Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

KỶ NIỆM



ĐỐI PHÓ VỚI NGHỊCH CẢNH
Do có một số bạn bè và người thân không may rơi vào nghịch canh, nhân quan sát họ tôi thấy mỗi người có cách riêng làm giảm nhẹ cái nghịch cảnh ấy.

Họa sĩ Phan Tại
Gặp lại anh lúc đã ra tù và nghe anh kể, tôi rất thán phục cách đối phó, đúng ra là cách “xử sự” của anh. Theo anh kể, khi nghe tòa tuyên bố hình phạt, anh đã tự nhủ: “Tù Việt Cộng thì khó mà ra được. Nói năm năm, mười năm hoặc bao nhiêu năm đi nữa chỉ là nói thế thôi, chứ họ muốn giam mình bao lâu cũng được. Quyền trong tay họ, tòa án trong tay họ...” Và anh quyết định, đành phải thích ứng với hoàn cảnh mới, không có cách nào khác. Coi là chuyển sang một cuộc sống mới và coi nó là lâu dài, đừng bao giờ nghĩ đến chuyện “ra”... Nếu một ngày nào đấy được ra thì tốt, còn nếu không cứ ở tù mãi cũng vẫn sống được, quan trọng là phải chuẩn bị tinh thần sẽ ở cho đến hết đời. Vào “trại” Phan Tại bắt đầu coi cuộc sống trong “trại” là bình thường và chấp nhận nó một cách nhẹ nhõm, nếu không nói là “vui vẻ”. Nhờ từ thuở nhỏ đã quen sống kham khổ, lành mạnh và nghĩ rộng nên anh thích ứng được rất nhanh.
Phạm nhân hầu hết là thường phạm, đa số rất táo tợn, và đều trẻ tuổi hơn anh. Phan Tại quan sát, theo rõi tính cách từng người rồi liệu tìm cách “thích ứng”, thí dụ cậu nào có tính nóng nảy thì ta phải điềm tĩnh, không kích thích cái nóng nẩy ấy lên, cậu nào lành nhưng cục tính thì lại phải dùng cách khác, cậu nào thích “hưởng”, cậu nào thích tri thức, v,v,, Phan Tại cố gắng giữ bình tĩnh và bao giờ cũng có thiện chí nên dễ thuyết phục và cảm hóa bất kể loại người nào. Thêm vào đấy, anh luôn có những lời khuyên nhủ chân thành của một người anh rộng lượng, quan tâm và muốn điều tốt cho “đối phương”. Chỉ sau một tuần đầu tiên, cả phòng, rồi cả trại đều mến anh. Tất nhiên nguyên nhân chính là Phan Tại bản chất tốt, không kiêu căng, hợm hĩnh, không khinh người, rất kiên nhẫn và rộng lượng, dễ thông cảm và tha thứ cho những thiếu sót của người khác, kể cả những ai có tính cục súc, hay gây gổ. Cách xử sự ấy không chỉ giúp anh an toàn mà còn làm những người khác ngày càng hiểu và quý anh, thậm chí biết ơn anh. Anh luôn có ý nghĩ muốn “giúp” người khác, một cách nghĩ chỉ ít người có được.
Thí dụ đi lấy gỗ trong rừng, anh quan sát, suy nghĩ và tìm ra cách khiêng vác nào nhẹ nhõm nhất và đi được nhanh nhất, đồng thời lại an toàn, ít khả năng gây tai nạn hay thương tích. Đi lấy lá cọ về làm mái che lán ngủ, anh nghiên cứu và tìm ra cách chọn lá cọ thế nào để không non đến mức dễ bị héo mà cũng không già quá đến mức chóng bị gẫy... và dễ lợp. Dần dần Phan Tại được anh em tù nhân tin cậy và khâm phục, mỗi khi gặp khó khăn thường hỏi ý kiến anh. Lần nào anh cũng cố nghĩ cách giúp họ. Bạn tù dần dần biết ơn, nhận được quà của gia đình thường chia cho “thầy” một phần, có khi chỉ là bao thuốc lá, vài cái kẹo... dù ít dù nhiều anh đều quý và biết ơn.
Để tạo thêm quan hệ thân tình với anh em cùng trại, cũng là tạo cho bản thân mình một cách sống chan hòa, vui vẻ, một cảm giác đầm ấm trong cái cộng đồng nhỏ này, Phan Tại nghĩ ra thêm một “sáng kiến” là kể chuyện. Thế là tối tối và cả những ngày mưa gió, không ra rừng lao động được, anh kể cho họ nghe những cốt truyện hay, thường là ly kỳ, éo le, thí dụ Ba Người lính Ngự lâm của A. Dumas, Những người khốn khổ của V. Hugo, Trà hoa nữ của Dumas-Con, Aivanhô của W, Scott... Thấy anh hiểu biết và tốt bụng, bắt đầu lẻ tẻ có tù nhân nhờ anh hướng dẫn học văn hóa, nhất là ngoại ngữ Pháp và Anh. Những ngày lễ và ngày kỷ niệm, Ban quản lý trại giao anh lo việc trang trí, viết khẩu hiệu, bầy biện hội trường... Anh không nề hà, việc gì cũng làm.
Vốn là người có nhiều phẩm chất đáng quý, lại có nhiều “tài vặt”, nhất là do đã “xác định” không tính đến ngày “ra”, Phan Tại  quen dần với cuộc sống trong tù  và lấy lại được niềm vui, cảm giác dễ chịu ngay trong hoàn cảnh khắc nghiệt. Anh thích ứng tốt đến nỗi sau khi ra tù ít lâu, anh than phiền với tôi là ra ngoài khổ hơn trong tù. Có gì đâu, anh xin việc không đâu nhận, kể cả hợp tác xã thủ công, cuối cùng anh phải ra bãi sông Hồng xúc cát thuê cho đám đầu nậu, xúc đầy một xe ba gác chi được trả công vài đồng, đủ ăn cơm không... Đã vất vả, anh còn bị chúng chửi bới, đá đít, bạt tai mỗi khi anh làm chậm, không kịp xúc đầy cho chúng kéo xe cát lên đê...
          Thêm vào đấy, ra tù Phan Tại còn phải chăm lo cho gia đình. Trong mười mấy năm anh ở tù, gia đình gần như tan nát, vợ không có việc làm (chị rất đẹp, đẹp đến mức hiếm thấy) phải hầu hạ mấy quan chức cấp cao lắm tiền, con cái học hành dở dang và bắt đầu hư hỏng... Và anh nhiều lần bảo tôi : “Lắm lúc mình thoáng nghĩ, chẳng lẽ lại xin quay về “trại”.
          May thay, dần dần anh ổn định được mọi thứ (một phần do bạn bè quý anh giúp đỡ) và lại bắt đầu hoạt động nghệ thuật trở lại... Tôi đã chứng kiến có người học trò cũ của Phan Tại, sống ở Pháp, nhân dịp về nước, ghé thăm thầy, thấy chồng hóa đơn điện nước chất dầy, đã rút ví ra thanh toán một phát hết nhẵn. Nhìn những tác phẩm điêu khắc và những bức tranh, tôi rất phục tài anh, trong số ấy tôi thán phục nhất là bức tượng nửa người nhà văn Nguyễn Tuân. Đúng là Nguyễn Tuân, không thể là ai khác. Từ vầng trán cao, cặp mắt như muốn biết mọi thứ và muốn hiểu tất cả nguyên nhân sâu xa của những thứ ấy...
Mấy năm cuối đời, Phan Tại còn loay hoay tổ chức một đội biểu diễn kịch nghiệp dư, vì ngày trước anh đã từng hoạt động sân khấu và điện ảnh... Anh mời tôi đạo diễn và vở kịch tôi dịch “Con Vịt Mồi” có hai nữ nghệ sĩ bây giờ danh tiếng nổi như cồn...tham gia, đã gần ra mắt khán giả được thì đột nhiên đội bị yêu cầu giải tán... Rất tiếc !

Phùng Cung
Tôi may mắn quen Cung từ trước. Giám đốc Nhà xuất bản Văn học hồi ấy (nhà văn Tô Hoài) đã nói với tôi nhận xét, đại ý : “Thằng cha này thông minh đặc biệt, óc tưởng tượng sáng tạo rất tốt và lại có tính hài hước, chỉ tiếc cách châm biếm của cậu ta dễ làm ngưới khác “nổi máu”. Nhưng mình hy vọng cậu ta sẽ sửa được...
Sau một thời gian chơi thân, gặp Cung gần như hàng ngày, tôi phải ngưng lại vì bị đắm chim trong mớ công việc của Vụ Nghệ thuật, chỉ có thể theo dõi anh từ xa, rồi biết anh bị kết án tù chứ không có dịp gặp lại ...
Cho đến khoảng năm 1978 hay 79, tôi không nhớ... một hôm đang đạp xe trên phố Mai Hắc Đế, bỗng nghe tiếng người gọi to : “Phòng ơi !” tôi ngẩng đầu lên, nhìn thấy Cung đứng trên ban công tầng hai ngôi nhà liền đấy. Anh bắc tay lên miệng nói to : “Lên đây !” Tôi dựng và khóa xe rồi chạy lên thang gác. Cung cho biết mới “ra” chưa được một tuần, rồi trỏ cái ghế tôi đang ngồi “Thi (Nguyễn Đình Thi) cũng vừa ngồi chỗ cậu đang ngồi ấy.” Cung cho biết bây giờ chỉ làm thơ về thiên nhiên về cây cỏ, hoa lá... nói đến đấy anh cười, cái cười chúm chim tôi đã rất quen thuọc, “cho nó lành”... Tôi hỏi sống bằng gì, anh cho biết có một cái máy nhỏ làm đanh (cắt giây thép ra từng đoạn rồi giập cho đầu có mấu), đem ra chợ Hôm bán buôn cho mấy bà có sạp bán lẻ tạp hóa... Nhờ thế, cũng tạm đủ sống. Được cái chị Cung rất thương chồng, tháo vát, chịu khó và đảm đang nên cuộc sống cũng không đến nỗi nào.
Tôi hỏi chuyện trong tù, anh kể : “Tao hay cãi nên bọn giám thị thù, bắt tao ngồi xà-lim suốt”. Nói xong anh cười hềnh hệch, vẫn nụ cười hóm hỉnh bằng cặp môi chúm chím, giống hệt cái hôm (đã lâu lắm rồi, từ ngày anh vừa mới công bố “Con ngựa già của Chúa Trịnh”), anh kể tôi nghe tóm tắt truyện ngắn anh đang viết về một cậu bé mười tuổi, nhà rất nghèo, áo quần rách rưới, bụng đói meo, đêm 30 Tết chen trong đám đông giầu có, ăn diện đi chơi Tất niên, xem chợ Hoa Phố Hàng Mã rồi ra hồ Hoàn Kiếm đón Giao thừa. Thằng bé rách rưới, bụng đói meo nhưng cứ chui lách dưới chân dòng khách đông nghìn nghịt, hy vọng nhặt được đồng xu nào của ai đánh rơi...
          Cái tính bướng và thích cãi lý ấy của Cung, nghe ai nói trái tai là không chịu được, phải cãi, làm anh ta gần như bị cùm chân, xích tay trong xà lim suốt thời gian tù. À quên, hôm ấy anh còn bảo tôi : “Thằng nào ngồi tù chưa đủ mười lăm năm thì đừng có khoe là đi tù nhé ! Tối thiểu là mười lăm năm, mày hiểu không ? Rồi lại cười hềnh hệnh bằng cặp môi chúm chím rất có duyên.

Lê Đạt
Lê Đạt lại khác hai người tôi vừa kể ở chỗ không bướng kiểu Phùng Cung để bị xích tay cùm chân nằm một mình trong xà lim, cũng không điềm tĩnh, khéo léo (và rộng lượng) như Phan Tại. Cái lợi thế của Lê Đạt là “cười” – không phải cười mỉa mai mà là cười tán thưởng, thậm chí thích thú. Cái cười ấy anh có từ thời học Trường Bưởi (trên tôi mấy lớp). Lúc nào cũng cười và cái cười thoải mái, hồn nhiên để lại dấu ấn cho tôi rất lâu sau này... không điệu bộ, giả dối chút nào. Chuyện không đáng cười anh cũng cười, hình như anh nhìn thấy trong mọi sự đời cái mặt “buồn cười” của nó, Cái buồn cười ở đây không mỉa mai mà chân thành, hồn nhiên như đứa trẻ. Thêm vào đấy Lê Đạt rất đồng cảm với mọi người, không kiêu kỳ, mà rộng lượng.  Sau này giao du nhiều với lớp trẻ chỉ bằng tuổi con cháu, anh vẫn bình đẳng thật lòng, chứ không “bình đẳng” kiểu giả vờ.
Lần cuối cùng tôi gặp anh là lúc hai vợ chồng tôi đi dạo xung quanh Hồ Hoàn Kiếm vào một buổi sáng Chủ Nhật. Lê Đạt gọi : “Phòng ơi !” Tôi quay sang và thấy anh, vẫn nụ cười tươi roi rói. Tôi hỏi thăm sức khỏe chị Thúy, anh trả lời : ”Vẫn thế.” Rồi anh hỏi luôn : “Mình vẫn mất ngủ, Phòng ạ, Bây giờ nâng đến ba viên rồi mà vẫn khó ngủ. Có cách nào không ?” Chia tay xong, bỗng tôi giật mình, bận quá, lâu không đến nhà anh nên không biết chị Thúy vợ anh có còn sống với anh không, thậm chí có còn sống không ấy chứ... Trước chị làm diễn viên trong Đoàn Kịch nói Trung ương, hai chị em rất quý nhau và chị có lối cứ gọi tôi là “em” mặc dù chỉ hơn tôi một tuổi. Câu hỏi của tôi liệu có ngớ ngẩn, vô duyên không đấy. Tôi tiếp tục đi dạo bên vợ và suy nghĩ vẩn vơ về một số “đồng môn” học trên và số cùng năm, học ở Trường Bưởi ngày trước và Chu Văn An bây giờ. Sau đấy vài tháng thì nghe tin anh mất.
Tôi còn nhớ hồi tuần báo Văn Nghệ in ở nhà in Lê Văn Tân cuối phố Hàng Bông (bấy giờ mới tiếp quản Thủ đô, chưa “cải tạo tư sản”, vẫn còn nhà in tư nhân. Sau này nhà in Lê Văn Tân này bị “quốc doanh hóa” và đổi tên là nhà in Thống Nhất). Ban biên tập bấy giờ có Xuân Diệu, Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Bính, Lê Đạt... Lúc ấy tôi là cán bộ gọi là “quản lý xuất bản” công tác trong Phòng Quản lý Xuất bản của Nhà In Quốc Gia (tiền thân của Cục Xuất bản hiện nay) và được phân công “quản lý”[i] một số đơn vị thuộc lĩnh vực “văn nghệ”, trong ấy có Nhà Xuất bản Văn Nghệ và báo Văn nghệ, cho nên bao giờ cũng có mặt trong cái đêm in số báo mới.
Những đêm ấy tất cả Ban Biên tập đều có mặt để chờ xem số báo đầu tiên còn thơm mùi mực vừa ra khỏi cỗ máy in kiểu cổ nặng nề... tất cả, người đứng hoặc ngồi trong chiếc đi-văng bọc nệm và mấy chiếc ghế bành kê xung quanh bàn nước. Tôi vừa theo dõi vừa quan sát các thành viên của Ban biên tập. Mỗi người một vẻ. Xuân Diệu thì yểu điệu như con gái lúc nào cũng nghiêng đầu cười duyên như đang chài đàn ông và chỉ đi đi lại lại, hầu như không ngồi, Và lần nào ông cũng đứng chờ bên máy in, đợi số báo đầu tiên in xong là đỡ lấy, hít hít và nói ra vè “ta đây quen thuộc và nghiện loại công việc này”: “Chà, mùi mực thơm quá, các vị ơi !” rồi đưa ông Đang. Ông này lại chỉ ngồi trong ghế bành, vẻ mặt bình thản, nghiêm chỉnh, thậm chí đạo mạo, rất ra dáng đàn anh, và được mọi người trọng thị. Nguyễn Bính thì có vẻ lép vế, chỉ ngồi ở chiếc ghế đầu bàn, nghe và hầu như không nói gì. Người nói nhiều nhất là Lê Đạt, dáng vẻ láu táu, đi đi lại lại, như con rối, lúc nhanh lúc chậm và luôn miệng nói, và bao giờ cũng vừa nói vừa cười, cái cười toác miệng, nhe hai hàm răng không đều đặn gì nhưng rất dễ mến. Sau này trong trại giam, chính cái cười “dễ mến” kiểu ấy làm anh đỡ bị “trù” thì phải, là tôi đoán thế, vì sau này gặp lại anh, mấy lần định hỏi nhưng cả hai anh em đều bị cuốn vào chuyện khác... Lúc ấy anh và tôi có quá nhiều chuyện để nói... từ những kỷ niệm hồi học Bưởi đến bình phẩm về những con người hai anh em cùng quen biết ở Hội, Báo, Nhà xuất bản... Tôi nhận thấy thái độ anh bao giờ cũng công bằng,,, Điều hết sức đáng quý, không dễ có được.

Phùng Quán
          Tôi quen Quán lần đầu tiên hôm anh đem bản thảo tiểu thuyết “Vượt Côn đảỏ” đến Nhà In Quốc Gia, ở số nhà 44 Phố Tràng Tiền, nơi bấy giờ tôi làm việc. Từ ngày chuyển ngành, ra khỏi quân đội, tôi vẫn không hết khó chịu với lối phong quân hàm ta mới học được của quân đội Tầu, khiến việc phân cấp hiện ra lộ liễu : tất cả quân nhân đều mặc quân phục màu rêu, nhưng cấp chỉ huy từ đại đội phó trở lên được phong sĩ quan, áo may bốn túi, còn từ trung đội trưởng trở xuống không được là “sĩ quan” thì áo chỉ có hai túi ngực. Đám bạn bè quen biết chúng tôi mỗi khi nói về ai hay hỏi : “Bốn túi hay hai túi”. Do đấy khi thấy Quán mặc quân phục, tôi chú ý ngay đến số túi và hài lòng khi thấy Quán cũng chỉ hai túi, có nghĩa cũng một giuộc như mình. Và tôi mến anh ngay từ lúc ấy. Thêm vào đấy tôi nhận thấy anh lành hiền, nói giọng Huế nhỏ nhẹ, thậm chí thẹn thò như con gái.
          Bản thảo cuốn tiểu thuyết đã được ban biên tập NXB Quân đội Nhân dân đánh máy cẩn thận, có nghĩa “đã được thông qua” vì chúng tôi không quan hệ trực tiếp với tác giả mà chỉ quan hệ với Ban biên tập các Nhà Xuất bản. Nói chuyện vài câu làm quen, tôi thấy Quán cởi mở, lại trạc tuổi nhau nên dễ gần. Anh về thì tôi bắt tay ngay vào làm nhiệm vụ. Cuốn sách cuốn hút tôi ngay từ trang đầu, vì “Côn Đảo” luôn kích thích trí tò mò của tôi, từ khi tôi hát ca khúc của nhạc sĩ Đỗ Nhuận năm 1946: “Kìa xa xa nơi Côn Đảo ...” ở dàn Ca nhạc Thiếu nhi của Đài Tiếng Nói Việt Nam.
Tôi đọc và rà soát lại bản thảo rất cẩn thận, trong lòng vừa mến vừa phục tác giả. Hai tháng sau sách được in, phát hành và bán rất chạy, chứng tỏ được người đọc hoan nghênh đặc biệt.
          Sau đấy Nhà In Quốc Gia giải tán để thành lập Cục Xuất bản, tôi được cho đi học tiếng Nga tại Trường Ngoại ngữ và không tiếp xúc với giới văn chương, trừ một số ít tôi quen từ trước. Sau đấy tôi được phân về Vụ Nghệ thuật và tham gia vào xây dựng tiết mục Xô-viết đầu tiên “Luba”, đảm nhiệm một vai trong ấy. Từ bấy giờ tôi rất ít gặp Quán và nếu gặp cũng chỉ hỏi thăm qua loa. Cho đến ngày anh bị “nạn”, may không bị tù, chỉ phải ra khỏi Phòng Văn nghệ Quân đội và chuyển sang đơn vị khác nhưng thuộc Bộ Văn hóa, tôi lại có nhiều dịp để gặp anh.
          Do đấy tôi biết cách “đối phó” của anh với hoàn cảnh nghiệt ngã. Ra khỏi Phòng Văn Nghệ Quân đội, Quán xin chuyển đến Vụ Văn hóa Quần chúng của Bộ Văn hóa. Lúc đầu tôi không hiểu tại sao anh lại chọn cơ quan ấy, nhưng về sau thì tôi hiểu. Đấy là nơi anh có nhiều điều kiện tiếp cận cuộc sống, tìm hiểu các loại người... Về đấy, Quán nhận việc bồi dưỡng phong trào và nhiệm vụ của anh là mở các lớp “dạy viết văn, làm thơ” cho những người trình độ văn hóa thấp và có mong muốn “sáng tác”. Hóa ra công việc ấy rất thích hợp với Phùng Quán : con người luôn tìm được tiếng nói chung với mọi tầng lớp người xung quanh. Anh có tấm lòng rộng mở, nhanh chóng thấu hiểu được tâm tư mọi người và thấy trong ấy những nét đáng quý.
          Thỉnh thoàng gặp nhau, anh kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện lý thú anh phát hiện được trong cuộc sống “lang bạt” ấy. Lang bạt vì anh được cử đến đủ các địa phương trong toàn quốc, mở lớp đào tạo, nâng cao trình độ văn chương, thơ phú... hoặc để nói chuyện về văn chương. Công việc này anh thực hiện một cách hào hứng, và các “học viên” hay “thính giả” đều rất mến anh. Tình trạng này dẫn đến chỗ nhiều nữ học viên (phần lớn là nông dân hoặc công nhân nhà máy) từ phục thầy đến yêu thầy. Tính Quán lại “đào hoa” nên nhiều trường hợp “không nỡ” chối từ. Chị vợ anh có lần than phiền với tôi về cái tính mà chị gọi là “lăng nhăng” ấy, rồi chị cười nói thêm : “Anh Quán bảo nếu không thế thì không ra thơ. NHưng em đe : “Ra thơ thì được, nhưng ra cái khác thì không được đâu đấy !”
          Một lần, đọc thấy trong những bài viết của anh một sự việc lý thú, tôi đã xin phép anh mở rộng, tạo nhân vật và viết thành một kịch bản. Quán không những đồng ý mà còn khuyến khích. Và thế là kịch bản “Hoa chanh nở trái mùa” được tôi hoàn thành. Tiếc rằng khi tôi đưa anh đọc, anh nói “Kịch cậu viết rất hay nhưng đấy không phải như mình hình dung. Mình thích những tấm gương can trường, vượt khó kiểu như Robinson trên hoang đảo, chứ mình không thích thú với những con người tâm lý phức tạp, dằng co..,” Kết quả, nhiều đoàn sân khấu lấy về đọc, rất thích kịch bản ấy và nhận dàn dựng, lúc đầu tôi vui vẻ (tất nhiên là vui rồi) đồng ý, nhưng về nhà nghĩ lại, tôi chợt nhớ đến câu nhận xét của Phùng Quán nên cuối cùng quyết định đến Đoàn khước từ và đem kịch bản về cất trong tủ. Sau này Nhà Xuất bản Văn học in tập “Kịch lịch sử và Kịch dân gian” của tôi, trong có kịch bản này, nhiều bạn đọc xong, hỏi tôi : “Kịch hay thế, sao ông không cho dựng ?”

Nguyễn Hữu Đang
Ông Đang là người tôi kính trọng nhất và do quen biết từ lâu, tôi có rất nhiều điều muốn nói về ông, sẽ xin kể trong một bài riêng.

VŨ ĐÌNH PHÒNG


[i] Bấy giờ các Nhà xuất bản chỉ có Ban Biên tập chứ không có bộ phận Trị Sự, công việc “quản lý” này được tập trung vào trong tay một cơ quan trực thuộc Bộ Văn hóa, chính là Nhà In Quốc Gia. Bản thảo được đưa đến Phòng Quản lý Xuất bản trong NIQG để rà soát lại, nếu cần thì liên hệ với Ban Biên tập hoặc tác giả, chỉnh đốn, sửa sang thành một bản thảo hoàn chỉnh. Sau đấy Phòng QLXB chúng tôi tiến hành đánh máy sạch sẽ, đặt họa sĩ vẽ bìa, làm ma-két, định số lượng in, giá bán lẻ... rồi chuyển sang Phòng In. In xong sách được chuyển sang Phòng Phát hành để phân phối theo mạng lưới Hiệu sách Nhân dân ra các địa phương trên cả nước. 

Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

Cha tôi



I
Có lẽ trong bẩy anh em, tôi là người sống với cha tôi nhiều nhất. Tuy nhiên tôi lại biết rất ít về Người.
Không rõ vài ba năm đầu, sau khi chào đời ở Hải Phòng, tôi sống với ai, chỉ biết sau đấy (hình như năm 1935) cha tôi được thuyên chuyển lên Lạng Sơn, chỉ một mình tôi được đi theo Người, còn mẹ tôi thì về quê vì còn phải trông nom anh và chị tôi (tôi là đứa con thứ ba) và cũng chuẩn bị sinh em tôi.
                                               *

Cha tôi là nhà giáo được đào tạo bài bản. Người tốt nghiệp Trường Sư Phạm (Ecole Normale) nhưng không nhận về quê dạy ở Trường địa phương, mặc dù Nhà nước đã nâng cấp trường Tiểu học ở đấy, đang từ chỉ có bậc sơ học lên thành Tiểu học đầy đủ, đưa một loạt giáo viên được đào tạo chính quy về dạy. Cha tôi được khuyến khích về đấy dạy học, nhưng Người thoái thác (tại sao, sau này tôi mới biết) và xin đi .. dạy học ở Hải Phòng. Chính vì thế, trong số bẩy đứa con của cha mẹ tôi, tôi là đứa thứ ba và đứa duy nhất không sinh ở quê mà tại Thành phố Cảng.
                                              *

Năm tôi lên bốn, cha tôi bị điều lên Lạng Sơn, vì theo chế độ công chức hồi Pháp, mỗi người phải có ba năm làm việc ở “thượng du”. Lạng Sơn cũng được coi là thượng du, nhưng đỡ “ma thiêng nước độc” hơn so với nhiều tỉnh khác, như Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La...
                                              *

Thời gian sống với cha ở Xứ Lạng, tôi còn quá nhỏ nên những ấn tượng về cuộc sống ở đấy lưu lại trong ký ức tôi rất lờ mờ. Chỉ còn nhớ cha tôi đem theo một anh đầy tớ, khoảng 14-15 tuổi, gọi là anh Nhỏ, lo việc cơm nước và quét dọn. Mẹ tôi hình như không lên lần nào, nhưng cha tôi, Chủ Nhật và các ngày nghĩ lễ, đều về quê.
Tôi còn nhớ ngôi nhà hai cha con tôi ở khi ấy là của nhà nước Bảo hộ xây cho các công chức thuê, mỗi người một căn nhỏ, có hai phòng và tiện nghi. Đọng lại trong ký ức tôi là nhà xây trên sườn đồi thoai thoải, xung quanh là bãi cỏ trống trải, xa xa một chút là bắt đầu các khu rừng nối tiếp nhau, xa hơn nữa là núi rừng trùng điệp kéo dài đến tít tắp.
                                                       *

Ban ngày người lớn đi làm, đa số không đem theo gia đình, cho nên cả khu nhà gần như không có phụ nữ, trẻ con... “Anh Nhỏ” lại rất ít nói, chỉ cặm cụi làm, nên tôi không biết chơi với ai, chỉ một mình lang thang ngoài đồi, ngắm cảnh rừng núi xa tít tắp và những đám mây trắng trôi lềnh bềnh trên trời cao, chúng kích thích óc tò mò và niềm mơ ước lớn lên được “ngao du” đây đó, đến những nơi phía sau những rặng núi xanh biếc kia.
Cha tôi mua nhiều tạp chí tiếng Pháp, tôi thường lật ra xem tranh ảnh và thả hồn theo ước mơ về những phương trời xa lạ ấy..
                                                            *

Tuy sống với cha tôi, nhưng ít khi tôi giáp mặt Người. Ban ngày Người đi dạy học, đánh tennis xong mới về nhà ăn bữa chiều, tối lại đến Câu lạc bộ tụ tập với đám bạn bè công chức, đọc sách báo, đánh mạt chược, chơi bóng bàn... Lúc cha tôi về thì thường tôi đã ngủ say. Bạn bè cha tôi bấy giờ đều thuộc loại tiểu trí thức Tây học –nhà giáo hoặc viên chức. Được ngày Chủ Nhật nghỉ dạy học, nếu không cùng đám bạn viên chức tổ chức đi tham quan du lịch nơi nào đấy, thí dụ Động Tam Thanh hay Khu nghỉ mát Mẫu Sơn... cha tôi lại về quê để tôi ở lại với “anh Nhỏ”.
Thông thường chiều Thứ bẩy, dạy học xong là cha tôi ra thẳng ga xe lửa và sáng Thứ hai, ở quê lên theo chuyến tầu sáng sớm,  cũng từ nhà ga đến thẳng trường, không ghé qua nhà.
                                                  *

Bấy giờ người ta đã xây xong từ lâu Quốc lộ Một (Route Coloniale No I) trải nhựa, có đường xe lửa chạy song song. Thị xã Lạng Sơn  và quê tôi cùng nằm trên tuyến đường ấy nên việc đi lại nhanh chóng và rất thuận tiện.
Rồi chiến tranh lan đến, quân Nhật tiến vào Lạng Sơn. Nhân dịp ấy, và cũng do bắt đầu bị nhiễm bệnh hen phế quản, sức khỏe giảm sút, cha tôi xin thôi việc dạy học cho nhà nước, về quê sinh sống. Tình cờ năm ấy tôi lên 6, đến tuổi đi học, thế là cũng được về quê. Cha mẹ tôi lúc ấy đã có năm con, sống cùng đại gia đình đông đúc gồm ông bà nội tôi, ba cô và một chú chưa lập gia đình.
                                                  *

Thế là về quê, tôi vẫn tiếp tục sống bên cha tôi. Cũng từ ngày ấy cha tôi bỏ  cách sống giao du bè bạn, Người không đi đâu xa và có vẻ Người thay đổi hẳn tính tình, không còn cười đùa sảng khoái như những năm tháng trước đấy, khi còn dạy học và sống trên Xứ Lạng.
                                              _______

Quê tôi nằm trong vùng hoạt động của nhiều tổ chức phe phái chính trị. Tôi nghe nói trước đấy đã có cuộc khởi nghĩa Bắc Ninh và làng tôi – Đáp Cầu – đã từng có cơ sở của nhiều Đảng phái vận động cách mạng nhằm lật đổ chính quyền Pháp, tiếng vang để lại nhiều nhất là Quốc Dân Đảng của ông Nguyễn Thái Học.
Năm 1945, tôi nghe thì thầm về một ông bác họ, tên là  Hạ Bá Cang  là Chủ tịch Tổng bộ Việt Minh, dưới cái tên Hoàng Quốc Việt, rồi một “ông trẻ” (con cô con cậu ruột với ông nội tôi), tên là Chu Bá Phượng, cũng đang là một trong những lãnh tụ của Việt Nam Quốc Dân Đảng. (Ông là một trí thức, sau này có thời gian giữ chức Bộ trưởng Kinh tế trong Chính phủ Liên Hiệp năm 1946)... Hai phái kình địch nhau ghê gớm, và tất nhiển phái Việt Minh mạnh hơn nhiều và lấn át. Phải chăng vì thế nên cha tôi nhìn thấy thực chất của chính trị và do bản chất nhút nhát, thích yên ổn, Người muốn tránh xa nó.
                                                   *

Từ khi quân Nhật tràn vào Đông Dương và cha tôi xin thôi hẳn nghề giáo, về quê sống, nhất là từ sau ngày Nhật đảo chính Pháp 9/3/1945, Người càng ít nói, lảng tránh mọi người, thu hẹp giao tiếp chỉ trong hai gia đình “hẹp”, nội và ngoại.  Nếu phải tiếp xúc với người bên ngoài, Người vẫn giữ thái độ lịch sự kính cẩn, nhưng xa cách. Tuy vẫn chăm mua sách và chịu khó đọc, nhưng tôi bắt gặp nhiều lúc cha tôi ngồi trầm tư trước cuốn sách để mở. Có vẻ phần lớn là sách khảo cứu... Hình như Người giải trí bằng cách đọc những loại sách “phi văn học”, thay vì sách văn chương. Người chỉ tham gia duy nhất một hoạt động xã hội, đấy là tham gia HỘI TRUYỀN BÁ QUỐC NGỮ, tối tối đi dạy cho những người lớn tuổi chưa biết chữ.

Tuy nhiên nhìn chung cha tôi thay đổi hẳn so với trước kia. Có chuyện gì đã xảy ra với cha tôi ? Nhiều lúc tôi tự hỏi.
                                                  *
Bây giờ nhớ lại, tôi nhận thấy tuy sống với cha tôi suốt tuổi thơ và tuổi thiếu niên, nhưng hầu như không lúc nào hai cha con trò chuyện về bất cứ một vấn đề nào. Tôi hoàn toàn cô độc, tự mình thả hồn cho óc tưởng tượng non nớt và tự tìm cách nâng cao trình độ hiểu biết về mọi mặt theo thích thú từng lúc của riêng mình. Hồi ở Hải Phòng thì tôi quá nhỏ, lên Xứ Lạng thì cha tôi suốt ngày vắng nhà, bây giờ về quê thì Người như thể sống với những suy nghĩ và tâm trạng riêng tư.  Rất may cho mấy anh chị em chúng tôi là đối với gia đình và con cái, Người chăm lo mọi điều kiện cần thiết, từ học hành, thi cử, đến chăm chỉ mua đầy đủ các loại sách báo, nhưng Người không quan tâm con cái đọc thứ gì và tiếp nhận ra sao.

Năm tôi lên 9, cha tôi cũng cho tôi tham gia tổ chức Sói Con (Louveteaux), để tôi rèn luyện những kỹ năng sống cần thiết, nhưng không bao giở Người hỏi tôi tiếp nhận được những gì sau mỗi cuộc cắm trại nơi xa, hoặc tôi thích cái gì, không thích cái gì.

Mẹ tôi thì bận việc buôn bán bên ngoài và cơm nước trong nhà, chỉ đủ thời gian và công sức quan tâm đến anh, chị và hai em tôi, còn để mặc tôi tự xoay xở trong học tập cũng như tìm hiểu cuộc sống. Tóm lại, tôi có cảm giác tôi bị “bỏ rơi”. Anh và chị tôi còn được ông bà nội tôi quan tâm, hai em tôi là gái còn được mẹ tôi chăm nom, riêng tôi, đứa con thứ ba, hình như không ai buồn chú ý. Không lúc nào hai cha con hay hai mẹ con trò chuyện, tâm sự, bộc lộ những suy nghĩ của mình cho nhau.
                                                  *

Thế rồi năm 12 tuổi, tôi tốt nghiệp bậc Tiểu học, được cha mẹ tôi cho sang Hà Nội học Trung học, tôi càng “xa” cha tôi hơn nữa. Tôi chỉ đánh giá cha tôi qua vài biểu hiện rất “bên ngoài” và thường thông qua cách nhìn rất trẻ con của bản thân, nhiều khi phiến diện, giản đơn, kèm theo chút chê trách.

Năm tôi 13 tuổi, khi không khí đã nóng lên đến độ ai cũng thấy chiến tranh sắp bùng nổ, tôi theo mấy anh lớn tuổi trong Ban nhạc Đài Tiếng Nói Việt Nam rủ ra "chiến khu” gia nhập Đội Tuyên truyền Vũ trang, Quân khu XII, một thứ gần như Thiếu Sinh quân. Thế là lưng đeo ba-lô, vai mang (vác thì đúng hơn) đàn, nay đây mai đó trong các làng ở vùng Yên Thế, Bố Hạ, Nhã Nam, Cao Thượng... Thời gian ấy, tôi gần như “cắt hẳn” khỏi gia đình.
Tuy nhiên mấy tháng sau, cha mẹ tôi yêu cầu tôi thôi “công tác” để đi học tiếp tại Trường Trung học Hàn Thuyên, lúc ấy đã “tản cư” ra khỏi thành phố và đóng ở nông thôn. Nhưng tôi vẫn sống xa gia đình, vì nơi tản cư của cha mẹ tôi cách địa điểm của Trường tôi học khá xa
                                                 *

Hai năm sau, 16 tuổi, tôi thi “nhẩy”, và đỗ kỳ thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông, được nhận vào Năm thứ nhất bậc Chuyên khoa cũng tại Trường Hàn Thuyên, lúc này đã được phép lập thêm bậc học này. Nhưng học chưa xong học kỳ đầu thì cuối năm 1949, trong không khí “Chuẩn bị Tổng Phản công” được tuyên truyền rầm rộ, đồng thời nghe tin Nhà nước sắp bỏ hệ thống giáo dục ba bậc hiện nay, thay bằng hệ thống “Chín Năm” theo kiểu Liên Xô, và nhất là sắp thành lập cơ sở Đảng, mà tôi thì rất ghét Đảng, tôi bèn bàn với mấy bạn cùng lớp, quyết định “thoát đi” bằng cách tình nguyện nhập ngũ, vào Đại đoàn 308, lúc ấy là Đại đoàn đầu tiên của Quân đội Việt Nam, nơi nghe nói đang cần “người có học”.
Từ lúc ấy (cuối năm 1949) tôi hoàn toàn thoát ly khỏi gia đình.
                                                   *

Trong thời gian ở bộ đội, tôi được tin cha mẹ tôi về Hà Nội để chăm sóc rồi an táng bà nội tôi, sau đấy ở lại luôn, không ra vùng tự do nữa... Khi về, cha mẹ tôi chỉ đem theo hai con trai út, dưới 10 tuổi, còn để hai em gái tôi đang học trường Hàn Thuyên ở lại học tiếp, rồi từ nội thành cha mẹ tôi sẽ “tiếp tế” ra. Riêng ba con lớn, anh tôi, chị tôi và tôi, đều đã là quân nhân, sống cùng đơn vị.
                                                    -------

Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc ít ngày thì tôi được tin Hiệp định Genève  đã được ký kết. Chính phủ quyết đinh chuyển mấy vạn quân nhân ra ngoài, bổ sung cho các cơ quan Dân Chính. Tôi được chuyển ngành, đến nhận công tác tại Nha Tuyên truyền Văn nghệ (cơ quan sau này thành Bộ Văn Hóa. Sau đấy cơ quan này được lệnh chuẩn bị vào tiếp quản Hà Nội.

Về đến Thủ đô, nhưng phải mươi ngày sau tôi mới được phép về thăm gia đình... sau bốn năm hoàn toàn cách biệt. Lúc ấy cha mẹ và hai em trai nhỏ tôi sống ở số nhà 26 Phố Phùng Hưng...
                                                        *

Tôi  vẫn yêu quý cha mẹ, nhưng cảm thấy cha mẹ tôi đã thay đổi quá nhiều, nhất là cha tôi. Hôm tôi về thăm nhà lần đầu sau khi tiếp quản Hà Nội, mẹ tôi hết sức mừng rỡ, xúc động, tôi thấy Người rơm rớm nước mắt, nhưng cha tôi thì tuy có xúc động nhưng không nhiều và thái độ dè chừng, lạnh nhạt thế nào ấy, khiến tôi bắt đầu cảm thấy có một sự xa cách khá nặng nề giữa hai cha con...
                                                   ------      

Cho đến một dịp, tôi bỗng “phát hiện” một cha tôi hoàn toàn khác với nhận thức của tôi xưa nay. Từ hôm ấy, tôi bắt đầu muốn khám phá và giải thích những nét tính cách mà tôi cho là “tiêu cực” và “lạnh lùng” khó hiểu của Người.
                                                      *

Cái “dịp” vô cùng may mắn ấy xảy ra vào khoảng năm 1982 hay 1983 thì phải. Tôi không còn nhớ chính xác. Khi ấy tôi đã ở tuổi 50, độ tuổi biết nhìn sự đời một cách bình tĩnh và đồng cảm hơn. Sự nhận biết tuy muộn, nhưng cũng vẫn là may, vì giúp tôi thay đổi cách nhìn đối với cha tôi ít nhất cũng trong năm bẩy năm cuối cùng của cuộc đời Người.

Dịp may hiếm có ấy đúng ra chỉ là một cuộc gặp và trò chuyện với nhà văn Ngọc Giao... một “đồng nghiệp” đàn anh, lớn tuổi hơn nhiều, tôi may mắn đã được quen từ trước. Cuộc gặp cung cấp cho tôi nhiều chi tiết trước đây tôi không biết, đồng thời cũng gợi lên cho tôi một cách nhìn nhận bản chất của cha tôi, nếu gọi đấy là “bản chất”... Cuộc gặp còn giúp tôi phát hiện một mẫu người “lạc lõng” giữa một cuộc sống đối với họ quá xa lạ...
                                                         *

Hôm ấy ông Ngọc Giao đến tìm tôi tại nhà riêng, nơi tôi đang cùng vợ và hai con nhỏ sống trong một căn hộ ở tầng Ba Nhà A1 Khu lắp ghép Trung Tự. Mục đích ban đầu của ông rất đơn giản : ông muốn xem những an-bom cũ của gia đình. Tôi trả lời là rất tiếc, trong những năm tháng lưu lạc trên đường tản cư ra vùng tự do (trong thời gian Kháng chiến chống Pháp), do liên tục thay đổi chỗ ở, mọi thứ đã mất dần hết.
- Chẳng lẽ không còn cuốn nào ư ? Ngày trẻ ông thân sinh cậu chụp ảnh nhiều lắm kia mà. Cậu thử cố tìm xem. Nhất định phải còn một vài tấm nào đấy.
Một phát hiện về cha tôi nay tôi mới biết : cha tôi say mê chụp ảnh !
- Cam đoan là không còn một cuốn nào. Hồi Kháng chiến, liên tục thay đổi chỗ ở, bao nhiêu đồ đạc mang theo cuối cùng rơi rụng hết. Áo quần vật dụng còn không giữ nổi, nói gì đến sách vở, an-bom ? Năm 1951, gia đình tôi dinh-tê vào Thành, sau này mẹ tôi kể lại, mỗi người chỉ khoác một chiếc bị cói nhỏ đựng vài bộ quần áo thay đổi.
- Tiếc quá đấy, vì ngày xưa ông giáo là dân chơi và mê chụp ảnh, lúc nào cũng kè kè trên vai chiếc ROLLEIFLEX, thấy gì hay hay là chụp. Tôi mới được xem một số ảnh ông cụ cậu chụp, đã thấy có rất nhiều tư liệu quý. Quý nhất đã bộ ảnh tư liệu được ông ghi lại trong lúc khảo sát cuộc sống và phong tục các dân tộc thiểu số miền núi Bắc Bộ. Ảnh về trang phục, những điệu múa, về đám cưới, đám tang của họ. Thôi thì đủ sắc dân : Tày, Nùng, Lô-lô, Sán Dìu, Mèo, Mán... Nguyên các loại Mán, ông xếp riêng ra từng nhánh : Mán Tiền, Mán Sơn đầu...Mán gì gì nữa tôi không nhớ. Tấm nào cũng được ông phóng to cỡ 18x24 rất đẹp, là những tư liệu rất có giá trị về dân tộc học, bởi đến nay những nét sinh hoạt ấy của họ đã thay đổi, không còn dáng vẻ ngày ấy nữa... Nếu mất thật đáng tiếc.
                                                        *

 Tôi bắt đầu tò mò, hỏi "

- Hồi trước ông có quen cha tôi ?
- Rất quen là đàng khác. Cùng tỉnh Bắc Ninh với nhau mà, chỉ khác huyện. Cha cậu ở Võ Giàng, tôi Thuận Thành, cách nhau chỉ hơn chục cây. Tôi chỉ kém cha cậu vài ba tuổi, lại làm báo nên đi nhiều và quen biết cũng nhiều. Đâu chứ Đáp Cầu, quê cậu, thì tôi đã đến không biết bao nhiêu lần, quen rất nhiều người. Ông thân sinh cậu còn viết văn nữa chứ. Tuần báo Tiểu thuyết Thứ Bẩy đã đăng một số mẩu truyện, phóng sự của ông nhà, có cả thơ nữa.
Lại một phát hiện nữa !
- Ôi, nếu thế, hôm nào phải hỏi ông thêm về chuyện viết lách của cha tôi.
- Thật ra cha cậu viết kiểu amateur, tức là “viết chơi”, “kiểu tài tử” nên không có giá trị gì mấy về tư tưởng hoặc văn chương.
- Thế mà báo lại đăng ?
- Bấy giờ báo lúc nào cũng khát bài. Với lại những thứ ông nhà viết hầu hết đụng đến tình ái, mà độc giả của Tiểu thuyết Thứ Bảy đại đa số lại là lớp trẻ, và nữ giới chiếm phần áp đảo, họ cứ thấy có chữ “yêu” chữ “tình” là mua rồi đem về đọc ngấu nghiến. Không cần sâu sắc, cứ lãng mạn, mơ mộng là hợp “gu” các bà các cô. Chỗ này phải nói thêm là thời ấy văn hóa Pháp đang tràn vào nước ta. Sách báo lãng mạn phát triển dữ dội. Phải nói Tiểu Thuyết Thứ Bảy là một sáng kiến hái ra tiền của ông Vũ Đình Long và cũng cứu đói cho nhiều cây bút, nhất là Lê Văn Trương, và cả Nguyễn Công Hoan...
                                                  *

Tôi chợt nhó đến cái tên VŨ ĐÌNH LONG. Giám đốc Nhà xuất bản TÂN DÂN ở 93 Phố Hàng Bông. Sau này ông Long còn cho ra một loại sách được bọn trẻ chúng tôi rất mê, lấy tên là “TRUYỀN BÁ” trong ấy có mấy cuốn “Dế mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài, thuở bé tôi đọc say sưa rồi nóng lòng chở tập tiếp theo.
                                                 *

-Chẳng lẽ không còn một cuốn an-bom cũ nào ư ? Cậu thử cố tìm xem.
Thấy ông nhà văn có vẻ tha thiết, tôi hỏi :
-Ông cần tìm tư liệu gì ạ ?
-Không phải tư liệu mà là ảnh một người quen cũ của cha cậu mà tôi tin chắc chắn phải có, nếu không chụp một mình thì cũng chụp chung trong ít nhất là một bức, nhưng tôi nghĩ phải trong nhiều bức.
- Ai thế ạ ?
- LÝ LỆ HÀ, một trong mấy người vợ không chính thức của Bảo Đại. Báo HÀ NỘI MỚI đặt tôi viết bài về bà ta. Bài đã viết xong, nhưng muốn có hình bà ta để minh họa. Chợt nghĩ, đến tìm ông Giáo Vân chắc chắn phải có.
“Lý Lệ Hà” ! Cái tên tôi đã nghe thấy. Và tôi chợt nhớ lại một trong vài kỷ niệm để lại dấu ấn rất đậm trong ký ức tôi vì xảy ra năm đầu Cách mạng, năm 1946. Trong số kỷ niệm ấy, có một dính đến cái tên “Lý Lệ Hà”.
- Cái tên gợi tôi nhớ lại một chuyện nhỏ tôi chứng kiến.
- Chuyện nhỏ ? Dính đến bà ta ?
- Vâng.
- Chà, lý thú đấy. Cậu kể lại tôi nghe, được không ?
- Được ạ.
                                                *

-  Hồi ấy tôi đang học năm thứ Hai Trung học CHU VĂN AN. Cha tôi thỉnh thoảng từ Đáp Cầu sang thăm. Một hôm nhân cha tôi sang chơi, hai cha con đi dạo phố. Đang đi trên hè Phố Hàng Bông thì bỗng một chiếc xe hơi loại rất sang ghé vào sát vỉa hè rồi đỗ lại. Một phụ nữ trẻ ngồi trong xe thò đầu ra, gọi to : “Anh Giáo Vân !” Cha tôi ngoái lại nhìn và nhận ra người quen : “Chào Cô !” Rồi hai người trò chuyện với nhau một lúc. Trong câu chuyện tôi thoáng nghe thấy một câu cô ấy nói: “Bảo Đại hồi này mê em lắm !” Chính cái câu này làm tôi chú ý và nhớ cho đến hôm nay.
Lát sau cha tôi và cô ta chia tay. Xe chạy tiếp. Tôi tò mò hỏi : “Ai thế ạ ?” [i] Cha tôi đáp thản nhiên : “Một cô cậu quen hồi dạy học ở Hải Phòng.”
- Bà ấy nói đúng đấy. Hồi 46 Cố vấn Vĩnh Thụy, tức là Bảo Đại, đang mê bà ta. Cậu có nhận xét gì về thái độ của bà ta hôm gặp ông giáo không ?
- Thái độ gì ạ ?
- Kiêu căng chẳng hạn ?
- Tôi không thấy. Lúc ấy tôi chỉ có một nhận xét.
- Cậu nhận xét thế nào ?
- Bà ta có vẻ rất quý cha tôi, gặp lại cha tôi, bà ta lộ vẻ rất mừng rỡ, sau đấy nói giọng rất nhiệt tình, đúng hơn là rất thân tình. Trong khi ấy cha tôi lại dường như hờ hững, thậm chí lạnh lùng, hay ít nhất cũng thản nhiên.
- Gì nữa ?
- Rồi bà ta vẫy tay chào. Xe chạy đi, một mùi nước hoa rất thơm xộc vào mũi tôi. Tôi tưởng cha tôi nhìn theo, nhưng Người vẫn thản nhiên cùng tôi đi tiếp trên hè phố Hàng Bông.
- Nghĩa là bà ta rất quý, nếu không nói là rất yêu cha cậu, nhưng ông thì lại không còn chút tình cảm nào với bà ta nữa.
                                                        *

- Vậy theo ông thì cha tôi ngày xưa có yêu bà ta ?
- Tôi tin là thế. Và mọi người đều nghĩ thế. Tôi không dám khẳng định, nhưng tôi đã vài lần nhìn thấy hai người ôm nhau quay cuồng trong một điệu nhạc ở tiệm nhẩy đầm, bây giờ gọi là khiêu vũ ấy.
- Bà Lý Lệ Hà này đẹp lắm phải không ạ ? Cái hôm năm 1946, tôi không nhìn kỹ, vả lại hồi ấy tôi còn nhỏ, mới 13 tuổi.
- Đẹp. Đẹp lắm ấy. – Sau một chút, ông Ngọc Giao nói. – Bà ta là một phụ nữ rất đặc biệt, tất nhiên là rất đẹp. Rất đẹp ! Chẳng thế bà ta được bình chọn là số Một trong cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở Việt Nam.
- Hồi ấy ta cũng tổ chức thi Hoa hậu ạ ?
- Đúng thế. Cuộc thi tổ chức tại Hà Đông, năm 1938 thì phải. Các thí sinh đều phải mặc áo dài bằng lụa Hà Đông. Tôi đoán kỳ thi Hoa Hậu này có lẽ do đám nhà buôn tơ lụa Hà Đông nghĩ ra để quảng cáo các mặt hàng tơ lụa, và họ chi tiền để tổ chức. Bởi trong cuộc thi hoa hậu đầu tiên này, thí sinh đều phải mặc áo dài bằng lụa tơ tầm Hà Đông ! Kết quả cuộc thi Hoa hậu đầu tiên này, nhân vật dành chiến thắng số dách (số một) chính là Lý Lệ Hà khiến bà ta nổi tiếng lừng lẫy. Nghe nói Bảo Đại được một người trong Hoàng tộc dẫn bà ta đến giới thiệu với Nhà Vua khi ông này đang nghỉ chân ở Sài Gòn và ông ta mê bà ta luôn.
Năm 1945 sau khi ông ta thoái vị và ra Hà Nội nhận chức Cố Vấn Tối cao của Chính phủ Hồ Chí Minh, gọi là Cố vấn Vĩnh Thụy, thì gặp lại bà ta và bắt tình với bà ta. Bà ta cũng đáp lại bằng cả trái tim. Năm ấy Lý Lệ Hà 29 tuổi, đang ở vào thời kỳ nhan sắc nở rộ và quyến rũ nhất trong cuộc đời người phụ nữ. Hai người say mê nhau và suốt thời gian sống ở Hà Nội, không lúc nào rời nhau. Bà ta yêu Bảo Đại đến mức đem cả tài sản, vốn liếng và toàn bộ tiền tiết kiệm ra để “bao” ông ta. Sau đấy vị Cố vấn được cử đi công tác ở Trung Hoa rồi ở lại luôn Hồng Kông, không về Hà Nội. Trong chuyến đi này bà ta cũng đi theo, vừa chung sống vừa “nuôi” ông ta suốt thời gian từ 1945 đến khoảng 1951, khi ông ta được người Pháp đưa về nước làm Quốc Trưởng. Sau này quen thói trăng hoa, ông ta tìm được một bà khác. Lý Lệ Hà bị “ra dìa”. Mối tình khi ấy mới chấm dứt.
- Hồi quen cha tôi, cô Hà ấy làm gì ạ ?
          - Cavalière, tức là vũ nữ trong các Câu lạc bộ Khiêu vũ, thời xưa gọi là “nhẩy đầm” ấy. Cô ta đẹp khủng khiếp đã đành, lại rất có duyên. Nhảy đầm cũng siêu. Anh nào cũng muốn mời. Hay cậu cố lục các tủ, xem còn cuốn an-bom hay tập ảnh  rời cũng được ?
          - Không ạ. Chắc chắn không còn gì.
          - Hay cậu thử hỏi ông nhà xem.
          - Sao ông không tự đến gặp cha tôi ? Hai người quen nhau kia mà. Mà ông vừa nói, cũng hơi thân ?
          - Thú thật với cậu, mình đã đến, nhưng cha cậu khác xưa nhiều quá. Lạnh lùng kiểu lạ ! Mình cũng không hiểu tại sao cùng một con người mà thay đổi nhanh đến thế. Phải chăng...
          - Sao ạ ?
          - Mình đoán cha cậu vốn nhát gan và ngại gặp chuyện rắc rối, dù rất nhỏ, phải bận tâm...
- Cha tôi sức khỏe kém. Bệnh hen xuyễn làm con người ta dễ chán đời lắm. Nhưng ông nói đúng, tôi cũng thấy cha tôi thay đổi nhiều quá. Hồi ở Hải Phòng thì tôi bé quá không biết, nhưng hồi cha tôi dạy học ở Lạng Sơn, ông vẫn còn vui vẻ, cởi mở... Bây giờ thì lạnh lùng kỳ lạ. Kể ông nghe chuyện này. Hồi mới tiếp quản, nhiều bạn cũ cũng tìm đến thăm hỏi và hàn huyên, nhưng cha tôi đều đối xử lạnh nhạt. Thậm chí tôi biết một trường hợp cha tôi mới mở cửa nhìn thấy ông khách đã nói vỗ mặt ngay : “Tôi đã bảo không muốn nhìn thấy mặt ông nữa kia mà !” Rồi đóng sập cửa lại.
- Ông khách ấy là ai ?
- Tôi không biết tên, chỉ nghe nói hồi mới tiếp quản, chính phủ tổ chức Trường Đại học Nhân dân, để tập hợp công chức của chính quyền cũ đến học tập chính trị thời sự và tự kiểm điểm. Ông mà tôi vừa nói đến, trước kia vẫn là bạn thân của cha tôi, nhưng trong một buổi phê bình góp ý trong tổ đã nói mấy câu phê phán cha tôi  nặng lời và chắc là không đúng, rất có thể ông ta nói trong một lúc “nổi lập trường”. Tính cha tôi nhiều tự ái, không chịu nổi những kiểu lên án như thế nên sau đấy đã bảo ông bạn kia : “Thôi nhé. Tôi với anh từ nay coi như người dưng ! Tôi coi như anh không có trên đời và anh cũng nên coi tôi như không có trên đời !” Ông bạn ấy mấy lần đến xin lỗi, cha tôi đều không nghe và đóng sập cửa, không tiếp. Ông kia còn nhiều lần nhờ bạn bè đến xin lỗi giúp, cha tôi cũng chỉ lắc đầu : “Tôi đã quyết định coi như không có ông ta trên cõi đời này nữa. Ông có nói gì cũng vô ích. Đối với tôi, không làm gì có cái ông ấy nữa. Xác định như thế cho nhẹ người...”
                                                         *

          Ông Ngọc Giao buồn rầu :
          - Cha cậu hơi cố chấp.
          - Tôi cũng nghĩ thế, nhưng tính Cụ như thế : cố chấp, rất cố chấp ấy chứ ! Nhưng tạm gác lại cái cá tính ấy mà thử đi tìm căn nguyên xem. Một hôm mấy anh em tôi ngồi trao đổi, anh cả tôi nhận định nguyên nhân sự đổi tính của cha chúng tôi. Nhận định ấy tôi cho là chính xác...
- Ông Hài, Giáo sư Vũ Đình Hải, Chủ nhiệm khoa Tim Mạch Bệnh viện Việt – Xô ấy à ?
- Vâng. Anh ấy là anh cả tôi. Hôm ấy anh Hải nhận định thế này: “Từ khi lớn lên, được rời quê ra học ở một trường văn minh, cậu (chúng tôi gọi cha là “cậu” và mẹ là “mợ”) tiếp thu ngay và cảm thấy rất thoải mái trong cái không khí bình đẳng giữa thầy trò và giữa sinh viên với nhau. Cậu thấy sung sướng, hồ hởi được thoát khỏi cái lồng lẽ giáo, tôn ti trật tự ở quê, giống như Anh Ba khi rời khỏi cái nước Việt Nam, lần đầu đặt chân lên đất Pháp, vừa ngạc nhiên vừa sung sướng kông ngờ được gọi là “monsieur, nghĩa là không ai trên ai dưới, không ai là “chú” là “bác” của ai... Cậu  đựơc sống trong một không khí như thế, sau này giáo sư Nhật TSUBOI gọi là “không khí cộng hòa”, kết quả của Cuộc Cách mạng Pháp 1789 và nhờ công của các triết gia thời Khai Sáng. Cho nên cậu không chịu được cái kiểu đối xử và xưng hô theo tôn ti trật tự. Chắc cậu hình dung nếu về quê dạy, đứng trên bục thầy giáo nhưng ngồi dưới lại có mấy ông “bác”, ông “chú”, thậm chí ông “ông trẻ”...thì biết sưng hô thế nào và nếu bài làm kém có dám cho điểm xấu không ? Đấy là nguyên nhân cậu thoái thác quyền ưu tiên về dạy học ở quê mà xin đi Hải Phòng, một thành phố xa lạ. Trong thời gian ở Hải Phòng, cậu tiếp tục được hưởng cái không khí “Cộng Hòa” nghĩa là  xã hội có luật pháp rõ ràng, xét xử không theo “tình” mà theo “lý”, theo “chứng”. Nhưng từ khi phải thôi việc về quê sống, do bệnh hen phế quản và do cả chiến tranh nữa, thì Cụ thấy lại chui vào cái lồng lễ giáo, tôn ti trật tự mà cậu đã cố gắng tránh cho xa. Thế rồi cái xã hội Cụ đang làm việc, mọi thứ theo đúng tinh thần bình đẳng của luật pháp, bỗng biến mất. Từ ngày cách mạng, nước ta theo chế độ toàn trị (totalitarism) thì không còn luật pháp gì nữa. Hai chữ Pháp chế và Luật pháp chỉ là từ ngữ nói cho vui chứ không quan chức nào coi nó ra cái gì.... Bây giờ Ủy ban Phường, rồi Công an Phường muốn bắt ai thế nào người ấy cũng phải chịu... Gặp đứa xấu làm láo, chẳng biết kêu ai, bởi làm gì có luật pháp ?
                                                      -------

Hôm ấy, nghe anh Cả tôi nói đến đấy, chú em út, là Phó Giáo sư ở một Trường Đại học nói thêm : “Cậu có lần kể chuyện với em, Luật sư Nguyễn Mạnh Tường kể lại với cậu là hồi Cách mạng tháng Tám mới thành công, ông Trường Chinh mời ông Tường đến giảng cho về triết học. Khi ông Tường nói đến tam quyền phân lập, ông Trường Chinh nói, thế thì còn sự thống nhất trong lãnh đạo thế nào được nữa... Thế là thôi, không mời vị Luật sư Tường đến giảng thêm buổi nào cho nữa...
\- Chà...
- Nhân đây, tôi cũng xin kể ông nghe chuyện này nữa. Hồi tôi bắt đầu viết lách, cha tôi bảo : “Cậu nghĩ con không nên đi vào con đường ấy. Xem số phận bác Đang đấy thôi.”  Rồi khi tôi được cử đi học Trường Đại học Sân khấu, cha tôi cũng can, tất nhiên nhẹ nhàng thôi. Cha tôi bảo “Cậu thấy con nên suy tính cho kỹ. Nghề văn nghệ nguy hiểm lắm. Bác Đang bị tù mười mấy năm dấy !”
          - Đang nào ? Nguyễn Hữu Đang ấy à ?
          - Vâng. Hồi ông ấy cùng ông Nguyễn Văn Tố lập ra Hội Truyền bá Quốc ngữ, Đáp Cầu là nơi hưởng ứng tức thì, lập Chi nhánh đầu tiên và hoạt động rất tốt, giúp được rất nhiều người từ mù chữ thành biết chữ, nên ông Đang rất quý và thường xuyên sang quê tôi quan sát, theo dõi, lấy kinh nghiệm của Chi Hội Đáp Cầu phổ biến cho các nơi khác đẻ noi theo. Rồi chính cái ông Đang ấy đã cứu sống ông bác tôi... Chuyện là thế này. Ông Ngô Thế Chùy gọi bà nội tôi là cô ruột, tức là là anh con cô con cậu ruột với cha tôi. Ông ấy buôn gỗ và là người giầu nhất Tỉnh lỵ Thái Nguyên. Để khỏi mất thời giờ, tôi xin tóm tắt như sau. Sau Hội nghị Tân Trào, ông Đang được bầu làm thành viên của Ủy ban Khởi nghĩa (tức là Chính phủ Lâm thời). Do đấy, khi về qua Thái Nguyên, ông được Bí thư Tỉnh Ủy đón tiếp trọng thể. Nhân lúc làm việc, ông Bí thư Tỉnh khoe thành tích “diệt gian” và đưa cho khách danh sách những tên Việt Gian đã bị nhốt và sắp tới sẽ bị bắn. Trong bản danh sách có họ tên ông bác tôi. Tuy không biết người tử tù kia là ai, nhưng thấy họ Ngô và quê quán là Đáp Cầu, ông Đang hỏi, tội gì, Tình Ủy cho  biết, đấy là một tên đại tư sản mại bản. Ông Đang hỏi kỹ rồi bảo : “Như thế chưa đủ kết tội người ta vào tử hình. Tôi đề nghị tha.” Ngay hôm ấy, ông bác tôi được thả, lập tức đưa cả gia đình về quê... rồi “chạy” vào Nam luôn, không đợi đến ngày ký kết hiệp định Genève...
                                                           *

          Ông Ngọc Giao suy nghĩ rồi chuyển sang đề tài khác. Ông vui vẻ hỏi :
- Thế bây giờ cậu nổi tiếng lừng lẫy với bao tác phẩm xuất sắc thì Cha cậu nói sao ? Tôi vừa xem vở cậu viết, do Đoàn Chuông Vàng diễn, quá hay...
          - Thế mà cha tôi vẫn không đổi ý. Miệng không nói ra nhưng trong bụng không tán thành. Một con người khác hẳn với cái thời dạy học ở Hải Phòng, nhẩy đầm với Lý Lệ Hà, phải không, ông ?
          - Nhẩy đầm, đánh tennis loại xuất sắc, rồi chơi kịch...
          - Cha tôi cũng chơi kịch ?
          - Sau khi một đoàn kịch Pháp đến biểu diễn ở Nhà hát Tây Hà Nội rồi xuống Hải Phòng diễn thì một số trí thức ta cũng bắt chước diễn kịch Tây. Lúc đầu là dịch của MOLIERE, RACINE... Sau đấy tự viết. Hải Phòng có ông Vi Huyền Đắc... Cha cậu là một trong những diễn viên đầu tiên của Câu lạc bộ Kịch Tây của Thành phố Cảng. Ôi, cha cậu hoạt động nhiều thứ lắm. Thời lên dạy học ở Lạng Sơn, ông Vân nghiên cứu phong tục các dân tộc ít người, chụp hàng trăm tấm ảnh, và viết hàng chục bài khảo sát và phỏng vấn. Rồi về Đáp Cầu, ông lại nghiên cứu chữ Nôm. Cụ Tố (Nguyễn Văn Tố) nói với tôi, cái bài “Văn tế Cá Sấu” là do ông Giáo Vân tìm ra. Đúng là thời thế thay đổi quá. Những người như cha cậu mà nằm im đúng là lãng phí cho đất nước
                                                                           -----

          Hai người im lặng suy nghĩ.
           Sau đấy, nhân đà, nhà văn Ngọc Giao kể khá nhiều chuyện lần đầu tiên tôi được nghe về “cái thời đã qua” ấy. Nhờ thế tôi mới hiểu thêm nhiều điều về cha tôi. Chỉ kém cha tôi vài ba tuổi và lại cùng quê (cùng tỉnh thì đúng hơn), nên ông biết khá rõ về gia đình bên nội và bên ngoại của tôi, hồi ấy cũng là hai gia đình có “tiếng”, vừa giầu có vừa danh giá. Sau này có một người, anh ruột mẹ tôi, là Đại biểu Quốc hội Khóa I rồi làm đến Phó Chủ tịch Tỉnh. Một người nữa cũng bên họ ngoại làm đến Chủ tịch một tỉnh. Ông biết cả nữ họa sĩ Lê Thị Lựu,  vợ một ông bác tôi, rồi bác sĩ Thuần, con rể một ông bác khác...

                                                               ***

Ông Ngọc Giao trầm ngâm rồi nhỏ nhẹ kể về “thời xưa”. Theo ông kể thì thời bấy giờ Chính phủ Bảo hộ của Đông Pháp (gọi tắt Đông Dương thuộc Pháp), trực thuộc Bộ Hải ngoại Pháp, có hai khuynh hướng tranh cãi và đấu với nhau. Khuynh hướng thứ nhất thiên về khai thác là chính, khuynh hướng thứ hai thiên về khai hóa là chính, cụ thể là muốn biến Đông Dương thành kiểu như một mảnh đất Pháp ở Hải ngoại. Khai hóa có nghĩa nâng cao dân trí, khuyến khích phát triển một tầng lớp trí thức Tây học, để người dân Pháp sang cư trú, có thể yên tâm mang theo cả gia đình và lâu dài, vì thấy xứ này cũng văn minh không khác gì nhiều so với quê hương nước Pháp của họ.

Ông GIAO  kể rằng bắt đầu từ nhiệm kỳ Felix Faure sang làm Toàn Quyền (Gouverneur General)  Đông Pháp (gọi tắt Đông Dương thuộc Pháp), là đảng viên Đảng Cấp tiến, ông này đã làm cho bộ mặt Đông Dương thay đổi hẳn. Xuất hiện Trường Viễn Đông Bác Cổ, Thư viện Quốc Gia, Viện Hải Dương học Nha Trang... thời bấy giờ tất cả đều những cơ quan văn hóa, khoa học lớn nhất Đông-Nam Á. Ông FAURE thuyết phục được rất nhiều trí thức loại giỏi và nổi tiếng người Pháp sang đây làm việc, mục đích chính là nghiên cứu về văn hóa Đông Nam Á, đồng thời kết hợp giảng dạy. Nhiều tư sản Pháp sang đây lập nhà máy, có một số nhà máy rất lớn, như Nhà máy Gach, Nhà máy Say Sát, Nhà máy Pháo.. Đáp Cầu bấy giờ là một trung tâm quan trọng về giao thông và công thương nghiệp là một trong những nơi người Pháp tìm đến nhất.

Về văn hóa  Toàn Quyền Felix Faure chủ trương đẩy mạnh việc cải tạo ngành giáo dục đào tạo bản xứ, tổ chức một mạng lưới các trường Tiểu học và Cao đẳng Tiểu học, cho dân bản xứ, và cả một số trường cho trẻ em Pháp, như Lycée Albert Sarrault dành cho nam học sinh và Trường Felix Faure dành cho nữ sinh Pháp. Nhiều học giả nổi tiêng sau này đã học ở đây như Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Tiến Lãng...và nhiều nhà lãnh đạo Cộng sản nữa, như Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng... Nhờ chủ trương ấy mà Trường Thông ngôn, trước đây chỉ đào tạo nhân viên hành chính nay được nâng cấp thành Trường Sư phạm đào tạo giáo viên của hệ thống Giáo dục Pháp-Việt, và cuối cùng là Lycée du Protectorat (Trường Bưởi).
Ông ta khánh thành Trường Đại học Y, sau thêm Trường Đại học Luật, đặc biệt là Trường Mỹ thuật ĐÔNG DƯƠNG, có công đào tạo nên rất nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi như Nguyễn Gia Trí, Lê Thị Lựu, Bùi Xuân Phái... Cả Thế Lữ, Văn Cao... cũng học tại Trường này. Có thể nói Trường Mỹ Thuật Đông Dương (Ecole des Beaux-Arts) thành như một cái nôi, đào tạo rất nhiều văn nghệ sĩ cho nước ta... Từ đấy, tức là từ thập niên 1920, nhờ chủ trương đào tạo một giới trí thức cho Đông Dương, mà Sài Gòn cũng như Hà Nội là hai trrung tâm được họ chú ý đầu tiên...

                                                  *
- Thì ra thế.
- Đúng. Cha cậu thuộc loại trí thức Tây học. Sau khi tốt nghiệp một trong những khóa đầu tiên của Trường Sư phạm (École Normale) Ông không muốn về tỉnh nhà, mà xin Nhà nước điều về Thành phố Cảng. Một lần tôi có hỏi ông tại sao, vì Đáp Cầu đã có hệ thống Giáo dục hẳn hoi, ông trả lời, dân làng ấy vẫn còn giữ nhiều tục lệ cổ hủ, và thứ làm ông ấy ngán nhất là xưng hô. Một đứa oắt con kém mình chục tuổi mà tính họ hàng mình vẫn phải gọi là chú, là bác, là ông... và xưng là cháu thì bực lắm. Xuống Hải Phòng ông ấy được kính trọng, được đối xử bình đẳng...


                                            II

Sau khi tiễn chân ông Ngọc Giao về, tôi hứa sẽ cố tìm thêm lần nữa và nếu thấy xem trong đống sách báo có ảnh bà Lý Lệ Hà, tôi sẽ báo ngay ông biết...
Lát sau quay vào, tôi suy nghĩ miên man. Thái độ lạnh lùng chán chường của cha tôi quãng đời về sau có thể nguyên nhân là ở vấn đề mà Giáo sư Nhật Tsuboi sau này đã nói đến trong cuốn “Việt Nam giữa Pháp và Trung Hoa”, tức là vấn đề cha tôi đã được hưởng cái không khí “Cộng hòa”, về sau chịu một cái không khí lạc hậu hơn nó, Người bối rối, thậm chí hoang mang, và do bản chất bạc nhược, nhát gan và lại lắm tự ái, Người dùng thái độ “tránh đi cho nó nhẹ người”.

Cha tôi được hưởng cái “không khí Cộng hòa” kia là do Người học trường Pháp, tiếp nhận nền văn hóa Pháp, mọi người bình đẳng, chỉ dưới quyền luật pháp. Đến khi không được hưởng cái không khí ấy, Người gần như đi niềm vui sống... Và quả thật, những sự kiện lịch sử năm 1944-45-46... giống như một cuộc bể dâu” cụ Nguyễn Du đã nói đến. Khi không khí Cộng hòa mất đi, người ta quay lại trật tự Vua-Quan, phân biệt đối xử giữa trong và ngoài Đảng, cấp trên cấp dưới, rồi các thứ mà sau này ông Phan Khôi gọi là “chủ nghĩa gia tộc”... Chính vì ảnh hưởng của tác phong “Cộng hòa” mà hồi ấy cha tôi không nhận chân dạy học ở quê mà xin đi dạy ở Hải Phòng, một nơi xa lạ. Khi ấy Hải Phòng là một thành phố thứ hai ở Bắc Kỳ, sau Hà Nội và trên Nam Định, áp dụng luật pháp của Pháp... Tôi nhớ giấy khai sinh của cả sáu anh chị em của tôi đều ghi tiếng Việt, riêng của tôi, sinh ra ở Hải Phòng ghi bằng tiếng Pháp : “Acte de Naissance...”.
                                                         *

Luật nước Pháp là luật của một nhà nước cộng hòa. Trong loại nhà nước ấy, mọi người đều bình đẳng. Tinh thần cộng hòa khác hẳn tinh thần “lễ giáo” xưa cũ lúc nào cũng phải phân biệt “ai trên ai dưới” và “dưới” phải kính trọng, phục tùng “trên”... Những người làm nên Cách mạng Tháng Tám hứa hẹn “tự do, dân chủ” cho dân cho nước nhưng khi thành công, họ vứt bỏ hai khẩu hiệu ấy, vì không cần dùng chúng để tuyên truyền nữa. Họ lập nên một xã hội Đảng trị (thực chất là xã hội Quân chủ), toàn bộ quyền lực nằm trong tay một số người rất nhỏ, hiểu biết hạn hẹp và khao khát quyền lực, tự cho mình cái quyền muốn cho ai cái gì, muốn tước đoạt của ai cái gì, muốn cấm ai cái gì, mọi người đều phải chịu.
Trước tình trạng ấy, cha tôi thất vọng, bất lực và do bản chất “ngại đấu tranh” và nhút nhát nên Người đã rút vào cái thế “cắn răng chịu đựng” cũng không có gì lạ.


[i] Gia đình tôi, con cái gọi cha mẹ là “cậu mợ”. Sau ngày tiếp quản Thủ đô năm 1954, cha tôi bảo các con đừng gọi thế nữa mà thay bằng “bố và mẹ”, nhưng phải rất lâu chúng tôi mới quen được cách gọi mới mẻ ấy. Riêng em gái tôi, Vũ Kim Thoa, thì nhất định không chịu thay đổi, vẫn gọi cha mẹ chúng tôi là “cậu-mợ” như thời xưa.