông nội và cha tôi đều chịu khó
mua sách và mấy tủ sách trong nhà chất đầy sách, thuộc đủ lĩnh vực kiến thức :
lịch sử, địa lý, khảo cứu, văn chương… khoa học -chủ yếu là khoa học thường thức.
Có thể nói tôi lớn lên giữa một đại dương mênh mông, toàn sách là sách, thuộc hâu
như đủ mọi lĩnh vực kiến thức…)
Về Hà Nội, công việc của mấy anh em chúng tôi trong Phòng
Quản lý Xuất bản là nhận bản thảo của các ban biên tập đem đến (bấy giờ các nhà
xuất bản chỉ có bộ phận biên tập, không làm công việc kinh doanh). Chúng tôi tiến hành kiểm tra lại
bản thảo, nếu thấy chỗ nào cần sửa thì liên hệ với Ban Biên Tập nơi ấy, và nếu
cần, có thể gặp gỡ tác giả trao đổi trực tiếp. Khi bản thảo hoàn thành, chúng
tôi cho đánh máy sạch sẽ, làm ma-két, chọn họa sĩ để đặt vẽ bìa và minh họa (nếu
thấy cần thiết), rồi dựa theo công thức của Phòng Tài Vụ, căn cứ vào số trang, định
giá bán lẻ để in vào cuối bìa 4, chuyển xuống nhà in. Thế là tròn nhiệm vụ. Việc
phát hành ra toàn quốc là việc của Phòng Phát Hành…
Tôi học được rất nhiều trong khối công việc “quản lý xuất
bản” này vì nó gần với sách báo cùng các loại ấn phẩm khác, như tranh nghệ thuật
hoặc tranh cổ động, rồi nhạc phẩm và đáng quý nhất là được tiếp xúc với giới
văn nghệ sĩ (không phải chỉ “văn sĩ” mà cả nhạc sĩ (vì có sách nhạc), họa sĩ (chúng
tôi đặt vẽ bìa)... Trong số bản thảo qua tay tôi biên tập và đưa in trong ba
năm ấy (1954-1956), có nhiều tác phẩm nổi tiếng : Người người lớp lớp của Trần Dần,
Vượt Côn Đảo của Phùng Quán, hai tập
thơ Việt Bắc và Ta đi tới của Tố
Hữu, rồi cả Những mẩu chuyện về đời hoạt
động của Hồ Chủ Tịch của Trần Dân Tiên (chính
cuốn này về sau, khi tôi học khoa đạo diễn Trường Đại học Sân khấu Moskva, đã gợi
ý cho tôi “thử” viết thành một kịch bản, theo thể loại biên niên, lấy tên ban đầu
là “KỂ CHUYỆN BÁC HỒ” về sau đổi tên
thành NGƯỜI CÔNG DÂN SỐ MỘT…)
Trong số bản thảo ấy
có tập TRUYỆN TÂY BẮC của Tô Hoài. Chính
đấy là dịp tôi được gặp lại và trò chuyện khá nhiều với ông.. Lần trước, cách đấy
10 năm, cũng ở Hà Nội, tôi đã biết mặt ông nhưng chỉ là “biết mặt” thế thôi.
Hôm ấy tôi đi theo cha tôi đến Nhà TÂN DÂN, cha tôi đã chỉ ông ta cho tôi : “Ông Tô Hoài, tác giả Dế Mèn Phiêu lưu Ký kia kìa !”. Bây giờ tôi được tiếp xúc gần, thậm chí còn trò chuyện nên quan
sát được kỹ hơn. Hôm ấy (năm 1945), ngay cảm giác đầu tiên tôi đã thấy ông là
con người sống giản dị, thái độ hòa nhã, rất dễ mến. Tất nhiên ông không biết
tôi, nhưng tôi biết ông có quen cha tôi, tuy không thân. Vả lại lần trước gặp
ông, từ năm 1945, tôi chỉ nhìn ông thoáng qua, và tất nhiên ông chỉ chào cha
tôi, không để ý gì đến đứa trẻ mười hai tuổi đi theo Người.
Lần thứ hai này diễn ra do công việc, tôi đã trưởng thành
và lại có từng trải ít nhiều, nên tôi có dịp được chuyện trò với ông khá cởi mở,
xung quanh tác phẩm và cả xung quanh chuyện văn chương. Thấy tôi tỏ ý rất thích
mấy truyện trong tập, nhất là MƯỜNG GIƠN,
ông cười, nói đại ý : “Mình không ngờ lại
tiếp tục nghề văn chương được đấy. Năm 1947-48 ra chiến khu, làm báo CỨU QUỐC, thấy
ngòi bút cứ cứng lại, mình đã tưởng không viết được nữa, vì kiểu viết mới là phải
dùng văn chính trị, mình không quen. Đang chán nản. đã tính bỏ nghề thì may
quá, có ông bạn gợi ý thử lên miền núi, nơi có các dân tộc thiểu số… Mình thấy
có vẻ “hay”, bèn xin chân phóng viên thường trú ở Tây-Bắc. Sau thời gian bỡ ngỡ
ban đầu, mình trò chuyện với đồng bào Thái Mường, dần dần thấy nhập cuộc được
vì trong cuộc sống nhọc nhằn của họ có nhiều cái rất khác miền xuôi. Mà tính
mình thì thích những gì khác thường. Thế là mình quyết định viết ra giấy những
chuyện khác lạ ấy. Cậu chắc biết, sở trường của mình chỉ là viết về những tính
cách lạ, những éo le và những “mẩu đời” không bình thường, suôn sẻ, mà trên ấy
thì vô thiên lủng, Bước lên bất cứ nhà sàn, hỏi chuyện bất cứ gia đình nào, cũng
gặp những chuyện khác lạ. Họ yêu đương, lấy nhau, ghen tuông cũng khác dưới
xuôi mình… Bắt tay vào viết, lúc đầu chỉ là những ghi chép, kể lại một mẩu đời,
một số phận, một tình huống, dần dần mở rộng ra rồi chắp nối lại. Viết A PHỦ,
mình đã thấy rất thích tay. Đến MƯỜNG GIƠN thì mình say sưa. Mừng quá : thế
nghĩa là không phải bỏ bút…”
Lúc ấy ông chưa biết tôi là con “Ông Giáo Vân”, nhưng chỉ
qua một lúc trò chuyện tôi càm thấy ông rất giản dị, sống cởi mở nên dễ gần… và
hình như ông đã bắt đầu thấy mến tôi, và tôi cũng mến ông, thấy ông nói chuyện
chân thành, không “kênh kiệu” như một số cây bút khác. Và tôi bắt đầu cảm thấy
trong tính tình ông hình như có nhiều nét gần với tôi.
Sau này
ông có mối quan hệ khá gần gụi, thân tình với tôi, điều mà tôi không thấy bất
ngờ gì nhiều lắm…Tuy nhiên đôi khi tôi cũng tự hỏi : “Giữa ông và tôi có cái gì
giống nhau mà ông quý tôi thế ?” Cuối cùng, sau nhiều lần tiếp xúc, tôi cảm thấy
hình như tìm ra được câu trả lời : “Ông và tôi có cùng một kiểu thái độ đối với
cuộc sống. Hình như thế…” Cho nên khi đọc những bài viết về ông sau này, tôi cứ
có cảm giác chủ quan là người viết chỉ loanh quanh bên ngoài, chưa đi được vào
“bản chất”, nghĩa là chưa đụng được vào cái mà tôi coi là “nét chính” của “con
người” Tô Hoài, cái nét chính đã khiến ông thấy tôi gần với ông và tôi cũng thấy
ông gần với tôi.
III
Cái nét
chính ấy là gì ? Tôi cho rằng, đấy là thái độ “độc lập”, cái ý thức về mình, và
cố không để thứ gì tác động đến mức bắt mình “thôi không còn là mình” nữa. Thái
độ ấy là bất kể hoàn cảnh nào cũng quyết giữ “là chính mình”. Và cảm giác nếu
mình không còn là mình nữa thì cuộc sống không còn lý thú gì và mọi việc mình
làm, kể cả viết lách, cũng trở thành khiên cưỡng và như thể bị cưỡng bức. Đôi
khi áp lực bên ngoài mạnh quá, tàn bạo quá, thì đành chọn cách “nhịn”, “tránh
đi” cho nó qua, vì hiểu rằng “cưỡng lại chỉ dại”, chứ nhất định không chịu thay
đổi bản chất, không chịu “sống khác với mình”, cụ thể là những gì mình đã tâm
niệm cùng những mong ước của mình về tương lai, hoặc quan niệm của mình thế nào
là sướng, là khổ, mình “khỏe” về thứ văn chương nào và thích viết những thứ gì,
vv và vv… Trường hợp họa hoằn, tác động bên ngoài lại “có ích” cho mình, mà
không “bắt” mình phải thay đổi bản chất, không bắt mình không được là mình nữa,
thì có thể khai thác. Chính cái trường hợp thứ hai này làm nhiều người bảo ông
“khôn” và phê phán ông nặng lời quá đến nỗi có lần bất đắc dĩ ông phải viết
trên báo HÀ NỘI MỚI, đại ý : “Bảo tôi
khôn ? Nếu “khôn” tôi đã xin nhà nước cấp một căn nhà, như đã cấp cho bao cán bộ
khác ngang cấp, nhiều khi còn cấp thấp hơn tôi, chứ tôi không phải bỏ số tiền
còm dành dụm được, mua một cái chỗ ở chật chội lại chui rúc trong một ngõ nhỏ
!..”
Mà ông
nói đúng. Ông không “khôn” theo cách người bên ngoài tưởng, khôn để lợi dụng, để
“ăn người” mà ông chỉ khôn khi thấy không có hại cho ai, hoặc nếu có hại cùng rất
ít, mà chủ yếu để được sống theo cách mình quan niệm. Một trong những thí dụ là
trong khi làm Tổng thư ký Hội Nhà Văn kiêm Giám đốc Nhà Xuất bản VĂN HỌC, ông vẫn nhận thêm chân tổ trưởng
dân phố, một công việc không ai ép. Vừa công không, vừa vất vả như người ta thường
nói “vác tù và hàng tổng” mà chẳng lợi lộc gì (hồi ấy)… chỉ cốt để “được” biết
thêm nhiều số phận éo le, nhiều tâm sự…của nhiều “kiểu” người, tóm lại là nhiều
chất liệu để viết loại văn mà ông thích và có sở trường.
Một buổi
tối, tiện đường tôi ghé vào nhà thăm ông, gặp đúng lúc ông chuẩn bị “xuống cơ sở”,
thế là ông rủ luôn tôi cùng đi. Tôi ngạc nhiên thấy hình như ông thích thú với
cái công việc “lo cho dân phố” hoặc “vác tù và” ấy hơn là việc lãnh đạo ở cơ
quan văn nghệ ! Hôm ấy ông đến nhà một bác chữa xe đạp, tìm hiểu chuyện khúc mắc
giữa hai vợ chồng bác ta. Sáng nay bác ta đánh vợ đến mức hàng xóm phải đưa bác
gái đi cấp cứu ở Bệnh viện. Tô Hoài trò chuyện với bác chữa xe đạp thân tình như
người trong nhà. Tôi càng thấy rõ tính tò mò muốn hiểu ngọn ngành những phức tạp
trong cuộc sống rồi cùng nhân sự đi tìm cách giải quyết, tò mò và thích thú hơn
cả khi trò chuyện với đồng sự hoặc cấp dưới ở cơ quan Hội Nhà Văn hay Nhà Xuất
bản….
Nhân bàn
đến chuyện “khôn hay dại”, tôi nhớ một buổi trò chuyện khác giữa ông và tôi…
- Tôi thấy
họ bảo anh “khôn” là có lý do… Nhiều khi anh “bắt cá hai tay”, thí dụ như cái lần
anh đã cầm sẵn quyết định và hộ chiếu đi họp ở nước ngoài nhưng vẫn nhận lời
anh em đề cử vào chân Chủ tọa Hội nghị…
Ông cười
;
- Thế nhỡ
chuyến đi bị trắc trở, không đi được nữa thì sao ? Với lại sống ở đời phải
“khôn” chứ. Cậu có nhớ câu chuyện Khổng Từ bàn về khôn và dại khi có người hỏi
: “Người khôn sống lâu hay người dại sống lâu ” không ?
- Có ạ.
Tôi có đọc nó trong cuốn “CỔ HỌC TINH HOA” của Nguyễn Văn Ngọc…
- Thế hả
? Nhưng mình cũng nhắc lại nhé. Một người hỏi Đức Khổng “Người khôn sống lâu hay người dại sống lâu ” Đức Khổng trả lời, đại
khái là : “Khôn mới sống lâu chứ dại làm
sao sống lâu được ? Người ta chết nhiều khi không phải vì hoàn cảnh bắt chết mà
vì không biết lượng sức mình…” vân vân…
‘ -Tôi
hoàn toàn tán thành ! Tôi cũng nhớ và rất thích truyện ấy.
- Một
trong những cái dại khác là có điều kiện để được “là chính mình” mà lại bỏ qua chỉ
vì sĩ diện hão, vì “lương tâm cắn dứt”… Ôi chao ! Lương với chẳng Tâm !
- Tôi nhớ
trong kịch bản biên niên HENRY IV của Shakespeare có đoạn đối thoại giữa hai gã
lính. Một gã bảo :”Tao đố mày biết tao
căm thù cái gì nhất đấy ?” Thằng kia hỏi : “Chịu ! Cái gì ?” Thằng thứ nhất đáp “Lương Tâm !” – Sao mày lại
căm thù nó ? Cái lương tâm ấy ? – Vì
nó làm tao thiệt hại vô kể. Tao kể mày nghe nhé. Tao nhặt được một túi tiền ai
đánh rơi trên đường. Mở ra toàn tiền vàng, Mà nhiều lắm. Tao đang túng, đang nghĩ
làm sao có tiền đong bột mì cho vợ con, đã tính đem về đong ít bột mì cho vợ
con đang đói. Thì cái thằng Lương Tâm khốn kiếp ấy ngăn lại : “Không được. Đấy là tiền của người khác !” Thế là tao cất công tìm người đánh rơi trả lại
cho họ. Được mỗi câu cảm ơn xuông ! Mà thằng cha là một hầu tước giầu nứt đố đổ
vách. Cái túi tiền ấy đối với mình thì quý vì cứu đói được cho mấy mạng, chứ đối
với hắn ta thì chỉ như “muối bỏ bể”.. Rồi
chuyện thứ hai là thằng cha hàng xóm của tao vừa già vừa ốm yếu, lại dị dạng, nhưng
có con vợ đẹp như tiên nga giáng thế, mà trẻ măng. Cô nàng mấy lần gạ tao nhưng
thằng cha Lương Tâm khốn kiếp kia nó lại nhắc tao, không được, làm thế là không
chung thủy với vợ và lại là chơi xấu với hàng xóm láng giềng…” Thế là tao đành
bấm bụng khiến về sau con ả đâm thù tao, cho là tao khinh nó ! Mày thấy tao căm
thù cái Lương Tâm có oan không, hả ?”
Ông Tô
Hoài ôm bụng cười :
- Chí
lý. Cái gọi là “Lương Tâm” ấy tàn hại thật. Giống như bây giờ cái “Lập Trường”…
- Cái “Đạo
Đức” nữa chứ ạ ! Cái mà một anh bạn cùng học ngày trước với tôi định nghĩa là
“cái đạo ở bên Đức”, nghĩa là không làm gì có, giống như người miền Nam bảo : “Có mà đến Tết Công-gô !” nghĩa là không
bao giờ, vì dân Công-gô có ăn Tết như dân ta đâu.
- Đúng thế. Cần thêm cả cái sĩ diện
hão nữa. Những thứ ấy cũng tàn hại khối anh, khiến họ không còn là “chính họ” nữa
mà biến thành kẻ khác. Đang là người thật thà chất phác bỗng thành một thằng dối
trá, tham nhũng… Cái giá ấy nhiều người coi là “rẻ” nhưng mình và hình như cả cậu
nữa, coi là “quá đắt”. Không được là chính mình thì coi như chết rồi. Đúng
không, cậu ? Thế cậu bảo bị những thứ ấy tác động là khôn hay dại ? Ngoài mấy
cái dại Cụ Khổng kể, còn cá dại hai anh em mình vừa nói ra với nhau ấy.
Nói xong
ông lại cười ngặt nghẹo.
Rồi một
lần khác, tôi kể ông nghe môt chuyện vừa xảy ra với bản thân tôi. Chẳng là (năm
1990) tôi mới nghỉ hưu, về tham gia sinh hoạt Tổ Cựu chiến binh Người cao tuổi ở
Phường. Cách đây mấy hôm, nhân bàn về nhà du hành vũ trụ, anh hùng Phạm Tuân (Phường
chúng tôi nằm trong khu quản lý của Binh chủng Phòng Không- Không quân và Phạm
Tuân là tư lệnh Binh chủng.)… Tối hôm ấy, một Cụ bưng ra khay trà. Bọn già chúng
tôi nhấm nháp trà và nhân trăng sáng, tức cảnh sinh tình, một Cụ đề nghị làm
thơ tập thể kiểu thơ “Con cóc”. Mỗi cụ
làm một câu, nối nhau, kiểu “Con cóc
trong hang. Con cóc nhẩy ra. Con cóc ngồi đó, Con cóc nhẩy đi…” Cả mấy lão
già cựu chiến binh có mặt đều khoái cái trò lý thú ấy, nhất trí. Đề tài là “vịnh
Ngài Tư lệnh”, chẳng là ông ta quá tham gây dư luận rất xấu trong quân chủng. Một
Cụ ra câu đầu “Phạm Tuân lên gặp ông Trời.”
Cụ thứ hai tiếp : “Trời hỏi lên đây làm
gì ?” Cụ thứ ba tiếp luôn : “Tuân nhe
răng trắng cười khì.” Mọi người im lặng, đang suy nghĩ câu tiếp theo, tôi
ngứa miệng đọc luôn : “Chúng nó cứ bắn tội
gì không lên ?” Tất cả vỗ tay ầm lên. Một Cụ, cựu Đại tá (chúng tôi gọi là
“đại tá i-nốc”) phán “Hay quá ! Chúng nó
cứ bắn tội gì không lên… Hay ! Tuyệt ! Chưa bao giờ tôi thấy một câu thơ
hay và ý nghĩa sâu sắc đến thế ! Chúng nó cứ bắn tội gì không lên ? Hay. Có mà
thằng đần thì mới từ chối một dịp may hiếm có như thế ! Câu của Cụ quá hay ! Đệ
bái phục huynh đấy”
Ông Tô
Hoài lại cười:
- Câu của
cậu đúng là hay. Và cũng trúng vấn đề hai anh em mình hay bàn. Khôn hay dại ?
Nhiều người bảo mình ham chức quyền ! Thì mình có tranh chức của thằng nào đâu,
có đấm đá đứa nào để leo lên đâu ? “Người
ta cứ bắn, tội gì không lên ?” Mà cái chức Tổng Thư Ký Hội hay Giám đốc Nhà xuất
bản thì có gì mà to ? Với lại mình nhận chức ấy không để ăn cắp, nhận hối lộ, để
bắt nạt ai, cũng không để sĩ diện với bà con xóm giềng, nhưng chính nhờ nó mình
có thêm điều kiện thực hiện được một mong ước nào đấy…
- Được
“vẫn là chính mình”.
- Đấy là
một, nhưng còn một mong ước khác. Mong ước gì ? Đố cậu đấy.
- Là dễ
được đi đây đi đó, nhất là đi nước ngoài ?
- Được
“ngao du”…Chính xác ! Mà “ngao du” để làm gì ? Để được tiếp xúc với nhiều loại
người, gặp nhiều cái sự bất ngờ, nghe nhiều chuyện “lạ”… có nhiều dịp hiểu thêm
sự đời, thú vị nhất là người thuộc các dân tộc khác…Bởi cậu đi nhiều nước, thừa
biết rồi : tính cách người Nga rất khác tính cách người Hung, rất khác người
Bun, rất khác người Đức… Ngao du để thỏa chí tò mò. Mà mình là thằng tò mò. À,
mà hình như cậu cũng thế, đúng không nào ? Cậu biết không, chính nhờ cái mác đảng
viên, mác “nhà văn”, rồi cái chức Tổng thư ký, rồi Giám đốc ấy… mình buộc phải
giải quyết nhiều khúc mắc trong anh em, nhân đấy hiểu thêm con người bao nhiêu.
Hơi bận một tý nhưng có ích, rất có ích. Nhất là với một nhà báo như mình. À mà
cậu biết không, họ gọi mình là “nhà văn”, thật ra mình là nhà báo. Nhưng cái
danh hiệu “nhà văn” nghe có vẻ oai hơn và cũng có thêm vài thuận lợi khác, để
ngao du đây đó và cũng để dễ trò chuyện và người ta dễ chân thật thổ lộ tâm tư
thầm kín.
- Tôi tưởng
nhà văn với nhà báo đều viết lách cả.
- Khác
nhau đấy. Nhưng thôi, chuyện ấy ta để lúc khác. Mình có vài cuốn truyện nhưng
thật ra vẫn là nhà báo. Lắm lúc mình cứ suy nghĩ, loại như mình đúng ra là nhà
báo nhưng nhà nước muốn bỏ chung vào một
cái rọ cho dễ quản, nên gọi tất những ai viết là “nhà văn”. Về sau họ đặt ra Hội
nhà báo là tách riêng những người họ thấy phải quản chặt hơn về lập trường chính
trị…
Tôi hỏi :
- Anh
cho phép hỏi, anh quan niệm nhà văn với nhà báo khác nhau chỗ nào ạ ?
- Nhà
văn tài ở chỗ “bịa”, nói danh từ gọi là “hư cấu” ấy, còn nhà bào thì chuyện đời
thế nào cứ viết y như thế, có sang sửa chỉ là “chút ít”.
- Tôi hiểu.
Chính vì thế, mặc dù rất bận việc cơ quan, nhưng anh vẫn nhận thêm chân tổ trưởng
dân phố. Cái chân “vác tù và hàng tổng”
cũng giúp anh hiểu thêm tâm tư, tính nết từng người trong tổ, từ bà bán sôi, bà
hàng xén đến ông chữa xe đạp, anh kéo xe ba-gác… Chứ không phải để xin cấp nhà,
kiểu như thằng cha Nghiên ?
- Đúng
thế. Mà lão Nghiên, không phải lão xin đâu mà “chúng nó cứ bắn tội gì không lên?” Chà câu thơ của cậu chính xác
trong vô vàn trường hợp. Về lão Nghiên thì theo mình biết, lão không cố tình lợi
dụng. Tham thì thằng đếch nào chẳng tham. Thằng đếch nào chẳng muốn lắm tiền,
nhưng Nghiên không phải loại “kiếm tiền bằng bất cứ giá nào”. Mà chỉ vì “chúng
nó cứ bắn…”, à quên, “ cứ cấp” tội gì
không nhận “. Nói rồi ông lại cười ngặt nghẹo…
IV
Chỉ một
câu chuyện hôm ấy cũng đủ làm tôi càng thấy con người ông Tô Hoài rất gần với
con người tôi và giả sử “chúng nó cứ bắn” thì tôi cũng dại gì “không lên”. Mình
không chạy, không đạp thằng này hất thằng kia, nhưng người ta cứ “bắn lên”, cứ
“cấp cho” thì sao lại từ chối ?
Một chuyện
nữa cũng nói lên “con người thật” của ông và tôi càng thấy ông giống tôi. Đấy
là trong một cuộc họp nghe “đồng chí” Tố Hữu huấn thị. Trong khi Tố Hữu dướn
ngươi lên cho đỡ lùn, cho thêm “oai” và lên giọng dạy đời : “Muốn có tác phẩm lớn, tác phẩm chân chính
thì văn nghệ sĩ phải đi sâu tìm hiểu thực tế cuộc sống và phản ánh trung thực
nó… Nó thế nào nói đúng như thế..” Đến đấy bỗng nhiên có tiếng ai nói rất
to bên dưới “Áy chớ, đừng xui dại nhau !” Nhìn, thì ra Tô Hoài. Vị quan lớn,
“lãnh tụ” văn học nghệ thuật, nắm quyền sinh quyền sát văn nghệ sĩ trong tay,
thế mà khi thấy câu ấy tưởng từ miệng “thằng phản động” nào, và tính “mày sẽ chết
với tao” ai ngờ lại là Tô Hoài ! Vị đại quan đành làm ngơ, coi như không nghe
thấy vì cãi nhau với cái lão nhà văn già kia chỉ có thiệt. Vị đại quan đành giả
điếc, tiếp tục lên giọng thao thao những câu dạy đời, hoặc gọi là “xui dại”,
thí dụ phải giữ vững quan điểm Mác-Lê, phải nắm vững phương pháp hiện thực xã hội
chủ nghĩa…
Tôi bổ
xung :
- Cái
phương pháp mà trong một Đại hội Nhà văn Xô-viết thời kỳ “băng tan”, lúc ấy (năm
1961) tôi là sinh viên được ngồi dự thính, văn hào Nga-xô-viết Leonid LEONOV đã
lên án, nguyên văn như sau : “Chúng ta không
có tác phẩm thật sự, đáng gọi là văn chương, chỉ vì chúng ta đã phạm một sai lầm
rất lớn, nếu không nói là lớn nhất : đấy là chúng ta đã tạo cho công chúng một
cách thưởng thức nghệ thuật phi nghệ thuật…” Cái sai lầm ấy chính là phương
pháp hiện thực XHCN…”
Viết đến
đây, tôi chợt nhớ “đừng có xui dại” là
câu ông Tô Hoài đã không chỉ một lần nói với tôi. “Đừng xui dại tớ”… hoặc “Cậu đừng
nghe chúng nó xui dại, bảo cái này
cái nọ là quan trọng nhất. Thật ra theo mình, cái quan trọng nhất là những nhận
xét, ghi chép về những oái oăm, éo le trong cuộc sống, mình gọi chung là những
mảnh đời…bi hùng hoặc hài hước…
V
Thỉnh
thoảng có dịp đi đâu (đến tỉnh nào đấy chẳng hạn), ông hay rủ tôi. Bây giờ nghĩ
lại tôi rất tiếc. Nhiều chuyến đi ông rủ, tôi mải mê nghề đạo diễn hoặc đang viết
một kịch bản dở dang, đã thoái thác, mặc dù mỗi chuyến đi ấy tôi học được bao
nhiêu điều. Và tôi nhớ một lần tôi may mắn được đi với ông một chuyến tương đối
dài ngày, một trong những “chuyến đi” tuyệt vời nhất trong đời của tôi. Trong
chuyến “ngao du” (hoặc gọi là “lang thang” dài gần hai tuần lễ ấy, tôi hiểu
thêm được bao nhiêu điều. được nghe ông bộc lộ bao nhiêu suy nghĩ thầm kín và
nghe ông kể rất bao nhiêu chuyện ly kỳ, éo le… nhưng có thật ngoài đời, đa số những
chuyện ấy ông “moi” được từ miệng những người trong cuộc, và chắc chắn ông phải
có tài “moi” siêu đẳng mới moi được…
Phải nói
về mặt “moi” chuyện, Tô Hoài thuộc loại “siêu”. Ông cứ nhẩn nha hỏi (quan tâm thật
sự chứ không phải “làm ra vẻ” quan tâm), một cách giản dị và chân thành, kèm
theo một tấm lòng thông cảm (bản chất ông hay thương người, rất thông cảm với
những mành đời bất hạnh, những khúc mắc riêng tư… và sẵn sàng giúp đỡ, có khi bằng
một lời khuyên chân tình, có khi cả bằng vật chất…) Nói “moi” có thể gây hiểu lầm,
thật ra đúng là ông muốn hiểu kỹ, hiểu tỷ mỉ, chi tiết, nhưng với động cơ
thương cảm, hoặc tò mò (của nhà báo, của cây bút chuyên viết phóng sự) thật sự…
Cái tính tò mò hết sức đáng quý ấy tôi đã thấy có rất rõ ở một số nhà báo quen
biết của cha tôi, như Vũ Trọng Phụng, và đặc biệt là Ngô Tất Tố…
Cái dịp hết
sức may mắn ấy đến thật bất ngờ, và may mắn thay tôi đã không thoái thác.
Nguyên
do bắt nguồn từ một chuyến đi khác, trước đấy. Không phải với Tô Hoài mà với
Lưu Trọng Lư (nhà thơ). Chẳng là “lấy cớ” chuẩn bị cho Hội diễn Tòan quốc lần đầu
tiên sau thống nhất, lần đầu tiên có cả các đơn vị biểu diễn sân khấu các tỉnh
phía Nam tham gia, tức là gồm cả Trung-Nam-Bắc, dự định tổ chức vào năm 1980, nhà
thơ Lưu Trọng Lư Lư lúc ấy là Tổng thư ký Hội Nghệ Sỹ Sân khấu, kiêm luôn Trưởng
ban Trù bị của cái Hội diễn quan trọng và hứa hẹn hoành tráng ấy, quyết định tổ
chức một chuyến đi kiểm tra các tỉnh, mục đích “nắm” tình hình các đơn vị biểu
diễn đã chuẩn bị đến đâu để tham dự cái Hội diễn quan trọng ấy. Đúng ra phải có
một đoàn, nhưng ông Lư chỉ kéo tôi và một bạn nhà thơ trẻ, lại không phải người
của Hội NSSK mà cả ông và tôi đều rất yêu mến. Hai chúng tôi ngầm hiểu thực chất
đây là một chuyến “ngao du”.
Hôm đến
Lạng Sơn, vì có “nhà thơ lớn” nên cũng như ở nhiểu tỉnh khác, ông Bí thư Tỉnh
tiếp. Không biết do rượu hay do gì, ông Bí Thư vui vẻ ngỏ ý muốn “đặt” một cây
bút của Hội NSSK viết cho một kịch bản về cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, đề tài mà
ông tha thiết và “còn nợ” tiền bối. Trong bữa tiệc có mặt cả Phó Bí thư Tỉnh Ủy
kiêm Trưởng ban Tuyên Giáo Tỉnh. Ông này tiếp lời và đề xuất là mời tôi. Ông hứa
sẽ tạo mọi điều kiện nếu tôi nhận lời. Tôi còn đang phân vân thì ông Lư hích
tôi rồi nói nhỏ “Nhận đi !” Thế là
tôi nhận lời và hẹn tháng sau sẽ lên tận nơi nghiên cứu để viết.
Về Hà Nội,
chuẩn bị lên xứ Lạng, tôi sực nhớ ông Tô Hoài từng “nằm” khá lâu ở Bắc Sơn và
quen biết rất nhiều người (chỉ một số còn sống và đều quá già) đã trực tiếp
tham gia hoặc chưng kiến cuộc khởi nghĩa, tôi bèn đến gặp Tô Hoài, nhờ ông giới
thiệu và cho địa chỉ một số nhân vật ấy để tôi dễ tiếp xúc và hỏi chuyện, kiếm
tư liệu. Nghe tôi hỏi, ông nói luôn :
- Cậu định
đi bằng gì ?
- Bằng tầu
hỏa hoặc xe ca ạ.
- Thế
sao cậu không rủ mình cùng đi ? Đi với mình cậu sẽ được ngồi Volga êm như ru. Bởi
chỉ cần mình phôn cho Tỉnh Ủy là họ cho ngay Volga về Hà Nội đón hai anh em
mình. Và lên đến đấy họ sẽ tiếp hai ta như thượng khách…Cậu tính đi : hôm nào cậu
đi được ?
VI
Quả
nhiên buổi tối trước hôm tôi hẹn với ông, một chiếc xe Volga đen bóng loáng đến
đậu trước cửa nhà tôi. Cậu lái xe cho biết, cứ cẩn thận đến trước một đêm, để
mai đi sớm được. Cậu còn cho biết đã ghé qua nhà ông Tô Hoài và hẹn sáng mai chở
tôi lên đón ông ấy rồi cùng đi. Tỉnh Ủy tiếp đãi hai anh em chúng tôi đúng là
“thượng khách”. Ăn bữa thết đầu tiên xong, ông Tô Hoài ghé tai bảo tôi : “Mình có chủ trương bữa nào nhiều thức ăn thì
ăn thức ăn là chính, cơm là phụ, thậm chí không cần ăn cơm. Còn bữa nào thức ăn
dớ dẩn thì mình lại coi ăn cơm là chính, cốt no bụng đã.”
Cách suy
nghĩ thực tế và “khôn” thể hiện cả về chuyện bệnh tật, khi ông bảo tôi : “Mình nghiệm thấy nhiều bệnh không cần thuốc
cũng khỏi, trái lại có những bệnh thuốc giời cũng không khỏi.” Và tôi biết
ông rất ít khi dùng thuốc, hầu như không dùng bao giờ, nhất là “thuốc Tây”. Cảm
thì xông lá, ho thì ngậm mật ong, và thường ông để mặc, cho bệnh tật hành chán
rồi “buộc” phải rút lui.
Sau mấy
ngày chiêu đãi ở Tỉnh, tôi ngỏ ý đến Bắc Sơn. Ông bảo để ông cùng đi, ông còn
giới thiệu những “cơ sở” cuộc khởi nghĩa ngày trước, và nhất là “bắt” họ (lãnh
đạo Huyện Bắc Sơn) phải cung cấp chăn nệm sang trọng cho cậu… Quả thật, lại xe
Volga chở hai anh em chúng tôi đến Bắc Sơn. Cả ông Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Trưởng
Ban Tuyên Giáo cũng đi cùng để “tháp tùng” và yêu cầu Huyện đối xử đặc biệt chu
đáo với “hai nhà văn”.
Ngồi
trong xe, trong lúc chờ ông Phó Bí thư, ông Tô Hoài bảo khẽ tôi : “Cậu ta (ông Trưởng Ban Tuyên giáo) mới lên
chức, đang tha thiết học hỏi. Cậu ta đưa hai anh em mình đi, đâu phải việc của
Phó Bí Thư hay của Trưởng Ban Tuyên Giáo, nhưng cậu ta thích nghe chuyện của
mình…” Nói xong, ông cười hóm hỉnh : “Cậu
ta khôn thì mới đưa hai anh em mình đi …” Mà đúng thế. Dọc đường, ngồi
trong xe, ông ta hỏi đủ chuyện “để học”.
Hai hôm
sau ông Trưởng Ban Tuyên Giáo về Tỉnh, hai anh em chúng tôi bắt đầu công việc.
Ông Tô Hoài dẫn tôi đến từng “cơ sở” cũ. Tôi không thể ngờ ông hiểu hoàn cảnh từng
người đến thế.Hầu hết đều đã già và lắm bệnh tật. Tất cả đều coi ông như người
nhà và ông hỏi thăm về từng thành viên trong gia đình “Thằng X. lấy vợ chưa ?”
“Cháu L. chưa lấy chồng à ? Cháu năm nay phải dến 19 rồi ấy nhỉ ?” – “Cậu S. có
mấy con rồi ?”… Tóm lại, ông coi họ đều như người thân, hiểu rõ gia cảnh, của cải,
tính nết từng thành viên trong mỗi gia đình… Mà hàng chục gia đình chứ có ít
đâu. Trí nhớ của ông dúng là siêu đẳng ! Thậm chí ông quan tâm và thuộc cả bệnh
tật và hoàn cảnh tình duyên trắc trở của hầu như gần hết các thành viên trong mỗi
gia đình “cơ sở”.
Lúc đầu
tôi tưởng ông chỉ lên chơi và làm “khách quý” của Tỉnh, nhân tiện kiếm cớ để
tôi lên đấy tìm hiểu tình hình nhanh chóng, ai ngờ đến đất này ông như về nhà,
như “về quê cũ”, và rõ ràng ông được mọi người tiếp đón thân tình đến mức làm
tôi ngạc nhiên, rồi thán phục tài “làm thân” với mọi người. Thật ra “bí quyết”
của ông chỉ là thật sự quan tâm đến từng chi tiết trong cuộc sống của họ và tạo
được mối quan hệ gần gụi, thân tình, tin cậy…
Hàng
ngày ông đưa tôi đến một hai gia đình “cơ sở” rồi trò chuyện, thăm hỏi, đồng thời
giới thiệu cho tôi thành tích tham gia cuộc khởi nghĩa ngày ấy, rồi gợi chuyện,
mục đích để tôi hiểu tình hình cuộc khởi nghĩa ngày ấy. Ông còn dành khá nhiều
thời gian dạo chơi với tôi trên các sườn đồi hay trong rừng…và hai anh em trò
chuyện đủ thứ. Ông kể rất nhiều “chuyện đời”. Toàn những chuyện rất lạ và rất
hay. Trong số ấy có vài chuyện tôi nhớ cho đến hôm nay, sau gần bốn chục năm.
Tôi ở đấy,
tìm hiểu tình hình và diễn biến của cuộc khởi nghĩa, đồng thời phác qua dàn bài
cho kịch bản tương lai. Ông Tô Hoài lúc nào cũng đi cùng và trò chuyện với mọi
người, mọi nhà, có vẻ “ngầm” giới thiệu với tôi những chi tiết cần chú ý. Tôi
không ngờ ông lại dành thời gian “nằm” ở đấy với tôi suốt mười hai ngày như thế.
Nhưng những ngày ấy quả là những ngày “tuyệt vời”… hai anh em lúc nào cũng đi
cùng và trò chuyện đủ thứ. Tôi cảm thấy ông cũng thích thú với công việc này.
Chuyến đi giúp tôi hiểu rõ thêm con người ông và càng yêu mến ông hơn. Bên cạnh
đấy, ngoài những “tìm hiểu” về con người và diễn biến của cuộc khởi nghĩa, ông
còn tâm sự với tôi nhiều thứ, đặc biệt là kể tôi nghe vô số chuyện lý thú, rất
nhiều chuyện “lạ” và bất ngờ đối với tôi. Nào chuyện hai vợ của ông Chu Văn Tấn,
ông phải đưa bà hai đến sống ở Đại Từ, và bao chuyện rắc rối xung quanh hoàn cảnh
gia đình, vợ con của ông “tướng” ấy cùng nhiều nhân vật khác nữa.
Rất nhiều
chuyện nay tôi chỉ còn nhớ mang máng và chúng giúp ích tôi rất nhiều trong hiểu
biết sự đời, tâm lý mỗi loại người, những hoàn cảnh éo le. Riêng một chuyện tôi
nhớ rất rõ vì nó bất ngờ đối với tôi, đồng thời giúp tôi hiểu sâu thêm về cuộc
sống, về đời thật mà sách vở thường bỏ qua, nhưng lại giúp ích được rất nhiều
những ai muốn hình dung cuộc sống sinh động, muôn mầu sắc... Đấy là chuyện về
người đã đánh “đòn đầu riên” (ông gọi là
“cú” đánh đầu tiên) trong lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam. Đại khái tôi nhớ
chuyện là như sau :
Chúng ta
đều biết tiền thân của Quân dội Nhân dân Việt Nam là Đội Tuyên truyền Giải
phóng quân thành lập cuối năm 1944, sau đấy tiêu diệt hai đồn Pháp là Phai Khắt
và Nà Ngần. Có một chi tiết như sau. Khi bàn bạc và quyết định, lần ra quân dầu
tiên phải thắng, anh em trong đội bàn nhau “cách” đánh. Đòn Phai Khắt chỉ có
khoảng hai chục tên, là lính khố xanh, chỉ huy là một hạ sĩ quan Pháp. Anh em
thống nhất cách đánh là cho một tốp giả làm lính khố xanh, coi như “thay quân”,
tiến vào rồi trong đánh ra ngoài đánh vào. Kiếm quân phục lính khố xanh thì dễ,
nhưng khó một nỗi là giấy tờ. Tên lính gác tất sẽ hỏi và kiểm tra giấy tờ. Khi ấy
cần một người đánh một “cú” thật mạnh, vào chỗ hiểm khiến hắn chết ngay, hoặc
ít nhất cũng bất tỉnh, không kịp kêu. Nhưng ai ra cái đòn ấy ? Trung đội nhiều
người giỏi võ nhưng bảo đảm đánh một cú hắn bất tỉnh ngay không kịp kêu thì
không ai dám đảm nhiệm. Bàn tính mãi chưa tìm ra người, thì một đội viên đưa ra
ý kiến. Có một ông người dân tộc, chuyên bán cao đơn hoàn tán ở chợ Quảng
Nguyên, chắc chắn rất giỏi võ, vì mỗi lần đến chợ đều đi một bài quyền để thu
hút dân chúng… Hay ta thuyết phục ông ấy giúp. Đội phân công một người giỏi tiếng
dân tộc đến gặp và đề xuất ý kiến. Ông bán thuốc ê vui vẻ nhận lời. Và hôm tấn
công, ông ta cũng cải trang thành lính khố xanh, đi đầu. Khi tên lính gác hỏi
giấy tờ, ông ta đấm một cú trời giáng vào mang tai khiến tên lính gác gục xuống,
bất tỉnh ngay, không kịp kêu cứu. Thế là cả tốp ung dung đi vào và trong đánh
ra ngoài đánh vào, chỉ hai chục phút là làm chủ được đồn. Làm xong việc, ông
bán thuốc ê ấy chia tay. Đội thuyết phục ông ấy gia nhập đội, nhưng ông ấy từ
chối, nói : “Thấy việc nghĩa thì làm thôi !” rồi lại tiếp tục nghề bán cao đơn
hoàn tán.
Tôi hỏi,
bây giờ ông ấy ở đâu. Ông Tô Hoài trả lời, thì ra ông ta là người Kinh, giả làm
người dân tộc để bán thuốc ê. Sau đấy ít năm ông ta cao tuổi, bỏ nghề, về quê ở
Thái Bình sinh sống với con cháu. Ông Tô Hoài kể là chuyện ấy ông nghe chính miệng
ông Giáp kể lại, và ông Giáp còn cho biết đến bây giờ (khoảng năm 1960) người
đánh “cú” đầu tiên ấy đã rất già. Quân đội biết ơn, ngoài việc đề nghị địa
phương chăm sóc giúp đỡ, mà những ngày lễ Tết đều cử người đem quà hậu hĩ về biếu
xén chu đáo…
Và còn rất
nhiều chuyện ly kỳ, sống động và rất “cuộc đời” ấy tôi được nghe ông Tô Hoài kể.
Tạm kết
thúc, và xin nói ngay : ông Tô Hoài theo tôi nhận xét là như thế đấy. Tôi cũng
xin báo rằng rất có thể tôi chỉ nhìn thấy một mặt của ông và cũng có thể cái nhỉn
ấy không chính xác. Nhưng tôi thấy vẫn nên nói ra…
Tết Ất Mùi (2015)
VŨ ĐÌNH PHÒNG